Đề xuất xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với nghề muối và các di tích thờ bà chúa Muối ở Thái Thụy (Thái Vình)

KẾT LUẬN Các di tích gắn với tục thờ Bà Chúa Muối tại xã Thụy Hải, Thái Thụy, Thái Bình là những điểm đến mới lạ, ở đó chứa đựng các giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng, gắn liền với bao thăng trầm lịch sử của người dân địa phương. Tuy nhiên, Thái Thụy nói riêng và Thái Bình nói chung đang trên đà phát triển nên còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về nhiều mặt. Do đó để khai thác tốt các di tích phục vụ cho việc phát triển du lịch thì các cấp chính quyền địa phương cần có sự quan tâm, đầu tư hơn nữa và có những biện pháp bảo tồn, tu bổ, khôi phục các di tích, để trong tương lai gần nhất, các di tích này sẽ trở thành điểm đến, điểm kết nối trong các chương trình du lịch và xa hơn là phát triển thành một điểm du lịch độc lập, đón khách đến thăm và tham gia vào một loại hình du lịch mới, du lịch cộng đồng.

pdf15 trang | Chia sẻ: hachi492 | Ngày: 10/01/2022 | Lượt xem: 493 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề xuất xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với nghề muối và các di tích thờ bà chúa Muối ở Thái Thụy (Thái Vình), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
49 TẠP CHÍ KHOA HỌC, SỐ 33, THÁNG 3/2019 ĐỀ XUẤT XÂY DỰNG MÔ HÌNH DU LỊCH CỘNG ĐỒNG GẮN VỚI NGHỀ MUỐI VÀ CÁC DI TÍCH THỜ BÀ CHÚA MUỐI Ở THÁI THỤY (THÁI BÌNH) Bùi Thúy Hằng Khoa Du lịch Email: hangbt@dhhp.edu.vn Nguyễn Thị Thúy Anh Khoa Du lịch Email: anhntt@dhhp.edu.vn Ngày nhận bài: 02/01/2019 Ngày PB đánh giá: 29/01/2019 Ngày duyệt đăng: 10/02/2019 TÓM TẮT Tục thờ Bà Chúa Muối là một tục thờ dân gian không chỉ gắn liền với đời sống của những người dân làm muối mà còn là một phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt tín ngưỡng của người dân Thái Thụy nói riêng và người dân Thái Bình nói chung. Việc bảo tồn và phát huy tục thờ Bà Chúa Muối trong suốt hơn 700 năm qua đã góp phần làm phong phú đời sống sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cư dân nơi đây. Trên cơ sở làm rõ về nguồn gốc, quá trình phát triển và giá trị của các di tích gắn với tục thờ Bà Chúa Muối, bài viết sẽ tập trung vào việc tìm ra một hướng đi mới - Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với nghề muối và các di tích thờ Bà Chúa Muối ở Thái Thụy (Thái Bình) để góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị của tục thờ Bà Chúa Muối và nghề muối truyền thống. Từ khóa: du lịch cộng đồng, nghề muối, tục thờ Bà Chúa Muối PROPOSED BUILDING A MODEL OF COMMUNITY TOURISM ASSOCIATED WITH SALT INDUSTRY AND THE RELICS WORSHIP OF BA CHUA MUOI IN THAI THUY (THAI BINH) ABSTRACT The worship of Ba Chua Muoi (the goddess of salt) is a tradition not only associated with the life of the salt-making people but also an integral part of the religious life of Thai Thuy in particular and the Thai Binh people in general. Over the past 700 years, the preservation and promotion of the worship of Ba Chua Muoi (the goddess of salt) has contributed to the enrichment of the religious life of the residents in this province. On the basis of clarification of the origin, development and value of relics 50 TRƯỜNG ĐẠI HỌC HẢI PHÒNG associated with the worship of Ba Chua Muoi, the article will focus on finding a new direction – Building a model of community tourism Associated with salt production and worship relics of Ba Chua Muoi in Thai Thuy (Thai Binh) to contribute to the preservation and promotion of the values of the worship of Ba Chua Muoi and traditional salt production. Keywords: community tourism, salt production, worship of Ba Chua Muoi (the goddess of salt). I. ĐẶT VẤN ĐỀ Thái Thụy là một trong 8 đơn vị hành chính cấp huyện của Thái Bình. Thái Thụy có 47 xã và 1 thị trấn, trong đó Thụy Hải hiện nay là xã duy nhất của huyện Thái Thụy nói riêng và tỉnh Thái Bình nói chung còn duy trì nghề làm muối truyền thống. Thụy Hải là một làng biển thuần chất, người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề làm muối và đánh bắt thủy hải sản. Nếu có cuộc bình chọn về nghề vất vả nhất trong các nghề của người dân Việt Nam, chắc hẳn không ít người sẽ bỏ phiếu bình chọn cho nghề muối của những người diêm dân. Nghề muối - nghề của những nhọc nhằn, khổ cực, của những giọt mồ hôi kết đọng trên vai áo cùng với những hạt muối được kết tinh trên ruộng đồng. Khi cái nắng chói chang nhất, cũng là lúc mà người diêm dân ra đồng làm việc mà trong lòng không nguôi lo lắng về thời tiết. Trời đang nắng hảnh mà bỗng dưng mưa rào là bao công sức của người dân cùng chung số phận với những hạt muối trắng tinh bị mưa trời cuốn đi. Về với cánh đồng muối ở Thụy Hải (Thái Bình), chúng ta sẽ thấy những cánh đồng muối bị bỏ hoang cho cỏ mọc một cách rất hoang phí do những nhọc nhằn vất vả của nghề vẫn không thể nuôi sống được người dân. Nghề muối đang đứng trước sự bấp bênh với nhiều khó khăn và có nguy cơ bị mai một nếu không có sự tham gia vào cuộc của các cấp, các ngành tìm ra một hướng đi mới, để hy vọng giữ được sự tồn tại của nghề mà cha ông để lại. Một trong những hướng đi mới chính là đưa du lịch đến gần với người dân hơn, để người dân tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch mà cụ thể đó chính là loại hình du lịch cộng đồng. Hiện nay, trên địa bàn của huyện Thái Thụy, mà cụ thể là ở xã Thụy Hải, có di tích gắn với tục thờ Bà Chúa Muối đang ngày càng nhận được sự quan tâm, chú ý, thu hút khách thập phương đến thăm. Bởi lẽ, đây không chỉ là những công trình kiến trúc độc đáo, khác biệt mà còn ẩn chứa trong đó là bao giá trị lịch sử, giá trị tâm linh. Mặt khác, những di tích này còn có giá trị khai thác để phục vụ cho hoạt động du lịch trong tương lai, nếu có những định hướng, đầu tư và quan tâm đúng mức của các cấp chính quyền địa phương. Tuy nhiên hiện nay, các di tích gắn với tục thờ Bà Chúa Muối chưa được quan tâm đúng mức và vẫn chưa được khai thác một cách hiệu quả nhằm phát huy những giá trị vốn có của di tích. Từ thực tế trên cho thấy, việc nghiên cứu vấn đề “Đề xuất xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với nghề muối và các di tích thờ Bà Chúa Muối ở Thái Thụy (Thái Bình)” có thể được xem là hướng đi mới góp phần gìn giữ nghề muối truyền thống và thúc đẩy phát triển du lịch, thay đổi diện 51 TẠP CHÍ KHOA HỌC, SỐ 33, THÁNG 3/2019 mạo của Thái Thụy nói riêng và của toàn tỉnh Thái Bình nói chung. II. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU 1. Khái quát về nghề làm muối ở Thái Thụy (Thái Bình) Làm muối là nghề truyền thống của địa phương được duy trì hàng trăm năm nay. Trước kia, cả xã Thụy Hải cùng làm muối. Lao động sản xuất muối ở đây chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em từ 11- 16 tuổi. Sản xuất muối cực nhọc, vất vả, nhưng thu nhập thấp và không ổn định. Công nghệ sản xuất trước kia lạc hậu, hầu hết các công đoạn làm muối duy trì theo phương pháp thủ công, truyền thống “phương pháp phơi cát”. Quy trình sản xuất muối phơi cát: Nước biển được đưa vào sân phơi qua hệ thống cống mương bằng thủy triều. Trên bề mặt sân phơi đã rải một lớp cát mỏng làm trung gian để nhận nhiệt bức xạ mặt trời và muối từ nước biển. Nước biển ngấm từ dưới lên vào trong lớp cát sẽ được bay hơi tạo ra cát mặn. Cát mặn được thu lại, dùng nước chạt (một loại nước muối gần kết tinh, có nhiệt độ khoảng 40 – 500C, rất giàu chất khoáng, nếu tắm rất có lợi cho sức khỏe) có nồng độ thấp hoặc nước biển hòa tan muối để lấy được nước chạt có nồng độ cao hơn trong một thiết bị gọi là chạt lọc. Nước chạt thu được chảy vào chỗ chứa gọi là thống con, thống cái. Sau đó nước chạt nồng độ cao được múc lên ô kết tinh để phơi tạo thành muối. Muối được cào, gom và thu lại chuyển vào kho chứa bằng xe cút kít hoặc bằng thúng gánh [11]. Phương pháp làm muối truyền thống của diêm dân Thụy Hải có nhiều hạn chế, sản lượng và năng suất thấp. Muối do diêm dân sản xuất đều là muối có nhiều tạp chất, hàm lượng natri clorua không đạt tiêu chuẩn dùng trong công nghiệp. Từ năm 2011- 2013, xã Thụy Hải được tiếp nhận Dự án “Xây dựng mô hình Tổ hợp tác và áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất muối sạch” tại Hợp tác xã Đại Đồng do Trung tâm Khuyến nông Thái Bình triển khai. Tham gia thực hiện dự án, diêm dân đã xây dựng được Tổ hợp tác để hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đồng thời áp dụng công nghệ mới, thay đổi vị trí chạt lọc truyền thống từ sát ô kết tinh ra giữa ruộng phơi cát để giảm nhẹ sức lao động, và phơi nước muối đã cô đặc trên nền bạt HDPE. Những công đoạn này đã giảm được sức lao động vì không phải dùng xe cút kít để vận chuyển cát và cải thiện chất lượng sản phẩm vì muối phơi trên nền bạt HDPE sẽ trắng và ít tạp chất hơn [11]. Công nghệ sản xuất muối được cải tiến giúp năng suất và chất lượng muối nâng lên đáng kể, đời sống diêm dân phần nào được cải thiện... Tuy nhiên, diêm dân ngày càng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết không theo quy luật mùa. Năm 2014, các tháng 4,5,6,7,8 là mùa sản xuất muối chính song chỉ có từ 02 đến 08 ngày sản xuất được muối trong một tháng, nắng thì gián đoạn xen kẽ, nhiệt độ lại cao oi bức nên rất khó khăn cho người sản xuất muối. Mặt khác, nghề sản xuất muối phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên và độ mặn nước biển, do lượng mưa hàng năm tăng cao cùng hệ thống kênh mương thuỷ lợi và tiêu nước thải dân sinh, công nghiệp nên lượng nước thải theo các cửa sông đổ ra biển rất lớn đã đẩy tầng nước mặn ra xa, dẫn đến khó đưa nước mặn vào đồng muối để sản xuất. Trong nội đồng, kênh tiêu 52 TRƯỜNG ĐẠI HỌC HẢI PHÒNG Hình 1. Sơ đồ quy trình sản xuất muối phơi cát (Nguồn: Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối) Nước biển Hệ điều tiết Hệ thống thủy lợi Mao dẫn(thấm) Sân cát (phơi cát) Kết tinh Nước chạt (nồng độ cao) Bể chạt lọc Thu cát Kho chứa Thu muối (muối ướt) Nước ót Cát Nước chế chạt nồng độ thấp Nước biển Muối thành phẩm lại phải tiêu chung nước thải dân sinh của khu dân cư, nguồn nước bị phân huỷ giảm độ mặn nên đã giảm năng suất muối đáng kể. Ngoài ra, những năm qua, một lượng lớn muối từ nơi khác được chuyển về địa phương bán với giá rẻ cạnh tranh với muối sản xuất tại địa phương, do vậy muối của hợp tác xã sản xuất ra rất khó tiêu thụ và thu nhập ngày công của xã viên rất thấp. Thu nhập bình quân 01 lao động chỉ từ 250.000 - 500.000 đồng/tháng, trong khi nghề sản xuất muối đòi hỏi lực lượng lao động khỏe mạnh vì phải thực hiện xong các khâu sản xuất và thu hoạch trong một ngày (làm ngày 53 TẠP CHÍ KHOA HỌC, SỐ 33, THÁNG 3/2019 nào thu xong ngày đó không thể để lưu sang ngày hôm sau) và phải lao động trong môi trường nắng nóng khắc nghiệt. Thực tế những năm vừa qua, nguồn nhân lực của hợp tác xã hết sức khó khăn, số lao động còn đang làm muối có tuổi đời cao từ 50 tuổi trở lên, nhiều hộ không có lao động để tiếp tục làm muối nên đã bỏ sản xuất. Tính đến thời điểm này, hợp tác xã Đại Đồng sử dụng 39,7 ha sân cát sản xuất muối và 7,7 ha thiết bị và ô phơi muối (chưa tính diện tích giao thông, thuỷ lợi) và 10 ha đầm nuôi thuỷ sản nội đồng). Qua thống kê của Trung tâm khuyến nông Thái Bình, đến nay đã có 48 hộ, tương đương 6,5 ha không còn sản xuất muối, để cỏ mọc gây lãng phí quỹ đất. Nghề muối tỉnh Thái Bình đang đứng trước nhiều khó khăn và có nguy cơ mai một nếu không có sự vào cuộc của các cấp, các ngành. 2. Khái quát về tục thờ Bà Chúa Muối ở Thái Thụy (Thái Bình) 2.1. Nguồn gốc của tục thờ Bà Chúa Muối ở Thái Thụy (Thái Bình). Tục thờ Bà Chúa Muối đã có cách ngày nay mấy trăm năm. Bà Chúa Muối tức Tam phi Nguyễn Thị Nguyệt Ảnh là vợ ba của vua Trần Anh Tông, sinh năm 1280 tại Trang Quang Lang nay là thôn Quang Lang Đoài, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình trong một gia đình làm nghề muối. Từ nhỏ bà là người có tài mạo khác thường, học rộng, biết nhiều, nhan sắc hơn người. Thấy việc đồng áng vất vả, muốn giúp bố mẹ nhưng mỗi lần bà ra ruộng mây đen kéo đến che rợp cả một vùng vì thế dân làng đã bàn kế đóng cho bà chiếc thuyền mang muối đi buôn ở các vùng xa. Trong một lần thuyền của bà đỗ tại bến Long Biên, quan quân của Vua Trần Anh Tông đã phát hiện ra bà tuyệt sắc giai nhân. Bà đã được vua Trần đưa về cung làm vợ và phong làm Đệ Tam Cung Phi. Bà được Vua Trần Anh Tông rất sủng ái, sau đó có thai nhưng thai nhi đã qua 9 tháng 10 ngày mà vẫn không sinh đẻ được. Vua Trần cho rước bà về quê ngoại ở Quang Lang, hy vọng chút khí biển mát lành may ra cứu vớt được thai nhi và bà. Thấy bà chiều nào cũng ngồi bên cửa sổ nhìn ra cánh đồng muối của làng, lũ trẻ mục đồng hò nhau lấy bồ cỏ làm người nộm vây quanh nhẩy múa để bà bớt nỗi buồn. Nhìn lũ trẻ nhẩy múa rất vui, bà mỉm cười rồi qua đời vào ngày 14 tháng tư năm Mậu Tuất. Để tưởng nhớ bà, vua Trần Anh Tông đã cho lập đền thờ và tổ chức lễ hội vào ngày 14 tháng 4 âm lịch hàng năm [5; 17-36]. Cuộc đời của Bà Chúa Muối, từ lúc sinh thời đến khi bà qua đời đều gắn bó với cánh đồng muối mặn mòi của thôn Quang Lang. Mặc dù lúc sinh thời, bà không trực tiếp tham gia vào việc sản xuất ra những hạt muối biển nhưng bà đã có công lớn trong việc đưa hạt muối quê hương đến các địa phương khác nhau. Chính vì công lao to lớn ấy của bà, nên khi bà thoát tục, dân làng đã suy tôn lên làm Thành Hoàng làng và thường gọi bà dưới cái tên đầy sự tôn kính “Bà Chúa Muối”. Là người con của đất Quang Lang nhưng vì thương bố mẹ tảo tần sớm hôm với nghề muối, Bà Chúa Muối (Nguyễn Thị Nguyệt Ảnh) đã cùng gia đình xuống mảnh đất Tam Đồng để lập nghiệp. Tam Đồng giống như quê hương thứ hai của bà. Do vậy, khi bà qua đời (ngày 14 tháng 4 năm Mậu Tuất), dân làng của cả hai nơi đều lập đền và phủ thờ để tưởng nhớ bà. 2.2. Việc thờ cúng Bà Chúa Muối Thái Bình là nơi duy nhất trên dải đất chữ “S” Việt Nam có phủ và đền thờ Bà Chúa Muối. Tại các di tích này đều có đặt 54 TRƯỜNG ĐẠI HỌC HẢI PHÒNG tượng Bà Chúa Muối, tuy nhiên quy mô di tích còn tương đối nhỏ không được nguy nga, tráng lệ như các di tích khác trong tín ngưỡng thờ Mẫu, hay gần hơn là so với các di tích thờ Nữ thần nói chung. * Đền thờ Bà Chúa Muối trong khuôn viên chùa Hưng Quốc - Vị trí tọa lạc: Đền thờ Bà Chúa Muối là một công trình kiến trúc đặc biệt kết hợp giữa đền và chùa, tọa lạc trên mảnh đất Trang Quang Lang, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. - Lịch sử xây dựng: Sau khi Tam Phi Nguyễn Thị Nguyệt Ảnh mất, vua Trần Anh Tông ra chiếu cho xây dựng đền thờ bà tại thôn Quang Lang. Do bị xuống cấp, năm 1963 đền thờ Bà Chúa Muối bị tháo bỏ, đến năm 1998 người dân đã xây tạm căn nhà nhỏ thờ Chúa trong khuôn viên chùa Hưng Quốc. Năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định khôi phục lại đền thờ Bà Chúa Muối. Nhân dịp đại lễ tưởng niệm 705 năm Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn trở thành Thủy Tổ Thiền Trúc Lâm Yên Tử (năm 1308). Ngài là phụ vương của vua Trần Anh Tông, bố chồng của Tam Phi Nguyễn Thị Nguyệt Ảnh (tức Bà Chúa Muối). Đảng ủy và chính quyền xã Thụy Hải long trọng tổ chức lễ khánh thành Đền thờ Bà Chúa Muối, rước bà về thờ tại chính nơi xa xưa nhân dân đã phụng thờ bà [9]. - Bố cục di tích: Đây là một di tích rất đặc biệt có sự kết hợp của cả đền và chùa. Chùa quay hướng Bắc là nơi thờ Đức Phật Thích ca Mầu Ni. Đền quay hướng Nam là nơi thờ thánh Mẫu Tam Phi Nguyễn Thị Nguyệt Ảnh (tức Bà Chúa Muối). Hình 2. Sơ đồ bố cục mặt bằng chùa Thái Bình Hưng Quốc (Nguồn: Điều tra thực tế của tác giả năm 2018) 55 TẠP CHÍ KHOA HỌC, SỐ 33, THÁNG 3/2019 Đền thờ Bà Chúa Muối nằm trong khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng của chùa Thái Bình Hưng Quốc. Đền thờ Bà Chùa Muối: Nằm ở phía trước chùa Thái Bình Hưng Quốc. Ngôi đền có kết cấu chữ đinh 2 tòa 7 gian. Bái đường gồm 5 gian hai chái và hai hậu cung. Mái của ngôi đền được lợp bằng ngói vảy rồng. Bài trí trong đền thờ khá đơn giản. Chính giữa là ban thờ Bà Chúa Muối với tượng Bà Chúa Muối được đặt trong khám thờ trang nghiêm. Bên trái của ban thờ Bà Chúa Muối là ban thờ vua Trần Anh Tông. Bên phải thờ thân phụ, thân mẫu của Bà. Hai bên ban thờ Bà Chúa Muối có đường đi vào thông với chùa Thái Bình Hưng Quốc. * Phủ thờ Bà Chúa Muối ở thôn Tam Đồng - Vị trí tọa lạc: Phủ thờ Bà Chúa Muối tọa lạc tại thôn Tam Đồng, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, Thái Bình. Theo lời kể của những người dân nơi đây, thế hệ cha ông ngày trước xây dựng phủ thờ bà tại Tam Đồng với hướng quay ra cánh đồng muối như để Chúa được ngày ngày ngắm nhìn cánh đồng muối quê hương. Nơi đây, cũng chính là nơi bà đã cùng cha mẹ làm ăn, sinh sống, gắn bó với nghề muối bao năm. - Lịch sử xây dựng: Sau khi tam phi Nguyễn Thị Nguyệt Ảnh mất, người dân tại thôn Tam Đồng đã cho xây dựng phủ để làm nơi thờ bà. Hơn 700 năm tồn tại, trải qua bao thăng trầm của lịch sử và biến cố của thời gian, ngày 15/5/2006, UBND tỉnh Thái Bình đã ra quyết định số 721 – QĐUB cho phép trùng tu xây dựng lại ngôi phủ. Việc tổ chức xây dựng có các tiểu ban, huy động vốn, giải phóng mặt bằng và xây dựng. Lễ khởi công xây dựng vào ngày 24/3/2007 và chính thức khánh thành vào 14/10/2007 [10]. Hình 3. Sơ đồ bố cục mặt bằng Phủ thờ Bà Chúa Muối (Nguồn: Tác giả, năm 2018) Bố cục di tích: Phủ thờ Bà Chúa Muối tọa lạc trong một khuôn viên nhỏ hẹp hơn so với đền thờ Bà Chúa Muối. Có 2 cổng để đi vào di tích. Cổng chính được xây dựng trên đường trục chính thẳng với chính điện. Cổng phụ dành cho khách thập phương có thể đi vào để gửi xe. Bước qua cổng chính là lư hương được đặt tại chính giữa sân. Phủ thờ Bà Chúa Muối tuy có quy mô nhỏ nhưng được bài trí rất trang nghiêm với ban 56 TRƯỜNG ĐẠI HỌC HẢI PHÒNG thờ Bà Chúa Muối ở chính giữa, hai bên là ban thờ thân phụ, thân mẫu của bà. Phủ có kiến trúc gỗ, uy linh với những nét chạm bong kênh tinh tế trên các cấu kiện vì kèo, bẩy hiên, đầu dư, kẻ góc. Mái của phủ được lợp ngói mũi hài, ngói lót. Dù quy mô của di tích còn tương đối nhỏ, tuy nhiên nơi đây đã chứng kiến bao sự kiện lịch sử gắn với Thụy Hải nói riêng và Thái Thụy nói chung trong suốt tiến trình lịch sử mà tiêu biểu là trong thời kỳ cách mạng, đấu tranh bảo vệ quê hương, đất nước. Với những giá trị căn bản của di tích, phủ thờ Bà Chúa Muối được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Hàng năm, vào ngày 14 tháng 4 âm lịch, nhân dân địa phương vẫn thường mở hội rất đông vui để tưởng nhớ đến bà. * Đặc điểm chung của nơi thờ cúng Bà Chúa Muối Từ điều tra và điền dã thực tế, tác giả đã rút ra một vài nhận xét về các di tích thờ Bà Chúa Muối như sau: Cảnh quan: Nơi thờ tự Bà Chúa Muối là những nơi có không gian thoáng đãng. Di tích thường có hướng quay ra cánh đồng muối hoặc ra biển. Ví như di tích Phủ Bà Chúa Muối có hướng của chính điện quay ra cánh đồng muối của thôn Quang Lang, còn di tích đền thờ Bà Chúa Muối nằm trong khuôn viên chùa Thái Bình Hưng Quốc có hướng quay ra biển (hướng Nam, và tựa lưng vào chùa). Điều này có lẽ là do Bà là người con của nơi đồng chua nước mặn, có tình yêu tha thiết với hạt muối quê hương, mà nơi bắt nguồn của những hạt muối mặn nồng ấy chính là từ biển cả bao la. Có lẽ vì thế mà ngày trước, thế hệ cha ông đã có dụng ý xây dựng như thế để ngày ngày Chúa được ngắm nhìn cảnh quan quê hương. Bài trí nơi thờ cúng: Do điều kiện quy mô của di tích còn hạn chế, nên ở các di tích gắn với tục thờ Bà Chúa Muối đều không trang trí ban thờ hoành tráng giống như những nơi thờ Mẫu hay thờ Nữ thần khác. Các di tích này đều có chung đặc điểm là ban thờ của Bà Chúa Muối thường được đặt ở chính giữa gian chính điện. Đây cũng chính là nơi đặt tượng thờ của Chúa. Bên trái của ban thờ Chúa là nơi thờ thân phụ, và bên phải là nơi đặt ban thờ thân Mẫu của bà. Hạ ban, tức ban thờ phía dưới được phối thờ với Quan Ngũ Hổ. Ở phía trên của gian thờ chính có hình ảnh của Thanh xà và Bạch xà đang uốn lượn làm tăng thêm tính uy linh, tính thiêng cho di tích. Về việc trang trí nơi thờ Bà Chúa Muối, cũng giống như những nơi thờ tự khác, các di tích gắn với tục thờ Bà Chúa Muối cũng có những đồ thờ tương tự như bát nhang, chén nước, lọ hoa, đèn cầy, mâm lễ. Trong những ngày diễn ra lễ hội hoặc vào “sinh nhật” của Bà, theo lời Chúa dặn, người dân dâng lên bà một đĩa muối và một bát nước biển. Đĩa muối tượng trưng cho tình cảm mặn nồng giữa Chúa và Đức vua Trần Anh Tông, còn bát nước biển như minh chứng nghĩa tình của Chúa dành cho nhà vua tựa như biển trời bao la. Giá trị của di tích: Có thể khẳng định rằng các di tích gắn với tục thờ Bà Chúa Muối có giá trị về mặt lịch sử, tâm linh và kiến trúc nghệ thuật khá cao. Thời gian qua đi, có những thứ đã không còn tồn tại, nhưng giá trị của nó thì vẫn còn đó, trường tồn cùng với thời gian. Những di tích gắn với tục thờ Bà Chúa Muối đến nay vẫn còn tồn tại như một minh chứng lịch sử về những tháng ngày đã qua, minh chứng về một câu chuyện có thật, một nhân vật lịch sử có thật. Các di tích gắn với tục thờ Bà Chúa Muối đều là những di tích mang phong cách nghệ thuật của kiến trúc đình, chùa, miếu 57 TẠP CHÍ KHOA HỌC, SỐ 33, THÁNG 3/2019 Việt Nam từ xa xưa và ẩn chứa trong đó là bao giá trị, rất xứng đáng để du khách tham quan và tìm hiểu về di tích cũng như đối tượng thờ. 2.3. Lễ hội Bà Chúa Muối Từ bao đời nay, người dân Thụy Hải cứ vào ngày 14 tháng 4 âm lịch hàng năm tổ chức lễ hội Bà Chúa Muối diễn ra trong ba ngày với nhiều hoạt động, nghi lễ đa dạng và phong phú như: dâng hương, diễu hành rước Chúa, ăn cơm chay, văn nghệ, các trò chơi dân gian và không thể thiếu được lễ rước ông Đùng và phá Đùng. Trước ngày hội làng, người dân Quang Lang chuẩn bị cho tục múa ông Đùng bà Đà khá công phu. Họ lấy nia vẽ mặt ông Đùng bà Đà, rồi làm thân ông Bà bằng những rọ tre đan sơ sài theo kiểu mắt cáo, thân hình cao từ 1,2 đến 1,5m, đường kính phía dưới rộng đủ cho một người chui vào. Ngoài ra còn có một số hình nộm trẻ con, có trai có gái tượng trưng cho con cái của ông Đùng, bà Đà. Không khí chuẩn bị cho lễ hội vô cùng náo nhiệt. Ngoài những hình nộm như tôm, cua, cá được người dân làng vẽ lên để đem nghênh rước như hình ảnh đặc trưng của vùng ven biển xã Thụy Hải, còn không thể thiếu những chiếc cà kheo truyền thống, một dụng cụ mưu sinh gắn liền với cư dân miền biển. Sáng sớm ngày 14/4, các thôn trong làng mang hình nộm ông Đùng bà Đà vào đền thờ Bà Chúa Muối để tiến hành các nghi lễ dâng hương nghiêm trang, thành kính, sau đó diễu hành rước Chúa. Cả đoàn rước gồm hàng nghìn người ăn mặc chỉnh tề, mang theo cờ Tổ quốc, tượng Bác Hồ, kiệu Thánh, kiệu Mẫu, có cả các đội múa Lân, múa Rồng, đội mõ, trống phách theo sau uốn lượn nối đuôi nhau đủ màu sắc, kéo dài lên đến hơn một cây số mà dường như vẫn chưa dứt hẳn. Tại tất cả đầu ngõ, người dân đều bày lễ trên bàn cao để cúng vọng cầu Chúa phù hộ một năm làm ăn may mắn. Tối cùng ngày, nghi thức được cho là mong chờ nhất cũng diễn ra, đó là nghi thức rước Đùng và phá Đùng. Vào chập tối, người dân đã quây kín trước cửa đền để xem múa Đùng. Màn biểu diễn múa Đùng bao gồm hình nộm ông Đùng, một bà Đà, tượng trưng cho hai bố mẹ và hai hình nộm con tượng trưng cho con cháu. Khi múa, các hình nộm lúc thì nghiêng ngả, hết quay sang phải rồi lại quay sang trái, lúc lại va vào nhau cho ông Bà có cơ hội bày tỏ tình cảm với nhau. Các vai ông Đùng bà Đà phải phối hợp sao cho thật nhuần nhuyễn có những lần giáp mặt, thân chập vào nhau. Người làng Quang Lang giải thích: đó là lúc ông Bà “ăn nằm” với nhau tượng trưng cho ước vọng sinh sôi, nảy nở, mong nhiều hoa trái của dân làng. Đùng bố, mẹ đi trước, các Đùng con quấn quýt theo sau. Trong lúc múa, người ta xướng vang những câu ca tụng công đức của Bà Chúa Muối như: “Lạy chúa! Muối của Chúa năm nay được mùa lắm! lạy Chúa, lạy Chúa!”. Sau đó, đoàn múa rời sân đền đi một vòng quanh làng, các Đùng con quấn quýt xung quanh bố mẹ. Hết một vòng quanh làng, trở lại trước cửa đền, ai nấy lại náo nức tham gia tục phá Đùng. Vừa nhanh, vừa mạnh, mọi người tiến về phía những ông Đùng, ai cũng mong giành được về cho gia đình, người thân ít nhất một nan tre, hay may mắn hơn là cái mặt nộm Đùng. Bởi người dân Quang Lang tin rằng, nếu ai may mắn lấy được nan tre đem về gối đầu giường thì các cháu nhỏ ngủ khỏi giật mình, không bị bệnh tật, cắm vào ruộng, vườn thì cho cây sai quả, mang lên trên thuyền đi ra khơi thì sẽ đánh bắt được nhiều tôm cá. Cho dù ở trong nhà, dưới thuyền hay bất cứ đâu có cắm nan 58 TRƯỜNG ĐẠI HỌC HẢI PHÒNG tre ông Đùng sẽ mang lại cho họ cuộc sống sung túc, no đủ, mùa lúa, mùa cá, mùa muối bội thu, gia đình hạnh phúc và gặp nhiều may mắn hơn [10]. Trải qua hàng trăm năm, lễ hội Bà Chúa Muối và tục rước Đùng kỳ lạ vẫn giữ nguyên được bản sắc văn hóa vốn có của nó. Đến ngày lễ hội, những người làm muối trên khắp cả nước cũng tìm về đây cùng dâng hương tỏ lòng thành kính đối với Bà Chúa Muối và hoà mình trong lễ hội của quê hương. Lễ hội này đồng thời là nơi gửi gắm bao ước vọng của dân làng muối về sự sinh sôi, nảy nở, nó đã được lựa chọn, giới thiệu trong cuốn “Những nền văn minh thế giới” do Bộ Văn hoá Thông tin xuất bản năm 1996. 3. Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với nghề muối và các di tích thờ Bà Chúa Muối 3.1. Tiềm năng khai thác du lịch cộng đồng ở Thái Thụy (Thái Bình) 3.1.1. Thuận lợi - Tục thờ và các di tích gắn với tục thờ Bà Chúa Muối mang trong mình nhiều giá trị có thể khai thác để thu hút khách du lịch. Từ những tìm hiểu trên đã cho thấy rằng, các di tích gắn với tục thờ Bà Chúa Muối đều được hình thành từ rất sớm cách đây khoảng 700 năm. Đây đều là những công trình mang nét đặc trưng riêng của vùng miền, nó gắn liền với một làng nghề truyền thống đã có từ mấy trăm năm nay. Chính điều này đã trở thành một lợi thế, là điểm mạnh của các di tích trong công tác tìm hiểu, nghiên cứu những giá trị văn hóa của địa phương nói riêng và của nước nhà nói chung, vì đây là những di tích gắn với một nhân vật lịch sử có thật, một giai đoạn lịch sử có thật của dân tộc Việt Nam. Các di tích gắn với tục thờ Bà Chúa Muối nằm ở địa bàn huyện Thái Thụy, nơi có 22 di tích được cấp chứng nhận di tích quốc gia và 46 di tích cấp tỉnh như đình An Cố, Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, đền Hét, đền Cả cùng với đó, trên địa bàn của huyện có khu du lịch sinh thái Cồn Đen, được mệnh danh là một trong những khu dự trữ sinh quyển đẹp nhất miền Bắc, là bãi biển tình yêu, là Đà Lạt của miền Bắc. Điều này đã tạo nên sự thuận lợi trong việc thiết kế, gắn kết các điểm di tích lại thành một chương trình du lịch tâm linh đan xen với loại hình du lịch nghỉ dưỡng, khám phá tạo sự hấp dẫn, độc đáo, tránh cảm giác nhàm chán cho du khách. - Về công tác quản lý đối với các di tích gắn với tục thờ Bà Chúa Muối đã có sự phân cấp rõ ràng, giao trực tiếp cho UBND xã Thụy Hải quản lý, điều này đã tạo nên sự chuyên môn hóa trong việc quản lý các di tích. Cùng với cơ cấu của ban quản lý gọn nhẹ, không chồng chéo trong công việc và có sự kết hợp ăn khớp, nhịp nhàng giữa các tổ chuyên môn đã tạo nên một hiệu ứng làm việc hiệu quả, tích cực trong công tác quản lý. - Công tác tuyên truyền quảng bá: Một trong những thuận lợi của việc khai thác các di tích gắn với tục thờ Bà Chúa Muối phục vụ hoạt động du lịch đó chính là công tác tuyên truyền, quảng bá đang được thực hiện và phát triển theo chiều hướng tích cực. Việc tuyên truyền, quảng bá cho các di tích gắn với tục thờ Bà Chúa Muối không chỉ dừng lại ở việc quảng bá rộng rãi ngoài thực tế như treo các băng - zôn quảng cáo, giới thiệu về di tích, thông qua đài phát thanh, các kênh truyền hình hay gần gũi hơn là thông qua các tác phẩm truyện thơ, các vở chèo, tuồng về Bà Chúa Muối để đem các di tích gắn với tục thờ Bà Chúa Muối đến gần với du khách 59 TẠP CHÍ KHOA HỌC, SỐ 33, THÁNG 3/2019 hơn, thu hút sự quan tâm của du khách mà bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, quảng bá còn được thực hiện trên các trang mạng xã hội thông qua mạng internet để thu hút sự quan tâm của du khách gần xa. Đây chính là một trong những thuận lợi, một bàn đạp vững chắc để có thể khai thác các di tích gắn với tục thờ Bà Chúa Muối nhằm phát triển du lịch tỉnh Thái Bình. - Cộng đồng cư dân địa phương: Muốn phát triển được du lịch thì trước hết phải có sự tham gia, hỗ trợ của cộng đồng cư dân địa phương. Các di tích gắn với tục thờ Bà Chúa Muối có được sự “hậu thuẫn” vững chắc từ phía cư dân địa phương. Bởi lẽ, người dân nơi đây luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với Bà Chúa Muối và các di tích thờ tự bà. Người dân của mảnh đất Thụy Hải nói riêng và Thái Thụy nói chung luôn có ý thức bảo tồn tục thờ và các di tích gắn với tục thờ Bà Chúa Muối. Đồng thời những người dân nơi đây cũng luôn mong các di tích thờ tự Bà Chúa Muối - một người con gái nơi đồng chua đất mặn đầy tài hoa và đức hạnh với một sự hi sinh cao cả, một biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam sẽ được nhiều người quan tâm, biết đến. Sự đồng lòng của các cơ quan quản lý và cộng đồng cư dân địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi để trong tương lai có thể hình thành và phát triển được mô hình du lịch cộng đồng tại Thái Thụy. - Nhu cầu của khách du lịch: Hiện nay, nhu cầu đi du lịch của con người không chỉ dừng lại ở việc muốn tận hưởng cuộc sống, được nghỉ ngơi, thư giãn mà cao hơn nữa là nhu cầu muốn được trải nghiệm những điều thú vị, hấp dẫn trong cuộc sống, muốn được tìm hiểu, thẩm nhận những giá trị cả về vật chất và tinh thần của nơi mà du khách đến thăm. Và các di tích gắn với tục thờ Bà Chúa Muối có được ưu thế hơn so với các điểm tham quan du lịch khác đó là đáp ứng được các yêu cầu trên của du khách trong thời kỳ hiện đại ngày nay. Đó là vừa có giá trị để du khách tham quan, tìm hiểu và thẩm nhận về di tích, vừa có được không gian và điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc kết hợp với các loại hình du lịch khác nhau tiến tới phát triển du lịch gắn với các di tích. 3.1.2 Khó khăn Điều kiện mạng lưới giao thông vận tải dẫn vào điểm di tích còn hạn chế. Đường vào các di tích gắn với tục thờ Bà Chúa Muối có diện tích lòng đường khá nhỏ hẹp, vì các di tích nằm ở vị trí trung tâm của thôn, điều này gây nên trở ngại tương đối lớn đối với việc đi lại của du khách. Khi các di tích này trở thành một điểm du lịch thật sự, nếu không có các biện pháp để mở rộng mặt đường thì những xe khách đoàn lớn sẽ phải dừng, đỗ cách điểm đến một khoảng cách khá xa, bất tiện cho du khách. Các điểm di tích này là những điểm di tích có giá trị lịch sử sâu sắc, tuy nhiên quá trình trùng tu, tôn tạo đã làm giảm đi giá trị đó. Nếu không có đội ngũ thuyết minh viên để giới thiệu về những giá trị đó thì du khách khó có thể tự nhận ra những giá trị, những vẻ đẹp vốn có của di tích. Do vậy, cần đào tạo một đội ngũ thuyết minh viên chuyên nghiệp, có trình độ, chuyên môn đảm bảo để có thể giới thiệu, lột tả và truyền tải hết những giá trị lịch sử, giá trị văn hóa tốt đẹp ẩn chứa trong di tích đến du khách. Bên cạnh những khó khăn nêu trên, để phát triển di tích trở thành một điểm du lịch và níu chân du khách ở lại lâu hơn, kích cầu, làm tăng khả năng sử dụng dịch vụ của du khách từ đó thúc đẩy các ngành kinh tế liên quan phát triển theo, thì việc đầu tiên là phải đảm bảo có đủ dịch vụ để đáp ứng nhu cầu 60 TRƯỜNG ĐẠI HỌC HẢI PHÒNG của du khách mà trước hết là dịch vụ lưu trú và ăn uống. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn của Thái Thụy nói chung và xã Thụy Hải nói riêng, số lượng nhà nghỉ và nhà hàng để phục vụ nhu cầu ăn uống, ngủ nghỉ của du khách còn rất hạn chế với mật độ phân bố không đồng đều. Cùng với đó là các dịch vụ bổ sung chưa xuất hiện nhiều, hạn chế trong việc phục vụ nhu cầu của du khách. Xung quanh khu vực có các di tích gắn với tục thờ Bà Chúa Muối thì mới chỉ dừng lại ở việc bán hương, oản, đồ lễ cúng để vào trong di tích, chưa xuất hiện các dịch vụ bổ sung để phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Từ những khó khăn trên cho thấy, trong thời gian tới cần có những biện pháp và phương hướng cụ thể để khắc phục, tạo một bước tiến vững chắc cho các điểm di tích trở thành một điểm du lịch thật sự trong tương lai gần. 3.2. Đề xuất ý tưởng mô hình du lịch cộng đồng ở Thái Thụy Du lịch cộng đồng chính là một hình thức du lịch trong đó cộng đồng sẽ trực tiếp tham gia vào các hoạt động du lịch như khai thác, quản lý và bảo tồn tài nguyên du lịch thông qua sự giúp đỡ của các cơ quan tài trợ, các tổ chức phi chính phủ. Lợi ích thu được từ du lịch sẽ đóng góp nhiều cho kinh tế địa phương - giảm tỉ lệ đói nghèo, cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống. Khách du lịch được nâng cao nhận thức, học hỏi về cộng đồng, về cuộc sống đời thường, văn hóa truyền thống của người dân bản địa. Đồng thời, du lịch cộng đồng góp phần gìn giữ, bảo tồn các di sản về văn hóa, di sản thiên nhiên ở địa phương và hướng tới sự phát triển du lịch bền vững [14]. Một câu hỏi được đặt ra là có thể thực hiện được loại hình du lịch cộng đồng ở Thụy Hải được không? và nghề muối nói riêng và Thụy Hải nói chung có thể phát triển được loại hình du lịch cộng đồng hay không? Để trả lời cho các câu hỏi này, trước tiên ta cần tìm hiểu về tiềm năng phát triển du lịch của nghề muối. Có thể khẳng định rằng, nghề muối không phải không có tiềm năng để phát triển du lịch. Nếu biết cách vận dụng và khai thác một cách linh hoạt sẽ sản xuất ra nhiều loại sản phẩm khác nhau. Theo bà Tô Trịnh Bích Diệp, Cục Chế biến Thương mại Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nghề muối tạo ra nhiều sản phẩm ngoài muối như: nước chạt (dùng tắm rất có lợi cho sức khỏe). Bên cạnh đó, nước khoáng làm từ muối biển, là loại nước uống hảo hạng còn tuyệt vời hơn cả nước khoáng thông thường. Hiện tại, Nhật Bản đang sản xuất loại nước khoáng độc đáo này thông qua công nghệ thẩm tích trao đổi i-on, tạo ra loại nước uống rất đặc biệt, gọi là Nigari rất có lợi cho sức khỏe, làn da, đặc biệt đối với người béo phì, ăn kiêng. Với khả năng có thể khai thác được nhiều sản phẩm từ nghề muối đã cho thấy việc xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại Thái Thụy (Thái Bình) là có tính khả thi. Đến với loại hình du lịch cộng đồng, du khách sẽ được tham quan, tìm hiểu về các di tích gắn với tục thờ Bà Chúa Muối. Sau đó được trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất muối của người dân theo phương thức truyền thống, trực tiếp sản xuất ra những hạt muối trắng ngần để hiểu hơn về sự gian khổ, khó khăn, cũng như có những trải nghiệm thú vị cùng với diêm dân từ giai đoạn phơi cát cho đến thu hoạch muối. Và lúc này, chính những diêm dân sẽ là người hướng dẫn viên nhiệt tính giới thiệu, hướng dẫn cho du khách thực hiện từng bước của giai đoạn sản xuất muối. Những trải nghiệm thực tế đó sẽ khơi gợi thêm cho du khách niềm yêu 61 TẠP CHÍ KHOA HỌC, SỐ 33, THÁNG 3/2019 thích tìm hiểu sâu hơn về nguồn gốc, lịch sử phát triển cũng như những giá trị của các di tích gắn liền với một tục thờ, với vị Thành Hoàng của làng nghề muối - Bà Chúa Muối đã tồn tại trên mảnh đất muối biển mặn mòi này suốt 700 năm qua. Sau khi tham gia làm muối, kết thúc một ngày trải nghiệm thực tế đã thấm mệt, du khách sẽ được ngâm mình trong làn nước muối chạt, loại nước do chính tay du khách làm ra. Với nhiệt độ ấm nóng, ngoài cảm giác được tận hưởng sự khoan khoái, dễ chịu sau chuyến hành trình dài, nước chạt còn rất tốt cho sức khỏe, có tác dụng chữa bệnh và làm đẹp. Du lịch cộng đồng không chỉ dừng lại ở việc tham gia trải nghiệm thực tế trên ruộng đồng, mà còn là sự trải nghiệm về sinh hoạt đời thường của người dân. Đến với loại hình du lịch cộng đồng được xây dựng tại Thụy Hải trong tương lai, du khách sẽ còn được ở tại gia đình của người dân, được trực tiếp tham gia vào sinh hoạt đời thường, được thưởng thức những món ăn đặc sản của vùng miền do chính tay người diêm dân nấu, hoặc do chính tay du khách nấu. Chắc chắn đó sẽ là một trải nghiệm thú vị cho du khách. Hiện nay, ở nhiều địa phương đang áp dụng loại hình du lịch cộng đồng và được rất nhiều du khách tiếp nhận, đây sẽ là cách giúp người dân giảm bớt sự bấp bênh trong cuộc sống, vậy tại sao ở Thụy Hải lại không áp dụng loại hình này để nâng cao đời sống, mức thu nhập cho người dân nơi đây. 3.3. Đề xuất hướng triển khai mô hình du lịch cộng đồng ở Thái Thụy Từ các tiềm năng có thể khai thác được để phục vụ cho việc phát triển du lịch cộng đồng, gắn với các di tích thờ Bà Chúa Muối, tác giả xin mạnh dạn đề xuất hướng triển khai mô hình du lịch cộng đồng ở Thụy Hải (Thái Thụy, Thái Bình) theo các bước như sau: - Kiểm tra các điều kiện phù hợp để phát triển du lịch cộng đồng và học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương lân cận đã từng triển khai mô hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm. Không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra, đánh giá điều kiện của địa phương mà cần phải có một tầm nhìn chung cũng như xác định mức độ và hình thức tham gia của cộng đồng vào du lịch cộng đồng. Xác định các bên liên quan của du lịch cộng đồng: Các thành phần liên quan là những người tham gia trực tiếp và gián tiếp hoặc bị ảnh hưởng bởi các hoạt động du lịch cộng đồng. - Lựa chọn vùng thực hiện phát triển loại hình du lịch cộng đồng và thống nhất sự tham gia vào cuộc của các ban ngành có liên quan như như Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Giao thông vận tải - Điều tra cơ bản nhằm hiểu rõ hơn về nhu cầu và nguyện vọng của người dân địa phương. Việc nghiên cứu, tìm hiểu nguyện vọng của người dân sẽ giúp ta hiểu hơn về dân, hiểu được họ có mong muốn gì, mục tiêu phát triển họ hướng tới là gì và những mong muốn nào của họ có thể được chấp nhận và không thể được chấp nhận bởi các bên liên quan. Để từ đó có thể đề ra những biện pháp, chính sách phù hợp, đảm bảo thỏa mãn nhu cầu, nguyện vọng của các bên tham gia. Cần có những chính sách và biện pháp sao cho người dân địa phương cảm thấy rằng họ được sở hữu, có vai trò nhất định đối với di tích và được tham gia vào việc thúc đẩy quá trình phát triển du lịch gắn với các di tích trên địa bàn quê hương của họ. - Đánh giá nhu cầu của thị trường và phân loại đối tượng du khách phục vụ Việc đánh giá, phân loại này nhằm 62 TRƯỜNG ĐẠI HỌC HẢI PHÒNG hướng tới mục đích là phục vụ du khách một cách tốt nhất, đáp ứng đúng nhu cầu của từng đối tượng du khách nhằm đem lại lợi ích kinh tế cao nhất. - Thành lập Ban quản lý du lịch dựa vào cộng đồng và các nhóm chức năng Mỗi ban quản lý du lịch cộng đồng gồm 01 lãnh đạo xã, các trưởng thôn có tham gia du lịch cộng đồng, 01 kế toán và nhóm trưởng các nhóm chức năng (dịch vụ). Các nhóm chức năng gồm 5 nhóm chính: (1) Nhóm đón tiếp và hướng dẫn: nhóm này không chỉ tiếp nhận và dẫn khách đến các điểm tham quan mà còn giới thiệu, thuyết minh những đặc điểm văn hóa truyền thống, giá trị lịch sử, giá trị tâm linh của các di tích gắn với tục thờ Bà Chúa Muối và cuộc sống hàng ngày của người dân địa phương cũng như cách thức làm muối của người dân Thụy Hải. (2) Nhóm ẩm thực: chuẩn bị ẩm thực bảo đảm các tiêu chuẩn vệ sinh và an toàn thực phẩm, giới thiệu được các món ăn đặc sản của địa phương tới du khách. (3) Nhóm văn nghệ: trao đổi văn hóa với du khách; tổ chức biểu diễn các tiết mục địa phương chẳng hạn như hát chèo, hát văn, diễn lại các vở chèo về Bà Chúa Muối để du khách hiểu hơn về đối tượng thờ tự tại các di tích, đồng thời cũng là vị Thành Hoàng làng của người dân địa phương. (4) Nhóm lưu trú: đối với dịch vụ lưu trú phục vụ khách có thể triển khai theo hai hướng. Một là lưu trú homestay (du khách lưu trú và ăn uống tại nhà của người dân địa phương). Hai là khách sẽ sử dụng dịch vụ lưu trú tại khu du lịch Cồn Đen. (5) Nhóm dịch vụ bổ sung: Nhóm này sẽ làm nhiệm vụ giới thiệu, phục vụ nhu cầu tham gia loại hình tắm nước chạt ấm nóng để chữa bệnh và làm đẹp của du khách. Đồng thời chế tác ra những món đồ lưu niệm từ những sản phẩm của địa phương như sò, hến, ốc làm vật lưu niệm cho du khách. Những người tham gia vào Ban quản lý phải là những người tâm huyết với di tích cũng như với việc phát triển du lịch cộng đồng, có uy tín với cộng đồng và có thời gian để triển khai các hoạt động của địa phương. - Xây dựng nội quy, quy chế về du lịch cộng đồng tại địa phương Để du lịch cộng đồng gắn với các di tích thờ Bà Chúa Muối được thực hiện một cách hiệu quả, đạt kết quả cao nhằm tạo điều kiện cho khách du lịch tìm hiểu đời sống, văn hóa truyền thống của địa phương, tìm hiểu về các giá trị của di tích, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích và tạo thu nhập cho người dân địa phương, ban quản lý du lịch cộng đồng cần xây dựng bản nội quy về hoạt động du lịch cộng đồng và đề nghị tất cả người dân địa phương, khách du lịch và công ty lữ hành thực hiện. Trước khi ban hành nội quy, ban quản lý phải tổ chức các cuộc tham khảo ý kiến, lấy thông tin của mọi người để xây dựng các quy định phù hợp với cộng đồng, khách du lịch. Nên gửi các bản nội quy này đến các công ty lữ hành, hướng dẫn viên để xin những nhận xét, đánh giá của họ để có bản nội quy hợp lý. Nội quy cần được thông báo tới tất cả cộng đồng dân cư và niêm yết ở những nơi thích hợp để mọi người dễ dàng nhận thấy. - Giải pháp phân phối lợi ích kinh tế từ du lịch cộng đồng Tham gia du lịch cộng đồng sẽ tạo ra thu nhập cho người dân và đóng góp vào nền kinh tế của địa phương. Những lợi ích kinh tế từ du lịch cần được phân chia rõ 63 TẠP CHÍ KHOA HỌC, SỐ 33, THÁNG 3/2019 ràng, cụ thể và hợp lý để đóng góp thiết thực làm thay đổi chất lượng cuộc sống của cả cộng đồng. Hộ dân nào phục vụ khách sẽ được hưởng nguồn thu nhập nhất định, tuy nhiên giải pháp đề ra là cần trích một số phần trăm từ nguồn thu đó, đóng góp về cho một quỹ do ban quản lý du lịch cộng đồng chịu trách nhiệm. Nguồn quỹ do các hộ dân đóng góp sẽ được sử dụng để tái đầu tư tôn tạo cơ sở vật chất du lịch và đóng góp cho các hoạt động diễn ra tại di tích như lễ hội, các ngày kỉ niệm ngày sinh, ngày mất của Bà Chúa Muối hay các hoạt động chung của địa phương. Cũng phải chú ý xây dựng bảng giá chung phù hợp áp dụng cho cộng đồng khi làm du lịch, trách tình trạng áp đặt giá với khách cũng như những tranh chấp về giá giữa mỗi hộ gia đình để lôi kéo khách. 3. KẾT LUẬN Các di tích gắn với tục thờ Bà Chúa Muối tại xã Thụy Hải, Thái Thụy, Thái Bình là những điểm đến mới lạ, ở đó chứa đựng các giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng, gắn liền với bao thăng trầm lịch sử của người dân địa phương. Tuy nhiên, Thái Thụy nói riêng và Thái Bình nói chung đang trên đà phát triển nên còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về nhiều mặt. Do đó để khai thác tốt các di tích phục vụ cho việc phát triển du lịch thì các cấp chính quyền địa phương cần có sự quan tâm, đầu tư hơn nữa và có những biện pháp bảo tồn, tu bổ, khôi phục các di tích, để trong tương lai gần nhất, các di tích này sẽ trở thành điểm đến, điểm kết nối trong các chương trình du lịch và xa hơn là phát triển thành một điểm du lịch độc lập, đón khách đến thăm và tham gia vào một loại hình du lịch mới, du lịch cộng đồng. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Phạm Minh Đức, Phạm Thị Nét, Phạm Thị Lan (1991), Hội lễ dân gian ở Thái Bình, Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Thái Bình. 2. Vũ Tam Lang (2010), Kiến trúc cổ Việt Nam, Nxb Xây dựng, Hà Nội. 3. Bùi Linh Linh – Bùi Khôi Nguyên (2004), Nguồn gốc của các tổ nghề, Nxb Hà Nội. 4. Đặng Văn Lung (2004), Văn hóa Thánh Mẫu, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội. 5. Nguyễn Quang Minh (2013), Chuyện Bà Chúa Muối, Nxb Văn hóa Thông tin. 6. Bùi Xuân Nhàn (2009), Phát triển du lịch nông thôn ỏ nước ta hiện nay, tạp chí cộng sản số 29. 7. Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Thái Bình (1999), Hội Làng Quang Lang với tục múa ông Đùng Bà Đà và tục rước nước reo ống trên biển. 8. Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Thái Bình (2002), Ngàn năm đất và người Thái Bình. 9. Nguyễn Thanh (2000), Lễ hội truyền thống ở Thái Bình, Nxb Khoa học Xã hội. 10. Vũ Thị Xoan (2016), Khóa luận Khai thác một số di tích gắn với tục thờ Bà Chúa Muối ở Thái Thụy nhằm phát triển du lịch tỉnh Thái Bình, Trường Đại học Hải Phòng.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfde_xuat_xay_dung_mo_hinh_du_lich_cong_dong_gan_voi_nghe_muoi.pdf
Tài liệu liên quan