MỤC LỤC
LỜI NÓI ĐẦU 4
I. THIỆT HẠI DO Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG 6
1. Quan điểm về thiệt hại do ô nhiễm môi trường tại Việt Nam 6
2. Xác định thiệt hại do ô nhiễm môi trường 7
2.1. Thu thập dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường 7
2.2. Tính toán thiệt hại đối với môi trường 9
2.3 Xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với môi trường 10
3. Thực tiễn xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường 11
II. TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG 16
1. Chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường 17
2. Bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường. 18
2.1. Hành vi gây ô nhiễm môi trường 18
2.2 Bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường 20
III. TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG TRONG TÌNH HUỐNG THỰC TIỄN 25
29 trang |
Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 1813 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỤC LỤC
LỜI NÓI ĐẦU
Môi trường sống của chúng ta bao gồm đất nước và không khí; tất cả được duy trì nhờ năng lượng mặt trời. Con người chỉ là một trong những quần thể sinh vật tồn tại trên trái đất, cũng tuân theo quy luật sinh ra, lớn lên và chết đi. Nhưng không giống như những sinh vật khác, con người đã phát triển, sử dụng những tiến bộ khoa học và công nghệ tận dụng hầu hết mọi nguồn tài nguyên thiên nhiên, đồng thời cũng thải ra môi trường đủ mọi loại chất thải làm cho môi trường bị ô nhiễm. Con người đang gánh chịu hậu quả do chính mình gây ra.
Để giảm bớt, ngăn chặn và có tính răn đe đối với những cá nhân, tổ chức có hành vi gây ô nhiễm môi trường hủy hoại môi trường sống, pháp luật trên thế giới cũng đã ban hành nhiều Bộ Luật và văn bản liên quan đến vấn đề này. Bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường được pháp luật Việt Nam ghi nhận lần đầu tiên tại Luật Bảo vệ môi trường năm 1993, theo đó "tổ chức, cá nhân gây tổn hại môi trường do hoạt động của mình phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật". Nhưng phải khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 được ban hành, vấn đề này mới được đề cập một cách rõ ràng hơn. Với việc dành riêng 5 điều cho các quy định về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường (từ Điều 131 đến Điều 135, Mục 2), Luật Bảo vệ môi trường 2005 đã thể hiện một bước tiến đáng kể trong quá trình "hiện thực hóa" nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền - một nguyên tắc được xem là đặc trưng của lĩnh vực môi trường.
Tuy nhiên, vấn đề bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường tại Việt Nam vẫn là vấn đề còn rất mới cả từ phương diện lý luận và thực tiễn. Nhận thức một cách đầy đủ về những nội dung liên quan tới thiệt hại về môi trường, bồi thường thiệt hại về môi trường là yếu tố quan trọng cho việc ban hành và áp dụng trách nhiệm này trong tương lai. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng cho dù chế định này có phát triển đến mức nào, chi phí bỏ ra để xử lý, cải tạo môi trường có lớn đến đâu cũng không thể khắc phục được hết những hậu quả do ô nhiễm, suy thoái môi trường gây ra. Do vậy, xác định thiệt hại đối với môi trường và áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường trong mọi trường hợp đều không phải là mong muốn hàng đầu được áp dụng trong lĩnh vực môi trường.
Đáp ứng được yêu cầu cần thiết và mang tính cấp bách của vấn đề bảo vệ môi trường, phòng chống các hành vi gây ô nhiễm môi trường, bài nghiên cứu này sẽ phân tích một số điểm cần chú ý của chế định “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra” trong Bộ Luật bảo vệ môi trường 2005 và các văn bản ban hành liên quan đến vấn đề này./.
THIỆT HẠI DO Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG
Quan điểm về thiệt hại do ô nhiễm môi trường tại Việt Nam
Để hiểu rõ vấn đề này chúng ta cần tìm hiểu khái niệm ô nhiễm môi trường, theo Điều 3 khoản 6 Luật Bảo vệ môi trường 2005: “Ô nhiễm môi trường là sự biến đổi của các thành phần môi trường không phù hợp với tiêu chuẩn môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến con người, sinh vật”.
Ở đây có hai khái niệm chúng ta cần biết là: “thành phần môi trường” và “tiêu chuẩn môi trường”.
Căn cứ vào Điều 3 khoản 2 Luật Bảo vệ môi trường (LBVMT) 2005 thì: “Thành phần môi trường là yếu tố vật chất tạo thành môi trường như đất, nước, không khí, âm thanh, ánh sáng, sinh vật, hệ sinh thái và các hình thái vật chất khác”. Và theo Điều 3 khoản 5 LBVMT 2005: “Tiêu chuẩn môi trường là giới hạn cho phép của các thông số về chất lượng môi trường xung quanh, về hàm lượng của chất gây ô nhiễm trong chất thải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định làm căn cứ để quản lý và bảo vệ môi trường”.
Như vậy, thiệt hại do ô nhiễm môi trường gồm hai loại thiệt hại:
Suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường.
Thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của việc suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra.
Trong mối quan hệ với loại thiệt hại thứ nhất, loại thiệt hại thứ hai luôn được xem là thiệt hại gián tiếp (còn gọi là thiệt hại phái sinh hay thiệt hại thứ sinh) – thiệt hại chỉ xảy ra khi đã có loại thiệt hại thứ nhất.
Xác định thiệt hại do ô nhiễm môi trường
Theo Điều 1 khoản 1 NĐ 113/2010 NĐ-CP quy định: “Xác định thiệt hại đối với môi trường bao gồm: thu thập dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường, tính toán thiệt hại đối với môi trường và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra”. Việc xác định thiệt hại đối với môi trường chỉ áp dụng trong những trường hợp sau :
Môi trường nước phục vụ mục đích bảo tồn, sinh hoạt, giải trí, sản xuất và mục đích khác bị ô nhiễm, bị ô nhiễm ở mức nghiêm trọng, bị ô nhiễm ở mức đặc biệt nghiêm trọng;
Môi trường đất phục vụ cho các mục đích bảo tồn, sản xuất và mục đích khác bị ô nhiễm, bị ô nhiễm ở mức nghiêm trọng, bị ô nhiễm ở mức đặc biệt nghiêm trọng;
Hệ sinh thái tự nhiên thuộc và không thuộc khu bảo tồn thiên nhiên bị suy thoái;
Loài được ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật bị chết, bị thương.
Thu thập dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường
Trách nhiệm thu thập dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường
Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn của mình;
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn từ hai huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên thuộc phạm vi quản lý của mình;
Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
Dữ liệu, chứng cứ cần thu thập để xác định tổ chức, cá nhân làm môi trường bị ô nhiễm, suy thoái bao gồm:
Nguồn thải, hoạt động gây sự cố môi trường, xâm hại môi trường trực tiếp hoặc liên quan đến khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái;
Thông tin cơ bản về tổ chức, cá nhân có liên quan đến khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái bao gồm: loại hình hoạt động; sản phẩm, công suất, nguyên liệu đầu vào; quy trình sản xuất; chất thải; điểm xả thải; biện pháp xử lý chất thải; công tác quan trắc, phân tích các thông số môi trường;
Dữ liệu, chứng cứ cần thiết khác có liên quan đến khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái.
Tùy thuộc vào môi trường ô nhiễm là môi trường gì mà việc thu thập dữ liệu sẽ khác nhau.
Ví dụ:
Đối với môi trường đất, nước bị ô nhiễm thì việc thu thập dữ liệu, chứng cứ sẽ bao gồm:
Diện tích, thể tích, khối lượng nước, đất bị ô nhiễm;
Chất gây ô nhiễm và hàm lượng của chất gây ô nhiễm trong nước, đất;
Quyết định, giấy phép, văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định việc sử dụng hoặc phê duyệt quy hoạch sử dụng các thành phần môi trường nước, đất tại nơi xảy ra ô nhiễm, suy thoái.
Đối với hệ sinh thái tự nhiên suy thoái thì việc thu nhập bao gồm:
Diện tích hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái;
Mức độ hệ sinh thái bị suy thoái;
Quyết định, văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định mức độ bảo tồn của hệ sinh thái tự nhiên.
Hình thức và thời điểm thu thập dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường
Dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường có thể dưới hình thức: hình ảnh, băng từ, dữ liệu thu được từ quan trắc, đo đạc, phân tích, viễn thám, hệ thống thông tin địa lý và các hình thức khác.
Dữ liệu, chứng cứ để tính toán thiệt hại đối với môi trường phải được thu thập hoặc ước tính tại thời điểm môi trường bị ô nhiễm, suy thoái ở mức cao nhất tính từ khi xảy ra hoặc tại thời điểm phát hiện môi trường bị ô nhiễm, suy thoái.
Tính toán thiệt hại đối với môi trường
Nguyên tắc tính toán thiệt hại
Việc tính toán thiệt hại đối với môi trường căn cứ vào chi phí khắc phục ô nhiễm, suy thoái và phục hồi môi trường tại nơi xảy ra ô nhiễm, suy thoái để đạt các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đối với chất lượng môi trường nước, chất lượng môi trường đất; chi phí để phục hồi hệ sinh thái và loài được ưu tiên bảo vệ về bằng hoặc tương đương với trạng thái ban đầu.
Việc tính toán thiệt hại đối với môi trường dựa trên các dữ liệu, chứng cứ đã được thu thập, ước tính, thẩm định.
Tính toán thiệt hại
T = TN + TĐ + THST + TLBV, trong đó:
T là thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái gây ra đối với môi trường của một khu vực địa lý;
TN là thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái gây ra đối với môi trường nước;
TĐ là thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái gây ra đối với môi trường đất;
THST là thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái gây ra đối với hệ sinh thái;
TLBV là thiệt hại gây ra đối với loài được ưu tiên bảo vệ do ô nhiễm, suy thoái hoặc do bị xâm hại.
Xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với môi trường
Nguyên tắc xác định
Ô nhiễm, suy thoái ở một khu vực địa lý tự nhiên do các nguồn phát sinh chất thải hoặc các hành vi xâm hại tại khu vực đó hoặc không tại khu vực đó nhưng tác động xấu đến khu vực đó;
Có cơ sở khoa học về tồn tại mối liên hệ giữa các chất gây ô nhiễm có thể phát sinh từ nguồn thải hoặc hành vi xâm hại với tình trạng suy giảm chức năng và tính hữu ích của môi trường;
Việc xác định tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường phải đảm bảo kịp thời và công bằng.
Tổ chức, cá nhân làm môi trường bị ô nhiễm, suy thoái phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đối với môi trường do mình gây ra, đồng thời phải chi trả toàn bộ chi phí xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại cho cơ quan đã ứng trước kinh phí.
Trường hợp có từ hai tổ chức, cá nhân trở lên làm môi trường bị ô nhiễm, suy thoái thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với môi trường, trách nhiệm chi trả chi phí xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại của từng tổ chức, cá nhân được xác định tương ứng với tỉ lệ gây thiệt hại trong tổng thiệt hại đối với môi trường.
Tổ chức, cá nhân tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, có hệ thống xử lý chất thải đạt yêu cầu và chứng minh được rằng không gây ô nhiễm, suy thoái môi trường thì không phải bồi thường thiệt hại đối với môi trường và không phải chịu các chi phí liên quan đến xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Thực tiễn xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường
Tại Việt Nam, cả từ phương diện lý luận và thực tiễn đều cho thấy sự mờ nhạt về mảng kiến thức này. Hiện tại, chúng ta mới chỉ đúc rút được đôi chút kinh nghiệm từ thực tiễn tự phát giải quyết các vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tài sản do ô nhiễm môi trường gây nên. Việc xác định thiệt hại đối với môi trường tự nhiên trong một số lần sự cố tràn dầu vẫn phải nhờ đến tư vấn, giúp đỡ của các chuyên gia quốc tế. Để Việt Nam có thể tự chủ trong việc xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường gây nên, đặc biệt là thiệt hại đối với môi trường tự nhiên, những nội dung sau đây cần phải được làm sáng tỏ trong các văn bản pháp luật hướng dẫn việc xác định thiệt hại về môi trường.
Một là, thành phần môi trường được xác định thiệt hại.
Về lý thuyết, thiệt hại đối với môi trường tự nhiên được hiểu là thiệt hại đối với tất cả các yếu tố vật chất tạo thành môi trường, như đất, nước, không khí, âm thanh, ánh sáng, sinh vật, hệ sinh thái và các hình thái vật chất khác. Tuy nhiên, tại thời điểm này việc xác định thiệt hại đối với tất cả các thành phần môi trường nêu trên là điều không hiện thực. Qua khá nhiều cuộc tranh luận khoa học (ở cả cấp quốc gia và quốc tế), việc xác định thiệt hại đối với môi trường tự nhiên chỉ nên bao gồm thiệt hại đối với đất, nước, không khí và đa dạng sinh học. Ngay cả việc có xem môi trường không khí là đối tượng thiệt hại được tính bồi thường hay không cũng là vấn đề chưa hoàn toàn đạt được sự thống nhất ý kiến. Do đặc tính khuếch tán của môi trường không khí nên khó có thể tính toán được thiệt hại đối với yếu tố môi trường này như các yếu tố môi trường khác. Tương tự, thiệt hại đối với đa dạng sinh học cũng cần phải giới hạn ở những thiệt hại về hệ sinh thái, loài sinh vật do ô nhiễm, suy thoái môi trường gây nên, để phân biệt với thiệt hại về đa dạng sinh học do hành vi trực tiếp xâm hại đến các giống loài sinh vật, hệ sinh thái, mà về bản chất pháp lý những thiệt hại đó là hậu quả của hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học chứ không phải là hành vi vi phạm pháp luật môi trường.
Hai là, mức độ thiệt hại được xác định.
Hiện tại, Luật BVMT (2005)xác định có 3 mức độ của sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường, đó là: i) có suy giảm, ii) suy giảm nghiêm trọng, iii) suy giảm đặc biệt nghiêm trọng (khoản 1 Điều 131). Nhiệm vụ của văn bản hướng dẫn là phải lượng hóa được một cách đầy đủ hơn 3 mức độ suy giảm nêu trên, làm căn cứ cho việc xác định các mức độ thiệt hại.
Cả từ phương diện lý luận và thực tiễn đều cho thấy khó có thể đo, đếm được sự suy giảm thực tế về chức năng, tính hữu ích của mỗi thành phần môi trường khi chúng bị ô nhiễm, suy thoái. Trong trường hợp này chúng ta cần phải vận dụng phương pháp suy đoán lôgíc, theo đó nếu một thành phần môi trường bị ô nhiễm ở các mức có ô nhiễm, ô nhiễm nghiêm trọng, ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng thì cũng có nghĩa là thành phần môi trường đó đã bị sự suy giảm tương ứng về chức năng, tính hữu ích của nó. Điều đó cũng có nghĩa là thiệt hại đối với môi trường tự nhiên có thể được chia làm 3 cấp độ tương ứng với 3 mức suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường. Luật BVMT (2005) một lần nữa lại thể hiện sự phát triển đáng ghi nhận khi căn cứ vào tiêu chuẩn môi trường để lượng hóa ở mức có thể nhận diện được các cấp độ ô nhiễm môi trường (Điều 92).
Tương tự như vậy cũng có thể xác định các cấp độ suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường căn cứ vào các mức độ suy thoái môi trường. Do mức độ suy thoái môi trường cũng có thể được xác định dựa trên cơ sở số lượng của thành phần môi trường bị khai thác, sử dụng quá mức so với trữ lượng tự nhiên của nó; dựa vào mức độ khan hiếm của thành phần môi trường trên thực tế hay mức độ ưu tiên của Nhà nước trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển mỗi thành phần môi trường… Tuy nhiên, hiện tại pháp luật chưa có các quy định để lượng hóa các mức độ suy thoái môi trường nên việc xác định mức độ suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường do môi trường bị suy thoái mới chỉ dừng lại ở các mức định tính.
Để việc bồi thường thiệt hại mang tính khả thi chúng tôi cho rằng thiệt hại được tính để đòi bồi thường chỉ nên bao gồm sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường ở 2 cấp độ: nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Với mức thiệt hại không đáng kể, việc xác định thiệt hại đối với môi trường, cũng như việc giải quyết bồi thường thiệt hại chỉ làm gia tăng sự bất hợp lý giữa lợi ích xã hội cần phải được bảo vệ với chi phí xã hội phải bỏ ra để bảo vệ lợi ích đó.
Ba là, các căn cứ để xác định mức độ thiệt hại.
Xác định mức độ thiệt hại môi trường thông qua việc xác định phạm vi, giới hạn môi trường bị suy giảm chức năng, tính hữu ích có lẽ là quy định bất cập nhất trong số các quy định về thiệt hại môi trường. Theo khoản 2 Điều 131, việc xác định phạm vi, giới hạn môi trường bị suy giảm chức năng, tính hữu ích gồm có: i) Xác định giới hạn, diện tích của khu vực, vùng lõi bị suy giảm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng; ii) Xác định giới hạn, diện tích vùng đệm trực tiếp bị suy giảm; iii) Xác định giới hạn, diện tích các vùng khác bị ảnh hưởng từ vùng lõi và vùng đệm. Việc sử dụng các thuật ngữ vùng lõi, vùng đệm để chỉ mức độ khác nhau của sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường rất có thể sẽ gây cho người đọc sự nhầm lẫn giữa nội dung pháp lý của những thuật ngữ này với thuật ngữ vùng lõi, vùng đệm trong các văn bản pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.
Để hạn chế sự nhầm lẫn không đáng có, thuật ngữ vùng lõi, vùng đệm sử dụng trong Luật BVMT (2005) cần phải được đổi thành thuật ngữ vùng hay khu vực trung tâm ô nhiễm (khu vực bị thiệt hại nặng), vùng hay khu vực cận kề ô nhiễm (khu vực bị thiệt hại nhẹ hơn so với khu vực trung tâm) để chỉ các mức độ khác nhau của thiệt hại môi trường.
Số lượng thành phần môi trường, loại hình hệ sinh thái, giống loài bị suy giảm, và mức độ thiệt hại của từng loại cũng là một trong những căn cứ để xác định mức độ thiệt hại đối với môi trường (khoản 3 Điều 131). Thực tế cho thấy một hành vi làm ô nhiễm môi trường có thể gây thiệt hại cùng một lúc hai hoặc nhiều thành phần môi trường. Mức độ thiệt hại đối với môi trường trong trường hợp này sẽ phụ thuộc vào số lượng nhiều hay ít các yếu tố môi trường bị suy giảm. Số lượng thành phần môi trường bị xâm hại càng lớn thì thiệt hại gây ra sẽ càng nặng nề. Tương tự, mức độ thiệt hại đối với môi trường sẽ phụ thuộc vào giống, loài động thực vật bị thiệt hại. Nếu giống loài bị thiệt hại có mức độ đe dọa, quí hiếm càng cao thì có nghĩa là thiệt hại gây ra đối với môi trường càng lớn. Trong trường hợp này, Danh mục các loài động, thực vật hoang dã, quý hiếm sẽ là một trong những cơ sở pháp lý giúp cho việc xác định mức độ thiệt hại đối với môi trường được dễ dàng hơn.
Ngoài ra, đối với các vùng, khu vực khác nhau nhưng có cùng mức độ suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường có thể dùng hệ số (k) để xác định thiệt hại, trừ trường hợp trong các tiêu chuẩn môi trường đã xác định giá trị hệ số vùng, khu vực.
Bốn là, các căn cứ để tính toán thiệt hại.
Trong số 4 căn cứ để tính toán thiệt hại thì căn cứ vào chi phí xử lý, cải tạo phục hồi môi trường và chi phí giảm thiểu hoặc triệt tiêu nguồn gây thiệt hại (điểm b, c khoản 4 Điều 131) được xem là có tính khả thi trong việc xác định thiệt hại, cũng như cho việc áp dụng trách nhiệm bồi thường. Các căn cứ còn lại, như tính toán chi phí thiệt hại trước mắt và lâu dài do sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của các thành phần môi trường; hay thăm dò ý kiến các đối tượng liên quan (điểm a, d khoản 4 Điều 131) được xem là còn khá mơ hồ và khó áp dụng trong điều kiện hiện tại của Việt Nam.
Tính toán thiệt hại thông qua chi phí giảm thiểu hoặc triệt tiêu nguồn gây thiệt hại được hiểu là thiệt hại gây ra cho môi trường được tính bằng tổng chi phí cho các nguồn gây ô nhiễm để đạt ở mức được thải ra môi trường mà không gây ô nhiễm. Khi cơ sở đầu tư để xử lý chất thải thì sẽ không gây ô nhiễm môi trường, và tất nhiên sẽ không gây thiệt hại đối với môi trường. Như vậy, nếu môi trường bị ô nhiễm, số thiệt hại ít nhất sẽ bằng tổng số chi phí để lắp đặt hệ thống xử lý khí thải, xử lý nước thải, để giữ cho môi trường ở mức bằng hoặc dưới mức tiêu chuẩn về chất lượng môi trường. Theo: Trung tâm nghiên cứu Pháp luật & Chính sách Phát triển bền vững
Tính toán thiệt hại môi trường thông qua chi phí xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường được hiểu là bên gây ô nhiễm môi trường phải bồi thường một khoản bằng chi phí bỏ ra để xử lý ô nhiễm, để loại bỏ các yếu tố độc hại có trong thành phần môi trường, như chi phí để xử lý, cải tạo đất bị ô nhiễm, để phục hồi độ phì nhiêu của đất; chi phí để nạo vét kênh rạch, sông, hồ, làm sạch môi trường nước…
TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG
Môi trường cần được xem là một loại “tài sản đồng nhất”, được xác định bởi các giá trị khoa học, kinh tế và môi sinh. Gây hại đối với môi trường chính là gây hại đến các giá trị nêu trên. Nếu xem xét một cách chặt chẽ tác hại gây ra đối với môi trường tự nhiên không khác gì tác hại gây ra đối với con người hay với tài sản của con người thì chất lượng môi trường bị suy giảm, bị xâm hại cũng cần phải được bồi thường một cách thỏa đáng. Người gây thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường những tổn thất gây ra đối với môi trường. Trách nhiệm này trước hết được hiểu là trách nhiệm đối với cộng đồng, với xã hội của người gây hại cho môi trường vì họ đã xâm hại tới các điều kiện sống chung của con người. Tiếp đến mới là trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân cụ thể là nạn nhân của sự xâm hại đó, thể hiện qua việc bồi thường thiệt hại đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản của người bị hại. Hai khía cạnh trên của trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường được xác định bởi yếu tố khách thể của quan hệ pháp luật môi trường. Trong các quan hệ pháp luật môi trường, lợi ích mà các bên tham gia quan hệ hướng tới vừa có tính chất công (lợi ích công) vừa có tính chất tư (lợi ích tư). Trong mọi trường hợp lợi ích công cộng, lợi ích cộng đồng phải được ưu tiên bảo vệ. Điều này cũng có nghĩa là cần phải có sự phân định giữa trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với môi trường tự nhiên với trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản con người. Sự phân định này nên được thể hiện qua các quy định về mức bồi thường, hình thức và phương thức bồi thường. Chẳng hạn như đối với những thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, giữa bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường và phương thức bồi thường. Còn thiệt hại đối với môi trường tự nhiên, người gây thiệt hại chỉ được lựa chọn các mức bồi thường, hình thức bồi thường và phương thức bồi thường theo quy định của pháp luật.
Chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường
Căn cứ vào Điều 4 của LBVMT 2005 và Điều 624 Bộ luật Dân sự 2005, chúng ta có thể hiểu chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường là những cá nhân, tổ chức.
Các tổ chức từ khi thành lập đã có năng lực pháp luật, có năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Các tổ chức khi tham gia vào các quan hệ pháp luật môi trường mà có hành vi làm ô nhiễm môi trường dẫn tới gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại bằng tài sản của mình. Các tổ chức có thể là pháp nhân (chẳng hạn, doanh nghiệp Nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, hợp tác xã, các viện nghiên cứu…) hoặc tổ chức khác không phải là pháp nhân (hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh…)
Đối với cá nhân, những người đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi đầy đủ thì tự mình phải bồi thường thiệt hại. Trường hợp người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình, nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của họ. Người dưới 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha mẹ thì cha mẹ phải bồi thường thiệt hại toàn bộ. Nếu tài sản của cha mẹ không đủ để bồi thường mà con có tài sản riêng thì lấy tài sản riêng đó để bồi thường phần còn thiếu cho người bị hại.
Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại mà có cá nhân, tổ chức giám hộ thì cá nhân đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường. Nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình. Nhưng người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.
Trong thực tế đời sống, các chủ thể gây ô nhiễm môi trường chủ yếu là các doanh nghiệp. Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình do không có thiết bị xử lý chất thải, hoặc không tuân thủ các quy định khác về bảo vệ môi trường… các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã làm suy thoái môi trường, ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác. Như vậy, chủ thể “tiềm tàng” chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trước hết là các cơ sở kinh doanh, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường.
Do quan hệ pháp luật trong lĩnh vực môi trường có thể phát sinh giữa các chủ thể mà không cần đến các cơ sở pháp lý làm tiền đề (như quan hệ hợp đồng hay quan hệ công vụ), nên bồi thường thiệt hại trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ bảo vệ môi trường là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Đây là loại trách nhiệm phát sinh dưới sự tác động trực tiếp của các quy phạm pháp luật mà không cần có sự thỏa thuận trước của các chủ thể. Sự trùng hợp về một số nội dung có liên quan đến quyền và nghĩa vụ bảo vệ môi trường trong các thỏa thuận hay cam kết không làm ảnh hưởng đến căn cứ áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường theo luật định.
Hành vi gây ô nhiễm môi trường
Theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 3 LBVMT 2005:
“1. Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và vật chất nhân tạo bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và sinh vật.
2. Thành phần môi trường là yếu tố vật chất tạo thành môi trường như đất, nước, không khí, âm thanh, ánh sáng, sinh vật, hệ sinh thái và các hình thái vật chất khác.”
Theo qui định trên, hành vi làm ô nhiễm môi trường được hiểu là những hành vi tác động đến các yếu tố của môi trường và gây ô nhiễm các yếu tố đó làm tổn hại đến các yếu tố nguyên thủy của môi trường dẫn đến thiệt hại về tài sản, sức khoẻ, tính mạng của người khác. Và cũng theo giải thích thuật ngữ tại Điều 3 LBVMT 2005, thì các hành vi sau đây của con người là nhân tố gây ra ô nhiễm môi trường: trong quá trình sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt, dịch vụ và các hoạt động khác đã thải ra chất thải ở dạng rắn, khí, lỏng hoặc các dạng khác mà các chất đó là những nhân tố làm cho môi trường trở nên độc hại. Hành vi gây ô nhiễm môi trường là hành vi làm thay đổi tính chất của môi trường, vi phạm tiêu chuẩn của môi trường. Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong sinh hoạt, hành vi của con người đã làm ô nhiễm môi trường dẫn đến suy thoái môi trường, làm thay đổi chất lượng và số lượng của thành phần môi trường, gây ảnh hưởng xấu cho đời sống của con người và thiên nhiên.
Như vậy, hành vi gây ô nhiễm môi trường là nguyên nhân làm ảnh hưởng xấu đến đời sống của con người và thiên nhiên. Người có hành vi gây ô nhiễm môi trường phải bồi thường thiệt hại.
Người có hành vi xâm phạm môi trường phải bồi thường thiệt hại. Hành vi gây ô nhiễm môi trường là hành vi có lỗi hoặc không có lỗi. Theo qui định Điều 624 BLDS, người gây ô nhiễm môi trường cho dù là có lỗi hoặc không có lỗi đều có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường cần có đủ 3 điều kiện. Thứ nhất, có hành vi gây ô nhiễm môi trường. Hành vi đó đã tác động đến các yếu tố của môi trường gây ra ô nhiễm. Thứ hai, hành vi gây ô nhiễm môi trường có mối quan hệ nhân quả với môi trường bị gây ô nhiễm xác định được và thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra. Thứ ba, những thiệt hại về môi trường do hành vi xâm phạm môi trường gây ra xác định được dựa trên những thiệt hại đã xảy ra và thiệt hại chắc chắn xảy ra cho môi trường, môi trường bị gây thiệt hại là cầu nối dẫn đến thiệt hại khác.
Bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường
Trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại và xác định thiệt hại đối với môi trường
Trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại và xác định thiệt hại đối với môi trường được quy định tại Điều 3 Nghị định 113/2010/NĐ-CP quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường:
Ủy ban nhân dân các cấp, tổ chức, cá nhân phát hiện môi trường có dấu hiệu bị ô nhiễm, suy thoái có trách nhiệm thông báo cho cơ quan có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với môi trường quy định như sau:
Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý của mình. Trong trường hợp này, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra;
Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn từ hai xã, thị trấn, thị tứ trở lên;
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn từ hai huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên;
Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
Trách nhiệm thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường được quy định như sau:
Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn của mình, trừ trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản này;
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn từ hai huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên thuộc phạm vi quản lý của mình, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản này;
Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
Xử lý vi phạm pháp luật về môi trường
Luật bảo vệ môi trường 2005 không quy định chế tài cụ thể đối với từng hành vi vi phạm, tùy theo tính chất của hành vi vi phạm pháp luật môi trường mà người vi phạm bị xử lý kỉ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác thì còn phải khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại theo qui định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Người đứng đầu tổ chức, cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây phiền hà, nhũng nhiễu trong tổ chức, công dân, bao che cho người vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường nghiêm trọng thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì còn phải bồi thường theo quy định của pháp luật (Điều 127 Luật bảo vệ môi trường).
Trách nhiệm kỷ luật
Trách nhiệm kỷ luật áp dụng đối với người đứng đầu tổ chức, cán bộ, công chức có hành vi vi phạm pháp luật môi trường. trách nhiệm kỷ luật được quy định trong pháp lệnh cán bộ, công chức và các văn bản pháp luật chuyên ngành.
Trách nhiệm hành chính
Vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường là những hành vi vi phạm các quy định quản lý của nhà nước trong lĩnh vực môi trường do cá nhân, tổ chức thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý mà không phải là tội phạm về môi trường. Hiện nay, vi phạm hành chính về môi trường là một loại vi phạm pháp luật xảy ra khá phổ biến trên tất cả các lĩnh vực của đời sống.
Để xác định một hành vi xảy ra có phải là vi phạm hành chính về môi trường cần căn cứ vào các dấu hiệu pháp lý của nó. Vi phạm hành chính về môi trường là một dạng cụ thể vi phạm hành chính, do vậy nó cũng có đầy đủ các dấu hiệu của vi phạm hành chính nói chung. Do đó vi phạm hành chính về môi trường có những đặc điểm sau đây:
Vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường là việc cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi trái với quy tắc quản lý của nhà nước về môi trường với lỗi cố ý hoặc vô ý, có tính chất và mức độ thấp hơn tội phạm về môi trường.
Vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là hành vi trái pháp luật được thể hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động.
Hậu quả của hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thường khó xác định ngay khi hành vi phạm được thực hiện mà phải có một quá trình chuyển hóa rất lâu.
Phần lớn, vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được thực hiện bởi cá nhân, tổ chức gắn liền với hoạt động sản xuất kinh doanh có gây hại đối với môi trường.
Vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra bởi những chủ thể có trình độ chuyên môn nghề nghiệp về quản lý môi trường.
Trách nhiệm hình sự
So với các loại tội phạm khác được quy định trong Bộ luật hình sự 1999 thì các loại tội phạm về môi trường có một số đặc điểm sau:
Khách thể của tội phạm về môi trường là những quan hệ xã hội về giữ gìn môi trường trong sạch, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên và các thành phần môi trường
Các tội phạm về môi trường có thể được thự hiện bằng hành động hoặc không hành động vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý, khai thác và bảo vệ môi trường.
Tuyệt đại bộ phận tội phạm về môi trường có cấu thành vật chất được quy định trong chương XVII, Bộ luật hình sự 1999 (được sửa đổi, bổ sung ngày 19/6/2009) từ Điều 182 đến Điều 191a. Để khẳng định tội phạm hoàn thành cần chứng minh được những hành vi vi phạm gây hậu quả cụ thể. Bên cạnh đó, cấu thành của phần lớn các tội phạm về môi trường đòi hỏi phải có dấu hiệu bắt buộc về việc đã bị xử phạt vi phạm hành chính.
Hình phạt đối với các tội phạm về môi trường rất nghiêm khắc, có tội khung hình phạt cao nhất đến 15 năm. Ngoài hình phạt chính thì các tội phạm về môi trường còn chịu hình phạt bổ sung (phạt tiền, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm…)
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường có mối quan hệ nhất định với trách nhiệm khắc phục tình trạng môi trường bị ô nhiễm. Thông thường, trong các quan hệ pháp lý khác có liên quan đến bồi thường thiệt hại, người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường những thiệt hại do mình gây ra và được giải phóng khỏi quan hệ với người bị hại. Nhưng trong lĩnh vực môi trường, người làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại thường phải thực hiện đồng thời cả hai biện pháp: i) Khắc phục tình trạng môi trường bị ô nhiễm; và ii) Bồi thường thiệt hại về môi trường. Tác dụng chính của biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường là hạn chế, ngăn chặn phạm vi ảnh hưởng, khả năng lây lan ô nhiễm môi trường, đồng thời làm giảm nhẹ những thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra. Tác dụng của bồi thường thiệt hại là bù đắp những tổn thất về người, tài sản và những giá trị sinh thái đã bị mất. Trách nhiệm áp dụng các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường mang tính chất là một biện pháp cưỡng chế hành chính, do người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quyết định, còn bồi thường thiệt hại lại là một loại trách nhiệm dân sự có thể thỏa thuận và xác lập theo ý chí của các bên. Tuy nhiên, trong lĩnh vực môi trường hai loại trách nhiệm có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và trong một số trường hợp có thể thay thế (chuyển hóa) cho nhau, đặc biệt là khi chỉ xuất hiện thiệt hại đối với môi trường tự nhiên mà không xuất hiện thiệt hại đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản của tổ chức, cá nhân. Nếu việc khắc phục tình trạng môi trường bị ô nhiễm, suy thoái do chính người bị hại tiến hành thì những chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại sẽ được tính trong tổng giá trị thiệt hại để đòi bồi thường. Còn trong trường hợp người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã tự mình thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng môi trường bị ô nhiễm thì họ sẽ được giải phóng hoặc giảm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường.
TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG TRONG TÌNH HUỐNG THỰC TIỄN
Hiện nay, đối tượng phải nhập viện từ những bệnh liên quan đến ô nhiễm môi trường như: hen, viêm phổi, phổi tắc nghẽn mãn tính,… thường tập trung ở khu vực nội thành chật chội nhưng đông dân cư. Trong khi đó, chi phí cho mỗi đợt điều trị những căn bệnh này (đặc biệt là người bị tắc nghẽn phổi mãn tính) có khi lên tới hàng chục triệu đồng với thời gian kéo dài hàng tháng. Đáng chú ý, tỷ lệ người mắc bệnh từ chính môi trường sống của mình đang ngày càng gia tăng.
Trong đó, ô nhiễm nước gây ra xấp xỉ 14.000 cái chết mỗi ngày, chủ yếu do ăn uống bằng nước bẩn chưa được xử lý gây ra các bệnh đường tiêu hóa như dịch tả, thương hàn,... Đặc biệt, các khu công nghiệp đã thải trên 450.000 m3 nước/ngày đều chưa qua xử lý. Lượng nước thải ô nhiễm này đổ trực tiếp vào các sông, hồ, mương, ao,... làm ô nhiễm nguồn nước. Và nguồn nước bị ô nhiễm đó lại dùng để tưới rau nên ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ người dân trong thành phố. Bởi vậy, việc quy định xử phạt các cá nhân, tổ chức trong vấn đề vi phạm gây thiệt hại môi trường là vấn đề mang tính cấp thiết và quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế công nghiệp hóa như hiện nay. Nhà nước phải đảm bảo việc các công ty phải chịu trách nhiệm về những tổn hại gây ra nơi con người, nơi sự đa dạng sinh học, nơi môi trường, kể cả nơi bầu khí quyển và trong các đại dương. Đồng thời nhà nước phải chịu trách nhiệm bảo vệ quyền được sống và làm việc trong những điều kiện vệ sinh và an ninh tốt, quyền có được một môi sống lành mạnh và an toàn, quyền được chăm sóc và chi trả các thiệt hại gặp phải, quyền được thông tin và tiếp cận công lý.
Nhắc đến vấn đề gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng, ta không thể không nhắc đến vụ việc Vedan làm “chết” dòng sông Thị Vải nổi tiếng đình đám trong thời gian gần đây.
Theo kết quả điều tra và khảo sát của Cục Bảo vệ môi trường, nước sông Đồng Nai, đoạn từ nhà máy nước Thiện Tân đến Long Đại, đã bắt đầu ô nhiễm chất hữu cơ và chất rắn lơ lửng, đáng chú ý đã phát hiện hàm lượng chì vượt tiêu chuẩn TCVN 5942-1995. Tại đây, chất rắn lơ lửng thường vượt tiêu chuẩn 3 - 9 lần, giá trị COD vượt 1,8 - 2,8 lần, giá trị DO thấp dưới giới hạn cho phép. Trong khi đó, chất lượng nước sông của khu vực hạ lưu, giá trị DO giảm xuống rất thấp, SS vượt từ 2 – 2,5 lần TCVN 5942- 1995 (loại B). Vùng này cũng đã bị nhiễm mặn nghiêm trọng, nước sông khu vực này không thể sử dụng cho sinh hoạt và tưới tiêu. Một kết quả khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM gần đây, cũng cho những con số tương tự về mức độ ô nhiễm của hệ thống sông Sài Gòn (thuộc lưu vực Đồng Nai). Cũng theo kết quả khảo sát này, các sông khác trong toàn lưu vực, chất lượng nước cũng đang bị suy giảm trầm trọng. Ví dụ, chất lượng nước ở một số sông nhánh như sông Bé, Đa Nhim-Đa Dung phần hạ lưu cũng đang diễn tiến theo chiều hướng xấu. Sông Vàm Cỏ đã bị ô nhiễm hữu cơ. Ô nhiễm nhất trong toàn bộ lưu vực đó là sông Thị Vải, trong đó có một đoạn sông dài trên 10 km gọi là “dòng sông chết”. Đây là đoạn sông từ sau khu vực hợp lưu Suối Cả - sông Thị Vải khoảng 2 km đến khu công nghiệp Mỹ Xuân. Tại đây, nước bị ô nhiễm hữu cơ trầm trọng, có màu nâu đen và bốc mùi hôi thối cả ngày lẫn đêm, cả khi thủy triều. Theo kết quả khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường, giá trị DO ở đây thường xuyên dưới 0,5 mg/l, có nơi chỉ 0,04 mg/l. Với giá trị DO gần như bằng 0 như vậy, các loài sinh vật hầu như không còn khả năng sinh sống, các nhà khoa học đã gọi đoạn sông này là “đặc sệt sự chết!”. Theo tính toán sơ bộ của các nhà chuyên môn, với tổng lượng nước thải hàng ngày vào khoảng hơn 4.000 m3 của một công ty sản xuất tầm cỡ như Vedan, nếu “không thèm” xử lý một ngày, có thể bỏ túi hàng trăm triệu đồng. Theo: Nguồn
Công ty Vedan Việt Nam xây dựng nhà máy vào năm 1991 tại xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, nằm ở phía Đông Nam Tp.HCM, với tổng diện tích 120 ha Theo thông tin từ trang web của Vedan Việt Nam
. Như vậy, căn cứ vào Điều 2 LBVMT và Điều 624 LDS 2005 về bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường, thì công ty Vedan là thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật bảo vệ môi trường.
Căn cứ theo điều 131 LBVMT năm 2005, các cơ quan chức năng có thể xác định thiệt hại do vi phạm của Vedan gây ra bao gồm nhiều khoản: chi phí thiệt hại trước mắt và thiệt hại lâu dài do ô nhiễm nguồn nước, chi phí xử lý ô nhiễm, cải tạo nguồn nước... Tại khoản 1 Điều 604 Bộ luật dân sự năm 2005 cũng quy định về các căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Dựa vào các quy định trên, người dân sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm của sông Thị Vải bị thiệt hại về sức khỏe, tinh thần, thiệt hại vật chất, kinh tế... có quyền yêu cầu Công ty Vedan phải bồi thường. Trường hợp giữa Vedan và người đòi bồi thường không thỏa thuận được mức bồi thường thì người dân có quyền đưa vụ kiện đến tòa án để giải quyết. Người dân có quyền khởi kiện riêng lẻ từng cá nhân hoặc khởi kiện tập thể để yêu cầu Công ty Vedan bồi thường thiệt hại.
Phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe, kinh tế, tinh thần
Theo nguyên tắc, thiệt hại do vi phạm của Vedan gây ra đối với môi trường nước, cuộc sống của người dân chịu ảnh hưởng do sinh hoạt, sử dụng nguồn nước này phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Người dân có thể thỏa thuận với Vedan về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật, phương thức bồi thường (một lần hoặc nhiều lần)...
Thiệt hại cho người dân có thể chứng minh là: thiệt hại do tài sản bị xâm hại, thiệt hại về sức khỏe. Ngoài ra có thể còn bao gồm cả khoản tiền bù đắp do thiệt hại về tinh thần mà người dân phải gánh chịu do việc ảnh hưởng từ chất ô nhiễm mà Vedan thải ra môi trường.
Mức thiệt hại do sức khỏe bị xâm hại mà người dân có quyền đòi Vedan bồi thường bao gồm các chi phí thực tế phát sinh: khám chữa bệnh, bồi dưỡng phục hồi sức khỏe, chức năng bị mất, phần thu nhập giảm sút do thiệt hại về sức khỏe. Còn mức bồi thường do tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận, nếu hai bên không thỏa thuận được thì khi xét xử tòa có thể tuyên một mức bồi thường nhất định (theo điều 609 Bộ luật dân sự, mức tối đa không quá 30 tháng lương tối thiểu).
Cần lưu ý khoản tiền 15 tỉ đồng trước đây Vedan đã thỏa thuận với Sở Khoa học - công nghệ và môi trường Đồng Nai bồi thường do gây ô nhiễm môi trường, nhưng dưới danh nghĩa “hỗ trợ phát triển ngư nghiệp” sẽ nằm ngoài yêu cầu đòi bồi thường này. Khoản tiền đó không được tính vào số tiền bồi thường sau này của Vedan.
Ngoài ra, theo báo cáo của Bộ TNMT đã chỉ rõ những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của Công ty Vedan và khẳng định “là hành vi tái phạm, có tính hệ thống, có tổ chức và kéo dài, coi thường pháp luật Việt Nam, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đối với sông Thị Vải”.
Bên cạnh các hành vi vi phạm có tính hệ thống, Công ty Vedan còn có nhiều hành vi vi phạm pháp luật khác rất tinh vi, cố ý, có tổ chức và kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng, hủy hoại môi trường sinh thái sông Thị Vải và đã trốn nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp.
Điều đáng chú ý là mặc dù sai phạm của Công ty Vedan có tính nghiêm trọng, làm ảnh hưởng nặng nề tới môi trường, song trong báo cáo trình Thủ tướng, Bộ TNMT lại cho rằng: “Theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường hiện hành, các hành vi vi phạm của công ty Vedan chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm để khởi tố vụ án hình sự về môi trường”.
Về hình thức xử lý, Bộ TNMT cho rằng, các hành vi vi phạm của Công ty Vedan có dấu hiệu vi phạm các quy định khác của pháp luật, vì vậy cần tiếp tục giao cho các cơ quan điều tra bổ sung để củng cố căn cứ pháp lý. Trước mắt, tiến hành xử phạt hành chính với mức và khung hình phạt cao nhất đối với hành vi vi phạm của Công ty Vedan để răn đe và buộc công ty này phải chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả về môi trường đối với sông Thị Vải và những thiệt hại kinh tế do Vedan gây ra đối với các tổ chức cá nhân có liên quan.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Luật bảo vệ môi trường 2005.
Nghị định 113/2010/NĐ-CP quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường.
Giáo trình Luật Môi trường của trường Đại học Luật Hà Nội.
Bài nghiên cứu của TS. Vũ Thu Hạnh - Đại học Luật Hà Nội về đề tài: Bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường.
Website của trung tâm nghiên cứu pháp luật và Chính sách phát triển bền vững:
Website - quay quanh sự việc vedan gây ô nhiễm sông Thị Vải.
Website (website của Vedan Việt Nam).
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- trachnhiemboithuongthiethaidoonhiemmoitruong.doc