MỤC LỤC
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài.
2. Lịch sử nghiên cứu đề tài.
3. Giới hạn nghiên cứu đề tài.
4. Phương pháp nghiên cứu đề tài.
CHƯƠNG 1. PHẬT GIÁO VÀ THIỀN
1. Phật giáo.
2. Thiền là gì
3. Mục tiêu của Thiền.
4. Đối tượng của Thiền.
CHƯƠNG 2. THIỀN PHẬT GIÁO Ở VIỆT NAM
1. Sự lan toả của Phật giáo Ấn Độ vào các nước Phương Đông: Bắc truyền và Nam truyền.
2. Cội nguồn của các Thiền phái ở Việt Nam
2.1. Thiền ở Trung Quốc.
2.2. Thiền ở Nhật Bản.
3. Thiền ở Việt Nam.
3.1. Các dòng thiền sơ khởi
3.1.1. Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi
3.1.2. Thiền phái Vô Ngôn Thông
3.1.3. Thiền phái Thảo Đường
3.2. Thiền phái Việt Nam - Thiền phái Trúc Lâm
3.3. Không ngừng tiếp thu tinh hoa các dòng thiền
3.3.1. Thiền phái Lâm Tế và Tào Động
3.3.2. Thiền phái Liễu Quán
3.4. Nối liền mạng mạch Thiền phái Việt Nam
3.4.1. Thiền viện Thường Chiếu của Hoà thượng Thích Thanh Từ
3.4.2. Thiền viện Làng Mai (Pháp) của Hoà thượng Thích Nhất Hạnh
CHƯƠNG 3. VAI TRÒ CỦA THIỀN TRONG ĐỜi SỐNG XÃ HỘI HIỆN ĐẠI
Ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực.
KẾT LUẬN
TÀI LIỆU THAM KHẢO
111 trang |
Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 2205 | Lượt tải: 4
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Vài nét về thiền Phật giáo ở Việt Nam và vai trò của nó trong xã hội hiện đại, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
y móc, giúp con người di chuyển nhanh hơn, bằng ô tô, tàu hoả, máy bay… máy móc còn giúp con người thảnh thơi hơn trong các công việc đồng áng, trong công xưởng và trong mỗi gia đình.
Sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật không chỉ nhằm đáp ứng những nhu cầu sinh tồn của con người, mà nó còn có những đóng góp trong đời sống vui chơi giải trí của con người. Thế giới phim ảnh, với những kỹ xảo tuyệt đỉnh, mạng viễn thông, internet… tất cả đều bùng nổ trên khắp các ngóc ngách của thế giới.
Như vậy, một thực tế hiển nhiên là ngày nay chất lượng cuộc sống của con người đã được nâng cao một cách rõ rệt, khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển nhằm mục đích phục vụ con người có một cuộc sống vật chất thuận lợi hơn. Tuy nhiên trong làn sóng phát triển không ngừng nghỉ của thời đại tiên tiến, luôn tồn tại những mặt trái đáng sợ mà hiện nay con người đang phải gánh chịu. Khi mà xã hội vật chất phát triển mạnh, nhịp sống quay cuồng, khiến con người phải luôn luôn gồng mình lên để theo kịp nhịp sống đó. Học tập, nghiên cứu, làm việc sao cho để không bị đào thải trong hoàn cảnh xã hội mới, kiếm tiền rồi tiêu tiền. Mức giá hàng hoá leo thang, đặc biệt trong các thành thị, con người phải kiếm thật nhiều tiền thì mới mong đáp ứng được những nhu cầu của mình. Vô hình chung con người hiện đại bị xã hội vật chất thôi miên, con người trở thành nô lệ cho những dục vọng ham muốn của mình. Thực trạng tồn tại trong mỗi cá nhân là như vậy, còn toàn cảnh thế giới thì sao? Song song với quá trình chinh phục tự nhiên, khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hiện nay con người trên toàn thế giới phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường toàn cầu, thiếu năng lượng trầm trọng, phát sinh các tranh chấp về chính trị và kinh tế, những cuộc chiến tranh tàn sát phân biệt chủng tộc, tôn giáo vẫn tồn tại tại những khu vực nhạy cảm của thế giới. Xuất phát từ nguyên nhân mong muốn cuộc sống tiện nghi, sung sướng và vui vẻ, mà không ít con người đã bất chấp tất cả những truyền thống đạo đức. Hiện nay xã hội loài người đang phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng về bệnh tâm thần và những bệnh nan y như HIV/AIDS, ung thư, tình trạng nghiện ngập, phụ thuộc vào các chất gây kích thích, vấn nạn tự tử, phạm pháp, tội ác ngày càng gia tăng. Thế giới càng thu nhỏ, con người càng dễ dàng tiếp xúc với nhau hơn, thì phạm vi lây lan bệnh tật càng rộng hơn, phủ khắp các châu lục, nạn khủng bố, tội ác, buôn lậu không chỉ còn tồn tại trong phạm vi một quốc gia nữa mà là xuyên quốc gia.
Những tệ nạn xã hội, bệnh tật, tội ác, khủng hoảng kinh tế, chính trị, tranh chấp trên quy mô lớn nhỏ vẫn đang diễn ra hàng ngày song song với cuộc sống mà khoa học kỹ thuật phát triển hiện đại, trong mỗi cá nhân con người luôn luôn chênh vênh giữa những mối lo, những mầm mống của sự khủng hoảng trong đau khổ. Vậy đâu là nơi trú ẩn là nơi nương tựa bền vững và an lạc cho con người hiện đại. Chỉ với sự an lạc có từ trong tâm mỗi con người, chỉ có cái nhìn tỉnh thức, một nhân sinh quan đúng đắn về thế giới hiện hữu xung quanh chúng ta, con người mới tìm ra cho mình một con đường thoát khỏi sự đau khổ do các mối lo thường trực hàng ngày mang lại. Đó chính là con đường đi đến thiền, mà mục đích thiền như chúng tôi đã đề cập ở Chương 1. là giải thoát, giải thoát ở đây không có nghĩa là thoát khỏi thế giới này, mà là giải thoát khỏi sự vô minh, giải thoát khỏi sự khổ đau vốn rất vô thường. Tuy nhiên, hiện nay nhìn nhận về vai trò, ảnh hưởng của thiền đối với xã hội hiện đại chưa tương xứng với lợi ích mà thiền mang lại. Dưới đây chúng tôi xin có những dẫn chứng về những lợi ích mà thiền mang lại, cũng như sự cần thiết phải phát triển nguồn mạch thiền trong xã hội hiện đại nhằm làm cân bằng những khủng hoảng mà con người một cách vô thức đã gây nên cho chính mình.
Một xã hội an vui là một xã hội mà mỗi thành viên cấu thành nên nó đều an vui. Mà an vui là mục tiêu cao cả mà mỗi con người bằng cách này hay cách khác đều nỗ lực tìm cầu. Vì cuộc sống chúng ta luôn thiếu sự trọn vẹn, nên trong những lúc không cầu tìm được cái mình mong muốn, con người trở lên bực tức, ưu phiền, bất an và đau khổ. Sự đau khổ đó không chỉ hành hạ tâm can một con người mà nó còn gây ảnh hưởng đến những người đang sống xung quanh anh ta. Để xã hội chúng ta tránh được làn sóng ưu phiền đó, không cách nào khác là mỗi một cá nhân – phần tử xã hội được bao bọc trong làn sóng an vui. Muốn vậy mỗi cá nhân phải tự tạo cho mình sự an vui. Vấn đề đặt ra là làm sao để có được sự an vui ngay trong chính những sự đau khổ mang tính triền miên này, phải chăng đó có phải là sự giả tạo khiên cưỡng và tạm thời không? Thực tập thiền đã cho chúng ta câu trả lời đúng đắn và rõ ràng.
Thiền đòi hỏi con người phải đối diện với nỗi phiền muộn khổ đau đó. Muốn hết muộn phiền chúng ta phải biết rõ nguyên nhân của sự phiền muộn, sự phiền muộn đó không ai khác chính là sự khổ đau tạo ra bởi tâm sinh khởi những ý niệm bất thiện, không tốt. Quán xét một cách sâu xa thì cái tâm khởi niệm những ý niệm đó luôn lăng xăng và không có thật. Vì có lúc nó khởi niệm những ý nghĩ tốt đẹp khiến chúng ta vui, nhưng có lúc lại khởi lên những suy nghĩ phiền muộn. Khi chúng ta quay lại nhìn vào nó thì lại không tìm thấy nó đâu. Vì thế những cảm nghĩ, vui buồn đau đớn chỉ là giả tưởng và vô thường. Nếu như vậy ta không còn cảm thấy sự phiền muộn đau đớn thường ngày nữa.
Mỗi con người luôn sống và tạo các hạnh lành cho người khác, họ sống tự tại với cái tâm an lành, với tâm sáng rõ mọi bản chất của thế giới xung quanh, luôn tĩnh lặng và làm chủ mình, đó là cuộc sống an lạc mà con người cần hướng tới. Thiền đã dẫn dắt con người vào sự an lạc đó. Cũng đã có rất nhiều báo chí bàn luận đến vấn đề lợi ích của thiền đã mang lại cho con người. Báo “Sức khoẻ và Đời sống” đã có bài viết về thiền như sau:
“Tập thiền sẽ giúp đầu óc thảnh thơi, tận hưởng những khoảng thời gian yên tĩnh hiếm hoi để tái tạo nguồn năng lượng. Khi ta biết cách đạt tới trạng thái ổn định về tâm thần, ta có thể dễ dàng chế ngự stress, vượt qua khủng hoảng. Ổn định tinh thần cũng làm tăng cường hệ thống miễn dịch, chia sẻ đau đớn để cơ thể không phải một mình đương đầu với những nỗi đau thể xác. Cuối cùng, tập thiền sẽ tăng cường khả năng làm việc, sáng tạo. Khi tập thiền con người rơi vào trạng thái siêu vô thức nên trực tiếp diễn giải và giải phóng nguồn năng lượng. Như vậy, tập thiền cũng có nghĩa là vệ sinh thân thể, là một trạng thái sống.”
Thực tập thiền quả là đem lại thật nhiều lợi ích. Tuy nhiên với thiền không thôi chưa đủ, thiền phải có sự đi đôi với một đời sống cân bằng, đơn giản và không thái quá, phải có sự chừng mực trong vấn đề dinh dưỡng và phải có thời gian hoạt động thư giãn cho cơ thể.
Trong tu tập thiền, có nhiều phương pháp khác nhau để điều hoà hơi thở và định tâm, có phương pháp thích hợp với người này, nhưng lại không thích hợp với người khác. Do đó, chúng ta không nên cứng nhắc và đừng bao giờ quên tính chất và mục đích việc tập thiền như Giáo sư Minh Chi, công tác tại Học viện Phật giáo Việt Nam có đề cập đến trong bài “Nguyên lý cơ bản của thiền định Phật giáo ứng dụng vào đời sống hằng ngày” được đăng tải trên trang web như sau:
Thiền là một cuộc cách mạng trầm lặng, nhằm giải phóng con người khỏi mọi ràng buộc của thân và tâm.
Thiền giúp cho chúng ta hoàn toàn tự do, tự chủ đối với tâm chúng ta. Thí dụ, chúng ta chỉ nghĩ những điều chúng ta muốn không nghĩ những điều chúng ta không muốn. Nói cách khác, chúng ta điều khiển tâm của chúng ta hướng nó đến những mục đích cao cả, chỉ nghĩ điều thiện, không nghĩ điều ác, tâm chúng ta không phải là con ngựa bất kham, mà là con ngựa đã được nuôi dạy tốt, có thể điều khiển đi đâu tuỳ ý người chủ.
Để thành tựu mục đích nói trên, đạo Phật dạy biện pháp chú tâm vào một cảnh, như kinh Kim Cang đã dạy: "Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện" (tập trung tâm vào một chỗ thì sẽ không việc gì không làm được). Với tâm chuyên chú vào một cảnh thì chúng ta sẽ không bị ngoại cảnh chi phối, đồng thời chúng ta cũng không bị những xung động bản năng từ trong tiềm thức quấy rối chúng ta. Những xung động bản năng ấy, sách Phật thường gọi là chủng tử (hạt giống), cũng gọi là tuỳ miên, bởi lẽ chúng nằm tiềm ẩn sâu trong đáy tiềm thức của chúng ta.
Tâm bình lặng, thì thân an ổn, hơi thở điều hoà, chúng ta sẽ có được một niềm vui chân thực, vững vàng thấm thía, chỉ có thể cảm nhận mà khó mô tả bằng lời. Chúng ta không thể làm gì nghiêm túc, nếu không tập trung tư tưởng. Mà tập trung tư tưởng chính là thiền. Tập trung tư tưởng, chuyên chú một cảnh, chúng ta sẽ thành công tối đa trong bất cứ mọi công việc gì mà chúng ta làm. Đó là bài học của tất cả những nhân vật đã làm nên sự nghiệp lớn.
Những lợi ích của việc hành thiền được tóm tắt trong bài viết “Lợi ích của sự hành Thiền” trên trang web: của Hòa thượng Dhammananda, do Tỳ khiêu Thiện Minh dịch như sau:
- Nếu quý vị là người lo âu, thiền có thể giúp quý vị an lạc, và làm cho nội tâm thanh tịnh.
- Nếu quý vị có những vấn đề nan giải, thiền có thể giúp quý vị phát huy sự can đảm và sức mạnh để đối phó cũng như khắc phục chúng.
- Nếu quý vị thiếu tự tin, thiền có thể giúp quý vị thành đạt được sự tự tin, mà tự tin là bí quyết thành công trong đời sống.
- Nếu quý vị sợ hãi trong lòng, thiền có thể giúp quý vị hiểu được nguyên nhân gì làm cho quý vị sợ hãi; rồi sau đó có thể khắc phục được sự sợ hãi trong tâm.
- Nếu quý vị luôn luôn bất mãn mọi điều và trong cuộc sống dường như không được thuận duyên, thiền có thể giúp quý vị cơ duyên để phát huy và duy trì sự toại nguyện trong lòng.
- Nếu quý vị thất vọng và khổ đau là vì thiếu sự hiểu biết về cuộc đời và thế gian, thiền thực sự có thể huớng dẫn và giúp ích cho quý vị hiểu biết về bản chất tạm bợ của các pháp thế gian.
- Nếu quý vị là nguời giàu có, thiền có thể giúp ích cho quý vị ý thức đuợc bản chất giàu có và phuơng pháp sử dụng nó, chẳng những tạo hạnh phúc cho mình mà còn cho cả nguời khác nữa.
- Nếu quý vị là nguời nghèo khổ, thiền có thể giúp ích cho quý vị phát huy sự toại nguyện trong lòng, và không còn có tâm đố kỵ đối với nguời hơn mình.
- Nếu quý vị là người trẻ tuổi đang ở giữa ngã tư của cuộc đời, và không biết con đường nào để đi, thiền có thể giúp cho quý vị định hướng đúng để đạt được mục đích mà mình chọn lựa.
- Nếu quý vị là người lớn tuổi sống cuộc đời buồn tủi, thiền có thể mang lại cho quý vị một sự nhận thức thâm sâu về cuộc đời; dần dần, sự nhận thức này sẽ làm vơi đi niềm đau nỗi khổ và tăng trưởng niềm vui trong cuộc sống.
- Nếu quý vị là người hay giận hờn, thiền có thể giúp quý vị phát huy sức mạnh để khắc phục lại tính yếu hèn của sân hận, bực bội và oán thù để trở thành một con người điềm tĩnh và thanh tịnh.
- Nếu quý vị là người hay ganh tị, thiền có thể giúp quý vị hiểu biết thái độ tâm tiêu cực đó, vì loại tâm này sẽ không bao giờ đóng góp bất cứ điều lợi ích gì cho quý vị.
- Nếu quý vị là người có nhiều ham muốn dục tính, thiền có thể giúp quý vị phương pháp tu tập để làm chủ tâm tham và không cho nó sai sử.
- Nếu quý vị là người nghiện ngập ruợu chè hay ma túy, thiền có thể giúp quý vị khắc phục thói quen nguy hại đó mà quý vị từng bị nó sai sử làm nô lệ.
- Nếu quý vị là người có tâm hồn không bao dung, thiền có thể giúp quý vị tăng trưởng sự hiểu biết, mà hiểu biết sẽ giúp ích cho quý vị và những người thân để tạo nên tình thân thương.
- Nếu quý vị bị ảnh huởng mạnh mẽ bởi những cảm xúc, dễ bị lầm đường lạc lối, thiền giúp cho quý vị có một nhận định sáng suốt hơn.
- Nếu quý vị đau khổ vì những điều mất thăng bằng nào đó như là hụt hẫng tinh thần và tâm thức nhiều lo âu, thiền có thể xây dựng và trang bị lại lực lượng thân tâm vững chắc đặc biệt là để phục hồi sức khỏe và những vấn đề căng thăng của tinh thần.
- Nếu quý vị là người có tâm linh yếu ớt, thiền có thể củng cố tâm linh để làm gia tăng sự can đảm và khắc phục những sự yếu hèn trong tâm của quý vị.
- Nếu quý vị là người thông minh, thiền sẽ mang lại cho quý vị trí tuệ cao cả. Khi ấy quý vị sẽ nhận chân các pháp một cách dễ dàng, và không còn cảm nhận chúng giống như trước đây nữa.
Ngày nay, thiền không chỉ được phát triển và tu tập ở các nước phương Đông – cái nôi ra đời của thiền mà còn rất được quan tâm và đánh giá cao ở các xã hội hiện đại, đặc biệt là ở Mỹ và các nước phương Tây.
Thiền tông chính thức truyền sang Mỹ do Thiền sư Thích Tông Diễn (còn được gọi là Hồng Nhạc Tông Diễn) vào năm 1893. Người có công rất lớn truyền bá rộng rãi Thiền tông ở các nước phương Tây lại là Daisetz Teitaro Suzuki (1870-1966), là môn đệ của Thích Tông Diễn.
Thiền tông ở các nước phương Tây ngày nay có được phần lớn là do sự đóng góp của các thiền sư Nhật Bản. Các thực nghiệm thiền cũng đã thay đổi để đáp ứng tư tưởng và bản năng người Tây phương. Khái niệm Zen đối với người phương Tây chẳng những đã không còn xa lạ mà còn thâm nhập vào nếp sinh hoạt. Hàng trăm tác phẩm văn hóa, khoa học, nghệ thuật, triết lí và thiết kế đã đặt thêm chữ "Zen" vào trong tựa đề.
Ở đây, thiền không chỉ giới hạn trong ngôi chùa hay tu viện mà còn được phổ biến rộng rãi tại các công sở, trường học, thậm trí cả ở nhà tù và các trại cai nghiện. Đã có rất nhiều nhà khoa học tiến hành những công trình nghiên cứu về khả năng của thiền trong lĩnh vực tâm lý và y học.
Về tác động của thiền trong giáo dục, người ta cho rằng thiền là phương pháp hữu hiệu và bền vững nhất để bồi dưỡng nhân cách mỗi người, bởi thiền là sự tự giác cao độ xuất phát từ nội tâm mà đạt được sự thăng hoa về nhân cách. Tất cả các biện pháp giáo dục, đạo đức, nghệ thuật đối với người tu tập thiền, chẳng qua cũng là một cái gì đó có thể thay đổi theo hoàn cảnh, thời đại và đối tượng trên từng quốc gia dân tộc khác nhau. Thiền là trải nghiệm cái trạng thái tĩnh lặng, tự do vô biên tuyệt đối nơi mình, phát hiện ra nguồn sáng ẩn sẵn trong tâm mình, nên thiền không có sự phân biệt chủng tộc, tôn giáo, vùng lãnh thổ khác nhau, thiền ở đâu và thời điểm nào, với ai cũng vẫn là nó. Không có sự phân biệt các nền giáo dục đối với các giai cấp, chủng tộc hay vùng lãnh thổ, thiền ở đâu cũng luôn giáo dục con người hãy sống thật lành mạnh, luôn tạo sự an vui cho mình và mọi người.
Về tác động của thiền đối với y học, chúng ta không thể không bất ngờ về khả năng tuyệt diệu của thiền đối với cơ thể chúng ta.
Những nhà khoa học Mỹ sau khi tiến hành các cuộc nghiên cứu đã chứng minh được rằng: Thiền đã làm cho hệ thống miễn nhiễm hoạt động mạnh hơn, mà kết quả phân hình não bộ còn cho thấy thiền có khả năng nối lại các đường dây thần kinh để làm giảm đi sự căng thẳng.
Bác sĩ Jon Kaabat Zinn nghiên cứu Phật giáo từ thập niên 60, đã sáng lập ra trung tâm điều trị căng thẳng thần kinh Stress Reduction Clinic tại trung tâm y khoa Umass năm 1979, giúp trên 14.000 người giảm cơn đau bằng cách chú tâm vào các cảm giác đau đớn thay vì phải dùng thuốc. Ông đã cho thực hiện nhiều nghiên cứu y khoa lâm sàng và chứng tỏ rằng càng thực hành thiền tinh tiến thì hệ thống miễn nhiễm càng hoạt động tốt hơn.
Ở Đại học Stanford, Giáo sư Philippe Goldin khuyến khích các bệnh nhân đang chiến đấu với căn bệnh “lo âu về xã hội” nên có “những giây phút ngừng suy nghĩ đầy ý nghĩa” - tức là thiền - trong suốt ngày như là một cách theo dõi và kiểm soát nỗi sợ hãi và hoài nghi của chính họ. Kiểm soát nội tâm có thể là một phương pháp rất hữu hiệu trong việc đối trị mọi căn bệnh mãn tính.
Ngày càng nhiều các bác sĩ y khoa đề nghị giải pháp thực hành thiền để phòng ngừa, làm chậm lại hay ít ra là có thể kìm chế được các cơn đau do các căn bệnh mãn tính gây ra như bệnh tim, ung thư, HIV/AIDS… Thiền cũng đem lại sự quân bình cho các bệnh căng thẳng, trầm cảm, bệnh hiếu động hay đãng trí.
Ông Daniel Coleman, tác giả cuốn “Những cảm xúc nguy hại” (Destructive Emotions) nói: “Sau 30 năm nghiên cứu cho thấy thiền là một kháng chất tuyệt vời chống lại bệnh căng thẳng thần kinh”. Đức Đạt Lai Lạt Ma trong cuộc đàm luận với các nhà khoa học nghiên cứu về thần kinh có nói: “Thật thích thú được biết những nghiên cứu mới đây cho thấy thiền có khả năng điều hòa tâm trí và tái cấu trúc não bộ”. Những thử nghiệm mới với các máy phân hình tân tiến cho thấy thiền có thể chỉnh lại bộ óc, làm cho nó hết tắc nghẽn và lưu thông trở lại. Và điều đáng nói là ngồi thiền thì an toàn và rẻ hơn sự giải phẫu rất nhiều.
Năm 1967, bác sĩ Herbert Benson, giáo sư y khoa của trường Harvard Medical School đã có những thử nghiệm trên nhiều thiền giả và thấy rằng những vị này đã tiêu thụ 17% dưỡng khí, ít hơn những người bình thường, tim đập chậm hơn họ ba nhịp trong 1 phút và có sự gia tăng những làn sóng theta nơi bộ óc là loại sóng phát ra ngay trước khi đi vào giấc ngủ. Thiền cũng làm giảm sự phát sinh những làn sóng beta là loại sóng ngăn trở sự tiếp nhận thông tin nơi não bộ.
Nhận thức rõ được tác động ảnh hưởng lớn lao của thiền đối với cơ chế làm việc của não bộ con người, ngày càng có các học giả, đặc biệt là ở Nhật Bản và Mỹ đã tiến hành nghiên cứu điện não đồ (EES electron encephalographic study) của những người tập thiền và không tập thiền. Kết quả đã chứng minh khi ngồi thiền, điện não đồ có sự xuất hiện của rất nhiều làn sóng alpha, cho thấy người ngồi thiền đạt tới tình trạng thân tâm hết sức thoải mái, nhẹ nhàng, không có chút gì là khẩn trương. Tâm thức của người ngồi thiền, tuy có rất ít niệm xảy ra, nhưng vẫn rất tỉnh táo sáng suốt, nhạy bén hơn người bình thường rất nhiều. (Tư liệu từ tạp chí Newsweek 23/3/1970).
Gần đây với sự phát triển của kỹ thuật phân hình não bộ (brain imaging), các nhà nghiên cứu thấy rằng bộ óc không đóng hẳn khi thiền nhưng nó đã ngăn không cho các dữ kiện đi vào khu đỉnh não, khiến cho hành giả thiền dễ cảm nhận môi trường xung quanh, dễ định hướng không gian và thời gian. Khối lượng máu trong óc nói chung giảm đi nhưng lại tăng thêm ở vài nơi, nhất là ở khu limbic - khu điều hành những cảm giác, trí nhớ, nhịp tim, nhịp thở và sự chuyển hóa thức ăn. Với sự tập thiền đầy đủ thì các hoạt động nơi não bộ ở phía trước trán được chuyển từ bên phải sang bên trái. Điều này đã chứng minh cho thấy việc thiền định đều đặn làm gia tăng sức hoạt động thuộc vùng phía trước của não bộ bên trái (phần này gọi là vỏ não thuộc phần trán phía trước: cortex préfrontal), vùng não này liên hệ đến sự quản lý những xúc cảm tích cực, do đó càng nhiều hoạt động ở phía trái não thì càng năng động hơn, vui vẻ hơn, thoải mái, thích thú và yêu đời hơn từ đó đã tạo ra sức đề kháng hiệu quả hơn về miễn dịch.
Rất nhiều bác sĩ đã khảng định thiền tập phối hợp với dinh dưỡng và thư giãn yoga sẽ làm giảm được sự đóng mỡ trong các mạch máu.
Thiền còn nhiều lợi ích hơn nữa ngoài cái khả năng có thể làm giảm sự căng thẳng thần kinh, chữa bệnh trầm cảm, giảm thiểu sự phát triển của các bệnh ung thư như ung thư ngực ở phụ nữ và tuyến giáp trạng ở đàn ông, thiền còn đem lại một cuộc sống định hướng và hài hòa.
Có một đời sống hài hòa và thoải mái thì thật thú vị nhưng thêm vào đó với thiền ta sẽ sống lâu hơn, ít bệnh tật hơn và đỡ tốn kém tiền thuốc men rất nhiều.
Hiện nay, ở các nước phát triển, người ta đã lựa chọn những phương pháp dễ thực hành và đơn giản chẳng hạn như quán niệm hơi thở (vipassana), thiền hành (đi thật chậm để có chính niệm nơi mỗi bước đi), thiền siêu nhiên (Transcendental Meditation, lặp đi lặp lại một loại tiếng Phạn), thiền mặc chiếu (silent illumination). Ở đây thiền trở lên thật phổ thông, hữu hiệu và rất cần thiết để cân bằng xã hội.
Những kết quả nghiên cứu khoa học đã chứng minh được sức mạnh của thiền. Từ đó người ta đã bắt đầu áp dụng thiền trong công cuộc cải tạo xã hội, dần giảm những nguy cơ khủng khoảng xã hội mà loài người đang phải đối mặt. Vì thiền đơn giản chính là tập nỗ lực trực diện với sự hiện hữu của chính mình, sống trong hiện tại, không để mình bị cám dỗ bởi ngoại cảnh, và giúp mình nhìn sự vật như thật, thay vì nhìn qua các ánh đèn màu rực rỡ giả tạo. Vì thiền nuôi dưỡng tâm từ bi, yêu thương mọi người. Nên hiện nay thiền đã được đưa vào các nhà tù để giáo dục các phạm nhân chuẩn bị hành trang cho họ sau khi mãn hạn tù trở về là một công dân có ích cho xã hội. Thiền được áp dụng để giúp những người nghiện ma tuý có thể từ bỏ được sự cám dỗ của chất gây nghiện này.
Ngay từ những thập kỷ 70 của thế kỷ trước ở trong các nhà tù tại Ấn Độ, chính phủ đã cho xây những thiền đường dành cho các phạm nhân. Điển hình là: Trung Tâm Nhà Tù Jaipur, Rajasthan (miền Bắc Ấn) đã mở thiền đường năm 1975, nhà tù Tihar, Thủ đô Delhi xây năm 1994. Tại pháp đường Tihar (ở nhà tù Tihar), mỗi tháng có hai khóa thiền được tổ chức thường lệ cho các phạm nhân. Những vị hộ thiền hay hộ pháp (Dhamma Server) cho khóa thiền là các bạn tù đã tham dự khóa thiền trước và bây giờ phục vụ lại cho các phạm nhân (tân thiền sinh) để tất cả cùng có cơ hội tiếp nhận chính pháp. Sự chuyển đổi thái độ tinh thần của các phạm nhân đã gây nhiều ấn tượng sâu sắc và tạo nên niềm phấn khởi cho khóa tu thiền đặc biệt trên 1000 phạm nhân trong nhà tù Tihar. Khóa thiền này tổ chức vào năm 1994 do chính Thiền sư Goenka trực tiếp hướng dẫn và là khóa tu dành cho phạm nhân lớn nhất trong thời hiện đại. Dưới sự bảo trợ của Viện Khoa Học Y Khoa Toàn Quốc Ấn Độ (AIIMS) tại thủ đô New Delhi, các phái viên chuyên khoa đã tổ chức một cuộc nghiên cứu kiểm tra các thiền sinh trong tù Tihar và tường thuật rằng: “Sự phân tích thống kê dựa trên thông số nghiên cứu tâm lý cho thấy các phạm nhân có tinh thần trách nhiệm tiến bộ rõ rệt. Theo bản báo cáo của các phạm nhân, sau khóa thiền họ có sự thuyên giảm đáng kể trong các chứng bịnh: rối loạn thần kinh, hành vi bạo động và tình trạng tinh thần bất lực; đồng thời niềm hy vọng và hạnh phúc được tăng trưởng.”
Tại miền Nam Ấn Độ, chính phủ cũng cho xây thiền đường trong Trung tâm nhà tù Nashik, Maharashtra năm 1996, mỗi tháng có hai khóa thiền 10 ngày được tổ chức trong tù.
Thiền đã giáo dục những con người đang lầm lạc trong thế giới của sự hận thù, bi quan và vô vọng nơi những phạm nhân một niềm tin vào cuộc sống. Niềm tin ấy có được từ sự hiểu biết về chân thực tướng của cuộc sống. Tất cả những tâm niệm hung dữ và hận thù nơi họ chỉ giết chết họ khi chính họ bị lệ thuộc vào chúng. Giờ đây, nhờ tu tập thiền họ hiểu rằng, họ hoàn toàn có thể chế ngự được những niệm xấu đó, hoàn toàn thanh thản và tràn ngập hạnh phúc khi họ hiểu rằng những tâm sân hận đó không phải là có thật và vĩnh hằng.
Thiền đã giúp con người có được lòng từ bi, sự an lạc trong tâm thanh tịnh. Thiền đã đưa những phạm nhân thoát khỏi sự ngục tù của lòng sân hận cái mà khắc nghiệt hơn rất nhiều những bức tường ngục tù của chính phủ.
Tương tự như vậy thiền đã có uy lực giúp con người chiến thắng được sự lệ thuộc vào các chất gây nghiện, sự cám dỗ của ma tuý và các chất kích thích khác. Trong những giây phút tỉnh táo hiếm hoi của người nghiện, họ luôn ý thức được tình trạng lệ thuộc ma tuý của mình, sự thoái hoá hay suy sụp nhân cách, cảm giác đau khổ thật sâu sắc và họ luôn mong muốn bằng mọi nỗ lực của mình nhằm thoát khỏi sự đau khổ đó. Cảm giác đó chỉ có được trong những phút giây tỉnh táo ngắn ngủi trong chuỗi những con mê sống ảo. Đã có không ít những trung tâm cai nghiện hiện nay sử dụng thiền như một phương pháp hữu hiệu giúp đưa người nghiện trở về với cuộc sống thực tại mà trước đó họ cho là giả ảo.
Thiền được sử dụng như là một liệu pháp tâm lý, cho người thực hiện nó tích lũy được những kinh nghiệm nội tại khi thử thách với khung cảnh cũ, bạn nghiện cũ, lý do nghiện cũ. Sự tự tri nhận về mình được coi như một cách tăng cường khả năng phục hồi sau thời gian dài đánh mất bản thân.
Vai trò to lớn của vô thức - hay Cái Chưa Biết - ngày càng trở nên rõ nét trong công tác cai nghiện. việc tri nhận được cái Tôi sẽ là một bước tiến dài trong quá trình hồi phục. Khi sử dụng ma túy, người nghiện trải qua một kinh nghiệm tâm linh pha lẫn trong cảm nhận một trạng thái ngất ngây tột đỉnh. Họ tưởng rằng như đang tiếp cận với một điều bí ẩn trong cõi vô thức, nơi không có quá khứ lẫn tương lai, nơi không gian và thời gian như ngưng đọng lại thành một: cái hiện tại say thuốc bây giờ. Những lý tưởng, những động lực chủ yếu trong cuộc sống xã hội của anh ta bỗng nhiên bị mất đi, thay vào đó là một tình trạng mới, một trật tự mới của động lực mới: cái thế giới ảo thần bí của ma tuý. Anh ta đã đánh đổi cuộc đời thực của mình để sống trong thế giới ấy ngày vài lần.
Ma tuý dẫn đến thế giới thần bí, và việc sử dụng nó hàng ngày để có cảm giác sống ảo trở thành một thói quen hưởng thụ chết người. Việc duy trì ma túy như một phương thức sống sẽ va vấp với chính bản thân người sử dụng, rồi đến gia đình và xã hội khi anh ta vẫn còn phải nương tựa vào cuộc đời thực để nuôi nấng sự tồn tại của những đam mê bệnh lý.
Hiểu được bản chất sự nghiện đó, chỉ có cách duy nhất đó là để cho người nghiện nhận thức được rằng cuộc sống mà anh ta tưởng là thật và hàng ngày sống với nó là ảo, giáo dục anh ta bằng mọi nỗ lực phải tri nhận ra cái tôi của mình, phải trở về với cái thực tại. Thiền là con đường hữu hiệu để đưa anh ta thoát khỏi thế giới ảo ma tuý bằng chính nỗ lực của mình. Thiền không gì khác chính là được tiến hành như hơi thở, như ăn và ngủ, như sinh sống trong cuộc đời thường mà tri nhận được chân tướng của mình và tự nhiên vượt qua được những manh động của nó.
Bước đầu thiền, người cai nghiện nên ngồi tĩnh toạ đếm hơi thở. Ðếm hơi thở được xem như một biện pháp tập trung tư tưởng, không nghĩ đến điều gì khác. Thở cần bình thường, nhẹ, dài, sâu, đều đặn, không gắng sức.
Trong thời gian đầu, tư tưởng rối loạn khó tập trung, mặc dù chỉ là đếm hơi thở. Nhưng sau một thời gian tập, người cai nghiện sẽ quen dần, rồi sẽ không còn phải đếm nữa, hơi thở tự nó liên tục vận hành chậm dần, thân nhiệt và nhịp tim giảm xuống, ý thức ngừng lại mà không phải ngủ. Tình trạng này khi đạt được, họ sẽ cảm nhận được sự thay đổi cả về sức khỏe lẫn tâm hồn của mình, những chứng nghiệm nội tâm mà có làm mới biết. Một khi trở về hội nhập xã hội, người cai nghiện đã có một kinh nghiệm nội tâm phong phú, một sự thấu hiểu chính mình, có sự thay đổi tận cội rễ con người, ma túy sẽ chỉ là kỷ niệm những ngày lầm lạc xưa cũ mà thôi.
Việc tẩy rửa tâm trí là điều khó khăn, nhưng trong thiền, điều hành giả sẽ đạt được là một tâm trí thinh lặng, trống không. Chỉ có một tâm trí trống không mới dễ dàng nhận thức, vì tâm trí ấy không bị ràng buộc bởi gánh nặng quá khứ, những thói quen chết người, những thiên kiến và lý giải sai lầm khi đam mê ma túy. Trí tuệ hành giả sẽ minh mẫn khi nhận thức về chính mình, về cuộc sống, sẽ thuận lợi khi học tập cũng như làm việc. Tất cả những sở đắc ấy, chỉ nhờ thực hành một biện pháp đơn giản đó là hô hấp theo ý chí.
Thiền có khả năng đảo ngược lại những rối loạn sinh học phát sinh từ nguyên nhân tâm lý, cụ thể là những chứng cao huyết áp, rối loạn nhân cách vì nghiện ma túy hay nghiện rượu gây ra.
Tại các trung tâm cai nghiện tuỳ từng căn cơ của mỗi người mà người ta hướng dẫn các biện pháp thiền khác nhằm mục đích nâng đỡ, hỗ trợ những người cai nghiện tìm thấy ở chính họ một sức mạnh nội tâm lẫn thân thể để họ vượt qua những trở ngại trong việc không cần tới ma túy mà vẫn duy trì được cuộc sống gia đình cùng xã hội.
Bằng cách tu tập thiền, trong người cai nghiện đã khơi dậy được ý chí quyết tâm thoát ra khỏi tình trạng nghiện, ý chí ấy sẽ đạt được kết quả nếu như sức mạnh nội tâm trong con người anh ta được khơi dậy. Cùng với sự sinh hoạt điều độ kết hợp với chế độ dinh dưỡng tốt, thiền mỗi ngày 30 phút sẽ giúp sức khoẻ của người nghiện được cải thiện tốt hơn, giảm dần rồi cuối cùng sẽ hết những ảnh hưởng bởi chất gây nghiện trong cơ thể sinh học của người nghiện.
Tuy nhiên, không phải người nghiện ma tuý nào cũng có nhu cầu và động cơ tìm hiểu nội tâm mình. Họ quan tâm nhiều đến việc chăm sóc bên ngoài hơn là suy tư hướng vào bên trong. Khó khăn này đòi hỏi những nhân viên điều trị cai nghiện phải thường xuyên sát sao tiếp cận đến tất cả các ngóc ngách tâm lý của người nghiện, động viên khuyến khích họ hướng đến con đường đoạn tuyệt ma túy như một nhu cầu sống còn của riêng họ.
Tóm lại, vấn đề của hầu hết những người nghiện ma tuý là họ không nhận biết và đúng hơn là không thừa nhận họ là người nghiện, họ hoàn toàn bị chìm đắm trong thế giới ảo của mê muội mà họ luôn tưởng đó là thế giới hạnh phúc có thật. Khi nhận thức được thực tại nghiện của mình, họ lại rơi vào trạng thái đầu óc rỗng tuếch mà không một loại lý trí nào có thể cưỡng giúp nổi. Bằng những nỗ lực tu tập thiền, thành công đầu tiên mà thiền mang lại là giúp người nghiện có được những suy nghĩ tỉnh táo đánh giá đúng thực chất cuộc sống nghiện của họ. Trong quá trình nỗ lực thiền, người nghiện có thể phản tỉnh, quán chiếu về quá khứ. Thiền đã khai sáng nội tâm người nghiện giúp họ hiểu về những sự thật như tham ái, sân giận và tự ngã đều mang lại đau khổ. Thiền khiến họ sáng tỏ về vấn đề bị nghiện là do tâm đam mê (khao khát), rồi sau đó dẫn đến thân xác ham muốn. Khi đã nhận thức được chân thực tướng của vấn đề, bằng những suy nghĩ hướng thiện, người nghiện dần trở về cuộc sống thoát xa sự nghiện ngập và lệ thuộc. Danh giới giữa sự nghiện và không nghiện thật mong manh, nó tuỳ thuộc vào sức mạnh nội tâm của mỗi con người. Sự nghiện này không chỉ riêng nghiện ma tuý mà còn có vô số sự nghiện ngập khác nhằm thoả mãn tâm tham ái ngũ dục tầm thường. Thiền chính là phương pháp thâm diệu và bền vững giúp tâm chúng ta luôn luôn đứng vững và có những hành xử sáng suốt trước những cám dỗ màu mè và nguy hại của cuộc sống hiện đại.
Ma tuý, cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS mà hiện nay với rất nhiều nỗ lực nhưng những nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được pháp đồ điều trị chấm dứt căn bệnh này. Với con đường lây lan đặc biệt qua đường tình dục và đường máu mà sự truyền nhiễm của virus HIV đã vượt qua sự kiểm soát của con người, giờ đây đã trở thành vấn nạn toàn cầu. Ở Việt Nam, cứ 15 phút lại có một người nhiễm HIV/AIDS. HIV/AIDS đang đe doạ đến nòi giống của loài người, làm suy hại đến nền văn hoá, phong tục tập quán của mỗi dân tộc, vì phần nhiều nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này liên quan đến tệ nạn xã hội như mại dâm, tiêm chích ma tuý… HIV/AIDS đã trở thành gánh nặng đối với các nước đang phát triển, mà ở đó tình trạng dân trí thấp, người dân ít có cơ hội được tiếp xúc với các phương pháp hỗ trợ điều trị tốt.
Phật giáo trong thời đại mới với phương châm nhập thế, đã góp phần to lớn trong việc làm xoa dịu những vết thương lòng, giảm bớt những nỗi đau do HIV/AIDS gây ra cho con người. Hiện nay ở châu Á, tại một số nước như Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam… đã có các dự án do Giáo hội Phật giáo tiến hành nhằm giảm những tác hại do căn bệnh thế kỷ này gây ra, ngôi chùa đã trở thành địa điểm thân quen là nơi nương tựa tâm linh của những con người đau khổ. Trong đó, điển hình là dự án “Sáng kiến lãnh đạo Phật giáo” Sangga Metta của Phật giáo. Mô hình này được xây dựng tại Thái Lan sau đó đã được nhân rộng sang các nước trong khu vực. Sangga Metta tiếng Phạn có nghĩa là lòng từ bi của Tăng đoàn. Đúng như cái tên của mô hình sáng kiến này, các tăng ni Phật giáo bằng lòng từ bi của mình đã từng bước gỡ giải con người thoát khỏi vòng luẩn quẩn của nỗi đau khổ. Cũng với tinh thần đó, những hoạt động trong dự án đã khơi dậy lòng từ bi nơi mỗi con người để họ yêu thương đùm bọc không xa lánh những người nhiễm HIV/AIDS.
Vì Phật giáo là quốc giáo của Thái Lan, nên hầu như mỗi ngôi làng đều có chùa và đây được coi là nơi sinh hoạt cộng đồng là điểm tựa tinh thần cho dân làng. Từ đó, dự án “Sáng kiến lãnh đạo Phật giáo” Sangga Metta đã có mặt ở hầu hết khắp các tỉnh thành và hoạt động của nó đã có những kết quả bất ngờ. Hướng giải quyết mọi vấn đề của nhà Phật luôn bắt đầu từ nguyên nhân, mà nguyên nhân của nỗi đau do HIV/AIDS gây ra cho con người chính là sự vô minh, thờ ơ của mỗi con người trong xã hội. Bên cạnh những hoạt động hỗ trợ về đời sống vật chất như: mở các trung tâm dạy nghề, tạo công ăn việc làm; phát các vật phẩm thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày cũng như thuốc điều trị cho người nhiễm, nhà chùa còn chăm lo đến đời sống nội tâm của người nhiễm và người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Một trong những biện pháp can thiệp hiệu quả nhất đó là việc hướng dẫn thiền tập cho những người nghiện, nhiễm HIV/AIDS, những người thân của họ đang phải đối mặt với sự khủng hoảng tinh thần do HIV/AIDS gây ra. Thiền như chúng ta biết, giúp con người trở lại nội tâm của mình, điều hoà mọi ý niệm xung đột khởi lên từ tâm, từ đó chúng ta hoàn toàn tự do tĩnh tại trước bất cứ diễn biến nào trong cuộc sống mà giờ đây ta biết đó là vô thường luôn là thế.
Ở Việt Nam, “Sáng kiến lãnh đạo Phật giáo” Sangga Metta được bắt đầu từ năm 2003, đến nay đã nhân rộng khắp ba miền tổ quốc. Ở miền Bắc, đi đầu là thủ đô Hà Nội, có các chùa như: chùa Pháp Vân, chùa Cửa Bắc trực tiếp triển khai dự án, thành phố Huế có Tuệ tĩnh đường Hải Đức, thành phố Hồ Chí Minh có chùa Diệu Giác, chùa Kỳ Quang II, và ở các tỉnh thành khác nơi có tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS cao.
Trung ương Mặt Trận Tổ Quốc, phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng với tổ chức UNICEF đã triển khai các dự án và chương trình hoạt động của “Sáng kiến lãnh đạo Phật giáo” sangga Metta theo từng quý và từng năm. Tại các chùa trực tiếp triển khai dự án, hàng tháng đều tổ chức dạy và hướng dẫn hai buổi thiền cho các thành viên của dự án và mở rộng cho cả thân nhân người nhiễm. Nỗi khổ đau mà người nhiễm HIV/AIDS và người thân của họ phải gánh chịu không chỉ là sự chịu đựng về thể xác do căn bệnh mang lại, mà còn là sự dằn vặt đau đớn về tinh thần khi cộng đồng và xã hội kỳ thị, xa lánh họ. Những nỗi đau thể xác và tinh thần này dần dần giết chết họ – nạn nhân của của những vấn nạn xã hội. Thực tập thiền cộng với chế độ dinh dưỡng đầy đủ và khoa học giúp những người này nâng cao sức đề kháng trong cơ thể tốt hơn, giúp cải thiện tình trạng sức khoẻ, và tinh thần của họ dần được ổn định. Sau khi được hướng dẫn tu tập thiền ở chùa, và sự chuyên cần tu tập tại gia đình, tinh thần của người nhiễm HIV/AIDS đã dần được hồi phục. Những ý nghĩ về cái chết đang đến gần cùng với sự vô dụng đã trở thành gánh nặng cho người thân và xã hội trong họ dần dần được nguôi ngoai, họ đã biết quý trọng những giây phút sống hiện tại. Kết quả của những biện pháp hỗ trợ của nhà chùa đã cho thấy những người nhiễm HIV/AIDS có những thay đổi hành vi rất tích cực.
Kết hợp với các buổi giảng đạo về giáo lý yêu thương, hướng thiện cho con người, từ nơi đây con người đã lấy lại được niềm tin vào cuộc sống, trong họ đã nhen nhóm được niềm hy vọng hạnh phúc mà trước khi đến với cửa thiền họ hoàn toàn vô vọng. Thiền đã giúp những con người này vượt qua được sự chán trường của một nội tâm bị tổn thương, từ đó giúp họ có được nghị lực vượt qua được những cơn đau hành hạ thể xác, giúp phục hồi và duy trì tình trạng sức khoẻ tốt trước khi chuyển sang giai đoạn AIDS (người bệnh phải sử dụng thuốc kháng virus).
Tu tập thiền, đã là một trong những phương pháp hữu hiệu nhằm giúp người bệnh cũng như thân nhân của họ tỉnh táo và sáng suốt đối mặt với thực trạng nhiễm bệnh của mình. Thiền đã cho họ sức mạnh nội tâm để vượt qua những đau khổ, duy trì tình trạng sống chung với virus HIV một cách có hiệu quả nhất. Với việc tu tập thiền những hạnh lành, tâm từ bi được khai sáng, giờ đây người nhiễm HIV không còn tâm sân hận, không còn nuôi ý chí trả thù đời, trả thù người đã lây truyền bệnh sang mình.
Thiền đã được hướng dẫn không chỉ là một biện pháp điều tâm mà còn như một phương pháp rèn luyện sức khoẻ. Rèn luyện sức khoẻ bằng việc ngồi thiền rất phù hợp với người bị nhiễm HIV, vì thể trạng họ không được khoẻ mạnh như người bình thường để có thể thực hiện các bài tập thể dục hay các môn thể thao phải vận động nhiều.
Nhận thức được đặc điểm lây truyền virus HIV ở Việt Nam phần lớn là qua nhóm nghiện hút tiêm chích ma tuý, nên dự án đã có những hoạt động rất thiết thực nhằm giảm tác hại do nhóm nguy cơ cao này gây ra. Chùa Pháp Vân, Phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội là một trong những địa điểm quen thuộc của người nghiện ma tuý và thân nhân của họ. Năm 2006, nhà chùa đã nhận hàng chục người đến cai nghiện tại chùa. Với rất nhiều lý do khác nhau để họ gửi con cháu mình vào chùa cai nghiện. Một số người không muốn bà con hàng xóm biết con mình bị nghiện khi đưa con vào các trung tâm cai nghiện của nhà nước, vì thế họ đã gửi con đến chùa như một người bình thường đến chùa chấp tác. Một số người đã qua trung tâm cai nghiện rất nhiều lần nhưng vẫn tái nghiện. Khi ở chùa họ đã được hướng dẫn tập thiền. Thời gian đầu rất khó khăn với người nghiện, tuy nhiên với sự kiên trì hướng dẫn thiền của thầy trụ trì chùa dần dần họ đã chế ngự được các cơn nghiện, rồi từ đó cắt dần cơn nghiện. Với việc thực hiện thiền hàng ngày, tâm trí họ sáng suốt dần và tình trạng mê trong sự say thuốc đã tan biến. Hàng ngày tinh tiến thiền giúp họ có ý chí vượt qua tình trạng nghiện của mình. Song song với việc thực tập thiền, hàng ngày người cai nghiện đều phải thực hiện nếp sống theo nhà chùa, tụng kinh, nghe giảng kinh, nuôi dưỡng tâm tĩnh lặng hướng thiện. Chính thời gian này đã giúp điều hoà thân và tâm họ, giúp họ có những nhận định đúng đắn về những bạn nghiện và người bán ma tuý cho họ trước đó, cũng như xã hội đầy cạm bẫy xung quanh họ. Sau 3 tháng ở chùa, họ đã có những bước tiến rất rõ rệt. Khi rời chùa về với gia đình, xã hội họ là những người bình thường và có những suy nghĩ rất tích cực, trở thành một người thiện có ích cho gia đình và cho xã hội.
Ngày nay ở Việt Nam, có rất nhiều đạo tràng Phật tử duy trì việc hướng dẫn thực tập thiền cho các thành viên. Hàng tháng các đạo tràng đều có các buổi giảng kinh, hướng dẫn tập thiền, và các thành viên tham dự rất đều đặn. Đây được coi là một nếp sống lành mạnh, và là con đường tốt nhất để đạo Phật nói chung và mạch thiền nói riêng được nuôi dưỡng và đưa vào ứng dụng trong đời sống xã hội hàng ngày. Những thành viên này là những người cha, người mẹ, là ông, là bà, họ đã tự tạo cho mình một làn sóng an vui và có cái nhìn lạc quan với cuộc sống hiện tại nhờ đến với Phật giáo, đến với thiền. Về với gia đình họ là những người gieo vào người thân mình những hạt mầm hạnh phúc và từ đó gia đình họ luôn được bao bọc trong làn sóng an vui. Qua những thành viên của đạo tràng, thiền không chỉ được hướng dẫn trong chùa, trong các trung tâm, mà tinh thần của thiền đã được nuôi dưỡng và toả sáng đưa vào nếp sống, nếp nghĩ của từng cá nhân trong gia. Đặc biệt là qua các hoạt động của gia đình Phật tử do Ban hướng dẫn gia đình Phật tử tiến hành. Hiện nay, ban hướng dẫn gia đình Phật tử có từ cấp trung ương đến từng chùa dưới cơ sở. Vì vậy mà thiền cũng như giáo lý Phật giáo đã được thấm nhuần trong mỗi con người Phật tử để từ đó làn sóng an vui đó lan toả làm lợi lạc xã hội.
Thiền có khả năng đoạn trừ các dục và lòng sợ hãi. Thiền đem lại niềm vui - thiền lạc cho tất cả mọi người, không trừ người yếu ớt, khoẻ mạnh, người thông minh hay người tối trí... Hơn thế nữa thiền đưa đến thành tựu trí tuệ, giác ngộ và giải thoát. Trong tu tập thiền các căn được an định dần dần một cách tự nhiên hành giả thấy thích thú với thói quen thiền hàng ngày. Trong khi thiền với việc nuôi dưỡng tâm từ bi, khiến hành giả xa lìa mọi tội lỗi và gần gũi với chúng sinh hơn. Song song với tâm từ bi được phát triển thì những dục vọng mà trước đó làm mệt mỏi và đầu độc thân tâm như là giận dữ, đố kỵ, kiêu ngạo… dần dần giảm đi và không còn trong tâm hành giả nữa. Nhờ có ý thức nuôi dưỡng những niệm tốt từ bi, diệt trừ những khởi niệm ác trong tâm, mà tâm người tu tập thiền trở nên tĩnh lặng và trong sáng không còn bị chi phối bởi sự thèm muốn những dục vọng thấp hèn nữa. Mặc dù vẫn trong vòng sinh tử luân hồi, nhưng thiền giả thực sự nhận ra được con đường giải thoát ngay trong thế giới hiện tại.
Như vậy, thiền có công năng giúp những con người luôn bị mê đắm trong bể khổ do vô minh gây ra có được niềm vui an lạc trong sự tỉnh giác. Hơn bao giờ hết trong hoàn cảnh xã hội hiện đại, khi cuộc sống nội tâm của con người đang dần bị phá huỷ và lãng quên, thiền như một phương pháp thần dược nuôi dưỡng đời sống nội tâm của mỗi con người, từ cuộc sống nội tâm trong sáng tuệ giác mới có được niềm hạnh phúc mà ai cũng tìm cầu. Thiền đã có một tác động và đóng vai trò quan trọng nhằm điều hoà nhịp sống hiện đại nơi mỗi con người. Thiền đã có tầm ảnh hưởng sâu đậm nhằm giúp giải quyết rất nhiều vấn nạn xã hội hiện nay. Trong hoàn cảnh xã hội hiện đại, khi khoa học ngày càng phát triển tiến bộ, thì con người ngày càng xa dời tự nhiện, ngày càng xa lạ với chính tâm tự nhiên của mình. Vì thế mà thiền như một giải pháp trung gian giúp kéo con người trở về gần với tự nhiên, và có nhận thức sâu sắc về thân tâm mình. Từ đó trong con người mới có sự hài hoà và bền vững. Nhận thức được điều đó, con người sống hoàn toàn tự tại, đói ăn, mệt ngủ, biết buông bỏ và thảnh thơi, không còn lo lắng gượng ép bản thân mình phải thế này hay phải thế khác để cho theo kịp thế giới động vô thường bên ngoài. Trong hoàn cảnh xã hội hiện đại cụ thể, thiền đã có những thích ứng thay đổi để có thể phục vụ tốt nhất cho xã hội. Đúng như tinh thần của thiền Việt Nam là nhập thế là làm lợi lạc cho thiền sư rồi từ đó làm lợi lạc cho người khác và cho xã hội. Ngày nay thiền đã được quan tâm và được đưa vào ứng dụng trong nhiều lĩnh vực nhằm giải quyết mọi vấn đề trong xã hội hiện đại.
Tuy nhiên, thiền cần phải được nghiên cứu áp dụng rộng rãi hơn nữa trong tất cả các xã hội, quốc gia, để mọi người có thể lĩnh hội được tinh thần của thiền một cách thật đơn giản và trong sáng. Để ai cũng có thể có một một nơi trú ẩn an lạc và hạnh phúc, nơi đó chính là trong tâm của mỗi người mà nhờ thiền họ đã khám phá ra.
KẾT LUẬN
Thiền là một trong những pháp môn tu tập của Phật giáo, mục đích của thiền không gì khác là giải thoát. Trong Hội Linh Sơn, khi Đức Phật giơ bông hoa sen lên, chỉ có ngài Ca Diếp là mỉm cười, từ đó Đức Phật đã truyền tông chỉ thiền cho ngài Ca Diếp. Thiền đã được truyền thừa liên tục cho 28 vị tổ Thiền tông Ấn Độ. Bồ Đề Đạt Ma – vị tổ thứ 28 của Thiền tông Ấn Độ là người truyền bá Thiền tông vào Trung Quốc. Thiền tông Trung Quốc mang sắc thái rất riêng đặc trưng của nền văn hoá Trung Quốc, đến Lục tổ Huệ Năng, nó đã được phát triển trở về với chính khả năng tự đốn ngộ của hành giả. Sau Lục tổ Huệ Năng không còn tục truyền y bát nữa nên Thiền tông Trung Quốc đã được chia thành hai phái năm dòng thiền khác nhau. Từ các phái này đã bắt đầu truyền sang các nước khác.
Các thiền phái của Thiền tông Trung Quốc được truyền sang Việt Nam là: phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường. Phái thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi chịu ảnh hưởng khá sâu sắc của thiền Ấn Độ, có xu hướng kết hợp với Mật giáo. Còn thiền phái Vô Ngôn Thông lại mang sắc thái thiền Trung Quốc rất đậm nét, chủ trương tu đốn ngộ, bằng phương pháp sử dụng các thoại đầu. Trong khi đó thiền phái Thảo Đường thì thường thiên về văn học và Mật giáo, chỉ được lưu truyền trong giới trí thức chứ không phổ biến rộng rãi trong dân gian. Chắt lọc và tổng hợp những tinh hoa từ ba dòng thiền sơ khởi trên, tiếp thu thiền Ấn Độ và Trung Quốc, dân tộc Việt Nam ta đã hình thành một thiền phái riêng cho mình, mang nét đặc trưng riêng của thiền Việt Nam, đó là phái thiền Trúc Lâm.
Tinh thần Thiền Việt Nam có thể được gói gọn trong những câu thơ trong bài phú Cư Trần Lạc Đạo của Trần Nhân Tông:
Ở đời vui đạo hãy tuỳ duyên
Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền
Trong nhà có báu, thôi tìm kiếm
Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền.
Thiền là cuộc sống bình thường hàng ngày, gần với tự nhiên hoàn toàn không có sự khiên cưỡng và bắt buộc, cũng như những quy tắc thiền phải thế này hay thế khác. Thiền tức là lối sống rất tự nhiên, đói thì ăn, khát thì uống, mệt thì nghỉ, là những gì đang diễn ra ngay trong cuộc sống này, ăn, ngủ, đi, đứng,... Tập thiền tức là tập thư giãn, tập buông bỏ, “đối cảnh không tâm” tức là cảnh diễn ra kệ cảnh, thiền ở trong tâm ta. Thiền Việt Nam là thiền liên quan đến con người, ở trong con người và cần cho con người bởi thiền mà Trần Nhân Tông sáng lập và truyền bá là thiền phục vụ cho con người. Trần Nhân Tông lĩnh hội tâm thiền cho bản thân mình, làm lợi lạc cho mình và từ đó làm lợi lạc cho xã hội. Xã hội ở đây chính là con người là dân, là đất nước. Vì thế khi giặc Nguyên tràn vào xâm lược nước nhà, thiền sư trở thành chiến sĩ, giặc đến thì đánh, giặc hàng thì tha tội. Không bám chấp vào những quy tắc về giới của người tu sĩ và phật tử, vì điều lợi cho dân cho xã hội, mà nhà vua đã dẹp tan quân ngoại xâm, và chưa thời nào trước đó nền kinh tế, xã hội lại phát triển thịnh vượng như đời Trần.
Thiền Việt Nam mà tiêu biểu là thiền đời Trần là thiền nhập thế, gần gũi với dân, làm lợi lạc cho dân cho nước. Thiền xưa được ngộ trong núi, còn thiền Trần Nhân Tông – Thiền Việt Nam được ngộ giữa cuộc đời. Từ những điều kiện cụ thể của xã hội đời Trần, mà các thiền sư mang trong mình sự hội tụ của một nhà văn, nhà thơ, nhà văn hoá, người chiến sĩ yêu nước và một tu sĩ uyên thâm.
Tiếp nối những tinh hoa của cha ông, thiền ngày nay không chỉ gìn giữ nhưng nét riêng của thiền dân tộc mà còn phát huy tối đa vai trò của mình trong cuộc sống, phục vụ con người trong hoàn cảnh xã hội hiện đại. Xu hướng phát triển xã hội ngày nay đưa con người tiến dần tới khoa học. Và như vậy con người sẽ dần xa dời tự nhiên. Mà mục đích của thiền chính là đưa con người đến với tự nhiên. Hơn bao giờ hết thiền như một giải pháp có vai trò trung gian làm khoa học vẫn phát triển đi lên, và con người của nền khoa học đó vẫn hài hoà được với tự nhiên. Con người với thiền vừa nhận thức được tự nhiên một cách sâu sắc, đồng thời lại có khoa học tiến bộ. Thiền đã tạo thế cân bằng giữa tự nhiên và khoa học hiện đại trong con người, phát triển con người hiện đại và tạo một xã hội tiến bộ và bền vững. Thiền ngày nay không chỉ là toạ thiền, là suy nghĩ về những câu thoại đầu. Mà thiền ngày nay là giúp con người tìm được thế cân bằng, là sức mạnh để con người hiện đại vượt qua được những vấn nạn khủng hoảng về tâm lý do sức ép của sự phát triển, giúp con người vững vàng đối mặt với những căn bệnh hiểm nghèo như HIV/AIDS, ung thư hay sự lệ thuộc bởi những chất gây nghiện. Với hoàn cảnh xã hội mới, thiền đã có những linh hoạt để phát huy tối đa vai trò của mình là làm lợi lạc cho mỗi cá nhân con người, làm lợi lạc cho xã hội.
Thiền Việt Nam hiện nay mà tiêu biểu là thiền được hướng dẫn và tu tập ở thiền viện Thường Chiếu và thiền viện Làng Mai – Pháp của hoà thượng Thích Nhất Hạnh, là dạy con người phải biết nuôi dưỡng lòng từ bi, bác ái. Dùng tâm thiền để soi chiếu giải quyết mọi hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống hiện đại liên quan đến bạn bè, công việc, gia đình,…
Tu tập thiền chính là đánh thức cái tâm sáng đang ngủ yên trong mỗi con người dậy, thiền đã khơi dậy ý thức cuộc sống hiện tại trong từng giây từng phút. Thiền đã dạy con người sống với một sự trú tâm vào tất cả những sự kiện, hành động mà mình đang hiện hữu trong đó, thiền đã nuôi dạy trong con người lòng từ bi, nhân ái, được dựa trên một trí tuệ tỉnh táo. Vì thế mà hơn bao giờ hết thiền ở mọi thời đại đều cần thiết cho mỗi con người, cho mỗi xã hội, không phân biệt dân tộc hay quốc gia. Thiền là tìm về với chính mình, giúp kéo con người ra khỏi cơn mê đi tìm cầu hạnh phúc từ thế giới bên ngoài.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Vũ Dương Ninh (chủ biên). Lịch sử Văn minh thế giới. Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998.
Tìm hiểu lịch sử văn hoá Thái lan. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994.
Nguyễn Thị Quế. Phật giáo ở Thái Lan. Nxb khoa học xã hội, Hà Nội, 1997.
Hoàng Tâm Xuyên (chủ biên). Mười tôn giáo lớn trên thế giới. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003.
Thích Thông Phương. Từng bước an vui. Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2005.
Đại sư Trí Khải, Thích Thanh Từ soạn dịch. Thiền căn bản. Nxb Tôn giáo, Hồ Chí Minh, 2004.
Thích Tuệ Thông soạn dịch. Truyện tranh Đường Huyền Trang thỉnh kinh. Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2006.
Nhật Quang. Nguyện xưa còn đó. Nxb Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh, 2006.
Huyễn Ý. Tây Du Ký qua cách nhìn của người học Phật. Nxb Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2007.
Từ điển Phật học Hán Việt. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004.
Nguyễn Lang. Việt Nam Phật giáo sử luận I – II – III. Nxb Văn học, Hà Nội, 2000.
Nhất Hạnh. Cho đất nước đi lên – 7 bài diễn thuyết tại Việt Nam đầu xuân 2005. Nxb Lá Bối, Hà Nội, 2005.
Bhadantacariya Buddhaghosa, Thích Nữ Trí Hải dịch. Thanh Tịnh Đạo tập một. Chùa Pháp Vân, Pomona – Mỹ, 1992.
Đặng Đức Siêu. Văn hoá Trung Hoa. Nxb Lao động, Hà Nội, 2005.
Narada Thera, Phạm Kim Khánh dịch. Đức Phật và Phật Pháp. Nxb Tp. Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh, 1999.
Nhất Hạnh, Chân Đạt dịch. Giận. Nxb Lá Bối, California, 2004.
Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thuý Nga dịch và chú thích. Thiền uyển tập anh. Nxb Văn Học, Hà Nội, 1990.
Dalai Lama, Lê Tuyên biên dịch. Tấm lòng rộng mở. Nxb Tp. Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh, 2003.
Diane Morgan, Lưu Văn Hy biên dịch. Triết học và tôn giáo phương đông. Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2006.
Hoà thượng Tinh Vân, Thích Tuệ Thông soạn dịch. Tranh minh hoạ giai thoại Thiền. Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2007.
Nguyễn Đăng Trung. Bản chất của đời sống, Quyển thứ nhất: Phật học và khoa học hiện đại. Nxb Tp. Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh, 2002.
Thích Nhất Hạnh. Để có một tương lai. Nxb Văn hoá Sài Gòn, Hồ Chí Minh, 2006.
Nguyễn Hùng Hậu. Lược khảo tư tưởng Thiền Trúc Lâm Việt Nam. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997.
Thiền sư Huyền Giác, Thiền sư Vĩnh Thạch giải thích. Chứng Đạo Ca. Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2006.
Hoà thượng Thích Thanh Từ. Phụng Hoàng Sách Tấn. Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2006.
Thích Thanh Từ. Phụng Hoàng cảnh sách. Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2003.
C. Scott Littleton, Trần Văn Huân soạn dịch. Trí tuệ phương Đông. Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội, 2003.
Trương Trùng Cơ, Như Hạnh dịch. Thiền đạo tu tập. Nxb Thuận Hoá, Huế, 2004.
Thích Thanh Từ. Thiền sư Việt Nam. Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2004.
K. Sri Dhammananda, Thích Tâm Quang soạn dịch. Chúng ta phải làm gì trước những tệ nạn xã hội. Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2005.
CÁC TRANG WEB THAM KHẢO
www.thientongvietnam.huongsen.com
www.buddhismtoday.com
www.thuvienhoasen.com
www.phattuvietnam.net
www.lieuquanhue.vn
www.quangduc.com
www.vanhoaphatgiao.com
www.thientongvietnam.net
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 104434.doc