Việc có được nguồn cung ứng thực phẩm an toàn, đáng tin cậy và bổ dưỡng là một
nhu cầu cơ bản đối với tất cả mọi người. Các Chính phủ có trách nhiệm đảm bảo cho
nhu cầu đó được đáp ứng. Sản xuất thực phẩm an toàn và chất lượng còn là điều kiện
tiên quyết đối với sự phát triển thành công và bền vững các nguồn lực nông nghiệp
quốc gia và thúc đẩy phát triển nền thương mại thực phẩm trong nước và quốc tế.
Trong thời gian gần đây, thế giới đang ngày càng đạt được nhiều tiến bộ trong việc
kiểm soát các nguy cơ phát sinh do thực phẩm cũng như những cải tiến trong các hệ
thống thanh tra và giám sát an toàn thực phẩm. Tổ chức Nông lương của Liên hiệp
quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện đang chú trọng mạnh mẽ đến việc
xúc tiến các hệ thống quản lý an toàn thực phẩm quốc gia được dựa trên các nguyên
tắc và các hướng dẫn khoa học nhằm vào tất cả các lĩnh vực trong dây chuyền thực
phẩm. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với các nước đang phát triển khi cố gắng đạt
được sự an toàn, chất lượng và bổ dưỡng thực phẩm, đòi hỏi một mức độ cam kết cao
về chính trị và chính sách.
Các hệ thống quản lý an toàn thực phẩm quốc gia có hiệu quả là điều thiết yếu để
bảo vệ sức khoẻ và sự an toàn của người tiêu dùng trong nước. Đây cũng là yếu tố
quyết định trong việc cho phép các nước có thể đảm bảo tính an toàn và chất lượng
của hàng hoá thực phẩm của mình khi tham gia vào thương mại quốc tế. Để phản ánh
về một xu thế mới toàn cầu trong hoạt động quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, Trung
tâm Thông tin KH&CN Quốc gia xin giới thiệu cùng độc giả tổng quan mang tên:
"CÁC NGUYÊN TẮC VÀ KINH NGHIỆM THỰC TIỄN VỀ KIỂM SOÁT VỆ SINH
AN TOÀN THỰC PHẨM". Hy vọng rằng tài liệu này có thể mang đến cho độc giả
kinh nghiệm hữu ích về các cách tiếp cận mới đối với một hệ thống quản lý vệ sinh an
toàn thực phẩm hiệu quả, hiện đại.
68 trang |
Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 2026 | Lượt tải: 5
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Ebook Các nguyên tắc và kinh nghiệm thực tiễn về kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
trách nhiệm
về an toàn thực phẩm trong các hoạt động nghiên cứu, giáo dục, phòng ngừa, do thám,
xây dựng các tiêu chuẩn, và/hoặc các hoạt động phản ứng nhanh, gồm Trung tâm Dự
phòng và Kiểm soát bệnh dịch (CDC) và Viện Y tế Quốc gia (NIH) của DHHS; Sở
Nghiên cứu Nông nghiệp (ARS) của USDA; Sở Hợp tác Nghiên cứu, Đào tạo và Mở
rộng (CSREES), Sở Tiếp thị Nông sản (AMS); Sở Nghiên cứu Kinh tế (ERS); Cơ
quan Thanh tra Ngũ cốc, Quản lý Đóng hộp thực phẩm và Cơ sở chăn nuôi (GIPSA)
và Văn phòng Codex Mỹ; Cục Thuỷ Hải sản Quốc gia (NMFS) thuộc Bộ Thương mại.
Các điều luật và các quy định thực hiện
Ba nhánh quyền lực của Chính phủ Mỹ, gồm lập pháp, hành pháp và tư pháp, đều
giữ vai trò đảm bảo độ an toàn của nguồn cung thực phẩm của Mỹ. Quốc hội ban hành
các đạo luật để nhằm đảm bảo mức độ an toàn của nguồn cung thực phẩm và thiết lập
50
nên mức bảo hộ của quốc gia. Các Bộ và cơ quan hành pháp chịu trách nhiệm thực thi
và thực hiện bằng cách tuyên truyền các quy định, được xuất bản trên tờ Federal
Register và trên mạng.
Các đạo luật chính về an toàn thực phẩm của Mỹ là Đạo luật Thực phẩm, Dược
phẩm và Mỹ phẩm Liên bang (FFDCA), Đạo luật Kiểm dịch Thịt Liên bang (FMIA),
Đạo luật Kiểm dịch Các sản phẩm Gia cầm (PPIA), Đạo luật Kiểm dịch Các sản phẩm
từ trứng (EPIA), Đạo luật Bảo hộ Chất lượng Thực phẩm (FQPA) và Đạo luật Dịch vụ
Y tế Công.
Các đạo luật về thủ tục mà các cơ quan quản lý phải tuân theo, gồm Đạo luật Thủ
tục Hành chính (APA), Đạo luật Uỷ ban Tư vấn Liên bang (FACA) và Đạo luật Tự do
Thông tin (FOIA). APA quy định các yêu cầu về quá trình làm luật (ví dụ, quy trình
các cơ quan liên bang thiết lập, sửa đổi hoặc huỷ bỏ một quy định). FACA yêu cầu các
dạng nhóm nhất định mà sự tư vấn của họ được Chính phủ trông cậy phải được coi là
các uỷ ban tư vấn, và họ phải được cơ cấu để mang lại sự cân bằng, tránh xung đột lợi
ích và tổ chức các hội nghị uỷ ban một cách công khai để tạo cơ hội cho các phía bên
ngoài uỷ ban có quyền đánh giá, nhận xét. FOIA tạo cho công chúng quyền hợp pháp
tiếp cận tới thông tin của cơ quan liên bang.
Phân tích hiểm hoạ và Phương pháp Phòng ngừa của Mỹ
Phân tích hiểm hoạ
Sáng kiến An toàn Thực phẩm của Tổng thống, được tuyên bố vào năm 1997, đã
chỉ ra tầm quan trọng của việc đánh giá hiểm hoạ nhằm đạt được các mục tiêu về an
toàn thực phẩm. Sáng kiến kêu gọi tất cả các cơ quan liên bang chịu trách nhiệm quản
lý hiểm hoạ về an toàn thực phẩm thành lập một Consortium Đánh giá Hiểm hoạ Liên
cơ quan. Consortium này chịu trách nhiệm thúc đẩy tính khoa học của đánh giá hiểm
hoạ vi sinh bằng cách khuyến khích các mô hình dự đoán nghiên cứu và phát triển và
các công cụ khác.
Các cơ quan quản lý cũng có những tiến bộ trong việc thực hiện các chiến lược
quản lý hiểm hoạ. Một ví dụ tiêu biểu là các quy định của Hệ thống HACCP. Thay vì
bao gồm các bước cụ thể mà ngành công nghiệp phải thực hiện theo hệ thống HACCP
trong nội dung quy định, các cơ quan an toàn thực phẩm đưa ra các yêu cầu chung và
hướng dẫn những quy định đang được điều chỉnh để áp dụng các nguyên tắc chỉ đạo
và phát triển các bước cụ thể để đạt được một chương trình HACCP hiệu quả.
Các tiêu chuẩn hiệu suất đối với việc giảm và kiểm soát nguồn bệnh là một công cụ
quản lý hiểm hoạ nữa. Ví dụ, Mỹ đã đề ra các tiêu chuẩn hiệu suất về giảm nguồn
bệnh đối với khuẩn Salmonella mà các nhà máy giết mổ gia súc và sản phẩm xay thô
phải đáp ứng, và nước này cũng xét nghiệm các sản phẩm để đảm bảo các tiêu chuẩn
này được đáp ứng.
- Đánh giá hiểm hoạ: Đánh giá hiểm hoạ được tiến hành với tinh thần khách quan.
Bằng cách xem xét một cách rõ ràng các bất cập trong dữ liệu và phân tích, các quyết
51
định chính sách của Mỹ về các thủ tục sử dụng cho việc đánh giá hiểm hoạ có thể đảm
bảo rằng các hiểm hoạ không bị xem nhẹ.
Thành phần đầu tiên của đánh giá hiểm hoạ, xác định mối nguy hiểm, đòi hỏi các
quyết định nỗ lực tối đa để xác định các mối nguy. Thành phần thứ hai, mô tả mối
nguy, xem xét các dữ liệu về nguy cơ tiềm năng ở các mô hình và mức độ phơi nhiễm
khác nhau, bao gồm những dữ liệu nào phù hợp nhất với việc mô tả mối nguy. Thành
phần thứ ba, đánh giá mức phơi nhiễm, phải được khu biệt hoá giữa phơi nhiễm ngắn
với các hiểm hoạ cấp tính và phơi nhiễm lâu dài với các hiểm hoạ mãn tính.
- Quản lý hiểm hoạ: Quản lý hiểm hoạ được thực hiện bởi các nhà quản lý có năng
lực cao với mục tiêu duy nhất bảo vệ tối đa người tiêu dùng Mỹ. Các quy tắc của quản
lý hiểm hoạ được luật đề ra hoặc bởi đánh giá chuyên gia về quản lý hiểm hoạ để làm
giảm hiểm hoạ tới mức thấp nhất tối đa.
Luật của Mỹ yêu cầu phải xác định quy tắc sử dụng an toàn chất phụ gia thực phẩm,
thuốc thú y và thuốc trừ sâu trước khi đưa ra thị trường, vì vậy các quyết định quản lý
hiểm hoạ dựa trên chứng cớ khoa học vững chắc. Đối với các chất nguy hiểm là thành
phần vốn có của thực phẩm (ví dụ, các nồng độ độc tố tự nhiên thấp sinh ra trong
khoai tây) hoặc các chất ô nhiễm thực phẩm không tránh được (ví dụ, thuỷ ngân,
aflatoxin ở hạt ngũ cốc) sự can thiệp của Chính phủ sẽ diễn ra khi có sự hiện diện của
một chất nào đó đạt tới ngưỡng được cho là một mối nguy hiểm lớn.
- Thông tin về hiểm hoạ: Thông tin về hiểm hoạ theo thông lệ là một phần tất yếu
trong quy trình quản lý minh bạch. Các tiêu chuẩn minh bạch được sử dụng để đảm
bảo tính công bằng cho tất cả các thành viên của ngành công nghiệp thực phẩm trong
khi vẫn bảo vệ được sức khoẻ cộng đồng. Luật Mỹ yêu cầu Chính phủ cho phép và
xem xét các chỉ trích, bình luận trên thực tế đối với mỗi một quyết định khi nó thành
lập nên các điều lệ. Bất cứ ai cũng có thể bình luận, gồm cả những người không phải
là công dân Mỹ. Thông tin mà Chính phủ sử dụng cũng được công bố rộng rãi cho
công chúng để đánh giá. Các nhà khoa học của Chính phủ sử dụng phương tiện truyền
thông công cộng để giải thích cho công chúng tính khoa học của các điều lệ. Chính
phủ Mỹ đảm bảo tính mở và minh bạch trong hoạt động của mình để bảo vệ cộng đồng
trước các hiểm hoạ sức khoẻ do thực phẩm gây ra.
Phương hướng phòng ngừa
Phương hướng phòng ngừa hiểm hoạ của Mỹ là sự kiểm soát hệ thống các thành
phần của thực phẩm và thức ăn cho gia súc, ví dụ như quy định cấm cho các loài nhai
lại ăn một số protein động vật nhất định để ngăn ngừa bệnh bò điên (BSE) thâm nhập
vào nước này. Ví dụ minh hoạ khác về phương hướng phòng ngừa là các yêu cầu chấp
thuận tiền thị trường được thiết lập bởi luật về phụ gia thực phẩm, thuốc thú y và thuốc
trừ sâu. Các sản phẩm không được phép bán trên thị trường trừ khi, và cho đến khi,
chúng được người sản xuất chứng minh là an toàn và thoả mãn các yêu cầu của các
nhà quản lý.
52
Đối phó với các công nghệ, sản phẩm mới và giải quyết các vấn đề
Nhằm đạt được mục tiêu an toàn thực phẩm trong cả chuỗi dây chuyền "từ trang trại
tới bàn ăn" của đất nước, Chính phủ liên bang chỉ là một bộ phận của phương trình
này. Các cơ quan liên bang phối hợp với các cơ quan địa phương và bang và các thành
phần khác để khuyến khích các thông lệ an toàn thực phẩm và hỗ trợ cho ngành công
nghiệp và người tiêu dùng về các thông lệ thúc đẩy an toàn thực phẩm.
Chính phủ Mỹ nhận thức được ngành công nghiệp là một thành phần quan trọng và
chịu trách nhiệm chính về an toàn thực phẩm. Vai trò của Chính phủ là đề ra các tiêu
chuẩn phù hợp và thực hiện những biện pháp cần thiết để xác nhận rằng ngành công
nghiệp đang đáp ứng được những tiêu chuẩn đó và các yêu cầu về an toàn thực phẩm
khác. Đi đôi với sự hiện đại hoá các hệ thống kiểm dịch và sáng kiến "từ trang trại tới
bàn ăn", các cơ quan liên bang sử dụng các nguồn lực của họ hiệu quả tối đa để bảo vệ
cộng đồng khỏi các bệnh dịch do thực phẩm gây ra. Với vai trò là mở rộng HACCP,
Mỹ đang thử nghiệm các mô hình kiểm dịch các loại gia cầm và thịt mới để xác định
liệu có cần các biện pháp bảo vệ bổ sung người tiêu dùng thông qua việc tái triển khai
các nguồn lực tại nhà máy để phân phối phân khúc chuỗi dây chuyền "từ trang trại tới
bàn ăn", gồm vận chuyển, tích trữ và bán lẻ sản phẩm.
3. Hệ thống an toàn thực phẩm của Nhật Bản
Cuộc sống khoẻ mạnh là một trong những chất lượng quan trọng nhất của con
người và thực phẩm là nguồn ưu tiên trong việc đảm bảo thể trạng khoẻ mạnh. Vì vậy,
Nhật Bản coi vấn đề an toàn thực phẩm là ưu tiên quốc gia.
Quản lý rủi ro y tế là mấu chốt trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh do
thực phẩm và đồ uống gây ra và phòng ngừa các chất hoá học độc hại. Nhằm tránh rủi
ro đối với sức khoẻ, Nhật Bản đang thúc đẩy nhiều biện pháp, trong đó có biện pháp
kiểm soát và hướng dẫn phù hợp từ khâu sản xuất đến phân phối và tiêu thụ thực
phẩm. Đặc biệt, công tác ứng cứu nhanh khi có rủi ro xảy ra và điều tra truy nguyên
được đặc biệt coi trọng. Nhật Bản cũng tài trợ cho các nghiên cứu về ảnh hưởng dài
hạn của việc sử dụng thực phẩm đối với sức khoẻ con người, đặc biệt là nghiên cứu
các chất hoá học như dioxin và endocrine. Trong bối cảnh Nhật Bản đang phải nhập
khẩu nhiều chủng loại thực phẩm thì công tác quản lý an toàn thực phẩm càng được
nâng cao.
Những tiến bộ trong KH&CN đã tạo ra các sản phẩm thực phẩm mới, như thực
phẩm biến đổi gen. Do vậy, mối quan tâm về an toàn thực phẩm ngày càng tăng đối
với các sản phẩm này và Nhật Bản đang thiết lập hệ thống chính sách và quản lý thực
phẩm theo hướng này. Chính phủ Nhật Bản cũng như các công ty sử dụng nhiều
phương tiện thông tin để phổ biến an toàn thực phẩm cho người dân. Để đảm bảo các
sản phẩm thực phẩm nhập khẩu an toàn, Chính phủ Nhật Bản đã nỗ lực ban hành các
quy định phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, không những thế còn góp phần bổ sung
và hoàn thiện các tiêu chuẩn quốc tế này. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cho rằng họ
53
còn có trách nhiệm hỗ trợ các nước đang phát triển đảm bảo nguồn cung thực phẩm an
toàn và chất lượng cho họ, như tham gia hợp tác kỹ thuật.
Những quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm
Để đảm bảo việc cung ứng thực phẩm chất lượng và an toàn, Nhật Bản đã tăng
cường các quy định dựa trên “Luật Vệ sinh Thực phẩm” (Food Sanitation Law). Các
quy định được áp dụng cho từng khâu trong sản xuất, xử lý, nhập khẩu và phân phối
sản phẩm thực phẩm. Những quy định bao gồm: 1) Cấm bán các sản phẩm thực phẩm
độc hại; 2) Thiết lập các tiêu chuẩn cho các sản phẩm thực phẩm, chất phụ gia, bao
gói, thiết bị và container vận chuyển; 3) Thiết lập các tiêu chuẩn về dán nhãn; 4) Thiết
lập các tiêu chuẩn đối với phương tiện kinh doanh liên quan đến sản phẩm thực phẩm;
5) Kinh doanh sản phẩm thực phẩm. Bên cạnh đó, Chính phủ còn thực hiện các biện
pháp khác nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm đối với từng giai đoạn sản xuất, dựa trên
“Luật quy định các Chất hoá học Nông nghiệp” (Agricultural Chemicals Regulation
Law). Các biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm thực phẩm dựa trên Tiêu chuẩn
Nông nghiệp Nhật Bản (Japanese Agricultural Standard - JAS).
Khi xây dựng các quy định, các bộ và các cơ quan liên quan thành lập uỷ ban tư vấn
bao gồm cả các thành viên là đại diện nhóm tiêu dùng và doanh nghiệp liên quan. Dựa
trên báo cáo của uỷ ban, bộ sẽ kiến nghị lên Chính phủ. Về nguyên tắc, những cuộc
thảo luận của uỷ ban tư vấn là công khai và nội dung được công bố rộng rãi trên
Internet.
Nhằm thúc đẩy các biện pháp ứng phó với ngộ độc thực phẩm, Chính phủ không
những tăng cường kiểm soát vệ sinh mà còn hướng dẫn các đối tượng tham gia kinh
doanh thực phẩm, công bố các biện pháp phòng chống. Chẳng hạn như xuất bản sách
hướng dẫn cho từng hộ gia đình và phổ biến rộng rãi.
Liên quan đến vật nuôi và thịt gia cầm, thông qua Luật Giết mổ và Luật Thanh tra
Gia cầm và Kiểm soát Kinh doanh Thịt gia cầm, các thanh tra về thịt gia cầm có quyền
loại bỏ các loại sản phẩm thịt nhiễm bệnh hoặc bất thường dựa trên các tiêu chuẩn
kiểm soát vệ sinh. Liên quan đến thức ăn cho súc vật và các chất phụ gia, Nhật Bản
cũng có nhiều quy định và tiêu chuẩn rõ ràng về sản xuất, sử dụng, dán nhãn… dựa
trên Luật về Đảm bảo An toàn và Nâng cao Chất lượng Thức ăn Gia súc.
Theo Luật Vệ sinh Thực phẩm, vào cuối năm 1999 các tiêu chuẩn đã được công bố
cho 199 hoá chất nông nghiệp và 15 loại thuốc thú y. Các tiêu chuẩn này phù hợp với
các tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra để thúc đẩy việc sử dụng thuốc thú y, Chính phủ đã
xây dựng các tiêu chuẩn sử dụng dựa trên Luật Dược phẩm. Theo Luật về Cấp phép
Thuốc thú y, việc kiểm tra là bắt buộc khi có sử dụng chất kháng sinh, hoóc môn, vắc-
xin… Liên quan đến các chất hoá học trong nông nghiệp, theo Luật về các Chất hoá
học trong Nông nghiệp, Chính phủ phải bảo vệ sức khoẻ người dân và môi trường
sống bằng cách tăng cường hệ thống đăng ký và ra các quy định, tiêu chuẩn về bán sử
dụng các chất hoá học trong nông nghiệp.
54
Liên quan đến phân bón, nhằm đảm bảo chất lượng và đảm bảo việc sản xuất các
sản phẩm thực phẩm được an toàn và chất lượng, các tiêu chuẩn chính thức đối với các
loại phân bón đã được ban hành cùng với Luật Kiểm soát Phân bón (Fertiliser Control
Law). Theo đó chỉ những loại phân bón phù hợp tiêu chuẩn mới được đăng ký.
Về các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu, Luật Vệ sinh Thực phẩm trao cho các thanh
tra vệ sinh của Bộ Y tế và Phúc lợi quyền kiểm tra tại các điểm cách ly đặt tại các cửa
khẩu sân bay chính và các cảng biển trên khắp đất nước. Theo Luật này, việc nhập
khẩu thực phẩm bắt buộc phải khai báo và phải qua kiểm nghiệm. Để tránh việc du
nhập vào Nhật Bản các loại bệnh tật và dịch bệnh, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và
Ngư nghiệp tiến hành các biện pháp kiểm dịch dựa trên Luật Kiểm soát các Bệnh lây
nhiễm Động vật, Luật Bảo vệ Cây trồng và Luật Bảo tồn Nguồn hải sản. Ngoài ra, đối
với gạo và lúa mì nhập khẩu, các đơn vị nhập khẩu bắt buộc phải tiến hành các xét
nghiệm an toàn tại địa điểm chất hàng và các xét nghiệm mẫu tại thời điểm chất hàng
lên tàu.
Nhật Bản đang nỗ lực nâng cao các phương pháp kiểm soát vệ sinh mới ở từng giai
đoạn sản xuất, chẳng hạn sản xuất và xử lý sản phẩm thực phẩm, thông qua việc phổ
biến hệ thống HACCP, việc áp dụng hệ thống này đang được thúc đẩy trên toàn thế
giới. Nhật Bản cũng đã có Quy trình chế biến Kiểm soát vệ sinh Tổng thể nhằm cụ thể
hoá HACCP. Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ các việc nâng cao quản lý quy trình sản xuất
của các nhà sản xuất sản phẩm thực phẩm dựa trên phương pháp HACCP, Nhật Bản
đã ban hành Luật về Nâng cao Quản Lý Quy trình Sản xuất Thực phẩm tháng 7/1998.
Triển khai quản lý an toàn thực phẩm đáp ứng sự đa dạng của các loại thực
phẩm
Bộ Y tế và Phúc lợi đang xem xét lại một cách tổng thể những thông tin cần thiết
đối với vệ sinh sản phẩm thực phẩm thông qua việc dán nhãn. Trong báo cáo của
mình, Uỷ ban Tư vấn chuyên trách về an toàn thực phẩm kiến nghị việc dán nhãn bắt
buộc đối với các vật liệu đặc thù được sử dụng, chẳng hạn như vật liệu gây dị ứng,
nhằm phòng ngừa rủi ro cho sức khoẻ. Bên cạnh đó Uỷ ban cũng kiến nghị việc kiểm
tra và cung cấp thông tin cho người tiêu dùng về các vật liệu này.
Nhật Bản đã ban hành các quy định về đánh giá an toàn đối với các sản phẩm biến
đổi gen (GM), các phụ gia thực phẩm… dựa trên các báo cáo nghiên cứu. Đặc biệt,
Nhật Bản công khai những thông tin liên quan đến đánh giá an toàn và nội dung các
cuộc thảo luận của các bên tư vấn.
Liên quan đến các sản phẩm thuộc Tiêu chuẩn Nông nghiệp Nhật Bản (Japanese
Agricultural Standards -JAS), Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Ngư nghiệp đang tiến
hành xét nghiệm các sản phẩm được phân phối để kiểm tra chất lượng và dán nhãn.
Các tiêu chuẩn liên quan tới chất lượng cũng được giới thiệu trong bộ tiêu chuẩn đối
với các cây trồng được chứng nhận của JAS.
55
Các biện pháp kiểm soát và quản lý các chất hoá học
Nhật Bản đang có nỗ lực lớn về kiểm soát những ảnh hưởng của chất dioxin tới
sức khoẻ người dân, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai. Chất này có
thể phát sinh từ các lò đốt chất thải hoặc từ các phương tiện khác đang là mối quan
tâm lớn của người dân Nhật Bản. Về vấn đề nhiễm độc dioxin trong thực phẩm,
Nhật Bản đã tiến hành các nghiên cứu về thực phẩm cá nhân từ năm 1992 và
nghiên cứu về tỷ lệ dioxin trung bình hàng ngày trong thực phẩm từ năm 1996. Đối
với lượng dioxin hấp thụ hàng ngày ở mức chấp nhận được, theo Tổ chức Y tế Thế
giới công bố vào tháng 5/1998, Nhật Bản đã xem xét và điều chỉnh lại ở mức từ
10pg (picogam) đến 4pg năm 1999.
Từ năm 1998, một nhóm các chuyên gia nước này đã nghiên cứu ảnh hưởng của
các chất hoá học làm đảo lộn nội tiết tố ở người. Nhật Bản sẽ phối hợp với cộng
đồng quốc tế để thúc đẩy hơn nữa những nghiên cứu như vậy.
Những nỗ lực trong những năm gần đây
Phát triển khung an toàn thực phẩm quốc gia
Việc quản lý an toàn thực phẩm của Nhật Bản hiện nay được đảm bảo bằng
những cơ quan rất chuyên biệt. Khi một khu vực chung được thiết lập liên quan đến
thực hiện nhiều tiêu chuẩn và kiểm soát thì các lĩnh vực độc lập phải thiết lập bộ
phận quản lý riêng và rất chuyên biệt, chẳng hạn như bộ phận quản lý vệ sinh sản
phẩm, bộ phận quản lý chất phụ gia…
Nhật Bản đang tái tổ chức các Bộ và các cơ quan từ năm 2001. Theo đó, sẽ có
Cục An toàn Thực phẩm trong Bộ Y tế, Phúc lợi và Lao động (mới thành lập). Để
đảm bảo cho việc quản lý được hiệu quả và đáp ứng được với sự phức tạp cũng
như mức độ ngày càng tăng của thực phẩm, Cục mới này sẽ được tổ chức theo lĩnh
vực chức năng chuyên biệt từ ra kế hoạch, điều phối, tiêu chuẩn tới kiểm soát và
hướng dẫn. Trong quản lý vệ sinh thực phẩm, để các biện pháp thực hiện của Chính
phủ được hiệu quả, sẽ có thêm 8 văn phòng y tế cấp vùng được thiết lập trên khắp
đất nước để thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ
Quy định về công nghệ sinh học hiện đại
Liên quan đến thương mại hoá các sản phẩm GM, Nhật Bản đảm bảo an toàn các
sản phẩm này thông qua:
“Hướng dẫn các thử nghiệm ADN tái tổ hợp” đối với nghiên cứu ở cấp
phòng thí nghiệm nhằm phát triển sinh vật biến đổi gen (GMO);
Các ứng dụng có định hướng của các sinh vật có ADN tái tổ hợp trong lĩnh
vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, công nghiệp thực phẩm và các
56
ngành công nghiệp có liên quan khác để kiểm soát tác động môi trường trong
trường hợp trồng cây GM trên diện rộng;
Những định hướng cho đánh giá an toàn thực phẩm và các chất phụ gia thực
phẩm được sản xuất bởi các kỹ thuật ADN tái tổ hợp, nhằm kiểm soát tác
động đối với sức khoẻ con người của các thực phẩm và chất phụ gia thực
phẩm sử dụng những kỹ thuật này.
Hiện nay kỹ thuật kiểm tra được gọi là “screening” được coi là một cách kiểm
tra an toàn các sản phẩm thực phẩm GM và Nhật Bản có quy định bắt buộc đối với
kỹ thuật này từ tháng 4/2001. Tuy nhiên với sự phát triển mạnh mẽ của các sản
phẩm thực phẩm GM thì cần có những kỹ thuật tiên tiến hơn nữa.
Nhằm phòng ngừa rủi ro do các sản phẩm thực phẩm gây ra và để ứng phó kịp
thời với những biến cố, Nhật Bản coi trọng việc tập hợp thông tin, xử lý và phản
hồi. Nước này đã thiết lập những mối quan hệ hợp tác giữa các viện nghiên cứu,
phòng y tế công cộng, cơ quan thanh tra… nhằm đưa ra cách thức quản lý hiệu quả
nhất, đảm bảo độ tin cậy của các thử nghiệm và nâng cấp công nghệ thử nghiệm.
4. Hệ thống an toàn thực phẩm của Trung Quốc
Là một đất nước đang phát triển, với dân số trên 1,3 tỷ người, Chính phủ Trung
Quốc luôn coi chất lượng và an toàn thực phẩm là một vấn đề vô cùng quan trọng.
Trung Quốc đã thành lập một hệ thống tổng thể về quản lý và đảm bảo an toàn, chất
lượng thực phẩm, bao gồm việc ban hành các quy định và tiêu chuẩn về thực phẩm,
quy định về hoạt động giám sát và điều hành, cấp giấy chứng nhận, công nhận, và
hệ thống quản lý xuất khẩu.
Hệ thống này nhằm mục đích cân bằng giữa hai yêu cầu, thứ nhất là để áp dụng
các công nghệ và kinh nghiệm tiên tiến của các nước phát triển và đáp ứng yêu cầu
của các nước này về việc áp dụng các luật lệ và quy định liên quan đến thực phẩm,
thứ hai là để đưa vào cân nhắc hiện trạng kinh tế, khoa học và khả năng sản xuất
của nước mình. Hệ thống này không ngừng được cải tiến về mặt áp dụng và đã đạt
đến cấp cao về trình độ quản lý chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Trong nhiều năm, tỷ lệ đảm bảo chất lượng các mặt hàng thực phẩm xuất khẩu
của Trung Quốc luôn đạt trên 99%, điều này cho thấy chất lượng thực phẩm của
Trung Quốc là ổn định và đáng tin cậy, hệ thống giám sát và quản lý tổng thể có
hiệu quả và hiệu lực.
Luật lệ và tiêu chuẩn
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng các bộ
luật về an toàn thực phẩm. Liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm, Trung Quốc
đã ban hành các bộ luật sau:
Luật Chất lượng Sản phẩm,
57
Luật Quy chuẩn hoá,
Luật Thanh tra Hàng hoá Xuất và Nhập khẩu,
Luật Vệ sinh Thực phẩm,
Luật Chất lượng và An toàn hàng Nông sản,
Luật Kiểm dịch động vật,
Luật Bảo vệ và Điều trị bệnh truyền nhiễm,
Luật Kiểm dịch Động thực vật vào và ra khỏi biên giới,
Luật Nông nghiệp,
Luật Đánh cá.
Ngoài ra, Trung Quốc còn ban hành nhiều quy định dưới luật liên quan đến việc
quản lý thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, các chất phụ gia trong thức ăn gia súc.
Các quy định về thanh tra hàng hoá xuất - nhập khẩu, kiểm dịch động thực vật và
các quy định giám sát các nhà máy chế biến và sản xuất thực phẩm.
Gần đây, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã ban hành Quy định đặc biệt về việc
đẩy mạnh sự giám sát và quản lý an toàn đối với thực phẩm và các sản phẩm khác.
Quốc hội Trung Quốc hiện đang xem xét lại Luật An toàn thực phẩm. Các bộ luật
trên và các quy định dưới luật tạo nên cơ sở pháp lý cho các hoạt động sản xuất,
chế biến, tiêu thụ và giám sát về an toàn thực phẩm.
Cùng với các bộ luật và quy định về an toàn thực phẩm và bằng cách sử dụng
các phương pháp đánh giá rủi ro, Trung Quốc còn thành lập một hệ thống hoàn
thiện các tiêu chuẩn về thực phẩm dựa trên các thành tựu mới trong các tiêu chuẩn
quốc tế, kết hợp với hiện trạng kinh tế, xã hội, khoa học và công nghệ trong nước,
và tham khảo ý kiến rộng rãi của các nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm và của
các bộ phận khác trong xã hội theo một cơ chế mở cửa, công bằng và minh bạch.
Hiện tại, Trung Quốc đã ban hành hơn 2.100 tiêu chuẩn quốc gia liên quan đến
an toàn thực phẩm, trong đó có 650 tiêu chuẩn bắt buộc. Bên cạnh đó còn có
khoảng 2.900 các tiêu chuẩn ngành.
Các tiêu chuẩn này chỉ rõ các quy định từ nơi sản xuất đến nơi giao sản phẩm,
bao quát các lĩnh vực môi trường nông nghiệp, quy trình trồng trọt và nhân giống,
sơ chế, chế biến thực phẩm, bảo quản lưu kho, đóng gói, vận chuyển, marketing và
bán lẻ thực phẩm, liên quan đến mọi khía cạnh chế biến thực phẩm, trong đó có các
yếu tố cơ bản về thực phẩm, chất lượng và quy cách, các giới hạn hay dung sai, các
phương pháp phân tích và kiểm soát quy trình. Các tiêu chuẩn mang tính bổ sung
và tương quan hợp lý với nhau.
58
Mô hình phân cấp việc ban hành các tiêu chuẩn của Trung Quốc như sau:
- Cơ quan tiêu chuẩn hoá nhà nước có trách nhiệm lập kế hoạch, kiểm tra, xác
minh, đánh số và công bố tiêu chuẩn quốc gia.
- Có bốn cấp tiêu chuẩn: tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn ngành, tiêu chuẩn vùng
và tiêu chuẩn xí nghiệp.
Giám sát trong nước
Chính phủ Trung Quốc trung thành với nguyên tắc "Phòng ngừa trước tiên, quản
lý từ nơi xuất xứ" và đã triển khai một mô hình công tác giám sát an toàn và chất
lượng thực phẩm được gọi là "Lãnh đạo thống nhất ở cấp quốc gia, các chính quyền
địa phương gánh vác trách nhiệm, các bộ chỉ đạo và điều phối, và các bên cùng
hành động".
Liên quan đến vấn đề quản lý an toàn thực phẩm, ở Trung Quốc có bốn bộ chia
sẻ trách nhiệm:
. MOA: Bộ Nông nghiệp,
. AQSIQ: Tổng cục Giám sát chất lượng, thanh tra và kiểm dịch (đây là cơ quan
ngang bộ, trực thuộc Hội đồng Nhà nước),
. SAIT: Bộ Công Thương,
. MOH: Bộ Y tế.
Trách nhiệm của bốn bộ
Bốn bộ liên quan đảm nhiệm các lĩnh vực trách nhiệm và quyền hạn khác nhau.
Bộ Nông nghiệp giám sát sản xuất các nông sản chính; Tổng cục Giám sát chất
lượng, thanh tra và kiểm dịch có nhiệm vụ giám sát chất lượng công đoạn sản xuất
và chế biến thực phẩm, cũng như các mặt hàng thực phẩm xuất và nhập khẩu và các
mặt hàng nông sản; Bộ Công thương giám sát sự lưu thông thực phẩm trong nước;
Bộ Y tế giám sát ngành cung ứng lương thực, thực phẩm và hiện có trách nhiệm
giám sát toàn diện, tổ chức, điều phối, điều tra các sự cố nghiêm trọng liên quan
đến thực phẩm dựa trên thẩm quyền mới. Theo cách đó, một hệ thống giám sát
nghiêm ngặt và toàn diện đã được triển khai.
. MOA: Kế hoạch hành động về thực phẩm an toàn nhằm giải quyết các vấn đề
về dư cặn thuốc trừ sâu và thuốc thú y đối với các sản phẩm nông nghiệp.
. AQSIQ: hệ thống tiếp cận thị trường nhằm đảm bảo chất lượng và an toàn thực
phẩm; xét nghiệm các mẫu lấy ngẫu nhiên; hệ thống thu hồi.
. SAIT: thanh tra thị trường; kiểm tra và lưu hồ sơ các sản phẩm mua vào (buy-
in), kiểm tra giấy phép và cấp hoá đơn, lưu trữ hồ sơ về các tài khoản thương mại;
59
. MOH: Giám sát các nhà hàng, đánh giá nguy cơ, phối hợp điều tra các sự cố
thực phẩm nghiêm trọng.
Tất cả bốn cơ quan bộ nói trên đều thực hiện những nỗ lực lớn nhằm cải tiến chất
lượng và an toàn thực phẩm. Ví dụ, AQSIQ đã thực hiện hệ thống tiếp cận thị
trường nhằm đảm bảo an toàn và chất lượng thực phẩm. AQSIQ còn đẩy mạnh việc
xét nghiệm mẫu ngẫu nhiên để kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm và kiểm soát các
doanh nghiệp và cơ sở thực phẩm nhỏ. Ngoài ra, AQSIQ còn áp dụng hệ thống thu
hồi thực phẩm, yêu cầu thu hồi và huỷ bỏ các sản phẩm thực phẩm không đạt chất
lượng và quá hạn sử dụng một cách bắt buộc.
Cùng lúc, Trung Quốc vẫn liên tục cải tiến việc xây dựng hệ thống kiểm nghiệm
an toàn thực phẩm. Để giám sát thực phẩm trong nước, một hệ thống thanh tra và
kiểm nghiệm thực phẩm đã được hình thành, được đặc trưng bằng "các cơ quan
thanh tra quốc gia đóng vai trò chỉ đạo, các cơ quan thanh tra thực phẩm tỉnh và
ngành là những thực thể chính, các cơ quan thanh tra thực phẩm thuộc cấp vùng và
huyện đóng vai trò bổ sung".
Hệ thống kiểm nghiệm AQSIQ:
Đối với các sản phẩm trong nước, có:
. 56 trung tâm kiểm nghiệm và giám sát chất lượng thực phẩm quốc gia ,
. 381 phòng thí nghiệm vùng,
. Hơn 2000 bộ phận thanh tra cấp huyện.
Đối với hàng xuất khẩu:
. 198 phòng thí nghiệm then chốt quốc gia,
. 318 phòng thí nghiệm vùng.
Các phòng thí nghiệm được trang bị các thiết bị tổng trị giá 0,8 tỷ NDT. Tổng
cộng có khoảng 100 nghìn kỹ thuật viên.
Để thực hiện công tác giám sát thực phẩm xuất-nhập khẩu, AQSIQ có 198 phòng
thí nghiệm then chốt quốc gia và 318 phòng thí nghiệm vùng; AQSIQ đã thành lập
một hệ thống kỹ thuật về an toàn thực phẩm xuất-nhập khẩu nhằm mục đích đáp
ứng yêu cầu phục vụ và giám sát sự tôn trọng pháp luật.
Công nhận và cấp giấp phép
Chính phủ Trung Quốc luôn khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện hệ thống
quản lý chất lượng và áp dụng các tiêu chuẩn quản lý tiên tiến. Hệ thống công nhận
và cấp giấy phép đối với thực phẩm và hàng nông sản trong suốt toàn bộ quy trình
60
"from farm to table" (từ trang trại đến nơi tiêu dùng) về cơ bản đã được thành lập.
Các hệ thống GAP và HACCP đã được áp dụng trong các lĩnh vực quản lý nguyên
liệu nông nghiệp, quản lý nhân giống và trồng trọt, sản xuất và chế biến thực phẩm,
đóng gói, lưu kho và marketing.
Mạng lưới giám sát điện tử đã được áp dụng một cách có hiệu quả để kiểm soát
và giám sát thực phẩm xuất khẩu. Mạng lưới này cho phép AQSIQ/CIQ có thể
kiểm soát và giám sát ngay trong thời gian thực đối với nguyên liệu thô, quy trình
sản xuất, kiểm nghiệm thành phẩm, lưu kho và vận chuyển, và trong trường hợp
toàn bộ quy trình tuân thủ theo đúng các quy định tương ứng, hệ thống sẽ phát tín
hiệu xanh cho phép sản phẩm có thể xuất khẩu. Bằng cách thiết lập một hệ thống
giám sát đặc biệt dựa trên nền tảng Hệ thống Video Chung của quốc gia,
AQSIQ/CIQ có thể giám sát các cửa khẩu vào, ra và các phân xưởng của các doanh
nghiệp. Hệ thống có ba cấp: Với trụ sở AQSIQ thuộc cấp thứ nhất nhằm kiểm soát
toàn bộ mạng lưới và tất cả các điểm, các CIQ của tỉnh và địa phương thuộc cấp
thứ hai và cấp thứ ba giám sát các doanh nghiệp ngay chính trong phạm vi giám sát
của họ.
5. Hệ thống An toàn Thực phẩm của Hàn Quốc
Tại Hàn Quốc, Luật An toàn vệ sinh thực phẩm và Luật Chế biến các sản phẩm
từ chăn nuôi là hai luật cơ bản quản lý an toàn thực phẩm. Hàn Quốc đã thành lập
một hội đồng có tên gọi “Hội đồng An toàn Thực phẩm Quốc gia”, dưới sự điều
hành của văn phòng Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với các hệ thống kiểm soát an
toàn thực phẩm trực thuộc các cơ quan khác nhau. Hội đồng này gồm có Thứ
trưởng các bộ liên quan, như Bộ Y tế và Phúc lợi (MOHW), Bộ Nông nghiệp và
Lâm nghiệp (MAF), Bộ Thuỷ sản và Hàng hải (MOMAF), Bộ Môi trường (MOE),
Cục Quản lý Dược và Thực phẩm (KFDA), và Uỷ ban Bảo vệ người tiêu dùng
(KCPB). Trách nhiệm và mối quan hệ của những cơ quan này được thể hiện trong
Hình vẽ dưới đây.
KFDA và cơ quan nghiên cứu trực thuộc là Viện Nghiên cứu Độc tố Quốc gia,
chỉ đạo việc đánh giá nguy cơ cùng với các chuyên gia đến từ các học viện, các
doanh nghiệp tư nhân và các viện nghiên cứu công. Thông tin từ các cổ đông được
nghiên cứu cẩn thận. Việc quyết định đưa ra bản dự thảo cuối cùng về các điều luật,
đường lối chỉ đạo hoặc phương hướng hành động, không chỉ dựa trên cơ sở việc
đánh giá nguy cơ mà còn phụ thuộc vào các nhân tố khác, như nhận thức cộng
đồng, cơ cấu luật pháp quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế và quy định của các nước khác.
KFDA, chính quyền các địa phương và những cơ quan liên quan cố gắng tuyên
61
truyền tới dân chúng bằng mọi phương tiện, như qua công báo, các bản tin cho
người tiêu dùng, tạp chí, phương tiện truyền thông đại chúng, hội nghị quốc tế và
quốc gia.
Các hoạt động của Hàn Quốc trong việc giải quyết vấn đề an toàn thực
phẩm
Triển khai Cơ cấu An toàn Thực phẩm Quốc gia
Để đảm bảo an toàn thực phẩm, Hàn Quốc đã cải cách cơ cấu quản lý an toàn
thực phẩm quốc gia. Mục tiêu của việc cải cách cơ cấu luật pháp là tăng cường an
toàn thực phẩm, điều chỉnh chi phí-lợi ích và đáp ứng nhu cầu của cộng đồng.
Những cải cách này được đặt dưới sự kiểm soát của cộng đồng cũng như của Quốc
hội. Việc thực hiện cơ cấu cải cách được đánh giá định kỳ hoặc bất kỳ lúc nào có
nhu cầu.
Quy định về Công nghệ sinh học hiện đại
Trong lúc công chúng ngày càng chú ý tới công nghệ sinh học hiện đại, trong đó
có cả vấn đề đạo đức liên quan đến kỹ thuật gen, “Luật Xúc tiến Công nghệ sinh
học” đã được công bố vào năm 1983. Căn cứ vào Luật này, “Hướng dẫn chỉ đạo
Hoạt động Tái tổ hợp ADN” đã ra đời vào năm 1997 được coi như một cơ cấu
khung luật pháp an toàn sinh học liên quan đến sử dụng các sinh vật biến đổi gen
(GMO). Hiện nay, các sản phẩm thực phẩm biến đổi gen được quản lý bởi các Bộ
KH&CN, Y tế và Phúc lợi, Nông nghiệp và Lâm nghiệp, và KFDA. Các điều luật
liên quan và chỉ đạo là Luật Xúc tiến Công nghệ sinh học, Luật Vệ sinh thực phẩm,
Luật Quản lý Chất lượng sản phẩm hải sản và nông sản, và Hướng dẫn chỉ đạo về
việc xem xét dữ liệu đánh giá an toàn đối với các Thực phẩm biến đổi gen và Phụ
gia thực phẩm.
Các tổ chức Chính phủ có liên quan trực tiếp tới các vấn đề công nghệ sinh học
là KFDA (đảm nhiệm quản lý an toàn thực phẩm và thuốc), và Viện Y học Quốc
gia –NIH (chịu trách nhiệm kiểm soát các bệnh truyền nhiễm và các thoả thuận về
liệu pháp gen). Như vậy là KFDA có trách nhiệm đánh giá mức độ an toàn của các
sản phẩm có nguồn gốc GMO, như thực phẩm và những thành phần thực phẩm.
NIH gần đây đã chuẩn bị dự thảo đầu tiên về “Hướng dẫn chỉ đạo Liệu pháp Gen”,
và đề xuất xem xét lại các điều luật liên quan tới việc đánh giá nguy cơ của GMO.
Luật Vệ sinh thực phẩm đã được sửa đổi nhằm cung cấp cơ sở pháp lý cho việc
dán nhãn đối với các thực phẩm biến đổi gen. Một hệ thống dán nhãn bắt buộc cho
các thực phẩm có nguồn gốc biến đổi gen được đưa ra vào tháng 7 năm 2001 khi
Quốc hội thông qua bản sửa đổi của Luật Vệ sinh thực phẩm. KFDA đã đề xuất
đường lối chỉ đạo việc dán nhãn liên quan.
62
Theo Luật Quản lý Chất lượng Sản phẩm Nông nghiệp và Ngư nghiệp, Bộ Nông
nghiệp và Hàng Hải yêu cầu dán nhãn những sản phẩm nông sản biến đổi gen như
đậu nành, ngũ cốc và giống đậu tương. Điều luật này có hiệu lực từ tháng 3 năm
2001.
Hàn Quốc đã lên kế hoạch đề xuất một khuôn khổ quốc gia toàn diện cho việc
bảo vệ sức khỏe cộng đồng bằng việc phát triển các chính sách và cải tiến những
điều chỉnh liên quan trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Những nỗ lực này sẽ góp
phần đẩy mạnh R-D trong công nghiệp công nghệ sinh học và khoa học sự sống với
sự nhất trí về chính trị cũng như xã hội.
Các Nguyên tắc và Phương thức phòng ngừa
Hàn Quốc nhận thấy tầm quan trọng của các nguyên tắc và phương pháp phòng
ngừa. Hiện nay, Hàn Quốc đang cân nhắc áp dụng các nguyên tắc và phương pháp
phòng ngừa phản ánh trong khuôn khổ luật pháp. Các nguyên tắc và phương pháp
phòng ngừa có thể bị sử dụng một cách vô lý và độc đoán, nên KFDA chịu trách
nhiệm đánh giá về khái niệm và việc ứng dụng của các nguyên tắc và phương pháp
phòng ngừa.
Thực thi và tuân thủ các điều chỉnh
Gần đây vài nhóm người tiêu dùng đã phản đối việc nhập khẩu đậu nành biến đổi
gen. Nhận thấy công chúng ủng hộ ý kiến này, Quốc hội Hàn Quốc đã quyết định
sửa đổi Luật Vệ sinh thực phẩm, bắt buộc dán nhãn cho các thực phẩm và các phụ
gia thực phẩm có nguồn gốc công nghệ sinh học.
Thêm vào đó, KFDA gần đây đã thành lập một hội đồng nghiên cứu việc ghi
nhãn cho thực phẩm biến đổi gen, bao gồm 25 đại diện là các chuyên gia về GMO.
Đó là những nhà khoa học đầu ngành, đại diện người tiêu dùng, các hãng sản xuất
công nghiệp và các cơ quan Chính phủ. Hội đồng sẽ đưa ra những khuyến nghị tới
KFDA trong việc dán nhãn cho các thực phẩm biến đổi gen. Các chủ đề thảo luận
chính của hội đồng này là các đường lối chỉ đạo việc dán nhãn và việc thực thi các
kế hoạch áp dụng.
Viện hàn lâm KH&CN Hàn Quốc tổ chức một hội nghị chuyên đề Đảm bảo an
toàn trong Công nghệ sinh học vào năm 1999 và đã đề xuất việc sửa đổi các điều
luật liên quan, các hệ thống và sự minh bạch nhằm đẩy mạnh sự đồng thuận của
công chúng về vấn đề này. Ủy ban UNESCO Quốc gia Hàn Quốc cũng đã thành lập
diễn đàn mang tên “Thảo luận trong công chúng về việc chấp nhận công nghệ sinh
học” vào năm 1999. Từ kết quả của diễn đàn này, Chính phủ Hàn Quốc đã yêu cầu
soạn thảo hướng dẫn chỉ đạo an toàn sinh học quốc gia đối phó với các nguy cơ
63
tiềm tàng còn chưa được xác minh, sự không chắc chắn về mặt kỹ thuật và các vấn
đề đạo đức liên quan đến công nghệ sinh học.
6. Hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm ở Việt Nam
Hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm của Việt nam được tổ chức theo mô
hình nhiều cơ quan tham gia, trong đó Bộ Y tế đóng vai trò chủ đạo. Chính phủ chỉ
đạo công tác an toàn vệ sinh thực phẩm thông qua Ban chỉ đạo liên ngành về vệ
sinh an toàn thực phẩm (BCĐLN) do Phó Thủ tướng làm trưởng ban. BCĐLN là tổ
chức tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn triển khai, kiểm tra
việc thực hiện công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.
BCĐLN có 4 nhiệm vụ chính: nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về
những chủ trương, cơ chế, chính sách, giải pháp trong quản lý nhà nước về vệ sinh
an toàn thực phẩm; giúp Thủ tướng chỉ đạo, phối hợp hoạt động giữa các Bộ,
ngành, địa phương trong việc xử lý những vấn đề liên quan đến vệ sinh an toàn
thực phẩm; đôn đốc kiểm tra việc thực hiện công tác vệ sinh an toàn thực phẩm của
các Bộ, ngành, UBND và Ban Chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm cấp tỉnh; định kỳ
6 tháng 1 lần báo cáo về tình hình hoạt động của BCĐLN và báo cáo đột xuất theo
yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Phạm vi quản lý nhà nước của các Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm được quy định trong Nghị định số
79/2008/NĐ-CP của Chính phủ như sau:
Cấp trung ương:
- Bộ Y tế giúp Chính phủ thống nhất thực hiện chức năng quản lý nhà nước về vệ
sinh an toàn thực phẩm; chủ trì thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về vệ sinh an
toàn thực phẩm đối với các sản phẩm có nguồn gốc sản xuất trong nước và nhập
khẩu đã thành phẩm lưu thông trên thị trường; làm Thường trực Ban Chỉ đạo liên
ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm ở Trung ương và Ủy ban Codex Việt Nam.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà
nước về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nông, lâm, thuỷ sản và muối trong quá
trình sản xuất từ khi trồng trọt, chăn nuôi, thu hoạch, đánh bắt, giết mổ động vật, sơ
chế, chế biến, bao gói, bảo quản, vận chuyển đến khi thực phẩm được đưa ra thị
trường nội địa hoặc xuất khẩu; vệ sinh an toàn trong nhập khẩu động vật, thực vật,
nguyên liệu dùng cho nuôi, trồng, chế biến hoặc tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái
nhập, chuyển khẩu, quá cảnh, mượn đường lãnh thổ Việt Nam.
- Bộ Công thương chủ trì thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về vệ sinh an
toàn thực phẩm đối với sản phẩm thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất của các
64
cơ sở chế biến thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ từ khi nhập nguyên liệu để
chế biến, đóng gói, bảo quản, vận chuyển đến khi sản phẩm được đưa ra thị trường
nội địa hoặc xuất khẩu.
- Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và công bố tiêu chuẩn quốc gia về vệ
sinh an toàn thực phẩm, thẩm định các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vệ sinh an
toàn thực phẩm để các Bộ quản lý ngành ban hành; tham gia kiểm nghiệm về vệ
sinh an toàn thực phẩm.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ
môi trường trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Cấp địa phương:
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa
bàn theo phân cấp, trong đó:
- Sở Y tế tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về vệ sinh
an toàn thực phẩm theo phân cấp và theo quy định của pháp luật trên địa bàn cấp
tỉnh; làm Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm cấp
tỉnh; Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm trực thuộc Sở Y tế giúp Giám đốc Sở thực
thi pháp luật và thực hiện thanh tra chuyên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm trên
địa bàn cấp tỉnh.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn cấp tỉnh đối với
ngành, lĩnh vực: nông, lâm, thuỷ sản và muối theo phân cấp và theo quy định của
pháp luật trong suốt quá trình sản xuất từ khi nhập khẩu động vật, thực vật, nguyên
liệu (dùng cho nuôi, trồng, chế biến), nuôi, trồng, thu hoạch, đánh bắt, khai thác,
giết mổ, chế biến, bảo quản, vận chuyển đến khi thực phẩm được đưa ra thị trường
nội địa hoặc xuất khẩu.
- Sở Công thương tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về
vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn cấp tỉnh đối với các cơ sở chế biến thực
phẩm ở địa phương theo phân cấp và theo quy định của pháp luật trong suốt quá
trình sản xuất từ khi nhập nguyên liệu để chế biến, đóng gói, bảo quản, vận chuyển
đến khi thực phẩm được đưa ra thị trường nội địa hoặc xuất khẩu.
- Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện
các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm
trên địa bàn cấp tỉnh.
65
- Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh triển
khai các biện pháp kiểm soát môi trường trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên
địa bàn cấp tỉnh.
Các cơ quan giúp Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh
quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm gồm có: Phòng Y tế thuộc Ủy ban
nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Phòng Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn ở các huyện và Phòng Kinh tế ở các quận, thị xã, thành phố thuộc
tỉnh; Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện
thực hiện các biện pháp kiểm soát môi trường trong sản xuất, kinh doanh thực
phẩm trên địa bàn huyện.
Kế hoạch hành động quốc gia bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm
Kế hoạch hành động quốc gia bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đến năm 2010
đặt ra các mục tiêu:
- Nâng cao nhận thức, thực hành VSATTP và ý thức trách nhiệm của người sản
xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm. Phấn đấu đến năm 2010, 90% người sản
xuất, 80% người kinh doanh thực phẩm, 100% người quản lý, lãnh đạo và 80%
người tiêu dùng có hiểu biết đúng và thực hành đúng về VSATTP.
- Tăng cường năng lực hệ thống tổ chức quản lý, thanh tra, kiểm nghiệm
VSATTP từ trung ương đến địa phương và tại các Bộ, ngành liên quan. Phấn đấu
đến năm 2010, 100% cán bộ làm công tác quản lý và kiểm nghiệm VSATTP tại
tuyến trung ương, khu vực, tỉnh, thành phố được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao về
chuyên môn nghiệp vụ; 90% cán bộ làm công tác VSATTP tuyến cơ sở (quận,
huyện, xã, phường) được tham dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức và kỹ
năng thực hành kiểm tra nhanh phát hiện ô nhiễm thực phẩm.
- Phấn đấu đến năm 2010, 80% tiêu chuẩn về thực phẩm phù hợp với tiêu chuẩn
thế giới.
- Từng bước áp dụng hệ thống quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm
theo hệ thống HACCP. Phấn đấu đến năm 2010, 100% các cơ sở sản xuất thực
phẩm nguy cơ cao áp dụng HACCP.
- Xây dựng chương trình phân tích và quản lý nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm,
chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Thiết lập hệ thống kiểm soát ô nhiễm thực phẩm đồng bộ từ sản xuất đến lưu
thông và giám sát ngộ độc thực phẩm. Phấn đấu đến năm 2010, mức tồn dư hoá
chất và kháng sinh được phép sử dụng vượt quá giới hạn cho phép còn 1 - 3% tổng
số mẫu thực phẩm được kiểm tra.
66
Nội dung và giải pháp thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia:
- Tăng cường năng lực quản lý nhà nước và xây dựng hệ thống tổ chức quản lý
VSATTP hiệu quả từ trung ương đến địa phương.
- Giám sát tình hình ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua
thực phẩm. Thiết lập chương trình phân tích nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm. Xây
dựng hệ thống giám sát ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm và tham
gia hệ thống giám sát ô nhiễm thực phẩm và giám sát ngộ độc thực phẩm quốc tế. Đến
năm 2010, xây dựng 4 trung tâm giám sát ô nhiễm thực phẩm và ngộ độc thực phẩm
tại 4 Viện trực thuộc Bộ Y tế ở 4 khu vực Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên.
- Đẩy mạnh công tác thông tin và giáo dục - truyền thông về VSATTP tại cộng
đồng.
- Xây dựng và phát triển hệ thống kiểm nghiệm VSATTP tại các Bộ, ngành và trên
phạm vi cả nước.
- Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp
luật về VSATTP.
- Tăng cường hoạt động liên ngành trong công tác bảo đảm VSATTP.
- Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ
tiên tiến phục vụ công tác quản lý VSATTP.
- Tăng cường hợp tác quốc tế về lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm: Tăng cường
hợp tác với Ủy ban tiêu chuẩn hoá thực phẩm (Codex) thế giới và khu vực trong quá
trình xây dựng tiêu chuẩn thực phẩm; thực hiện Hiệp định SPS và Hiệp định về rào
cản kỹ thuật trong thương mại (TBT) trong tiến trình gia nhập Tổ chức Thương mại
thế giới (WTO) nhằm hạn chế ô nhiễm thực phẩm.
- Nâng cao mức đầu tư cho công tác VSATTP từ trung ương đến địa phương.
KẾT LUẬN
Quản lý an toàn thực phẩm đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nguồn
cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng và bổ dưỡng cho công chúng, vì sức khoẻ của
mọi người và vì những lợi ích kinh tế có được từ trao đổi buôn bán thực phẩm an toàn
và chất lượng cao. Tuy nhiên, những bùng phát bệnh tật gần đây do thực phẩm là điều
đáng báo động gây nên những mối lo ngại về tính hiệu lực của các hệ thống kiểm soát
an toàn thực phẩm. Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 800 triệu người còn phải chịu
tình trạng thiếu dinh dưỡng, chủ yếu là ở các nước đang phát triển. Thiếu dinh dưỡng
không chỉ là kết quả của nguồn cung ứng thực phẩm không đầy đủ, nó còn gây ra do
sự tiêu thụ các loại thức ăn còn hạn chế, không an toàn và kém chất lượng. Ngoài ra,
mỗi năm có đến ba triệu trẻ em bị chết vì mắc các bệnh tiêu chảy (bao gồm cả bệnh lỵ)
phát sinh do tiêu thụ thức ăn kém chất lượng và dùng nước uống không an toàn.
67
Bên cạnh đó, môi trường toàn cầu mới đối với thương mại thực phẩm đang đặt ra
nhiều nghĩa vụ hơn đối với cả các nước nhập khẩu lẫn xuất khẩu nhằm đẩy mạnh hệ
thống kiểm soát thực phẩm của mình, thực hiện và tuân thủ các chiến lược kiểm soát
thực phẩm dựa trên đánh giá nguy cơ. Điều trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với
các nước đang phát triển đó là thực hiện và thi hành một hệ thống kiểm soát an toàn
thực phẩm dựa trên khái niệm hiện đại về đánh giá các mối nguy hiểm.
Các vấn đề về an toàn thực phẩm đang nổi lên ngày càng trở nên phức tạp và hậu
quả là sẽ ngày càng khó khăn hơn đối với các nước đang phát triển khi muốn giải
quyết các vấn đề này trong tương lai. Ở cấp quốc gia, nếu thiếu sự trợ giúp kỹ thuật và
các nguồn lực, thì tiến bộ có thể đạt được là rất hạn chế trong lĩnh vực kiểm soát các
nguy cơ liên quan đến thực phẩm không an toàn. Việt Nam đã ý thức được tầm quan
trọng của vệ sinh an toàn thực phẩm trong xã hội. Ngày 7-8-2003, Chủ tịch nước Trần
Đức Lương ký Lệnh công bố Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm, đã được Ủy ban
Thường vụ QH khóa XI thông qua ngày 26-7-2003. Đến nay, Chính phủ đã ban hành
nhiều nghị định, quyết định, chỉ thị liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy
nhiên, công tác thực hiện, triển khai các hoạt động đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
ở Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn, năng lực quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm còn
nhiều hạn chế so với nhu cầu. Chúng ta cần triển khai và thực hiện các chương trình
kiểm soát thực phẩm có hiệu lực và hiệu quả. Cần đặt ra các mục đích và mục tiêu rõ
ràng đối với các chương trình, và việc thực hiện chương trình cần được giám sát và
đánh giá. Thường xuyên đánh giá chất lượng thành tích đã đạt được trong chương trình
và thành lập một hệ thống giáo dục và đào tạo nhằm không ngừng nâng cao các kỹ
năng và kiến thức của các nhân viên vận hành chương trình.
Cần cập nhật các quy định và luật lệ về thực phẩm cho phù hợp với những tiến bộ
và những thay đổi nhanh chóng diễn ra trong thực hiện các phương pháp kiểm soát an
toàn thực phẩm hiện đại. Các bộ luật và quy định hiện đại về thực phẩm cần kịp thời
phản ánh những thay đổi trong các quy định thương mại quốc tế và phản ánh các vai
trò và trách nhiệm tương ứng của chính phủ, ngành công nghiệp và người tiêu dùng
trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các tổ chức chính phủ cần hợp
tác chặt chẽ với các tổ chức đại diện cho ngành công nghiệp, khối nghiên cứu và người
tiêu dùng để lôi kéo sự tham gia của họ vào hoạt động kiểm soát an toàn thực phẩm,
nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và ý thức trách nhiệm của các nhà sản xuất về
vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính phủ cũng cần có các biện pháp hỗ trợ về tài chính,
nâng cao năng lực, khuyến khích các cơ sở sản xuất chế biến đổi mới công nghệ để
cho ra các sản phẩm có chất lượng tốt hơn, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Biên soạn
Phòng Phân tích Thông tin
68
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Codex Alimentarius: Basic Texts. Codex Alimentarius Commission, Joint FAO/WHO
Food Standards Programme,1997
2. Introduction to Codex Alimentarius Commission (CAC), Food Quality and Standards
Service, Food and Nutrition Division, 2003.
3. EUROPEAN FOOD SAFETYCONTROLSYSTEMS: NEW PERSPECTIVES ON A
HARMONIZED LEGALBASIS. SECOND FAO/WHO GLOBAL FORUM FOR
FOOD SAFETY REGULATORS, Bangkok, Thailand, October 2004.
4. AN INTRODUCTION TO ISO 22000 - FOOD SAFETY MANAGEMENT SYSTEMS.
International Trade Center, BULLETIN No. 85/2008.
5. International Trade Centre, U N C T A D / W T O: An Introduction toHACCP. Bulletin
No.71 December 2002.
6. Guidelines for Consumer Organizations to Promote National Food Safety Systems. A
PROJECT OF THE CENTER FOR SCIENCE IN THE PUBLIC INTEREST,
Washington, D.C. 20009, USA.
7. ASEAN Common Principles for Food Control Systems, AFC, 2004.
8. 10-point Regional Strategy for Food Safety in the South-East Asia Region, FAO, 2002.
9. ASSURING FOOD SAFETY AND QUALITY: GUIDELINES FOR
STRENGTHENING NATIONAL FOOD CONTROL SYSTEMS. Joint FAO/WTO
Publication, 2002.
10. Complex Food Safety Systems, Our Food.com, 2005.
11. Foodborne disease outbreaks : guidelines for investigation and control. World Health
Organization 2008.
12. OECD, SG/ADHOC/FS(2000)5/FINAL: OVERVIEW OF NATIONAL FOOD
SAFETY SYSTEMS AND ACTIVITIES, 2000.
13. OECD, SG/ADHOC/FS(2000)5/ANN/FINAL: COMPENDIUM OF NATIONAL
FOOD SAFETY SYSTEMS AND ACTIVITIES, 2000.
14. Introduction of Food Safety Control System in China, China National Institute of
Standardization, AQSIQ, P. R. China, 2009.
15. Mitsuhiro Ushio: Food Safety Regulatory Issues. FAO/WHO Global Forum of Food
Safety Regulators, Marrakesh, Morocco, 28-30 January 2002.
16. FAO: RECOMMENDED INTERNATIONAL CODE OF PRACTICE. GENERAL
PRINCIPLES OF FOOD HYGIENE, 2002.
17.
18.
19. Our Food: Food Safety and Control System - International Standards, 2004.
20. Quyết định Số 149/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương
trình mục tiêu quốc gia vệ sinh an toàn thực phẩm 2006-2010.
21. Quyết định Số 43/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch
hành động quốc gia đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đến năm 2010.
22. Nghị định Số 79/2008/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định hệ thống tổ chức quản lý,
thanh tra và kiểm nghiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- TL08_2009R.pdf