Đề tài Nguồn gốc dân tộc Miêu ở Trung Quốc

MỤC LỤC Lý do chọn đề tài Lời mở đầu Chương 1: Khái quát chung về dân tộc Miêu ở Trung Quốc 1.1: Dân số và địa bàn phân bố chủ yếu của dân tộc Miêu ở Trung Quốc 1.2: Danh pháp và tên gọi 1.3: Lịch sử hình thành, phát triển và quá trình thiên di của dân tộc Miêu Chương 2: Nguồn gốc của dân tộc Miêu ở Trung Quốc 2.1: Các giả thuyết về nguồn gốc người Miêu 2.2: Nguồn gốc của dân tộc Miêu ở Trung Quốc a) Về phương diện văn hóa truyền thống (truyền thuyết- lịch sử- văn hóa dân gian) b) Về phương diện ngôn ngữ c) Về phương diện di truyền Kết Luận Một số hình ảnh dân tộc Miêu Tài liệu tham khảo Lý do chọn đề tài Khi nhắc đến phương Đông thì không thể nào không nhắc đến Trung Quốc. Trung Quốc là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại thuộc vào loại lâu đời nhất và phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử thế giới cổ đại. Trung Quốc là một quốc gia khổng lồ có diện tích khoảng 9,6 triệu km2 ( lớn thứ ba trên thế giới, và rộng gần bằng diện tích Châu Âu), và có dân số trên 1,3 tỷ người ( nước đông dân nhất thế giới) gồm 56 dân tộc, trong đó dân tộc Hán chiếm đa số, chiếm hơn 90% dân số cả nước. 55 dân tộc thiểu số còn lại chỉ chiếm chưa đầy 10%, nhưng trong đó dân tộc Miêu là một dân tộc thiểu số có dân cư tương đối đông và có lịch sử hình thành và phát triển rất lâu đời. Do đó, việc tìm hiểu nguồn gốc một dân tộc thiểu số với lịch sử khoảng 4000 ngàn năm như dân tộc Miêu là một công việc rất cần thiết và cũng không kém phần khó khăn đối với ngành Châu Á học.

doc38 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 2250 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Nguồn gốc dân tộc Miêu ở Trung Quốc, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ừ thế kỷ XVIII-XIX dưới tác động của lịch sử, hiện đang sinh sống tại các vùng rẻo cao Tây Bắc và dải phía tây vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh. Ngoài Trung Quốc và vùng Đông Nam Á lục địa, người Miêu còn di cư sang Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Úc, Pháp... tình hình phân bố của người Miêu trên thế giới được thể hiện qua bảng sau: Trung Quốc Việt Nam Lào Thái Lan Bumar Mỹ Pháp Guiana Canada New Zealand Úc Argentina Tổng cộng 7.900 630 450 95 60 300 15 1,8 0,64 0,15 1,5 0,25 9454,3 Bảng số liệu phân bố dân cư của dân tộc Miêu trên thế giới. Đơn vị: nghìn người. Số liệu năm 2007. nguồn [hmongcc.org/…] 1.2: Danh pháp và tên gọi: Người Miêu được gọi bằng nhiều tên gọi khác nhau. Họ tự gọi mình là Miêu Đen, Miêu Đỏ, Miêu Trắng, Miêu Hoa. Ở Trung Hoa cũng có nhiều tên gọi khác nhau như Cửu Lê, Tam Miêu, Vưu Miêu, Miêu Dân, Miêu Man, Miêu tộc. Người Trung Hoa xưa phân biệt sắc tộc Hmong ra làm hai loại: loại đã thuần (shu) và loại hoang (sheng). Loại Hmong thuần là nhóm đã được đồng hóa với người Hoa, còn loại hoang là nhóm sống biệt lập trong rừng, thoát ngoài vòng kiềm tỏa của chính quyền. Những nhà truyền giáo Tây phương lần đầu tiếp xúc với nhóm Hmong sống hoang dã ở vùng Tứ Xuyên, Vân Nam vào thế kỷ XVII rất lấy làm ngạc nhiên là họ không có nét thuần Á châu mà lại phảng phất giống Caucasian, nhiều người lại có màu tóc hung hoặc bạch kim, và vài người lại có mắt xanh. Có thể là vì thế mà người Hoa gọi họ là Miêu, hay Mèo chăng? Ở Việt Nam, thì có tên là Hmông, Mông, Mèo. Theo Giáo sư Mạc Đường: người Miêu tự gọi mình là Mống và cũng có 5 ngành chính là Mèo Trắng, Mèo Hoa, Mèo Đen, Mèo Đỏ và Mèo Sua. Ở Lào, Thái Lan, Myanma thì có tên gọi Hmong. Hmông và Mông là một. Theo Trần Trí Dõi thì người Hmông không đồng ý gọi mình là Hmông mà thay vào đó là Mông. Nhưng tên gọi phổ biến là Miêu. 1.3: Lịch sử hình thành, phát triển và quá trình thiên di của dân tộc Miêu Nhiều nhà sử học đồng ý rằng trong thời cổ đại giống Hmong-Miêu xuất phát từ châu Âu, di dân dần đến vùng đồng khô Siberia (Tây Bá Lợi Á), rồi mới đến định cư ở lưu vực sông Hoàng Hà vài ngàn năm trước. Huyền thoại của dân tộc Miêu còn lưu truyền vẫn nhắc đến tổ tiên của họ vốn đã sống ở một vùng quanh năm tuyết phủ, băng giá, ngày và đêm kéo dài đến cả 6 tháng. Với người Miêu sống ở vùng nhiệt đới Đông Nam Á, chẳng hề thấy tuyết cho nên ngôn từ họ dùng để kể chuyện là "nước cứng" và "cát trắng mịn". Số phận dân tộc Miêu bắt đầu gắn liền với sử Trung Quốc có thể vào khoảng từ   3000 trước Công Nguyên đến 1200 trước Công Nguyên. Khoảng 2700 trước Công Nguyên, những di dân từ Siberia đã đi dần xuống vùng trung thổ qua khu vực mà ngày nay gọi là Manchuria, Hà Bắc khi khí hậu ấm áp hơn cho phép, và người Miêu đã định cư tại lưu vực sông Hoàng Hà ở vùng thượng Hà Nam. Lúc bấy giờ đã có bộ tộc Hoa Yangshao chiếm cứ vùng Thiểm Tây, Sơn Tây và Hà Nam cả ngàn năm trước. Bộ tộc  này chỉ là bộ lạc miền núi chuyên về phá rừng du canh. Về sau bộ tộc Hoa Yangshao này hòa nhập với bộ tộc Hoa Lungshan chuyên về ruộng nước ở Sơn Đông.  Nhiều truyền thuyết nói đến sự hùng mạnh của Miêu tộc ở vào thời tiền sử của Trung Hoa,  đưa đến chỗ xung đột không thể tránh khỏi giữa các thế lực lúc bấy giờ. Theo người Hoa thì Hiên Viên (Huan-yuan) sau khi thống lĩnh các thị tộc người Hoa (khoảng 2697 trước Công Nguyên), liền tìm cách tiêu diệt luôn Si Vưu là tù trưởng của Miêu tộc để chiếm miền lưu vực Hoàng Hà mà vào bản bộ của Trung Quốc. Sau khi toàn thắng, Hiên Viên lên ngôi xưng là Hoàng đế mở đầu thời Ngũ đế, đồng thời với Họ Hồng Bàng của Việt sử. Người ta lại gán cho thời Hoàng đế kéo dài đúng 100 năm, và dưới thời này người Hoa đã phát minh ra được thuyền bè, xe kéo, cung tên, áo giáp, nông cụ bằng đá, đồ dùng bằng gỗ và đất nung, biết xây nhà cửa to lớn, biết làm lịch chia ra 12 giáp, chu kỳ 60 năm để đoán ngày tháng gieo trồng vv... Hẳn nhiên Hoàng Đế chỉ là một nhân vật huyền thoại của người trung Quốc, bởi cho đến nay các cuộc khảo sát vẫn không tìm ra được bằng chứng gì về triều đại này. Tuy nhiên huyền thoại này đã nói lên được sự xung đột giữa 2 dân tộc Hoa - Miêu đã xảy ra rất sớm, và từ đó cứ kéo dài mãi suốt lịch sử Trung Quốc. Năm 1576 trước Công Nguyên, vua Thang, thực ra chỉ là một tù trưởng thuộc bộ lạc tộc Thương, lôi kéo được các bộ lạc khác diệt được vua Kiệt của nhà Hạ (Xia hay Hsia), lập ra Nhà Thương (Shang hay Yin) (1576 - 1059 trước Công Nguyên), thống lĩnh một dãi đất thuộc tỉnh Hà Nam và Sơn Tây bây giờ. Đến đời vua thứ 8 là Bàn Canh dời đô về đất Ân, nên còn gọi là đời Ân. Dưới đời này thị tộc phụ hệ, định canh, mục súc, tằm tang và chế độ tư hữu bắt đầu phát triển. Bộ tộc Ân rất hiếu chiến, giao tranh luôn với các bộ tộc khác để chiếm thêm đất đai. Quân địch bại trận bị bắt làm nô lệ, và còn dùng làm vật hy sinh để tế thần nữa.Vào năm 1930, trong một cuộc đào xới khảo sát tại nhiều cổ mộ ở đất Ân (Anyang), kinh đô đời nhà Thương,  người ta tìm thấy có nhiều hài cốt của tộc phi Mông Cổ (có nghĩa là gốc caucasian) lẫn lộn.  Đến đời Chu (Chou hay Zhou: 1059 - 221 trước Công Nguyên) thì ngay sau khi diệt được vua Trụ của nhà Thương, Vũ vương liền đày một số tộc Miêu lên vùng biên cương Cam Túc, tịch thu hết ruộng đất của họ. Nhà Chu còn bắt họ canh tác dưới sự kiểm soát của các đội biên phòng, nhưng người Miêu, quen sống tự do bỏ trốn vào rừng và bắt đầu cuộc sống kham khổ của miền núi. Đến thế kỷ thứ 7 trước Công Nguyên, Miêu tộc kết hợp với các rợ khác như Tây Nhung, Khuyển Nhung, Rong và Di ở lưu vực sông Vị nổi lên đánh phá các trú phòng của quân nhà Chu. Nhánh tộc Miêu này về sau không còn nghe nói đến trong sử Trung quốc.  Có truyền thuyết cho rằng một phần đã bị đồng hóa trước Công Nguyên, và một phần theo giòng sông Vệ vào vùng Tứ Xuyên, rồi trốn vào Tây Tạng yên sống trong chốn thâm sơn cùng cốc.  Số tộc Miêu ở nội địa cũng bị đàn áp không kém bởi quan lại nhà Chu, do đó mà họ luôn nổi dậy. Năm 826 trước Công Nguyên, Miêu tộc bị thảm bại phải tẩu táng khắp phương; một số chạy đến bờ biển theo thuyền xuôi vào biển Nam, một số đến Quảng Tây, Hồ Nam; số lớn di tản vào vùng thượng du Tứ Xuyên và Quý Châu, xa khỏi vùng kiềm chế của nhà Chu. Ấy vậy mà năm 770 trước Công Nguyên, U-vương (vợ là Bao Tự) đã bị rợ Khuyển Nhung tấn công vào kinh đô giết chết. Con là Bình Vương phải dời đô từ Cảo Kinh (Tây đô) về Lạc Dương (tức Đông Đô), nên sử gọi là Đông Chu. Tiếp sau đó, nước Trung Quốc bị loạn lạc Xuân Thu (Chun-Qiu: 722 - 481 trước Công Nguyên), rồi Chiến quốc (453 - 221 trước Công Nguyên.), số phận Miêu tộc không nghe nhắc đến trong giai đoạn này của sử Trung Quốc. Cùng thời, ở nước Văn Lang khoảng 275 trước Công Nguyên, Thục Phán dành được ngôi từ Hùng Vương thứ 18 và xưng là An Dương Vương, cải quốc hiệu là Âu Lạc, xây thành Cổ Loa.  Mãi đến đời Tần (Ch'in hay Qin: 221 - 206 trước Công Nguyên), sau khi nhất thống Trung Quốc Tần Thủy Hoàng dời đô về Hàm Dương, quyết tâm đè bẹp các cuộc nổi loạn, rồi xây Vạn Lý Trường Thành để ngăn cản sự xâm lăng của rợ phương Bắc. Tần Thủy Hoàng đã ra lệnh cho tướng Đồ Thư đánh chiếm các xứ Bách Việt ở phương Nam (khoảng các tỉnh Hồ Nam, Quảng Đông và Quảng Tây bây giờ), rồi cho di dân hơn 50 vạn người đến khai khẩn, đặt quan úy quận Nam Hải là Triệu Đà cai quản. An Dương Vương xin thần phục nhà Tần.  Khi Trung Quốc lâm cảnh loạn lạc với Lưu Bang (Hán) và Hạng Võ (Sở) tranh hùng thì năm 208 trước Công Nguyên,  Triệu Đà đánh chiếm nước Âu lạc, lập ra nước Nam Việt (gồm Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận).  Khi nhà Hán tiếp ngôi (206 trước CN - 220 Công Nguyên), nhờ yên ổn với các rợ, họ đã chú tâm mở rộng bờ cõi thêm. Đời Vũ Đế (134 - 88 trước Công Nguyên), quân Hán đã đánh chiếm Triều Tiên và chia ra làm 4 quận. Năm 111 trước Công Nguyên lại sai Lộ Bác Đức chiếm nước Nam Việt, đổi thành Giao Chỉ bộ chia ra làm 9 quận. Quân Hán còn chiếm các đất của rợ Di, phía Tây Nam như Vân Nam, Quý Châu và Tứ Xuyên bây giờ, trong đó có Miêu tộc ở Quảng Tây. Năm 41 vua Quang Vũ nhà Đông Hán lại sai tướng Mã Viện (Ma-yuan) sang đánh dẹp cuộc nổi loạn của Hai Bà Trưng ở quận Giao Chỉ, rồi dựng cột đồng ở biên giới. Hai mươi hai năm sau, quân Hán mở thêm một trận càn quét cuộc nổi loạn của Miêu tộc ở phía nam Hồ Nam, và tướng già Mã Viện đã chết cùng với trên 2 vạn quân vì bệnh ôn dịch trong khi hành quân.  Nhà Đông Hán đã trả thù rất khốc liệt bằng cách tàn sát mọi dân lành, cướp bóc và đốt phá các làng mạc người Miêu trong vùng liên tục tròn 3 năm cho đến đời Chiêu Đế mới nới lỏng, nhưng đã không tiêu diệt được tinh thần tự cường của dân tộc Miêu.  Đến thời Tam Quốc (Ngụy-Thục-Ngô) thì người Miêu lại lớn mạnh và làm chủ phần lớn đất Hồ Nam và Quý Châu, lại còn có ảnh hưởng đến tận mạn Nam của Hồ Bắc, rồi theo sông Hán đến tận mạn bắc. Họ còn cố quay về chốn cũ ở Hà Nam, Sơn Tây và lan đến phía đông An Huy.  Sau đời Tấn (Chin hay Jin: 265 - 316) thì nước Trung Quốc suy yếu, rơi vào hỗn loạn của thời Nam Bắc triều (Nan Bei) (hay còn gọi là Lục triều: 317 - 589) thì khoảng từ 403 đến 561 đã có đến hơn 40 lần người Miêu nổi dậy để đòi độc lập, cùng với những sắc tộc khác ở khắp nơi mà sử Trung Quốc gọi là Loạn Ngũ Hồ (Hung Nô, Yết, Tiên Ti, Chi, Khương).  Đến giữa thế kỷ thứ 6, người Miêu đã thiết lập được một vương quốc tạm bợ khá rộng ở  phía Tây Trung Quốc kéo dài từ Hà Nam, qua Hồ Bắc, Hồ Nam xuống đến Quảng Tây, có thể lẫn lộn biên cương giữa các nước Đông Ngụy, Tây Ngụy, Bắc Chu hoặc Bắc Tề luôn thay đổi. Họ được các thế lực tranh giành giữa Nam và Bắc triều mua chuộc, lôi kéo, nên một số danh sĩ được tiến cử vào các triều. Nhưng thời gian vui hưởng này không kéo dài được lâu vì đến khi Lý Uyên thiết lập nhà Đường (Tang: 618 - 907) sau khi dẹp nhà Tùy (Sui: 589 - 618), thì bắt đầu đánh dẹp và thu hồi  đất đai đã mất vào tay các rợ, trong đó có dân tộc Miêu. Đổi lại, nhà Đường cho các vùng ấy được tự trị và phải đóng thuế cho triều đình.  Đến năm 907, Trung Quốc lại bị loạn lạc với thời kỳ Ngũ đại (Lương, Đường, Tấn, Hán, Chu) và Thập quốc (907 - 960), nhà Hậu Chu cố đánh lấy vương quốc Miêu. Đến khi nhà Tống tái thống nhất Trung quốc (Sung: 960-1279), lại cử binh giành lại các đất vùng Hồ Bắc và Hồ Nam. Trong các cuộc giao tranh toàn bộ vương triều của Miêu bị tiêu diệt, và đây cũng là bước ngoặc lịch sử chấm dứt thời vàng son của bộ tộc Miêu.  Truyền kỳ còn được kể lại giữa người Miêu về những ngày bi thảm đó như sau: Hang Tchu là vua của Miêu tộc lúc bấy giờ, đã già và mệt mỏi vì  chiến trận, giàn quân kháng cự quân Tống.  Con gái duy nhất của Hang Tchu là Ngao Shing cũng cùng xông pha trận tuyến với cha. Nàng không những xinh đẹp mà còn học được phép lạ với lá cờ thần bí, khi phất lên là bảo tố kéo đến phá tan quân Tống.  Tướng nhà Tống là Tỷ Thanh (Ty Ching) cầu hòa với điều kiện là Miêu tộc phải trao lá cờ phép cho họ. Triều thần người Miêu họp bàn và sợ rằng người Hoa bày quỉ kế, nên trao một lá cờ giả. Tỷ Thanh vội dâng lá cờ cho vua Tống, nhưng khi thử với lửa thì biết là không phải lá cờ thật. Tỷ Thanh liền bị bỏ ngục và kết án tử hình nhưng nhờ triều thần can gián cho đoái công chuộc tội. Y liền quay lại đất Hồ giả làm môi giới để cầu hôn Ngao Shing cho thái tử nhà Tống. Vua Miêu chấp thuận nhưng Ngao Shing thì nhất định cự tuyệt, liền bị vua cha bạc đãi đến chết. Nàng qua đời thì cờ phép cũng trở nên vô hiệu cho nên Tỷ Thanh mới có thể tiêu diệt được triều thần Hang Tchu. Người Miêu lại phải chạy trốn vào vùng Quý Châu và Tứ Xuyên, số khác lại tẩu tán xuống Quảng Đông và Quảng Tây, trở thành những bộ lạc thiểu số. Quan cai trị người Hoa lại còn chia rẽ họ bằng cách phân nhóm và buộc họ phải ăn mặc y phục có màu khác nhau, và từ đó mà ta biết đến nhóm Miêu đen, trắng, hoa, đỏ và xanh. Mỗi nhóm lại cử lên một tộc trưởng, một chức vụ như là tiểu vương (kiatong). Tuy vậy họ vẫn luôn tìm cách liên kết với nhau khi cần chống lại kẻ thù chung là Hoa tộc.  Có một bài phóng sự trong nước mới đây mô tả về trang phục của phụ nữ Mông-Miêu một cách khá thơ mộng, xin được trích dẫn nguyên văn như sau: "Họ cư trú trên các thung lũng của miền núi phía Bắc (Việt Nam). Leo ngược lên các triền núi dốc, ở độ cao một ngàn ta bắt gặp những bản làng của người Miêu, bốn mùa mây mù, sương phủ. Bao quanh những bản làng là những vạt rừng thưa, những trảng cỏ, những dãy đồi trọc trơ sỏi đá, với những con đường mòn vừa đủ cho người địu gùi, cho ngựa thồ nằm vắt mình qua các triền núi cheo leo.Giữa khung cảnh tịch mịch hoang vu ấy, du khách bắt gặp những cô gái, chàng trai người Miêu đi chợ, bộ trang phục nữ với váy, áo, khăn, vòng, ô sặc sở, lóng lánh vòng khuyên, nổi bật lên giữa cái thâm u của rừng núi, làm cho cảnh sắc thiên nhiên bỗng sinh động và ấm áp. Hay giữa các phiên chợ vùng cao, bên cạnh các cô gái Thái, Tày, Nùng, Dao ...vẫn nổi bật sắc mầu của các cô gái Miêu: Đây là cô gái Miêu Trắng mặc váy trắng tuyền, tay áo ghép nhiều mầu, yếm hoa phô sau gáy, kia là các cô gái Miêu Hoa, váy xếp nếp xòa đủ 12 màu, áo cài khuy nách, có nẹp hoa ở vai, ở ngực, còn mang trên mình khăn và túi. Rồi phải kể đến cô gái Miêu Đen quấn vành khăn nhiều nếp nhô cao, váy hoa xúng xính, khuyên tai, vành bạc đủ bộ, làm mỗi bước đi rung lên thành nhạc, còn cô gái Miêu Lai trong tiết rời se lạnh sặc sỡ một mầu đỏ thắm của y phục truyền thống." ...   Trở lại câu chuyện gốc gác người Miêu ở Trung Quốc thì sau khi bị phân tán vào các vùng cao nguyên và rừng rậm, người Miêu tạm sống yên ổn bởi nhà Tống bận rộn trong việc chấn hưng nền kinh tế và giao thương của Trung Quốc mà xao lãng quân sự đưa đến việc rợ Khế-đơn (Kitans) lập nên nước Liêu (Liao) ở mạn Tây bắc và rợ Tiên Ti (Tartars) lập nên nước Tây Hạ (Western Xia) ở vùng Giang Bắc, Ninh Hạ và Cam Túc. Từ đó nước Trung Quốc lại can qua giữa 3 nước.  Những năm về sau ở nước Liêu, Mãn tộc bắt đầu hưng thịnh tách ra lập ra nước Đại Kim (Juchen Chin hay Kin: 1115 - 1234). Tống Hy Tông liên kết với Đại Kim để diệt Liêu, rồi nhà Tống quá suy yếu lại phải triều cống vua Kim. Trong khi ấy, giống Mông Cổ phát triển hùng mạnh với Thành Cát Tư Hãn (Genghis Khan) khởi binh chiếm nữa phía bắc nước Kim vào năm 1215 rồi quay sang chiếm trọn Trung Á và tàn phá vùng Nga-la-tư. Khi quay về đông phương lại diệt luôn nước Tây Hạ vào năm 1224, chọn Yên Kinh (Yenkin: về sau trở thành Bắc Kinh ngày nay) làm kinh đô, xưng làm Nguyên Thái Tổ. Sau khi Thành Cát Tư Hãn mất năm 1227, thì con là Oa Khoát Đài hay Ogadai thôn tính trọn nước Kim năm 1234 và khủng bố đến tận vùng Trung Âu. Sau khi Oa Khoát Đài mất, Mông Kha (Mongke) lên ngôi một mặt tiếp tục tàn phá châu Âu và mặt khác sai cháu cuả Oa Khoát Đài là Hố Tất Liệt (Kublai Khan) cử binh đánh và diệt nước Đại Lý, hậu thân của nưuớc Nam chiếu (ở vùng Vân Nam bây giờ) vào năm 1253, rồi tiến đánh nhà Nam Tống và nước An Nam. Khi Hốt Tất Liệt đánh vào Quý Châu, Tứ Xuyên, quân Mông Cổ đã không tiến sâu vào vùng cao nguyên cho nên Miêu tộc không bị sát hại nhiều. Khoảng từ năm 1267 đến 1279 Hốt Tất Liệt, diệt được nhà Tống vừa khi Mông Kha mất, liền lên ngôi xưng hiệu là Nguyên Thế Tổ, lập nên nhà Nguyên (Yuan: 1279 - 1368) ở Trung Quốc. Vua Tống Cung Đế và các đại thần phải nhảy xuống biển tự vận. Đến năm 1368 Châu Nguyên Chương (Zhu Yuanzhang), vốn là một nhà sư nổi lên đánh đuổi được quân Mông Cổ lập nên nhà Minh (Ming: 1368 - 1644). Nhà Minh lại nhắm vào Miến Điện như là cửa ngõ buôn bán với vùng Đông Nam Á, nên quyết bình định vùng Vân Nam. Trước tiên họ đặt ra hệ thống thổ ty (Tu Si system) và ưu đãi nhóm người Lô-lô mà đàn áp người Miêu đẫn đến việc người Miêu thường xuyên nổi dậy. Năm 1459 quan quân nhà Minh đã thiết lập hơn 2 ngàn đồn biên phòng tại Quý Châu, Tứ Xuyên, để từ đó liên tục mở các cuộc hành quân đánh phá làng mạc và căn cứ địa của người Miêu, và tàn sát đến hơn 40 ngàn người.   Từ đó cho đến cuối thế kỷ thứ 16, không năm nào mà người Miêu không vùng lên đòi độc lập, và tung hoành một cõi từ Quý Châu đến tận Hồ Nam. Để ngăn chân họ, nhà Minh cho xây một trường thành nhỏ giống Vạn Lý Trường Thành gọi là Miêu Thành cao 8 bộ và kéo dài hằng trăm dặm ở biên giới Hồ Nam và Quý Châu.  Năm 1616, người Mãn Châu là hậu duệ của nước Kim lại bắt đầu cường thịnh, Nỗ Nhỉ Cáp Xích quật khởi ở miền Liêu Ninh xưng là Thái Tổ và đặt tên nước là Hậu Kim, đặt đô ở Thẩm Dương chống lại nhà Minh. Năm 1636, Hoàng Thái Cực kế vị vua cha, đổi tên nước là Đại Thanh đi chinh phục Triều Tiên, Nội Mông Cổ và miền Đông Bắc của Minh triều và đến năm 1644 thì Thuận Trị dứt được nhà Minh, thiết lập Thanh triều ở Trung Quốc (Ch'ing hay Qing: 1644 - 1911).  Tàn quân nhà Minh kéo nhau tị nạn sang Nhật Bản và Việt Nam. Một số khác do Hoàng Minh và Mã Báo bỏ Quảng Tây trốn vào Quý Châu cốt tìm đường sang Vân Nam. Để đền ơn cưu mang của Miêu tộc, Hoàng Minh giao lại cho họ toàn bộ vũ khí và còn bày cho cách chế tạo súng hỏa mai mà ngày nay người Miêu vẫn còn sử dụng. Sự kiện này đã làm cho nhà Thanh thêm lo ngại, nên năm 1727, Thân vương Oa-đài (Ortai), thống đốc Quý Châu mở chiến dịch càn quét, sai tướng Dương Quang Sĩ (Zhang Kwang Si) tấn công vào Quí Dương (Guiyang)  là thủ phủ rồi vào Liễu-Bình. Quân Miêu đông đến hơn 10 ngàn người trang bị đầy đủ vũ khí với súng hỏa mai và đại bác nghênh chiến. Tổn thất hai bên rất cao, nhưng cuối cùng quân Thanh thắng thế, tịch thu tất cả vũ khí của người Miêu đúc thành một trụ tượng kỷ niệm chiến thắng bằng sắt cao 11 bộ dựng ở một hòn đảo trên sông Liên, cửa vào Quí Dương.  Để trả thù, quân Miêu kéo từ núi xuống tàn sát dân ở 4 thị trấn ven sông. Nhà Thanh phải đem viện binh từ các tỉnh lân cận đến tấn công vào cứ điểm của người Miêu từ ba mặt. Quân Miêu vỡ, số thua trận đầu hàng đều bị giết sạch. Điều này làm cho các bộ lạc Miêu rút vào rừng sâu và liên kết dựng những hỏa đài báo hiệu sự tiến công của quân Thanh trên các sườn núi. Di tích của những hỏa đài này hiện vẩn còn. Quân Miêu nổi loạn cắt máu ăn thề kháng cự đến chết. Họ còn giết hết vợ con để khỏi phải bận tâm luyến ái. Họ phản công điên cuồng chẹn các đèo vào núi, làm cho cả Bắc Kinh lo lắng. Dương Quang Sĩ được cử thay Oa-đài ra sức giải tỏa hết các chốt và cắt đường tiếp tế của quân nổi dậy làm cho họ đói khát phải mở đường máu. Hai mươi ngàn quân Miêu bị giết trên chiến trường. Khoảng hai mươi bảy ngàn khác bị bắt và một nửa số bị sát hại sau đó. Tổng số súng dài tịch thu lên đến gần 50 ngàn khẩu. Dương Quang Sĩ còn khủng bố dân lành, cướp phá hơn 20 ngàn làng mạc của người Miêu, tước đoạt đất đai của họ. Dân Miêu lại phải trốn chạy vào các vùng lân cận để thoát thân, một số vượt biên giới vào miền bắc Việt Nam, định cư ở Đông Quan và núi Hoàng Su Phi. Tuy vậy số người Miêu còn ở lại vẫn chưa chịu hoàn toàn khuất phục, thỉnh thoảng vẫn tìm cách nổi dậy. Đến năm 1740, đời Ung Chính, nhà Thanh ra lệnh dẹp bỏ hệ thống thổ ty mà đặt quan trực tiếp cai trị vùng Tứ Xuyên, Quý Châu, Vân Nam, Quảng Tây cốt để đồng hóa họ và khai thác các quặng than, bạc và đồng cũng như lâm sản trong vùng. Nhà Thanh cũng gia tăng thuế má làm cho nhiều nông dân người Miêu điêu đứng, khiến họ nổi dậy không ngừng.  Năm 1796 người Miêu lại tập hợp đủ mạnh dưới sự lãnh đạo của 2 tù trưởng là Thỉ Sanh Báo và Thỉ Liêu Đăng (Shih San-Pao và Shih Liu-teng) ở biên giới Quý Châu, Hồ Nam để khủng bố nông dân người Hoa vốn do Thanh triều di dân đến dưới mỹ danh là "khách trú" và được quân đội bảo vệ. Bắc Kinh phải vội tăng viện để dập tắt cuộc bạo loạn, và chiến dịch kéo dài đến 13 năm mới xong. Quân Thanh tái thiết bức Miêu Thành từ lâu đã bị bỏ hoang và tăng cường thêm quân bố phòng để kiểm soát chặt chẽ những hoạt động của người Miêu và quyết tâm đồng hóa họ. Người Thanh còn bắt trẻ con Miêu phải theo học chữ Hán và Hoa tộc được quyền cưới phụ nữ Miêu. Nhiều nhóm Miêu không chịu đựng được sự áp bức đành phải trốn sâu hơn vào rừng ở những tỉnh lân cận. Vài nhóm Miêu đen kéo xuống vùng nam của Hồ Nam và bắc của Quảng Tây, Miêu Trắng dời về phía bắc vào vùng Tứ Xuyên, và Miêu Hoa trốn về phía Tây vào vùng Vân Nam. Lúc bấy giờ ở vùng Vân Nam, vốn xưa là nước Đại Lý đã có giống người Hản (Haw) cư ngụ. Họ là người theo đạo Hồi có liên hệ với người Panthay ở Miến Điện, chuyên về buôn bán thương mãi. Họ thường bị quan lại nhà Thanh khinh miệt và kỳ thị cho nên cũng đã nổi dậy nhiều lần đòi độc lập, như vào các năm 1818, 1826 và 1834 nhưng lần nào cũng bị đàn áp tàn bạo.  Nhưng từ năm 1855 cho đến 1873 người Hản vùng dậy và làm chủ được toàn vùng dưới sự lãnh đạo của Trịnh Chiếu (Tu Wen-hsiu) vì nhà Thanh còn bận đương đầu với loạn Thái Bình (Taiping) ở trung thổ. Trịnh Chiếu tuyên bố Vân Nam là một nước Hồi giáo độc lập cho đến khi nhà Thanh rảnh tay quay lại tái chiếm. Người Miêu cùng tham gia với người Hản nổi dậy nên cũng chịu chung số phận bị tàn sát dã man. Người ta ước tính có đến cả triệu người Vân Nam thiệt mạng sau khi quân Thanh trở lại. Thế là người Hản và người Miêu lại kéo nhau tràn vào Miến Điện và Đông Dương lánh nạn. Nhóm đến Việt Nam lần này đông khoảng 6 ngàn người kéo vào Đồng Văn ở gần biên giới. Trước đấy từ năm 1815 đến 1818 đã có người Miêu chạy thoát đến cư ngụ ở Đồng Văn. Sau đó một nhóm tách ra di dân đến vùng bắc của ngọn núi Fan Si Pan, rồi bỗng dưng vài năm sau không ai tìm thấy dấu vết của họ đâu nữa, làng mạc bị bỏ hoang. Câu chuyện thật ra rất ly kỳ có liên quan đến một tay buôn nha phiến người Trung Quốc tên là Tôn Mã. Nhân một chuyến ghé qua Fan Si Pan để thu mua thuốc phiện, y kể cho dân làng nghe về một vùng đất hoang mầu mỡ ở dãy núi Xieng Khoảng phía đông nước Lào. Thực ra thì y chỉ muốn thủ lợi riêng bởi vì người Miêu lúc bấy giờ chuyên trồng cây nha phiến để bán lại. Trong chuyến buôn kế tiếp y hướng dẫn một nhóm người Miêu tiên phong được "tiểu vương" (kiatong) Lo See Pa giao cho Kue-Vue cầm đầu, tìm đến vùng gần Nong Het. Khu đất rừng thật là phì nhiêu, thế là trong vòng vài năm, họ di dân đến đấy và thiết lập làng mạc xung quanh Nong Het và để tri ân kẻ chỉ đường, họ đặt tên con sông chảy qua là Tôn Mã.  Họ sống yên ổn ở vùng đất mới được vài năm thì Lo See Pa bị bọn cướp người Hoa giết chết trong một trận tấn công vào làng không thành cốt để đoạt nha phiến. Kẻ kế vị là Lo Sue Xia vẫn thuộc giòng họ Lo. Truyền thống này vẫn được duy trì vài thập niên mãi đến khoảng 1850 có vài sự kiện gây xáo trộn: Nhóm họ Lý và nhóm họ Moua xuất hiện.  Nhóm người Miêu họ Lý, lãnh đạo bởi Lý Nghia Vue vốn ở nước Đại Lý xưa kia bị quân Thanh truy kích trong vụ nổi dậy cùng với người Hán, kéo nhau đến Nong Het lánh nạn cùng với nhóm họ Moua cầm đầu bởi Moua Kai Chong. Dĩ nhiên là họ không chịu thần phục giòng họ Lo, và vẫn giữ nguyên tiểu vương của họ.Tuy vậy Lo Sue Xia vẫn được kính trọng hơn nữa.Cùng đợt tị nạn từ khi vùng Vân Nam bị thất thủ vào năm 1860 và loạn Thái Bình bị đập tan vào năm 1863, một khối lượng đông đảo người từ Trung Quốc tràn xuống Việt Nam, trong đó có cả Miêu tộc. Chương 2: Nguồn gốc của dân tộc Miêu ở Trung Quốc. Vấn đề xác định nguồn gốc của tộc người Miêu vốn đã được nhiều tác giả khắp nơi trên thế giới quan tâm nghiên cứu. Người nghiên cứu về người Miêu sớm nhất là Joseph Amiot, nhà truyền giáo Kitô người Pháp vào năm 1778. Sau đó, vào các thập niên 1830, 1840 đến cuối thế kỷ 19, một số tác giả phương Tây đã xuất bản một số tác phẩm khác về người Miêu, tiêu biểu trong các tác giả đó là W.S. Williams- nhà nghiên cứu dân tộc học và Deka- nhà nghiên cứu, nhà truyền giáo. Sang đến đầu thế kỷ 20, nhiều công trình có quy mô lớn hơn đã ra đời. Cụ thể, thập niên 1920 có hai nhà nghiên cứu David Crotkett Graham và Laufer Berthold; thập niên 1930- 1950 có William Hudspeth. Đến những năm 1950-1975 thì phong trào Miêu học lại phát triển rầm rộ ở phương Tây. Đa số các tác giả là người Kitô giáo. Công tác nghiên cứu của họ đa phần là phục vụ công tác truyền giáo Kitô ở cộng đồng người Miêu. Nổi bật trong số đó có Linwood Barney, William Smalley, Yin Fu Ruey, Thomas Lyman, William Geddes, Jacque Lemonie, Wiens v.v. Có thể thấy rằng, phạm vi ngiên cứu trong thời gian này đã mở rộng, vượt ra khỏi biên giới nước Trung Quốc đến các quốc gia Đông Nam Á lục địa như Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanma. Sau năm 1975, việc nghiên cứu về người Miêu và nguồn gốc của họ đã đến cao trào. Thời gian này, ngoài các tác giả phương Tây còn có các tác giả người Trung Hoa (Hán) và các tác giả người gốc Miêu. Các tác giả người Hán nổi tiếng gồm có Văn Nhất Đa, Zhang Xiao, Trương Khâu Kì, Từ Diệc Đình, Thạch Tông Nhân, Trần Tịnh, Lý Đình Quý v.v. Trong số các tác giả này, một số tác giả có khuynh hướng lồng ghép lý do chính trị và quan điểm vị chủng trong quá trình nghiên cứu. Các tác giả người gốc Miêu có thể kể như Chua Va Lo, T. Vang, Yang Dao, Gary Yia Lee v.v. hiện đang tiếp tục nghiên cứu nguồn gốc văn hóa dân tộc mình dưới sự bảo trợ của các nước Âu Mỹ và Australia. Chính ở cao trào này, nhiều vấn đề sâu xa mang tính học thuật về nguồn gốc người Miêu đã được phân tích theo nhiều khuynh hướng khác nhau. Quá trình tranh luận, phê bình giữa các nhà nghiên cứu, các tác giả diễn ra sôi nổi. Nhìn chung ta có thể căn cứ vào nội dung, mục đích và tính chất nghiên cứu nghiên cứu để phân các tác giả ra làm hai nhóm chính: 1) nhóm các nhà khoa học thuộc các ngành nhân chủng học, văn hóa học tại các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu đặt trọng tâm mục tiêu nghiên cứu vào phục vụ khoa học ( chiếm đa số); 2) nhóm số ít các tác giả là thuộc dòng Kitô giáo ( đa phần thuộc các nước phương Tây), những người đặt mối quan tâm nghiên cứu nhằm phục vụ cho công tác tuyên truyền và quản lý giáo dân người Miêu ( chủ yếu ở Âu Mỹ). Nếu phân theo đặc trưng của các ngành khoa học cụ thể thì có thể nhận diện các nhóm ngôn ngữ học, di truyền học, văn hóa dân gian, sử học v.v. 2.1: Các giả thuyết về nguồn gốc người Miêu Hiện nay trên thế giới có 4 giả thuyết chính về nguồn gốc của người Miêu được nhiều tác giả quan tâm. Giả thuyết thứ nhất cho người Miêu có nguồn gốc phương Nam. Nhiều nhà nghiên cứu thể hiện quan điểm theo khuynh hướng này, chẳng hạn Eickstedt, S.E Jakhontov, Phạm Đức Dương, Nguyễn Văn Lợi, Trần Hữu Sơn, Trần Ngọc Thêm và một số tác giả người Trung Quốc. Theo giả thuyết này, người Miêu vốn cư trú ở vùng Tây Nam Trung Hoa và Đông Bắc Myanma, sau đó trong quá trình sinh tồn người Miêu đã thiên di lên phía Bắc Trung Quốc. Giả thuyết thứ hai cho rằng người Miêu có nguồn gốc từ Bắc Trung Hoa. Theo giả thuyết này, nhà sử học Geddes cho rằng người Miêu đã có mặt trên đất Trung Hoa ( hạ nguồn sông Hoàng Hà) từ trước khi người Hoa Hạ đặt chân đến ( khoảng thế kỷ 27 trước Công Nguyên). Cũng theo tác giả này, người Miêu xảy ra mâu thuẫn với người Hoa Hạ, vì thế sau này họ đã di chuyển về phía Nam ( khoảng 2700 đến 2300 trước công nguyên). Giả thuyết này đã được một số chuyên gia sử học ủng hộ. Giả thuyết thứ ba cho rằng người Miêu thời tối cổ có nguồn gốc từ vùng Lưỡng Hà ( Mesopotamia). Người đề xuất giả thuyết này là một nhà nghiên cứu và cũng là nhà truyền giáo Miêu tên là Savina ( người Pháp). Theo Savina, người Miêu thuộc nhóm Turanian, tổ tiên của họ đã cùng xuất phát với người với người Aryan di chuyển về phía Đông Bắc, qua Turkestan, Siberia, Mông Cổ, Mãn Châu rồi đến lưu vực Hoàng Hà. Về sau, tổ tiên của họ tiếp tục thiên di về phía Nam để tránh người Hoa Hạ. Giả thuyết thứ tư xem tổ tiên người Miêu xuất phát từ Nga. Larteguy là người đề xuất quan điểm này từ thập niên 1950. Theo ông, người Miêu đã từng cư trú rải rác trên vùng Siberia và xung quanh hồ Baikal trước khi kéo xuống định cư ở lưu vực sông Hoàng Hà. Tuy nhiên, khuynh hướng giả thuyết này về sau ít được các nhà nghiên cứu quan tâm đến. Nhìn chung , tuy các giả thuyết trên có khuynh hướng khác nhau nhưng có chung một quan điểm là người Miêu đã từng sinh sống ở dải đất Bắc sông Hoàng Hà và đã từng có những mâu thuẫn với các bộ lạc xung quanh ở phương Bắc, đặc biệt là sự xung đột với người Hoa Hạ. Trong số 4 giả thuyết kể trên đây, thì giả thuyết người Miêu có nguồn gốc từ phương Nam là có nhiều chứng cứ hơn cả. 2.2: Nguồn gốc dân tộc Miêu ở Trung Quốc Quá trình xác định nguồn gốc của tộc người Miêu phải bao quát nhiều lĩnh vực có liên quan trực tiếp như ngôn ngữ học, truyền thuyết, lịch sử, di truyền, dân tộc học, khảo cổ học... Xin chọn ra 3 phương diện : văn hóa truyền thống, ngôn ngữ và di truyền để làm cơ sở căn cứ cho việc xác định nguồn gốc dân tộc Miêu ở Trung Quốc. Về phương diện văn hóa truyền thống (truyền thuyết- lịch sử- văn hóa dân gian) Kết quả nghiên cứu trên phương diện văn hóa truyền thống của người Miêu cũng vô cùng phức tạp, cho thấy nhiều bằng chứng của văn hóa phương Nam lẫn phương Bắc, trong đó các yếu tố phương Nam nổi trội hơn nhiều. Theo nhiều ghi nhận của dân gian và sử liệu, tổ tiên của người Miêu là người Cửu Lê hay người Tam Miêu. Theo Kim Định, Cửu Lê cũng chính là Tam Miêu, đó là số 3 trong Tam Miêu nhân với chính nó là thành 9- tức Cửu Lê. Sách quốc ngữ, chương Chu ngữ có viết “Lê, Cửu Lê; Miêu, Tam Miêu dã”. Cũng tại quyển sách này, chương Sở Ngữ hạ lại viết “ Cập Thiếu Hạo suy dã, Cửu Lê loạn đức ...kì hậu, Tam Miêu phục Cửu Lê chi Đức...”. Cả hai đều cho thấy Tam Miêu và Cửu Lê có quan hệ nguồn gốc, có thể Tam Miêu chính là di duệ của Cửu Lê. Sách Thượng Thư ( chương Lữ Hình), sách Thượng thư ( chương Đại Hoảng Bắc Kinh) có ghi rằng bộ tộc Cửu Lê ( Tam Miêu) cư trú ở khu vực rộng lớn phía Đông so với tộc Hoa Hạ. Theo các sử liệu và truyền thuyết dân gian, cả người Miêu và người Hán, thì từ khoảng 2000-3000 năm trước Công nguyên, bộ lạc người Tam Miêu đã sinh sống rải rác khắp vùng trung, hạ lưu ngạn Bắc và Nam sông Hoàng Hà, thế nhưng các quyển sách này không đề cập đến vùng đất Nam Trường Giang, liệu ở đó có hay không có người Miêu cư trú. Song song đó, nhiều sử liệu Trung Quốc cho rằng Tam Miêu là một trong nhóm dân tộc vốn có nguồn gốc phương Nam di cư lên. Chẳng hạn trong Thượng Thư, Sử Ký, Tả Truyện, Chiến Quốc Sách, Hoài Nam Tử, Sơn Hải Kinh, Bác Vật Chí... đều có chi tiết miêu tả về Tam Miêu và xếp Tam Miêu làm một nhánh của các dân tộc Nam Man. Một số tác giả khác như Thạch Tông Nhân, Văn Nhất Đa cũng cho rằng Tam Miêu chính là hậu duệ của Viêm Đế (thần Nông thị -神农氏). Trong kho tàng dân ca người Miêu ngày nay có không ít các bài hát ca tụng hình ảnh Viêm Đế- Thần Nông. Chẳng hạn như, trong bài Chủng thực ca ( bài ca trồng trọt) có chi tiết Thần Nông sai chó mèo đi về phía Đông lấy hạt giống, còn dạy người Miêu đang sinh sống rải rác giữa vùng Hoàng Hà và Trường Giang đem hạt giống ra để gieo trồng trên những vùng bình nguyên bao la. Nhờ vậy người Miêu có cái ăn và không sợ đói rét. Còn trong lễ hội truyền thống, hằng năm người Miêu thường tổ chức các lễ hội Cản thu tiết và Khiêu hương tiết nhằm tế bái và ca ngợi công đức của Thần Nông. Ngày này, ở một số vùng còn tổ chức lễ hội đua trâu và lễ hội đâm trâu. Về mặt khoa học không ít các nhà nghiên cứu như Needham, Vũ Ngọc Khách, Trần Ngọc Thêm và cả các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã chứng minh rằng Viêm Đế ( Thần Nông) có xuất xứ từ phương Nam nông nghiệp ( Viêm Đế : vua xứ nóng). Qua các phân tích trên, bằng suy luận chúng ta cũng có thể dễ dàng nhận ra rằng quan niệm coi Viêm Đế, Tam Miêu là các thị tộc ( bộ lạc) nông nghiệp có xuất xứ phương Nam. Nguồn gốc phương Nam của Tam Miêu tộc còn được thể hiện trong truyền thuyết dân gian về hình tượng Si Vưu- thủ lĩnh Tam Miêu. Người Miêu ngày nay gọi Si Vưu là Cách Vưu Công hay Cách Si Vưu Lão, Bàng Hương Vưu hay Bồi Vưu là những cách gọi trân trọng. Tương truyền, Si Vưu có thân người, chân trâu, thân có lông chim, tai nhọn, đầu đội hai sừng trâu, tay cầm chiếc búa thần. Chi tiết chân trâu và đầu đội hai sừng trâu chính là biểu hiện tín ngưỡng tô tem sùng bái trâu nước có từ rất sớm trong lịch sử Tam Miêu, đồng thời cho thấy người Tam Miêu đã sớm biết trồng lúa nước. Nhiều sử liệu cho thấy, người Tam Miêu đã biết trồng lúa nước từ thời rất xa xưa. Sách Quản Trọng ( đời Tần-Hán) có ghi lại rằng do vì người Tam Miêu sớm đã sống trên vùng bình nguyên lưu vực sông nên đã sớm biết trồng lúa. Chính vì thế mà người Hán đã đặt chữ viết 苗 ( Miao) để gọi người Miêu. Chữ bao gồm bộ thảo bên trên bộ điền, chỉ dân tộc sống trên bình nguyên làm nghề trồng trọt. Một chứng minh nữa cho nguồn gốc nông nghiệp của người Tam Miêu thể hiện trong câu chuyện dân gian của người Miêu vùng Quý Châu ngày nay. Truyện kể rằng Si Vưu trong một đêm nằm mơ thấy có một cô gái xinh đẹp đến gõ cửa và tặng cho các hạt giống lúa, khi tỉnh dậy Si Vưu thấy xuất hiện một con chó thiêng, trên thân mang nhiều loại hạt giống. Si Vưu lấy hạt giống phân phát cho dân và dạy dân dùng trâu làm sức kéo. Một dị bản khác thay hình ảnh cô gái và con chó bằng hình ảnh ông già tóc bạc ( tức Thần Nông). Trong cách trang phục của phụ nữ Miêu ngày nay, vào dịp lễ hội người Miêu thường đội một cái mũ bằng kim loại, trên có sừng trâu – biểu tượng của văn hóa truyền thống: sùng bái trâu nước. Phụ nữ Miêu với trang sức hình sừng trâu Trong thần thoại Si Vưu của người Miêu Quý Châu, Si Vưu chính là tộc trưởng tộc Cửu Lê ( Tam Miêu). Theo Long Ngư Hà Đồ thì Si Vưu có 81 người anh em ( Hoàng Đế chi sơ, Si Vưu hữu bát thập nhất huynh đệ...). Còn trong thần thoại Si Vưu thì viết “ Si Vưu lệnh cho 9 đại soái và 72 tướng bao vây tiến đánh Hoàng Đế. Theo các thông tin trên ta có thể thấy 9 đại soái chính là 9 thủ lĩnh của Cửu Lê, 72 hoặc 81 người anh em này chính là 72 hoặc 81 nhóm bộ lạc họp thành Cửu Lê ( Tam Miêu). Một quan điểm khác cho rằng Si Vưu là thủ lĩnh bộ lạc, sinh 9 người con làm thủ lĩnh các nhóm nhỏ hơn gọi là Cửu Lê. Đến lượt mình, 9 người con của Si Vưu mỗi người lại sinh 9 người con nữa, nên tổng cộng có 81 người cháu ( 81 anh em). Đây cũng là lý do vì sao Kim Định cho rằng không có một nhân vật Si Vưu cụ thể nào mà chỉ có sự tổng hợp của cả tập thể. Còn nói về nguồn gốc vạn vật trong truyền thuyết người Miêu, bậc sáng thế của vạn vật là Hồ Điệp Ma Ma (mẹ bươm bướm). Theo đó, Hồ Điệp Ma Ma được hóa thân từ cây Bảng Phong, sau đó sinh ra 12 trứng. Từ 12 trứng nở ra thành các bậc thủy tổ của loài người và vạn vật như Si Vưu, Hoàng Đế, rồng, chó, trâu, hổ, Lôi công ( thần Sấm), Vũ công ( thần Mưa)... Qua các chi tiết trên, ta thấy các con số 3, 9, 12, 72, 81 đều là bội số của 3 và đều là các con số ước lệ, cho thấy người Tam Miêu vốn có tư duy trọng số lẻ phương Nam. Ngoài Si Vưu, các dân tộc Miêu, Dao, Xá... coi tổ tiên là thần Bàn Hồ hay Bàn Vương, Bàn Cổ hay Thao Thiết là tổ tiên của mình. Cho đến ngày nay, các dân tộc Miêu, Dao, Xá đều còn giữ lại nhiều truyền thuyết, phong tục, nghi lễ liên quan đến thủy tổ của dân tộc. Ecsjukov trong cuốn thần thoại Trung Hoa Thời Đại Đồ Đá Mới cho rằng người Trung Quốc vay mượn hình tượng thần Bàn Hồ từ các dân tộc láng giềng phương Nam là các dân tộc Mèo-Dao. Điều này cho thấy các dân tộc Miêu, Dao, Xá có chung mối quan hệ nguồn gốc lịch sử của vùng Nam Trung Quốc. Bên cạnh các dấu ấn phương Nam kể trên, một số tác giả khác cho rằng văn hóa Miêu cũng có một số dấu ấn phương Bắc, song qua phân tích thì vẫn chưa có cứ liệu xác đáng để khẳng định. Trước hết là về niên đại lịch sử ghi nhận, người Miêu từ 3000 năm đến 2000 năm trước đã sớm định cư trên đất Hoàng Hà. Mốc thời gian cuối cùng trước khi người Miêu rời bỏ vùng Hoàng Hà mà thiên di về phương Nam là trận Trác Lộc. Theo sử liệu, tại vùng đất này, trong quá trình đấu tranh sinh tồn, bộ lạc Tam Miêu đã tiếp xúc qua lại với các thị tộc Hoàng Đế thị ( Thái Hạo thị, Hiếu Hạo thị), Thần Nông thị... rồi dần dà nảy sinh các mâu thuẫn, cuối cùng dẫn đến cuộc chiến Trác Lộc nổi tiếng trong lịch sử. Trác Lộc là vùng thảo nguyên xen lẫn ruộng đồng thuộc tỉnh Hà Bắc, phía Tây Nam Bắc Kinh. Sách Thuật Dị ký có ghi “ Trác Lộc... có thần Si Vưu, thân người chân trâu, bốn mắt sáu tay”, Sách Sơn Hải kinh có ghi “Si Vưu tác binh phạt Hoàng Đế”, trong những lần đánh đầu, Hoàng Đế bại trận. Sau nhờ lập mưu, Hoàng Đế kêu gọi sự hỗ trợ của các bộ lạc phía Đông cùng hợp sức đánh bại Si Vưu. Cuối cùng Si Vưu bị giết, một bộ phận người Tam Miêu bị bắt làm nô lệ và về sau thành người Hoa Hạ, còn một bộ phận khác chạy về phương Nam, vượt sông Hoàng Hà và Trường Giang đến định cư tại vùng Ngũ Lĩnh, Lưỡng Quảng và Đông Nam Á ngày nay. So với niên đại hình thành chủng Bách Việt vào khoảng thời gian hình thành chủng Austroaiatic ( cách đây trên dưới 5000 năm) thì trận Trác Lộc diễn ra cùng thời kỳ này. Quá trình thiên di của người Miêu diễn ra trong thời gian dài và theo từng bước nhất định. Đầu tiên, người Miêu vượt Hoàng Hà, Trường Giang xuống định cư tại khu vực hồ Động Đình. Sau khi nhà Tần thống nhất phương Bắc đã mở đầu thời kỳ thống nhất khu vực Trường Giang, người Miêu một lần nữa lùi về cư trú ở vùng Tây Nam. Theo khuynh hướng này, đến khi người Miêu đặt chân xuống phương Nam thì tại vùng phương Nam các dân tộc Bách Việt đã định hình và phát triển từ trước đó. Tuy nhiên, cần biết rằng các sách sử nói trên chỉ nói về nhóm người Miêu ở lưu vực sông Hoàng Hà, không ai có thể khẳng định rằng vào cùng thời kỳ ấy thì người Miêu không có mặt ở khu vực Nam Trường Giang, nghĩa là không có căn cứ để cho rằng thời tiền sử người Miêu chỉ có ở phương Bắc mà không có ở phương Nam. Trong tâm thức một số người Miêu hiện nay, vùng đất tổ của họ là ở phía Bắc. Do vậy, trong nhiều khía cạnh văn hóa truyền thống, người Miêu thể hiện khát vọng về với cội nguồn phương Bắc. Trước hết, đó là trang phục. Trang phục truyền thống của phụ nữ Miêu ngày nay cũng mang trong minh những dấu ấn sâu sắc về lịch sử và văn hóa truyền thống của dân tộc. Phụ nữ Miêu vùng Kiền Tây ( tỉnh Quý Châu) ngày nay thường đội mũ sừng trâu bằng bạc trong các dịp lễ hội, hôn nhân. Trên đỉnh đầu là hai chiếc sừng to, biều tượng của truyền thống nông nghiệp, đồng thời cũng gợi nhắc về hình ảnh người anh hùng Si Vưu trong truyền thuyết trên đất Hoàng Hà. Chiếc quần truyền thống của người Miêu có tất cả 3 đường viền ngang, biểu thị con số 3 trong Tam Miêu và 3 khu vực mà họ đã từng sinh sống: Hoàng Hà, Trường Giang và vùng bình nguyên nằm giữa hai con sông này. Trên trang phục của họ thường có thêu có loại hoa văn “ tinh tú” ( chỉ quá trình thiên di diễn ra trong đêm có các vì sao dẫn lối), “ cửu khúc giang hà” ( chỉ vượt qua nhiều sông suối), “tri thù” ( nhền nhện, chỉ gian nan), “ hổ trảo” ( hổ quào, chỉ gian nan)... gợi nhớ về lịch sử thiên di sau khi bộ tộc Hoàng Đế đánh bại, họ phải vượt qua biết bao sông hồ, gian khổ, có khi phải hy sinh đến tính mạng mới đến được vùng đất phía Nam. Còn người già vùng Chấn Ninh ( Quý Châu) thường mặc ba loại quần: quần thiên di ( người Miêu gọi là Bainao), còn gọi là Cửu Lê quần, có tổng cộng 81 đường viền ( chỉ 81 người anh em của Si Vưu), phân làm 9 cấp ( chỉ Cửu Lê). Loại thứ hai là “ Tam điều mẫu giang quần” có 3 đường viền lớn biểu thị trong quá trình thiên di vượt qua 3 con sông lớn ( Hoàng Hà, Trường Giang, Gia Lăng Giang). Loại thứ ba là “ thất điều giang quần” có 7 đường viền ngang, để chỉ 7 con sông mà tổ tiên của họ phải vượt qua trong quá trình Nam di ( các số 3, 7, 81: thể hiện tư duy trọng số lẻ. Sau trang phục là đời sống tâm linh. Như đã đề cập ở phần trên, người Miêu quan niệm rằng sau khi chết, linh hồn phải trở về phương Bắc để hội ngộ với thần Si Vưu và với tổ tiên nên trong trang phục tang ma thường có chi tiết tống tiễn linh hồn vượt Trường Giang và Hoàng Hà để về miền đất tổ. Thứ ba là trong truyền thuyết. Truyền thuyết về Hồ Điệp Ma Ma sinh ra 12 trứng nở ra nhiều vị thần tiên, trong đó có Si Vưu và Hoàng Đế, chứng tỏ rằng từ rất sớm tộc Tam Miêu và Hoàng Đế đã từng chung sống trên vùng đất Hoàng Hà từ rất sớm, rồi từ đó qua quá trình sinh tồn đã nảy sinh mâu thuẫn rồi dẫn đến trận chiến Trác Lộc. Đây cũng là điểm mà người Hán xem Hoàng Đế, Phục Hy, Si Vưu là 3 vị tổ tiên của mình, và đây cũng là một trong những luận cứ quan trọng cấu thành khuynh hướng coi nguồn gốc xa xưa của người Miêu là từ vùng đất Siberia xuống Mông Cổ và Hoàng Hà của một số tác giả. Tuy vậy, điểm cần chú ý là các phong tục, hiện tượng trên đây chỉ tồn tại trong văn hóa dân gian của một số người Miêu ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Theo đó, không có bằng chứng cho rằng tất cả người Miêu đều coi phương bắc là đất tổ của mình. Chẳng hạn, về mặt trang phục, người Mông (Miêu) tại Việt Nam không có tục đội chiếc mũ bạc có hình hai chiếc sừng trâu, không có kiểu quần Tam Miêu hay Cửu Lê nói trên. Hơn nữa, nhóm người Miêu coi miền đất tổ của mình là phương Bắc có thể là hậu duệ của nhánh thiên di của tộc Tam Miêu sau khi thất bại trong trận Trác Lộc. Vì vậy, lại không có căn cứ thuyết phục để cho rằng tất cả người Miêu đều coi tổ tiên mình là người phương Bắc. Nhìn chung trên phương diện văn hóa truyền thống, cục diện nghiên cứu nguồn gốc người Miêu thể hiện sự giằng co giữa hai khuynh hướng Nam và Bắc. Song, xét trên nhiều mặt, nguồn gốc phương Nam vẫn có phần vượt trội hơn. Ở đây cần nhớ rằng ranh giới sông Trường Giang cũng chỉ là một ranh giới tự nhiên tương đối, có nghĩa là sự giao lưu qua lại của các bộ lạc cổ đại thời kỳ tiên Tần vẫn thường xuyên xảy ra. b)Về phương diện ngôn ngữ: Hiện có rất nhiều tác phẩm nghiên cứu sâu về ngôn ngữ của tộc người Miêu-Dao được xuất bản, phần nào cho thấy được mối quan hệ hàng dọc và hàng ngang của nhóm ngôn ngữ Miêu – Dao với các nhóm lân cận. Thế nhưng vấn đề xếp tộc người Miêu-Dao vào nhánh ngôn ngữ nào vẫn vô cùng phức tạp, đang còn nhiều tranh cãi. Trên đại thể có thể phân biệt bốn khuynh hướng chính sau: Thứ nhất, nhóm Miêu-Dao được xếp vào nhánh Austroasiatic ( Nam Á). Theo đó, nhóm Miêu-Dao có quan hệ ngang hàng với nhánh Việt – Mường, Môn- Khmer, Tày- Thái vốn có nguồn gốc là cùng ngữ hệ Austroasiatic. Khuynh hướng này được nhiều tác giả đồng thuận, nhất là các tác giả ở Việt Nam và một số tác giả Nga, Pháp: Davies, Ngô Văn Lệ, Nguyễn Đình Khoa, Nguyễn Văn Tiệp, Trần Ngọc Thêm, Trần Đức Lương, S.E Jakhontov... là các tác giả điển hình. Chẳng hạn, tác giả Trần Hữu Sơn đã liệt kê một số dẫn chứng của chính tác giả và các tác giả khác cho thấy ngôn ngữ, văn hóa và truyền thống nông nghiệp Miêu – Dao có nhiều điểm tương đồng cơ bản với Môn- Khmer. Austroasiatic Việt-Mường Môn-Khmer Tày-Thái Miêu-Dao các nhóm khác Thứ hai, nhóm Miêu-Dao đóng vai trò trung gian, kết nối giữa nhóm Môn-Khmer và Tạng-Miến. Đại diện cho khuynh hướng này là Haudricourt. Haudricourt cho rằng nhóm Miêu-Dao và nhóm Karen (phía Đông Nam Myanma) là hai nhóm trung gian giữa nhánh Tạng-Miến ( nằm trong ngữ hệ Hán-Tạng) và nhánh Môn-Khmer ( nằm trong ngữ hệ Nam Á- Austroasiatic). Thứ ba, nhóm Miêu-Dao độc lập và xếp ngang hàng với ngữ hệ Austrosiatic và Austronesien. Có khi cả ba nhánh này đều thuộc nhóm Austric, một trong 10 nhóm chính của Châu Á. Tiêu biểu cho khuynh hướng này là nhà ngôn ngữ học Ruhlen, Ilya Pejros, Trần Chí Dõi... Quan hệ giữa các nhóm ngôn ngữ này có thể biểu diễn bằng sơ đồ sau: Austric Austroasiatic Austronesien Tai Miêu-Dao (Việt-Mường, (Malay, Polynesia...) (Thái, Choang...) (Miêu, Dao, Xá, Bunu) Khmer...) Theo Ruhlen, các ngữ hệ Châu Á được xếp vào 10 ngữ hệ chính, bao gồm: 1)Uralic-yukaghir; 2) Chukchi-Kamchatkan; 3)Altaic; 4) Sino-Tibetan; 5) Austric; 6) Dravidian; 7) Indo- European; 8) Afro-Asiatic; 9) Bắc Caucasus; 10) Nam Caucasus. Theo cách phân loại này, nhóm Miêu-Dao có quan hệ gần gũi với các nhóm phương Nam ( Austroasiatic, austronesien) và khác biệt với nhóm Sino- Tibet. Ở một nghiên cứu khác, Robert Pakin xếp nhóm Miêu-Dao độc lập ngang hàng với Indo-European, Thái, Tạng-Miến, Austroasiatic, Austronesien... nhưng khho6ng xếp vào Austric. Nhà ngôn ngữ Benedict P.K lại xếp nhánh Miêu-Dao ngang hàng với Thái-Kadai, cả hai đều cùng thuộc họ Nam Thái ( Austro- Thái). Nam-Thái ( Austro-Thái) Thái-Kadai Hmong-Dao(Miêu-Dao) Theo một số tư liệu gần đây, trong một hội thảo về ngôn ngữ Miêu-Dao tổ chức tại Pháp năm 2001, thì các ngôn ngữ Đông Á nói chung được xếp thàng hai ngữ hệ chính: Sino-Tibet và Yangzi (Dương Tử). Trong ngữ hệ Yangzi lại phân ra làm nhiều nhánh nhỏ như Proto-Hmong-Mien ( Tiền Hmong-Miến) và Proto- Austroasiatic (tiền Nam Á), nhưng không bao gồm Austronesien. Trong nhóm tiền Hmong-Miến có các ngôn ngữ Miêu, Dao, Xá... Còn trong nhóm tiền Nam Á thì có Munda, Môn-Khmer. Như vậy, nhóm Austroasiatic và nhóm Miêu-Dao được xếp chung vào nhóm Yangzi- nhóm phương Nam. Nhìn chung, dù được xếp vào ngữ hệ Yangzi hay Austric thì các nhà nghiên cứu đều xem Miêu-Dao là một nhánh ngôn ngữ phía Nam ( so với nhóm Sino-Tibet) Thứ tư, nhóm Miêu-Dao thuộc ngữ hệ Hán-Tạng ( Sino-Tibet). Đa số các nhà nghiên cứu theo khuynh hướng này là các tác giả Trung Quốc và một số tác giả phương Tây như Garland. Theo họ, gia đình ngôn ngữ Hán-Tạng bao gồm 4 tiểu nhánh: Sinitic (Hán), Tibeto-Burman (Tạng-Miến), Daic (Thái, Choang, Đồng...) và Miao-Yao ( Miêu-Dao). Nói như vậy, nhóm Miêu-Dao không có quan hệ gì với hai nhánh Austroasiatic và Austronesien. Cũng theo tác giả này, từ sau khi quá trình giao lưu- tiếp biến Hán – Miêu diễn ra, tộc người Miêu đã tiếp thu một số yếu tố văn hóa- ngôn ngữ Hán, và vì thế củng cố thêm những chứng cứ cho quan điểm xếp nhóm Miêu-Dao vào nhánh Hán-Tạng: Hán-Tạng Sinitic Tibeto-Burman Daic Miao-Yao Sự phân bố ngôn ngữ Miêu: Màu đỏ: Miêu- Hmong Màu xanh: Miến Qua các phân tích trên cho thấy, đa số các nhà nghiên cứu xếp nhóm người Miêu-Dao thuộc đại gia đình các nhóm ngôn ngữ phương Nam. Ở khuynh hướng 1,2,3 nhóm người Miêu-Dao tuy được xếp ở các nhánh ngôn ngữ hay ngữ hệ khác nhau, song đều có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến các tộc người phương Nam. Tùy vào các kết quả nghiên cứu khác nhau mà các tác giả, các nhà khoa học xếp nhóm Miêu-Dao vào ngữ hệ Austroasiatic ( khuynh hướng 1), xếp ngang hàng với nhóm Môn-Khmer ( khuynh hướng 2), hay ngang hàng với các nhánh Austroasiatic, Austronesien ( khuynh hướng 3). Duy chỉ có một số ít các học giả xếp nhóm Miêu-Dao vào gia đình ngôn ngữ Hán-Táng ( khuynh hướng 4). Các khuynh hướng phân loại trên đây giúp chúng ta hình dung được vị trí của tộc người Miêu về mặt ngôn ngữ. Về phương diện di truyền: Hiện có rất nhiều công trình nghiên cứu về gen di truyền ( đặc biệt là phân tích các đoạn đứt gen 9bp- deletion trong ty lạp thể) để nhận dạng có quan hệ tộc người trên thế giới. Nhiều nhà nghiên cứu đã thực hiện các công trình công phu, chẳng hạn Cavalli- Sforza L.Luca, Paolo Menozzi, Albert Piazza, Bodmer W.F, Bowles G.T... Điều đặc biệt quan trọng là tất cả các công trình nghiên cứu về gien di truyền đều cho thấy nhóm người Miêu-Dao có quan hệ gần gũi với các nhóm dân tộc Nam Trung Hoa như Khmer, Thái, Nạp Tây, Xá, Thổ Gia, Di... Một nghiên cứu so sánh gien di truyền các dân tộc Trung Quốc cũng cho thấy tộc người Miêu có quan hệ gần gũi với tộc người Dao, người Kuchong. Theo nghiên cứu này một số tộc người được chọn nghiên cứu ở Trung Quốc có thể chia ra làm 4 nhóm: 1) Hán và Hồi; 2) Bạch và Tạng; 3) Miêu, Dao và Kuchong; 4) Bố An, Đông Hương và Salar. Thêm vào đó, công trình nghiên cứu của nhóm tác giả Lucia Cavalli-Sforza L., Paolo Menozzi, cho thấy cả về mặt hình thể ( nghiên cứu họp sọ) và di truyền, nhóm người Miêu có cùng dạng hình thể với các dân tộc thiểu số ở Quý Châu, Vân Nam (Dao, Xá, Di, Bunu) và các tộc người ở Việt Nam. Biểu đồ gien của 39 nhóm tộc người châu Á được các tác giả thể hiện như sau: Biểu đồ gien các dân tộc ở Châu Á [ Lucia Cavalli-Sforza L:1996:225] Trong biểu đồ này, ta có thể thấy nhóm Nam Trung Hoa ( trong đó có Miêu -Dao) có quan hệ gần gũi với các tộc người Việt, Thái, trong khi đó khác xa với nhóm người Bắc Trung Hoa và Tạng- Miến. Như vậy về mặt di truyền học, tộc người Miêu có nhiều cơ sở hơn để xếp vào đại gia đình các tộc người KẾT LUẬN Như vậy, việc xác định nguồn gốc dân tộc Miêu rõ ràng là một công việc vô cùng khó khăn và phức tạp. Vì việc xác định nguồn gốc một dân có bề dày lịch sử và địa bàn cư trú tương đối rộng lớn như dân tộc Miêu không chỉ đòi hỏi sự am hiểu tường tận về một lĩnh vực mà còn phải có sự liên kết liên ngành với những lĩnh vực có liên quan như: ngôn ngữ học, văn hóa học, di truyền học, địa lý, lịch sử... Mặt khác, trong từng lĩnh vực cụ thể, giới nghiên cứu khắp thế giới vẫn chưa đạt được sự thống nhất chung. Tuy nhiên, qua các lĩnh vực khoa học cụ thể như: ngôn ngữ học, văn hóa học và di truyền học, nhiều dấu ấn phương Nam đã được phát hiện, phần nào bổ sung cho khuynh hướng xem người Miêu có nguồn gốc từ phương Nam. Một số hình ảnh dân tộc Miêu Người Miêu ở Vân Nam Trung Quốc Người Miêu ở Sa-pa Việt Nam Người Miêu ở Quý Châu, Hồ Nam Người Miêu thổi kèn Lusheng trong lễ hội “chị em” TÀI LIỆU THAM KHẢO Benedict, Paul K. (1976), “ Austro-Thai and Austrosiatic” in Austroasiatic Studies, University of Hawaii Cavailli-Sforza L. Luca, Paolo Menozi, Albert Piazza (1994), The history and geography of human genes, Prince University Press David Crockett Graham (1922-1923), “ The Ch’uan Miao of Southern Szecchuan”, Journal of the West China Border Research Society 1:56 Dương Kiến Quốc (2000), “ Miêu tộc Thao Thiết đích nội hàm cập uyên nguyên thám tông”, Quý Châu Dân tộc báo, số 3 Đoàn Bảo Lâm (1997) “ Si Vưu khảo”, Trung Nam Dân tộc Học viện báo, số 2. Edkins Joseph (1870), “The Miao Tsi Tribes: their history”, the Chinese recorder and Missionary Journal Haudricourt, A.G. (1991), “ Giới hạn và kết nối của ngôn ngữ Nam Á ở Đông Bắc”, Ngôn ngữ số 1. Lý Đình Quý (1984), “ Cửu Lê, Si Vưu và Miêu tộc”, Dân tộc nghiên cứu báo, số 4 Ngô Văn Lệ, Nguyễn Văn Tiệp, Nguyễn Văn Diệu (1998), Văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, NXB Giáo dục Nguyễn Duy Bính “ Dân tộc Miêu (Hmong) ở Trung Quốc”, Tạp chí dân tộc học, 2005, số 5 Nguyễn Ngọc Thơ “ Về nguồn gốc phương Nam của dân tộc Miêu (Hmông) tại Trung Hoa, kỷ yếu hội thảo khoa học “ Trung Quốc với vùng văn hóa chữ Hán”, 2005 Trần Hữu Sơn (1996), Văn hóa Hmông, NXB Văn hóa Dân tộc Trần Ngọc Thêm (2002), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB tp. Hồ Chí Minh. William Hudspeth (1924) 冯天瑜 (2001),中华文化词典,武汉大学出版社 王维堤 (2000),龙凤文化,上海古籍出版社 洁春 (1999), 龙凤呈祥,山东焦距出版社 www.c-c-c.org/chineseculture/minority/miao.html www.en.wikipedia.org/wiki/Hmong-mien-languges www.guxiang.com www.Hmongcc.org/BuildingBridgesHealthPresentation2007version.pdf www.hmongcenter.org www.hmongstudies.org www.khoahoc.net/photo/vuanlichsu-2.gif www.3miao.org www.peopleteam.org .

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docnguon_goc_dan_toc_mieu_o_trung_quoc_new_7271.doc
Tài liệu liên quan