MỤC LỤC
I. Phần mở đầu
II. Phần nội dung
1. Những nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển quan hệ giao tiếp của thiếu niên.
2. Các quan hệ giao tiếp của thiếu niên
2. 1. Quan hệ giao tiếp của thiếu niên với người lớn-sự hình thành kiểu quan hệ mới
2. 2 Quan hệ giao tiếp của thiếu niên với bạn cùng tuổi
3. Biện pháp giáo dục tình bạn tốt đẹp cho lứa tuổi thiếu niên
III. Phần tiểu kết
I. MỞ ĐẦU
Trong suốt cuộc đời mình, từ khi sinh ra cho tới khi bước sang thế giới bên kia, con người luôn có những nhu cầu tâm lí cần thỏa mãn. Chẳng hạn nhu cầu về hợp tác, giúp đỡ trao đổi thông tin, kinh nghiệm nhu cầu về tình bạn, tình yêu . để được người khác cảm thông, chia sẻ yêu thương cũng như được cảm thông, xẻ chia với niềm vui, nỗi buồn của người khác để cảm thấy mình không bị cô đơn, lạc lõng, để rồi cảm thấy mình có ý nghĩa hơn . những nhu cầu ấy chỉ có bản thân con người mới có thể làm thỏa mãn được. Và một trong những nhu cầu tâm lí xã hội cơ bản nhất mà con người muốn thỏa mãn, cũng là nhu cầu cơ sở đáp ứng những nhu cầu khác, đó là nhu cầu giao tiếp.
Theo từ điển Tiếng Việt thì “giao tiếp” có nghĩa là gặp gỡ và trao đổi giữa các đối tượng (từ hai người trở lên ) bằng những hình thức giao tiếp khác nhau: bằng ngôn ngữ (lời nói hoặc chữ viết), cử chỉ gương mặt, bắt tay hay những hành động tiếp xúc khác . từ đó có thể khẳng định rằng: Giao tiếp là “một hoạt động tâm lí xã hội đặc biệt, trong đó người này tiếp xúc và đối tác với người kia để có sự truyền thông tâm lí cho nhau hoặc để cùng nhau thực hiện một hoạt động tâm lí ”(trang 14 - Tâm lí học giao tiếp - GS Trần Tuấn Lộ).
20 trang |
Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 2097 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Phân tích quan hệ giao tiếp và biện pháp giáo dục tình bạn tốt đẹp cho lứa tuổi thiếu niên, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
KHOA SƯ PHẠM
------------ & ------------
Bài kết thúc học phần
Môn:
Tâm lý học lứa tuổi và sư phạm
Đề tài: Phân tích quan hệ giao tiếp và biện pháp giáo dục tình bạn tốt đẹp cho lứa tuổi thiếu niên
Giảng viên : ThS. Đỗ Dung Hòa
Sinh viên : Nguyễn Thanh Tâm
Lớp : K48 sư phạm ngữ văn
Hà Nội 9/ 2005
I. MỞ ĐẦU
Trong suốt cuộc đời mình, từ khi sinh ra cho tới khi bước sang thế giới bên kia, con người luôn có những nhu cầu tâm lí cần thỏa mãn. Chẳng hạn nhu cầu về hợp tác, giúp đỡ trao đổi thông tin, kinh nghiệm nhu cầu về tình bạn, tình yêu... để được người khác cảm thông, chia sẻ yêu thương cũng như được cảm thông, xẻ chia với niềm vui, nỗi buồn của người khác để cảm thấy mình không bị cô đơn, lạc lõng, để rồi cảm thấy mình có ý nghĩa hơn. . . những nhu cầu ấy chỉ có bản thân con người mới có thể làm thỏa mãn được. Và một trong những nhu cầu tâm lí xã hội cơ bản nhất mà con người muốn thỏa mãn, cũng là nhu cầu cơ sở đáp ứng những nhu cầu khác, đó là nhu cầu giao tiếp.
Theo từ điển Tiếng Việt thì “giao tiếp” có nghĩa là gặp gỡ và trao đổi giữa các đối tượng (từ hai người trở lên ) bằng những hình thức giao tiếp khác nhau: bằng ngôn ngữ (lời nói hoặc chữ viết), cử chỉ gương mặt, bắt tay hay những hành động tiếp xúc khác... từ đó có thể khẳng định rằng: Giao tiếp là “một hoạt động tâm lí xã hội đặc biệt, trong đó người này tiếp xúc và đối tác với người kia để có sự truyền thông tâm lí cho nhau hoặc để cùng nhau thực hiện một hoạt động tâm lí ”(trang 14 - Tâm lí học giao tiếp - GS Trần Tuấn Lộ).
Hoạt động tâm lí này xuất hiện và trải dài theo sự phát triển của con người. Ngay từ khi sinh ra, trẻ đã giao tiếp với những người thân - nhất là với mẹ - bằng những hình thức đơn giản nhất (nắm ngón tay, khi được mẹ bế thì trẻ không khóc nữa... ). Dần dần phạm vi nội dung và các hình thức giao tiếp được mở rộng đa dạng, phong phú hơn. Khi trẻ biết nói, biết sử dụng ngôn ngữ thì hoạt động giao tiếp có sự chuyển biến đặc biệt về chất. Từ lúc biết nói ấy cho đến hết cuộc đời, hoạt động giao tiếp của trẻ mang nhiều sắc thái, nhiều đặc điểm khác nhau theo từng giai đoạn phát triển. Trong đó, hoat động giao tiếp ở lứa tuổi tiếu niên là giai đoan quan trọng nhất, có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến sự phát triển tâm lí, sự phát triển nhân cách của trẻ. Trong bài viết dưới dây, người viết xin được nói rõ hơn về hoạt động giao tiếp đặc biệt và thú vị ở lứa tuổi thiếu niên này.
II. NỘI DUNG
Thiếu niên là lứa tuổi từ 11, 12 đến 15, 16 tuổi. Đây là giai đoạn phát triển đặc biệt của trẻ. Do vậy hoạt động giao tiếp ở giai đoạn này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển nhân cách của các em. Ở lứa tuổi tiếu niên, sự phát triển của các em được gọi bằng những tên gọi khác nhau: thời kì quá độ, tuổi khó khăn, tuổi khủng hoảng, khủng hoảng tuổi dậy thì, tuổi bất trị... Đây là thời kì quá độ từ trẻ con lên người lớn tạo nên sự đặc thù về nhiều mặt: thể chất, trí lực, đạo đức, xã hội... Dường như ở tất cả các mặt đều diễn ra sự thay đổi mới về chất, trẻ xuất hiện những yếu tố mới của sự trưởng thành do kết quả của sự tự ý thức, của kiểu quan hệ mới với người lớn và với bạn bè cùng tuổi... Từ đó, có thể thấy hoạt động giao tiếp ở thiếu niên là đặc biệt quan trọng, đòi hỏi sự quan tâm của những người làm giáo dục nói riêng và toàn xã hội nói chung.
1. Những yếu tố ảnh hưởng tới sự phát triển quan hệ giao tiếp của thiếu niên
Bất cứ một sự phát triển nào đều chịu sự chi phối của các yếu tố chủ quan và khách quan, sự phát triển quan hệ giao tiếp ở thiếu niên cũng vậy. Yếu tố chủ quan chính là sự phát triển đặc biệt về thể chất, yếu tố khách quan là hoàn cảnh gia đình, nhà trường, xã hội và thái độ của những người xung quanh...
Trước hết xin được nói về sự phát triển sinh lý ở lứa tuổi này. Nếu như đối với trẻ dưới 10 tuổi sự phát triển của cơ thể trẻ diễn ra êm ả, từ từ thì đến độ tuổi thiếu niên, cơ thể của các em có sự phát triển mạnh mẽ nhưng không cân đối. Sự hoạt động tổng hợp của các tuyến nội tiết quan trọng (như tuyến yên, tuyến giáp trạng, tuyến sinh dục, tuyến thượng thận) tạo ra nhiều sự thay đổi trong cơ thể trẻ, nhất là sự thay đổi về chiều cao và cân nặng. Hệ xương phát triển mạnh, tuyến sinh dục phát triển và xuất hiện những dấu hiệu phụ của giới tính. Hoạt động thần kinh cấp cao có những đặc điểm riêng biệt: hưng phấn thường mạnh, dễ lan tỏa, rất khó tập trung, dẫn đến hiện tượng các em có những hành động thừa, dễ xúc động, bực tức, khó làm chủ cảm xúc của mình. Đặc biệt thiếu niên cảm thấy mình lớn rõ rệt và có những cảm xúc mới, nhất là những rung cảm giới tính... điều này có ảnh hưởng và chi phối không nhỏ đến hoạt động giao tiếp của thiếu niên.
Yếu tố thứ hai có ảnh hưởng tới sự phát triển quan hệ giao tiếp của thiếu niên là sự thay đổi về mặt xã hội. Ở lứa tuổi này, gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội đều nhìn nhận vị trí mới của trẻ. Trẻ được thừa nhận rằng: các em đã trưởng thành. Ơ gia đình, các em đã tham gia vào nhiều hoạt động mang tính chất người lớn: tham gia lao động sản xuất; đóng góp ý kiến trong những việc quan trọng của gia đình. Ơ nhà trường và xã hội: các em vừa học tập, vừa tham gia các hoạt động xã hội khác... yếu tố này một mặt làm cho người lớn ý thức được sự “lớn lên” của trẻ, mặt khác làm cho bản thân trẻ xuất hiện “cảm giác là người lớn”, hoạt động giao tiếp của trẻ vì thế mà có sự biến đổi về chất.
Như vậy hoạt động giao tiếp của thiếu niên là một hoạt động tâm lý-xã hội quan trọng và bị chi phối bởi sự phát triển sinh lý, xã hội của trẻ.
2. Sự phát triển quan hệ giao tiếp của thiếu niên
Tầm quan trọng của thiếu niên không chỉ ở sự biến đổi về thể chất mà ở chỗ, trong thời kì này diễn ra sự phát triển đặc biệt của quan hệ giao tiếp: (1) Sự chuyển tiếp từ một kiểu quan hệ đặc trưng giữa người lớn-trẻ con (đặc trưng cho tuổi ấu thơ) sang một kiểu mới về chất-đặc thù của sự giao tiếp người lớn; (2) Sự bình đẳng đầy thú vị trong giao tiếp với bạn cùng tuổi.
2.1. Sự giao tiếp của thiếu niên với người lớn - sự hình thành kiểu quan hệ mới:
Ở tuổi thiếu niên xuất hiện một cảm giác rất độc đáo là “cảm giác mình đã là người lớn”. Các em tự thấy mình không còn là trẻ con nữa nhưng lại cũng có cảm giác mình chưa thực sự là người lớn.
Thực ra cảm giác về sự trưởng thành này của bản thân là nét đặc trưng, là trung tâm trong nhân cách thiếu niên. Bởi vì nó biểu thị lập trường sống mới của thiếu niên đối với mọi hành vi và đối với thế giới xung quanh; nó quyết định phương hướng và nội dung của tính tích cực xã hội ở thiếu niên; quyết định hệ thống những rung động và những phản ứng cảm xúc mới của trẻ.
Cảm giác về sự trưởng thành này của thiếu niên có thể là do các em tự ý thức và đánh giá được sự phát triển mạnh mẽ của cơ thể, khiến trẻ cảm thấy mình lớn một cách “có căn cứ”. Tuy nhiên, nguồn gốc làm nảy sinh “cảm giác là người lớn “ở các em chính là yếu tố xã hội, nó gắn liền với thế giới người lớn và bạn bè xung quanh. Thiếu niên tham gia nhiều hơn trước vào cuộc sống xã hội, tính tự lập và lòng tin ở những người xung quanh làm cho các em cảm thấy mình giống người lớn ở nhiều điểm. Mặt khác, bản thân người lớn cũng không hoàn toàn xem thiếu niên là những đúa trẻ trước đây, và ở một khía cạnh nào đó người lớn yêu cầu các em cư xử theo chuẩn mực của người lớn... Tất cả nhưng điểm đó đã tạo nên cho thiếu niên nguyện vọng muốn được làm người lớn, được đối xử như người lớn.
“Cảm giác mình đã là người lớn“ được thể hiện rất phong phú về cả nội dung và hình thức. Các em chú ý nhiều hơn đến hình thức bên ngoài, tác phong, cử chỉ và những phẩm chất tâm lí, khả năng của mình (vì đây là những biểu hiện dễ thấy tính chất người lớn hơn cả). Trong học tập, các em muốn độc lập lĩnh hội tri thức, muốn có quan điểm và lập trường riêng. Trong xã hội, thiếu niên cũng chỉ muốn phụ thuộc vào người lớn ở một mức độ nhất định. Các em đòi hỏi, mong muốn đựoc người lớn đối xử bình đẳng, không can thiệp quá tỉ mỉ vào đời sống riêng của các em. “ở tuổi này, chúng em tự đi tìm chính mình. Dù thành công hay thất bại, chúng em sẽ tự thấy mình xấu hay đẹp hơn về tinh thần” ( Pascal-16 tuổi, dẫn từ “Nói với tuổi mới lớn”). Ở tuổi này thiếu niên bắt đầu chống đối những yêu cầu mà trước đây nó vẫn thực hiện một cách tự nguyện. Các em quyết tâm bảo vê quan điểm và ý kiến của mình trong cả lời nói và việc làm, thậm chí nhiều em còn tỏ thái độ coi thường những yêu cầu của người lớn. Nhìn chung những biểu hiện về tính “người lớn” ở thiếu niên là muôn hình muôn vẻ và có sự biẻu hiện không giống nhau ở trẻ vị thanh niên.
Nguyện vọng muốn được tin tưởng và được đối xử bình dẳng nhất định với người lớn có ý nghĩa không nhỏ tới việc thúc đẩy ở thiếu niên tính tích cực hoạt động, chấp nhận những yêu cầu đạo đức và hành vi của người lớn. Nhưng mặt khác, nó cũng có thể khiến các em chống đối lại khi người lớn chăm sóc, điều khiển trẻ một cách thái quá mà không quan tâm đến ý kiến riêng của trẻ. Từ đây nảy sinh mâu thuẫn, làm cho quan hệ của thiếu niên với người lớn trở nên khó khăn hơn. Mà nguyên nhân chính của hiện tượng này đó là do sự mâu thuẫn trong thái độ của người lớn với thiếu niên. Bên cạnh việc công nhận và đòi hỏi tính người lớn ở thiếu niên thì đối với người lớn (nhất là những ông bố, bà mẹ) lại vẫn cảm thấy con mình còn bé nhỏ, còn là những “cậu học trò” học sinh phụ thuộc vào bố mẹ nhiều mặt. Không những thế, ngay trong dáng dấp, hành vi của thiếu niên cũng có những biểu hiện mang tính trẻ con. Vì vậy mà người lớn vẫn xem thiếu niên là những đứa trẻ như trước đây. “Mười năm tuổi không ai gọi tôi là người lớn mặc dù mỗi ngày đứng trước gương tôi thấy mình cao hơn nhiều so với năm mười ba mười bốn. Tóc tôi đã dài đến ngang vai chứ không ngắn cũn giống con trai như hồi bé. Tôi không còn bày trò chọc phá anh Hai, không suốt buổi đi nhong nhong với đám bạn cùng xóm để chiều về thấy mẹ lăm lăm cây roi trong tay. Giã từ tất cả những trò nghịch ngợm trước đây, tôi bắt đầu có vẻ nghiêm chỉnh của một người lớn. Nhưng điều đó chỉ có mỗi mình tôi cảm nhận được thôi, còn dưới mắt mọi người, tôi vẫn là một đứa con nít phá phách, ưa gây phiền toái. ” (Nguyễn Ngọc Minh Hoa, dẫn theo báo Hoa hoc trò). Do vậy mà ngay từ buổi đầu thiếu niên đã có những tình huống dễ dàng nảy sinh mâu thuẫn với người lớn nếu người lớn vẫn duy trì quan hệ với thiếu niên như trẻ con trước đây. “Từ ngày bắt đầu lớn, tôi có rất nhiều “vấn đề” với ba mẹ. Dường như hai bên không còn thông cảm với nhau được nữa. Ba mẹ áp đặt đủ thứ vì nghĩ đó là điều tốt nhất cho tôi mà chẳng cần tìm hiểu xem tôi thực sự cần gì. ” (Clarisse, 15 tuổi “Nói với tuổi mới lớn”).
Khi ý thức tự trọng và ý thức cần được đối xử như người lớn phát triển, thiếu niên thường tự đánh giá năng lực của mình cao hơn mức bình thường, thậm chí là “phóng đại” lên điều này lí giải vì sao thiếu niên có thái độ ngang bướng, bất cần, chống đối với những việc bình thường hàng ngày và những thất bại của bản thân thiếu niên. Đây chính là một khó khăn điển hình trong giao tiếp của thiếu niên với người lớn. Trên thực tế, nhiều ông bố bà mẹ nhận thấy sự phát triển nhảy vọt ở con mình thì thường sợ rằng con mình đã lớn và sẽ rời xa mình (cảm giác này thường xuất hiện nhiều và mạnh ở người mẹ). Chính lòng thương con ấy càng khiến cho việc từ bỏ thói quen chăm sóc, điều khiển, kiểm tra con cái một cách tỉ mỉ của các bậc phụ huynh trở nên khó khăn hơn. Vì thế mà sự “đụng độ” giữa người lớn và thiếu niên xảy ra thường xuyên hơn, thậm chí nhiều khi trở nên gay gắt. Do vậy mà không ít những bà mẹ, trước sự thay đổi của con muốn tìm hiểu xem con mình đang nghĩ gì, định làm gì đã đọc trộm nhật ký của con. Khi biết được chuyện này thiếu niên trở nên tức tối, thất vọng và cảm giác không thể tin tưởng, thậm chí nhiều em xa lánh coi thường bố mẹ... Chính sự quan tâm quá mức mà không hiểu được sự phát triển tâm lý của thiếu niên mà người lớn đã vô tình tạo ra hố sâu khoảng cách trong quan hệ của thiếu niên với người lớn. Do vậy mà không ít trẻ ở độ tuổi này đã viết thư, gọi điện đến những chuyên viên tâm lí, đến đài, báo, tạp chí dành cho lứa tuổi các em mới lớn để than vãn và bày tỏ thái độ: “Em không thể chấp nhận được việc mẹ em đã đọc lén nhật ký của em, em đã mất hết niềm tin vào bố mẹ. Em phải làm gì khi bố mẹ đã đọc trộm bức thư em gửi cho K. Trong khi em đã giấu bức thư đó ở tận đáy tủ... ”. Nếu cứ duy trì tình trạng như thế thì mâu thuẫn giữa người lớn và thiếu niên ngày càng trở nên sâu sắc, nhiều khi khiến các em trở căm ghét bố mẹ, nghe theo lời rủ rê của những kẻ xấu và trở nên sa ngã... Không những thế, nếu cả hai bên không cố gắng thay đổi thì mâu thuẫn này sẽ kéo dài suốt cả thời kì thiếu niênvà mức độ xung đôt có thể sẽ tăng lên. Theo thời gian, bằng những hình thức không phục tùng và chống đối khác nhau, thiếu niên đã phá vỡ quan hệ trẻ con với người lớn trước đây và buộc họ vào kiểu quan hệ mới. Nếu quan hệ đó không được thay đổi hay thay thay đổi chậm sẽ làm cho thiếu niên xa lánh người lớn, cho rằng người lớn bảo thủ, không thể hiểu và không chịu hiểu những ý kiến của các em. Từ đó người lớn dễ mât đi vị trí giáo dục cũng như ảnh hưởng của mình tới trẻ. Do vậy, trong quan hệ giao tiếp với thiếu niên người lớn phải có những hiểu biết nhất định về lứa tuổi dậy thì này. Người lớn phải tế nhị, khéo léo và tôn trọng quyền độc lập, bình đẳng ở các em, định hướng cho các em trong nhiều hoạt động.
2.2 Hoạt động giao tiếp của thiếu niên với bạn bè
Như chúng ta đã biết, hoạt động giao tiếp ở thiếu niên bao gồm hai hệ thống chính là: giao tiếp với lớn và với bạn bè ( chủ yếu là bạn cùng tuổi ). Trong mối quan hệ giao tiếp với người lớn ở vị trí không bình đẳng, nguyên tắc trong mối quan hệ này là “đạo đức vâng lời”, nó thường mang đến cho thiếu niên cảm thấy bị điều khiển, làm cho “cảm giác là người lớn” của trẻ bị nén lại. Trong khi đó, ở hoạt động giao tiếp với bạn cùng tuổi lại mở ra cho thiếu niên một cảm giác mới. Trong mối quan hệ này, các em ở vị trí bình đẳng và tạo ra cho mình “đạo đức vâng lời”, ý kiến của các em đưa ra đều được lắng nghe và tôn trọng... Chính nguyên tắc bình đẳng trong giao tiếp bạn bè đã có sức hấp dẫn mạnh mẽ với các em. Sự đối lập ở hai vị trí khác nhau trong giao tiếp với người lớn và bạn cùng tuổi đã cho thấy: chỉ có sự giao tiếp với bạn bè (chứ không phải với người lớn) đã đem lại cho thiếu niên sự thỏa mãn nhiều hơn, trở nên cần thiết hơn và vai trò chủ đạo hơn trong sự phát triển đạo đức, sự phát triển nhân cách của các em. Như vậy, có thể khẳng định rằng hoạt động giao tiếp với bạn cùng tuổi là hoạt động chủ đạo trong hoạt động giao tiếp của thiếu niên.
Sự mới mẻ trong vị trí giao tiếp đã làm cho hoạt động giao tiếp của thiếu niên trở nên đặc biệt hấp dẫn. “Đạo đức bình đẳng” phù hợp với cảm giác trưởng thành của các em, từ đó mà tạo ra sự phát triển quan hệ bạn cùng tuổi theo chiều sâu, mang nhiều giá trị tích cực.
Quan hệ của các em trở nên phong phú, phức tạp và đa dang hơn so với học sinh tiểu học. Các em có thể tâm sự với nhau hàng giờ, hàng buổi về rất nhiều chuyện lớn nhỏ khác nhau mà không biết chán. Trong nhóm bạn, các em có điều kiện hơn để hoạt động độc lập, trao đổi, tìm hiểu, tâm sự với nhau về những vấn đề cùng quan tâm. Tuy nhiên, tùy từng mối quan hệ mà thiếu niên chia ra các mức độ khác nhau trong tình bạn như: bạn cùng học, bạn cùng trường, bạn hay chơi, ban thân... Lúc đầu, phạm vi giao tiếp của các em còn rộng nhưng chưa bền vững, dần dần các em sẽ gắn bó với nhau trong một phạm vi hẹp hơn.
Với thiếu niên, việc giao tiếp với bạn cùng tuổi là quan hệ riêng của cá nhân các em và người lớn không có quyền can thiệp vào. Đây thực ra cũng là một nhu cầu chính đáng ở tuổi thiếu niên. Các em mong muốn có một tình bạn chân thành, thân thiết đẻ có thể gửi gắm mối tâm tình, để các em có thể trao đổi những băn khoăn, thắc mắc về sự phát triển tâm lí cũng như những vấn đề riêng tư của tuổi mới lớn. Nếu như quan hệ của thiếu niên với người lớn càng không suôn sẻ, không thuận hòa thì sự giao tiếp với bạn bè càng lớn và sự ảnh hưởng tới thiếu niên càng mạnh mẽ hơn.
Trong quan hệ của mình, thiếu niên luôn muốn được bạn bè chú ý, quan tâm, thừa nhận và tôn trọng mình. Nguyên vọng hai mặt này của thiếu niên (khát vọng giao tiếp và được bạn bè tôn trọng) là nhu cầu quan trọng trong đời sống tình cảm của các em. Nhu cầu này khiến cho thiếu niên nhạy cảm hơn với những ý kiến đánh giá tích cực lẫn tiêu cực của bạn bè. Những lời nhận xét của bạn giúp trẻ nhận ra những thiếu sót và cố gắng đáp ứng những yêu cầu đưa ra trong quan hệvới bạn. Đồng thời, các em cũng đưa ra cho bạn những nhu cầu mới về hành vi, quan hệ... sau đó các em tự theo dõi, đánh giá lẫn nhau, giúp nhau cùng tiến bộ. Mặt khác, những lời nhận xét mang tính “hiềm khích”, hay sự bát hòa trong quan hệ với bạn cùng tuổi, sự tan vỡ một tình bạn... đều mang đến cho các em những cảm xúc nặng nề-được đánh giá như một bi kịch của cá nhân. Sự khó chịu nhất với thiếu niên là sự lên án của tập thể, sự tẩy chay của bạn bè. Sư đơn độc trải nghiệm thường năng nề và hầu như không thể chịu đựng nổi với thiếu niên. Những yếu tố đó thôi thúc thiếu niên sửa chữa lỗi lầm của mình, nhưng ở không ít em điều đó lại đẩy đến việc tìm bạn bè bên ngoài nhà trường, dẫn đến một số em bị lôi kéo bởi các nhóm, các bè đảng tự phát dưới nhiều hình thức. Do vậy người lớn nhất là những người làm công tác giao dục phải lưu ý đến việc định hướng cho sự lựa chọn bạn của trẻ, tránh những hậu quả đáng tiếc.
Tình bạn ở thiếu niên có nhiều nội dung và sắc thái mới so với trước đây mà đặc trưng hơn cả chính là những yêu cầu của các em về tình bạn chân chính, người bạn chân chính.
Nếu như ở tiểu học, các em thường đánh giá vị trí của bạn qua học tập, qua sự thực hiện những yêu cầu của người lớn (những đứa trẻ học giỏi, ngoan ngoãn, vâng lời thường được khen và có nhiều bạn quý mến). Bước sang tuổi thiếu niên, những phẩm chất được các em đánh giá là quan trọng đã thay đổi. Các phẩm chất mà các em quan tâm là tình đồng chí, tình bạn, sự nhiệt tình, nang nổ, trung thành... Vì thế, nhiều học sinh được bố mẹ, giáo viên đánh giálà tốt nhiều khi không trùng hợp với nhưng học sinh mà các em xem là có uy tín nhất. Thực tế cũng cho thấy nhiều học sinh ngoan, học giỏi nhiều khi khong hoàn toàn là mẫu người bạn mà các em chọn. Tiêu chuẩn hàng đầu của các em với bạn bè là tôn trọng các phẩm chất của con người. Do vậy, không ít giáo viên khi mới nhận lớp, do chưa hiểu rõ về lớp, khi xây dựng cán bộ lớp, cán bộ đội đã không ‘trưng cầu dân ý “ mà lựa chọn ngay những em có kết quả học tốt. Điều này khiến cho những học sinh khác có tâm lí không đồng ý nhưng lại không biêu lộ thái độ gì và đánh giá giáo viên, cho rằng giáo viên thiên vị, thiếu khách quan, thậm chí nghi ngờ năng lực của giáo viên. Do đó người giáo viên cũng cần phải lưu ý vấn đề này trong quá trình lãnh đạo lớp.
Nhìn chung tình bạn ở tuổi thiếu niên rất hồn nhiên và trong sáng, những tính toán vị kỉ thường để lại những dấu ấn khó phai mờ trong suốt cả cuộc đời các em. Các em chơi với nhau vô tư thoải mái, những ưu điểm của bạn cùng học mà trẻ thích thường làm các em nảy sinh những đánh giá về mình một cách nghiêm túc, từ đó nhận thấy mình còn thiếu những phẩm chất gì mà đươc bạn bè đánh giá cao. Lúc đó bạn bè trở thành hình mẫu và thiếu niên cố gắng bắt trước, rèn luyện mình theo mẫu đó. Đây là một khía cạnh tích cực trong tình bạn của tuổi thiếu niên, giúp các em hoàn thiện nhân cách của nhau.
Trong giao tiếp của thiếu niên, việc trò chuyện để trao đổi tâm tư, nguyện vọng thực sự có ý nghĩa quan trọng.
Ở tuổi này, dễ nhận thấy việc những đôi bạn thân có thể ngồi nói chuyện với nhau hàng giờ, hàng buổi, kể cho nhau nghe hàng tá chuyện về gia đình, bạn bè, nhà trường, xã hội, về những tâm sự thầm kín ở tuổi các em mà không hề biết chán. Các em mới gặp nhau trên trường nhưng về nhà vẫn có rất nhiều chuyện muốn và cần kể cho nhau nghe. Hoạt động này nhiều khi vượt quá các hoạt động khác và ảnh hưởng không nhỏ tới viẹc học tập, khiến cho người lớn không vừa lòng, có nhưng biểu hiện ngăn cấm...
Với thiếu niên, lý tưởng tình bạn của các em là “sống chết có nhau”, sẵn sàng chia ngọt xẻ bùi... Điều đó nghĩa là khi đã là bạn của nhau thì người này sẽ thâm nhập và chi phối vào nhiều mặt trong đời sống của người kia. Các vấn đề về đạo đức, cuộc sống, thẩm mỹ... được các em thảo luận nhiều và thường kéo dài đầy cảm hứng. Nhờ tranh luận, suy ngẫm các em hình thành cho mình những quan điểm, niềm tin có tính chất riêng, mang tính cá nhân của mình. Cao hơn nữa, nó trở thành nhưng định hướng mục đích về sự lựa chọn nghề nghiệp sau này cũng như định hướng nhận thức cho trẻ về thế giới xung quanh. Đó là những tình bạn chân chính có giá trị lớn trong việc hình thành nhân cách của thiếu niên. Kiểu tình bạn ngược lại thường dựa trên những nguyện vọng đối với sự trưởng thành mang tính hình thức bề nổi, đua đòi, bắt chước người lớn như: uống rượu, hút thuốc, chơi cờ bạc, hút hít các chất ma túy... Trong hoàn cảnh sống và giáo dục không tốt, trong môi trường thiếu lành mạnh, thiếu niên sẽ dễ bị nhiễm những kiểu tình bạn tiêu cực trên và dễ sa ngã. Do đó, trẻ cần có sự cảm thông, định hướng giúp đỡ của người lớn.
Như vậy có thể thấy ý nghĩa của việc giao tiếp với bạn cùng tuổi ở thiếu niên là rất to lớn. Vì qua hoạt động giao tiếp này các em đã hình thành được những chuẩn mực của kiểu quan hệ đặc biệt - quan hệ nhân cách đặc thù của người lớn.
Măc dù vậy người lớn, nhất la giáo viên cần phải lưu ý rằng: trong giao tiếp với bạn cùng tuổi, thiếu niên do yêu quý bạn, tin tưởng bạn, đã cảm thông, thậm chí đồng tình với những điểm còn chưa tốt ở bạn. Đồng thời xem những điểm chưa tốt ấy cũng có thể được chấp nhận ở mình mà không nhận thấy đó là những lỗi lầm cần phải sửa. Lúc này sự chỉ bảo của người lớn thực sự quan trọng với thiếu niên.
Một đặc trưng đáng chú ý trong quan hệ của thiếu niên với bạn cùng tuổi-mà theo người viết không thể không nói đến -đó là sự xuất hiện những sắc thái mới trong quan hệ với bạn khác giới - những xúc cảm giới tính.
Tự ý thức về sự phát triển của tuổi dậy thì làm cho thiếu niên nhanh chóng nhận thức được đặc điểm giới tính của mình. Ở các em xuất hiện sự quan tâm đến nhau, có nguyện vọng được bạn khác giới ưa thích. Do đó ban đầu thiếu niên thường quan tâm đến dáng vẻ bên ngoài của mình-những yếu tố gây sự hấp dẫn.
Ở một số học sinh có sự rung cảm sâu sắc, để lại ấn tượng khó quên. Tuy nhiên sự biểu lộ thái độ, mức độ quan tâm đến nhau lại được thể hiện khá đối lập nhau ở em trai và em gái. Đối với các em nam, sự quan tâm của các em ban đầu có xu hướng tản mạn và biểu hiện rất trẻ con: “gây sự “ với các em gái (xô đẩy, giật tóc, giẫm dép, giấu cặp... ). Về sau, những quan hệ này thay đổi, mất tính trực tiếp, xuất hiện tính ngượng ngùng, nhút nhát, e thẹn. Còn ở các em gái, thái độ quan tâm đến bạn khác giới thường thể hiện khá thụ động và kín đáo ( làm dáng hơn trước, chú ý đến hình thức hơn trước). Các em thường che giấu tình cảm bằng cách cố tỏ ra thờ ơ, lãnh đạm với các bạn nam. Những hành vi, xúc cảm, tình cảm của các em có vẻ đối lập (vừa quan tâm đến nhau nhưng lai vừa phân biệt khoảng cách nam- nữ). Song, nhìn chung các em đều có một hiện tượng tâm lí chung là: chú ý đặc biệt hơn tới bạn khác giới, mong bạn khác giới chú ý tới mình.
Ở lớp 6-7 tình bạn khác giới còn hạn chế, đến lớp 8-9 nảy sinh thường xuyên hơn. Các em gắn bó mật thiết hơn và tình cảm đó lưu giữ lâu hơn. Các em có thể thích nhau vì nhưng lí do rất giản đơn như: “vì bạn ấy xinh xắn, hát hay’, “vì bạn ấy học giỏi, lại tốt với mọi người”, “vì bạn ấy rất quan tâm đến em”... hay vì rất nhiều lí do khác nữa... có thể nói quan hệ với bạn khác giới là một tình cảm lãng mạn, gợi lên những ý niệm tốt đẹp, giúp đỡ, bảo vệ lẫn nhau. Tình cảm này là động cơ nổi bật giúp các em hoàn thiện nhân cách. Tuy nhiên mối cảm tình không được đáp lại nhiều khi là nguồn gốc của sư rung cảm mạnh mẽ gây ra ở thiếu niên những tâm trạng buồn rầu, nhớ nhung, tâm trang phân tán... Nhưng ngược lại, nó sẽ gây cho thiếu niên tâm trạng phấn chấn dịu dàng. Sự quan tâm đến nhau một cách vô tư, trong sáng có tác dụng thúc đẩy các em tiên bộ cả về học tập và nhân cách. Ở đây người viết xin trích đoạn một lá thư nói về tác dụng của những rung cảm đầu đời. Đây là lá thư bày tỏ tình cảm rất trong sáng của một thiếu niên nữ với thần tượng của mình-anh Nguyễn Thành Vinh- người đã “thay đổi cuộc sống của em”. “Từ ngày biết anh, cuộc sống của tôi thay đổi đến chóng mặt, từ một con bé nhu mì, nhút nhát, khép kín đến tẻ nhạt... tôi trở thành một con bé vui vẻ, tự tin, cởi mở. Tôi bỗng yêu các môn học, những giờ lên lớp... ”, “từ một con bé học hóa rất tệ tôi lao vào học thêm và ôn luyện để thi vào lớp hóa như anh”, “trong lớp nhìn cô giáo dạy hóa, tôi ngỡ là anh. Nhìn sân trường mình tôi ngỡ là mìinh đang ở sân trường Lam Sơn đầy nắng, gió và anh... đang ở đó”, ” kể cả trong giấc mơ của tôi cũng có nụ cười của anh... ”. Quả thực, đó là những rung động ban đầu của tuổi mới lớn, kín đáo, tế nhị đầy mơ mộng. Đó không phải là tình yêu lứa đôi mà là những xúc cảm đáng trân trọng, phù hợp với quy luật phát triển ở thiếu niên. Hơn lúc nào hết, thiếu niên cần một người bạn chân thành, tin cậy, có thể cảm thông, chia sẻ với các em. Những can thiệp thô bạo của người lớn dễ làm cho thiếu niên bị tổn thương, bị chế giễu, xúc phạm và thường dẫn đến hậu quả không tốt đẹp. Điều này đòi hỏi nhà giáo dục phải có những phương pháp giáo dục tình bạn tốt đẹp cho thiếu niên một cách lành mạnh, trong sáng, khéo léo, tế nhị.
Tổng kết lại, một lần nữa người viết xin được nhấn mạnh rằng quan hệ giao tiếp là vô cùng quan trọng với thiếu niên. Ttrong đó giao tiếp với bạn cùng tuổi là họat động chủ đạo và có ý nghĩa sâu sắc trong việc phát triển nhân cách của các em. Qua giao tiếp, các em nhận thức được mình và nhận thức đươc người khác. Các em nhờ vậy mà tiếp thu được những chuẩn mực đạo đức mới, dần nắm được những chuẩn mực kiểu quan hệ của người lớn, giúp các em trương thành về mặt xã hội.
3. Những biện pháp giáo dục tình bạn tốt đẹp ở thiếu niên
Như trên đã nói, hoạt động giao tiếp với bạn cùng tuổi là hoạt động chủ đạo và chi phối không nhỏ tới sự phát triển tâm lí, nhân cách của thiếu niên. Tuy nhiên, trong hoạt động giao tiếp của các em, do chưa thực sự tưởng thành nên trong cách ứng xử, giao tiếp của mình các em luôn cần có sự hướng dẫn, uốn nắn, chỉ bảo của người lớn. Qua quá trình tìm hiểu người viết nhận thấy có một số vấn đề nổi trội trong giao tiếp của thiếu niên với bạn cùng tuổi và biện pháp giáo dục như sau:
Ở lứa tuổi thiếu niên, sự lên án chân thành và thẳng thắn của tập thể, sự tẩy chay của bạn bè... sẽ là những tình huống rất khó chịu với các em. Vì vậy, người giáo viên phải đặc biệt lưu ý, tránh tình trạng phê bình tập trung và phê bình các em trước đám đông. Vì ở nhiều em sự phê bình đó được xem như lời chế giễu, coi thường chứ không đơn thuần là sự góp ý chân thành. Có một câu ngạn ngữ khuyên chúng ta rằng “khen bạn trước đám đông nhưng phê bình bạn nơi vắng người”. Vì thế một nhiệm vụ nữa của người giáo viên là phải hướng dẫn học sinh (nhất là cán bộ lớp, cán bộ đoàn) phải biết cách tổ chức lớp, tổ chức phê bình và tự phê bình một cách có hiệu quả mà không mang đến sự tổn thương cho bạn mình.
Chính do sự thiếu tế nhị trong việc phê bình đối với thiếu niên mà nhiều em đã chán ghét những mối quan hệ bạn bè trong nhà trường. Các em cho rằng nhưng người bạn đó không hiểu mình và rồi việc tìm kiếm những người bạn bên ngoài nhà trường là điều dễ hiểu ở thiếu niên. Việc kết bạn với những nhóm bên ngoài nhà trường, không được giáo dục chu đáo khiến các em dễ bị lôi kéo bởi các phần tử xấu dẫn đến sa ngã... Do đó việc “chọn bạn mà chơi” đối với thiếu niên là rất quan trọng, nó có ảnh hưởng lớn đến nhân sinh quan của các em về sau. Với một người giáo viên, việc định hướng những yêu cầu, những chuẩn mực trong việc lựa chọn bạn cho thiếu niên là rất quan trọng. Giáo viên nên kể cho thiếu niên nghe những bài học xã hội về các mối quan hệ bạn, cả tốt lẫn xấu. Đồng thời, ngoài công tác giảng dạy, giáo viên nên quan tâm, hỏi thăm, tâm sự với trẻ, phải biết tới các môi quan hệ của học sinh ở một mức độ nhất định.
Một thực tế nữa cũng thường xuyên xảy ra ở lớp học, đó là việc giáo viên khi đánh giá học sinh hay xây dựng đội ngũ cán bộ lớp, cán bộ đoàn thường chọn những bạn có kết quả học lực khá giỏi mà không cần biết học sinh đó có uy tín, có được bạn bè tôn trọng hay không. Sở dĩ có hiện tượng này vì bước sang tuổi thiếu niên, vị trí của bạn được các em đánh giá dựa trên những chuẩn mực đạo đức của tình bạn, tình đồng chí. Do vậy sự lựa chọn cá nhân của giáo viên không chỉ làm cho học sinh hiểu nhầm giáo viên mà còn làm cho các em xa lánh người được lựa chọn-cán bộ lớp mà giáo viên đã chọn. Bởi vì các em cho rằng bạn học sinh đó được cô giáo thiên vị, cho rằng bạn đó xu nịnh, thậm chí các em còn đặt dấu chấm hỏi trong quan hệ của giáo viên và học sinh ấy. Do đó, giải pháp ở đây là giáo viên cần phải khách quan trong việc lựa chọn, khi lựa chọn nên dùng biện pháp trưng cầu dân ý, mọi việc làm, giao tiếp với học sinh cần tế nhị, khéo léo, trong sáng.
Đặc trưng ở tuổi thiếu niên là sự thân thiêt đặc biệt trong mối quan hệ của những đôi, những nhóm bạn thân. Các em thường tâm sự với nhau về rất nhiều vấn đề, từ đó hình thành nên những quan điểm, lí tưởng cá nhân về cuộc sống, thẩm mỹ, đạo đức... Chính vì thế mà các em thường dễ cảm thông, bỏ qua và đồng tình với những điểm sai ở bạn, xem những biểu hiện sai ấy là bình thường ở cả bạn và mình. Đây là khía cạnh hạn chế trong giao tiếp ban bè ở các em, rất cần sự đinh hướng, giáo dục của người lớn. Ở trường hợp này người lớn nên nhẹ nhàng khuyên bảo chỉ cho trẻ thấy điểm sai và hậu quả của nó, khuyến khích các em từ bỏ những khuyết điểm ấy và phát huy những điểm mạnh khác.
Như trong bài viết đã nói, có một đặc trưng đáng lưu ý trong quan hệ giao tiếp của thiếu niên với bạn cùng tuổi là sự xuất hiện những sắc thái mới trong quan hệ với bạn khác giới- những xúc cảm giới tính. Nhìn chung, những xúc cảm của các em là trong sáng, nó là một động lực thúc đẩy các em làm việc tốt, tự hoàn thiện mình. Nhưng không phải tất cả thiếu niên đều có những rung cảm như vậy. Một số em sớm bị cuốn hút vào vào con đường yêu đường “yêu đương”. Nhiều khi chính các em cũng không hiểu rõ tình cảm của mình, vẫn cho rằng đó chỉ là tình bạn (nên tình cảm này còn được gọi là tình yêu- bạn bè). Tuy nhiên nó vẫn có ảnh hưởng không lợi đến tâm lý của các em. Lí trí chưa đủ vững để giúp các em làm chủ những rung cảm mãnh liệt của viẹc yêu đương quá sớm. Đầu óc bị phân tán, thời gian và tâm trí bị cuốn hút vào đó nên kết quả học tập bị giảm sút. Lúc này, vai trò của người lớn, nhất là người giáo viên có vai trò đặc biệt quan trọng. Trước khi nói về biện pháp giáo dục tình bạn tốt đẹp cho quan hệ tình bạn khác giới của thiếu niên, người viết xin được đưa ra một số tinh huống sư phạm sau. Mỗi tình huống có những cách giải quyết khác nhau, có thể chỉ có một lựa chọn tối ưu nhất, nhưng cũng có thể có nhiều giải pháp trong một tình huống. Đưa ra các tình huống này người viết mong rằng các bạn hãy thử đặt mình vào vị trí của người làm công tác giáo dục-người giáo viên và tìm ra hướng giải quyết phù hợp với cách ứng xử, quan điểm giáo dục của bạn... để từ đó tìm ra biện pháp giáo dục tình bạn khác giới tốt đẹp cho thiếu niên một cách hoàn hảo hơn cả.
Trong giờ sinh hoạt cuối tuần tại lớp bạn, bạn đang nhận xét tình hình của lớp thì phát hiện ra có một nam sinh và nữ sinh ngồi gần nhau mất trật tự. Bạn đi xuống và thấy mảnh giấy nhỏ để trên bàn có viết dòng chữ “anh yêu em”. Là giáo viên này, bạn xử lí như thế nào? bạn cầm mảnh giấy, lênbục giảng đọc to cho cả lớp nghe và phê phán hiện tượng này: Đây là cặp trai anh hùng, gái thuyền quyên nhưng tâm tình không đúng chỗ”? Đơn giản, bạn yêu cầu cả lớp trật tự để tiếp tục công việc ? hay bạn sẽ nói riêng với hai em: “ sau tiết sinh hoạt, hai em gặp riêng cô”. Hết giờ các em ở lại, bạn phân tích cho các em hiểu ở tuổi các em chưa nên nghĩ đến chuyện đó, hãy tập trung vào học. ? Bạn sẽ làm thế nào đây? sẽ chọn cách giải quyết thứ nhất, thứ hai, hay thứ ba? Trong tình huống này, cách giải quyết thứ nhất sẽ làm cho cac em bị tổn thương, bị chế giễu, trở thành trò trêu đùa trước các ban trong lớp; không nhưng thế, nếu phê phán các em trước cả lớp sẽ tạo cho trẻ tâm lí khó chịu, khiến các em có những phản ứng tiêu cực. Ở cách giai quyết thứ hai, bạn se không giúp các em hiểu ra vấn đề và sự việc này sẽ tái diễn anh hưởng đến học tập của các em là điều đương nhiên, bạn có muôn vậy không? Do đó cách giai quyêt tốt nhất ở đây là phân tích cho các em hiểu, giúp các em có những suy nghĩ và hành động đúng, không bị anh hưởng đến học tập và các hoạt động khác.
Trong một tình huống khác, khi bạn gọi một học sinh nữ lên kiểm tra bài cũ, bạn xem vở của học sinh ấy và phát hiện ra một bức thư tỏ tình của người bạn cùng lớp với em đó. Bạn xử lí như thế nào? Giữ bức thư lại để nói với bố mẹ của em đó? làm việc với lớp trưởng và bí thư chi đoàn bàn biện pháp ngăn cản cảm tình giữa hai người? Nếu sử dụng hai biện pháp này, bạn sẽ vi phạm lỗi lầm như việc lựa chọn giải pháp một, hai ở tình huống trên, thậm chí khiến các em không còn tin tương và căm ghét bạn. Vì thế, giải pháp tối ưu nhất có lẽ là bạn nên bố trí gặp riêng học sinh đó, khuyên em tập trung vào học, ở tuổi em yêu nhau chưa có lợi.
Như vậy giải pháp tốt nhất cho viêc giáo dục quan hệ tình bạn khác giới thường được bắt đầu bởi sự tế nhị, dịu dàng, khéo léo. Tránh những can thiệp thô bạo, dùng các biện pháp bạo lực, áp đặt đối với các em, làm các em bị tổn thương dẫn đến những phản ứng tiêu cực, quá khích ở các em. Bởi vì những biện pháp đó chỉ khích thích thêm tình cảm của các em, do các em muốn tự khăng định mình và đòi quyền được hành động như người lớn ngay cả trong lĩnh vực này. Nói chung, nên tổ chức các hoạt động tập thể phong phú, hấp dẫn để giúp trẻ hiểu biết lẫn nhau, quan tâm đến nhau vô tư, trong sáng.
Tóm lại, có thể nói rằng tình bạn ở tuổi thiếu niên là rất đa dạng và phong phú, có những ảnh hưởng lớn đến sự phát triển nhân cách của các em. Vì vậy việc giáo dục quan hệ tình bạn tốt đẹp cho thiếu niên là một việc quan trọng với những người làm giáo dục. Tuy nhiên, đây là vấn đề vô cùng nan giải, (do hoạt động giao tiếp của các em là muôn hình muôn vẻ, có rất nhiều tinh huống xảy ra) đòi hỏi người làm giáo viên phải hết sức nhiệt tình và tâm huyết với nghề, luôn kiên nhẫn và quan tâm, khuyên bảo, định hướng cho các em. Vì thế xin được trích dẫn câu nói nổi tiếng sau để bày tỏ lòng biết ơn, khâm phục đối với những người làm sự nghiệp “trăm năm trồng người” này: “Nghề dạy học là nghề cao quý trong những nghề cao quý” (Phạm Văn Đồng).
III. TIỂU KẾT
Tuổi thiếu niên là chiếc cầu nối giữa hai thời kì phát triển của con người, từ trẻ con lên người lớn. Ở thời kì này, những cơ sở, phương hướng chung của sự hình thành những quan điểm xã hội và đạo đức của nhân cách được hình thành, chúng sẽ tiếp tục được phát triển trong tuổi thanh niên. Do đó hoạt đông giao tiếp với vị trí vừa là một sự phát triển tất yếu vừa là cơ sở cho sự hình thành nhân cách trẻ đã, đang và sẽ là điều thu hút nhiều sự quan tâm của xã hội.
Thay cho lời kết, người viết xin một lần nữa nhấn mạnh ý nghĩa vô cùng to lớn của những bông hoa học trò này, hy vọng một thế hệ trẻ mới có được sự phát triển toàn diện hơn.
MỤC LỤC
Phần mở đầu
Phần nội dung
Những nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển quan hệ giao tiếp của thiếu niên.
Các quan hệ giao tiếp của thiếu niên
2. 1. Quan hệ giao tiếp của thiếu niên với người lớn-sự hình thành kiểu quan hệ mới
2. 2 Quan hệ giao tiếp của thiếu niên với bạn cùng tuổi
Biện pháp giáo dục tình bạn tốt đẹp cho lứa tuổi thiếu niên
Phần tiểu kết
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Tập bài giảng tâm lí học lứa tuổi và sư phạm- Khoa sư phạm- Đại học quốc gia Hà Nội.
2. Tâm lí học lứa tuổi và tâm lí học sư phạm- NXB Giáo dục-PGS. Lê Văn Hồng (chủ biên)
3. Tâm lí học lứa tuổi và tâm lí học sư phạm- NXB Đại học quốc gia-
4. Tâm lí học phát triển- Vũ Thị Nho
5. Tâm lí học giao tiếp- GS Trần Tuấn Lộ- Viện đại học mở
6. Nói với tuổi mới lớn- NXB Trẻ
7. Báo Hoa học trò, báo Mực tím
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- TLH 43.doc