KẾT LUẬN
Đề án di dân lên bờ ở vịnh Hạ Long
(6/2014) là một chủ trương có ý nghĩa
nhân văn sâu sắc đặc biệt hướng tới việc
bảo vệ môi trường vùng vịnh. Đề án đã
đạt được những thành công nhất định.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là làm
sao vừa thực hiện tốt việc di dời ngư dân
sinh sống trên vịnh tới khu tái định cư
nhưng vẫn đảm bảo điều kiện sống cơ
bản cho họ và giữ nguyên trạng được
làng chài Cửa Vạn với những nét văn
hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc. Vì
vậy, một số giải pháp trên thiết nghĩ sẽ
góp phần khắc phục những tồn tại, giúp
cho điểm đến du lịch này phát triển một
cách thuận lợi và bền vững.
10 trang |
Chia sẻ: hachi492 | Ngày: 10/01/2022 | Lượt xem: 340 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Giải pháp phát triển du lịch ở làng chài Cửa Vạn, Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh sau hoạt động di dân lên bờ, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
75TẠP CHÍ KHOA HỌC, Số 35, tháng 07 năm 2019
GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH Ở LÀNG CHÀI CỬA VẠN,
VỊNH HẠ LONG, QUẢNG NINH SAU HOẠT ĐỘNG DI DÂN LÊN BỜ
Nguyễn Thị Thúy Anh, Bùi Thúy Hằng
Khoa Du lịch
Email: anhntt@dhhp.edu.vn
Ngày nhận bài: 08/4/2019
Ngày PB đánh giá: 17/7/2019
Ngày duyệt đăng:25/7/2019
TÓM TẮT
Vịnh Hạ Long đã hai lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Những công nhận đó
đã mở ra cho vịnh Hạ Long rất nhiều cơ hội mới song cũng sẽ là không ít thách thức, khó khăn mà điểm
đến này phải đối mặt, đặc biệt là ô nhiễm môi trường. Vấn đề ô nhiễm môi trường tại một số vũng vịnh
tiêu biểu như khu vực làng chài Cửa Vạn, Vông Viêng.. là do nhiều nguyên nhân trong đó có sự tác động
của việc gia tăng dân số, rác thải sinh hoạt ở các làng chài. Để giải quyết vấn đề trên Ủy ban Nhân dân
(UBND) tỉnh Quảng Ninh đã quyết định thực hiện chính sách di dời các làng chài nổi ra khỏi khu vực vịnh
Hạ Long (tháng 6/2014). Đây là giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị di
sản đồng thời đem lại cuộc sống an cư, bền vững cho hàng trăm hộ dân chài vốn lệ thuộc vào sông nước.
Tuy nhiên, sau năm năm thực hiện, khách du lịch đến thăm làng chài trên vịnh Hạ Long lại không thật sự
ấn tượng với điểm du lịch này. Vì vậy, trong khuôn khổ bài viết, tác giả tập trung đưa ra những giải pháp
nhằm phát triển du lịch ở làng chài Cửa Vạn trên vịnh Hạ Long sau hoạt động di dân lên bờ.
Từ khóa: Phát triển du lịch, làng chài, Cửa Vạn, hoạt động di dân lên bờ.
DEVELOPING TOURISM IN CUA VAN FISHING VILLAGES, HA LONG BAY,
QUANG NINH AFTER ASHORE EMIGRATION
ABSTRACT
Ha Long Bay has been recognized as a UNESCO World Heritage Site twice, which has brought many
opportunities as well as challenges to the destination. One of the hardest problems is the environment
pollution. The polluted conditions from the bay, especially from Cua Van fishing villages have been caused
by the many different reasons including the increase in population, domestic waste of the villages. In order
to solve this problem, People’s Committee of Quang Ninh province decided to emigrate people from the
villages to other places outside Ha Long Bay area (6/2014). This action has improved the effectiveness
of preserving activities at Ha Long bay as well as helping the villagers whose their life heavily dependent
on the sea to settle down and develop. However, after five years of implementation, tourists visiting the
fishing village on Halong bay are not really impressed with this destination. Therefore, the authors will
present the solutions to transform tourism activities in Cua Van villages after the emigration.
Keywords: Develop tourism, fishing villages, Cua Van, emigration.
76 TRƯỜNG ĐẠI HỌC HẢI PHÒNG
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Theo Điều 3, chương I, Luật Du lịch
Việt Nam, số: 09/2017/QH14: “Du lịch là
các hoạt động có liên quan đến chuyến
đi của con người ngoài nơi cư trú thường
xuyên trong thời gian không quá 01 năm
liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan,
nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài
nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích
hợp pháp khác” [5]. Du lịch theo nghĩa
tiếng Hán là đi chơi có lịch trình, trong
đó “du” có nghĩa là rong chơi, ngao du,
còn “lịch” có nghĩa là lịch trình, là sự sắp
xếp về thời gian. Chính vì nội dung này
nên người ta mới có thể phân biệt được du
lịch với các hình thức rời khỏi nơi cư trú
thường xuyên khác như du học, đi học, đi
làm xa.
Tựu chung lại, du lịch là sự di chuyển
của con người trong thời gian nhàn rỗi để
đến một nơi khác ngoài nơi cư trú thường
xuyên của mình, nhằm mục đích thẩm
nhận các giá trị vật chất và tinh thần độc
đáo, khác lạ. Trên cơ sở đó, trong chuyến
đi sẽ xảy ra mối quan hệ tương hỗ giữa
bốn nhóm: khách du lịch, nhà cung ứng
du lịch, chính quyền địa phương và cư dân
địa phương.
Vịnh Hạ Long đã hai lần được UNES-
CO công nhận là di sản thiên nhiên thế
giới. Đối với người dân địa phương nói
riêng và đất nước Việt Nam nói chung
vịnh Hạ Long là một món quà vô giá mà
tạo hóa đã ban tặng. Những vinh dự này
đã mở ra cho Quảng Ninh cũng như vịnh
Hạ Long rất nhiều cơ hội mới song cũng
sẽ là những thách thức mà điểm đến du
lịch này phải đối mặt. Trong thời gian vừa
qua, vịnh Hạ Long nổi cộm về vấn đề ô
nhiễm môi trường tại một số vũng vịnh
do sự gia tăng dân số của các làng chài
[8]. Để giải quyết vấn đề trên, UBND tỉnh
Quảng Ninh đã quyết định thực hiện chính
sách di dời các làng chài nổi ra khỏi khu
vực Di sản thế giới vịnh Hạ Long – đây
là giải pháp được cho là cần thiết không
chỉ nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo
tồn, phát huy giá trị di sản mà còn mang
ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong việc đem
lại cuộc sống an cư, bền vững cho hàng
trăm hộ dân chài vốn lệ thuộc vào sông
nước. Tuy nhiên, việc thực hiện chính
sách di dân ban đầu đã khiến cư dân địa
phương, khách du lịch lo ngại về việc phát
triển du lịch một cách bền vững tại một số
làng chài trong tương lai. Sở dĩ, ngư dân
là người nắm giữ những giá trị văn hóa,
họ còn sinh sống ở các làng chài thì còn
văn hóa làng chài, di chuyển họ đi thì rất
có thể những nét văn hóa độc đáo của làng
chài đó sẽ bị mai một dần.
Bài toán đặt ra ở đây là làm sao vừa
thực hiện tốt hoạt động di dời ngư dân sinh
sống trên vịnh để bảo vệ môi trường di sản
lại vừa bảo tồn những nét văn hóa truyền
thống của ngư dân? Chính vì vậy, trong
khuôn khổ bài viết nhóm tác giả đã sử
dụng kết hợp nhiều phương pháp nghiên
cứu khoa học như phương pháp thu thập
tài liệu thứ cấp, phân tích tổng hợp, điều
tra xã hội học, thực địa nhằm tìm hiểu vấn
đề một cách khách quan, trung thực và
thu được những thông tin rất hữu ích từ
phía chính quyền địa phương, cư dân địa
phương, nhà cung ứng du lịch và khách du
lịch ở điểm đến du lịch vịnh Hạ Long đặc
biệt là làng chài Cửa Vạn. Trên cơ sở đó,
nhóm tác giả tập trung phân tích, đánh giá
hiện trạng phát triển du lịch làng chài Cửa
Vạn trong thực tại và đề xuất giải pháp
phát triển du lịch ở điểm đến này sau thực
hiện hoạt động di dân lên bờ.
77TẠP CHÍ KHOA HỌC, Số 35, tháng 07 năm 2019
2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
2.1. Thực trạng phát triển du lịch tại
làng chài Cửa Vạn sau hoạt động di dân
lên bờ
2.1.1. Lịch sử hình thành của làng chài
Cửa Vạn
Xưa kia hải phận của Giang Võng nằm
từ ven quả đồi Cái Mắm của xã Tiêu Giao
trở về Bang Trới thuộc khu vực Đá Trắng
còn Trúc Võng từ ven quả đồi đó trở về
Hòn Gai. Khi không đi đánh cá hoặc có
hội làng họ thường đỗ thuyền ven chân
đảo Sa Tô, xã Thành Công (nay là phố
Thành Công thuộc phường Cao Xanh, Sa
Tô giờ không còn là đảo nữa). Dân làng
chài tuy sống trên thuyền và bè nhưng đều
có đình làng riêng trên đất liền, hàng năm
có tổ chức lễ hội lớn. Trong chiến tranh
chống thực dân Pháp, cư dân hai làng tản
mạn khắp các vùng vịnh kín gió trên vịnh
Hạ Long và Bái Tử Long. Sau ngày giải
phóng vùng mỏ 25/4/1995, phần lớn bà
con lại về tập trung sinh sống trên vịnh
Hạ Long và dần dần hình thành nên các
làng chài. Từ những năm 60 của thế kỷ 20,
ngư dân sinh sống trên vịnh Hạ Long tụ
cư ổn định thành 4 làng chài: Vông Viêng,
Ba Hang, Cửa Vạn, Cống Tàu. Trong số
các làng chài trên thì làng chài Cửa Vạn
là làng chài lớn nhất. Mặc dù có tên hành
chính mới là “khu” song những từ “thôn”,
“làng” hay “làng chài” vẫn được người
dân nơi đây và du khách quen gọi [3].
Làng chài Cửa Vạn thuộc huyện Hùng
Thắng, thành phố Hạ Long. Đây là một
trong 4 làng chài nổi tiếng và độc đáo của
vịnh Hạ Long. Làng chài Cửa Vạn có từ
bao giờ thì không ai biết chính xác, dân
làng nơi đây chỉ nhớ rằng: tổ tiên của họ
đã sống 7, 8 đời ở làng chài này. Năm 1963
thôn Cửa Vạn chính thức được thành lập
với diện tích khoảng 22ha, dân số là 127
hộ với 600 nhân khẩu. Về tên gọi, làng
chài Cửa Vạn có 2 nguồn gốc xuất xứ:
Tên gọi bắt nguồn từ sự cư trú, sinh sống
của ngư dân vạn chài trong một vùng vịnh
kín gió, nằm gần một cửa biển có tên Cửa
Vạn, vì vậy mà làng chài có tên Cửa Vạn;
Tên gọi được hình thành bằng ý nghĩa của
hai từ Cửa và Vạn: Cửa là lối thông ngoài
cửa biển, là nơi để tàu thuyền ra vào; Vạn
là làng của ngư dân sống trên biển, họ chủ
yếu làm nghề đánh bắt cá.
2.1.2. Đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa
của làng chài Cửa Vạn sau hoạt động di
dân lên bờ
Những người dân làng chài Cửa Vạn
đã gắn bó cả cuộc đời mình với biển. Họ
sống chủ yếu bằng nghề chài lưới, đánh
bắt và nuôi trồng thủy sản. Họ là những
người đã tạo dựng và lưu truyền một nền
văn hóa Hạ Long lâu đời, độc đáo, khác
biệt. Tuy nhiên, việc quản lý và giữ gìn
vệ sinh môi trường ở các làng chài trên
vịnh gặp rất nhiều khó khăn do sinh hoạt
thường nhật của dân chài. Hơn nữa, điều
kiện thụ hưởng văn hóa, chăm sóc y tế hầu
như không có, tính mạng của các cư dân
làng chài bị đe dọa mỗi khi có bão, lốc
trên vịnh. Chính vì vậy, nhằm bảo tồn các
giá trị văn hóa truyền thống làng chài và
đảm bảo cuộc sống của cư dân nơi đây tỉnh
ủy đã thực hiện chủ chương tại thông báo
số 786 – TB/TU ngày 13/9/2012; Quyết
định 2178/QĐ – UBND ngày 28/8/2012
của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc phê
duyệt phương án di dời nhà bè trên vịnh
Hạ Long. UBND thành phố đã tổ chức
triển khai di chuyển các hộ dân đang sinh
78 TRƯỜNG ĐẠI HỌC HẢI PHÒNG
sống ở các nhà bè trên vịnh lên bờ. Đến
cuối tháng 6/2014, các hộ dân trên các
làng chài đã được chuyển hết lên bờ sinh
sống và những người này được cấp căn hộ
có diện tích từ 78 – 128m2/căn, vệ sinh
khép kín cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật
điện, đường cấp thoát nước, cây xanh
công cộng tại khu tái định cư làng chài
phường Hà Phong. Sau khi các hộ dân di
dời lên bờ theo chính sách di dân, đời sống
kinh tế, xã hội và văn hóa của họ đã có
những thay đổi đáng kể.
Về kinh tế:
Hầu hết người dân đều vui mừng, phấn
khởi khi được hỗ trợ tái định cư. Với sự
quan tâm của chính quyền địa phương
cuộc sống của các hộ dân đã đi vào ổn
định. Khu tái định cư đã xuất hiện những
cửa hàng tạp hóa nhỏ, buôn bán phục vụ
người dân trong khu vực. Cư dân ở đây
cho hay giờ họ đã yên tâm hơn, không còn
nơm nớp lo sợ mỗi khi có mưa to, bão gió
như khi còn định cư trên vịnh. Bên cạnh
đó, thành phố Hạ Long còn mở các lớp
đào tạo nghề như: nuôi trồng thủy sản, đan
lưới, lái xe ô tô Cùng với đó là phối hợp
với Trung tâm giới thiệu việc làm và các
đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức
phiên chợ việc làm nhằm tuyển sinh đào
tạo nghề mới và giải quyết việc làm cho
người dân trong độ tuổi lao động. Qua đó,
cư dân được tiếp cận, học hỏi và lựa chọn
ngành nghề phù hợp, kiếm thêm thu nhập
phụ giúp gia đình và bản thân. Mặc dù các
cư dân đã lên bờ sinh sống nhưng một số
người vẫn được tham gia làm du lịch dưới
vịnh, điển hình như mô hình chèo đò tìm
hiểu văn hóa làng chài. Hoạt động này đã
tạo sự gắn kết để người dân tham gia vào
các hoạt động du lịch, góp phần giữ gìn
nét đẹp văn hóa của người dân vùng biển,
nâng cao ý thức của người dân trong bảo
vệ môi trường vịnh. Đây là một hướng
đi vừa góp phần tạo việc làm, đảm bảo
thu nhập ổn định cho ngư dân vừa làm
phong phú các tuyến tham quan trên vịnh
Hạ Long, bảo tồn văn hóa vùng biển địa
phương. Cụ thể, qua trao đổi tác giả được
biết với hoạt động chèo đò này bình quân
thu nhập mỗi người từ 2,5 - 3 triệu đồng/
tháng. Như vậy, sau hoạt động di dân lên
bờ, kinh tế của ngư dân cũng đã có những
cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, sau hoạt động di dân lên
bờ, người dân nơi đây vẫn còn gặp không
ít khó khăn cùng những khúc mắc như vấn
đề giải quyết việc làm chưa thực sự đồng
đều và triệt để, các chính sách hỗ trợ vẫn
còn dở dang. Một số hộ chài không đủ
điều kiện cấp nhà, cấp đất tái định cư sẽ
gặp khó khăn khi chính quyền tiến hành
cưỡng chế, việc hỗ trợ mua đất trả góp
trong 5 năm và mua nhà tái định cư với
giá 200 triệu đồng là một vấn đề lớn so với
thu nhập khoảng 80.000đ/ngày của một số
hộ chài.
Về văn hóa:
Nhằm lưu giữ những nét văn hóa đặc
sắc của người vạn chài cũng như đảm bảo
kế sinh nhai, chính quyền địa phương đã
xây dựng mô hình chèo đò phục vụ nhu
cầu của khách du lịch. Hoạt động này đã
tạo sự gắn kết để người dân tham gia vào
các hoạt động du lịch, góp phần giữ gìn
nét đẹp văn hóa của người dân vùng biển
đồng thời nâng cao ý thức của người dân
trong việc bảo vệ môi trường vịnh.
Cuộc sống lênh đênh trên biển đã tạo
nên những giá trị văn hóa độc đáo của
ngư dân vạn chài. Việc di dân lên bờ sẽ
ít nhiều ảnh hưởng tới giá trị văn hóa nơi
79TẠP CHÍ KHOA HỌC, Số 35, tháng 07 năm 2019
đây bởi những đặc trưng văn hóa trên vịnh
đa phần được hình thành từ chính phong
tục tập quán cùng nếp sống, nếp sinh hoạt
của ngư dân và đó cũng chính là những giá
trị mà du khách rất muốn khám phá, trải
nghiệm khi đến vịnh Hạ Long.
Làng chài Cửa Vạn là một trong những
điểm du lịch hấp dẫn với nhiều nét đẹp văn
hóa cũng như phong tục tập quán mang
đậm sắc thái vùng biển của một cộng đồng
ngư dân sinh sống trên vịnh. Những làng
chài này gắn bó với lịch sử văn hóa của Hạ
Long và trở thành một “tế bào” không thể
tách rời của vịnh. Tham quan làng chài từ
lâu là một trong những tuyến du lịch trên
vịnh Hạ Long được nhiều du khách trong
và ngoài nước yêu thích. Đến với làng chài
Cửa Vạn du khách sẽ được hòa mình vào
cuộc sống của người dân chài, được trải
nghiệm những công việc của một dân chài
thực thụ, được đắm mình trong các điệu hò
mộc mạc, chân tình đến say lòng như hò
giao duyên của các cặp đôi trai gái trong
đám cưới. Ngoài ra, làng chài còn lưu giữ
các nghi lễ thờ cúng đặc trưng như: tục thờ
thần biển quen gọi là ông Sông bà Biển và
lễ cúng thủy thần linh đình mỗi khi nhà có
việc hiếu, việc hỷ hay khởi đầu một mùa
ra khơi mới, những tri thức dân gian đã
trở thành bài học về cách chữa bệnh, kinh
nghiệm đi biển
Bên cạnh đó, việc bảo tồn các giá trị
văn hóa của ngư dân vạn chài Hạ Long
đang gặp khó khăn hơn bao giờ hết.
Không còn làng chài ven biển, Ban quản
lý (BQL) vịnh Hạ Long đã quyết định
thành lập một đội hát giao duyên thuộc
trung tâm bảo tồn văn hóa biển. Đội hát
giao duyên này đều là những cư dân của
làng chài trên vịnh thuộc trung tâm bảo tồn
văn hóa biển nhưng số lượng tham gia lại
không ổn định. Mặc dù thành lập đội hát
là cách làm hay của BQL vịnh Hạ Long
để bảo tồn và phát huy những nét đặc sắc
của người dân vạn chài sống ở vùng di sản
thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long nhưng
một đội hát ít ỏi thật khó để lưu giữ được
trọn vẹn tinh hoa của những điệu hò giao
duyên mà bao đời đã lưu giữ. Nếu không
khôi phục kịp thời những nét đẹp văn hóa
của các làng chài Cửa Vạn việc phát triển
du lịch ở vịnh Hạ Long trong tương lai sẽ
gặp nhiều khó khăn [4].
Về xã hội:
Sau hoạt động di dân lên bờ, các cư
dân nơi đây được hưởng các chính sách
xã hội như: những người già được khám
chữa bệnh miễn phí, được trợ cấp bảo
hiểm. Các gia đình có hoàn cảnh khó khăn
thuộc diện hộ nghèo được trợ cấp vay vốn
với lãi suất thấp hoặc không lãi suất để
phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc
làm, ổn định cuộc sống, góp phần thực
hiện chương trình mục tiêu của Quốc gia
– xóa đói, giảm nghèo, ổn định xã hội.
Trong năm 2014, thành phố Hạ Long cũng
có những chính sách ưu tiên hỗ trợ vay
vốn đối với các hộ nghèo thuộc đối tượng
di dời nhà bè hoặc hỗ trợ phát triển sản
xuất. Đối với những hộ dân có hộ khẩu
tại thành phố Hạ Long có nhu cầu tiếp tục
nuôi trồng thủy sản, UBND thành phố cho
phép được tiếp tục nuôi trồng tại các điểm
nuôi trồng theo quy hoạch đã được UBND
tỉnh phê duyệt. Hơn nữa, con em của cư
dân khu tái định cư được tạo điều kiện đi
học, được nâng cao trình độ và mở ra một
tương lai tươi sáng không giống như ông
bà, cha mẹ phải nay đây mai đó, lênh đênh
trên biển không có điều kiện được học
chữ. Không chỉ có con em đang ở độ tuổi
đi học được đến trường mà các thanh niên
80 TRƯỜNG ĐẠI HỌC HẢI PHÒNG
trưởng thành trước kia chỉ học đến lớp 4,
lớp 5 nay cũng được theo học tại các lớp
bổ túc nâng cao trình độ. Đối với những
người lớn tuổi không biết chữ sẽ được
theo học tại các lớp xóa nạn mù chữ được
tổ chức vào buổi tối. Do chưa bố trí được
kinh phí xây dựng trường học theo quy
định đã duyệt nhưng UBND cũng đã chủ
động đưa ra những giải pháp hữu ích tạm
thời nhằm tạo điều kiện cho các em học
sinh dễ dàng đến trường. Ngoài ra, các hộ
gia đình còn được giáo dục, tuyên truyền
về chính sách kế hoạch hóa gia đình. Các
thanh niên trong các độ tuổi được học các
bài học về kỹ năng sống, kỹ năng phòng
tránh các tệ nạn xã hội. Từ đó, các cư dân
được mở mang, nâng cao sự hiểu biết và
có ý thức, trách nhiệm hơn đối với cuộc
sống của mình.
2.1.3. Tình hình phát triển du lịch ở làng
chài Cửa Vạn sau hoạt động di dân lên bờ
Theo báo cáo của Sở Du lịch Quảng
Ninh, lượng khách đến lưu trú và du lịch
tại Hạ Long 10 tháng đầu của năm 2018 là
10,7 triệu lượt, tăng 25% so với cùng kỳ
năm 2017, với hơn 4 triệu lượt khách quốc
tế. Đặc biệt, không chỉ tập trung vào mùa
du lịch hè cao điểm (tháng 5,6,7), du lịch
Hạ Long còn tăng trưởng mạnh vào các
tháng cuối năm, thu hút lượng du khách
lớn đặc biệt là khách nước ngoài góp phần
giúp Hạ Long đón khách du lịch cả 4 mùa.
Lượng khách đến tham quan vịnh Hạ Long
tăng mạnh trong những năm gần đây. Năm
2016, vịnh Hạ Long đón 3,14 triệu lượt
khách, tăng 22% so với năm 2015; năm
2017 đón 3,92 triệu khách, tăng 24,7%.
Tuy nhiên, trong số các tuyến du lịch
tham quan vịnh Hạ Long hiện nay chỉ có
duy nhất một tuyến đưa khách du lịch tới
làng chài Cửa Vạn. Cụ thể, tuyến 4: Cảng
tàu Du lịch - Mê Cung – hang Sửng Sốt
- làng chài Cửa Vạn - Hồ Ba Hầm (thời
gian tham quan trong 8h). Những làng
chài thuộc diện “đẹp nhất hành tinh” trong
đó có làng chài Cửa Vạn sau hoạt động di
dân lên bờ dần thiếu vắng “hồn cốt”. Đến
thăm làng chài du khách không được gặp
và trò chuyện cùng dân làng một cách tự
nhiên như trước đây mà chỉ ở bên ngoài
và tìm hiểu về làng chài qua lời của hướng
dẫn viên. Làng không người, nhà khóa cửa
chẳng khác gì làng hoang. Nhiều khách
nước ngoài khi đến thăm làng chài tỏ ra
rất bức xúc vì thực tế không như những
lời quảng cáo của các công ty du lịch, của
hướng dẫn viên. Họ cho rằng một trong
những giá trị văn hóa đặc sắc của vịnh
Hạ Long chính là các làng chài và muốn
đến để tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa làng
chài chứ không phải đến cảm nhận vẻ yên
tĩnh đến vắng lặng. Nhiều đại diện của
các công ty du lịch đã giải thích với khách
về chính sách di dân lên bờ nhằm mang
lại cuộc sống mới và ổn định cho cư dân.
Đáng tiếc, nhiều công ty du lịch và một số
hướng dẫn viên vẫn không chú tâm đến
vấn đề trên, họ vẫn giữ nguyên lời giới
thiệu với khách đến làng chài sẽ được trải
nghiệm, giao lưu, gặp gỡ cư dân nơi đây.
Nhiều hướng dẫn viên còn dùng chiêu trò
để đánh lừa khách khi thực tế không như
lời giới thiệu.
Ngay trong năm 2014, khi hoạt động
di dân lên bờ được thực hiện đã có khoảng
100 nghìn lượt du khách đến thăm quan
trải nghiệm du lịch văn hóa tại làng chài.
Đến cuối tháng 7/2017, BQL vịnh Hạ
Long đã tiến hành di chuyển nhà nổi
Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn từ vụng
Tùng Sâu ra khu vực trung tâm làng chài
81TẠP CHÍ KHOA HỌC, Số 35, tháng 07 năm 2019
Cửa Vạn cũ, cách vị trí cũ khoảng 800m.
Việc di chuyển Trung tâm đến vị trí mới
nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho du khách
tham quan và trải nghiệm. Trung tâm Văn
hóa Cửa Vạn thu hút 200-300 lượt khách/
ngày, chủ yếu là khách quốc tế nghỉ đêm
trên Vịnh. Con số này không phải là nhỏ,
tuy nhiên, nếu giải quyết được những hạn
chế như đã nêu thì số lượng khách du lịch
đặc biệt là khách quốc tế tới vịnh Hạ Long
và làng chài Cửa Vạn chắc chắn không chỉ
dừng lại ở đó.
2.2. Giải pháp phát triển du lịch tại làng
chài Cửa Vạn sau hoạt động di dân lên bờ
2.2.1. Giải pháp về khôi phục, bảo tồn,
phát triển văn hóa tại làng chài Cửa Vạn
sau hoạt động di dân lên bờ
Đối với chính quyền địa phương:
UBND tỉnh Quảng Ninh cần xem xét
lại đề án di dân lên bờ một cách toàn diện,
vừa đảm bảo cải thiện đời sống cho cư dân
làng chài vừa bảo vệ được nét văn hóa đặc
sắc của điểm du lịch nổi tiếng này. Cụ thể,
UBND tỉnh cần chú trọng trong việc mở
lớp xóa mù chữ, bồi dưỡng kỹ năng nghề
nghiệp và tìm kiếm, tạo việc làm với mức
thu nhập ổn định và phù hợp cho cư dân
ở khu tái định cư. Ngoài ra, tỉnh cũng cần
tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho ngư
dân về việc bảo tồn, giữ gìn văn hóa vạn
chài kết hợp với bảo vệ tài nguyên môi
trường vịnh. Khi người dân có ý thức sẽ
tự nguyện vượt qua khó khăn và chủ động
trong cuộc sống của mình.
Chính quyền địa phương, cụ thể là
UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND thành
phố Hạ Long, Sở du lịch Quảng Ninh, Sở
Văn hóa và Thể thao Quảng Ninh, BQL
vịnh Hạ Long nên phối hợp xây dựng một
đội ngũ cán bộ quản lý có trình độ, có kinh
nghiệm, đủ độ nhạy bén để có thể định
hướng và phát động phong trào phục hồi
các giá trị văn hóa dân gian truyền thống
cho ngư dân như: tổ chức thi hát giao
duyên, hò biển, làm sống lại lễ hội bơi
chải với những nghi thức truyền thống.
Những hoạt động này cần nhiều nhân lực,
ngư dân Vạn Chài hàng ngày có thể luân
phiên nhau quay trở lại vịnh để thực hiện
sau đó cuối ngày hay cách ngày lại quay
trở lại ngôi nhà ở khu tái định cư miễn sao
không để làng chài Cửa Vạn thành làng
hoang nhưng cũng không đông đúc và làm
ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường
vịnh như trước khi thực hiện hoạt động di
dân lên bờ. Như vậy, họ vừa có nguồn thu
chính đáng lại vừa bảo vệ được nét văn
hóa đặc sắc của nơi mình đã sinh sống và
gắn bó lâu dài.
Đối với người dân vạn chài:
Sau khi lên bờ, ngư dân vạn chài cần
tự nâng cao trình độ văn hóa, học vấn của
mình bằng cách tham gia các lớp học xóa
nạn mù chữ, các lớp đào tạo nghề, các lớp
kỹ thuật về nuôi trồng và đánh bắt thủy
hải sản... Cư dân cần ý thức hơn trong việc
bảo tồn, phát triển văn hóa vạn chài của
mình. Những người cao tuổi trong làng
cần truyền tải văn hóa vạn chài đã được
tích lũy và gìn giữ suốt những năm qua
cho các thế hệ con cháu để những giá trị
văn hóa này luôn được bảo tồn, phát huy.
Bên cạnh đó, người dân nơi đây cần phải
có ý thức chọn lọc đúng đắn, cái gì còn là
giá trị thì cần giữ gìn, những gì là vật cản
cho sự phát triển hay hủ tục thì cần loại
bỏ, tránh tình trạng phục cổ tràn lan.
Cư dân nơi đây thực hiện giao lưu văn
hóa với các địa phương khác và với khách
du lịch cần có sự lựa chọn, tránh tình trạng
82 TRƯỜNG ĐẠI HỌC HẢI PHÒNG
tiếp thu ồ ạt, hòa tan. Bên cạnh đó, họ phải
thực hiện xây dựng nếp sống văn hóa mới
bằng cách tham gia những phong trào
xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa,
phong trào cha mẹ con hiếu thảo, phong
trào trẻ em nghèo vượt khó học giỏi,...
Đặc biệt, người dân nơi đây nên kết
hợp với các nhà cung ứng du lịch xây
dựng từng gói sản phẩm du lịch phù hợp
với nhiều đối tượng khách bởi để tự các cư
dân làm du lịch là một điều khó khăn và
không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện
để thực hiện [7].
Đối với nhà cung ứng du lịch:
Các nhà cung ứng dịch vụ du lịch
cần phối kết hợp với Sở Du lịch của tỉnh
thường xuyên mở các lớp đào tạo hướng
dẫn viên, các lớp bồi dưỡng kiến thức
quản lý và ngoại ngữ. Bên cạnh đó, các
nhà cung ứng du lịch cùng với BQL biên
soạn những nội dung thống nhất phục vụ
hoạt động thông tin, tuyên truyền, hướng
dẫn du lịch tại làng chài trên vịnh.
Đặc biệt, với loại hình du lịch văn hóa
tại làng chài Cửa Vạn rất cần một đội ngũ
nhân viên có sự am hiểu và say mê với
nghề. Các hướng dẫn viên và nhân viên
tại Trung tâm văn hóa nổi Cửa Vạn cần
giới thiệu những nét độc đáo của văn hóa
làng chài sao cho du khách hiểu được một
cách rõ nét. Ví dụ, khi du khách đến tham
quan làng chài Cửa Vạn sẽ được tham gia
sinh hoạt cùng với một số gia đình ngư
dân đã được bố trí quay trở lại vịnh nhằm
bảo vệ và xây dựng hình ảnh về làng chài
Cửa Vạn. Khách du lịch được tìm hiểu về
phong tục, tập quán ăn, ở, cách ứng xử
của cư dân vạn chài Bên cạnh đó, du
khách sẽ được giới thiệu, phân biệt và sử
dụng các loại ngư cụ mà ngư dân nơi đây
thường dùng để đánh bắt thủy hải sản như
đan lưới, làm chì..Vì vậy, các nhà cung
ứng nên đào tạo và sử dụng các hướng dẫn
viên từ chính con em ngư dân làng chài.
Điều này vừa làm tăng sự hứng thú cho
du khách vừa góp phần nâng cao ý thức
tự giác của người dân làng chài trong việc
bảo tồn văn hóa, bảo vệ môi trường vịnh
Hạ Long và thiết thực hơn nữa là tăng thu
nhập, đảm bảo chất lượng cuộc sống cho
cư dân làng chài.
Đối với khách du lịch:
Các bên liên quan cần tuyên truyền
cho khách du lịch nhận thức tốt về vai trò
của việc bảo vệ môi trường tự nhiên và
xã hội trên vịnh Hạ Long nói chung cũng
như tại các điểm du lịch nói riêng. Hơn
nữa, du khách chính là những người được
trải nghiệm, được cảm nhận các giá trị văn
hóa hữu hình và vô hình độc đáo, thú vị ở
làng chài Cửa Vạn. Vì vậy, thật không bất
ngờ khi họ sẽ trở thành những đối tượng
truyền thông hiệu quả cho điểm đến du
lịch này.
2.2.2. Giải pháp về khai thác giá trị văn
hóa tại làng chài Cửa Vạn sau hoạt động
di dân lên bờ phục vụ cho phát triển du lịch
Du lịch mang lại những khoản lợi nhuận
khổng lồ từ việc khai thác tài nguyên du
lịch tự nhiên và văn hóa tại điểm đến. Tuy
nhiên, mặt trái từ việc phát triển du lịch
một cách ồ ạt, không gắn với cộng đồng
đã dẫn đến nhiều tài nguyên bị mai một và
biến mất. Chính vì vậy, phát triển du lịch
đặc biệt là du lịch văn hóa không thể tách
rời với phát triển làng chài ở khu vực di
sản. Trong trường hợp này, làng chài sẽ là
nhân tố tích cực góp phần bảo tồn các giá
trị văn hóa trên vịnh Hạ Long đặc biệt là
làng chài Cửa Vạn. Ngoài ra, phát triển du
83TẠP CHÍ KHOA HỌC, Số 35, tháng 07 năm 2019
lịch gắn với làng chài sẽ phát huy được giá
trị văn hóa bản địa, góp phần làm đa dạng
hơn những sản phẩm du lịch, làm tăng
tính hấp dẫn và hiệu quả kinh doanh du
lịch của địa phương. Thực tế, tỉnh Quảng
Ninh khi quyết tâm đưa dân lên bờ đã có
chủ trương tiếp tục phát triển du lịch gắn
với cộng đồng làng chài bởi đây được coi
là sản phẩm du lịch độc đáo của thế giới.
Ông Tăng Văn Phiến – chủ nhiệm hợp tác
xã vạn chài Hạ Long cho biết: trong đề
án gửi các cơ quan chức năng, hợp tác xã
và các đối tác liên quan sẽ giúp dân làng
chài mở lại nghề nuôi trồng thủy sản với
quy mô nhỏ và bền vững. Mỗi làng chỉ để
khoảng 20 nóc nhà với 2 – 3 cư dân trẻ,
họ vừa chở khách đi tham quan vừa nuôi
trồng thủy sản. Sau giờ hành chính các gia
đình phải vào bờ, cùng lắm chỉ để lại một
vài người trông coi. Tuy nhiên, với hoạt
động này cần tham khảo và học hỏi cách
làm của Namibia trong việc bảo vệ “Di
sản sống” của họ.
Namibia được biết đến là thiên đường
du lịch dành cho những du khách đam
mê khám phá cuộc sống hoang dã. Song,
không phải ai cũng biết rằng đất nước phía
Tây Nam châu Phi này đã phải nỗ lực rất
nhiều để bảo vệ môi trường sống và những
loài động vật hoang dã. Trong những năm
1980, nhiều loài động vật hoang dã của Na-
mibia đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng
do nạn săn bắn, trộm cắp diễn ra tràn nan.
Tuy nhiên, những tư tưởng cấp tiến của
đất nước này đã khiến cho chính những kẻ
săn bắn trộm trở thành những người bảo
vệ động vật hoang dã, giúp đảo ngược vận
mệnh của những thành viên cộng đồng và
dẫn đến sự gia tăng ổn định của số lượng
động vật hoang giã. Như vậy, họ đã đánh
vào ý thức trách nhiệm của cộng đồng khi
để họ sở hữu và có trách nhiệm với sự sở
hữu đó. Nói một cách dễ hiểu, giống như
nếu chúng ta thuê một căn hộ chúng ta sẽ
đối xử với nó một cách khác còn nếu sở
hữu căn hộ đó chắc chắn chúng ta sẽ đối
xử với nó tốt hơn.
Từ bài học trên, chính quyền địa
phương của điểm đến du lịch vịnh Hạ
Long và làng chài Cửa Vạn cần giúp cộng
đồng nhận thức được trách nhiệm của
mình bằng việc biến họ trở thành “chủ” và
như thế họ sẽ phải tự có ý thức bảo vệ tài
sản của mình. Đây chính là hành động tích
cực không chỉ góp phần đạt được mục tiêu
của chính quyền mà còn đem lại lợi ích
cho cá nhân và gia đình. Như vậy, UBND
tỉnh Quảng Ninh, BQL vịnh Hạ Long cần
có những định hướng nhằm nâng cao nhận
thức cho cư dân làng chài về phát triển du
lịch gắn với bảo tổn văn hóa, bảo vệ môi
trường tự nhiên chính là bảo vệ cuộc sống
của họ [4].
Cư dân địa phương cần kết hợp với
chính quyền địa phương và nhà cung ứng
du lịch để đưa làng chài Cửa Vạn thành
trường quay và ngư dân đã từng sinh
sống trên vịnh Hạ Long trở thành những
diễn viên được tham gia diễn xuất. Ngư
dân sẽ được diễn trên chính trường quay
của mình, nơi mình đã từng gắn bó với
những cảnh quay như: chèo thuyền, thổi
cơm, thả câu buông lưới. Điều đặc biệt,
những thước phim này được sản xuất và
tiêu dùng tại chỗ, trong cùng thời gian
và trên cùng không gian. Du khách tới
đây chính là khán giả được thưởng thức
những thước phim chân thực đó. Chắc
chắn, những ngư dân được mời tham
gia vào việc dàn dựng lại cuộc sống của
chính họ trước kia sẽ là những diễn viên
yêu nghề và tâm huyết nhất. Họ sẽ được
84 TRƯỜNG ĐẠI HỌC HẢI PHÒNG
trả thù lao tương xứng với công sức mà
mình bỏ ra. Việc làm này vừa giúp ngư
dân có thêm thu nhập phục vụ cuộc sống
vừa gìn giữ được những giá trị văn hóa
của nhiều làng chài trên vịnh Hạ Long
trong đó có làng chài Cửa Vạn. Tuy
nhiên, việc tái hiện cuộc sống của ngư
dân đã từng lấy biển làm nhà, lấy miền
sông nước làm quê hương cần được thực
hiện một cách thận trọng để không làm
ảnh hưởng tới môi trường vịnh, chú
trọng giữ gìn những giá trị văn hóa, cảnh
quan nơi đây một cách bền vững [2].
Các nhà cung ứng du lịch cần xây dựng
chương trình du lịch có sức hút mạnh mẽ
tới du khách, kéo dài thời gian lưu trú và
trải nghiệm của họ tại làng chài Cửa Vạn.
Bên cạnh đó, các nhà cung ứng cũng chú
trọng trong việc xây dựng mức giá tham
quan hợp lý nhằm đáp ứng được khả năng
chi trả của du khách đặc biệt là khách du
lịch nội địa.
3. KẾT LUẬN
Đề án di dân lên bờ ở vịnh Hạ Long
(6/2014) là một chủ trương có ý nghĩa
nhân văn sâu sắc đặc biệt hướng tới việc
bảo vệ môi trường vùng vịnh. Đề án đã
đạt được những thành công nhất định.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là làm
sao vừa thực hiện tốt việc di dời ngư dân
sinh sống trên vịnh tới khu tái định cư
nhưng vẫn đảm bảo điều kiện sống cơ
bản cho họ và giữ nguyên trạng được
làng chài Cửa Vạn với những nét văn
hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc. Vì
vậy, một số giải pháp trên thiết nghĩ sẽ
góp phần khắc phục những tồn tại, giúp
cho điểm đến du lịch này phát triển một
cách thuận lợi và bền vững.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Thị Thúy Anh (2015), Nghiên cứu
công tác quản lý điểm đến du lịch Vịnh Hạ
Long, Quảng Ninh”, luận văn thạc sĩ, khoa du
lịch, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân
văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
2. Nguyễn Thị Thúy Anh, Nguyễn Thị Hồng Hải
(2015), Phát triển du lịch làng chài Vịnh Hạ Long,
tạp chí du lịch Việt Nam số tháng 5 năm 2015.
3. Nguyễn Thị Vân Anh (2009), Tìm hiểu văn
hóa một số làng vạn chài tại Vịnh Hạ Long –
Quảng Ninh phục vụ phát triển du lịch, Khoa
KHXH, trường Đại học Hải Phòng.
4. Hoàng Thị Diệu Hoa (2015), Phát triển du
lịch văn hóa tại một số làng chài trên vịnh Hạ
Long sau hoạt động di dân lên bờ (Nghiên cứu
trường hợp làng chài Cửa Vạn, Vông Viêng),
khóa luận tốt nghiệp, Khoa Du lịch, Đại học
Hải Phòng.
5. Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa
Việt Nam (2017), Luật Du lịch, Nxb Chính trị
Quốc gia, Hà Nội.
6. UBND tỉnh Quảng Ninh (2014), Nghị quyết về
việc thông qua quy hoạch môi trường Vịnh Hạ
Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
7. UBND tỉnh Quảng Ninh (2014), Phê duyệt Đề
án Phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Quảng Ninh
đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
8. UBND tỉnh Quảng Ninh, Sở VHTT&DL (2014),
Quy hoạch tổng thế phát triển du lịch quảng
Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- giai_phap_phat_trien_du_lich_o_lang_chai_cua_van_vinh_ha_lon.pdf