Đề tài Thực trạng và giải pháp cho thị trường sơ cấp ở Việt Nam

Cải cách thủ tục hành chính trong phát hành chứng khoán, dần xoá bỏ cơ chế “xin – cho” và thay bằng cơ chế đăng ký phát hành chứng khoán theo hướng đơn giản hoá thủ tục và rút ngắn thời gian chờ đợi. Việc làm này góp phần giảm bớt can thiệp hành chính của Nhà nước, đồng thời tạo tính chủ động cho các công ty nhưng vẫn duy trì được vai trò giám sát vĩ mô của Nhà nước đối với quá trình phát hành chứng khoán của các công ty cổ phần.

doc15 trang | Chia sẻ: ndson | Lượt xem: 1590 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Thực trạng và giải pháp cho thị trường sơ cấp ở Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỤC LỤC I. Tổng quan về thị trường sơ cấp ở Việt Nam 4 1. Khái niệm 4 2. Chức năng 4 3. Vai trò 6 4. Đặc điểm 6 5. Các chủ thể phát hành chứng khoán 6 6. Các phương thức phát hành chứng khoán 7 II. Thực trạng của thị trường sơ cấp ở Việt Nam 8 1. Giai đoạn 2000 – 2002 : giai đoạn ì ạch của thị trường sơ cấp 8 2. Giai đoạn 2002 – 2005 : trách nhiệm tạo hàng của UBCK Nhà nước và CTCK cho TTCK 9 3. Giai đoạn 2005 đến nay : giai đoạn bắt đầu đi vào “quỹ đạo” 10 III. Giải pháp 15 LỜI NÓI ĐẦU Thị trường chứng khoán ban đầu phát triển một cách rất tự phát và sơ khai, xuất phát từ một nhu cầu đơn lẻ từ buổi ban đầu. Sự phát triển thị trường ngày càng mạnh về cả lượng và chất với số thành viên tham gia đông đảo và nhiều nội dung khác, vì vậy theo tính chất tự nhiên nó lại được phân ra thành nhiều thị trường khác nhau như: thị trường giao dịch hàng hoá, thị trường hối đoái, thị trường chứng khoán… với đặc tính riêng của từng thị trường thuận lợi cho giao dịch của người tham gia trong đó. Tuy nhiên, nói đến thị trường chứng khoán, người ta thường nghĩ ngay đến thị trường thứ cấp - sở giao dịch chứng khoán mà rất ít khi đả động đến thị trường sơ cấp. Thế nhưng trên thực tế, thị trường sơ cấp lại là một bộ phận không thể tách rời của thị trường chứng khoán. Chính vì vậy, để phát triển thị trường chứng khoán, công việc đầu tiên và vô cùng quan trọng là xây dựng và phát triển thị trường sơ cấp. Trong phạm vi đề tài của mình chúng tôi xin đóng góp một vài ý kiến về thực trạng và giải pháp cho thị trường sơ cấp ở Việt Nam. I. Tổng quan về thị trường sơ cấp ở Việt Nam: 1. Khái niệm: Thị trường sơ cấp là thị trường mua bán lần đầu các chứng khoán mới phát hành. Thị trường sơ cấp còn có tên là thị trường cấp một hay thị trường phát hành. Điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất giữa thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp đó là: ở thị trường sơ cấp tổ chức phát hành thu được tiền từ đợt phát hành còn thị trường thứ cấp thì không. 2. Chức năng: Đối với nền kinh tế quốc dân: Thứ nhất, thị trường sơ cấp đóng vai trò huy động vốn cho nền kinh tế bằng việc tạo ra nhiều cơ hội đầu tư cho những người có tiền nhàn rỗi. Không những thế, thị trường sơ cấp còn là một kênh phân bổ vôn vô cùng hiệu quả. Do đó thị truờng sơ cấp không chỉ đóng vai trò tập hợp các nguồn vốn mà nó còn là công cụ mà tất cả các nền kinh tế thị trường đều sử dụng nhằm tăng cường hiệu quả của nền kinh tế. Đối với Việt Nam, bằng việc huy động và phân bổ vốn có hiệu quả, thị trường sơ cấp có một ý nghĩa rất lớn lao trong công cuộc công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. Nếu chúng ta có thể xây dựng được một thị trường chứng khoán sơ cấp có hiệu quả trong việc huy động vốn trong nước, nền kinh tế Việt Nam sẽ có sự độc lập cao hơn về vốn và sẽ ít chịu ảnh hưởng bởi các cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính quốc tế trong tương lai. Ngoài ra, thông qua quy chế về công bố thông tin trên thị trường các nhà đầu tư Việt Nam có cơ hội đánh giá được công ty nào tốt để đầu tư. Việc này giúp cho các nguồn lực xã hội được phân bổ và sử dụng có hiệu quả, tạo ra nhiều giá trị cho đất nước. Đối với Chính Phủ: Do thu hút được nguồn vốn khổng lồ của nền kinh tế và nguồn vốn từ nước ngoài qua việc phát hành trái phiếu, thị trường sơ cấp giúp Chính Phủ giải quyết được các vấn đề thiếu hụt ngân sách, có thêm vốn để thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mà không phải phát hành thêm tiền tạo ra sức ép về lạm phát. Chính vì lẽ đó ngày nay ở hầu hết các quốc gia việc Chính Phủ phát hành trái phiếu qua thi trường sơ cấp để vay tiền của dân là hoạt động diễn ra rất thường xuyên, theo một kế hoạch xác định nằm trong kế hoạch tổng thể của chiến lược huy động vốn của quốc gia. Việc phát hành trái phiếu của Chính Phủ còn là một biện pháp ổn định kinh tế. Do lãi suất của trái phiếu Chính Phủ ảnh hưởng lớn đến khả năng tiết kiệm, đầu tư vào tổng cung tiền tệ của nền kinh tế. Đối với các doanh nghiệp: Đối tượng quan trọng nhất của thị trường sơ cấp là các doanh nghiệp. Thị trường này mang lại sự chủ động và linh hoạt rõ ràng trong hoạt động. Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận với một kênh huy động vốn linh hoạt và hiệu quả hơn. Với những nguồn vốn dài hạn và ổn định khi huy động vốn trên thị trường chứng khoán sơ cấp giúp các doanh nghiệp không phải quá lo lắng về thời gian hoàn trả như khi đi vay vốn ngân hàng. Trong trường hợp của Việt Nam đang chuyển sang cơ chế thị trường, nhiều doanh nghiệp và các nhà quản lý doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận với phương thức quản lý mới và hiệu quả. Sự ra đời của thị trường sơ cấp nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung với các định chế về tỏ chức và pháp luật còn giúp cho các doanh nghiệp làm quen với các phương thức quản lý hiện đại và hoạt động có hiệu quả hơn. 3. Vai trò của thị trường sơ cấp: - Chứng khoán hoá nguồn vốn cần huy động, vốn của công ty được huy động qua việc phát hành chứng khoán. - Thực hiện quá trình chu chuyển tài chính, trực tiếp đưa các khoản tiền nhàn rỗi tạm thời trong dân chúng vào đầu tư, chuyển tiền sang dạng vốn dài hạn. 4.Đặc điểm: - Thị trường sơ cấp là nơi duy nhất mà các chứng khoán đem lại vốn cho người phát hành, là thị trường tạo vốn cho đơn vị phát hành đồng thời cũng tạo ra hàng hoá cho thị trường giao dịch. Trên bình diện toàn bộ nền kinh tế thị trường sơ cấp làm tăng vốn đầu tư. - Những người bán chứng khoán trên thị trường sơ cấp được xác định thường là: kho bạc, ngân hàng Nhà nước, công ty phát hành, tập đoàn bảo lãnh phát hành… - Giá chứng khoán trên thị trường sơ cấp do tổ chức phát hành quy định và thường được in ngay trên chứng khoán. 5.Các chủ thể phát hành chứng khoán: - Chính phủ: Chính quyền từ Trung ương đến địa phương là một trong những chủ thể phát hành nhiều nhất của thị trường. - Các doanh nghiệp: Tại Việt Nam, chỉ có các công ty cổ phần được thành lập mới hoặc do cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước là được phép phát hành cả cổ phiếu lẫn trái phiếu. Doanh nghiệp Nhà nước và các công ty trách nhiệm hữu hạn được phép huy động vốn bằng việc phát hành trái phiếu. Các doanh nghiệp tư nhân và hợp tác xã không được phép phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào trên thị trường. - Quỹ đấu tư: Quỹ đầu tư cũng là một chủ thể đóng vai trò rất lớn trên thị trường chứng khoán sơ cấp. Để giúp các nhà đầu tư nhỏ, cá thể phân tán rủi ro và giảm chi phí đầu tư, các công ty quản lý quỹ liên tục thành lập các quỹ đầu tư mới và phát hành các chứng chỉ quỹ ra công chúng. Hiện tại có rất nhiều hình thức thành lập quỹ đầu tư chứng khoán. Tuỳ theo từng mô hình mà cách thức phát hành chứng chỉ đầu tư của các quỹ này cũng khác nhau. 6.Các phương thức phát hành chứng khoán: - Phát hành riêng lẻ: Là việc phát hành trong đó chứng khoán được bán trong phạm vi một số người nhất định. Chứng khoán phát hành theo hình thức này không phải là đối tượng được niêm yết và giao dịch trên thị trường chứng khoán sơ cấp. - Phát hành ra công chúng: Là việc bán chứng khoán rộng rãi ra cho một số lượng lớn công chúng đầu tư, trong đó một tỷ lệ nhất định chứng khoán phải được phân phối cho các nhà đầu tư nhỏ. Tổng giá trị chứng khoán phát hành cũng phải đạt mức nhất định. Việc phát hành ra công chúng được phân biệt giữa phát hành cổ phiếu và phát hành trái phiếu: * Phát hành cổ phiếu ra công chúng được thực hiện thneo một trong hai phương thức: + Phát hành lần đầu ra công chúng ( IPO) : là việc phát hành trong đó cổ phiếu của công ty lần đầu tiên được bán rộng rãi cho công chúng đầu tư. Nếu cổ phần được bán lần đầu cho công chúng nhằm tăng vốn thì đó là IPO sơ cấp, còn khi cổ phần được bán lần đầu từ số cổ phần hiện hữu thì đó là IPO thứ cấp. + Chào bán sơ cấp (phân phối sơ cấp) : là đợt phát hành cổ phiếu bổ sung của công ty đại chúng cho rộng rãi công chúng đầu tư. * Phát hành trái phiếu ra công chúng được thực hiện bằng một phương thức duy nhất đó là chào bán sơ cấp II. Thực trạng của thị trường sơ cấp ở Việt Nam: 1. Giai đoạn 2000-2002 : giai đoạn ỳ ạch của thị trường sơ cấp Thực tế cho thấy trong giai đoạn này, trong khi hoạt động của thị trường thứ cấp diễn ra liên tục và có nhiều giai đoạn khá sôi động thì thị trường sơ cấp lại vận hành khá chậm chạp và gần như rơi vào tình trạng “đóng băng” kéo dài. - Đối với thị trường cổ phiếu, kể từ khi chính thức ra đời cho đến hết năm 2001 đã có tới 9 công ty niêm yết trên trung tâm giao dịch chứng khoán TP HCM nhưng tuyệt nhiên không có một công ty nào trong số này đã từng một lần phát hành cổ phiếu để huy động vốn. Thị trường sơ cấp chỉ được khởi động vào đầu năm 2002 khi mà HAPACO phát hành một đợt cổ phiếu với số lượng một triệu cổ phiếu mới. Cho đến năm 2002 thì đã có tới 17 công ty niêm yết nhưng ngoài HAPACO mới chỉ có REE là công ty thứ 2 được phép phát hành một đợt cổ phiếu bổ sung với số lượng 7,5 triệu cổ phiếu. - Đối với thị trường trái phiếu sơ cấp, mặc dù mới có hai loại trái phiếu niêm yết trên TTGDCK TPHCM (trái phiếu Chính Phủ và trái phiếu Ngân hàng đầu tư và phát triển) nhưng đã có khá nhiều lần hai tổ chức này phát hành trái phiếu trên TTCK để huy động vốn. Nhà nước đã huy động được trên 3000 tỷ đồng thông qua các đợt tổ chức đấu thầu trái phiếu Chính Phủ. Tuy nhiên nhìn chung, trái phiếu Chính Phủ vẫn chưa đến được công chúng đầu tư, bởi lẽ một mặt các tổ chức trúng thầu chỉ bán lại nhỏ giọt trên thị trường thứ cấp, mặt khác công chúng đầu tư cũng không mặn mà với mặt hàng này vì lãi suất thấp. Ngân hàng Đầu tư phát triển cũng đã tổ chức thành công một số đợt phát hành trái phiếu trên TTCK và đã huy động trên 150 tỷ đồng, nhưng mặt hàng này chưa thực sự hấp dẫn công chúng đầu tư. Có thể nói rằng thị trường sơ cấp trong giai đoạn này cả về cổ phiếu và trái phiếu hoạt động còn khá mờ nhạt, chưa phát huy được chức năng và vai trò vốn có của mình chưa thực sự trở thành kênh huy động vốn dài hạn quan trọng trong nền kinh tế. 2. Giai đoạn 2002 – 2005 : trách nhiệm tạo hàng của UBCK Nhà nước và công ty CK cho TTCK. Trước hết, phải nói rằng, chức năng “tạo hàng” đúng là của các CTCK, còn UBCK Nhà nước (SSC) có làm việc này thì tính chất và phạm vi khác với các CTCK, mà chủ yếu là thông qua việc đề xuất chính sách khuyến khích niêm yết và hoạt động tuyên truyền, thuyết phục. Chức năng “tạo hàng” như vậy không phải do SSC tự nhận, mà đó là một nội dung trong nhiệm vụ xây dựng và tổ chức thị trường được quy định trong các văn bản pháp quy về tổ chức và hoạt động của SSC kể từ ngày đầu thành lập. Việt Nam là một trong số rất ít nước và vùng lãnh thổ (như Đài Loan, Ba Lan) đã thành lập ủy ban chứng khoán trước khi ra đời TTCK. Do vậy, trước khi có thể thực hiện chức năng quản lý và giám sát thị trường, nhiệm vụ hàng đầu của SSC là xây dựng và tổ chức thị trường, trong đó, có nhiệm vụ tạo hàng cho thị trường. Thực tế cho thấy, do những bất cập trong hệ thống luật pháp và cải cách thể chế của nước ta mà nhiệm vụ tạo hàng của SSC chỉ đạt được những kết quả rất hạn chế. Mặc dù tiêu chuẩn niêm yết ở TTCK Việt Nam thuộc vào loại đơn giản và dễ dãi nhất thế giới, Nhà nước lại dành ưu đãi thuế đáng kể cho các công ty niêm yết, SSC và các CTCK rất tích cực tiếp xúc, tuyên truyền cho các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, nhưng sau hơn 4 năm hoạt động, TTCK Việt Nam chỉ có 26 công ty niêm yết. Số lượng các công ty niêm yết còn ít ỏi, chứng tỏ đại đa số doanh nghiệp chưa thấy lợi ích của việc niêm yết lớn hơn lợi ích của việc không phải công khai, minh bạch. Thậm chí, có công ty niêm yết cảm thấy mình bị “ra ánh sáng” quá gắt, trong khi môi trường xung quanh thì tù mù, nhộn nhạo. Thực vậy, hầu hết các doanh nghiệp phát hành chứng khoán ra công chúng không phải thực hiện công khai thông tin tài chính có kiểm toán và tuân thủ quy trình phát hành, nhằm bảo vệ lợi ích người đầu tư. Do đó, phần lớn các tổ chức phát hành cũng chẳng cần đến nghiệp vụ bảo lãnh phát hành của CTCK và việc phát hành ra công chúng của các doanh nghiệp cổ phần hoá, của các tổ chức tín dụng cũng không được gắn với việc niêm yết trên TTCK. Khi đã trở thành công ty đại chúng, doanh nghiệp cũng chẳng phải công bố thông tin thường xuyên và chịu sự giám sát của SSC như ở các nước khác. Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ tạo hàng của SSC chỉ có thể là tuyên truyền, vận động các bộ, ngành và doanh nghiệp, chứ không thể áp đặt mệnh lệnh hành chính; còn chức năng tạo hàng vốn có của các CTCK cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nhằm tiến tới từng bước quản lý việc phát hành chứng khoán ra công chúng, Nghị định 144/2003 đã quy định tổ chức phát hành chứng khoán ra công chúng phải đáp ứng các điều kiện quy định và phải đăng ký với SSC. Phát hành chứng khoán ra công chúng là việc chào bán một đợt chứng khoán có thể chuyển nhượng được thông qua tổ chức trung gian cho ít nhất 50 nhà đầu tư ngoài tổ chức phát hành. Tuy nhiên, quy định trên chỉ có hiệu lực đối với các doanh nghiệp chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp, còn đối tượng lớn nhất là các doanh nghiệp cổ phần hoá và các tổ chức tín dụng thì lại nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Nghị định 144. Hơn nữa, các tổ chức phát hành thuộc diện điều chỉnh của Nghị định 144 cũng dễ dàng lách luật để thoát khỏi sự quản lý của nhà nước, nếu họ phát hành chứng khoán cho công chúng mà không sử dụng tổ chức trung gian. Đó là lý do giải thích tại sao cho đến nay, chưa có tổ chức phát hành nào thực hiện đăng ký với SSC, ngoài các công ty đã niêm yết trên TTCK. Tuy nhiên, do “phẩm cấp” pháp lý của Nghị định thấp hơn nhiều văn bản pháp lý khác hiện hành, đồng thời do nhận thức của các bộ, ngành về sự cần thiết quản lý hoạt động phát hành chứng khoán ra công chúng còn có nhiều điểm chưa thống nhất, nên những hạn chế nêu trên là điều không tránh khỏi. Đối với các doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hoá, Nghị định 187/2004 vừa được ban hành đã có một bước tiến đáng kể so với Nghị định 64/2002 trước đây trong việc yêu cầu doanh nghiệp công khai một số thông tin chủ yếu cho các nhà đầu tư trước khi thực hiện việc bán cổ phần. Tuy nhiên, doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá qua phát hành cổ phiếu cho công chúng không bắt buộc phải kiểm toán báo cáo tài chính và chuẩn bị bản cáo bạch đầy đủ để công khai cho công chúng, đồng thời phương thức bán cổ phần ra ngoài doanh nghiệp được quy định chung cho mọi đối tượng là phương thức đấu giá. Trong những điều kiện đó, các doanh nghiệp có thể cần đến nghiệp vụ tư vấn và định giá của các CTCK, nhưng sẽ chẳng có nhiều doanh nghiệp cần đến nghiệp vụ bảo lãnh phát hành và cũng chẳng có gì đảm bảo là việc cổ phần hoá sẽ được gắn với niêm yết, vì sau cổ phần hoá, các công ty cổ phần đại chúng không có nghĩa vụ công bố thông tin thường xuyên nếu không niêm yết. Như vậy, có thể nói những “lỗ hổng” trong luật pháp điều chỉnh hoạt động phát hành chứng khoán ra công chúng vẫn còn khá lớn và vượt quá tầm của SSC, mặc dù với trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ (trước đây) và cho Bộ Tài chính (hiện nay), SSC đã nhiều lần nêu kiến nghị và đề xuất trong các kế hoạch chiến lược và đề án tạo hàng. Trong phạm vi thẩm quyền của mình, SSC đã rà soát và chỉnh sửa các quy định, thủ tục liên quan đến việc xử lý các hồ sơ niêm yết theo hướng đơn giản hoá. Tuy nhiên, những cố gắng nêu trên của SSC không thay thế được các giải pháp về cơ chế, chính sách để có thể thúc đẩy hoạt động tạo hàng và bảo lãnh phát hành của CTCK như mong muốn. Còn nếu tính đến chuyện hạ thấp hơn nữa tiêu chuẩn niêm yết thì sẽ khó mà đảm bảo được mục tiêu “duy trì thị trường an toàn và phát triển ổn định”. Hơn nữa, đó sẽ là việc làm đi ngược lại yêu cầu của các cam kết hội nhập quốc tế và liên kết khu vực mà chúng ta đang theo đuổi. Qua những phân tích trên đây, có thể thấy, những yếu tố cơ bản đang cản trở nỗ lực tạo hàng của các CTCK cũng như của SSC là thuộc về môi trường thể chế và pháp lý còn nhiều bất cập hiện nay, đặc biệt là việc thả nổi các hoạt động và các tổ chức phát hành chứng khoán ra công chúng. Điều đáng lo ngại hơn nữa là việc thiếu sự quản lý nhà nước thống nhất đối với hoạt động phát hành chứng khoán đang tạo thuận lợi cho các hiện tượng thông tin sai lệch, xung đột lợi ích, thậm chí là lừa đảo trong hoạt động phát hành. 3. Giai đoạn 2005 đến nay : giai đoạn bắt đầu đi vào “quỹ đạo” Quyền lợi của các cổ đông nhỏ dưới “làn sóng” phát hành cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ cốt cán: Thông thường phát hành cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ điều hành được thực hiện theo một trong các phương thức sau: + Cấp quyền mua cổ phiếu: Công ty cho các cán bộ điều hành và nhân viên chủ chốt quyền được mua một số lượng CP nhất định theo một giá nhất định. Thông thường đó là giá thị trường tại ngày cấp (ví dụ ngày 1.3.2007). Các cán bộ chỉ được thực hiện quyền này (nghĩa là mua CP) sau một thời gian nhất định (ví dụ sau ngày 28.2.2009) và trong một khoảng thời gian nhất định (ví dụ trước ngày 28.2.2010). Họ sẽ chỉ phải trả theo giá tại ngày cấp (trong ví dụ này là giá tại ngày 1.3.2007). Nếu giá thị trường cuả cổ phiếu tại ngày họ thực hiện quyền mua cao hơn giá tại ngày cấp thì họ sẽ thực hiện quyền mua cổ phiếu và được hưởng một khoản lợi nhuận từ việc mua thấp hơn giá thị trường. Nếu giá thị trường thấp hơn giá tại ngày cấp, thì người ta sẽ bỏ và không thực hiện quyền mua. + CP ưu đãi: Công ty cho phép cán bộ mua CP với giá ưu đãi - thấp hơn một tỷ lệ phần trăm nhất định so với giá thị trường. Các nước có TTCK phát triển đều quy định tỷ lệ giảm giá tối đa (ví dụ 30% so với giá thị trường). Thông thường thời gian mua được xác định trước, số lượng CP hoặc giá trị CP cũng được xác định trước. + Cấp CP: Công ty sẽ cấp một số lượng CP nhất định không mất tiền cho các cán bộ chủ chốt. Thực ra đây là một hình thức thưởng hoặc trả lương bằng CP. Ví dụ - cấp cho mỗi trưởng phòng 1.000 CP. Nhưng người thụ hưởng chỉ được nhận hoặc có quyền sở hữu sau một thời gian nhất định. Ví dụ ngày cấp CP là ngày 1.3.2007. Nhưng số CP này chỉ được chuyển cho người thụ hưởng vào ngày 1.3.2009 và cũng chỉ từ ngày này người thụ hưởng mới có quyền bán và/hoặc được chia cổ tức. Tương tự, đi kèm theo việc cấp CP là một số điều kiện nhất định. Có thể có một số các biến thể khác dựa trên 3 mô hình nêu trên. Hình thức phát hành CP ưu đãi ở VN là mô hình thứ 2. Tất cả các mô hình này đều nhằm mục đích khuyến khích các cán bộ nhân viên trong công ty cố gắng hơn, gắn bó và đóng góp vào sự phát triển của công ty; đồng thời làm tăng giá trị thu nhập của chính họ. Như vậy cổ phiếu ưu đãi mang lại thu nhập do phần chênh lệch giữa giá cổ phiếu thị trường và giá mua thực tế. Nhưng khoản chi phí phát hành cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ cốt cán không được đưa vào chi phí kinh doanh mà nó là chi phí ẩn. Do đó sẽ gây thiệt thòi về quyền lợi cho cổ đông nhỏ không nằm trong ban điều hành. “ Làn sóng ” mua lại quyền mua cổ phiếu của một số cán bộ nhân viên của các công ty chưa có quyết định cổ phần hoá: “ Con chưa sinh đã cho đi ở đợ ” – đây là một thuật ngữ dùng cho hiện tượng một số công ty chưa có quyết định cổ phần hoá mà đã có rất nhiều nhf đầu tư đã mua lại quyền mua cổ phiếu của một số cán bộ nhân viên trong công ty. Bệnh viện và các ngân hàng của Nhà nước đang nằm trong tầm ngắm của nhà đầu tư như: ngân hàng Ngoại thương VCB nằm trong danh sách đơn vị Nhà nước phải cổ phần hoá nhưng vẫn chưa biết thời gian chính thức cổ phần hoá. Tuy nhiên trên thị trường đã có mức giá chào bán quyền mua cổ phiếu của cán bộ nhân viên VCB với giá 60 triệu đồng/năm thâm niên công tác hay một công ty về du lịch khách sạn Vũng Tàu vừa có dự định xây dựng một khách sạn 4 sao tại Côn Đảo, ngay lập tức trên thị trường đã hình thành nên chợ mua bán “ thâm niên công tác ” của cán bộ nhân viên với giá 20 triệu đồng/năm công tác. * Một câu hỏi đặt ra la tại sao các nhà đầu tư lại “khoái” mua quyền mua cổ phiếu?! Thực tế cho thấy đối với những đơn vị của Nhà nước làm ăn tốt, có tiềm năng đợi lúc phát hành ra công chúng thì khó tới tay họ mà sẽ lọt vào những đại gia nên không mua quyền sẽ thua và sau khi mua có thể bán quyền này lại cho người khác kiếm lời. Thêm đó, theo Nghị định về chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần: cán bộ công nhân viên sẽ được mua tối đa 100 cổ phần cho mỗi năm làm việc, vì vậy cán bộ công nhân viên trong công ty sẽ được ưu tiên quyền mua cổ phần và chắc chắn sẽ có cổ phần trong tay, không phải đấu giá mệt mỏi mà giá cổ phần của cán bộ công nhân viên chỉ cao hơn mệnh giá một chút. Còn nếu áp dụng theo quy định của Nhà nước thì cũng chỉ trả bằng 60% giá đấu bình quân. Ngoài ra, người mua cổ phiếu ưu đãi còn được hưởng nhiều quyền lợi như: chia tách cổ phiếu, thưởng, chia cổ tức… Trên đây là lập luận của các nhà đầu tư, còn ý kiến của các nhà chuyên môn thì sao?! Các nhà chuyên môn cho rằng nhà đầu tư mua quyền là mạo hiểm bởi hai lý do: dựa vào điều gì để định giá giá trị cổ phiếu chưa có mặt trên thị trường và nếu không tính toán kỹ sẽ lỗ nặng sau khi cộng tổng số tiền mua quyền và tiền mua cổ phiếu ưu đãi khi công ty bán cổ phiếu đấu giá IPO. Chúng tôi xin đưa ra một minh chứng: giả sử một nhà đầu tư mua quyền mua cổ phiếu của nhà máy đạm Phú Mỹ mới đấu giá vừa rồi với giá 30 triệu đồng/1000 cổ phiếu thì sẽ bị lỗ vì lấy 30 triệu/1000 cổ phiếu = 30000/cổ phiếu. Sau khi đấu giá IPO thành công, đạm Phú Mỹ đạt giá bình quân là 54000 đồng/cổ phiếu. Nhà đầu tư này sẽ phải trả tiền mua cổ phiếu ưu đãi theo quy định của Nhà nước bằng 60% giá bình quân tương đương 33000/cổ phiếu. Như vậy khi cộng 30000 tiền mua quyền với 32000 tiền mua cổ phiếu ưu đãi thì giá nhà đầu tư trả là 62000/cổ phiếu đắt hơn nhiều so với mua cổ phiếu phổ thông là 8000/cổ phiếu. Đó là trường hợp công ty đã có cổ phiếu trên thị trường. Còn nếu trường hợp VCB chưa có cổ phiếu trên thị trường thì khi nhà đầu tư mua quyền 60 triệu đồng/100 cổ phiếu/năm công tác đã gấp 60 lần mệnh giá của 1 cổ phiếu (mệnh giá 10000/cổ phiếu) chưa kể đến tiền phải trả khi được mua cổ phiếu. III. Giải pháp: - Nới lỏng các điều kiện phát hành chứng khoán ra công chúng theo chiều hướng tạo điều kiện thuận lợi cho cả công ty niêm yết và chưa niêm yết trên thị trường giao dịch tập trung. Điều này sẽ kích thích các công ty chưa niêm yết có thể phát hành chứng khoán ra công chúng để huy động vốn. Từ đó tạo tiền đề cho việc niêm yết sau này trên thị trường tập trung. - Cải cách thủ tục hành chính trong phát hành chứng khoán, dần xoá bỏ cơ chế “xin – cho” và thay bằng cơ chế đăng ký phát hành chứng khoán theo hướng đơn giản hoá thủ tục và rút ngắn thời gian chờ đợi. Việc làm này góp phần giảm bớt can thiệp hành chính của Nhà nước, đồng thời tạo tính chủ động cho các công ty nhưng vẫn duy trì được vai trò giám sát vĩ mô của Nhà nước đối với quá trình phát hành chứng khoán của các công ty cổ phần. - Tăng cường công tác tuyên truyền và tư vấn để các doanh nghiệp nhận thức đầy đủ hơn về lợi ích lâu dài của việc phát hành chứng khoán ra công chúng. - Tăng cường vai trò của SSC và các công ty chứng khoán trong việc tạo hàng cho TTCK. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Giáo trình Những vấn đề cơ bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán – NXB Chính trị Quốc gia 2002. 2. www.vnn.vn 3. Tạp chí tài chính số 9 - Bộ tài chính 2002 4. Giáo trình thị trường chứng khoán - trường ĐHKTQD 5. Tạp chí đầu tư chứng khoán 6. www.saga.com.vn 7. www.vietstock.vn 8. www.vneconomy.vn

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docM0863.doc
Tài liệu liên quan