Động thái phát triển khu nghỉ dưỡng biển Lăng Cô–Thừa Thiên Huế

Giải quyết ổn thỏa vấn đề sử dụng khu vực bãi biển công cộng cho người dân nhằm tránh xảy ra các mâu thuẫn cũng như tranh thủ sự ủng hộ của họ trong phát triển các khu nghỉ dưỡng biển sau này. – Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực, chất lượng nguồn lao động hoạt động trong ngành du lịch. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các cơ sở đào tạo, cơ quan tư vấn, các doanh nghiệp để đào tạo và sử dụng nguồn lao động trong vùng. – Tăng cường các cuộc đối thoại giữa chính quyền và cộng đồng địa phương nhằm giải quyết các khiếu nại, tranh chấp; phổ biến các kiến thức và vai trò của hoạt động phát triển du lịch đến phát triển kinh tế địa phương, giáo dục người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển và bảo vệ bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống, các làng nghề, lễ hội truyền thống tại địa phương.

pdf15 trang | Chia sẻ: huongthu9 | Lượt xem: 486 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Động thái phát triển khu nghỉ dưỡng biển Lăng Cô–Thừa Thiên Huế, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học Đại học Huế: Kinh tế và Phát triển; ISSN 2588–1205 Tập 126, Số 5D, 2017, Tr. 189–203; DOI: 10.26459/hueuni-jed.v126i5D.4498 * Liên hệ: bachthuha108@gmail.com Nhận bài: 18–09–2017; Hoàn thành phản biện: 28–10–2017; Ngày nhận đăng: 30–10–2017 ĐỘNG THÁI PHÁT TRIỂN KHU NGHỈ DƯỠNG BIỂN LĂNG CÔ – THỪA THIÊN HUẾ Bạch Thị Thu Hà*, Trương Thị Thu Hà Khoa Du lịch, Đại học Huế, 22 Lâm Hoằng, Huế, Việt Nam Tóm tắt: Ở Việt Nam, cùng với sự phát triển của du lịch biển, các khu nghỉ dưỡng ven biển cũng đang được đầu tư và mở rộng một cách mạnh mẽ nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Tuy nhiên, nếu như sự phát triển này diễn ra quá ồ ạt thì sẽ dẫn đến hậu quả nặng nề đối với xã hội. Mục đích của nghiên cứu này là căn cứ vào mô hình lý thuyết tiến trình phát triển khu nghỉ dưỡng biển của Russell Arthur Smith để xác định giai đoạn phát triển của các khu nghỉ dưỡng biển ở Lăng Cô – Thừa Thiên Huế. Nghiên cứu này sử dụng phương pháp định tính thông qua phân tích các tài liệu kết hợp với phương pháp phỏng vấn sâu. Kết quả cho thấy mô hình các khu nghỉ dưỡng ven biển Lăng Cô đang ở trong giai đoạn “Xây dựng khu vực nghỉ dưỡng” và tiền giai đoạn “Xây dựng khu vực kinh doanh”. Việc phát triển các khu nghỉ dưỡng biển đã gây ra những tác động tích cực và tiêu cực đến kinh tế, văn hóa – xã hội và môi trường của địa phương. Đây sẽ là cơ sở cho các cấp quản lý xây dựng các giải pháp và chiến lược thích hợp nhằm định hướng mô hình các khu nghỉ dưỡng biển ở Lăng Cô theo hướng phát triển bền vững. Từ khóa: khu nghỉ dưỡng biển, du lịch biển, Lăng Cô, Thừa Thiên Huế 1 Đặt vấn đề Hiện nay, du lịch biển đang là một trong những loại hình phát triển nhanh và phổ biến nhất đối với toàn ngành du lịch trên thế giới (Miller và Ayoung, 1991; Orams, 1999; Hall và Page, 2006) nói chung và Việt Nam nói riêng, nơi mà du lịch biển đảo hiện đang chiếm khoảng 70 % hoạt động của ngành du lịch. Cùng với sự phát triển của du lịch biển, hàng loạt các khu nghỉ dưỡng biển đã và đang được đầu tư và phát triển nhanh chóng. Hiện nay, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, các khu nghỉ dưỡng biển đã và đang phát triển ở những giai đoạn khác nhau và đều hướng đến để trở thành những khu nghỉ dưỡng đô thị trong tương lai, kéo theo những tác động tích cực và tiêu cực đến thiên nhiên, đến tình hình kinh tế, văn hóa – xã hội và chính trị tại các quốc gia, địa phương phát triển mô hình khu nghỉ dưỡng biển này. Nằm trên tuyến du lịch Bắc – Nam cách thành phố Đà Nẵng 30 km và thành phố Huế 70 km, Lăng Cô hiện nay đang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của du khách, có tiềm năng to lớn để phát triển loại hình du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng. Chính vì vậy mà các khu nghỉ dưỡng biển tại Lăng Cô hiện nay đã và đang phát triển không ngừng. Câu hỏi đặt ra là tiến trình phát triển mô hình khu nghỉ dưỡng biển ở Lăng Cô hiện đang ở giai đoạn nào, có những vấn đề nào xuất hiện trong tiến trình phát triển này tác động đến tình hình phát triển kinh tế, môi trường, văn hóa – xã hội của địa phương? Bài viết này sẽ tập trung giải Bạch Thị Thu Hà, Trương Thị Thu Hà Tập 126, Số 5D, 2017 190 quyết hai vấn đề này nhằm giúp cho các nhà hoạch định chiến lược, các nhà quy hoạch – quản lý du lịch đưa ra các giải pháp, chiến lược trong việc phát triển mô hình các khu nghỉ dưỡng biển theo định hướng phát triển du lịch bền vững. 2 Nội dung nghiên cứu 2.1 Tổng quan nghiên cứu Hiện nay trên thế giới có rất nhiều tác giả nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến việc phát triển các khu nghỉ dưỡng biển. Trong đó, đặc biệt nổi bật là các nghiên cứu của Smith (1991, 1992a, 1992b, 1992c, 2011) tập trung nghiên cứu về mô hình tiến trình phát triển khu nghỉ dưỡng biển (Beach Resort Model – BRM). Trong “Beach Resorts – A model of development evolution”, Smith (1991) đã xây dựng được mô hình tiến trình phát triển của các khu nghỉ dưỡng biển. Để kiểm định giả thuyết mô hình, Smith đã chọn 4 điểm du lịch để đánh giá bao gồm Batu Feringgi (Malaysia), Pattaya (Thailand), Hua Hin (Thailand), và Surfers Paradise (Australia). Theo Smith, mô hình khu nghỉ dưỡng biển là mô hình mô tả các quá trình chuyển đổi từ những bãi biển tự nhiên trở thành những khu nghỉ dưỡng đô thị trong tám giai đoạn phát triển. Quá trình phát triển này, một mặt, mang lại những tác động tích cực, nhưng cũng phát sinh những tác động tiêu cực không thể kiểm soát trước được. Điều này làm giảm giá trị chất lượng sản phẩm và những lợi ích từ xã hội. Chính vì vậy, việc xây dựng mô hình tiến trình phát triển khu nghỉ dưỡng biển trong nghiên cứu này sẽ cung cấp những hiểu biết tốt hơn về động thái phát triển của các khu nghỉ dưỡng biển. Nhờ vậy, mô hình này cũng gia tăng cơ hội cho việc nhận thấy và phòng tránh trước những ảnh hưởng tiêu cực từ việc phát triển của các khu nghỉ dưỡng biển. Mô hình tiến trình phát triển khu nghỉ dưỡng biển của Smith bao gồm 8 giai đoạn: (1) “tiền du lịch”, (2) “những ngôi nhà thứ hai”, (3) “khách sạn đầu tiên”, (4) “khu nghỉ dưỡng được thiết lập”, (5) “các khu kinh doanh được thành lập”, (6) “khách sạn nội địa”, (7) “sự chuyển đổi”, (8) “đô thị nghỉ dưỡng”. Smith (1992) tiếp tục thực hiện nghiên cứu một trường hợp cụ thể là Pattaya, Thái Lan – một trong những khu nghỉ dưỡng biển đã trải qua rất nhiều vấn đề điển hình của hình thức phát triển này. Nghiên cứu tập trung phân tích sự thay đổi và những tác động tích cực và tiêu cực của các yếu tố trong tiến trình phát triển của mô hình khu nghỉ dưỡng biển bao gồm vật chất, môi trường, kinh tế, xã hội, chính trị. Kết quả phân tích này cho thấy một số nguyên nhân thất bại trong việc phát triển các khu nghỉ dưỡng biển làm cơ sở để đề xuất giải pháp trong tương lai. Trong nghiên cứu này, Smith (1992) cũng đưa ra mô hình dự kiến tiến trình phát triển khu nghỉ dưỡng biển (Tentative beach resort model - TBRM) bao gồm 8 giai đoạn: (1) “giai Jos.hueuni.edu.vn Tập 126, Số 5D, 2017 191 đoạn tiền du lịch”, (2) “du lịch khám phá”, (3) “khách sạn đầu tiên”, (4) “mô hình phát triển dải ven biển”, (5) “trung tâm kinh doanh được thiết lập”, (6) “những khách sạn xa bãi biển”, (7) “con đường thứ hai”, (8) “có sự phân tách giữa khu vực kinh doanh thương mại và giải trí”. Tiến trình này về cơ bản là tương tự với tiến trình mà ông đã đưa ra vào năm 1991 nhưng chỉ khác ở cách đặt tên các bước. Theo Smith(1992), tất cả 8 giai đoạn trong TBRM đều đã diễn ra ở Pattaya. (1) trước – 1945, (2) 1950, (3) 1965, (4) 1972, (5) 1974, (6) 1976, (7) 1982, (8) 1988 và tác giả cũng đã lý giải tại sao và điều gì đã diễn ra trong thực tế ở mỗi giai đoạn. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng có một số đặc điểm xảy ra dẫn đến sự khác biệt giữa lý thuyết và thực tế. Thêm vào đó, số liệu không đầy đủ dẫn đến kết quả là các kết luận không thể đưa ra hết tất cả các khía cạnh của mô hình. TBRM cần được đánh giá, nghiên cứu nhiều hơn. Cuối cùng, ông cũng đưa ra một số hàm ý quản lý nhằm giải quyết các vấn đề của Pattaya. Đồng thời cho rằng các khu nghỉ dưỡng biển mới nổi khác tại Thái Lan cần có các kế hoạch chi tiết, cẩn thận, được đầu tư đúng mức và chính sách quản lý chặt chẽ để tránh các sai lầm đã diễn ra ở Pattaya. Tiếp tục sử dụng mô hình tiến trình phát triển khu nghỉ dưỡng biển (BRM), năm 2011 Russell Arthur Smith đã thực hiện nghiên cứu “The Development and Management of Beach Resorts: Boracay Island, The Philippines”. Trong nghiên cứu này tác giả tập trung phân tích và đánh giá sự thay đổi và những tác động do sự phát triển các khu nghỉ dưỡng biển tại hòn đảo Boracay, Philippin lên các yếu tố về hình thái học, sự thay đổi về vấn đề sử dụng đất, sự thay đổi về môi trường, kinh tế – xã hội và cuối cùng là sự thay đổi giữa các ngành công và ngành tư. Những chỉ số thay đổi này được so sánh với các chỉ số trong mô hình khu nghỉ dưỡng biển để xác định giai đoạn phát triển của mô hình khu nghỉ dưỡng biển tại Boracay, Philippin. Kết quả cho thấy mô hình khu nghỉ dưỡng biển nàyít nhất đang ở giai đoạn 6 và có thể đạt được giai đoạn 7, nhưng một số vấn đề xuất hiện trong giai đoạn này đó là ô nhiễm môi trường, những tác động tiêu cực về mặt xã hội từ đó tác giả đưa ra những định hướng phát triển cho khu nghỉ dưỡng biển này. Trong một nghiên cứu khác “Morphological changes of coastal tourism: A case study of Denarau Island, Fiji” của Xie, Chandra, Gu (2012), nghiên cứu này phân tích những thay đổi về hình thái ven biển trên Đảo Denarau ở Fiji từ 3 khía cạnh vật lý, môi trường và xã hội. Từ đó nhằm hiểu rõ quá trình và hậu quả của việc thay đổi sử dụng đất từ du lịch ven biển để hạn chế một cách thấp nhất những tác động tiêu cực và duy trì nguồn tài nguyên biển. Chính vì vậy, mục đích của nghiên cứu này là tập trung vào sự phát triển của lãnh thổ các khu nghỉ dưỡng biển, thông qua việc phân tích hình thái học để vạch ra các giai đoạn và những tác động của quá trình đô thị hóa các khu nghỉ dưỡng biển. Đây là cơ sở để xác định các cách thức để tiến hành quy hoạch sử dụng đất tốt hơn. Bạch Thị Thu Hà, Trương Thị Thu Hà Tập 126, Số 5D, 2017 192 Các giai đoạn phát triển du lịch trên hòn đảo Denarau được đánh giá bởi mô hình tiến trình phát triển khu nghỉ dưỡng biển của Smith thông qua việc phân tích sự thay đổi của các khía cạnh về vật lý (tình hình sử dụng đất từ khi bắt đầu phát triển đến thời điểm hiện tại), khía cạnh môi trường (những thay đổi về cảnh quan do sự phát triển của du lịch dọc bờ biền) và khía cạnh về xã hội (ảnh hưởng đến cộng đồng địa phương). Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng Denarau hiện tại đang phát triển ở giai đoạn 5 trong mô hình tiến trình phát triển của các khu nghỉ dưỡng biển. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy rằng những thay đổi về hình thái trên hòn đảo Denarau không tuân theo mô hình khu nghỉ dưỡng biển (BRM) truyền thống, có nghĩa là không thể dựa vào mô hình để tiếp tục dự đoán những thay đổi tiếp theo sẽ xảy ra đến hòn đảo Denarau tại một thời điểm nào đó. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của các kế hoạch tổng thể được thực hiện bởi chính quyền địa phương lãnh thổ. Cơ quan đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn sự mở rộng của những tác động không mong muốn xảy ra đối với hòn đảo Denarau. 2.2 Phương pháp nghiên cứu Nghiên cứu này chỉ sử dụng phương pháp phân tích định tính mà cụ thể ở đây là phân tích các tài liệu nhằm tìm ra những nội dung cơ bản của tài liệu có liên quan đến việc nghiên cứu các giai đoạn phát triển của mô hình khu nghỉ dưỡng biển trên cơ sở phân loại, lựa chọn và phân tích có hệ thống. Kết hợp với việc sử dụng phương pháp phỏng vấn sâu, bao gồm các câu hỏi mở được thực hiện để tiến hành phỏng vấn đối tượng được phỏng vấn đó là những người dân địa phương hiện đang sinh sống gần các khu nghỉ dưỡng biển ở Lăng Cô, cán bộ chuyên trách về lĩnh vực du lịch tại địa bàn nghiên cứu, khách du lịch và các nhân viên làm việc tại các khu nghỉ dưỡng biển. Theo như các nghiên cứu trước đó, để xác định giai đoạn phát triển của mô hình các khu nghỉ dưỡng biển cũng như chỉ ra những tác động tích cực và tiêu cực từ việc đầu tư và phát triển các khu nghỉ dưỡng biển, các tác giả tập trung phân tích sự thay đổi của 5 khía cạnh là: vật chất (kiến trúc cảnh quan, chất lượng cơ sở vật chất lưu trú tại khu nghỉ dưỡng, sự đầu tư về cơ sở vật chất kỹ thuật và cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch), kinh tế (việc làm, thu nhập, sự phát triển của các cơ sở kinh doanh du lịch, mức tăng trưởng GDP), xã hội (sự thay đổi về văn hóa, an ninh – trật tự, vấn đề sử dụng đất và bãi biển, tình trạng ô nhiễm môi trường, xói mòn) và khía cạnh chính trị (sự quản lý của chính quyền địa phương đối với các khu nghỉ dưỡng và vấn đề thu hút các dự án đầu tư). Nội dung các câu hỏi mở của nghiên cứu này trên cơ sở kế thừa các nghiên cứu trước cũng tập trung xoay quanh các vấn đề nêu trên. Đối với cán bộ chuyên trách về lĩnh vực du lịch, nhóm nghiên cứu tiến hành phỏng vấn 5 đối tượng, cộng đồng địa phương hiện đang sinh sống Jos.hueuni.edu.vn Tập 126, Số 5D, 2017 193 gần các khu nghỉ dưỡng được phỏng vấn với số lượng là 20 người, nhân viên đang làm việc ở mỗi khu nghỉ dưỡng là 5 người. Đối với du khách lưu trú tại các khu nghỉ dưỡng, nhóm tiến hành phỏng vấn 20 du khách với các câu hỏi liên quan đến việc đánh giá chất lượng dịch vụ của các khu nghỉ dưỡng, các vấn đề về khả năng tiếp cận, chất lượng các cơ sở hạ tầng, vấn đề an ninh – an toàn trên bãi biển, mức độ ô nhiễm trên bãi biển... Các thông tin thu thập được từ các đối tượng phỏng vấn được sử dụng để so sánh với các chỉ tiêu đã được chỉ ra trong mô hình lý thuyết, làm cơ sở để xác định được giai đoạn phát triển của mô hình các khu nghỉ dưỡng biển ở Lăng Cô cũng như chỉ ra được những tác động tích cực và tác động tiêu cực từ việc xây dựng và phát triển các khu nghỉ dưỡng biển. 2.3 Mô hình tiến trình phát triển khu nghỉ dưỡng biển Theo nghiên cứu của Smith (1991), mô hình các khu nghỉ dưỡng biển sẽ bao gồm 8 giai đoạn phát triển, cụ thể: Giai đoạn 1: Tiền du lịch Ở giai đoạn này, chưa xuất hiện những điểm du lịch cũng như vẫn chưa có các dấu hiệu rõ ràng về phát triển du lịch. Cụ thể, các điểm dân cư có thể hoặc chưa có các định hướng về phát triển du lịch, nếu có thì cũng chỉ mới dừng lại ở việc phát triển đường sá thuận lợi cho sự phát triển du lịch ở khu dân cư này. Chú thích: Giai đoạn 2: Những ngôi nhà thứ hai Trong giai đoạn này, du lịch đã bắt đầu hình thành thông qua việc dân cư cho khách du lịch thuê những căn hộ, ngôi nhà khi không sử dụng. Điều này tạo điều kiện cho sự phát triển của loại hình du lịch “những ngôi nhà thứ hai”“second home” – từ đó hình thành nên hệ thống các ngôi nhà thứ hai dọc bãi biển. Song song với sự khởi đầu phát triển này, khách đi du lịch chủ yếu dưới hình thức khám phá, hoặc những khách du lịch có lịch trình linh động và yêu Bạch Thị Thu Hà, Trương Thị Thu Hà Tập 126, Số 5D, 2017 194 thích khám phá văn hóa. Sự tiếp xúc giữa khách và người dân địa phương mặc dù mang lại những tác động tiêu cực về mặt xã hội nhưng vẫn có những lợi ích nhất định về mặt kinh tế. Giai đoạn 3: Khách sạn đầu tiêu Trong giai đoạn này, các yếu tố thuộc về khả năng tiếp cận đối với điểm đến được tăng cường so với 2 giai đoạn trước. Ở giai đoạn này bắt đầu có sự xuất hiện của các khách sạn cao cấp phục vụ khách du lịch. Điều này báo hiệu sự bắt đầu của sự phát triển du lịch ở quy mô lớn. Những nhu cầu của những khách du lịch cao cấp phần lớn được thỏa mãn bởi những tiện nghi trong khách sạn. Tổng số doanh thu từ du lịch sẽ tiếp tục được mở rộng đến giai đoạn tám dù chi tiêu thực tế trung bình mỗi khách có thể sẽ giảm do có sự xuất hiện tiếp theo của những du khách có thu nhập thấp. Số lượng việc làm du lịch trong địa phương mở rộng. Vẫn chưa có cơ quan nào quản lý sự phát triển du lịch do vậy sự phát triển này chủ yếu được kiểm soát bởi những doanh nghiệp tư nhân. Giai đoạn 4: Khu nghỉ dưỡng được thiết lập Sự thành công của các khách sạn đầu tiên tạo tiền đề cho sự phát triển của hệ thống dịch vụ lưu trú. Hệ thống khách sạn tiếp giáp với bãi biển đã được phát triển ở giai đoạn 2 tiếp tục được củng cố và tăng cường. Để phục vụ và đáp ứng thỏa mãn nhu cầu của du khách, các doanh nghiệp mở rộng hệ thống kinh doanh bằng cách kinh doanh khách sạn kết hợp với việc Jos.hueuni.edu.vn Tập 126, Số 5D, 2017 195 thuê lại những ngôi nhà của người dân địa phương để kinh doanh. Sự phát triển nhanh các nghề nghiệp trong lĩnh vực khách sạn và các lĩnh vực liên quan tạo cơ hội cho chính người dân địa phương và những cư dân từ những nơi khác. Trong giai đoạn này có sự chuyển đổi từ việc tập trung vào phát triển khách sạn để phục vụ du lịch thay vào đó chú trọng đến việc kết hợp giữa cuộc sống và nơi ở của người dân địa phương. Văn hóa bản địa của người dân địa phương được sử dụng để phát triển du lịch. Hội tụ đủ các yếu tố này thì khái niệm 1 khu nghỉ dưỡng hình thành. Giai đoạn 5: Các khu kinh doanh được thành lập Trong giai đoạn này, cùng với sự phát triển của các khách sạn, nhà dân nằm trong khu vực sát bãi biển có xu hướng di dời đến các vùng xa hơn. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của những khu nghỉ dưỡng biển cung cấp nhiều cơ hội việc làm và sự mở rộng khu vực dân cư là nguyên nhân chính dẫn đến việc một số lượng lớn lao động từ các vùng khác bắt đầu di chuyển đến đây để tìm kiếm cơ hội. Các cơ sở hoạt động kinh doanh khác có nhu cầu muốn tham gia hoạt động du lịch, không thuộc về lĩnh vực khách sạn hình thành và phát triển mạnh mẽ và sự du nhập văn hóa từ các vùng miền khác ngày càng được mở rộng hơn. Đối với các khu nghỉ dưỡng có sự hạn chế về các nguồn lực thuộc về tự nhiên để phát triển các hoạt động giải trí thì sức tải để phục vụ các hoạt động du lịch trên biển chỉ dừng lại ở giai đoạn này. Các phân khúc thị trường khách du lịch mà trước đây được xem là không quan trọng, thì bây giờ lại có xu hướng ngày càng mở rộng hơn và tổng doanh thu từ du lịch tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, phối cảnh của các khu du lịch bắt đầu xấu dần đi do các khu vực đất tự nhiên dần bị thay thế bởi các công trình kiến trúc với chất lượng chênh lệch. Ô nhiễm trở thành một vấn đề tiềm ẩn và vấn đề này vẫn còn tiếp diễn cho đến giai đoạn cuối cùng – giai đoạn 8. Giao thông trở nên tắc nghẽn. Chính quyền trực tiếp quản lý các khu nghỉ dưỡng biển có thể được thành lập nhưng chưa can thiệp nhiều đến hoạt động của các cơ sở kinh doanh tư nhân. Bạch Thị Thu Hà, Trương Thị Thu Hà Tập 126, Số 5D, 2017 196 Giai đoạn 6: Khách sạn nội địa Đến giai đoạn này, vùng đất tiếp giáp với bãi biển không còn sẵn có để tiếp tục khai thác, do đó, các điểm lưu trú buộc phải xây dựng ở các vùng lân cận. Giao thông được thay đổi trong nỗ lực để giảm bớt tắc nghẽn. Môi trường tự nhiên của khu du lịch bị đe dọa cùng với sự phát triển nhanh chóng của khu nghỉ dưỡng biển. Thủy sản và động vật hoang dã khác gặp nguy hiểm do môi trường sống đang bị gián đoạn hoặc bị phá hủy. Áp lực của sự phát triển lên các nguồn tài nguyên khan hiếm có thể dẫn đến vấn đề bồi tụ hay xói mòn đối với các bãi biển. Tương tự như vậy, thiệt hại do lũ lụt gây ra sẽ trở thành một mối nguy hiểm tiềm tàng từ giai đoạn này. Văn hóa bản địa dần bị mai một và các khu nghỉ dưỡng hoàn toàn mang tính thương mại hóa về mặt du lịch. Số lượng việc làm tiếp tục tăng lên và các khu dân cư tiếp tục tăng trưởng về quy mô. Sự phát triển các khu nghỉ dưỡng và các vấn đề về môi trường liên quan không được kiểm soát tốt và các vấn đề khác đe dọa khả năng tồn tại trong tương lai của các khu nghỉ dưỡng. Các chiến lược quy hoạch tổng thể khu du lịch và sự can thiệp từ chính quyền địa phương có thể được đề ra nhằm giải quyết những khó khăn này. Jos.hueuni.edu.vn Tập 126, Số 5D, 2017 197 Giai đoạn 7: Sự chuyển đổi Sự phát triển mạnh mẽ của các nhà cung cấp dịch vụ lưu trú cùng với sự đa dạng của các nhóm du khách tạo ra sự thay đổi rõ rệt trong chi tiêu trung bình của du khách. Trong giai đoạn này, các khu vực kinh doanh sát biển có xu hướng dịch chuyển dần vào sâu trong đất liền và tạo ra nhiều việc làm hơn cho người lao động. Các khu nghỉ dưỡng này dần được xem như là các trung tâm giải trí. Mặc dù bị đô thị hóa, nhưng các nhà kinh doanh du lịch vẫn nỗ lực để tạo ra phối cảnh mang tính tự nhiên vốn có cho các khu vực sát bờ biển. Chính quyền địa phương bắt đầu nhận trách nhiệm quản lý. Giai đoạn 8 : Đô thị nghỉ dưỡng Đây là giai đoạn trưởng thành trong tiến trình phát triển các khu nghỉ dưỡng khi các khu nghỉ dưỡng mở rộng đến mức trở thành một thành phố – “thành phố của các khu nghỉ dưỡng”. Trong giai đoạn này, bãi biển có khả năng bị ô nhiễm và có thể bị tắc nghẽn với các hoạt động chèo thuyền. Tình trạng tắc nghẽn đường dẫn đến các khu du lịch trở nên trầm trọng. Chính quyền địa phương mất quyền quản lý vì không đủ khả năng. Quy hoạch về khía cạnh vật chất trước đó được coi như đã thất bại và cần chuẩn bị một kế hoạch mới cho sự phát triển mạnh mẽ này. Bạch Thị Thu Hà, Trương Thị Thu Hà Tập 126, Số 5D, 2017 198 2.4 Phân tích động thái phát triển khu nghỉ dưỡng biển Lăng Cô – Thừa Thiên Huế Việc xác định mô hình các khu nghỉ dưỡng biển ở Lăng Cô – Thừa Thiên Huế đang ở trong giai đoạn nào trong 8 giai đoạn của mô hình tiến trình phát triển khu nghỉ dưỡng biển sẽ được căn cứ vào mô hình lý thuyết của Smith (1991). Trong 8 giai đoạn phát triển của mô hình phát triển các khu nghỉ dưỡng ven biển thì Lăng Cô – Thừa Thiên Huế đã trải qua 3 giai đoạn đầu tiên bởi vì hiện nay ở Lăng Cô – Thừa Thiên Huế đã xuất hiện các khu nghỉ dưỡng ven biển; hệ thống cơ sở hạ tầng, đường sá tiếp cận các khu nghỉ dưỡng đang dần hoàn thiện, các cơ sở kinh doanh lưu trú khách sạn trong thời điểm này đã phát triển mạnh mẽ với số lượng lớn; bên cạnh đó các vấn đề phát triển du lịch tại địa phương đã chịu sự quản lý và kiểm soát của chính quyền địa phương và các cơ quan ban ngành chức năng. Tất cả các nội dung này Lăng Cô đều đã trải qua. Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu sẽ xem xét và xác định giai đoạn phát triển Lăng Cô, Thừa Thiên Huế trong các giai đoạn tiếp theo của mô hình để tiến hành phân tích và đánh giá. – Giai đoạn 4: trong giai đoạn này, các yếu tố trong mô hình lý thuyết như: nhiều khách sạn hơn, sự phát triển của dải ven biển, một số ngôi nhà phải di chuyển, cộng đồng dân cư được mở rộng, việc làm tại khách sạn chiếm ưu thế thì ở mô hình các khu nghỉ dưỡng biển ở Lăng Cô đều đã xuất hiện. Cụ thể là tại khu vực phát triển các khu nghỉ dưỡng (thị trấn Lăng Cô và xã Lộc Vĩnh) số lượng cơ sở lưu trú (CSLT) chiếm 94 % so với toàn huyện (48/51 tổng số CSLT). Các cơ sở kinh doanh du lịch dịch vụ (khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, quán ăn, quầy lưu niệm) cũng có mật độ tập trung khá lớn. Một số hộ phải di chuyển sang khu vực lân cận để xây dựngkhu nghỉ dưỡng, đáng lưu ý là 32 hộ dân tại thôn Cù Dù, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc. Khu vực phát triển các khu nghỉ dưỡng có mật độ dân cư tập trung đông đúc do sức hút về việc làm và kinh doanh du lịch dịch vụ, người lao động nơi khác đến tìm việc làm mở rộng cộng đồng dân cư. Đa số lao động địa phương hiện đang làm việc trong các khu nghỉ dưỡng ở các bộ phận như: bếp, giặt là, bảo vệ cảnh quan, buồng phòng, bảo vệ, nhân viên nhà hàng, lễ tân – Giai đoạn 5: chỉ có duy nhất yếu tố Ô nhiễm và tắc nghẽn trên mặt nước biển là chưa xuất hiện tại mô hình các khu nghỉ dưỡng ở Lăng Cô bởi hiện nay, các hoạt động du lịch trên biển Lăng Cô chưa được khai thác một cách tối đa và mạnh mẽ. Tuy nhiên, các yếu tố còn lại thuộc mô hình lý thuyết đã bắt đầu xuất hiện nhưng chưa thể hiện rõ rệt. Cụ thể: số lượng các cơ sở lưu trú đang có sự tăng dần nhưng không đáng kể. Trong tương lai tại khu vực phát triển các khu nghỉ dưỡng có thể thu hút được nhiều các dự án đầu tư về phát triển cơ sở lưu trú và nghỉ dưỡng (nhiều cơ sở lưu trú hơn). Chỉ có một số lượng lớn các cơ sở kinh doanh ăn uống như nhà hàng, các quán ăn tại khu vực phát triển các khu nghỉ dưỡng chiếm đến 55 % trên tổng số địa bàn huyện nhưng chất lượng chưa đảm bảo. Bên cạnh đó chỉ có một số ít quầy lưu niệm và các dịch vụ khác cũng bắt đầu phát triển tại khu vực này (những cơ sở kinh doanh không thuộc lĩnh vực khách sạn phát triển). Số lượng khách du lịch tăng trưởng qua hàng năm đặc biệt là khách du lịch quốc tế có sự tăng trưởng khi khu Jos.hueuni.edu.vn Tập 126, Số 5D, 2017 199 nghỉ dưỡng Laguna Lăng Cô đi vào hoạt động, sự gia tăng này là chưa thật sự tương xứng với tiềm năng du lịch vốn có (thị trường khách được mở rộng). Bắt đầu có sự di cư lao động từ các địa phương và quốc gia khác đến khu vực phát triển các khu nghỉ dưỡng ven biển để tìm kiếm việc làm (sự di cư lực lượng lớn lao động). Các tác động tiêu cực ảnh hưởng đến văn hoá cộng đồng địa phương chưa xuất hiện nhiều (văn hóa bị xáo trộn). Môi trường cảnh quan được cải thiện , một số vấn đề về ô nhiễm môi trường như: sự cố tràn dầu, rác thải không được tập trung đúng nơi quy định vẫn xuất hiện nhưng chưa xảy ra ở mức độ nghiêm trọng (môi trường xấu đi). Cơ cấu các ngành kinh tế đang chuyển dịch cơ theo mô hình "du lịch dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp”. Cụ thể: năm 2014 du lịch – dịch vụ chiếm tỷ trọng 52 %; ngành công nghiệp: 39 % và nông – lâm – ngư nghiệp chiếm 8,9 % (du lịch chiếm ưu thế). - Giai đoạn 6: trong 7 yếu tố mà mô hình lý thuyết đã đưa ra thì trong giai đoạn này, mô hình khu nghỉ dưỡng tại Lăng Cô chỉ mới xuất hiện 2 yếu tố đó là: có sự điều tiết của các doanh nghiệp kinh doanh đối với sự phát triển chung và kế hoạch quy hoạch tổng thể của chính phủ. Ủy ban nhân dân huyện Phú Lộc đang cố gắng phát triển du lịch theo cơ chế thông thoáng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các khu nghỉ dưỡng dễ dàng điều tiết và quản lý các hoạt động trong tiến trình phát triển chung. Bên cạnh đó, các chiến lược phát triển du lịch tại địa phương cũng đang được kiểm soát dưới sự chỉ đạo của cơ quan ban ngành chức năng và chính phủ. Những yếu tố còn lại thuộc mô hình lý thuyết BRM như: những khách sạn xây dựng xa bãi biển, sự phát triển nhanh khu nhà ở, các khu vực kinh doanh được củng cố, ảnh hưởng của lũ lụt và xói mòn do sự phát triển nhanh chóng của các khu nghỉ dưỡng và văn hóa du lịch chiếm ưu thế đều chưa xuất hiện tại mô hình các khu nghỉ dưỡng ở Lăng Cô – Thừa Thiên Huế. Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu: hiện nay, còn rất nhiều các bãi đất trống nằm tiếp giáp với bãi biển Lăng Cô; chưa thật sự thấy sự phát triển nhanh các khu nhà ở tại khu vực các khu nghỉ dưỡng ven biển; các cơ sở kinh doanh du lịch như khách sạn, nhà hàng, các quán ăn chưa chú trọng đến việc nâng cấp, mở rộng và nâng cao chất lượng. Các tác động tiêu cực do việc đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng chưa gây ảnh hưởng đến các hiện tượng như lũ lụt, xói mòn. Các giá trị văn hoá địa phương, lễ hội, tài nguyên du lịch nhân văn của địa phương chưa thật sự được khai thác tương xứng với tiềm năng để đưa vào phát triển du lịch. Như vậy, quá trình phân tích và so sánh các yếu tố thuộc mô hình lý thuyết và mô hình các khu nghỉ dưỡng biển ven biển Lăng Cô cho thấy mô hình các khu nghỉ dưỡng ở Lăng Cô đang ở trong giai đoạn đó là: tiền giai đoạn 5 (các khu kinh doanh được thiết lập). Một số yếu tố thuộc mô hình khu nghỉ dưỡng tại Lăng Cô như sự phát triển mạnh của các cơ sở lưu trú kinh doanh khu nghỉ dưỡng, sự phát triển và mở rộng của thị trường khách và những cơ sở kinh doanh không thuộc lĩnh vực khách sạn hay các vấn đề về xáo trộn văn hoá địa phương, ô nhiễm môi trường chỉ mới bắt đầu có dấu hiệu trong giai đoạn 5. Điều này có thể là tình hình phát triển du lịch nói chung và các khu nghỉ dưỡng nói riêng đang còn ở trong những giai đoạn bắt đầu, chưa thật sự phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, còn phụ thuộc vào các chiến lược, chính Bạch Thị Thu Hà, Trương Thị Thu Hà Tập 126, Số 5D, 2017 200 sách quản lý của các cơ quan ban ngành chức năng, chính quyền địa phương và định hướng phát triển của các khu nghỉ dưỡng, các yếu tố này ở Lăng Cô đã xuất hiện ở giai đoạn 6 trong 8 giai đoạn phát triển. Quá trình phân tích động thái phát triển các khu nghỉ dưỡng biển ở Lăng Cô, Thừa Thiên Huế thông qua việc so sánh với mô hình lý thuyết các khu nghỉ dưỡng biển cho thấy tiến trình phát triển các khu nghỉ dưỡng biển ở Lăng Cô đang đi theo mô hình lý thuyết. Chính vì vậy, việc đánh giá mô hình phát triển của các khu nghỉ dưỡng biển Lăng Cô – Thừa Thiên Huế sẽ giúp chúng ta dự đoán trước được các tác động tiêu cực có thể xảy ra tiếp theo dựa trên mô hình lý thuyết. Đây là cơ sở cho các cấp chính quyền và cơ quan ban ngành có những chiến lược và giải pháp để phòng ngừa và hạn chế những tác động tiêu cực có thể xảy ra trong những giai đoạn tiếp theo. Ví dụ như môi trường tự nhiên bị đe dọa do sự phát triển nhanh chóng của các khu nghỉ dưỡng, môi trường sống của các loại thủy sản, động vật hoang dã bị đe dọa, xảy ra các hiện tưởng ô nhiễm – xói mòn và tắc nghẽn trên bãi biển, văn hóa bản địa bị mai một và thương mại hóa, chính quyền địa phương mất dần kiểm soát do không đủ khả năng. Thực tế hiện nay cho thấy sự phát triển của các khu nghỉ dưỡng biển ở Lăng Cô cũng đã đem lại những lợi ích, những tác động tích cực cho cộng đồng địa phương và chính quyền sở tại như tạo ra nhiều việc làm từ du lịch cho người dân địa phương, góp phần phát triển kinh tế địa phương và các khu vực dân cư lân cận; thúc đẩy quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng, đường sá và các công trình dân sinh cho xã hội, thực hiện được nhiều chương trình xã hội giúp ích cho cộng đồng địa phương, bảo tồn phát huy các giá trị văn hoá truyền thống địa phương trong các lễ hội. Bên cạnh đó thì việc phát triển các khu nghỉ dưỡng cũng đã đem lại những tác động không mong muốn ảnh hưởng đến cộng đồng địa phương và môi trường tự nhiên và tài nguyên như thu hẹp đất sản xuất, đất canh tác của người dân, thu hẹp bãi biển công cộng, gây lãng phí nguồn đất đai do xuất hiện các dự án “treo”. Các khó khăn khi cộng đồng địa phương tham gia vào các hoạt động du lịch, tình trạng mất an ninh – trật tự và an toàn của người dân xảy ra nhiều hơn hay môi trường bắt đầu có sự ô nhiễm nhưng chỉ mới ở mức độ chưa nghiêm trọng. 3 Kết luận Nghiên cứu động thái phát triển mô hình các khu nghỉ dưỡng biển Lăng Cô – Thừa Thiên Huế hay nói cách khác việc đánh giá, xác định giai đoạn phát triển theo mô hình tiến trình phát triển các khu nghỉ dưỡng biển của Smith (1991) đóng vai trò rất quan trọng. Khi mà du lịch biển hiện đang trở thành loại hình du lịch chủ yếu của huyện Lăng Cô, theo đó là sự phát triển của các khu nghỉ dưỡng ven biển và chắc chắn trong tương lai với việc thu hút rất Jos.hueuni.edu.vn Tập 126, Số 5D, 2017 201 nhiều các dự án đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng trong và ngoài nước sẽ đem đến những bước phát triển và thách thức mới cho vịnh biển Lăng Cô – Thừa Thiên Huế Kết quả nghiên cứu đã cho thấy những tác động tích cực và tiêu cực do việc phát triển các khu nghỉ dưỡng biển ở Lăng Cô mang lại đối với tình hình kinh tế – văn hóa và xã hội của địa phương. Đồng thời, việc đánh giá mô hình phát triển của các khu nghỉ dưỡng biển ở Lăng Cô dựa theo mô hình lý thuyết cũng đã dự đoán được những tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với mô hình phát triển khu nghỉ dưỡng biển Lăng Cô trong tương lai. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp nhằm giúp mô hình phát triển khu nghỉ dưỡng biển Lăng Cô phát triển theo hướng bền vững đó là: – Kiểm tra, xem xét kỹ lưỡng nội dung các dự án đầu tư nhằm hạn chế sự đô thị hoá quá mức và phá vỡ không gian cảnh quan môi trường và văn hóa địa phương. – Ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào dự án; cải cách thủ tục hành chính để giải quyết nhanh gọn các thủ tục theo cơ chế “một cửa, tại chỗ” nhằm tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế xây dựng các dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn huyện Phú Lộc. – Có các quy định về thời gian tiến độ thực hiện dự án và biện pháp xử lý nếu dự án không thực hiện theo đúng yêu cầu tiến độ được đưa ra ngay từ ban đầu. – Có kế hoạch xây dựng thêm các dự án nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn các thị trấn và các xã nhằm bảo đảm các vấn đề về ô nhiễm môi trường tại khu vực các khu nghỉ dưỡng ở ven biển, khu công nghiệp và khu vực dân cư sinh sống. – Thường xuyên thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra về hệ thống xử lý nước thải tại các khu nghỉ dưỡng ngay từ khi các khu nghỉ dưỡng bắt đầu xây dựng đến khi đi vào hoạt động; hay các cơ sở kinh doanh phục vụ du lịch khác như khách sạn, nhà hàng; có các hình thức xử lý triệt để, nghiêm khắc các trường hợp cố tình vi phạm – Tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để có thể đầu tư, phát triển, mở rộng các cơ sở sản xuất kinh doanh phục vụ du lịch đạt chuẩn phục vụ du khách. – Xem xét việc hỗ trợ đất đai và hỗ trợ đào tạo nghề, việc làm cho các đối tượng phải di dời, tái định cư. Tăng cường phối hợp giữa chính quyền các cấp với nhà đầu tư để thực hiện tốt vấn đề này. – Thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra giám sát, có các quy định xử phạt nặng đối với các trường hợp gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh – trật tự trong khu vực, ảnh hưởng không tốt đến đời sống văn hoá của người dân địa phương. Bạch Thị Thu Hà, Trương Thị Thu Hà Tập 126, Số 5D, 2017 202 – Giải quyết ổn thỏa vấn đề sử dụng khu vực bãi biển công cộng cho người dân nhằm tránh xảy ra các mâu thuẫn cũng như tranh thủ sự ủng hộ của họ trong phát triển các khu nghỉ dưỡng biển sau này. – Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực, chất lượng nguồn lao động hoạt động trong ngành du lịch. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các cơ sở đào tạo, cơ quan tư vấn, các doanh nghiệp để đào tạo và sử dụng nguồn lao động trong vùng. – Tăng cường các cuộc đối thoại giữa chính quyền và cộng đồng địa phương nhằm giải quyết các khiếu nại, tranh chấp; phổ biến các kiến thức và vai trò của hoạt động phát triển du lịch đến phát triển kinh tế địa phương, giáo dục người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển và bảo vệ bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống, các làng nghề, lễ hội truyền thống tại địa phương. Tài liệu tham khảo 1. Pforr, C., Macbeth, J., Clark, K., Fountain, J. and Wood, D. (2007), The dynamics of a coastal tourism development, Gold Coast: Sustainable Tourism Cooperative Research Centre. 2. Xie, P. F., Chandra, V., Gu K. (2013), Morphological changes of coastal tourism: a case study of Deranau Island, Fiji, Tourism Management Perspective, 5, 75–83. 3. Smith, R. A. (1991), Beach resorts: A model of development evolution, Landscape and Urban Planning, 21(3), 189–200. 4. Smith, R. A. (1992a), Beach Resort Evolution: Impications for Planning, Annals of Tourism Research, 19(2), 304–322. 5. Smith, R. A. (1992b), Conflicting trends of beach resort development: A Malaysian case, Coastal Management, 20 (2), 167–187. 6. Smith, R. A., Hendersonb, J. C., Chongb, V., Tayb C. & Jingwenb Y. (2011), The Development and Management of Beach Resorts: Boracay Island, The Philippin, Asia Pacific Journal of Tourism Research, 16 (2), 229–245. 7. Smith, R. A. (1992c), Review of integrated beach resort development in Southeast Asia, Land use Policy, 9(3), 209–218. 8. Agarwal, S., Shaw, G. (2007), Managing Coastal tourism resorts – a global perspective, Channel view publications. 9. Hồ Thị Hương Lan (2009), Đánh giá của du khách về du lịch biển ở Lăng Cô và Cảnh Dương – Thừa Thiên Huế, Tạp chí khoa học Đại học Huế - chuyên san Kinh tế và Phát triển, 54, 59–70. Jos.hueuni.edu.vn Tập 126, Số 5D, 2017 203 MODEL OF BEACH RESORT DEVELOPMENT EVOLUTION: THE CASE OF LANG CO – THUA THIEN HUE PROVINCE Bach Thi Thu Ha*, Truong Thi Thu Ha HU – School of Hospitality and Tourism, 22 Lam Hoang St., Hue, Vietnam Abstract. In Vietnam, along with the development of beach tourism, coastal resorts have rapidly been invested and expanded to meet the needs of tourists. However, this massive development may lead to many serious consequences for the society. This study aims to determine in which phase the Lang Co beach resort in Thua Thien Hue province stands according to Smith's model of beach resort development evolution. The content qualitative analysis and depth interviews were used to determine the theoretical framework. The results revealed that Lang Co is in the “Resort established” and early “Business district established” stages. This process does bring benefits as well as problems to economic, environmental, cultural and social issues of the locality. The findings would enable the authorities to create appropriate solutions and strategies for guiding the model of beach resorts in Lang Co towards sustainable development. Keywords: beach resort, beach tourism, Lang Co, Thua Thien Hue

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfdong_thai_phat_trien_khu_nghi_duong_bien_lang_cothua_thien_h.pdf
Tài liệu liên quan