Đề tài Tác động của các chính sách tài chính đến sự tăng trưởng kinh tế

Trong tiến trinh đó, ngoài hệ thống các Ngân hàng thương mại, Ngân hàng Trung Ương có một vài trò không thể thay thế, nhằm tác động hỗ trợ các yếu tố cạnh tranh trên thị trường. Với chức năng người buôn tiền bât vụ lợi được quốc gia giao phó, Ngân hàng Nhà nước sẽ có nhiệm vụ can thiệp bình ổn cũng như kiềm chế những bất trắc nguy hiểm khôn lường có thể xảy ra trên thị trường lãi suất đầy sôi động, phức tạp.

doc25 trang | Chia sẻ: ndson | Lượt xem: 1171 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Tác động của các chính sách tài chính đến sự tăng trưởng kinh tế, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Lời mở đầu Cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, vai trò của Ngân hàng Nhà Nước(NHNN)ngày càng được khẳng định. Với những công cụ quản lý vĩ mô trong tay, NHNN đã làm cho hoạt động của hệ thống Ngân hàng ngày càng lành mạnh và có hiệu quả,tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế . Một trong những công cụ quản lý hữu hiệu của NHNN là công cụ lãi suất. Thông qua công cụ lãi suất, NHNN tác động lên hoạt động của các Ngân hàng Thương mại, các tổ chức tín dụng và từ đó tác động lên lượng cung tiền tệ - một chỉ tiêu ảnh hưởng mạnh mẽ đến sức khoẻ của nền kinh tế. Trong quá trình chuyển sang kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, ngành Ngân hàng đã trải qua 10 năm đổi mới, đó cũng là 10 năm không ngừng đổi mới chính sách điều hành lãi suất của NHNN theo hướng từng bước tiến đến một chính sách lãi suất thị trường khi điều kiện kinh tế và tiền tệ cho phép. Trên cơ sở định hướng đó, ngày 1/10/1998 Luật NHNN Việt Nam ra đời qui định về việc áp dụng một cơ chế lãi suất mới là lãi suất cơ bản. Với cơ chế này, việc điều hành lãi suất ngày càng trở nên linh hoạt, bám sát nhu cầu thị trường hơn, nhưng thực tế còn rất nhiều vướng mắc về cách vận dụng cũng như tác dụng của qui định mới này. Nếu đánh giá một cách khách quan, chính sách lãi suất trong những năm qua đã thu được một số thành tựu nhất định. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều bất cập và hạn chế. Thực tiễn khách quan đó đòi hỏi phải có một sự đổi mới sâu rộng trong việc sử dụng công cụ lãi suất trong hệ thống Ngân hàng Việt nam sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện thực tiễn của thị trường tiền tệ trong nước. Chính vì vậy mà em chọn đề tài “Tác động của chính sách tài chính đến sự tăng trưởng kinh tế " . Tuy nhiên, do còn hạn hẹp về trình độ cũng như kiến thức thực tiễn nên không thể tránh khỏi những thiếu sót,em rất mong sẽ nhận được sự chỉ bảo, góp ý kiến của thầy cô và bạn đọc. I. Khái niệm và căn cứ xác định lãi xuất cơ bản. 1.1.Khái niệm và bản chất của lãi suất cơ bản. Trong hơn 10 năm đổi mới, chính sách lãi suất của NHNN đã được điều chỉnh theo hướng tích cực , "nới lỏng" từng bước theo hướng tự do hoá phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội trong nước, mức độ hội nhập quốc tế của nền kinh tế nước ta. Cơ chế điều hành lãi suất ngày càng trở nên linh hoạt hơn bám sát cung-cầu vốn thị trường, quyền chủ động ấn định lãi suất kinh doanh của các TCTD được mở rộng, nên làm tăng khả năng cạnh tranh nhưng vẫn kiểm soát được lãi suất trên thị trường tiền tệ, góp phần thúc đẩy thị trường tài chính trong nước, thúc đẩy tâng trưởng kinh tế, ổn định giá trị đối nội và đối ngoại của đồng Việt Nam. Để thúc đẩy phát triển và hội nhập quốc tế, NHNN phải tiếp tục đổi mới cơ chế điều hành lãi suất từng bước triển khai thực hiện các chủ trương đổi mới hoạt động ngân hàng của Đảng Nhà nước, Quốc hội đề ra. Trên cơ sở đó, Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật các tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua ngày 12/12/1997 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/1998 là một bước ngoặt đánh dấu sự trưởng thành trong hoạt động ngân hàng nói chung, việc sử dụng công cụ lãi suất nói riêng. Điều 18 Luật NHNN ghi" NHNN xác định và công bố lãi suất cơ bản , lãi suất tái cáp vốn". Khoản 12 điều 9 giải thích: "Lãi suất cơ bản là lãi suất do NHNN công bô làm cơ sở cho các TCTD ấn định lãi suất kinh doanh". Như vậy, theo quy định của Luật NHNN về lãi suất cơ bản thì đây là một khái niệm rất rộng và rất dễ vận dụng cho sự điều hành lãi suất của NHNN trong mỗi giai đoạn thích hợp. Bởi vì theo Luật thì lãi suất cơ bản là lãi suất do NHNN công bố làm cơ sở cho các TCTD ấn định lãi suất kinh doanh thì có ý nghĩa trên cả hai mặt: -Xác định rất rõ vai trò của Nhà nước trong việc quản lý và điều hành bằng lãi suất, không lúc nào buông lỏng sự quản lý của Nhà nước mà cơ quan có thẩm quyền trách nhiệm là NHNNVN. Vai trò quản lý của Nhà nước về lãi suất phải được thể hiện nhằm đạt dược mục tiêu bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD, bảo vệ quyền lợi một cách hài hoà giữa các bên: người gửi, người vay và TCTD; sử dụng công cụ lãi suất làm đòn bẩy để kích thích hoạt động vốn và điều hoà vốn từ nơi thừa đến nơi thiếu, góp phần thúc đẩy sự ổn định và tăng trưởng kinh tế vừa làm công cụ điều hành chính sách tiền tệ. - Có rất nhiều loại lãi suất cơ bản mà NHNN công bố vừa phù hợp với các điều kiện kinh tế, tiền tệ của nước ta trong từng thời kỳ vừa đảm bảo linh hoạt theo cung cầu vốn trong chính sách tiền tệ và tăng tính lành mạnh giữa các tố chức tín dụng. Cũng chính vì có nhiều loại lãi suất cơ bản và việc điều hành bằng lãi suất cơ bản còn là điều mới mẻ với NHNNVN nên thiết nghĩ, chúng ta nên làm rõ thêm bản chất và chức năng của lãi suất cơ bản. Từ điều giải thích của Luật NHNN " Lãi suất cơ bản là lãi suất do NHNN công bố làm cơ sở cho các TCTD ấn định lãi suất kinh doanh " có thể thấy lãi suất cơ bản có hai chức năng: - Là công cụ điều hành chính sách tiền tệ: Qua lãi suất cơ bản NHNN tác động vào thị trường tiền tệ thúc đẩy mở rộng hay thu hẹp tín dụng và tổng phương tiện thanh toán, giữ mức tương quan cần thiết giữa tổng cung và tổng cầu tiền tệ. đảm bảo ổn định giá cả và tiền tệ. - Là giá cả sử dụng vốn trong hoạt động tín dụng, là cơ sở để hình thành lãi suất thị trường, tức là lãi suất kinh doanh tiền tệ. Nó là điểm dung hoà một cách tự nhiên lợi ích người gửi tiền, người vay vốn và các TCTD. *Đặc thù của lãi suất cơ bản: -Lãi suất cơ bản là lãi suất được điều hành và tác động trực tiếp lên lãi suất thị trường. -Lãi suất cơ bản do NHNN xác định và công bố, không phải tự hình thành trên thị trường tiền tệ -Nó có ý nghĩa bắt buộc các TCTD phải chấp hành vô điều kiện. Do vậy, có thể khẳng định ngay rằng, các lãi suất Libor và Sibor không phải là lãi suất cơ bản vì nó tự hình thành trên thị trường.Thực tế, nó chỉ là những thông tin tham khảo. Lãi suất hình thành trên thị trường liên ngân hàng ở nước ta cũng không là lãi suất cơ bản vì nó tương tự như lãi suất Libor và Sibor. Nghiên cứu Luật NHTƯ của một số nước cũng đề cập đến lãi suất của NHTƯ , tuy về từ ngữ có khác nhau. Luật NHTƯ của Cộng hoà Liên bang Đức có quy định"Ngân hàng Liên bang Đức ấn định lãi suất chiết khấu và tỷ lệ chiết khấu được áp dụng cho các hoạt động của Ngân hàng Liên bang". Luật Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc quy định" xác định lãi suất cơ bản của NHTƯ ", Luật NHTƯ Ba Lan quy định Chủ tịch NBP quyết định lãi suất tái chiết khấu đối với hối phiếu, lãi suất tín dụng tái cấp vốn ". Luật NHTƯ Hung-ga-ri quy định" NBH hoạt động trên cơ sở những lãi suất linh hoạt đã được công bố, trong đó bao gồm tỷ lệ lãi suất cơ bản của NHTƯ, lãi suất hàng ngày, lãi suất ưu tiên và lãi suất phạt...". Luật NHTƯ Hàn Quốc quy định "Hội đồng trền tệ quy định mức lãi suất tối đa mà các tồ chức ngân hàng tính đối với các loại cho vay".Tại Pháp, lãi suất cơ bản do Ngân hàng ấn định, trên cơ sở đó tính lãi cho các khoản cho vay khác nhau. Và về nguyên tắc, mỗi ngân hàng được định ra lãi suất cơ bản của mình trên cơ sở có sự nhất trí nào đó giữa các ngân hàng. Lãi suất chiết khấu của NHTƯ Pháp hoàn toàn không phụ thuộc vàơ lãi suất cơ bản mà phụ thuộc vào lãi suất trên thị trường tiền tệ. Lãi suất trên thị trường tiền tệ là lãi suất được thực hiện gĩữa các ngân hàng trên thị trường tiền tệ .Như vậy trên thế giới có khá nhiều nước áp dụng cơ chế lãi suất cơ bản và nó đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc điều hành hoạt động của hệ thống ngân hàng ở mỗi nước nhằm thực hiện cho được những mục tiêu của chính sách tiền tệ.. Việt Nam là nước mới vận dụng công cụ này nên cần thiết phải có cách xác định rõ ràng. 1.2 Những căn cứ xác định lãi suất cơ bản. Mặc dù lãi suất cơ bản là loại lãi suất có tính chất chỉ đạo và ngay từ khái niệm đã cho thấy rằng có nhiều cách hiểu khác nhau về lãi suất cơ bản nhưng dù được hiều theo cách nào, dựa trên cơ sở nào thì khi xác định và công bố, thay đổi lãi suất thì NHNN cũng phải căn cứ vào những yếu tố sau: - Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế hằng năm. - Chỉ số lạm phát dự kiến hằng năm. - Lãi thực của người gửi tiền được hưởng nhằm đảm bảo lãi suất tiền gửi là số dương dể khuyến khích người gửi tiền vào ngân hàng. - Chi phí ngân hàng thấp nhất đảm bảo tiền lương, chi phí nghiệp vụ, trích quỹ dự phòng rủi ro và lợi nhuận tối thiểu trong hoạt động ngân hàng- - Tình hình cung cầu vốn tín dụng trên thị trường. - Mối quan hệ giữa lãi suất với tỷ giá ngoại tệ, giữa lãi suất nội tệ và lãi suất ngoại tệ. - Lãi suất thị trường đấu thầu trái phiếu Kho bạc Nhà nước trong các phiên đấu thầu gần nhất. - Lãi suất bình quân trên thị trường nội tệ liên ngân hàng thời gian gần nhất. Để xác định biên độ được cộng vào lãi suất cơ bản cần dựa vào: - Mục tiêu của chính sách tiền tệ từng thời kỳ ( thắt chặt hay nới lỏng) . - Hệ số sử dụng vốn bình quân sau khi đã thực hiện dự trữ bắt buộc và đảm bảo an toàn trong thanh toán của TCTD. - Mức độ rủi ro của loại hình khách hàng. - Đặc điểm khó khăn, thuận lợi trên những vùng kinh tế khác nhau Trên cơ sở lãi suất cơ bản được tính theo những căn cứ như vậy, các ngân hàng thương mại sẽ niêm yết để công bố mức lãi suất của mình. Mức lãi suất cho vay thực tế của các ngân hàng sẽ là lãi suất cơ bản cộng với tỷ lệ % theo biên độ giao động do NHTƯ quy định được áp dụng linh hoạt cho từng món vay. Làm như vậy NHNN Việt Nam sẽ quản lý được lãi suất cho vay cao nhất, lãi suất cho vay thấp nhất, đảm bảo được quyền lợi của người vay trong khung lãi suất ấn định, giúp cho các TCTD được tự quyết định lãi suất huy động và tự do cạnh tranh trong khuôn khổ quản lý của NHNN Việt Nam Như vậy, lãi suất đã được điều hành theo hướng có chỉ đạo của NHNN, nhưng đồng thời các NHTM vẫn duy trì được quyền tự chủ trong quy định lãi suất. Lãi suất đã được quản lý linh hoạt theo diễn biến thay đổi của thị trường và dựa trên cơ sở đảm bảo an toàn hệ thống. Công thức chung để tính lãi suất cơ bản như sau: Lãi xuất cơ bản do NHNN công bố LSTG có đảm bảo quyền lợi của khách hàng Chi phí NH đảm bảo có lãi tối thiểu Biên độ dao động + = + Theo cách tính lãi suất cơ bản như trên, các NHTM đã được phép tính đến một tỷ lệ lợi nhuận trong kinh doanh, mà vẫn tính đến cả mức độ rủi ro có thể xảy ra. Bên cạnh đó, chi phí huy động được tính phù hợp trên cơ sở đảm bảo lãi suất thực dương cho người gửi tiền. II.Một số cách hiểu về lãi suất cơ bản. Nghị quyết Trung ương lần thứ 4, khoá VIII Thông báo số 144/TB-TƯ ngày 3/6/1998 của Bộ Chính trị nêu rõ: " Xây dựng và thực hiện cơ chế mới phù hợp về tỷ giá và lãi suất, với bước đi thích hợp, không để xảy ra biến động xấuvề kinh tế, xã hội ...Cụ thể là thực hiện lãi suất thực dương linh hoạt, phản ánh đúng cung cầu vốn trên thị trường, từng bước áp dụng lãi suất cơ bản thay dần cho việc ấn định trần lãi suât." Tuy nhiên với cách giải thích mà NHNN đưa ra trong luật đã nảy sinh khá nhiều cách hiểu khác nhau về lãi suất cơ bản. Vấn đề đặt ra trong điều kiện hiện nay là lựa chọn loại lãi suất cơ bản nào phù hợp với yêu cầu thực tiễn dặt ra. ở đây, em xin được nêu ra một vài cách hiểu phổ biến nhất. 2.1 Lãi suất cơ bản là lãi suất tái cấp vốn Đây là biện pháp phổ biến được NHTƯ các nước áp dụng. Lãi suất này do NHTƯ chủ động công bố và được xem xét tính toán tương đối thường xuyên( hàng tháng hoặc 2 tuần một lần ) nên thực sự đóng vai trò quyết định đối với các mức lãi suất kinh doanh cũng như cung, cầu vốn của các TCTD. Hơn nữa ở Việt nam, do nghiệp vụ chiết khấu của NHNN chưa phát triển, việc tái cấp vốn thực hiện tương đối trực tiếp vì vậy lấy lãi suất tái cấp vốn của NHNN để điều hành lãi suất sẽ thích hợp hơn là lãi suất tái chiết khấu. NHNN chỉ cần xác định và công bố một mức lãi suất chỉ đạo đối với các TCTD, do vậy thuận tiện cho việc điều hành quản lý chính sách lãi suất của NHNN và tạo điều kiện chủ động trong kinh doanh của các TCTD. Nhưng trong điều 18 Luật NHNN Việt nam quy định:" NHNN xác định và công bố lãi suất cơ bản và lãi suất tái cấp vốn". Vì vậy không thể lấy lãi suất tái cấp vốn làm lãi suất cơ bản mà phải công bố một mức lãi suất khác với tên gọi là lãi suất cơ bản. Lãi suất tái cấp vốn là công cụ điều hành chính sách tiền tệ, trực tiếp để điều hành lượng tiền cung ứng của NHTƯ và khối lượng vốn khả dụng của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế và gián tiếp tác động vào lãi suất cho vay và huy động vốn ( thông qua tác động đến cung cầu về vốn). Tuy nhiên, do cơ chế tái cấp vốn vận hành chưa thông suốt theo cơ chế thị trường, các TCTD chưa được tự do tiếp cận nguồn vốn của NHNN ( theo cả hai chiều nhận vốn khi thiếu và đầu tư trở lại khi thừa), nên mức độ tác động của lãi suất tái cấp vốn đến mặt bằng lãi suất chung còn rất nhiều hạn chế. Do vậy, nếu lấy lãi suất tái cấp vốn làm lãi suất cơ bản thì có thể NHNN sẽ không đạt được mục tiêu tác động vào lãi suất của NHTM , kể cả khi quy dịnh một biên độ so với lãi suất cho vay. 2.2. Lãi suất cơ bản là lãi suất cho vay tối đa. Theo phương án này, NHNN công bố trần lãi suất cho vay như hiện nay làm lãi suất cơ bản, các TCTD căn cứ vào trần lãi suất của NHNNđể ấn định các mức lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi cụ thể theo từng thời kỳ và từng vùng khác nhau. Quy định như phương án này về nguyên tắc là phù hợp với Luật NHNN, vì ở đây lựa chọn trần lãi suất cho vay là lãi suất cơ bản để làm cơ sở cho các TCTD ấn định các mức lãi suất cho vay và huy động vốn. NHNN công bố một mức lãi suất trần nhưng có thể quy định một số mức biên độ so với trần lãi suất phù hợp với đặc thù các loại hình TCTD , các vùng khác nhau và các loại cho vay ngắn, trung và dài hạn như hiện nay. Ưu điểm: - Tạo ra một bước tiến mới trong chính sách lãi suất, tạo chủ động, linh hoạt cho các TCTD trong kinh doanh và điều tiết quan hệ cung cầu về vốn, đồng thời tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các TCTD trong khuôn khổ lãi suất. Các TCTD được tự do hoá lãi suất tiền gửi và cho vay trong phạm vi trần tối đa. Tuỳ theo đặc điểm, điều kiện của các loại hình TCTD về quy mô, chi phí khác nhau mà NHNN có thể quy định nhiều mức trần lãi suất cho phù hợp với điều kiện riêng có của loại hình tổ chức tín dụng và của các vùng khác nhau.Các TCTD căn cứ vào trần lãi suất của NHNN để ấn dịnh các mức lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi cụ thể phù hợp cung cầu về vốn, các vùng khác nhau, mức chi phí vốn và lợi nhuận. - Việc quy định cho vay theo trần lãi suất tạo ra mặt bằng chung về lãi suất cho vay trong phạm vi cả nước, nên tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thanh tra, kiểm tra , giám sát về lãi suất của NHNN. - Là cơ chế lãi suất linh hoạt theoquan hệ cung cầu vốn, phù hợp hơn với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế, tạo ra khả năng cạnh tranh lớn hơn giữa các TCTD, giảm thiểu sự quản lý của Nhà nước bằng mệnh lệnh hành chính - Việc xác định, công bố, điều hành chính sách lãi suất của NHNN theo trần lãi suất dễ dàng, linh hoạt, thuận tiện. Nhược điểm: - Việc quy định trần lãi suât cho vay làm lãi suất cơ bản còn mang nặng tính hành chính trong điều hành chính sách tiền tệ. Do tính chất điều hành trực tiếp nhiều hơn gián tiếp có thể sẽ cản trở quá trình tự do hoá lãi suất cũng như định hướng chuyền dần từ công cụ điều hành từ trực tiếp sang gián tiếp của NHTƯ. - Tiếp tục còn tình trạng nhiều trần lãi suất như đã từng có trong những năm trước do tính chất kinh doanh, địa bàn hoạt động của các TCTD khác nhau. - Trong điều kiện các TCTD đang ứ đọng vốn, không cho vay được do nền kinh tế đang trong trạng thái thiểu phát như hiện nay, việc quy định lãi suât cho vay tối đa là lãi suât cơ bản không thích hợp vì có thể dẫn đến tình trạng các TCTD cạnh tranh nhau giảm lãi suất cho vay để thu hút khách hàng gây nguy hại cho sự an toàn của hệ thống ngân hàng, tức là trần lãi suất không còn phát huy tác dụng. 2.3. Lãi suất cơ bản là lãi suất tiền gửi tối đa. Các TCTD ấn định các mức lãi suất tiền gửi trong phạm vi mức khống chế lãi suất tiền gửi tối đa và ấn định các mức lãi suất tiền vay cụ thể phù hợp với cung cầu vốn. Thực chất của lãi suất cơ bản loại này là NHNN chỉ công bố và kiểm soát lãi suất tiền gửi tối đa và tự do hoá lãi suất cho vay, việc điều hành và kiểm soát lãi suất cho vay thông qua điều hành lãi suất tiền gửi tối đa và các công cụ gián tiếp của chính sách tiền tệ. Điều này sẽ không cho phép các TCTD huy động vốn với bất kỳ lãi suất nào, bảo đảm an toàn hệ thống và lợi ích người gửi tiền; đồng thời giúp cho các TCTD chủ động và linh hoạt trong việc ấn định lãi suất tiền gửi và cho vay phù hợp với biến động của thị trương tiên tệ và đặc điểm hoạt động của từng loại hình TCTD và giữa các vùng khác nhau.Quy định lãi suất cơ bản là lãi suất tiền gửi tối đa làm việc điều hành chính sách lãi suất của NHNN mang tính chất quy định, về nguyên tẵc chung không can thiệp trực tiếp vào lãi suất kinh doanh của TCTD. Tuy nhiên, muốn điều hành lãi suát cho vay có hiệu quả thông qua việc khống chế lãi suất tiền gửi tối đa thì phải sử dụng các công cụ gián tiếp của chính sách tiền tệ như nghiệp vụ thị trường mở, cửa sổ chiết khấu và thị trường liên ngân hànghoạt động co hiệu quả nhằm thực hiện NHTƯ là người cho vay cuối cùng. Nhưng các điều kiện trên ở nước ta chưa hội tụ đủ, Vì vậy, khả năng điều tiết và quản lý lãi suất sẽ rất hạn chế vì chỉ còn mỗi một công cụ trực tiếp mà NHNN có thể thực hiện là nâng hoặc hạ lãi suất tiền gửi tối đa để theo đó mà nâng hoặc hạ lãi suất cho vay. Nếu thực hiện lãi suất cơ bản là lãi suất tiền gửi tối đa thì có thể dẫn đến tình trạng: + Các TCTD sẽ nâng lãi suất cho vay lên cao để đạt được lợi nhuận cao vì bản chất của cơ chế thị trường là lợi nhuận tối đa. Khi đó, nếu NHNN dùng biện pháp hạ lãi suất tiền gửi tối đa thì sẽ kém hiệu quả và có thể lãi suất cho vay co thể không hạ xuống được.Bài học về lãi suất cho vay thoả thuận trước đây (1993-1995) đã minh chứng điều đó, lãi suất cho vay thoả thuận lên đến 0,35%/ tháng trong khi lãi suất cụ thể quy định là 1,8%-2,1%/ tháng, các TCTD có lãi lớn trong khi các doanh nghiệp gặp khó khăn nên Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ và ngành Ngân hàng và chính sách trần lãi suất ra đời từ đó để khống chế lãi suất cho vay quá cao. + Lãi suất cho vay cao nhưng các doanh nghiệp và hộ sản xuất vấn phải vay vì thiếu vốn sản xuất và vay để bù đắp các khoản nợ cũ đến hạn do cung về vốn ở nước ta luôn nhỏ hơn cầu, lợi nhuận thấp hơn chi phí trả lãi ngân hàng dẫn đến nguy cơ cả doanh nghiệp và Ngân hàng đều khó khăn và dẫn cả 2 đến chỗ mất khả năng thanh toán. + Nếu thực hiện lãi suất này chắc chắn sẽ hình thành nhiều khu vực lãi suất theo cung cầu vốn và chi phí ngân hàng khác nhau như: lãi suất khu vực nông thôn sẽ cao hơn khu vực thành thị, lãi suất cho vay các TCTD cổ phần sẽ cao hơn các TCTD có quy mô và sức cạnh tranh lớn hơn như NHTM quốc doanh, Ngân hàng liên doanh và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Và như vậy sé giảm tính lành mạnh của cạnh tranh và trong sự cạnh tranh này các TCTD lớn sẽ có ưu thế hơn.. Vì vậy, khi NHNN xây dựng và củng cố thị trường tiền tệ chuyển từ điều hành chính sách tiền tệ bằng các công cụ trực tiếp sang kết hợp điều hành bằng công cụ trực tiếp với công cụ gián tiếp cần thực hiện một cơ chế lãi suất cơ bản linh hoạt hon là công bố lãi suất cơ bản là lãi suất tiền gửi tối đa. Tóm lại, về nguyên tắc, sử dụng theo một trong các phương thức nêu trên đều đúng cả. Nhưng do điều kiện kinh tê, tiền tệ ở Việt nam hiện nay việc lựa chọn một phương thức thích hợp nhất còn phải cân nhắc nhiều. III. Yêu cầu đối với lãi suất cơ bản. Kinh tế Việt nam vừa qua giai đoạn từ một nền kinh tê kế hoạch hoá đậm nét tính quan liêu bao cấp để hướng tới phát triển theo hướng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý vĩ mô của Nhà nước. Nền thị trường tiền tệ chưa ổn định vững vàng, hệ thống các NHTM còn nhỏ bé, chưa đủ sức cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, trong đó thị phần chủ yếu là các NHTM quốc doanh. Với tình hình như vậy, việc điều hành lãi suất cơ bản phải chú ý đến các yêu cầu sau: * Lãi suất cơ bản trước hết phải được xác định đúng chuẩn mực để đúng với vai trò lãi suất chỉ đạo, các căn cứ để xác định lãi suất cơ bản phải dựa trên các chỉ tiêu kinh tế cũng phải được tính toán chính xác như: các chỉ tiêu dự kiến về chỉ số lạm phát, chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, mối quan hệ cung cầu về vốn và yêu cầu của việc điều hành chính tiền tệ quốc gia, mối quan hệ giữa tỷ giá ngoại tệ với đồng Việt nam. * Vai trò quản lý Nhà nước của NHNN thể hiện trong việc điều hành lãi suất cơ bản phải được đề cao. NHNN có thể giám sát kiểm sát các TCTD trong việc quy định và thực hiện lãi suất huy động vốn, lãi suất cho vay của mình phù hợp với lãi suất chỉ đạo, phù hợp với lãi suất trên cùng địa bàn, bảo đảm được kinh doanh, ngăn ngừa được tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các TCTD. * Phải thể hiện được chính sách của Nhà nước dùng lãi suất để tác động tới kinh tế nói chung và tình hình tiền tệ nói riêng, nhưng không phải là chính sách nặng về thắt chặt tiền tệ như thời gian vừa qua. *Phát huy cao độ tính tự chủ trong kinh doanh của các TCTD, tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng linh hoạt cho việc tự do định lãi suất, làm quen dần với tính cạnh tranh lành mạnh trong thị trường giữa các TCTD nhưng vẫn trong khuôn khổ của lãi suất cơ bản mà NHNN chỉ đạo quản lý. * Phản ánh được cung cầu tín dụng trong toàn bộ nền kinh tế mà các Ngân hàng (thường là các Ngân hàng lớn), trong đó phải phân biệt được đâu là nhu cầu thực, đâu là nhu cầu đầu cơ để có khả năng chống đầu cơ ở thị trường tài chính đang là nguy cơ gây ra khủng hoảng tiền tệ kéo theo khủng hoảng kinh tế. * Phải tương thích với lãi suất của các nước trong khu vực và rộng ra trên thế giới để vừa thu hút được vốn tín dụng từ bên ngoài, vừa không rơi vào những sai lầm chính sách như các nước bị khủng hoảng tiền tệ, vào nanh vuốt của đầu cơ. IV. Ưu-nhược điểm của việc quản lý bằng lãi xuất cơ bản. Theo báo cáo của chính phủ do Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải trình bày tại kỳ họp thứ 6 quốc hội khoá X tháng 11/1999 thì" Ngân hàng cần sớm thay thế việc định lãi suất trần bằngviệc áp dụng lãi suất cơ bản theo Luật Ngân hàng đi đôi với việc sử dụng các công cụ điều tiết lưu thông tiền tệ phù hợp với cơ chế thị trường...Giải pháp cơ bản và lâu dài là đổi mới cơ chế lãi suất, đồng thời đòi hỏi các doanh nghiệp phải làm ăn có lãi, trả được nợ". Cụ thể hoá quy định này, Quyết định 241/2000/QĐ-NHNN1 ngày 2/8/2000 nêu rõ: Đối với đồng Việt Nam, lãi suất cơ bản do thống đốc Ngân hàng nhà nước quy định hàng tháng, trên cơ sở tham khảo mức lãi suất cho vay thương mại đối với khách hàng tốt nhất của nhóm các TCTD được lựa chọn theo quyết định của Thống đốc NHNN trong từng thời kỳ. Các TCTD ấn định lãi suất cho vay trên cơ sở lãi suất cơ bản do NHNN công bố theo nguyên tắc lãi suất cho vay không vượt quá lãi suất cơ bản cộng với biên độ nhất định. Đối với đồng Đôla, Quyết định 243/2000/QĐ-NHNN1 quy định: lãi suất cho vay của các TCTD được xác định căn cứ vào lãi suất Đôla Mỹ trên thị trường tiền tệ Ngân hàng Singapore (SIBOR) và cũng được phép dao động với một biên độ nhất định. Cùng ngày 2/8/2000, Thống đốc NHNN đã công bố chính thức lãi suất cơ bản và biên độ hiện hành như sau: -Đối với đồng Việt Nam, lãi suất cơ bản là 0,75% tháng, biên độ giao động là 0,3%/tháng đối với tín dụng ngắn hạn và 0,5%/tháng đối với lãi suất cho vay trung, dài hạn. Lãi suất cho vay và lãi suất huy động của TCTD gắn với lãi suất cơ bản, theo đó lãi suất cho vay của TCTD cao nhất bằng lãi suất cơ bản cộng(+) tỷ lệ phần trăm. Lãi suất cơ bản và biên độ được công bố định kỳ hàng tháng, trường hợp cần thiết NHNN sẽ công bố điều chỉnh kịp thời. -Đối với lãi suất cho vay bằng ngoại tệ: + Cho vay bằng đôla Mỹ: bỏ việc quy định trần lãi suất cho vay của NHTM đối với khách hàng, chuyển sang cơ chế lãi suất linh hoạt phù hợp với thị trường quốc tế nhưng vẫn có sự kiểm soát của NHNN, cụ thể lãi suất cho vay ngắn hạn( từ 1 năm trở xuống) không vượt quá mữc SIBOR ( lãi suất thị trưòng tiền tệ liên ngân hàng Singapore ) kỳ hạn 3 tháng 1,0% /năm, lãi suất cho vay trung dài hạn không vượt quá mức SIBOR kỳ hạn 6 tháng+ 0,5% /năm. + Cho vay bằng các ngoại tệ khác: Do chiếm tỷ lệ nhỏ trong hoạt động tiền gửi và tín dụng trên thị trường, nên cho phép các NHTM tự xem xét quyết định lãi suất tiền gửi, cho vay của các loại ngoại tệ này trên cơ sở lãi suất quốc tế và cung cầu vốn tín dụng của từng loại ngoại tệ đó. Với quy định về lãi suất cơ bản và biên độ như trên là phù hợp với mặt bằng lãi suất đã và đang được hình thành trên thị trường nông thôn và thành thị hiện nay, không tác động làm thay đổi lãi suất thị trường và không tạo tâm lý về việc NHNN tăng trần lãi suất. Như vậy, so với cơ chế trần lãi suất tín dụng, cơ chế lãi suất cơ bản có một số ưu điềm sau: - Thứ nhất, nền tảng thị trường đã được đưa vào cơ chế xác định lãi suất cơ bản - Thứ hai, môi trường cho việc ấn định lãi suất kinh doanh của các TCTD được mở rộng. Nếu như trước đây, các TCTD chỉ được phép ấn định lãi suất kinh doanh thấp hơn trần lãi suất tín dụng, thì với cơ chế lãi suất mới này, các TCTD được phép ấn định lãi suất kinh doanh cả ở trên và dưới lãi suất cơ bản, trong đó giới hạn trên là lãi suất cơ bản cộng với biên độ giao động. - Thứ ba, lãi suất kinh doanh của các TCTD có thể là lãi suất cơ bản hoặc là lãi suất thả nổi. Việc đưa vào cơ chế lãi suất thả nổi là hoàn toàn hợp lý, nó không chỉ phù hợp với cơ chế thị trường, mà còn phù hợp với cơ chế lãi suất cơ bản mà NHNN sẽ tiến hành điều chỉnh hàng tháng trên cơ sở tham khảo lãi suất thị trường. - Thứ tư, phương án này một mặt không buông lỏng quản lý để lãi suât biến động tự do nhưng một mặt cũng không gây áp đặt lãi suất cứng nhắc, bỏ qua những tín hiệu thị trường. Sử dụng phương án này là sự kết hợp hài hoà giữa hai thái cực, tạo ra một hành lang phù hợp để xây dựng một môi trường cạnh tranh lành mạnh. Một số ngân hàng không thể sử dụng ưu thế về quy mô, tiềm lực tài chính, địa bàn hoạt động... của mình để giành khách hàng quá mức cho phép. Đồng thời quy định này cũng không làm triệt tiêu động lực cạnh tranh giữa các TCTD . Muốn nâng cao chất lượng phục vụ, các TCTD vẫn phải không ngừng tìm cách tối thiểu chi phí hoạt động, hạ mức lãi suất cho vay trong phạm vi quy định để ngày càng thu hút được nhiều khách hàng về phía mình. - Thứ năm, đã có cơ chế chính thức liên hệ lãi suất đồng đôla trong nước và lãi suất đồng đôla trên các thị trường quốc tế thông qua lãi suất đồng đôla trên thị trưòng tiền tệ Singapore. Chủ trương điều hành lãi suất của NHNN theo Luật NHNN về cơ bản là đúng, phù hợp với yêu cầu và các điều kiện hiện nay của các đối tượng hưởng lãi suất là người cho vay, người vay và các ngân hàng thương mại, các TCTD. Tuy nhiên bên cạnh những mặt ưu việt trên, việc quản lý của NHNN bằng lãi suất cơ bản đã bộc lộ một số nhược điểm không phù hợp với sự phát triển kinh tế, chưa tương xứng với những đòi hỏi bức xúc trong việc phát triển mạnh mẽ thị trường tiền tệ + Việc quy định lãi suất cơ bản như vậy sẽ tạo ra sự không thống nhất về lãi suất cho vay, lãi suất huy động vốn giữa các TCTD, tạo nên sự cạnh tranh không bình thường giữa các tổ chức này trên cùng địa bàn. Mặc dù theo quyết đinh 241/2000/QĐ-NHNN1 thì lãi suất cho vay tối đa là 1,05% /tháng( ngắn hạn) và 1,25%/ tháng ( trung vàdài hạn) nhưng thực tế cho vay của các Quỹ tín dụng nhân dân và các NHTMCP nông thôn vãn ở mức 1,5% / tháng, trong khi đó thu nhập của người nông dân thấp hơn dân cư thành thị, yêu cầu phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn đòi hỏi phải ưu tiên vốn tín dụng cho khu vực này. Giữa các NHTM với nhau, lãi suất cho vay và lãi suất huy động cũng rất khác nhau, ngay trong từng địa bàn, Nói chung lãi suất huy động của các NHTMCP cao hơn các NHTMQD từ 1%-1,5%/tháng trên cùng một địa bàn. Một số NHTMCP dùng lãi suất làm công cụđể cạnh tranh khách hàng với các NHTM khác do họ có lợi thế về tính linh hoạt trong điều hành lãi suất. Nhiều NHTM còn dùng lãi suất cho vay để thu hút khách hàngm nhất là các khách hàng lớn như các Tổng công ty 90-91, trong khi đó, các NHTMCP vốn ít phải chấp nhận lãi suất cao hơn nên rất khó khăn trong kinh doanh tiền tệ + Lãi suất hiện nay đã vượt quá tỷ lệ lạm phát, tỷ lệ lạm phát năm 1998=9,2%, năm 1999 là 0,1% và năm 2000là -0,1%. Trong khi đó, tỷlệ lãi suất huy động tiền gửi và lãi suất cho vay của các NHTM và các TCTD ngắn hạn và dài hạn đều cao hơn mức đó. Sự chênh lệch tỷ lệ lạm phát và lãi suất huy động, lãi suất cho vay như trên đã và đang tạo ra những mâu thuẫn trong hoạt động tín dụng của các NHTM và các TCTD. Tỷ lệ lạm phát thấp như ba năm vừa qua, bên cạnh mặt tích cực là ổn định giá trị đồng nội tệ cũng có mặt đáng quan tâm là thị trường trầm lắng, sức mua thấp, hàng hoá ứ đọng, dấu hiệu của những cơn sốt lạnh. Trong khi đó các doanh nghiệp lại phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao nên buộc họ phải tính toán và giảm mức vayvốn của ngân hàng để giảm chi phí do lãi suất cho vay vốn. Không ít doanh nghiệp thay vì việc vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh lại gửi tiền vào ngân hàng để được hưởng lãi suất đỡ rủi ro hơn so với mở rộng sản xuất kinh doanh trong điều kiệnthị trường trầm lắng, hàng hoá tồn kho còn nhiều. Hoạt động của các doanh nghiệp cũng có xu hướng chững lại rõ nét và xu hướng này cũng làm cho tình trạng các ngân hàng bị xấu đi. + Lãi suất cơ bản vẫn còn mang tính chất áp đặt hành chính, mặc dù đã tạo điều kiện cho các ngân hàng phát huy quyền tự chủ. Bởi vì thực tế thì cung cách điều hành bằng lãi suất cơ bản như hiện nay về nguyên tắc không káac là bao so với cơ ché quy định trần lãi suất cho vay mà chúng ta vẫn đang ạp dụng trong năm 1999. Mà như vậy, nó chưa thể giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn tại của cơ chế lãi suất trần. Có chăng chỉ là " bình cũ rượu mới " mà thôi. + Phương thức này có thể duy trì thói quen của các TCTD luônluôn chỉ muốn áp dụng lãi suất cho vay sát trần cao nhất để có lãi cao hoặc tập trung vốn đầu tư vào vùng kinh tế phát triển chấp nhận mức lãi suất cao, mà lơi là trong việc đầu tư vốn ưu tiên đến các vùng kinh tế khó khăn, kém phát triển mà yêu cầu phải cho vay với lãi suât thấp. Như vậy, chính sách lãi suất cơ bản mặc dù mới được vận dụng nhưng đã ít nhiều thể hiện những khiếm khuyết, sự không phù hợp với điều kiện hiện nay của Việt nam và đã bắt đầu có những phản ứng tiêu cực từ phía các TCTD và khách hàng. Đó là những vấn đề đặt ra cho NHNN có kế hoạch chỉ đạo khắc phục và bằng các chính sách đồng bộ hơn, tin rằng có thể giải quyết được . Nhưng trước khi đi tìm một chính sách lãi suất mới chúng ta hãy cùng nhau đánh giá thực trạng điều hành lãi suất ở Việt nam thời gian qua. V.Tác động của chính sách lãi xuất ở VN đến sự tăng trưởng kinh tế Sau 10 năm đổi mới cả tổ chức và cơ chế chính sách hoạt động ngân hàng sang cơ chế thị trường cĩng là 10 năm đổi mới việc điều hành chính sách lãi suất. Chính sách lãi suất của Nhà nước ta trong 10 năm qua phải nói là đã đổi mới rất mạnh mẽ nhưng cũng rất thận trọng, đi dần từng bước phù hợp với từng giai đoạn trên con đường tiến đến một chính sách lãi suất thị trường theo hướng tự do hoá lãi suất. Em xin đánh giá lại các bước đổi mới chính sách lãi suất trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt là thời kỳ từ 1996 đến nay để chúng ta có thể hình dung một cách rõ nét hơn các bước đi về lãi suất, từ đó rút ra những kinh nghiệm cho việc đề xuất một định hướng lãi suất kịp thời. Trong thời kỳ quan liêu trì trệ trước năm 1988, lãi suất của Việt Nam không theo quy luật lãi suất thực nên lãi suất âm do NHNN áp đặt là một trong những nguyên nhân gây và kéo dài lạm phát phi mã. NHNN lúc này qui định cụ thể các loại lãi suất tiền gửi và tiền vay để các NHTM thực hiện. Thực tế chính sách lãi suất trong giai đoạn này lâm vào một tình trạng chung là: người gửi tiền lỗ, ngân hàng lỗ và doanh nghiệp lỗ. Những khoản lỗ này được Nhà nước bù đắp cho ngành Ngân hàng và các doanh nghiệp quốc doanh bằng 2 cách: Phát hành tiền và vay nợ nước ngoài làm cho tình trạng càng khó khăn hơn. Mặc dù từ tháng 10/1986 đén 7/1987, NHNN đã 3 lần điều chỉnh lãi suất nhưng chính sách lãi suất trong thời kỳ này còn bộc lộ nhiều yếu điểm , chưa thực sự là công cụ tốt của chính sách tiền tệ, điều này thể hiện rõ nết qua việc Nhà nước còn phải bao cấp về tín dụng. Trước tình thế này, đến tháng 3/1989, với quyết định 39/HĐBT. qui luật lãi suất thực mới được công nhận, nhưng tư tưởng" Lãi suất ngân hàng phải áp sát lãi suất thị trường " ( lãi suất của nước hoa Thanh Hương đã bị ngộ nhận là lãi suất thị trường) đã dẫn đến lãi suất tiết kiệm cực kỳ cao 12% tháng dù tỷ lệ lạm phát nửa cuối năm 1988 chỉ còn 7%/tháng. Dù tháng 7/1989, NHNN đã hạ xuống 7% nhưng lãi suất cực kỳ cao vẫn còn ảnh hưởng đến tâm lý ngày nay: người đã gửi tiền luôn đòi hỏi lãi suất cao. Năm 1994, NHNN đã công bố chủ trương hạ lãi suất trong các cuộc họp Giám đốc đầu năm nhưng chủ trương này vẫn không thực hiện được với lý do tỉ lệ lạm phát bị đẩy lên cao gấp đôi năm 1993 mặc dù lạm phát vẫn gần với một con số. Trong giai đoạn này, NHNN vừa áp dụng lãi suất trần (cho vay), vừa áp dụng lãi suất thoả thuận. Cụ thể là trần cho vay doanh nghiệp Nhà nước là 1,8%/tháng, kinh tế ngoài quốc doanh là 2,1%/tháng. Trường hợp Ngân hàng không huy động đủ vốn để cho vay theo lãi suất quy định phải phát hành kỳ phiếu với lãi suất cao hơn thì được áp dụng lãi suất thoả thuận: lãi suất huy động có thể cao hơn lãi suất tiết kiệm cùng kỳ hạn là 0,2%/ tháng và cho vay cao hơn mức trần 2,1%/ tháng. Trong 3 năm chậm hạ lãi suất, tiền gửi của các NHTM chỉ sử dụng hết 1/2, cụ thể các NHTMCP từ chỗ sử dụng tiền gửi để cho vay tới 87,02% năm 1993, tụt xuống chỉ còn 74,75% năm94, 71,75% năm 95 và 58,98% vào giữa năm 96. Trong lãi suất thoả thuận, mức chênh lệch giữa sàn( tiền gửi) và trần ( cho vay) rất lớn, khoảng từ 0,7-1%/ tháng làm cho các NHTM có mức lợi nhuận quá cao, trong khi doanh nghiệp và hộ nông dân gặp nhiều khó khăn Các doanh nghiệp vay vốn đã è cổ ra gánh một lãi suất cao để trả lẫi cho người nước ngoài dem ngoại tệ vào đồi lấy VND để gửi tiết kiệm với lãi suất cao gấp 4-5 lần lãi suất thế giới. Từ thực tế này, Quốc hội khoá IX trong kỳ họp thứ 8, tháng 8/95 cùng với nghị quyết bỏ thuế doanh thu trong hoạt động tín dụng ngân hàng, đã yêu cầu Ngân hàng tiết kiệm chi phí hoạt động và khống chế mức chênh lệch lãi suất huy động và cho vay bình quân là 0,35%/tháng. Đây là duyên cớ để ra đời cơ chế trần lãi suất hoàn toànvà bãi bỏ lãi suất cho vay thoả thuận từ 01/01/1996. Theo quyết định số 381/QĐ-NH1 về việc điều chỉnh lãi suất tiền gửi, cho vay đối với các tổ chức kinh tế- xã hội dân cư, gồm có: - Lãi suất vay ngắn hạn tối đa: 1,75%/ tháng ( 21%/năm) - Lãi suất trung và dài hạn tối đa: 1,70% /tháng( 20,6%/năm) - Tỷ lệ chênh lệch giữa lãi suất huy động bình quân và lãi suất cho vay bình quân tối đa là 0,35%. Tổng giám đốc TCTD căn cứ vào trần lãi suất cho vay tối đa và tỷ lệ chênh lệch lãi suất bình quân trên để qui định các mức lãi suất tiền gửi và cho vay nhằm phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh của từng loại hình doanh nghiệp, điều kiện kinh doanh của từng ngân hàng, Quyết đình này đã đạt được một bước tiến về lãi suất, giao quyền chủ động cho các NHTM trong việc điều hành lãi suất theo tín hiệu thị trường, quan hệ cung-cầu vốn tín dụng, phù hợp với từng đặc điểm riêng của từng ngân hàng, từng khu vực kinh tế. Tuy vậy,nguồn vốn của các NHTM tăng chủ yếu là gia tăng nguồn vốn ngắn hạnvà đã dẫn tới hiện tượng một số NHTMQD thừa vốn ngắn hạn trong khi đó nhu cầu vốn trung và dài hạn cuả nền kinh tế còn thiếu nghiêm trọng. Đặc biệt việc giảm lãi suất cho vay ngắn hạn xuống 1,25%/ thángvà khống chế chênh lệch tối đa là 0,35%/ tháng thì Ngân hàng nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn vì họ không có được những lợi thế kinh doanh như các ngân hàng khác Năm 1996, NHNN tiếp tục ba lần điều chỉnh lãi suất và đến tháng 4/1998 NHNNđã diều chỉnh thêm hai lần lãi suất nữa. Như vậy, lãi suất cho vay trong năm 1996 đã được điều chỉnh giảm mạnh giúp cho các doanh nghiệp giảm được chi phí và giá thành trong việc vay vốn để sản xuất kinh doanh đồng thời mạnh dạn hơn trong việc thực hiện các dự án cho vay, đầu tư phát triển và đổi mới công nghệ. Thực ra, trước khi NHNN chính thức công bố lãi suất trần, các NHTM đã tiến hành điều chỉnh hạ thấp lãi suất cho vay để tăng cường thu hút khách hàng. Hiện tượng này diễn ra âm thầm, tự phát nhưng không kém phần quyết liệt và hầu hết tập trung ở các thành phố đô thị lớn nơi có nhiều hệ thống ngân hàng cạnh tranh, Vì vây, đã dẫn đến một nghịch lý: cường độ cạnh tranh cao thường hội tụ ở những nơi phồn hoa đô hội, người đi vay được hưởng rất nhiều từ sự cạnh tranh giảm giá lãi suất, Trong khi đó, khu vực nông thôn đang cần đến sự nâng đỡ lại phải chấp nhận mức lãi suất cao hơn(?) Đặc trưng lớn nhất của thị trường tín dụng Việt Nam lúc này là tính không hoàn hảo của nó: Phần lớn những địa bàn độc quyền lãi suất cho vay luôn đội "trần" , đan xen với những điaj bàn cạnh ttranh lãi suất cho vay có hiện tượng đạp " sàn". Năm 1997, với mức lạm phát thấp nhất từ trước đến nay, NHNN đẫ không bỏ qua cơ hội này liên tục điều chỉnh giảm lãi suất xuống đến mức thấp nhất vào tháng7/1997( trần lãi suất cho vay ngắn hạn 1%, trung và dài hạn 1,1% đồng thời cũng hạ các mức trần lãi suất cho vay ưu đãi khác) để kích thích kinh tế phát triển, nhưng các ngân hàng không tán thành vì họ cho rằng lúc này các nước phải nâng lãi suất tiền gửi để chống làn sóng rút tiền gửi ra mua USD. Để phòng ngừa cơn bão tiền tê có thể lướt qua, các ngân hàng trong nước cũng phải giữ lãi suất gần như cũ,đến mức lãi suất tiền gưỉ có kỳ hạn chỉ chênh với lãi suất cho vay từ 0,05% đến 0,1%/tháng gây lỗ về tín dụng. Vào năm1998, khu vực tiền tệ ngân hàng phải đối mặt với những hệ quả nghiêm trọng của khủng hoảng Châu á, áp lực giảm giá VND xuất hiện không chỉ bắt nguồn từ các hoạt động hữu hình, cụ thể là tình trạng xấu đi nhanh chóng của hoạt động đối ngoại ( năm1997, giá trị kim ngạch xuất khầu chỉ tăng 22% so với mức tăng 34,4% năm1995) mà hiệu ứng tâm lý lan truyền về sự phá giá của đồng VND tiếp theo làn sóng phá gía mạnh của hầu hết các đồng tiền Châu ấ đã gây ra những bất ổn trên thị trường ngoại hối. Tỷ giá liên ngan hàng luôn ở mức trần cho phép và tỷ giá thị trường tự do còn biến động cao hơn mức trần. Cộng thêm vào đó, tin tức các vụ Epco Minh phụng làm cho một số người đổ xô vào rút tiền gửi ở các ngân hàng mà họ nghi là có cho hai công ty này vay. Các ngân hàng này bị một phen hú vía, phải vay cào,vay cấu bên ngoài để đối phó kịp thời và khi đã giải thích làm dịu cơn sốt rút tiền thì đã phải tăng chi phí đến mức tỷ suất lợi nhuận giảm hẳn. NHNN Việt nam không có loại tín dụng điều chỉnh như ở Mỹ để ứng phó cho vay tiếp quỹ kịp thời vào những lúc khó khăn như vậy, lại thờ ơ với tình trạng phải giảm mạnh lợi nhuận nên các NHTM đã phản ứng khá mạnh với những câu đại loại như Ngân hàng mẹ mà không giúp đỡ Ngân hàng con. Trong bối cảnh như vậy,việc còn duy trì kiểm soát lãi suất là rất thiết thực, vì NHNN có thể ngay lập tức tăng giá trị tương đối của việc nắm giữ đồng nội tệ bằng cách tăng lãi suất các tài sản chính của hệ thống ngân hàng. Thực tế, NHNN đã phải sử dụng chính những công cụ này để hạn chế các dòng dịch chuyển nguồn tiền tệ, cụ thể là : - Tăng trần lãi suất tín dụng từ 1,1%/tháng lên 1,2%/tháng đối với tín dụng ngắn hạn và tử 1,2% lên 1,25%/ tháng đối với tín dụng trung và dài hạn. Nâng lãi suất tái cấp vốn của NHNN cho các TCTD từ 0,9% /tháng lên 1,1%/tháng theo quyết định số 40/1998/QĐ ngày 17/1/1998. - Giảm lãi suất ngoại tệ theo quyết định 309/1998/QĐ-NHNN1 ngày 10/9/1998. Theo quyết định này, trần lãi suất tiền gửi ngoại tẹ áp dụng đối với các loại hình không kỳ hạn, kỳ hạn 6 tháng và trên 6 tháng giảm xuống các mức tương ứng là 0,5%/năm, 3%/năm và 3,5%/năm . Năm 1999, NHNN tiếp tục thực hiện việc quản lý và điều hành chính sách lãi suất tín dụng theo cơ chế lãi suất trần và lãi suất tái cấp vốn đối với các TCTD. Trần lãi suất trong năm 1999 được NHNN điều chỉnh liên tục phù hợp với chỉ số lạm phát, quan hệ cung cầu vốn tín dụng tại từng thời điểm và góp phần thực hiện giải pháp kích cầu đầu tư của Chính phủ thông qua cơ chế nới lỏng lãi suất tín dụng, Có thể nói, đâylà năm NHNN điều chỉnh lãi suất tín dụng nhiều nhất từ trước đến nay, lãi suất năm 1999 luôn có xu hướng giảm sau các lần điều chỉnh, cụ thể như sau: Lạm phát âm xuất hiện và kéo dài liên tục trong nhiều tháng của năm1999, 2000, do đó đã phải giảm liên tục trần lãi suất tín dụng. Có đợt giảm lãi suất, NHNN còn qui định buộc các NHTM giảm ngay cả lãi suất dư nợ cho vay; trong khi đó, vốn huy động thời kỳ trước vẫn giữ nguyên cho đến lúc đáo hạn. Tình hình này làm các NHTM rơi vào tình trạng rủi ro lãi suất. Chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động vốn rất nhỏ, có khi không chênh lệch, thậm chí lãi suất cho thời kỳ hiện tại thấp hơn lãi suất huy động vốn của thời kỳ trước đó đang còn số dư có. Trường hợp khi NHNN qui định không giảm lãi suất đối với các khoản cho vay trước đây, người vay lập tức đến vay ở một ngân hàng khác có lãi suất thấp hơn để trả nợ cũ với lãi suất cao . Kết cục là rủi ro lãi suát luôn đắt gánh nặng lên các NHTM. Thêm vào đó, do mức độ điều chỉnh lãi suất từng lần của NHNN tương đối lớn và tần suất điều tiết của NHNN lớn nên thị trường , dư nợ tín dụng không có động cơ tăng( mặc dù lãi suất đã giảm mạnh) vì khách hàngvay hy vọng lãi suất sẽ tiếp tục giảm, và chính các TCTD cũng tạm ngừng huy động vốn có kỳ hạn ( 6 tháng và 9 tháng)với lý do tương tự làm tình trạng ứ đọng vốn vẫn còn rất gay gắt. Trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục rơi vào tình trạng trì trệ, đặc biệt là nền kinh tế thiếu các dự án khả thi, giảm phát kéo dài, thì việc hạ lãi suất là hoàn toàn đúng đắn. Vấn đề lại nằm ở chỗ các TCTD không chủ động giảm lãi suất như một biện pháp để cứu cánh cho chính họ ( trừ một vài ngân hàng) mà lại coi đó chỉ đơn thuần là biện pháp hỗ trợ nền kinh tế. Chính vì thế nên mặc dù trần lãi suất tín dụng đã được điều chỉnh giảm liên tục vào năm 1999, nhưng các TCTD hầu như không có phản ứng lãi suất đầu vào mặc dù ứ đọng vốn đã phổ biến. Phải đến lần điều chỉnh thứ ba của NHNN, các TCTD mới thực sự hạ lãi suất Điều này đẫ làm xấu thêm tình trạng tài chính của các TCTD. Không dừng lại ở đó, nguồn vốn huy động đã tăng mạnh như là kết quả của việc duy trì mức lãi suất tiền gửi trong khi lạm phát liên tục âm, làm trầm trọng hơn tình trạng ứ đọng vốn của hệ thống ngân hàng và chủ trương kích cầu cũng bị hạn chế. Như vậy, cơ chê trần lãi suất tín dụng dường như không thích hợp với môi trường kinh tế vĩ mô thay đổi thường xuyên như ở Việt nam. Nền kinh tê vĩ mô mặc dù đã có những cải thiện đáng ghi nhận nhưng vẫn chưa thực sự đi vào ổn định. Giảm phát liên tục trong năm 1999 và năm 2000 buộc NHNN đã phải 5 lần điều chỉnh hạ trần lãi suất cho vay để " chạy theo" lãi suất cho vay của các TCTD. Điều đó cho thấy công cụ điều hành lãi suất của NHNN bằng việc qui định trần lãi suất cho vay đối với các TCTD đã trở nên kém hiệu lực, không còn phát huy vai trò là cơ sở điều chỉnh lãi suất trên thị trường. Vì thê, ngày 2/8/2000, Thống đốc NHNN đã ban hành các Quyết định về việc thay đổi cơ chế điều hành lãi suất có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/8/2000, chính thức đưa một loại lãi suất mới, lãi suất cơ bản vào vận hành. Theo đó lãi suất cơ bản do Thống đốc NHNN qui định hàng tháng, trên cơ sở tham khảo mức lãi suất cho vay thương mại đối với khách hàng tốt nhất của nhóm các TCTD được lựa chọn theo quyết định của Thống đốc NHNN trong từng thời kỳ. Các TCTD ấn định lãi suất cho vay trên cơ sở lãi suất cơ bản do NHNN công bố nhưng không vượt quá lãi suất cơ bản cộng với biên độ nhất đinh. Cụ thể là với đồng VND, lãi suất cơ bản là 0,75%/tháng, biên độ giao động là 0,3%/tháng đối với tín dụng ngắn hạn và 0,5%/tháng đối với tín dụng trung và dài hạn. Như chúng ta đã biết, lãi suất cơ bản là một bước tiến trong tiên trình tự do hoá lãi suất ở Việt nam vì nó cho phép các TCTD tự do và linh hoạt hơn trong việc ấn định lãi suất kinh doanh, đồng thời giảm bới tính áp đặt, cưỡng chế của NHNN đối với một công cụ rất nhạy cảm là lãi suất, làm cho lãi suất bám sát tín hiệu thị trường hơn, bám sát quan hệ cung cầu về vốn. Tuy nhiên, với những hạn chế của lãi suất cơ bản mà chúng ta đẫ đề cập đến ở Chương I có thể thấy bản chất của việc quản lý bằng lãi suất cơ bản không khác so với chính sách trần lãi suất. Nó không đáp ứng được yêu cầu của thời diểm hiện tại là tạo thành chiéc" van" kìm hãm sự cạnh tranh thái quá giữa các TCTD khi các TCTD đều muốn hạ thấp lãi suất cho vay để thu hút khách hàng nhằm đẩy mạnh dư nợ cho vay của đon vị này, có khả năng dẫn đến sự suy yếu của hệ thống ngân hàng. Hơn nữâ, thực tế vận hành lãi suất cơ bản cũng cho thấy cơ chế này không phải là tối ưu, thể hiện ở quan hệ cung cầu và lãi suât ngày càng phức tạp. Trong khoảng 2/3 thời gian năm2000, vốn VND ứ đọng thể hiện số dư tài khoản VND của cácNHTM tại NHNN lên tới hàng chục tỷ đồng. Để giải toả nguồn vốn ứ đọng này, các NHTM đã tận dụng triệt để phương châm" thà cho vay, đầu tư với lãi suất thấp tới 0,4%/tháng còn hơn là để vốn chết tại NHNN hưởng lãi suất 0,1%/ tháng". Khai thác triệt để nguồn vốn VND dư thừa mà các ngân hàng muốn giải phóng, Kho bạc Nhà nước luôn đặt mức ;ãi suất trúng thầu tín phiếu Kho bạc Nhà nước trung bình 0,34%-0,35%/tháng trong thời gian dài mà các NHTM vẫn phải chấp nhận, thậm chí còn xuống tới 0,408%/tháng. Mức lãi suất cho vay sản xuất, thương mại,dịch vụ, đầu tư trung- dài hạn trung bình 0,7-0,73%/tháng nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng chưa có ý nghĩa, dấu hiệu ứ đọng vốn tại các NHTM vẫn lớn. Trong 4 tháng đầu năm, vốn huy động tăng 12.3% trong khi dư nợ tín dụng tăng 5,8%. Trong bối cảnh đẩy mạnh cho vay khách hàng trở nên khó khăn, các ngân hàng đã hạ lãi suất huy động và giữ ổn định trong khoảng 2/3 thời gian đầu năm2000. Mức lãi suất huy động VND cho kỳ hạn 12 tháng trong thời gian này là 0,5% đối với các NHTMQD, các NHTMCP huy động với mức 0,55-0,57%/tháng. Tuy nhiên, cuộc chiến hạ lãi suất cho vay khách hàng đã giảm tốc độ lại và chuyển sang khu mới trong những tháng cuối năm 2000. Trong thời gian này, hầu như mặt bằng lãi suất huy động VND đã tăng cao trên cả hai khu vực: NHTMQD và NHTMCP phản ánh sự thiếu hụt vốn VND đã xuất hiện. Lãi suất cho vay theo đó cũng đã nhích lên so với đầu năm 2000, mức lãi suất cho vay trung bình đã đựoc dịch chuyển0,68-0,7%/tháng lên 0,73-0,75%/tháng. Mặc dù sự dịch chuyển lãi suất này là nhỏ và chưa vượt quá biên độ giao động cho phép của lãi suất cơ bản, song có thể thấy quan hệ cung cầu về vốn sẽ ngày càng phức tạp và sự biến động tỷ giá có thể sẽ rất lớn do NHNN Mỹ cắt giảm lãi suất tái chiết khấu trong mấy tháng vừa qua nên lãi suất ở Việt nam sẽ còn tiếp tục biến đổi theo chiều hưóng khó lường. Cộng thêm với những tồn tại, hạn chế của chính sách lãi suất cơ bản như chúng ta đã phân tích càng đặt ra yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải tìm cho được một cơ chế lãi suất mới phù hợp với điều kiện hoàn cảnh Việt nam và xu thế tự do hoá lãi suất trên thế giới. Sự ra đời của lý thuyết tự do hoá tài chính mà một trong những nội dung cơ bản của nó là tự do hoá lãi suất đã tạo ra trào lưu tự do hoá lãi suất trên thế giới. Bên cạnh một số nước đã thực hiện thành công như Đài Loan, Singapore lại có hàng loạt nước đã rơi vào khủng hoảng như Philipin, Chilê, Achentina. Tuy nhiên,tự do hoá lãi suất vẫn là mục tiêu cần đạt tới không chỉ vì những ưu điểm lý thuyết của nó mà là tính hiệu quả của các nền kinh tế thị trường phát triển_ở đó lãi suất thị trường được tự do hoá. NHTƯ sẽ tác động gián tiếp lên lãi suất chủ yếu dựa trên các công cụ kiểm soát tiền tệ gián tiếp ( định hướng thị trường) như nghiệp vụ thị trường mở , tái chiết khấu, hoạt động mua bán lại mà một phần dựa vào áp đặt tỷ lệ dự trữ bắt buộc . Kết luận :Không còn nghi ngờ gì nữa, tự do hoá lãi suất là một tiến trình tất yếu, là yêu cầu bức xúc để hoà nhập với thế giới bên ngoài. Nhưng trước trước khi thực hiện được cơ chế này, nhất thiết phải có một bước đệm chuyển tiếp để cho việc vận nó không gây ra những xáo trộn trong nền kinh tế. Đó chính là con đường tự do hoá lãi suất có sự điều tiết của NHNN Việt Nam. Trong tiến trinh đó, ngoài hệ thống các Ngân hàng thương mại, Ngân hàng Trung Ương có một vài trò không thể thay thế, nhằm tác động hỗ trợ các yếu tố cạnh tranh trên thị trường. Với chức năng người buôn tiền bât vụ lợi được quốc gia giao phó, Ngân hàng Nhà nước sẽ có nhiệm vụ can thiệp bình ổn cũng như kiềm chế những bất trắc nguy hiểm khôn lường có thể xảy ra trên thị trường lãi suất đầy sôi động, phức tạp. Mục lục I.Khái niệm và căn cứ xác định lãi xuất cơ bản. 1.1 Khái niệm và bản chất của lãi xuất cơ bản. Những căn cứ xác định lãi xuất cơ bản. II.Một số cách hiểu về lãi xuất cơ bản. 2.1 Lãi xuất cơ bản là lãi xuất tái cấp vốn. 2.2 Lãi xuất cơ bản là lãi suất cho vay tối đa. 2.3 Lãi xuất cơ bản là lãi xuất tiền gửi tối đa. III.Các yêu cầu đối với lãi xuất cơ bản. IV. Ưu nhược điểm của việc quản lý bằng lãi xuất cơ bản. V.Tác động của chính sách lãi xuất ở Việt nam đến sự tăng trưởng kinh tế. Tài liệu tham khảo Frederic S.Mishkin- Tiền tệ, ngân hàng và thị trường tài chính- NXB Khoa học và kỹ thuật-1999 Lý thuyết tài chính tiền tệ-PTS Nguyễn Ngọc Hùng-NXB Thống Kê Luật Ngân hàng Nhà nước và các Tổ chức tín dụng Tạp chí Ngân hàng: Số 18/1999; Số 7/1999; Số 3/2000; Số 4/2000; Số 6/2000; Số 8/2000; Số 1/2001 Tạp chí Thị trường Tài chính-tiền tệ:Số 3/1999; Số 9/1999; Số 7/2000; Số 1/2001 Tạp chí Tài chính: Số 9/2000

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docL0851.doc
Tài liệu liên quan