Di sản văn hóa vùng ven sông Cầu với phát triển du lịch Bắc Ninh hiện nay

Bốn là, nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương về du lịch, thái độ giao tiếp, bảo vệ môi trường tại điểm di tích, lễ hội, làng nghề. Điều này cần được tiến hành ngay đối với một số làng nghề hai bên sông (Châm Khê, Đại Lâm, Vạn Vân, Thổ Hà.). Xây dựng kế hoạch tuyên truyền cho cộng đồng địa phương về kinh tế du lịch để người dân không chỉ là những người tham gia vào các lễ hội mà còn là những người biết làm/biết khai thác dịch vụ du lịch. Bên cạnh đó cũng cần nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của di sản văn hóa trong phát triển du lịch, giúp họ có ý thức hơn trong việc trân trọng và giữ gìn các di sản văn hóa. Cần làm cho cộng đồng hiểu rõ phương châm lấy văn hóa để phát triển du lịch và ngược lại phát triển du lịch là để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, qua đó, gia tăng sự ủng hộ của cộng đồng đối với bảo tồn di sản. Năm là, bổ sung, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Để có hiệu quả trong khai thác giá trị các di tích phục vụ khách du lịch, tỉnh Bắc Ninh cần chú ý tới việc tuyển dụng, bổ sung đội ngũ tham gia vào hoạt động du lịch. Hiện nay, lực lượng tham gia vào hoạt động này còn tương đối mỏng, chưa chuyên nghiệp. Điều này dẫn tới việc phải đào tạo, đào tạo lại về chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, kiến thức về lịch sử văn hóa, trình độ ngoại ngữ. Từ đó mới có thể đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao của hoạt động du lịch.

pdf8 trang | Chia sẻ: hachi492 | Ngày: 10/01/2022 | Lượt xem: 382 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Di sản văn hóa vùng ven sông Cầu với phát triển du lịch Bắc Ninh hiện nay, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
69Số 28 - Tháng 6 - 2019 VĂN HÓA DU LỊCH NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA DI SẢN VĂN HÓA VÙNG VEN SÔNG CẦU VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH BẮC NINH HIỆN NAY TRẦN ĐỨC NGUYÊN Tóm tắt Di sản văn hóa nằm ven sông Cầu trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh rất đa dạng, phong phú, bao gồm cả di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Các di sản văn hóa này mang những đặc điểm riêng của vùng văn hóa Kinh Bắc, được bảo tồn và trao truyền qua nhiều đời nay, là nguồn tài nguyên nhân văn có thể khai thác trong phát triển du lịch, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương. Những năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã có sự quan tâm đầu tư cho việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản, gắn với phát triển du lịch. Tuy nhiên, việc khai thác giá trị các di sản văn hóa này còn chưa phù hợp với tiềm năng, cần phải có những định hướng, giải pháp cụ thể, hoàn thiện hơn. Từ khóa: Bắc Ninh, di sản văn hóa, phát triển du lịch, sông Cầu Abstract Cultural heritage along Cau riverside in Bac Ninh province is very diverse and rich, including tangible and intangible cultural heritages. These cultural heritages have unique characteristics of Kinh Bac cultural area, preserved and transmitted over through many generations. They are human resources that can be exploited in tourism development, and contribute significantly into the general socio-economic development of the province. In recent years, Bac Ninh province has paid attention to investment in conserving, promoting the value of heritage, associated with tourism development. However, the exploitation of the value of these cultural heritages has not been consistent with the potential and it is neccessary to have more specific and complete orientations and solutions. Keywords: Bac Ninh, cultural heritage, tourism development, Cau river Bắc Ninh - Kinh Bắc là một vùng quê thanh bình với dòng sông Cầu thơ mộng “Con sông của người Quan họ/ Suốt đời nước chảy lơ thơ”, đôi bờ là những xóm làng trù phú. Hình ảnh con sông Cầu đã gắn bó, song hành cùng vùng Bắc Ninh, cho dù từ nơi khởi nguồn cho đến khi hòa cùng các dòng sông khác ở vùng hạ lưu, nó đã chảy qua ít nhất là 4 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Với sự gắn bó như vậy nên sông Cầu như một biểu tượng sinh thái văn hóa của Bắc Ninh. Xứ Bắc xưa có đôi dòng sông với tên gọi Nguyệt Đức giang hợp cùng dòng Nhật Đức giang (sông Thương) như một biểu tượng văn hóa âm - dương hòa quyện, tạo sự ấm no, sung túc cho vùng đất này. Dòng Nguyệt Đức (hay còn gọi là sông Như Nguyệt, sông Cầu, sông Thị Cầu) được nhắc đến trong nhiều cuốn địa chí dưới các triều đại phong kiến. Vị thế của nó được người xưa rất coi trọng, sách Đại Nam nhất thống chí dưới triều Nguyễn còn ghi rằng: [sông Nguyệt Đức] năm Tự Đức thứ 3, liệt vào hàng sông lớn, [được] chép vào điển thờ [4, tr.94]. Về nguồn gốc, sông Cầu bắt nguồn từ phía nam đỉnh Phia Boóc của dãy núi Văn Ôn trong địa phận xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn, chảy ngoằn ngoèo giữa hai dãy núi Ngân Sơn và Sông Gâm theo hướng tây bắc - đông nam, qua một số huyện của tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên rồi đi vào tỉnh Bắc Ninh tại địa phận huyện Yên Phong, nơi giáp ranh với huyện Việt Yên (Bắc Giang). Chạy hết địa phận Bắc Ninh, sông Cầu hội với các con sông Thương, Lục Nam, Đuống, Kinh Thầy, Thái Bình Số 28 - Tháng 6 - 201970 NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA tại địa điểm Lục Đầu Giang, hòa thành dòng Thái Bình rồi chảy tiếp ra biển Đông. Sông Cầu đoạn chảy qua tỉnh Bắc Ninh dài gần 70 km, ngày nay được lấy làm ranh giới tự nhiên phân cách hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Với nhận định phần nhiều mang tính chủ quan, chúng tôi cho rằng vùng hạ lưu sông này là khu vực trù phú bậc nhất trong toàn bộ dọc dài của con sông, sự giàu có đó hàm nghĩa cả về kinh tế cũng như bề dày lịch sử văn hóa. 1. Di sản văn hóa vùng ven sông Cầu và vai trò trong phát triển du lịch Trải dài theo lịch sử, dòng Nguyệt Đức mang phù sa màu mỡ bồi đắp cho đôi bờ, là điều kiện lý tưởng để cư dân quần tụ, lập xóm làng, tăng gia sản xuất, sinh sôi phát triển. Dọc theo bờ sông đó, cùng với sự tụ cư của con người, trong cuộc sống, lao động và trong sáng tạo tinh thần đã sản sinh ra những sản phẩm văn hóa trải suốt các thời kỳ khác nhau, đó là những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể mang những nét đặc trưng của vùng Kinh Bắc. 1.1. Theo các nghiên cứu lịch sử, văn hóa, đặc biệt là khảo cổ học, địa bàn ven sông Cầu, sông Ngũ Huyện Khê từ hàng ngàn năm trước đã là nơi cư trú của người Việt cổ và “là cái nôi sinh thành người Việt” như nhận định của cố GS. Trần Quốc Vượng [7]. Dọc theo hữu ngạn, đoạn từ ngã ba Xà trở xuống, các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhiều di tích chứa những dấu tích của người Việt cổ. Tại di chỉ Nội Gầm (xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong) đã phát hiện nhiều hiện vật của một xưởng chế tác đá tại chỗ. Căn cứ vào kỹ thuật chế tác và loại hình hiện vật thì di chỉ này thuộc giai đoạn văn hóa Đồng Đậu - nền văn hóa tiền Đông Sơn, đặc biệt là sự phát hiện quả cân - một minh chứng cho sự trao đổi về kinh tế và giao lưu hàng hóa ở vùng ven sông Cầu trong thời đại đồng thau [2]. Lớp trên của di chỉ Nội Gầm là những mảnh gốm ở các thời kỳ tiếp theo, nhiều gốm men ngọc thời Lý, Trần, Lê... Ngay gần đó, trên sườn núi Quả Cảm (phường Hòa Long) đã phát hiện một di chỉ có các hiện vật khá phong phú với những kỹ thuật chế tác tinh xảo. Các di vật thu được ở hai di chỉ trên cho thấy, đời sống kinh tế, văn hóa của người Việt cổ ven sông Cầu có sự phát triển không ngừng theo thời gian. Quá trình tụ cư, lao động sản xuất của người dân bám theo triền sông màu mỡ, đời sống ngày càng thịnh vượng. Ven sông hình thành các làng xóm trù phú kéo theo đời sống tinh thần cũng ngày càng được nâng lên. Mang những đặc điểm của cư dân trồng lúa nước luôn cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu nên làng nào cũng xây dựng các công trình tín ngưỡng như đình, chùa, đền, miếu, tạo thành một hệ thống các điểm di tích với mật độ dày đặc còn hiện diện đến ngày nay. Nhiều di tích còn tương đối nguyên vẹn, nhiều di tích chỉ còn những dấu vết của lịch sử, nhiều di tích có niên đại ngót vài trăm năm tuổi. Chùa Vọng Nguyệt (Khai Nghiêm tự) được ghi trong sách Đại Nam nhất thống chí: “Chùa Khai Nghiêm ở xã Vọng Nguyệt, huyện Yên Phong do Nguyệt Sinh công chúa nhà Lý dựng. Năm Khai Hựu thứ 5 đời Trần Hiến Tông (1333) người xã ấy cho sửa sang lại. Đời Dụ Tông (1341 - 1369) Hàn lâm học sỹ Trương Hán Siêu soạn bài bia, đến nay vẫn còn” [4, tr.132]. Chùa hiện còn lưu giữ được nhiều di vật, trong đó có tấm bia trùng khắc năm Cảnh Thịnh thứ 5 (1797) chép lại nội dung văn bia do Trương Hán Siêu soạn trước đây, nội dung có đoạn nói đến việc đả phá đạo Phật: “Đạo Phật là một chuyện hoang đường mà nhiều người có quyền thế, ngoại đạo a dua theo... các bậc thánh hiền ngày càng xa cách, chính đạo ngày càng lu mờ...”. Chùa Như Nguyệt được xây dựng sau chiến thắng quân Tống (1077), được trùng tu lớn vào năm Chính Hoà thứ 7 (1686). Hiện chùa còn 2 chân tảng đá chạm đài sen mãn khai, gồm 16 cánh, ở mỗi cánh chạm nổi đôi rồng ở thể đăng đối. Đây là nghệ thuật đặc trưng của thời Lý, đồng dạng với các chân tảng đá được tìm thấy ở chùa Phật Tích, chùa Dạm 71Số 28 - Tháng 6 - 2019 VĂN HÓA DU LỊCH NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA Dọc theo sông Cầu, từ “thượng Đu Đuổm, hạ Lục Đầu Giang” có tục thờ Thánh Tam Giang (Trương Hống, Trương Hát) - hai vị tướng đã đi vào lịch sử từ thế kỷ thứ VI. Các di tích thờ đức Thánh là các ngôi đình, đền nằm ở các làng hai bên tả hữu ngạn sông Cầu, theo thống kê của các nhà quản lý di tích, số lượng lên tới mấy chục di tích, tiêu biểu như đền Xà, đình Diềm (đình Viêm Xá), đình Đáp Cầu, đền Vân Mẫu (thờ thân mẫu của đức Tam Giang, có pho tượng bằng đá niên đại thời Nguyễn) Khi nhắc đến những ngôi đình ở xứ Bắc, dân gian có câu ca rằng: “Thứ nhất là đình Đông Khang/Thứ nhì Đình Báng, vẻ vang đình Diềm”. Đây là ba ngôi đình nổi tiếng, niềm tự hào của người dân xứ Bắc. Trong đó, đình Diềm là ngôi đình của làng Viêm Xá (làng Diềm). Đình được xây dựng vào những năm cuối thế kỷ XVII, đến nay các cấu kiện kiến trúc vẫn còn giữ lại tương đối nguyên vẹn. Điều tạo nên sự độc đáo hấp dẫn của ngôi đình là nghệ thuật chạm khắc trang trí trên các cấu kiện kiến trúc, đặc biệt là ở bộ cửa võng của đình làng. Các nghệ nhân dân gian đã thổi hồn vào từng nét chạm tạo nên một bức tranh hoàn hảo, thực sự không còn là một cấu kiện kiến trúc bình thường mà đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật hoàn mỹ, độc nhất vô nhị ở xứ Kinh Bắc xưa. Điều khá lý thú là ở phần bờ bắc, gần như đối diện với Viêm Xá, làng gốm cổ Thổ Hà cũng có ngôi đình nổi tiếng được xây dựng cùng thời với đình Diềm. Đình Thổ Hà thờ thành hoàng là Lão Tử - một trường hợp khá độc đáo của tín ngưỡng thờ thành hoàng của người Việt. Đình được xây dựng vào năm 1692 thời vua Lê Hy Tông. Các mảng chạm khắc thể hiện trên các cấu kiện kiến trúc phong cách thời Lê chủ yếu là “tứ linh”, “tứ quý”, hoa lá cách điệu, chim thú và con người. Tại đình Thổ Hà cũng có bộ cửa võng rất đẹp, được sơn son thếp vàng, chạm khắc công phu. Bộ cửa võng này có quy mô, kích thước không đồ sộ như của đình Diềm, nhưng về phong cách, kỹ thuật chạm khắc thì rất tương đồng, có lẽ đều là sản phẩm nghệ thuật của một nhóm thợ tài hoa ngày đó. Trong văn chương, dòng Như Nguyệt được gọi là dòng sông thơ ca, dòng sông của sự lãng mạn, nhưng, về phương diện địa - lịch sử thì dòng sông này lại là vị trí chiến lược quan trọng: là phòng tuyến tự nhiên để bảo vệ từ xa cho kinh thành Thăng Long. Vị thế đó đã nhiều lần che chắn, cản bước quân thù khi tiến đánh Thăng Long, mà tiêu biểu nhất là cuộc quyết chiến chống quân xâm lược Tống của quân và dân ta năm 1077 dưới sự lãnh đạo của vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt. Trong cuộc chiến ấy, vào những giờ phút cam go, căng thẳng nhất của cuộc chiến, bên bờ Như Nguyệt đã vang lên bài thơ thần Nam quốc sơn hà, được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc. Chiến thắng sông Như Nguyệt đã để lại cho ngày nay một số lượng lớn các di tích nằm cả đôi bờ bắc nam, tiêu biểu như đền Xà, đền Núi, bến sông Như Nguyệt, chùa Bồ Vàng, bờ Xác, đền Vọng Nguyệt, đền Phấn Động, trại Ngựa Những di tích này vừa gắn với sự kiện lịch sử chống Tống lại vừa mang những màu sắc tín ngưỡng dân gian của cư dân nơi đây. Các di tích, di vật ở các làng xã ven sông Cầu là những dấu ấn văn hoá vật thể minh chứng cho sự tồn tại, phát triển không ngừng của cư dân ở đây. Đó là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, thể hiện tài nghệ của các thế hệ con người nối tiếp nhau trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc hàng nghìn năm, tạo nên một dòng văn hóa phong phú, đặc sắc của vùng quê ven sông Cầu. 1.2. Kéo dài từ vùng trên ngã ba Xà đến Lục Đầu Giang, đôi bờ sông còn những làng cổ với nghề thủ công có tuổi đời hàng trăm năm: Bên bờ nam là Vọng Nguyệt, Tam Giang, Đương Xá, Quả Cảm, Phù Lãng Bên bờ bắc là Vạn Vân, Thổ Hà một thời lừng danh với những sản phẩm của nghề chăn tằm, dệt vải, nấu rượu “Vân hương mỹ tửu lừng biển bắc”, và hơn cả là những sản phẩm của nghề làm gốm. Xưa, vùng đồng bằng Bắc Bộ có vài trung tâm làm gốm lớn thì ở ven sông Cầu đã có hai trung tâm, là gốm Phù Lãng và gốm Thổ Hà. Đã có Số 28 - Tháng 6 - 201972 NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA thời kỳ, dòng sông nhộn nhịp thuyền buôn vào ra tấp nập, đưa những sản phẩm gốm của hai làng tỏa đi khắp muôn nơi. Nay, nghề gốm bị mai một nhưng ở những ngôi làng này còn lưu đầy những dấu tích thịnh vượng của nghề xưa. Xuôi xuống một chút vùng Đáp Cầu - Quế Võ còn có ngôi làng nổi tiếng với truyền thống học hành, khoa cử, đó là làng Kim Đôi. Lịch sử đã ghi nhận đây là một trong những làng có nhiều người đỗ đạt khoa bảng nhất với 25 vị đỗ tiến sĩ, trong đó dòng họ Nguyễn có tới 18 vị. Vua Lê Thánh Tông đã từng ban khen cho làng 8 chữ vàng “Kim Đôi gia thế chu tử mãn triều” (người Kim Đôi áo đỏ, áo tía đầy trong triều). Và hơn cả, dọc theo đôi bờ sông ấy là các làng quan họ cổ: Đông Mai, Cổ Mễ, Thị Cầu, Đẩu Hàn, Thượng Đồng, Khúc Toại, Trà Xuyên Ở những làng thôn đó, những làn điệu dân ca quan họ mượt mà, những canh quan họ thâu đêm được các liền anh liền chị tình tứ cất lên trong những dịp hội hè lễ tết: “Về Kinh Bắc tìm câu quan họ/Người qua cầu gửi gió áo bay/Long lanh ánh mắt nheo mày/Liền anh liền chị mê say đối lời”. Làng Viêm Xá - nơi duy nhất thờ bà Thủy tổ Quan họ, nay vẫn còn giữ được “nhà chứa” với tuổi đời ngót trên thế kỷ, là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa của “bọn” quan họ. Vào độ đầu tháng Hai, làng mở hội, dân khắp các vùng xung quanh về tụ họp để tưởng nhớ công đức của Vua Bà - người sáng tạo và truyền dạy các làn điệu dân ca Quan họ Bắc Ninh. Các nghi lễ diễn ra trong lễ hội thể hiện lòng thành kính, cầu mong Vua Bà che chở cho dân làng làm ăn thuận lợi, mùa màng tươi tốt, dân an vật thịnh. Đặc sắc nhất là các hình thức sinh hoạt quan họ như hát cửa đình, cửa đền, trong “nhà chứa” của các ông trùm, bà trùm với nghi thức trang trọng vừa cổ xưa, độc đáo, vừa phong phú, thể hiện phong cách và tài năng ca hát của các nghệ nhân, liền anh liền chị ở làng Thủy tổ Quan họ. Các làng xã vùng ven sông Cầu còn có nhiều loại hình lễ hội dân gian, diễn xướng dân gian, phong tục tập quán, các món ẩm thực, vô cùng độc đáo có khả năng thu hút được du khách bốn phương. Lễ hội Kéo co thôn Hữu Chấp - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - là một trong những lễ hội truyền thống lâu đời đã tồn tại hàng trăm năm và đã trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần. Lễ hội được tổ chức vào ngày mùng 4 tháng Giêng với ước vọng chinh phục thiên nhiên, cầu mong mưa thuận gió hòa, người dân có cuộc sống ấm no, hưng thịnh Lễ hội đền Bà Chúa Kho, hội đền Cùng giếng Ngọc vào mỗi dịp đầu xuân thu hút hàng vạn lượt người khắp các nơi nô nức tham gia 1.3. Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ở vùng ven sông Cầu mang những đặc điểm văn hóa riêng, tiêu biểu của địa phương. Những năm qua, các di sản văn hóa này có vai trò tích cực trong việc giáo dục lòng tự hào về truyền thống của quê hương, đất nước, tinh thần hiếu học, đoàn kết, nhân ái... Bảo tồn các di sản văn hóa này góp phần thiết thực vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc nói chung, vùng Kinh Bắc nói riêng. Trong xu thế mở cửa, hội nhập và phát triển hiện nay, các di sản văn hóa vùng ven sông Cầu còn có vai trò quan trọng về mặt kinh tế, là nguồn tài nguyên nhân văn quý giá có sức hấp dẫn mạnh mẽ, là động lực thu hút khách tham quan trong nước và khách du lịch quốc tế đến địa phương, thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh Bắc Ninh. Nếu các giá trị văn hóa ấy có sự kết hợp một cách hợp lý với phát triển du lịch sẽ đưa lại nguồn thu lớn cho ngân sách, góp phần vào sự phát triển chung về kinh tế - xã hội của địa phương. Ngày nay, du lịch di sản đã và đang là một trong những xu hướng phát triển của ngành du lịch, thu hút du khách tìm đến những giá trị về nguồn, tìm hiểu, tương tác, trải nghiệm để thẩm thấu những giá trị di sản văn hóa đậm đà bản sắc của các dân tộc, các tộc người. Đồng thời thông qua hoạt động du lịch, các di sản văn hóa sẽ được giới thiệu, quảng bá, phát huy, trở thành một loại hình sản phẩm du lịch đặc sắc để du khách có thể tiếp cận. Do đó, với những 73Số 28 - Tháng 6 - 2019 VĂN HÓA DU LỊCH NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA tiềm năng về di sản vùng ven sông Cầu, cần có những tiếp cận, hướng phát triển du lịch nhằm khai thác có hiệu quả giá trị của những di sản văn hóa tiêu biểu này trong phát triển du lịch vùng Kinh Bắc hiện nay. 2. Thực trạng phát huy di sản văn hóa trong phát triển du lịch Những di sản văn hóa phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa của vùng Kinh Bắc là điều kiện thuận lợi để lựa chọn, khai thác, đưa những di sản văn hóa ấy trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo phục vụ cho du khách trong và ngoài nước, có khả năng mang lại nguồn lợi về kinh tế và đồng thời quảng bá văn hóa, hình ảnh cho địa phương. Những năm qua, việc phối hợp giữa công tác quản lý di sản văn hóa và phát triển du lịch ở Bắc Ninh đã bước đầu được chú trọng. Với lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng du lịch, Bắc Ninh có nhiều điều kiện để phát triển du lịch, đặc biệt là các loại hình như du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm... Đây là địa phương không có các tài nguyên thiên nhiên đặc hữu, như không có rừng, không có biển, không có cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, lại cũng không phải là điểm đến để mua sắm, nghỉ dưỡng, nên có thể khẳng định rằng, số lượng khách chủ yếu được thu hút bởi hệ thống di sản văn hóa, trong đó nổi bật là các di tích, lễ hội. Theo một số nghiên cứu đánh giá, số lượng khách du lịch đến Bắc Ninh đông nhất là vào những thời điểm đầu năm và mục đích chủ yếu của các du khách tới đây là du lịch tín ngưỡng tâm linh. Qua nghiên cứu thực tế tại điểm đền Phấn Động và đền Bà Chúa Kho cho thấy 80% du khách đến đây vì nhu cầu tín ngưỡng, khoảng 20% còn lại là tham quan, vãng cảnh di tích. Các điểm di tích tại khu vực ven sông Cầu hàng năm thu hút một lượng khách lớn đến đây thực hành tín ngưỡng, nổi bật là di tích đền Bà Chúa Kho với hàng trăm ngàn lượt du khách một năm. Tiếp đến là các điểm như đền Phấn Động, đền Cùng, đền Vua Bà,... cũng là điểm có số lượng du khách đến rất đông vào các dịp lễ hội. Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh về di sản văn hóa để phục vụ phát triển du lịch địa phương, năm 2011, tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù gắn với các điểm di sản văn hóa tại vùng ven sông Cầu như: Xây dựng khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng miền Quan họ tại phường Hòa Long; trải nghiệm và khám phá các giá trị văn hóa làng quê vùng Kinh Bắc; du ngoạn sông Cầu; bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; hình thành khu du lịch văn hóa - lễ hội đền Bà Chúa Kho đạt tầm vóc là khu lễ hội tín ngưỡng cấp quốc gia; khu du lịch lịch sử chiến tuyến Như Nguyệt với loại hình du lịch trải nghiệm chiến trường lịch sử chống quân xâm lược Đến nay, các dự án trong quy hoạch đang được triển khai tại các điểm khác nhau. Được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, dân ca quan họ thực sự là nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Tỉnh Bắc Ninh coi đây là một sản phẩm đặc thù để phục vụ du khách, nên đã quy hoạch các điểm tham quan đều có hát quan họ, đồng thời, khuyến khích các nghệ nhân, các câu lạc bộ quan họ trình diễn trong các lễ hội, các điểm di sản văn hóa tiêu biểu. Điều đó bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu thưởng thức và tìm hiểu về di sản văn hóa đặc sắc này. Trong những năm gần đây, nhằm “kích cầu”, tăng số lượng khách tham quan các di sản văn hóa, nhất là các dịp lễ hội đầu năm, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý, hướng dẫn hoạt động kinh doanh du lịch, việc tuyên truyền, quảng bá được thực hiện dưới nhiều hình thức, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài, internet và các hội chợ, triển lãm ở nhiều nơi khác nhau. Tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng các tour du lịch miễn phí bằng xe buýt có hướng dẫn viên để phục vụ người dân thăm nhiều điểm di sản văn Số 28 - Tháng 6 - 201974 NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA hóa trên địa bàn tỉnh. Đầu năm 2019, UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành quyết định công nhận 11 điểm du lịch, trong đó khu vực ven sông Cầu có các điểm như Văn miếu Bắc Ninh, làng Viêm Xá, đền Bà Chúa Kho Điều này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lữ hành có thể chủ động trong việc lên kế hoạch xây dựng, thiết kế thông tin sản phẩm du lịch, quảng bá, đón du khách các nơi đến với Bắc Ninh. Cùng với việc đa dạng hóa các hình thức du lịch, những năm qua, Bắc Ninh cũng quan tâm đầu tư và thu hút đầu tư để xây dựng các cơ sở lưu trú cho du khách. Các điểm lưu trú tập trung tại khu vực thành phố Bắc Ninh, từ đây có thể dễ dàng đi tới các điểm di sản. Đến nay, Bắc Ninh có 604 cơ sở lưu trú, trong đó có các khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 4 đến 5 sao. Các cơ sở lưu trú đã đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch, nhất là nhu cầu ăn uống, nghỉ ngơi của các chuyên gia nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Bắc Ninh, góp phần tăng tỷ trọng ngành du lịch, đồng thời nâng cao năng lực tổ chức các sự kiện lớn trên địa bàn. Với sự quan tâm, đầu tư về nhiều mặt, trong những năm qua, du lịch Bắc Ninh đã đạt những hiệu quả đáng kể. Theo số liệu thống kê, số lượng khách đến địa phương tăng theo từng năm: năm 2015 đạt 576.000 lượt khách, năm 2016 là 874.000 lượt, năm 2017 là 1.100.000 lượt và năm 2018 tăng lên gần 1,4 triệu lượt. Số lượng khách tăng lên theo từng năm đồng nghĩa với việc doanh thu từ du lịch cũng tăng đáng kể: năm 2015 thu được 382 tỷ đồng, năm 2016 là 589 tỷ đồng, năm 2017 là 710 tỷ đồng và năm 2018 doanh thu đạt 855 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm 20171. Nguồn thu này đã góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế chung của toàn tỉnh. Mặc dù chưa có con số thống kê cụ thể lượng khách cũng như doanh thu tại các điểm di tích, di sản ở khu vực ven sông Cầu, nhưng có thể khẳng định, các di sản văn hóa ở đây là một trong những địa điểm có sức cuốn hút đối với du khách. Tuy nhiên, trong những năm qua, hoạt động khai thác giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch vẫn còn những hạn chế, khó khăn nhất định. Mặc dù có tiềm năng, vốn di sản văn hóa phong phú, song du lịch Bắc Ninh còn thua kém so với nhiều địa phương khác. Thực tế cho thấy, số lượng du khách đến địa phương trong những năm qua là khá lớn nhưng chủ yếu tập trung ở một số điểm di tích tôn giáo tín ngưỡng, phục vụ nhu cầu tâm linh là chính. Lượng du khách này hầu như không/ chưa tiếp cận với các loại hình di sản văn hóa khác. Các dự án phát triển du lịch trong khu vực đã được tiến hành, nhưng qua nhiều năm chưa thực hiện xong, các điểm quy hoạch phát triển du lịch đầu tư chưa đồng bộ, các loại hình dịch vụ du lịch như hàng lưu niệm, hướng dẫn viên, vui chơi giải trí, dịch vụ tư vấn thông tin chưa phát triển. Các sản phẩm du lịch còn thiếu tính đặc sắc, đơn điệu, chưa đáp ứng được mức độ trải nghiệm du lịch. Nhìn chung mới phát huy được một số yếu tố lợi thế có sẵn, chưa đầu tư có chiều sâu, thiếu tính sáng tạo Hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho các di sản văn hóa, tạo hình ảnh điểm đến trong hoạt động du lịch còn khá nghèo nàn, chưa hấp dẫn, thu hút được cộng đồng. 3. Giải pháp phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch Với những tiềm năng về nguồn di sản văn hóa đang hiện hữu bên đôi bờ sông Cầu cũng như thực trạng phát huy giá trị của các di sản văn hóa phục vụ cho việc phát triển du lịch, thiết nghĩ có một số công việc cần tiến hành trong thời gian tới. Khai thác các tiềm năng này là một phần thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của địa phương được thành công, thúc đẩy du lịch thực sự trở thành một “ngành kinh tế mũi nhọn” của địa phương, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước. Một là, tăng đầu tư kinh phí cho các hoạt động bảo tồn, trùng tu tôn tạo các điểm di tích, 75Số 28 - Tháng 6 - 2019 VĂN HÓA DU LỊCH NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA nghiên cứu phục dựng một số lễ hội truyền thống, phục hồi các trò chơi dân gian, tổ chức các sự kiện văn hóa gắn với các di tích, di sản mang tính chất vùng, liên vùng. Ví dụ: tổ chức Lễ hội chiến thắng sông Như Nguyệt (định kỳ 3 - 5 năm một lần). Lễ hội có sự tham gia của nhiều làng, thôn nằm cả hai bên bờ sông Cầu với những kịch bản nhằm tái hiện chiến thắng lừng lẫy năm xưa. Cùng với đó, có thể tổ chức các cuộc thi bơi thuyền, bơi vượt sông, giữa các địa phương với nhau. Cùng với việc đầu tư cho các điểm di tích, cần xây dựng mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng như đường giao thông, cơ sở lưu trú, biển báo chỉ dẫn, các cơ sở dịch vụ, thông tin liên lạc, phục vụ cho du khách đến du lịch tại đây. Tại các địa điểm như làng quan họ cổ Viêm Xá, Thị Cầu, cần đầu tư hoặc hướng dẫn cho người dân xây dựng các điểm lưu trú theo dạng homestay dành cho du khách lưu trú qua đêm thưởng thức các canh quan họ cổ cũng như trải nghiệm cuộc sống làng quê xứ Kinh Bắc. Hai là, hình thành các tour/tuyến du lịch di sản văn hóa cụ thể, độc đáo hấp dẫn du khách. Cần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, không chỉ kết nối các điểm du lịch di tích, lễ hội mà còn phải kết hợp với những thế mạnh du lịch làng nghề, du lịch sinh thái (du thuyền trên sông Cầu) thưởng thức những làn điệu quan họ, du lịch trải nghiệm (trải nghiệm làm các sản phẩm thủ công, làm ruộng, chăn nuôi). Đặc biệt, cần một giải pháp phối kết hợp giữa hai địa phương bằng sự thỏa thuận giữa chính quyền Bắc Ninh và Bắc Giang trong việc đầu tư và phát triển du lịch tả, hữu ngạn sông Cầu. Nhiều bài báo, tạp chí hay công trình nghiên cứu đã đề xuất giải pháp nhằm phối hợp phát huy giá trị di sản văn hóa Quan họ ở đôi bờ sông Cầu, nhưng đến nay mới chỉ có những động thái riêng của từng bên đối với việc khai thác các di sản của bên mình mà chưa có sự bàn thảo song phương. Di sản văn hóa ở đôi bờ đều phong phú, đa dạng, mang những đặc trưng riêng, vì vậy nếu có sự kết hợp để cùng phát triển thì ắt hẳn sẽ tạo một điểm du lịch văn hóa có sức hút lớn đối với du khách. Để cho những dự án phát triển du lịch giữa hai bên được nảy nở, tiến đến thành công thì hai địa phương cần thống nhất bảo vệ môi trường. Dòng sông Cầu đang ngày một ô nhiễm nặng bởi sự thiếu ý thức của con người, sự xả thải trực tiếp xuống dòng sông mà không qua xử lý, làm cho con sông bị bức tử dần dần, ngày càng xa với những mỹ từ đã từng dành cho nó như sông trăng, sông lụa... Thứ nữa là cần giải quyết dứt điểm nạn cát tặc hoành hành trên sông Cầu bấy lâu nay. Việc khai thác, buôn bán cát vật liệu xây dựng không những làm ô nhiễm môi trường nước của sông Cầu mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan, tuổi thọ của nhiều điểm di tích ven sông như sạt lở nền móng di tích. Chính quyền địa phương nhiều lần ra quân chấn chỉnh, cưỡng chế thì các tàu cát lại nhanh chóng chạy dạt sang bờ kia. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn thì việc tổ chức những tour/tuyến du thuyền xuôi dòng khó có thể thực hiện thành công. Ba là, tăng cường quảng bá cho các di sản văn hóa. Từ thực tế là du khách mới biết đến một số điểm di tích, lễ hội, làng nghề tiêu biểu như đền Bà Chúa Kho, đình làng Diềm, còn lại những di sản khác thì thiếu thông tin, hoặc thoáng qua từ một nguồn nào đó. Do vậy cần có các chương trình, kế hoạch cụ thể về quảng bá, xây dựng hình ảnh điểm đến cho các di sản văn hóa vùng ven sông Cầu. Việc quảng bá cho các di sản văn hóa, điểm đến của du khách cần tăng tần xuất trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cổng thông tin điện tử; đa dạng hóa các hình thức quảng bá trên báo, đài phát thanh và truyền hình tỉnh. Đặc biệt coi trọng công tác quảng bá hình ảnh di sản bằng công nghệ điện tử, mạng internet Có thể tổ chức các cuộc thi clip hoặc phóng sự giới thiệu về các di sản; thi ảnh đẹp du lịch di sản... Số 28 - Tháng 6 - 201976 NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA Bốn là, nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương về du lịch, thái độ giao tiếp, bảo vệ môi trường tại điểm di tích, lễ hội, làng nghề... Điều này cần được tiến hành ngay đối với một số làng nghề hai bên sông (Châm Khê, Đại Lâm, Vạn Vân, Thổ Hà...). Xây dựng kế hoạch tuyên truyền cho cộng đồng địa phương về kinh tế du lịch để người dân không chỉ là những người tham gia vào các lễ hội mà còn là những người biết làm/biết khai thác dịch vụ du lịch. Bên cạnh đó cũng cần nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của di sản văn hóa trong phát triển du lịch, giúp họ có ý thức hơn trong việc trân trọng và giữ gìn các di sản văn hóa. Cần làm cho cộng đồng hiểu rõ phương châm lấy văn hóa để phát triển du lịch và ngược lại phát triển du lịch là để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, qua đó, gia tăng sự ủng hộ của cộng đồng đối với bảo tồn di sản. Năm là, bổ sung, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Để có hiệu quả trong khai thác giá trị các di tích phục vụ khách du lịch, tỉnh Bắc Ninh cần chú ý tới việc tuyển dụng, bổ sung đội ngũ tham gia vào hoạt động du lịch. Hiện nay, lực lượng tham gia vào hoạt động này còn tương đối mỏng, chưa chuyên nghiệp. Điều này dẫn tới việc phải đào tạo, đào tạo lại về chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, kiến thức về lịch sử văn hóa, trình độ ngoại ngữ... Từ đó mới có thể đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao của hoạt động du lịch. Thay lời kết Với những đề xuất giải pháp mang tính bước đầu như trên, cùng với đó là các chủ trương, chính sách cụ thể của địa phương, mong rằng, trong tương lai gần, Bắc Ninh sẽ trở thành một trong những trung tâm du lịch văn hóa lớn của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng và của cả nước, tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Bảo tồn, khai thác và phát huy các tiềm năng di sản văn hóa để phát triển du lịch là hết sức cần thiết, góp phần vào tăng trưởng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành du lịch, dịch vụ trong cơ cấu GDP, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và cộng đồng dân cư, tăng nguồn thu ngân sách; hỗ trợ các ngành kinh tế khác phát triển. T.Đ.N (TS., Phó Trưởng khoa Di sản văn hóa, Trường ĐHVHHN) Chú thích 1 Số liệu do Phòng Quản lý Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cung cấp, năm 2018. Tài liệu tham khảo 1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2017), Di sản văn hóa với chiến lược phát triển bền vững, Kỷ yếu Hội thảo khoa học. 2. Lê Viết Nga (chủ biên) (2013), Di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Bắc Ninh, Bảo tàng Bắc Ninh. 3. Trần Đức Nguyên (2011), “Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích thuộc phòng tuyến sông Như Nguyệt”, Tạp chí Nghiên cứu văn hóa, số 6. 4. Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, tập 4, Nxb. Thuận Hóa, Huế. 5. UBND tỉnh Bắc Ninh (2011), Quyết định số 151/2011/QĐ-UBND ngày 12/12/2011 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030. 6. Trần Quốc Vượng (1971), “Đôi bờ Ngũ Huyện khê” (Hà Bắc), Tạp chí Khảo cổ học, số 16. 7. Trần Quốc Vượng (1998), “Hà Bắc trong sự hình thành văn minh Việt cổ”, in trong Việt Nam cái nhìn địa - văn hóa, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội. Ngày nhận bài: 20 - 3 - 2019 Ngày phản biện, đánh giá: 12 - 6 - 2019 Ngày chấp nhận đăng: 23 - 6 - 2019

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfdi_san_van_hoa_vung_ven_song_cau_voi_phat_trien_du_lich_bac.pdf
Tài liệu liên quan