Đề tài Mối quan hệ giữa đất đai và văn hoá: Tham chiếu từ người Khmer và người Hoa ở tỉnh Sóc Trăng

GIỚI THIỆU CHUNG Báo cáo dưới đây được thực hiện tại tỉnh Sóc Trăng, thuộc hợp phần Văn hóa dân tộc trong khuôn khổ Dự án nghiên cứu “Dân tộc thiểu số, đất đai và văn hóa” do ISEE chủ trì thực hiện. Đối với hợp phần này, vấn đề cần được đưa ra xem xét là quan hệ giữa văn hóa các tộc người thiểu số với đất đai - truyền thống và hiện đại. Quá trình đánh giá, chúng tôi dựa trên 3 tiền đề cơ bản: i) Trước khi chế độ sở hữu toàn dân về đất đai được xác lập, việc quản lý đất đai ở EMs chủ yếu dựa vào các thôn làng - tổ chức xã hội cơ sở truyền thống - của mỗi dân tộc; ii) Các chính sách can thiệp của người Pháp, của chính quyền Sài Gòn trước năm 1975 và của Nhà nước hiện nay đã và đang tác động sâu sắc đến quyền về đất của các dân tộc thiểu số; và iii) Chính sách đất đai những năm gần đây đã tạo nên các xung động to lớn trong đời sống của EMs và có những hiệu ứng ngoài sự mong đợi của Nhà nước. ĐỀ TÀI: MỐI QUAN HỆ GIỮA ĐẤT ĐAI VÀ VĂN HOÁ: THAM CHIẾU TỪ NGƯỜI KHMER VÀ NGƯỜI HOA Ở TỈNH SÓC TRĂNG Các giả thiết được đưa ra trong nghiên cứu là: i) Các truyền thống về sở hữu và quản lý các nguồn lực tự nhiên vẫn đang tồn tại và có ý nghĩa nhất định nào đó đối với đời sống người dân các dân tộc thiểu số. Hệ thống luật tục, tập quán liên quan đến quản lý và sử dụng đất đai của họ có sự khác biệt đáng kể so với chính sách đất đai của nhà nước; ii) Cơ quan lập pháp và các cơ quan quản lý Nhà nước đã không nhận thức được đầy đủ ý nghĩa và vai trò của luật tục, của các thiết chế và truyền thống xã hội ở các dân tộc thiểu số. Vì vậy, Luật Đất đai và việc thực hiện các chính sách đất đai của Nhà nước những năm gần đây có thể tạo nên những mâu thuẫn với các quan hệ sở hữu truyền thống. Đây chính là một trong những nguyên nhân làm gia tăng các xung đột về đất đai, dẫn đến tình trạng bất ổn ở một vài khu vực, có tác động tiêu cực đến phát triển bền vững.

pdf39 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 2264 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Mối quan hệ giữa đất đai và văn hoá: Tham chiếu từ người Khmer và người Hoa ở tỉnh Sóc Trăng, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
quyền lợi theo luật định. Trong nỗ lực tìm kiếm các giải pháp giải quyết tranh chấp đất đai, ngày 02 tháng 8 năm 1994 UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Quyết định số 54/QĐ.UBT.94 và Quy định kèm theo về “Giải quyết tranh chấp đất đai trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng”. Quy định này gồm 3 Chương, 17 Điều, là sự cụ thể hóa các điều khoản Luật Đất đai 1993 để quản lý đất đai và giải quyết tranh chấp đất đai cho sát hợp với thực tế của địa phương. Những nội dung quan trọng nhất của Quy định này là: - Kiên quyết giữ vững thành quả cách mạng về ruộng đất, không trả lại chủ cũ (kể cả hoa lợi) các loại đất tịch thu, trưng thu, “cắt đuôi phong kiến”, đất truất hữu, đất hiến, đất cho thuê mướn trước ngày 30/4/1975; không thừa nhận việc đòi lại đất đai đã giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. - Không thừa nhận về mặt pháp lý các bằng khoán, chứng thư quyền sở hữu đất đai do ngụy quyền cấp trước ngày giải phóng; các loại giấy tờ này (nếu có) chỉ để tham khảo trong quá trình xem xét giải quyết tranh chấp đất đai; những giấy tờ liên quan đến đất đai được cấp sau ngày giải phóng (30/4/1975) của chính quyền các cấp, nếu không trái với pháp luật tại thời điểm được cấp, thì có giá trị pháp lý khi xem xét giải quyết tranh chấp đất đai. Viện Nghiên cứu Xã hội - Kinh tế và Môi trường (ISEE) Mai Thanh Sơn - Võ Mai Phương 27 - Xác định các loại đất gốc để làm căn cứ xét giải quyết tranh chấp đất đai là đất mà người chủ đã trực canh liên tục nhiều năm trước giải phóng, đến sau giải phóng (1975) Nhà nước thực hiện trang trải đất đai, tiến hành cải tạo nông nghiệp, tổ chức làm ăn tập đoàn, HTX thì bị xáo trộn không còn trực canh như: bị "cào bằng", xáo canh, cắt xâm canh hoặc một số trường hợp bị gò ép nhường cơm sẻ áo, hay Nhà nước qui hoạch xây dựng nông trường, lâm trường, trạm trại, các công trình xây dựng cơ bản hoặc cấp đất thổ cư cho nhân dân, kể cả gia đình cán bộ, gia đình chính sách. - Các loại đất còn phát sinh khiếu nại, nhưng không được công nhận là đất gốc gồm có: i/ Đất truất hữu và đất tịch thu, trưng thu của các đối tượng theo Quyết định 188/CP, ngày 25/09/1976, hoặc Nhà nước quản lý theo quyết định 111/CP, ngày 14/04/1977 của Hội đồng Chính phủ, mà Nhà nước đã giao lại cho người không đất hoặc thiếu đất sử dụng; ii/ Đất hiến và đất tự nguyện “nhường cơm sẻ áo” trong nội bộ nông dân; iii/ Đất bị ngụỵ quân, ngụỵ quyền chiếm đoạt, hoặc bị gia đình khác dựa vào thế lực ngụy quân, ngụy quyền để chiếm đoạt trước giải phóng, mà Nhà nước đang quản lý hoặc đã giao cho người khác sử dụng; iv/ Đất của những người vượt biên, của người xuất cảnh hợp pháp hoặc vắng chủ sau giải phóng; v/ Đất do lịch sử chiến tranh để lại như do chạy nạn chiến tranh hoặc đi kháng chiến, đi tập kết. - Đối với đất gốc, khi bị cắt bớt diện tích để giao cho người khác sử dụng, thì nay vẫn giữ ổn định không xáo trộn nhưng chủ đất gốc được bồi hoàn thành quả lao động theo qui định của Nhà nước. Nếu người đang sử dụng không chấp hành việc bồi hoàn thì Nhà nước thu hồi đất trả lại cho chủ cũ hoặc giao cho đối tượng khác. Không trả lại đất của người vượt biên; đất này thuộc quỹ đất của Nhà nước. Không giải quyết đất cho những trường hợp chạy nạn chiến tranh, tham gia kháng chiến, đi tập kết nay thoát ly, làm nghề khác hoặc chuyển sang địa phương khác sinh sống, trừ những trường hợp đang thật sự khó khăn vì không có đất sản xuất hoặc không có công ăn việc làm, thì tùy khả năng quỹ đất của Nhà nước mà địa phương xem xét giải quyết từng trường hợp theo chính sách đối với người có công với cách mạng. - Đối với vấn đề tranh chấp đất đai trong thân tộc, Tỉnh uỷ và UBND tỉnh Sóc Trăng chủ trương chủ yếu là động viên, hoà giải các vấn đề tranh chấp trong thân tộc trên tinh thần "nhường cơm, sẻ áo". Chỉ khi nào không hòa giải được thì mới giải quyết theo qui định của Pháp luật. - Các loại đất chuyển nhượng, cầm cố khi có tranh chấp thì căn cứ Luật Đất đai và những qui định khác của pháp luật để giải quyết. Ngoài Quyết định số 54/QĐ.UBT.94, UBND tỉnh Sóc Trăng còn ban hành Quyết định số 100/QĐ-UBT.96 ngày 06/12/1996 và Quyết định số 144/2001/QĐ-UBNDT ngày 31/8/2001 nhằm bổ sung, điều chỉnh kịp thời việc thực hiện chính sách đất đai ở địa phương. Đây là những văn bản pháp lý quan trọng, góp phần rất lớn vào việc giải quyết vấn đề đất đai ở địa phương từ năm 1994 đến khi có Luật đất đai 2003. Nhờ vậy, tình hình tranh chấp đất đai ở Sóc Trăng đã lắng dịu trở lại, một số dạng tranh chấp đất đai liên quan đến những chủ trương sau giải phóng của chính quyền cách mạng (Chỉ thị 57/CT.TW, ngày 15/11/1978) và những ngày đầu đổi mới (Chỉ thị 100 và 19 của TW) đã cơ bản được giải quyết.  Các chính sách đất đai sau năm 2003 - Hiệu quả và nghịch lý Năm 2003, Quốc hội thông qua Luật Đất đai mới, với những điều khoản chi tiết, tỉ mỉ hơn. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện bộ luật này, Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn (Quyết định, Nghị định của chính phủ, Thông tư hướng dẫn của các Bộ/Ngành) tương đối cụ thể. Các văn bản này đã góp phần tích cực hỗ trợ địa phương tháo gỡ những vấn đề phát sinh từ thực tiễn. Viện Nghiên cứu Xã hội - Kinh tế và Môi trường (ISEE) Mai Thanh Sơn - Võ Mai Phương 28 Tiếp theo việc ban hành Luật Đất đai 2003, Chính phủ còn ban hành một số Quyết định quan trọng nhằm giải quyết vấn đề đất đai cho người dân ở ĐBSCL nói chung, Sóc Trăng nói riêng: Quyết định 134 (nhằm giải quyết đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho người nghèo), Quyết định 74 (về việc hỗ trợ đất sản xuất, đất ở; hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, dạy nghề và tạo việc làm cho người nghèo). Bên cạnh đó, còn phải kể đến nhiều chương trình/dự án/chính sách liên quan đến kinh tế - chính trị - xã hội và văn hoá mà Đảng và Nhà nước chủ trương thực hiện nhằm thúc đẩy nhanh quá trình phát triển trên cả nước nói chung, ở vùng dân tộc thiểu số nói riêng. Luật Đất đai và các Chương trình/Dự án của Chính phủ đã mang lại những kết quả tích cực. Điều này có thể thấy qua sự ghi nhận tại vùng dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng: “Các năm qua, Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: chủ trương về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; Chương trình 135, 134; chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, cho vay vốn phát triển sản xuất, chính sách trợ giá, trợ cước và các chương trình, dự án khác của Chính phủ... Tỉnh đã triển khai xây dựng được 698 công trình giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, trường, trạm; xây dựng mới 63 mô hình sản xuất; hỗ trợ xây dựng 33.154 căn nhà thuộc Chương trình 134 và 10.000 căn nhà tình thương, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho gần 3.000 hộ, chuyển đổi ngành nghề trên 4.500 hộ và đào tạo nghề 3.000 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số… với tổng kinh phí trên 1.000 tỷ đồng. Song song đó, tỉnh còn triển khai thực hiện tốt việc cho vay vốn phát triển sản xuất và các chính sách an sinh xã hội khác với số tiền hàng ngàn tỷ đồng. Nhờ sự tập trung đầu tư của Đảng và Nhà nước, hỗ trợ của cộng đồng và nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống của đồng bào không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ đồng bào Khmer nghèo giảm từ 42.92% năm 2001 xuống còn 23.05% so với tổng số hộ Khmer năm 2009, tỷ lệ hộ đồng bào Hoa nghèo giảm từ 18% năm 2001 xuống còn 5% năm 2009” [UBND tỉnh Sóc Trăng: “Báo cáo Tổng kết phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng, tháng 11/2009”]. Riêng về các chính sách đối với đất đai, đánh giá tại thực địa cho thấy, với việc ban hành và liên tục tu chỉnh Luật Đất đai, ý thức về quyền đối với đất của người dân đã có sự thay đổi căn bản. Đa số người dân, kể cả người nghèo, đều hiểu tương đối sâu về các hình thức sở hữu, chiếm hữu. Họ cũng ý thức được rất rõ về các quyền của mình đối với đất đai, nhất là đối với các loại đất đã được cấp giấy chứng nhận sở hữu (dân gian vẫn quen gọi là bìa hồng hoặc sổ đỏ). Tất cả các nhóm dân tham gia thảo luận nhóm ở 2 xã đều có thể liệt kê được đầy đủ các quyền của chủ đất: i) Quyền sở hữu; ii) Quyền thừa kế; iii) Quyền thế chấp; iv) Quyền cho thuê, mướn; v) Quyền sang nhượng, cho, tặng. Trong các quyền về đất thì quyền thế chấp để được vay vốn ngân hàng được mọi người biết đến và nhắc nhiều nhất, kế đó là quyền sang nhượng. Người dân cũng hiểu một cách sâu sắc những thuận lợi do các quy định về quyền đối với đất đai mang lại: Chủ đất có thể làm chủ sản xuất, thế chấp vay vốn, được khuyến nông giúp kỹ thuật sản xuất… Đặc biệt, với việc thực hiện Luật Đất đai 2003, ở 2 xã được tham vấn của huyện Vĩnh Châu hiện nay không có hiện tượng tranh chấp lớn, chỉ có tranh chấp về địa giới giữa các hộ và trong nội bộ gia đình, họ tộc. Phần lớn các tranh chấp này đều được xã/ấp hoà giải, không để tồn đọng, không để khiếu kiện kéo dài. Với việc người dân được trao nhiều quyền hơn đối với những mảnh đất của mình, thị trường đất đai ở Sóc Trăng đã sôi động trở lại sau nhiều năm im ắng. Trong thực tế, người dân ở các địa phương được tham vấn của tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện tất cả các quyền được pháp luật quy định đối với đất đai. Nhiều hộ nghèo, do các lý do khác nhau, đã phải cầm cố, sang nhượng hoặc cho thuê mướn. Giá đất được định đoạt theo thị trường và chịu ảnh hưởng rất nhiều của những biến động kinh tế - xã hội trong vùng và trên cả nước. Tại các điểm được Viện Nghiên cứu Xã hội - Kinh tế và Môi trường (ISEE) Mai Thanh Sơn - Võ Mai Phương 29 tham vấn của huyện Vĩnh Châu, giá đất hiện nay dao động từ 20 triệu VND/công đến 30 triệu VND/công. Sự lên xuống của giá đất phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Mức độ cải tạo đất (đối với các đầm/đìa nuôi trồng thuỷ sản hay đồng muối), biến động của giá nông sản và thuỷ sản, nguồn nước,… Việc sử dụng đất trong nuôi trồng thuỷ sản, làm muối và canh tác hoa màu những năm gần đây tỏ ra hiệu quả hơn, đã mang lại những tác động tích cực đối với người dân có đất, trong đó có một số hộ nghèo. Đồng thời, đó cũng là một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy xu hướng tích tụ đất. Tuy nhiên, do chính sách hạn điền và những quy định của địa phương trong mua bán, sang nhượng đất đai, việc thu thập số liệu về hiện tượng tích tụ đất gặp nhiều khó khăn và nhóm nghiên cứu không thể đưa ra được những ước đoán tin cậy. Kết quả đánh giá tại ấp Nôpuôl (xã Vĩnh Tân) cho biết, cả ấp chỉ có khoảng 8-10 hộ có trên 3ha đất sản xuất, chủ yếu là ruộng muối và đầm tôm. Tại ấp Vĩnh Bình, chỉ có 2 hộ có diện tích đất sản xuất hơn 3ha. Lưu ý rằng, theo phán đoán, đó chưa phải là số liệu đầy đủ và đáng tin. Ở một nguồn tài liệu tham khảo khác, nhóm nghiên cứu ghi nhận được các thông tin chính thức: “Những năm qua, ở huyện Vĩnh Châu, kinh tế trang trại phát triển nhanh về số lượng ở 9 xã trong toàn huyện, đến thời điểm 01/7/2006, toàn huyện có 1,642 trang trại, tăng hơn 5 lần so với năm 2001 (1,384). Xã Vĩnh Hải, Vĩnh Hiệp, Hòa Đông là những xã tập trung số trang trại nhiều nhất. Ba xã này có 856 trang trại, chiếm 52.1%; riêng xã Vĩnh Hải chiếm 21.4% số trang trại toàn huyện. Loại hình sản xuất của trang trại tuy không đa dạng nhưng có sự chuyển dịch về cơ cấu rất lớn theo hướng giảm tỉ trọng của trang trại trồng cây hàng năm và cây lâu năm và tăng tỷ trọng trang trại nuôi trồng thủy sản. Tỷ trọng trang trại trồng cây hàng năm, cây lâu năm chiếm 5.81% (năm 2001), năm 2006 không còn loại hình trang trại này; trang trại sản xuất kinh doanh tổng hợp từ 9.30% (năm 2001) giảm xuống còn 0.12% (năm 2006); trang trại nuôi trồng thủy sản từ 84.88% tăng lên 99.88% trong thời gian tương ứng” [Phòng Thống kê huyện Vĩnh Châu: Kết quả Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản 1/7/2006 huyện Vĩnh Châu]. Tài liệu trên cũng cho biết, trang trại sử dụng ngày càng nhiều ruộng đất với quy mô tương đối lớn. Tại thời điểm 01/7/2006, diện tích đất nuôi trồng thủy sản do các trang trại đang sử dụng là 4,224.4 ha, tăng 3,372 ha so với năm 2001. Bình quân 1 trang trại sử dụng 2.7 ha đất nuôi trồng thủy sản. Có 65.37% trang trại có quy mô đất nuôi trồng thủy sản từ 2 đến 3 ha, đặc biệt có 6 trang trại (chiếm 0.37%) có quy mô từ 5 ha trở lên. Đặc điểm đất đai của các trang trại là đất nuôi trồng thủy sản liền bờ, liền khoảng, quy mô tương đối nên rất thuận lợi cho việc tổ chức nuôi trồng, bảo vệ, vận chuyển sản phẩm và nhất là cơ giới hóa, thủy lợi hóa, xây dựng kết cấu hạ tầng kĩ thuật. Theo số liệu của “Kết quả Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản huyện Vĩnh Châu”, đến ngày 1/7/2006 tình hình cơ cấu hộ nông nghiệp theo quy mô đất sản xuất như sau:  Hộ không sử dụng đất: 23.54% (năm 2001: 15.53%)  Hộ có dưới 0.5 ha: 31.53% (năm 2001: 16.67%)  Hộ có từ 0.5 ha đến dưới 1 ha: 21.82% (năm 2001: 18.13%)  Hộ có từ 1ha đến trở lên: 23.12% (năm 2001: 49.48%) Một nghịch lý phát sinh ở đây là: Việc tích tụ đất là để tăng sức cạnh tranh cho sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện áp dụng mạnh mẽ hơn các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chi phí sản xuất giảm, hiệu quả sản xuất cao hơn nhiều. Nhưng nếu không hạn điền, nhiều nông dân sẽ bị mất đất và đứng trước nguy cơ bị bần cùng hoá, có thể sẽ dẫn đến sự phân hoá xã hội rất sâu sắc. Chính vì thế, hiện tại ở Sóc Trăng cũng có hai chiều ý kiến trái ngược đối với xu hướng tích tụ đất. Một số người cho rằng, không nên làm quá chặt chính sách hạn điền trong bối cảnh đất đai ngày càng gắn với thị trường. Hơn nữa, để có thể làm ăn lớn và sản xuất theo hướng hàng Viện Nghiên cứu Xã hội - Kinh tế và Môi trường (ISEE) Mai Thanh Sơn - Võ Mai Phương 30 hoá – thị trường, nếu không dỡ bỏ chính sách hạn điền sẽ, nhà nước sẽ tạo nên một trở lực lớn. Ngược lại, một số khác lại đề nghị kiên trì chính sách hạn điền với lý do, đất đai là sự đảm bảo tốt nhất để giảm nghèo bền vững và hạn chế sự phân cực xã hội. Nhìn chung, đa số những người tham gia thảo luận nhóm ở các xã của huyện Vĩnh Châu đều có sự đánh giá tích cực đối với tác động của Luật Đất đai 2003. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, có những nghịch lý phát sinh cần sớm được giải quyết. Một cán bộ huyện Vĩnh Châu nhận xét: “Luật Đất đai 2003 đã tương đối hoàn thiện, tương đối tổng hợp. Tuy nhiên, còn một số bất cập không thể không nhắc đến: Các văn bản dưới luật quá nhiều, quá phức tạp (riêng Chỉ thị 84 có tới 12 văn bản hướng dẫn) và mạnh hơn luật; do vậy, việc xét xử các vấn đề liên quan đến đất đai chủ yếu dựa vào các văn bản dưới luật chứ không dựa theo luật. Đã ban hành Luật thì phải luật hoá chứ không chỉ cứ sử dụng các văn bản dưới luật. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải đóng thuế 100%, ngang bằng mua bán đất; đặc biệt, thừa kế trong hệ thống thân tộc cũng như vậy là không hợp lý. Luật cũng quy định các thôn ấp được đứng chủ sở hữu đất đai, nhưng trên thực tế, ở Sóc Trăng làm gì còn đất công cho các ấp quản lý” (Trích biên bản toạ đàm tại UBND huyện Vĩnh Châu ngày 17/4/2009). Liên quan đến vấn đề “Giới” trong quan hệ đất đai, nhóm nghiên cứu nhận thấy một thực tế: Vấn đề bất bình đẳng nam nữ trong sở hữu, quản lý và thực hiện các quyền về đất đai đã cơ bản khắc phục được ở tỉnh Sóc Trăng. Đây chính là kết quả của sự thay đổi thể lệ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất đai trong những năm qua - từ chỗ chỉ đứng tên người chồng (hoặc vợ) sang đứng tên cả hai. Tại tất cả các điểm khảo sát, nhóm nghiên cứu không nhận thấy bất cứ dấu hiệu nào liên quan đến sự áp đặt của nam giới đối với phụ nữ trong các quyết định về đất đai. Khi trả lời câu hỏi: Ai là người quyết định? Đa số các nhóm đều trả lời: Đối với các quyết định liên quan đến đất đai, bao giờ cũng cần có sự bàn bạc của 2 vợ chồng và quyền quyết định thuộc về cả hai. 3. Tác động của chính sách đất đai đối với văn hoá các dân tộc thiểu số Đánh giá tác động của chính sách đối với các dân tộc thiểu số ở Tây Nam bộ không thể chỉ gói gọn trong khoảng thời gian sau 1975, cũng không thể chỉ nhìn dưới một góc độ (đất đai). Thực tế lịch sử cho thấy, ngay từ đầu thế kỷ XIX, các triều vua nhà Nguyễn sau đời Gia Long đã có những nỗ lực nhằm gia tăng áp lực đối với các dân tộc thiểu số. Qua thời Pháp thuộc đến Ngô Đình Diệm và chính quyền Việt Nam Cộng hoà, các chính thể cầm quyền luôn có những nỗ lực nhằm làm giảm sự khác biệt về văn hoá giữa người Kinh với các dân tộc Khmer và Hoa. Chính sách đối với đất đai chỉ là một trong nhiều chính sách được thực hiện nhằm mục tiêu đó. Đối với người Hoa, ảnh hưởng của các chính sách kinh tế - xã hội mới dường như ít có tác động tiêu cực. Điều này được lý giải bởi 2 nguyên do cơ bản: “i/ Người Hoa ít làm nông nghiệp, có làm cũng thâm canh hoặc trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như hành tím, củ cải trắng… Hơn nữa, người Hoa thường không bán đất nên không bị ảnh hưởng nhiều; ii/ Mạng lưới xã hội của người Hoa vốn không dựa vào các thôn ấp mà chỉ dựa vào quan hệ tộc người, quan hệ quê hương và dòng họ nên các chính sách quản lý xã hội mới đối với các đơn vị cơ sở không ảnh hưởng gì đến các quan hệ đó [tập hợp ý kiến thảo luận ở Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng và ấp Nôpuôl, xã Vĩnh Tân]. Riêng đối với người Khmer, tác động của các chính sách can thiệp dễ nhận thấy hơn rất nhiều. Chính sách can thiệp của các chính thể nhà nước trước năm 1975 đã xoá bỏ một phần thiết chế cơ sở ở người Khmer: Các “Sroc” được chia tách và đổi tên thành “Ấp”, đứng đầu là các ấp trưởng, vị trí meh sóc đương nhiên bị loại bỏ; vai trò của nhà chùa và các lục thum trong quản lý xã hội từng bước bị hạn chế; quá trình tư hữu hoá đất đai được đẩy mạnh. Tuy nhiên, lúc này các phum của người Khmer - vốn dựa trên quan hệ huyết tộc - ít chịu tác động Viện Nghiên cứu Xã hội - Kinh tế và Môi trường (ISEE) Mai Thanh Sơn - Võ Mai Phương 31 của các chính sách xã hội. Quan hệ đất đai trong các nhóm anh em thân tộc (bên nội) và thích tộc (bên ngoại) vẫn chủ yếu được điều hoà bằng phong tục, tập quán. Mặt khác, trong bối cảnh mà sức ép về dân số chưa cao, quan hệ về đất đai trong các phum sóc không có sự căng thẳng, ảnh hưởng tiêu cực đến nếp văn hoá truyền thống. Từ sau năm 1975, Đảng và Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển trên cả nước nói chung, ở vùng Tây Nam bộ nói riêng. Bên cạnh những thành tựu không thể phủ nhận về kinh tế - xã hội và văn hoá, cũng phát sinh một số hiệu ứng không mong đợi đối với các tộc người thiểu số. Điều dễ nhận thấy nhất là sự gia tăng nhanh hơn/sâu sắc hơn của quá trình đổ vỡ văn hoá truyền thống. Người Khmer và người Hoa đều là những dân tộc thiểu số có nền văn hoá phát triển, có khả năng hội nhập cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi mà các nguồn lực tự nhiên ngày càng bị giới hạn, tốc độ tăng trưởng chung ngày một cao, mức độ can thiệp từ bên ngoài ngày một sâu, không phải tất cả mọi người đều có thể dễ dàng thích nghi, nhất là với cộng đồng người Khmer. Như đã nêu ở trên, một trong các chủ đề của nghiên cứu này là làm sáng tỏ các vấn đề liên quan đến đất đai và văn hoá ở Sóc Trăng. Kết quả thảo luận ở các nhóm và phỏng vấn sâu cho thấy có nhiều cách đánh giá khác nhau về tầm quan trọng và mức độ tác động của đất đối với quá trình sinh kế và văn hoá. Hầu hết các cán bộ quản lý nhà nước là người Kinh đều chỉ nhận thấy mối liên hệ giữa đất đai với sinh kế chứ không nhận thấy hết tầm ảnh hưởng của đất đai đối với văn hoá. Nhưng với các cán bộ là người Khmer và chính người dân, cách đánh giá khách quan hơn rất nhiều. Khi đề cập đến khái niệm “Nghèo đói”, thiếu đất (bao gồm cả đất ở và đất canh tác) bao giờ cũng là yếu tố được nhắc đến trước tiên (nghèo là không có đất/ít đất; nghèo vì không có đất/ít đất). Đất vừa là nguồn lực tự nhiên, vừa là tài sản cố định có giá trị và cũng là loại hàng hoá đặc biệt. Nông dân xem đất đai là tư liệu sản xuất, là nguồn thu nhập chính của mình, vì họ sống chủ yếu nhờ vào nông nghiệp. Các cuộc thảo luận nhóm cũng như phỏng vấn hộ ở 2 xã đều cho thấy đất có tầm quan trọng đối với người nông dân trong sinh kế của họ. Trả lời câu hỏi: Đất quan trọng như thế nào với nông dân và người nghèo? Cả 2 nhóm thảo luận ở xã Vĩnh Tân và Vĩnh Châu đều cho rằng: “Đất là tài sản quý giá. Có đất sẽ an cư lạc nghiệp. Có đất sẽ có chỗ ở, chỗ trồng trọt - chăn nuôi để có cái ăn hàng ngày, tạo thu nhập. Khi cần có thể thế chấp vay vốn ngân hàng để làm ăn và chi tiêu. Không những thế, có đất sẽ có cái để chia cho các con khi chúng lập gia đình”. Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều ý kiến cho rằng: “Đất đai còn là chỗ để người ta gửi gắm tình cảm quê hương, phum sóc, gia đình. Đi đâu cũng nhớ về quê, nhớ nóc chùa, nhớ con kênh, nhớ mái chèo, nhớ cánh đồng, nhớ bầy vịt… Đất là linh thiêng” [Lâm Văn S, cán bộ Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng]. Đánh giá tại thực địa cho thấy, việc thay đổi các truyền thống kỹ thuật dường như là sự lựa chọn bất khả kháng. Tại mọi cuộc hội thảo tham vấn ở tỉnh Sóc Trăng, tất cả các ý kiến đều chỉ ra một trong những nguyên nhân quan trọng của tình trạng nghèo đói ở người Khmer chính là các kinh nghiệm sản xuất của người dân đã không còn phù hợp, không đáp ứng được nhu cầu của sinh kế hiện nay; trong khi đó, họ lại thiếu kiến thức mới trong lao động sản xuất. Với các giống lúa hiện nay, các kinh nghiệm xen canh lúa/vịt không còn phù hợp. Việc chuyển đổi nhanh/mạnh từ lúa/màu sang nuôi trồng thuỷ sản cũng đòi hỏi phải có các kỹ thuật mới. Về những biến đổi về sinh thái tự nhiên, không chỉ diện tích đất canh tác ngày một giới hạn (do mức tăng dân số, do quá trình tập trung đất vào một số ít người…), mà còn phải kể đến những tác động của sự thay đổi khí hậu toàn cầu dẫn đến các diễn biến thất thường của thời tiết, làm gia tăng sâu hại - dịch bệnh ở mùa màng, gia súc, gia cầm. Ở Vĩnh Châu hiện nay, diện tích đất trồng lúa chỉ còn lại rất ít, đất chuyển sang làm muối hoặc nuôi trồng thuỷ sản bị nhiễm mặn nhiều. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất không chỉ ảnh hưởng nhiều đến xu hướng thay đổi chất đất, mà còn thay đổi theo hướng tập trung đất đai vào tay một số người có vốn lớn. Đa số người dân cho rằng, ngoại trừ các kinh nghiệm trồng một số Viện Nghiên cứu Xã hội - Kinh tế và Môi trường (ISEE) Mai Thanh Sơn - Võ Mai Phương 32 loại rau màu (hành tím, củ cải trắng…) còn hữu ích, các tri thức liên quan đến cây lúa nước đều không thể đáp ứng nhu cầu sinh kế trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời, với xu hướng bình quân diện tích canh tác trên đầu người ngày càng bị thu hẹp, thâm canh lúa cũng không còn hiệu quả như xưa. Vì thế, chuyển đối hình thức sinh kế là đòi hỏi tất yếu. Tuy nhiên, dưới góc độ xã hội và quản lý cộng đồng, các tri thức bản địa của người Khmer và người Hoa đang có nhiều vấn đề cần được xem xét trong bối cảnh hiện đại, nhất là từ phía khách thể can thiệp. Một số truyền thống cũ hoàn toàn có thể bảo lưu được, nếu ngay từ đầu đã có sự kết hợp hài hoà giữa phát triển và bảo tồn. Trước đây, các phum, sóc của người Khmer đều tương đối thuần nhất về thành phần dân cư. Việc duy trì các truyền thống trong việc quản lý xã hội trước đây do các meh phum, meh sóc đảm nhiệm với sự hỗ trợ của các “lục thum” (các vị sư). Từ thời chế độ cũ, hầu hết các sóc của người Khmer đều đã bị chia thành nhiều ấp khác nhau; đến khi chính quyền cách mạng được thiết lập, xu hướng này vẫn tiếp tục diễn ra. Đặc biệt, với việc thực hiện các chính sách đất đai những năm gần đây, các phum của người Khmer cũng bị phân hoá sâu sắc. Điều này được lý giải bởi 2 nguyên nhân: i/ Luật Đất đai đòi hỏi tính minh bạch cao, việc sở hữu gắn với từng hộ gia đình chứ không phải nhóm hộ (kiểu mô hình phum). Chính vì thế, việc phân chia rạch ròi đất ở, đất canh tác trong phạm vi nhóm anh em thân tộc hoặc thích tộc là yêu cầu bắt buộc. Đất đai trong khuôn vi của mỗi phum phải được phân chia đến từng hộ gia đình; ii/ Từ khi có Luật Đất đai 1993, thị trường bất động sản bắt đầu tái hình thành; đến khi Luật Đất đai 2003 được ban hành, thị trường đất đai trở nên đặc biệt sôi động. Ở tất cả các địa phương, những người khác tộc hay ở ngoài cộng đồng cũng có thể đến mua bán, đất trở nên có giá. Ngày nay, tình hình xen cư ở các thôn ấp trở nên phổ biến hơn, dẫn đến sự thay đổi rất căn bản về quy mô, thành phần dân cư và lịch sử của các đơn vị ấp. Trong các ấp ở vùng đồng bào người Khmer, thường có các dân tộc Kinh và Hoa xen cư. Sự có mặt của người Kinh và các dân tộc khác khiến cho tính chất tự quản của các phum sóc (vốn gắn với phạm vi tộc người) bị phá vỡ. Những nỗ lực thiết lập hệ thống chính quyền cơ sở của các thể chế nhà nước kế tiếp nhau đã khiến cho toàn bộ hệ thống quản lý phum sóc truyền thống của người Khmer bị loại bỏ. Đến nay, các nhân tố xã hội quan trọng như “mẹ phum”/“mẹ sóc”, “ông lục”, trên danh nghĩa chính thức đều không còn quyền năng. Họ không còn thực hiện quyền quản lý, điều hành xã hội, điều chỉnh hành vi của các thành viên trong cộng đồng thôn ấp; họ chỉ còn ảnh hưởng đến tình cảm, huyết tộc của người Khmer. Chính sách đất đai mới với xu thế cá thể hoá vấn đề sở hữu đã tước bỏ mọi khả năng điều chỉnh của các thiết chế xã hội truyền thống đối với việc phân bổ, điều hoà quan hệ đất đai trong phạm vi nội tộc. Sức ép của mức tăng dân số (cả tự nhiên và cơ học) khiến cho nhu cầu về đất canh tác cũng như đất ở tăng theo. Sự gia tăng đột ngột của giá đất cũng ảnh hưởng nhiều đến tâm lý người dân. Đó là những nhân tố tác động chính dẫn đến sự tổn thương của xã hội truyền thống. Hiện tại, ở tất cả các điểm tham vấn của huyện Vĩnh Châu đều thấy có tình trạng tranh chấp hoặc mâu thuẫn đất đai trong nhóm anh em thân/thích tộc, với nhiều dạng khác nhau: Tranh chấp về ranh giới đất ở, đất sản xuất; tranh chấp hoặc mâu thuẫn trong thừa kế, mâu thuẫn từ việc cho mượn đất, mượn sổ đỏ thế chấp hoặc cầm cố; mâu thuẫn về cách tính diện tích đất trong giao dịch (người Khmer tính 1 công = 1296m2, nhà nước tính 1công = 1000m2)... Do giá đất trên thị trường ngày một cao, phần lớn các vụ tranh chấp này đều khó hoà giải thành trong phạm vi gia tộc hoặc thôn ấp. Sự can thiệp của chính quyền và các cơ quan tư pháp là điều khó tránh khỏi. Tại các buổi thảo luận nhóm với người dân hoặc phỏng vấn sâu một số đối tượng là người Khmer hiện đang công tác tại các cơ quan nhà nước hoặc làm việc cho những chương trình/dự án của các tổ chức phi chính phủ, tất cả đều khẳng định: Đó là hiện tượng chưa từng Viện Nghiên cứu Xã hội - Kinh tế và Môi trường (ISEE) Mai Thanh Sơn - Võ Mai Phương 33 xảy ra trong xã hội truyền thống. Trong tất cả các buổi tiếp xúc, cả chính thức và không chính thức, ông Kim L., cán bộ Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng luôn nhấn mạnh một đặc điểm: “Người Khmer theo Phật giáo Nam tông, luôn sống hướng thiện, cầu an. Họ gửi gắm tình cảm, niềm tin của mình vào nhà chùa và Đức Phật. Do đó, trước kia hầu như không có hiện tượng cãi cọ to tiếng với nhau. Đất đai khi đó rộng mênh mông, ai làm bao nhiêu thì làm. Mấy ai thiếu đất trồng cấy đâu mà tranh đoạt. Giả sử có chút khúc mắc về đất, người lớn nói, người nhỏ nghe; trong gia đình không nói được nhau, thì meh phum/meh sóc đứng ra giải quyết sao cho êm cả đôi đàng. Không có chuyện thưa kiện ra chính quyền đâu”. Ông Trần Minh Kh, một cán bộ của văn phòng dự án ActionAid Việt Nam ở Sóc Trăng cho biết: “Tôi là con lai. Ba là người Tiều (người Hoa gốc Triều châu), mẹ người Khmer. Tôi sinh ra trong phum sóc của người Khmer nhưng ảnh hưởng cả 2 nếp sống. Tôi nhận thấy, đối với cả 2 dân tộc, xưa kia chuyện đưa nhau ra thưa kiện với chính quyền nhà nước đều là đại kỵ. Tất cả mọi mâu thuẫn, tranh chấp đều được hoà giải trong gia đình hoặc phum sóc. Ngày nay thì không thế nữa, mấy “ông lớn” của phum sóc trở thành “ông bé” cả rồi, nói đâu ai nghe nữa. Một chút, một chút mắc mớ gì đó, người ta đều đưa nhau lên xã, lên huyện giải quyết. Ban đầu, đó là chuyện động trời; sau miết rồi cũng quen. Bây giờ chuyện đó cũng thấy bình thường thôi. Nhưng rõ ràng, tính chất của các mối quan hệ không còn được như xưa nữa. Họ hàng, xóm ấp đối với nhau trở nên nhạt hơn”. Không chỉ có sự thay đổi trong các quan hệ kinh tế và quản lý cộng đồng, các chủ trương, chính sách của Nhà nước còn dẫn đến sự thay đổi về tính chất cũng như phương thức tổ chức của nhiều hoạt động văn hoá tinh thần khác ở người Khmer. Trong buối làm việc tại Ban Dân tộc tỉnh, một ý kiến nhận định: “Nhà nước chưa có chiến lược văn hóa dài hơi. Mặc dù cũng có các chủ trương, kế hoạch lớn; nhưng kế hoạch đó còn chung cho các dân tộc, thậm chí áp đặt. Nhà văn hóa xã, ấp không đúng với đồng bào dân tộc Khmer. Các dân tộc Tây Nguyên có nhà rông, nhà dài, còn người Khmer chủ yếu tập trung ở chùa, cần gì xây dựng nhà văn hoá. Một số ấp cũng có nhà văn hóa, nhưng trong thực tế ít có người Khmer tự giác tới đó để sinh hoạt” [Lâm Văn S, cán bộ Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng]. Tại các địa bàn tham vấn, cũng có nhiều ý kiến khác nhau về lĩnh văn hoá tinh thần. Đa số người dân đều phản ánh một thực trạng: Các hoạt động văn hoá của người Khmer đang bị “sân khấu hoá”/”nhà nước hoá” và ít có sự tham gia. Ngoại trừ lễ Đôn ta được tổ chức ở các gia đình, hầu hết các lễ hội khác đều có sự sắp đặt hoặc can thiệp sâu của các cơ quan quản lý nhà nước, kể cả lễ đầu năm (Chôl chnăm thmây) được tổ chức ở các ngôi chùa. Trong lễ cúng trăng (Óoc om book), trước đây bà con người Khmer thường tự giác đứng ra quyên góp kinh phí, mua ghe ngo và tổ chức cho thanh niên tập dượt để đua tài; ngày nay, nếu không có kinh phí do nhà nước hỗ trợ, không nơi nào có thể tổ chức được các hoạt động này. Ông Thạch B, 63 tuổi, người Khmer ở ấp Nôpuôl nhận xét: “Trước kia, các meh sóc, nhôm vót và lục thum đứng ra tổ chức, vận động bà con đóng góp tự nguyện. Lúc đó người ta tự giác lắm. Ai có nhiều thì đóng nhiều, có ít đóng ít. Ai cũng hồ hởi, nô nức tham gia. Bây giờ kinh tế thị trường rồi, ai làm nấy ăn, ai biết nhà đó. Muốn tổ chức đội ghe ngo thì chính quyền xã, chính quyền huyện phải đứng ra bỏ tiền mua ghe, trả công cho những người tham gia. Phần lớn bà con chỉ đến xem chứ chẳng đóng góp gì”. Một số loại hình văn nghệ dân gian như dù kê, dì kê… cũng hoàn toàn bị loại bỏ khỏi đời sống cộng đồng, chỉ được duy trì trong đoàn nghệ thuật của tỉnh hoặc các đội văn nghệ của huyện. Trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, BCHTW khoá IX về công tác dân tộc (tháng 3/2003), Đảng đã đề ra chủ trương tận dụng tối đa ảnh hưởng của các mắt xích xã hội truyền thống vào công tác phát triển cộng đồng, nhưng hiệu quả chưa được như mong đợi. Mấu chốt của vấn đề ở đây có thể nằm ở chính cách lĩnh hội và thực hiện chủ chương của cấp chính quyền nhà nước. Nghị quyết chỉ rõ: “Có chính sách động viên, bồi dưỡng, hướng dẫn và phát huy vai trò của những người có uy tín trong đồng bào dân tộc trong việc thực hiện chính sách dân Viện Nghiên cứu Xã hội - Kinh tế và Môi trường (ISEE) Mai Thanh Sơn - Võ Mai Phương 34 tộc của Đảng và Nhà nước ở các địa bàn dân cư vùng dân tộc và miền núi”. Cần hiểu rằng, khái niệm “những người có uy tín” là chỉ số đông, nhưng trên thực tế, hiện tại ở các địa phương, mỗi thôn ấp chỉ “biên chế’ 1 chức danh “Già làng”. Điều đó không hoàn toàn đúng với tinh thần Nghị quyết và cũng trái với các thộng lệ truyền thống (trong mỗi thôn làng không chỉ có 1 người già và bên cạnh đó còn có nhiều người có uy tín như các chức sắc tôn giáo, các trưởng dòng họ, các cán bộ, trí thức hồi hưu…). Cũng trong Nghị quyết trên, Đảng đề ra yêu cầu: “Đổi mới nội dung và phương pháp công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc; quán triệt phương châm : chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, vững chắc; sử dụng nhiều phương thức phù hợp với đặc thù của từng dân tộc, từng địa phương. Cán bộ công tác ở vùng dân tộc và miền núi phải quán triệt và thực hiện thật tốt phong cách công tác dân vận : "Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”. Tuy nhiên, trong thực tế, khi triển khai các chính sách của Nhà nước, cán bộ địa phương còn máy móc và ít chịu lắng nghe/chia sẻ với người dân. Riêng trong lĩnh vực quản lý đất đai, một ý kiến cho biết: “Thời Pháp, người Khmer cũng được cấp bằng khoán đất, chí có một số người không nhận thô i. Thời ông Thiệu, cũng có nhiều gia đình từng lấy giấy tờ đất đó để thế chấp vay tiền của ngân hàng của chính quyền cũ đấy chứ. Nhưng người Khmer thường rất dở trong việc giữ giấy tờ, phần vì nhà cửa họ đơn giản quá, phần vì nhiều người không biết chữ Pháp, chữ phổ thông nên chẳng biết giấy tờ viết gì nên để những hồ sơ này bị thất lạc, đến thời cách mạng chẳng có cái gì để chứng minh đất đai là sở hữu của mình nên bị mất đất. Hơn nữa, lúc vào tập đoàn sản xuất hay hợp tác xã thì người Khmer tính đất bằng công của dân tộc mình (1 công = 1296m2); còn nhà nước tính 1công = 1000m2), nên lúc ra khỏi tập đoàn thì có chuyện chẳng chuộc” [Kim L, cán bộ Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng]. Mặt khác, cũng cần đề cập đến một vấn đề tương đối phổ biến hiện nay ở tất cả các vùng dân tộc thiểu số: “Tư tưởng vị chủng” và Quan điểm “Một hệ quy chiếu”, lấy người Kinh làm trung tâm. Đây không phải quan điểm chính thống của Đảng và Nhà nước, nhưng lại là quan điểm phổ biến của đa số cán bộ người Kinh làm công tác quản lý nhà nước các cấp ở địa phương và cả những người dân thuộc dân tộc Kinh đang sống xen cư với các dân tộc thiểu số. Theo quan điểm này, văn hóa của người Kinh được coi là hệ quy chiếu, là khuôn thước để đánh giá các văn hóa khác; tất cả những yếu tố văn hóa không giống với văn hóa của dân tộc Kinh đều bị coi là “lạc hậu”, “hủ tục”. Nhiều người Kinh tự cho mình quyền được phán xét các nền văn hóa khác “ngoài văn hóa Kinh”. Họ có thể dễ dàng chấp nhận những điểm tương đồng (do cùng chung sống trong một môi trường địa lý nhân văn, văn hóa của các dân tộc Khmer và Hoa có nhiều nét tương đồng với văn hóa của người Kinh) trong văn hóa (mà cốt lõi là các tri thức bản địa) của các dân tộc thiểu số, nhưng lại rất dị ứng với các hiện tượng văn hóa “không giống người Kinh”. Vì thế, việc xem xét các yếu tố văn hóa và tri thức bản địa của các dân tộc thiểu số thường phiến diện, ít nhiều mang màu sắc “sô vanh” (coi dân tộc mình mới là tiến bộ, các dân tộc đều lạc hậu). Xuất phát từ quan điểm trên, đối với văn hóa các dân tộc thiểu số ở Sóc Trăng, nhà nước địa phương chỉ mới dừng lại ở việc khảo sát và mô tả; chưa có bất cứ sự đánh giá nào, với sự tham gia của chủ thể văn hóa, đối với các tri thức bản địa một cách có hệ thống, có đối sánh, có chọn lọc và có sự đồng thuận của chủ thể văn hóa. Một số tri thức bản địa thực sự có giá trị cao (ngành nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực; đặc biệt là các kinh nghiệm quản lý cộng đồng…) tuy được coi là những kinh nghiệm tốt, nhưng chưa có bất cứ đề xuất giải pháp nào nhằm biến chúng thành những lợi thế so sánh vì mục tiêu phát triển bền vững. Mặc dù phương châm phát triển theo định hướng cộng đồng đã được đề xuất từ lâu, nhưng cho đến nay vẫn chưa được quán triệt ở các địa phương của tỉnh Sóc Trăng. Tất cả các bản kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp đều thiếu sự tham gia và không có bất cứ mục tiêu/chỉ tiêu nào liên quan đến việc bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống cũng như những tri thức bản địa còn chứng minh được tính hiệu quả. Viện Nghiên cứu Xã hội - Kinh tế và Môi trường (ISEE) Mai Thanh Sơn - Võ Mai Phương 35 Một diễn biến khác liên quan đến vấn đề đô thị hoá: Trong bối cảnh quá trình CNH, ĐTH ngày càng mạnh, một số thôn ấp của người Khmer đã và đang bị các đô thị thôn tính. Do không được chuẩn bị trước về tư tưởng, nhận thức và phương cách mưu sinh, bước chuyển đột ngột từ nông dân/nông thôn sang thành cư dân thành thị khiến cho nhiều người bị sốc. Các thói quen gắn với không gian thoáng đãng của đồng ruộng, vườn ao (đôi khi có phần tuỳ tiện và cẩu thả) của người nông dân không phải một sớm một chiều có thể thay đổi được. Đặc biệt, trong bối cảnh đô thị, các phương thức trồng trọt và chăn nuôi đã không còn thích hợp; nhưng để có phương cách sinh kế mới là điều không dễ đối với hàng trăm hộ dân “sau một đêm thức dậy, bỗng thấy mình trở thành người thành phố”. Cũng cần nói thêm rằng, những năm qua, việc quy hoạch sử dụng đất ở Sóc Trăng nói chung, Vĩnh Châu nói riêng, chưa thật sự chú trọng tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục. Tại các xã được tham vấn, tất cả các ngôi chùa của người Khmer đều có bố trí trường học trong khuôn viên. Hầu hết các ngôi chùa này đều có trên dưới 100 năm tuổi, được coi là di sản quốc gia. Như vậy, các kiến trúc mới không chỉ phá vỡ cảnh quan chùa, xâm hại di tích lịch sử mà có thể còn tạo nên những xung đột về quyền sở hữu đất đai trong tương lai. 4. Thay lời kết luận Muốn bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, không có gì khác hơn là phải củng cố/bổ sung các cơ sở điểm tựa về tự nhiên, cộng đồng thôn ấp và ngưỡng hành vi. Để có thể đáp ứng nhu cầu đó, các chính sách đất đai cần tính đến phong tục tập quán và các truyền thống xã hội của người dân. Đối với người Khmer, các truyền thống trong quản lý phum sóc cần được đánh giá lại và có biện pháp kiện toàn một số mắt xích xã hội. Trong quá trình lập kế hoạch phát triển, không thể không tính đến các tri thức bản địa, đặc biệt là các tri thức liên quan đến quản lý cộng đồng. Loại bỏ tri thức bản địa, quá trình phát triển sẽ đồng nghĩa với việc khoả lấp, xoá nhoà các truyền thống văn hóa. Về mặt xã hội, mỗi cộng đồng dân tộc đều có những mạng lưới xã hội riêng. Trong mạng lưới xã hội đó có nhiều mắt xích khác nhau, tuỳ thuộc vào thể chế, sự ảnh hưởng của các tác nhân bên ngoài, mức độ bảo lưu các giá trị văn hoá truyền thống… Các cá nhân trong mỗi ấp đều chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi các mắt xích khác nhau trong mạng lưới xã hội ấy. Đối với người Khmer, trong xã hội truyền thống, ngoài gia đình, họ hàng thân-thích tộc, “mẹ phum”/”mẹ sóc” và nhà chùa có ảnh hưởng rất lớn đến mỗi thành viên trong cộng đồng. Đối với người Hoa, các mắt xích xã hội còn được mở rộng hơn nữa, với tâm thức nguồn cội, quan hệ nghề nghiệp, sở thích… Với việc thay đổi cơ cấu dân cư, sự thiết lập chế độ mới, bộ máy quản lý nhà nước trùm xuống tận thôn ấp, các quan hệ truyền thống ít nhiều đã bị phá vỡ. Việc điều chỉnh hành vi của các cá nhân không còn chỉ tuân theo thông lệ, phong tục tập quán mà cơ bản phải dựa vào pháp luật. Thượng tôn pháp luật là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi công dân; song điều cần lưu ý ở đây là các công dân đó còn là những “thực thể sống động” mang trong mình bề dày của lịch sử dân tộc. Họ có cơ sở văn hóa riêng, có tâm lý riêng, có các thông lệ và chuẩn mực đạo đức xã hội riêng. Loại bỏ những yếu tố riêng đó, sẽ thúc đẩy người dân tự đánh mất bản sắc văn hóa của chính dân tộc mình. Điều đó mâu thuẫn cơ bản với chủ trương của Đảng và Nhà nước: Coi văn hóa vừa là mục tiêu bảo tồn, vừa là động lực của phát triển. Để có thể phát huy được các tri thức bản địa trong quản lý cộng đồng, cần xây dựng một cơ chế thích hợp, sao cho thể chế nhà nước không mâu thuẫn với các thể chế truyền thống. Nghiên cứu thực địa cho thấy, hiện tại người Hoa ở Sóc Trăng sinh sống tương đối phân tán, không có các tổ chức xã hội cơ sở riêng theo mô hình thôn làng. Nhưng với người Khmer, phum sóc vẫn là một hình thức tổ chức xã hội có sức sống lâu bền. Vấn đề đặt ra ở đây là cần định dạng và chính danh hoá tổ chức này. Câu hỏi đặt ra: Đó là tổ chức xã hội tự quản hay Viện Nghiên cứu Xã hội - Kinh tế và Môi trường (ISEE) Mai Thanh Sơn - Võ Mai Phương 36 một cấp nhà nước? Nếu là một cấp nhà nước, các yếu tố xã hội truyền thống có được tính đến hay sẽ bị loại bỏ hoàn toàn? Nếu là tổ chức xã hội tự quản thì cơ sở tự nhiên và thành phần dân cư - dân tộc của nó phải được xác định như thế nào? Quyền hạn của bộ máy đại diện cho tổ chức đó đến đâu? Chỉ có một cơ quan duy nhất có thể trả lời cho các câu hỏi trên đây, đó là Quốc hội. Kinh nghiệm ở một số vùng người Kinh cho thấy, sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa luật pháp và luật tục, giữa thiết chế xã hội làng xóm xưa với bộ máy quản lý cấp thôn hiện nay không phải là không khả thi. Người Khmer và người Hoa ở Sóc Trăng cũng nhận ra được điều đó. Kết quả thảo luận nhóm ở nhiều địa phương cho thấy, việc sớm xây dựng các quy chế tự quản thôn ấp đã và đang là một nhu cầu cấp thiết. Đó chính là một sản phẩm có sự kết hợp giữa luật pháp với phong tục tập quán; là cơ sở pháp lý của thôn ấp, quy định các hành vi ứng xử của người dân sao cho vừa phù hợp với sự mong muốn của thể chế hiện hành, vừa bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống. Tất nhiên, để xây dựng được bộ quy ước này, phải đạt được sự đồng thuận của người dân. Nói cách khác, quy ước đó phải là kết quả hiệp thương giữa nhà nước và người dân. Song song với việc xây dựng quy chế tự quản thôn ấp, cần có các biện pháp nhằm nâng cao nhận thức và năng lực cho đội ngũ cán bộ thôn ấp. Họ cần được trang bị đủ kiến thức để có thể vận hành một cách linh hoạt luật pháp và quy chế tự quản vào trong việc quản lý cộng đồng; có thể xác định được các mắt xích trong mạng lưới xã hội hiện nay để có biện pháp quản lý thích hợp; có thể phát huy được các yếu tố tích cực và hạn chế những tác động tiêu cực của các nhóm xã hội phi quan phương. Và trước hết, họ cần được trang bị đủ kiến thức để hiểu rằng, mình là đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền lực của số đông người dân chứ không chỉ của một bộ phận nào đó. Một trong những điều kiện tiên quyết cho sự thành công của phát triển bền vững trên cơ sở nền tảng của tri thức bản địa chính là sự tham gia đầy đủ với một vị trí tương xứng của người dân các dân tộc thiểu số - những chủ thể văn hóa. Muốn vậy, cần khắc phục những rào cản, những trở ngại từ nhiều phía: Nhận thức, năng lực của đội ngũ cán bộ cơ sở, dân trí và các truyền thống xã hội, tâm lý mặc cảm tự ti… Đồng thời, cần có các biện pháp nhằm đa dạng hoá các kênh truyền thông và kênh thông tin phản hồi, sao cho thông tin có thể đến được với người dân nhanh nhất, dễ hiểu nhất, những ý kiến của họ có thể dễ dàng đến và tác động được tới các cấp chính quyền. Việc vận dụng tri thức bản địa vào việc lập kế hoạch phát triển bền vững, nâng cao tiếng nói của người dân và giảm thiểu tác động của các hiệu ứng không mong đợi trong chính sách, xét cho cùng cũng chỉ là 3 mặt của một vấn đề cốt lõi: Phát triển theo định hướng cộng đồng (bao gồm cả nội dung dân chủ cơ sở). Định hướng này đã được vạch ra từ lâu, nhưng việc vận dụng nó như thế nào cho phù hợp với đặc thù của từng địa phương là nội dung mà các cấp chính quyền cần thảo luận với các bên liên quan để tìm ra lộ trình hợp lý. Là một tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mình, Sóc Trăng cũng cần tìm kiếm con đường riêng sao cho phù hợp. Muốn vậy, trước mắt cần làm tốt một số nhiệm vụ sau:  Rà soát lại toàn bộ quỹ đất và các quan hệ đất đai hiện nay của tỉnh. Cần điều chỉnh lại một số địa giới cho phù hợp với các điều kiện lịch sử tự nhiên. Trả lại cho các thôn ấp những diện tích đã được nhà nước trưng dụng hoặc trao cho các đơn vị/doanh nghiệp nhưng hiện tại đang làm ăn không hiệu quả. Giải quyết dứt điểm những vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai còn tồn đọng trong những năm qua.  Rà soát, thống kê và đánh giá lại các giá trị bền vững của các yếu tố văn hóa và các tri thức bản địa đang được người dân duy trì trong sinh kế, trong quản lý xã hội và đời sống tinh thần. Theo thông lệ, việc nghiên cứu văn hóa dân tộc thường được coi là nhiệm vụ của ngành văn hóa, do ngành văn hóa thực hiện. Các nghiên cứu của ngành văn hóa phần Viện Nghiên cứu Xã hội - Kinh tế và Môi trường (ISEE) Mai Thanh Sơn - Võ Mai Phương 37 lớn được hiểu như những nghiên cứu cơ bản mang tính hàn lâm. Các sản phẩm nghiên cứu chỉ mới nhằm phục vụ công tác xuất bản, giới thiệu và tuyên truyền văn hóa chứ chưa thực sự được đưa vào áp dụng làm cơ sở cho việc lập kế hoạch phát triển bền vững. Thông lệ này cần phải được phá bỏ và muốn vậy, trước hết cần có sự điều chỉnh trong nhận thức ở tầm vĩ mô, đặt công tác nghiên cứu trong bối cảnh vì mục tiêu phát triển bền vững. Việc đánh giá các giá trị của tri thức bản địa là công việc đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa nhiều ngành khoa học, nhiều cơ quan quản lý nhà nước khác nhau.  Thiết lập một quy trình lập kế hoạch mới trong phát triển bền vững ở vùng người Khmer và người Hoa, có sự tham gia của người dân, nhằm phát huy lợi thế so sánh của các tri thức bản địa: Duy trì và phát huy các tri thức kỹ thuật trong nông nghiệp; tìm hiểu khả năng phát triển các nghề truyền thống, các ngành hàng ăn uống (lưu ý các yếu tố liên quan đến thị trường đầu vào và đầu ra của sản phẩm, tổ chức tập huấn, hỗ trợ vốn và nâng cao năng lực tự tổ chức, điều hành của người dân); tìm hiểu khả năng hình thành các khu vực dịch vụ, du lịch văn hoá - sinh thái tộc người. Đặc biệt, cần quan tâm hơn nữa đến việc phát huy các thế mạnh của hệ thống và phương pháp quản lý xã hội truyền thống, vốn chủ yếu dựa vào tính cộng đồng và quyền tự chủ của người dân…  Chuyển các trường học ra khỏi phạm vi các ngôi chùa, trả lại cảnh quan kiến trúc cho các công trình tôn giáo tín ngưỡng và tránh sự tranh chấp có thể xảy đến trong tương lai. Muốn vậy, Nhà nước cần có sự quy hoạch và tập trung nguồn lực về tài nguyên đất cũng như tài chính bởi công việc này đỏi hỏi nguồn ngân sách lớn.  Kiến nghị bổ sung một số khung pháp lý liên quan đến việc bảo vệ các di sản văn hoá phi vật thể (trong Luật Di sản văn hoá) và bảo vệ bản quyền đối với các tri thức bản địa đã thương mại hoá và khẳng định được thương hiệu (trong Luật Sở hữu trí tuệ). ----------------------- Viện Nghiên cứu Xã hội - Kinh tế và Môi trường (ISEE) Mai Thanh Sơn - Võ Mai Phương 38 Tài liệu tham khảo chính 1. Lê Xuân Bá và cộng sự (2003): “Sự hình thành và phát triển thị trường bất động sản trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam”, Nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội. 2. Ks Phạm Văn Đang (Sở Địa Chính tỉnh Sóc Trăng) - Tiến sĩ Lê Thái Bạt (Tổng thư ký Hội Khoa học Đất Việt Nam): “Quá trình hình thành Đất Sóc Trăng dưới góc độ thổ nhưỡng”, Kỷ yếu “Hội thảo Khoa học Lịch sử hình thành và Phát triển tỉnh Sóc Trăng trước 1945” - do UBND tỉnh Sóc Trăng và Viện Khoa học Xã hội tại Tp.HCM tổ chức, năm 2000. 3. Trịnh Hoài Đức (2003): “Gia Định thành thông chí”, Tu Trai Nguyễn Tạo dịch, tập Trung, Nha văn hóa Phủ quốc Vụ khanh đặc trách xuất bản, Sài Gòn, 1972. 4. Vũ Minh Giang và cộng sự (2008): “Lược sử vùng đất Nam Bộ - Việt Nam”, Nhà xuất bản Thế giới. 5. Nguyễn Đức Hiệp: “Vài nét về lịch sử người Minh Hương và người Hoa ở Nam bộ”, nguồn: "www.khoahoc.net", 28 tháng 02 năm 2008 6. Nguyễn Văn Huy: “Tìm hiểu thêm về thoả thuận bổ túc hiệp ước biên giới Việt Nam - Cămpuchia”, nguồn: www.thongluan.org.vn, 09/11/2005 7. Nguyễn Văn Huy: “Cộng đồng người Khmer tại miền Nam”, nguồn: www.thongluan.org.vn, 20/1/2008 8. Lâm Quang Huyên (2002): “Vấn đề ruộng đất ở Việt Nam”, Nxb KHXH. 9. Tống Thị Quỳnh Hương (2008): “Vai trò của người Hoa trong việc hình thành và phát triển các đô thị ở Trung và Nam bộ Việt Nam (thế kỷ XVIII-XIX)”, bài được công bố trong Hội thảo Việt Nam học lần thứ III, tổ chức tại Hà Nội tháng 9 năm 2008. 10. Nguyễn Quốc Khải (2008): “Chính Sách Đất Đai Tại Việt-Nam”, nguồn: www.thongluan.org.vn, 10/03/2006. 11. Trần Xuân Kiêm (1992): “Nghề nông Nam Bộ”, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 12. Lâm Thanh Liêm (1995): “Chính Sách Cải Cách Ruộng Đất Việt-Nam, 1954-1994”, Nhà Sách và Xuất bản Nam Á, Paris. 13. Trần Thị Mai (2007): “Tình hình phân phối và sở hữu ruộng đất ở Sóc Trăng thời Pháp thuộc (1867 - 1945)”, trong sách “Đất và người Nam bộ”, Nxb Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh. 14. Võ Văn Sen (1995): “Vấn đề ruộng đất ở đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam (1954 - 1995)”, Nxb Tủ sách đại học tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. 15. Đặng Phong (2004): “Kinh tế Miền Nam Việt nam thời kỳ 1955 - 1975”, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội. 16. Đỗ Quý Toàn, Lakshmi Iyer (2003): “Land rights and economic development : evidence from Vietnam", nguồn: ideas.repec.org. 17. Choi Byung Wook (2004): “Southern Vietnam under the reign of Minh Mạng (1820- 1841): Central policies and local response”, Cornell University. 18. Phòng Thống kê huyện Vĩnh Châu (2007): “Kết quả Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản 1/7/2006 huyện Vĩnh Châu”. Viện Nghiên cứu Xã hội - Kinh tế và Môi trường (ISEE) Mai Thanh Sơn - Võ Mai Phương 39 19. Phòng Thống kê huyện Vĩnh Châu (2007): “Niên giám thống kê Vĩnh Châu 2006”. 20. UBND tỉnh Sóc Trăng: “Báo cáo số 28/BC.UBT.94, Tổng kết tình hình giải quyết tranh chấp đất đai theo Quyết định 240/QĐ.UBT.89, ngày 4/8/1989 và 240B/QĐ.UBT.91 ngày 14/6/1991 của UBND tỉnh Hậu Giang (cũ)”. 21. UBND tỉnh Sóc Trăng: “Quyết định số 54/QĐ.UBT.94 ngày 2/8/1994 của UBND tỉnh Sóc Trăng về việc ban hành bản qui định về giải quyết tranh chấp đất đai trên địa bàn tỉnh Sóc trăng”. 22. UBND tỉnh Sóc Trăng: “Báo cáo số 09 /BC.UBT.97, Sơ kết hai năm thực hiện Quyết định 54/QĐ.UBT.94, ngày 2/8/1994 của UBND tỉnh Sóc Trăng về giải quyết tranh chấp ruộng đất” 23. UBND tỉnh Sóc Trăng: “Báo cáo Tổng kết phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng, tháng 11/2009”. 24. UBND tỉnh Sóc Trăng: “Định hướng phát triển Kinh tế - Xã hội tỉnh Sóc Trăng đến năm 2010”. 25. UBND tỉnh Sóc Trăng: “Kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội tỉnh Sóc Trăng năm 2009”.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfyou4share.com_4d086d1bc5212.pdf
Tài liệu liên quan