MỤC LỤC
1. Dẫn luận 1
2. Ảnh hưởng của Nho giáo 3
3. Ảnh hưởng của Đạo giáo 5
4. Ảnh hưởng của Phật giáo 6
5. Kết luận 7
1. Dẫn luận
Dân tộc Việt Nam có một lịch sử dựng nước và giữ nước lâu đời với rất nhiều thành tựu rực rỡ. Cách đây gần 4000 năm, chúng ta đã có một nền văn minh của riêng mình : Văn minh Đông Sơn – lúa nước – sông Hồng. Như tên gọi, đó là nền văn minh của cộng đồng người Việt trồng lúa nước có kỹ thuật chế tác đồng thau và đồ sắt khá cao. Họ đã xây dựng được cho mình một nhà nước sơ khai với đời sống vật chất tinh thần phong phú, đa dạng. Tuy vậy, nằm ở vị trí “ngã tư đường” (O.Janse), chúng ta không thể tránh khỏi sự giao lưu và tiếp xúc văn hóa, tự nguyện hay cưỡng bức. Một trong những lần giao lưu và tiếp xúc sớm nhất chính là cuộc xâm lược của các triều đại phong kiến Trung Quốc kéo dài hơn 1000 năm để lại nhiều hệ lụy cho đời sống văn hóa làng Việt, quá khứ, hiện tại và tương lai.
Làng là một đơn vị cộng cư có một vùng đất chung của cư dân nông nghiệp, một hình thức tổ chức xã hội nông nghiệp tiểu nông tự cấp tự túc , mặt khác là mẫu hình xã hội phù hợp, là cơ chế thích ứng với sản xuất tiểu nông, với gia đình – tông tộc gia trưởng, đảm bảo sự cân bằng và bền vững của xã hội nông nghiệp ấy (8).
9 trang |
Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 2120 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Phân tích những tác động về mặt lịch sử của quá trình truyền bá tiếp thu những hệ tư tưởng trong thời kỳ Bắc thuộc (Nho, Đạo, Phật) đối với đời sống văn hóa làng Việt, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề bài: Phân tích những tác động về mặt lịch sử của quá trình truyền bá tiếp thu những hệ tư tưởng trong thời kỳ Bắc thuộc (Nho, Đạo, Phật) đối với đời sống văn hóa làng Việt.
1. Dẫn luận
Dân tộc Việt Nam có một lịch sử dựng nước và giữ nước lâu đời với rất nhiều thành tựu rực rỡ. Cách đây gần 4000 năm, chúng ta đã có một nền văn minh của riêng mình : Văn minh Đông Sơn – lúa nước – sông Hồng. Như tên gọi, đó là nền văn minh của cộng đồng người Việt trồng lúa nước có kỹ thuật chế tác đồng thau và đồ sắt khá cao. Họ đã xây dựng được cho mình một nhà nước sơ khai với đời sống vật chất tinh thần phong phú, đa dạng. Tuy vậy, nằm ở vị trí “ngã tư đường” (O.Janse), chúng ta không thể tránh khỏi sự giao lưu và tiếp xúc văn hóa, tự nguyện hay cưỡng bức. Một trong những lần giao lưu và tiếp xúc sớm nhất chính là cuộc xâm lược của các triều đại phong kiến Trung Quốc kéo dài hơn 1000 năm để lại nhiều hệ lụy cho đời sống văn hóa làng Việt, quá khứ, hiện tại và tương lai.
Làng là một đơn vị cộng cư có một vùng đất chung của cư dân nông nghiệp, một hình thức tổ chức xã hội nông nghiệp tiểu nông tự cấp tự túc , mặt khác là mẫu hình xã hội phù hợp, là cơ chế thích ứng với sản xuất tiểu nông, với gia đình – tông tộc gia trưởng, đảm bảo sự cân bằng và bền vững của xã hội nông nghiệp ấy (8).
Khoảng thiên niên kỷ X – V TCN, khi con người bước vào cuộc cách mạng đá mới với việc xuất hiện công xã nông thôn thì chế độ nguyên thủy đã bước đầu tan rã. Công xã nông thôn là “hình thái tổ chức xã hội đầu tiên của những người tự do không bị ràng buộc bởi quan hệ huyết thống” (Các Mác), bao gồm hai hình thức sở hữu công cộng và tư nhân. Nói một cách khác “công xã nông thôn là hình thái cuối cùng của xã hội nguyên thủy” và sẽ biến mất dần cùng với sự phát triển của chế độ tư hữu. Theo giáo sư Hà Văn Tấn, ở nước ta, vào giai đoạn cuối của nền văn minh sông Hồng, một nhà nước đã hình thành trên cơ sở văn hóa Đông Sơn tuy mới chỉ là phôi thai, kết cấu cộng đồng nguyên thủy vẫn chưa tan rã hết. Nếu cứ để cho lich sử phát triển đúng quy luật vận động thì phân hóa giai cấp sẽ ngày một sâu sắc, phân công lao động được đẩy mạnh, chế độ tư hữu phát triển và cộng đồng nguyên thủy đó sẽ bị phá hủy hết. Nhưng chính vào lúc các quá trình đó mới bắt đầu thì người cuộc xâm lăng của người Trung Hoa và tiếp theo đó là ách nô dịch hơn 1000 năm đã làm cho lịch sử Việt Nam không còn đi theo con đường bình thường. Sức sản xuất bị kìm hãm, văn hóa chịu sự giao lưu tiếp biến cưỡng bức, và mặt khác, cái “cộng đồng mang đậm màu sắc nguyên thủy đáng lý bị phá vỡ một cách tự nhiên trong quá trình phát triển của nhà nước thì nay phải cố kết lại để làm thành sức mạnh chống xâm lược và nô dịch” (5). Đó chính là làng, cộng đồng làng và cái hạn hẹp của làng. Có lẽ vì vậy mà trong đặc trưng kết cấu làng Việt, “nguyên lý máu” và “nguyên lý đất” – những tàn dư của chế độ nguyên thủy còn thể hiện rất rõ ở nguyên tắc tổ chức theo dòng máu và địa vực. Nói một cách khái quát, làng là hình thức công xã nông thôn “nửa kín, nửa hở”.
Khi nghiên cứu về văn hóa làng và làng văn hóa, một số nhà nghiên cứu đã nêu bật những đặc trưng làng Việt Nam. Đó là :
1. Ý thức cộng đồng làng.
2. Ý thức tự quản – quyền quản lý làng xã được thể hiện trong hương ước của làng.
3. Tính đặc thù độc đáo rất riêng của mỗi làng trong tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, ngôn ngữ và ứng xử. (8)
Khoảng giữa thiên niên kỷ thứ nhất trước công nguyên, gần như là cùng một lúc, ở hai nền văn minh bậc nhất thế giới Ấn Độ và Trung Quốc có một sự phát triển mạnh mẽ văn hóa vật chất cũng như tinh thần. “Thời đại trục” đó đã sản sinh nhiều trào lưu tư tưởng – tôn giáo trong đó có Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo. Ba trào lưu tư tưởng trên trải qua biến cố thăng trầm của lịch sử đã chứng tỏ sức sống lâu bền và từ quê hương, chúng lan tỏa trên một khu vực rộng lớn của Châu Á, đóng vai trò quan trọng trong lịch sử tư tưởng nhiều dân tộc, trong đó có Việt Nam. Nho giáo và Đạo giáo được những viên quan đô hộ người Hán du nhập, còn Phật giáo được những nhà sư Ấn Độ cũng như Trung Quốc đưa vào. Dần dần, chúng cắm rễ trong đời sống tinh thần và hòa lẫn vào nền văn hóa bản địa người Việt. Thời kỳ Bắc thuộc là một khoảng thời gian rất dài với nhiều biến động và nhiều luồng tư tưởng, trong phạm vi bài tiểu luận này chỉ xin đề cập đến sự tác động của ba luồng tư tưởng Nho, Đạo,Phật tới những đặc trưng làng việt Nam.
Mỗi một hệ thống triết học – tôn giáo , bao giờ cũng đồng thời là một hệ thống giá trị. Hệ thống này bao gồm ba loại giá trị : Giá trị phổ biến, giá trị nhóm và giá trị cá nhân. Giá trị phổ biến là giá trị nhân loại hay đa phần nhân loại thừa nhận. Giá trị nhóm là giá trị của nhóm xã hội, trong đó có nhà tư tưởng sáng tạo ra hệ thống, thừa nhận. Nhưng một khi các hệ thống đó được truyền bá từ nơi này đến nơi khác thì cấu trúc của chúng không còn nguyên vẹn nữa. Những điều kiện xã hội – văn hóa ở nơi mà các hệ thống này du nhập đến sẽ làm biến đổi cấu trúc của chúng. Một hiện tượng thường xảy ra là các giá trị phổ biến được giữ lại, còn các giá trị nhóm thì biến đổi cho phù hợp với tình hình nhóm xã hội ở vùng đất mới (…) Nhưng qua thời gian, kết cấu nhóm – xã hội mà nhóm quan trọng nhất là giai cấp cũng biến chuyển. Vì vậy chỉ có các giá trị phổ biến trong các hệ thống tư tưởng tôn giáo là có sức sống lâu dài hơn cả. (7) Người Việt Nam khi tiếp thu các luồng tư tưởng thường có khuynh hướng tiếp thu các giá trị phổ biến, các giá trị này luôn tồn tại và được thừa nhận trong các điều kiện lịch sử xã hội khác nhau. Vì vậy, chúng ta ít thấy có sự xung đột mạnh mẽ giữa các hệ thống lý luận, thậm chí ngay cả những người cầm quyền đôi khi cũng phải dung hòa, sử dụng những ưu điểm khác nhau của các hệ thống tư tưởng du nhập này. Các giá trị tinh thần ấy khi đưa vào đời sống đều có tác động sâu sắc đến văn hóa Việt Nam, trước hết là văn hóa làng.
2. Ảnh hưởng của Nho giáo
a, Những yếu tố tiếp thu của Nho giáo Trung Hoa.
- Thuyết “thiên mệnh”, “đạo trời” : Gắn quyền lực của giai cấp thống trị với thần quyền. Song, người Việt đã vận dụng chính tư tưởng này để chống lại chủ nghĩa bành trướng Hoa Hạ (“Nam quốc sơn hà nam đế cư – Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”); gắn mệnh trời với lòng dân, làm giảm tính thần bí và tăng sự dân chủ
- Thuyết “nhân chính”: Nền chính trị của bậc vương giả cai trị bằng đạo đức. “Nhân” là mối quan hệ tốt đẹp giữa con người và con người, “nghĩa” là trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng.
- Thuyết “chính danh” với những khái niệm cơ bản : “Đạo” của người “quân tử”, tam cương, ngũ thường.
- Tinh thần cai trị bằng pháp luật.
b, Tác động tới văn hóa làng.
Tầng lớp nho sĩ trí thức người Việt hầu hết đều xuất thân từ thôn quê. Cho đến cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, số lượng thành thị, nhất là thành thị phát triển ở Việt Nam là rất hạn chế. Từ đầu thế kỷ XIX đến 1919 số lượng 555 vị tiến sĩ với 39 khoa thi đời Nguyễn đều ở nông thôn, đó là chưa kể tới 5226 cử nhân của 47 khoa thi mà hầu hết đều sống ở làng quê (2). Những người có địa vị, chức sắc, khi về hưu cũng trở về quê hương. Điều này đã khiến nho sĩ Việt Nam mang đặc điểm nông thôn rõ nét. Các sinh hoạt làng xã đều ít nhiều ảnh hưởng tới nho giáo – nho sĩ, tầng lớp ở nông thôn vừa làm thầy đồ dạy học vừa bốc thuốc đưa ảnh hưởng của Nho giáo thâm nhập vào làng quê.
- Xây dựng gia đình, họ hàng và cộng đồng theo thể chế tông pháp với các yếu tố dòng họ, với tang chế cửu tộc, với đạo thờ cúng tổ tiên,…Trong ngũ luân của Nho giáo : “quân thần hữu nghĩa, phu phụ hữu biệt, trưởng ấu hữu tự, huynh đệ hữu cung, bằng hựu hữu tín” thì đã có ba điều thuộc về gia đình. Cơ sở của chế độ tông pháp thừa kế tài sản, chủ yếu là ruộng đất.
Trong xã hội cận hiện đại, chế độ tông pháp có nhiều nhược điểm, nó hạn chế tự do bình đẳng giới, coi thường phụ nữ, gia trưởng, thậm chí kết bè kết phái ở làng xã. Song, với tình hình Việt Nam hiện nay đang bước vào quá trình hội nhập thì việc giữ vững các giá trị truyền thống, đạo đức, đạo làm con, làm vợ, xây dựng gia đình vững mạnh ngày càng có ý nghĩa tích cực.
- Xây dựng, củng cố mối quan hệ “liên làng”, “siêu làng” trên cơ sở tư tưởng “trung quân ái quốc”, “Nhân chính, đức trị”, lấy dân làm gốc. Đây chính là sức mạnh thần kỳ giúp dân tộc ta đoàn kết chống giặc ngoại xâm.
- Xây dựng và bồi đắp tinh thần hiếu học dựa trên truyền thống coi trọng tri thức “ngọc bất trác bất thành khí”. Chú trọng rèn luyện đạo đức, lối sống, cách ứng xử giữa người với người.
Biến đổi trong kiến trúc, nghệ thuật, trang phục, nhất là văn học nghệ thuật. Sự truyền bá chữ Hán rộng rãi đã tạo điều kiện xây dựng một nền văn học rực rỡ sẽ phát triển ở các thời đại sau.
Như vậy, sau hơn 1000 năm Bắc thuộc, chúng ta đã có đủ cơ sở và điều kiện hình thành nên một tầng lớp xã hội mới, những nho sĩ trí thức quan liêu được kính trọng và nể phục. Tầng lớp này hết sức quan trọng và là rường cột của nước nhà trong thời kỳ phong kiến.
- Sự chống đối lại các thiết chế ngặt nghèo, thiếu tính thực tế và tích cực của Nho giáo. Các nhà nước không đủ lực để tổng hợp các làng thành một mối, phải dựa vào cộng đồng các làng, do vậy sinh ra truyền thống “phép vua thua lệ làng”.
Truyền thống này đã bảo tồn các giá trị văn hóa làng xã, làm cho làng là hạt nhân, thành trì của nhà nước chống ngoại xâm, chống phong kiến, chống tư tưởng “tam cương” của phong kiến Trung Quốc. Trên thực tế, nó đã bảo tồn được không nhỏ các di sản văn hóa từ thời Văn Lang –Âu Lạc, một số tục lệ cổ truyền được gìn giữ dưới những hình thức khác nhau. Song, mặt khác, nó lại tăng tính bảo thủ, khép kín, giới hạn tầm nhìn sau lũy tre làng, kém cởi mở với bên ngoài. Trong thời đại toàn cầu hóa, mở cửa nền kinh tế ngày nay thì đó là một hạn chế rất lớn.
3. Ảnh hưởng của Đạo giáo
a, Những yếu tố tiếp thu của Đạo giáo Trung Hoa.
- Khuynh hướng Đạo giáo phù thủy : Sùng bái ma thuật, phù phép, tin vào các lá bùa, thần chú trị bệnh, tà ma, các phương pháp tu luyện phép thuật.
- Khuynh hướng Đạo giáo thần tiên : Luyện thuốc trường sinh, tu tiên luyện đan.
- Khuynh hướng thanh tĩnh, nhàn tản : Ảnh hưởng tư tưởng “vô vi” Lão – Trang.
b, Tác động tới văn hóa làng.
Khác với Nho giáo, vốn là một học thuyết chính trị - xã hội mang tư tưởng “nhập thế”, Phật giáo và Đạo giáo vôn mang tư tưởng “xuất thế” nên không có ảnh hưởng lớn tới ý thức cộng đồng cũng như thiết chế của làng xã. Sự ảnh hưởng của Đạo giáo chủ yếu trên phương diện tín ngưỡng và lối sống.
- Đạo giáo phù thủy và Đạo giáo thần tiên đã nhanh chóng thâm nhập một cách dễ dàng và hòa quyện nhanh chóng với tín ngưỡng cổ truyền đến mức không còn ranh giới. Một số đạo sĩ được thờ như thành hoàng, các hành vi làm phép, bùa chú được coi là sản phẩm kết hợp của cả Đạo giáo và tín ngưỡng dân giân
- Đạo giáo nhàn tản dạy con người “vô vi”, “biết đủ”, sống hài hòa với thiên nhiên, với mọi người trong xã hội, không đua tranh, làm điều ác.
Về mặt nào đó, tư tưởng này bị xem là tiêu cực, khuyến khích con người “xuất thế”, không đấu tranh. Tuy nhiên, trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể nó lại có giá trị hạn chế những điều xấu, những tệ nạn trong xã hội, bảo vệ tự nhiên, môi trường.
4. Ảnh hưởng của Phật giáo
a, Những yếu tố tiếp thu.
- Nhấn mạnh chủ thể tự giác, đề cao tự lực bản thân tìm đến cái “giải thoát”.
- Coi trọng sự tu dưỡng nhân cách : Giới, định, tuệ. Giới là quy phạm ngăn cấm các tín đồ làm việc, nói và suy nghĩ không theo quy phạm. Định là giữ trạng thái tinh thần không xao động để đạt đến tuệ là sự thông suốt mọi lý sự.
- Quan điểm về thiện ác, từ bi hỉ xả. “Từ là làm cho người ta lạc quan và bi là làm cho người ta thoát khỏi đau khổ” (Kinh Quán vô lượng thọ), từ bi kết hợp với nhau tạo thành nguyên tắc vì lợi ích chúng sinh mà hành động.
- Học thuyết “nhân quả báo ứng” chỉ rõ xu hướng chuyển động tốt hay xấu của đời người chính là do nghiệp quyết định. Gieo gió gặt bão, ác giả ác báo.
b, Tác động tới văn hóa làng.
Cũng giống như Đạo giáo, những tác động của Phật giáo tới văn hóa làng chủ yếu là trên lĩnh vực tư tưởng đạo đức, lối sống, tín ngưỡng và nghệ thuật.
- Người Việt Nam tìm thấy trong lời dạy của Phật những con đường thoát tục, hướng tới điều thiện, tránh xa cái ác, sống khoan dung nhân ái độ lượng,…
Nhìn chung, những yếu tố tích cực của Phật giáo được nhắc đến ở trên đều tìm được chỗ đứng trong hệ tư tưởng của cộng đồng làng xã, nó cố kết các mối quan hệ xã hội, rèn luyện đạo đức cá nhân và nhất là giúp nhân dân ta bảo tồn được một số phong tục và quan niệm từ thời ký trước, chống lại nền văn hóa Hán và việc Hán hóa.
Tuy vậy, tư tưởng dung hòa, thủ tiêu đấu tranh, không bận tâm đến những công việc chung của xã hội lại là tư tưởng hạn chế cần tránh.
- Giống với Đạo giáo, một số biểu tượng của Phật giáo được suy tôn và thờ phụng chung với các tín ngưỡng dân gian khác. Sự hòa nhập của Phật giáo với tín ngưỡng bản địa qua câu chuyện Khâu Đà La và Man Nương.
- Thời Lý – Trần, các nhà sư đồng thời cũng là những người có trí tuệ uyên thâm và vốn tri thức phong phú, họ đã “nhập thế” giúp đời, cùng với những nhà Nho tạo nên một nền văn học nghệ thuật rực rỡ. Thời Lê Nguyễn, văn học Phật giáo hòa nhập vào làng xã tạo nên thành tố qua trọng của văn học dân gian: Truyện Tấm Cám, Ỷ Lan, Quan Âm Thị Kính,…Nhờ dân gian mà Phật giáo có sức sống trường tồn mạnh mẽ, ngược lại, văn học dân gian có thêm Phật giáo phong phú hơn, đa dạng hơn và có tính truyền tải, giáo dục cao hơn.
- Hệ thống kiến trúc chùa làng không chỉ là những công trình nghệ thuật kiến trúc tinh xảo, độc đáo, tài hoa. Đó còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân trong làng. Nhìn vào quy mô và kiến trúc của ngôi chùa làng có thể thấy được đặc trưng làng đó.
5. Kết luận
Như vậy, trong suốt con đường phát triển của mình, dân tộc Việt Nam đã tiếp thu những tinh hoa của các nền văn minh lớn trên thế giới, gạn lọc và lựa chọn những gì phù hợp với điều kiện phát triển cũng như bản nguyên tính cách dân tộc để áp dụng, phát huy. Sự sáng tạo đó đã là tiền đề của một nền văn hóa rực rỡ, phong phú, có bản sắc riêng biệt, là vũ khí tinh thần đối mặt với những thử thách lớn lao. Bằng cách vận dụng khéo léo, uyển chuyển, hòa nhập những giá trị phổ biến vào giá trị dân tộc, chúng ta đã khoác lên những luồng tư tưởng ấy một sức sống mới. Nói như giáo sư Hà Văn Tấn : “Bất kỳ một học thuyết tư tưởng nào hình thành trong lịch sử, dầu có nhiều giá trị to lớn đến mấy,cũng có những phần sống và những phần chết. Phần chết là những phần đã lỗi thời trong quá trình vận động của lịch sử. Phần sống là phần còn có khả năng đóng góp cho lợi ích hiện tại của dân tộc. Trong di sản tinh thần châu Á, vẫn còn nhiều phần sống, có thể giúp chúng ta trong cuộc đấu tranh cho tự do, hòa bình và xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn” (7).
MỤC LỤC
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- LSDOCS (14).doc