Với những thách thức đang đặt ra khi bước và thế kỷ 21, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam trong 10 năm tới sẽ định hướng nội nỗ lực vào việc xây dựng và phát triển cơ cấu kinh tế nông thôn hợp lý, gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp- công nghiệp chế biến nông sản và các hoạt động dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp cũng như tiêu thụ sản phẩm. Với những tiềm năng và nguồn nguyên liệu sẵn có, cộng với các chính sách ưu đãi dành riêng cho ngành công nghiệp chế biến sẽ là tiền đề thúc đẩy các doanh nghiệp chế biến nông sản của từng địa phương ngày càng phát triển vững chắc. Mặt khác, dựa trên lợi thế so sánh của mỗi sản phẩm, ở mỗi vùng cụ thể và của cả nước, Việt Nam cần phát triển mạnh mẽ nền nông nghiệp hàng hoá, đa dạng và bền vững, phát triển thị trường nông nghiệp và nông thôn, đầu tư cao chất lượng hàng hoá nông sản chế biến và sức cạnh tranh trên thị trường, tăng thu nhập cho người lao động, tạo bước phát triển mới về kinh tế- xã hội ở nông thôn góp phần đưa Việt Nam sớm thành một đất nước “ dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
27 trang |
Chia sẻ: aloso | Lượt xem: 1594 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Một số giải pháp phát triển xuất khẩu hàng nông sản chế biến ở Việt Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Mục lục
Trang
LỜI MỞ ĐẦU
Trên con đường hiện đại hoá, công nghiệp hoá, nông nghiệp Việt Nam đang từng bước tiến tới một nền sản xuất hàng hoá lớn, với sản phẩm ngày càng dồi dào, giá thành ngày càng hạ, cho đến nay, sản xuất nông nghiệp đã áp ứng tốt nhu cầu lương thực, thực phẩm cho 80 triệu dân và một số hàng nông sản xuất khẩu của ta đã đứng hàng thứ 2-thứ 3 trên thế giới. Tuy nhiên, thị trường năm qua cũng cho thấy tình trạng thừa ứ một số mặt hàng nông sản đã làm cho người nông dân được mùa mà không vui, thu hoạch tăng mà vẫn nghèo túng. Để chặn đứng hậu quả đó, con đường đúng nhất là đẩy mạnh chế biến nông sản thực phẩm hàng hoá. Có thể thấy hàng hoá nông sản chưa qua chế biến thì giá trị của nó biến động lớn, không ốn định, còn khi đưa vào chế biến có quy hoạch thì sản lượng ổn định, chất lượng cao.
Trong bối cảnh mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, hoạt động sản xuất của các nước là thước đo đánh giá kết quả của quá trình hội nhập quốc tế và phát triển trong mối quan hệ tuỳ thuộc vào nhau giữa các quốc gia. Việc mở của hội nhập kinh tế và tự do hoá thương mại toàn cầu chác chắn sẽ diễn ra sự cạnh tranh gay gắt và quyết liệt, mà trong cuộc chiến này, Việt Nam không tự xây dựng chiến lược nâng cao sức cạnh tranh trên thương trường thì sẽ gặp nhiều khó khăn và thua thiệt. Việc gấp rút phân tích và đánh giá đúng đắn các lợi thế so sánh và các mặt bất lợi trong việc phất triển sản xuất- kinh doanh từng loại nông sản chế biến xuất khẩu, để đề ra một đối sách thích hợp là rất quan trọng.
Với những ý nghĩa trên, em xin chọn đề án : “MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN XUẤT KHẨU HÀNG NễNG SẢN CHẾ BIẾN Ở VIỆT NAM.”
NỘI DUNG
1. Thực trạng xuất khẩu hàng nông sản chế biến ở Việt Nam
1.1. Sơ lược về tình hình và vị trí của xuất khẩu hàng nông sản chế biến trong cơ cấu Kinh tế Quốc Dân
Từ một nước hàng năm phải nhập khẩu lương thực, chỉ hơn một thập niên sau nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam đã chiếm lĩnh thị trường thế giới như gạo, hạt điều nhân, cà phê…
Theo thời gian . Trong những năm qua, hàng hoá nông sản chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam ra thế giới không ngừng tăng trưởng cả về số lượng và giá trị. Xuất khẩu hàng nông sản chủ lực tăng lên khá cao, chẳng hạn ngành cao su xuất được 607.000 tấn đạt gần 1,3 tỷ USD trong năm 2006, đến năm 2007 kim ngạch xuất khẩu cao su tăng 16,5%, hạt điều tăng 13,5%, rau quả tăng 29%.
Kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 4.300 triệu USD, tăng hơn năm 1991 là 3,9 lần và chiếm 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong giai đoạn vừa qua, hàng nông sản vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản của Việt Nam. Bình quân thời kỳ 1995-2000 kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản chiếm khoảng 70% và hàng thuỷ sản chiếm 25% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản.
Năm 2005 hàng nông lâm thuỷ hải sản xuất khẩu chiếm gần 25% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, với hơn 8 tỷ USD trong đó gạo 1,4 tỷ USD, mặt hàng gỗ và lâm sản chiếm với 1,6 tỷ USD, thuỷ sản 2,6 tỷ USD, cao su 787 triệu USD, cà phê 730 triệu USD, hạt điều gần 500 triệu USD, hồ tiêu 120 triệu USD.
Xét về tốc độ gia tăng giá trị kim ngạch thì rau quả đã tăng rất nhanh, năm 1998 đạt 52 triệu USD thì năm 1999 là 105 triệu USD và năm 2000 đạt 205 triệu USD tăng gấp hai lần so với năm 1999. Thứ đến là hồ tiêu với chỉ số tăng 51%, rồi dến cà phê (28%) và cao su (22%).
Khối lượng nông sản xuất khẩu tuy có tăng lên, năm sau cao hơn năm trước, nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu lại không tăng lên tương xứng, vì giá bán của ta giảm xuống. Ví dụ năm 1999 gạo của ta xuất khẩu được 4,5 triệu tấn tức là tăng 19,3% so với năm 1998 nhưng kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 9,1%. Cao su năm 1999 xuất khẩu 265 ngàn tấn, tăng hơn năm 1998 là 38,7% nhưng kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 14,8%...
Theo thị trường. Thị trường xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam ngày càng mở rộng và thay đổi về cơ cấu thị trường. Sau khi hệ thống Xã Hội Chủ Nghĩa tan rã, thị trường này không còn nữa thì các nước Châu Á đã nhanh chóng trở thành các bạn hàng xuất khẩu chính của ta. Trong số các nước Châu Á thì Nhật Bản và ASEAN đóng vai trò lớn, tuy nhiên tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản chế biến của ta sang các nước đó cũng đã thay đổi theo hướng giảm dần và tăng ở các nước khối EU và Châu Mỹ.
Nhật Bản trở thành bạn hàng lớn của xuất khẩu nông sản chế biến Việt Nam với các mặt hàng gạo. thịt chế biến. Vừa qua gạo Việt Nam tiếp tục trúng thầu tại nước này với 21.000 tấn gạo tẻ hạt dài. Và xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ thịt lợn như: xúc xích, giăm bông…
Kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường EU nhiều năm gần đây thường xuyên chiếm 18%-19% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp nước ta. Những nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU ổn định và liên tục tăng từ năm 2000 đến nay là : điều nhân 32%/ năm, chè 35,8%/ năm, cao su sơ chế 44,7%/ năm, rau quả 35,5%/năm.
Cà phê là một trong những mặt hàng nông sản đang khai thác tốt và có thị phần tương đối lớn ở khu vực này: tại Bỉ chiếm 10,1% thị trường nhập khẩu, Pháp chiếm 48,5%, Đức chiếm 57%, Italy chiếm 49,6%, Tây Ban Nha chiếm 53,9%, Anh chiếm 64,2
Theo mặt hàng Trong hoàn cảnh nông nghiệp, Việt Nam vẫn còn nặng về các sản phẩm trồng trọt, xuất khẩu chủ yếu là các sản phẩm thô, ít qua chế biến, sự tác động của tính chất giá cả các sản phẩm nông nghiệp trên thế giới và các xu hướng thứ sinh đối với sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có phần không thuận lợi. Sự giao động về giá cả các sản phẩm nông nghiệp trên thế giới luôn ở mức độ cao và xảy ra thường xuyên, bởi nguyên nhân chủ yếu là sự bất ổn định của sản xuất nông nghiệp ( sự phụ thuộc vào thiên nhiên). Các sản phẩm thô có biên độ dao động cao hơn các sản phẩm đã qua chế biến. Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu cũng được cải thiện theo chiều hướng đa dạng hoá, giảm tỷ trọng loại hàng nông sản chưa qua chế biến. Trong hàng nông sản xuất khẩu, lúa gạo vẩn chiếm tỷ trọng cao nhất( 23,8%), thứ đến là cà phê( 13,5%), hạt điều(4,4%) và cao su( 3,2%).
Thực phẩm là mặt hàng xuất khẩu chiếm kim ngạch khá lớn của VIệt Nam. Song tỷ trọng công nghiệp chế biến một số nông sản còn thấp so với nguyên liệu hiện có, như mía đường 30%, chè 55%, rau quả 5%... Việt Nam trở thành đối thủ cạnh tranh của Thái Lan về gạo, với Ấn Độ về điều nhân, với Brazil về cà phê và không có đối thủ về hồ tiêu.
Theo số liệu thông kê, hiện nay tổng công suất của cơ sở công nghiệp chế biến trên cả nước khá cao. Ví dụ năng lực chế biến gạo theo quy mô công nghiệp ở cả ba công đoạn: xay xát, đánh bóng, phân chia chủng loại sản phẩm được trên 22 triệu tấn một năm. Những nhà máy, dây chuyền công nghiệp chế biến cà phê trên cả nước có tổng công suất tới gần 150.000 tấn một năm. Năng lực chế biến đường đạt gần 3,5 triệu tấn mía/ năm. Năng lực chế biến cao su khô là 250.000 tấn/ năm, chế biến hạt điều đạt 200.000 tấn/ năm. Cả nước có 60 nhà máy chế biến rau quả với tổng công suất 180.000 tấn một năm.
Có thể nói, trong những năm qua, ngành công nghiệp chế biến nông sản ở nước ta đã được Nhà nước quan tâm chỉ đạo, đạt sự tăng trưởng, phát triển đáng kể. Bằng chứng là có tới gần 30 phân ngành công nghiệp chế biến khác bao trùm hầu hết sản phẩm nông nghiệp như lúa gạo, cao su, cà phê, hạt điều, mía đường, bột ngọt, hạt tiêu… Tổng số lao động làm việc ở ngành công nghiệp chế biến hiện nay là gần 3,5 triệu người. Một số cơ sở công nghiệp chế biến đã có công nghệ đạt trình độ quốc tế và khu vực.
1.2. Đặc điểm về hàng nông sản chế biến
Về sản phẩm: Tuy chủng loại hàng hoá xuất khẩu của ta đa dạng hơn nhưng nhìn chung thì diện mặt hàng còn khá đơn điệu, chưa có sự thay đổi đột biến về chủng loại, về chất lượng tương đối thấp, chưa ổn định, chỉ tiêu chưa cao. Xuất khẩu chủ yếu vẫn dựa vào một vài mặt hàng chủ lực, truyền thống như gạo, cà phê, cao su…mà phần lớn chúng đều tiềm ẩn nguy cơ tăng trưởng chậm dần do gặp phải những hạn chế mang tính cơ cấu như diện tích có hạn.
Những mặt hàng kém chất lượng vẫn tham gia vào xuất khẩu đã làm nảy sinh nhiều khó khăn không đáng có, làm giảm uy tín hàng hoá Việt Nam. Nguyên thứ trưởng Lương Văn Tự- Bộ Thương mại dẫn ra rằng sản phẩm chè là một điển hình : “Tạo công ăn việc làm cho dân bằng việc cho ra đời những cơ sở chè, trong khi nhà máy thiếu nguyên liệu chế biến đã làm cho chất lượng chè thấp”.
Về giá: Giá bán vẫn còn thấp và hầu như bị khách hàng nước ngoài chi phối. Giá xuất khẩu sản phẩm chế biến của Việt Nam thường thấp hơn các nước trong khu vực từ 10-15%, chưa nói đến các nước phát triển. Mặt hàng gạo dù có sự cải thiện đáng kể về giá so với Thái Lan nhất là gạo cấp thấp và trung bình, nhưng giá gạo bình quân vẫn thấp hơn Thái Lan 60 USD/ tấn. Hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu kém giá của các nước khác vài trăm tấn, mặt hàng cà phê, điều nhân cũng tương tự. Tất cả đều do vấn đề chất lượng sản phẩm và uy tín doanh nghiệp cũng như thiếu sự liên kết giữa những nhà sản xuất và xuất khẩu.
Một vấn đề nóng về xuất khẩu nông sản hiện nay là tình trạng một số doanh nghiệp xuất khẩu “tự nguyện” đua nhau giảm giá xuất khẩu như gạo cao cấp (5% tăm) từ 260 USD/tấn xuống 240 USD/ tấn, trong khi các doanh nghiệp Thái Lan vẫn ký bán giá cao (300-303 USD/ tấn). Hạt điều của Việt Nam cũng lâm vào tình trạng tương tự.
Về kênh phân phối: Kênh phân phối còn yếu kém, rời rạc. Tuy chúng ta có cộng đồng người Việt ở nước ngoài khá đông nhưng chưa tận dụng được lợi thế này để xây dựng mạng lưới thương mại cho hàng nông sản.
Về xúc tiến thương mại: Doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư cho chiến lược chất lượng sản phẩm gắn liền với xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm. Mẫu mã bao bì hàng chế biến nông sản của Việt Nam còn sơ sài, đơn điệu. Mặt khác ý thức về tầm quan trọng của công tác xúc tiến thương mại chưa cao, giới thiệu quảng bá hàng hoá của các doanh nghiệp nước ta nói chung, doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến nói riêng chưa được quan tâm đúng mức.
1.3 . Những điểm mạnh của công nghiệp chế biến nông sản
Việt Nam với điều kiện thuận lợi về đất đai và khí hậu ( nhiệt đới ở phía Nam và Á nhiệt đới ở phía Bắc), với nhiều chủng loại rau quả, trái cây đặc trưng, có lợi thế so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới. Điều kiện sinh thái tự nhiên của nhiều vùng nước ta rất thuận lợi cho việc phát triển sản xuất một số loại rau quả, trái cây vụ đông có hiệu quả như cà chua, cải bắp, tỏi, khoai tây… Trong khi cũng vào thời gian này ở các vùng Viễn Đông của Liên Bang Nga và thậm chí ở cả Trung Quốc đang bị tuyết dày bao phủ không thể trồng trọt được gì nhưng những nơi này lại là thị trường tiêu thụ lớn và tương đối dễ tính. Các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Phillipin lại kém lợi thế hơn so với Việt Nam cả về điều kiện tự nhiên sinh thái, cả về kỹ năng, kinh nghiệm sản xuất và tính cần cù lao động trong việc trồng trọt các loại nông sản đó.
Một số ít nông sản được các nước phát triển ở Châu Âu, Bắc Mỹ ưa chuộng như nhân hạt điều, dứa, lạc lại có thể trồng ở Việt Nam trên các đất bạc màu, đồi trọc ( như điều) hay trên đất phèn (như dứa).
Nhiều sản phẩm nông sản chế biến được sản xuất trên dây chuyền hiện đại. Trong lĩnh vực này, nhiều dây chuyền mới đã được chuyển giao vào Việt Nam như dây chuyền sản xuất các loại rau quả hộp, nước trái cây, một số liên doanh đã được thành lập ở Việt Nam. Nhiều loại thiết bị chế biến đã được đưa vào Việt Nam thuộc loại tiên tiến và hiện đại bậc nhất thế giới như dây chuyền xay xát gạo Satake của Nhật Bản, dây chuyền sản xuất bột mỳ của Singapo, Inđônêxia, các dây chuyền chế biến rau quả của ý, Hà Lan, các dây chuyền chế biến thịt của úc, các dây chuyền chế biến chè của Nhật bản, Bỉ, Đài Loan, các nhà máy đường của Anh, Pháp, Ấn Độ, liên doanh chế biến sữa và các sản phẩm sữa, liên doanh sản xuất bia, nước giải khát… Các công nghệ mới này góp phần tạo ra một khối lượng hàng nông sản xuất khẩu lớn, chất lượng cao và giá thành hạ, có khả năng cạnh tranh trên thế giới.
Tốc độ phát triển của ngành hàng này rất nhanh. Theo Bộ trưởng bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải, những năm qua, tốc độ tăng trưởng công nghiệp chế biến luôn đạt khá, 13% ( năm 2001) và gần 16% ( năm 2002). Việc áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới, các giống mới với các đặc tính chất lượng cao đã làm cho năng suất các loại cây trồng tăng cao, dẫn tới sản lượng ngày càng lớn. Trước đây, Việt Nam trồng dứa Victoria, năng suất chỉ đạt 10 tấn/ ha, nay chuyển sang trồng giống Cayen năng suất có thể đạt 68-80 tấn/ ha, các giống mía của Việt Nam trước đây chỉ đạt 30-40 tấn/ ha, nay nhờ nhập nội các giống mía của Ấn Độ, Đài Loan, Châu Mỹ La Tinh đã đạt 80-120 tấn/ ha. Không chỉ bằng giống mới mà việc áp dụng các công nghệ mới trong canh tác cũng làm tăng năng suất gấp 5-6 lần. Nhờ đó giá nguyên liệu hạ, chất lượng nông sản tốt nên hiệu suất thu hồi cao, dẫn tới giá thành sản phẩm chế biến cũng rẻ hơn.
So với các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu khác như hàng dệt may, giầy da hay cơ khí, điện tử, lắp ráp… thì trong cùng một lượng kim ngạch xuất khẩu thu về như nhau, tỷ lệ chi phí sản xuất có nguồn gốc ngoại tệ của hàng chế biến rất thấp, do đó thu nhập ngoại tệ ròng của hàng nông sản chế biến xuất khẩu sẽ cao hơn nhiều. Ví dụ chi phí sản xuất gạo xuất khẩu có nguồn gốc ngoại tệ ( phân bón, thuốc trừ sâu bệnh và các loại hoá chất, xăng dầu, máy móc…) chỉ chiếm từ 15%-20% giá trị xuất khẩu kim ngạch gạo. Điều đó có nghĩa là xuất khẩu gạo đã tạo ra từ 80%-85% thu nhập ngoại tệ thuần cho đất nước, chỉ số này đối với nhân hạt điều xuất khẩu là khoảng 27% đến 73%. Đây là lợi thế ban đầu của các nước nghèo, khi chưa có đủ nguồn ngoại tệ để đầu tư xây dựng những nhà máy lớn, các khu công nghiệp để sản xuất- kinh doanh những mặt hàng tiêu tốn nhiều ngoại tệ.
Ngành công nghiệp chế biến cần sử dụng nhiều lao động trong quá trình sản xuất- kinh doanh. Đây là một ưu thế quan trọng hiện nay của ngành vì hàng năm nước ta phải giải quyết thêm việc làm cho 1,4 triệu người bước vào tuổi lao động. Trong khi đó, giá nhân công Việt Nam rẻ hơn các nước khác trong khu vực, phổ biến với mức 1- 1,2 USD/ ngày công lao động như trong sản xuất lúa gạo, cà phê. Tuy nhiên lợi thế này sẽ không được tồn tại lâu dài do sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước và thế giới.
Thể chế chính trị ổn định và hệ thống luật pháp của Việt Nam ngày càng hoàn thiện. Những chính sách mới của Nhà nước đang tạo cho Việt Nam thụân lợi để mở rộng thị trường nông sản và xuất khẩu như: chính sách ưu đãi thuế cho các mặt hàng xuất khẩu, chính sách khuyến khích hoạt động chuyển giao công nghệ và lĩnh vực công nghiệp chế biến, thời gian qua chính phủ Việt Nam đã có những chính sách khá mạnh trong việc thu hút vốn đầu tủ trực tiếp nước ngoài FDI và công nghệ hiện đại vào lĩnh vực này, chính sách trang trại đang cho phép những chủ doanh nghiệp tư nhân có vốn, có kiến thức, tham gia mở rộng và ổn định thị trường nông sản, chính sách thuế nông nghiệp theo chất lượng đất đai ổn định trong nhiều năm và các chính sách khuyến nông khác đã giúp cho hàng triệu nông dân tiếp cận với công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ sinh học. Những chính sách này đang tạo ra một môi trường sản xuất và kinh doanh hàng chế biến nông sản sôi động, có chiều sâu và hiệu quả ngày càng tăng, làm tăng thêm tính hấp hẫn của môi truờng đầu tư trong lĩnh vực này. Trong những năm qua, Nhà Nước đã quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác chế biến, kinh doanh xuất khẩu có năng lực và trình độ ở trong nước và nước ngoài.
Quan hệ thương mại của ta với các nước trên thế giới ngày càng phát triển, mở rộng. Sau nhiều năm mở cửa, quan hệ thương mại của ta với nhiều nước trên thế giới đã ngày càng mở rộng, nhất là trao đổi buôn bán với các nước ASEAN, với Nhật, Mỹ và với EU. Nhiều thị trường tiếp tục đặt mua các loại nông sản của Việt Nam trông điều kiện giá như hiện tại, đồng thời đang có những khả năng mới cho việc mở rộng thị trường. Đó là: nhiều công ty nước ngoài bán máy móc, thiết bị cho Việt Nam với điều kiện cho vay vốn và trả chậm bằng hàng hoá, nhiều doanh nghiệp nước ngoài sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam với điều kiện xuất khẩu một phần hoặc toàn bộ sản phẩm ra nước ngoài ( như liên doanh sản xuất thịt lợn ở Bình Dương, bột mỳ cao cấp ở Bà Rịa- Vũng Tàu, liên doanh chế biến chè, hồ tiêu…)
1.4 Những điểm yếu của công nghiệp chế biến nông sản
Về nguyên liệu, công nghệ trồng và thu hoạch, bảo quản còn rất lạc hậu: Việt Nam chưa hình thành được các vùng chuyên canh sản xuất hàng tươi sống và vùng nguyên liệu tập trung cho các nhà máy chế biến lớn theo yêu cầu kỹ thuật và kinh tế. Phần lớn các loại cây con, giống hiện đang được nông dân sử dụng có năng suất và chất lượng thấp hơn so với các nước trên thế giới và các đối thủ cạnh tranh trong khối ASEAN. Trên địa bàn cả nước chưa hình thành được hệ thống cung ứng giống tốt cho người sản xuất. Năng suất lúa của Việt Nam chỉ bằng 61% năng suất lúa của Trung Quốc và thấp hơn nhiều so với lúa của Nhật Bản, Italy, Mỹ. Năng suất cà chua của ta chỉ bằng 65% năng suất cà chua thế giới, cao su Việt Nam mới đạt 1,1 tấn/ ha, so với năng suất thế giới là 1,5-1,8 tấn/ ha, thấp hơn tới 30-40%. Nông sản được thu mua lẻ tẻ trong dân nên chất lượng không đồng đều, gây khó khăn trong việc kiểm soát đầu vào nguyên liệu của nhà máy chế biến.
Máy móc, thiết bị phuc vụ chế biến còn lạc hậu: Việt Nam là một nước nông nghiệp có nguồn nông sản nguyên liệu dồi dào, nhưng thiết bị công nghệ chế biến nông sản không đủ năng lực sản xuất hàng xuất khẩu. Có thể điểm qua các số liệu sau:
-128 nhà máy xay xát gạo, tổng công suất 2,4 triệu tấn nhưng thiết bị từ những năm 60 ( ở miền Bắc) và những năm 80 ( ở miền Nam).
-18 nhà máy chế biến rau quả, chưa đảm bảo chế biến được 5% sản lượng rau quả, chưa đáp ứng chỉ tiêu xuất khẩu.
-30 nhà máy chế biến thịt của cả nước, chỉ đạt tỷ lệ chế biến 1,5%.
- Các khu vực chế biến dầu thực vật, chè, cà phê, cao su cũng chưa được đầu tư thích đáng, thiết bị cũ, hiệu quả thấp.
Đa số địa phương khi xây dựng nhà máy chế biến đều nhập công nghệ trung bình hoặc đã lạc hậu hàng chục năm. Hiện nay có tới 60% nhà máy, dây chuyền sản xuất của ngành công nghiệp chế biến có “tuổi thọ” hơn 20 năm. Thiết bị công nghệ cho công nghiệp chế biến chậm đổi mới. Hệ số đổi mới những năm qua của công nghiệp chế biến mới đạt mức 7%/ năm, chỉ bằng 1/2 đến 1/3 mức tối thiểu của các nước. Do đó khi bước vào sản xuất công suất thấp, tiêu thụ năng lượng nhiều nên thiếu sức cạnh tranh. Nhiều chuyên gia thương mại xuất nhập khẩu đã khẳng định những loại sản phẩm như gạo, cà phê, cao su, hạt điều của nước ta rất tốt nhưng công nghiệp chế biến thấp nên luôn luôn bị “rớt giá” từ 10%-15% so với sản phẩm cùng loại của nước ngoài. Kết cấu hạ tầng phục vụ cho việc vận chuyển, bảo quản dự trữ, bốc xếp hàng hoá nông sản nhất là hàng tươi sống rất yếu kém.
Tỷ lệ hao hụt trong khâu thu hoạch và bảo quản vẫn còn cao dẫn đến giá thành chế biến cao. Tỷ lệ thất thoát ở các khâu thu hoạch và sau thu hoạch lớn, như lương thực là 8-10% ( riêng Đồng bằng sông Cửu Long là 15%), rau quả 7-8%.
Tổ chức liên kết trong sản xuất và kinh doanh chế biến nông sản còn chưa đảm bảo tạo ra sức mạnh tổng hợp cũng như bảo đảm mối liên hệ sản xuất giữa các ngành, các khâu trong phát triển chế biến.
Năng lực quản lý sản xuất kinh doanh, chế biến và xuất khẩu nông sản chưa đáp ứng được yêu cầu trong diều kiện tự do hoá thương hoá, đặc biệt là khâu marketing, dự tính, dự báo thị trường. Mối liên kết kinh tế giữa các khâu sản xuất- chế biến- xuất khẩu, giữa các khâu cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thị sản phẩm đầu ra, giữa các khâu kỹ thuật với khâu kinh tế… chưa thiết lập được một cách vững chắc để đảm bảo sự ổn định về số lượng và chất lượng cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh hàng nông sản xuất khẩu theo yêu cầu của thị trường.
Tác động của công nghiệp chế biến, nhất là chế biến đồ uống từ hoa quả để tiêu thụ nông sản, đến việc thay đổi cơ cấu và phát triển cây trồng, vật nuôi chưa mạnh. Việc phát triển ngành công nghiệp chế biến phụ thuộc khá nhiều vào khả năng cung cấp nguyên liệu cả về số lượng và chất lượng, nhưng hiện nay việc cung ứng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến thường xuyên không ổn định vì chưa có vùng cây công nghiệp chuyên canh tập trung. Hầu hết các vùng cây công nghiệp do hộ nông dân quản lý nên thường tự ý thay đổi cơ cấu cây trồng theo sự biến động của thị truờng. Một số địa phương nôn nóng muốn chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên địa bàn nhanh, đôi khi bỏ qua khâu quy hoạch dẫn tới tình trạng các doanh nghiệp chế biến lúc thừa, lúc thiếu nguyên liệu thường xảy ra.
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải cho rằng: “ Đây cũng là trách nhiệm của các nhà đầu tư trong việc xây dựng nhà máy chế biến. Trước tiên phải phát triển nguyên liệu cho chính nhà máy của mình, chứ không thể đổ lỗi cho nông dân. Anh muốn nhà máy của anh hoạt động có hiệu quả thì phải quy hoạch, có vùng nguyên liệu, và nó phải phù hợp với vùng nguyên liệu chung của ngành NN-PTNT”.
Các mặt hàng chế biến của Việt Nam chưa có thương hiệu rõ rệt, uy tín và chỗ đứng trên thị trường thế giới. Nhiều năm qua, hàng nông sản chủ lực của Việt Nam như gạo, hạt điều, cao su, cà phê, hạt tiêu,.. đã được tổ chức sản xuất và tiêu thụ tốt, tăng nhanh sản lượng nhưng hàng nông sản Việt Nam chưa có thương hiệu rõ rệt, đa số người tiêu dùng nước ngoài không biết đến sự tồn tại của hàng nông sản Việt Nam, có lúc gạo ngon Việt Nam lại được đóng gói mang thương hiệu Thái Lan. Ông Nguyễn Văn Lạng - Chủ Tịch UBND tỉnh Đắk Lắk , “ thủ phủ cà phê Việt Nam”, cũng bức xúc “ Chỉ riêng mặt hàng cà phê Việt Nam đã bị thiệt hại khoảng 100 triệu USD mỗi năm do không bán trực tiếp cho những công ty nứớc ngoài mà phải tiêu thụ qua trung gian…”. Theo Bộ NN-PTNT, hồ tiêu Việt Nam đã được xuất khẩu đến hơn 70 quốc gia ở khắp thế giới. Tuy nhiên, hầu hết lượng tiêu xuất khẩu không xuất trực tiếp được mà phải xuất cho các công ty trung gian của Singapore, Hà Lan, Đức…để các công ty này tiếp tục xuất khẩu vào các nước khác với thương hiệu của họ. Do doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đầu tư cho chiến lược sản phẩm gắn liền với xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm. Mẫu mã, bao bì hàng nông sản chế biến còn quá sơ sài, đơn điệu.
Các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu còn chưa hiểu biết về nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài. Thiếu chiến lược xây dựng mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chủng loại hàng hoá còn dàn trải.
Nhận thức về thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp chưa đầy đủ, việc sản xuất chế biến và tiêu thụ hàng nông sản chưa đa dạng, chưa chuyên sâu, nắm bắt thị hiếu tiêu dùng còn yếu. Những quốc gia thuộc thị trường EU, Mỹ, .. chưa có nhiều thông tin về hàng hoá Việt Nam, ngược lại các doanh nghiệp xuất khẩu của chúng ta cũng thiếu thông tin, chưa nói đến là cập nhập được thông tin ngay ở thị trường mà doanh nghiệp đã xuất khẩu. Khả năng thu thập thông tin, phân tích thị trường của các cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp còn rất hạn chế. Các nghiên cứu sâu về thị trường đối với hàng nông sản chế biến mới chỉ triển khai có tính chất đơn lẻ, chưa tập hợp thành các tài liệu tham khảo.
Chất lượng tương đối thấp, các chỉ tiêu chưa cao, chưa đồng đều. Chất lượng là vấn đề luôn được đặt ra đối với các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thực phẩm. Khi cách cửa WTO hé mở cũng là lúc chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến chất lượng các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Vấn đề chất lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đang làm cho khoảng cách giữa hàng nông sản Việt Nam với thế giới ngày một doãng ra. Tại hội thảo Quản lý chất lượng hàng nông sản xuất khẩu diễn ra ngày 6/4/07 tại Hà Nội của Bộ NN-PTNT cho thấy tốc độ tăng nhưng chất lượng thì…thật đáng buồn. Hầu hết các cơ sở chế biến và kinh doanh chỉ phấn đấu đạt chất lượng theo yêu cầu của khách hàng, chứ chưa áp dụng các tiêu chuẩn riêng biệt để có chỗ đứng trên thị trường thế giới. Nhiều người cho rằng, nếu xử lý tốt khâu thu hoạch, cà phê của ta sẽ có 40% đạt chất lượng xuất khẩu loại I. Về cao su, chất lượng cao su sơ chế chưa ổn định và chỉ tiêu chưa cao, chưa đồng đều, đặc biệt là các nhà máy, cơ sở nhỏ ở địa phương. Với chè và rau quả còn đáng lo ngại hơn. Chất lượng chè hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu. Các loại chè tốt như P, OP, FOBP mới chỉ đạt trên dưới 50% sản lượng chè xuất khẩu. Hàm lượng tạp chất cao, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhiều, hương vị, màu sắc chưa hấp hẫn khách hàng là cản trở lớn nhất của sản phẩm này. Rau quả tươi thì kém quá xa về chất lượng so với các nước trong khu vực.
Nhận thức của các cơ quan quản lý Nhà nước còn mơ hồ, hành lang pháp lý còn “mỏng”. Nguyên nhân quan trọng làm công nghiệp chế biến chưa phát triển đủ tầm là do công tác quy hoạch. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, quy hoạch của chúng ta hiện rất kém, làm giảm hiệu quả và chậm tốc độ phát triển của công nghiệp chế biến. Sự quản lý lơi lỏng trong phát triển vùng nguyên liệu dẫn đến tự phát. Thủ tướng đặc biệt chú trọng công tác quy hoạch vùng nguyên liệu có định hướng cho công nghiệp chế biến.
1.5 Những cơ hội của công nghiệp chế biến nông sản
Thị trường hàng nông sản thế giới luôn chứa đựng những xu hướng phát triển mới theo nhiều phương diện khác nhau cả về sản xuất, tiêu thụ, giá cả và những thương lượng buôn bán giữa các quốc gia và các khu vực với nhau. Tất cả đều đó đang mở ra những thách thức và cơ hội đối với mỗi quốc gia trong quá trình phát triển kinh tế nói chung và phát triển công nghiệp chế biến nói riêng.
Sự gia tăng về dân số là một thách thức lớn đối với nền kinh tế và đối với vấn đề an ninh lương thực toàn cầu nói riêng. Theo dự báo của Liên Hợp Quốc, dân số thế giới sẽ tăng thêm 2,5 tỷ người vào năm 2020, trong đó riêng Châu Á là 1,5 tỷ người. Điều này sẽ làm tăng đáng kể khối lượng nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm lương thực, thực phẩm. Theo dự báo của Tổ chức Lương nông thế giới (FAO), nhu cầu hàng nông sản toàn cầu càng tăng thêm do mức tăng trưởng kinh tế thế giới tăng 3,4-3.5%/ năm. Do đó, có thể thấy rằng, thị trường thế giới đang tạo ra cơ hội lớn cho nông sản chế biến Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Việt Nam sẽ nằm trong khu vực sôi động của thị trường hàng nông sản thế giới, do đó có điều kiện để tiếp cận thị trường và tăng cường buôn bán các sản phẩm nông nghiệp với các thị trường khác.
Thị trường hàng nông sản thế giới vẫn đang có xu hướng chuyển dần về khu vực các nước đang phát triển, nhất là các nước khu vực Châu Á. Nhóm các nước này ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong giá trị thương mại quốc tế về các sản phẩm nông nghiệp, nhất là giá trị xuất khẩu. Thị trường các nước đang phát triển không phải là những thị trường khó tính và mức bảo hộ thấp sẽ mang lại những cơ hội tiếp cận thị trường tốt cho các sản phẩm chế biến của Việt Nam.
Đồng thời với quá trình phát triển thị trường các sản phẩm nông sản sẽ là việc hình thành và phát triển thị trường công nghệ đáp ứng yêu cầu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả các sản phẩm nông nghiệp của các nước đang phát triển. Điều này sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam tham gia thị trường công nghệ phục vụ cho sản xuất chế biến, đặc biệt trong môi trường có nhiều điểm tương đồng giữa các nước trong khu vực.
Trên thị trường thế giới đang diễn ra hướng gia tăng nhanh chóng giá trị xuất nhập khẩu các sản phẩm chế biến như thịt chế biến, dầu mỡ, sữa của nhóm các nước đang phát triển. Đây là cơ hội lớn để thúc đẩy ngành chăn nuôi trong nước, cải thiện cơ cấu giá trị xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam, đồng thời tạo ra khả năng chống lại dao động cao của giá các sản phẩm trồng trọt, mang lại sự ổn định hơn cho sản xuất nông nghiệp trong nước. Nhu cầu về hàng nông sản của thị trường thế giới đặc biệt là thị trường Mỹ, EU còn rất lớn và có xu hướng tăng lên, trong đó có nông sản chế biến.
Việt Nam đã tham gia vào các tổ chức hợp tác khu vực và thế giới như APEC, ASEAN, WTO…
1.6 Những thách thức của công nghiệp chế biến nông sản:
Các lợi thế tương đối của sản xuất nông nghiệp Việt Nam sẽ bị hạn chế do tính chất tương đồng của các sản phẩm trong cùng một khu vực tự nhiên, mức độ chênh lệch về giá lao động. Nếu không tiếp cận được các thị trường tiêu thụ trực tiếp và xây dựng chiến lược, sản phẩm thích hợp thì Việt Nam có nguy cơ trở thành nứơc xuất khẩu nguyên liệu thô, ít qua chế biến sang các nước khác trong khu vực. Đồng thời với khả năng tăng xuất khẩu là sức ép về tăng nhập khẩu hàng nông sản nước ta.
Xu hướng phát triển của thị trường nông sản thế giới sẽ chịu tác động lớn của các cuộc thương lượng mậu dịch mang tầm quốc tế,Việt Nam sẽ phải đối mặt với sản phẩm của các thành viên trong tổ chức WTO cả ở thị trường trong nước và nước ngoài. Những khó khăn về cạnh tranh thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam sẽ lớn hơn khi mà sản xuất chế biến vẫn trong tình trạng lạc hậu.
Khả năng tiếp cận thị trường nước ngoài của các sản phẩm chế biến của Việt Nam còn ở mức độ thấp so với yêu cầu thị trường thế giới và so với sản phẩm của các nước khác trong khu vực, do đó, sẽ bất lợi lớn nếu không có chiến lược phát triển sản phẩm này một cách thận trọng. Nhiếu đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất và chế biến trong khu vực, thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, Mỹ…vì vậy sản phẩm của Việt Nam phải cạnh tranh rất gay gắt ở các thị trường này.
Tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng nông sản tươi và đã qua chế biến ngày càng gay gắt, khắt khe và phức tạp, đặc biệt là đối với thị trường nước ngoài.
Những đối xử bất công của những nước công nghệ hiện đại với các nước đang phát triển trong trao đổi thương mại.
2. Hệ thống các quan điểm cơ bản định hướng phát triển xuất khẩu mặt hàng chế biến nông sản
2.1 Các quan điểm định hướng phát triển công nghiệp chế biến nông sản
10 năm tới cần hướng mọi nỗ lực vào xây dựng và phát triển cơ cấu kinh tế nông thôn hợp lý, gắn kết nông nghiệp- công nghiệp chế biến và các hoạt động dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp cũng như tiêu thụ sản phẩm.
- Để triển khai các đề án chế biến lớn, Công nghiệp Chế Biến cần tập trung vào các trọng tâm sau:
.Về lương thực: nâng cao chất lượng hạt gạo tương đương của Mỹ, Thái Lan, bảo đảm chế độ phơi sấy, bảo quản, vận chuyển, xay xát, hạ tỷ lệ tấm, tỷ lệ rạn vỡ, thời gian lại cám, tỷ lệ tạp chất, hạt bầu, độ trắng đục…hạ giá thành gạo xuất khẩu đến mức thấp nhất, sử dụng thiết bị sấy hiện đại, các kho chứa có thể đảo hạt, bảo đảm tiêu chuẩn về nhiệt độ và độ ẩm, các thiết bị vận chuyển bốc dỡ bằng sức gió.
.Về đường mía: đưa các giông mới chiếm tỷ lệ cao nhất, từng bước tập trung , thu hẹp diện tích vùng chuyên canh để đầu tư cho khâu thuỷ lợi, cơ giới hoá khâu thu hoạch và vận chuyển mía. Các nhà máy đường đầu tư thêm dây chuyền tận dụng phụ phẩm làm phân vi sinh, cồn, ván ép…
.Về chế biến chè: Triển khai các biện pháp thâm canh chè như thuỷ lợi hoá vùng trồng chè, áp dụng quy trình đốn chặt tiên tiến, chế biếnm nhiều mặt hàng phù hợp với nhu cầu nội tiêu và xuất khẩu, phát triển các cây thảo mộc truyền thống để phối hợp với chè nhằm sản xuất ra các loại nước uống thảo mộc hợp khẩu vị, rẻ.
.Về chế biến rau quả: Xây dựng hệ thống thu hái, tuyển chọn, bảo quản đống gói những loại rau quả có chất lượng cao, phục vụ xuất khẩu tươi, chế biến thành đồ hộp, nước rau quả, nước cô đặc…các loại quả không tiêu thụ tươi được, xây dựng hệ thống kho mát từ vùng nguyên liệu đến thành phố, đến cửa khẩu theo yêu cầu của người tiêu dùng, xuất khẩu tập trung vào thị trường Mỹ, Nhật, Đài Loan, EU, SNG và Đông Âu.
.Về chế biến điều: Nhanh chóng áp dụng các giống mới, tận dụng chế biến các sản phẩm khác nhau từ điều như dầu vỏ hạt điều, nước uống, thức ăn gia súc…
Về chế biến cà phê: Với sản lượng gần 700.000 tấn như hiện nay, dồn sức đầu tư cho chế biến. Bảo quản, rang, xay tốt để có cà phê với chất lượng tốt, đặc biệt lau, rửa, đánh bóng và ủ men đúng các kỹ thuật hình thành các hợp chất thơm, để có cà phê hạt với màu sắc, kích thước, độ bóng đồng nhất để có giá cao trong xuất khẩu.
.Về chế biến cao su: Nhiều năm nay, nhờ đầu tư vào khâu chế biến mủ cao su với công nghệ khác, nước ta đã tạo ra các chủng loại phong phú cho cao su nguyên liệu của Việt Nam, điều chỉnh lượng cao su theo yêu cầu của khách hàng. Chính vì vậy, giá cao su đã từng bước được nâng lên. Với việc đầu tư hoặc liên doanh, chế biến các sản phẩm tiêu dùng từ nguyên liệu cao su, ngành cao su Việt Nam sẽ tạo ra những giá trị mới.
2.2 Hệ thống các mục tiêu chiến lược cần đạt được trong định hạn thời gian chiến lược
Các đề án lớn mà chính phủ phê duyệt trong thời gian qua như bảo đảm an toàn lương thực từ nay đến năm 2020, phát triển chè, điều, rau quả, hoa, cây cảnh…đã báo trước mục tiêu xuất khẩu nông sản chế biến phải đạt vào năm 2010 là 6-7 tỷ USD, trong đó gạo khoảng 1,5 tỷ, rau quả 1,1 tỷ, điều 500 triệu, hồ tiêu 350, chè 180 triệu USD.
Mục tiêu đến năm 2010, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân 4-4.5%/ năm, Công nghiệp chế biến nông sản 10% đến 12%/năm, tỷ lệ nông phẩm được chế biến cao( gạo 90%, cà phê 100%, cao su mủ khô 100%, chè búp khô 75%, đường 90%, hạt điều 100%, dầu dừa 100%, rau các loại 20%, hoa quả các loại 26%, thịt hơi 30%...) Đồng thời, do yêu cầu về sản lượng, tỷ lệ chế biến, chất lượng chế biến cao nên khoảng 40-50% các dây chuyền chế biến hiện có cần phải đầu tư, cải tạo, nâng cấp thì năng lực chế biến nông phẩm cần phải đầu tư và tăng thêm rất lớn.
Trước mắt, cần khẩn trương xây dựng các ngành hàng chế biến có sức cạnh tranh cao trên thị trường thế giới, chú trọng đẩy mạnh chế biến các nông sản có lợi thế so sánh như thóc, gạo chè, cà phê…Một số mặt hàng khác như điều, mía đường, .. cần chú trọng tăng tỷ trọng sản phẩm đã qua chế biến quy mô công nghiệp. Dự kiến, giá trị sản xuất của các ngành hàng chế biến nông sản sẽ đạt tốc độ 10,7% đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 là 11,7%.
Lựa chọn chiến lược: Để có bước đi đúng và thích hợp, cần lựa chọn các sản phẩm cơ khí nông nghiệp có nhu cầu cao, có đủ diều kiện để hình thành các dự án quy mô trung bình và lớn theo hướng chuyên môn hoá từng dự án, ưu tiên phát triển các dự án nguồn làm hạt nhân rồi sắp xếp tổ chức các cơ sở cơ khí hiện có làm vệ tinh chuyên môn hoá cung cấp thiết bị, phụ tùng…Đối với các dự án có đủ điều kiện chín muồi về công nghệ, thị trường xuất khẩu đang bỏ ngỏ thì cần tổ chức chuyên môn hoá với quy mô trung bình và lớn nhằm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
3 . Các giải pháp
3.1 Về phía cộng đồng các doanh nghiệp công nghiệp chế biến nông sản
Các doanh nghiệp cần tăng cường khả năng tiếp thị, nắm chắc diễn biến thị trường thế giới, ký kết các hợp đồng dài hạn làm căn cứ tổ chức sản xuất, luôn luôn nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành và thay đổi mẫu mã để giữ vững và phát triển thị trường xuất khẩu.
Về nguyên liệu: Cần tạo ra những vùng nguyên liệu lớn, tập trung nhằm cung cấp đủ nguyên liệu cho các nhà máy đạt công suất trên 80%. Các vùng nguyên liệu phải được quy hoạch chặt chẽ trên cơ sở bảo đảm các yếu tố thuận lợi, giao thông nội đồng, có trại giống, có tổ chức phòng ngừa sâu bệnh, có hợp đồng mau bán chặt chẽ giữa nhà máy và người nông dân.
Từng bước đổi mới giống nguyên liệu, lựa chọn và đưa vào sản xuất các loại giống tiên tiến hàng đầu thế giới. Đẩy mạnh dịch vụ, thâm canh để vừa tăng năng suất cây trồng vừa đảm bảo chất lượng nguyên liệu.
Cơ giới hoá việc thu gom nguyên liệu, tổ chức bảo quản để khỏi hư hao, cần đảm bảo độ đồng đều của nguyên liệu thông qua phương pháp cấy mô.
Khuyến khích các doanh nghiệp chủ động, tích cực triển khai ký kết hợp đồng với người sản xuất, tạo nên sự tin cậy giữa hai bên, gắn kết chặt chẽ trách nhiệm và quyền lợi mỗi bên trong việc thực hiện hợp đồng tạo vùng nguyên liệu ổn định để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Về trang thiết bị:
Bên cạnh việc đổi mới giống, công nghiệp chế biến nông sản cũng cần đổi mới công nghệ, thiết bị để đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt khi đầu tư, xây dựng, nâng cấp các cơ sở chế biến phảI đảm bảo yêu cầu công nghê hiện đại, thiết bị tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành công nghiệp chế biến, bảo vệ môi trường. Hầu hết các thiết bị thuộc loại tiên tiến và hiện đại trên thế giới là của các nước như Nhật Bản, Singapore, Indonesia, Italy, Hà Lan, Australia, Mỹ, Pháp…
Tiếp tục đầu tư cho các nhà máy công nghệ và thiết bị hiện đại, chế tạo các phụ tùng thay thế bảo đảm yêu cầu sửa chữa hàng năm và tiến tới thiết kế, chế tạo trong nước để giảm nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ.
Các nhà máy cần tiếp cận, hoàn thiện và xây dựng thành đơn vị theo tiêu chuẩn ISO, HACCP nhằm đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng trong và ngoài nước. Có kế hoạch phấn đấu tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm hàng nông sản chế biến để duy trì và giữ vững thị trường.
Ưu tiên tập trung đầu tư, nghiên cứu, chế tạo các dây chuyền, thiết bị quy mô vừa và nhỏ, tiên tiến và hiện đại, phù hợp với quy mô từng vùng nguyên liệu, tiến tới nâng dần tỷ trọng tự sản xuất trong dây chuyền, thiết bị nội bộ về chế biến nông sản
Tăng cường công tác khuyến nông và đào tạo, chuyển giao nhanh các phương pháp canh tác tiên tiến và giống mới cho nông dân. Khuyến khích các nhà máy, cơ sở chế biến hỗ trợ nông dân đầu tư cơ giới hoá các khâu từ làm đất đến thu hoạch, bảo quản.
Gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản và các hoạt động dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp cũng như tiêu thụ sản phẩm. Cần đặc biệt chú ý là giải quyết mối quan hệ giữa các vùng nguyên liệu với các nhà chế biến. Trước hết phải có quy hoạch đồng bộ, đổi mới tổ chức, khép kín sản xuất và vùng nguyên liệu tập trung. Đặc biệt làm sao tạo sức hút và gắn kết chặt chẽ, ràng buộc pháp lý và kinh tế giữa hai nhà: nhà máy và nhà sản xuất nguyên liệu ( hợp tác xã, hộ nông dân, trang trại hoặc đại diện hộ nông dân).
Các doanh nghiệp ký kết hợp đồng với người sản xuất ngay từ đầu vụ với nhiều hình thức như: ứng trước vốn, vật tư nông ng hiệp ( giống, phân bón, thuốc BVTV…) hỗ trợ về kỹ thuật canh tác, công nghệ bảo quản, sơ chế và mua lại rau quả hàng hoá, bán vật tư nông nghiệp và mua lại rau quả hàng hoá, bán vật tư nông nghiệp và mua lại sản phẩm trái cây, trực tiếp tiêu thụ trái cây hàng hoá…
Doanh nghiệp cần xác định rõ trách nhiệm cụ thể đối với nhà sản xuất như : cung ứng vật tư nông nghiệp, áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao tính chủ động để hoạt động quản lý, điều hành sản xuất có hiệu quả, có biện pháp khuyến khích người sản xuất có ý thức trách nhiệm tạo ra nguồn hàng ổn định và bảo đảm chất lượng để phục vụ sản xuất chế biến.
Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông sản đã qua chế biến. Đây được xem là điều cốt lõi để phát triển sản xuất.
Vấn đề quan trọng là phải phát triển hệ thống phân phối, xây dựng được hình ảnh, thương hiệu thông qua việc quảng bá tốt hơn cho sản phẩm nông sản chế biến Việt Nam nhằm tạo ra giá trị gia tăng thêm cho sản phẩm. Cần chú trọng nhiều hơn đến việc khai thác các thế mạnh của thị trường tiêu thụ, kiến thức quản lý các loại dây chuyền công nghệ, tiếp nhận các loại tài liệu cũng như quy trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho quá trình khai thác và sử dụng công nghệ của đối tác nước ngoài để phát huy thế mạnh hàng nông sản chế biến Việt Nam.
Muốn hàng nông sản Việt Nam có khả năng cạnh tranh tại thị trường thế giới, các doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư cho việc xây dựng thương hiệu hàng nông sản chế biến, coi trọng đăng ký thương hiệu, thiết kế nhãn mác và mẫu mã bao bì cho sản phẩm, liên kết với người sản xuất nguyên liệu để đăng ký xuất xứ hàng hoá, đảm bảo các chứng chỉ cần thiết khi xuất khẩu vào thị trường thế giới.
Các doanh nghiệp phải nhận thức đúng và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và quảng bá cho sản phẩm của mình. Từ thực tế cho thấy các doanh nghiệp cần có bước đi chủ động hơn nữa trong tìm kiếm thị trường, đa dạng hoá sản phẩm, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng các nước khác nhau.
Liên kết giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành chế biến. Sự liên kết các doanh nghiệp để điều tiết giá mua, giá bán hợp lý, chia sẻ thông tin thị trường sẽ đảm bảo hiệu quả ổn định cho cả nông dân và doanh nghiệp. Trong đó các nhà máy, các công ty lớn có thể sử dụng thương hiệu của mình để tiêu thụ sản phẩm cho các đơn vị nhỏ trên cơ sở kiểm soát công nghệ, chất lượng sản phẩm, đào tạo và hướng dẫn họ sản xuất để tạo ra nguồn hàng hoá đồng nhất, ổn định.
3.2 Về phía Nhà Nước
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần khẩn trương tiến hành kế hoạch kiện toàn hệ thống quản lý, thực hiện các chính sách hổ trợ đầu tư, khuyến khích…tạo điều kiện cho hộ nông dân cũng như các doanh nghiệp sản xuất.
Để phát triển hình thức liên kết sản xuất- tiêu thụ giữa doanh nghiệp và người nông dân, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách tạo điều kiện cho cả hai phía, đồng thời khuyến khích các hộ nông dân hình thành các hình thức tổ chức hợp tác tự nguyện làm vệ tinh cho các doanh nghiệp. Đồng thời, Nhà nước cần có các biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp liên kết sản xuất tiêu thụ với nông dân trong việc nâng cao sức cạnh tranh, giảm chi phí sản xuất thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại vầ đầu tư, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, cung cấp thông tin định hướng cho kinh doanh, công tác kiểm soát xuất xứ hàng nông sản và đăng ký kinh doanh nông sản chế biến, tìm kiếm và mở rộng thị trường.
Ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần việc đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất và thương mại ( đường giao thông, thuỷ lợi, kho tàng bảo quản, chợ, hệ thống thông tin, thị trường, kiểm định chất lượng…)đối với các vùng nguyên liệu tập trung gắn với cơ sở bảo quản chế biến. Đẩy mạnh các công tác khuyên nông, chuyển giao kỹ thuật và công nghệ cho từng vùng nguyên liệu, sản xuất hàng hoá tập trung trong hợp đồng.
Về tài chính, tín dụng, tạo điều kiện cho người sản xuất ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm được vay vốn từ ngân hàng thương mại để dầu tư, phát triển sản xuất.
Với tốc độ phát triển như hiện nay, cần phát triển công nghiệp chế biến nông sản gắn với chuyển dịch cơ cấu khinh tế nông nghiệp nông thôn và gắn với thị trường tiêu thụ. Dựa trên điều kiện sinh thái của từng vùng, các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương quy hoạch lại vùng sản xuất, xác định để phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có tiềm năng.
Tại Hội nghị Công nghiệp chế biến toàn quốc, Thủ tướng đã ban hành chỉ thị về phát triển công nghiệp chế biến nông sản trong tháng 7/2003, theo đó sẽ phân cấp trách nhiệm cụ thể cho từng bộ ngành, UBND các tỉnh, các địa phương… Cụ thể, Bộ Công nghiệp “ lo” về quy hoạch phát triển ngành đến 2010, cung cấp thông tin kịp thời cho các địa phương về hoạt động của ngành Công nghiệp chế biến. Bộ NN-PTNT chú ý bổ sung, hoàn thiện quy hoạch vùng nguyên liệu nông sản. Các Bộ KH-ĐT tài chính, Thương Mại, KHCN, y tế… cần thực hiện tốt các nhiệm vụ liên quan, đảm bảo cho ngành công nghiệp chế biến vận hành trơn tru.
3.3 Về phía cộng đồng các chủ thể kinh tế thuộc các ngành và lĩnh vực khác của nền kinh tế
- Về phía hộ nông dân:
. Được sử dụng đất đai của mình để góp cổ phần, liên doanh, liên kết với doanh nghiệp hoặc cho các doanh nghiệp thuê đất sản xuất, được hỗ trợ về giống, kỹ thuật canh tác, bảo quản và bao tiêu sản phẩm ổn định lâu dài từ phía doanh nghiệp. Thông qua hợp đồng, người nông dân ngay từ đầu vụ sản xuất xá định rõ lượng vật tư nông nghiệp cần đầu tư, các biện pháp kỹ thuật, giá cả hợp lý, các khoản bảo hiểm giá nông sản… để yên tâm sản xuất.
. Xác định được trách nhiệm làm vệ tinh của mình, người nông dân chủ động và mạnh dạn hưởng ứng chủ trương chuyển dịch cơ cấu, đầu tư phát triển sản xuất, giảm giá thành, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, gom đủ nguồn hàng theo đúng thời hạn hợp đồng với doanh nghiệp.
. Có trách nhiệm đảm bảo chất lượng : Thương hiệu không chỉ là của doanh nghiệp mà còn là của nhà nông.Ông Nguyễn Văn Xuân- Trung tâm Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất hàng nông sản chế biến và ngay cả những người nông dân cũng phải cam kết thực hiện chính sách chất lượng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng. Cần liên kết với nông dân, trong đó nông dân có trách nhiệm đảm bảo chất lượng và được chung chia lợi nhuận từ doanh nghiệp. Đối với rau quả, đây là giải pháp có tính quyết định đến việc tiêu thụ và xuất khẩu. Đối với cà phê nhân, việc liên kết giữa cơ sở chế biến với nông dân sẽ tăng thêm thu nhập cho cả hai, nhờ tăng sản lượng và chất lượng cà phê, đồng thời còn đảm bảo sự phát triển hợp với tự nhiên và bền vững của cây cà phê.
- Về phía các viện khoa học: Xây dựng và phát triển mạnh công nghệ sinh học phục vụ lĩnh vực công nghiệp chế biến để sản xuất quy mô công nghiệp các sản phẩm chế biến thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Nhiệm vụ chủ yếu là nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ… tập trung vào công nghệ vi sinh, công nghệ enzym và protein ( tạo ra các loại thực phẩm đảm bảo chất lượng).
KẾT LUẬN
Với những thách thức đang đặt ra khi bước và thế kỷ 21, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam trong 10 năm tới sẽ định hướng nội nỗ lực vào việc xây dựng và phát triển cơ cấu kinh tế nông thôn hợp lý, gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp- công nghiệp chế biến nông sản và các hoạt động dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp cũng như tiêu thụ sản phẩm. Với những tiềm năng và nguồn nguyên liệu sẵn có, cộng với các chính sách ưu đãi dành riêng cho ngành công nghiệp chế biến sẽ là tiền đề thúc đẩy các doanh nghiệp chế biến nông sản của từng địa phương ngày càng phát triển vững chắc. Mặt khác, dựa trên lợi thế so sánh của mỗi sản phẩm, ở mỗi vùng cụ thể và của cả nước, Việt Nam cần phát triển mạnh mẽ nền nông nghiệp hàng hoá, đa dạng và bền vững, phát triển thị trường nông nghiệp và nông thôn, đầu tư cao chất lượng hàng hoá nông sản chế biến và sức cạnh tranh trên thị trường, tăng thu nhập cho người lao động, tạo bước phát triển mới về kinh tế- xã hội ở nông thôn góp phần đưa Việt Nam sớm thành một đất nước “ dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Em xi n chân thành cám ơn TS. Trương Đức Lực - Giảng viên Bộ môn Kinh Tế Và Quản Lý Công Nghiệp đã hướng dẫn và chỉnh sửa, giúp em hoàn thành đề án này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Trang tin điện tử Bộ tài chính www.mof.gov.vn
Tin ngày 02/08/2007
- Trang tin Việt Nam www.vnn.vn
Ngày 12/06/2003
- Website hội nông dân Việt Nam www.hoinongdan.org.vn
Ngày 05/07/2007
- www.rauhoaquavietnam.vn
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ www.tintuc.egov.vn
Tin ngày 13/02/2007, 3/6/2005,
- Báo Nhân Dân ngày 26/06/2007
- Tạp chí Cộng sản ngày 4/7/2007
- Tạp chí hoạt động khoa học www.tchdkh.org.vn
Tin ngày 10/12/2002, 22/06/2006
- Thời báo kinh tế Việt Nam.
- Giáo trình bộ môn Kinh tế và quản lý công nghiệp.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 36030.doc