Du lịch tâm linh phật giáo tại Đà Nẵng: Thực trạng và định hướng phát triển

Kết luận Du lịch được xem là là ngành công nghiệp không khói mang lại những hiệu quả kinh tế không thể phủ nhận. Mỗi quốc gia, mỗi địa phương đều cố gắng tận dụng những lợi thế của mình để phát huy hiệu quả trong khai thác du lịch. Du lịch tâm linh Phật giáo Đà Nẵng chính là một trong những thế mạnh mà không phải địa phương nào cũng có được. Và hiện Đà Nẵng cũng đang nỗ lực thu hút du khách đến với nguồn tài nguyên ấy. Có thế mạnh nhưng phải làm sao để có thể vừa khai thác được hiệu quả vừa không làm phương hại đến nguồn tài nguyên, hạn chế tối đa những tiêu cực, những mặt trái trong tác động của du lịch đến văn hóa tâm linh, đồng thời nâng cao được mức sống của cư dân địa phương , đó phải là mục tiêu cần hướng đến của du lịch Đà Nẵng. Những định hướng mang tính giải pháp mà tác giả tham khảo cũng như đề xuất trong báo cáo hy vọng góp phần nâng cao hiệu quả của kinh tế du lịch Đà Nẵng cũng như phát triển du lịch Đà Nẵng một cách bền vững.

pdf8 trang | Chia sẻ: hachi492 | Ngày: 10/01/2022 | Lượt xem: 353 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Du lịch tâm linh phật giáo tại Đà Nẵng: Thực trạng và định hướng phát triển, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
UED Journal of Social Sciences, Humanities & Education – ISSN 1859 - 4603 TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI, NHÂN VĂN VÀ GIÁO DỤC 50 | Tạp chí Khoa học Xã hội, Nhân văn & Giáo dục, Tập 8, số 4 (2018), 50-57 aTrường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng * Tác giả liên hệ Trần Xuân Hiệp Email: hiepdtu@gmail.com Nhận bài: 11 – 09 – 2018 Chấp nhận đăng: 25 – 12 – 2018 DU LỊCH TÂM LINH PHẬT GIÁO TẠI ĐÀ NẴNG: THỰC TRẠNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN Trần Xuân Hiệpa*, Phan Thị Kima Tóm tắt: Du lịch tâm linh là một loại hình du lịch hiện đang được triển khai ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ở nước ta, nhiều địa phương đang đẩy mạnh khai thác loại hình du lịch này và bước đầu đã đạt được những hiệu quả nhất định. Trong các điểm đến du lịch hấp dẫn của cả nước, Đà Nẵng đang dần khẳng định được thương hiệu trong lòng du khách. Đà Nẵng có nhiều điều kiện để phát triển du lịch, trong đó không thể không kể đến du lịch tâm linh Phật giáo là một trong những thế mạnh của địa phương. Thông qua quá trình khảo sát thực tế các điểm du lịch tâm linh Phật giáo nổi tiếng tại Đà Nẵng, tác giả nhận thấy hiện vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại cũng như việc Đà Nẵng chưa khai thác, phát huy hết những thế mạnh, tiềm năng sẵn có. Trên cơ sở phân tích thực trạng khai thác du lịch tâm linh Phật giáo để phát triển du lịch, chúng tôi đưa ra một số định hướng nhằm phát triển loại hình du lịch tâm linh Phật giáo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Từ khóa: du lịch tâm linh Phật giáo; Đà Nẵng; thế mạnh; thực trạng; định hướng. 1. Đặt vấn đề Du lịch tâm linh là loại hình du lịch văn hóa hiện đang được đẩy mạnh khai thác ở nhiều quốc gia trên thế giới. Khái niệm du lịch tâm linh cũng đã có nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến. Theo tác giả Nguyễn Văn Tuấn: “Du lịch tâm linh thực chất là loại hình du lịch văn hóa, lấy yếu tố văn hóa tâm linh vừa làm cơ sở vừa làm mục tiêu nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người trong đời sống tinh thần” [4]. Trong các loại hình du lịch tâm linh, đối với Việt Nam, du lịch tâm linh Phật giáo nhìn chung được du khách tìm đến nhiều hơn cả. Hiện nay, rất nhiều địa phương đã biết dựa vào lợi thế của mình để khai thác loại hình du lịch này, cụ thể như Quảng Ninh (chùa Yên Tử), Hà Nội (chùa Hương Tích), Ninh Bình (chùa Bái Đính), Có không ít những hội thảo lớn liên quan đến vấn đề Phật giáo nói chung và du lịch tâm linh Phật giáo nói riêng được diễn ra như: “Di sản văn hóa Phật giáo với vấn đề phát triển du lịch ở Huế” năm 2010, “Di sản Văn hóa Phật giáo xứ Đông” năm 2013, “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm chia sẻ vì một xã hội bền vững” sẽ diễn ra vào tháng 5/2019 Một số học giả cũng đã quan tâm nghiên cứu về vấn đề du lịch tâm linh Phật giáo ở các địa phương như: Hồ Kì Minh, Nghiên cứu và đề xuất giải pháp phát triển loại hình du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị (Đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Xã hội Đà Nẵng, 2013); Nguyễn Trọng Nhân, Cao Mỹ Khanh, Đánh giá của du khách đối với những điều kiện phát triển du lịch văn hóa tâm linh tỉnh An Giang (Tạp chí Khoa học trường Đại học Cần thơ, 2014), Trong các điểm đến du lịch tâm linh Phật giáo ở nước ta, Đà Nẵng đang trở thành điểm đến được nhiều du khách quan tâm trong thời gian gần đây. Loại hình du lịch văn hóa - tâm linh Phật giáo đã được thành phố đẩy mạnh triển khai và đang từng bước tạo ra những hiệu quả nhất định. Một số bài nghiên cứu cũng đã chỉ ra những tiềm năng, thực trạng, giải pháp phát triển của du lịch tâm linh Phật giáo Đà Nẵng như: Đinh Đức Hiền và Trần Thị Lê Na năm 2016: Phát triển du lịch tâm linh Phật giáo tại Đà Nẵng: tiềm năng và giải pháp [10]. Tuy nhiên, bài viết đang còn mang tính tổng quan, ISSN 1859 - 4603 - Tạp chí Khoa học Xã hội, Nhân văn & Giáo dục, Tập 8, số 4 (2018), 50-57 51 chưa phản ánh hết thế mạnh, thực trạng về khai thác du lịch tâm linh Phật giáo tại Đà Nẵng cũng như các giải pháp cụ thể để khai thác một cách có hiệu quả nhất. Trên thực tế, Đà Nẵng có rất nhiều tiềm năng về du lịch tâm linh Phật giáo có thể phát huy, tuy nhiên việc khai thác các giá trị vốn có của nó vẫn còn những hạn chế và tồn tại chưa thể giải quyết được. Vấn đề đặt ra là cần có những giải pháp cụ thể mang tính thực tiễn nhằm nâng tầm giá trị của Phật giáo địa phương cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch của thành phố. Thông qua bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung làm nổi bật được những vấn đề này cũng như đưa ra các gợi ý hữu ích. 2. Thực trạng khai thác du lịch tâm linh Phật giáo tại Đà Nẵng Đà Nẵng có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch tâm linh, nhất là du lịch tâm linh Phật giáo. Thành phố có nhiều công trình Phật giáo được xây dựng từ rất sớm gắn với sự xuất hiện của Phật giáo trên vùng đất này cũng như những công trình mới được xây dựng gần đây. Mỗi một cơ sở Phật giáo đó đều mang những giá trị nhất định, trở thành những di sản văn hóa đặc sắc và là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn quan trọng. Trong các điểm du lịch tâm linh Phật giáo ở Đà Nẵng, trước hết phải kể đến Ngũ Hành Sơn. Ngũ Hành Sơn được xem là trung tâm Phật giáo quan trọng trên vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng vào thế kỉ XVII. “Ngay từ đầu thế kỉ XVII, Phật giáo ở Ngũ Hành Sơn đã ảnh hưởng lớn trong xã hội và mang tính quốc tế. Người Việt, người Nhật, người Hoa đã “chung bỏ của nhà” để đến đây cúng dường Tam Bảo. Đến cuối thế kỉ thứ XVII, nơi đây đón nhận sự truyền nhập của hai thiền phái Tào Động và Lâm Tế. Các thiền sư đến đây dựng chùa, hành đạo khiến Phật giáo nhanh chóng phát triển, ảnh hưởng lớn không chỉ trong dân chúng, mà còn cả với các chúa Nguyễn. Có thể nói, trong thế kỉ XVII, Ngũ Hành Sơn là nơi tạo không khí sinh hoạt Phật giáo hưng thịnh bậc nhất ở Quảng Nam - Đà Nẵng” [3, tr.66-67]. Và cho đến nay, Phật giáo ở Ngũ Hành Sơn ngày càng được nhiều Phật tử, du khách trong cả nước biết đến nhờ sự nổi tiếng lâu đời. Điều đặc biệt hơn cả, Ngũ Hành Sơn là một trong những danh thắng làm mê đắm lòng người bởi vẻ đẹp của phong cảnh núi non, biển nước hữu tình. Du khách tìm đến Ngũ Hành Sơn không chỉ để thể hiện đức tin, lòng mộ đạo mà còn để được chiêm ngưỡng cảnh: “Giữa động cát nổi lên sáu ngọn núi đá, sông cái lượn phía Tây, biển cả bao phía Đông Bắc, hình núi nhọn đẹp, trời tạnh nhìn ở xa, sắc như mây gấm, thật là đáng yêu” [2, tr.399]. Ngũ Hành Sơn bao gồm sáu ngọn núi được đặt theo tên trong Ngũ hành: Thủy Sơn, Mộc Sơn, Kim Sơn, Âm Hỏa Sơn, Dương Hỏa Sơn và Thổ Sơn. Nơi đây không chỉ có vẻ đẹp kì diệu được thiên nhiên ban tặng với các núi đá, hang động kì ảo mà còn có bề dày lịch sử và văn hóa. Các di chỉ khảo cổ liên quan đến sự xuất hiện của con người từ rất sớm, cũng như các dấu tích liên quan đến văn hóa Chăm đã được tìm thấy tại đây. Đặc biệt hơn, thắng cảnh Ngũ Hành Sơn còn gắn với những danh lam linh thiêng, cổ kính: chùa Linh Ứng tọa lạc trên ngọn núi Thủy Sơn với nhiều pho tượng đẹp như tượng Thích Ca, Phật Di Lặc Chùa Tam Thai nằm ở phía Tây ngọn Thủy Sơn với ba tầng uy nghi. Động Huyền Không huyền ảo cũng có tượng Phật Thích Ca, bàn thờ Phật Địa Tạng Vương Bồ Tát Động Quan Âm có tượng Quan Thế Âm Bồ Tát uy nghi, có chuông đá, hồ nước Cam Lồ. Bên trong động Hoa Nghiêm có thờ Tượng Phật Bà Quan Thế Âm và trên vách động là tấm bia cổ Linh Trung Phật quý hiếm Nhìn chung, dấu ấn của Phật giáo đều có mặt ở hầu khắp các điểm tham quan của danh thắng Ngũ Hành Sơn. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho du khách khi tới Ngũ Hành Sơn để trải nghiệm loại hình du lịch tham quan kết hợp du lịch tâm linh Phật giáo. Cũng tại Ngũ Hành Sơn, hàng năm nơi đây đã thu hút một lượng lớn Phật tử, du khách đến với lễ hội Quán Thế Âm - lễ hội Phật giáo có quy mô lớn ở miền Trung và của cả nước. Theo thống kê, lễ hội hàng năm thu hút khoảng 60.000 đến 80.000 lượt du khách và người dân tham quan và chiêm bái lễ hội [5]. Trong những năm gần đây, để nâng tầm lễ hội, tạo nên sự trải nghiệm thú vị cho du khách khi tham gia, lễ hội Quán Thế Âm đã đa dạng hóa các hoạt động nhằm đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu của du khách về trẩy hội. Đến với lễ hội, ngoài việc viếng chùa, lễ Phật, thực hiện những nghi lễ tâm linh để cầu tài cầu lộc, du khách còn có thể tham gia, hòa mình vào nhiều hoạt động hấp dẫn: xem triển lãm tranh, thư pháp, triển lãm đá mỹ nghệ, xem biểu diễn văn nghệ, thi hát bài chòi, thưởng thức ẩm thực chay Lễ hội Quán Thế Âm năm 2018 vừa qua đã trưng bày lá cờ Phật giáo lớn nhất Việt Nam, tạo nên một điểm nhấn cho lễ hội Trần Xuân Hiệp, Phan Thị Kim 52 cũng như tạo được những ấn tượng rất riêng trong lòng du khách. Có thể thấy, đây là các hoạt động tích cực, tạo ra những bước tiến, những hiệu quả thiết thực trong việc đưa lễ hội vào khai thác du lịch của Đà Nẵng. Các hoạt động đó vừa tăng thêm tính hấp dẫn cho điểm du lịch, vừa không gây phương hại đến nền văn hóa Phật giáo mà không phải địa phương nào cũng triển khai được. Năm 2015, Bảo tàng Văn hóa Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam đã được khánh thành trong khuôn viên quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn. Bảo tàng hiện trưng bày khoảng 500 cổ vật, hiện vật như: tượng và tranh chư Phật, Bồ Tát, tổ sư; mộc bản kinh Phật, đồ thờ cúng, nhạc khí từ thế kỉ VII đến đầu thế kỉ XX. Đây là một sự kiện đáng tự hào của Phật giáo Đà Nẵng nói riêng, thành phố Đà Nẵng nói chung. Sự xuất hiện của bảo tàng đã thu hút thêm nhiều Phật tử và du khách muôn nơi đến chiêm ngưỡng và tìm hiểu về Phật giáo Việt Nam, góp thêm một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Đà Nẵng. Để có cái nhìn khách quan hơn về sự hài lòng của du khách khi trải nghiệm du lịch tâm linh Phật giáo tại Ngũ Hành Sơn, chúng tôi đã tiến hành phỏng vấn 50 du khách và 50 Phật tử khi tham quan danh thắng Ngũ Hành Sơn và khi tham gia lễ hội Quán Thế Âm (năm 2018). Kết quả cho thấy: Bảng 1. Đánh giá sự hài lòng của du khách khi trải nghiệm du lịch tâm linh Phật giáo tại Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng (kết quả phỏng vấn thực tế ) Sự hài lòng Hoàn toàn hài lòng Chưa thật sự hài lòng Không hài lòng Tỉ lệ 92% 8% 0% Với kết quả khảo sát trên cho thấy, du khách hoàn toàn hài lòng về cảnh đẹp của danh thắng, về giá trị của các công trình liên quan đến Phật giáo như các ngôi chùa, đặc biệt là giá trị của bảo tàng văn hóa Phật giáo, về các hoạt động đa đạng được diễn ra trong lễ hội Quán Thế Âm Còn lại chỉ một bộ phận nhỏ chưa thật sự hài lòng về tình trạng chưa xử lý triệt để vấn đề vứt rác bừa bãi, về không gian chưa đủ rộng cho du khách và Phật tử lễ Phật trong lễ hội, tình trạng chèo kéo khách tại một số gian hàng bán đồ lưu niệm Kết quả trên đã chứng minh danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn thực sự là một điểm du lịch tâm linh có sức hút lớn đối với du khách khi đến Đà Nẵng. Ngày 08/01/2018, Thường trực Quận ủy Ngũ Hành Sơn có buổi làm việc với lãnh đạo Ban Quản lí Khu Du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn để bàn biện pháp thu hút khách du lịch năm 2018 và những năm tiếp theo. Quận ủy chỉ đạo Ban Quản lí cần tăng cường công tác quảng bá hình ảnh Ngũ Hành Sơn trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các sự kiện và hoạt động văn hóa, liên kết các tour phục vụ khách đến tham quan, tạo ra các sản phẩm đặc sắc để phục vụ du khách, đảm bảo hài hòa giữa bảo vệ di tích và hoạt động du lịch; chú trọng giữ gìn trật tự văn minh, môi trường văn hóa du lịch, chống các hành vi tiêu cực làm xâm hại môi trường văn hóa du lịch tại khu danh thắng, nhất là các hành vi đeo bám, chèo kéo khách thiếu văn minh, lịch sự nhằm tạo ra điểm đến “An toàn, văn minh, thân thiện” thu hút du khách đến tham quan [7]. Có thể thấy, những biện pháp trên đây theo chỉ đạo của Quận ủy cho Ban Quản lý Ngũ Hành Sơn là những việc làm hết sức thiết thực để thu hút khách du lịch đến với danh thắng Ngũ Hành Sơn, và cũng là biện pháp để khai thác hiệu quả hơn loại hình du lịch tâm linh Phật giáo ở Đà Nẵng. Ngoài Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng còn có không ít những điểm du lịch tâm linh Phật giáo khác không kém phần nổi tiếng, trong đó phải kể đến hai danh lam Linh Ứng gắn với các thắng cảnh hấp dẫn ở bán đảo Sơn Trà và khu du lịch Bà Nà. Đây thực sự là những địa chỉ đỏ không thể bỏ qua với du khách khi đến với thành phố bên sông Hàn. Hiện nay, đối với các công ty lữ hành, đây là những điểm tham quan quan trọng trong việc thiết kế chương trình du lịch. Chùa Linh Ứng - Sơn Trà gần đây được biết đến là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của thành phố. Chùa tọa lạc trên đỉnh núi Sơn Trà thơ mộng. Tượng Phật bà Quan Âm cao 67m lưng tựa vào núi, mắt hướng ra biển trong một khuôn viên có vẻ đẹp tuyệt mỹ đã tạo nên những ấn tượng mạnh cho du khách. Ngày 7/6/2017, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng quyết định công nhận chùa là điểm du lịch địa phương trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Tên của điểm du lịch là “Điểm du lịch chùa Linh Ứng - bán đảo Sơn Trà”, tên tiếng Anh là Tourist Site Linh Ung Pagoda - Son Tra [8]. Với Quyết định ISSN 1859 - 4603 - Tạp chí Khoa học Xã hội, Nhân văn & Giáo dục, Tập 8, số 4 (2018), 50-57 53 này, công tác giám sát việc khai thác chùa Linh Ứng - Sơn Trà phục vụ cho phát triển du lịch được thực hiện chặt chẽ hơn và có nhiều quy định như đảm bảo an toàn cho khách du lịch, bảo vệ môi trường, bảo đảm sự tham gia của cộng đồng dân cư vào các hoạt động du lịch, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội và an toàn cho du khách, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia giao thông của các phương tiện vận chuyển khách du lịch Tại chùa Linh Ứng - Sơn Trà, chúng tôi cũng đã tiến hành phỏng vấn 50 du khách về sự hài lòng của họ khi tham quan tại đây (năm 2018). Kết quả, hầu hết các du khách đánh giá cao sự hấp dẫn của điểm đến, nhưng dịch vụ phục vụ cho hoạt động du lịch tâm linh Phật giáo tại đây lại còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách, ví dụ: hàng lưu niệm nghèo nàn, thiếu các dịch vụ ăn uống Bảng 2. Đánh giá sự hài lòng của du khách khi trải nghiệm du lịch tâm linh Phật giáo tại chùa Linh Ứng - Sơn Trà - Đà Nẵng (kết quả phỏng vấn thực tế) Sự hài lòng Hoàn toàn hài lòng Chưa thật sự hài lòng Không hài lòng Tỉ lệ 75% 25% 0% Ngoài hai ngôi chùa Linh Ứng ở Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà, Đà Nẵng còn được biết đến với một ngôi chùa Linh Ứng khác nằm trong khuôn viên khu du lịch Bà Nà nổi tiếng, tạo nên “tam Linh Ứng tự” có một không hai ở Đà Nẵng. Đến với khu du lịch Bà Nà, ngoài những trải nghiệm thú vị bởi những công trình kiến trúc cổ kính, độc đáo được tọa lạc trên một vùng núi đẹp, có khí hậu mát mẻ thì yếu tố tâm linh đã trở thành một điểm nhấn quan trọng cho khu du lịch. Năm 2014, nơi đây đã chính thức đưa vào hoạt động khu du lịch tâm linh Bà Nà Hills. Ngoài ngôi đền Lĩnh Chúa Linh Từ thờ bà chúa linh thiêng của cả vùng núi Bà Nà là Mẫu Thượng Ngàn thì nơi đây còn có nhiều công trình Phật giáo có giá trị có thể phục vụ nhu cầu tâm linh Phật giáo của khách du lịch. Đó là tượng Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni cao 27m trong trạng thái thiền định với những nét chạm khắc tinh tế. Đó là Lầu Chuông được xây dựng theo lối kiến trúc nhà Phật với chiếc chuông đồng nặng 4 tấn được đúc ngay tại đỉnh thiêng Bà Nà. Đó là tháp Linh Phong Tự cao 9 tầng, mỗi tầng đều có 4 chiếc chuông đồng được treo ở 4 góc. Bên cạnh Lầu Chuông là Nhà Bia với vẻ uy nghiêm, cổ kính Tất cả đã tô thêm những gam màu tâm linh Phật giáo đầy màu sắc để bức tranh Bà Nà thêm phần ấn tượng, đa dạng, đặc sắc. Một số ngôi chùa mặc dù không tọa lạc ở những thắng cảnh nổi tiếng, nhưng nhờ tính linh thiêng vốn có nên chùa cũng thu hút được một lượng du khách không nhỏ đến viếng thăm, cầu an như chùa Phổ Đà, chùa Tam Bảo ở khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng, trong đó chùa Tam Bảo được cho là tổ đình của Phật giáo Nam tông Việt ở khu vực miền Trung Việt Nam. Ngoài ra, có những ngôi chùa được nâng cấp, trùng tu gần đây với những công trình kiến trúc độc đáo, thiết kế ấn tượng cũng đã bắt đầu để lại những ấn tượng mạnh trong lòng du khách, đặc biệt phải kể đến như chùa Nam Sơn ở Cẩm Lệ - một quận ngoại ô thành phố. Cùng với các cơ sở thờ tự của Phật giáo là các ngôi chùa nổi tiếng, Phật giáo Đà Nẵng còn diễn ra rất nhiều hoạt động mang tính sự kiện. Theo tác giả Đinh Đức Hiền - Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng: “Các hoạt động từ thiện xã hội, thuyết giảng Phật pháp, các khóa tu học Phật thường được các chùa Bát Nhã, Bồ đề Thiền Viện, chùa Hương Sơn, chùa Quan Thế Âm... tổ chức định kì hằng năm cũng thu hút một lượng khách du lịch lớn đến tham gia. Ngoài ra, nhiều sự kiện Phật giáo lớn cũng được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức tại thành phố Đà Nẵng như: năm Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc (Vesak) năm 2008 tại Trung tâm văn hóa thành phố với hàng nghìn Tăng Ni, Phật tử tham gia; Hội thảo toàn quốc của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức tại chùa Linh Ứng - Bãi Bụt trong năm 2011 với khoảng 4.200 người tham dự; hằng năm có nhiều đoàn Phật giáo quốc tế như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ đến Đà Nẵng nên đây cũng là những lợi thế lớn để du lịch tâm linh Phật giáo khai thác phát triển” [10]. 3. Những kết quả đạt được và hạn chế Với thực trạng khai thác du lịch tâm linh Phật giáo tại Đà Nẵng như đã phân tích ở trên, có thể thấy, du lịch tâm linh Phật giáo Đà Nẵng đã và đang thu hút được sự quan tâm của nhiều du khách, trở thành những điểm du lịch không thể thiếu được trong chuyến hành trình của khách du lịch khi đến với Đà thành. Các điểm đến tâm linh Phật giáo ở Đà nẵng đã thực sự trở thành những nơi ngoạn cảnh của du khách bốn phương, giúp du khách Trần Xuân Hiệp, Phan Thị Kim 54 đạt được sự thư giãn thực sự, có được những trải nghiệm thú vị chứ không chỉ thuần túy là lễ Phật. Số lượng du khách đến với các điểm tâm linh Phật giáo Đà Nẵng gần đây thực sự là những con số ấn tượng. Theo ông Nguyễn Văn Hiền - Trưởng Ban Quản lý Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, năm 2017, danh thắng đón gần 1,49 triệu lượt khách đến tham quan, doanh thu đạt trên 52 tỉ đồng (đạt 206% kế hoạch). Năm 2018, danh thắng được giao kế hoạch đón 1,5 triệu lượt khách. Nhưng đến cuối năm 2018, danh thắng sẽ phấn đấu vượt 15% kế hoạch quận giao... [6]. Còn với chùa Linh Ứng ở Sơn Trà, theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, lượng khách du lịch đến chùa tăng lên hàng năm với tốc độ tăng trưởng năm 2016 (1,798,180 lượt khách) tăng 3,9 lần so với năm 2013 (464,100 lượt khách) và dự kiến tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo [9]. Những con số thống kê về lượt khách du lịch trên mặc dù đã phản ánh hiện trạng khai thác du lịch tâm linh Phật giáo ở Đà Nẵng khá tốt, tuy nhiên, lượng du khách chỉ mới tập trung trong một số thời điểm nhất định trong năm như dịp lễ hội, lễ tết mà chưa có sự cân bằng giữa các tháng trong năm. Do đó sẽ diễn ra tình trạng quá tải vào mùa cao điểm, gây tác động xấu đến môi trường cũng như làm bào mòn di tích, danh lam thắng cảnh. Còn mùa thấp điểm lại gây ra tình trạng lãng phí tài nguyên cũng như ảnh hưởng đến nguồn thu từ khách du lịch. Một trong những nguyên nhân gây nên tính mùa vụ rõ rệt trong khai thác du lịch tâm linh Phật giáo Đà Nẵng chính là do các cơ sở tôn giáo chưa có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ với ngành du lịch. Bên cạnh một số đoàn tham quan các cơ sở tôn giáo này nằm trong chương trình du lịch được thiết kế bởi các công ty lữ hành thì một phần lớn du khách, đặc biệt là khách lẻ đến đây một cách tự phát. Một số tín đồ Phật giáo thì lại chưa được các hãng lữ hành thiết kế những tour chuyên biệt để tìm đến các cơ sở Phật giáo khi họ có nhu cầu mà mới chỉ dừng lại ở việc tham quan kết hợp với nhiều điểm du lịch khác của thành phố. Qua phỏng vấn một số du khách, Phật tử tại một số điểm tham quan Phật giáo ở Đà Nẵng cho thấy, sản phẩm, dịch vụ du lịch tại các điểm tôn giáo còn nghèo nàn. Các hoạt động sự kiện cũng còn nhỏ lẻ, ít ỏi về số lượng. Ngoài lễ hội Quán Thế Âm, các điểm đến Phật giáo khác nhìn chung chưa có hoạt động gì nổi bật nhằm tạo nên một điểm nhấn, một tiếng vang cho du lịch tâm linh Phật giáo Đà Nẵng. Và cũng dễ thấy, mặc dù Đà Nẵng có nhiều điểm tham quan hấp dẫn tại các cơ sở Phật giáo, nhưng các điểm đến ấy chưa thật sự phong phú và còn gây ra sự nhàm chán cho du khách. Với cảnh sắc non nước hữu tình được thiên nhiên ưu đãi mà không phải địa phương nào cũng có được, Đà Nẵng hoàn toàn có thể xây dựng được thêm thêm nhiều điểm du lịch tâm linh Phật giáo thu hút du khách. Bên cạnh đó, gần đây, những biểu hiện chưa đẹp ở một số cơ sở Phật giáo Đà Nẵng vẫn còn tồn tại khiến cho hình ảnh du lịch tâm linh Phật giáo Đà Nẵng bị ảnh hưởng. Đó là hiện tượng du khách ăn mặc hở hang khi vào chùa lễ Phật, hiện tượng thắp nhang tràn lan ở các ngôi chùa, biểu diễn văn nghệ với hình ảnh phản cảm ở chùa An Hải - quận Ngũ Hành Sơn trong đại lễ mừng Phật đản, tình trạng chèo kéo du khách mua các ấn phẩm Phật giáo cũng như hàng lưu niệm ở các điểm đến Phật giáo vẫn còn diễn ra. Ngoài ra, có một vấn đề cần được chính quyền Đà Nẵng quan tâm hơn nữa hiện nay đó chính là vấn đề phát triển du lịch đồng thời nâng cao mức sống của cộng đồng cư dân địa phương dựa trên nguồn lực du lịch. Đây cũng là một trong những nội dung của phát triển du lịch bền vững nói chung. Đà Nẵng muốn phát triển du lịch tâm linh Phật giáo hiệu quả, cũng rất cần bàn đến nội dung này. Hiện nay du lịch tâm linh Phật giáo ở địa phương đã được khai thác mạnh và mang lại những hiệu quả kinh tế mà chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy được, nhưng trên thực tế việc khai thác, phát triển ấy còn chưa thực sự gắn kết với cuộc sống của người dân địa phương. Đời sống vật chất và tinh thần của cư dân Đà Nẵng chưa thực sự được nâng cao từ thế mạnh của du lịch tâm linh Phật giáo Trên đây chính là một số vấn đề còn tồn tại trong khai thác phát triển du lịch tâm linh Phật giáo Đà Nẵng. Để khai thác có hiệu quả, đồng thời khắc phục những hạn chế, những bên liên quan cần phải có những giải pháp tích cực. 4. Những gợi mở trong phát triển du lịch tâm linh Phật giáo tại Đà Nẵng ISSN 1859 - 4603 - Tạp chí Khoa học Xã hội, Nhân văn & Giáo dục, Tập 8, số 4 (2018), 50-57 55 Trước những nỗ lực của thành phố Đà Nẵng trong việc khai thác, phát triển du lịch tâm linh Phật giáo như đã trình bày ở trên, không thể phủ nhận những mặt tích cực cũng như những hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên, những việc làm đó vẫn là chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của du khách khi đến với Đà Nẵng cũng như chưa thể khai thác hết các giá trị, tiềm năng sẵn có của Phật giáo Đà Nẵng. Muốn đạt được hiệu quả khai thác cao nhất, du lịch Đà Nẵng cần có những giải pháp thiết thực. Trước hết, ngành du lịch cần có sự phối hợp chặt chẽ với ban trị sự tôn giáo để có sự thống nhất, đồng lòng trong việc xem các cơ sở thờ tự của Phật giáo cũng như các hoạt động liên quan đến Phật giáo là một nguồn tài nguyên du lịch có giá trị. Từ đó mới có thể phát huy tốt nhất những tiềm năng Phật giáo trên địa bàn thành phố trong các biện pháp khai thác cụ thể. Ngoài ra, như đã trình bày ở trên, du lịch tâm linh Phật giáo Đà Nẵng mang tính mùa vụ rõ nét với việc du khách tập trung quá tải vào một số dịp lễ hội, lễ, tết trong năm. Do đó cần phải giảm thiểu tính mùa vụ bằng cách đa dạng hóa các hoạt động trong mùa thấp điểm để thu hút du khách, đồng thời nỗ lực phát triển nguồn lực để có thể tạo ra sức chứa đủ lớn trong mùa cao điểm. Bên cạnh đó, các công ty lữ hành cũng cần có những chương trình du lịch hấp dẫn trong mùa thấp điểm. Theo tác giả Dương Đức Minh, nói về khách du lịch tâm linh nói chung, đối tượng du khách tham gia vào các tuyến du lịch tâm linh có sự phân hóa theo hoạt động và đặc điểm tôn giáo của họ. Nếu đoàn khách có cùng niềm tin tôn giáo và có mục đích thực hành nghi lễ tôn giáo thì tuyến du lịch tâm linh có bản chất là tuyến du lịch chuyên đề, vì thế trong một hành trình du lịch tâm linh có thể xuất hiện nhiều điểm tham quan du lịch có tính chất văn hóa tâm linh khá tương đồng [1]. Đây chính là một đặc điểm để Đà Nẵng có thể phát triển loại hình du lịch tâm linh Phật giáo hướng tới đối tượng du khách là những Phật tử với việc liên kết các điểm Phật giáo nổi tiếng khác. Như chúng ta đã biết, hiện nay ở Đà Nẵng đã hình thành một số tuyến du lịch với điểm đến là các di sản văn hóa đã đưa vào khai thác, có sức hút đối với du khách như: Đà Nẵng - Ngũ Hành Sơn - Hội An; Đà Nẵng - Ngũ Hành Sơn - bán đảo Sơn Trà; Hành trình di sản miền Trung: Đà Nẵng - Huế - Hội An - Quảng Bình... Riêng với du lịch tâm linh Phật giáo, Đà Nẵng hoàn toàn có thể xây dựng những tour du lịch dựa trên các tuyến chuyên biệt như thế. Để tăng hiệu quả của việc khai thác, Đà Nẵng có thể liên kết phát triển du lịch tâm linh với các điểm du lịch tâm linh nổi tiếng lân cận trong vùng như Thừa Thiên Huế, Hội An - Quảng Nam trên cơ sở hợp tác, liên kết, xây dựng tour du lịch kết nối các điểm đến tâm linh Phật giáo, hình thành nên chương trình du lịch tâm linh Phật giáo miền Trung. Và để đáp ứng cho đối tượng du khách đi theo tuyến du lịch chuyên đề này, Đà Nẵng cũng như các địa phương liên kết cần phải đa dạng hóa các sản phẩm du lịch tâm linh Phật giáo, tạo thêm cơ hội cho đồng bào Phật tử có nhiều trải nghiệm hơn nữa khi tham gia tuyến du lịch chuyên đề Phật giáo của mình. Đó có thể là việc tổ chức các khóa tu, các hoạt động thể thao tinh thần như thiền, yoga, hội thảo như một số địa phương đã triển khai Cũng theo tác giả Dương Đức Minh, nếu đoàn khách tham gia vào hoạt động du lịch tâm linh chỉ dừng lại ở mức độ tham quan và tìm hiểu và không có nhu cầu thực hành nghi lễ tôn giáo thì tuyến du lịch tâm linh rõ ràng có thể kết hợp nhiều điểm tham quan du lịch tâm linh có tính chất khác nhau. Với Đà Nẵng, đây là đối tượng du khách chiếm số lượng đông hơn cả. Họ tìm đến các điểm tâm linh Phật giáo chủ yếu là để tham quan, vãn cảnh kết hợp với chuyến đi ở các điểm tham quan khác. Do đó, thời gian lưu lại ngắn, chi tiêu ở các điểm du lịch tâm linh Phật giáo chưa nhiều. Để khai thác hiệu quả du lịch tâm linh Phật giáo ở các đối tượng du khách này, cần phải thực sự nâng tầm các điểm đến bằng cách đa dạng hóa dịch vụ du lịch, sản phẩm du lịch trong khuôn khổ cho phép để khai thác có hiệu quả nhưng phải hạn chế tình trạng hàng hóa hóa, thương mại hóa tâm linh. Như thế, vấn đề đặt ra là cần nghiên cứu thị trường, xây dựng những sản phẩm du lịch tâm linh mới để kéo dài thời gian lưu lại của khách cũng như đưa các điểm du lịch tâm linh Phật giáo đó trở thành điểm tham quan chính trong chuyến đi của du khách. Đó có thể là việc đa dạng hóa các hoạt động liên quan đến Phật giáo như biểu diễn nghệ thuật, âm nhạc một cách thường xuyên hơn, viết thư pháp theo yêu cầu của khách, đa dạng hóa các sản phẩm lưu niệm, tăng cường các khu ẩm thực để đáp ứng nhu cầu du khách, bởi theo kết quả phỏng vấn của chúng tôi tại chùa Linh Ứng - Sơn Trà như đã trình bày ở trên, đây chính là những mong muốn của khách du lịch. Trần Xuân Hiệp, Phan Thị Kim 56 Bên cạnh các vấn đề trên, thực tế hiện nay, ngoài lễ hội Quán Thế Âm ở Ngũ Hành Sơn được tổ chức hàng năm thu hút được một số lượng lớn Phật tử và du khách thì các điểm đến Phật giáo khác nhìn chung chưa có nhiều hoạt động nổi bật, tạo nên những ấn tượng mạnh cho du khách. Do đó, cần tổ chức các hoạt động tầm cỡ có tính sự kiện tại một vài cơ sở tôn giáo để xây dựng thành thương hiệu riêng của du lịch tâm linh Phật giáo Đà Nẵng. Đà Nẵng có nhiều thắng cảnh đẹp. Bên cạnh các ngôi chùa cổ và các ngôi chùa được xây dựng, trùng tu gần đây đã trở thành những điểm du lịch thu hút du khách thì Đà Nẵng có thể xây dựng thêm một số ngôi chùa tại các thắng cảnh khác để tạo thêm những điểm du lịch mới. Để có thể trở thành một điểm đến hấp dẫn, cần phải tạo ra những nét độc đáo trong việc thiết kế cảnh quan cũng như kiến trúc của các ngôi chùa, hoặc tạo ra những kỉ lục nào đó để thu hút du khách. Tuy nhiên, thiết kế đó phải đảm bảo tính văn hóa và không đi lệch với những chủ trương, chính sách trong phát triển du lịch bền vững. Có như vậy, Đà Nẵng mới có thể vừa tạo ra những hiệu quả kinh tế nhất định, vừa trở thành một địa chỉ du lịch tâm linh Phật giáo nổi tiếng không thể bỏ qua của du khách. Đồng thời với việc đưa ra các giải pháp thu hút khách du lịch đến với các điểm du lịch tâm linh Phật giáo ở Đà Nẵng, vấn đề văn hóa trong môi trường du lịch tâm linh Phật giáo cũng cần phải đặc biệt lưu ý. Vì vậy, muốn xây dựng Phật giáo Đà Nẵng trở thành một một điểm đến với những hình ảnh đẹp, văn minh, ấn tượng, hấp dẫn trong lòng du khách, các vấn đề còn tồn tại này phải được giải quyết một cách triệt để. Cần có trang phục khoác ngoài cho những du khách ăn mặc chưa chỉn chu, hướng dẫn du khách thực hành các nghi lễ tôn giáo một cách có văn hóa, sát sao hơn trong việc quản lý các nội dung biểu diễn ở các sự kiện Để phát triển du lịch bền vững, vừa nâng cao sức mạnh của kinh tế địa phương, đồng thời nâng cao mức sống của cộng đồng cư dân sở tại, chính quyền địa phương cần tạo cơ hội hơn nữa cho người dân địa phương bắt tay vào làm du lịch tâm linh Phật giáo, ví dụ như cho phép họ kinh doanh hàng lưu niệm, kinh doanh ẩm thực, giữ xe phục vụ đối tượng du khách tham gia loại hình du lịch này. Nếu Đà Nẵng giải quyết tốt các vấn đề trên, du lịch tâm linh Phật giáo Đà Nẵng sẽ phát huy hết tiềm năng, thế mạnh sẵn có cũng như Đà Nẵng sẽ trở thành một trong những điểm đến tâm linh Phật giáo nổi tiếng trong cả nước. 5. Kết luận Du lịch được xem là là ngành công nghiệp không khói mang lại những hiệu quả kinh tế không thể phủ nhận. Mỗi quốc gia, mỗi địa phương đều cố gắng tận dụng những lợi thế của mình để phát huy hiệu quả trong khai thác du lịch. Du lịch tâm linh Phật giáo Đà Nẵng chính là một trong những thế mạnh mà không phải địa phương nào cũng có được. Và hiện Đà Nẵng cũng đang nỗ lực thu hút du khách đến với nguồn tài nguyên ấy. Có thế mạnh nhưng phải làm sao để có thể vừa khai thác được hiệu quả vừa không làm phương hại đến nguồn tài nguyên, hạn chế tối đa những tiêu cực, những mặt trái trong tác động của du lịch đến văn hóa tâm linh, đồng thời nâng cao được mức sống của cư dân địa phương, đó phải là mục tiêu cần hướng đến của du lịch Đà Nẵng. Những định hướng mang tính giải pháp mà tác giả tham khảo cũng như đề xuất trong báo cáo hy vọng góp phần nâng cao hiệu quả của kinh tế du lịch Đà Nẵng cũng như phát triển du lịch Đà Nẵng một cách bền vững. Tài liệu tham khảo [1] Dương Đức Minh (2016). Du lịch tâm linh tại Việt Nam: Những vấn đề lý luận và thực tiễn. Tạp chí phát triển Khoa học và Công nghệ, 19, X5. [2] Quốc sử quán triều Nguyễn (2006). Đại Nam nhất thống chí, tập 2. NXB Thuận Hóa, Huế. [3] Lê Xuân Thông (2014). Ngũ Hành Sơn - một trung tâm Phật giáo của Quảng Nam - Đà Nẵng thế kỉ XVII. Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, 07(133), 66-77. [4] Nguyễn Văn Tuấn (2013). Du lịch tâm linh ở Việt Nam - Thực trạng và định hướng phát triển. Tham luận tại Hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững (Ninh Bình, 21 - 22/11/2013). [5] nam-tai-le-hoi-quan-the-am-da-nang-d6671 1.html [6] https://baomoi.com/danh-thang-ngu-hanh-son- don-vi-khach-thu-1-5-trieu/c/27894764.epi [7] https://nguhanhson.danang.gov.vn/chi-tiet-tin- tuc?dinhdanh=1316301&cat=2003 [8] 11383/Da_Nang_cong_nhan_chua_Linh_ung_ban_d ao_Son_Tra_la_diem_du_lich_dia_phuong [9] [10] https://noivu.danang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc?Articl ISSN 1859 - 4603 - Tạp chí Khoa học Xã hội, Nhân văn & Giáo dục, Tập 8, số 4 (2018), 50-57 57 eId=278216 BUDDHISM SPIRITUAL TOURISM IN DA NANG: CURRENT SITUATION & DEVELOPING ORIENTATION Abstract: Spiritual tourism is one kind of tourism that is currently being implemented in various countries around the world, including Vietnam. In our country, some cities now are promoting this type of tourism and have initially achieved certain effects. Among the tourist attractions of Vietnam, Da Nang is gradually affirming its brand in the tourists’ mind. Da Nang itself owns a lot of advantages to develop tourism. Besides, nobody can deny that Buddhism spiritual tourism is considered as one of the strengths of the locality. Through the process of surveying some famous Buddhism spiritual sites in Da Nang, the authors found that there were still many problems existing as well as Danang has not exploited and promoted its potential strengths. On the basic of the current situation of Buddhism spiritual tourism, the authors offer some orientations for the development of Buddhism spiritual tourism in Da Nang city. Key words: buddhism spiritual tourism; Da Nang, strength; current situation; orientation.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfdu_lich_tam_linh_phat_giao_tai_da_nang_thuc_trang_va_dinh_hu.pdf
Tài liệu liên quan