NỘI DUNG
I.Một số lý luận chung:
1. Lý luận về thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra.
1.1.Thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra.
Theo quy định tại Điều 1 Luật Bảo vệ môi trường: “Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người , có ảnh hưởng tới đời sống sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên. Bảo vệ môi trường trong Luật này là những hoạt động giữu cho môi trường trong lành, sạch đẹp, cải thiện môi trường, bảo đảm cân bằng sinh thái, ngăn chặn, khắc phục các hậu quả xấu do con người và thiên nhiên gây ra cho môi trường, khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên”.
Theo điều 2 Luật Bảo vệ môi trường thì: “1.Thành phần môi trường là các yếu tố tạo thành môi trường:không khí, nước, đất, âm thanh, ánh sáng, lòng đất, núi, rừng, sông, hồ, biển, sinh vật, các hệ sinh thái, các khu dân cư, khu sản xuất, khu bảo tồn thiên nhiên, cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và các hình thái vật chất khác.”
Vậy thế nào là thiệt hại do ô nhiễm môi trường?
Trên phạm vi thế giới, hiện nay đang tồn tại song song 2 quan niệm khác nhau về thiệt hại do ô nhiễm môi trường:
Một là, thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường chỉ gồm thiệt hại đối với các yếu tố môi trường tự nhiên, như hệ động vật, thực vật, đất, nước, không khí . mà không bao gồm thiệt hại đối với tính mạng, sức khoẻ và tài sản của con người.
Hai là, thiệt hại về môi trường không chỉ bao gồm các thiệt hại đến chất lượng môi trường mà còn cả thiệt hại về sức khỏe, tài sản của cá nhân do ô nhiễm môi trường gây nên. Theo cách quan niệm này thì thiệt hại về môi trường không chỉ bao gồm thiệt hại đối với môi trường tự nhiên mà còn bao gồm cả thiệt hại đối với sức khỏe và tài sản của con người.
Tại Việt Nam, tính từ thời điểm Luật BVMT (2005) được ban hành, thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường được xác định theo quan niệm thứ hai. Theo quy định tại Điều 131 Luật BVMT (2005), có 2 loại thiệt hại:
22 trang |
Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 2368 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Một số vấn đề về bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LỜI MỞ ĐẦU
Trong thời gian qua, hàng loạt các vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được phát hiện với mức độ nghiêm trọng ở nhiều tỉnh, thành khác nhau trong cả nước, thể hiện tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp. Ngày càng có nhiều cá nhân, doanh nghiệp vi phạm vấn đề về vệ môi trường, làm môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng. Để bảo vệ sức khỏe của chính chúng ta và bảo vệ môi trường sống đang bị đe dọa, đầu độc bởi những “cá nhân, doanh nghiệp đen”, cả xã hội phải vào cuộc. “Bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường” là một trong những công cụ quan trọng, góp phần hạn chế tình trạng trên.
Bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường được pháp luật ghi nhận lần đầu tiên tại Luật Bảo vệ môi trường (Luật BVMT) năm 1993, theo đó “tổ chức, cá nhân gây tổn hại môi trường do hoạt động của mình phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật”. Đến khi Luật BVMT (2005) được ban hành, vấn đề này đã được đề cập một cách rõ ràng hơn. Bộ luật Dân sự(BLDS) nước ta cũng đã đưa ra quy định về vấn đề này tại Điều 628 BLDS năm 1998; Điều 624 BLDS sửa đổi năm 2005. Để có thể hiểu rõ và áp dụng được trách nhiệm này một cách đầy đủ trên thực tế, em xin được trình bày về “Một số vấn đề về bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường”
NỘI DUNG
I.Một số lý luận chung:
1. Lý luận về thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra.
1.1.Thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra.
Theo quy định tại Điều 1 Luật Bảo vệ môi trường: “Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người , có ảnh hưởng tới đời sống sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên. Bảo vệ môi trường trong Luật này là những hoạt động giữu cho môi trường trong lành, sạch đẹp, cải thiện môi trường, bảo đảm cân bằng sinh thái, ngăn chặn, khắc phục các hậu quả xấu do con người và thiên nhiên gây ra cho môi trường, khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên”.
Theo điều 2 Luật Bảo vệ môi trường thì: “1.Thành phần môi trường là các yếu tố tạo thành môi trường:không khí, nước, đất, âm thanh, ánh sáng, lòng đất, núi, rừng, sông, hồ, biển, sinh vật, các hệ sinh thái, các khu dân cư, khu sản xuất, khu bảo tồn thiên nhiên, cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và các hình thái vật chất khác.”
Vậy thế nào là thiệt hại do ô nhiễm môi trường?
Trên phạm vi thế giới, hiện nay đang tồn tại song song 2 quan niệm khác nhau về thiệt hại do ô nhiễm môi trường:
Một là, thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường chỉ gồm thiệt hại đối với các yếu tố môi trường tự nhiên, như hệ động vật, thực vật, đất, nước, không khí... mà không bao gồm thiệt hại đối với tính mạng, sức khoẻ và tài sản của con người.
Hai là, thiệt hại về môi trường không chỉ bao gồm các thiệt hại đến chất lượng môi trường mà còn cả thiệt hại về sức khỏe, tài sản của cá nhân do ô nhiễm môi trường gây nên. Theo cách quan niệm này thì thiệt hại về môi trường không chỉ bao gồm thiệt hại đối với môi trường tự nhiên mà còn bao gồm cả thiệt hại đối với sức khỏe và tài sản của con người.
Tại Việt Nam, tính từ thời điểm Luật BVMT (2005) được ban hành, thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường được xác định theo quan niệm thứ hai. Theo quy định tại Điều 131 Luật BVMT (2005), có 2 loại thiệt hại:
Thứ nhất, thiệt hại đối với môi trường tự nhiên: Đó là sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường, trong đó chức năng, tính hữu ích của môi trường được thể hiện qua các phương diện chính như sau: Môi trường là không gian sinh tồn của con người; Môi trường là nơi cung cấp các nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học (kể cả vật liệu, năng lượng, thông tin cần thiết cho cuộc sống và hoạt động của con người); Môi trường là nơi chứa đựng và tiêu hủy chất thải do con người thải ra trong các hoạt động của mình.
Thứ hai, thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của việc suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra .Thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ của con người được thể hiện qua các chi phí để cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc, phục hồi các chức năng bị mất của người bị hại và các khoản thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút do bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe có nguyên nhân từ ô nhiễm, suy thoái môi trường…
Trong mối quan hệ với loại thiệt hại thứ nhất, loại thiệt hại thứ hai luôn được xem là thiệt hại gián tiếp (còn gọi là thiệt hại phái sinh hay thiệt hại thứ sinh) - thiệt hại chỉ xảy ra khi đã có loại thiệt hại thứ nhất. Tuy nhiên, cần lưu ý là giữa thiệt hại đối với môi trường tự nhiên và thiệt hại đối với tài sản, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân không phải luôn luôn và hoàn toàn tách biệt. Trong một số trường hợp thiệt hại về môi trường tự nhiên tại một khu vực nhất định cũng đồng thời là thiệt hại về tài sản, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tại khu vực đó.
Ví dụ, sự suy giảm nguồn lợi thủy sinh tại một vùng biển bị ô nhiễm cũng đồng thời là sự giảm sút về thu nhập của ngư dân ở khu vực đó. Điều này thiết nghĩ cần được lưu ý để tránh sự trùng lặp khi xác định các loại thiệt hại cụ thể do thiệt hại về ô nhiễm môi trường gây ra.
1.2.Nguyên nhân gây thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường.
Nguyên nhân gây thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường chính là những hành vi làm ô nhiễm môi trường, được hiểu là những hành vi tác động đến các yếu tố của môi trường và gây ô nhiễm các các yếu tố đó làm tổn hại đến các yếu tố nguyên thuỷ của môi trường dẫn đến thiệt hại về tài sản, sức khoẻ, tính mạng của người khác…..Môi trường có thể bị xâm hại từ 2 nhóm nguyên nhân, cụ thể như sau : • Một là, nguyên nhân khách quan:
Đây có thể hiểu là các sự cố môi trường “tai biến hoặc rủi ro trong quá trình hoạt động của con người hoặc biến đổi thất thường của thiên nhiên gây ô nhiễm môi trường, suy thoái hoặc biến đổi môi trường nghiêm trọng” (Khoản 8 Điều 3, Luật ô nhiễm môi trường).
Những tai biến này hoàn toàn bất ngờ, nằm ngoài ý muốn chủ quan của con người. Những tai biến thuần túy do biến đổi thất thường của thiên nhiên mà gây thiệt hại như bão, lũ lụt, động đất, hạn hán, sóng thần…Những trường hợp này không làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường đối với bất cứ tổ chức,cá nhân nào. Đây là nguyên tắc hiển nhiên trong pháp luật dân sự nói chung vì những thiên tai này không xuất phát từ hành vi của con người; Còn những tai biến hay rủi ro môi trường xảy ra trong quá trình hoạt động của con người làm phát sinh trách nhiệm pháp lý nói chung và bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường nói riêng như: Hỏa hoạn, cháy rừng, sự cố kỹ thuật …; sự cố trong tìm kiếm thăm dò, khai thác và vận chuyển khoáng sản..;sự cố lò phản ứng hạt nhân, nhà máy điện nguyên tử,nhà máy sản xuất tái chế nguyên liệu hạt nhân, kho chứa phóng xạ… • Hai là, các yếu tố chủ quan do hoạt động của con người gây ra:
Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt cá nhân, tổ chức đã thải các chất thải ở dạng rắn, lỏng, khí mà các chất đó là những nhân tố làm cho môi trường trở thành độc hại. Hành vi gây ô nhiễm môi trường là hành vi làm thay đổi tính chất môi trường, vi phạm tiêu chuẩn của môi trường. Và đã dẫn đến suy thoái môi trường, làm thay đổi chất lượng và số lượng của thành phần môi trường, gây ảnh hưởng xấu cho đời sống của con người và thiên nhiên. Đối với những trường hợp này, trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường phát sinh khi có đủ các dấu hiệu cấu thành trách nhiệm pháp lý dân sự. Thậm chí loại trách nhiệm này còn phát sinh ngay cả khi người gây thiệt hại không có lỗi. Điều 624 Bộ luật Dân sự (2005) quy định “Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp người gây ô nhiễm môi trường không có lỗi”. Tại nhiều nước “trách nhiệm dân sự tuyệt đối” là loại trách nhiệm được áp dụng phổ biến trong lĩnh vực môi trường
Như vậy, hành vi gây ô nhiễm môi trường là nguyên nhân làm ảnh hưởng xấu đến đời sống của con người và thiên nhiên. người có hành vi gây ô nhiễm môi trường thì phải bồi thường thiệt hại. Hành vi gây ô nhiễm môi trường là hành vi có lỗi hoặc không có lỗi. Theo quy định tại Điều 624 BLDS, người gây ô nhiễm môi trường cho dù có lỗi hay không có lỗi đều có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
2.Lý luận về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường:
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại(TNBTTH) là một loại trách nhiệm Dân sự mà theo đó thì khi một người vi phạm nghĩa vụ pháp lý của mình gây tổn hại cho người khác phải bồi thường những tổn thất do mình gây ra.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được hiểu là một loại trách nhiệm dân sự mà khi người nào có hành vi vi phạm nghĩa vụ do pháp luật quy định ngoài hợp đồng xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì phải bồi thường thiệt hại do mình gây ra. Nếu trách nhiệm BTTH theo hợp đồng bao giờ cũng được phát sinh trên cơ sở một hợp đồng có trước thì trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng là một loại trách nhiệm pháp lý do pháp luật quy định đối với người có hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Hiện nay, pháp luật Việt Nam quy định chủ yếu về trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng đối với hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản của các cá nhân và tổ chức khác.
TNBTTH do ô nhiễm môi trường cũng là một loại TNBTTH ngoài hợp đồng tuy nhiên không thể dựa vào khái niệm trên để đưa ra một khái niệm tương tự đối với TNBTTH do ô nhiễm môi trường. Bởi lẽ, thiệt hại do ô nhiễm môi trường như nguyên nhân phân tích ở trên có thể là do hành vi gây ô nhiễm môi trường hoặc là do sự cố môi trường. Như vậy, nên hiểu một cách toàn diện rằng TNBTTH do ô nhiễm môi trường phát sinh khi có hành vi làm tổn thương môi trường, gây thiệt hại cho nhà nước và cho người dân.
Thiệt hại do ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật Việt nam chỉ được xem xét dưới góc độ thiệt hại về vật chất. Do vậy TNBTTH do ô nhiễm, suy thoái môi trường cũng chỉ là TNBTTH về vật chất. Theo điều 307, bộ luật dân sự 2005 thì “TNBTTH về vật chất là trách nhiệm bù đắp tổn thất vật chất thực tế, tính được thành tiền do bên vi phạm gây ra, bao gồm tổn thất tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút”. Xuất phát từ nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, TNBTTH do môi trường bị ô nhiễm được chia làm hại loại là TNBTTH do hành vi gây ô nhiễm và TNBTTH do sự cố.
II. Một số vấn đề về thiệt hại do làm ô nhiếm môi trường.
1.Chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường.
Trong Bộ luật Dân sự ngày 28-10-1995 trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi làm ô nhiễm môi trường đã được đề cập. Đến Bộ Luật Dân Sự năm 2005, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi làm ô nhiễm môi trường được quy định tại Điều 624 BLDS : “cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, kể cả trường hợp người gây ô nhiễm môi trường không có lỗi”.
Tại điều 268 BLDS cũng có quy định: “Khi sử dụng, bảo quản, từ bỏ tài sản của mình, chủ sở hữu phải tuân theo các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường, nếu làm ô nhiễm môi trường thì chủ sở hữu có trách nhiệm chấm dứt hành vi gây ô nhiễm, thực hiện các biện pháp để khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại”.
Căn cứ vào điều 7 của Luật Bảo vệ môi trường 1993 và điều 628 Bộ luật Dân sự 1995, ở mức độ chung nhất, chúng ta có thể hiểu chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường là tổ chức, pháp nhân, cá nhân và các chủ thể khác.
Đối với các tổ chức, pháp nhân: Pháp nhân ngay từ khi thành lập đã có năng lực pháp luật, có năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Các tổ chức khi tham gia vào các quan hệ pháp luật môi trường mà có hành vi làm ô nhiễm môi trường dẫn tới gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại bằng tài sản của mình. Các tổ chức có thể là pháp nhân (chẳng hạn, doanh nghiệp Nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, hợp tác xã, các viện nghiên cứu…) hoặc tổ chức khác không phải là pháp nhân (hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh…)
Đối với cá nhân: những người đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi đầy đủ thì tự mình phải bồi thường thiệt hại. Trường hợp người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình, nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của họ. Người dưới 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha mẹ thì cha mẹ phải bồi thường thiệt hại toàn bộ. Nếu tài sản của cha mẹ không đủ để bồi thường mà con có tài sản riêng thì lấy tài sản riêng đó để bồi thường phần còn thiếu cho người bị hại.Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại mà có cá nhân, tổ chức giám hộ thì cá nhân đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường. Nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình. Nhưng người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.
Trong thực tế đời sống, các chủ thể gây ô nhiễm môi trường chủ yếu là các doanh nghiệp. Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình do không có thiết bị xử lý chất thải, hoặc không tuân thủ các quy định khác về bảo vệ môi trường… các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã làm suy thoái môi trường, ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác.
Như vậy, chủ thể “tiềm tàng” chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trước hết là các cơ sở kinh doanh, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
2.Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô mhiễm môi trường.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường thuộc loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo pháp luật dân sự, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trong đó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường phát sinh khi có các điều kiện sau: Thứ nhất, có thiệt hại xảy ra(có hành vi gây ô nhiễm môi trường mà hành vi đó đã tác động đến các yếu tố của môi trường gây ô nhiễm). Thứ hai, Hành vi gây thiệt hại là hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, những thiệt hại về môi trường do hành vi xâm phạm môi trường gây ra xác định được dựa trên những thiệt hại đã xảy ra và thiệt hại chắc chắn xảy ra cho môi trường; môi trường bị gây thiệt hại là cầu nối dẫn đến thiệt hại khác.Thứ ba, hành vi gây ô nhiễm môi trường có mối quan hệ nhân quả với môi trường bị gây ô nhiễm xác định được và thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra.
Thoã mãn các điều kiện trên, người có hành vi xâm phạm môi trường phải bồi thường thiệt hại.
2.1.Có thiệt hại xảy ra
Có thiệt hại xảy ra nghĩa là có hành vi gây ô nhiễm môi trường mà hành vi đó đã tác động đến các yếu tố của môi trường gây ô nhiễm.
Đây là điều kiện mang tính chất tiền đề của trách nhiệm bồi thường thiệt hại, bởi mục đích của việc áp dụng trách nhhiệm này là khôi phục tình trạng tài sản, sức khoẻ… cho người bị thiệt hại. Thiệt hại thường là tổn thất thực tế được tính thành tiền do việc xâm phạm đến nhiễm môi trường gây nên có thể bao gồm những thiệt hại sau đây:
- Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm. Đó có thể là: tài sản bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng, thiệt hại gắn liền với việc thu hẹp hoặc mất những lợi ích gắn liền với việc không sử dụng, không khai thác hoặc bị hạn chế trong việc sử dụng, khai thác công dụng của tài sản; những chi phí để ngăn chặn và khắc phục thiệt hại. Thí dụ: một công ty xả nước thải chưa được xử lý làm cho ruộng lúa, hoa màu của các hộ gia đình bị hại nên năng suất bị giảm đáng kể. Hoặc do dầu tràn làm cho các ao hồ bị nhiễm độc, nguồn tài nguyên thuỷ sản như tôm, cá bị chết rất nhiều. Các khu du lịch do bị ô nhiễm mà phải đóng cửa dẫn đến bị thất thu và nguồn lợi nhuận bị suy giảm…
- Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút ; thu nhập thực tế của người bị thiệt hại và người chăm sóc người bị thiệt hại bị mất , bị giảm sút… Thí dụ: khi môi trường sống bị ô nhiễm ( ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất…) sức khoẻ con người bị giảm sút, bị mắc các bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hoá… Những người mắc bệnh phải bỏ ra một khoản tiền chi cho việc khám bệnh, chữa bệnh đồng thời thu nhập của họ bị giảm sút do không tham gia lao động…
- Thiệt hại do tính mạng bị xâm hại bao gồm chi phí cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết; chi phí mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng. Thiệt hại do tính mạng bị xâm hại có thể xảy ra khi có các sự cố môi trường như tràn dầu, nổ xăng dầu, cháy rừng……
- Thiệt hại đối với môi trường tự nhiên hay thiệt hại đối với các giá trị tinh thần: nguồn nược bị nhiễm các chất độc hại, số lượng động thực vật suy giảm, diện tích rừng bị thu hẹp……
- Thiệt hại về kinh tế hay thiệt hại về các lợi ích thương mại như doanh thu, lợi nhuận của doang nghiệp sụt giảm khi nằm trong vùng ô nhiễm.
Thiệt hại xảy ra là điều kiện bắt buộc đầu tiên để xem xét việc có phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại hay không. Điều này khác với việc xác định trách nhiệm hình sự và trách nhiệm hành chính có thể không căn cứ vào thiệt hại xảy ra. Chẳng hạn trong trách nhiệm hình sự, đối với một số tội có cấu thành hình thức thì không đòi hỏi có hậu quả vật chất thì trong một số trường hợp cá biệt hậu quả chưa xảy ra nhưng do tính chất của hành vi nguy hiểm có khả năng gây ra hậu quả lớn cũng đã cấu thành tội phạm.
2.2.Hành vi gây thiệt hại là hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường . Hành vi gây thiệt hại về môi trường là hành vi làm biến dạng môi trường sinh thái vốn có tự nhiên của môi trường, làm cho nguồn nước không thể sử dụng được hoặc làm cạn kiệt nguồn nước tự nhiên dẫn đến nhiễm bẩn nguồn nước, sa mạc hoá một nguồn nước nguyên thuỷ như đầm, ao, hồ, dòng sông…, gây nhũng khó khăn trong sinh hoạt, sản xuất kinh doanh hoặc gây cho nguồn không khí trong một không gian nhất định bị nhiễm độc, là nguy cơ trực tiếp gây tổn hại đến sức khoẻ cho con người, vật nuôi, cây trồng và cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan nhân tạo khác….
Những hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường rất đa dạng phong phú. Có thể liệt kê ra ở đây một số loại hành vi tương đối phổ biến:
- Những hành vi vi phạm điều cấm của Luật bảo vệ môi trường phá rừng, khai thác khoáng sản một cách bừa bãi gây thiệt hại đến môi trường, làm mất cân bằng sinh thái; thải khói, bụi, khí độc, mùi hôi thối gây hại vào không khí; phát bức xạ, phóng xạ quá giới hạn cho phép vào môi trường xung quanh; chôn vùi, thải vào đất các chất thải độc hại quá giới hạn cho phép; thải dầu mỡ, hoá chất độc hại, chất phóng xạ quá giới hạn cho phép, các chất thải, xác động vật, thực vật, vi khuẩn, siêu vi khuẩn và gây dịch bệnh vào nguồn nước; nhập khẩu công nghệ, thiết bị không đáp ứng tiêu chuẩn môi trường; nhập khẩu,…
- Vi phạm các quy định về đánh giá tác động môi trường hoặc các yêu cầu ghi tại phiếu thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.
- Vi phạm các quy định về bảo về nguồn tài nguyên thiên nhiên như các quy định về bảo vệ rừng, khai thác, kinh doanh động vật, thực vật quý hiếm; bảo vệ nguồn đất, bảo vệ đất; vi phạm các quy định về đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên…
- Vi phạm các quy định về vệ sinh công cộng như quy định về vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải; quy định về tiếng ồn, độ rung…
- Vi phạm các quy định về bảo quản và sử dụng các chất dễ gây ô nhiễm; vi phạm các quy định về phòng, chống sự cố môi trường trường trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác vận chuyển dầu khí; trong thăm dò, khai thác hầm mỏ…
Như vậy, điểm đặc biệt của yếu tố này trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường là ở chỗ: Hành vi gây thiệt hại xâm hại trực tiếp các yếu tố của môi trường. Tuy nhiên, không phải mọi hành vi gây thiệt hại cho môi trường đều là hành vi vi phạm pháp luật môi trường. Thiệt hại đối với môi trường có thể là do sự cố và hành vi bất cẩn trong sử dụng các phương tiện nguy hiểm cao độ và gây ra sự cố môi trường. Không phải bất cứ hành vi vi phạm pháp luật môi trường nào cũng phát sinh TNBTTH. Chỉ khi hậu quả của hành vi biểu hiện trên thực tế, gây hại đến các hệ sinh thái, yếu tố môi trường và các chủ thể khác thì TNBTTH mới phát sinh.
2.3. Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường.
Mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường được hiều là: thiệt hại xảy ra là kết quả của hành vi trái pháp luật hay ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân của thiệt hại xảy ra. Điều này được quy định tại Điều 609 Bộ luật Dân sự dưới dạng: "Người nào... xâm phạm... mà gây thiệt hại... thì phải bồi thường". Ở đây chúng ta có thể thấy hành vi đó. Tuy nhiên, việc xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra trong nhiều trường hợp rất khó khăn. Do đó cần phải xem xét, phân tích, đánh giá tất cả các sự kiện liên quan một cách thận trọng, khách quan và toàn diện. Từ đó mới có thể rút ra được kết luận chính xác về nguyên nhân, xác định đúng trách nhiệm của người gây thiệt hại.
Thiệt hại thực tế xảy ra là kết quả của hành vi vi phạm pháp luật. Hoặc nói một cách khác, hành vi vi phạm pháp luật là nguyên nhân của thiệt hại xảy ra. Trong quá trình xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường cần làm sáng toả mối quan hệ này.
Là một loại trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường có một số điểm khác với trách nhiệm phát sinh từ nghĩa vụ hợp đồng như sau:
- Cơ sở của trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường là các quy định của pháp luật về hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật của chủ thể, không cần có sự thoả thuận trước của các bên.
- Trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường việc thực hiện bồi thường thiệt hại sẽ làm chấm dứt nghĩa vụ còn trong nghĩa vụ hợp đồng thì việc bồi thường thiệt hại không làm cho người có nghĩa vụ được giải phóng khỏi trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ một cách thực tế như giao vật, thực hiện công việc…
- Trách nhiệm dân sự trong lĩnh vực môi trường chỉ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại chứ không có hình thức phạt vi phạm.
- Trách nhiệm bồi thường thiệt hại dù không có lỗi vẫn phải bồi thường.
Những thiệt hại do hành vi làm môi trường bị ô nhiễm đã dẫn đến những thiệt hại không những về mặt thực tế mà còn là những nguy cơ tiềm ẩn lâu dài tồn tại trong khôn gian và thời gian nhất định, có thể gây thiệt hại rất lớn, lâu dài cho con người và môi trường tự nhiên. Việc xác định thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường gây ra cần phải có sự kết hợp với nhiều yếu tố khác, có sự liên quan chặt chẽ giữa hành vi gây ô nhiễm môi trường và thiệt hại xảy ra, thực chất là quan hệ nhân quả giữa hành vi gây ô nhiễm môi trường và thiệt hại xảy ra, ở những điểm sau đây:
- Có hành vi gây ra ô nhiễm môi trường: Hành vi gây ô nhiễm môi trường là hành vi gây ra sự biến đổi nhất định về bản chất của môi trường sống và sự phát triển tự nhiên của muôn loài.
- Những thiệt hại về tài sản, sức khoẻ, tính mạng của con người xác định được trên thực tế. nguyên tắc xác định thiệt hại về tài sản, sức khoẻ, tính mạng theo quy định của BLDS về bồi thường thiệt hại.
- Do môi trường bị xâm hại mà ô nhiễm môi trường là nguyên nhân gây ra những thiệt hại trước mắt và lâu dài cho con người, đời sống và môi trường sống của muôn loài.
2.4. Lỗi của chủ thể gây thiệt hại.
Người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm dân sự khi họ có lỗi. Xét về hình thức lỗi là thái độ tâm lý của người có hành vi gây thiệt hại, lỗi được thể hiện dưới hai dạng bao gồm: lỗi cố ý và lỗi vô ý(Điều 308, Bộ luật Dân sự).
Hành vi có lỗi, theo quy định tại Điều 308 BLDS thì "Người không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự, thì phải chịu trách nhiệm dân sự khi có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Khoản 1 Điều 308 nói trên quy định lỗi do hành vi không thực hiện nghĩa vụ dân sự thì người có hành vi đó bị coi là có lỗi. Theo quy định của khoản 2 Điều 308 BLDS thì nội dung của khoản này có ý nghĩa viện dẫn trực tiếp trong việc xác định trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng. Khoản 2 Điều 308 quy định: "Cố ý gây thiệt hại là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc không mong muốn, nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra"
Lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường có thể được phân tích như sau:
• Lỗi trong ô nhiễm môi trường do hành vi của con người:
- Các tổ chức, cá nhân thải các chất độc hại vào môi trường hoặc cố ý khai thác quá mức các thành phần của môi trường, vi phạm các quy định của pháp luật môi trường. Họ nhận thức hành vi của mình sẽ gây thiệt hại tới môi trường, người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc tuy không mong muốn nhưng vẫn để mặc hậu quả đó xảy ra.Đó là lỗi cố ý(Khoản 1, Điều 308 Bộ luật dân sự 2005)
- Các cá nhân, tổ chức bất cẩn trong quá trình sử dụng các phương tiện tiềm ẩn rủi ro: hóa chất,…trường hợp này, các cá nhân, tổ chức không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây ra thiệt hại mặc dù phải biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây ra thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được. Đó là lỗi vô ý( Khoản 2, Điều 308 Bộ luật dân sự 2005).
• Lỗi trong ô nhiễm môi trường do sự cố môi trường bắt nguồn từ tác động của co người: cơ sở vật chất con người tạo ra để nghiên cứu vốn là những nguồn nguy hiểm cao độ luôn tiềm ẩn rủi ro hoặc trong quá trình hoạt động tại những nguồn nguy hiểm cao độ, con người có những sai sót về mặt kĩ thuật gây ra sự cố không thể lường trước được. Việc xem xét lỗi trong trường hợp này ?Theo TS.Phùng Trung Tập thì những sự cố môi trường như vậy được gọi là sự biến pháp lý tương đối mà sự biến pháp lý tương đối là sự biến do con người tác động, còn sự thay đổi và chấm dứt của nó con người không kiểm soát được. Như vậy, hành vi tạo ra sự biến pháp lý tương đối là hành vi có lỗi và là hành vi trái pháp luật.
Xét về yếu tố lỗi của hành vi làm ô nhiễm môi trường pháp luật đã quy định cho dù người gây ô nhiễm môi trường có lỗi hoặc không có lỗi đều có trách nhiệm bồi thường thiệt hại(Điều 624, bộ luật dân sự). Điều này có nghĩa là trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường nếu người bị thiệt hại không có lỗi thì trách nhiệm bồi thường vẫn luôn luôn đặt ra đối với người làm ô nhiễm môi trường.
Như vậy yếu tố lỗi không phải là yếu tố quyết định đến việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường.Lỗi là một căn cứ độc lập khi xem xét TNBTTH do ô nhiễm, suy thoái môi trường.
Quy định này cần được áp dụng khi giải quyết các tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại do các nhà máy công nghiệp đang hoạt động, các lò phản ứng hạt nhân, các nhà máy điện nguyên tử, kho chưa vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất dễ cháy, chất phóng xạ… hoặc các sự cố tràn dầu từ các phương tiện giao thông đường thuỷ … thời gian qua đã làm ô nhiễm môi trường với diện rất rộng, gây nhiều thiệt hại cho nhân dân , tổ chức khu vực xung quanh.
Như vậy, các yếu tố cấu thành TNBTTH do ô nhiễm, suy thoái môi trường nói trên là các điều kiện cần và đủ. Tuy nhiên mỗi 1 tình huống thực tế thì sự có mặt và vai trò từng yếu tố là khác nhau. Vấn đề đặt ra là phải áp dụng một cách linh hoạt từ lý luận đến thực tiễn.
3.Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường:
Vấn đề bảo vệ môi trường là công việc không phải của riêng cơ quan bảo vệ môi trường và những người thuộc cơ quan bảo vệ môi trường, mà còn là trách nhiệm của toàn dân và suy rộng ra là trách nhiệm, bổn phận của mọi công dân. Vì môi trường sống là của mọi người do đó mọi người đều có bổn phận và nghĩa vụ bảo vệ môi trường sống đó. Vì vậy, hành vi gây ô nhiễm môi trường điều chỉnh bằng nhiều ngành luật khác nhau: hành chính, hình sự…và dân sự là một trong số công cụ quan trọng hiện nay.
Trách nhiệm dân sự do làm ô nhiễm môi trường là trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người gây ô nhiễm môi trường kể cả trường hợp người gây ô nhiễm môi trường không có lỗi. Quy định tại điều 624 BLDS nhằm điều chỉnh quan hệ xã hội phát sinh do có việc gây ô nhiễm môi trường.
Người có hành vi xâm phạm môi trường cho dù không có lỗi, có lỗi cố ý hay vô ý, đều có trách nhiệm phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, cụ thể về trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
Thứ nhất, những chi phí làm trong sạch môi trường như tình trạng trước khi môi trường chưa bị xâm hại.
Thứ hai, có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường đã gây ra thiệt hại cho chủ thể khác;
Thứ ba, có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại xác định được chắc chắn xảy ra trong tương lai dựa trên những căn cứ khoa học chuyên ngành xác định được.
Thứ tư, ngoài khoản tiền bồi thường theo trách nhiệm dân sự, theo nguyên tắc gây thiệt hại bao nhiêu phải bồi thường thiệt hại bấy nhiêu, người có hành vi gây thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường không phụ thuộc vào hình thức lỗi và mức độ lỗi, còn chịu phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật hiện hành.
Ngoài ra người có hành vi xâm hại môi trường gây hậu quả nghiêm trọng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Những chế tài được áp dụng đối với hành vi xâm phạm môi trường gây thiệt hại cho người khác cần phải nghiêm khắc hơn so với việc áp dụng chế tài đối vơí những hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt khác về vật chất đơn thuần. Vì thiệt hại do mô trường bị xâm hại gây ra, còn cần phải xác định những nguy cơ tiềm ẩn do môi trường bị ô nhiễm gây ra không nên căn cứ vào những thiệt hại xác định được vào thời điểm thiệt hại xảy ra mà còn phải căn cứ vào mối quan hệ biện chứng trong cả chuỗi thiệt hại liên tiếp diễn ra.
4. Về xác định thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường.
Xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường là vấn đề không đơn giản ngay cả ở những nước phát triển, nơi mà lý thuyết về lượng giá các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các yếu tố môi trường đã được định hình và củng cố.
Tại Việt Nam, cả từ phương diện lý luận và thực tiễn đều cho thấy sự mờ nhạt về mảng kiến thức này. Hiện tại, chúng ta mới chỉ đúc rút được đôi chút kinh nghiệm từ thực tiễn tự phát giải quyết các vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tài sản do ô nhiễm môi trường gây nên. Việc xác định thiệt hại đối với môi trường tự nhiên trong một số lần sự cố tràn dầu vẫn phải nhờ đến tư vấn, giúp đỡ của các chuyên gia quốc tế. Để Việt Nam có thể tự chủ trong việc xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường gây nên, đặc biệt là thiệt hại đối với môi trường tự nhiên, pháp luật hướng dẫn việc xác định thiệt hại về môi trường:
Một là, thành phần môi trường được xác định thiệt hại: Thiệt hại đối với môi trường tự nhiên được hiểu là thiệt hại đối với tất cả các yếu tố vật chất tạo thành môi trường, như đất, nước, không khí, âm thanh, ánh sáng, sinh vật, hệ sinh thái và các hình thái vật chất khác. Qua khá nhiều cuộc tranh luận khoa học (ở cả cấp quốc gia và quốc tế), việc xác định thiệt hại đối với môi trường tự nhiên chỉ nên bao gồm thiệt hại đối với đất, nước, không khí và đa dạng sinh học. …
Hai là, mức độ thiệt hại được xác định. Hiện tại, Luật BVMT (2005)xác định có 3 mức độ của sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường, đó là: có suy giảm, suy giảm nghiêm trọng, suy giảm đặc biệt nghiêm trọng (khoản 1 Điều 131 Luật bảo vệ Môi trường).
Ba là, các căn cứ để xác định mức độ thiệt hại. Xác định mức độ thiệt hại môi trường thông qua việc xác định phạm vi, giới hạn môi trường bị suy giảm chức năng, tính giảm chức năng, tính hữu ích .
Bốn là, các căn cứ để tính toán thiệt hại. Trong số 4 căn cứ để tính toán thiệt hại thì căn cứ vào chi phí xử lý, cải tạo phục hồi môi trường và chi phí giảm thiểu hoặc triệt tiêu nguồn gây thiệt hại (điểm b, c khoản 4 Điều 131) được xem là có tính khả thi trong việc xác định thiệt hại cũng như cho việc áp dụng trách nhiệm bồi thường.
5.Một số vụ việc thực tế về bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường:
Ví dụ 1:
Tình huống:
Ông nguyễn Văn A và ông Lê Đình B là chủ sở hữu 2 cơ sở xà phòng bột thủ công độc lập tại Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh. Trong quá trình sản xuất hệ thống nước thải có chứa chất tẩy trắng thành phẩm xà phòng đã rò rỉ ra hồ nuôi cá của ông Nguyễ Bá C làm chết số cá chim trắng được nuôi ở trong đó. Số cá chết là 10000kg, mỗi kg cá trên thị trường là 15.000đ. Ông C yêu cầu ông A và ông B bối thường thiệt hại số cá bị chết trên.
Giải quyết tình huống:
Trong trường hợp nêu trên, ta thấy việc chất thải có chúa chất tẩy trắng thành phẩm xà phòng từ xưởng sản xuất ông A và ông B đã làm ô nhiễm môi trường tù đó gây thiệt hại cho ông C. Dù có lỗi hay không có lỗi trong việc dẫn đến sự rò rỉ chất thải trên thì áp dụng Điều 624 BDDS:“cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, kể cả trường hợp người gây ô nhiễm môi trường không có lỗi”. Ông A và ông B vẫn phải bồi thường thiệt hại cho ông C.
Việc xác định thiệt hại, các bên có thể thực hiện hoặc yêu cầu cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường có trách nhiệm tham gia hướng dẫn cách tính toán, xác định thiệt hại hoặc chứng kiến việc xác định thiệt hại. Theo đó, Ông A và ông B có trách nhiệm bồi thường trên cơ sở thiệt hại thực tế của ông C. Trường hợp các bên không tự thoã thuận được thì yêu cầu trọng tài giải quyết hoặc khởi kiện tại toà án. Căn cứ giám định thiệt hại là hồ sơ đòi bồi thường thiệt hại, các thông tin, số liệu, chứng cứ và các căn cứ khác liên quan đến bồi thường thiệt hại và đối tượng gây thiệt hại.
Ví dụ 2:
Tình huống: Trên địa bàn huyện Tĩnh Gia, Tỉnh Thanh Hóa có 3 lò sản xuất gạch, ngói thuộc bốn chủ sở hữu là ông Ngô Bá Thạch, ông Nguyễn Bá Kiên và ông Hoàng Khắc Bình.
Vào ngày 5/6/2007, lò gạch của ông Bình được nung toả khói theo chiều gió, đã làm cháy táp một phần diện tích trồng lúa của ông Nguyễn Đình Tuần và ông Chúc Bá Khoan. Tiếp đó ngày 7/6/2007, ba lò gạch của ông Thạch, ông Bình và ông Kiên cùng được phát hoả và lượng khói từ ba lò gạch toả ra rất lớn và diện tích trồng lúa trên tiếp tục bị cháy táp cháy hoàn toàn do khói từ 4 lò gạch của các chủ sở hữư nói trên.
Ông Thuần và ông Khoan đã yêu cầu 3 chủ sở hữư nói trên bồi thường thiệt hại diện tích trồng lúa của họ bị cháy táp. Diện tích trồng lúa của ông Bình được xác định là 820m2. Diện tích trồng lúa nhà ông Khoan được xác định là 46m2.
Giải quyết tình huống:
Thiệt hại trên thuộc trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường, theo quy định tại Điều 624 bộ Luật Dân Sự. Theo điều 624 BLDS quy định:“cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, kể cả trường hợp người gây ô nhiễm môi trường không có lỗi”. Như vậy việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các chủ lò gạch trên đối với người thiệt hại do là trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường. Cụ thể:
Trước hết xác định lò gạch nhà ông Bình đã gây ra thiệt hại diện tích trồng lúa nhà ông Thuần và ông Khoan là bao nhiêu mét vuông? Sau đó lấy tổng số diện tích trồng lúa bị thiệt hại trừ đi diện tích lúa bị thiệt hại do khói từ lò gạch nhà ông Bình gây ra, còn lại bao nhiêu do thì các chủ lò gạch còn lại phải liên đới chịu trách nhiệm. Phần thiệt hại tương ứng với diện tích lúa mà ông Khoan và ông Thuần bị gây thiệt hại. Việc bồi thường thiệt hại căn cứ vào diện tích lúa mới được gieo trồng hay tính thời vụ không thể khắc phục được nữa. Nếu diện tích lúa mới gieo trồng thì ông Thạch, ông Kiên và ông Bình phải liên đới bồi thường những chi phí hợp lý cho việc gieo trồng lại diện tích lúa đó. Nếu diện tích lúa không thể khắc phục được nữa do tính chất của thời vụ, thì các ông chủ lò gạch phải lien đới bồi thường sản lượng thóc thu được trong điều kiện bình thường theo năng suất lúa thu hoạch được trong vụ gặt. Áp dụng quy định tại điều 616 BLDS về bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra: Trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại.
III.Kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường.
Mặc dù Bộ luật dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành bộ luật này đều dành ra những quy định riêng về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường gây ra, tuy nhiên vẫn còn nhiều quy định bất cập, gây ra những tranh cãi, quan điểm khác nhau trên thực tế áp dụng. Sau đây là một số quy định mà chúng tôi cho là bất cập, cần sửa đổi, hoàn thiện:
Thứ nhất, về một số khái niệm liên quan đến TNBTTH do ô nhiễm môi trường: Các điều luật 623, 624 Bộ luật dân sự cần phải được xem xét lại cụm từ “Không có lỗi cũng bồi thường thiệt hại”, có thể sửa đổi để phù hợp với bản chất lỗi trong BTTH do làm ô nhiễm môi trường.
Thứ hai,, về chủ thể: Xét ở một khía cạnh trách nhiệm chủ thể bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường trong một số lĩnh vực cũng là trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước. Nếu thiệt hại đó do tài sản thuộc quyền sở hữu của nhà nước, là đối tượng đang được khai thác những lợi ích vật chất và tinh thần đã mang lại những lợi ích cho Nhà nước thì nhà nước phải bồi thường những sự cố trong việc quản lý, sử dụng, khai thác, thăm dò những loại tài sản đó mà chúng gây ra ô nhiễm môi trường, là nguy cơ gây thiệt hại cho người khác.Mặt khác, cũng bởi tại sao nhà nước là chủ sở hữu của sông ngòi, theo Điều 200 Bộ luật Dân sự, lại không đòi bồi thường? Khoản 5 Điều 4, Điều 127,133 Luật Bảo vệ môi trường, Điều 604, 624 Bộ luật Dân sự quy định cá nhân, pháp nhân và chủ thể khác bị thiệt hại từ hành vi ô nhiễm môi trường thì đều có quyền đòi bồi thường thiệt hại. “Việc nhà nước cũng đi kiện là nguồn động viên, khích lệ lớn với nhân dân”. Vì vậy, thiết một chủ thể bồi thường thiệt hại cần đặt ra thêm là Nhà nước.
Thứ ba, về điều kiện áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra: Hiện nay chưa có quy định nào phân định cụ thể: khi nào áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói chung và khi nào áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra dẫn đến có những cách hiểu và áp dụng không thống nhất trên thực tế. Thực tiễn cho thấy khi xét xử, nhiều trường hợp cứ thấy thiệt hại có liên quan đến ô nhiễm môi trường là áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra, bất kể nguyên nhân gây thiệt hại là do con người có lỗi hay không có lỗi .
Thứ tư, về thời hiệu khởi kiện: người dân phải đối mặt với vấn đề thời hiệu là chỉ được khởi kiện trong vòng hai năm kể từ ngày quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm (Điều 607 BLDS), trong khi đó vấn đề xác định thời hiệu khởi kiện trong thực tế là phức tạp. Theo pháp luật hiện hành thì ngày mà đối tượng xâm phạm quyền lợi hợp pháp của mình là ngày xảy ra vi phạm. Các vi phạm về môi trường và hậu quả của nó thường rất khó phát hiện. Vấn đề là làm sao dễ dàng biết được ngày xảy ra vi phạm để mà tính thời hiệu, nếu như cơ quan không vào cuộc điều tra, phát hiện hành vi vi phạm đó? Do vậy, việc áp dụng thời hiệu khởi kiện về hành vi xâm hại môi trường phải được quy định riêng, phù hợp với đặc điểm của thiệt hại do xâm phạm môi trường gây ra, mà không thể áp dụng thời hiệu khởi kiện như thời hiệu khởi kiện bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung như hiện nay. Nói cách khác, cần qui định thời hiệu cho những vụ đòi bồi thường thiệt hại về môi trường là hàng chục năm trở lên, thậm chí là không có thời hiệu.
Thứ năm, về các quy định cụ thể về bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường: các quy định này chỉ mới dừng lại ở quy định chung mang tính nguyên tắc. Đây sẽ là khó khăn lớn đối với các cơ quan tư pháp khi xem xét, giải quyết các yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi làm ô nhiễm môi trường gây nên. Cần đưa ra các điều luật cụ thể hơn nũa. Mặc dù vậy, các quy định đó bước đầu đã tạo ra cơ sở pháp lý cho việc truy cứu trách nhiệm dân sự đối với các chủ thể có hành vi làm ô nhiễm môi trường, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ môi trường nhằm mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia Việt Nam.
Thứ sáu, nhiều người cùng gây thiệt hại cũng là tình trạng khá phổ biến trong lĩnh vực môi trường. Luật BVMT (2005) quy định trong trường hợp có nhiều tổ chức, cá nhân cùng gây ô nhiễm môi trường thì cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có trách nhiệm phối hợp với các bên liên quan để làm rõ trách nhiệm của từng đối tượng trong việc khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế không dễ dàng xác định chính xác mức độ gây hại đến môi trường của từng đối tượng. Bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau là giải pháp đã được pháp luật dân sự tính đến trong trường hợp này. Tuy nhiên, để đảm bảo sự công bằng trong áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường thì thiết nghĩ nếu người gây thiệt hại chứng minh được mức độ mà mình gây thiệt hại đối với môi trường là không đáng kể thì họ chỉ phải bồi thường thiệt hại theo phần tương ứng với mức độ gây hại đó. Nghĩa vụ chứng minh thuộc về đối tượng gây thiệt hại sẽ giúp các tổ chức, cá nhân nâng cao hơn trách nhiệm bảo vệ môi trường cũng như nâng cao năng lực tự bảo vệ mình trong lĩnh vực này.
KẾT LUẬN
Tóm lại, bồi thường thiệt hại do ô nhiễm tại Việt Nam là vấn đề còn rất mới cả từ phương diện lý luận và thực tiễn. Nhận thức một cách đầy đủ về những nội dung liên quan tới thiệt hại về môi trường, bồi thường thiệt hại về môi trường là yếu tố quan trọng cho việc ban hành và áp dụng trách nhiệm này trong tương lai. Tuy các cơ quan có thẩm quyền đã thể hiện quyết tâm trong việc xử lý đối với các hành vi vi phạm nhưng bên cạnh đó cũng xuất hiện nhiều vướng mắc và bất cập của pháp luật trong việc xử lý đối với các vi phạm xảy ra. Điều này càng khẳng định thêm tính bức thiết của việc nghiên cứu để hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nói chung và các quy định dân sự về lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường . Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng cho dù chế định này có phát triển đến mức nào, chi phí bỏ ra để xử lý, cải tạo môi trường có lớn đến đâu cũng không thể khắc phục được hết những hậu quả do ô nhiễm gây ra. Do vậy, xác định thiệt hại đối với môi trường và áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường trong mọi trường hợp đều không phải là mong muốn hàng đầu được áp dụng trong lĩnh vực dân sự nói chung và môi trường nói riêng.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Giáo trình luật dân sự Việt Nam, trường ĐH Luật Hà Nội, NXB CAND.
Giáo trình luật dân sự 2, TS. Lê Đình Nghị chủ biên
Bộ luật dân sự Việt Nam năm 2005, NXB Thống kê
Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng về tài sản, sức khoẻ và tính mạng, TS.Phùng Trung Tập (NXB Hà Nội, 2009)
Luận án tiến sĩ, vấn đề bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
wwwtailieu.vn
wwwphapluat.com
MỤC LỤC
LỜI MỞ ĐẦU………………………………………………………… ……………1
NỘI DUNG………………..………………………………………………………...1
I.Lý luận chung về bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường……………….1
1. Lý luận về thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra……………………………….1
1.1.Quan niệm về thiệt hại do ô nhiễm môi trường…………………………………1
1.2.Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường………………………………………….2
2. Lý luận về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra…......2
II. Một số vấn đề về thiệt hại do làm ô nhiếm môi trường…………………….…....6
1.Chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường……………………………………………………………………….……….7
2.Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô mhiễm môi trường.........................................................................................................................8
3.Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường……………………….15
4. Về Xác định thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường…………………..……….....15
5.Một số vụ việc thực tế về bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường……………………………………………………………………..…..…....16
III.Kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường……………………………………………………………………………...18
KẾT LUẬN………………………………………………………….…..................20
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- BT h7885c k DS.doc