Mục Lục
1.Lí do chọn đề tài: 3
2. Lịch sử nghiên cứu: 4
3. Mục đích nghiên cứu 5
4.Phương pháp nghiên cứu: 5
5. Cấu trúc đề tài: 5
PHẦN NỘI DUNG: 6
1: Cơ sở hình thành việc thờ cúng 6
1.1. Khái niệm tín ngưỡng 6
1.2. Tại sao người Việt thờ cúng tổ tiên 8
2. Bản chất của việc thờ cúng . 14
2.1. Thờ cúng để lưu giữ kí ức về tổ tiên 14
2.2. Nhắc nhở ý thức về cội nguồn 15
3. Các hình thức thờ cúng 15
3.1. Cúng cáo tổ tiên thường xuyên 15
3.2. Cách thức lễ 16
3.3. Bàn thờ tổ tiên 17
3.4. Chăm nom mộ tổ tiên 19
KẾT LUẬN 20
TÀI LIỆU THAM KHẢO 21
PHỤ LỤC ẢNH
26 trang |
Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 4060 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
KHOA VIỆT NAM HỌC VÀ TIẾNG VIỆT
&
BÁO CÁO KHOA HỌC
ĐỀ TÀI:
TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG TỔ TIÊN
CỦA NGƯỜI VIỆT
Sinh viên thực hiện: Lê Thị Trang
Lớp: K55 – Việt Nam học
Giáo viên hướng dẫn: Thày Vũ Thanh Tùng
HÀ NỘI – Tháng 3/2011
Mục Lục:
MỞ ĐẦU Trang 3
1.Lí do chọn đề tài: 3
2. Lịch sử nghiên cứu: 4
3. Mục đích nghiên cứu 5
4.Phương pháp nghiên cứu: 5
5. Cấu trúc đề tài: 5
PHẦN NỘI DUNG: 6
1: Cơ sở hình thành việc thờ cúng 6
1.1. Khái niệm tín ngưỡng 6
1.2. Tại sao người Việt thờ cúng tổ tiên 8
2. Bản chất của việc thờ cúng . 14
2.1. Thờ cúng để lưu giữ kí ức về tổ tiên 14
2.2. Nhắc nhở ý thức về cội nguồn 15
3. Các hình thức thờ cúng 15
3.1. Cúng cáo tổ tiên thường xuyên 15
3.2. Cách thức lễ 16
3.3. Bàn thờ tổ tiên 17
3.4. Chăm nom mộ tổ tiên 19
KẾT LUẬN 20
TÀI LIỆU THAM KHẢO 21
PHỤ LỤC ẢNH 23
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Đối với quốc gia, cái quan trọng nhất, cao qúy nhất là giá trị văn hóa. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một biểu hiện của văn hóa, sản phẩm của văn hóa. Là một dạng văn hóa tinh thần đặc biệt mà qua thời gian đã trở thành một tập tục truyền thống mang tính phổ quát của người Việt Nam. Nó sẽ trở nên cần thiết nếu luôn nhắc nhở mọi người phải biết kính trọng phụng dưỡng bố mẹ lúc sinh thời cũng như khi mất thì lo thờ phụng_ một việc làm thanh cao, tinh khiết của văn hóa truyền thống. Song sẽ trở nên phiền toái nếu việc thờ cúng mang màu sắc mê tín dị đoan ảnh hưởng đến đời sống kinh tế tinh thần. Bài nghiên cứu này sẽ đề cập tới “vẻ đẹp” của việc thờ cúng đúng đắn.
Có thể nói, thờ cúng tổ tiên là một hình thái đặc biệt của phép ứng xử, không đơn thuần chỉ là cách ứng xử giữa người với người mà là giữa con người với những giá trị vĩnh hằng. Điều đó làm nên sự khác biệt, tạo sự hấp dẩn cho những người muốn tìm hiểu về nó.
Mặt khác, việc tìm hiểu một giá trị đặc biệt của văn hóa giúp chúng ta có thể hiểu đúng đắn, tránh cái nhìn phiến diện, lầm tưởng về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Đặc biệt trong giai đọan hiện nay khi nước ta đang hội nhập và mở rộng “cửa” đón những luồng văn hóa mới. Khi mà chuyện hỗn nhập văn hóa không còn gì là lạ lẫm thì hoạt động văn hóa tín ngưỡng lại còn nhiều vấn đề đáng bàn?
Chìm sâu trong lớp văn hóa mấy ngàn năm lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đã kết tụ qua thời gian những giá trị mà ta cần gìn giữ bảo tồn.
Xuất phát từ những vấn đề trên, người viết lựa chọn nghiên cứu đề tài “ Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt” với mong muốn góp phần lí giải các vấn đề thuộc về lí luận và trong thực tiễn đối với một vấn đề nhạy cảm này.
2.Lịch sử nghiên cứu
Vấn đề tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên từ lâu đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Có thể kể đến một số tác phẩm như: Việt Nam văn hóa sử cương của Đào Duy Anh [1]; “Việt Nam phong tục” của Phan Kế Bính [3]; “Về tôn giáo tín ngưỡng hiện nay” của Đặng Nghiêm Vạn [15]; “Tiếp cận tín ngưỡng dân dã Việt Nam” của Nguyễn Minh San [8]; Tục thờ cúng tổ tiên của người Việt của Bùi Xuân Mỹ [7], Về tín ngưỡng , lễ hội cổ truyền của Ngô Đức Thịnh [10] …
Ngoài ra còn có một số bài nghiên cứu như: “ Thờ cúng tổ tiên, một nét đậm của đời sống tâm linh người việt” (Lê Dân trong Sinh hoạt văn hóa gia đình người Việt và sinh thái xã hội- nhà xuất bản Lao động,1994); “Thử tìm hiểu nguồn gốc tục thờ cúng tổ tiên” (Tạp chí văn hóa nghệ thuật số 127 (1/1995).
3. Mục đích nghiên cứu
Đề tài nghiên cứu trình bày, phân tích những vấn đề về tục lệ thờ cúng tổ tiên của người Việt. Người viết sẽ tập trung phân tích: cơ sở hình thành, bản chất, hình thức của tục lệ, đồng thời bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề gìn giữ giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống. Hiểu rõ và nắm chắc những tục lệ truyền thống là việc mà giới trẻ ngày nay luôn chú trọng, tránh những hiện tượng đáng buồn mà hiện nay đang diễn ra.
4. Phương pháp nghiên cứu
Với đối tượng và mục đích nghiên cứu đã nêu trên, đề tài sẽ sử dụng một số phương pháp nghiên cứu sau: Phương pháp phân tích tài liệu, phương pháp tổng hợp liên ngành, phương pháp hệ thống, phương pháp duy vật biện chứng, phương pháp so sánh, phương pháp điều tra thực tế.
5. Cấu trúc đề tài:
Ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo, đề tài gồm 4 mục chính sau:
1. Cơ sở hình thành của việc thờ cúng tổ tiên
2: Bản chất của việc thờ cúng
3: Hình thức thờ cúng
PHẦN NỘI DUNG
1. Cơ sở hình thành việc thờ cúng
1.1. Khái niệm tín ngưỡng
Hiện nay, khái niệm tín ngưỡng được hiểu theo nhiều cách khác nhau tùy theo cách tiếp cận của mọi người. Nó được hiểu như niềm tin đặc biệt tạo cho ta một cảm giác thiêng liêng, giúp người ta có thể nhận thức được sự vật mà không thể lí giải nổi, tạo cho ta một sức mạnh đặc biệt trong cuộc sống hiện tại. Chính niềm tin đó là cơ sở tạo nên nền tảng sơ khai về tín ngưởng thờ cúng tổ tiên.. Các nhà nghiên cứu đưa ra định nghĩa: “Tín ngưỡng là sự tin tưởng, ngưỡng mộ và sùng bái những thần thánh, vật thiêng hoặc linh hồn người chết do con người tưởng tưởng ra hoặc do con người suy tôn, gán cho những phẩm chất siêu phàm” [ 14, tr 100]. Nhìn chung tín ngưỡng chính là sự cảm nhận của con người về thế giới mà họ đang sống, về cuộc sống xung quanh họ. Đó là hiện tượng có tính chất thiêng liêng, thần bí thể hiện niềm tin về một thế giới vô hình sau khi chết về sự tồn tại của linh hồn người chết và sự tác động đến cuộc sống hiện tại của con người. Dường như ở đâu có niềm tin thì ở đó hình thành nên tín ngưỡng, đó là yếu tố cơ bản tạo nên đời sống tâm linh người Việt.
1.2. Tại sao người Việt thờ cúng tổ tiên?
- Tổ tiên là những ai? Tổ tiên theo quan niệm của người Việt, trước hết là những người cùng huyết thống, cha mẹ, ông bà, cụ, kỵ, là những người đã sinh thành ra mình. Tổ tiên cũng là người có công tạo dựng nên cuộc sống của chính mình như “Thành hoàng làng”, “ nghệ tổ”, ngoài ra còn là người có công bảo vệ xóm làng quê hương, đất nước khỏi nạn ngoại xâm. Trong lịch sử Việt Nam đã ghi lại không biết bao nhiêu vị anh hùng mà chiến tích của họ đã trở thành huyền thoại, như Thánh Gióng, Bà Trưng, Bà triệu, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo.
- Cơ sở từ yếu tố tâm linh: Người Việt quan niệm linh hồn tổ tiên luôn tồn tại và hiện diện bên cháu con, chết không phải là hết, chết không có nghĩa là vĩnh viễn không tồn tại mà vẫn còn mối liên hệ nào đó với những người đang sống. Dường như vẫn vô hình sống bên cạnh những người thân của mình. Giữa họ vẫn có mối liên hệ thật gần gũi, thân thiết mà thật khó để lí giải. Thậm chí, người chết không chỉ giữ vị trí quan trọng trên bàn thờ cao xa ở một thê giới tách biệt mà còn trong mối liên hệ đẳng cấp trật tự gia đình. Ví như những người còn sống mà thuộc hàng cao hơn kẻ chết thì không phải thờ. Điều này làm cho cái chết trở nên thật nhẹ nhàng, mờ nhạt, con người không còn quá ám ảnh bởi cái chết. Sự xa cách về thời gian và không gian trở nên thật gần gũi.
Mặt khác việc thờ cúng chẳng qua là một tưởng niệm cao cả của con người chứ không có gì là mê tín dị đoan. Đơn thuần chỉ là sự nhắc nhở ngưới sống nhớ đến người đã mất. Nhưng mặt tiêu cực là hiện nay có quá nhiều người tin tưởng vào sự trường tồn và hiện diện thực sự trong các bài vị hay gán cho họ những quyền lực siêu nhiên.
Sự thờ cúng tổ tiên cũng xuất phát điểm từ niềm tin con người có phần thể xác và tinh thần. Như Nguyễn Du đã từng viết:” Thác là thể phách còn là tinh anh” (Truyện Kiều - Nguyễn Du). Tất cả là sự tin tưởng vào sự bất diệt của linh hồn vào thế giới cõi âm hay một niềm tin mơ hồ có nguồn gốc sâu xa và rất phổ quát trong hầu hết các dân tộc ở Châu Á. Bởi không phải chỉ có Việt Nam là có đạo thờ ông bà . Tục thờ cúng tổ tiên ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và ở nhiều dân tộc khác thuộc Á Châu cũng có . Tùy theo xã hội mà có nghi thức khác nhau, nhưng mẫu số chung vẫn là tin vào linh hồn của tổ tiên luôn luôn ở quanh ta để chia sẻ buồn vui và giúp đỡ con cháu . Nhưng có thể nói rằng tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một tín ngưỡng bản địa của dân tộc Việt Nam có cùng với cư dân ở khắp nơi, không những từ miền Nam sông Dương Tử xuống đến các hải đảo xa xôi ở Ðông Nam Á. Khi bị văn hóa Hán, tiêu biểu là khi đạo Nho, đạo Lão, đạo Phật xâm lấn, bao trùm thì tín ngưỡng này không mất, nhưng lại biến đổi lớp vỏ ngoài để thích ứng. Người Việt xưa quan niệm rằng con người được chia tách thành hồn và vía. Người Việt cho rằng con người chỉ có 3 hồn, nhưng vía thì nam có bảy, còn nữ có chín. Hồn vía là sản phẩm của trí tuệ bình dân với những con số 3-7-9 ước lệ (sản phẩm của truyền thống coi trọng những con số lẻ của người Việt). Tuy nhiên, dần dần người ta tìm ra cách giải thích ý nghĩa của các khái niệm và những con số này. Theo đó , vía là cái làm hoạt động các quan năng - những nơi có thể tiếp xúc với môi trường xung quanh. Đàn ông có bảy vía cai quản bảy lỗ trên mặt : hai tai, hai mắt, hai lỗ mũi và miệng. Phụ nữ thì có thêm hai cái vía cai quản nơi sinh đẻ và nơi cho con bú. Ba hồn, theo một cách giải thích uyên bác, gồm tinh, khí và thần. Tinh là sự tinh anh trong nhận thức (nhờ các quan năng, các vía mang lại). Khí là khí lực, là năng lượng làm cho cơ thể hoạt động. Thần là thần thái, là sự sống nói chung. Như vậy, từ xác đến vía, từ vía đến tinh, từ tinh đến khí, từ khí đến thần là cả một chuỗi xích với mức độ trừu tượng và tầm quan trọng tăng dần. Hồn vía được người xưa dùng để giải thích các hiện tượng như trẻ con hay đau ốm, hiện tượng ngủ mê, ngất, chết,... Trong hồn và vía thì vía phụ thuộc vào thể xác : có người lành vía, người dữ vía, có người yếu vía, người cứng vía,...Cho nên khi gặp người có vía độc khi chạm vía thì phải đốt vía, trừ vía, giải vía,... khi người chết thì vía hòa vào thể xác mà tiêu tan. Hồn trừu tượng hơn nên được xem là độc lập với thể xác. Hiện tượng ngủ mê được dân gian giải thích là hồn lâm thời lìa thể xác để đi chu du. Khi ốm nặng ngất đi bất tỉnh nhân sự thì có tục gọi hồn, hú hồn. Hồn của người này (đã chết lâu) có thể nhập vào xác của người kia (mới chết sinh ra chuyện Hồn Trương Ba, da hàng thịt (truyện cổ tích ). Khi chết thì hồn lìa khỏi xác mà ra đi.. Khi người chết, hồn nhẹ hơn sẽ bay sang kiếp khác còn vía nặng hơn sẽ bay là là mặt đất rồi tiêu tan. Thế nên mới có những câu ngạn ngữ như: "hồn xiêu phách lạc" (phách tức là vía; ở đây muốn nói trạng thái run sợ, mất chủ động), "sợ đến mức hồn vía lên mây" ...
Chết tức là cơ thể từ trạng thái động trở thành tĩnh, cho nên theo triết lí âm dương thì hồn đi từ cõi Dương (Dương gian, Dương thế) sang cõi Âm (Âm ti, Âm phủ). Đó là một thế giới bên kia. Ở vùng nông nghiệp sông nước này thì "thế giới bên kia" cũng là nơi sông nước, ngăn cách chúng ta bằng chín suối (9 - con số lẻ ước lệ biểu thị số nhiều); tới đó phải đi bằng thuyền. Niềm tin rằng chết là về với tổ tiên nơi chín suối, tin rằng tuy ở nơi chín suối, nhưng ông bà tổ tiên vẫn thường xuyên đi về thăm nom, phù hộ cho cháu con là cơ sở hình thành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Nó có mặt ở nhiều dân tộc Đông Nam á, nhưng, theo quan sát của nhà dân tộc học người Nga G.G. Stratanovich thì nó phổ biến và phát triển hơn cả ở người Việt. Đối với người Việt, nó gần như trở thành một thứ tôn giáo; ngay cả những gia đình không tin thần thánh cũng đặt bàn thờ tổ tiên trong nhà. Người miền Nam gọi là Đạo Ông Bà.
Người nguyên thủy tin rằng, con người sau khi chết linh hồn vẫn tiếp tục sống. Ý niệm về linh hồn người chết là trong yếu tố cơ bản nằm trong phức hợp biểu tượng và tổ tiên là một đặc trưng của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Một yếu tố tư tưởng khác có phần xa xưa hơn với ý niệm linh hồn có ảnh hưởng tới sự phát triển các biểu tượng về tổ tiên là những hình ảnh về họ hay còn gọi là “tô tem giáo”, một ý niệm về thần thánh che chở của cho gia đình thị tộc.
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên dựa trên cơ sở niềm tin vào sự bất tử của linh hồn tổ tiên ấy. Niềm tin ấy bắt nguòn từ ước muốn mang tính bản năng ước muốn trường thọ của con người. Chính con người đã thiêng liêng hóa tình cảm ấy bằng nghi lễ thờ cúng tổ tiên. Điều này thể hiện cách con người suy nghĩ về cái chết, về cuộc sống sau khi chết, giải tỏa nỗi sợ hãi khi phải đối mặt với cái chết.
Nói tóm lại việc thờ cúng chỉ một nghi lễ truyền thống và trút bỏ mọi ý niệm và cảm thức mơ hồ về tôn giáo. Đối với người việt, tổ tiên là một thành phần trong gia đình, việc thờ cúng rõ ràng là nét đặc biệt của tôn giáo và tín ngưỡng.
Đặc biệt ở thế kỷ XV dưới thời Lê Thánh Tông, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên cũng được thể chế hóa về mặt pháp luật, một bước chuyển mình lớn của văn hóa tín ngưỡng_từ đây tín ngưỡng được nhìn nhận đúng đắn hơn. Quốc triều hình luật ghi rõ: “Con cháu phải thờ cúng năm đời, ruộng đất hương hỏa không được bán”. Như vậy, việc thờ cúng tổ tiên đã di vào tiềm thức của mỗi cá nhân cộng đồng và đã được ghi nhận vào luật rất sớm. Có thể thấy đó là nhu cầu tất yếu xảy ra do ý muốn giải thoát tư tưởng của mình. Điều này luôn luôn đúng, bởi những dân tộc quốc gia khác trên thế giới đều tưởng nhớ đến người thân đã mất. Song tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt lại mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Mà những điều chúng ta tìm hiểu dưới đây sẽ chứng minh cho điều đó.
- Cơ sở từ yếu tố xã hội: Bắt nguồn từ trong xã hội nguyên thủy, ý thức về tổ tiên là một yếu tố phản ánh sự bất lực của con người trước sức mạnh của tự nhiên. Về sau, cùng với lực lượng tự nhiên là lực lượng mang tính xã hội, như sự áp bức, bóc lột, giai cấp,… luôn thống trị lên cuộc sống hằng ngày. Điều đó phản ánh sự bế tắc trong cuộc sống hiện thực của con người nguyên thủy muốn tìm sự giải thoát trong cuộc sống tinh thần. Cùng với đó là biểu tượng về thần linh, xuất hiện vào thời kì thị tộc mẫu hệ. Đây cũng là đặc điểm chủ yếu của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Như vậy, nguồn gốc xã hội sâu xa mang tính khách quan của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đó cũng chính là tính hạn chế của lực lượng sản xuất kèm theo đó là sự hạn chế, tù túng trong quan hệ giữa con người với tự nhiên và giữa con người với con người trong xã hội.
Đặc biệt xã hội Việt Nam luôn coi thờ cúng tổ tiên như một thứ đạo. Nguyễn Ðình Chiểu đã nhắc đến điều này:
“Thà đui mà giữ đạo nhà
Còn hơn có mắt ông cha không thờ” .
Như một học giả đã từng nói: “Ðạo nhà tức là thờ cúng gia tiên, hay là đạo thờ cúng ông bà tổ tiên”. Cũng như tác giả Phan Kế Bính đã từng coi thờ cúng tổ tiên như một sinh hoạt đức tin được giáng xuống thành một tình cảm thành kính nhớ ơn và ngưỡng mộ tổ tiên, do đấy mới nói là dùng cách nào cũng ngụ cho cái lòng ngưỡng mộ. Trong khi đó, người dân lại vẫn có một tin tưởng khác rằng tổ tiên vẫn là người gần gũi với con cháu và sẵn sàng tham gia vào mọi công việc của con cháu cũng như khi còn sống . Họ có thể dùng quyền uy ở cõi âm để che chở giúp đỡ người sống ?
Đó chính là nền tảng gia đình của xã hội vậy nếu muốn xã hội mang tính chất nhân bản thì ngay tự gia đình cũng đã phải là hạt nhân của xã hội nhân bản. .Ðạo thờ ông bà không phải chỉ đơn thuần là những bữa cúng giỗ để con cháu họ mạc được thụ lộc, mà còn có nhiều hệ quả đối với xã hội. Việt Nam khác với Trung Hoa hay Nhật là đưa ơn tổ tiên cha mẹ lên hàng thứ nhất của Tứ ơn ( ơn tổ tiên cha mẹ, ơn đất nước, ơn Tam bảo và ơn đồng bào).
Đặc biệt Việt Nam là một xã hội nông nghiệp định cư trên một địa bàn rộng lớn, thì việc thờ cúng gia tiên cũng tiến hành song song với sự thành hình rộng rãi gia tộc. Lúc ấy bắt đầu nảy sinh quyền hạn và bổn phận riêng của gia tộc cũng như cộng đồng. Những sinh hoạt tâm linh cũng thay đổi theo chiều hướng cái nào thích hợp với xã hội mới thì được chuyển hóa, cái nào không thích hợp sẽ bị đào thải. Tục thờ cúng tổ tiên là một chuyển hóa quan trọng từ tín ngưỡng thờ linh hồn. Tuy vậy, người ta rất khó giải thích hay chứng minh sự hiện hữu của các linh hồn người, nhưng người ta vẫn tin tưởng và đã tạo nên một niềm tin vững chắc rằng chết chưa phải là hết. Linh hồn vẫn sống cùng với gia tộc nhưng họ rất thiêng liêng. Nên có thể hoặc làm hại tàn khốc hơn người sống, hay phù hộ để gặp may mắn hoặc gạt bỏ được tai ách.
Tuy vậy sự tin tưởng của mỗi thời đại thật khác nhau. Ngày trước ta đã chỉ trích tục thờ cúng tổ tiên mà không tìm hiều rõ cội nguồn và những biến thái của nó để có thể thấy phần nào giá trị tốt đẹp của nó, tạo điều kiện thay đổi tương lai. Nhưng ngày nay, chúng ta không bao giờ nhắc đến sự cuồng tín như với đức tin tôn giáo được. Bởi tín ngưỡng thờ linh hồn sơ khai rất đơn thuần chỉ là sự đề cao kỉ niệm. Ðạo thờ cúng tổ tiên với đầy đủ đức tin và nghi thức đã làm nên sức mạnh tinh thần cho những thành phần trong gia tộc mà xét về nhiều mặt tích cực cũng như tiêu cực phải gọi là yếu tố căn bản của văn hoá Việt Nam.
Còn nguồn gốc trực tiếp mang tính xã hội, đó chính là sự phân hóa xã hội mà là hệ quả của nó là là sự đề cao vai trò của người đứng đầu. Trong xã hội có giai cấp, Sự áp bức bóc lột giai cấp, sự bất công xã hội đã khiến con người không có lối thoát hiện thực phải đi tìm sự trợ giúp của tổ tiên cũng là những người có nguồn gốc xã hội quan làm nảy sinh tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.
Mặt khác, thờ cúng tổ tiên cũng được bắt nguồn từ lòng hiếu thảo, đạo ông bà chẳng qua là sự tiếp nối đạo hiếu, tin rằng ông bà tổ tiên sau khi mất không hoàn toàn biến mất mà vẫn còn mối liên hệ nhất định với con cháu, nên phận làm con phải lo trọn chữ hiếu, phải thực hiện những bổn phận như ông bà tổ tiên còn sống, hay đúng hơn như họ vẫn sống. .Con thờ cha mẹ không những lúc đang sống, mà xưa kia ngay cả một vị quan dù lớn trong triều đình mà gặp tang cha mẹ, cũng phải xin nghỉ để chịu tang, có khi còn làm túp lều bên cạnh mộ đó ba năm. Ngày nay chúng ta không còn áp dụng một cách quá cứng nhắc như vậy nữa. Nhưng quan niệm người chết đi sang một thế giới khác vẫn sinh hoạt như vậy thì không có gì là thay đổi nên thân nhân phải lo cho người chết đầy đủ để cuộc sống ở thế giới mới không gặp khó khăn, thiếu thốn. Đó là mối liên hệ nhằm xác lập “mối liên hệ” giữa những người sống với người chết, giữa người thế giới hiện tại với thế giới tâm linh là sự thể hiện quan niệm nhân sinh của người Việt Nam. “Sự tử cũng như sự sinh, sự vong sự tồn”. Với người Việt, chết chưa phải là hết, lúc nào tổ tiên cũng ở bên cạnh người sống như tại trên bàn thờ mỗi gia đình, động viên, trợ giúp cho con cháu trong cuộc sống hằng ngày. Nếu như tuyệt đối hóa tinh thần hướng con người về thế giới siêu thoát thì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên hứớng con người về quá khứ song cũng rất coi trọng hiện tại và tương lai. Người Việt Nam rất coi trọng tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là vì vậy.
2. Bản chất thờ cúng tổ tiên
2.1. Thờ cúng để lưu giữ kí ức về tổ tiên
Theo “Kinh Lễ” lời nói sau đây là của Khổng Tử: "Coi người chết như là đã chết rồi thì sẽ là vô nhân. Chẳng nên làm thế. Nhưng coi họ như những người đang sống thì sẽ là vô lý. Chẳng nên làm thế". Như vậy không nên coi người chết như đã chết rồi, có nghĩa là không chăm nom gì đến họ nữa, quên bẵng luôn đi, cũng chẳng nên coi họ như còn sống, nghĩa là tin là họ còn sống thật. Sự thật, họ vẫn tồn tại trong ký ức của chúng ta, bằng sự sống động, tính nồng nhiệt của cái tình cảm mà chúng ta gọi là đức hiếu đễ, biết tôn kính những người đã cho ta sự sống và ý thức, khiến cho họ còn tồn tại mãi, nuôi giữ ký ức về họ, truyền nối việc thờ cúng mãi mãi cho con cháu chúng ta, bằng cách đó tạo cho ta cái ảo tưởng, một thứ ảo tưởng tốt lành không ảnh hưởng đến ai. Việc thờ cúng người chết là tôn kính ký ức về họ, cơ sở trên đức hiếu đễ và tình cảm về sự vĩnh hằng của gia đình và nòi giống.
2.2. Nhắc nhở ý thức về cội nguồn
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên cũng giống như các loại hình tín ngưỡng tôn giáo khác là sự phản ánh sai lệch hiện thực. Ý thức về tổ tiên là ý thức về cội nguồn. Thờ cúng tổ tiên là sự phản ánh liên tục của thời gian là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại và tương lai. Sự sống là bất diệt , chết không phải là hết, các thế hệ nối tiếp nhau chết chỉ là sự bắt đầu một chu kỳ sinh mới theo vòng kiếp luân hồi của đạo Phật. Tổ tiên được gắn cho sức mạnh siêu nhiên, đó chính là sự thiêng liêng hóa, thần thánh hóa bắt nguồn từ quan niệm bất diệt của linh hồn. Sự thiêng liêng hóa, thần thánh hóa tổ tiên là sự tưởng tượng song lại có cội nguồn từ hiện thực cuộc sông. Ước mong được vượt qua cái trần tục đời thường thúc đẩy sự tìm tòi. Việc thờ cúng chẳng qua chỉ là việc tôn thờ một kỉ niệm mà con người không có khả năng thay đổi nó. Cha mẹ vẫn chỉ là cha mẹ, được kính trọng mến yêu chứ không phải do sợ hãi mang tính dị đoan đối với kẻ chết, cũng chẳng phải muốn cầu cạnh nâng đỡ. Mà đơn giản chỉ muốn tìm lại sự thanh thản cho chính bản thân mình.
Có thể xét ở hai mặt:
Trước hết, Về mặt tâm linh thông qua các nghi lễ con người bày tỏ niềm tin lòng ngưỡng mộ của mình đối với các lực lượng siêu nhiên. Vô hình chung qua đó con người cũng thỏa mãn những nhu cầu và khát vọng của mình vào đời sống thực. Những điều mà thực tế không mang lại cho họ, đó là một cách để giải quyết những nhu cầu mà cuộc sống trần tục không mang lại cho họ.
Về mặt xã hội: Những chuẩn mực đạo đức được quy ước có tác dụng điều chỉnh hành vi của con người trong cuộc sống. Con người có cảm giác không chỉ phải sống có trách nhiệm với cuộc sống thực mà trong dời sống tinh thần luôn có một cái gì đó thôi thúc họ phải làm điều tốt tránh xa những điều xấu xa. Đó phải chăng là lí do cho của sự tồn tại tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên
3. Hình thức thờ cúng
Tập tục thờ cúng là một việc làm văn hóa đã dược xây dựng từ ngàn đời nay. Tập tục thờ cúng biểu hiện một mong ước một cuộc sống tốt đẹp hơn, sự nhớ ơn tới tổ tiên và các bậc sinh thành ngự trị trong tâm hồn người Việt từ biết bao đời nay.
3.1. Cúng cáo tổ tiên thường xuyên
Việc thờ cúng tổ tiên tại gia đình thường được tiến hành quanh năm, xuất phát từ quan niệm dù đã khuất nhưng linh hồn họ vẫn luôn ở bên cạnh con cháu. Không chỉ cúng lễ trong các dịp quan trọng như tang ma, giỗ chạp, cưới xin…, không chỉ trong những ngày lễ tiết như Tết nguyên đán, Thanh minh, Hàn thực, Đoan ngọ…, các ngày Sóc (ngày mồng một), Vọng (ngày rằm) theo chu kỳ tuần trăng, mà các vị tổ tiên còn được con cháu kính cáo mọi chuyện vui buồn: sinh nở, ốm đau, thi cử, đỗ đạt, kiện cáo, bất hòa, dựng vợ gả chồng… Con cháu còn kính mời các vị về hưởng thụ hoa trái đầu mùa, lễ tạ tổ tiên khi có phúc, có lộc. Có thể nói trong tâm thức những người sống tổ tiên là bất tử. Người Việt dâng hương, làm lễ cúng tổ tiên để báo cáo và để cầu tổ tiên phù hộ, hay để tạ ơn khi công việc thành công. Bản chất việc thờ cúng tổ tiên của người Việt là từ niềm tin người sống cũng như người chết đều có sự liên hệ mật thiết và hỗ trợ nhau. Con cháu thì thăm hỏi, khấn cáo tiền nhân. Tổ tiên thì che chở, dẫn dắt hậu thế nên việc cúng giỗ là thực hiện mối giao lưu giữa cõi dương và cõi âm.
3.2. Cách thức lễ
- Nghi lễ thờ cúng: Sau khi đặt đồ lễ lên bàn thờ, gia trưởng (có thể là chủ hộ hoặc con trưởng nam hoặc cháu đích tôn...) khăn áo chỉnh tề, thắp hương, đứng trước bàn thờ, vái 3 vái và khấn. Hương thắp trên bàn thờ bao giờ cũng thắp theo số lẻ: một, ba, năm nén. Sau khi gia trưởng khấn lễ, lần lượt đến mọi người trong gia đình vái trước bàn thờ. Ngày nay, việc khấn lễ đã giản đơn, người ta chỉ vái thay lễ. Trước khi khấn, vái ba vái ngắn, khấn xong vái thêm bốn vái dài và ba vái ngắn. Khi mọi người đã lễ vái xong, chờ cho tàn một tuần nhang, gia trưởng tới trước bàn thờ lễ tạ và thắp thêm tuần nhang nữa. Sau đó, gia trưởng hạ vàng mã trên bàn thờ đem hoá (đốt). Lúc hoá vàng người ta thường lấy chén rượu cúng vẩy lên đống tàn vàng. Các cụ giải thích, có như vậy người dưới âm mới nhận được số vàng người sống cúng. Lúc này có thể hạ đồ lễ xuống.
- Cách thức lạy (vái và lễ): Khi đã bày xong đồ lễ, thắp hương xong, người lạy đứng thẳng, chắp tay lên cao ngang trán, cong mình xuống, đặt hai tay vẫn chắp xuống chiếu, cúi rạp đầu xuống gần bàn tay đang chắp (đây là thế phủ phục), cất đầu vào mình thẳng lên đồng thời co hai tay vẫn lên chắp trước ngực và co đầu gối bên phải lên, đặt bàn chân phải lên chiếu để sửa soạn đứng dậy, đem hai bàn tay vẫn chắp xuống tì vào đầu gối bên phải mà đứng lên, chân trái đang quỳ tự nhiên theo cử động chót này cùng đứng thẳng lên. Người lạy, trước khi khấn đã lễ bốn lạy, và sau khi khấn từ tư thế quỳ đứng lên, đã qua như lễ được một nữa lạy, cho nên người ta thường nói là lạy “bốn lạy rưỡi” là vì vậy.
Ngày nay, cách lạy cũng đã được giản lược, hoặc vì không hiểu đúng cách hành lễ chỉ làm với những động tác vô nghĩa. Rồi đây, có thể tục lạy sẽ bị bỏ dần và mất hẳn trong mọi lễ nghi trong gia đình cùng ngay cả ở các đền chùa.
- Cách khấn tổ tiên: văn tế, văn khấn là những lời nói sửa soạn trước cho được nghiêm chỉnh với việc dùng từ ngữ cẩn thận và cách thức kính cẩn trình bày lên các đấng thần thánh, với tổ tiên trong các lễ tế hay cúng giỗ. Cũng có một số bài đã trở thành những áng văn chương tuyệt tác, ý nghĩa thâm trầm được làm ra do những văn tài xuất chúng. Chẳng hạn như bài văn tế “Nghĩa sĩ Cần Giuộc” của Nguyễn Khuyến. Thông thường văn tế, văn khấn chia làm ba đoạn chính:
Đoạn thứ nhất: Bao gồm có ngày tháng, tên của người đứng ra chủ động việc cúng tế và nói về lễ vật.
Đoạn thứ hai: Gồm tên tuổi hiệu thụy các vị được cúng tế
Đoạn thứ ba: Nói rõ mục đích của tế lễ.
Văn tế thường theo một thể riêng như thể phú. Văn khấn có thể viết theo văn vần, gồm một đoạn theo thể phú, hoặc bằng văn xuôi. Văn khấn cũng như văn tế, khi người hay giỏi chữ Nho thường dùng Hán văn, về sau người ta chuyển sang Việt văn. Cần nhất là hay, có ý nghĩa và được đọc một cách trang trọng. Điều cần lưu ý là trong các lễ giỗ kỵ, văn khấn nên viết sẵn ra giấy. Người chủ lễ đứng trước bàn thờ, vái bốn vái rồi cầm giấy đưa ra trước mặt mà đọc. Đọc xong vái năm cái. Tiếp theo là thân nhân trong gia đình vào lễ theo thứ tự “cẩn cáo”.
- Đồ lễ dâng cúng gia tiên: những thứ dâng cúng gia tiên bao giờ cũng phải thanh khiết, không con cháu nào được đụng tới. Cỗ bàn nấu xong, cúng gia tiên trước con cháu mới được ăn sau. Khách tới ăn giỗ có mang đồ lễ để cúng, thường là vàng hương, trầu rượu, trà nến, hoa quả. Quan hệ huyết thống của Việt khá phức tạp. Gia đình chỉ là một đơn vị độc lập tương đối bởi vì giữa các gia đình trên một phạm vi nào đó lại tồn tại một quan hệ ràng buộc mà người ta gọi là họ hàng, dòng tộc. Và theo "quy định" huyết thống ấy, nhiều gia đình sẽ họp thành một ngành, nhiều ngành họp thành một họ. Mỗi họ có một ông Tổ chung.
Trong việc thờ phụng tổ tiên thì ngày giỗ hay còn gọi là kỵ nhật rất quan trọng. Trong ngày giỗ, người ta làm cỗ bàn mời thân bằng quyến thuộc. Ở làng quê, ngày giỗ là dịp để gia chủ mời lại những người đã từng mời mình đi ăn uống, người ta gọi là trả nợ miệng. Giỗ có thể làm to hoặc làm nhỏ tuỳ theo gia cảnh và nhiều khi lại tuỳ thuộc vào mối liên hệ giữa người sống và người chết. Ví như giỗ cha mẹ, giỗ ông bà thường làm to, giỗ anh em, chú bác cùng các vị cao tằng tổ khảo thường chỉ có cơm canh cúng đơn sơ để khỏi bỏ giỗ.
- Cúng giỗ tổ tiên trong dòng tộc: Ngoài ngày giỗ tổ tiên tại gia, người Việt còn có ngày giỗ họ. Trưởng tộc là người được hưởng hương hoả của tổ tiên nên có trách nhiệm phải lo việc làm giỗ họ. Trong ngày giỗ họ, con cháu đều phải góp giỗ. Mỗi họ đều có một cuốn gia phả ghi chép họ tên, chức tước, ngày tháng sinh tử của tổ tông và người trong họ theo thứ tự để mọi người cùng dòng họ "vấn tổ tầm tông". Con cháu trong một họ lập Từ đường để thờ vị Thuỷ tổ. Trên bàn thờ ấy có bài vị Thuỷ tổ dòng họ. Xưa kia bài vị thường được ghi bằng Hán tự, ngày nay có nhiều người dùng chữ Quốc ngữ để đề bài vị. Ngoài thần chủ đồ thờ còn bao gồm đèn nến, hương, hoa, mâm quỳ, mâm bồng, cổ đài rượu... Hoành phi câu đối trên đó ghi lại công đức của tổ tông là đồ không thể thiếu trong gian thờ. Có nhiều họ không xây Từ đường thì xây một đài lộ thiên, dựng bia đá, ghi tên thụy hiệu các tổ tiên. Mỗi khi có giỗ tổ hoặc có tế tự thì cả họ ra đó cúng tế.
- Ý nghĩa sâu sa của việc cúng lễ: Cúng bái chỉ làm cho có hình thức, thiếu lòng thành kính tức là thiếu sự hiếu thảo. Không một vị tổ tiên nào chứng giám cho những con cháu có cúng mà không có kính. Thà chén cơm đĩa muối mà lòng thành tâm hơn mâm cao cỗ đầy mà tâm địa đen tối. Phan Kế Bính là một nhà phong tục học, đã nhấn mạnh ý nghĩa này: “Xét cái tục phụng sự tổ tiên của ta rất là thành kính, ấy cũng là một lòng bất vong bản, cũng là một việc nghĩa vụ của người. Nhưng cũng nên biết rằng sự cúng cấp là để tỏ cái lòng thành kính, chứ không phải để mà phụng dưỡng tổ tiên, thì dùng cách nào cho ngụ được cái lòng ấy cũng đủ” [3, tr23].
Quả thật ngày nay có nhiều người thắp hương khấn bái, thờ cúng mà chỉ theo rập như máy, mấy ai hiểu được giá trị đạo lý của việc thờ cúng. Khi chúng ta cầm nén hương đứng trước bàn thờ gia tiên, các hương án của đình, chùa, miếu..., thốt lên câu " Thắp nén tâm hương" hay nói theo cách của người Việt đó là " lòng thành thắp 1 nén nhang" là trong đó đã bao hàm ý nghĩa văn hóa và đạo lý làm người của người Việt Nam, chứ không còn là sự mê tín đơn thuần nữa.
Bởi thế khi chúng ta thờ cúng tổ tiên cũng chỉ là đem cái “TÂM” hướng tới CHÂN-THIỆN-MỸ của cuộc sống, vậy đâu còn là sự tín ngưỡng đơn thuần của tôn giáo, mà lời khấn niệm mang cả cái triết lý sống cao cả, cái nhân sinh quan tốt đẹp của con người rồi.
Đây là những hình thức bình dị và giàu tính thực tiễn, không cực đoan như nhiều tôn giáo khác. Bởi thế nó dễ dàng được thế tục hóa trở thành nếp sống, phong tục, bám rễ sâu trong tiềm thức của mỗi người. Bằng việc thờ cúng tổ tiên, thế hệ trước nêu gương cho thế hệ sau không chỉ vì trách nhiệm đối với các bậc sinh thành mà còn để giáo dục dạy dỗ con cháu lưu truyền nòi giống. Giáo sư Đào Duy Anh cho rằng: “tế tự tổ tiên là lấy sự duy trì chủng tộc làm mục đích”. Trong khi tế lễ, lời khấn vái của họ cũng thật giản dị, rất thực tiễn: lời cầu xin che chở, phù trợ cho cuộc sống hàng ngày của họ được bình yên, suôn sẻ. Không biết sự cầu xin ấy hiệu quả như thế nào, nhưng trước hết, con người cảm thấy thanh thản về mặt tâm linh, điểm tựa tinh thần quan trọng cho cuộc sống. Trong sự thờ cúng này đã thực sự nảy sinh mối quan hệ hai chiều: người chết cần đến sự cúng lễ của người sống để có thể yên ổn ở thế giới bên kia, không thành “ma đói” lang thang, còn người sống chỉ có thể an bình, thanh thản khi được che chở, phù trợ một cách bí ẩn của người chết. Linh hồn các bậc tiền bối luôn luôn bên cạnh con cháu, mách bảo cho họ và giúp đỡ họ có một cuộc sống tốt đẹp thuận hòa. Với những mong muốn bình dị và niềm tin nguyên thủy chất phát, thờ tổ tiên được coi là thứ tín ngưỡng “vừa tầm” với mọi lớp người cả về mặt nội dung đạo lý và nghi thức thực hiện. Do đó, khả năng phổ biến trong không gian và thời gian của tín ngưỡng này cũng là một điều dễ hiểu.
- Việc cúng lễ tổ tiên không cần cầu kỳ, cốt yếu là thành tâm: Việc cúng lễ tổ tiên là việc không thể thiếu trong phong tục của người Việt, tuy nhiên trong những ngày giỗ Tết, không nhất thiết phải bày mâm cao cỗ đầy. Người ta luôn luôn chịu sự chi phối của quan niệm vừa mong được nhận “phúc ấm của tổ tiên”, “sống vì mồ mả, ai sống vì bát cơm”, vừa lo trách nhiệm để phúc lộc cho con cháu “phúc đức tại mẫu”, “đời cha ăn mặn đời con khát nước”. Cúng lễ tổ tiên có ý nghĩa sâu xa là để giáo dục truyền thống gia đình, dạy cho con cháu đạo lý làm người.
Trong những ngày giỗ, ngày Tết mà đốt quá nhiều giấy tiền vàng mã, quần áo, nhà cửa xe cộ v.v… bằng giấy, tính ra hằng năm người ta có thể tiêu phí về việc này có trên tiền tỷ thì liệu tổ tiên có “hài lòng” không? Cúng bái như vậy là sai (mê tín, lạc hậu, mù quáng).
3.3. Bàn thờ tổ tiên:
- Bàn thờ tổ tiên của dòng họ (Bàn thờ họ): còn gọi là Từ đường của dòng họ. Trên bàn thờ họ có bài vị của Thủy tổ dòng họ. Tương ứng với thế giới bên kia, tổ tiên thờ cúng đến năm đời thì bỏ thần chủ (bài vị) vì coi như đi đầu thai, ở đại gia đình người Việt thì sống đến ngũ đại đồng đường là chuyện xưa nay hiếm. Tổ chức gia tộc với nhiều thế hệ ở chung với nhau trong một địa bàn với nhiều nhà liên kết trong một sợi dây vô hình thuộc về huyết thống. Những họ mạc này sống qua nhiều đời và luôn giữ sợi dây thân tộc dù có phải vì lý do loạn lạc hay sinh kế mà không thể sống quây quần với nhau. Bước đầu vì lý do an ninh khiến những người định cư phải sống gần nhau để bảo vệ chống lại thú dữ hoặc trộm cướp. Ðại gia đình phát triển lớn với khoảng năm đời chung sống, cùng với con, cháu, chút, chít,…có thể đông đến vài trăm người, đủ để thành một ấp lớn. Nền luân lý gia đình được coi như là pháp luật để cho mọi người tuân theo mà cư xử . Nền luân lý gia đình ấy chủ yếu là giáo dục con trẻ trong gia đình, xa là giúp cho mọi người noi theo đức độ của tổ tiên để không có những hành vi gọi là làm “ô uế” gia phong, còn tích cực thì phải học hành, thi đỗ làm quan, khiến vẻ vang cho họ và nối chí tổ tiên đã có thời thịnh đạt. Với tổ chức gia tộc và nền luân lý chủ ở gìn giữ công đức tổ tiên, các thành phần trong gia đình mà lỡ trong họ có người làm điều trái thì tự mình là con cháu xấu hổ, không dám nhìn ai. Chúng ta ngày nay có thể bằng nhận thức thiên về lý trí khoa học sẽ chê cười sự mê tín đó . Nhưng tại sao ta tin vào một đức tin với Chúa với Phật, mà lại nghĩ rằng tin vào sự hiện diện của linh hồn tổ tiên là nhảm nhí và mê tín . Thực sự nhìn chung từ rất lâu người Việt Nam khi lên chùa hay xem lễ nhà thờ phần lớn vẫn là cầu phúc hơn là cầu sự giải thoát . Người ta vì gia đình, họ hàng hơn là vì hạnh phúc cá nhân, nên để khuyên can những phần tử có quyền thế dễ gây tội ác cho người khác thì thành viên của gia đình, gần là cha mẹ, xa là chú bác cô dì đều khuyên nhủ ăn ở hiền lành , đừng làm ác để phúc lại cho con cháu. Không có tinh thần gia tộc, nhiều khi người ta không muốn có những hành động có tính chất tốt đẹp lâu dài . Người ta lo cho thế hệ tương lai hơn cho hiện tại . Một thế hệ tương lai gần sát chứ không phải lối viễn tưởng muôn đời cho con cháu mai sau .
- Bàn thờ tổ tiên trong gia đình: Việc thờ phụng cũng có nhiều hình thức, vào bất kì một gia đình người Việt nào cũng thấy bàn thờ tổ tiên được đặt ở vị trí trang trọng nhất. Ngày lễ tết, ngày tế tự hay các dịp hiếu hỷ khác, con cháu quây quần trước là kính cẩn vong linh ông bà tổ tiên, sau là sưởi ấm quan hệ gia đình, dòng họ.
Hầu hết các gia đình, bàn thờ Tổ tiên là một điều rất thiêng liêng trong tâm linh không chỉ bởi gia chủ cảm thấy ấm áp trong làn hương thơm những ngày cúng Tết, giỗ, chạp mà còn như hương hồn ông bà tổ tiên đang ở đâu đây và chứng kiến cuộc sống của con cháu, không những vậy ở bên cạnh chốn linh thiêng còn là nơi tâm hồn con người cảm thấy tĩnh lặng, yên bình để cái tâm hướng đến điều Thiện và cầu xin được Tổ tiên phù hộ độ trì cho con cháu.Vì những lý do đó nên việc lập bàn thờ và thờ cúng Tổ tiên rất được những người Việt Nam chú trọng và quan tâm hàng đầu. Người Việt Nam xưa có câu: “Cưới vợ, tậu trâu, làm nhà” - là ba việc quan trọng nhất trong cuộc sống, khi ngôi nhà đã hoàn thành thì việc chuyển vào ở cũng đóng vai trò quan trọng không kém trong việc lấy ngày’, tức là chọn ngày tốt để chuyển đồ đạc sang ngôi nhà mới. Và bao giờ cũng vậy như một điều luật bất thành văn, được thực hiện ưu tiên hàng đầu là gia chủ thắp hương cùng với đồ cúng là đĩa xôi, con gà hay đơn giản hơn thì có hoa quả cầu để báo cáo rồi xin Thánh thần thổ địa và ông bà tổ tiên phù hộ cho gia đình khi chuyển sang nhà mới có một sức khỏe tốt, rồi xin cầu tài, cầu lộc, cầu phúc, cầu danh v…v..Đó là đối với những người có nhà mới mà họ là “chính chủ”, còn với những người đi thuê nhà thì sao? Cũng quan trọng không kém trong việc hương khói, nhất là đối với những người làm ăn buôn bán, kinh doanh thì với họ việc quan tâm bàn thờ hương khói tổ tiên rất được chú trọng dù họ không phải là chủ của ngôi nhà hay căn hộ mà họ thuê cũng như việc xác định ở là tạm thời. Khi được hỏi về việc lập bàn thờ tổ tiên và hương khói, hầu hết các ý kiến cho rằng: Muốn hương khói đầy đủ để ông bà tổ tiên không trách mắng và phù hộ cho con cháu trong gia đình.
Bàn thờ là nơi thiêng liêng nên chỉ dành riêng cho việc hương khói, là biểu tượng cho nguồn cội của gia đình mình, cho nên trong xã hội cũ mà vì hoàn cảnh làm ăn nghèo túng, Tết nhất, giỗ chạp không có được mâm cơm cúng, người ta khổ sở và tủi hổ vô cùng . Chính sự quan trọng đó cho nên thông thường, bàn thờ trong gia đình được đặt ở nơi cao ráo, sạch sẽ và trang trọng nhất của ngôi nhà. Bàn thờ tổ tiên chính là một cách thể hiện chữ Hiếu của nhân dân. Không chỉ nhớ về nguồn cội, nhân dân ta coi tổ tiên của gia đình chính là các vị thần linh thiêng luôn ở bên cạnh để phù hộ độ trì cho con cháu. Thực tế, những bàn thờ được lập này đều được gọi là Bàn thờ vọng vì phổ biến, áp dụng cho con cháu sống xa quê, hướng vọng về quê, thờ cha mẹ ông bà tổ tiên, hương khói trong những ngày giỗ, tết.“Vọng bái”, nghĩa là vái lạy từ xa.
Cũng tùy thuộc vào quy mô từng ngôi nhà, vào mức sống chủ nhà mà bàn thờ các gia đình cũng có kích thước và hình thức khác nhau nhưng trên bàn thờ nhất thiết phải có bát hương, rồi bình hoa, cây đèn, ống hương, hoa, đèn, nước, trái cây, đĩa xôi, phẩm oản hoặc bánh kẹo và mỗi lần thắp hương lại đặt lên bàn thờ một ít tiền để mong muốn được giàu sang, phú quý. Bàn thờ được coi là những dấu vết còn lại của tín ngưỡng thờ mặt trời và thần lửa. Chén nước trắng tinh khiết cũng được giải mã từ tục thờ thần nước xa xưa. Có thể một triết lý quen thuộc của phương Đông cũng đã xuất hiện ở đây: sự giao hòa âm dương. Bên cạnh chén nước, bình rượu (âm) cần đến sự có mặt của hương lửa (dương). Cũng như khi hóa vàng (đốt mã), người ta cho rằng phải đổ chén rượu hoặc nước lên đống tro thì người âm mới nhận được lễ. Theo quan niệm dân dã, nén hương là chiếc cầu nối giữa tổ tiên và con cháu, nó có khả năng chuyển tải lời thỉnh cầu của những người sống và chính mùi thơm thanh cao của hương, hoa đã tạo ra được sự giao hòa giữa người hai cõi. Bàn thờ nhiều gia đình còn có thêm những lư hương hình long, ly quy, phượng là những con vật linh thiêng lưu truyền trong dân gian có giá trị về vật chất cũng như tinh thần đứng chầu trên bàn thờ thể hiện sự tôn kính, uy nghiêm và linh thiêng. trên bàn thờ gia tiên thường có ảnh chân dung những người đã khuất được thờ phụng hoặc bài vị tượng trưng người đã khuất. Theo phong tục, bàn thờ gia tiên được đặt ngay tại gian nhà chính. Nếu nhà giàu có thì đồ thờ phụng thật trang hoàng, sơn son thiếp vàng. Còn gia cảnh túng bấn thì cũng chỉ cần vài cây đèn nến sơn son và một bình hương là đủ. Xưa kia, những nhà quyền quý có đủ thần chủ bốn đời để thờ, đó là cao, tằng, tổ, khảo. Thần chủ làm bằng gỗ táo, trên đó đề tên, họ, chức tước, ngày tháng sinh tử của tổ tiên. Nhà thường dân cũng có nhà dùng thần chủ, nhưng cũng có nhà dùng bộ ỷ để thờ. Đồ thờ tự được coi là những vật linh thiêng.Có khi, người ta lập bàn thờ trên một tấm ván đóng trên tường, có khi là trên nóc tủ... Đồ thờ chỉ gồm một bình hương nhỏ, khung ảnh thờ người quá cố và một số đồ bày biện.
Đã bao thế kỷ trôi qua, cung cách và quan niệm thờ phụng tổ tiên của người Việt xét theo góc độ nào đó đã có nhiều thay đổi nhưng ý nghĩa lớn nhất thì vẫn giữ nguyên. Người Việt coi việc thờ phụng tổ tiên là một trong những nguyên tắc đạo đức làm người. Đó là hình thức thể hiện sự hiếu thuận và lòng biết ơn của con cháu đối với các bậc sinh thành.
- Chăm nom mộ tổ tiên: Ngoài việc đắp thêm mộ trong ba ngày (sau khi người thân chết), các gia đình, dòng họ thường đi thăm mộ vào dịp giỗ, Tết; cúng tế sửa sang mồ mả vào dịp Tết Thanh minh tháng ba. Việc cúng tế tại mộ thường diễn ra đơn giản hơn nhiều so với cúng tại nhà, nhưng trước khi cúng trước mộ người thân người ta phải khấn cáo xin phép thổ công. Thăm nom sang sửa mồ mả tổ tiên, một mặt là hình thức thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu, mặt khác bởi quan niệm mồ mả vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của cả gia đình, gia tộc. Người Việt cho rằng, nếu vị trí đặt mồ mả không tốt, hướng không đúng thì con cháu làm ăn sẽ lụi bại, không thể nào phát triển được.
- Tín ngưỡng thờ tổ tiên của người Việt còn thể hiện trong phạm vi làng, nước. Trong gia đình, ngoài thờ tổ tiên, người Việt Nam còn có tục thờ Thổ Công - một dạng của Mẹ Đất, là vị thần trông coi tại gia, ngăn chặn tà thần, định đoạt phúc họa cho một gia đình. Ngoài các vị thần tại gia, còn có các thần linh chung của thôn xã hoặc toàn dân tộc. Trong phạm vi thôn, xã, quan trọng nhất là việc thờ thần Thành Hoàng. Cũng như Thổ Công trong một nhà, Thành Hoàng trong một làng là vị thần cai quản, che chở, định đoạt phúc họa cho dân làng đó. Ngoài tổ tiên trong gia đình, dòng họ ra, người Việt Nam còn thờ vua tổ - vua Hùng – tổ tiên của dân tộc. Mảnh đất Phong Châu (Vĩnh phú), nơi đóng đô của các vua Hùng khi xưa, nay đã trở thành đất tổ. Ngày 10-3 hằng năm là ngày giỗ tổ đã trở thành ngày quốc giỗ của nhân dân cả nước.
KẾT LUẬN
Phong tục thờ cúng tổ tiên đã góp phần tạo nên những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của người Việt như lòng hiếu thảo, lòng nhân ái, tính cần cù, sáng tạo, thể hiện tính cộng đồng và lòng yêu nước. Đó là những giá trị hết sức quý báu mà mỗi người Việt cần phải giữ gìn và phát huy.
Đạo lý hướng về cội nguồn, về những người có công sinh thành tạo dựng cuộc sống đối với con người Việt Nam thì đồng thời cũng là đạo lý hướng về cội nguồn chung của dân tộc. Tình yêu quê hương, yêu đất nước cũng được hun đúc từ đây. "Người Việt về viếng tổ, là tỏ lòng kính hiếu tổ tiên nhân thêm tình thương yêu con người, xứ sở". Kính hiếu với tổ tiên là kính hiếu với Mẹ Âu Cơ, với Vua Hùng "đã có công dựng nước". Lòng yêu nước, tự hào dân tộc là giá trị đạo đức quý báu, xuyên suốt và có ý nghĩa định hướng cho lẽ sống của con người Việt Nam.
Hiếu với tổ tiên, ông, bà, cha, mẹ cần được nâng lên cao hơn, đẹp hơn, đó là "hiếu với dân, với nước"; lòng nhân ái phải được nhân lên thành chủ nghĩa nhân đạo; tính cộng đồng cần được kết hợp với chủ nghĩa tập thể, lòng yêu nước phải gắn với yêu chủ nghĩa xã hội; tính cần cù, sáng tạo trong lao động phải gắn với lòng tự tin, ý thức làm chủ khoa học, công nghệ hiện đại. Có như vậy thì những giá trị đạo đức truyền thống, trong đó có những giá trị đạo đức trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên mới có ý nghĩa tích cực trong việc giữ gìn và xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" mà Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đề ra.
Trong đời sống xã hội hiện đại, đã có thời kỳ người ta nghĩ đơn giản rằng xã hội càng phát triển, khoa học kỹ thuật càng tiến bộ thì con người càng bớt đi niềm tin vào thế giới vô hình, con người sẽ sống tỉnh táo hơn, khoa học hơn. Có lẽ điều này chỉ đúng một phần, vì thế khi thế giới càng chia nhỏ rành mạch, con người càng mở rộng tầm nhìn thì những khoảng trống, những điều chưa thể giải thích càng lớn. Đó là điều bí ẩn của thế giới tâm linh, đặc biệt là mối liên hệ ràng buộc vô hình nào đó giữa những người cùng dòng máu. Vì thế càng ngày tín ngưỡng thờ cũng tổ tiên càng có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của mỗi người Việt Nam, nó là một trong những nhân tố góp phần quan trọng để bảo tồn và duy trì văn hóa truyền thống. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một tập tục mang đậm nét văn hoá của người Việt.
Chúng ta đã hiểu được tầm quan trọng của việc thờ cúng tổ tiên và những mối nguy hiểm từ mặt trái của thị trường mang lại. Cho nên trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) đã đưa ra mục tiêu: “Giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của đạo lý và truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh và nhớ ơn những người có công với nước” là việc làm thiết thực hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ðào Duy Anh (2002), Việt Nam Văn Hóa sử cương , NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội.
2. Phạm Văn Đồng (1994), Văn hoá và đổi mới. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
3. Phan Kế Bính (2008), Việt Nam phong tục, NXB Văn học, Hà Nội.
4. Trần Văn Giàu (1980), Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
5. Phạm Văn Đồng (1994), Văn hoá và đổi mới. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 1995, t.1, tr.75, tr.465.
7. Bùi Xuân Mỹ (2009), Tục thờ cúng tổ tiên của người Việt, NXB Văn hóa thông tin, H.
8. Nguyễn Minh San (1998), Tiếp cận tín ngưỡng dân dã Việt Nam, NXB Văn học, H.
9. Trần Ngọc Thêm, (1997), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb TP Hồ Chí Minh.
10. Ngô Đức Thịnh (2007), Về tín ngưỡng, lễ hội cổ truyền, NXB Văn hóa thông tin, H.
11. Leopold Cadiere - Tục thờ cúng tổ tiên của người Việt , trg 95
12. Song Mai, Quỳnh Trang (2006), Phong tục thờ cúng của người Viêt, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội.
13. Huỳnh Ngọc Trảng (1993), Đình Nam Bộ - Tín ngưỡng và nghi lễ, Nxb TP. Hồ Chí Minh.
14. Nhiều tác giả (1998), Hỏi và đáp về văn hóa Việt Nam, NXB Văn hóa dân tộc, H.
15. Đặng Nghiêm Vạn (1996), Về tôn giáo tín ngưỡng hiện nay, NXB khoa học xã hội, Hà Nội.
16. Các trang wed:
1249235719/Tin_nguong_khong_phai_thu_de_tranh_gianh_hay_thi_tho.html
PHỤ LỤC ẢNH
Giỗ tổ Hùng Vương
Trăm miền về đây trong ngày Quốc giỗ
Cúng cáo tổ tiên trong ngày lễ
Kính viếng mộ tổ tiên
Chăm nom mộ tổ tiên
Cúng cáo gia tiên khi gả chồng cho con gái và xin gia tiên phù hộ
Kính thắp nén hương thờ cúng tổ tiên ngày sóc ngày vọng
Bàn thờ tổ tiên ngày giỗ Tết
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- ti7875u lu7853n Bi Th7901 cng t7893 tin.doc