Đề tài Trang phục truyền thống của phụ nữ một số nước Đông Nam Á

- Trong quá trình phát triển, giao lưu và tiếp xúc với các nên văn hoá khác, cư dân Đông Nam Á đã biết tiếp thu những yếu tố văn minh từ bên ngoài để phát triển nhưng đồng thời vẫn lưu giữ được rất nhiều nét riêng biệt của bản sắc dân tộc. Dù có tiếp thu các giá trị từ bên ngoài nhưng họ đã biết chắt lọc, tiếp thu những tinh hoa của các nền văn hoá khác một cách có ý thức sáng tạo. Như chúng ta đã xem xét, đứng về khía cạnh xã hội trang phục mang rất nhiều ý nghĩa sâu sắc còn đứng về khía cạnh cá nhân trang phục cũng chính là sự tự khẳng định mình về trình độ văn hoá, khả năng thẩm mỹ, ý thức cộng đồng. Cứ nhìn một người ăn mặc thế nào người ta cũng có thể biết được họ là người thế nào, văn hóa ra sao, học vấn đến đâu. Vì vậy để biết ăn mặc cho đẹp cần phải có trình độ văn hoá, trình độ thẩm mỹ cao để sáng tạo và tiếp nhận mốt, tạo nên sự hài hoà, tránh được mốt rởm và khuynh hướng hình thức, a dua. Do đó đối với các trào lưu mốt, những khuynh hướng thời trang, nhất là đối với tuổi trẻ cần phải có sự giáo dục, định hướng bởi đó là sự quan điểm “hướng đi”

doc26 trang | Chia sẻ: Kuang2 | Lượt xem: 1230 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Trang phục truyền thống của phụ nữ một số nước Đông Nam Á, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Lời nói đầu Trang phục là một thành tố quan trọng của văn hoá tộc người, là biểu hiện bên ngoài của bản sắc văn hoá dân tộc. Mỗi dân tộc trên thế giới đều mang theo sắc thái văn hoá độc đáo của mình qua trang phục. Cùng với ngôn ngữ, trang phục là dấu hiệu thông tin quan trọng để chúng ta dễ dàng nhận biết tộc người này với tộc người khác. Người ta có thể nhận biết được đâu là phụ nữ Nhật Bản, phụ nữ Mexico hay phụ nữ các nước theo Hồi giáo qua bộ Kimônô của Nhật Bản hay chiếc váy xoè cùng với mũ rộng vành của phụ nữ miền Trung Mĩ và chiếc mạng che mặt của phụ nữ Hồi giáo. Trang phục gắn bó mật thiết và tồn tại trong sự vận hành của đời sống tộc người. “ Trang phục ra đời trước hết mang ý nghĩa bảo vệ cơ thể rồi sau đó trong quá trình phát triển trang phục trở thành nhu cầu thẩm mỹ, nhu cầu làm đẹp cho con người’’(8). Trang phục quan hệ đến rất nhiều lĩnh vực trong xã hội như địa lý, lịch sử, kinh tế, tôn giáo , đẳng cấp, nghề nghiệp, phong tục, tập quán.... nhất là ở lĩnh vực văn hoá tinh thần. Nó thể hiện cụ thể, rõ nét trình độ và thị hiếu thẩm mỹ của mỗi con người, mỗi dân tộc và mỗi thời đại. Nằm trong bối cảnh văn hoá của toàn khu vực, phong tục mặc của cư dân Đông Nam á đặc biệt là của phụ nữ có nhiều nét tương đồng phù hợp hợp với điều kiện tự nhiên (Vị trí địa lý, thời tiết ...) và nền văn minh nông nghiệp lúa nước có nguồn gốc từ lâu đời ( khoảng 2000 năm trước đây) hay người ta thường gọi là nền văn minh nông nghiệp thực vât. Tuy có nhiều đặc điểm chung nhưng mỗi dân tộc ở khu vực Đông Nam á vẫn bảo lưu, giữ gìn và phát huy được những nét đặc sắc trong trang phục truyền thống đặc biệt là trang phục của phụ nữ. Mối quan hệ giữa trang phục truyền thống và thời trang hiện đại cũng là một vấn đề được xem xét trong việc tìm hiểu trang phục.Do đó điều quan trọng hiện nay là làm sao gìn giữ được những tinh hoa và bản sắc cổ truyền của thẩm mỹ trang phục trong cách phục scs của thời hiện đại.để thời trang vừa phù hợp với thời đại vừa mang nét đặc thù của các dấu ấn truyền thống tạo ra một phong cách mặc riêng biệt và độc đáo của từng dân tộc . Khi trình bày đề tài này chúng tôi mong muốn được góp một phần nhỏ bé vào việc gìn giữ và phát huy bản sắc truyền thống trong trang phục mặc của các dân tộc Đông Nam á. Trong giới hạn của một bài viết, cộng với việc hạn chế của tài liệu tham khảo,chúng tôi chỉ xin trình bày một khía cạnh nhỏ trong phong tục mặc đó là “Trang phục truyền thống của phụ nữ một số nước Đông Nam á”. Bài viết được trình bày theo nội dung sau: Chương I : Địa lý - môi trường văn hoá và ảnh hưởng của nó đối với trang phục 1. Địa lý - môi trường văn hoá 2. Những đặc điểm chung trong trang phục truyền thống của phụ nữ một số nước Đông Nam á. 3. Nét đặc sắc trong chất liệu trang phục ChươngII: Trang phục truyền thống và ảnh hưởng của nó trong xã hội hiện đại: Trang phục của phụ nữ Thái Lan, Malaysia, Việt Nam. Kết luận: Chương I Địa lý- môi trường văn hoá và ảnh hưởng của nó đối với trang phục 1. Địa lý- môi trường văn hoá “Đông Nam á là một khu vực khá rộng, diện tích khoảng trên 4 triệu km2 trải ra trên một phần trái đất từ khoảng 920 đến 140 0 kinh Đông và từ khoảng 280 vĩ Bắc chạy qua xích đạo đến khoảng 150 vĩ Nam. Về mặt địa lý, hành chính Đông Nam á hiện nay gồm 10 nước: Việt Nam, Lào, Campuchia,TháiLan, Myanma, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines, Brunei”(10), với số dân khoảng 600 triệu người (theo số liệu năm 1999). Do điều kiện địa lý nằm trên bán đảo (Đông nam á ) và hệ thống các quần đảo (Đông Nam á hải đảo) , tiếp giáp với biển Đông , biển Jawa, eo Malacca nên đặc điểm nổi bật nhất của khí hậu Đông Nam á là tính chất gió mùa tạo nên hai mùa tương đối rõ rệt : mùa khô, lạnh, mát và mùa mưa tương đối nóng và ẩm. Vì thế Đông Nam á còn được gọi là khu vực “ Châu á gió mùa”. Về mùa hạ có gió mùa từ biển vào nên lượng mưa rất cao, từ 2000 đến 4000 mm. Mùa đông có gió mùa đông bắc từ lục địa thổi ra, thời tiết khô ráo ( trừ vùng Malaya nằm trong đới khí hậu xích đạo nóng và ẩm ướt quanh năm ). Mạng lưới sông ngòi dày đặc với một số hệ thống sông lớn như sông Mê Công, sông Hồng, sông Mênam, sông Iraoadi... cung cấp nước cho các đồng bằng châu thổ. Khí hậu biển cũng là một đặc điểm quan trọng đối với tuyệt đại đa số các quốc gia Đông Nam á. Chính gió mùa và khí hậu biển làm cho khí hậu vùng Đông Nam á đáng lẽ trở nên khô cằn ( như một số lục địa khác có vùng vĩ độ ) nhưng nó đã biến Đông Nam á thành “Thiên đường của thế giới thực vật, xanh tốt và trù phú vơí những đô thị đông đúc và thịnh vượng như Kuala-Lumpur, Singapore, Jacacta...” Điều kiện tự nhiên nóng ẩm, mưa nhiều và có gió mùa đã góp phần tạo nên đặc trưng của Đông Nam á : nền văn minh thực vật hay nền văn minh lúa nước. Đông Nam á được coi là “cái nôi” của cây lúa nước và là một trong , năm trung tâm cây trồng lớn của thế giới. Vì thế nông nghiệp trồng lúa nước đã trở thành cội nguồn, thành mẫu số chung của nền văn minh khu vực. “ Đó là nền văn minh có đủ sắc thái đồng bằng, biển, nửa đồi núi, nửa rừng với đủ các dạng kết cấu đan xen phức tạp ... nhưng mẫu số chung là văn minh nông nghiệp trồng lúa, văn hoá xóm làng” (Trần Quốc Vượng, Cao Xuân Phổ: Đông Nam á một nền văn hoá cổ xưa,Báo nhân dân,số ra ngày 1-10-1978). Chính hai nhân tố của môi trường tự nhiên hoặc có nguồn gốc từ tự nhiên là khí hậu nóng bức của vùng nhiệt đới và công việc lao động trồng lúa nước đã có nhiều ảnh hưởng và chi phối tới cách thức trang phục của cư dân Đông Nam á, đặc biệt là trang phục của phụ nữ. Điều kiện tự nhiên, văn hoá đó đã thúc đẩy sự phát triển, tính đa dạng của từng vùng, từng khu vực của trang phục để con người thích nghi và tồn tại. Đồng thời thiên nhiên ấy, khí hậu ấy chính là điều kiện ban đầu cho việc hình thành và xử lý trang phục có thể nói trang phục của phụ nữ Đông Nam á đã ra đời dựa trên bối cảnh của nền “văn minh thưc vật” với môi trường sông nước, khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, tất cả tồn tại hoà quyện với nhau một cách hài hoà, uyển chuyểnvà rất gần gũi với thiên nhiên. “Chẳng hạn về màu sắc trang phục, hầu hết là có nguồn gốc từ tự nhiên : mnàu nâu non vốn gần gũi với màu phù xa của bùn đất, màu lam, màu chàm vốn gần gũi với mầu của núi non, các sắc màu tươi sáng dường như bắt đầu từ sắc mầu của các loài hoa, quả (hoa đào, hoa lý, vàng mơ ... )”(8). Sự mềm mại, tha thướt của những đường nét trang phục trong tà áo dài Việt Nam, trong bộ Kain của phụ nữ Indônêsia hay bộ Phá xin của phụ nữ Thái Lan ... “dường như cũng được bắt đầu từ vẻ uốn lượn của những dòng sông, con suối trong vắt”. Dường như môi trường văn hoá sông nước có ảnh hưởng không phải là nhỏ tới cách thức trang phục của phụ nữ Đông Nam á. Chiếc váy của phụ nữ là một dẫn chứng cụ thể chứng tỏ điều kiện địa lý - môi trường văn hoá có ảnh hưởng nhiều tới trang phục. Với hệ thống sông ngòi dày đặc, lượng mưa lớn, khí hậu nóng ẩm thì chiếc váy là một trang phục hết sức thuận lợi của phụ nữ Đông Nam á, có thể mặc trong bất kỳ trường hợp nào. Có phải vì thế mà hiện nay váy vẫn là một trang phục được phụ nữ nhiều nước Đông Nam á sử dụng, mặc dù kiểu cách và chất liệu có nhiều thay đổi để phù hợp với lối sống hiện đại ngày nay. Bên cạnh việc chịu ảnh hưởng của điệu kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều, mang đặc trưng của nền nông nghiệp lúa nước thì trang phục của phụ nữ Đông Nam á cũng chịu ảnh hưởng của văn hoá du nhập tùa bên ngoài vào, chủ yếu là chịu ảnh hưởng của văn hoá ấn Độ và Trung Quốc. Sở dĩ nói như vậy là vì Đông Nam á có một vị trí đặc biệt, nó “nằm trọn” giữa hai đại dương lớn là Thái Bình Dương và ấn Độ Dương và nằm giữa hai nền văn minh lớn của nhân loại đó là văn minh Trung Hoa và văn minh ấn Độ. Sự tiếp xúc, giao lưu với hai nền văn minh này đã có từ rất sớm, khoảng thế kỷ I – II trCN. ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa và ấn Độ tới khu vực Đông Nam á khá toàn diện và sâu sắc trên tất cả mọi lĩnh vực, trong đó có một phần ảnh hưởng tới trang phục. ảnh hưởng đó được thể hiện qua các hoa văn trên trang phục mang đậm màu sắc ấn Độ như hình chim công, rắn Naga, hoa sen....,các hoa văn hình học với những đường nét dệt rất kì công và tỉ mẩn đến từng chi tiết. Hình ảnh chiếc áo dài của Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nhiều từ chiếc áo dài Thượng Hải của Trung Hoa. 2. Những đặc điểm chung trong trang phục truyền thống của phụ nữ một số nước Đông Nam á 2.1. Trang phục chính Trang phục chính gồm có đồ mặc phía trên và đồ mặc phía dưới 2.1.1. Đồ mặc phía dưới. Đồ mặc phía dưới tiêu biểu và ổn định hơn cả của phụ nữ Đông Nam á qua các thời đại là cái váy. “Váy là đồ mặc đặc trưng của phụ nữ ở hầu hết các dân tộc Đông Nam á (nếu như không nói là tất cả). ở mọi nơi, từ những vùng xa xôi thuộc các quốc gia hải đảo như Malaysia, Indosia, Philippin, Brunei đến các vùng núi của nhiều quốc gia lục địa Đông Nam á như: Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Mianma, Lào.... thậm chí ngay cả ở các thủ đô như Phnômpênh, Kuala Lumur, Jakarta.... phụ nữ hiện này vẫn mặc váy”(1). Qua đó ta thấy váy là trang phục mặc hết sức phổ biến rộng rãi của phụ nữ các nước trong khu vực Đông Nam á. Sở dĩ nó là trang phục đặc trưng và phổ biến của phụ nữ Đông Nam á vì “mặc váy không chỉ thoáng, mát, gây cảm giác dễ chịu, đối phó được một cách có hiệu quả với khí hậu nóng, bức mà còn phù hợp với công việc đồng áng. Khi làm việc hoặc khi đi lại, váy được kéo cao tới đầu gối, gặp sông, suối, trước khi lội xuống nước người ta cởi váy ra, quấn lên đầu, sang bờ bên kia lại mặc vào. Khi ở nhà hoặc nghỉ ngơi váy được thả dài đến tận gót chân, thật là tiện lợi”(5) . Do những đặc thù phù hợp với môi trường, khí hậu nóng bức của khu vực Đông Nam á và chiếc váy khác hẳn với chiếc quần có nguồn gốc du mục Trung á là nơi có khí hậu giá lạnh và công việc chủ yếu là chăn nuôi cưỡi ngựa. Váy có hai loại: váy khâu và váy quấn. Váy quấn là tấm vải hình chữ nhật được quấn cho hai mép chạy về một phía chân, đầu mảnh vải được thắt lại. Váy khâu là loại váy hai mép vải được khâu thành hình ống. ở Đông Nam á, váy được gọi theo một từ quen thuộc khác là sarông. Sarông của người Malaysia, Indonesia, Brunei gọi là Kain nó là một loại váy đơn giản, chỉ là một tấm vải quấn quanh mình. Ngày này, sarông vẫn được hầu hết các dân tộc Đông Nam á, đặc biệt là các dân tộc ít người sử dụng. Chỉ lấy riêng Philippines làmví dụ cũng đủ thấy sự phổ biến rộng rãi của nó. “Phụ nữ dân tộc Tagan, Visaia, Ilacano, Bicon và hàng loạt dân tộc khác như Ifugao, Bonter, Tinjian, Kaling, Gatan, Ivatan.... đều mặc sarông.”(1) “Váy của phụ nữ Thái Lan được gọi là Phá xin, là một loại váy khâu liền (váy ống), gấp ở eo. Tuỳ từng địa phương mà Phá xin có những kiểu dáng, màu sắc khác biệt nhau. Thường ngày chiếc Phá xin được mặc kết hợp với chiếc áo lót cộc tay bó sát người”(7). Còn Kain của phụ nữ Indonesia là một tấm vải nhiều màu sắc được quấn hai vòng quanh người từ thắt lưng đến đầu gối hoặc chấm mắt cá chân. “Kain thường dài 2,5m và rộng từ 0,5m đến 1m. Kain ngắn (Kain pendek) để mặc khi làm việc nặng, còn bình thường thì phụ nữ Indonesia mặc Kain dài (Kain panjnang)”(3). Tuy cùng là một chiếc váy nhưng ở mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, phụ nữ lại mặc những chiếc váy có những nét đặc sắc riêng để khi nhìn vào sẽ biết được đó là dân tộc nào hay quốc giao nào? Đi liền với váy, thường có cạp váy (hay còn gọi là dải thắt lưng), được làm bằng vải với mục đích giữ cho váy khỏi tuột. Cạp váy là một mảnh vải rộng khoảng một gang tay có thể khâu liền cùng với váy hoặc là một tấm vải dài tách rời, khi mặc váy sẽ thắt lại. Tấm vải đó được gọi là dải thắt lưng có chiều dài hơn 2m. Cạp váy thường khâu bằng dải vải khác màu như màu đỏ, trắng, xanh.... miễn không được đồng màu với thân váy. Dải cạp là để gập mép sao cho váy bó sát thân eo, làm đường thắt lưng nổi cộm rõ đường nét thắt đáy lưng ong. Trên dải cạp thường trang trí các hoa văn, hoạ tiết một cách chi tiết tỉ mỉ. Như trên cạp váy của phụ nữ Mường (cạp váy được dệt bằng vải thổ cẩm) trang trí những hoa văn hình học và được dệt một cách công phu, tỉ mẩn đến từng chi tiết. Váy là y phục vừa cổ xưa nhất, vừa chung nhất trong nhiều dân tộc và tộc người ỏ Đông Nam á. Qua thời gian và theo thời đại tuy có nhiều thay đổi cho phù hợp nhưng chiếc váy vẫn giữ được những nét đặc thù để ta dễ dàng nhận biết và phân biệt được trang phục truyền thống của phụ nữ các nước Đông Nam á so với các nước khu vực khác. 2.1.2. Đồ mặc phía trên: ở khắp Đông Nam á, y phục bên trên của phụ nữ là chiếc áo ngắn được làm từ vải bông hay vải gai và thường không có ống tay. áo được cấu thành từ hai mảnh vải khâu lại với nhau ở phía lưng, phía trước để mở và có dây để thắt khi mặc. Nhưng kiểu áo đó cũng biến dạng ít nhiều ở các dân tộc và các tộc người khác nhau. “Đối với phụ nữ Kachin (Mianma) áo mặc ngoài không có tay nhưng áo mặc trong lại có ống tay dài. Trong khi đó người Chin (Mianma) lại chỉ mặc một kiểu áo không có ống tay. Cũng vẫn là kiểu áo hai mảnh, nhưng áo của người Lisu và Lahu (Mianam) lại có tà dài tới đầu gối và ống tay ngắn”(5). Điều khác biệt là áo dài của người Lahu được xẻ ở bên sườn từ thắt lưng và có chiếc móc cài bằng đồng hoặc cổ. áo cũng là y phục phổ biến ở các nhóm Karen (Mianam và Thái Lan), ở người Kaia (Mianma). Y phục của hai dân tộc này là đối tượng lý thú cho các nhà nghiên cứu, vì nhiều vấn đề chưa được lý giải rõ ràng. VD: Người Karen mặc áo ngắn, không ống tay còn người Kaia, ngoài áo ngắn còn có tấm áo kháo bên ngoài mỗi khi trời lạnh. Tục mặc tấm khoác hiện nay vòn rất phổ biến ở các dân tộc miền núi Việt Nam và Campuchia. Người Xtiêng (Việt Nam), phụ nữ mặc tấm khoác khi dự lễ hội. Cách đây không lâu, tấm khoác còn là một bộ phận y phục của phụ nữ Thái Lan, đặc biệt là ở miền Trung và miền Đông Bắc Thái Lan. Một chi tiết rất đặc trưng của y phục các nhóm tộc người Karen là ống tay áo rời, khi cần thiết (khi nóng bức hay khi làm việc) người ta có thể tháo bỏ hai ống tay áo. Kiểu tay áo “cơ động” này cũng phổ biến ở người Tauntu. Kiểu may áo của vài dân tộc khác ở Myanmar cho thấy xưa kia họ có dùng loại ống tay áo “cơ động” Ví dụ: người Akha, ống tay áo được khâu không phải trực tiếp vào áo mà là một mảnh vải trắng trung gian nối giữa áo và ống tay. ở Đông Nam á, đặc biệt là vùng lục địa, còn có kiểu áo cũng không kém phần đặc săc, đó là áo chui. Hai khu vực phổ biến kiểu áo này, một ở Myanma và Thái Lan (người Karen), một ở Đông Dương. áo chui của người Karen không có ống tay hoặc chỉ có ống tay ngắn. Những chiếc áo chui thường rất rộng nên vẫn gây ấn tượng như là có ống tay. Phụ nữ chưa chồng Karen trắng ở Thái Lan thường mặc áo chui dài chấm gót chân. Phụ nữ Giaien Karen mặc áo chui ngắn và váy. Phụ nữ Taunta mặc áo chui đen. Phụ nữ Taunyo mặc áo chui đỏ. Gần đây áo chui của các tộc người Karen dần dần bị thu ngắn lại và trở thành một kiểu áo cánh. ở Đông Dương, áo chui phổ biến hơn cả là ở người Chăm (Việt Nam), ngoài ra còn có ở người Êđê, M’nông, Mạ và ở cả Campuchia. áo chui của phụ nữ Chăm màu xanh thẫm, ống tay dài, bó nên họ chỉ mặc khi hội lễ hoặc khi trời lạnh. Con gái và phụ nữ trẻ mặc áo chui, qua tuổi 30 họ mặc váy sarông. Cư dân Đông Nam á lục địa còn có một loại y phục khá đặc trưng, đó là chiếc yếm. “Yếm là một miếng vải vuông đặt chéo trên ngực người mặc. ở góc phía trên khoét hình trong làm cổ yếm (loại yếm này có tên là yếm cổ xây) hay khoét hình chữ V (gọi là yếm cổ xẻ hay yếm con nhạn). ở góc nhọn cổ yếm (cổ xẻ) có ba đường khâu nổi như hình chân chim có tác dụng trang trí, đồng thời giữ cho cổ yếm lâu bị rách”(13). Hai đầu cổ yếm có hai dải nhỏ hình tam giác dài vắt chéo ngang ở sau lưng rồi lại buộc ra phía trước. Có hai kiểu mặc yếm: mặc bên trong và không cần áo ngoài, kiểu thứ hai là mặc yếm bên trong mặc áo bên ngoài. “Yếm được mặc phổ biến ở các dân tộc thiểu số ở Đông Nam á nhưng đó là đồ mặc mang tính chất thuần tuý Việt Nam”(11), thường do phụ nữ tự cắt may, nhuộm lấy với nhiều kiểu cổ, nhiều màu phong phú; yếm nâu để đi làm thường ngày ở nông thôn, yếm trắng thường ở thành thị, yếm hồng, yếm đào, yếm thắm..... dùng vào những ngày lễ hội. Yếm dùng để che ngực cho nên nó trở thành biệu tượng của nữ tính và có sức quến rũ mãnh liệt: “Ba cô đội gạo lên chùa. Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư. Sư về sư ốm tương tư. ốm lăn ốm lóc cho sư trọc đầu”. Yếm và những bộ phận của yếm trở thành biểu tượng của tình yêu: “Ước gì sông rộng một gang, Bắc cầu giải yếm cho chàng sang chơi” Người ta đã nói rất nhiều về cái yếm. Nó vừa là vật che chắn vừa là vật trang điểm đầy sức quến rũ không kém gì hoa tai, nhẫn, xuyến hay son phấn. Có ý kiến cho rằng, “yếm có nguồn gốc ở phía Bắc, được các tộc người Tạng – Miến và Mèo – Dao đưa vào Đông Nam á”(5). 2.2. Trang phục phụ Bên cạnh trang phục chính bao gồm đồ mặc trên và dưới, trang phục của phụ nữ các nước Đông Nam á còn có những bộ phận khác không kém phần điển hình, nó thể hiện những nét đặc sắc trong trang phục truyền thống của phụ nữ các nước Đông Nam á. 2.2.1. Khăn và mũ. Phụ nữ Đông Nam á, cũng như phụ nữ các nơi khác trên thế giới thường dùng khăn và mũ. Khăn vừa có tác dụng che mưa, che nắng vừa làm gọn tóc, do đó nó giúp con người lao động dễ dàng. “các cô gái Thái (miền Tây Bắc Việt Nam) trở nên duyên dáng hơn với chiếc khăn Piêu (khăn thêu) đội đầu vào những ngày hội lễ. Khăn Piêu của phụ nữ thái đen ( Việt Nam) có màu đen, hai đầu có thêu những hoa hình kỷ hà bằng chỉ nhiều màu sắc. Chi tiết đặc chưng của khăn Piêu là những hoa cuộn và thêu chỉ màu gọi là cút, đính thành chùm ở mép dưới đường viền hai đầu”(2). Khăn trong trang phục của phụ nữ Indonesia được gọi là slen -dang. Đó là một cái khăn dài vắt qua vai để trang sức. Khăn này cũng có thể dùng đội đầu, địu trẻ con, đôi khi còn là túi. Phụ nữ thường chải tóc lật ra phía sau, phía trước cài một chiếc lược để giữ tóc và khăn. Phụ nữ đảo MinangKabau quấn khăn theo kiểu mái nhà của họ. Phụ nữ miền Bắc Việt Nam trước đây để tóc dài và vấn tóc bằng một mảnh vải dài cuộn lại để trên đầu, đuôi tóc để chừa ra ngoài một ít gọi là tóc đuôi gà. Phủ ra ngoài cái vấn tóc là chiếc khăn vuông chít hình mỏ quạ (có mỏ nhọn phía trước, hai đầu buộc ra đằng sau). Ngoài đội khăn, một số phụ nữ dân tộc thiểu số ở Mianma, Thái Lan, Lào, Việt Nam còn đội mũ. Vào những dịp lễ hội lớn, hầu như tất cả các phụ nữ Akha (Mianma) đều đội một chiếc mũ vừa rất cầu kỳ, vừa rất đẹp. Ta thấy ngoài tác dụng che mưa, che nắng, khăn, mũ còn được coi như một sản phẩm nghệ thuật. “Vì thế không phải ngẫu nhiêu mà khăn, mũ của phụ nữ các dân tộc Đông Nam á không bao giờ vằng mặt trong các viện bảo tàng mỹ thuật hay dân tộc của nhiều nước Đông Nam á và phương Tây”6). Ngày nay cùng với nghề dệt vải để may trang phục thì kỹ thuật đan, dệt khăn, mũ cũng được phụ nữ coi trọng. Ngoài khăn và mũ thì một trong những trang phục khá độc đáo xuất hiện ở nhiều nơi thuộc khu vực Đông Nam á là chiếc mũ lông chim. Cả nam giới và phụ nữ đều đội mũ lông chim (đặc biệt là trong các lễ hội). “Xét dưới góc độ dân tộc học lịch sử, kiểu đồ đội làm bằng lông chim ở Đông Nam á là một trong những vấn để khoa học vô cùng lý thú. Lý thú không chỉ ở hình thức kỳ lạ của cái mũ lông chim mà còn ở khía cạnh khác. Những kiểu đồ đội đó thường mang một chức năng nghi thức nào đó”(6). Theo một số tác giả, kiểu mũ này xuất hiệt từ thời đại đồ đồng và nó xuất hiện ở cả lục địa và hải đảo. Người Đaiac, người Laga trên đảo Timo, người Batắc trên đảo Sumatơra (tất cả đều thuộc Indonesia) đến người Katu, Bana ( Việt Nam) đều đội mũ lông chim. Cho đến đầu thế kỷ XX, những thầy tế người Kachin (Mianma) vẫn đội những chiếc mũ lông chim khi hành lễ. Đàn ông dân tộc Katu (Việt Nam) khi ra trận đội mũ làm bằng chiếc lông chim dài. Không chỉ đội mũ lông chim, người Đaiac, người Toratgia, người Manahasa và người Naga (đều thuộc Indonesia) còn vẽ hình con chim trên chiếc mũ chiến của minh. “Các nhà nghiên cứu cho rằng hình những người đội mũ lông chim đứng trên các chiến thuyền, trên các trống đồng và đồ đồng Đông Sơn là các chiến binh trên đường đi săn đầu người. Mà săn đầu người là một nghi thức để trở thành người lớn vốn rất phổ biến ở một số dân tộc Đông (6) Không chỉ ở Đông Nam á mà còn ở những nơi khác đặc biệt là ở Bắc Mỹ (vùng người da đỏ châu Mỹ) đồ đội bằng lông chim cũng rất phổ biến. Những chiếc mũ lông chim của các thầy cúng người Kachin, việc thờ phụng lông chim trong các nghi thức mang tính phù thuỷ của các dân tộc ở Indonesia có cái gì đó gần gũi với tín ngưỡng phù thuỷ (hay Saman giáo) ở Bắc á và Bắc Mỹ. Vì thế mà có ý kiến cho rằng mũ lông chim ở Đông Nam á có nguồn gốc từ Bắc á và được du nhập tới theo con đường Saman giáo. 2.2.2. Những chiếc vòng trang sức Mỗi dân tộc Đông Nam á có quan niệm riêng về vẻ đẹp và cách đeo vòng trang sức, nhưng ở mọi dân tộc, vòng trang sức tôn vẻ đẹp cho con người, đồng thời thể hiện sự giàu sang. Những chiếc vòng đeo đôi khi còn thể hiện phong tục tập quán của từng tộc người. Có điều đặc biệt là vòng trang sức thường xuất hiện nhiều ở các dân tộc ít người sống ở những nơi xa xôi, hẻo lánh. ở nhiều vùng không chỉ phụ nữ mà nam giới cũng dùng vòng như đồ trang sức. Phổ biến nhất ở Đông Nam á là loại vòng đeo tai (hoa tai) và loại vòng đeo cổ. Đối với người H’mông ( Việt Nam ) những chiếc vòng bạc không chỉ là đồ trang sức đơn thuần mà còn là những vật báu riêng của từng người, từng gia đình. Qua vòng bạc một số người đeo có thể biết được mức độ giàu có của người đó, của gia đình đó. Hầu như tất cả người H’mông từ đàn ông đến đàn bà, từ già tới trẻ đều đeo vòng cổ bằng bạc vào dịp lễ hội đặc biệt là vào dịp Tết. Ngoài vòng cổ, vòng tay phụ nữ Đông Nam á còn đeo hoa tai. Phụ nữ H’mông ( Việt Nam ) thường đeo ba kiểu hoa tai: kiểu hình mũi tên có vòng tròn bao quanh, kiểu hình chữ S, kiểu hình chiếc móc câu có nhiều vòng nhỏ đính vào nhau. Theo quan niệm của họ vòng bạc không chỉ là tài sản mà còn là biểu trưng cho cuộc sống tốt lành. Cũng như người H’mông vào những dịp hội hè, phụ nữ và trẻ em Miến thường đeo những vòng bạc thành nhiều lớp quanh cổ. Phụ nữ Miến còn đính vào móc phía sau những chiếc vòng cổ hàng loạt dây xích bạc mang theo chuông bạc, lục lạc bạc, hình chim cá bằng bạc. Tất cả những chuông, lục lạc, chim, cá, hoa, bướm... bằng bạc đó đều là những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo do những người thợ khéo tay tạo ra. Phụ nữ Karen ( ở Mianma và Thái Lan) rất thích đeo vòng trang sức trên người. Thay vì đeo các vòng bạc, phụ nữ, nhất là các cô gái trẻ quàng trên cổ rất nhiều vòng hạt sặc sỡ. Họ thường đeo những khuyên tai bằng bạc lớn hình trụ với hai đầu chốt giữ hình miệng chén. Vào dịp lễ hội, các bà các cô còn đính thêm đôi khuyên tai hai chùm tua len cài màu đỏ hoặc màu hồng. ở dân Tagalog (Philippines) những người phụ nữ quyền quý thường đeo những chuỗi hạt làm bằng đá quý, những đôi hoa tai bằng vàng, nhẫn có mặt đá quý. Còn phụ nữ Vizaya (Philippines) thì những chiếc nhẫn, tràng hạt, vòng vàng vỡi những viên đá quý màu sắc sặc sỡ làm hoàn chỉnh thêm bộ trang phục thường ngày của họ. Ngoài đồ trang sức là hoa tai, vòng đeo cổ, người phụ nữ Đông Nam á còn biết cách trang điểm để tăng thêm vẻ đẹp mềm mại, duyên dáng mà kín đáo bằng cách ăn trầu, nhuộm và cà răng. Cao dao Việt Nam đã có câu: “Răng đen ai nhuộm cho mình Để duyên mình đẹp để tình anh say” Qua việc tìm hiểu trang phục của phụ nữ một số nước Đông Nam á ta thấy cư dân Đông Nam á đã có cách ứng xử rất linh hoạt để đối phó với khí hậu nhiệt đới gió mùa và nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Cách may mặc, cùng với chức năng đối phó với môi trường tự nhiên, còn luôn hướng tới mục đính làm đẹp cho con người. Ngoài những đổ trang sức như: vòng, hoa tai, khăn, mũ lông chim.... thì chất liệu trang phục cũng là một nhân tố quan trọng quyết định giá trị của trang phục. Một bộ trang phục sẽ khó đẹp nếu không được may từ một chất liệu tốt. 3. Nét đặc sắc trong chất liệu trang phục Về chất liệu may mặc, để đối phó hữu hiệu với môi trường tự nhiên, cư dân Đông Nam á có sở trường tận dụng các chất liệu có nguồn gốc thực vật, là sản phẩm của nghề trồng trọt, cũng là những chất liệu may mặc mỏng, nhẹ, thoáng rất phù hợp với xứ nóng như: tơ tằm của Việt Nam, vải batik (Indonesia, Malaysia), vải dệt bằng sợi chuối Abaku của người Tagan (Philippines), vải dệt bằng tơ đay, gai, vải bông là sản phẩm của nền nông nghiệp lúa nước, trong đó tơ tằm và batik là những mặt hàng xuất khẩu nổi tiếng. 3.1. Tơ tằm là chất liệu vải đặc trưng của người Việt. Cùng với nghề trồng lúa, nghề tằm tang có từ rất sớm. Trồng lúa và trồng dâu là hai công việc chủ yếu luôn gắn liền mật thiết với nhau của người nông dân Việt Nam . Trồng dâu nuôi tằm là một nghề hết sức vất vả, cực nhọc: “Làm ruộng ba năm không bằng chăn tằm một lứa” Hay “ Làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” “Từ tơ tằm đã dệt nên nhiều loại sản phẩm phong phú như: tơ, lụa, lượt, là, gấm, vóc, nhiễu, the, đoạn, lĩnh, dãi, địa, nái, sồi, thao, vân..... mỗi loại lại có mấy chục mẫu mã khác nhau. Ví dụ như lụa thì có: lụa mỏng, lụa dày, lụa trơn, lụa trắng, lụa mỡ, lụa bóng, lụa ngũ sắc...”(12). Đến thế kỷ XVI – XVIII khi mà tơ lụa Trung Quốc sản xuất với số lượng nhiều đã chiếm lĩnh thị trường thế giới thì tơ lụa Việt Nam vẫn được đánh giá rất cao do chất lượng cao. Tơ tằm thường được dùng để may áo cánh, áo tứ thân, áo mớ ba mớ bảy và hiện nay được dùng phổ biến để may áo dài. Đầu thế kỷ XX các cô gái thành thị ở Việt Nam thường mặc những bộ áo cánh màu trắng, màu mỡ gà trông rất dịu dàng, thướt tha và đầy sức quyến rũ. 3.2. Cùng với tơ tằm, batik là chất liệu đặc trưng trong trang phục truyền thống của phụ nữ các nước Đông Nam á. Vải batik đã từ lâu là niềm tự hào của người dân đảo dừa. Batik chính là bản sắc văn hoá Jawa nói riêng và của cả đất nước Indonesia nói chung. Vải batik cũng là chất liệu may mặc đặc trưng của Malaysia. Batik rất được ưa chuộng trên thị trường thế giới bởi nó có nhiều nét ưu điểm: đẹp, bền và độc đáo. Batik theo tiếng địa phương có hai nghĩa: chỉ phẩm chất của chất vải có thể tô vẽ được và tô vẽ bằng những hình phù hợp. Batik là một loại vải bông được nhuộm bằng cách giữ vải bằng sáp. Tất cả các khâu kỹ thuật từ giữ vải đến nhuộm và tô hình đều được làm bằng thủ công. Nếu so với các pương pháp nhuộm, vẽ vải phổ biến khác thì kỹ thuật batik của Jawa là một kỹ thuật đặc biệt có một không hai. Với kỹ thuật batik người thợ Jawa đã tạo ra những tấm vải có chất lượng cao đáng kinh ngạc. Không ở đâu trên thế giới nghệ thuật thể hiện các hoa văn lên vải bông bằng sáp lại đạt đến độ hoàn thiện như ở Jawa. Hiện nay, batik là một trong những ngành thủ công mỹ nghệ quý và rất được phát triển, ưa chuộng ở Jawa. ở batik không chỉ lưu lại những kỹ thuật truyền thống mà các hoạ tiết, hoa văn cũng còn mang những dấu ấn rất cổ. Trên vải batik ta còn có thể bắt gặp những môtip của thời kỳ đồ đồng như môtip những hình tam giác nhọn, môtip “cây đời” mọc trên đỉnh núi và môtip “thuyền đưa linh”. ở batik còn khá phổ biển những môtip trang trí có nguồn gốc Ba Tư, ấn Độ như lá cọ, hoa tử đinh hương, chim công, rắn Naga, hoa sen.... Nhưng chúng đã hoà vào những yếu tố bản địa nên rất khó phân biệt đâu là những yếu tố bên ngoài, đâu là những yếu tố bản địa ngay trong từng mảng hoa văn. Dựa vào những đặc trưng kỹ thuật, người ta chia batik ra làm hai loại: batik tulis và batik chap. Loại batik tulis đẹp và được ưa chuộng hơn vì nó hoàn toàn được dệt bằng phương pháp thủ công. Thông thường muốn dệt xong một tấm batik tulis người phụ nữ phải ngồi bên khung cửi cả tháng, có khi cả năm. Trong khi đó batik chap chỉ cần một ngày là dệt xong bởi vì các hoa văn của nó được tô, nhuộm bằng khuôn dập kim loại. Ngày nay tuy ngành dệt công nghiệp đã phát triển mạnh nhưng vải batik thủ công vẫn tồn tại và được nhiều người ưa chuộng. Kỹ thuật dệt batik không chỉ đòi hỏi thời gian, tay nghề và kinh nghiệm mà nó còn đòi hỏi sự tinh tế trong các khâu của quá trình dệt. Batik không chỉ là một ngành mỹ nghệ truyền thống của quá khứ mà nó còn là niềm tự hào của người dân Indonesia thời hiện đại. Trong những ngày lễ hội ta thường bắt gặp người dân Indonesia trong bộ y phục bằng vải batik. Vì batik là một loại vải nên nó dễ dàng nhập vào những mốt quần áo mới nhất, đây là ưu điểm lớn của batik. Chính vì thế mà hàng chục thế kỷ qua mà nghề thủ công này vẫn sống, vẫn tiếp tục phát triển, nó luôn là niềm tự hào của người dân đất nước nghìn đảo này. 3.3. Ngoài tơ tằm và vải batik, cư dân Đông Nam á còn sử dụng các chất liệu thực vật đặc thù khác như tơ chuối, tơ đay, gai, sợi bông, những chất liệu đặc trưng của nên văn minh nông nghiệp lúa nước. Vải tơ chuối dệt bằng sợi chuối, người Philippines gọi loại vải này là vải Abaku. Loại vải này mịn, một loại hàng đặc sản được người Trung Quốc ưa chuộng, họ gọi loại vải này là “vải Giao Chỉ”. Họ ca ngợi rằng đây là “loại vải mịn như lượt là, mặc vào mùa nực thì mát lắm”. Vải dệt bằng sợi tơ đay, gai cũng xuất hiện khá sớm. Đất đai và khí hậu các nước Đông Nam á rất thích hợp cho những loại cây này phát triển. Vải đay gai bền hơn vải tơ chuối, đem cây đay gai ngâm nước cho thịt thối rữa ra, còn lại tơ đem xé thành sợi dệt vải thì vải cũng “mịn như lượt là”. Nghề dệt vải bông xuất hiện muộn hơn nhưng nó lại là một chất liệu tốt, bông được rút từ quả bông được dệt thành vải trắng muốt, bền, đẹp. Vải bông thường được dùng để may áo ấm. Qua các chất liệu trang phục được nêu ở trên cho ta thấy các loại vải dùng để may trang phục của các cư dân Đông Nam á đều là các loại vải có nguồn gốc từ thực vật, nhẹ, thoáng, mát. Trong khi đó người phương Bắc có sở trường dùng da thú, là sản phẩm của nghề chăn nuôi làm chất liệu may mặc, thêm vào đó da và lông thú lại rất phù hợp với thời tiết phương Bắc lạnh. Đó cũng là tính đặc trưng, phản ứng linh hoạt trong cách chọn lựa chất liệu may trang phục của từng dân tộc và từng khu vực. Tóm lại, qua chương I chúng tôi đã chình bày sơ lược, khái quát một số nét cơ bản trong trang phục truyền thống của phụ nữ một số nước Đông Nam á để từ đó khái quát lên những đặc điểm chung trong phong cách ăn mặc của phụ nữ một số nước Đông Nam á. Tuy nhiên “vốn là một yếu tố ít nhiều mang tính bảo thủ, phong tục mặc bao giờ cũng là một bức tranh sinh động về những giai đoạn lịch sử của một dân tộc hay một khu vực”(6). Đồng thời phong tục mặc cũng rất dễ biến đổi theo thị hiếu, theo một, theo những tác động từ bên ngoài. Nên việc giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống của trang phục dân tộc trong xã hội hiện đại không phải là một vấn đề đơn giản. Vì thế trong bài viết này tôi cũng muốn đề cập đến vấn đề: truyền thống và hiện đại trong trang phục. Chương II ảnh hưởng của trang phục truyền thống trong xã hội hiện đại Truyền thống trong ăn mặc là gì và trang phục hiện đại của các nước Đông Nam á nên kế thừa và phát huy những gì thuộc về truyền thống. Kết hợp thế nào để hài hoà với cái hiện đại mà vẫn mang tính truyền thống. Đây là những vẫn đề lớn đang đặt ra và không khỏi là sự băn khoăn, day dứt của nhiều người. Thời nào cũng vậy, mỗi con người có thể ăn mặc theo sở thích riêng nhưng cái đó không thể thoát ly khỏi sự ràng buộc của truyền thống và sự quy định của thời đại. Ăn mặc là tổng hoà của quan hệ giữa con người với tự nhiên và của các mối quan hệ xã hội. Trong một chừng mực nào đó, y phục thể hiện tập trung tính truyền thống và tính hiện đại. Bởi vì, trang phục là sản phẩm mang tính thời đại, là bộ mặt của thời đại, lẽ tất nhiên nó phải phù hợp với thời đại mình đang sống. Tính thời đại trong ăn mặc là sự kết hợp nhuần nhuyễn, hợp lý và khoa học giữa truyền thống và hiện đại. Vậy truyền thống trong ăn mặc là gì? Có phải là phục hồi nguyên bản cách ăn mặc từ xa xưa như phụ nữ mặc váy,áo ngắn, vấn khăn, nam đóng khố đội mũ lông chim.... mới gọi là truyền thốn, là tích cực. Trong nhiều trường hợp, truyền thống không còn phù hợp với thời đại mới nữa nên nó trở thành tiêu cực và cản trở sự phát triển của xã hội. Trong xã hội hiện đại ngày nay, với nếp sống công nghiệp của thời đại mới chúng ta không thể mặc những bộ trang phục truyền thống đến công sở. Ví dụ như phụ nữ Việt Nam ngày nay khi đi làm hay khi ra đường không thể mặc những bộ áo the, áo tứ thân, áo mơ ba mớ bảy buông vạt phất phơ. Khi tiếp thu truyền thống không có nghĩa là chúng ta bê nguyên xi cái truyền thống ấy cả về hình thức lẫn nội dung mà là tiếp thu, phát huy những giá trị truyền thống, có khi nó được lồng vào trong các hình thức mới phù hợp. Điều đó có nghĩa là trong xã hội hiện đại, trang phục tuy có thay đổi để phù hợp với lối sống hiện nay thì cũng nên kết hợp một cách hài hoà để sao cho trang phục vừa có những nét mới hiện đại mà vẫn lưu giữ được những nét truyền thống vốn có để khi nhìn vào người ta có thể nhận ra ngay đó là trang phục của dân tộc này chứ không phải là trang phục của dân tộc khác. Ví dụ như trong trang phục hiện nay của phụ nữ Idonesia họ vẫn mặc loại áo truyền thống gọi là “Kebaya”. Đây là một loại áo giống áo bà ba của Việt Nam nhưng không xẻ tà, không cổ, không có hàng cúc ở giữa. Tuy là trang phục truyền thống nhưng hiện này kebaya đã biến đổi rất nhiều để phù hợp với lối sống hiện đại. Loại áo này thường được may rất đẹp, ôm khít cơ thể, kín đáo và được chiết eo rất duyên dáng. Qua ví dụ trên ta thấy, trước những yêu cầu, biến đổi của cuộc sống thì trang phục cũng phải biến đổi cho phù hợp với thời đại. Chính vì thế mà chúng ta đã tìm thấy những nét mới, những nét cách điệu xen lẫn những yếu tố hiện đại trong trang phục truyền thống. Đó cũng là một nét thể hiện mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại . Đặc điểm này cũng được thể hiện rõ qua chiếc áo dài dân tộc của phụ nữ Việt Nam. Tuy là trang phục truyền thống nhưng trong xã hội hiện đại ngày này áo dài vẫn được phụ nữ mặc không những trong dịp lễ, tết mà họ còn mặc khi đến công sở đặc biệt là tại những trung tâm giao dịch với người nước ngoài. Theo thời gian và năm tháng áo dài ngày nay đã thay đổi và biến tấu rất nhiều so với nguyên mẫu trước đây của nó: vạt dài hơn, cổ áo ngắn hơn, được may nhiều kiểu độc đáo hơn, đặc biệt là chất liệu để may áo dài thì vô cùng phong phú về chủng loại từ lụa, gấm, nhung, đến vải thô, vải siu. Mấy năm trở lại đây ta lại bắt gặp hình ảnh tà áo dài được may bằng vải thổ cẩm. Có thể nói chiếc áo dài Việt Nam với hai tà áo thướt tha, mềm mại, rất kín đáo và cũng đầy sức quyến rũ đã trở lại chiếm vị trí hàng đầu trong làng thời trang Việt Nam. Nó vẫn giữ được truyền thống vừa có những yếu tố hiện đại, vừa được đánh giá cao như một điểm đẹp rất độc đáo trong trang phụ truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Nói đến truyền thống, đến bản sắc trong trang phục cũng phải nói đến tính phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, chống lại những điều kiện bất lợi của môi trường, bảo vệ sức khoẻ cho con người. Điều này rất hợp với quy luật tự nhiên. Chẳng hạn như cư dân Đông Nam á, sống trong khu vực nóng ẩm, chịu ảnh hưởng sâu sắc của chế độ gió mùa và có một nền văn minh nông nghiệp lúa nước lâu đời thì không thể dùng da và lông thú để may trang phụ như các cư dân vùng Bắc á mà phải chọn những nguyên liệu thực vật sẵn có trong thiên nhiên để tạo ra các loại vải mỏng, nhẹ, mặc thoáng mát. Chính đặc điểm này đã tạo nên nét đặc chưng trong phong cách trang phục của cư dân Đông Nam á. Nói đến truyền thống trong ăn mặc cũng là nói đến vè giản dị cần kiệm, gọn gàng trong lúc làm việc, thoải mái trong lúc nghỉ ngơi. Giản dị, cần kiệm không có nghĩa là tuỳ tiện, xuề xoà trong ăn mặc mà phải ăn mặc sao cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh, lúc nào cũng phải giữ được vẻ sang trọng, nghiêm túc và tôn trọng mọi người, thể hiện trong cách sử dụng trang phục. Đây là một biêt hiện của trình độ văn hoá cao. Vì thế tục ngữ Việt Nam đã có câu: “Đói cho sạch rách cho thơm” Nói đến truyền thống trong ăn mặc cũng là nói đến vẻ kín đáo, nghiêm trang mà nhã nhặn tinh tế trong cách phục sức nhận xét về tà áo dài. Thẩm mỹ truyền thống không chấp nhận một cách phục sức hở hang, lộ liễu, khêu gợi. Tất cả nét quyến rũ, gợi cảm của trang phục là ở cách xử lý những đường nét mềm mại và sự hài hoà trong tổng thể trang phục. Mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại trong cách ăn mặc còn được thể hiện qua một thuật ngữ mang tính hiện đại, đó là “thời trang”. Thời trang là một trong những hoạt động của lĩnh vực văn hoá. Nó là biểu hiện trình độ văn hoá của một xã hội, trình độ văn hoá, thị hiếu thẩm mỹ, phong cách sống, thuần phong mỹ tục của một dân tộc. Thời trang không còn là vấn đề riêng của từng người mà nó còn là đòi hỏi bắt buộc cho nếp sống văn minh lịch sự, trong giao tiếp. Nhưng trong quá trình phát triển của thời trang, dễ nảy sinh mâu thuẫn đó là việc du nhập những ảnh hưởng từ bên ngoài, dễ dẫn đến lai căng, phá cách trong khi đó các giá trị truyền thống dần bị mất đi và đến một lúc nào đó sẽ bị mai một và bị lãng quên. Vì thế phát triển ngành công nghiệp thời trang ở khu vực Đông Nam á phải biết kết hợp hài hoà uyển chuyển giữa hai mặt của một vấn đề đó là hiện đại và truyền thống. Chúng ta tiếp thu, học hỏi cái mới nhưng chúng ta phải biết giữ lấy cái gốc, cái cội rễ vốn đã ăn sâu trong tiềm thức của dân tộc. Chính vì thế mà trong thời gian gần đây chính phủ Malaysia đã khuyến khích người dân nước này đặc biệt là phụ nữ nên dùng vải batik để may trang phục. Batik là một loại vải được phụ nữ Malaysia cũng như Indonesia dùng phổ biến để may trang phục truyền thống cũng như trang phục thường ngày khi đến công sở. Trong các hội nghị cấp cao ASEAN được tổ chức tại Indonesia hay Malaysia ta vẫn bắt gặp hình ảnh chiếc áo batik truyền thống trong trang phục của các nguyên thủ quốc gia trong các buổi hội đàm hay gặp gỡ ngoại giao giữa các nước. Qua đó thể hiện tình đoàn kết và mối quan hệ ngày càng gắn bó giữa các nước thành viên trong khối ASEAN. * Trang phục của phụ nữ Malaysia, Idonesia, Thái Lan và Việt Nam trong xã hội hiện đại. Trong xã hội ngày nay, do thời đại và nhịp sống công nghiệp, phụ nữ ở hầu hết các thành phố lớn thuộc khu vực Đông Nam á thường mặc quần áo theo lối thành thị, mang phong cách châu Âu còn quần áo dân tộc chỉ mặc trong những ngày lễ hội. Tuy nhiên ở một số nước, trang phục truyền thống vẫn được mặc trong đời sống hiện đại. áo dài của dân tộc Việt ( Việt Nam ) là một ví dụ điển hình. Ngày này áo dài vẫn được phụ nữ Việt Nam mặc khi đến công sở. áo dài còn là trang phục bắt buộc của nữ sinh Việt Nam tại hầu hết các trường PTTH (vào sáng thứ hai đầu tuần nữ sinh phải mặc áo dài đến trường dự lễ chào cờ). Giống như phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Thái Lan ngày nay vẫn mặc bộ trang phục truyền thống của mình đó là chiếc Phaxin màu sắc trang nhã cùng với chiếc áo chui không tay (thường là những màu sáng, trong đó màu trắng được dùng phổ biến hơn cả). Tại Indonesia và Malaysia hiện nay vải batik vẫn được phụ nữ sử dụng để may trang phục khi đến công sở bởi vì nó có ưu điểm: do chỉ là một loại vải nên nó dễ dàng nhập vào những mốt quần áo mới nhất. Maylaysia và Indonesia là những quốc gia Hồi giáo nên phụ nữ khi ra đường thường đội khăn che mặt, mặc váy, áo rộng. Dù chỉ được mặc trong những ngày lễ hội nhưng những nét trang phục truyền thống vẫn ẩn hiện đâu đó trong trang phục hiện đại của phụ nữ các nước Đông Nam á. Kết luận Trang phục là một thành tố quan trọng của văn hoá tộc người, là biểu hiện bên ngoài của bản sắc văn hoá tộc người. Thông qua cái nhìn lịch sử ta thấy trang phục của phụ nữ một số nước Đông Nam á vừa có những nét chung mang tính đặc thù của cả khu vực, vừa có những nét riêng mang phong cách, sắc thái của từng nước. Về nét chung trong trang phục truyền thống ta thấy họ đã tìm đến sự hài hoà với môi trường thiên nhiên khắc nghiệt của vùng nhiệt đới gió mùa, che chắn bảo vệ con người làm đẹp cho con người thể hiện tâm lý, thẩm mỹ dân tộc. Thông qua việc tìm hiểu về trang phục truyền thống của phụ nữ một số nước Đông Nam á, chúng ta có thể nhận thấy: - Trang phục của phụ nữ cũng như của cư dân Đông Nam á nói chung là sản phẩm của cư dân nông nghiệp trồng trọt, tồn tại và phất triển chủ yếu với nền kinh tế lúa nước. Trang phục truyền thống của họ, phản ánh rõ việc chinh phục và sử dụng thành thạo một số chủng loại thực vật để làm nguyên liệu, công cụ sản xuất vải cũng như kỹ thuật nhuộm màu đều có sẵn từ thiên nhiên. Trang phục phản ánh tư duy, quan hệ chặt chẽ của cộng đồng cư dân Đông Nam á với môi trường tự nhiên xung quanh. Đó còn là bằng chứng của một hệ quả tất yếu trong mối quan hệ của con người với môi trường và thế giới tự nhiên. - Trang phục của phụ nữ Đông Nam á mang tính xã hội cao vì nó không chỉ dừng lại ở những giá trị vật chất thông thường mà còn là biểu hiện của tư tưởng xã hội, tính năng động, tâm lý, tập quán, nếp sống, lối sống của cư dân Đông Nam á. - Trong quá trình phát triển, giao lưu và tiếp xúc với các nên văn hoá khác, cư dân Đông Nam á đã biết tiếp thu những yếu tố văn minh từ bên ngoài để phát triển nhưng đồng thời vẫn lưu giữ được rất nhiều nét riêng biệt của bản sắc dân tộc. Dù có tiếp thu các giá trị từ bên ngoài nhưng họ đã biết chắt lọc, tiếp thu những tinh hoa của các nền văn hoá khác một cách có ý thức sáng tạo. Như chúng ta đã xem xét, đứng về khía cạnh xã hội trang phục mang rất nhiều ý nghĩa sâu sắc còn đứng về khía cạnh cá nhân trang phục cũng chính là sự tự khẳng định mình về trình độ văn hoá, khả năng thẩm mỹ, ý thức cộng đồng.... Cứ nhìn một người ăn mặc thế nào người ta cũng có thể biết được họ là người thế nào, văn hóa ra sao, học vấn đến đâu. Vì vậy để biết ăn mặc cho đẹp cần phải có trình độ văn hoá, trình độ thẩm mỹ cao để sáng tạo và tiếp nhận mốt, tạo nên sự hài hoà, tránh được mốt rởm và khuynh hướng hình thức, a dua. Do đó đối với các trào lưu mốt, những khuynh hướng thời trang, nhất là đối với tuổi trẻ cần phải có sự giáo dục, định hướng bởi đó là sự quan điểm “hướng đi” của các giá trị văn hoá cổ truyền. Danh mục các tài liệu tham khảo Mai Ngọc Chừ : Văn hoá Đông Nam á, NXB Giáo dục, 1999, tr 168-169 Cầm Trọng, Phan Hữu Dật: Văn hoá Thái Việt Nam, NXB Văn hoá Thông tin, 1998, tr 156. 3,4. Ngô Văn Doanh, Nguyễn Huy Hồng, Nguyễn Đức Ninh, Phạm Thị Vinh: Tìm hiểu văn hoá Indonesia, NXB Văn hoá, 1987, tr 56. 5,6. Ngô Văn Doanh, Nguyễn Quang Thiện: Phong tục các nước Đông Nam á, NXB Văn hoá thông tin, 1997, tr 142-143, 134. 7. Ngô Văn Doanh, Quế Lai, Nguyễn Quang Thiện, Nguyễn Khánh Vân, Phạm Thị Vinh: Tìm hiểu văn hoá Thái Lan, NXB Văn hoá, 1991, tr 47. 8,9. Nguyễn Thị Đức: Trang phục từ truyền thống đến hiện đại, NXB Văn hoá Thông tin, tr 17, 151. 10. Vũ Dương Ninh: Lịch sử văn minh thế giới, NXB Giáo dục, 1999, tr 218. 11,12. TrầnNgọc Thêm: Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1997, tr 404-405, 410. 13. Đoàn Thị Tình: Tìm hiểu trang phục Việt Nam, NXB Văn hoá Thông tin, 1984, tr 3-4. 14. Báo Sinh viên Việt Nam: Số 3+4+5/1/200.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docV0225.doc
Tài liệu liên quan