MỤC LỤC
MỞ ĐẦU
1. Mục đích chọn đề tài 1
2. Tính cấp thiết của đề tài 1
3. Lịch sử nghiên cứu và các nguồn tư liệu 3
4. Đối tượng nghiên cứu và những vấn đề đi sâu giải quyết của
đề tài 4
5. Phương pháp nghiên cứu của đề tài 4
6. Kết quả và đóng góp của đề tài 5
7. Bố cục 5
CHƯƠNG 1: KHÁI LƯỢC CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP
CỦA NGUYỄN VĂN VĨNH
1. Cuộc đời 8
2. Sự nghiệp 14
CHƯƠNG 2 : NGUYỄN VĂN VĨNH VỚI CUỘC CẢI CÁCH
GIÁO DỤC ĐẦU THẾ KỶ XX
2.1. Nguyễn Văn Vĩnh - Tấm gương về tinh thần tự học 16
2.2. Quan điểm giáo dục của Nguyễn Văn Vĩnh 20
2.3. Các biện pháp cải cách giáo dục 27
2.3.1. Truyền bá sâu rộng chữ Quốc ngữ - phương tiện
truyền thụ cơ bản của giáo dục 27
2.3.2. Thành lập và tham gia vào hoạt động của tổ chức
giáo dục – trung tâm tuyên truyền, ứng dụng và phổ cập
mô hình giáo dục mới 38
2.3.3. Sử dụng báo chí như một công cụ đắc lực cho
tuyên truyền, cổ động giáo dục Quốc ngữ đồng thời
phổ biến nội dung và phương pháp giáo dục mới 43
KẾT LUẬN 55
60 trang |
Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 1725 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Nguyễn Văn Vĩnh với cuộc cải cách giáo dục đầu thế kỷ XX, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ết phải có một chữ viết chung cho dân tộc. Vì giáo dục sa sút thì dân ngu dốt, dân ngu dốt làm cho đất nước yếu hèn “Nước Nam ta bây giờ dốt tệ lắm, mà cũng vì cái dốt nên phải như trâu, như bò… Bao nhiêu cái khổ nhục nhằn ở nước Nam ta vì cái dốt mà ra cả”. Dốt thì cần phải khai dân trí. Muốn khai dân trí nhất thiết phải dùng chữ Quốc ngữ. Vì chữ Quốc ngữ không những dễ học, dễ đọc, dễ viết mà lại ghi âm tiếng Việt. Lại có điều hay là “nước Nam xưa nay vẫn có tiếng nói mà tiếng An Nam lại hay được một điều là cả nước nói một thứ tiếng”. Chữ Quốc ngữ dễ dàng tạo nên sự thống nhất ngôn ngữ trong cả nước. Giáo dục muốn phát triển, muốn đổi mới thì phải thống nhất được ngôn ngữ. Khai dân trí bằng cách nào? Ông chỉ ra ba điều phải làm. Điều thứ nhất, thoát khỏi sự tù túng của nền Nho học bằng cách bỏ vai trò chính của chữ Hán, đưa chữ Quốc ngữ lên làm gốc cho giáo dục. Điều thứ hai, tiếp thu tinh hoa của văn minh phương Tây; mà muốn tiếp thu được văn minh phương Tây thì cần phải dịch sách phương Tây ra chữ Việt Nam. Chữ Quốc ngữ đủ khả năng để truyền tải những điều mới lạ của nền văn minh hiện đại này đến đông đảo quần chúng nhân dân. Điều thứ ba, kế thừa và phát huy tri thức phong phú của dân tộc; mà theo ông : về tri thức, dân tộc ta không thua kém một dân tộc nào chỉ có điều trước kia do vay mượn chữ người mà không diễn đạt được hết vốn tri thức đó, những người không biết thì không có cách nào tiếp thu hệ thống được, còn những người biết thì cũng chỉ biết một mình không có cách nào diễn đạt được đầy đủ cho người khác vì hạn chế của phương tiện truyền tải.
Ông khẳng định vai trò to lớn của chữ Quốc ngữ trong phổ cập giáo dục. Học chữ Quốc ngữ sẽ làm thay đổi tính chất của giáo dục Việt Nam : từ nền giáo dục cho thiểu số thành nền giáo dục của quốc dân. Trước kia, ta chỉ học và dạy kinh điển của Trung Quốc bởi chữ viết và tiếng nói không thống nhất với nhau. Nói ra nhưng chữ viết không thể nào ghi lại hết được. Lối học thành ra tù túng, đành bám vào những điều trong sách mà không biết giảng giải những điều này cho hợp với thực tế, một người học chỉ hiểu một mình mà không làm cho người khác hiểu cùng được. Cả thầy và trò đều thụ động. Mà sự học hành không thể phổ cập đến đông đảo nhân dân. Ông lý luận rằng: “Ở thế dan này, xem trong các nước, phàm nước nào đã gọi là nước văn minh, là cũng có văn chương riêng cả, tiếng nói thế nào, chữ viết như thế. Mà cái văn-minh người ta cũng ở đó mà ra vì chữ có là ảnh tiếng nói thì mới dùng để truyền sự hay đi trong nước ai ai đều học được cả. Cách chuyền tư-tưởng đi có hai cách: một là lấy miệng mà nói thì chỉ ai đứng nghe nói thì nghe được mà thôi, mà nói xong nhời nói có nhẽ quên đi được. Một cách nữa là nghĩ điều gì hay, làm ra sách thì tư tưởng chuyền đi được xa, mỗi quyển sách in ra nhiều người đọc được, mà không đọc khi này, đọc khi khác, có nhãng lại có thể đọc lại được. Chữ viết mà giống tiếng nói, thì một người viết một quyển sách, in ra bao nhiêu quyển, đã hình như nhân cái miệng mình ra bấy nhiêu lần, mà mỗi người mua một quyển sách ấy, mà đọc thì cũng như là thay mình đứng mà nói. Sách truyền được đi nhiều tư-tưởng mới càng ngày càng rộng ra được…”.
Mặt khác, sử dụng chữ Quốc ngữ làm phương tiện truyền thụ trong giáo dục sẽ làm cho nội dung giáo dục phong phú hơn nhiều: ngoài những điều trong kinh điển, có thể tiếp thu tri thức phương Tây, tri thức dân gian, kiến thức thực tế. Chữ Quốc ngữ vừa dễ tiếp thu lại vừa dễ truyền thụ. Đồng thời, sự gắn bó, trao đổi giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau được tăng cường. Triển vọng cho một nền giáo dục theo hướng mở, năng động được mở ra. Nguyễn Văn Vĩnh đã có một tầm nhìn xa. Ngày nay, chữ Quốc ngữ là một thuận lợi lớn để chúng ta hội nhập quốc tế.
Khi cổ động học chữ Quốc ngữ, ông đề cập đến vấn đề có nên loại bỏ chữ Nho hay không? Trên Đông Dương tạp chí số 31, Nguyễn Văn Vĩnh viết bài “Chữ Nho nên để hay nên bỏ”. Trong đó, ông thể hiện sự hiểu biết sâu sắc của mình. Cái mới nào cũng phải xây dựng trên nền tảng của cái cũ. Phát triển chữ Quốc ngữ, mà xóa bỏ hoàn toàn chữ Nho - chữ viết mấy nghìn năm của dân tộc, nhìn nhận phiến diện, phủ nhận vai trò của nó là một việc làm cực kỳ sai lầm và thiển cận. Ông cho rằng, đối với bậc tiểu học, trung học thì nên bỏ chữ Nho “lấy chữ Quốc ngữ làm gốc, mà học cách trí, vệ sinh, địa dư, phong tục, mỗi thứ một đôi chút, để gây cho lấy nhân-cách của phần nhiều người trong dân An Nam”. “Chữ Nho chỉ còn nên giữ lại để mà dạy ở khoa trung đẳng nam-học mà thôi, đợi mai sau khi nào có cả khoa cao-đẳng nam-học hoặc khoa ngôn-ngữ, văn-chương ở cao-đẳng, bấy giờ mới lại có nơi khác để phải dùng đến chữ Nho”. Và “còn như sách Nho, vốn đạo Nho là gốc cách ăn ở, gốc phong-tục nước mình, ta nên giữ lấy vì trước khi bỏ một đạo hàng phải có sẵn đạo khác hay hơn mà thế vào đã! Vả sửa lại thì sửa chớ việc chi phải bỏ đạo Nho là đạo thực hay: kìa như sách Nho đã có mấy nghìn năm nay mà xem những ý mới Âu châu bây giờ cũng nhiều ý ra ngoài tứ-thư-ngũ-kinh. Sách thì hay nhưng học không hay cũng chỉ vì vụng học” (Đông Dương tạp chí số 813 và 814). Như vậy, đối với Nguyễn Văn Vĩnh cải cách giáo dục là cần thiết. Nhưng cải cách giáo dục không có nghĩa là vứt bỏ hoàn toàn tư tưởng cũ mà phải kế thừa những cái hay, cái đẹp của nó. Ông rất tự hào về tri thức dân tộc, thấy được điểm mạnh của văn hóa dân tộc mình. Cải cách giáo dục với ông là thay thế hệ thống chữ viết cũ bằng một hệ thống chữ viết mới tiện lợi hơn, đổi mới phương pháp cho phù hợp, bổ sung kiến thức mới hiện đại làm phong phú cho nội dung giáo dục, mở rộng hơn nữa đối tượng giáo dục, tạo điều kiện phổ cập giáo dục trong toàn dân.
Phổ cập chữ Quốc ngữ là rất khó khăn, nên ông luôn vận động “những bậc tài hoa, những người có học thức trong nước phải chuyên vào nghề văn Quốc ngữ”.
Ông coi báo chí là phương tiện hiệu quả nhất để phổ biến chữ Quốc ngữ. Hai tờ báo do ông làm chủ bút Đại Nam đăng cổ tùng báo, Đông Dương tạp chí là những tờ báo Quốc ngữ đóng góp lớn cho sự nghiệp này. Những tin tức trên báo, từ những trang quảng cáo đến những bài luận, tác phẩm văn học dịch và sáng tác giúp cho mọi đối tượng nhân dân có thể tiếp cận chữ Quốc ngữ.
Trong quá trình cổ động mọi người học chữ Quốc ngữ, Nguyễn Văn Vĩnh rất quan tâm đến vấn đề ngữ pháp Tiếng Việt, coi đó là cốt nhất trong việc học chữ Quốc ngữ. Ông tuyên truyền, dịch, sáng tác văn chương bằng chữ Quốc ngữ; kêu gọi mọi người viết Quốc ngữ có “mẹo mực”, quy tắc rõ ràng. Ông thiết kế trên Đông Dương Tạp Chí cả mục dạy cách hành văn, ngữ pháp Quốc ngữ trong mục “Tân học văn tập”.
Chữ Quốc ngữ phải được phổ biến và trở thành chữ viết thống nhất chung cho cả nước. Nhưng ba miền Bắc, Trung, Nam mỗi miền lại có đặc điểm ngôn ngữ riêng nên không tránh khỏi có một số nét khác biệt trong việc phát âm và sử dụng chữ Quốc ngữ. Ông đưa ra phương án thống nhất sự khác biệt đó. Theo ông, các miền nên học các từ chuẩn và cách sử dụng đúng của nhau để không đọc sai, dùng sai ảnh hưởng đến nghĩa và người nghe, người đọc không hiểu nhầm. Thông qua những việc làm này, chữ Quốc ngữ ngày càng hoàn chỉnh, rõ ràng và đạt đến sự thống nhất văn tự trong cả nước. Do đó, ông đã thúc đẩy chữ Quốc ngữ hoàn thiện đáp ứng yêu cầu của giáo dục mới. Một nền giáo dục thống nhất trong cả nước trước hết phải đạt chuẩn chung về ngôn ngữ, văn tự.
Giáo dục muốn phát triển, phổ cập rộng rãi đòi hỏi một khối lượng lớn sách giáo khoa, sách khoa học và sách trên rất nhiều các lĩnh vực khác. Vì vậy, sự phát triển của in ấn là nhân tố quan trọng thúc đẩy giáo dục phát triển. Song song với việc phát triển chữ Quốc ngữ, Nguyễn Văn Vĩnh nắm trong tay nhà in. Ông cố gắng khắc phục những nhược điểm của chữ Quốc ngữ để thuận lợi cho việc in ấn. Theo Hồ Lân Trinh trong Sự cải cách vần chữ Việt thì “Muốn cho chủ và thợ nhà in áp dụng những tiến bộ về kỹ thuật ấn loát cho chữ Việt thì phải cải cách chữ viết thế nào cho ít dấu chữ chừng nào hay chừng ấy. Đi từ ý này và đưa ý đó đến chỗ cùng tột, Nguyễn Văn Vĩnh đề nghị ban hạn chế các dấu lại còn hai mươi sáu: đó là số người anh hùng. Như vậy, bất cứ máy sắp chữ mua ở thị trường nào trên thế giới cũng có thể phụng sự chữ Việt được. Nhưng làm sao để nhốt bảy mươi hai nguyên âm Việt vào trong phạm vi chật chội của bảy nguyên âm Anh? Nguyễn Văn Vĩnh liền đề nghị hai ước lệ: thay thế một số nguyên âm bằng những nguyên âm đôi và đánh dấu giọng thấp cao bằng những phụ âm không ở cuối vần mà người sẽ để ở chót tiếng”.
Để chữ Quốc ngữ thuận tiện cho việc đánh máy chữ, ông có sáng kiến thay các dấu nặng bằng chữ i, dấu huyền bằng chữ f, dấu sắc bằng chữ w…
Với hoạt động của mình trên báo chí, in ấn, xuất bản, dịch thuật, sáng tác, ông là người mở đầu cho nền văn chương Quốc ngữ. Đưa chữ Quốc ngữ lên đạt đến nền văn chương nghệ thuật. Hàng loạt các tác phẩm văn học, kịch, sách khoa học của phương Tây được dịch ra chữ Quốc ngữ. Ngay cả những tác phẩm kinh điển chữ Hán cũng được dịch ra. Tục ngữ ca dao được viết bằng chữ Quốc ngữ đăng trên các báo. Nội dung kiến thức phục vụ cho giáo dục không ngừng được bổ sung và hoàn thiện. Một kho tàng tri thức của nhân loại được mở ra, thu hút đông đảo mọi người dân lao vào học tập. Từ nay, những tri thức trong kinh điển trước kia chỉ là một phần rất nhỏ trong hệ thống tri thức gồm cả tri thức khoa học tự nhiên, văn hóa xã hội, tri thức dân gian, văn chương, kỹ thuật, kịch, hội họa, điêu khắc, âm nhạc… Chưa bao giờ dân tộc ta thấy cần phải học tập nhiều như thế. Đóng góp của Nguyễn Văn Vĩnh và những người cùng chí hướng với ông là rất to lớn, không chỉ là về chữ viết – phương tiện truyền thụ cho giáo dục mà đi kèm với nó còn là sự mở rộng và làm phong phú hơn nội dung giáo dục.
Với việc cổ động viết, sử dụng đúng chữ Quốc ngữ thống nhất trong cả ba miền, Nguyễn Văn Vĩnh đã góp phần phát triển phương pháp giáo dục, ít nhất là về bộ môn Tiếng Việt và ngữ pháp Tiếng Việt cho bậc sơ học, tiểu học và trung học. Ông cũng thúc đẩy sự hoàn thiện chữ Quốc ngữ, đưa việc sử dụng chữ Quốc ngữ lên đến trình độ văn chương nghệ thuật. Trên cơ sở đó, đã tạo điều kiện cho thế hệ trí thức nối tiếp phát triển nền văn học Việt Nam đạt đến đỉnh cao của cuộc cách mạng văn chương , điển hình là phong trào Thơ Mới (1930 - 1945 ), phong trào sáng tác truyện ngắn, tiểu thuyết hiện đại của nhóm “ Tự lực văn đoàn”… Và như thế, một đội ngũ nhà thơ, nhà văn hiên đại thực sự chuyên nghiệp đã ra đời, đóng góp vào bộ môn văn học trong nền giáo dục Việt Nam.
Để đẩy mạnh hơn nữa việc học chữ Quốc ngữ, Nguyễn Văn Vĩnh đã tích cực tham gia mở các trường học kiểu mới dạy chữ Quốc ngữ, đề nghị tăng cường dạy chữ Quốc ngữ trong giáo dục. Ông muốn dựa vào Pháp để thực hiện công cuộc cải cách giáo dục của mình. Ông coi chữ Quốc ngữ là “món quà quý” mà người phương Tây mang đến cho dân tộc ta, đó là sự thật hiển nhiên, chúng ta cần phải ghi nhận điều này. Nhưng đôi lúc, ông quá ca ngợi vai trò của người Pháp; vì vậy mà không khỏi dẫn đến hệ lụy : nhiều người coi ông là công cụ khai hóa văn minh của thực dân, mặc dù ý định đổi mới nền văn hóa dân tộc của ông là hết sức tốt đẹp và cần thiết với yêu cầu của lịch sử dân tộc.
Tóm lại, Nguyễn Văn Vĩnh đã có những đóng góp to lớn việc cổ động học chữ Quốc ngữ - phương tiện truyền thụ cơ bản của nền giáo dục Việt Nam - nền giáo dục Quốc ngữ ( cách gọi tương ứng với nền giáo dục Nho học sử dụng chữ Nho làm phương tiện truyền thụ cơ bản ). Đặt trong hoàn cảnh chữ Nho được sử dụng trong giáo dục ở Việt Nam ngót hai nghìn năm, gần như được coi là chữ viết dân tộc, mới thấy việc phổ cập chữ Quốc ngữ trong toàn dân, xây dựng một nền giáo dục Quốc ngữ đại chúng là viêc làm phi thường của ông và những người bạn cùng chí hướng. Nền giáo dục Quốc ngữ ra đời thực sự là nền giáo dục dân tộc, đại chúng , mền mại, hiện đại và mang tính mở. Nó thúc đẩy nhanh chóng công cuộc hiện đại hóa đất nước bằng việc phổ cập giáo dục, nâng cao dân trí cho quảng đại quần chúng nhân dân.
Nhận xét về vai trò của chữ Quốc ngữ trong đề tài nghiên cứu của mình “chữ Quốc ngữ và cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỉ 20” tác giả Hoàng Tiến nhận định: “chữ Quốc ngữ được phát triển dưới sự hỗ trợ và cầm chịch của chính quyền thuộc địa Pháp.Nhưng ngay cả người Pháp cũng không ngờ, một khi nó đã trở thành công cụ của công chúng để truyền đạt tư tưởng và biểu lộ xúc cảm, thì nó đã tuột khỏi sự kiểm soát của chính quyền thuộc địa, và ngược lại, biến thành lực lượng đối kháng hữu hiệu nhất cho công cuộc giành độc lập của dân tộc. Nó sẽ tiếp tục phải đánh bại chữ Pháp, để chiếm địa vị độc tôn. Đó là điều người Pháp không muốn, nhưng không thể cưỡng lại”.
Và, trong cuộc vận động cách mạng giải phóng dân tộc, các chiến sĩ cách mạng không thể thiếu việc sử dụng chữ Quốc ngữ để tuyên truyền tinh thần yêu nước, cách mạng cho đồng bào. Chữ Quốc ngữ đóng góp vào phong trào giải phóng dân tộc.
Một điều không thể phủ nhận rằng, nền giáo dục Quốc ngữ không chỉ bao gồm hệ thống văn tự Quốc ngữ , mà còn là nội dung và phương pháp giáo dục hiện đại. Giáo dục Quốc ngữ đã đem lại bầu sinh khí mới cho xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX. Nó đã tạo ra những thế hệ con người Việt Nam mới, thế hệ này không những đủ sức tiếp nhận những tinh hoa của nền văn hóa phương Tây hiện đại, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, mà còn có đủ năng lực để đưa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ra khỏi “đêm tối không có đường ra”. Đây mới là công lao lớn nhất của thế hệ những người như Nguyễn Văn Vĩnh với lịch sử dân tộc.
Ngày nay, chữ Quốc ngữ đã trở thành chữ viết dân tộc. Tính tiện lợi của nó là không thể phủ nhận. Chữ Quốc ngữ tạo điều kiện xã hội hóa giáo dục và hội nhập quốc tế không chỉ trên phương diện tri thức mà còn trên lĩnh vực kinh tế, chính trị. Đầu thế kỷ XXI, chúng ta gia nhập WTO. Để có thể hội nhập vào thị trường thế giới đang phát triển sôi động, ngôn ngữ đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Chữ Quốc ngữ với những ưu điểm của mình đã tạo cho chúng ta nhiều lợi thế. Chữ Quốc ngữ giống về cấu tạo với nhiều tiếng phiên âm Latinh khác, nên tạo điều kiện cho ta dễ dàng học ngoại ngữ, tiếp thu tri thức phương Tây, và hội nhập vào thị trương công nghệ viễn thông và tin học thế giới…Nền giáo dục Việt Nam nhờ lấy chữ Quốc ngữ làm căn bản mà có năng lực hội nhập với giáo dục thế giới, không ngừng đạt những thành tựu xuất sắc, sánh ngang với bạn bè quốc tế. Nguyễn Văn Vĩnh đã góp cho giáo dục trước hết là một tầm nhìn xa. Không có chữ Quốc ngữ, khó lòng chúng ta tạo dựng được một nền giáo dục hiện đại và năng động.
2.3.2. Thành lập và tham gia vào hoạt động của các tổ chức giáo dục – trung tâm tuyên truyền, ứng dụng và phổ cập mô hình giáo dục mới.
Nguyễn Văn Vĩnh là một trong những người sáng lập và tham gia tích cực vào nhiều tổ chức giáo dục Việt Nam thời kỳ này. Điển hình là các tổ chức : Đông Kinh Nghĩa Thục, Hội Trí Tri và trường học của Hội Trí Tri, Hội dịch sách, Hội đưa người Việt du học Pháp.
a) Tham gia thành lập và hoạt động tại Đông Kinh Nghĩa Thục
Đông Kinh Nghĩa Thục là một trường học tư thục do các chí sĩ yêu nước như Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Phan Châu Trinh cùng Nguyễn Văn Vĩnh lập ra theo mô hình Khánh Ứng Nghĩa Thục của Nhật Bản. Trường được mở tại Hà Nội vào tháng 3/1907. Trụ sở chính của trường ở số 10 phố Hàng Đào. Trường dạy học không lấy tiền. Chương trình học gồm hai phần : chữ Pháp và chữ Quốc ngữ. Lớp học từ 30 đến 50 người dạy theo các lứa tuổi khác nhau. Nguyễn Văn Vĩnh là người thảo điều lệ, đơn thành lập và trực tiếp giảng dạy tại trường môn Pháp văn và cách viết văn. Trường thu hút rất đông học sinh theo học :
Buổi diễn sách người đông như hội
Kỳ bình văn khách tới như mưa
( Thơ văn Đông Kinh Nghĩa Thục )
Nội dung triết lý giáo dục của Đông Kinh Nghĩa Thục theo PGS.TS Phạm Hồng Tung gồm 5 điểm cơ bản. Thứ nhất, đó là nền giáo dục dân tộc luôn giương cao ngọn cờ yêu nước yêu nòi. Thứ hai, mục đích tối hậu của việc học không phải để làm quan, cũng không phải cho “ sáng đạo Thánh Hiền”, mà là nhằm “ khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” mở đường cho công cuộc phục hưng, tự cường dân tộc và cuối cùng là giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của ngoại bang. Đông Kinh Nghĩa Thục hướng đến một nền thực học, khoa học, hướng tới sự mở mang tri thức và hoàn thiện nhân cách người học, biến người học thành những người thực sự hữu dụng cho xã hội và do đó góp phần vào sự nghiệp tự cường dân tộc, giải phóng giống nòi.
Một người học muôn người đều biết
Trí ta khôn muôn việc đều hay
Lợi quyền nắm đươc trong tay
Có cơ tiến hóa có ngày văn minh
( Khuyên người học chữ Quốc ngữ)
Thứ ba, nền Tân học phải là một nền giáo dục khoa học hiện đại. Thứ tư, nền tân học phải là nền giáo dục toàn diện, đảm bảo sự tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn minh, văn hóa hiện đại của phương tây trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa, văn minh tốt đẹp của phương Đông và của dân tộc Việt Nam. Thứ năm, khác hẳn nền cựu học, và cả nền giáo dục thực dân, nền Tân học mà Đông Kinh Nghĩa Thục cổ súy là nền giáo dục đại chúng.
Triết lý giáo dục này trùng với những quan điểm giáo dục của Nguyễn Văn Vĩnh.
Tuy chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, đến 1908 thì trường bị thực dân Pháp đóng cửa vì lo ngại trường sẽ trở thành một “ lò lửa phiến loạn ở Bắc kỳ”; trường Đông Kinh Nghĩa Thục đã dấy lên phong trào duy tân mạnh mẽ ở Hà Nội, lan rộng ra Bắc kỳ và khắp cả nước. Trường đã khơi dậy mạnh mẽ lòng yêu nước thu hút đông đảo lực lượng nhân dân tham gia vào cuộc duy tân đất nước và cải cách giáo dục. Đông Kinh Nghĩa Thục là ngôi trường kiểu mới đầu thế kỷ XX - một điểm son của giáo dục Việt Nam.
Trường Đông Kinh Nghĩa Thục có mối liên hệ chặt chẽ với Đại Nam Đăng Cổ Tùng Báo do Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút. Đại Nam Đăng Cổ Tùng Báo trên một phương diện nào đó đã trở thành cơ quan ngôn luận của trường. Trong suốt thời gian tồn tại của mình (tháng 3/1907 đến thnág 11/1907), Đại Nam Đăng Cổ Tùng Báo đã liên tục đăng các bài về hoạt động giáo dục của Đông Kinh Nghĩa Thục và cổ động cuộc cải cách giáo dục. Trường Đông Kinh Nghĩa Thục là trường học đầu tiên của Việt Nam có sự kết hợp với một tờ báo để tuyên truyền cho hoạt động dạy học của mình. Có được sự phá cách đó, chính là nhờ công của Nguyễn Văn Vĩnh - chủ bút Đại Nam Đăng Cổ Tùng Báo đồng thời hoạt động tích cực trên lĩnh vực giáo dục. Xét trên bình diện Đông Kinh Nghĩa Thục là một phong trào giải phóng dân tộc thì sự kết hợp của nó với Đại Nam Đăng Cổ Tùng Báo còn có ý nghĩa to lớn hơn rất nhiều.
Như vậy, Nguyễn Văn Vĩnh có vai trò quan trọng trong Đông Kinh Nghĩa Thục. Những đóng góp của ông cho phong trào yêu nước này đã thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí độc lập dân tộc. Đông Kinh Nghĩa Thục đã trở thành trung tâm của cuộc cải cách giáo dục trong suốt thời gian tồn tại của nó.
b) Hội Trí Tri và việc thành lập, hoạt động của Tràng học Hội Trí Tri.
Hội Trí Tri là hội tập hợp những trí thức nhằm truyền bá ảnh hưởng của văn minh phương Tây tới thế hệ trẻ. Trụ sở chính của Hội Trí Tri là 59 phố Hàng Quạt, chủ hội là ông Nguyễn Liên. Ông Nguyễn Văn Vĩnh là sáng lập viên đồng thời là chủ tịch ban diễn thuyết và giảng sách.
Hội Trí Tri mở một trường học nhằm nâng cao trình độ cho học viên. Ông Nguyễn Văn Vĩnh trực tiếp giảng dạy. Nội dung học tập trong trường rất mới mẻ. Trường dạy các môn khoa học cơ bản, dạy cách trí, vệ sinh. Trường thu hút đông đảo học trò tham gia. Trên Đăng Cổ Tùng Báo số 814 có đưa tin về trường học Hội Trí Tri :
“ Tràng học Hội Trí Tri, độ này đông học trò lắm. Mỗi ngày cũng học 2- 3 buổi như các Tràng Nhà nước, một tuần lễ cũng nghỉ 2 ngày thứ tư với chủ nhật. Thầy giáo thì kén những tay giỏi và biết chăn trẻ cả ngày. Lớp nhất thì ông Phạm Duy Tốn, lớp nhì thì ông Vũ Văn Chử, lớp ba ông Trần Văn Hùng. Dạy chữ Nho thì ông Phạm Thiệu, dạy võ ta thì ông Nguyễn Đình Tốn, võ Tây thì có một cai võ đại Pháp dạy”
“ Sau khi trường Đông Kinh Nghĩa Thục bị đóng cửa, thì trường Trí Tri vẫn tồn tại và duy trì. Nó xứng đáng là trường tư thục dạy chữ Quốc ngữ đầu tiên ở miền Bắc, được nảy sinh trong cuộc cách mạng chữ viết, chẳng những dạy chữ, nó còn là nơi hội họp và diễn giảng nhiều vấn đề mới mẻ về kinh tế, về khoa học, về văn học… Trong công việc muốn đổi mới đất nước của các nhà trí thức tân học và cựu học cấp tiến lúc bấy giờ”. ( Hoàng Tiến - Chữ Quốc ngữ và cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỷ XX”).
Như vậy Đông Kinh Nghĩa Thục cùng trường học Hội Trí Tri là hai trường tư thục đầu tiên dạy chữ Quốc ngữ. Cả hai trường này đều có sự tham gia tích cực của Nguyễn Văn Vĩnh với tư cách vừa là người sáng lập vừa là người trực tiếp giảng dạy . Sự ra đời của trường học tư thục dạy chữ Quốc ngữ là nét mới trong giáo dục Việt Nam đầu thế kỷ XX. Có thể nói, đây là lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục Việt Nam, một hệ thống trường học tư thục đã ra đời và tồn tại theo đúng ý nghĩa thực sự của nó.
Trên Đông Dương Tạp Chí, Nguyễn Văn Vĩnh giành cả một mục lớn “ Tân học văn tập” cho Hội Trí Tri phổ biến kiến thức văn chương chữ Quốc ngữ và giới thiệu nội dung, phương pháp giảng dạy của giáo dục Tân học. Mục này được duy trì suốt từ năm 1914 đến 1918 khi Đông Dương Tạp Chí đình bản. Hội Trí Tri đã có nhiều đóng góp cho cuộc cải cách giáo dục đầu thế kỷ XX về nhiều mặt : mở trường, tuyên truyền, soạn sách, hướng dẫn phương pháp giảng dạy…
c) Hội dịch sách
Hội dịch sách thành lập vào ngày 8/8/1907, do hội viên của Hội Trí Tri lập ra. Ông Đỗ Văn Tâm làm trưởng hội đồng, ông Nguyễn Văn Vĩnh là người thảo điều lệ và viết đơn xin thành lập. Hội tập hợp những người có khả năng dịch sách nước ngoài, thông qua đó giới thiệu về những tác phẩm hay của phương Tây. Là một dich giả uyên bác, Nguyễn Văn Vĩnh trở thành một thành phần không thể thiếu trong hoạt động dịch thuật của hội. Ông cũng là người đóng góp đắc lực cho hội về cả mặt tài chính và in ấn.
Hội Dịch Sách đóng góp tích cực vào việc phát triển chữ Quốc ngữ - phương tiện truyền thụ cơ bản của giáo dục mới. Các loại sách nước ngoài mà hội dịch rất đa dạng gồm cả sách phương Tây lẫn các sách hay của Trung Quốc, các tác phẩm văn học, sách sử cổ của Việt Nam, sách phổ thông, sách khoa học, sách văn chương, sách khoa học thường thức .v.v…Khối lượng lớn các sách này cung cấp cho giáo dục nội dung giảng dạy và học tập phong phú.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Vĩnh còn sáng lập ra Hội giúp đỡ người Việt Nam ở Bắc và Trung kỳ du học Pháp tại các trường trung học, đại học và kỹ thuật.
Tóm lại, với việc tham gia sáng lập và hoạt động trong các tổ chức giáo dục này, Ngyễn Văn Vĩnh đã làm cho cuộc cải cách giáo dục không đơn thuần chỉ là những lời cổ động trên báo chí, những cuộc diễn thuyết, hô hào mà có quy mô, hệ thống , có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân. Những tổ chức giáo dục đó như là những trung tâm cổ vũ và định hướng cho phong trào cải cách giáo dục. Thông qua những tổ chức này , quan điểm giáo dục của Nguyễn Văn Vĩnh đã được cụ thể hóa, thâm nhập vào thực tế đời sống, hướng dẫn nhân dân tiếp cận và thu nhận nền giáo dục mới. Cao hơn, sự ra đời và hoạt động của các trường tư thục dạy chữ Quốc ngữ : Đông Kinh Nghĩa Thục, Trường học Hội Trí Tri, mô hình giáo dục Tân học đã được ứng dụng và phát huy hiệu quả của nó. Dưới ảnh hưởng của Đông Kinh Nghĩa Thục, hàng loạt các trường học theo mô hình của truờng được thành lập khắp các tỉnh thành trong cả nước, kể cả những vùng nông thôn hẻo lánh. Phong trào lập trường kiểu Đông Kinh Nghĩa Thục mạnh nhất là ở Thái Bình, Bắc Ninh, Thanh Chương - Nghệ An ( trường Võ Liệt), Thạch Hà – Hà Tĩnh ( Trường Phong Phú), Phan Thiết ( Trường Dục Thanh).v.v… Sự ra đời các trường này có ý nghĩa quyết định tới sự thành công của sự nghiệp xây dựng nền giáo dục chữ Quốc ngữ của dân tộc.
Như vậy, với những nỗ lực không mệt mỏi của mình, Nguyễn Văn Vĩnh đã thực hiện những bước đi quyết định cho cuộc cải cách giáo dục đầu thế kỷ XX. Bước đầu là thực hiện cuộc cách mạng chữ viết, đưa chữ Quốc ngữ lên làm gốc cho giáo dục mới. Kế tiếp là xây dựng các tổ chức giáo dục đặc biệt là hệ thống các trường học áp dụng mô hình cải cách và sử dụng hệ thống chữ Quốc ngữ. Cho đến hết chiến tranh thế giới thứ nhất, nền giáo dục chữ Quốc ngữ đã được định hình, đáp ứng được nguyện vọng học tập của đông đảo mọi tầng lớp nhân dân. Tuy chữ Quốc ngữ về địa vị vẫn thua kém chữ Pháp nhưng đã trở thành một phần không thể thiếu được của giáo dục Việt Nam đầu thế kỷ XX, trở thành biểu tượng của nền học vấn Việt Nam.
2.3.3. Sử dụng báo chí như một công cụ đắc lực cho tuyên truyền, cổ động giáo dục Quốc ngữ đồng thời phổ biến nội dung và phương pháp giáo dục mới.
Năm 1906, diễn ra bước ngoặt lớn thứ hai trong cuộc đời Nguyễn Văn Vĩnh đó là ông được sang Mác xây dự hội trợ triển lãm các mặt hàng nông sản thuộc địa Pháp. Tại đây, ông tận mắt chứng kiến sức mạnh của văn minh Pháp mà bấy lâu nay chỉ có dịp được biết đến qua sách báo và những lời tuyên truyền của các nhà cầm quyền thuộc địa. Sự kiện này đánh dấu sự thay đổi lớn lao trong suy nghĩ và mục đích của cả cuộc đời ông. Trong ông diễn ra một sự lựa chọn quyết định đó là : lấy việc cổ động và thực hiện cải cách văn hóa trong đó có giáo dục là sự nghiệp của cả đời mình. Nhưng sự nghiệp đó sẽ bắt đầu từ đâu ? Ông đã lựa chọn con đường trước tiên nào để thực hiện nó ? Có một chi tiết khá thú vị ! Trong lần hội chợ này, ông Nguyễn Văn Vĩnh được thống sứ Bắc Kỳ giao nhiệm vụ trông nom việc trao đổi và giới thiệu các mặt hàng nông sản của Đông Dương. Gian hàng do Nguyễn Văn Vĩnh phụ trách nằm ngay cạnh gian báo của Pháp. Là người dân một nước thuộc địa xa xôi lần đầu tiên được đặt chân đến Pháp – trung tâm văn hóa của châu Âu, mọi thứ đều rất mới mẻ và hấp dẫn ông. Tất nhiên, báo chí Pháp lập tức thu hút sự chú ý của ông. Nguyễn Văn Vĩnh đồng thời cũng là một người ham hiểu biết và đặc biệt “ tinh khôn” ( chữ dùng của cụ Hoàng Đạo Thúy) cho nên ngay tức khắc ông nhận ra sức mạnh của báo chí. Về nước, ông thôi ngạch công chức và chuyển sang làm báo. Từ đây, sự nghiệp cải cách giáo dục của ông gắn bó chặt chẽ với sự nghiệp báo chí. Nói cách khác, ông đã bắt đầu sự nghiệp cải cách giáo dục của mình từ báo chí.
Sự chọn lựa “tinh khôn” của Nguyễn Văn Vĩnh phải đặt trong hoàn cảnh Việt Nam đầu thế kỷ XX ta mới thấy hết được. Đầu thế kỷ XX, cùng với giáo dục, thực dân Pháp coi báo chí là một công cụ phục vụ đắc lực cho công cuộc “ chinh phục tâm hồn” dân tộc Việt Nam. Pháp muốn nắm, ra sức nắm lấy báo chí. Báo chí trở thành phương tiện khai hóa văn minh và tuyên truyền ảnh hưởng của “nước Mẹ Đại Pháp”. Thế nhưng Pháp không thể lường hết được tinh thần dân tộc và sức sáng tạo vô biên của người Việt làm cho họ có đủ khả năng để biến cả báo chí và giáo dục vốn là công cụ trong tay Pháp thành công cụ của mình thực hiện hiện đại hóa văn hóa nước nhà và tăng cường sức mạnh cho dân tộc. Do có cùng mẫu số chung, báo chí và giáo dục có triển vọng kết hợp chặt chẽ với nhau thúc đẩy nhanh hơn cuộc cải cách giáo dục và duy tân đất nước. Và hơn bao giờ hết, giáo dục rất cần báo chí như một vũ khí trợ lực sắc bén và hữu hiệu, một công cụ tuyên truyền rất hiệu quả cho giáo dục mới. Đồng thời, báo chí sẽ trở thành kênh thông tin kết nối giáo dục với phương Tây hiện đại (đưa tin, dịch sách, báo phương Tây .v.v…) thậm chí, còn trở thành nơi định hướng, biên soạn nội dung và ấn hành sách giáo khoa cho giáo dục mới. Sự kết hợp giữa báo chí và giáo dục là điểm mới chưa từng có trong lịch sử Việt Nam.
Và, Nguyễn Văn Vĩnh với tầm nhìn xa và năng lực cùng sự nỗ lực hết mình đã sử dụng báo chí như một công cụ hiệu quả tuyên truyền, cổ động giáo dục Quốc ngữ, phổ biến nội dung, phương pháp giáo dục mới. Nguyễn Văn Vĩnh đã tiến hành cuộc cải cách giáo dục ngay trên báo chí. Biện pháp cải cách giáo dục này của ông được thể hiện rõ nét qua nội dung giáo dục trên Đông Dương Tạp Chí
Đông Dương Tạp Chí là tờ báo chữ Quốc ngữ do Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút. Tờ báo này xuất bản số đầu tiên vào ngày 15/5/1913. Đến hết năm 1918, Đông Dương Tạp Chí đình bản (Đến năm 1937, 1938, Đông Dương Tạp Chí có được phát hành lần nữa ; ở đề tài này chúng tôi chỉ khảo đến năm 1918). Báo ra vào thứ năm hàng tuần, thường từ 16 đến 24 trang. Đây là tờ báo lớn nhất Bắc kỳ thời đó, cũng là tờ báo quan trọng bậc nhất trong việc tuyên truyền văn minh phương Tây, văn minh Pháp, đồng thời là cơ quan ngôn luận của phong trào cải cách giáo dục đầu thế kỷ XX. Đây cũng là nơi hội tụ của các cây bút thế hệ đầu tiên của giới trí thức Việt Nam từ Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh đến Phạm Duy Tốn, Phan Kế Bính, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Hữu Tiến…
Đông Dương Tạp Chí đến 1918 có thể chia làm hai thời kỳ chính :
( 1913 – 1914) : Đông Dương Tạp Chí là tờ báo đăng tin tổng hợp về chính trị , kinh tế, văn hóa, giáo dục .v.v…
(1915 – 9/ 1918 ) : Báo đề cập thiên về văn hóa xã hội với chủ đề văn hóa phong phú.
Từ tháng 9/1918, Đông Dương Tạp Chí chỉ còn mục phụ trương là Nam học văn tập. Gồm hai phần : Phần thầy giáo nói về thể cách dạy học như thế nào cho đúng phép nhà nước; phần học trò in những bài học, bài làm, bài soạn cho các lớp đồng ấu, lớp dự bị và lớp sơ đẳng. Đến tháng 12/1918 thì không đăng nữa.
Từ số 20 năm 1913, Đông Dương Tạp Chí có mục “ Gõ đầu trẻ” do Nguyễn Đỗ Mục phụ trách.
Từ số 43 năm 1914 đăng thêm mục Tân học văn tập do hội viên Hộ Trí Tri soạn.
Từ số 76 năm 1916, Tân học văn tập đổi thành Sư phạm học khoa.
Mục đích giáo dục
Đối tượng, phương pháp, nội dung giáo dục
Phương tiện truyền thụ giáo dục
Tin giáo dục
Tổng số
Số bài
6
802
15
11
834
%
0,72
96,2
1,8
1,28
100
Nguyễn Văn Vĩnh đã sử dụng Đông Dương Tạp Chí như là cơ quan ngôn luận của cuộc cải cách giáo dục do ông khởi xướng. Nội dung giáo dục trên Đông Dương Tạp Chí rất phong phú. Dưới đây là bảng thống kê những vấn đề giáo dục trên Đông Dương Tạp Chí
Bảng thống kê 1913- 1914 ; 1916 – 1918
( Năm 1915, do tài liệu đã hỏng không thu thập được)
Trong quá trình thống kê, chúng tôi thu thập được 834 bài trên Đông Dương Tạp Chí đề cập đến vấn đề giáo dục. Thông tin về giáo dục rất toàn diện từ mục đích, đối tượng, phương pháp, nội dung giáo dục đến phương tiện truyền thụ trong giáo dục, cùng những bài đưa tin thời sự về một số sự kiện giáo dục.
Trong đó, những bài nói về đối tượng, phương pháp, và nội dung giáo dục chiếm số lượng lớn 802 bài chiếm 96,2 % số bài viết về giáo dục trên báo. Các bài về nội dung và phương pháp giáo dục rất tỉ mỉ, căn kẽ, tập chung vào hai vấn đề chính là dạy Tiếng Việt và giáo dục phổ thông. Đông Dương Tạp Chí là tờ báo đóng góp tích cực nhất trong việc cổ động và hoàn thiện chữ Quốc ngữ.
Đáng chú ý là trên Đông Dương Tạp Chí có hẳn những chuyên mục riêng dành cho giáo dục :
+ Mục “ Sư phạm học khoa” gồm 5 phần chính :
Phần Luận Quốc ngữ là những bài tập làm văn đưa ra để hướng dẫn học sinh học cách làm văn Quốc ngữ, bao gồm đề bài, dàn bài, và bài làm mẫu cụ thể và chi tiết. Trong phần Luận Quốc ngữ luôn có hai bài : Một bài cho học sinh Ấu học và một bài cho học sinh tiểu học. Bài cho học sinh Ấu học đơn giản hơn. Nội dung ra đề bài là viết luận về những sự việc rất quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Do đó không những luyện khả năng viết luận cho học sinh mà còn tạo cho học sinh óc thực tiễn và sự gắn bó, am hiểu hơn về cuộc sống sinh hoạt. Ví dụ : Bài luận Quốc ngữ cho học sinh tiểu học trên số 50 năm 1914 như sau :
Đề bài - Kể vật nuôi, anh biết những con nào và những con ấy lấy gì để hộ thân nó ?
Dàn bài – 1o Tôi biết những con súc vật này : ngựa, trâu, bò, gà, vịt, chó , mèo
2o Nó giữ mình thế nào
3o Với tôi thì nó hiền lắm
Bài làm
Phần Toán pháp cũng có hai bài cho bậc Ấu học và tiểu học có đề bài, lời giải, và hướng dẫn làm toán, chủ yếu dạy bốn phép : cộng, trừ, nhân, chia.
Phần Luân lý (Ấu học và tiểu học) dạy cho học trò biết cách sống, giao tiếp xã hội. Tương đương với môn giáo dục công dân bây giờ. Bài học rất cụ thể như bàn về bổn phận của mình với mình, về xã hội luân lý “ Vì có xã hội thì mới có giáo dục, mới phân biệt thiện ác phải trái, để tu tỉnh lương tâm, sửa sang tính hạnh người ta. Người nọ làm gương cho người kia bảo lẫn nhau” ( Trần Trọng Kim số 57 năm 1914). Về trách nhiệm, thiện ác có thưởng phạt Phúc với Đức .v.v…
Phần Cách trí : giới thiệu về những sự vật xung quanh con người, về cấu tạo và chức năng của các bộ phận trong cơ thể .v.v…
Phần Nam sử : đăng một loạt bài của Trần Trọng Kim về lịch sử Việt Nam từ thời nguyên thủy đến triều Nguyễn. Giáo dục cho học sinh niềm tự hào về lịch sử dân tộc.
Đến 9/ 1918, Đông Dương Tạp Chí đăng phụ trương Nam học niên khóa, nội dung và phương pháp giáo dục đầy đủ hơn, cụ thể hơn và khoa học hơn. Phần thầy giáo có chức năng như một giáo án chuẩn soạn cho các thầy cô giáo căn cứ vào đó mà dạy ở các cấp học khác nhau. Đây thực sự là một điểm phá cách với giáo dục đầu thế kỷ XX, tạo điều kiện để thống nhất nội dung và phương pháp dạy học chung cho cả nước, chuẩn về chất lượng. Tất cả các bài soạn cho các môn học đều do các học giả lớn thời đó đảm nhiệm. Đông Dương Tạp Chí đóng vai trò như một tờ báo thuộc nghành giáo dục, đảm nhiệm luôn việc biên soạn sách vở , giáo trình, in ấn sách giáo dục , đưa tin giáo dục, thậm chí định hướng cho giáo dục. Việc công khai giáo án trên Đông Dương Tạp Chí có ý nghĩa quan trọng đặc biệt cho sự thống nhất giảng dạy chung cho cả nước. Thông qua việc công khai này, quảng đại quần chúng nhân dân đều được tiếp cận trực tiếp với giáo án. Từ đó, nó vừa có chức năng phổ cập giáo dục, vừa tạo điều kiện cho mọi người dân có thể tham góp ý kiến hoàn chỉnh hơn nữa phương pháp và nội dung giảng dạy, thúc đẩy cuộc cải cách giáo dục phát triển phù hợp với nguyện vọng của quần chúng nhân dân.
Nam học niên khóa, phần thầy giáo gồm có những mục sau :
Luân lý : do Trần Trọng Kim, Nguyễn Đỗ Mục soạn
Văn Quốc ngữ ; Nguyễn Văn Luận soạn
Ám tả : Nguyễn Đỗ Mục soạn
Tập đọc : Nguyễn Văn Ngọc soạn
Toán pháp : Nguyễn Xuân Mai soạn
Tạp vật học : Đoàn Trọng Phan soạn
Địa dư : Phan Huy Lục soạn
Nam sử : Trần Trọng Kim soạn
Đặc biệt các nhà sư phạm trên Đông Dương Tạp Chí luôn chú ý đến việc kết hợp giữa kiến thức khoa học và giáo dục đạo đức, cách ứng xử cho học trò, luôn trú trọng việc tạo nên tính thiết thực và sự hấp dẫn trong nội dung giảng dạy. Phần dạy làm văn chữ Quốc ngữ với những câu văn rất trong sáng, ngắn gọn, dễ hiểu và mộc mạc, tự nhiên, có tác dụng giáo dục rất tốt cho học sinh về mặt luân lý, khoa học thường thức, cách ứng xử… Với những bài như : “ Đi đâu cũng phải xin phép cha mẹ”, “ Ngủ phải đúng giờ” , “ Chớ thức khuya quá”, “Sáng nào cũng dậy sớm”…
Tất cả các trang đầu của Nam học niên khóa đều đăng lời dặn :
“ Từ nay trở đi, bản quán in ra một tập Nam học niên khóa theo y như chương trình Quốc ngữ sơ đẳng học của nhà nước định lại, nghị định quan toàn quyền ngay 5 Mars 1918.
Tập này chia làm hai phần
1o Một phần thầy giáo, in những thể cách dạy học thế nào cho đúng phép nhà nước, thì in vào trong Đông Dương Tạp Chí, ông thầy nào đã mua báo Đông Dương Tạp Chí rồi, thì không phải mua riêng nữa, mà ai muốn có tập sư phạm ấy thì phải mua báo Đông Dương Tạp Chí chứ không bán riêng.
Báo Đông Dương Tạp chí đồng niên giá 18$ trả tiền trước.
2o Một phần học trò, in những bài học, bài làm, soạn sẵn. Học trò mua được mà dùng thì tiện lắm, vì trong ấy gồm đủ các thứ sách phải học đến. Mua cho trẻ thì đỡ đựoc tiền mua sách.
Phần này chia làm ba tập riêng, mỗi lớp học một tập :
Lớp Đồng ấu ( Cours Enfantin) một tập gọi là phụ trương A
Lớp Dự bị ( Cours Pre’parataire) một tập gọi là phụ trương B
Lớp Sơ đẳng ( Cours E’le’mentaire) một tập gọi là phụ trương C
Ba tập ấy bán riêng mỗi tập mỗi năm 2$
Các bài học, bài làm ở trong ba tập ấy, soạn theo như học quy mới, đã có tòa Đông Dương học chính kiểm duyệt.
Hiện bây giờ học quy mới có, chưa có sách nào soạn được trúng thể cách mà học để đi thi được cả, duy chỉ có tập này mà thôi.
Mấy kỳ đầu thì bản quán hãy gởi tặng các trường để học trò biết mà mua ngay từ đầu cho đủ. Các kỳ sau, ai mua mới gửi.
Vậy dặn trước cho các học trò biết, muốn có sách mà đi học phải trình cha mẹ, để cha mẹ có muốn mua cho, thì phải gửi giấy mua ngay từ giờ, kẻo các phụ trương không in thừa số bán, về sau ai mua lại từ trước, có lẽ bản quán không còn mà bán được.”
Chứng tỏ Đông Dương Tạp Chí có vai trò rất lớn với giáo dục Việt Nam đầu thế kỷ XX. Nó được chính quyền Pháp đồng ý cho phát hành giáo trình, và được các trường tin tưởng đặt mua giáo trình như cơ quan phát hành sách của mình. Như hiện nay thì Đông Dương Tạp Chí đã làm chức năng tương tự như một phần chức năng của Nhà xuất bản Giáo dục.
Nội dung giáo dục trên Đông Dương Tạp Chí rất phong phú, đa dạng. Báo đăng rất nhiều bài viết về các môn khoa học mới như triết học trong mục triết học yếu lược, vật lý học ứng dụng, sinh vật học… những tư tưởng mới của phương Tây ; diễn giải những điều hay trong các sách kinh điển của Nho học. Đặc biệt, báo đăng hàng trăm câu ca dao bằng chữ Quốc ngữ để giáo dục tri thức dân gian và niềm tự hào về văn hóa dân tộc cho nhân dân. Điển hình nhất là hơn 500 câu ca dao do tác giả Đoàn Duy Bình soạn. Chẳng hạn câu 382 : “ Em đi đâu đào liễu một mình, để ai nặng khối chung tình trong tâm, đêm qua vắng khách tri âm, vắng hoa luống những âm thầm cỗi cây, đêm đêm ngồi tựa cành cây, than thân với bóng bóng rầy chẳng thương, đêm đêm rước bóng lên giường, ngọn đèn thấp thoáng nửa thương nửa sầu”. Câu ca dao sao mà tình tứ, chau chuốt, mượt mà! Ngôn ngữ Việt và chữ Quốc ngữ đủ sức để diễn tả những tình cảm tinh tế, bình dị nhất của người Việt Nam.
Đông Dương Tạp Chí đề cập rất nhiều đến việc dạy chữ Quốc ngữ. Chủ bút Nguyễn Văn Vĩnh trong các số đầu của Đông Dương Tạp Chí đã cho đăng những bảng mẫu chữ Quốc ngữ bao gồm một số nguyên âm và phụ âm, nguyên âm đôi, các vần ghép : bơ, cơ, dơ, gơ, hơ, kơ… và các số đếm đơn giản từ 1 đến 9 và chữ số 0. Bảng chữ cái viết hoa to và các chữ thường theo sau là cách phát âm khá chuẩn xác. Trong bảng đó, ta thấy có 23 chữ cái, 6 nguyên âm ngắn và 11 phụ âm. Cách phát âm các từ này có kèm theo tranh vẽ như dép vẽ đôi dép, tháp vẽ cái tháp. Đặc biệt ở Đông Dương Tạp Chí năm 1918 còn hướng dẫn cách thức cầm bút, cách ngồi, cách viết, cách kẻ ô vuông, đường chéo.v.v…
Đông Dương Tạp Chí còn biên soạn “ sách dạy tiếng An Nam” để đăng báo Đông Dương Tạp Chí và Lục Tỉnh Tân Văn. Đông Dương Tạp Chí số 85 (1914) đăng bài “cách viết chữ Quốc ngữ”, đề ra nguyên tắc chung, thống nhất cho việc viết chữ. Báo đăng các bài hướng dẫn cách dịch những tên nước ngoài ra chữ Quốc ngữ. Đồng thời Tân học văn tập còn đăng liên tiếp nhiều bài dạy cách viết và soạn công văn chữ Quốc ngữ tương đương với việc học cách soạn đơn từ, văn bản hành chính hiện nay.v.v…
Mục “ Gõ đầu trẻ” là mục bàn luận về giáo dục trẻ em do Nguyễn Đỗ Mục phụ trách. Mục này đề cập khá toàn diện về phương pháp giáo dục cho trẻ gồm giáo dục cả trí dục, đức dục và thể dục, giáo dục ở nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình. Dạy học trò cần phải kết hợp giữa học mà chơi, chơi mà học, đề cao tính cạnh tranh thi đua trong học tập, tận dụng thời gian trong học tập, bàn về tính tự do của học trò trong học tập, đề ra biện pháp phù hợp để quản lý học trò trong nhà trường, đề cập đến vấn đề tư cách của người thầy giáo…
Như vậy là song song với việc biên soạn giáo án, Đông Dương Tạp Chí rất quan tâm đến việc đề ra phương pháp dạy học phù hợp, tìm hiểu tính tình, năng lực của học trò, từ đó đưa ra biện pháp giáo dục thích hợp. Đông Dương Tạp Chí đã kêu gọi sự quan tâm của toàn xã hội với giáo dục trẻ em.
Đông Dương Tạp Chí cũng đề cập đến những vấn đề lí luận trong giáo dục. Như đưa ra những khái niệm giáo dục, mục đích giáo duc. Đông Dưong Tạp Chí Số 74 năm 1914 có đăng bài Sư phạm học khoa của Trần Trọng Kim trong đó có nêu lên quan niệm của ông về sự giáo dục : “ Giáo dục là một sự rất quan hệ cho đường tiến hóa của một xã hội. Vả bây giờ người nước mình ai cũng biết lấy sự giáo dục làm trọng nhưng chỉ hiềm một nỗi rằng cách giáo dục của ta tự xưa đến nay không có sửa sang chỉnh đốn gì cả. Mấy trăm năm nay mình cứ bo bo giữ một lối Hán tự, để mà ngâm nga câu thơ, bài phú, để mà thi đỗ làm quan, chứ không có chịu tìm cách dạy người ta cho đủ tư cách làm người cho hợp thời thế cho phải nghĩa đời. Nay chúng tôi xem thấy những cách giáo dục ở bên Thái Tây lắm điều thật là phải lẽ, thật là hợp thời, cho nên chúng tôi thiết tưởng nên nhân dịp này mà nói chuyện lại để cho mọi người cùng nghe…”
Ta thấy rằng : Đông Dương Tạp chí, bên cạnh là tờ báo văn hóa xã hội nói chung, còn là tờ báo riêng của giáo dục. Báo có một khối lượng các bài về giáo dục rất đồ sộ, phản ánh đa dạng và toàn diện các vấn đề nhiều mặt của giáo dục. Đông Dương Tạp Chí thể hiện sự vận động của cuộc cải cách giáo dục đầu thế kỷ XX. Đông Dương Tạp Chí đã cổ động cho việc tiếp thu tinh hoa văn hóa phương Tây, hiện đại hóa nền văn hóa nước nhà, trong đó lấy giáo dục làm mũi tiên phong cho cuộc cải cách văn hóa, tức là đặt yếu tố đào tạo con người lên hàng đầu. Đông Dương Tạp Chí cũng cung cấp cho giáo dục những nội dung mới, tăng cường khí thế, sức mạnh tinh thần cho giáo dục. Đông Dương Tạp Chí có sự tham gia của nhiều học giả nổi tiếng đầu thế kỷ XX tâm huyết với giáo dục , do đó nội dung và phương pháp giáo dục trên Đông Dương Tạp Chí có chất lượng đảm bảo và mang tính thuyết phục cao. Đông Dương Tạp Chí đã góp phần hoàn thiện về ngôn ngữ và phương pháp giảng dạy cho giáo dục Việt Nam. Đông Dương Tạp Chí là cơ quan ngôn luận của cuộc cải cách giáo dục đầu thế kỷ XX.
Với tư cách là chủ bút Đông Dương Tạp Chí, là người chủ xưóng cuộc cải cách giáo dục đầu thế kỷ XX, Nguyễn Văn Vĩnh đã có những đóng góp to lớn cho giáo dục Việt Nam. Ông là người có công đầu tiên trong việc kết hợp giữa báo chí và giáo dục, góp phần hoàn thiện giáo dục, tăng cường sức mạnh cho cải cách giáo dục. Cụ thể là, báo chí đã cung cấp nội dung, phương pháp, giáo trình cho giáo dục, là cầu nối giáo dục với phương Tây hiện đại. Cải cách giáo dục đầu thế kỷ XX khó có thể thành công nếu không có sự trợ lực của báo chí ít nhất là về mặt tuyên truyền, cổ động giáo dục.
Thiết nghĩ, ngày nay chúng ta đang trên chặng đường đổi mới giáo dục cũng cần phải hết sức chú ý đến vai trò và năng lực của báo chí hỗ trợ cho sự nghiệp này. Nguyễn Văn Vĩnh chẳng những có tầm nhìn xa cho cuộc cải cách giáo dục đầu thế kỷ XX mà con đường ông vạch ra cho cải cách giáo dục còn có ý nghĩa đến tận ngày nay.
KẾT LUẬN
Đầu thế kỷ XX đến hết chiến tranh thế giới thứ nhất, xã hội Việt Nam có những biến chuyển to lớn trên bình diện cuộc tiếp xúc Đông – Tây mạnh mẽ. Yêu cầu hiện đại hóa đất nước để tăng cường sức mạnh dân tộc được đặt ra cấp thiết, trong đó vấn đề hiện đại hóa con người Việt Nam được đặt lên hàng đầu. Nhận thức được tầm quan trọng của việc hiện đại hóa con người Việt Nam, Nguyễn Văn Vĩnh cùng một số học giả đương thời đã ra sức vận động và thực hiện cuộc cải cách to lớn trên lĩnh vực giáo dục. Cuộc cải cách giáo dục đã thành công. Nền giáo dục dân tộc mới ra đời, đó là nền giáo dục Quốc ngữ. Nó không ngừng hoàn thiện, đào tạo ra một lượng lớn các trí thức mới là nguồn nhân lực quan trọng cho hiện đại hóa và cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.
Công lao của Nguyễn Văn Vĩnh cho nền giáo dục Việt Nam là vô cùng to lớn. Sự đóng góp của ông cho giáo dục là rất toàn diện.
Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, nhưng tự bản thân mình, Nguyễn Văn Vĩnh đã tạo nên một tấm gương lớn về tinh thần tự học và sự nỗ lực vươn lên trong cuộc sống để trở thành một học giả uyên bác. Ông là con người tài hoa, trong ông có sự kết hợp cả truyền thống và hiện đại. Từ tri thức và nhân cách của mình, ông đã làm nên sức ảnh hưởng lớn với cuộc cải cách giáo dục đầu thế kỷ XX. Ông xứng đáng là một trong những người thủ xướng cuộc cải cách giáo dục của Việt Nam đầu thế kỷ này.
Ông đã đưa ra những quan điểm sâu sắc về mục đích, nội dung, phương pháp, đối tượng giáo dục. Là người có tầm nhìn xa, ông ý thức và quyết tâm xây dựng nền học vấn mới cho nước nhà, nhưng luôn cố gắng bảo tồn, phát huy những tinh hoa văn hóa truyền thống. Ông phê phán những tiêu cực của Nho học nhưng cũng chỉ ra rằng Nho học tự bản thân nó là một nền học vấn tinh túy, sở dĩ không phát huy được tác dụng là do vụng học, do sự hạn chế của phương tiện ngôn ngữ truyền thụ. Do đó, ông ra sức cổ động mọi người học chữ Quốc ngữ, lấy chữ Quốc ngữ làm gốc cho giáo dục mới. Ông đã góp phần thống nhất chữ viết chung cho toàn dân tộc. Qua đó, ông đã góp phần hoàn thiện ngữ pháp Tiếng Việt, đưa chữ Quốc ngữ đạt đến trình độ văn chương nghệ thuật. Từ đó, tạo điều kiện cho sự phát triển của văn học Quốc ngữ đầu thế kỷ XX nở rộ và phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử văn học Việt Nam. Ông đã góp phần làm phong phú thêm nội dung giáo dục qua văn chương và công tác dịch thuật các sách hay của phương Tây hiện đại. Ông cho đăng trên Đông Dương Tạp Chí hàng loạt các bản dịch chữ Quốc ngữ những tác phẩm kinh điển của Trung Quốc, hàng loạt các bộ sử cổ đồ sộ của Việt Nam, Truyện Kiều của Nguyễn Du.v.v… Đó là những đóng góp vô cùng lớn lao trong buổi đầu hoàn thiện và sử dụng chữ Quốc ngữ.
Ông tham gia sáng lập và hoạt động tích cực trong nhiều tổ chức giáo dục đương thời, điển hình là trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Ông là người có công đầu trong việc tạo nên mối liên hệ chặt chẽ giữa báo chí và giáo dục qua Đăng Cổ Tùng Báo và Đông Dương Tạp Chí. Nội dung giáo dục trên Đông Dương Tạp Chí vô cùng phong phú, đáp ứng về cả nội dung, phương pháp giáo dục cho nền giáo dục Tân học. Thông qua báo chí và các hoạt động tuyên truyền cổ động, lập hội, mở trường, Nguyễn Văn Vĩnh đã làm thay đổi cả tính chất của nền giáo dục Việt Nam từ nền giáo dục cho thiểu số thành nền giáo dục cho quảng đại quần chúnh nhân dân. Ông góp công lớn cho sự nghiệp xã hội hóa giáo dục.
Những đóng góp của Nguyễn Văn Vĩnh trên lĩnh vực giáo dục nói riêng , trên lĩnh vực văn hóa nói chung, nói rộng ra là cho lịch sử Việt Nam rất đáng được ghi nhận. Những tư tưởng mới mẻ của ông cho đến tận ngày nay vẫn còn thiết thực.
CÁC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Đông Dương Tạp Chí ( 1913 – 1915, 1916- 1918 )
Đăng Cổ Tùng Báo số 796, 798, 802, 803, 806, 810,812,813, 814, 818, 822, 824
Hoàng Tiến, Nxb Lao Động,Chữ Quốc ngữ và cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỷ XX.
Phạm Thị Thu, Luận văn thạc sĩ 1997,Vài khía cạnh về lịch sử chữ Quốc Ngữ qua khảo sát Đông Dương Tạp Chí và Nam Phong tạp chí
Phạm Thu, Tạp chí ngôn ngữ số 4 năm 1997,Chữ Quốc ngữ và việc dạy Tiếng Việt đầu thế kỷ XX trên “Đông Dương Tạp Chí”.
Nguyễn Thành, Nghiên cứu lịch sử số 4, 1997,Đông Kinh Nghĩa Thục và Đại Nam Đăng Cổ Tùng Báo, Nghiên cứu lịch sử số 4, 199.
Phan Khôi,Ông Nguyễn Văn Vĩnh trong con mắt tôi, Tạp chí Xưa và Nay số 23.
Quốc Anh, Nguyễn Văn Vĩnh trong con mắt người cùng thời, Tạp chí Xưa và Nay.
Đỗ Lai Thuý, 2008,NguyễnVăn Vĩnh, một người Nam mới đầu tiên.
Nguyễn Hồng Phúc,A Website on Nguyễn Văn Vĩnh .
Đỗ Thị Trang,Đông Dương Tạp Chí và Nam Phong Tạp Chí với vấn đề tiếp xúc Đông Tây, khóa luận tốt nghiệp, 1996
Chương Thâu, Đông Kinh Nghĩa Thục và phong trào cải cách văn hóa đầu thế kỷ XX, Nxb Hà Nội
Hoàng Tiến, Dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh - chiếc cầu nối văn hóa Đông Tây, Vietnamnet
Nguyễn Đăng Tiến, Lịch sử giáo dục Việt Nam, Nxb Giáo dục, 1996
Đỗ Quang Hưng, Lịch sử báo chí Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001
Trần Quốc Vượng, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục
Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hoá Việt Nam, Nxb Giáo dục
18. Lê Thị Hoa, Một số đóng góp của Nguyễn Văn Vĩnh với nền văn hóa Việt Nam, Khóa luận cử nhân, 2007
19.Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại, Nxb Vĩnh Thịnh
Trần Đình Hựu, Tập bài giảng về văn hóa Phương Đông.
Nguyễn Văn Vĩnh, Tiếng Pháp, tiếng để tranh luận, Tạp chí Xưa và Nay
Trần Viết Nghĩa,Trí thức Hà Nội với công cuộc duy tân và giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX, Nghiên cứu lịch sử số 2, 2007
Nguyễn Văn Khánh, Cơ cấu kinh tế xã hội Việt nam thời thuộc địa (1858 – 1945), Nxb Đại học Quốc Gia,2004
Phan Ngọc, Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Văn Học, 2002
Đinh Xuân Lâm,Đông Kinh Nghĩa Thục ngôi trường kiểu mới đầu thế kỷ XX, điểm son của giáo dục Việt Nam, Nghiên cứu lịch sử số 9, 2007
Nguyễn Văn Khánh, Trương Bích Hạnh,Phác họa tình hình nghiên cứu phong trào Duy Tân ở Việt Nam, Nghiên cứu lịch sử số 9, 2007
Nguyễn Hải Kế,Quốc Dân Độc Bản của Đông Kinh Nghĩa Thục gương chiếu hậu nền khoa cử Nho học Việt Nam, Nghiên cứu lịch sử số 9, 2007
Phạm Hồng Tung, Tìm hiểu triết lý giáo dục của trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Nghiên cứu lịch sử số 9, 2007
Tô Hoài, Chuyện cũ Hà Nội, Nxb Trẻ
Trần Anh Tuấn,Mai Quang Huy, Giáo dục học đại cương, Khoa sư phạm, Đại Học Quốc Gia Hà Nội, 2006
Trần Quốc Vượng,Dặm dài đất nước, Nxb Thuận Hóa, 2006
Phân tâm học và văn hóa nghệ thuật, Đỗ Lai Thúy chủ biên, Nxb văn hóa thông tin, 2004
Samel Hungtinhton, Sự va chạm giữa các nền văn minh, Nxb Lao Động, 2001
Trần Quốc Vượng, Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, Nxb Văn Học, 2003
André Masson, Hà Nội giai đoạn 1873 – 1888 , Nxb Hải Phòng, 2003
Hoàng Đạo Thuý, Phố phường Hà Nội xưa, Nxb Văn hóa thông tin, 2000
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU
1. Mục đích chọn đề tài…………………………………………… 1
2. Tính cấp thiết của đề tài………………………………………… 1
3. Lịch sử nghiên cứu và các nguồn tư liệu………………………. 3
4. Đối tượng nghiên cứu và những vấn đề đi sâu giải quyết của
đề tài…………………………………………………………….. 4
5. Phương pháp nghiên cứu của đề tài 4
6. Kết quả và đóng góp của đề tài………………………………… 5
7. Bố cục…………………………………………………………… 5
CHƯƠNG 1: KHÁI LƯỢC CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP
CỦA NGUYỄN VĂN VĨNH
1. Cuộc đời………………………………………………………… 8
2. Sự nghiệp………………………………………………………. 14
CHƯƠNG 2 : NGUYỄN VĂN VĨNH VỚI CUỘC CẢI CÁCH
GIÁO DỤC ĐẦU THẾ KỶ XX
2.1. Nguyễn Văn Vĩnh - Tấm gương về tinh thần tự học…………. 16
2.2. Quan điểm giáo dục của Nguyễn Văn Vĩnh…………………. 20
2.3. Các biện pháp cải cách giáo dục……………………………… 27
2.3.1. Truyền bá sâu rộng chữ Quốc ngữ - phương tiện
truyền thụ cơ bản của giáo dục………………………. 27
2.3.2. Thành lập và tham gia vào hoạt động của tổ chức
giáo dục – trung tâm tuyên truyền, ứng dụng và phổ cập
mô hình giáo dục mới………………………………………. 38
2.3.3. Sử dụng báo chí như một công cụ đắc lực cho
tuyên truyền, cổ động giáo dục Quốc ngữ đồng thời
phổ biến nội dung và phương pháp giáo dục mới……………. 43
KẾT LUẬN …………………………………………………………. 55
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- LSDOCS (43).doc