Nguy cơ chiến tranh ở các hình thức, quy mô vẫn còn hiện hữu. Cho nên, nếu kẻ thù phát động chiến tranh xâm lược nước ta, chúng sẽ sử dụng quân số đông, vũ khí trang bi kĩ thuật hiện đại. Để chống lại cuộc chiến tranh đó, chắc chắn chúng ta phải phát huy sức mạnh tổng hợp, vận dụng sáng tạo truyền thống và nghệ thuật quân sự Việt Nam, trong đó đặc biệt là tiến hành CTND, thực hiện toàn dân đánh giặc, toàn diện trên tất cả các mặt trận, đánh giặc bằng mọi loại vũ khí kĩ thuật thô sơ và hiện đại. Như thế, chúng ta mới từng bước đánh bại âm mưu, thủ đoạn tác chiến, tiến tới đánh bại ý chí xâm lược của kẻ thù, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Thực hiện chiến tranh nhân dân vẫn luôn là bài học kinh nghiệm quý báu trong để chúng ta giữ vững độc lập, chủ quyền của đất nước. Do đó, cần phải nghiên cứu, vận dụng sáng tạo quan điểm của Đảng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, phát triển sáng tạo nghệ thuật đánh giặc giữ nước của dân tộc. Đồng thời tích cực chuẩn bị đầy đủ các tiềm lực vật chất, tinh thần và xây dựng các thế trận, lực lượng rộng khắp trên tất cả các địa bàn và các lĩnh vực. Đây cũng chính là cơ sở để đất nước giữ vững hòa bình, ổn định và nâng cao khả năng ngăn ngừa âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.
Lực lượng sinh viên nước nhà nói chung, sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nói riêng luôn có vị ví, vai trò quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cho nên, các em cần phát huy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tích cực đóng góp tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
14 trang |
Chia sẻ: hachi492 | Ngày: 04/01/2022 | Lượt xem: 462 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Giáo trình Đường lối quân sự - Bài 4, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỞ ĐẦU
“Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữa lấy nước”. Lời dạy đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là sự khái quát dòng chảy của suốt mấy nghìn năm lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam: Dựng nước luôn gắn liền với giữ nước. Và thực tiễn đã chứng minh, trong suốt chiều dài lịch sử tổ tiên, ông cha chúng ta thường xuyên phải chống lại kẻ thù xâm lược mạnh hơn ta nhiều lần về kinh tế, quân sự. Để chống lại quân xâm lược, chúng ta không chỉ sử dụng lực lượng vũ trang mà còn huy động sức mạnh của toàn thể nhân dân, của cả nước, đánh địch bằng nhiều hình thức, biện pháp nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp to lớn nhất đánh bại kẻ thù, dành lại độc lập cho dân tộc, giữ gìn biên cương lãnh thổ. Trong quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm, dân tộc ta đã hình thành nên truyền thống chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc và nghệ thuật lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh để dành chiến thắng.
Nhằm giúp các em hiểu rõ hơn về những nội dung đó, cũng như hiểu được chủ trương, quan điểm, biện pháp của Đảng, Nhà nước để tiếp tục phát huy sức mạnh của chiến tranh nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Thầy và các em cùng nhau nghiên cứu, trao đổi nội bài học hôm nay: Chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (Bài 4, học phần Đường lối quân sự của Đảng).
I. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ CHIẾN TRANH NHÂN DÂN BẢO VỆ TỔ QUỐC
1. Khái niệm chiến tranh nhân dân
- Khái niệm: Theo quy định tại Khoản 4 Điều 2 Luật Quốc phòng 2018 (Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019) thì khái niệm Chiến tranh nhân dân được quy định cụ thể như sau:
Chiến tranh nhân dân là cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.
- Nội dung cơ bản của khái niệm được biểu hiện:
+ Là chiến tranh nói chung.
+ Đặc trưng: Toàn dân, toàn diện (tính chất).
+ Lực lượng thực hiện: Toàn dân, LLVTND là nòng cốt.
+ Tổ chức lãnh đạo: Đảng Cộng sản Việt Nam.
+ Mục tiêu, nhiệm vụ: Bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ bảo vệ nhân dân, Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.
Câu hỏi: Cho biết sự giống và khác nhau giữa chiến tranh và chiến tranh nhân dân của Việt Nam?
Trả lời:
+ Chiến tranh: Lực lượng: LLVT (của một hay nhiều nước); Tổ chức: Giai cấp, Nhà nước; Mục đích: Xâm lược, can thiệp, chống khủng bố (thường có tuyên bố chiến tranh).
+ CTND Việt Nam: Lực lượng: Toàn dân và LLVTND làm nòng cốt; Tổ chức: Đảng CSVN; Mục đích: Giải phóng dân tộc, BVTQ, là CT chính nghĩa (Không tuyên bố chiến tranh).
2. Mục đích, đối tượng của chiến tranh nhân dân
a) Mục đích của chiến tranh nhân dân
- Chiến tranh nhân dân Việt Nam là quá trình sử dụng tiềm lực của đất nước, trước hết là tiềm lực quốc phòng an ninh nhằm đánh bại mọi ý đồ xâm lược, lật đổ của kẻ thù đối với cách mạng nước ta.
- Mục đích đó được cụ thể hoá trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”.
b) Đối tượng của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc
- Đánh giá tình hình:
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhận định: “Tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen; đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải đoàn kết một lòng; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy; có quyết tâm chính trị cao; dự báo chính xác, kịp thời diễn biến của tình hình; chủ động ứng phó kịp thời với mọi tình huống; nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; không ngừng gia tăng tiềm lực mọi mặt của quốc gia, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và những thành quả phát triển đã đạt được; đưa đất nước vững bước tiến lên, phát triển nhanh và bền vững”.
Trên cơ sở đó, Đảng ta tiếp tục có bước phát triển mới trong nhận thức về mục tiêu, yêu cầu, quan điểm, phương châm bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; về quan hệ đối tác, đối tượng.
- Nhận thức về mục tiêu, yêu cầu, quan điểm, phương châm bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cụ thể:
+ Mục tiêu và yêu cầu bảo vệ Tổ quốc: Bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc, giữ vững chủ quyền biển, đảo; ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.
+ Quan điểm và yêu cầu bảo vệ Tổ quốc:
-> Xác định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lí của Nhà nước: Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
-> Đảm bảo sự gắn bó giữa mục tiêu bảo vệ độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc với giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược; xây dựng sức mạnh tổng hợp của đất nước.
-> Luôn nắm chắc tình hình, chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố gây bất ổn định, nhất là các nhân tố bên trong có thể dẫn đến những đột biến, bất lợi.
+ Phương châm chỉ đạo: Kiên định về mục tiêu, nguyên tắc chiến lược; linh hoạt, mềm dẻo về sách lược. Kiên trì giải quyết tranh chấp mâu thuẫn bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia-dân tộc, phù hợp với lợi ích quốc tế; có đối sách phù hợp với từng đối tượng, từng tình huống.
- Để thực hiện được mục tiêu, yêu cầu, quan điểm và phương châm đó, Đảng ta cũng có nhận thức về đối tác, đối tượng ngày càng sáng rõ hơn: Những ai chủ trương tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị hợp tác, bình đẳng cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác của chúng ta. Bất kể thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá đất nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng đấu tranh (NQ Hội nghị TW8 khóa XI).
Câu hỏi: Trước đây, chúng ta có quan điểm về đối tượng tác chiến như thế nào (tư duy về bạn, thù)?
Trả lời: Là chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động chống phá, có hành vi xâm lược nước ta.
Ví dụ: Giai đoạn 1945-1954: TD Pháp; Giai đoạn 1954-1975: ĐQ Mỹ và chính quyền tay sai Nguỵ (Nguỵ quân, nguỵ quyền); Giai đoạn 1979-1991: Quân đội Trung quốc, Khơme đỏ, (Pôn pốt).
Nhận thức mới của Đảng ta về đối tác, đối tượng cụ thể như sau:
+ Các đối tượng có âm mưu lật đổ chế độ XHCN:
-> Thủ đoạn: “DBHB”; thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
-> Khi có thời cơ, nhất là khi ta phạm sai lầm trong xử lý các tình huống chiến lược chúng sẽ kích động gây bạo loạn lật đổ, xung đột vũ trang với các dạng thức mới như CT ủy nhiệm, CT Kinh tế, CT tài chính, CT mạng
-> Xử lý của ta: Tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác toàn diện; Giữ vững nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ; Tận dụng cơ hội hợp tác KTXH – QPAN
+ Các đối tượng có tham vọng chủ quyền lãnh thổ:
-> Thủ đoạn: Ngấm ngầm xâm lấn biên giới, biển, đảo của ta.
-> Công khai thực hiện: “Chiến lược biên giới mềm” để chi phối chính sách đối nội, đối ngoại buộc ta phải nhượng bộ chủ quyền, lợi ích quốc gia
-> Khi có cơ hội sẽ gây xung đột, phát động chiến tranh chiếm giữ lãnh thổ, tài nguyên
-> Xử lý của ta: Tranh thủ những điểm tương đồng, hạn chế bất đồng, tin cậy về chính trị; Đối sách linh hoạt, kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia , toàn vẹn lãnh thổ và chế độ XHCN.
+ Các đối tượng bị tác động của “Diễn biến hòa bình”:
-> Biểu hiện: “Tự chuyển hóa”, tự giác trở thành đồng minh của đối tượng có âm mưu lật đổ chế độ.
-> Thành phần: Cơ hội chính trị, tư tưởng, suy thoái đạo đức, lối sống, tham ô, lãng phí, quan liêu
-> Là lực lượng “giấu mặt”, có thể ở trong các tổ chức chinh trị - XH, là đối tượng chống phá từ bên trong.
-> Xử lý của ta: Ngăn chặn, xử lý kẻ chủ mưu, cầm đầu; Giáo dục, cảm hóa; Phòng, chống “DBHB”, “BLLĐ”’; Không để hình thành các tổ chức chính trị đối lập
+ Các đối tượng gây thảm họa thiên tai, môi trường dẫn đến khủng hoảng KT-XH, tạo cơ hội để các đối tượng khác khoét sâu thực hiện mục tiêu.
-> Thành phần: Có thể cả trong và ngoài nước thực hiện hủy hoại môi trường, nguồn nước, tài nguyên, thiên nhiên
-> Đây là loại đối tượng mới nhưng đặc biệt lưu ý vì khó phát hiện, dễ được che đậy dưới các vỏ bọc như đầu tư, khai thác
-> Xử lý của ta: Giáo dục, thuyết phục, giữ nghiêm pháp luật; Kiên trì đàm phán hòa bình dựa trên luật pháp, công ước quốc tế không để mâu thuẫn tăng cao gây tổn hại về KT-XH
c) Đánh giá về kẻ thù
- Mạnh:
+ Tiềm lực quân sự, kinh tế, khoa học kỹ thuật mạnh hơn ta nhiều lần;
+ Khi tiến hành chiến tranh xâm lược, chúng có thể kết hợp với lực lượng phản động trong nước tiến hành bạo loạn lật đổ;
+ Khi tiến hành chiến tranh, chúng có thể lôi kéo các quốc gia (đồng minh) khác cùng tham chiến dưới mọi hình thức.
- Yếu:
+ Đây là cuộc chiến tranh phi nghĩa, bị nhân dân tiến bộ trên thế giới lên án phản đối;
+ Khi tiến hành chiến tranh xâm lược, chúng gặp phải dân tộc có truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm;
+ Địa hình thời tiết nước ta phức tạp, khó khăn cho địch sử dụng phương tiện, vũ khí hiện đại;
+ Việc bảo đảm hậu cần kỹ thuật cho cho tác chiến gặp nhiều khó khăn.
- Âm mưu, thủ đoạn chủ yếu của kẻ thù khi xâm lược nước ta:
+ Huy động lực lượng tham gia với quân số đông, vũ khí trang bị hiện đại nhằm thực hiện đánh nhanh, thắng nhanh, kết hợp tiến công quân sự từ bên ngoài vào với hành động bạo loạn lật đổ từ bên trong, đồng thời kết hợp với các biện pháp phi vũ trang để lừa bịp dư luận.
+ Khi tiến công giai đoạn đầu sẽ bao vây, phong tỏa sau đó sử dụng hỏa lực đánh bất ngờ ồ ạt.
+ Giai đoạn thực hành thôn tính lãnh thổ có thể đồng thời hỗ trợ bạo loạn lật đổ của lực lượng phản động và các biện pháp ngoại giao chính trị để lừa bịp dư luận.
Vấn đề: Nếu xảy ra chiến tranh, chúng ta có khả năng đánh thắng được kẻ thù hay không?
3. Tính chất, đặc điểm của chiến tranh nhân dân Việt Nam bảo vệ Tổ quốc
a) Tính chất
- Là chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam;
- Là cuộc chiến tranh chính nghĩa, tự vệ cách mạng, nhằm bảo vệ độc lập tự do của dân tộc, bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân và thành quả của cách mạng;
- Là cuộc chiến tranh mang tính hiện đại (hiện đại về vũ khí, trang bị, tri thức và nghệ thuật quân sự).
b) Đặc điểm của chiến tranh nhân dân
- Trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, chúng ta tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc nhằm góp phần thực hiện những mục tiêu lớn của thời đại là hòa bình, hợp tác và phát triển (mục tiêu trước đây là: hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ tiến bộ xã hội). Như vậy, chúng ta mới có thể hợp động viên và huy động cao độ, đông đảo được sức mạnh của toàn dân, cả nước để chung sức đánh giặc;
- Trong cuộc chiến tranh, nhân dân ta phải bảo vệ được độc lập thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa. Mặt khác, cuộc chiến tranh mang tính độc lập, tự chủ, tự lực tự cường, dựa vào sức mình là chính nhưng đồng thời cũng được sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ của nhân loại tiến bộ trên thế giới, tạo thành sức mạnh của quốc gia và quốc tế, dân tộc và thời đại để đánh thắng chiến tranh xâm lược của kẻ thù;
- Chiến tranh diễn ra khẩn trương, quyết liệt phức tạp ngay từ đầu và trong quá trình chiến tranh. Tiến hành chiến tranh xâm lược nước ta địch sẽ thực hiện phương châm đánh nhanh, giải quyết nhanh. Qui mô chiến lược có thể lớn và ác liệt ngay từ đầu, kết hợp với tiến công hỏa lực với tiến công trên biển, tiến công từ bên ngoài kết hợp với bạo loạn lật đổ ở bên trong và bao vây phong tỏa đường không, đường biển, đường bộ để tiến tới mục tiêu chiến lược trong thời gian ngắn;
- Hình thái đất nước được chuẩn bị sẵn sằng, thế trận quốc phòng, an ninh nhân dân ngày càng được củng cố vững chắc, có điều kiện để phát huy sức mạnh tổng hợp chủ động để đánh địch ngay từ đầu và lâu dài.
II. QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG TRONG CHIẾN TRANH NHÂN DÂN BẢO VỆ TỔ QUỐC
1. Tiến hành chiến tranh nhân dân, thực hiện toàn dân đánh giặc lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, kết hợp tác chiến của lực lượng vũ trang địa phương với tác chiến của bộ đội chủ lực
a) Cơ sở của quan điểm
- Từ quan điểm của CNM.LN: “Ai có nhiều lực lượng hậu bị hơn, có nhiều nguồn lực hơn, ai đứng vững được trong quần chúng nhân dân hơn thì người ấy sẽ giành được thắng lợi trong chiến tranh”.
- Từ truyền thống, quy luật đánh giặc, giữ nước của dân tộc ta: Cả nước chung lòng, toàn dân đánh giặc.
- Từ thực tiễn lãnh đạo kháng chiến chống Pháp, Mỹ của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
b) Nội dung
- Thực hiện chiến tranh nhân dân.
Đây là quan điểm cơ bản xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta trong chiến tranh, thể hiện tính nhân dân sâu sắc trong chiến tranh. Khẳng định đây là cuộc chiến tranh của nhân dân, do dân và vì dân với tinh thần đầy đủ nhất. Là điều kiện để phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp trong chiến tranh.
- Thực hiện toàn dân đánh giặc.
Tổ chức động viên mọi lực lượng nhân dân tham gia chiến tranh, thực hiện mỗi người dân là một chiến sĩ, đánh địch ngay từ đầu, đánh địch cả ngày lẫn đêm liên tục, phát huy sáng tạo cách đánh giặc.
- Trong điều kiện mới ta vẫn phải “lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều” để đánh thắng những đội quân mạnh lớn hơn ta rất nhiều lần, Đảng ta không chỉ dựa vào sức mạnh của lực lượng vũ trang mà phải dựa vào sức mạnh của toàn dân, tiến hành chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc.
- Động viên toàn dân đánh giặc, chúng ta phải động viên và tổ chức quần chúng cùng lực lượng vũ trang nhân dân trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu chống lại chiến tranh xâm lược của kẻ thù. Đánh giặc bằng mọi thứ vũ khí có trong tay, bằng những cách độc đáo sáng tạo.
- Toàn dân đánh giặc phải có lực lượng nòng cốt là lực lượng vũ trang nhân dân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ. Dân quân tự vệ làm nòng cốt cho phong trào toàn dân đánh giặc ở cơ sở; bộ đội địa phương và dân quân tự vệ làm nòng cốt cho phong trào chiến tranh nhân dân ở địa phương. Bộ đội chủ lực cùng lực lượng vũ trang địa phương làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc trên chiến trường cả nước.
- Tiến hành chiến tranh toàn dân, đó là truyền thống đồng thời là quy luật giành thắng lợi trong chiến tranh của dân tộc ta chống lại kẻ thù xâm lược.
c) Biện pháp thực hiện
- Tăng cường giáo dục quốc phòng cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ nói chung và sinh viên nói riêng.
- Không ngừng chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh toàn diện, đặc biệt là chất lượng chính trị.
- Không ngừng nghiên cứu nghệ thuật quân sự, nghiên cứu các cuộc chiến tranh gần đây ở trên thế giới để phát triển nghệ thuật quân sự lên một tầm cao mới. Xây dựng tỉnh (thành phố) thành khu vực phòng thủ vững chắc....
2. Tiến hành chiến tranh toàn diện, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa và tư tưởng, lấy đấu tranh quân sự là chủ yếu, lấy thắng lợi trên chiến trường là yếu tố quyết định để giành thắng lợi trong chiến tranh
a) Vị trí:
Đây là quan điểm chỉ đạo mang tính chiến lược của Đảng, là cơ sở, biện pháp để chuẩn bị và tiến hành chiến tranh dành thắng lợi.
b) Nội dung
- Chiến tranh là một cuộc thử thách toàn diện đối với sức mạnh vật chất tinh thần của quốc gia, nhưng chiến tranh của ta là cuộc chiến tranh chính nghĩa, tự vệ, cách mạng. Để phát huy cao nhất sức mạnh của toàn dân, đánh bại chiến tranh tổng lực của địch, chúng ta phải đánh địch trên các mặt trận: quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh tế văn hóa tư tưởng. Mỗi mặt trận đấu tranh đều có vị trí quan trọng của nó.
- Tất cả các mặt trận đấu tranh phải kết hợp chặt chẽ với nhau, hỗ trợ cho nhau và tạo điều kiện cho đấu tranh quân sự giành thắng lợi trên chiến trường và cùng với đấu tranh quân sự tạo nên sức mạnh tổng hợp lớn giành thắng lợi cho cuộc chiến tranh.
- Đánh giặc bằng tất cả các phương tiện, vật dụng, vũ khí hiện có.
- Truyền thống và kinh nghiệm của cuộc chiến tranh giải phóng và giữ nước lịch sử cha ông ta cũng như dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã tiến hành cuộc kháng chiến toàn diện, đấu tranh với địch trên nhiều mặt trận nhưng chủ yếu là đánh địch và thắng lợi trên mặt trận quân sự, nhờ đó mà nhân dân ta đã giành thắng lợi và giữ được nền độc lập dân tộc, tình hình hiện nay diễn biến phức tạp và có nhiều thay đổi sâu sắc, đất nước đứng trước những thuận lợi mới và thách thức mới đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cũng nỗ lực phấn đấu làm thất bại âm mưu và các mục tiêu chiến lược của địch, giành thắng lợi toàn diện cho chiến tranh.
c) Biện pháp
- Đảng phải có đường lối chiến lược, sách lược đúng, tạo thế và lực cho từng mặt trận đấu tranh tạo nên sức mạnh, trước mắt đấu tranh làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của địch. Động viên sức mạnh của toàn dân tiến hành đấu tranh trên tất cả các mặt trận khi kẻ thù phát động chiến tranh xâm lược.
- Phải vận dụng sáng tạo nhiều hình thức và biện pháp đấu tranh thích hợp trên từng mặt; đồng thời có nghệ thuật chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ các mặt trận đấu tranh trong từng giai đoạn cũng như quá trình phát triển của chiến tranh. Song phải luôn quán triệt, lấy đấu tranh quân sự là chủ yếu, lấy thắng lợi trên chiến trường là yếu tố quyết định kết thúc chiến tranh.
3. Chuẩn bị mọi mặt trên cả nước cũng như từng khu vực để đủ sức đánh được lâu dài, ra sức thu hẹp không gian, rút ngắn thời gian của chiến tranh giành thắng lợi càng sớm càng tốt
a) Vị trí
Đây là quan điểm chỉ đạo chiến lược, thể hiện phương châm tiến hành chiến tranh và sự vận dụng quy luật “Không gian và thời gian” trong chiến tranh rất sáng suốt của Đảng ta.
b) Nội dung
- Phải chuẩn bị đất nước đánh lâu dài nhưng giành thắng lợi càng sớm càng tốt.
Câu hỏi: Tại sao chúng ta phải đánh lâu dài?
Trả lời: Bởi vì kẻ thù xâm lược nước ta là nước lớn, có quân đông, trang bị vũ khí kỹ thuật cao, có tiềm lực kinh tế quân sự mạnh hơn ta nhiều lần. Chúng dựa vào sức mạnh quân sự ưu thế áp đảo đối với ta để thực hiện “đánh nhanh, giải quyết nhanh” theo học thuyết chiến tranh “không-bộ-biển” nhằm đạt mục đích chiến tranh xâm lược.
- Không dàn trận đối đầu khi địch còn đang mạnh, mà tích cực chuẩn bị cho cả nước cũng như từng khu vực đủ sức đánh được lâu dài, có khả năng độc lập tác chiến.
- Phải chuẩn bị mọi mặt trên cả nước cũng như từng khu vực để đủ sức đánh được lâu dài, ra sức tạo thời cơ, chủ động đối phó và giành thắng lợi trong thời gian cần thiết. Trên cơ sở đó ta mới dồn sức để rút ngắn thời gian giành thắng lợi càng sớm càng tốt. Ta kiên quyết ngăn chặn địch không cho chúng mở rộng để thu hẹp không gian của chiến tranh. Mặt khác cũng phải thắng địch trong điều kiện chiến tranh mở rộng.-
Ví dụ lịch sử:
Tháng 6.1300, Hưng Đạo Vương ốm nặng, vua Trần Anh Tông tới thăm và hỏi rằng: “Nếu có điều chẳng may, mà giặc phương Bắc lại sang xâm lược, kế sách như thế nào?”. Trần Quốc Tuấn nói rằng: "Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước muôn đời vậy”.
"Họ cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh. Dùng đoản binh chế trường trận là sự thường của binh pháp. Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì thế dễ chế ngự. Nếu nó tiến chậm như tằm ăn, không cầu thắng chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được”.
c) Biện pháp thực hiện
- Hình thái của đất nước phải được chuẩn bị ngay từ trong thời bình;
- Xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh toàn diện về mọi mặt.
- Thường xuyên tăng cường củng cố lực lượng vũ trang nhân dân, đảm bảo lực lượng vũ trang nhân dân luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu giành thắng lợi.
4. Kết hợp kháng chiến với xây dựng, vừa kháng chiến vừa xây dựng, ra sức sản xuất thực hành tiết kiệm giữ gìn và bồi dưỡng lực lượng ta càng đánh càng mạnh
a) Cơ sở xuất phát của quan điểm
- Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc XHCN xảy ra sẽ rất ác liệt, tiêu hao người và của rất lớn.
- Vừa kháng chiến, vừa sản xuất là truyền thống, là kinh nghiệm quý báu của dân tộc ta.
- Xuất phát từ phương châm chiến lược “trường kỳ kháng chiến” của ta.
b) Nội dung
- Đây là một truyền thống đánh giặc của dân tộc ta. Nếu chiến tranh xảy ra, chúng ta phải tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; cuộc chiến tranh đó sẽ diễn ra quyết liệt ngay từ đầu, qui mô chiến tranh, thương vong về người, tiêu hao về vật chất kĩ thuật sẽ rất lớn, nhu cầu đảm bảo cho chiến tranh và ổn định đời sống của nhân dân đòi hỏi cao và khẩn trương. Muốn duy trì được sức mạnh để đánh thắng kẻ thù xâm lược, ta cần phải có tiềm lực quân sự nhất định đảm bảo cho tác chiến giành thằng lợi.
- Vì vậy, trong chiến tranh ta phải vừa kháng chiến, vừa duy trì và đẩy mạnh sản xuất bảo đảm nhu cầu vật chất kĩ thuật cho chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân. Ta phải thực hành tiết kiệm trong xây dựng và trong chiến tranh, lấy của địch đánh địch, gìn giữ và bồi dưỡng lực lượng của ta, không ngừng tăng thêm tiềm lực của chiến tranh càng đánh càng mạnh.
c) Biện pháp thực hiện
- Thực hiện tốt việc kết hợp phát triển kinh tế xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng-an ninh;
- Xây dựng nền công nghiệp chú trọng phát triển công nghiệp quốc phòng;
- Có kế hoạch chuyển giao công nghệ giữa quốc phòng-an ninh với kinh tế và ngược lại.
5. Kết hợp đấu tranh quân sự với bảo đảm an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, trấn áp kịp thời mọi âm mưu và hành động phá hoại gây bạo loạn
a) Nội dung
- Hiện nay kẻ địch đang đẩy mạnh chiến lược “DBHB”, BLLĐ để chống phá cách mạng nước ta. Nếu chiến tranh nổ ra, địch sẽ tăng cường đánh phá ta bằng nhiều biện pháp: tiến hành chiến tranh tâm lý, chiến tranh gián điệp, lợi dụng dân tộc tôn giáo, các tổ chức phản động chống đối để kích động, chia rẽ, làm mất ổn định chính trị, gây rối loạn lật đổ ở hậu phương ta để phối hợp lực lượng tiến công từ bên ngoài vào;
- Vì vậy, đi đôi với đấu tranh quân sự trên chiến trường, ta phải kịp thời trấn áp mọi âm mưu và hành động phá hoại của địch ở hậu phương ta, bảo đảm an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc hậu phương, giữ vững sự chi viện của sức người, sức của cho tiền tuyến càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng.
b) Biện pháp thực hiện
- Chuẩn bị kế hoạch, lực lượng, phương án tác chiến chống xâm lược và phòng chống bạo loạn lật đổ;
- Tổ chức huấn luyện, diễn tập theo các theo các tình huống giả định cho lực lượng vũ trang nhân dân và quần chúng nhân dân.
6. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phát huy tinh thần tự lực tự cường, tranh thủ sự đồng tình, giúp đỡ của quốc tế, ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới
a) Nội dung
- Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phát huy tinh thần tự lực tự cường, là truyền thống và bài học kinh nghiệm trong đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
- Chúng ta tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc là chính nghĩa. Còn cuộc chiến tranh xâm lược của địch là phi nghĩa, tàn bạo và vô nhân đạo, vi phạm thô bạo luật lệ quốc tế, sẽ bị nhân dân tiến bộ trên thế giới lên án phản đối.
- Trên cơ sở độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường. Đoàn kết để mở rộng quan hệ tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, kẻ cả nhân dân có quân đang xâm lược nước ta.
b) Biện pháp thực hiện
- Phát huy tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường của dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc để tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc trong chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước;
- Mở rộng mối quan hệ hợp tác để tranh thủ sự đồng tình giúp đỡ quốc tế.
III. MỘT SỐ NỘI DUNG BIỆN PHÁP CHỦ YẾU CỦA CHIẾN TRANH NHÂN DÂN BẢO VỆ TỔ QUỐC
1. Tổ chức thế trận chiến tranh nhân dân
- Thế trận chiến tranh là sự tổ chức bố trí lực lượng để tiến hành chiến tranh và hoạt động tác chiến;
- Thế trận chiến tranh nhân dân được bố trí rộng khắp trên cả nước nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm;
- Xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân phải căn cứ vào âm mưu thủ đoạn hoạt động của kẻ thù và tính chất đặc điểm của các mục tiêu cần được bảo vệ;
- Để có thế trận CTND hiện nay cần: Xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh toàn diện, có khả năng độc lập tác chiến, đồng thời phối hợp với bộ đội chủ lực và đơn vị bạn đánh địch, liên tục dài ngày, liên kết thành thế trận làng nước.
2. Tổ chức lực lượng chiến tranh nhân dân
- Lực lượng chiến tranh nhân dân là toàn dân đánh giặc, đánh giặc toàn diện lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt;
- Lực lượng toàn dân được tổ chức chặt chẽ thành lực lượng quần chúng rộng rãi và lực lượng quân sự;
- Lực lượng vũ trang nhân dân được xây dựng vững mạnh toàn diện, coi trọng cả số lượng và chất lượng, trong đó lấy chất lượng là chính, lấy xây dựng chính trị làm cơ sở.
3. Phối hợp chặt chẽ chống quân địch tiến công từ bên ngoài vào và bạo loạn lật đổ từ bên trong
- Kẻ thù xâm lược nước ta có thể sử dụng lực lượng tiến công từ bên ngoài vào và bạo loạn lật đổ ở bên trong, đánh nhanh giải quyết nhanh, vì vậy ta phải chủ động ngăn chặn ý đồ của chúng, không để địch cấu kết với nhau;
- Trong quá trình chuẩn bị lực lượng vũ trang phải có kế hoạch, phương án chiến đấu và được quán triệt tới mọi người, kết hợp giải quyết tốt các tình huống chiến đấu diễn ra.
KẾT LUẬN
Nguy cơ chiến tranh ở các hình thức, quy mô vẫn còn hiện hữu. Cho nên, nếu kẻ thù phát động chiến tranh xâm lược nước ta, chúng sẽ sử dụng quân số đông, vũ khí trang bi kĩ thuật hiện đại. Để chống lại cuộc chiến tranh đó, chắc chắn chúng ta phải phát huy sức mạnh tổng hợp, vận dụng sáng tạo truyền thống và nghệ thuật quân sự Việt Nam, trong đó đặc biệt là tiến hành CTND, thực hiện toàn dân đánh giặc, toàn diện trên tất cả các mặt trận, đánh giặc bằng mọi loại vũ khí kĩ thuật thô sơ và hiện đại. Như thế, chúng ta mới từng bước đánh bại âm mưu, thủ đoạn tác chiến, tiến tới đánh bại ý chí xâm lược của kẻ thù, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Thực hiện chiến tranh nhân dân vẫn luôn là bài học kinh nghiệm quý báu trong để chúng ta giữ vững độc lập, chủ quyền của đất nước. Do đó, cần phải nghiên cứu, vận dụng sáng tạo quan điểm của Đảng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, phát triển sáng tạo nghệ thuật đánh giặc giữ nước của dân tộc. Đồng thời tích cực chuẩn bị đầy đủ các tiềm lực vật chất, tinh thần và xây dựng các thế trận, lực lượng rộng khắp trên tất cả các địa bàn và các lĩnh vực. Đây cũng chính là cơ sở để đất nước giữ vững hòa bình, ổn định và nâng cao khả năng ngăn ngừa âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.
Lực lượng sinh viên nước nhà nói chung, sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nói riêng luôn có vị ví, vai trò quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cho nên, các em cần phát huy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tích cực đóng góp tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
HƯỚNG DẪN NGHIÊN CỨU, ÔN TẬP
- Mục đích, đối tượng của chiến tranh nhân dân;
- Quan điểm của Đảng trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc?
Ngày tháng 3 năm 2021
NGƯỜI BIÊN SOẠN
Trung tá, ThS Phạm Văn San
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- giao_trinh_duong_loi_quan_su_bai_4.doc