Đề tài Làm thế nào đề giải quyết tốt tranh chấp địa giới hành chính giữa hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị

Quản lý địa giới hành chính là một trong những công việc quan trọng trong quản lý nhà nước của mỗi quốc gia, ổn định lãnh thổ là một trong những tiền đề của sự phát triển. Trong điều kiện hoàn cảnh hiện nay, việc chấm dứt tình trạng tranh chấp địa giới hành chính, ổn định đơn vị hành chính sẽ tạo điều kiện cho nhân dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống. Từ ý nghĩa đó, bằng lý luận và thực tiễn trong tiểu luận tôi xin mạnh dạn đưa ra một số phương án để giải quyết tranh chấp địa giới giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Trị mà cụ thể là hai đoạn thôn Câu Nhi Phường, và xã Hồng thuỷ, mong rằng đó là những phương án mà có thể giúp cho các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm sự tranh chấp nói trên và cũng là cơ sở để áp dụng giải quyết tốt các đoạn tranh chấp địa giới hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng, giữa tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, giữa tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa Vũng Tàu.

doc24 trang | Chia sẻ: aloso | Lượt xem: 3116 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Làm thế nào đề giải quyết tốt tranh chấp địa giới hành chính giữa hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỞ ĐẦU Ở mỗi thời đại phát triển, với trình độ khoa học và công nghệ quản lý, các nhà nước khác nhau lại có thể có tổ chức bộ máy quản lý đất nước khác nhau, nhưng tất thảy đều phải phân chia lãnh thổ ra các địa hạt lớn nhỏ để tổ chức bộ máy quản lý theo các cấp, các đơn vị quản lý hành chính lãnh thổ, gọi là tổ chức hành chính lãnh thổ. Việc định ra quy mô địa hạt, số cấp địa hạt ở mỗi quốc gia, ở mỗi thời kỳ và hình thức tổ chức bộ máy quản lý ở các địa hạt phụ thuộc vào nhiều yếu tố về tự nhiên cũng như yếu tố về kinh tế xã hội. Trong công tác quản lý nhà nước nói chung, quản lý địa giới nói riêng bao gồm cả việc phân định, điều chỉnh sắp xếp lại các đơn vị hành chính và nhất là việc giải quyết các tranh chấp địa giới hành chính quả là vấn đề không ít khó khăn, phức tạp, không chỉ đòi hỏi những hiểu biết lý thuyết và kinh nghiệm đầy đủ, chi tiết, sâu sắc, mà còn cần có những trình độ lý luận cơ bản về địa giới hành chính và quản lý địa giới hành chính. Chỉ thị 364/CT ngày 06/01/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về việc giải quyết những tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính và lập bộ bản đồ hiện trạng về địa giới hành chính tỉnh, huyện, xã được ban hành vào lúc sự nghiệp đổi mới của đất nước ta giành được những thành tựu quan trọng, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Nhưng hiệu lực và hiệu quả quản lý của bộ máy chính quyền địa phương các cấp còn bất cập so với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, trong đó việc quản lý địa giới hành chính và đặc biệt là việc giải quyết tranh chấp địa giới hành chính còn nhiều nhược điểm cả về nhận thức và thực tiễn. Mà cụ thể là những quan điểm, nhận thức, hành vi của con người thuộc hai đơn vị hành chính liền kề nhau không thống nhất nhau, tại cùng một thời điểm (hoặc khu vực) trên đường địa giới hành chính đã không thể tự thương lượng được và rất cần các cấp có thẩm quyền giải quyết. Theo thống kê của Ban tổ chức Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) đến năm 1991, trên toàn quốc có 2.544 điểm tranh chấp đất đại liên quan đến địa giới hành chính, trong đó có 352 điểm tranh chấp giữa các tỉnh với nhau. Trong quá trình thực hiện Chỉ thị 364/CT, quá trình khảo sát, xác định đường ranh giới hành chính lại phát triển thêm 2.994 điểm ranh giới không rõ ràng, phát sinh tranh chấp (trong đó có 68 điểm liên quan đến đường địa giới cấp tỉnh). Nhiều điểm tranh chấp kéo dài hàng chục năm đã được các cấp chính quyền tiến hành giải quyết nhiều lần nhưng không kết luận được... Ở tỉnh Thừa Thiên Huế có trên 100 điểm tranh chấp địa giới hành chính giữa các huyện, xã trong tỉnh đã được UBND tỉnh, huyện giải quyết. Riêng tuyến địa giới cấp tỉnh hiện nay vẫn tồn tại hai tuyến địa giới có tranh chấp: Tuyến giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Trị và tuyến địa giới giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với thành phố Đà Nẵng. Việc tranh chấp địa giới hành chính đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của nhân dân trong vùng. Nhân dân không yên tâm làm ăn, sản xuất. Việc quản lý của các cấp chính quyền trong vùng tranh chấp đã gặp rất nhiều khó khăn. Về mặt tình cảm chỉ vì việc tranh chấp về địa giới hành chính đã ảnh hưởng đến tình cảm vốn có lâu nay giữa nhân dân và cán bộ của các địa phương liên quan. Các cấp, các ngành đã mất quá nhiều thời gian, tiền bạc, công sức nhưng vấn đề vẫn chưa giải quyết một cách triệt để. Trước tình hình đó, tôi mạnh dạn chọn tình huống : Làm thế nào đề giải quyết tốt tranh chấp địa giới hành chính giữa hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị nhằm chỉ ra thực trạng, các nguyên nhân sâu xa dẫn đến tranh chấp. Qua đó đề xuất nghiên cứu các giải pháp nhằm giải quyết dứt điểm việc tranh chấp trên tuyến địa giới này. NỘI DUNG I. NỘI DUNG TÌNH HUỐNG 1. Hoàn cảnh ra đời tình huống Tháng 5/1993 tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai thực hiện Chỉ thị 364/CT, đến cuối năm 1994 tỉnh đã hoàn thành việc lập bộ bản đồ, hồ sơ địa giới hành chính các cấp của tỉnh. Ngày 31/7/1995 hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính của tỉnh đã được Hội đồng nghiệm thu Trung ương tổ chức nghiệm thu và đánh giá xếp loại khá. Mặc dầu đã được nghiệm thu, nhưng trên tuyến địa giới hành chính cấp tỉnh giữa hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị vẫn còn hai đoạn chưa giải quyết xong, do đó bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính của hai tỉnh, các huyện, các xã có liên quan đến đường địa giới giữa hai tỉnh vẫn chưa được hoàn chỉnh và chưa khép kín được đường địa giới. Cụ thể: - Đoạn giữa xã Hồng Thuỷ, thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế với xã A Bung, Huyện ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị. - Đoạn giữa thông Câu Phi Phường thuộc xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị với xã Phong Thu, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong quá trình thực hiện Chỉ thị 364/CT, lãnh đạo hai tỉnh và các đơn vị có liên quan đã nhiều lần gặp nhau trao đổi, triển khai đi thực địa đo vẽ nhưng hai bên vẫn không thống nhất được. Vì vậy, ngày 22/11/1995 Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 762/TTg về việc xác định đường ranh giới hành chính giữa hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị trên cơ sở đường địa giới thể hiện trên bản đồ 1/200.000 do Cục đo đạc và Bản đồ Nhà nước phát hành năm 1962 và Bản đồ 1/50.00 UTM tái bản vào năm 1978. Theo Quyết định số 762/TTg thì xã Hồng Thuỷ thuộc Huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế nằm về phí tỉnh Quảng Trị. Một phần thôn Câu Nhi Phường, thuộc xã Hải Chánh, Huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị có 31 hộ (thời điểm tháng 4 năm 1998), thôn Tân Lập, Tân Xuân, Phú Kinh Thượng nằm về phía xã Phong Mỹ, Phong Thu, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngày 21/04/1998 lãnh đạo UBND hai tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành tổ chức hội nghị biện pháp giải quyết tuyến địa giới hành chính giữa hai tỉnh theo Quyết định số 762/TTg và lãnh đạo hai tỉnh đã đi đến thống nhất như sau: - Tỉnh Thừa Thiên Huế có trách nhiệm chuyển giao nguyên trạng xã Hông Thuỷ thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế về huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị quản lý. Tuyến địa giới hành chính từ biển Đông lên Quốc lộ 1A hai tỉnh nhát trí như UBND các xã liên quan của hai tỉnh đã xác nhận đường ranh giới hành chính trên bản đồ thuộc xã mình quản lý theo hiện trạng. - Tỉnh Quảng Trị có trách nhiệm bàn giao nguyên trạng hai thôn: Tân Lập (xã Hai BA), Tân Xuân (xã Hải Xuân) thuộc huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị về xã Phong Thu và thông Phú Kinh Phường thuộc xã Hải Hoà, Huyện Hải Lăng về xã Phong Mỹ huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế quản lý. - Riêng thôn Câu Nhi Phường thống nhất xác định đường địa giới giữa hai tỉnh theo Quyết định số 762/TTg ngày 22/11/1995 của Thủ tướng Chính phủ. Công nhận 21 hộ dân cư thuộc thôn Câu Phi Phường, thuộc xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đang sống và canh tác trên diện tích thuộc xã Phong Thu huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế quản lý được tiếp tục xâm canh, xâm cư theo nguyên trạng. - Hai tỉnh giao cho hai Ban tổ chức chính quyền (nay là Sở Nội vụ) phối hợp cùng các cơ quan chức năng liên quan và các địa phương chuẩn bị nội dung để lãnh đạo hai tỉnh tiến hành ký kết hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và bàn giao trong tháng 7/1998. 2. Diễn biến tình huống Thực hiện các cam kết trên hai tỉnh đã tiến hành đi thực tế để xác định diện tích xâm canh, xâm cư thuộc thôn Câu Phi Phường nằm trên địa phận xã Phong Thu và chuẩn bị các bước thủ tục để tiến hành bàn giao. Các cơ quan chuyên môn của hai tỉnh tiến hành đi thực địa đo vẽ, chôn mốc chuẩn bị cho việc bàn giao theo biên bản thống nhất giữa lãnh đạo hai tỉnh đã gặp trở ngại: Nhân dân thôn Câu Phi Phường và cán bộ xã Hải Chánh không chịu ký vào biên bản mô tả, đo vẽ phần diện tích xâm canh, xâm cư của thôn Câu Nhi Phường nằm trên địa phận của xã Phong Thu, với lý do diện tích đất ở, đất nghĩa địa và đất canh tác của thôn Câu Nhi Phường tuy là xâm canh, xâm cư trên đất xã Phong Thu quản lý, nhưng nằm liền với đường địa giới của hai xã, hai huyện đồng thời là địa giới của hai tỉnh. Dù là đất xâm canh, xâm cư thì cũng do nhân dân thôn Câu Nhi Phường sử dụng từ lâu nay. Do đó, nhân dân đề nghị điều chỉnh lại đường địa giới ở đoạn đi của thôn Câu Nhi Phường phù hợp với hiện trạng nhân dân đang sử dụng. Mặt khác, sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhân dân và cán bộ xã Hồng Thuỷ đã nhiều lần viết đơn gửi các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và huyện A Lưới kiến nghị mong muốn được sinh hoạt ổn định ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế không chịu nhập về tỉnh Quảng Trị. Nhân dân không đồng tình với quyết định của Chính phủ với lý do: - Lịch sử nhân dân xã Hồng Thuỷ xưa nay cuộc sống gắn bó với huyện A Lưới, chưa bao giờ Hồng Thuỷ trực thuộc Quảng Trị. - Phong tục tập quán của nhân dân xã Hồng Thuỷ (99% dân tộc PaCô) khác xa phong tục tập quán của đồng bào Vân Kiều, thuộc xã A Bung, huyện ĐaKrông, tỉnh Quàng Trị. - Điều kiện sinh hoạt đi lại từ xã Hồng Thuỷ về trung tâm huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế gần và thuận lợi hơn (cách khoảng 30km) về trung tâm huyện lỵ ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị (cách khoảng 90km). Cán bộ và bà con của xã Hồng Thuỷ làm việc và sinh sống khá đông ở trung tâm huyện lỵ A Lưới... Do chưa thống nhất được hai đoạn: Đường địa giới đi qua thôn Câu Nhi Phường và chuyển toàn bộ xã Hồng Thuỷ từ Thừa Thiên Huế về Quảng Trị quản lý cho nên Quyết định số 762/TTg ngày 22/11/1995 vẫn chưa được thực hiện. Từ đó đến nay hai tỉnh vẫn quản lý địa giới hành chính theo hiện trạng: Xã Hồng Thuỷ vẫn thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, các thôn Câu Nhi Phường, Tân Lập, Tân Xuân và thông Phú Kinh Phường vẫn do tỉnh Quảng Trị quản lý. Ngày 14/10/2003 Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 5059/VPCP-NC giao cho Bộ Nội vụ thành lập đoàn nghiên cứu thực địa và hỏi nguyện vọng của nhân dân để có hướng giải quyết dứt điểm vấn đề này. Bộ Nội vụ đã thành lập đoàn đi khảo sát, Uỷ ban nhân dân nguyện Quốc hội cũng đã vào làm việc với cán bộ và nhân dân trong vùng tranh chấp. Ngày 15/03/2005 Bộ Nội vụ đã có Báo có số 535/BC-BNV báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình giải quyết tranh chấp địa giới hành chính giữa tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề xuất phương án giải quyết. Ngày 04/10/2005 Chính phủ có công văn số 132/CP-NC gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến đề xuất giải quyết tranh chấp địa giới hành chính một số tỉnh, trong đó có tuyến địa giới hành chính giữa Thừa Thiên Huế và Quảng Trị. Tuy nhiên đến nay vấn đề này vẫn chưa được các cấp có thẩm quyền giải quyết dứt khoát. II. PHÂN TÍCH TÌNH HUỐNG 1. Cơ sở lý luận a. Về căn cứ lý luận. - Hiến pháp năm 1992 (sử đổi năm 2001) - Luật tổ chức chính phủ. - Luật tổ chức hoạt động của HĐND và UBND. - Chỉ thị 364/CT ngày 06/11/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) - Thông tư số 01/TT-LN ngày 23/3/1992 của Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) về giải quyết tranh chấp trong thực hiện Chỉ thị 364/CT khi ban hành một quyết định về giải quyết tranh chấp về địa giới hành chính trên cơ sở các văn bản hành chính và văn bản hướng dẫn để giải quyết việc tranh chấp địa giới hành chính. + Việc giải quyết tranh chấp phải đúng thẩm quyền. + Phải căn cứ vào các điều kiện tự nhiên của từng vùng mà phân định ra các địa hạt hành chính, dù là cấp tỉnh, cấp huyện hay cấp xã. Thông thường thì địa hình bao hàm cả địa thế, do đó quyết định cơ bản là mạng lưới sông ngòi, núi non, ao hồ và cả hệ thống giao thông thuỷ bộ, tiềm năng đất đai và tài nguyên thiên nhiên của địa bàn, quyết định tới khí hậu, thảm động vật, đặc điểm phân bổ dân cư... + Căn cứ vào điều kiện trật tự an ninh, an ninh quốc phòng của địa bàn, mục tiêu chính của việc phân định, điều chỉnh địa giới hành chính là đảm bảo trật tự an toàn xã hội, an ninh chính trị và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. + Căn cứ vào điều kiện để phát triển. Dựa trên thực trạng tiềm năng kinh tế xã hội vốn có của địa bàn cùng với sự hỗ trợ từ bên ngoài địa bàn, sao cho thuận lợi nhất cho sự tăng trưởng, bởi mục tiêu của chúng ta là phấn đấu cho dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh. Việc sắp xếp điều chỉnh địa giới hành chính phải bảo đảm thuận lợi cho mỗi địa bàn trong tiến trình phát triển. Cần nghiên cứu tới dự báo trong tương lai, chiến lược phát triển kinh tế xã hội của cả vùng... + Căn cứ vào đường lối chính trị, đường lối phát triển kinh tế xã hội của Đảng và Nhà nước. Đành rằng đường lối chính trị phát triển kinh tế xã hội của Đảng và Nhà nước cũng đã xem xét tới các điều kiện tự nhiên và dân sinh kinh tế đất nước, của từng địa phương và mối quan hệ quốc tế... + Phải xem xét tới truyền thống văn hoá của mỗi địa bàn, bởi đây là vấn đề cốt lõi của sinh hoạt cộng đồng, là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới công tác quản lý nhà nước địa phương. Như đã nói, truyền thống là có những nét riêng giữa địa bàn này với địa bàn khác, giữa cộng đồng này với cộng đồng khác, kể cả phong tục tập quán, sắc tộc tôn giáo... cho nên trong phân định điều chỉnh địa giới hành chính vừa phải phát huy truyền thống văn hoá tốt đẹp, vừa phải hạn chế những văn hoá truyền thống độc hại... đặc biệt trong thời đại ngày nay, khi mức sống được nâng cao, chi phí thời gian và công của văn hoá ở mỗi con người, ở mỗi gia đình, ở mỗi cộng đồng là khá lớn và ngày càng nâng cao. + Phải xem xét mối quan hệ giữa đơn vị hành chính này với đơn vị hành chính khác sao cho mối quan hệ giữa các địa hạt ngày càng tốt hơn, đặc biệt trong cơ chế kinh tế thị trường hiện nay. + Phải xem xét tới yếu tố diện tích đất đai và dân số. Vấn đề ở đây không chỉ là đất rộng hay hẹp mà vấn đề cần cân đối dân số và diện tích giữa các đơn vị hành chính. b. Về căn cứ thực tiễn Bên cạnh những căn cứ pháp lý khi giải quyết vấn đề tranh chấp địa giới hành chính còn phải căn cứ vào những cơ sở thực tiễn như: - Phải dựa vào nhân dân để giải quyết, các giải pháp đưa ra phải được nhân dân đồng tình ủng hộ thì các giải pháp mới được thực hiện triệt để. - Phải coi giải pháp thương lượng, hòa giải, thấu tình đạt lý là giải pháp tối ưu trong mọi trường hợp. - Khi giải quyết tranh chấp địa giới hành chính phải nghiên cứu tài liệu, các vấn đề kinh tế xã hội liên quan, đồng thời phải trên tinh thần đoàn kết, nhường nhịn và chiếu cố quyền lợi của mỗi bên. - Khi giải quyết bằng con đường hoà giải không được thì buộc phải lập hồ sơ chuyển lên cấp có thẩm quyền giải quyết. Hồ sơ để giải quyết và các bước tiến hành giải quyết phải tuân thủ như tiến hành phân định và điều chỉnh địa giới hành chính. Để giải quyết tốt tranh chấp, đảm bảo tốt công tác tổ chức theo lãnh thổ và đoàn kết phấn khởi trong nhân dân hồ sơ cần kèm theo đầy đủ biên bản của các lần đàm phán, hoà giải của cả hai bên và các nghị quyết quyết định của cấp có thẩm quyền trước đây và liên quan đến tranh chấp. 2. Nguyên nhân Qua thực tế nghiên cứu cho thấy, tình trạng tranh chấp địa giới hành chính nói chung và tranh chấp địa giới hành chính giữa Thừa Thiên Huế và Quảng Trị nói riêng là do các nguyên nhân cơ bản sau: a. Nguyên nhân khách quan - Địa giới hành chính các cấp qua kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cải cách ruộng đất, xây dựng hợp tác xã nông nghiệp,... việc điều chỉnh và chuyền nhượng lại cho nhau giữa các địa phương đến nay không còn căn cứ để xem xét, vả lại đất đai thuộc sở hữu của toàn dân, Nhà nước quản lý thống nhất có chính sách giao ruộng đất cho tổ chức và cá nhân sử dụng chưa được nhận thức sâu sắc trong cán bộ và nhân dân một cách nhất quán. - Công tác quản lý địa giới hành chính nhiều năm bị buông lỏng, thiếu quy chế chặt chẽ khi có ý kiến khác nhau lại không được giải quyết triệt để, kiên quyết, hiện tượng hữu khuynh tránh né đã làm cho việc tranh chấp đất đai có liên quan đến địa giới hành chính kéo dài gây ảnh hưởng xấu. - Các văn bản quyết định thành lập, điều chỉnh địa giới hành chính của nhà nước những năm qua thiếu cụ thể, không xác định rõ ràng trên thực địa và bản đồ nên mỗi địa phương hiểu khác nhau về đường địa giới hành chính nên xảy ra tranh chấp. - Nhà nước ta cho đến khi tổ chức thực hiện Chỉ thị 364/CT chưa có bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính thống nhất trong cả nước để là tài liệu quản lý và căn cứ giải quyết tranh chấp giữa các đơn vị hành chính. - Có một số địa phương trong việc giải quyết tranh chấp giữa các đơn vị hành chính đã không làm đúng pháp luật lại để một số phần tử xấu cơ hội kích động quần chúng, làm cho tình hình tranh chấp ở những điểm này càng gay gắt phức tạp thêm. b. Nguyên nhân chủ quan - Các cấp chính quyền ở địa phương buông lỏng quản lý, không nắm được địa giới hành chính địa phương mình. - Công tác phân vạch, điều chỉnh địa giới hành chính không tuân thủ chặt chẽ theo quy định, thủ tục, một số nơi làm đại khái. - Tư liệu, tài liệu về địa giới hành chính ở nhiều địa phương không được bảo quản, lưu trữ cẩn thận nên thất lạc nhiều. - Công tác quản lý địa giới hành chính sử dụng nhiều loại tài liệu bản đồ khác nhau, thiếu tính thống nhất, chính xác và pháp lý. 3. Phân tích tình huống Việc tranh chấp địa giới hành chính giữa hai tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Trị, nhất là từ khi có Quyết định 762/TTg đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của nhân dân trong vùng. Đối với nhân dân, chính quyền nằm trong đoạn địa giới hành chính giữa xã Hồng Thuỷ, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế với xã A Bung, huyên ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị không yên tâm làm ăn, sản xuất. Tuy không được sự đồng ý của lãnh đạo cốt cán, một số già làng, trưởng bản xã Hồng Thủy đã chủ động vận động bà con, góp tiền cử người về Tỉnh, ra Trung ương đề đạt nguyện vọng của mình đã làm mất nhiều thời gian và tốn tiền bạc của nhân dân. Đã xảy ra tình trạng người dân xã A Bung sang khai thác rừng trái phép ở phần đất thuộc xã Hồng Thủy nhưng chính quyền xã Hồng Thủy không thể xử lý được. Tâm lý người dân hoang mang, một số đã có tư tưởng nếu Trung ương vẫn tiếp tục chuyển xã Hồng Thủy về tỉnh Quảng Trị quản lý họ sẽ di cư sang Lào. Đối với đoạn địa giới hành chính giữa thôn Tân Lập (xã Hải Ba), Tân Xuân (xã Hải Xuân), Câu Nhi Phường (xã Hải Chánh), huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị với xã Phong Mỹ, Phong Thu, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế cuộc sống của nhân dân, công tác quản lý của chính quyền các cấp gặp không ít khó khăn: Hiện nay, qua khảo sát cho thấy diện tích Lâm nghiệp của Thừa Thiên Huế bị lấn chiếm: 146,3 ha (trong đó trồng trước năm 2003 là 63 ha; năm 2004 là 19,1 ha; năm 2005 là 64,2 ha). Tuy diện tích này vẫn do Lâm trường Phong Điền quản lý nhưng từ năm 1995 đến 2003 nhân dân thôn Câu Nhi vẫn tiếp tục phát đất để trồng rừng (theo nhóm, hộ) bất chấp sự giải thích, ngăn cản của lực lượng bảo vệ rừng của Lâm trường. Cụ thể sau khi Lâm trường Phong Điền đã phát thực bì trên 20 ha nhưng nhân dân thôn Câu Nhi xã Hải Chánh huyện Hải Lăng đã kéo lực lượng trên 100 người lên cản trở chính vì vậy mà Lâm trường không thể triển khai trồng rừng được mặc dù Lâm trường đã nhiều lần tiếp xúc để đưa bản đồ ranh giới để thuyết phục. Nhưng vẫn không được nhân dân thôn chấp nhận và tiếp tục lấn chiếm. Đặc biệt năm 2004, khi Lâm trường tiếp tục tổ chức thiết kế để trồng rừng kinh tế, diện tích thiết kế 198 ha, trên 3 tiểu khu 878, 879 và 880. Sau khi phát và xử lý được 15 ha, ngày 29/09/2004 nhân dân thôn Câu Nhi đã tổ chức trên 100 người tranh lấn khu vực đất Lâm trường và phát dọn để lấn chiếm. Cụ thể đã lấn 2,5 ha trong đó đã trồng 1,8 ha. Khi xảy ra sự việc trên UBND huyện đã có công văn gửi UBND huyện Hải Lăng và UBND tỉnh Quảng Trị về tình hình trên, đồng thời đề nghị các cấp chính quyền tỉnh Quảng Trị có biện pháp ngăn chặn, mặt khác UBND huyện đã chỉ đạo Lâm trường huyện có các biện pháp tích cực như tiếp xúc với nhân dân để động viên họ không tiếp tục tranh lấn, đồng thời làm việc với ban quản lý thôn và chính quyền xã để được phối hợp giải quyết nhưng tình hình hiện nay vẫn còn gặp không ít khó khăn. Hiện có 91 hộ với 427 khẩu thuộc các thôn Tân Ba xã Hải Ba, Tân Xuân xã Hải Xuân, thôn Câu Nhi Phường xã Hải Chánh huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị xâm cư. Với tổng diện tích đất xâm canh (trừ diện tích đất lâm nghiệp) là 132,3 ha (Đất nông nghiệp: 71 ha; đất nghĩa địa: 23,5 ha; đất ở: 37,8 ha). Do tình trạng hộ khẩu thuộc huyện Hải Lăng quản lý, đất đai thuộc địa giới hành chính huyện Hải Lăng quản lý, đất đai thuộc địa giới hành chính huyện Phong Điền. Nên vấn đề giải quyết vấn đề đất đai ở đây khá phức tạp. Đến nay các hộ dân chưa được cấp giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất. Tình trạng vi phạm về đất đai như xây dựng trái phép, mua bán chuyền nhượng đất vi phạm pháp luật thường xuyên xảy ra, điển hình như: Năm 2003, có 03 trường hợp xây dựng và làm quán trái phép đã vi phạm đến luật đất đai, đó là: các hộ ông Hồ Văn Lộc, ông Nguyễn Khoa Hùng và bà Phạm Thị Tiệm; năm 2004 hộ ông Đặng Ngọc Thành làm quán trái phép và UBND xã Phong Thu đã lập biên bản nhưng ông Đặng Ngọc Thành đã chống đối, không chấp hành. Ngoài ra còn có hộ Hoàng Văn Chiến, Nguyễn Văn Toàn đã tiến hành san lấp mặt bằng, xây dựng trái phép. Năm 2005 bà Phan Thị Tiệm chưa có giấy tờ giao đất mà đã tiến hành làm quán. Trước tình hình UBND huyện Phong Điền đã có các biện pháp xử phạt hành chính như là lập biên bản, ra quyết định xử phạt hành chính nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được và tình hình ngày càng phức tạp hơn. Để đảm bảo an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, ngày 30/07/2004 Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản số: 359/PC 13 (HK) gửi Công an tỉnh Quảng Trị để đề nghị phối hợp với công an huyện Phong Điền tiến hành kiểm tra nắm bắt số hộ, khẩu đang cư trú trên địa bàn xã Phong Thu. Qua kiểm tra hiện nay có 91 hộ gồm 427 khẩu đã có nhà ở và đang sinh sống ở địa phận xã Phong Thu, trong đó Thôn Tân Ba xã Hải Ba: 44 hộ (203 khẩu); thôn Tân Xuân xã Hải Xuân: 40 hộ (189 khẩu); thôn Câu Nhi Phường xã Hải Chánh: 7 hộ (35 khẩu) nhưng mọi điều hành về nhân hộ khẩu và các hoạt động khác đều do huyện Hải Lăng quản lý nên rất khó khăn trong việc quản lý tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Tại khu vực giáp ranh đã có rất nhiều hộ kinh doanh như: Ngành ăn uống (4 hộ), ngành bánh kẹo (4 hộ), ngành vật liệu xây dựng (1 hộ). Hiện nay một số hộ kinh doanh ở đây đã được UBND huyện Hải Lăng cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Cục thuế tỉnh Quảng Trị cấp giấy chứng nhận đăng ký thuế. Do vậy các hộ này đã nộp thuế tại huyện Hải Lăng mặc dù địa điểm kinh doanh thuộc xã Phong Thu huyện Phong Điền quản lý từ tháng 7 năm 2003 đến nay. Và một năm huyện thất thu thuế gần 150.000.000 đồng không chỉ các hộ trên mà nay đang tạo ra phản ứng dây chuyền kéo theo nhiều hộ kinh doanh khác chuyển sang nộp thuế tại huyện Hải Lăng với lý do họ là người dân do huyện Hải Lăng quản lý nên nộp thuế như một điều kiện để được chính quyền xem xét giải quyết các thủ tục về hành chính. Năm 2001, UBND xã Phong Thu đã đông ý cho Lê Đại Tam xã Phong Thu huyện Phong Điền tiến hành xây dựng trang trại ở tiểu khu 12 (mới) thuộc địa phận xã Phong Thu quản lý. Trong quá trình triển khai ông Lê Đại Tam đã cho đào hồ nuôi cá, trồng cây nhưng vào ngày 08/09/2004 một số bà con thông Câu Nhi và xã Hải Chánh vào ngăn cản, phá đập nước của ông Tam. Vừa qua Chi cục Thú y tỉnh Thừa Thiên Huế xin đất xây dựng chốt kiểm dịch động vật tại vùng giáp ranh. UBND xã Phong Thu và UBND huyện Phong Điền đã đồng ý tiến hành lập các thủ tục để giao đất. Nhưng bà con ở đây lại cản trở, không phối hợp giải phóng mặt bằng với lý do họ chưa có ý kiến chỉ đạo của chính quyền xã và huyện Hải Lăng. Để tránh mâu thuẫn và phức tạp xảy ra, UBND xã Phong Thu và huyện Phong Điền đã đành phải nhân nhượng làm việc với Chi cục Thú y để chuyển địa điểm khác. Ngày 01/6/2006 Hợp tác xã Nam Hải xã Hải Chánh huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị vào thi công tại đập Cổng thuộc địa phận thông Đông Lái xã Phong Thu, sau khi nhận được tin, UBND xã Phong Thu đã chỉ đạo cán bộ địa chính, công an xã đến lập biên bản, yêu cầu đình chỉnh nhưng vẫn không chấp hành và tiếp tục thi công, do đó nhân dân thôn Đông Lai bức xúc và đến tháo gỡ công trình và không cho xây dựng. Đến ngày 10/06/2006, Hợp tác xã Nam Hải tiếp tục thi công đập nước tràn xã lũ tại khu vực đập Cổng thuộc địa phận Đông Lái xã Phong Thu, trước tình hình đó UBND xã Phong Thu đã chỉ đạo Công an xã đến nắm tình hình như sau: Tại khu vực đập Cổng có khoảng 30 người dân xã Hải Chánh đang thi công xây dựng đập tràn xã lũ. Để tránh xung đột tranh chấp xảy ra giữa nhân dân 2 thông Câu Nhi và Đông Lái. UBND xã Phong Thu đã liên lạc để đề nghị Chủ tịch UBND xã can thiệp đình chỉ thi công nhưng Chủ tịch UBND xã Hải Chánh vẫn không có thái độ hợp tác và HTX Nam Hải vẫn tiếp tục thi công. III. XỬ LÝ TÌNH HUỐNG 1. Mục tiêu cần đạt được Từ thực trạng và nguyên nhân dẫn đến tranh chấp đặt ra mục tiêu cần đạt được trong việc giải quyết tranh chấp về địa giới hành chính giữa Thừa Thiên Huế và Quảng Trị là phải bảo đảm quản lý hành chính tốt nhằm phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm trật tự trị an, an toàn xã hội, an ninh chính trị và củng cố quốc phòng, giữ vững hoà khí, tinh thần đoàn kết trong cán bộ cũng như nhân dân. 2. Đề xuất phương án và giải pháp xử lý a. Phương án giải pháp đã thực hiện Để giải quyết tranh chấp địa giới hành chính giữa Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 762/TTg ngày 06/11/1995, để phân vạch đường địa giới hành chính giữa hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị như sau: Đường địa giới hành chính giữa Thừa Thiên Huế và Quảng Trị kéo dài từ đỉnh Tam Boi (giáp Lào) đi theo các điểm cao: Động Cát Cú, đỉnh Cóc-Tôn-Bhai, động Ba Lê, động Chiên Dong chạy qua mốc 655+030 ra đến biển Đông được thể hiện trên bản đồ 1/200.000 do Cục đo đạc và Bản đồ Nhà nước phát hành năm 1962 và bản đồ 1/50.000 UTM do Cục đo đạc và Bản đồ Nhà nước (nay là Tổng cục địa chính thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường) tái bản năm 1978 có độ dài khoảng 125,45km. b. Nhận xét đánh giá ưu khuyết điểm của phong án. Việc ban hành Quyết định 762/TTg để giải quyết tranh chấp địa giới giữa Thừa Thiên Huế và Quảng Trị của Thủ tướng Chính phủ về phương diện thẩm quyền là hoàn toàn sai, bởi vì: Căn cứ Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001) thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp địa giới hành chính cấp tỉnh thuộc về Quốc hội. Xét về mặt nội dung thì đây là một quyết định chưa đảm bảo tính hợp lý, thể hiện ở các mặt: - Đối với các đoạn địa giới đi qua thông Câu Nhi Phường xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị: Theo Quảng Trị thì đường địa giới giữa hai tỉnh Thừa Thiên Huế và q và Quảng Trị thì đi qua giữa thôn Câu Nhi Phường. Có 21 hộ của thôn và toàn bộ diện tích đất canh tác, đất nghĩa địa của họ cũng xâm canh, xâm cư trên đất xã Phong Thu. Nếu xét về nguyên tắc phần đất thổ cư và đất canh tác của thôn Câu Nhi Phường xâm canh, xâm cư trên đất xã Phong Thu là đúng. Song các phần đất đó lại gắn liền với đường địa giới nên việc quyết định chuyển giao toàn bộ đất xâm canh, xâm cư của thôn Câu Nhi Phường sang cho xã Hải Chánh quản lý là hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc đất đai là tài sản của quốc gia, việc giao cho địa phương nào quản lý thuận lợi, phát huy được hiệu quả do nhà nước quyết định. Mặt khác chuyển giao toàn bộ đất xâm canh, xâm cư của thôn Câu Nhi Phường sang cho xã Hải Chánh quản lý còn tạo điều kiện thuận tiện cho công tác quản lý nhà nước, tránh được tình trạng hộ khẩu một nơi, dân ở một nơi. - Về việc cắt xã Hông Thuỷ thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế giao cho huyện ĐaKrông tỉnh Quảng Trị quản lý theo Quyết định 762/TTg là chưa đảm bảo những yêu cầu chủ yếu như: Xét về điều kiện tự nhiên, điều kiện trận tự trị an, an ninh quốc phòng, điều kiện phát triển, truyền thống văn hoá mối quan hệ giữa đơn vị hành chính giữa huyện với xã, xã với xã... để xét điều chỉnh địa giới hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị. - Chưa áp dụng đúng nguyên tắc về giải quyết tranh chấp địa giới hành chính theo tinh thần Chỉ thị 364/CT đó là căn cứ vào hiện trạng sử dụng, tài liệu lịch sử làm ý kiến tham khảo trừ trường hợp có các tài liệu có đủ tính pháp lý. c. Đề xuất phương án giải quyết Toàn tuyến địa giới giữa Thừa Thiên Huế và Quảng Trị có chiều dài khoảng 125,45km; hai tỉnh đã họp và giải quyết dứt điểm được 90km chỉ còn tồn đọng lại hai đoạn nêu trên. Để giải quyết dứt điểm tình hình tranh chấp về địa giới hành chính giữa hai tỉnh tôi xin mạnh dạn đề xuất một số phương án sau: * Phương án một: Chỉ đạo tiếp tục thực hiện Quyết định 762/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo phương án này đã trình bày ở trên thì chúng ta thực hiện đúng tinh thần cấp dưới phải phục tùng quyết định của cấp trên. Nhưng đây là một quyết định sai cả về thẩm quyền lẫn nội dung và cũng không đảm bảo được tâm tư nguyện vọng của người dân. Do đó, phương án này theo tôi không thực hiện được (và thực tế cũng đã chứng minh hơn 10 năm ban hành nhưng quyết định cũng không được thực hiện). * Phương án hai: - Đối với những điểm đã thống nhất từ biển Đông đến Quốc lộ 1 A, hai tỉnh tổ chức cho cán bộ đi thực địa, xây dựng bản đồ vào hồ sơ liên quan để các xã, huyện liên quan và tỉnh ký xác nhận hồ sơ, tiến hành căm mốc. - Đối với các thôn Tân Lập (xã Hải Ba), Tân Xuân (xã Hải Xuân) thuộc huyện Hải Lăng và độ Phú Kinh thuộc xã Hải Hoà, huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị do ở sâu trong địa phận Thừa Thiên Huế bàn giao về xã Phong Thu và xã Phong Mỹ huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế quản lý. - Kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ huỷ Quyết định 762/TTg ngày 22/11/1995 về đường địa giới giữa hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị ở hai đoạn: + Đoạn đường địa giới đi qua thôn Câu Nhi Phường, đưa toàn bộ 21 bộ của thôn và toàn bộ diện tích đất canh tác, đất nghĩa địa của họ cũng xâm canh, xâm cư trên đất xã Phong Thu về xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị quản lý. + Giữa nguyên trạng xã Hồng Thuỷ ở lại sinh hoạt tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Phương án này có các ưu điểm sau: Ít xáo trộn đường địa giới hành chính từ trước đến nay hai tỉnh đang quản lý, các cơ quan chức năng chỉ phải đi xác định lại đoạ qua thôn Câu Nhi Phường nên ít tốn công sức và tiền bạc vào việc này. Tuy nhiên phương án này lại có hạn chế đó là: Hai thôn Tân Lập và Tân Xuân nằm liền kề với đường địa giới hai tỉnh, theo nguyên tắc giải quyết tranh chấp địa giới hành chính theo Chỉ thị 364/CT thì được phép chuyển lại đường địa giới cho phù hợp với thực trạng đang sử dụng. Hai thôn này đang chịu sự quản lý về mặt hành chính của các xã Hải Ba, Hải Xuân; huyện Hải Lang, tỉnh Quảng Trị do đó để họ ở lại sinh hoạt như cũ sẽ thuận lợi cho nhân dân. * Phương án ba: - Đề nghị Thủ tướng Chính phủ huỷ Quyết định 762/TTg ngày 22/11/1995. - Chính phủ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để đưa ra Quốc hội thảo luận và quyết định theo hướng: + Đối với những điểm đã thống nhất từ biển Đông đến Quốc lộ 1A, hai tỉnh tổ chức cho cán bộ di thực địa, xây dựng bản đồ vào hồ sơ liên quan để các xã, huyện liên quan và tỉnh ký xác nhận hồ sơ, tiến hành cắm mốc. + Đoạn xã Hồng Thuỷ: tỉnh Thừa Thiên Huế quản lý xã Hồng Thuỷ theo địa giới các huyện, xã đã thoả thuận năm 1980. + Tại khu vực các thôn Tân Lập, Tân Xuân, Câu Nhi Phường: Điều chỉnh địa giới hành chính tại khu vực này theo hướng: Toàn bộ đất can tác và thổ cư của các thôn Tân Lập, Tân Xuân và của 22 hộ dân thuộc thông Câu Nhi Phường hiện đang thuộc địa phận Thừa Thiên Huế được chuyển lại về tỉnh Quảng Trị quản lý. + Tại thôn Phú Kinh Phường: Tỉnh Quảng Trị giao thôn Phú Kinh Phường cho tỉnh Thừa Thiên Huế quản lý. Xét về mặt khách quan và chủ quan cả 3 phương án thì theo tôi phương án 3 là phương án tối ưu nhất vì: - Việc giải quyết tranh chấp giữa hai tỉnh do Quốc hội quyết định là phù hợp với Hiến pháp quy định (việc làm này đã được Quốc hội nước ta thực hiện trong việc giải quyết tranh chấp ở vùng Vũng Rô thuộc hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà). - Để tỉnh Thừa Thiên Huế quản lý xã Hồng Thuỷ theo địa giới các huyện, xã đã thoả thuận năm 1980 là hết sức hợp lý vì: Nhân dân xã Hồng Thuỷ đã định cư sinh sống ổn định trên 25 năm tại vùng đất họ đang sống. Đời sống nhân dân đã được cải thiện tốt hơn so với trước đây, đặc biệt khi hoàn thành đường Hồ Chí Minh, thì mọi sự linh hoạt của người dân xã Hồng Thuỷ về với huyện A Lưới thuận tiện hơn nhiều so với về huyện lỵ ĐaKrông. Đường từ trụ sở xã Hồng Thuỷ về với huyện lỵ A Lưới khoảng 30km, còn về huyện lỵ ĐaKrông khoảng 90km. Nhất là phù hợp với nguyện vọng của người dân nơi đây. - Việc giao thông Phú Kinh Phường cho Thừa Thiên Huế quản lý: Nhân dân thông Phú Kinh Phường (xã Hải Hoà) của huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị nằm sâu trong địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế, sinh hoạt hành chính (bầu cử, hoạt động đoàn thể, giao dịch hành chính...) không thuận lợi do cách xa xã Hải Hoà. Nếu chuyển nhân dân thôn này về sinh hoạt với xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế là phù hợp. - Nhân dân thôn Tân Lập, Tân Xuân và 22 hộ thôn Câu Nhi Phường tuy nằm bên đất Thừa Thiên Huế nhưng lại liền kề với đường địa giới nên khi giải quyết tranh chấp địa giới hành chính thực hiện nguyên tắc liền kề để điều chỉnh địa giới hành chính như phương án đề xuất là phù hợp. IV. KIẾN NGHỊ Công tác quản lý địa giới hành chính ở các địa phương là công tác hết sức quan trọng, nhưng hiện nay chúng ta đang còn thiếu thốn khá nhiều thứ, trong đó nổi côm lên là thiếu hẳn một quan điểm rõ ràng và thống nhất về quản lý địa giới hành chính lãnh thổ và do đó thiếu một hệ thống pháp luật chặt chẽ, chính xác và thói quen chấp hành pháp luật trên lĩnh vực địa giới hành chính nói riêng và trên bảo vệ khai thác lãnh thổ nói chung. Từ thực tiễn chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 364/CT và tiến hành giải quyết tranh chấp về địa giới hành chính của các đơn vị hành chính trong tỉnh, tôi xin kiến nghị một số nội dung sau: Việc phân định rõ địa giới các đơn vị hành chính các cấp là một trong những công việc trọng yếu của mỗi quốc gia, nó không chỉ nhằm mục đích đảm bảo cho sự lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt từ trung ương đến cơ sở và từng người dân mà còn nhằm thực hiện sự kiểm soát của chính quyền địa phương để giữ gìn an ninh chính trị và trật tự xã hội, bảo đảm mọi điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế xã hội và sinh hoạt của nhân dân. Đường địa giới hành chính các cấp đã được hình thành và biến đổi cùng với quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước, nên gắn liền với lịch sử tồn tại và phát triển của mỗi đơn vị hành chính; Mặt khác các yếu tố tâm lý, truyền thống, phong tục tập quán... thực sự là những dấu ấn bền vững trong từng cộng đồng dân cư và mỗi cá nhân. Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền khi quyết định về phân vạch địa giới hành chính, giải quyết tranh chấp về địa giới hành chính cần thận trọng, chú ý tới tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, cố gắng giữ đơn vị hành chính tương đối ổn định để cán bộ chính quyền có thể tích luỹ kinh nghiệm quản lý và khai thác tiềm năng kinh tế địa phương, cũng như giữ gìn phát huy truyền thống cộng đồng dân cư. Khi giải quyết tranh chấp cần chú ý quan tâm đến lợi ích của cộng đồng dân cư có liên quan một cách hài hoà, đặc biệt chú ý đến những vùng đồng bào dân tộc và những khu vực đất đai không thể tách rời vùng địa giới hành chính do địa phương đó quản lý như: Nghĩa trang liệt sỹ, nghĩa địa, đình, chùa, nhà thờ... Đối với những đơn vị hành chính vùng núi cũng như đồng bằng khi phân vạch địa giới hành chính cần chú ý đến các yếu tố địa hình dễ nhận biết (đường phân thuỷ, tụ thuỷ hay dòng sông, con đường...) thuận tiện cho quản lý trên cơ sở tôn trọng hiện trạng và xem xét kỹ mỗi quan hệ giữa môi trong sinh thái và vùng dân cư đang sinh sống như: vùng rừng đầu nguồn, nguồn nước tưới tiêu... Phải lắng nghe ý kiến của nhân dân, đặc biệt là đối với những đơn vị hành chính tồn tại, đã từng có truyền thống. KẾT LUẬN Quản lý địa giới hành chính là một trong những công việc quan trọng trong quản lý nhà nước của mỗi quốc gia, ổn định lãnh thổ là một trong những tiền đề của sự phát triển. Trong điều kiện hoàn cảnh hiện nay, việc chấm dứt tình trạng tranh chấp địa giới hành chính, ổn định đơn vị hành chính sẽ tạo điều kiện cho nhân dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống. Từ ý nghĩa đó, bằng lý luận và thực tiễn trong tiểu luận tôi xin mạnh dạn đưa ra một số phương án để giải quyết tranh chấp địa giới giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Trị mà cụ thể là hai đoạn thôn Câu Nhi Phường, và xã Hồng thuỷ, mong rằng đó là những phương án mà có thể giúp cho các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm sự tranh chấp nói trên và cũng là cơ sở để áp dụng giải quyết tốt các đoạn tranh chấp địa giới hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng, giữa tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, giữa tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa Vũng Tàu. Do những hạn chế của bản thân và thời gian nghiên cứu có hạn nên những vấn đề nêu ra và hướng giải quyết trong tiểu luận không tránh khỏi những hạn chế nhất định. Kính mong nhận được sự giúp đỡ của quý thầy cô và Hội đồng Khoa học nhà trường để bài tiểu luận của tôi được hoàn thiện hơn. Xin chân thành cảm ơn! TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001); 2. Luật tổ chức Chính phủ; 3. Luật tổ chức hoạt động HĐND và UBND; 4. Chỉ thị 364/CT ngày 06/11/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ); 6. Thông tư số 832/TCCP-ĐP ngày 29/10/1993 của Ban tổ chức cán bộ chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) về giải quyết tranh chấp trong thực hiện Chỉ thị 364/CT; 7. Báo cáo số 535/BC-BNV của Bộ Nội vụ về tình hình giải quyết tranh chấp địa giới hành chính giữa Thừa Thiên Huế và Quảng Trị; 8. Công văn số 132/CP-NC ngày 04/10/2005 của Chính phủ về việc giải quyết tranh chấp địa giới hành chính một số tỉnh; 9. Báo cáo tổng kết thực hiện Chỉ thị 364/CT của Chính phủ; 10. Báo cáo tổng kết thực hiện Chỉ thị 364/CT của Chính phủ; 10. Báo cáo tổng kết thực hiện Chỉ thị 364/CT của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; 11. Đơn kiến nghị, Nghị quyết, Tờ trình của xã Hồng Thuỷ về việc xác định xã Hồng Thuỷ vẫn thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế; 12. Báo cáo của Bộ Nội vụ về tình hình thực hiện Quyết định 762/TTg UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị; 13. Báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Trị về tình hình tranh chấp địa giới hành chính giữa hai tỉnh. 14. Tập bài giảng về công tác quản lý địa giới hành chính (của Bộ Nội vụ). MỤC LỤC

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • doc26543.doc
Tài liệu liên quan