Đề tài Vấn đề chuyển đổi ruộng đất ở vùng Đồng Bằng Sông Hồng

Từ thực trạng chuyển đổi ruộng đất ở vùng Đồng Bằng Sông Hồng hiện nay, mặc dù đã có những giải pháp khắc phục, nhưng tình trạng ruộng đất vô cùng manh mún, quy mô ruộng đất của các hộ nông dân nhỏ bé, phân thành nhiều thửa dẫn đến tình trạng phổ biến tự cung tự cấp, phân công lao động xã hội diễn ra chậm chạp. Việc chuyển nông nghiệp từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hoá, hoạt động trong cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Đòi hỏi việc tập chung ruộng đất ở vùng Đồng Bằng Sông Hồng là một tất yếu khách quan và cần thiết. Điều đó cho phép người nông dân từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hoá, tạo điều kiện ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, giải phóng lao động khỏi sản xuất nông nghiệp ở nông thôn.

doc29 trang | Chia sẻ: aloso | Lượt xem: 1517 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Vấn đề chuyển đổi ruộng đất ở vùng Đồng Bằng Sông Hồng, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Lời nói đầu Ruộng đất là tài nguyên vô cùng quý giá. Vấn đề quan trọng là làm thế nào để nâng cao sức sản xuất của ruộng đất. Trong tình hình hiện nay, việc giao đất, sử dụng đất bình quân làm cho đất bị phân chia manh mún, điều đó gây cản trở cho quá trình tích tụ và tập chung ruộng đất vào những người có vốn, có khả năng sản xuất kinh doanh. Chúng ta đang hướng tới một nền sản xuất hàng hoá cao-một nền kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, việc tích tụ ruộng đất là xuất phát từ yêu cầu khách quan đó. Điều đó cho phép dần dần chuyển kinh tế hộ nông dân từ trạng thái tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, tạo điều kiện ứng dụng rộng rãi khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất kinh doanh nông nghiệp, giải phóng lao động ra khỏi nông nghiệp. Với những bất cập trong chuyển đổi ruộng đất ở vùng Đồng Bằng Sông Hồng nên em chọn đề tài: “Vấn đề chuyển đổi ruộng đất ở vùng Đồng Bằng Sông Hồng”. Đề tài gồm 2 chương: Chương I. Lý luận chung. Chương II. Thực trạng, những giải pháp về chuyển đổi ruộng đất ở vùng Đồng Bằng Sông Hồng. Em xin chân thành cảm ơn thầy giáo Hoàng Văn Định đã giup đỡ em hoàn thành đề tài này. Do trình độ có hạn nên đề tài không tránh khỏi những thiếu sót. Em kính mong nhận được những ý kiến đóng góp và sự giúp đỡ của các thầy cô. Em xin chân thành cảm ơn! Mục lục Chương i lý luận chung I. Vấn đề sở hữu ruộng đất và quan điểm về sở hữu ruộng đất . 1. Vấn đề sở hữu ruộng đất ở nước ta hiện nay. Vấn đề sở hữu ruộng đất ở nước ta hiện nay, và do đó quan hệ về sở hữu ruộng đất giữa nông dân và nhà nước đang là vấn đề thời sự cấp bách. Đây là vấn đề hết sức nhậy cảm. Nó không chỉ có quan hệ tới nhà nước và nông dân về mặt lợi ích, hiệu quả, mà còn tới một quan niệm, mà có người cho rằng, nếu từ bỏ nó cũng tức là từ bỏ CNXH. Người ta đã đơn giản hoá CNXH tới mức đồng nhất nó với chế độ công hữu, lấy phương tiện làm mục tiêu, mà không thấy rằng sở hữu không có mục đích tự thân. Sở hữu một cái gì đó chỉ có ý nghĩa khi nó đem lại lợi ích kinh tế cho người chủ của nó, bằng không sẽ là vô nghĩa, chế độ sở hữu của tập thể – HTX mà chúng ta thiết lập trước đây là một bằng chứng cho luận điểm nói trên. Người xã viên qua một thời gian đã nhận ra rằng cái quyền đồng sở hữu của họ chỉ là một thứ hư ảo, không đem lại cho họ một lợi ích kinh tế tương xứng, mà đúng ra họ chỉ là ngưòi làm thuê với đồng công ít ỏi. Vì vậy mà họ thờ ơ với ruộng đất, thờ ơ đến mức lạnh lùng. HTX này có thể cắt ruộng đất cho HTX khác mà những người đồng sở hữu của nó có nơi, có lúc không những ngăn cản, mà còn hoan nghênh. Đến thời kỳ khoán sản (khoán 100), đã có người lầm tưỏng đó là “chiếc chìa khoá vàng ” để giải quyết vấn đề ruộng đất trong nông nghiệp . Nhưng thực tế trả ruộng khoán ở một số nơi đã bác bỏ điều đó và dẫn đến khoán 10, trong đó khẳng định hộ nông dân là đơn vị kinh tế cơ sở, tự chủ. Đó là bước tiến lớn trong công cuộc đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp ở nước ta. Xã hội là một thực thể phức tạp và đa dạng. Vì vậy cần có một quan điểm mới về sở hữu ruộng đất. 2.Quan điểm về sở hữu ruộng đất. Gắn liền với công cuộc đổi mới kinh tế, đổi mới nông nghiệp và nông thôn và một khi hộ nông dân trở thành đơn vị sản xuất cơ bản thì vấn đề quan hệ ruộng đất phải đưọc giải quyết phù hợp. Mục tiêu của cụôc cải cách này là khẳng định quyền làm chủ ruộng đất của hộ nông dân theo luật, tạo động lực thúc đẩy sản xuất phát triển toàn diện; đòng thời tăng cưòng sự quản lý có hiệu lực của nhà nước đối với đất đai , chuyển sang cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Nông nghiệp nói chung, vấn đề ruộng đất nói riêng là một tổng thể các yếu tố tự nhiên, kinh tế, kỹ thuật, xã hội, do đó chính sách ruộng đất không thể giải quyết một cách riêng lẻ. Giải quyết vấn đề quan hệ ruộng đất cần được đặt trong một hệ thống đồng bộ, bổ sung, hỗ trợ cho nhau, tác động qua lại lẫn nhau. Sự quan tâm của người nông dân là lợi ích được tạo ra từ ruộng đất. Song lợi ích đó không chỉ bắt nguồn từ bản thân ruộng đất. Thực tiễn quan hệ ruộng đất trong mấy năm đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp vùa qua đã chứng tỏ sự phát triển nông nghiệp là do tổng hợp các yêú tố, trong đó đổi mới trong chính sách đầu tư, mở rộng thị trường tiêu thụ, phát triển các hình thức dịch vụ, hỗ trợ vốn . . . đều có ý nghĩa quan trọng tạo cho người nông dân tha thiết với việc sử dụng ruộng đất được giao khoán của mình. Ruộng đất có sinh lợi thì mới kích thích người nông dân tích cực bồi dưỡng và sử dụng có hiệu quả ruộng đất. Mặt khác, giải quyết đúng quan hệ ruộng đất cũng là yếu tố quan trọng bảo đảm sự phát triển nông nghiệp va ổn định nông thôn ; và có tác đọng trực tiếp đến hiệu quả thực hiện các chính sách khác trong nông thôn. Chẳng hạn việc giao, chia ruộng đất theo nhân khẩu thì chính sách về dân số khó đạt mức yêu cầu; hoặc có nơi chính quyền xã quản lý đất quỹ 10% không chặt chẽ, có nhiều hiện tượng tiêu cực, giải quyết không công bằng gây cho nông dân tâm lý coi thường pháp luật , gay mất ổn định trong nông thôn… Lịch sử xã hội loài người cho thấy khi nhà nước xuất hiện thì không nước nào chỉ có một hình thức sở hữu duy nhất và phải tồn tại ba hình thức sở hữu: sở hữu chung, sở hữu nhà nước và sở hữu tư nhân. Quan điểm đó không trái với Hiến pháp đã công bố đất đai thuộc sở hữu toàn dân.Vì vậy việc nhà nước- đại diện cho nhân dân đứng ra đóng vai trò của người chủ sở hữu, còn người nông dân sẽ kinh doanh trên ruộng đất đi thuê của nhà nước là điều bình thường và đã được Lê nin nói tới “Nói ruộng đất sẽ chuyển vào tay nhân dân… là toàn bộ ruộng đất thuộc về toàn dân, nghĩa là hễ người nào nhận ruộng thì coi như là thuê ruộng của toàn dân” .Như vậy ruộng đất là sở hữu toàn dân. II.Chuyển đổi và sự cần thiết phải chuyển đổi ruộng đất ở vùng Đồng Bằng Sông Hồng. 1.Khái niệm về chuyển đổi ruộng đất . Chuyển đổi ruộng đất là sự chuyển quyền sử dụng ruộng đất từ người này sang người khác nhằm tập trung ruộng đất để sản xuất có hiệu quả. 2. Sự cần thiết phải chuyển đổi ruộng đất ở vùng Đồng Bằng Sông Hồng . Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VIII đã vạch rõ: “Nội dung cơ bản của công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH, HĐH) đất nước trong những năm còn lại của thập kỷ 90 là: đặc biệt coi trọng CNH,HĐH nông nghiệp và nông thôn ; phát triển toàn diện nông,lâm, ngư nghiệp gắn với công nghiệp chế biến nông, lâm thuỷ sản; phát triển công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu ”. Sự khẳng định trên cho thấy: CNH, HĐH nông nghiệp và kinh tế nông thôn đã trở thành nội dung cơ bản của CNH,HĐH đất nước. Để thực hiện nhiệm vụ đó, chúng ta không thể không quan tâm đến vấn đề ruộng đất vì nó là yếu tố vật chất vô cùng quan trọng tạo ra động lực thúc đẩy nông nghiệp phát triển . Tình hình đất nông nghiệp ở Đồng Bằng Sông Hồng sau 10 năm đổi mới đã và đang đặt ra nhiều vấn đề đáng suy nghĩ. Đồng Bằng Sông Hồng có tổng diện tích đất đai là 719221 ha trong đó đất nông nghiệp chiếm 596559 ha. Hiện nay, khu vực này đang được xem là vựa lúa lớn thứ 2 đất nước sau Đồng Bằng Sông Cửu Long. Nơi đây cũng đã chứng kiến bao cảnh thăng trầm của nông nghiệp Việt Nam gần nửa thế kỷ qua. Trước năm 1981, dưới cơ chế cũ, sở hữu tập thể về ruộng đất bao trùm, nông thôn Bắc Bộ đã không phát huy được hết tiềm năng của mình, nông nghiệp sa sút. Từ chỉ thị 100 (1988) của Ban bí thư Trung ương, mà đặc biệt là từ Nghị quyết 10 (1988) của Bộ Chính trị đã điều chỉnh lại cơ chế sử dụng ruộng đất đưa nông nghiệp phát triển mạnh, bộ mặt nông thôn đổi mới. Sau khi được giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài và tự chủ trong các khâu sản xuất, nông dân đã chủ động áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất, bỏ vốn mua sắm thêm nông cụ, máy móc ,nền nông nghiệp đã được cơ giới hoá. ở một số khâu, nông dân còn cùng Nhà nước góp vốn xây dựng lại hệ thống thuỷ lợi nâng cấp đường giao thông, xây dựng đường điện, đưa điện về từng làng góp phần hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng theo hướng tiên tiến. Nhờ đó, năng suất nông nghiệp được nâng cao. Năm1994, năng suất lúa Đồng Bằng Sông Hồng đạt 37.1 tạ/ha (năm 1990 con số đó mới chỉ đạt 28tạ). Đời sống của người nông dân tăng lên rõ rệt, lao động nông thôn được giải phóng. . . Nghị quyết 10, với chế độ quản lý ruộng đất mới đã đưa nông nghiệp ra khỏi khủng hoảng. Song để chuyển dịch cơ cấu từ thuần nông sang mô hình công nghiệp –nông nghiệp – dich vụ, đưa nông nghiệp từ độc canh sang nền kinh tế hàng hoá, đủ điều kiện cho việc áp dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng VIII thì trước mắt vấn đề ruộng đất cần phải có giải pháp phù hợp hơn nữa . . . Hiện nay, ruộng đất cả nước nói chung và vùng Đồng Bằng Sông Hồng nói riêng đang vô cùng manh mún. Để sản xuất kinh doanh có hiệu quả thì kinh doanh sản xuất nông nghiệp phải có quy mô ruộng đất đủ lớn thì mới có lãi, điều đó tất yếu đẫn đến nhu cầu tập trung ruộng đất và như vậy quy mô kinh doanh gia đình với quỹ đất hạn chế manh mún theo lối chia bình quân khồng thích hợp với sản xuất hàng hoá trong nông nghiệp. Trên thực tế nhiều nơi đã diễn ra sự chuyển nhượng mua bán ruộng đất để tập trung sản xuất dù là chưa được thừa nhận . Do vậy cần phải thúc đẩy sự chuyển nhượng ruộng đất bằng việc cho phép mua bán ruộng đất một cách hợp pháp. “ Mua – bán” ruộng đất tức là mua bán quyền sử dụng đất đai thông qua sự thoả thuận giá cả ruộng đất . “Mua – bán” ruộng đất diễn ra trong điều kiện của chế độ công hữu về ruộng đất , trong khuôn khổ sự quản lý, điều tiết, chỉ đạo của nhà nước XHCN. Mua bán ruộng đất sẽ là một hình thức đặc thù của sự luân chuyển ruộng đất và không làm thay đổi nội dung và hình thức đẵ có của quan hệ khoán ruộng không làm thay đổi quyền sở hữu ruộng đất của nhà nước và vì vậy mua bán ruộng đất là hình thức có ý nghĩa tích cực. Thông qua mua bán ruộng đất – người nông dân có vốn ban đầu để làm nghề khác, khi cảm thấy mình không thích nghề nông – qua đó thúc đẩy việc tách lao động nông nghiệp khỏi ruộng đất, phát triển ngành nghề mới. Phá vỡ hình thức đơn nhất luân chuyển ruộng đất, chống tiêu cực phát sinh từ việc chia khoán ruộng đất. Mở rộng phạm vi thị trường, thúc đẩy phát triển thị trường nông thôn . Mua bán theo phương thức ngang giá ai có nhiều vốn, có năng lực kinh doanh người đó sẽ có được nhiều ruộng. Vậy là thông qua biện pháp kinh tế đã phá vỡ kết cấu kinh doanh gia đình nhỏ bé, phá vỡ trạng thái cân bằng theo lối bình quân người với người, người với đất đai như hiện nay,theo nguyên tắc lựa trọn tối ưu, bố trí tối ưu tài nguyên ruộng đất,vốn ,nhân lực. . . sẽ hình thành kết cấu kinh doanh có hiệu quả cao. Và sau cùng , đặt ruộng đất trong mối quan hệ mua bán trao đổi, nông dân sẽ phải tính toán để sử dụng ruộng đất sao cho có hiệu quả nhất – và như thế ruộng đất cũng sẽ đem lại cho con người hiệu quả cao hơn. Ruộng đất manh mún sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện nhiệm vụ CNH,HĐH nông nghiệp và kinh tế nông thôn . Diện tích ruộng của mỗi hộ quá ít, lại canh tác trên những mảnh nhỏ nên việc áp dụng cơ giới vào sản xuất gặp nhiều khó khăn. Để tân dụng sức lao động dư thừa và tiết kiệm chi phí, nông dân ở một số vùng đã dùng cuốc và sức người thay trâu bò làm đất . . . làm cho công cụ sản xuất ngày càng lạc hậu. Giống mới không được đưa vào đồng bộ (do các hộ được chủ động trong khâu chọn giống )nên việc chăm sóc bảo vệ thực vật hiệu suất không cao và ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ sản xuất. Với diện tích ruộng đất mỗi hộ hiện nay, sản phẩm của nông dân Bắc bộ tạo ra chỉ mới giải quyết được nhu cầu đời sống hàng ngày chưa có để tích luỹ. Nền kinh tế nông nghiệp chủ yếu vẫn ở trong tình trạng tự cấp tự túc nên nền sản xuất hàng hoá chưa có điều kiện phát triển mạnh ở nông thôn. Lao động nông thôn dư thừa nhiều nhưng không thoát ly khỏi nông nghiệp đựơc bởi vì dù sao họ vẫn có một ít ruộng, ít nhiều đủ sống. Mặt khác, hiện nay các ngành kinh tế phi nông nghiệp chưa đủ mạnh tới mức giải quyết công ăn việc làm ổn định cho nông dân nên tâm lý “phi nông bất ổn” vẫn còn phổ biến. Chủ trương mới trong nông nghiệp đã cho phép hộ xã viên được hưởng quyền làm chủ trong quá trình tổ chức sản xuất kinh doanh, phân phối và tiêu thụ sản phẩm. Vậy CNH,HĐH nông nghiệp và kinh tế nông thôn phải được bắt đầu chính từ các hộ nông dân. Nhưng với diện tích ruộng đất quá nhỏ nhoi và những điều kiện đó các hộ nông dân sẽ khó khăn trong việc mở rộng sản xuất hàng hoá lớn. Như vậy tình hình ruộng đất manh mún hiện nay đã cản trở quá trình tập trung ruộng đất để sản xuất chuyên môn hoá, tiếp thu và ứng dụng khoa học công nghệ mới vào nông nghiệp , nông thôn và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tiến bộ (công nghiệp – nông nghiệp - dịch vụ). Do đó, đẩy nhanh quá trình tích tụ ruộng đất ở vùng Đồng Bằng Sông Hồng là cần thiết. Đồng thời có tích tụ ruộng đất mới chuyển nhanh cơ cấu kinh tế, lao động theo hướng CNH, HĐH. Nghị quyết 10 của Bộ chính trị cũng đã khẳng định nông nghiệp nên đi theo hướng giỏi nghề gì làm nghề đó và luật đất đai năm 1993 đã cho phép người sử dụng ruộng đất được hưởng những “quyền” chuyển nhượng, thừa kế … tạo điều kiện cho việc tích tụ ruộng đất. Chương II Thực trạng và giải pháp chuyển đổi ruộng đất vùng Đồng Bằng Sông Hồng . I. Thực trạng chuyển đổi ruộng đất ở vùng Đồng Bằng Sông Hồng Ruộng đất là mối quan tâm hàng đầu của người nông dân. Sự phát triển nông thôn của đất nước trứoc hết phụ thuộc vào mối quan hệ của người nông dân với ruộng đất và việc sử dụng có hiệu quả ruộng đất của các hộ nông dân trong phạm vi cả nước. Vì vậy, giải quyết các mối quan hệ ruộng đất trong điều kiện hiện nay ở nước ta có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong viêc phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng sản xuất hàng hoá. Vượt qua những bước thăng trầm trong qúa khứ, thực hiện công cuộc đổi mới, từ những năm cuối thập kỷ 80 đến nay, nông nghiệp và kinh tế nông thôn của nước ta đã đạt được những thành tựu nổi bật, tạo ra những bước chuyển biến quan trọng cũng như những thách thức mới về cục diện nông nghiệp và nông thôn . Một trong những thành tựu nổi bật, khởi sắc của nông nghiệp nước ta trong thập kỷ vừa qua là sức sản xuất trong nông nghiệp ,nông thôn đã thực sự được giải phóng. Từ một nền nông nghiệp công hữu với hai hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu là nông trường quốc doanh và hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, với cơ chế quản lý đặc trưng là mệnh lệnh, hành chính tập trung, đang chuyển dần sang nền nông nghiệp gồm nhiều thành phần kinh tế với nhiều hình thức kinh doanh, nhiều cách quản lý theo hướng sản xuất hàng hoá. Nông nghiệp và kinh tế nông thôn có nhịp độ tăng trưởng khá, nhiều vùng nông thôn bước đầu đã được đổi mới, đời sống nông dân được cải thiện. Mức sống về vật chất tăng lên, các điều kiện sinh hoạt như nhà ở, đồ dùng gia đình, kết cấu hạ tầng như giao thông, điện, thuỷ lợi, y tế, trường học…ở một số vùng được phát triển mạnh Chính sách mới về ruộng đất với nhưng nội dung cơ bản được quy định trong Luật Đất đai tháng 7 năm 1993 đã tạo cơ sở, tiền đề và có thể nói là trung tâm của mọi vấn đề trong giải quyết những nhiệm vụ cơ bản của nông nghiệp nông thôn. Kèm theo Luật Đất đai và những quy định về thuế nông nghiệp và các văn bản khác dưới luật có liên quan đã có tác dụng to lớn làm chuyển biến nền nông nghiệp, kinh tế nông thôn nước ta. Luật Đất đai năm 1993 đã khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lý. Việc sử dụng đất đai được quy định : Nhà nước giao cho các tổ chức, hộ gia dình và các cá nhân sử dụng ổn định lâu dài. Người sử dụng đất có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp và được bồi thường thiệt hại trong trường hợp đất đai bị thu hồi. Chính sách đất đai đã bước đầu phân định rõ vai trò và trách nhiệm của Nhà nước, xoá bỏ dần việc nhà nước hoá trong hoạt động sản xuất kinh doanh có liên quan tới ruộng đất. Cũng từ đó mà tăng cường quyền năng tối cao của nhà nước pháp quyền về quản lý đất đai, bảo vệ tài nguyên đất đai, bảo đảm ruộng đất được sử dụng ngày càng có hiệu quả hơn, phù hợp với yêu cấu của quốc kế dân sinh. Chính sách ruộng đất đã quy định trách nhiệm và quyền lợi của những người được giao quyền sử dụng đất. Các chủ sử dụng đất (các tổ chức kinh tế, hộ nông dân, tư nhân . . .)được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai lâu dài, có thể tự mình sắp xếp bố trí đất đai hợp lý để sản xuất ra những sản phẩm có hiệu quả kinh tế cao. Việc giao quyền sử dụng ruộng đất cho các hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ đã và đang từng bước khơi dậy tính năng động, giải phóng sức sản xuất, khôi phục sự gắn bó lâu đời giữa người với ruộng đồng, giữa người lao động với tư liệu sản xuất, từng bước họ vươn lên làm chủ cuộc sống, góp phần vào thực hiện mục tiêu nước giầu xã hội văn minh. Sự biến đổi về quan hệ ruộng đất cũng tạo ra cơ sở và động lực cho sự tự chủ cho người nông dân và trên cơ sở đó góp phần đân chủ hoá đời sống kinh tế ,xã hội nông thôn , xây dựng nông thôn mới. Sự biến đổi về quan hệ ruộng đất trong những năm gần đây đã được quy định trong Luật Đất đai và các văn bản dưới luật có liên quan là cơ sở pháp lý, bước đầu tạo tiền đề cho việc xác lập ruộng đất là một yếu tố quan trọng vân động theo quá trình phát triển của sản xuất hàng hoá; đồng là cơ sở quan trọng cho việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng giảm tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế nông thôn. Cùng với xu hướng đó là các ngành đều có tốc độ tăng trưởng phù hợp, thực hiện chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng mở rộng và tăng diện tích đất trồng các loại cây có gía trị kinh tế cao, giá trị hàng hoá lớn, trên cơ sở một nền nông nghiệp thâm canh và ứng dụng rộng rãi tiến bộ khoa học kỹ thuật, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Việc thực hiện chính sách ruộng đất góp phần quan trọng chuyển đổi hình thức Hợp tác xã kiểu cũ chuyển sang phát triển kinh tế hộ, phù hợp với đặc điểm của sản xuất nông nghiệp, từng bước hình thành HTX đa dạng trên cơ sở yêu cầu và tự nguyện của nông dân, tác động mạnh mẽ đến việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt đông của các doanh nghiệp quốc doanh nông, lâm nghiệp. Nói tóm lại, từ khi thực hiện Luật Đất đai (7/1993) đến nay, một mặt nhìn chung nông dân phấn khởi, yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, sử dụng ruộng đất có hiệu quả hơn, mặt khác qua đó khắc phục tình trạngbất hợp lý trong quan hệ ruộng đất, phát hiện và từng bước giải quyết những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, chiếm đoạt đất đai, giao đất bất hợp lý, nắm được quỹ đất đai để điều chỉnh cho hợp lý hơn. Vùng Đồng Bằng Sông Hồng gồm 9 tỉnh và thành phố với 1251 km2, chiếm 3,8% tổng diện tích tự nhiên của cả nước, đân số toàn vùng có 14,8 (tr) người chiếm 19,39% tổng dân số, là nơi có mật độ dân số cao nhất cả nước (1182 người/km2). Vùng có nhiều lợi thế: tài nguyên đất đai đa dạng với 7 nhóm đất, trong đó đất phù sa chiếm 58,48% khí hậu phong phú, nguồn lao động dồi dào, trình độ dân trí tương đối cao, cần cù lao động, có truyền thống thâm canh lúa nước. Tuy nhiên, vùng Đồng Bằng Sông Hồng còn có nhiều hạn chế, đáng chú ý là quỹ đất không lớn, diện tích bình quân đầu người thấp. 1998 toàn vùng có 720747 ha đất nông nghiệp chiếm 56,9% tổng diện tích toàn vùng. Điều đáng lưu ý là diện tích đất canh tác hàng năm chiếm 86,15% diện tích đất nông nghiệp. Trong đó diện tích đất lúa, lúa màu chiếm 94,9%. Do mật độ dân số giữa các địa phương khác nhau dẫn đến tình trạng số nhân khẩu trên một ha đất nông nghiệp khác nhau ở huyện Gia Lâm (Hà Nội ) có 16,6 người/ha đất nông nghiệp, trong khi đó ở huyện Tiền Hải (Thái Bình) có 8,9 người/ha, ở huyện Vụ Bản (Nam Định) chỉ 3,8 người/ha. Từ sau đổi mới kinh tế, các hộ ngành nghề và dịch vụ ở nông thôn đã phát triển trong các hộ vẫn giữ lại đất nông nghiệp mà họ không muốn từ bỏ ruộng đất. Hà Tây là tỉnh có nhiều làng nghề, ngành nghề truyền thống và ngành nghề mới, thế nhưng diện tích đất nông nghiệp của nhóm hộ chuyên tiểu thủ công nghiệp bằng 65,65% diện tích đất của hộ nông nghiệp, tương tự hộ thương mại bằng 31,14% hộ dịch vụ bằng 51,6%. Hộ phi nông nghiệp khác bằng 25,62%. Còn tình trạng này là do tâm lý của nông dân Việt nam rất gắn bó với ruộng đất, ngay cả khi họ đã chuyển sang hoạt động ngành nghề dịch vụ, nguồn thu nhập chính là từ hoạt động phi nông nghiệp. Sau này có Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (4/1988).Việc giao đất cho xã viên được xác định: Có thời hạn, được giao quyền thừa kế, chuyển nhượng. Nhiều vùng của Đồng Bằng Sông Hồng thực hiện chủ trương chia quỹ đất giao khoán làm hai phần: Thứ nhất phần đất giao trong mức ổn định (phần đất giao vòng 1năm ) phù hợp với điều kiện thâm canh của các hộ xã viên, chủ yếu nhằm đảm bảo nhu cầu cơ bản về lương thực và có điều kiện thanh toán sản lượng khoán. Thứ 2 phần giao thêm trên mức ổn định (phần giao đất vòng 2 năm) là phần đất còn lại sau khi giao vòng 1 và phần đất bao gồm diện tích đầm, hồ lớn, thùng đào, thùng đấu.Phần đất này được giao cho hộ có khả năng về vốn, sức lao động, có kỹ năng sản xuất, kinh nghiệm quản lý… với mức sản lượng khoán cao hơn hoặc đưa ra đấu thầu. Luật Đất đai năm 1993 ban hành và được thể chế hoá bằng Nghị định 64 CP về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài, các địa phương trong vùng Đồng Bằng Sông Hồng đã triển khai thực hiện: Về giao đất, các tỉnh trong vùng đều dựa trên cơ sở giao đất cho hộ xã viên theo Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị. Một số xã thuộc một số tỉnh giao chưa phù hợp vớ Nghị định 64 CP đã tiến hầnh điều chỉnh: như Hải Dương, Hưng Yên có 151 xã chiếm 37% tổng số xã có sự điều chỉnh lại ruộng đất đã giao cho các hộ, về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do điều kiện kỹ thuật và điều kiện khác nên việc cấp giấy chứng nhận tiến hành chậm. Các tỉnh vùng Đồng Bằng Sông Hồng đã tìm các biện pháp khắc phục và tiến độ cấp giấy chứng nhận đảm bảo theo tiến độ chung của cả nước, trừ Thái Bình, ngoại thành Hà Nội có chậm hơn. Theo số liệu điều tra năm 1999 của nhóm chuyên gia thuộc viện kinh tế ở 3 xã của vùng Đồng Bằng Sông Hồng: Xã Quyết Tiến, Kiến Xưong (Thái Bình) là xã thuần trồng lương thực, xã Nam Giang, Nam Trực (Nam Định) là xã có nghề cơ khí phát triển va xã Thanh Xuân, Thanh Hà (Hải Dương) phát triển mạnh cây vải thiếu truyền thống cho thấy ở ba xã này có quỹ đất nông nghiệp bình quân một hộ khác nhau, phương hướng sản xuất khác nhau và tình hình chuyển nhượng đất diễn ra cũng khác nhau. Xã Nam Giang có nghề truyền thồng phát triển, nguồn lao động bị thu hút vào phát triển ngành nghề và là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình, nhưng họ vẫn không bỏ ruộng, ở đây việc chuyển nhượng đất diễn ra không đáng kể. ở xã Quyết Tiến là nơi thuần nông trong đó chủ yếu là trồng lúa. Những hộ làm ăn giỏi, có kinh nghiệm sản xuất, trong đó một số hộ đã bắt đầu mua thêm đất để mở rộng sản xuất , tuy nhiên số hộ này chưa nhiều, mới có 31 hộ chiếm 17% số hộ điều tra. Nhưng ở xã Thanh Xuân là nơi đang phát triển mạnh cây vải thiều hàng hoá, và đem lại hiệu quả cao trên một đơn vị diện tích đang tạo ra động lực thúc đẩy các hộ có vốn, có kinh nghiệm sản xuất mua thêm đất đai đẻ phát triển cây vải thiều. ở đây đã có 113 hộ mua thêm đất chiếm 56,5% tổng số hộ điều tra trong khoảng thời gian từ 1990 trở lại đây, trong đó có 1,5% số hộ mua dưới 360m2 một sào bắc bộ, có 21% số hộ mua từ 360 – 720 m2 có 25,5% số hộ mua từ 720 – 1440m2 và có 8,5% số hộ mua từ 1440 – 7200m2 .những hộ mua đất phần lớn là những hộ có thu nhập cao. Nhóm hộ thứ nhất có thu nhập trên 300 ngàn đồng/khẩu/ tháng ở xã Thanh Xuân có 49 hộ, trong đó có 28 hộ mua thêm đất,chiếm 57,14%.Nhóm hộ thứ hai có thu nhập từ 180 – 300 ngàn đồng/khẩu/ tháng có 79 hộ, trong đó có 45hộ mua thêm đất, chiếm 56,98%. Nhóm thứ ba có mức thu nhập từ 100- 180 ngàn đồng/khẩu/tháng có 57 hộ, trong đó có 31 hộ mua thêm đát chiếm 54,38%. Như vậy, việc chuyển nhượng đất đã xuất hiện ở vùng Đồng Bằng Sông Hồng , nhưng chỉ tập trung ở những nơi sản xuất nông sản hàng hoá sôi động, họ tạo được nguồn nông sản hàng hoá có giá trị kinh tế cao, đem lại nguồn thu nhập lớn trên đơn vị diện tích đất nông nghiệp . Ngoài hình thức chuyển nhượng, hình thức thuê, mượn, đấu thầu ruộng đất cũng đã xẩy ra ở Đồng Bằng Sông Hồng . Huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương có diện tích trồng rau tăng khá nhanh từ 1190 ha năm1991 tăng lên 1777 ha năm 1994 và lên 2398 ha năm 1996 . là huyện có 70% diện tích trên chân ruộng hai vụ lúa được đưa vào trồng vụ đông, trong đó cây rau đông chiếm tỷ trọng đáng kể . Số liệu điều tra của Bộ môn Hệ thống nông nghiệp –Viện Khoa học – Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam cho thấy, trong 5 nhóm hộ có mức diện tích đất canh tác đầu người từ 446m2/người ở nhóm thấp nhất đến 739 m2/ người ở nhóm cao nhất, riêng diện tích gieo trồng rau từ 370m2/người (nhóm 1)và 592m2 /người ( nhóm 5), trong đó diện tích trồng rau vụ đông thấp nhất – 370m2 /người chiếm 78,72% diện tích rau (nhóm 1) là cao nhất 530m2/người, chiếm 89,5% ( nhóm 5). Diện tích trông rau vụ đông một phần trên chân ruộng hai vụ lúa của gia đình và phần còn lại các hộ đã thuê, mượn đất của hộ khác. Đó là các hộ có vốn, có kinh nghiệm sản xuất để trồng các loại rau đông cao cấp.ở các làng nghề truyền thống phát triển , nguồn thu nhập từ ngành nghề tương đương cao và ổnđịnh nhưng họ không bỏ ruộng, trong đó một bộ phận cho các hộ khác thuê, mượn đất ngắn hạn để canh tác với tiền thuê đủ đóng thuế sử dụng đất, số còn lại tiếnhành thuê mượn lao động cầy bừa, câý hái với mục đích giữ lại ruộng đất mà họ không tính toán đến hiệu quả sử dụng đất. Một số hồ, đầm có diện tích tương đối lớn, các thùng đào, thùng đấu, các bãi pháo phòng không thời chống Mỹ . . . các địa phương tổ chức đấu thầu, người thắng thầu tiến hành cải tạo và đưa vào canh tác. Mặc dù là vùng đất chật, người đông, song trong những năm gần đây, dưới nhiều hình thức khác nhau ở Đồng Bằng Sông Hồng tập trung ruộng đất để phát triển kinh tế trang trại. Theo số liệu của tổng cục thống kê 1999 toàn vùng Đồng Bằng Sông Hồng có 4434 trang trại với 12357,7 ha đất, trong đó dất nông nghiệp có 1763,9 ha, riêng diện tích đất canh tác hàng năm có 613,9 ha, đất trông cây lâu năm có 1150 ha. Dất lâm nghiệp có 3410,9 ha, diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản có7058,5 ha và có 124,4 ha đất khác, bình quân một trang trại có 2787 ha. Số liệu điều tra của Sở Nông nghiệp – PTNT Hải phòng 1997 với 625 trang trại, bình quân một trang trại có 9275 ha, trong đó 90,57% là diện tích đấu thầu số còn lại là diện tích chuyển nhượng , thuê, tự khai hoang và diện tích đất khác. Kinh tế trang trại ở vùng Đồng Bằng Sông Hồng được hình thành trên cơ sở đấu thầu các diện tích hồ đầm nước, các thùng đào, thùng đấu, những nơi đất xấu muốn canh tác phải tiến hành cải tạo . . . được giao đất ở những vùng gò đồi, đất trống đồi trọc, chuyển nhượng đất ở những nơi sản xuất nông sản hàng hoá sôi động hoặc khai hoang ở các bãi bồi ven biển, ven sông. Do dặc điểm về thời tiết – khí hậu cùng với những tiến bộ khoa học – công nghệ trong nông nghiệp , nhất là giống mới cho phép vùng Đồng Bằng Sông Hồng tăng thêm hệ số sử dụng ruộng đất với vụ gieo trồng mới. Ngoài vụ xuân, vụ mùa ra 30 năm lại đây vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính của vùng,trên chân ruộng hai vụ luấ có huyện đã đạt 70% vu đông trên chân ruộng hai vụ lúa. Tỷ trọng diện tích một vụ lúa (chiêm hoặc một vụ lúa mùa) giảm xuống nhờ cải tạo và đa lên sản xuất hai vụ, vì vậy mà hệ số sử dụng ruộng đất của vùng tăng lên, nếu năm 1985 vùng Đồng Bằng Sông Hồng mới đạt 1,85 lần đến năm 1998 tăng lên 2,22 lần. Trong đó Thái Bình đạt 2,46 lần, Hà Tây đạt 2,28 lần. Để tăng khả năng quay vòng đất các hộ nông dân ở Đồng Bằng Sông Hồng đã thực hiện xen canh, gối vụ , tăng vụ phát triển chăn nuôi lợn, gia cầm, cá làm thêm ngành, thêm nghề và dịch vụ. Nói chung các hộ nông dân đều tìm mọi cách để tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho gia đình. Để giảm “sức ép” về đất vùng Đồng Bằng Sông Hồng cũng rất quan tâm tới di dân theo kế hoạch đến các vùng miền núi và Tây Nguyên. Song có phần sôi nổi hơn, nhiều người di dân theo tình trạng tự do vào các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội. Tốc độ tăng cơ học về lao động của Hà Nội khá cao, bình quân hàng năm tầm 1,5% tương đương 36000 người/năm, tỷ lệ này có xu hướng gia tăng. Nếu 1995 tốc độ tăng cơ học là 0,8%, năm1997 tăng lên 2.1%. Theo số liệu kiểm kê hộ khẩu của Sở Công an Hà Nội vào thời điểm 1/3/1999 có 233.965 người ngoại tỉnh cư trú trên địa bàn Hà Nội. Trong quá trình chuyển dịch sang nền nông nghiệp hàng hoá vùng Đồng Bằng Sông Hồng đã xuất hiện quá trình chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp theo hướng tích cực và đa dạng, kết hợp với nhiều biện pháp tạo việc làm, trong đó các chương trình quốc gia đã góp phần tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người nông dân trong vùng. Điều đáng nói hiện tượng hộ nông dân không có đất canh tác, hoặc phải cầm cố ruộng đất chưa xảy ra, đời sống của nông dân ngày càng được cải thiện tỷ lệ nghèo thấp và giảm nhanh. Tuy nhiên để giải quyết căn bản về việc làm và tăng thu nhập nhằm nâng cao đời sống cho nông dân vùng Đồng Bằng Sông Hồng cần phải thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu sử dụng ruộng đất , nhất là coi trọng việc tập trung đất nông nghiệp vào tay những người sản xuất có đủ khả năng về vốn và năng lực quản lý, từng bước hình thành , xây dựng những mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả. Mở rộng và phát triển các hoạt động phi nông nghiệp ở nông thôn, coi đó là hoạt động tạo ra nguồn thu nhập cao và ổn định, trên cơ sở đó chuyển ruộng đất cho những người kinh doanh nông nghiệp giỏi. Tạo ra sự phân công lao độnh hợp lý ở nông thôn, từng bước thực hiện có hiệu quả CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn. Từ tình hình trên cho thấy Đồng Bằng Sông Hồng là vùng có ruộng đất vô cùng manh mún. 519,8m2/nhân khẩu, ở một số nơi con số này chỉ là 360m2 .Đặc biệt một số xã như Xuân Tiến, Xuân Thiện huyện Xuân Thuỷ tỉnh Nam Hà diện tích canh tác bình quân trên đầu người là 260m2. Bình quân diện tích trên đầu người có xu hướng bị thu hẹp hơn nữa, bởi hàng năm dân số vùng Đồng Bằng Sông Hồng vẫn tăng với tỷ lệ 2%. Tình trạng 20 người canh tác trên một ha ruộng đất như vậy thì dù có đạt năng suất 12 tấn/ha/ năm cũng chỉ phục vụ nhu cầu ăn chứ chưa có tích luỹ. Nhiều tỉnh ở Đồng Bằng Sông Hồng hộ có số mảnh ruộng cao nhất là 17 mảnh thấp nhất là 7 mảnh, lao động trong nông thôn dư thừa. Nguyên nhân của tình trạng trên là do việc giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai ở vùng Đồng Bằng Sông Hồng đã và đang dược triển khai ỏ các địa phương . Tuy nhiên, một số nơi tiến hành còn chậm, đặc biệt đất đồi, đất rừng tình trạng “vô chủ” vẫn còn lớn. Việc giao đất, giao rừng hiện nay phổ biến vẫn mang nội dung “khoán rừng”. Do vậy gây trở ngại cho việc thực hiện hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ và chưa khai thác tốt tiềm năng của kinh tế hộ nông dân trong việc sử dụng có hiệu quả đất đai . Quá trình đô thị hoá ở nứoc ta đang diễn ra mạnh mẽ. Quá trình đó diễn ra là tất yếu khách quan. Việc mở rộng các đô thị và hình thành các đô thị mới, một mặt tác động tích cực đến sản xuất, cơ cấu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các hộ nông dân, nhưng mặt khác lại làm cho quỹ đất nông nghiệp giảm xuống. Việc lấy đất để mở mang đô thị , để xây dựng cho đến nay vẫn chưa đủ cơ sở pháp lý và những quy định cụ thể trong quản lý đối với những diện tích thuộc loại đất đai đó. Vì vậy, nẩy sinh hiện tượng lấy đất tuỳ tiện, lấy đất không có quy hoạch hoặc không theo quy hoạch, mua bán đất tràn lan. Các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp (chủ yếu là lâm trường , nông trường) trong những năm qua đã có nhiều biến đổi phương thức và nội dung hoạt động, một số đã vươn lên hoạt động có hiệu quả. Tuy vậy việc quản lý và sử dụng đất cũng còn những hạn chế. Các doanh nghiệp nhà nước hiện còn sử dụng qua nhiều quỹ đất nông, lâm nghiệp trong khi đó nông dân ở nhiều nơi không có ruộng đất để sản xuất hàng hoá. II. Những khó khăn và giải pháp về chuyển dịch cơ cấu ruộng đất ở vùng Đồng Bằng Sông Hồng . 1. những khó khăn về chuyển dich cơ cấu ruộng đất ở vùng Đồng Bằng Sông Hồng . * Việc chuyển dịch cơ cấu ruộng đất là một quá trình phức tạp, nan giải, do những mâu thuẫn giữa tích tụ tập trung ruộng đất để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả của việc sử dụng ruộng đất với quy mô ruộng đất của mỗi hộ nông dân quá nhỏ bé phân tán, manh mún đưa đến tình trạng phổ biến tự cấp tự túc; mâu thuẫn giữa yêu cầu thực hiện sự phân công lao động trong nông thôn nói riêng và trên phạm vi xã hội nói chung, để tạo điều kiện di chuyển lao động và vốn kinh doanh với việc người nông dân bị trói chặt vào ruộng đất. Ruộng đất là tài nguyên vô cùng quí giá. vấn đề quan trọng là phải làm thế nào để nâng cao sức sản xuất của ruộng đất. Trong tình hình hiện nay, việc giao đất, sử dụng đất bình quân làm cho đất bị phân chia manh mún nhiều mảnh, điều dó gây cản trở cho quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất vào những người nông dân có vốn. * Cho đến nay việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ được thực hiện sau khi đã hoàn thành và lập được bản đồ các thửa ruộng chính xác, nhưng công việc này đòi hỏi nhiều thời gian. Vì vậy việc cấp giấy chứng nhận thực hiện chậm. Tổng cục địa chính có chủ trương trên cơ sở kết quả đo đạc và bản đồ giác thửa cũ, nếu ruộng đất được giao không có sự tranh chấp thì có thể cấp giấy chứng nhận đến khi có tài liệu đo đạc lại chính xác, chỉ số đối chiếu, trường hợp khác biệt thì sẽ điều chỉnh lại. Việc cấp giấy chứng nhận hiện nay thực hiện trên cơ sở hiện trạng đất đai manh mún (Tỉnh Hà Tây đã giao 83. 422 ha đất cho 418.108 hộ nông dân, bình quân 10 – 15 thửa/hộ). * Việc tích tụ tập trung ruộng đất sẽ dẫn đến tình trạng nhiều người nông dân bán, cho thuê ruộng đất để đi làm thuê. Do cung về lao động trong nông thôn dư thừa mà công ăn việc làm nhiều khi không đáp ứng được nhu cầu về lao động, nên tình trạng lao động càng dư thừa nhiều dẫn đến tâm lý “phi nông bất ổn” người nông dân không muốn tách khỏi ruộng đất để đi làm việc khác, cản trở quá trình tích tụ ruộng đất. * Hộ nông dân với tư cách là một đơn vị kinh tế tự chủ, là chủ thể sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế thị trường và được pháp luật bảo hộ. kinh tế hộ phải là những đơn vị sản xuất hàng hoá khác với chất so với hộ tự cấp tự túc trước kia, phải vươn lên thành những đơn vị kinh doanh tổng hợp trong các lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp và dịch vụ. Kinh tế hộ còn là những đơn vị tích tụ vốn, tài sản và các điều kiện khác để từng bước chuyên môn hoá, tạo thế phân công lao động, hình thành các hình thức kinh tế hợp tác đa dạng trong nền kinh tế nhiều thành phần dưới sự hướng dẫn của luật pháp và chính sách của Nhà nước. Do lịch sử để lại, xuất phát điểm của kinh tế hộ nông dân khi đi vào tự chủ ở trình độ rất thấp. Do vây, muốn tự chủ, kinh tế hộ phải vượt qua được những nhu cầu tất yếu như vấn đề ăn, mặc, ở, học tập đi lại và chi phí cho các mối quan hệ xã hội ở nông thôn . . . hộ tự chủ phải có các điều kiện cơ bản: vốn là khâu quyết định hàng đầu trong qua trình tái sản xuất, phát triển ngành nghề, dịch vụ…; khoa học và công nghệ hiện đại là khâu giữ vai trò quyết định đến năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh và cuối cùng là thị trường – khâu quyết định nhất đối với mở rộng hoặc thu hẹp sản xuất của hộ nông dân. 2. giải pháp về chuyển dịch cơ cấu ruộng đất ở vùng Đồng Bằng Sông Hồng. a, Những nguyên tắc về chuyển dich cơ cấu ruộng đất ở vung Đồng Bằng Sông Hồng . Để khắc phục những khó khăn đó cũng như sự chuyển biến kinh tế xã hội trong những năm tới, những giải pháp về chuyển dịch cơ cấu ruộng đất ở vùng Đồng Bằng Sông Hồng cần phải dựa trên những nguyên tắc sau: * Để đáp ứng các yêu cầu trên ,phải làm hai việc: Về mặt hành chính đó là xử lý , chuyển đổi đất từ các thửa nhỏ, ở xa nhau thành những thửa có kích thước lớn, về mặt kỹ thuật, gắn liền với việc xử lý hình dạng, kích thước thửa ruộng là việc xây dựng hệ thống tưới, tiêu và san ủi mặt bằng. Việc chuyển đổi đất là một công việc rất phức tạp do quan hệ ruộng đất tạo lên,và việc chuyển đổi phải tiến hành đồn thời với một số biện pháp, công việc khác mới phát huy hiệu quả. * Trước khi chuyển đổi đất phải xây dựng quy hoạch sử dụng ruộng đất nông nghiệp cho mục đích phi nông nghiệp, với yêu cầu ít nhất sau 10 năm kể từ khi xử lý không được thay đổi mục đích (do xử lý tốn kém và riêng đất nông nghiệp loại tốt thì không được chuyển mục đích). Việc quy hoạch đất nông nghiệp sử dụng vào muc đich phi nông nghiệp cũng nhằm mục đích kêu gọi đầu tư, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, giảm việc nông dân vào thành phố. Giới hạn tối đa cho diện tích này 30% toàn khu nông nghiệp . * Việc chuyển đổi đất dựa trên nguyên tắc tương ứng về diện tích và giá trị với 3 điều kiện : Đất phi nông nghiệp xen kẽ được chuyển đổi ra khu đất quy hoạch dành cho mục đích phi nông nghiệp. Đất được chuyển đổi tương ứng với đất có sẵn về diện tích, vị trí, giá trị.Trong đó giá trị là yếu tố chính. Mức tăng, giảm của từng người không quá 20%. Yêu cầu của một thửa ruộng sau khi chuyển đổi phải đật diện tích tích tụối thiểu là 500m2 lên 1000m2 sau vài năm lên 2000m2 vài năm sau lên 3000m2 * Về giao quyền sử dụng: nguyên tắc chung là, ruộng đất là sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lý. Nhà nước giao ruộng đất cho hộ nông dân là giao quyền sử dụng ruộng đất. Hộ nông dân sử dụng ruộng đất phải tuân theo luật pháp của nhà nước. Hiện nay, để bảo đảm quyền sử dụng ruộng đất lâu dài và ổn định cho người nông dân, những nơi nào còn có những bất hợp lý lớn cần điều chỉnh bổ sung thêm hoặc rút bớt ra, nhưng không nên rũ rói, xáo trộn, tránh điều chỉnh lớn. Đối với những nơi có biến động về nhân khẩu trong thời gian giao đất, không nên điều chỉnh hoặc bổ xung hoăc rút bớt ruộng đất. Bởi vì, nếu điều chỉnh ruộng khoán theo mức nhân khẩu tăng giảm hàng năm thì ruộng đất sẽ càng ngày phân tán, bất lợi cho sản xuất khiến nông dân không yên tâm phấn khởi trong đầu tư thâm canh phát triển sản xuất. Để khắc phục tình trạng này, các HTX hoặc các cấp chính quyền nên thu hút các lao dộng bằng cách tổ chức các ngành nghề thủ công, các dịch vụ và phát triển công nghiệp chế biến nông sản tại chỗ. Thực tế cho thấy nhiều địa phương, cơ sở đã quan tâm đến vấn đề này và tổ chức làm ăn có hiệu quả. *Việc giải quyết quan hệ ruộng đất trong nông thôn vùng Đồng Bằng Sông Hồng hiện nay phải đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau: Nông dân yên tâm bỏ vốn đầu tư phát triển sản xuất. Tạo điều tích tụ ruộng đất và ruộng đất thực sự trở thành một yếu tố kinh tế quan trọng vận động theo hướng kinh doanh hàng hoá. Thúc đẩy đươ sản xuất nông nghiệp, lên sản xuất hàng hoá. b, Những giải pháp chủ yếu về vấn đề chuyển dịch cơ cấu ruộng đất ở vùng Đồng Bằng Sông Hồng. Một là, thừa nhận về mặt pháp lý đất đai là hàng hoá đặc biệt. Xét về nguồn gốc, đất đai là sản phẩm tự nhiên có trước lao dộng và do vậy là tài sản chung của xã hội. Trong quá trình vận động, đất biến thành ruộng đất , là yếu tố quan trọng tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp thông qua hoạt động cuả con người trong những điều kiện xã hội nhất dịnh. Do đó, ruộng đất là yếu tố tự nhiên, kinh tế – xã hội của ruộng đất có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc giải phóng chính bản thân ruộng đất thoát khỏi sự ràng buộc phi kinh tế vận động trong nền kinh tế hàng hoá. Đã có một thời gian dài chúng ta chỉ nhấn mạnh một chiều rằng ruộng đất là của chung toàn xã hội. Mặc dù chúng ta nói rằng người làm ruộng phải được làm chủ ruộng đồng, nhưng chúng ta quan niệm ruộng đất là của chung mà không xác định cụ thể về quyền sử dụng và do đó dẫn đến hậu quả là quyền làm chủ ruộng đất rất mơ hồ và ruộng đất trở thành “vô chủ”. Khác với nhiều tư liệu sản xuất khác, ruộng đất là tư liệu sản xuất đặc biệt xét về phương diện tự nhiên, kinh tế-xã hội. Từ đó đặt giá vấn đề là phải xác lập một cơ chế thực hiện quyền sở hữu ruộng đất sao cho phù hợp, có nghĩa là xác lập cách thức tạo ra sự thống nhất giữa hai quyền năng: quyền sở hữu pháp lý và quyền sở hữu thực tế về ruộng đất (quyền sử dụng). Hai quyền năng đó thể hiện ở hai mặt: mặt quản lý ruộng đất và mặt kinh tế của ruộng đất. Hai quyền năng đó chỉ được tách ra khi phân chia kết quả sản xuất. Với sự thừa nhận như vậy và trong môi trường kinh tế hàng hoá, để đảm bảo sự thống nhất giữa hai quyền trên đây thì tất yếu phải biến ruộng đất thành một yếu tố kinh tế, tức là ruộng đất phải được lưu thông tự do để đảm bảo khả năng sinh lợi. Ruộng đất là yếu tố quan trọng của quá trình tái sản xuất nông nghiệp, trong khi sản phẩm nông nghiệp được sản xuất ra ở trên đất là hàng hoá, các yếu tố khác tham gia vào quá trình đó là hàng hoá thì rõ ràng ruộng đất cũng là hàng hoá và đó là loại hàng hoá đặc biệt. Giá trị hàng hoá đặc biệt này được kết tinh vào giá trị sản phẩm được tạo ra ở trên đất. Đó cũng chính là điều kiện cơ bản để giải phóng ruộng đất khỏi các ràng buộc kinh tế, kích thích di chuyển vốn kinh doanh, tạo điều kiện tổ chức nghề nông thành một nghề thương phẩm. Như vây, thực chất của việc trao đổi, mua bán, cho thuê ruộng đất là sự thay đổi cách thức thực hiện lợi ích kinh tế từ việc thực hiện quyền sở hữu đó mà thôi. Ruộng đất trở thành hàng hoá, được mua bán, cho thê không những sẽ tạo cơ hội cho việc tích tụ tập trung ruộng đất mà còn là một nhân tố phát huy sức mạnh của kinh tế tiền tệ trong việc phá vỡ cấu trúc kinh tế tự nhiên, từng bước hình thành cấu trúc kinh tế hàng hoá nông nghiệp. Trong việc mua bán, cho thuê ruộng đất, giá cả ruộng đất là loại giá cả đặc biệt, như C.Mác đã nói loại “ giá cả phi lý” với cơ sở kinh tế là “tư bản hoá địa tô”. Loại giá cả này xuất hiện khi tất yếu kinh tế đòi hỏi ruộng đất phải được trao đổi, chuyển nhượng nhằm giải phóng chính bản thân nó. Giá cả ruộng đất hình thành do tác động của quy luật cung cầu, quy luật giá trị. Về thực chất, giá cả ruộng đất là số chi phí mà người có nhu cầu sử dụng ruộng đất phải trả cho người được quyền bán hoặc cho thuê số ruộng đất đó. Đến một trình độ nhất định của kinh tế hàng hoá trong nông thôn, thì sự trao đổi này sẽ phát triển thành hình thức trao đổi các loại giấy có giá trị mà cơ sở pháp lý của nó là giấy chứng nhận quyền sự dụng ruộng đất của công dân. Cũng từ đó ngân hàng chuyên doanh ruộng đất ra đời tham gia vào thị trường ruộng đất. Như vậy, đối với nước ta hiện nay một vấn đề cấp bách là khẩn trương nghiên cứu, từng bước quy định và thực hiện tiền tệ hoá quan hệ ruộng đất nói chung, trong nông, lâm, thuỷ sản nói riêng. Thực hiện đúng nguyên tắc: mọi tổ chức và cá nhân sử dụng ruộng đất phải trả tiền theo quy định của Nhà nước. Làm như vậy sẽ tránh được tình trạng lãng phí, tiêu cực trong việc quản lý và sử dụng đất đai. Hai là, nghiên cứu và ban hành các văn bản pháp quy có liên quan đến các quyền sử dụng, chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp và thừa kế. Đó là những quy định về giá đất, thuế sử dụng đất, thuế chuyển đổi, chuyển nhượng và cho thuê, cũng như các quy định về mức thế chấp và đối tượng được hưởng quyền thừa kế. Đây là cơ sở pháp lý, vì nếu thiếu cơ sở đó và các trình tự thi hành các quyền đó sẽ gây trở ngại cho các cơ quan quản lý đất đai, cho người sử dụng đất, làm cho sự vận động của đất đai trong hoạt động sản xuất kinh doanh không theo đúng quỹ đạo, nằm ngoài sự quản lý của nhà nước. Pháp lý hoá các quyền trên đây sẽ phát huy ý thức tự chủ, khả năng sáng tạo của người nông dân trong việc sử dụng ruộng đất với quan niệm ruộng đất là máu thịt của mình. Cũng từ đó mà quy định mức sử phạt các hành vi vi phạm Luật đất đai, nhất là những hiện tượng mua bán đất đai trái với pháp luật, phát canh thu tô, chiếm đoạt đất đai gây thiệt hại cho Nhà nước. Ba là, khẩn trương giao đất và chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ thể. Đây cũng là một vấn đề rất cấp bách hiện nay. Theo tài liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố đầu năm 1996, việc tiến hành giao cho hộ nông nghiệp về đất nông nghiệp được 9% diện tích đất lâm nghiệp 10% diện tích. Khoảng 30% nông hộ được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, như vậy tiến hành còn chậm. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu vốn, thiếu cán bộ có trình độ nghiệp vụ cần thiết, một số tranh chấp riêng còn chưa giải quyết xong, nguồn gốc đất đai còn chưa xác định rõ, việc tổ chức thực hiện ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, chưa có chính sách thoả đáng để khuyến khích nông dân nhận đất, rừng để sử dụng, quản lý và bảo vệ. Trong những năm trước mắt, đòi hỏi phải giao đất nông nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tất cả các hệ nông dân và các tổ chức; đồng thời đẩy mạnh giao đất, giao rừng cho các tổ chức và các hộ nông dân; trên cơ sở đó góp phần ổn định việc sử dụng đất, các chủ nhận đất yên tâm sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện quản lý đất đai của các cơ quan chức năng của Nhà nước. Thực hiện đầy đủ nguyên tắc: tất cả các vùng đất, khoảnh đất đều có chủ cụ thể. Bốn là, cần có giải pháp phù hợp đối với đất đai trong các doanh nghiệp nông nghiệp nhà nước. Trên cơ sở đó quy hoạch cụ thể về đất đai, các doanh nghiệp cần thiết làm việc với các cấp chính quyền địa phương để xác định phần đất dôi ra giao cho nông dân trong vùng, chấm dứt tình trạng các doanh nghiệp nhà nước không sử dụng hết đất đem cho thuê hoặc ban phát theo kiểu “phát canh thu tô”. Đất cho doanh nghiệp nông nghiệp nhà nước quản lý có thể được sử dụng nhiều hình thức khác nhau: giao khoán, đấu thầu, cổ phần hoá; tuy nhiên phải quan tâm đến những gia đình công nhân đã gắn bó với doanh nghiệp. Vấn đề quan trọng là phân tích rõ trách nhiệm và lợi ích giữa chủ sử dụng đất và doanh nghiệp là quan hệ hợp đồng mua bán sản phẩm và dịch vụ. Càng xác định hợp lý quan hệ trên, càng ngăn được hiện tượng tiêu cực, gò ép trong quan hệ ruộng đất. Năm là, đổi mới tổ chức và hoạt động của các hợp tác xã đã thành lập trước đây, phát triển các hợp tác xã đa dạng phù hợp với nguyện vọng của nông dân nhằm tăng cường tính tự chủ của kinh tế hộ nông dân, về sử dụng đất đai để phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới. Sáu là, quản lý tốt đất đai trong quá trình đô thị hoá. Quỹ đất nông nghiệp ngày càng giảm dần do nhiêu nguyên nhân, trong đó một nguyên nhân quan trọng là qúa trình đô thị hoá. Thực tế trong những năm qua cho thấy quá trình đó nẩy sinh nhiều mặt phức tạp. Vì vậy để quản lý tốt đất đai trong quá trình đô thị hoá cần làm tốt các mặt sau đây: sớm quy hoạch các đô thị hoá và điều tiết thị trường đất đai, ngăn chặn tình trạng đầu cơ lấn chiếm, buôn bán trao tay để tăng thu ngân sách cho Nhà nước. Đối với các cơ quan, đơn vị kinh tế của Nhà nướcđược cấp đất để sử dụng cũng cần phải điều tiết, ngăn chặn việc cấp đất tràn lan, tuỳ tiện. Bảy là, nghiên cứu, bổ xung mức hạn điền đối với đất nông nghiệp. Nền nông nghiệp vận động theo xu thế sản xuất hàng hoá tất yếu sẽ dẫn đến quá trình tích tụ đất đai phân công lại lao động ở nông thôn. Để thực hiện “ai giỏi nghề gì làm nghề đó”, đối với những hộ có tiềm lực và khả năng kinh doanh nông nghiệp sẽ tập chung ruộng đất, còn những hộ kinh doanh nông nghiệp không có hiệu quả sẽ chuyển nhượng ruộng đất để kinh doanh nghề khác phù hợp hơn. Mức diện tích ruộng đất đó được quy định có khác nhau giữa đồng bằng, trung du và miền núi, giữa miền bắc và miền nam và giữa các đối tượng sản xuất kinh doanh khác nhau. Tám là: Phát triển công nghiệp và các ngành nghề ở nông thôn nhằm thu hút lao động sau khi chuyển đổi ruộng đất. Tóm lại, giải quyết tốt mối quan hệ ruộng đất là cơ sở quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn nước ta. Việc giải quyết quan hệ đó theo yêu cầu: một mặt, phải tiếp tục đổi mới, bổ xung và hoàn thiện các chính sách đất đai (Luật Đất đai cũng như các văn bản dưới luật); mặt khác giải quyết đồng bộ hệ thống chính sách kinh tế-xã hội nhằm làm cho quan hệ ruộng đất vận động phù hợp với cơ chế kinh tế mới, tác động tích cực cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, cho cuộc sống công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. Kết luận Từ thực trạng chuyển đổi ruộng đất ở vùng Đồng Bằng Sông Hồng hiện nay, mặc dù đã có những giải pháp khắc phục, nhưng tình trạng ruộng đất vô cùng manh mún, quy mô ruộng đất của các hộ nông dân nhỏ bé, phân thành nhiều thửa dẫn đến tình trạng phổ biến tự cung tự cấp, phân công lao động xã hội diễn ra chậm chạp. Việc chuyển nông nghiệp từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hoá, hoạt động trong cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Đòi hỏi việc tập chung ruộng đất ở vùng Đồng Bằng Sông Hồng là một tất yếu khách quan và cần thiết. Điều đó cho phép người nông dân từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hoá, tạo điều kiện ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, giải phóng lao động khỏi sản xuất nông nghiệp ở nông thôn. Tài liệu tham khảo Tạp chí nghiên cứu kinh tế (số 193,246) Tạp chí địa chính (số 15,17) Tạp chí nông nghiệp nông thôn Các số tạp chí kinh tế quản lý Tạp chí những vấn đề kinh tế thế giới (số 4) Tạp chí kinh tế nông thôn Tạp chí công nghiệp hóa hiện đại hoá nông thôn Tạp chí nông nghiệp và phát triển nông thôn (số 1/2001) Giáo trình kinh tế nông nghiệp Giáo trình kinh tế nông thôn Giáo trình phân tích chính sách

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • doc35159.doc
Tài liệu liên quan