MỤC LỤC
MỞ ĐẦU 1
NỘI DUNG 1
I. Nhận thức chung về khủng bố 1
1. Khái niệm về khủng bố, chống khủng bố 1
2. Đặc điểm của khủng bố 2
II. Sự cần thiết của hoạt động chống khủng bố 3
III. Những vấn đề pháp lý và thực tiễn về hoạt động chống khủng bố trong giai đoạn hiện nay 4
1. Những vấn đề pháp lý về hoạt động chống khủng bố 4
1.1. Các văn bản pháp lý quy định về hoạt động chống khủng bố 4
1.2. Quy chế cụ thể về hoạt động chống khủng bố trong một số công ước quốc tế 4
2. Thực tiễn hoạt động chống khủng bố quốc tế trong giai đoạn hiện nay 6
2.1. Tình hình khủng bố quốc tế 6
2.2. Hoạt động chống khủng bố của các quốc gia, các tổ chức quốc tế 7
2.3. Một số điều còn tồn tại trong hoạt động chống khủng bố 8
2.4. Giải pháp 8
KẾT LUẬN 9
TÀI LIỆU THAM KHẢO 10
Những vấn đề pháp lý và thực tiễn về họat động chống khủng bố quốc tế trong giai đoạn hiện nay
MỞ ĐẦU
Hòa bình và phát triển luôn là mục tiêu quan trọng mà mỗi quốc gia hướng tới trong xu thế toàn cầu hóa như hiện nay. Sau khi thế giới phải chứng kiến hai cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất và Chiến tranh thế giới thứ hai, thì xu thế hợp tác đối thoại đang dần chiếm lĩnh thay cho việc đối đầu. Tuy nhiên để giữ gìn nền an ninh chung của mỗi quốc gia không chỉ đơn giản như vậy, vì một hình thức hoạt động không rầm rộ như chiến tranh nhưng tầm nguy hại lại vô cùng to lớn đó chính là “khủng bố”. Vì thế để tìm hiểu những vấn đề xoay quanh hoạt động khủng bố với những hậu quả của nó, nhóm chúng em đã chọn đề tài “Những vấn đề pháp lý và thực tiễn về họat động chống khủng bố quốc tế trong giai đoạn hiện nay”.
11 trang |
Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 2107 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Những vấn đề pháp lý và thực tiễn về họat động chống khủng bố quốc tế trong giai đoạn hiện nay, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU
Hòa bình và phát triển luôn là mục tiêu quan trọng mà mỗi quốc gia hướng tới trong xu thế toàn cầu hóa như hiện nay. Sau khi thế giới phải chứng kiến hai cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất và Chiến tranh thế giới thứ hai, thì xu thế hợp tác đối thoại đang dần chiếm lĩnh thay cho việc đối đầu. Tuy nhiên để giữ gìn nền an ninh chung của mỗi quốc gia không chỉ đơn giản như vậy, vì một hình thức hoạt động không rầm rộ như chiến tranh nhưng tầm nguy hại lại vô cùng to lớn đó chính là “khủng bố”. Vì thế để tìm hiểu những vấn đề xoay quanh hoạt động khủng bố với những hậu quả của nó, nhóm chúng em đã chọn đề tài “Những vấn đề pháp lý và thực tiễn về họat động chống khủng bố quốc tế trong giai đoạn hiện nay”.
NỘI DUNG
I. Nhận thức chung về khủng bố
1. Khái niệm về khủng bố, chống khủng bố
Hiện nay, trong khuôn khổ Liên hợp quốc và các tổ chức thành viên (ICAO, IMO, IAEA…) có 13 điều ước quốc tế đa phương về chống khủng bố đã được thông qua. Công ước chung về chống khủng bố quốc tế mặc dù được tiến hành xây dựng từ năm 1996 đến nay vẫn đang nằm dưới dạng dự thảo vì còn nhiều ý kiến bất đồng xung quanh vấn đề định nghĩa khủng bố. Ở cấp độ khu vực cũng có 8 điều ước quốc tế được kí kết. Ngoài ra còn rất nhiều các hiệp định quốc tế song phương và các nghị quyết của Đại hội đồng, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về các biện pháp đấu tranh chống khủng bố. Mặc dù, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quốc tế về chống khủng bố tương đối lớn, tuy nhiên chưa văn bản nào đưa ra được định nghĩa rõ ràng, toàn diện về khủng bố. Theo một số quy định tại các điều ước quốc tế thì khủng bố được hiểu:
+ Theo Công ước Giơnevơ 1937 thì khủng bố là việc thực hiện các hành vi phá hoại, hành vi gây nguy hiểm cho nhiều người, việc vận chuyển, chuyển giao, cố ý sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả mạo, các hành vi ám sát nguyên thủ quốc gia và các nhà lãnh đạo của quốc gia khác... Tuy nhiên, do không hội đủ số lượng thư phê chuẩn nên Công ước đã không phát sinh hiệu lực.
+ Công ước New York năm 1999 bên cạnh việc định nghĩa hành vi tài trợ khủng bố đã gián tiếp quy định thế nào là khủng bố. Theo Điều 2 Công ước này thì khủng bố là: 1) “Bất kì hành vi nào cấu thành một tội phạm trong phạm vi và được định nghĩa tại một trong số các điều ước về đấu tranh chống khủng bố còn lại (được quy định tại phụ lục)” hoặc 2) “Bất kì hành vi nào khác với ý định giết hại hoặc làm bị thương nghiêm trọng đến thân thể thường dân, hoặc bất kì người nào khác không tham gia vào chiến sự trong bối cảnh xung đột vũ trang, nếu mục đích của hành vi này về bản chất hoặc bối cảnh xảy ra là nhằm hăm doạ dân chúng hay ép buộc một chính phủ hoặc một tổ chức quốc tế phải thực hiện hoặc không thực hiện bất kì hành vi nào”.
Như vậy, có thể hiểu khủng bố là hành vi tấn công hoặc đe doạ tấn công gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người dân và các mục tiêu dân sự khác gây hoảng loạn trong cộng đồng dân cư nhằm đạt được mục đích chính trị (ép buộc Chính phủ, tổ chức, cá nhân hành động hoặc không được thực hiện hành động nào đó; vì lí do tôn giáo; tư tưởng…) do các cá nhân hoặc tổ chức thực hiện.
Chống khủng bố là các hoạt động đơn phương, tập thể tiến hành nhằm loại trừ các nguy cơ đe dọa hòa bình, chống chiến tranh thúc đẩy nhân quyền và phát triển kinh tế. Bằng các chủ chương, chính sách, hoạt động an ninh quốc phòng mà các quốc gia có thể thực hiện các hoạt động chống khủng bố, hay có thể thực hiện các hoạt động chống khủng bố thông qua việc tham gia ký kết các điều ước song phương, đa phương về hoạt động chống khủng bố.
2. Đặc điểm của khủng bố
+ Về hành vi: Trên thực tế, hành vi khủng bố rất đa dạng, bao gồm các loại hành vi như xâm hại tính mạng, thân thể con người, tài sản hay tổng hợp các loại hành vi đó (như vụ khủng bố 11/09/2001 tại Hoa Kỳ). Hiện nay, theo quy định của các công ước quốc tế về chống khủng bố, hành vi khủng bố bao gồm các hành vi: chống lại an toàn hàng không dân dụng; chống lại an toàn hành trình hàng hải và những công trình cố định trên thềm lục địa; tài trợ khủng bố; xâm phạm tính mạng, sức khoẻ con người, tài sản bằng các thiết bị gây nổ; chống lại những người được hưởng bảo hộ quốc tế bao gồm viên chức ngoại giao; bắt cóc con tin; xâm phạm an toàn sức khoẻ, tính mạng, tài sản con người bằng thiết bị hạt nhân.
+ Về mục đích: Như đã nói trên, hành vi khủng bố tuy xâm phạm tự do, tính mạng, sức khỏe của con người nhưng đó không phải là mục đích chính mà tội phạm khủng bố muốn thông qua những hành vi đó gây hoảng loạn khiếp đảm trong công chúng. Mục đích cuối cùng chúng nhắm tới là mục tiêu chính trị. Trong một số công ước quốc tế về chống khủng bố thì mục đích chính trị cũng đã được nhắc đến, ví dụ Công ước New York 1979 về chống bắt cóc con tin quy định hành vi thuộc phạm vi điều chỉnh công ước phải là hành vi bắt giữ, giam giữ, đe doạ sẽ giết chết, sẽ làm bị thương nhằm cưỡng ép bên thứ ba, cụ thể là quốc gia, tổ chức quốc tế liên chính phủ, pháp nhân hoặc thể nhân, nhóm người nào đó phải thực hiện hay không được thực hiện bất kì hành vi nào như một điều kiện rõ ràng hoặc điều kiện ngầm cho việc phóng thích con tin. Hay Công ước New York năm 1999 về trừng trị hành vi tài trợ cho khủng bố tại điểm b khoản 1 Điều 2 quy định tính mục đích của các hành vi khác được coi là khủng bố (ngoài các hành vi được đề cập trong công ước về chống khủng bố liệt kê tại phụ lục) là: nhằm hăm doạ dân chúng hay ép buộc một chính phủ hoặc một tổ chức quốc tế phải thực hiện hoặc không thực hiện bất kì hành vi nào…
+ Về chủ thể: Khủng bố là một loại tội phạm có tính chất quốc tế, là tội phạm hình sự do các cá nhân thực hiện xâm phạm tới trật tự pháp lý quốc tế hoặc quốc gia và có tính nguy hiểm trên phạm vi quốc tế nó hoàn toàn khác với hành vi xâm phạm luật quốc tế của chủ thể luật quốc tế. Bởi vậy, chủ thể của tội phạm khủng bố chỉ có thể là cá nhân và các tổ chức tội phạm (các băng, nhóm phạm tội).
+ Về khách thể: Khách thể của tội khủng bố là các quan hệ xã hội bị tội phạm này xâm hại. Tội khủng bố xâm hại đến nhiều quan hệ xã hội do vậy khách thể của tội phạm này rất đa dạng bao gồm: quyền tự do cơ bản của con người, trật tự an toàn công cộng, hoà bình và an ninh quốc tế, mối quan hệ tốt đẹp giữa các quốc gia vv... Tuy xâm phạm đến nhiều quan hệ xã hội nhưng khách thể trực tiếp, thể hiện đầy đủ nhất tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi khủng bố quốc tế chính là hoà bình và an ninh quốc tế.
II. Sự cần thiết của hoạt động chống khủng bố
Thứ nhất là bởi những hậu quả rất nghiêm trọng mà khủng bố để lại như mất an ninh trật tự, gây rối loạn trong quần chúng, gây mất lòng tin của nhân dân vào nhà nước mà trực tiếp gây đe dọa đến những quyền tự do cơ bản của con người, trật tự an toàn công cộng, hoà bình và an ninh quốc tế, mối quan hệ tốt đẹp giữa các quốc gia...
Thứ hai, hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kĩ thuật, việc sản xuất ra các phương tiện chiến tranh giết người hàng loạt trở lên phổ biến thì các tội phạm khủng bố cũng ngày càng đa dạng với những phương thức ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp. Phần lớn hành vi khủng bố là các hành vi sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, tuy nhiên hiện nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, hành vi khủng bố đã lan sang cả các hình thức không mang tính vũ lực như chống phá bằng công nghệ thông tin (tin tặc); làm ô nhiễm nguồn nước, phát tán mầm bệnh..
Mối đe dọa từ khủng bố ngày càng cận kề đến mỗi quốc gia, mỗi khu vực và trên toàn thế giới. Bất cứ lúc nào tội phạm khủng bố cũng sẵn sàng ra tay hoạt động, cho nên sự cần thiết trong hoạt động chống khủng bố ngày càng được đề cao, trở thành một mục tiêu trọng tâm mà thế giới đang hướng tới trong giai đoạn hiện nay.
III. Những vấn đề pháp lý và thực tiễn về hoạt động chống khủng bố trong giai đoạn hiện nay
1. Những vấn đề pháp lý về hoạt động chống khủng bố
1.1. Các văn bản pháp lý quy định về hoạt động chống khủng bố
Tính đến nay cộng đồng quốc tế đã xây dựng được một khung pháp lý về chống khủng bố tương đối lớn. Chúng ta có thể liệt kê các công ước, Nghị định thư quy định về vấn đề chống khủng bố như:
- Công ước La Haye năm 1970 về trừng trị việc chiếm giữ bất hợp pháp tàu bay.
- Công ước Montreal năm 1971 về trừng trị những hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn hàng không dân dụng.
- Công ước New York năm 1973 về ngăn chặn và trừng trị các tội phạm chống lại những người được bảo hộ quốc tế, bao gồm viên chức ngoại giao.
- Công ước New York 1979 về chống bắt cóc con tin.
- Công ước viên năm 1979 về bảo vệ an toàn vật liệu hạt nhân.
- Nghị định thư Montreal năm 1988 về trừng trị các hành vi bạo lực bất hợp pháp tại cảng hàng không dân dụng quốc tế.
- Công ước Rome năm 1988 về trừng trị các hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn hành trình hàng hải.
- Nghị định thư Rome năm 1988 về trừng trị các hành vi bất hợp pháp chống lại những công trình cố định trên thềm lục địa.
- Công ước New York năm 1997 về trừng trị khủng bố bằng bom.
- Công ước New York năm 1999 về trừng trị hành vi tài trợ cho khủng bố.
- Công ước Viên năm 2005 (sửa đổi Công ước Viên năm 1980) về bảo vệ an toàn vật liệu hạt nhân.
- Công ước New York năm 2005 về ngăn ngừa các hành vi khủng bố bằng hạt nhân.
- Nghị định thư năm 2005 bổ sung Công ước về ngăn chặn các hành vi phi pháp chống lại an toàn hàng hải.
- Nghị định thư năm 2005 bổ sung Nghị định thư về trừng trị những hành vi bất hợp pháp chống lại những công trình trên thềm lục địa kí tại London ngày 14/10/2005.
Ngoài ra con nhiều điều ước quốc tế khu vực liên quan đến vấn đề chống khủng bố như: Công ước của châu Âu về chống khủng bố năm 1977, Gần đây nhất, vào tháng 11/2007 tại Cebu, các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN) đã kí Công ước chung về chống khủng bố (ASEAN Convention on Counter Terrorism)…
1.2. Quy chế cụ thể về hoạt động chống khủng bố trong một số công ước
Theo quy định của Công ước New York năm 1973 về ngăn chặn và trừng trị các tội phạm chống lại những người được bảo hộ quốc tế, bao gồm viên chức ngoại giao, các quốc gia thành viên phải quy định trong luật nước mình điều khoản trừng phạt nghiêm khắc các hành vi tội phạm nghiêm trọng được liệt kê trong công ước. Đồng thời các quốc gia thành viên áp dụng các biện pháp cần thiết xác lập thẩm quyền tài phán của mình trong trường hợp tội phạm được thực hiện trên lãnh thổ nước mình hoặc thủ phạm bị tình nghi là công dân nước mình hay bị cáo đang ở trên lãnh thổ nước mình và quốc gia này không dẫn độ để xét xử. Công ước không loại trừ việc áp dụng thẩm quyền xét xử hình sự của quốc gia bất kỳ căn cứ vào luật quốc gia. Các quốc gia thành viên có nghĩa vụ hợp tác với nhau trong việc ngăn chặn tội phạm và giúp đỡ nhau trong linh vực truy nã và trừng phạt tội phạm.
Công ước New York năm 1997 về trừng trị khủng bố bằng bom quy định sẽ không áp dụng nếu tội phạm thực hiện trong lãnh thổ một quốc gia, thủ phạm tình nghi và nạn nhân là công dân chính quốc gia này hoặc thủ phạm tình nghi bị phát hiện trên lãnh thổ quốc gia đó và không có quốc gia nào có thẩm quyền xét xử theo quy định của công ước. Công ước quy định mỗi quốc gia thành viên có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để xác định thẩm quyền xét xử của mình đối với tội phạm thuộc phạm vi điều chỉnh của công ước, Công ước sử dụng nguyên tắc lãnh thổ, nguyên tắc quốc tịch chủ động và quốc tịch thụ động, nguyên tắc bảo đảm an ninh quốc gia để giải quyết vấn đề thẩm quyền xét xử tội phạm khủng bố bằng bom. Theo quy định dẫn độ vủa công ước thì tội phạm thuộc phạm vi điều chỉnh của công ước có thể thì có thể bị dẫn độ theo bất kỳ điều ước quốc tế chuyên môn về dẫn độ được ký kết giữa các quốc gia thành viên.
Công ước New York năm 1999 về trừng trị hành vi tài trợ cho khủng bố lại quy định: Công ước được áp dụng khi hành vi tội phạm được thực hiện trong phạm vi vượt ra ngoài lãnh thổ quốc gia hay thủ phạm tình nghi không phải là công dân của nước, nơi có hành vi phạm tội được thực hiện hoặc có cơ sở để khẳng định thẩm quyền xét xử của quốc gia theo quy định của công ước. Quốc gia có thẩm quyền xét xử được quy định theo các nguyên tắc lãnh thổ, quốc tịch, nguyên tắc đảm bảo an ninh quốc gia, quốc gia đăng tịch phương tiện máy bay hoặc tàu thuyền… Ngoài ra, công ước quy định, mỗi quốc gia thành viên phải áp dụng những biện pháp cần thiết để xác định thẩm quyền tài phán đối với các tội phạm thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước.
Với sự ra đời của Nghị quyết số 1373 ngày 28/9/2001 chính là cơ sở ra đời Uỷ ban chống khủng bố thuộc Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã kêu gọi “các quốc gia hợp tác khẩn thiết nhằm phòng và trấn áp các hành động khủng bố, thông qua sự tăng cường hợp tác và thực hiện đầy đủ các công ước quốc tế liên quan đến chủ nghĩa khủng bố”. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để gắn kết các quốc gia lại đế chung tay thực hiện hoạt động chông khủng bố.
Như vậy, mỗi bản công ước khác nhau thì đều có những quy định khác nhau nhất định, nhưng nó đều được xây dựng trên những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế. Đồng thời giữa các bản công ước có mối quan hệ chặt chẽ giúp các quốc gia thành viên, cũng như cộng đồng quốc tế thực hiện tốt hoạt động chống khủng bố, giữ gìn hòa bình an ninh quốc tế.
2. Thực tiễn hoạt động chống khủng bố quốc tế trong giai đoạn hiện nay
2.1. Tình hình khủng bố quốc tế
Hiện nay trên thế giới các nhóm khủng bố ngày càng gia tăng về số lượng, có nhiều nhóm khủng bố lớn, hoạt động rộng và ngày càng phức tạp. Có những nhóm khủng bố có mục tiêu tấn công là một nhà nước cụ thể, chống phá nhà nước đó nhưng cũng có những nhóm khủng bố nhằm vào những nhóm quốc gia và toàn nhân loại. Trong số đó phải kể đến những nhóm khủng bố của người Hồi giáo như al-Qaeda, Taleban,… hoạt động trên phạm vi toàn thế giới hay tổ chức Jemaah Islamiah hoạt động ở khu vực Đông Nam Á.
Các nhóm khủng bố sử dụng nhiều chiến thuật khác nhau để tối đa hóa sợ hãi và công khai. Các tổ chức khủng bố thường có phương pháp, kế hoạch tấn công trước và có thể đào tạo người tham gia, những người hoạt động bí mật và quyên góp tiền ủng hộ. Mục tiêu tấn công của chúng thường nhắm vào những nơi đông người, quan chức chính phủ, lãnh đạo các nước,…như khách sạn, tàu điện, sân bay…, với nhiều cách thức khác nhau như đánh bom liều chết, bắt cóc con tin, cài bom phá hủy, gửi bom thư…gây nhiều thiệt hại về người. Theo thống kê của Bộ Ngoại giao Mỹ, năm 2005 cả thế giới xảy ra 11.000 vụ tấn công khủng bố, trong đó riêng Iraq chiếm 1/3 số vụ.
Thế kỷ XXI, cả thế giới đã phải chứng kiến nhiều cuộc tấn công khủng bố, có thể kể đến như: Ngày 11/09/2001 đã diễn ra vụ khủng bố kinh hoàng trên thế giới nhằm vào trung tâm thương mại lớn nhất thế giới của Mỹ do tổ chức khủng bố Al-Qaeda thực hiện khiến hơn 3000 người chết. Hay vụ tấn công ngày 26/11/2008, khoảng 10-15 tay súng vũ trang hạng nặng đã tấn công vào các mục tiêu khác nhau ở toàn bộ khu trung tâm thương mại của Ấn Độ, làm chết và bị thương hàng trăm người. Năm 2009 tại Indonesia, tổ chức Hồi giáo vũ trang cực đoan Jemaah Islamiah đã thực hiện các cuộc đánh bom vào khách sạn. Mới đây, một vụ đánh bom liều chết ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kì làm 32 người bị thương trong đó có 15 cảnh sát vào ngày 31/10/2010 và ngày 01/11/2010, vụ tấn công vào một nhà thờ ở Iraq khiến gần 100 người chết và bị thương hay một loạt các gói bưu kiện chứa bom thư được gửi đến các nhà lãnh đạo Châu Âu như Hy Lạp, Pháp, Đức…
Nhưng đáng lo ngại hơn là việc các tổ chức khủng bố có thể đưa những vũ khí hiện đại, vũ khí hủy diệt, cũng như sử dụng các phát minh khoa học kĩ thuật hiện đại vào trong những âm mưu khủng bố của mình. Khi đó, những thiệt hại, nỗi đau, mất mát sẽ còn nhiều hơn tất cả các vụ khủng bố từ trước đến nay cộng lại và cuộc chiến chống khủng bố sẽ khó khăn gấp bội phần. Cả thế giới sẽ không còn yên bình nữa, hơn bao giờ hết, các quốc gia trên thế giới cần cùng nhau bắt tay liên kết lại trên con đường chống chủ nghĩa khủng bố.
2.2. Hoạt động chống khủng bố của các quốc gia, tổ chức quốc tế
Trong những năm qua, các quốc gia trên thế giới tiếp tục gia tăng các nỗ lực chống khủng bố và tăng cường hợp tác cả song phương và khu vực để ngăn chặn các cuộc tấn công; OSA, EU, OSCE, ASEAN, APEC và các tổ chức khác đã có bước đi cụ thể đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố hiệu quả hơn và hợp tác với nhau trong cuộc chiến này. Liên Hợp Quốc cũng đã ra nhiều nghị quyết để chống lại chủ nghĩa khủng bố đang lan rộng.
Với nỗi đau phải hứng chịu thảm kịch 11/09, nước Mỹ giành quyền phát động và dẫn dắt trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Mỹ đã phát động một cuộc chiến chống khủng bố lớn nhất từ trước đó. Nhiều quốc gia trên thế giới e ngại chủ nghĩa khủng bố lan rộng đã ủng hộ Mỹ và tham gia vào nhiều tổ chức chống khủng bố như việc Mỹ và các nước đồng minh đã cùng kéo quân vào Iraq, Afghanistan nhằm càn quét, bắt giữ và tiêu diệt tổ chức khủng bố Al-Qaeda, Taliban…
Hợp tác trên quy mô quốc tế được tăng cường. Các nước đã đưa ra nhiều biện pháp chống khủng bố như đóng băng tài sản của các tổ chức, cá nhân có nghi ngờ dính líu đến khủng bố, viện trợ khủng bố; tăng cường hợp tác cảnh sát quốc tế và cộng tác giữa các cơ quan tình báo, truy tìm, bắt giữ và xét xử tội phạm khủng bố…
Kể từ 11/09/2003, NATO đã có bước tiến lớn trong việc chuyển đổi năng lực quân sự của mình theo hướng làm cho liên minh có thể chuyển quân và triển khai nhanh chóng hơn để chống lại mối đe dọa khủng bố. NATO hiện đang đóng góp một phần quan trọng trong cuộc chiến toàn cầu chống chủ nghĩa khủng bố thông qua việc lãnh đạo Lực Lượng Quốc tế hỗ trợ an ninh (ISAF) tại Afghanistan. Những đóng góp chống khủng bố khác của liên minh bao gồm theo dõi hoạt động khủng bố trên biển tại Địa Trung Hải, tổ chức một đơn vị phòng thủ về hóa học-sinh học - phóng xạ - hạt nhân và một đơn vị tình báo nhằm tăng cường việc chia sẻ thông tin tình báo.
Các quốc gia trên thế giới ngoài việc tằng cường hợp tác quốc tế chống khủng bố thì bản thân mỗi quốc gia cũng có những hành động riêng để bảo đảm an ninh trong nước. Trước hết là xây dựng luật - công cụ pháp lý quan trọng và những biện pháp chủ yếu vẫn là xây dựng lực lượng cảnh sát, quân đội mạnh để chống khủng bố, tăng cường an ninh, kiểm tra kiểm sát chặt chẽ tại các địa điểm khi có mối đe dọa khủng bố, tăng cường hoạt động tình báo để phát hiện và bắt giữ những kẻ khủng bố…
2.3. Một số điều còn tồn tại trong hoạt động chống khủng bố
Hoạt động chống khủng bố trên thế giới, đi đầu là Mỹ đã đạt được những thành quả nhất định. Chính sách của Mỹ đã đạt được khá nhiều thắng lợi, cuộc chiến nhanh chóng ở Afghanistan sau sự kiện 11/09 (mà bây giờ bùng phát trở lại ở miền Nam nước này) đã làm lung lay lực lượng Taliban và đuổi nhóm khủng bố Al-Qaeda ra khỏi sào huyệt của chúng. Mạng lưới Al-Qaeda cũng đã mất khá nhiều lực lượng, Bin Laden phải sống ẩn dật và bị truy đuổi gắt gao. Lực lượng quân sự phương Tây đã có mặt ở khắp Trung Đông, Afghanistan, Iraq. Tuy nhiên, Al-Qaeda vẫn không bị tiêu diệt hoàn toàn, người dân địa phương ngày càng xem các lực lượng nước ngoài như kẻ chiếm đóng và càng căm ghét quân đội nước ngoài, còn dân chúng các nước phương Tây vẫn không thoát khỏi nỗi lo khủng bố. Không những thế, những kẻ ủng hộ cho Al-Qaeda không chỉ có mặt tại New York và Washington mà còn cả ở Bali, Madrid, London, Mumbai, Istanbul và nhiều nơi khác. Các mối đe dọa khủng bố và các cuộc tấn công khủng bố thì ngày càng nhiều hơn. Phải chăng các biện pháp chống khủng bố mà các nước trên thế giới, trong đó đi đầu là Mỹ đang đi sai đường? Các nhà lãnh đạo thế giới vẫn có sự mâu thuẫn về khái niệm thế nào là lực lượng khủng bố, ví như Liên bang Nga coi lực lượng li khai Chechnya là khủng bố thì Anh lại dung túng một số nhà lãnh đạo của lực lượng này, nó làm giảm đi sự hiểu quả của cuộc chiến chống khủng bố. Thực tế rằng, cuộc chiến chống khủng bố của các quốc gia hiện nay mới chỉ có những giải pháp đối phó bị động. Khi vụ khủng bố xảy ra người ta cấp cứu người bị nạn, truy tìm kẻ thủ ác mới giải quyết được phần ngọn chứ chưa giải quyết được tận gốc chủ nghĩa khủng bố.
2.4. Giải pháp
Liên Hợp Quốc cần tăng cường các biện pháp chống khủng bố như cấm vận, tăng cường hợp tác khu vực để ngăn chặn nạn buôn bán bất hợp pháp nguyên liệu để sản xuất vũ khí giết người hàng loạt; mở rộng hợp tác quốc tế chống phổ biến các loại vũ khí cũng như kiểm soát xuất khẩu và ngăn chặn buôn lậu vũ khí…để ngăn chặn tối đa những điều kiện cơ bản mà những kẻ khủng bố có thể tìm cách vận dụng để tồn tại.
Cần vận dụng và sử dụng những công cụ pháp lý quốc tế một cách hữu hiệu hơn nhằm ngăn chặn những tội phạm khủng bố quốc tế đe dọa đến hòa bình, an ninh, trật tự của thế giới. Giữa các quốc gia phải có sự thống nhất các khái niệm về khủng bố để xác định đúng kẻ thù chung mới có thể hợp tác chống khủng bố có hiệu quả.
Để chống khủng bố có hiệu quả, chúng ta phải biết được nguyên nhân gây ra chủ nghĩa khủng bố và không được gắn chủ nghĩa khủng bố với bất kỳ tôn giáo, dân tộc, nền văn minh hay nhóm sắc tộc nào. Trong các vụ đánh bom liều chết kẻ thực hiện hành vi khủng bố đều thiệt mạng. Sự mù quáng của chúng thường bắt nguồn từ chủ nghĩa cuồng tín tôn giáo cực đoan. Đây chính là sự xung đột giữa các nền văn minh. Do vậy, một giải pháp chiến lược chống khủng bố mang tính thực tế và triệt để là tìm cách thu hẹp được khoảng cách giữa một thế giới văn minh và chủ nghĩa tôn giáo cực đoan mù quáng. Muốn vậy, chúng ta phải có cái nhìn khác về thế giới của người Hồi giáo, phải có sự tôn trọng nhất định với những người Hồi giáo chân chính, không thể đồng nhất một nhóm khủng bổ người Hồi giáo với cả cộng đồng người Hồi giáo. Mới đây, một mục sư của Mỹ trong ngày kỷ niệm 9 năm sau vụ 11/09 đã có hành động đốt kinh Koran và những hành động xúc phạm đến người Hồi Giáo. Hành động này chỉ kiến những người Hồi giáo thêm căm ghét nước Mỹ, phương Tây và là cơ hội cho những tổ chức khủng bố có thể tuyển mộ được nhiều người Hồi giáo vào tổ chức của mình.
KẾT LUẬN
Vấn đề đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế là vấn đề cộng đồng quốc tế quan tâm. Trong những năm qua, hoạt động chống khủng bố của các nước trên thế giới đã đạt được những kết quả nhất định nhưng chủ nghĩa khủng bố vấn còn và ngày càng đe dọa cộng đồng thế giới nhiều hơn bao giờ hết. Các tổ chức khủng bố không dễ dàng bị đánh bại như đánh giá của một số nước, cuộc chiến chống khủng bố sẽ còn kéo dài và các quốc gia phải cùng với nhau tỉnh táo thực hiện những biện pháp hiệu quả để chủ nghĩa khủng bố không còn tồn tại trên thế giới, đem lại hòa bình cho nhân loại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trường Đại học luật Hà Nội, Giáo trình Luật quốc tế, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2004.
2. TS. Trần Văn Thắng - Th.S. Lê Mai Anh (đồng chủ biên), Luật quốc tế lý luận và thực tiễn, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2001.
3. Các văn bản công pháp quốc tế và văn bản pháp luật Việt Nam có liên quan, Nxb.CTQG, Hà Nội, 2006.
4. Công ước New York 1979 về chống bắt cóc con tin.
5. Công ước New York năm 1999 về trừng trị hành vi tài trợ cho khủng bố.
6. Công ước New York năm 1997 về trừng trị khủng bố bằng bom.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- bai_tap_nhom_2_3104.doc