Từ thập niên 1990 trở lại đây, khái niệm Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã được mở rộng hơn về phạm vi và sâu hơn về cam kết tự do hóa. Các FTA ngày nay không chỉ dừng lại ở phạm vi cam kết cắt giảm thuế quan và hàng rào phi thuế quan, mà hơn thế còn bao gồm nhiều vấn đề rộng hơn cả cam kết trong khuôn khổ GATT/WTO cũng như một loạt vấn đề thương mại mới mà WTO chưa có quy định. Phạm vi cam kết của các FTA “thế hệ mới” còn bao gồm những lĩnh vực như thuận lợi hóa thương mại, hoạt động đầu tư, mua sắm chính phủ, chính sách cạnh tranh (còn gọi là “những vấn đề Singapore”), các biện pháp phi thuế quan, thương mại dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ, cơ chế giải quyết tranh chấp, tiêu chuẩn và hợp chuẩn, lao động, môi trường, thậm chí còn gắn với những vấn đề như dân chủ, nhân quyền hay chống khủng bố Khái niệm FTA được sử dụng rộng rãi ngày nay không còn được hiểu trong phạm vi hạn hẹp của những thỏa thuận hội nhập khu vực và song phương có cấp độ liên kết kinh tế “nông” của giai đoạn trước, mà đã được dùng để chỉ các thỏa thuận hội nhập kinh tế “sâu” giữa hai hay một nhóm nước với nhau. Ngoài ra trong một số trường hợp Hiệp định thương mại tự do có thể được gọi dưới một số tên gọi khác nhau như EPA (Hiệp định đối tác kinh tế) nhưng về bản chất vẫn không thay đổi.
112 trang |
Chia sẻ: Dung Lona | Lượt xem: 1153 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Thực trạng và xu thế phát triển của hiệp định thương mại tự do (fta) trong khu vực Asean, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ắc phục những khó khăn trong bài toán hội nhập. Có lẽ đó là những gì cần làm được để Việt Nam thành công chắc chắn trong quá trình hội nhập để tiến kịp thế giới.
III. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ VỀ VIỆC KÝ KẾT FTA CỦA VIỆT NAM
1. Sự cần thiết phải có một chính sách FTA cho Việt Nam trước làn sóng FTA thế giới và khu vực
Ngày nay hầu như tất cả 150 thành viên WTO đều tham gia ít nhất một Hiệp định Thương mại tự do. Đặc biệt tại khu vực các quốc gia châu Á, xu hướng hình thành các FTA/EPA đang diễn ra rất sôi động. Ngay cả các quốc gia trung thành nhất với khung khổ tự do hóa đa phương như Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã điều chỉnh chính sách thương mại theo hướng ưu tiên hình thành các FTA song phương và khu vực, đặc biệt với ASEAN (và từng thành viên ASEAN) và một số đối tác thương mại chiến lược trên thế giới. Trung Quốc mới là thành viên của WTO được mấy năm nhưng đã ký tới 9 FTA và đang triển khai nghiên cứu, đàm phán đồng thời 30 sáng kiến FTA song phương khác. Bản thân khối ASEAN mà Việt Nam là thành viên cũng đang thực hiện chính sách FTA ASEAN +1 của mình với một loạt các nước đối thoại chủ chốt, trong khi từng thành viên riêng rẽ như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia hay Philippine đều đã triển khai chiến lược FTA song phương cho riêng mình.
Trong bối cảnh như vậy, mặc dù môi trường kinh tế và kinh doanh Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong những năm qua, song sức hấp dẫn đầu tư của nền kinh tế Việt Nam và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam đang đứng trước nguy cơ giảm sút và rơi vào thế bị “phân biệt đối xử” khi hầu hết các nền kinh tế chủ chốt trong khu vực cũng như các thành viên sáng lập ASEAN đều đã và đang hình thành các FTA song phương với các đối tác kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và EU. Việt Nam không thể đứng ngoài thực tế sống động này của quá trình hội nhập khu vực và quốc tế nếu muốn tránh vị thế thua thiệt trong hội nhập quốc tế và khu vực.
Chính sách FTA ngày càng trở thành một công cụ chính sách đối ngoại, ngoại giao kinh tế hữu hiệu của nhiều nước lớn, nếu khéo tận dụng Việt Nam sẽ có cơ hội huy động thêm nhiều nguồn lực phát triển đất nước. Bên cạnh những lợi ích kinh tế về thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ, tri thức, kỹ năng quản lý, xây dựng năng lực thể chế và học hỏi thực tiễn chính sách, việc hình thành có chọn lọc các FTA song phương với những đối tác chủ chốt sẽ góp phần nâng cao thế và lực của Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực, đảm bảo hài hòa hai mục tiêu phát triển kinh tế và xây dựng an ninh quốc phòng.
Bản thân nội dung và mô hình thành lập các FTA hiện nay không chỉ dừng lại ở những cam kết truyền thống về cắt giảm thuế quan đối với thương mại hàng hóa mà đã mở rộng phạm vi và chiều sâu cam kết tự do hóa và hợp tác tới một loạt các vấn đề chính sách mà Việt Nam sớm hay muộn cũng gặp phải trong quá trình tăng cường hội nhập kinh tế thế giới, tham gia sân chơi WTO. Đó là những nội dung cam kết về thương mại dịch vụ, hoạt động đầu tư, thuận lợi hóa thương mại (tiêu chuẩn và hợp chuẩn, hợp tác hải quan), quyền sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh, lao động, môi trường, giải quyết tranh chấp, “các vấn đề Singapore” và “các vấn đề thương mại công” khác mà ngay cả khung khổ WTO cũng chưa có quy định điều chỉnh. Như vậy, việc tham gia hình thành các FTA song phương và khu vực chính là một chính sách mới, một cơ chế mới để Việt Nam vừa học hỏi kinh nghiệm hội nhập “sâu”, vừa tranh thủ được nguồn lực từ những đối tác thương mại ưu tiên của mình trong lộ trình hội nhập tổng thể.
Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện của Việt Nam đòi hỏi Nhà nước, các doanh nghiệp và từng người dân phải có những bước chuẩn bị thích hợp thì mới nắm bắt tốt cơ hội từ quá trình này, đồng thời phòng tránh hữu hiệu các tác động tiêu cực có thể kể đến. Một trong những vấn đề lớn đặt ra khi Việt Nam tham gia đầy đủ vào WTO chính là sự thiếu hụt về năng lực thực thi và năng lực thể chế khi thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình tại WTO. Kinh nghiệm tham gia của các nước đang phát triển trong WTO cho thấy bên cạnh việc thực thi nghiêm túc các cam kết với WTO, các thành viên cần chủ động nắm bắt những giới hạn, ngoại lệ của tổ chức này để khéo léo vận dụng trong quá trình hội nhập. Việc cho phép các thành viên ký kết các RTA/FTA thông qua các quy định của điều khoản XIV/ GATT, điều khoản V/GATS và điều khoản Cho phép chính là một ngoại lệ mà Việt Nam cũng phải tận dụng như bao thành viên WTO khác.
Quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, toàn diện cũng đòi hỏi Việt Nam có những điều chỉnh chính sách thích hợp với bối cảnh quốc tế và khu vực mới. Để phát huy hiệu quả và tận dụng tối đa nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển trong nước, chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực của Việt Nam trong bối cảnh sống động của xu hướng hình thành các FTA trên thế giới cũng như khu vực hiện nay cần phải phát huy trên cả ba cấp độ đa phương, khu vực và song phương và mang tính bổ sung lẫn nhau, không loại trừ hay tuyệt đối hóa bất kỳ một cấp độ hội nhập nào.
Với một quốc gia có nền kinh tế chuyển đổi như Việt Nam thì chính sách FTA không chỉ mang lại những lợi ích kinh tế thuần mà quan trọng hơn đó là những lợi ích nhìn từ góc độ cải cách và xây dựng thể chế phát triển, đặc biệt là thể chế kinh tế thị trường.
Thứ nhất, FTA thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế của một nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi. Thông qua quá trình hình thành các hiệp định thương mại tự do hay hiệp định đối tác kinh tế với các nước phát triển, Việt Nam sẽ có điều kiện tiếp cận và “hiệu chỉnh” hệ thống chính sách điều tiết nền kinh tế chuyển đổi của mình cho phù hợp với những thực tiễn, thông lệ ưu việt nhất trong chính sách phát triển kinh tế quốc gia và thương mại thế giới.
Thứ hai, FTA là công cụ mới cho quá trình đổi mới và xây dựng mới thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam. Cải cách thể chế trong một nền kinh tế chuyển đổi như Việt Nam là chưa đủ vì bản thân nền kinh tế còn thiếu hụt rất nhiều định chế và cơ chế thị trường để có thể chuyển đổi thành công.
Việc ký kết FTA với những nền kinh tế thị trường phát triển nhất tạo cơ hội trực tiếp cho Việt Nam học hỏi những tiền lệ tốt nhất về thể chế phát triển mà Việt Nam sớm hay muộn sẽ phải xây dựng, đặc biệt là những thể chế cơ bản của một nền kinh tế thị trường hiệu quả như thể chế chống độc quyền, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (thông qua cơ quan quản lý cạnh tranh, chính sách cạnh tranh hay một Ủy ban thương mại công bằng), thể chế giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế (thông qua cơ chế giải quyết tranh chấp và một cơ quan chuyên xử lý những vụ kiện thương mại quốc tế), thể chế quản lý công khai, minh bạch quá trình mua sắm chính phủ (Cơ quan thẩm tra hoạt động mua sắm chính phủ), thể chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (Cơ quan quản lý quyền sở hữu trí tuệ)
Việc lựa chọn cách tiếp cận chính sách FTA như là một công cụ đổi mới và xây mới thể chế kinh tế thị trường cũng là điểm mới trong lý luận về chính sách hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực của Việt Nam trong giai đoạn sau khi gia nhập WTO.
Về mục tiêu chính sách FTA, chính sách FTA của Việt Nam nên hướng tới những mục tiêu cụ thể, phù hợp với bối cảnh kinh tế, chính trị và an ninh quốc gia. Những mục tiêu đó nên gồm:
Thứ nhất, mở rộng không gian thu hút vốn, công nghệ nước ngoài và tiếp thu những thực tiến kinh nghiệm ưu việt nhất của thế giới và khu vực.
Thứ hai, tạo ra những lợi thế so sánh mới (hiệu ứng động) từ quá trình gia tăng cạnh tranh, chuyển giao tri thức và xây dựng năng lực nội sinh.
Thứ ba, tránh bị phân biệt đối xử nếu đứng ngoài các lộ trình FTA và tham gia tốt hơn vào hệ thống phân công lao động của khu vực.
Thứ tư, thúc đẩy và hỗ trợ quá trình cải cách chính sách và xây dựng thể chế phục vụ phát triển.
Cuối cùng, thứ năm là củng cố quan hệ chính trị -đối ngoại tạo không gian khu vực và môi trường quốc tế hòa bình, ổn định phục vụ phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng, an ninh đất nước.
2. Nguyên tắc lựa chọn đối tác
Cách lựa chọn đối tác FTA cần phải khoa học và chiến lược, nghĩa là cần dựa trên một hệ thống các mục tiêu và căn cứ cụ thể đồng thời phải có tầm nhìn dài hạn vượt lên trên những lợi ích kinh tế và phản ứng chính sách ngắn hạn.
Thứ nhất, về hệ thống các mục tiêu và căn cứ khoa học, cần xây dựng được các căn cứ khoa học để đo lường những “kịch bản” FTA hay cân nhắc các đối tác FTA tiềm năng. Các căn cứ khoa học làm nền tảng trong nguyên tắc lựa chọn đối tác gồm:
Tương quan lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh quốc gia với các nước đối tác
Mức độ chênh lệch trình độ phát triển với nước đối tác
Dung lượng thị trường của nước đối tác và mức độ chênh lệch giữa thực trạng và tiềm năng quan hệ thương mại -đầu tư giữa nước ta với nước đối tác đó.
Mưc độ hài hòa với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội tổng thể của quốc gia, bao gồm cả khía cạnh chính sách đối ngoại và chiến lược hội nhập tổng thế.
Thứ hai, để đảm bảo một tầm nhìn dài hạn, cần xác định rõ các nhóm nhân tố như (1) Mục tiêu phát triển thị trường; (2) Mục tiêu chính trị-an ninh; (3) Mục tiêu chiến lược. Các nhóm mục tiêu này cần đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế-xã hội dài hạn của đất nước cũng như phù hợp với chính sách đối ngoại và hội nhập tổng thể của đất nước. Nhóm mục tiêu nào được chọn ưu tiên cần phải đảm bảo rằng việc ký kết FTA với đối tác được lựa chọn sẽ mang lại những lợi ích chiến lược của quốc gia về trung và dài hạn, chứ không phải là sự đánh đổi lợi ích quốc gia trong tương lai, cũng không phải là sự đánh đổi những vấn đề có tính nguyên tắc trong quá trình hội nhập và phát triển của đất nước.
3. Phương thức tiếp cận và lộ trình chính sách FTA trong thời gian tới - Một số bài học rút ra từ thực tiễn FTA tại các nước ASEAN
3.1. Một số bài học rút ra từ thực tiễn FTA tại các nước ASEAN cho chính sách FTA của Việt Nam
Singapore: Không thể phủ nhận quốc đảo năng động này là quốc gia đi tiên phong trong các sáng kiến FTA của khu vực qua việc ký hàng loạt các FTA với nhiều nước và khu vực trên thế giới nhằm mở đường cho trao đổi thương mại phát triển. Đây là đường lối đúng đắn dựa trên việc phân tích những điểm mạnh, điểm yếu và nguồn lực của Chính phủ nước này bởi Singapore là đất nước có nền kinh tế phụ thuộc mạnh mẽ vào trao đổi thương mại. Tuy nhiên, khi nghiên cứu áp dụng những kinh nghiệm chính sách thương mại nói chung và chính sách FTA nói riêng từ Singapore, cần phải lưu ý một số vấn đề sau đây:
Thứ nhất, Singapore không gặp nhiều khó khăn trong quá trình đàm phán vì đại đa số các mức thuế quan của Singapore đã ở mức 0%, do đó cũng ít gặp phải sự phản kháng từ các nhóm lợi ích trong nước hơn so với các nước khác.
Thứ hai, Singapore là một nền kinh tế phát triển và có mức độ quốc tế hóa cao, do vậy tất cả các lộ trình FTA song phương do Singapore khởi xướng đều có phạm vi điều chỉnh và nội dung cam kết cao hơn khuôn khổ cam kết đa phương tại WTO. Các FTA này không chỉ hướng tới tự do hóa thương mại hàng hóa mà còn đặt ưu tiên tự do hóa thương mại dịch vụ, cam kết các vấn đề về cạnh tranh, đầu tư, điều tiết trong nước, di chuyển lao động, mua sắm chính phủ và đảm bảo một hành lang điều tiết với những thông lệ tốt nhất cho hoạt động kinh doanh. Do đó, đặc thù của Singapore khiến các nước đang phát triển và mới hội nhập kinh tế khu vực và thế giới như Việt Nam cần thận trọng khi học tập kinh nghiệm của nước này trong chính sách FTA.
Thái Lan: Điểm đáng học tập trong chính sách FTA của Thái Lan đó là chủ trương lựa chọn các đối tác phát triển để cùng xây dựng lộ trình FTA, một mặt nhằm giữ và mở rộng thị trường, mặt khác nhằm hình thành những mối quan hệ chiến lược với các nước lớn, đặc biệt là Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và Mỹ, nâng tầm vị thế chính trị-an ninh của Thái Lan trong khu vực. Tùy từng đối tác, các cam kết mà Thái Lan đưa vào FTA có thể mang tính toàn diện hoặc chọn lọc, linh hoạt nhưng đều hướng tới phát triển các ngành mũi nhọn, ngành nước này có ưu thế. Tuy vậy, chính sách FTA của Thái Lan cũng cần có sự tham vấn rộng rãi hơn với các nhóm thành phần trong hệ thống chính trị-xã hội, đặc biệt là của các nhóm bị tác động, tổn thưởng bởi các FTA đang và sắp triển khai. Đây là điểm mà Việt Nam cần đặc biệt lưu ý trong việc hoạch định chính sách FTA của mình, đặc biệt là khi ký FTA với các nước lớn.
Malaysia: Việt Nam cần học tập Malaysia về việc nước này đã hình thành được một chính sách FTA với mục tiêu, lộ trình và phương pháp tiếp cận rõ ràng bất chấp việc xuất phát chậm và thụ động hơn so với Singapore hay Thái Lan. Chính điều này đã cho phép quốc gia này đã đang đẩy nhanh các sáng kiến FTA song phương với nhiều nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ, Australia và Hàn Quốc. Ngoài ra, Malaysia rất quan tâm tới vấn đề chênh lệch phát triển, tính đa dạng của mỗi thành viên và các khu vực nhạy cảm của mỗi nền kinh tế.
Philippine: Việc Philippine đã mạnh dạn đưa FTA vào chiến lược phát triển kinh tế đối ngoại của mình thông qua ký kết các FTA song phương với Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và xúc tiến FTA với một loạt các nước khác là một điểm nhấn tích cực. Tuy nhiên, Việt Nam cần thấy rằng việc tiếp cận mang tính ứng phó, mang tính thụ động và chưa có một chiến lược FTA mang tính hệ thống có thể dẫn tới kết cục Hiệu ứng “bát mỳ Ý” như GS. Jagdish Bhagwati từng cảnh báo. Đây là điều mà chúng ta cần phải rút kinh nghiệm, xây dựng một chính sách FTA có tính chiến lược, cụ thể với mục tiêu rõ ràng trước khi ồ ạt ký một loạt các FTA hay bị động khi được mời tham gia FTA.
Indonesia: Giống như Việt Nam, Indonesia cũng đang trải qua một quá trình chuyển đổi và còn hạn chế trong việc tập trung nguồn lực để chủ động triển khai chính sách FTA một cách toàn diện. Chính phủ Indonesia thiếu những mục tiêu rõ ràng, hệ thống khi tham gia đàm phán FTA song phương với các đối tác lớn vì bấy lâu nay Chính phủ chỉ thụ động ứng phó với các lời đề nghị ký kết FTA từ phía đối tác. Bài học từ Indonesia cũng tương tự như Philippine, đó là xây dựng một chính sách FTA hoàn chỉnh, đồng thời hoàn thiện đội ngũ nhân lực nghiên cứu, đàm phán có năng lực và nắm bắt được nhu cầu của người dân. Một lời khuyên nữa từ các học giả Indonesia, đó là không nên chạy đua theo các nước láng giềng trong làn sóng FTA hiện nay vì đối với nguồn lực còn hạn chế thì việc lựa chọn đúng đối tác mới là mấu chốt. Và điều này cũng đúng đối với Việt Nam trong hoàn cảnh hiện nay.
3.2. Phương thức tiếp cận và lộ trình chính sách FTA trong thời gian tới
Từ những bài học rút ra từ kinh nghiệm các nước láng giềng ASEAN, có thể thấy rằng Việt Nam không nên và không đủ nguồn lực để “chạy đua” ký kết hàng chục FTA song phương như các nước trong khu vực. Do đó, cách tiếp cận khả thi nhất cho Việt Nam là ký kết FTA song phương với các “tâm trục” trong mạng lưới FTA khu vực. Lý do là vì chỉ cần ký FTA song phương với các “tâm trục” là chúng ta có thể trung hóa được các bất lợi thế và phân biệt đối xử đan chéo nhau trong mạng lưới các FTA song phương, đồng thời tận dụng được ngay các ưu đãi mà nước “tâm trục” có được từ các nước “nan hoa”.Theo xu thế hiện nay cho thấy, trong khu vực châu Á, các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore đang trở thành các “tâm trục” của một số mạng lưới FTA song phương.
Bên cạnh đó, một xu thế tất yếu của các nước đang và kém phát triển là ký kết các FTA với các nước phát triển cao trên thế giới, và Việt Nam chắc chắn cũng theo xu hướng này. Một vài lý do giải thích cho xu thế này như sau:
Thứ nhất, các nước phát triển có sức tiêu thụ lớn, cư dân có thu nhập cao và có nhu cầu tiêu dùng cao. Việc khai thác sức tiêu dùng đó sẽ giúp các nước đang phát triển mở rộng được thị trường nhanh chóng, từ đó đẩy mạnh việc xuất khẩu, mang lại thu nhập quốc dân cũng như nguồn thu ngoại tệ cho quốc gia.
Thứ hai, giữa các nước phát triển và đang phát triển thường có cơ cấu mặt hàng xuất khẩu khác nhau tạo điều kiện cho việc thúc đẩy giao thương giữa hai nước. Bản thân các nước đang phát triển thường có những sản phẩm tương đồng như hàng thủ công mỹ nghệ, hàng nông sản hay đồ gỗnên việc xuất khẩu một nước sang một nước khác cũng có những sản phẩm tương đồng như minh thì không có nhiều cơ hội tiêu thụ được hàng hóa. Trong khi đó, tại thị trường các nước phát triển, họ không sản xuất nữa hoặc sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước, còn người dân thì sẵn sàng chi trả cho những sản phẩm có chất lượng. Đó chính là mảnh đất màu mỡ cho các nước đang phát triển nếu họ có thể sản xuất ra được những mặt hàng có chất lượng và mẫu mã phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Theo xu thế này, Việt Nam cũng cần thúc đẩy hình thành FTA với những thị trường phát triển nhất như Mỹ và EU để phát huy những lợi thế so sánh kể trên. Đồng thời những FTA này có thể tạo ra các lợi thế so sánh “động” vì Mỹ hay EU đều là các thị trường có “thực tiễn ưu việt nhất” về thể chế chính sách và môi trường kinh doanh. Hợp tác với các đối tác phát triển và tiên tiến nhất mới khiến Việt Nam có thể vươn lên cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực.
Căn cứ vào định hướng, hiện trạng chính sách đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam và những phân tích về xu hướng chính sách FTA của các quốc gia trong khu vực ASEAN, cần nhận thấy lộ trình chính sách FTA của Việt Nam phải có tính chủ động, tính hệ thống và tính chọn lọc. Lộ trình này cần phải đặt trong một lộ trình hội nhập quốc tế và khu vực tổng thể, không để bị dẫn dắt bởi các lộ trình mang tính ứng phó, bị động, chi phối bởi đề xuất của các nước đối tác. Đồng thời việc xây dựng các cam kết FTA cũng cần có sự tham vấn rộng rãi của các thành phần kinh tế-xã hội, đặc biệt là các nhóm có lợi ích liên quan trực tiếp. Việt Nam nên đưa định hướng phát triển các ngành nghề thế mạnh vào tính toán các cam kết và cần cân nhắc kỹ càng vấn đề được mất khi đàm phán. Một điểm không thể thiếu được là việc phát triển nguồn nhân lực giỏi chuyên môn và linh hoạt trong nghiên cứu và đàm phán FTA, có sự đầu tư thích đáng, lâu dài cho chính sách FTA của mình.
Về lâu dài, Việt Nam cần tính tới việc đẩy sâu có chọn lọc một số lộ trình FTA của mình lên thành các Liên minh thuế quan (C.U) hay Liên minh kinh tế (E.U) vì mức độ phúc lợi xã hội và hiệu quả tổng thể do các cấp độ liên kết kinh tế này mang lại lớn hơn cấp độ FTA.
Có thể phác họa một số nét chính của lộ trình hình thành đối tác FTA của Việt Nam trong thời gian tới như sau:
Thứ nhất, ưu tiên hình thành FTA với các đối tác thương mại phát triển, chủ chốt như Nhật Bản, Mỹ và EU. Với riêng Mỹ, sau khi ký kết TIFA Việt-Mỹ (Hiệp định khung về Đầu tư và Thương mại Việt-Mỹ), cần sớm thúc đẩy hình thành FTA song phương Việt-Mỹ.
Thứ hai, tính tới các thị trường mới với sức mua cao như các nước Ả-rập thuộc khu vực Trung Đông giàu có.
Thứ ba, lộ trình hội nhập khu vực của Việt Nam không thể tách rời tiến trình tăng cường hội nhập ASEAN.
Nhìn từ lộ trình quá trình hội nhập kinh tế quốc tế tổng thể, vì khung khổ đa phương WTO mang tính ràng buộc cao và các thành viên WTO lại thực thi cam kết theo hướng tiếp cận “nhiều nhất có thể” nên đối với Việt Nam sau khi gia nhập tổ chức này, khung khổ đa phương WTO phải là nền tảng của một chiến lược hội nhập tổng thể. Bên cạnh đó, xu hướng khu vực hóa và song phương hóa quan hệ kinh tế đối ngoại thể hiện sống động qua sự bùng nổ các FTA song phương và khu vực trên thế giới cũng như tại ASEAN đòi hỏi trong giai đoạn tới đây cách tiếp cận chính sách hội nhập của Việt Nam cần thực hiện hài hòa trên cả bốn cấp độ đa phương, khu vực, song phương và đơn phương.
Khuôn khổ hội nhập khu vực và song phương thông qua chính sách FTA như phân tích ở trên luôn mang lại những bài học kinh nghiệm quý báu, thực tiễn ưu việt cho Việt Nam để tiếp bước trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực ngày càng sâu rộng hơn. Hơn nữa, trong khi các cam kết bên ngoài đóng vai trò động lực cho quá trình cải cách bên trong, để Việt Nam thực sự chủ động trong hội nhập, một số cải cách đơn phương bên trong cần “đi trước” các cam kết bên ngoài để không rơi vào tình trạng ứng phó hay “chạy theo” các cam kết quốc tế như hiện nay.
4. Những lưu ý về nội dung và đàm phán khi ký kết FTA với các nước phát triển
Như đã phân tích ở trên, Việt Nam sẽ đi theo xu thế là tiếp cận FTA với các nước có trình độ phát triển cao nhằm tận dụng được không những là những lợi ích “tĩnh” từ thị trường giàu có mà còn cả những lợi ích “động” từ trình độ phát triển và hoàn thiện cao trong thể chế kinh tế của những đối tác này. Tuy nhiên, điều gì cũng có hai mặt. Khi ký kết FTA với các nước phát triển Việt Nam còn phải đối mặt với những thách thức tiềm tàng. Có thể kể ra một số những thách thức chủ yếu như sau:
thách thức do việc thiếu kinh nghiệm trong đàm phán và ký kết FTA với những đối tác hùng mạnh và giàu kinh nghiệm
thách thức do các rào cản phi thuế quan (hàng rào kỹ thuật) mà các nước phát triển thường đặt ra dưới lá bài bảo vệ lợi ích người tiêu dùng nhưng thực chất là hạn chế nhập khẩu hàng hóa nước ngoài
thách thức từ chính sách bảo hộ một số ngành của các nước phát triển
thách thức từ những đòi hỏi tự do hóa ở mức độ cao của các nước phát triển
Chính vì vậy, khi chuẩn bị đàm phán và ký kết FTA với các nước phát triển, cần học hỏi những kinh nghiệm từ các bài học FTA có trước gặp phải khi triển khai các nội dung cơ bản của FTA như vấn đề tiếp cận thị trường, vấn đề dịch vụ, vấn đề đầu tư, những “vấn đề Singapore” như mua sắm chính phủ và cạnh tranh và vấn đề quyền sở hữu trí tuệ.
4.1. Vấn đề tiếp cận thị trường
Mong muốn mở rộng tiếp cận thị trường luôn là lý do chính khiến các nước đang phát triển ký kết các FTA. Trong một FTA giữa một nước đang phát triển và một nước phát triển thì nước đang phát triển thường đạt được nhiều hơn trong mục tiêu tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp các nước này cũng chỉ đạt được những kết quả rất đáng thất vọng.
Trở ngại ở đây là các nước phát triển có thể dựng lên những rào cản về cơ cấu, luật pháp và chính trị, nhất là trong các mặt hàng “nhạy cảm”, những mặt hàng mà các nước đang phát triển có lợi thế xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông sản. Các nước phát triển không hề cắt giảm hoặc loại bỏ trợ cấp đối với các mặt hàng là lợi thế xuất khẩu của nước đối tác đang phát triển.
Ví dụ như Mỹ, với đạo luật quyền xúc tiến thương mại lưỡng đảng năm 2002 (Bipartisan Trade Promotion Authority Act) đã cấm các FTA giảm mưc thuế suất của bất kỳ mặt hàng nông phẩm nhạy cảm nào xuống dưới mức thuế suất được áp dụng theo các thỏa thuận của vòng đàm phán Uruguay. Đạo luật này cũng không cho phép một sự đối xử đặc biệt nào bởi những mục tiêu đàm phán của Mỹ bao gồm “đôi bên cùng tiếp cận thị trường” và “đôi bên cùng đạt được những thỏa thuận dỡ bỏ các hàng rào phi thuế”.
Về mặt hàng dệt may, Mỹ thường yêu cầu các đối tác FTA phải áp dụng quy tắc xuất xứ từ loại sợi có xuất xứ từ Mỹ hoặc từ các nước đối tác FTA. Do các nước đang phát triển không có ngành công nghiệp sợi hoặc không có khả năng hoạt động trong ngành này nên kết quả của điều kiện này mang ý nghĩa là sợi của Mỹ phải được sử dụng, thay vì các loại sợi rẻ hơn từ các nước khác không phải là đối tác trong FTA. Ngoài ra cũng cần phải có những thủ tục hải quan phiền phức nhằm xác định rằng loại quần áo đó có được sản xuất bằng các nguyên liệu có xuất xứ từ các nước trong FTA và cũng còn tồn tại những biện pháp an toàn khiến ngăn cản việc tiếp cận thị trường.
Với các sản phẩm nông nghiệp thì việc mở rộng tiếp cận thị trường càng có thể bị hạn chế. Ví dụ như Australia đã không thể mở rộng hạn ngạch với mặt hàng đường mía trong FTA của nước này với Mỹ, và tình hình cũng không mấy khả quan hơn đối với sản phẩm thịt bò từ Australia sang Mỹ. Bên cạnh đó, những rào cản phi thuế như kiểm dịch động thực vật, vệ sinh dịch tễ cũng làm cho Mexico không xuất khẩu được nhiều nông phẩm sang Mỹ theo NAFTA như mong đợi.
Ngược lại, các nước đang phát triển cũng phải cho phép đối tác tiếp cận thị trường của mình, về việc tiếp cận đó có nhiều khả năng là lớn hơn về tỷ lệ và giá trị, bởi vì mức thuế trung bình đánh vào các hàng công nghiệp cao hơn. Không những thế, việc dỡ bỏ thuế quan với nhiều mặt hàng có thể dẫn đến việc các nhà sản xuất trong nước di chuyển địa bàn hoạt động.
Ví dụ theo NAFTA, Mexico đồng ý không đánh thuế đối với mặt hàng nông phẩm. Ngay sau đó khối lượng ngũ cốc nhập khẩu (loại cây được trồng nhiều nhất và rộng rãi nhất ở Mexico và là nguồn thu nhập chính của những người nông dân tại các vùng thuộc miền Nam nước này) đã tăng gần gấp 3 sau NAFTA, và khối lượng nhập khẩu các mặt hàng đậu nành, lúa mỳ, gia cầm và thịt bò tăng trên 5 lần. Những sự gia tăng nhập khẩu này đã vượt quá mức so với sự gia tăng trong khối lượng xuất khẩu các mặt hàng rau quả của Mexico (loại sản phẩm mà hầu hết được trồng bởi các công ty đa quốc gia ở khu vực miền Bắc giàu có- khu vực duy nhất có thể trồng rau quả). Kết quả đáng buồn là 1.7 triệu người đã bị mất việc làm sau khi Mexico gia nhập NAFTA.
Đối với Việt Nam, từ những bài học đắt giá nêu trên, khi ký kết FTA với các nước phát triển, đối với vấn đề tiếp cận thị trường, Việt Nam cần lưu ý:
Thứ nhất, Việt Nam phải xác định rõ được mặt hàng nào là quan trọng đối với mình, mặt hàng nào mà chúng ta kỳ vọng có thể tăng xuất khẩu thông qua FTA. Hiện tại, có lẽ những mặt hàng quan trọng nhất vẫn là nông, lâm, thủy sản và một số mặt hàng tiêu dùng khác như dệt may, giày dépBên cạnh đó cũng phải cân nhắc liệu trên thực tế thì có thể mở rộng được việc tiếp cận thị trường hay không và mở rộng thị trường nào. Điều này cũng cần được cân nhắc lại so với những cái giá mà đất nước phải gánh chịu, cũng như trong việc nhượng bộ trên các lĩnh vực khác như dịch vụ, đầu tư và sở hữu trí tuệ.
Thứ hai, Việt Nam với vị thế là một nước đang phát triển nên khi đàm phán ký kết FTA với các nước phát triển cũng cần yêu cầu được đối xử càng đặc biệt và càng đãi ngộ càng tốt, không chỉ trong vấn đề lộ trình thực hiện FTA dài hơn mà còn trong vấn đề các mặt hàng loại trừ hay các mặt hàng nhạy cảm với nước mình.
4.2. Vấn đề dịch vụ
Dịch vụ là một lĩnh vực rất quan trọng đối với bất kỳ một quốc gia đang phát triển nào. Đối với những nước này, điều quan trọng là phải tạo điều kiện và cơ hội cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trong nước phát triển, đặc biệt là với những ngành dịch vụ quan trọng mang tính xã hội hoặc tính kinh tế chiến lược.
Các nước đang phát triển yếu thế hơn về khả năng cung cấp dịch vụ so với các nước phát triển. Do vậy, họ phải yêu cầu quyền được cam kết mở cửa ít lĩnh vực hơn hoặc cam kết mở trong mỗi lĩnh vực ở mức độ thấp hơn. Những lĩnh vực quan tâm của những nước này thường bao gồm cả việc di chuyển tự nhiên nhân hoặc việc tạo cơ hội cho người dân nước họ được làm việc tại những nước phát triển.
Một lo ngại lớn là việc một vài FTA ngày nay bao gồm “danh mục tiêu cực” (negative list), trong đó quy định các nước sẽ phải tự do hóa hoàn toàn mọi lĩnh vực dịch vụ, trừ những lĩnh vực được liệt kê trong phụ lục. Những FTA như thế này thường có xu hướng ràng buộc các nước đang phát triển phải cam kết nhanh hơn và nhiều hơn các lĩnh vực dịch vụ so với “danh mục tích cực” (positive list) trong WTO (danh mục này quy định không lĩnh vực nào hoặc loại tự do hóa nào sẽ được cam kết trừ khi nêu rõ lộ trình).
“Danh mục tiêu cực” trong các FTA sẽ khiến cho các nước đang phát triển khó khăn hơn trong việc tuân theo các nguyên tắc của WTO, rằng nước này có thể lựa chọn các lĩnh vực để tự do hóa và tự quy định tốc độ tự do hóa. Những FTA như thế cũng làm giảm các khoảng trống chính sách cho các nước đang phát triển.
Lưu ý đối với Việt Nam: Dựa trên những lưu ý trên về vấn đề dịch vụ trong các FTA với các nước phát triển, có thể rút ra những kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình chuẩn bị và đàm phán nội dung này, đó là:
Thứ nhất, Việt Nam cần phải đưa ra một kế hoạch quốc gia hoặc khung chiến lược về dịch vụ trong đó bao gồm những kế hoạch cụ thể cho từng ngành. Một phần trong kế hoạch đó sẽ bao gồm vai trò tương ứng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.Vị thế quốc gia trong các đàm phán thương mại cũng cần được đưa vào trong nội dung của kế hoạch này.
Thứ hai, Việt Nam cũng cần phải quyết định xem có nên đưa ngành dịch vụ vào FTA hay không. Trong hoàn cảnh năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ nước ta còn yếu thì tốt nhất là tìm cách loại dịch vụ ra khỏi FTA.
Thứ ba, Việt Nam còn cần phải tiến hành cân nhắc các ngành dịch vụ và các hoạt động mà mình có lợi thế xuất khẩu, cũng như cân nhắc xem những ngành hoặc hoạt động nào không thể cam kết ngay được. Những điều này cần phải được thực hiện thống nhất với kế hoạch quốc gia về dịch vụ. Không nên tiến hành đàm phán hay cam kết cho đến khi đã cân nhắc xong những điều nêu trên.
Thứ tư, không nên ký kết các FTA có “danh sách tiêu cực”
Thứ năm, nếu có thể thì nên đưa ra những yêu cầu cam kết về những ngành và hoạt động có lợi cho mình, ví dụ như việc di chuyển dân cư, lao động hoặc nhân công.
Thứ sáu, trừ khi có thể đạt được những lợi ích vượt trội từ những đề nghị của phía đối tác, Việt Nam cần phải đạt được mức độ cam kết như đã có tại WTO.
4.3. Vấn đề đầu tư
Đầu tư là một phần của các vấn đề được gọi là “các vấn đề Singapore” (Singapore Issues) tại WTO, các vấn đề còn lại là mua sắm của chính phủ và canh tranh. Rất nhiều các quốc gia đang phát triển phản đối việc khởi đầu đàm phán về môt thỏa thuận đầu tư tại WTO và WTO cũng đã đình chỉ các cuộc đàm phán về đầu tư vào tháng 6/2004.
Tuy nhiên, vấn đề đầu tư lại luôn là một trong những tâm điểm trong chương trình nghị sự của rất nhiều các FTA. Yêu cầu của các nước phát triển về đầu tư trong các FTA là đi quá xa so với những cuộc thảo luận trong khuôn khổ WTO về đầu tư. Ví dụ, trong FTA Singapore-Mỹ, định nghĩa về nhà đầu tư và đầu tư là rất rộng, bên cạnh đó những yêu cầu đãi ngộ quốc gia, quyền tự do chuyển giao vốn, điều khoản sung công, các quy định về giải quyết tranh chấp giữa các nhà đầu tư và Nhà nước là rất cao.
Điều khoản về đầu tư đòi hỏi mức độ mở cửa quá cao sẽ xóa bỏ hoặc giảm một cách đáng kể những khoảng trống chính sách của các nước đang phát triển. Chúng có thể dẫn đến những hậu quả bất lợi cho chính phủ trong việc duy trì và hình thành nên các chính sách liên quan đến xã hội, kinh tế và chính trị.
Lưu ý đối với Việt Nam: Về vấn đề đầu tư, Việt Nam cần lưu ý những điểm sau khi tham gia ký kết FTA:
Thứ nhất, Việt Nam có thể lập luận rằng do vấn đề này cũng đã bị khước từ trong các vòng đàm phán của WTO và do điều khoản này có thể gây nên những hậu quả bất lợi nên không nên đưa nó vào trong các FTA.
Thứ hai, nếu vẫn quyết định sẽ bao gồm điều khoản về đầu tư vào trong FTA của mình, Việt Nam phải hạn chế điều khoản về đầu tư trong các hoạt động hợp tác và không bao gồm các quy định ràng buộc vào việc tiếp cận thị trường, bảo hộ đầu tư và điều khoản sung công.
Thứ ba, cần phải chắc chắn rằng điều khoản đầu tư sẽ không buộc chúng ta phải cam kết vào những tiêu chuẩn và yếu tố có thể gây bất lợi cho các chính sách đầu tư và phát triển.
4.4. Những “vấn đề Singapore” khác: mua sắm chính phủ và cạnh tranh
Những vấn đề này, kể cả vấn đề đầu tư giờ đây cũng đã biến mất khỏi chương trình nghị sự của WTO, ít nhất là trong chương trình làm việc Doha kéo dài. Rất nhiều các nước đang phát triển đã nỗ lực loại bỏ những vấn đề này ra khỏi chương trình nghị sự của WTO. Tuy nhiên, trong các FTA đây lại là những vấn đề mà Mỹ và một số nước phát triển khác hay đề nghị đưa vào.
Về vấn đề mua sắm chính phủ, trong các FTA có Mỹ, điều khoản này thường đi xa hơn rất nhiều so với những gì đã được thảo luận tại WTO. Đối với vấn đề này, nhóm làm việc của WTO đã chỉ bàn luận đến “sự minh bạch trong mua sắm của chính phủ”, với những quy định có khả năng chỉ giới hạn trong các lĩnh vực là minh bạch hóa và không bao gồm các vấn đề tiếp cận thị trường. Trong khi đó, các điều khoản FTA về mua sắm chính phủ của Mỹ lại yêu cầu mở cửa rất lớn, ví dụ như việc phải cho phép các công ty nước ngoài được đấu thầu với những điều khoản giống hệt như những điều khoản mà các công ty trong nước có được. Điều này sẽ làm giảm đáng kể hoặc xóa bỏ mọi khoảng trống chính sách để chính phủ các nước phát triển có thể tạo ra những ưu đãi đối với các doanh nghiệp trong nước, đồng thời loại bỏ mất một công cụ quan trọng để phát triển nền kinh tế.
Về vấn đề chính sách cạnh tranh, các nước phát triển đã đưa ra một thỏa thuận về cạnh tranh trong WTO, thỏa thuận này cho phép các doanh nghiệp, hàng hóa và dịch vụ nước ngoài có được sự cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp trong nước thông qua việc cắt bỉ những trợ cấp ưu đãi với các doanh nghiệp trong nước. Sau này, đề nghị này được thu hẹp lại thành những chủ đề cơ bản như nguyên tắc không phân biệt đối xử, tính minh bạch và sự công bằng trong các thủ tục. Tuy nhiên, các FTA mà có sự tham gia ký kết của Mỹ thường sẽ yêu cầu các nước đang phát triển phải thiết lập hành lang pháp lý về cạnh tranh. Các nhà kinh tế phát triển đã đặt ra nghi vấn liệu khung chính sách cạnh tranh hiện đang có hiệu lực tại Mỹ và các nước phát triển có thích hợp với các nước đang phát triển hay không. Họ lo ngại rằng khi FTA đưa ra yêu cầu về khung chính sách có thể ngăn cản sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước, khiên họ giảm khả năng cạnh tranh hoặc tồn tại trước những công ty nước ngoài lớn, đặc biệt là khi phải đối mặt với quá trình toàn cầu hóa. Do đó, vấn đề cạnh tranh trong phạm vi các hiệp định thương mại có thể là một vấn đề cực kỳ phức tạp.
Lưu ý đối với Việt Nam: Đối với Việt Nam khi tham gia đàm phán và ký kết FTA mà gặp phải những vấn đề này, cần phải lưu ý:
Thứ nhất, cũng giống như trường hợp vấn đề đầu tư, Việt Nam cũng phải lập luận rằng hai “vấn đề Singapore” này cũng đang bị đình chỉ đàm phán tại WTO bởi người ta thấy chúng không phù hợp với hệ thống thương mại và do đó, chúng cũng sẽ không thích hợp với các FTA. Ví dụ, hội nghị Bộ trưởng Thương mại của Liên minh châu Phi ở Cairo tháng 6/2005 đã đưa ra tuyên bố rằng các vấn đề Singapore phải được loại ra khỏi chương trình nghị sự của các FTA với EU (Hiệp định hợp tác kinh tế) vì những vấn đề này cũng chưa được thảo luận tại WTO.
Thứ hai, nếu những vấn đề này được đưa vào FTA, thì chúng phải được mang bản chất của một hiệp định hợp tác và không có những quy định ràng buộc.
Thứ ba, Việt Nam cần đặc biệt lưu ý không nên cam kết bất kỳ việc tiếp cận thị trường nào đối với các vấn đề mua sắm của chính phủ, nếu vấn đề mua sắm chính phủ cũng được đưa vào trong FTA.
4.5. Vấn đề quyền sở hữu trí tuệ
Việc đưa vấn đề sở hữu trí tuệ vào các thỏa thuận thương mại còn gây rất nhiều tranh cãi sau khi Hiệp định TRIPS được thông qua tại WTO. Người ta ngày càng nhận ra rằng những tiêu chuẩn về quyền sở hữu trí tuệ do TRIPS đặt ra cho các nước đang phát triển là không thích hợp với họ. Các nhà kinh tế học dự đoán rằng chi phí để các nước đang phát triển thực hiện TRIPS hàng năm có thể lên đến 60 tỷ USD và chi phí này vượt quá mức những gì họ được hưởng trong các lĩnh vực khác, ví dụ như việc tiếp cận thị trường. Các nước đang phát triển giờ đây phải tìm cách làm rõ hoặc sửa đổi một vài các lĩnh vực của TRIPS để hạn chế những tác động tích cực.
Trong tuyên bố Doha về TRIPS và Y tế công cộng đã chỉ rõ rằng các nước đang phát triển có thể tận dụng những “sự linh động”. Tuy nhiên, trong các FTA của mình, các nước phát triển lại nỗ lực thiết lập nên các biện pháp TRIPS + để giảm hoặc loại bỏ những sự linh động mà Hiệp định TRIPS cho phép và thiết lập nên những tiêu chuẩn rất cao, vượt xa hơn so với các quy định của WTO. Các FTA như thế sẽ đe dọa đến sự linh động mà TRIPS cho phép, đặc biệt liên quan đến những vấn đề như (1) bằng phát minh sáng chế và việc tiếp cận thị trường dược phẩm, (2) bảo vệ sở hữu trí tuệ đối với các chi loài thực vật, (3) khả năng cấm việc cấp bằng phát minh sáng chế cho một số dạng thể sống, và (4) vấn đề bản quyền.
Ví dụ như TRIPS của WTO không yêu cầu “độc quyền dữ liệu”, nghĩa là những dữ liệu mà người nắm giữ bằng phát minh sáng chế trình lên cơ quan có thẩm quyền về dược phẩm (để được phê duyệt về độ an toàn) không thể được tận dụng trong việc phê duyệt những ứng viên khác (ví dụ như là các nhà sản xuất dược phẩm đồng loại). Tuy nhiên, thông qua các FTA song phương, Mỹ và EU luôn tìm kiếm “các quyền ngoại lệ” đối với các dữ liệu do các công ty khởi xướng (originator company) cung cấp, điều này sẽ ngăn cản việc đăng ký và kinh doanh các loại thuốc đồng loại.
Các FTA này cũng quy định vai trò của các cơ quan có thẩm quyền về dược phẩm. Từ xưa tới nay, vai trò của các cơ quan này là kiểm định lại chất lượng, độ an toàn và tính hiệu quả của sản phẩm trước khi tung ra thị trường. Tuy nhiên các điều khoản FTA giờ đây yêu cầu các cơ quan này đóng vai trò “cảnh sát chuyên trách” về bằng phát minh sáng chế và đảm bảo rằng sẽ không mặt hàng thuốc đồng loại nào sẽ được phê duyệt (trong khi vẫn tiếp tục cấp patent cho sản phẩm gốc của các công ty khởi xướng). Thông qua các FTA, Mỹ cũng tìm cách mở rộng vòng đời của các patent, cho phép các công ty khởi xướng có được quyền sở hữu trí tuệ lau dài thông qua việc gia hạn các patent hiện tại bằng cách đăng ký thêm những “công dụng mới” của các sản phẩm hiện hành.
Về vấn đề bản quyền, FTA có sự tham gia của Mỹ bao gồm những nghĩa vụ TRIPS +, trong đó có cả việc mở rộng thời hạn bản quyền từ 50 năm sau ngày mất của tác giả lên thành 70 năm, cung cấp sự bảo vệ hợp pháp trước việc không được cung cấp đầy đủ thông tin về các biện pháp bảo hộ. Tóm lại, các FTA có sự tham gia của những nước lớn thường đòi hỏi quy định rất chi tiết về quyền sơ hữu trí tuệ và do đó tăng thêm nghĩa vụ đối với chính phủ các quốc gia đang phát triển, vì vậy những nước này cần hết sức thận trọng.
Lưu ý đối với Việt Nam: Trước một nội dung rất phức tạp như quyền sở hữu trí tuệ, Việt Nam cần lưu ý:
Thứ nhất, Việt Nam phải cân nhắc kỹ lưỡng xem có nên đưa điều khoản về sở hữu trí tuệ vào FTA hay không vì những quy định về sở hữu trí tuệ trong WTO cũng như trong WIPO đã là rất nghiêm ngặt. Hơn nữa, cần phải chắc chắn rằng mình không chấp nhận đưa vào FTA những điều khoản TRIPS +, những điều khoản như mở rộng thời hạn patent, cấp patent cho các dạng thể sống hoặc điều khoản dẫn đến hạn chế các quyền mà các nước kém phát triển được hưởng theo WTO. Chúng ta có thể học tập cách quy định điều khoản sở hữu trí tuệ như trong FTA Thái Lan-Australia, FTA này chỉ yêu cầu các bên tôn trọng những điều khoản của Hiệp định TRIPS và bất cứ các hiệp định đa phương nào liên quan đến sở hữu trí tuệ mà hai bên tham gia.
Thứ hai, Việt Nam chỉ nên cân nhắc chấp nhận hoặc phê duyệt các hiệp định quốc tế về sở hữu trí tuệ sau khi đã thực hiện phân tích kỹ lưỡng lợi ích thu được với cái giá phải trả cũng như nhận thức được hết những ảnh hưởng tới xã hội và công cuộc phát triển kinh tế đất nước.
5. Công tác nghiên cứu và tham mưu chính sách
Một yếu tố quan trọng đảm bảo đàm phán hiệu quả chính là sự chuẩn bị kỹ càng và quyết tâm chính trị cao. Việc chuẩn bị kỹ càng sẽ mang lại sự đồng thuận lớn và quyết tâm chính trị cao là nhân tố đảm bảo sự tự tin và quyết đoán trong đàm phán.
Để có được điều này, công tác nghiên cứu tiền khả thi và tham mưu cần được ưu tiên hơn nữa. Cụ thể, trước khi bước vào tham vấn, ký kết bất cứ lộ trình FTA nào, các cơ quan tham mưu chính sách cần tiến hành nghiên cứu, phân tích, đánh giá về tính khả thi, lợi ích-chi phí của kịch bản FTA đó. Về dài hạn, nhà nước cần đầu tư thích đáng cho các nghiên cứu cấp quốc gia, có tính hệ thống về chiến lược FTA của Việt Nam. Có như vậy, chúng ta mới chủ động được trong xu thế hình thành FTA đang diễn biến rất nhanh, sống động trên thế giới và khu vực hiện nay.
Hình dung trước được những thời cơ, nguy cơ để chúng ta có được những đối sách thích hợp, hiệu quả hơn trong quá trình hội nhập sâu rộng thời hậu WTO, trong xu hướng chính sach FTA đang chuyển biến nhanh chóng. Trên cơ sở đó, chúng ta mới có thái độ khoa học, thận trọng và không lo sợ những thách thức, bất lợi mà các lộ trình FTA có thể gây ra. Cũng như các quốc gia ASEAN khác, hun đúc quyết tâm đẩy mạnh cải cách bên trong, cải cách chính mình, từ thể chế cho đến chính sách, từ phương thức lãnh đạo cho đến cơ chế điều hành quá trình hội nhập và phát triển của đất nước chính là tư tưởng bao trùm để vượt qua thách thức của thời kỳ hội nhập sâu rộng vào cộng đồng quốc tế.
KẾT LUẬN
Hiệp định thương mại tự do đang là xu thế chung của hợp tác kinh tế quốc tế song song với quá trình tự do hóa đa phương khác đang diễn ra trong khuôn khổ GATT/WTO. Các nhà hoạch định chính sách kinh tế đối ngoại tại nhiều quốc gia ngày càng xem chính sách FTA là một công cụ chính sách thương mại trọng yếu và bổ sung cho chính sách tự do hóa thương mại đa phương vì phạm vi điều chỉnh chính sách của các FTA ngày nay mang tính toàn diện, sâu hơn những gì cam kết và thực thi trên kênh tự do hóa đa phương GATT/WTO. Ngoài ra, sự phát triển như vũ bão về số lượng và chất lượng của các FTA cũng thúc đẩy các nước còn ngại ngần với hiệp định thương mại tự do hãy vào cuộc nếu họ không muốn bị bỏ lại sau lưng.
Tham gia FTA không chỉ mang lại cho quốc gia thành viên những lợi ích kinh tế như gia tăng thương mại, thúc đẩy cạnh tranh, đầu tư, chuyển giao tri thức, công nghệ và thông tinmà còn đem lại cả những lợi ích phi kinh tế như gia tăng vị thế quốc gia trên trường quốc tế đồng thời củng cố hòa bình và an ninh. Hơn nữa, đối với tiến trình đa phương hóa, các kênh đàm phán FTA song phương và khu vực có vai trò như “lò luyện” giúp tích lũy những kinh nghiệm đàm phán, xử lý nhiều vấn đề thương mại mới, phức tạp mà thực tiễn đàm phán đa phương đang đặt ra nhưng lại chưa có tiền lệ. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, FTA đã nổi lên như một xu thế quan trọng, một hướng đi không thể không tính tới trong chính sách kinh tế đối ngoại của các quốc gia trên toàn thế giới.
Làn sóng FTA cũng đã và đang diễn ra mạnh mẽ tại khu vực các quốc gia Đông Nam Á ASEAN theo cả hai chiều hướng FTA tập thể của cả khối với các đối tác bên ngoài và FTA song phương của riêng từng nước thành viên ASEAN. Cùng với lộ trình AFTA của mình, ASEAN đang trở thành một thị trường hấp dẫn đối với các cường quốc và cũng là không gian cạnh tranh ảnh hưởng địa-chiến lược của các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản hay Trung Quốc. Tuy nhiên để có khả năng trở thành “tâm trục” của một mạng lưới FTA đòi hỏi phải có một cơ chế phối hợp thống nhất, hiệu quả, giảm thiểu những ảnh hưởng xấu do việc trùng lắp các lộ trình FTA của cả khối với lộ trình của mỗi nước thành viên.
Đối với Việt Nam, để hội nhập thành công sau khi gia nhập WTO, chúng ta cần vận dụng linh hoạt, khéo léo các quy định, các ngoại lệ của khuôn khổ thương mại đa phương GATT/WTO. Một chiến lược hội nhập thành công đòi hỏi nước thành viên đó phải biết kết hợp hội nhập ba cấp độ đa phương, khu vực và song phương với các chương trình cải cách bên trong hay có thể gọi là hội nhập đơn phương. Trong bối cảnh xu hướng hình thành các FTA diễn biến nhanh và rộng trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là sự bùng nổ các lộ trình hình thành FTA trong khu vực ASEAN, việc xây dựng một chính sách FTA tổng thể là đòi hỏi của thực tiễn quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực của Việt Nam sau khi gia nhập WTO. Chính sách FTA sẽ là công cụ mới cho quá trình đổi mới và xây mới thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới. Việc lựa chọn cách tiếp cận chính sách FTA như là một công cụ đổi mới và xây mới thể chế kinh tế thị trường cũng là một điểm mới trong lý luận về chính sách hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực của Việt Nam sau khi là thành viên WTO.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tiếng Việt
Bộ Ngoại Giao Việt Nam (2005), Đề tài nghiên cứu cấp Bộ “Xu hướng các FTA trên thế giới: Hệ lụy, tác động và kiến nghị chính sách cho Việt Nam”, Vụ Kinh tế đa phương, Bộ Ngoại Giao Việt Nam, Hà Nội.
Nguyễn Ngọc Dung, “Quá trình hình thành EU và ASEAN qua cách tiếp cận đối chiếu khu vực”, Tập san Khoa học xã hội và Nhân văn, số 4/1997.
Bùi Trường Giang - Cheong Inkyo (2004), “Cách tiếp cận chính sách FTA hướng tới Hội nhập Kinh tế Đông Á: Tiến triển và thách thức” | “The FTA Approach towards East Asian Economic Integration: Progress and Challenges”, Chương 2 trong cuốn sách “Hướng tới Cộng đồng Kinh tế Đông Á” | “Towards East Asian Economic Community”, GS. TS. Đỗ Hoài Nam và PGS. TSKH. Võ Đại Lược (đồng chủ biên, 2004), NXB Thế giới và Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới.
Hà Thị Ngọc Hà (2007), “ASEAN 40 năm trưởng thành, phát triển và triển vọng hợp tác”, Nhân dân, số ra ngày 07/08/2007.
Đặng Phương Hoa (2006), “Sự nổi lên của các nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ: Cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế Việt Nam - ASEAN”, T/c Những vấn đề kinh tế thế giới, số 127 (tháng 11/2005), Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới.
Đại học Quốc gia Hà Nội (2006), “Hướng tới Cộng đồng Đông Á: Cơ hội và Thách thức”, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
Hoàng Lan, “Tác động của AFTA đối với nền kinh tế Vietnam”, VietNamNet, ngày 18/07/2003.
Lê Bộ Lĩnh và Đoàn Hồng Quang (2004), “Toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế khu vực và triển vọng hợp tác kinh tế Đông Á”, Chương I cuốn “Hướng tới Cộng đồng Kinh tế Đông Á”, Đỗ Hoài Nam và Võ Đại Lược (đồng chủ biên, song ngữ), NXB Thế giới và Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, 2004.
Võ Đại Lược (2006), “Những vấn đề lớn về toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế”, T/c Những vấn đề kinh tế thế giới, Số 125 (tháng 9/2006), Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới.
Đỗ Hoài Nam và Võ Đại Lược (đồng chủ biên, 2004), sách song ngữ “Hướng tới Cộng đồng Kinh tế Đông Á” | “Towards East Economic Community”, NXB Thế giới và Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới.
Dương Ngọc (2008), “Nhập siêu trong thương mại Việt-Trung ngày càng lớn”, VnEconomy, ngày 20/06/2008.
Hoàng Thị Thanh Nhàn (2005), “Thái Lan với các Hiệp định Thương mại Tự do song phương những năm gần đây”, T/c Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương, Số 9, tháng 3/2005, Trung tâm hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (VAPEC), Hà Nội.
Trần Anh Phương (2004), “ASEAN+3 và vị thế của Việt Nam trong tiến trình hội nhập”, T/c Những vấn đề kinh tế thế giới, Số 96 (tháng 4/2004), Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới.
Võ Trí Thành và Nguyễn Anh Tú (2005), “Một số vấn đề của Vòng đàm phán Đôha đối với các nước đang phát triển”, T/c Những vấn đề kinh tế thế giới, Số 115 (tháng 11/2005), Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới.
Nguyễn Xuân Thắng và Bùi Trường Giang (2006), “Những chuyển động kinh tế chủ yếu trong quá trình hướng tới Cộng đồng Đông Á”, T/c Những vấn đề kinh tế thế giới, Số 120 (tháng 4/2006), Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới.
Nguyễn Hồng Thu (2006), “Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc-ASEAN: Quá trình hình thành, thực trạng và triển vọng”, T/c Những vấn đề kinh tế thế giới, Số 121 (tháng 5/2006), Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới.
Lưu Ngọc Trịnh (chủ biên, 2006), “Phản ứng chính sách của các nước Đông Á trước xu hướng hình thành các Khu vực Mậu dịch Tự do (FTA) từ cuối những năm 1990”, NXB Lao động - Xã hội.
Trung Việt (2008), “FTA Hàn-ASEAN: Cơ hội lớn cho thương mại song phương”, VnEconomy, ngày 20/06/2008.
Tiếng Anh
Baldwin, Richard (1996), “A Domino Theory of Regionalism”, NBER Working Papers 4465, National Bureau of Economic Research, Inc.
Bhagwati, Jagdish (1993), “Regionalism and Multilateralism: An Overview”, in Melo and Panagariya, ed., New Dimensions in Regional Integration, Cambridge, Great Britain: Cambridge University Press.
Chandra, Alexander C. (2004), “The benefits and dangers of Bilateral FTAs for Indonesia”, Jakarta Post, 20 December 2004
Cooper, C. & Massell B. (1965), “A New Look at Customs Unions Theory”, The Economic Journal, Vol. 75, pp. 742-7.
Crawford, Jo-Ann & Fiorentino, Robert V. (2005), “The chainging landscape of Regional Trade Agreements”, WTO Discussion Paper 8, World Trade Organization, Geneva.
De Melo, J. & A. Panagariya (1993), “New Dimension in Regional Integration”, Cambridge, Cambridge University Press.
Grossman, Gene & Helpman, Elhanan (1995), “The Politics of Free-Trade Agreement”, The American Economic Review, Vol. 85, No. 4, pp. 667-690.
Krueger, Anne (1997), “Free Trade Agreement versus Custom Unions”, Journal of Development Economics, 54, 169-97.
Krugman, Paul (1991a), “Is Bilateralism Bad?” in International Trade and Trade Policy, ed. By Elhanan Helpman and Assaf Razin (Cambridge, Massachusetts: MIT Press).
Lloyd, Peter (2002), “New Regionalism and New Bilateralism in the Asia Pacific”, PECC Trade Forum, Lima, Peru, May 17-19, 2002.
Medalla, Erlinda M. & Dorothea C. Lazaro (2004), “Exploring the Phillippine FTA Policy Options”, PIDS Discussion Paper 2004-09, Manila.
Pibulsonggram, Nitya (2005), “The Importance of the FTA to Thailand”, AMCHAM Monthly Luncheon Grand Hyatt Erawan Hotel, Wednesday, 25 May 2005, Bangkok, Thailand.
Schott, Jeffrey (eds.2004), “Free Trade Agreements: US Strategies and Priorities”, Institute for International Economics, Washington D.C., USA.
Talerngsri, Pawin & Vonkhorporn, Pimchanok (2005), “Trade Policy in Thailand. Pursuing a Dual Track Approach”, ASEAN Economic Bulletin, Vol. 22, No. 1 (April 2005), pp. 60-74.
Tubeza, Philip (2006), “Arroyo eyes free trade pact with US by July 2007”, Inquirer
Wei, Shang-Jin, and Jeffrey A. Frankel, (1998), “Can Regional Blocs Be a Stepping Stone to Global Free Trade?”, Ineternational Review of Economics and Finance, Vol.5 (No.4)
Yap, Josef T. (2005), “Economic Intergration and Regional Cooperation in East Asian: A Pragmatic View”, Revised version of Session VI, Third East Asia Congress, 9-11 Dec.2005, ISIS, Kuala Lumpur, Malaysia.
Các website
1. www.wto.org 14. www.europa.eu
2. www.aseansec.org 15. www.apec.org
3. www.mfat.govt.nz 16. www.afinet.org.au
4. www.thailandoutlook.com 17. www.globalwarming.mofa.go.jp
5. www.networkideas.com 18. www.oec.org
6. www.wikipedia.net 19. www.gc.sfc.keio.ac.jp
7. www.usinfo.state.gov 20. www.vneconomy.com.vn
8. www.vnexpress.net 21. www.vnn.vn
9. www.mot.gov.vn 22. www.mof.gov.vn
10. www.us-asean.org 23. www.adb.org
11. www.whitehouse.gov 24. www.china.org.vn
12. www.tuoitre.com.vn 25. www.ttvn.gov.vn
13. www.laws.dongnai.gov.vn 26. www.globalexchange.org
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 7319.doc