LỜI MỞ ĐẦU
Ở nước ta hiện nay, trong điều kiện của nền kinh tế thị trường cùng với quá trình dân chủ hóa mọi mặt của đời sống xã hội, bên cạnh những thành tựu đã đạt được vẫn còn nhiều vấn đề đang đặt ra, trong đó có vấn đề nhận thức, hiểu biết và thực hiện các nguyên tắc, các quy định của chuẩn mực pháp luật. Tình trạng gia tăng các vụ việc vi phạm pháp luật; diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm; sự lãng quên các giá trị truyền thống; sự lãnh đạm trong giao tiếp xã hội là những vấn đề hết sức đáng lo ngại. Trong điều kiện như vậy, việc nghiên cứu, củng cố và phát huy vai trò, hiệu lực của các chuẩn mực pháp luật càng có ý nghĩa quan trọng và cần thiết. Nghiên cứu về vấn đề này, em xin chọn bài lớn của mình như sau: “ Phân tích nội dung các cơ chế của hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật ? Từ sự phân tích đó, hãy rút ra ý nghĩa của mỗi cơ chế đối với công tác phòng chống vi phạm pháp luật ở nước ta hiện nay.”
11 trang |
Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 2307 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Phân tích nội dung các cơ chế của hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật, ý nghĩa của mỗi cơ chế đối với công tác phòng chống vi phạm pháp luật ở nước ta hiện nay, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LỜI MỞ ĐẦU
Ở nước ta hiện nay, trong điều kiện của nền kinh tế thị trường cùng với quá trình dân chủ hóa mọi mặt của đời sống xã hội, bên cạnh những thành tựu đã đạt được vẫn còn nhiều vấn đề đang đặt ra, trong đó có vấn đề nhận thức, hiểu biết và thực hiện các nguyên tắc, các quy định của chuẩn mực pháp luật. Tình trạng gia tăng các vụ việc vi phạm pháp luật; diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm; sự lãng quên các giá trị truyền thống; sự lãnh đạm trong giao tiếp xã hội là những vấn đề hết sức đáng lo ngại. Trong điều kiện như vậy, việc nghiên cứu, củng cố và phát huy vai trò, hiệu lực của các chuẩn mực pháp luật càng có ý nghĩa quan trọng và cần thiết. Nghiên cứu về vấn đề này, em xin chọn bài lớn của mình như sau: “ Phân tích nội dung các cơ chế của hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật ? Từ sự phân tích đó, hãy rút ra ý nghĩa của mỗi cơ chế đối với công tác phòng chống vi phạm pháp luật ở nước ta hiện nay.”
Do kiến thức còn nhiều hạn chế nên trong bài làm không thể tránh khỏi những sai sót. Rất mong thầy cô đóng góp ý kiến để em có thể hoàn thiện đề tài tốt hơn.
Em xin chân thành cảm ơn !
NỘI DUNG
I. Khái niệm
1. Khái niệm chuần mực pháp luật
Chuẩn mực pháp luật là những quy tắc xử sự chung do nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội, định hướng cho hành vi ứng xử của các cá nhân và các nhóm xã hội.
2. Khái niệm sai lệch chuẩn mực pháp luật
2.1. Định nghĩa sai lệch chuẩn mực pháp luật
Sai lệch chuẩn mực pháp luật là hành vi của một cá nhân hay nhóm xã hội nào đó thực hiện một hành vi vi phạm các nguyên tắc, quy định của chuẩn mực pháp luật ( hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật).
Dưới góc độ luật học, hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật chính là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này có các dấu hiệu cơ bản: là hành vi nguy hiểm cho xã hội, trái pháp luật, có lỗi của chủ thể và chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý.
2.2. Phân loại hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật
Hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật thường được xã hội học pháp luật phân loại theo hai tiêu chí sau:
Thứ nhất, căn cứ vào nội dung, tính chất của các chuẩn mực pháp luật bị xâm hại gồm có hành vi sai lệch tích cực và hành vi sai lệch tiêu cực.
Hành vi sai lệch tích cực là những hành vi (có thể là cố ý hoặc vô ý) vi phạm, phá vỡ hiệu lực của các chuẩn mực pháp luật đã lạc hậu, lỗi thời, không còn phù hợp với thực tế xã hội hoặc không còn được nhà nước và xã hội thừa nhận.
Hành vi sai lệch tiêu cực là những hành vi (cố ý hoặc vô ý) vi phạm, phá vỡ hiệu lực, sự tác động của các chuẩn mực pháp luật hiện hành, có nội dung, tính chất phù hợp, tiến bộ, đang phổ biến, thịnh hành và được nhà nước, các cộng đồng người thừa nhận rộng rãi trong xã hội.
Thứ hai, căn cứ vào thái độ, tâm lí chủ quan ( lỗi) của người thực hiện hành vi sai lệch , gồm có hành vi sai lệch chủ động và hành vi sai lệch thụ động.
Hành vi sai lệch chủ động là hành vi có ý thức, có tính toán, cố ý (trực tiếp hay gián tiếp) vi phạm, phá vỡ hiệu lực của các chuẩn mực pháp luật, dù chuẩn mực đó đã lạc hậu, lỗi thời hay còn đang tiến bộ, phù hợp. Họ có thể nhận thức được yêu cầu của cộng đồng nhưng họ cứ hành động theo ý họ mặc dù biết không phù hợp.
Hành vi sai lệch thụ động là hành vi vô ý, không mong muốn vi phạm, phá vỡ tính ổn định, sự tác động của các chuẩn mực pháp luật. Đặc trưng của loại hành vi sai lệch này là người sai lệch không biết hành vi của mình là sai lệch, nguyên nhân là do họ không nắm vững chuẩn mực hoặc do hiểu sai các chuẩn mực.
Thứ ba, nếu căn cứ và xem xét đồng thời cả hai tiêu chí phân loại nêu trên trong một hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật thì chúng ta sẽ có thêm bốn loại hành vi sau đây:
- Hành vi sai lệch chủ động – tích cực là hành vi cố ý vi phạm, phá vỡ sự tác động của các chuẩn mực pháp luật đã lạc hậu, lỗi thời, không còn phù hợp với yêu cầu của đời sống xã hội hiện tại.
- Hành vi sai lệch chủ động – tiêu cực là hành vi cố ý vi phạm, phá vỡ hiệu lực của các chuẩn mực pháp luật hiện hành mang tính chất tiến bộ, phù hợp, đang phổ biến, thịnh hành và được nhà nước, xã hội thừa nhận rộng rãi.
- Hành vi sai lệch thụ động – tích cực là hành vi vô ý vi phạm, phá vỡ sự tác động của chuẩn mực pháp luật đã lạc hậu, lỗi thời, không còn phù hợp với yêu cầu của đời sống xã hội.
- Hành vi sai lệch thụ động – tiêu cực là hành vi vô ý vi phạm, phá vỡ hiệu lực của các chuẩn mực pháp luật tiến bộ, phù hợp, đang phổ biến, thịnh hành và được thừa nhận rộng rãi trong xã hội.
2.3. Hậu quả của hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật
Khi xem xét hậu quả của hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật nào đó, chúng ta cần phải căn cứ vào một số yếu tố sau:
- Căn cứ vào tính chất, khuynh hướng và sự phổ biến tương đối của hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật đó.
- Căn cứ vào các điều kiện lịch sử, hoàn cảnh xã hội cụ thể.
- Căn cứ vào địa điểm và thời gian xảy ra hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật đó.
Những căn cứ trên đây cho phép chúng ta nhận thức và đánh giá đúng đắn hậu quả của một hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật. Hậu quả của hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật có thể được nhìn nhận trên hai phương diện sau:
Thứ nhất, hậu quả của hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật có thể mang nội dung, tính chất tích cực, tiến bộ, cách tân nếu như nó vi phạm, phá vỡ hiệu lực, sự chi phối của các chuẩn mực xã hội đã lỗi thời, lạc hậu, phản động, đang kìm hãm sự phát triển của các cá nhân và xã hội. Khi đó hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật có thể góp phần làm thay đổi nhận thức chung của cộng đồng xã hội và thúc đẩy sự tiến bộ xã hội trong cộng đồng.
Thứ hai, ngược lại, hậu quả của hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật có thể mang nội dung và tính chất tiêu cực, ảnh hưởng xấu hoặc nguy hiểm cho xã hội nếu như nó vi phạm, phá hoại tính ổn định, sự tác động của những chuẩn mực pháp luật phù hợp, tiến bộ, đang phổ biến, thịnh hành và được thừa nhận rộng rãi trong xã hội. Trong trường hợp này, hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật đó phải bị dư luận xã hội phê phán, lên án hoặc đòi hỏi phải áp dụng các biện pháp trừng phạt theo các nguyên tắc, quy định của pháp luật.
II. Nội dung các cơ chế của hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật và ý nghĩa của mỗi cơ chế đó đối với công tác phòng chống vi phạm pháp luật ở nước ta hiện nay.
1. Sự không hiểu biết, hiểu biết không đúng hoặc không chính xác các quy tắc, yêu cầu của chuẩn mực pháp luật
1.1. Nội dung cơ chế
Trong trường này, đa số các hành vi sai lệch xảy ra chủ yếu là do các cá nhân, nhóm xã hội thiếu thông tin, kiến thức, hiểu biết về các chuẩn mực pháp luật, thiếu kinh nghiệm thực tế; do họ không hiểu hoặc hiểu không đúng nội dung, tinh thần của các quy tắc, yêu cầu được nêu trong chuẩn mực pháp luật. từ chỗ thiếu hiểu biết pháp luật mà họ đã thực hiện những hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật nhất định.
Ví dụ: Khi tham gia giao thông, trên đường có biển cấm quay đầu xe nhưng do thiếu kiến thức và hiểu biết về luật giao thông đường bộ nên người tham gia giao thông lại thực hiện hành vi rẽ phải. Như vậy, người đó đã vi phạm pháp luật, thực hiện hành vi sai lệch.
1.2. Ý nghĩa của cơ chế đối với công tác phòng chống vi phạm pháp luật ở nước ta hiện nay
Trong lĩnh vực pháp luật, từ cơ chế này, vấn đề đặt ra là trong trường hợp hành vi vi phạm pháp luật xảy ra có nguyên nhân là do người vi phạm thiếu các thông tin, kiến thức, hiểu biết về pháp luật thì các cơ quan tư pháp và các cơ quan chức năng khác cần phối hợp với các phượng tiện thông tin đại chúng tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật một cách sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân về những nguyên tắc, quy định của các bộ luật; các văn bản quy phạm pháp luật; giúp cho người dân có được những kiến thức, hiểu biết nhất định về pháp luật. Qua đó, góp phần hạn chế những hành vi phạm pháp, phạm tội xảy ra có nguyên nhân là do thiếu kiến thức, hiểu biết về pháp luật.
2. Trong hoạt động nhận thức, tư duy diễn dịch không đúng, sự suy diễn các chuẩn mực pháp luật thiếu căn cứ logic cùng với việc sử dụng các phán đoán phi logic
2.1. Nội dung cơ chế
Đây là một cơ chế dẫn đến hành vi sai lệch. Điều đó có nghĩa là khi tham gia vào các lĩnh vực cụ thể của đời sống xã hội, do thói quen suy diễn sai lầm, sử dụng các phán đoán thiếu căn cứ logic nên các cá nhân và nhóm xã hội thường nhầm lẫn hoặc cố ý áp dụng các chuẩn mực xã hội khác vào lĩnh vực pháp luật, do đó đã vi phạm một số chuẩn mực pháp luật nào đó, tức là đã thực hiện hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật.
Ví dụ: Nhà ông A bị mất trộm con gà, lại nghi ngờ rằng ông B là hàng xóm lấy cắp, rồi xông vào nhà ông B lục xét một cách bất hợp pháp, đây là hành vi sai lệch vì đã vi phạm pháp luật.
2.2. Ý nghĩa của cơ chế đối với công tác phòng chống vi phạm pháp luật ở nước ta hiện nay
Từ cơ chế này, chúng ta nhận thấy những thói quen trong tư duy, nếp suy nghĩ sai lầm của một bộ phận dân cư trong xã hội thường là nguyên nhân khiến cho họ nhận thức sai, làm lệch lạc nội dung và phạm vi áp dụng của pháp luật. Chính vì thế, khi xây dựng pháp luật, các nhà làm luật cần phải hết sức lưu ý và cân nhắc nội dung của những ngôn từ, thuật nhữ pháp lý được sử dụng. Từng quy phạm pháp luật được đưa ra phải có bố cục chặt chẽ, nội dung phải đầy dủ, rõ ràng và chính xác để tránh trường hợp bị suy diễn sai và áp dụng sai.
3. Việc củng cố, tiếp thu các quy tắc, yêu cầu của những chuẩn mực pháp luật đã lạc hậu, lỗi thời, không còn phù hợp với pháp luật hiện hành
3.1. Nội dung cơ chế
Đây cũng là một cơ chế dẫn tới hành vi sai lệch. Tức là, trong xã hội có những chuẩn mực pháp luật đã được hình thành do nhu cầu điều chỉnh, điều hòa các quan hệ xã hội nhất định; đã thể hiện được vai trò, hiệu lực điều chỉnh các quan hệ xã hội trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi của các mối quan hệ xã hội, của các điều kiện lịch sử – xã hội, các chuẩn mực đó dần dần tỏ ra lạc hậu, lỗi thời, không còn đáp ứng được các yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn xã hội hiện nay, đã bị nhà nước bãi bỏ hoặc thay thế bằng các văn bản pháp luật khác. Mặc dù vậy nhưng vẫn có những cá nhân, nhóm xã hội nào đó do không biết, hoặc biết nhưng vẫn cố ý thực hiện, áp dụng các quy tắc đã lạc hậu, lỗi thời đó, dẫn đến vi phạm chuẩn mực pháp luật hiện hành trong xã hội.
Ví dụ: Việc đốt pháo vào dịp lễ tết hay cưới hỏi ngày xưa là một việc làm thường xuyên, thậm chí thành tục lệ. Nhưng do tính chất nguy hiểm, việc này đã bị Nhà nước nghiêm cấm. Tuy nhiên, nhiều gia đình, cá nhân biết nhưng vẫn thực hiện hành vi sai lệch là buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng pháo, thuốc nổ.
3.2. Ý nghĩa của cơ chế đối với công tác phòng chống vi phạm pháp luật ở nước ta hiện nay
Tìm hiểu cơ chế này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với công tác thực hiện pháp luật. Cần nhận thức rõ rằng, pháp luật phải luôn luôn bám sát và phù hợp với thực tiễn xã hội. Vì vậy, khi trong thực tiễn xã hội có những quy phạm pháp luật tỏ ra lạc hậu, lỗi thời, không còn phù hợp với thực tiễn xã hội hoặc đã hết hiệu lực thi hành thì Nhà nước cần sớm thay đổi, bổ sung hoặc tuyên bố chấm dứt hiệu lực của chúng một cách kịp thời. Điều đó có tác dụng ngăn chặn, không tạo ra những khe hở để kẻ xấu có thể lợi dụng vào các mục đích phạm pháp, phạm tội.
4. Cơ chế đi từ quan niệm sai lệch tới việc thực hiện hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật
4.1. Nội dung cơ chế
Trong quá trình vận động, phát triển của xã hội, có những quan điểm, quan niệm chỉ có giá trị, ý nghĩa thực tiễn, chỉ được coi là đúng trong các xã hội trước đây; còn trong xã hội hiện nay chúng tỏ ra không còn phù hợp, bị coi như là quan niệm sai lệch cả về nội dung và tính chất. Mặc dù vậy, vẫn có những cá nhân, nhóm xã hội nào đó làm theo các quan niệm sai lệch đó dẫn đến vi phạm chuẩn mực pháp luật hiện hành, tức là đã thực hiện hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật.
Ví dụ: Quan niệm về trọng nam khinh nữ từ ngày xưa vẫn có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều cá nhân, gia đình hiện nay. Nhiều gia đình có hiện tượng dù đông con nhưng vẫn tích cực đẻ để mong có con trai nối dõi, dẫn đến vi phạm kế hoạch hóa gia đình, hoặc nhiều ông bố không chỉ cho con trai đi học, thực hiện những phân biệt đối xử giữa con trai và con gái.
4.2. Ý nghĩa của cơ chế đối với công tác phòng chống vi phạm pháp luật ở nước ta hiện nay
Cơ chế này cho thấy, khi phát hiện có những quan niệm sai về đặc điểm, nội dung, tính chất hay phạm vi áp dụng của một bộ luật hay văn bản quy phạm pháp luật nào đó, hoặc những quan niệm sai lệch có thể dẫn tới hành vi phạm pháp, thì các cơ quan chức năng của Nhà nước phải sớm có biện pháp định hướng, giải thích, điều chỉnh lại những quan niệm sai lệch đó để kịp thời ngăn chặn những hành vi phạm pháp, phạm tội có thể xảy ra, góp phần hình thành những hành vi cư xử hợp pháp, hợp đạo đức của công dân.
5. Các khuyết tật về tâm – sinh lý con người là cơ chế dẫn tới hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật
5.1. Nội dung cơ chế
Trong xã hội có những cá nhân nào đó do dị tật bẩm sinh hoặc các tai nạn mắc phải ( tai nạn giao thông, tai nạn lao động…) khiến cho họ phải mang trên mình những khuyết tật nhất định về tâm – sinh lý. Đó có thể là những khuyết tật về thể chất như biểu hiện ở những người bị mù, câm, điếc hoặc mắc các khuyết tật ngoại hình khác… Đó cũng có thể là các khuyết tật về trí lực như biểu hiện ở những người bị mắc các chứng thần kinh căng thẳng, rối loạn, hoang tưởng hoặc mắc bệnh tâm thần… Những khuyết tật đó làm cho những cá nhân mang khuyết tật bị mất đi một phần hoặc toàn bộ khả năng cảm nhận, nhận biết về các quy tắc, yêu cầu của chuẩn mực xã hội nói chung, chuẩn mực pháp luật nói riêng, khiến họ vi phạm các chuẩn mực pháp luật mà không biết hoặc không tự kiềm chế, kiểm soát được hành vi pháp luật của bản thân.
Ví dụ: Một người bị tâm thần, trong khi phát bệnh đã gây thương tích cho một người bình thường thì hành vi này tuy không phải là hành vi vi phạm pháp luật, nhưng đó cũng là một hành vi sai lệch
5.2. Ý nghĩa của cơ chế đối với công tác phòng chống vi phạm pháp luật ở nước ta hiện nay
Nghiên cứu các khuyết tật về tâm – sinh lí ở những cá nhân có hành vi phạm pháp, phạm tội có tác dụng rất lớn trong việc phát hiện và làm sáng tỏ những nguyên nhân chủ quan dẫn tới hành vi vi phạm pháp luật. Nó giúp cho các cơ quan bảo vệ pháp luật tùy theo từng trường hợp phạm pháp cụ thể mà đưa ra những quyết định đúng đắn về nguyên nhân, mục đích hay động cơ phạm pháp, phạm tội; từ đó mà xác định đúng người, đúng tội và vận dụng các biện pháp xử lí, áp dụng khung hình phạt phù hợp. Thực hiện nguyên tắc không xử oan người vô tội, người không bị coi là tội phạm, đồng thời cũng không để lọt lưới kẻ phạm tội, đảm bảo tính công bằng và nghiêm minh của pháp luật.
6. Cơ chế về mối liên hệ nhân – quả giữa các hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật
6.1. Nội dung cơ chế
Đây là trường hợp cá nhân đi từ việc thực hiện một hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật này tới việc thực hiện một hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật khác theo mối liên hệ nhân – quả mà chủ thể có thể không biết, hoặc biết nhưng vẫn cứ thực hiện. Trong đó, hành vi sai lệch thứ nhất được coi là nguyên nhân, dẫn tới kết quả là hành vi sai lệch kế tiếp. Chính vì vậy, người ta gọi đây là cơ chế về mối liên hệ nhân – quả giữa các hành vi sai lệch.
Ví dụ: Việc nghiện hút, sử dụng ma túy là một hành vi sai lệch, vi phạm pháp luật và từ hành vi sai lệch đó, một người nghiện khi lên cơn có thể thực hiện hành vi trộm cắp, cướp giật để có tiền mua ma túy sử dụng. Đây lại tiếp tục là một hành vi sai lệch được phát sinh từ hành vi sai lệch đầu tiên là sử dụng ma túy.
6.2. Ý nghĩa của cơ chế đối với công tác phòng chống vi phạm pháp luật ở nước ta hiện nay
Cơ chế này cho thấy, thông thường, khi cá nhân nào đó thực hiện liên tiếp các hành vi phạm pháp thì giữa các hành vi đó thường có mối liên hệ nhân quả nhất định. Vì vậy, khi một hành vi vi phạm pháp luật, nhất là phạm tội xảy ra, các cơ quan chức năng phải tùy từng trường hợp cụ thể mà sớm áp dụng các biện pháp ngăn chặn kịp thời nhằm hạn chế tới mức thấp nhất hậu quả xấu có thẻ xảy ra.
III. Các biện pháp phòng, chống sai lệch chuẩn mực pháp luật
Có nhiều biện pháp khắc phục sai lệch chuẩn mực pháp luật như: biện pháp tiếp cận thông tin, biện pháp phòng ngừa xã hội, biện pháp áp dụng hình phạt, biện pháp tiếp cận y – sinh học, biện pháp tiếp cận tổng hợp.
KẾT LUẬN
Chuẩn mực pháp luật được tạo thành bởi chính các thành viên trong xã hội, của các nhóm xã hội, của các giai cấp, nhằm củng cố, bảo vệ hay phục vụ cho các nhu cầu, lợi ích của họ. Chính vì vậy, sự xuất hiện, tồn tại và phát huy vai trò, hiệu lực của các chuẩn mực pháp luật trong đời sống xã hội ngày càng được coi là khách quan và mang tính tất yếu. Tuy nhiên, trong xã hội không phải ai cũng tuân thủ và thực hiện được các quy tắc, quy định của chuẩn mực pháp luật. Sự đi chệch ra khỏi quỹ đạo chung đó người ta gọi là “ sai lệch chuẩn mực pháp luật ”. Qua việc đi tìm hiểu các cơ chế của hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật, ta thấy việc nghiên cứu các cơ chế này có ý nghĩa thực tiễn đối với công tác phòng chống vi phạm pháp luật ở nước ta hiện nay.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ngọ Văn Nhân, Xã hội học pháp luật, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2010
Ngọ Văn Nhân - Phan Thị Luyện, Giáo trình xã hội học pháp luật, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2010Bộ giáo dục và đào tạo, Xã hội học đại cương, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2004.
Ngọ Văn Nhân, “Vận dụng phương pháp xã hội học vào việc nghiên cứu tội phạm ẩn giấu”, Tạp chí phát triển nhân lực, số 6(16)/2009, tr. 46 - 49.
Nguyễn Khắc Viện (chủ biên), Từ điển xã hội học, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 1994.
Đào Trí Úc, “Vai trò của xã hội học lập pháp ở nước ta trong giai đoạn hiện nay”, Tạp chí nhà nước và pháp luật, số tháng 1/2003.
Đào Trí Úc, “Xã hội học thực hiện pháp luật”, Tạp chí nhà nước và pháp luật, số 2/2005.
Võ Khánh Vinh, “Về những nội dung cơ bản của xã hội học pháp luật”, Tạp chí nhà nước và pháp luật, số 10(126)/1998.
Mai Quỳnh Nam, “Xã hội học với hoạt động lập pháp”, Tạp chí nhà nước và pháp luật, số 1(259)/2009.
Thanh Lê, Xã hội học tội phạm, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2002.
Các website:
http//www.diendankienthuc.net
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Bamp192I T7852P L7898N Xamp195 H7896I H7884C phamp225p lu7853t.doc