Hy vọng rằng, với những cải cách về cơ chế chính sách gần đây của Việt Nam, hai nước sẽ có dịp nhìn nhận lại, hiểu nhau hơn và tìm cho mình nhiều điểm tương đồng hơn nữa, thúc đẩy quan hệ hợp tác ngày càng sâu rộng hơn. Và như vậy, chắc hẳn Việt Nam và Mỹ sẽ là những đối tác thương mại có tầm quan trọng đáng kể trong một tương lai không xa.
18 trang |
Chia sẻ: ndson | Lượt xem: 1511 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Quan hệ về thương mại hàng hoá Việt - Mỹ sau khi ký kết Hiệp định Thương mại giữa hai nước: Triển vọng và giải pháp, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Lời mở đầu
Qúa trình quốc tế hoá đã tạo nên những quan hệ nhiều mặt, nhiều chiều, phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, tạo ra những thay đổi lớn lao trên thế giới. Trong bức toàn cảnh đó, hoạt động thương mại quốc tế đã và đang nổi lên như một vấn đề trọng tâm. Mặc dù thương mại quốc tế ra đời từ cách đây rất lâu song chưa bao giờ lịch sử lại chứng kiến tác động to lớn của nó trên phạm vi toàn cầu như hiện nay. Nó có thể biến một nước nghèo nàn, lạc hậu thành một nước công nghiệp phát triển, đồng thời có thể làm cho một quốc gia độc lập trở nên bị phụ thuộc... Ngày nay, khi không một quốc gia nào có thể phát triển tách biệt khỏi quỹ đạo chung của nền kinh tế thế giới, thương mại quốc tế lại càng đóng một vai trò quan trọng hơn bao giờ hết.
Thương mại quốc tế với xu thế tự do hoá trên toàn cầu chính là cái nôi sản sinh ra các Hiệp định Thương mại đa phương ,khu vực và song phương. Đặc biệt, Hiệp định Thương mại song phương đã góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại giữa các quốc gia.
Trong các Hiệp định Thương mại Việt Nam ký kết với hơn 60 nước trên thế giới, Hiệp định song phương Việt-Mỹ gồm 150 trang, được xem là có quy mô lớn nhất. Đây cũng là một Hiệp định toàn diện nhất từ trước đến nay giữa Mỹ và các nước đang phát triển. Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ rất lạc quan về bản Hiệp định này với niềm tin tưởng rằng Hiệp định sẽ mang lại cho họ những cơ hội chưa từng có trong việc tiếp cận với thị trường Việt Nam.Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ đã mở ra một chương mới trong quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước. Đây là cơ sở pháp lý ban đầu để hai bên buôn bán, quan hệ trực tiếp với nhau. Song đây cũng là một cuộc chơi mà cơ hội và thách thức đan xen phức tạp. Các doanh nghiệp non trẻ Việt Nam liệu có thể thích ứng ngay được với thị trường Mỹ hay không? Hơn nữa, thương trường là chiến trường, khi cuộc cạnh tranh giữa doanh nghiệp thuộc các quốc gia khác nhau đang ngày càng trở nên gay gắt nhằm chiếm lĩnh thị trường Mỹ thì các doanh nghiệp Việt Nam lại càng phải đối đầu với nhiều thách thức hơn. Vì vậy, việc đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại hàng hoá Việt-Mỹ chính là chiếc chìa khoá để tháo gỡ phần nào những khó khăn trên.
Với lý do đó, Em đã lựa chọn đề tài: “Quan hệ thương mại hàng hoá Việt-Mỹ sau khi ký kết Hiệp định Thương mại giữa hai nước: Triển vọng và giải pháp ”. Trong khuôn khổ một đề án, người viết xin đề cập tới vấn đề trên trong ba chương.
Đây là một đề tài đòi hỏi phải có sự nghiên cứu sâu sắc, tỉ mỉ mối quan hệ thương mại hàng hoá cũng như các quy định pháp luật về thương mại của cả hai nước, từ đó đề ra các giải pháp phát triển. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng do kinh nghiệm thực tiễn còn hạn hẹp nên đề án khó tránh khỏi những thiếu sót. Em mong nhận được sự đóng góp ý kiến của thày cô và các bạn.
Chuong I
Những nội dung chủ yếu của hiệp định
Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ sau 4 năm đàm phán đã được ký kết vào ngày 13/7/2000 (giờ Hoa Kỳ), đánh dấu việc hoàn tất quá trình bình thường hóa hoàn toàn quan hệ Việt –Mỹ, thể hiện sự cố gắng rất lớn giữa hai nước trong thời gian qua, đồng thời mở ra một giai đoạn mới trong sự phát triển thương mại của Việt Nam.
Có thể nói đây là hiệp định kỷ lục về thời gian, quy mô đàm phán cũng như tính chất phức tạp trong các cuộc đàm phán. Hiệp định không chỉ giới hạn trong phạm vi thương mại, nó bao gồm 4 lĩnh vực: thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, bản quyền và tài sản trí tuệ. Nói cách khác, khái niệm “thương mại” được hiểu theo nghĩa hiện đại. Do hiệp định được xây dựng trên các tiêu chuẩn của WTO nên cốt lõi của các cam kết là dành cho nhau quy chế tối huệ quốc, từng bước giảm thuế nhập khẩu, mở rộng thị trường cho nhau, từng bước tạo sự bình đẳng giữa các công ty trong và ngoài nước, bảo vệ bản quyền và nhãn mác hàng hóa .
Hiệp định gồm 72 điều nằm trong 7 chương, điều chỉnh tất cả các vấn đề về quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với Hoa Kỳ
Chương I: Thương mại hàng hóa ( có 9 điều ), cam kết tối huệ quốc được áp dụng cho thuế, hạn ngạch, quy trình cấp phép, quy tắc hải quan, phân phối hàng hóa.
Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam đồng ý cho phép tất cả các cá nhân và doanh nghiệp Mỹ quyền tự do xuất khẩu hay nhập khẩu qua biên giới hai nước. Hiệp định cho phép giảm rõ rệt thuế quan trên tất cả các mặt hàng công nghiệp và nông nghiệp xuất khẩu của Mỹ, cắt bỏ toàn bộ các biện pháp phi thuế quan và tuân thủ theo các tiêu chuẩn của WTO về khai hảI quan, giấy phép nhập khẩu, thương mại nhà nước, các tiêu chuẩn kỹ thuật và các biện pháp vệ sinh dịch tễ.
Chương II: Quyền sở hữn trí tuệ ( có 18 điều ), trong đó hai bên cam kết bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của công dân nước kia không kém sự bảo hộ mà công nhân đó đang được hưởng mà không cần yêu cầu qua những thủ tục nào như phải xuất bản hay đăng ký bản quyền ở nước kia. Điều khoản về bản quyền, thương hiệu, sáng chế, bí mật thương mại, kiểu dáng công nghiệp phần lớn dựa trên các công ước quốc tế với đầy đủ chi tiết về xử lý vi phạm.
Chương III: Thương mại dịch vụ ( có 11 điều và phụ lục ) nêu rằng hai bên cam kết đưa vào Hiệp định những phụ lục của WTO quy định về dịch vụ tài chính, viễn thông. Ngoài ra còn có một phụ lục về cam kết của Việt Nam cho các công ty dịch vụ Mỹ vào hoạt động theo lộ trình và những giới hạn Việt Nam đặt ra đối với loại hình đầu tư dịch vụ này.
Chương IV: Phát triển quan hệ đầu tư ( có 15 điều ), chủ yếu trong đó hai bên cam kết đối xử với các dự án đầu tư của nước kia không kém phần thuận lợi như với chính dự án đầu tư trong nước hay dự án đầu tư của nước thứ ba trên lãnh thổ của mình, tuỳ cái nào thuận lợi hơn.
Vì cam kết như thế có ngĩa là các dự án đầu tư Mỹ chỉ cần đăng ký thành lập chứ không cần xin phép đầu tư, nên chương này có phụ lục nêu rõ nhiều lĩnh vực mà Việt Nam không áp dụng cách đối xử nói trên như: phát thanh, truyền hình, in ấn, ngân hành, địa ốc…Phía Mỹ cũng loại trừ những ngành như năng lượng nguyên tử, dịch vụ tài chính.
Hiệp định cũng ghi cụ thể những loại dự án Việt Nam chỉ cho đăng ký đI kèm vùng phát triển nguyên liệu như sản xuất giấy, đường…hoặc phải xuất khẩu ít nhất 80% sản phẩm như sản xuất xi măng, thuốc lá, phân bón, bột giặt..Chương này cũng nói rõ, các công ty Mỹ phải đóng góp ít nhất 30% vốn trong liên doanh, chưa được thành lập công ty cổ phần và chưa được phát hành cổ phiếu ra công chúng, chưa được mua quá 30% vốn của một công ty cổ phần hóa. Những ràng buộc này sẽ chỉ duy trì trong vòng 3 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực.
Chương V: Tạo thuận lợi cho kinh doanh ( có 3 điều ), hai bên thỏa thuận sẽ củng cố định kỳ những thực tiễn thương mại như là các quyền nhập khẩu, đặt cơ quan văn phòng, tiến hành các hoạt động kinh doanh, quảng cáo, và các hoạt động nghhiên cứu thị trường.
Chương VI: Các quy định liên quan tới tính minh bạch, công khai và quyền khiếu kiện ( có 8 điều ), chủ yếu đề cập đến việc khi nào luật pháp có thay đổi mà ảnh hưởng đến doanh nghiệp thì phải công bố cho doanh nghiệp biết trước khi có hiệu lực, phải cung cấp cho doanh nghiệp thông tin kinh tế, cho phép họ góp ý vào dự thảo luật lệ liên quan đến hoạt động của họ.
Chương VII: Những điều khoản chung ( có 8 điều ) quy định cụ thể về ngoại lệ đối xử quốc gia, hàng hóa hạn chế và cấm xuất nhập khẩu, hàng hóa nhập khẩu thuộc diện điều chỉnh của các quy định về thương mại nhà nước, lịch trình loại bỏ về quyền kinh doanh xuất nhập khẩu và quyền phân phối, thuế xuất nhập khẩu, dịch vụ tài chính, viễn thông và lộ trình cam kết thương mại, dịch vụ cụ thể.
Mặc dù chỉ là một bộ phận trong Hiệp định, nhưng chương phát triển quan hệ đầu tư có nội dung tương tự như một Hiệp định song phương hoàn chỉnh về khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa hai nước. Theo đó hai bên cam kết các vấn đề sau:
Nguyên tắc khuyến khích và bảo hộ đầu tư: Cơ sở của việc khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư theo các điều ước quốc tế song phương và đa phương là việc mỗi bên ký kết dành cho nhà đầu tư của bên kia quy chế đối xử quốc gia với những ngoại lệ và theo lộ trình nhất định. Trên tinh thần đó, hai bên đã thỏa thuận các nguyên tắc đối xử:
áp dụng đối xử quốc gia hoặc đối xử tối huệ quốc.
áp dụng tiêu chuẩn chung về đối xử (hay còn gọi tiêu chuẩn đối xử tối thiểu)
Ngoài ra, mỗi bên còn có nghĩa vụ dành cho nhau bất kỳ ưu đãi nào cao hơn các nguyên tắc đối xử nói trên được quy định trong hệ thống pháp luật, chính sách hiện hành, các hiệp định quốc tế hoặc theo thỏa thuận cụ thể giữa hai bên.
Cam kết cụ thể về đối xử quốc gia và đối xử tối huệ quốc:
Bảo lưu đối xử quốc gia và đối xử tối huệ quốc của Việt Nam cụ thể
Những lĩnh vực và vấn đề bảo lưu không thời hạn, như phát thanh, truyền hình, văn hóa, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, kinh doanh bất động sản, các hình thức hỗ trợ của Nhà nước dành cho danh nghiệp Việt Nam, chế độ cấp giấy phép đầu tư đối với dự án thuốc quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Những lĩnh vực và vấn đề bảo lưu có thời hạn: Việt Nam cam kết từng bước dành đối xử quốc gia cho nhà đầu tư Hoa Kỳ một số lĩnh vực và vấn đề nhất định. Hầu hết các cam kết nêu trên đều là những vần đề còn tồn đọng hiện nay trong hệ thống pháp luật về đầu tư nước ngoài, đòi hỏi phải có biện pháp xử lý nhằm cải tạo, nâng cao tính hấp dẫn, cạnh tranh của môi trường đầu tư ở Việt Nam.
Bảo lưu đối với quốc gia và đối xử tối huệ quốc của Hoa kỳ: Là một trong những nước có môi trường đầu tư tự do nhất thế giới, Hoa Kỳ chỉ bảo lưu đối xử quốc gai hoặc tối huệ quốc trong một số lĩnh vực và vấn đề quan trọng như dịch vụ tài chính, viễn thông, vận tải biển, trợ cấp chính phủ.
Các qui định về bảo hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư.
Không tước quyền sở hữu hoặc quốc hữu hóa các khoản đầu tư một cách trực tiếp hoặc gián tiếp các biện pháp tước quyền sở hữu cũng như đền bù thiện hại phải được thực hiện trên nguyên tắc đối xử quốc gia và đối xử tối huệ quốc.
Cho phép nhà đầu tư của bên kia chuyển vốn, lợi nhuận và các khoản thu nhập hợp pháp khác ra nước ngoài phù hợp với nghĩa vụ của mỗi bên đối với IMF và trên cơ sở đối xử quốc gia hoặc đối xử tối huệ quốc.
Dành cho nhà đầu tư của bên kia quyền khiếu kiện và giải quyết tranh chấp theo thoả thuận giữa hai bên.
Minh bạch hóa pháp luật, chính sách về đầu tư nước ngoài.
Cho phép nhà đầu tư của bên kia lưu chuyển và tuyển dụng nhân viên nước ngoài thuộc mọi quốc tịch và các cương vị quản lý cao nhất miễn là phù hợp với luật pháp về nhập cảnh và tạm trú của người nước ngoài.
Không áp đặt các yêu cầu đối với việc chuyển giao công nghệ, qui trình sản xuất trừ trường hợp áp dụng quy định về bảo vệ môi trường và bảo đảm thi hành phán quyết của toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền đối với các vi phạm pháp luật về cạnh tranh đang bị khiếu kiện.
Tóm lại, có thể nói chương đầu tư trong Hiệp định có phạm vi và mức độ cam kết cao nhất so với các điều ước quốc tế song phương và đa phương về đầu tư mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia, song không ngoài mục đích là hội nhập và nâng cao tính cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam trên trường quốc tế.
CHUONG II
Triển vọng quan hệ thương mại hàng hoá Việt-Mỹ sau khi ký kết Hiệp định thương mại Việt - Mỹ
A. Nhu cầu của thị trường Mỹ
Là một cường quốc về kinh tế với số dân trên 271,8 triệu người, Mỹ là một thị trường khổng lồ và đầy tiềm năng. Chính sách thương mại của Mỹ rất rộng mở, chỉ trừ một số ít mặt hàng có hạn ngạch, còn lại các công ty của Mỹ đều được quyền xuất nhập khẩu trực tiếp các mặt hàng. Chính vì vậy, họ luôn tìm kiếm những cơ hội kinh doanh mới nhằm mở rộng hợp tác kinh tế-thương mại với các quốc gia trên thế giới. Việt Nam, một đất nước có số dân gần 80 triệu người với nguồn lao động rẻ và dồi dào được họ xem như một địa chỉ dừng chân đáng tin cậy.
Xu thế nhập siêu hàng năm của Mỹ ngày càng lớn, chủ yếu là do sự tăng trưởng kinh tế đều qua các năm và sự thay đổi cơ cấu kinh tế của Mỹ.
Có thể thấy Mỹ là một thị trường có dung lượng lớn và đa dạng. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Mỹ gồm máy móc, thiết bị, các mặt hàng công nghiệp, thiết bị vận tải các loại, hoá chất, nông sản và các hàng hoá khác. Trong cơ cấu hàng nhập khẩu của Mỹ, hàng tiêu dùng chiếm một vị trí quan trọng, khoảng 20% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Theo dự báo chiến lược của Mỹ, nền kinh tế Mỹ sẽ còn phát triển mạnh trong những năm đầu của thế kỷ XXI. Tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm khoảng 3%-4% và xuất nhập khẩu khoảng 5%-10%.
Như vậy, Mỹ là một thị trường lý tưởng cho tất cả các nước trên thế giới, từ các nước phát triển như Châu âu, Nhật Bản đến các nước đang phát triển như ấn Độ, Trung Quốc và các nước nghèo như Campuchia, Banglades đều có thể xuất khẩu hàng vào Mỹ. Theo báo cáo của thương vụ Việt Nam tại Mỹ, hiện Việt Nam đang đứng hàng thứ 76 về tổng kim ngạch buôn bán với Mỹ và đứng thứ 71 trong tổng số 229 nước xuất khẩu vào Mỹ. Tuy nhiên, tỷ trọng hàng hoá Việt Nam mới chỉ chiếm 0,05% tổng giá trị nhập khẩu của Mỹ, một con số còn rất khiêm tốn.
Chất lượng hàng hoá xuất khẩu vào Mỹ cũng rất linh hoạt, không quá khắt khe như ở Châu âu hay Nhật Bản. Tuy nhiên, hàng hoá chất lượng cao của các nước này cũng có thể bày bán ở các cửa hàng đắt tiền và trung bình. Đây thực sự là một thuận lợi cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là khi Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ vừa được ký kết và sắp tới sẽ được phê chuẩn.
B. Dự báo khả năng xuất nhập khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ trong tương lai
B.1. Triển vọng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ
Thị trường Mỹ là đích đến của hàng hoá tất cả các nước trên thế giới. Nhiều nước trên thế giới đã tích cực khai thác thị trường này một cách có hiệu quả. Theo dự đoán của các chuyên gia nghiên cứu về thương mại, đến hết năm 2000, tổng kim ngạch Việt-Mỹ có thể lên tới 2 tỷ USD (tăng hơn hai lần năm 1999) trong đó Việt Nam xuất khẩu 1,2 tỷ USD và nhập khẩu 0,8 tỷ USD. Trong những năm tiếp theo, buôn bán giữa Việt Nam và Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng cao, đặc biệt là Việt Nam có thể phát huy được thế mạnh của mình trong việc xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực, tận dụng những lợi thế do hiệp định Việt-Mỹ đem lại.
Nhóm hàng nông sản.
* Cà phê, chè, quế, hạt tiêu, gia vị (HS 09).
Đặc điểm của nhóm hàng này là có nhu cầu cao trên thị trường Mỹ và mức thuế nhập khẩu bằng 0 hoặc rất thấp. Ngoài ra, mặt hàng này phụ thuộc vào sản lượng, thời tiết, giá ở Việt Nam và trên thế giới. Tuy nhiên, chúng ta có lợi thế là được ưu đãi về khí hậu, diện tích canh tác có thể mở rộng thêm và đặc biệt là chi phí nhân công thấp hơn các nước trong khu vực, một số sản phẩm đạt năng suất cao hơn các nước trong khu vực. Vì vậy, định hướng xuất khẩu các mặt hàng bình quân có thể tăng 15% mỗi năm và tới năm 2010 dự kiến đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 350 triệu USD.
Trong những năm tới, Việt Nam có thể tăng xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Mỹ do ở Mỹ có nhiều người dân gốc Châu á và có nhiều công ty nhỏ của Việt kiều nhập khẩu vào Mỹ. Dự kiến năm 2010 Việt Nam có thể đạt trị giá xuất khẩu 1 triệu USD mặt hàng này vào thị trường Mỹ.
* Gạo. Mỹ là nước nhập khẩu gạo lớn trên thế giới, đồng thời cũng là một nước có lượng gạo xuất khẩu lớn, đứng thứ 4 trên thế giới.
Mặc dù bị tính thuế nhập khẩu, mặt hàng gạo có thể coi là một trong những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế do chính sách nới lỏng của Chính phủ Mỹ. Trước kia, do Việt Nam chưa được hưởng NTR nên gạo nhập vào Mỹ phải chịu một mức thuế là 0,055 USD/kg. Còn bây giờ, Việt Nam sẽ chỉ phải chịu mức thuế suất là 0,021 USD/kg vì đã ký kết được Hiệp định Thương mại với Mỹ. Mức thuế suất đánh vào gạo như vậy là rất thấp, chỉ mang tính chất tham khảo chứ không vì mục đích kinh tế.
Nhóm hàng hải sản (HS 03).
Mỹ là nước xuất khẩu hải sản lớn nhất trên thế giới, đồng thời cũng là nước nhập khẩu lớn thứ hai sau Nhật Bản. Các loại hải sản xuất khẩu chính của Mỹ là: cá hồi, cua, trứng cá và surimi. Các loại hải sản nhập khẩu chính vào Mỹ gồm: tôm, tôm hùm, sò và cua, trong đó tôm có trị giá lớn nhất, hàng năm Mỹ nhập trên 2 tỷ USD. Vì vậy, đây là thị trường vô cùng rộng lớn và đầy triển vọng đối với ngành nuôi trồng và đánh bắt thuỷ hải sản của Việt Nam.
Các sản phẩm chính của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chủ yếu là tôm và của đông lạnh, đặc biệt là tôm . Việt Nam hiện đứng thứ 9 trong bảng xếp hạng các nước xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ nhiều nhất.
Bảng 2: Tỷ trọng tôm các loại trong số các mặt hàng hải sản
Việt Nam xuất sang Mỹ.
Đơn vị: triệu USD
Mặt hàng Việt Nam
Xuất sang Mỹ
1994
1995
1996
1997
1998
1999
5 tháng đầu
năm 2000
Hải sản các loại
5,8
19,6
33,9
46,4
79,5
125,5
76,9
Trong đó tôm các loại
5,1
16,6
28,2
35,3
62,1
91,5
56,0
Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Mặt hàng hải sản nhập khẩu chính vào thị trường Mỹ là tôm các loại. Trong khi đó, đây lại là mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam do Việt Nam có nhiều lợi thế trong việc nuôi trồng tôm và lại không phải chịu thuế nhập khẩu của Mỹ. Do đó, Việt Nam hoàn toàn có thể hy vọng vào năm 2010 có thể đạt được khoảng 600 triệu USD trị giá hải sản xuất vào Mỹ, tăng gần 5 lần so với năm 1999 và gần bằng mức xuất khẩu của Thái Lan hiện nay.
Nhóm các mặt hàng gốm, sứ (HS 69).
Hàng năm Mỹ nhập khẩu khoảng 2-3 tỷ USD các mặt hàng này. Do thị trường Mỹ hầu như không sản xuất các mặt hàng này nên nhu cầu nhập khẩu tăng đều mỗi năm, từ 5% đến 7%. Việt Nam chủ yếu xuất sang Mỹ các loại tượng, chậu gốm, sứ (HS 6913) và đồ gốm sứ nghệ thuật (HS 6914). Xuất khẩu của Việt Nam tăng đều đặn qua các năm, từ 40% đến 100% mỗi năm.
Đối với nhóm hàng này, Việt Nam có nhiều lợi thế vì đây là ngành thủ công truyền thống, nhân công rẻ và mẫu mã đẹp, đặc biệt bây giờ sẽ không phải chịu thuế nhập khẩu 56% như trước nữa. Tuy nhiên, Việt Nam cũng gặp khó khăn do các mặt hàng giống của Trung Quốc về chủng loại, nhưng chất lượng lại không đều và không đẹp bằng. Vì vậy, nếu tổ chức tốt khâu sản xuất, giám định chất lượng và hạ giá thành sản xuất thì một số chủng loại gốm sứ như chậu cảnh, voi gốm... có khả năng tăng kim ngạch xuất khẩu lên tới hàng chục triệu USD vào thị trường Mỹ.
Hàng dệt may.
Mỹ là nước luôn đứng đầu thế giới về nhập khẩu hàng dệt và hàng may mặc. Hiện nay, Mỹ phải nhập khẩu khoảng 50-60 tỷ USD loại hàng này, chiếm khoảng hơn 6% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ. Nguồn nhập chủ yếu là từ các nước Châu á, chiếm trên 50% kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ, trong đó Trung Quốc chiếm khoảng 18%, Hồng Kông 12%, các nước ASEAN (chưa kể Việt Nam) chiếm khoảng 15%...
Trong số các mặt hàng dệt may xuất khẩu vào Mỹ, các mặt hàng sau có giá trị lớn nhất.
Bảng 3: Các mặt hàng may mặc chính nhập khẩu vào Mỹ.
Mặt hàng
Năm 1999
(tỷ USD)
6 tháng đầu năm 2000 (tỷ USD)
áo complê, bộ quần áo đồng bộ nữ.
8,71
5,35
áo complê nam, bộ quần áo đồng bộ nam.
6,97
3,84
Sơ mi nam dệt thoi.
3,03
1,62
Sơ mi nữ dệt thoi.
2,28
1,32
áo len, áo ghi lê.
9,46
3,98
T-shirt, may ô.
3,32
1,97
Sơ mi nam dệt kim.
1,88
0,98
Váy lót nữ và pyjams.
1,87
0,87
Nguồn: Textile Asia 9/2000.
Đây là mặt hàng có mức chênh lệch về thuế giữa NTR và phi NTR khá lớn, khoảng 55%. Do đó hàng dệt may Việt Nam xuất sang Mỹ mới chỉ có 8 cat: 331, 338, 340, 435, 438, 444, 636, 644 thuộc hàng may chứ chưa bao gồm hàng dệt. Về hàng dệt, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ một số mặt hàng dệt thoi như găng tay, sơ mi trẻ em, hàng dệt kim như sơ mi trẻ em, sơ mi nam, nữ, găng dệt kim, áo len... Mặc dù nhu cầu mặt hàng này ở Mỹ rất lớn nhưng Việt Nam chưa xuất khẩu được nhiều do trước kia chưa được hưởng NTR cũng như sự khác biệt giữa hai nước về tiêu chuẩn sợi dệt và quy trình lắp ráp sản phẩm.
Năm 1999, trong khi nhiều thị trường phi hạn ngạch của Việt Nam giảm mạnh thì thị trường Mỹ khá ổn định và kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang thị trường này đạt 37 triệu USD, tăng 13% so với năm 1998. Tuy nhiên con số này còn quá nhỏ bé so với tổng kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ. Ước tính năm 2000, Việt Nam có thể đạt giá trị xuất khẩu lên tới 60 triệu USD.
Mô hình: Dệt may Việt Nam với tay tới Mỹ.
Hàng giày dép (HS 64).
Mỹ là thị trường tiêu thụ giày dép lớn thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc, là một thị trường đầy triển vọng và hấp dẫn đối với các nhà xuất khẩu giày dép. Giày dép được tiêu thụ ở Mỹ rất đa dạng và phong phú về chủng loại, mẫu mã. Đặc biệt, nhu cầu về giày dép nữ khá cao, chiếm 50,9% nhu cầu về giày dép trên toàn nước Mỹ.
Những năm trước đây, do chưa được hưởng quy chế NTR nên giá trị xuất khẩu của Việt Nam chưa cao, hàng giày dép Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ chủ yếu là của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Mỹ là nước nhập khẩu giày dép lớn cả về số lượng và giá trị. Hơn nữa, mặt hàng này Việt Nam lại có ưu thế về giá cả rẻ hơn so với các nước khác trong khu vực nên hoàn toàn có cơ sở để hy vọng đạt kim ngạch xuất khẩu giày dép 1,5 tỷ USD sang Mỹ vào năm 2010.
b.2. Triển vọng nhập khẩu của Việt Nam từ Mỹ.
Nhập khẩu của Việt Nam từ Mỹ tăng liên tục trong những năm qua cùng với sự tăng trưởng kinh tế. Có thể thấy các mặt hàng do Mỹ sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. Song giá cả của các mặt hàng khá cao so với khả năng của hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam. Do vậy, đối với mặt hàng là máy móc thiết bị, các doanh nghiệp Việt Nam thường nhập khẩu các loại cũ song vẫn đảm bảo khả năng sản xuất. Xét về cơ cấu nhập khẩu các mặt hàng, cơ cấu này cần phù hợp với quy mô và khả năng xuất khẩu thì mới có thể đáp ứng được mục tiêu đổi mới, hiện đại hoá thiết bị, công nghệ, ổn định thị trường, ổn định nền kinh tế và đời sống.
Có thể thấy triển vọng của một số nhóm hàng nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam như sau:
Máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, thiết bị y tế và các loại máy móc chuyên dụng khác.
Đây là những mặt hàng ưu tiên nhập khẩu của Việt Nam. Đa phần các mặt hàng này của Mỹ đã có uy tín rất lớn trên thị trường. Chúng không chỉ thâm nhập nhanh vào Việt Nam mà còn vào cả rất nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Kim ngạch nhập khẩu những mặt hàng này của Việt Nam từ Mỹ mỗi năm chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch nhập khẩu. Đây là một con số khá lớn. Việt Nam không chỉ nhập khẩu những máy móc thiết bị thế hệ mới của Mỹ mà còn nhập một phần lớn là máy móc của thập kỷ 80 vì những máy móc này phù hợp với nền kinh tế Việt Nam cả về công dụng và khả năng thanh toán.
Căn cứ vào nhu cầu trong nước và chủ trương đổi mới công nghệ của Mỹ, có thể thấy kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này từ Mỹ sẽ rất cao, đặc biệt là các loại máy phục vụ sản xuất, các thiết bị vô tuyến điện, viễn thông... Trong thời gian tới, kim ngạch nhập khẩu máy móc, phương tiện vận tải sẽ tăng vọt nếu ta tiếp tục ký các hợp đồng nhập khẩu máy bay của Mỹ. Ngoài ra, việc tăng cường đầu tư và thực hiện các cam kết đầu tư đã có sẽ tạo điều kiện hơn nữa nhập khẩu nhóm hàng này từ Mỹ.
Phân bón.
Đây là mặt hàng nhập khẩu quan trọng đối với nền kinh tế nông nghiệp như nước ta, khi mà hầu hết lượng phân đạm tiêu thụ trong nước phải nhập khẩu, sản xuất phân lâm mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu... Trong những năm vừa qua, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam từ Mỹ tăng khá nhanh do đáp ứng được yêu cầu của người nông dân, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, trong vài năm tới, nhập khẩu vẫn là nguồn cung cấp chính mà thị trường cung cấp chủ yếu cho các doanh nghiệp Việt Nam là thị trường Mỹ.
Bông, sợi.
Mỹ là nước có sản lượng bông lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch thế giới. Mỹ cũng là một trong số những nước xuất khẩu bông hàng đầu. Thị trường Việt Nam lại có nhu cầu bông, sợi ngày càng tăng do sự tăng trưởng mạnh của ngành dệt may. Với việc nhập khẩu bông sợi từ Mỹ, Việt Nam sẽ đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng cho hàng may mặc xuất khẩu, đặc biệt là xuất sang thị trường Mỹ. Dự báo vào năm 2000-2001, nhu cầu bông xơ của Việt Nam có thể lên tới hơn 200.000 tấn. Vì vậy, Mỹ sẽ là thị trường cung cấp bông đầy triển vọng của Việt Nam trong những năm tới.
Hàng tiêu dùng.
Hàng tiêu dùng của Mỹ nhập vào Việt Nam thời gian qua chủ yếu là do các công ty của Mỹ ở Châu á sản xuất. Tuy nhiên nhà nước lại có xu hướng hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng, dưới 20% tổng kim ngạch nhập khẩu. Như vậy, trong thời gian tới, xu hướng nhập khẩu hàng tiêu dùng từ Mỹ của Việt Nam chủ yếu là xuất khẩu tại chỗ của các công ty Mỹ tại Việt Nam.
Tóm lại, cho dù Việt Nam và Mỹ có những chiến lược phát triển kinh tế khác nhau nhưng Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ được ký kết sẽ nhanh chóng mở cửa thị trường hai nước cho tất cả các loại hàng hoá từ nông sản, hàng công nghiệp tới các sản phẩm viễn thông. Hiệp định thực sự là kết quả tiếp nối những bước phát triển các năm qua trong quan hệ song phương, mở ra triển vọng mới trên con đường đi tới những lợi ích chung, vượt qua quá khứ, tiến tới tương lai để hoà giải và hợp tác.
Chương III.
Một số giải pháp và kiến nghị nhằm thúc đẩyquan hệ thương mại với mỹ
1.Một số giải pháp đối với doanh nghiệp .
Quốc tế hoá là xu hướng tất yếu và là một yêu cầu khách quan đối với bất kỳ quốc gia nào trong quá trình rõ rệt, mà nét nổi bật là nền kinh tế thị trường đang trở thành một sân chơi mới, một thị trường hiện đại mmà các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang tham gia vào. Song để có thể tham gia một cách hiệu quả ta cần phải nắm luật chơi tại thị trường Mỹ.
a)Đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ:
Con người là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với sự nghiệp phát triển của đất nước Nhất là trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh.tuy là Việt Nam có những nguồn nhân lực dồi dào nhưng trình độ tay nghề thấo, ít thợ lành nghề,tác phong công nghiệp kém, trình độ quản lý kém...kể cả bộ phận có trình độ chuyên môn cao nên khả năng tiếp nhận thông tin, kiến thức còn nhiều hạn chế. Vì vậy trong thời gian tới , nếu không chú trọng đầu tư về con người thì cũng không thể phát huy được tính ưu việt của sản phẩm chứ chưa nói gì đến tiếp cận và mở rộng thị trường.
Vì vậy, các doanh nghiệp cần năng cao trình độ cuă đội ngũ cán bộ, kỹ thuật, cán bộ quản lý, công nhân lành nghề, khả năng tiếp thị.Đặc biệt các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, để thành công phải có các cán bộ ngoại thương lành nghề.
b) Nâng cao hệ thống quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO9000 và HACCP.
Để chiếm lĩnh được thị trường Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trungmọi nỗ lực để cải tiến chất lượng hàng xuất khẩu. Các doanh nghiệp Việt Nam không còn con đường nào khác là phải tranh thủ sự giúp đỗ về tài chính, kỹ thuật của Nhà nước và quốc tế để đạt được các tiêu chuẩn. Đây cũng là yêu cầu bắt buộc của thị trường Mỹ. Và tương lai không xa, đây cũng là tiêu chuẩn bắt buộc cho hàng hoá và tất cả các thị trường khác.
Tuy nhiên tính đến nay số doanh nghiệp đạt các tiêu chuẩn còn quá ít so với doanh nghiệp đang hoạt động xuất khẩu nhập khẩu trong đó có các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sang thị trường Mỹ. Ngoài ra, Việt Nam đã tham gia tổ chức tiêu chuẩn hoá lớn nhất thế giới ISO,tham gia Uỷ ban Tiêu chuẩn hoá thực phẩm doFAO và WTO thành lập . Sắp tới Việt Nam sẽ tham gia Tiểu ban Tiêu chuẩn và chứng nhận sự phù hợp của APEC. Nếu gia nhập WTO,Việt Nam sẽ tham gia Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại.
Để giúp các doanh nghiệp khắc phục những khó khăn trong việc áp dụng các tiêu chuẩn, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợi tài chính, kỹ thuật cho các doanh nghiệp.
c)Nâng cao kỹ năng đàm phán .
Khi các doanh nghiệp đàm phán với bất kỳ một doanh nhân của quốc gia nào đều phải có những thông tin liên quan đến họ như:kinh tế- chính trị- văn hoá, hệ thống luật pháp...Đặc biệt khi chúng ta làm việc với các doanh nhân Mỹ cần phải hiểu rõ hơn nữa về họ bởi vì văn hoá Mỹ rất phức tạp, người Mỹ là một dân tộc đa văn hoá. Mỹ lại có nhiều tiểu bang ghép lại nên luật lệcủa từng tiểu bang khác nhau nhưng có một đặc điểm nổi bật của người Mỹ trong đàmm phán là đi thẳng vào vấn đề.Ngoài lý do Muốn tiết kiệm thời gian người Mỹ muốn nhanh chóng định đoạt thương vụ.Trong đàm phánhọ thấy đối tác không có khả năng buôn bán thì sẽ chấm dứt ngay để dành thời gian tiếp xúc với đối tác khác.
Các thương nhân của Mỹ thường có những biện pháp giảm bớt rủi ro trong kinh doanh một cách khéo léo để có thể thắng kiện khi có tranh chấp xảy ra.
Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam khi đàm phán với người Mỹ:
* Cần chuẩn bị chu đáo đầy đủ mọi thông tin kèm theo danh thiếp, ảnhcủa doanh nghiệp và của những người lãnh đạo doanh nghiệp, quyển danh mục mặt hàngdịch sang tiếng Mỹ, biểu giá bằng USD, giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm...Trong khi thương lượng phải đưa ra những vấn đề cụ thể, những con số rõ ràng.
* Cần có một luật sư tư vấn am hiểu về luật lệ của Mỹ .
* Người Mỹ rất thẳng thắn nên khi thương lượng phải khai thông ngay vấn đề lợi nhuận, biết nghe, biết đặt câu hỏi cho hợp lý. Người Mỹ lại rất chính xác về giờ giấc,nên có bất kỳ lý do nào trễ cũng phải thông báo cho họ. Điều tất yếu không thể thiếu đố là ngôn ngữ trong cuộc đàm phán phải nói bằng tiếng Anh.
d) Tìm hiểu và nắm vững hệ thống luật Mỹ.
Cũng như trên ta nói Mỹ là một nước có nhiều tiểu bang hợp lại thành nước Mỹ, mỗi một tiểu bang có nhữnh luật lệ riêng áp dụng cho tiểu bang đó.Vì vậy, việc nghiên cứu những quy định liên quan đến xuất nhập khẩu trong luật kinh doanhcủa Mỹ phần nào giúp các doanh nghiệp Việt Nam có quyết định đungs trong việc hợp tác kinh doanh với các công ty Mỹ sao cho có hiệu quả.Và để tránh những sai lầm do ít am hiểu về luật, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nên tìm đến luật sư trong mỗi thương vụ. Sự tư vấn đúng lúc sẽ cứu được hàng triệu USD trong lúc gặp rác rối.
e) Hệ thống cung cấp thông tin.
Hiện nay, khi toàn cầu hoá , khu vực hoá đã trở thành xu thế của nền kinh tế thế giới thì hệ thống cung cấp thông tin cũng trỏ thannhf một vấn đề quan trọng. Khi tham gia vào thị trường Mỹ lại là một thị trường hiện đại có tiềm lực về tầi chính, công nghệ, kinh nghiệm quản lý thì các doanh nghiệp Việt Nam phải có đầy đủ thông tin về họ thì điều tất nhiên phải có một hệ thốngcung cấp thông tin hiện đại . Nhất là về thương mại điện tử-nó đang trở thành một mô hình hoạy động thương nghiệp hoàn toàn mới từ trước tới nay chưa hề có. Nó đang dẫn tới một cuộc cải cách sâu sẳctong lĩnh vực thương mại . Thương mại điện tử mang lại cho các doanh nghiệp những tác dụng như:
- Nó nối trực tiếp giữa người mua và người bán trong bất kể thời gian hay về đạ điểm.
- Tác động lên nhiều mặt của hoạt động kinh doanh:tiếp thị ,bán hàng, khuyến mại,tài chính, bảo hiểm, thanh toán, giao hàng, đặt hàng...
- Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tiết kiệm các chi phí dành cho dịch vụ, tăng doanh thu của các doanh nghiệp, giảm giá thành...
- Mang lại những thông tin về giá cả, thị trường thế giới cần được cập nhật, những thông tin về chế độ chính sách, luật pháp cần tìm hiểu để hợp tác với các doanh nghiệp của quốc gia khác.
Mỹ đang tích cực thiết lập một môi trường kinh doanh sao cho thương mại điện tử phát triển nhanh hơn nữa trên phạm vi toàn cầu. Nên các doanh nghiệp Việt Nam không còn cách nào khác phải phải từng buớc tiếp cận với nó.
Tuy nhiên, thương mại điện tử mang lại nhiều lợi ích cho các doânh nghiệp nhưng cũng không kém phần bất lợi đặc biệt đối với các doanh nghiệp Việt Nam . Khitham gia vào hệ thống này trước hết phải có người biết sử dụng, biết ngoại ngữ nhất là tiếng Anh là chủ yếu. Các doanh nghiệp nhanh chóng phải làm quen với hệ thống cung cấp thông tin hiện đại này nhất là phải biết sử dụng các dịch vụ trong các hoạt động kinh doanh, Tham gia tích cực vào việc trao đổi những thông tin trên mạng.
Ngoài sử dụng hệ thống cung cấp thông tin hiện đại các doanh nghiệp vẫn sử dụng những phương pháp thông thường như: sách báo thương mại do các tổ chức quốc gia, các tổ chức phi chính phủ và cá nhân xuất bản . Các thông tin do bản thân doanh nghiệp thu thập được trên thị trường thông qua trao đổi trực tiêps với các khách hàng nước ngoài(bằng các hình thức quan sát, phỏng vấn, thử nghiêm trên thị trường)...
*Một số biện pháp để nhập khẩu các mặt hàng cần thiết.
Hiện nay, đất nước đang trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế do đó mọi thứ cần thiết để xây dựng một nền kinh tế vững chắc vẫn còn thiếu đối với chúng ta. Vì thế, không chỉ chính phủ có các giải pháp nhập khẩu mà từng doanh nghiệp cụ thể trong nước cũng phải có những biện pháp những chiến lược cụ thể cho việc nhập khẩu của doanh nghiệp mình.
Khi muốn nhập khẩu một mặt hàng nào đó các doanh nghiệp phải đưa ra được những yêu cầu để đạt được mục tiêu đặt ra. Nhất là ta phải tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của thị trường trong nước về mặt hàng nhập khẩu để đưa ra những kế hoạch nhập khẩu như:
+Hiện tại thị trường nội địa có nhu cầu về sản phẩm không ? Dung lượng của nhu cầu và triển vọng phát triển của nhu cầu đó trong tương lai.
+ Đối tượng tiêu thụ sản phẩm là ai ?
+ Nhu cầu hiện tại được đáp ứng như thế nào ?
+ Dự kiến mức độ thoả mãn trong tương lai về sản phẩm nhập khẩu ?
+ Tình hình cạnh tranh trên thị trường như thế nào ? Nếu có sự cạnh tranh thì cạnh tranh bằng hình thức gì ?
+ Tính quy luật của sự thay đổi dung lượng nhu cầu ?
+ Dự kiến mức giá bán sản phẩm để đánh giá khả năng cạnh tranh với hàng trong nước và hàng nhập khẩu từ nước khác ?
+ Khả năng có thể thay thế bằng các sản phẩm trong hiện tại và tương lai.
Đặc biệt đối với mặt hàng nhập khẩu về thiết bị, dây truyền chuyển giao công nghệ thì ta phải có những thông tin cần thiết:
-Thông tin về dây chuyền thiết bị công nghệ cần lựa chọn :
Phải trả lời được câu hỏi: Ta cần công nghệ gì ? Những ai có khả năng cung cấp dây chuyền thiết bị công nghệ đó ? Thông tin về bản thân công nnghệ đó ? Các lĩnh vực thông tin liên quan đến bên ta và bên đối tác dự định:
+Lịch sử và kinh nghiệm.
+Địa vị và hiện tại.
+Chiến lược và kế hoạch của hàng.
-Luật quốc gia và quốc tế về vấn đề này.
-Thực hiện các bước chuyển giao.
Sau khi đã mua dây chuyền thiết bị công nghệ có cần phải tiến hành cải tiến hay không ? Nếu như công nghệ đó vượt quá sức đối với các doanh nghiệp Việt Nam thì các doanh nghiệp có cần phải tìm đến và sử dụng các tổ chức tư vấn hay không?
2. Một số kiến nghị
Việt Nam là một thị trường có tới 80 triệu dân với nguồn lực dồi dào và tích cực . Mặt khác ,Mỹ cũng là một thị trường lớn và hấp dẫn đối vớicác doanh nghiệp trong tương lai . Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, có mức tăng trưởng cao và có nhu cầu lớn về xuất nhập khẩu để phục vụ cho công nghiệp hoá-hiện đại hoá. Việt Nam đang cần vốn ,công nghệ tiên tiến và kinh nghiệp quản lý của Mỹ.Như vậy, nền kinh tế của hai nước hoàn toàn bổ sung cho nhau, thúc đẩy nhau cùng phát triển vì lợi ích chung. Quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Mỹ trong thời gian qua đã đạt được mức tăng trưởng đáng kể qua các năm. Tổng kim nghạch xuất khẩu đã có bước nhảy vọt, đặc biệt là từ năm 1995 khi Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam .Tuy nhiên, tiềm năng hợp tác giữa hai nước vô cùng to lớn và mới chỉ khai thác một phần nhỏ. Điều quan trọng là cần nhanh chóngtạo ra môi trường thuận lợi nhằm biến tiềm năng này thành hành động thực sự đem lại hiệu quả cao.
Trong công cuộc đổi mới nhằm hội nhập nền kinh tế Việt Nam với thế giới, làm thế nào để có hiệu quả vào thị trường Mỹ là vấn đề bức xúc không chỉ của các doanh nnghiệp Việt Nam mà còn của cả Chính phủ. Đây là vấn đề đòi hỏi phải có sự kết hợp nỗ lực của cả doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước:
+ Để đạt được các mục tiêu đã đề ra,Bộ Thương mại cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tạo các điều kiện cần thiết cho các nghành hàng có triển vọng như dệt may,giày dép, hải sản, sành sứ, mây tre đan, hàng thêu ren... thâm nhập thành công vào thị trường Mỹ.
+ Ngoài ra, để hỗ trợ các doanh nghiệp chuẩn bị tốt hành trang khi vào thị trương Mỹ Chính phủ và Bộ Thương mại cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong một số vấn đề:
- Cung cấp thông tin về thị trương như mở website và tiếp cận các nguồn thông tin có giá trị thương mại ở nước ngoài.
- Thành lập các trung tâm triển lãm,trưng bày sản phẩm ở các trung tâm kinh tế lớn của Mỹ cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia, mở thêm văn phòng và chi nhánh thương vụ tại các địa bàn cần thiết.
+ Thực hiện cải cách hành chính: Hiện nay cơ chế quản lý của ta vẫn còn chưa có sự thống nhất từ trên xuống dưới. Khi làm với đối tác Việt Nam phải trải qua nhiều thủ tục ruờm rà, những chi phí tốn kém không cần thiết cho nên các nhà sản xuất kinh doanh nói chung và các nhà sản xuất kinh doanh quốc tế cảm thấy nản chí. vì vậy, Nhà nước có những bước cải cách hành chính theo hướng gọn nhẹ, có hiệu lực.
+ Hoàn thiện hệ thống luật pháp :Luật pháp của Việt Nam chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ và nhất quán làm cho tâm lý tư tưởng cho các doanh tham gia xuất khẩu sang Việt Nam vẫn còn e ngại nhất là đối với các doanh nghiệp Mỹ. Xét về mặt lý thuyết thì có thể nói những chiến lược, chính sách đung nhưng trong thực tế lại được áp dụng một cách tràn lan, chưa có lộ trình được công bố công khai để các doanh nghiệp phấn đáu thực hiện. Hậu quả là người tiêu dùng phải gánh chịu khi đi mua hàng hoá. Một số nội dung trong chính sách thương mại vẫn chưa rõ ràng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển lâu dài của nền kinh tế. Nếu chúng ta không có những chủ trương, biện pháp thích hợp, kịp thời thì sẽ bị thua thiệt khi tham gia vào quan hệ thương mại với các nước khác . Vì vậy, , cần phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách, quy định và quản lý thương mại, bảo đảm thực hiện nghiêm minh, hạn chế đến mức thấp nhất những vi phạm pháp luật thương mại .
+ Xây dựng và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng: Hệ thống cơ sở hạ tầng đã có cải thiện, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế. Đó là do thiếu quy hoạch tổng thể, đồng thời những quy hoạch chi tiết cụ thể cho từng bộ phận, từng vùng không được tuân thủ thực hiện nghiêm ngặt nên vốn đầu tư nhiều khi không được sử dụng hoàn toàn theo mục đích ban đầu, chất lượng công trình không đảm bảo, những vùng hoặc lĩnh vực cần được ưu tiên có khi lsị không được thực hiện trước. Chính vì vậy các bước quy hoạch, kế hoạch xây dựng năng cấp cơ sở hạ tầng hiện cần phải có sự kiểm soát,chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ từ trung ương đến địa phương và đến cơ sở thực hiện.
Về phía các doanh nghiệp cần tiếp cận, phân tích, khai thác thông tin, thường xuyên tham gia các cuộc hội thảo khoa học, hội chợ triện lãm để đẩy mạnh tiếp thị, kịp thời nắm bắt thị trường, tiếp cận được tiến bộ của thế giới trong sản xuất kinh doanh, tự do tìm kiếm bạn hàng, ký hợp đồng, tổ chức sản xuất và xuất khẩu theo nhu cầu thị trường, không nên ỷ lại vào các cơ quan nhà nước. Các doanh nghiệp cần chủ động chộn thời cơ để phát triển, đa dạng hoá sản phẩm. Nếu năng lực hiện tại chưa đủ để mở rộng sản xuất, các doanh nghiệp cần chủ động tìm đối tác đâù tư thiết bị, công nghệ cho doanh nghiệp với phương thức trả chậm, khấu trừ vào tiền công và bao tiêu sản phẩm.Theo cách này, doanh nghiệp sễ giữ được khách hang, đưa trang thiết bị, công nghệ hiện đại vào sản xuất.
Kết luận.
Trong các hoạt động kinh tế, thương mại, hầu như không có quốc gia nào đứng một mình lại có thể đạt được những thành quả phát triển cao. Sự hình thành các liên kết về kinh tế trên thế giới đã góp phần thúc đẩy sự ra đời của các Hiệp định Thương mại song phương, khu vực và đa phương. Chính đặc điểm nổi bật này của nền kinh tế thế giới đã làm xuất hiện một xu thế mới là “tự do hoá thương mại”.
Mặc dù bắt đầu chính sách mở cửa không mấy khả quan, lại trải qua hơn ba mươi năm thực hiện chính sách kinh tế kế hoạch tập trung quan liêu, bao cấp, nên so với các nước khác, Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong việc hội nhập vào xu thế này.
Tuy nhiên, nhận thức được tầm quan trọng của xu thế tự do hoá thương mại, Việt Nam đã và đang tích cực đẩy nhanh quá trình hợp tác về thương mại với các nước thông qua các thoả thuận song phương, khu vực và đa phương. Việt Nam đã đạt được những thành quả đáng kể trong quan hệ thương mại với các nước trên thế giới, đặc biệt là với Mỹ. Việc ký kết Hiệp định Thương mại với Mỹ cũng đồng nghĩa với quyết tâm hội nhập của Việt Nam nhằm đem lại lợi ích cho sự ổn định và phát triển của đất nước.
Bên cạnh những thuận lợi và triển vọng tốt đẹp về khả năng tăng xuất khẩu san thị trường Mỹ, Việt Nam cũng gặp không ít các khó khăn. Mỹ là một thị trường giàu tiềm năng. Thị trường này không chỉ là mối quan tâm của các doanh nghiệp Việt Nam mà còn của rất nhiều doanh nghiệp khác trên thế giới. Bên cạnh đó, những quy định nghiêm ngặt về luật pháp, tập quán tiêu dùng... sẽ ngăn cản những ai yếu bóng vía. Đó chính là những thử thách ban đầu đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực để vượt qua. Đây là nhiệm vụ không của riêng ai. Các doanh nghiệp Việt Nam phải phối hợp với Chính phủ để có thể vượt qua chặng đường chông gai trước mắt này.
Hy vọng rằng, với những cải cách về cơ chế chính sách gần đây của Việt Nam, hai nước sẽ có dịp nhìn nhận lại, hiểu nhau hơn và tìm cho mình nhiều điểm tương đồng hơn nữa, thúc đẩy quan hệ hợp tác ngày càng sâu rộng hơn. Và như vậy, chắc hẳn Việt Nam và Mỹ sẽ là những đối tác thương mại có tầm quan trọng đáng kể trong một tương lai không xa.
Mục lục
Lời nói đầu
Chương I: Những nội dung chủ yếu của hiệp định 1
Chương II:Triển vọng quan hệ thương mại hàng hoá Việt - Mỹ sau khi ký kết hiệp định thương mại Việt - Mỹ 5
A. Nhu cầu của thị trường Mỹ 5
B. Dự báo khả năng xuất nhập khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ trong tương lai 5
B.1. Triển vọng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ 5
B.2.Triển vọng nhập khẩu của Việt Nam từ Mỹ 9
Chương III: Một số giải phảp và kiến nghị nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại với Mỹ 11
1. Một số giải pháp đối với doanh nghiệp 11
2. Một số kiến nghị 14
Kết luận
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- R0117.doc