Các nhà hoạch định chính sách nên làm gì khi đối mặt với hiện tượng lạm phát đi
kèm suy thoái này? Một trong những khả năng là các nhà hoạch định chính sách có
thể muốn triệt tiêu tác động bất lợi của sự dịch chuyển đường tổng cung ngắn hạn đến
sản lượng bằng cách tăng tổng cầu. Khi đó, chính phủ cần kích cầu để dịch chuyển
đường tổng cầu tới AD1 vừa đủ để duy trì mức sản lượng ban đầu. Nền kinh tế chuyển
đến điểm C. Sản lượng trở về mức tự nhiên và mức giá tiếp tục tăng lên P2. Như vậy,
các nhà hoạch định chính sách đã thích ứng với sự dịch chuyển của đường tổng cung
và cho phép sự tăng lên trong chi phí ảnh hưởng đến giá cả một cách lâu dài.
Ngược lại, nếu muốn triệt tiêu tác động bất lợi của cú sốc cung này đến mức giá, các
nhà hoạch định chính sách cần chủ động cắt giảm tổng cầu. Trên đồ thị ở Hình 2.8,
đường tổng cầu dịch chuyển từ AD0 đến AD2 vừa đủ để duy trì mức giá ban đầu. Nền
kinh tế chuyển đến điểm D. Mức giá trở về P0, còn sản lượng tiếp tục giảm xuống Y2.
Phân tích ở trên cho thấy sự dịch chuyển của đường tổng cung có hai hàm ý quan trọng:
Sự dịch chuyển của đường tổng cung có thể gây ra lạm phát kèm suy thoái, tức là
kết hợp giữa suy thoái (sản lượng giảm) và lạm phát (mức giá tăng).
Các nhà hoạch định chính sách, những người có thể ảnh hưởng đến tổng cầu,
không thể đồng thời làm triệt tiêu cả hai ảnh hưởng bất lợi này.
Tóm lược cuối bài
Tổng cầu là lượng hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong nước mà các tác nhân kinh tế sẵn
sàng và có khả năng mua tại mỗi mức giá.
Bốn thành tố của tổng cầu: AD = C + I + G + NX
Có ba hiệu ứng để giải thích độ dốc của đường AD đó là hiệu ứng của cải, hiệu ứng lãi suất;
hiệu ứng tỷ giá.
Tổng cung là lượng hàng hóa và dịch vụ mà các doanh nghiệp sẵn sàng và có khả năng sản
xuất, cung ứng tại mỗi mức giá.
Sản lượng tiềm năng hay sản lượng tự nhiên (Y*): Mức sản lượng được tạo ra khi các nguồn
lực được sử dụng đầy đủ.
Trong ngắn hạn, những nhân tố thay đổi làm dịch chuyển tổng cầu là nguyên nhân gây ra
những biến động về sản lượng và việc làm.
Một cú sốc cung bất lợi làm dịch chuyển đường tổng cung ngắn hạn lên trên và sang bên trái, làm
giảm sản lượng và làm tăng mức giá - sự kết hợp này được gọi là lạm phát đi kèm suy thoái.
Chính phủ có thể thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng để chống suy giảm kinh tế
hoặc khi nền kinh tế bị suy thoái và thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ thắt chặt để
chống lạm phát.
13 trang |
Chia sẻ: hachi492 | Lượt xem: 576 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Giáo trình Kinh tế học vĩ mô - Bài 2: Tổng cầu và tổng cung, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Bài 2: Tổng cung và tổng cầu
NEU_ECO102_Bai2_v1.0013101216 17
BÀI 2 TỔNG CẦU VÀ TỔNG CUNG
Hướng dẫn học
Để học tốt bài này, học viên cần tham khảo các phương pháp học sau:
Học đúng lịch trình của môn học theo tuần, làm các bài luyện tập đầy đủ và tham gia
thảo luận trên diễn đàn.
Đọc tài liệu:
1. Giáo trình Kinh tế học_Tập II. NXB Kinh tế Quốc dân. 2012
Chủ biên: PGS.TS Vũ Kim Dũng và PGS.TS Nguyễn Văn Công
2. Bộ môn Kinh tế vĩ mô (Đại học Kinh tế Quốc dân), Giáo trình Nguyên lý kinh tế
học vĩ mô, Nhà Xuất Bản Lao động, 2012.
3. Bộ môn Kinh tế vĩ mô (Đại học Kinh tế Quốc dân), Bài tập Nguyên lý kinh tế vĩ
mô, Nhà Xuất Bản Lao động, 2012.
Tìm hiểu mô hình tổng cầu – tổng cung và thông qua đó để lý giải biến động kinh tế trong
ngắn hạn, quá trình tự điều chỉnh trong dài hạn và vai trò của các chính sách vĩ mô trong ổn
định kinh tế.
Học viên làm việc theo nhóm và trao đổi với giảng viên trực tiếp tại lớp học hoặc qua email.
Trang Web môn học.
Nội dung
Mô hình Tổng cầu và Tổng cung (AD – AS).
Giải thích biến động kinh tế, quá trình tự điều chỉnh và chính sách ổn định.
Mục tiêu
Giúp học viên hiểu được các nhân tố gây ra những biến động về sản lượng và mức
giá trong nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu mô hình tổng cầu – tổng cung.
Giúp học viên vận dụng được mô hình tổng cầu – tổng cung để lý giải biến động kinh
tế trong ngắn hạn, quá trình tự điều chỉnh trong dài hạn và vai trò của các chính sách
vĩ mô trong ổn định kinh tế.
Bài 2: Tổng cầu và tổng cung
18 NEU_ECO102_Bai2_v1.0013101216
Tình huống dẫn nhập
“Biến động kinh tế”
Biến động kinh tế là một vấn đề lớn mà tất cả các nền kinh tế thị trường phải đối mặt. Nền kinh
tế Việt Nam cũng đã trải nghiệm những bước thăng trầm trong quá trình phát triển. Sau khi thực
hiện chính sách đổi mới vào năm 1986, Kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi
nhận về tăng trưởng kinh tế. Từ chỗ hầu như không có tăng
trưởng, thì ngay sau đổi mới, trong giai đoạn 1986 - 1990, nền
kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi và phát triển, tuy tốc độ chưa cao.
Trong nửa đầu những năm 1990, nền kinh tế liên tục tăng tốc.
Sau khi đạt đỉnh vào năm 1995 (9,54%), tốc độ tăng trưởng kinh
tế của Việt Nam đã chậm lại và rơi xuống đáy vào năm 1999
(4,77%) sau khi chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính -
tiền tệ khu vực. Bắt đầu từ năm 2000, tốc độ tăng trưởng kinh tế
dần phục hồi nhờ các chính sách kích cầu của chính phủ được thực hiện khá bài bản và kịp thời.
Bởi vậy, nền kinh tế Việt Nam lại đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn 2004 - 2007.
Tuy nhiên, đà tăng trưởng lại giảm mạnh do ảnh hưởng bất lợi từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn
cầu bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn ở Mỹ. Cuộc khủng hoảng này đã ảnh hưởng
không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, năm 2009 tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ còn đạt
được 5,32% và như vậy sau 10 năm kinh tế Việt Nam lại rơi xuống một đáy mới.
Tại sao tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lại bị suy giảm mạnh trong thời kỳ 2008 - 2009? Và
chính phủ đã làm gì để chặn đà suy giảm kinh tế? Đó là do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu
đã đẩy các bạn hàng chủ lực của Việt Nam rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế, năm trong bảy
bạn hàng lớn của Việt Nam đã giảm nhu cầu mua hàng hóa của Việt Nam làm xuất khẩu của
Việt Nam giảm, cán cân thương mại của Việt Nam xấu đi và làm tổng cầu sụt giảm. Để chống lại
sự suy giảm kinh tế Chính phủ đã thực hiện đồng bộ các chính sách trong đó có chính sách tài
khóa và chính sách tiền tệ mở rộng để kích cầu nhằm chống suy giảm kinh tế.
1. Những nguyên nhân nào gây ra những biến động kinh tế trong ngắn hạn?
2. Chính phủ có thể làm gì để giảm thiểu những biến động kinh tế trong
ngắn hạn?
Bài 2: Tổng cung và tổng cầu
NEU_ECO102_Bai2_v1.0013101216 19
Trong bài này, chúng ta sẽ nghiên cứu Mô hình tổng cung và tổng cầu (AD – AS). Một trong
những cách tiếp cận cơ bản được các nhà kinh tế sử dụng rộng rãi để giải thích những biến động
của nền kinh tế trong ngắn hạn. Sau khi nghiên cứu xong bài này, các học viên sẽ biết cách vận
dụng mô hình AD – AS để giải thích nguyên nhân gây ra biến động kinh tế và vai trò của chính
sách nhằm bình ổn nền kinh tế là mục tiêu chính của bài này.
2.1. Mô hình Tổng cầu và Tổng cung (AD – AS)
Mô hình tổng cung và tổng cầu chỉ ra cách thức tổng cầu và tổng cung quyết định mức giá
và sản lượng của một nền kinh tế. Hai biến số được mô hình tập trung giải thích là tổng sản
lượng hàng hoá và dịch vụ được sản xuất trong nước (Y) và mức giá chung (P). Các nhà
kinh tế thường sử dụng đồ thị để trình bày mô hình tổng cung và tổng cầu trong đó mức giá
được biểu diễn trên trục tung và sản lượng được biểu diễn ở trục hoành. Bây giờ, chúng ta
sẽ lần lượt giới thiệu hai thành tố của mô hình, đó là các đường tổng cầu và tổng cung.
2.1.1. Tổng cầu của nền kinh tế (AD)
Tổng cầu là lượng hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong nước mà các tác nhân
kinh tế sẵn sàng và có khả năng mua tại mỗi mức giá.
Trong một nền kinh tế mở, tổng cầu hình thành từ bốn nguồn:
Cầu tiêu dùng (C) như chi tiêu mua lương thực, thực phẩm, tivi, hay quần áo,
do khu vực hộ gia đình trong nước thực hiện;
Cầu đầu tư (I) bao gồm các khoản mà doanh nghiệp chi cho xây dựng nhà xưởng
mới, mua sắm máy móc, thiết bị mới; hộ gia đình mua nhà ở mới; và các doanh
nghiệp bổ sung thêm vào hàng tồn kho;
Chi tiêu chính phủ (G) bao gồm cả hàng hoá và dịch vụ do chính phủ mua cho tiêu
dùng hiện tại (tiêu dùng công) và hàng hoá và dịch vụ cho các lợi ích tương lai
như đường xá, cầu cống, bến cảng... (đầu tư công);
Cầu xuất khẩu ròng (NX), chênh lệch giữa giá trị của hàng hoá và dịch vụ được
sản xuất trong nước mà người nước ngoài sẵn sàng và có khả năng mua, tức là cầu
xuất khẩu (X), và giá trị của hàng hoá và dịch vụ sản xuất ở nước ngoài mà các hộ
gia đình, doanh nghiệp và chính phủ trong nước sẵn sàng và có khả năng mua, tức
là cầu trong nước về hàng nhập khẩu (IM).
AD = C + I + G + NX
Đường tổng cầu
Đường tổng cầu cho biết mối quan hệ giữa
lượng tổng cầu và mức giá. Đường tổng
cầu dốc xuống hàm ý nếu những biến số
khác không thay đổi, thì khi mức giá
chung giảm, ví dụ từ P0 xuống P1, sẽ có xu
hướng làm cho lượng tổng cầu về hàng
hóa và dịch vụ được sản xuất trong nước
tăng, ví dụ từ Y0 lên Y1 (xem hình 2.1).
P
P1
P0
A
B
AD
YY1Y0
Hình 2.1. đường tổng cầu
Bài 2: Tổng cầu và tổng cung
20 NEU_ECO102_Bai2_v1.0013101216
Tại sao đường tổng cầu dốc xuống?
Đường tổng cầu dốc xuống phản ánh thực tế là sự thay đổi mức giá có ảnh hưởng
ngược chiều đến lượng tổng cầu. Trong bốn thành tố của tổng cầu, chi tiêu chính
phủ là biến chính sách do chính phủ quyết định tùy thuộc vào mục tiêu của điều tiết
vĩ mô trong mỗi thời kỳ và do đó không phụ thuộc vào mức giá. Chính vì vậy, để
hiểu tại sao đường tổng cầu dốc xuống chúng ta cần làm rõ sự thay đổi trong mức có
giá ảnh hưởng như thế nào đến ba thành tố còn lại của tổng cầu, bao gồm: tiêu dùng,
đầu tư và xuất khẩu ròng. Chúng ta sẽ lần lượt xem xét từng ảnh hưởng đó.
o Mức giá và tiêu dùng: Hiệu ứng của cải
Khi mức giá chung giảm, tức là mức giá bình quân của tất cả các hàng hóa và
dịch vụ giảm, thì lượng tiền trong ví hay trong tài khoản ngân hàng của bạn trở
nên có giá trị hơn vì chúng có thể mua được nhiều hàng hoá và dịch vụ hơn.
Như vậy, một sự cắt giảm trong mức giá chung làm cho các hộ gia đình trở nên
giàu có hơn và do vậy họ sẽ sẵn sàng và có khả năng mua nhiều hàng hoá và
dịch vụ hơn. Sự tăng lên trong mức tiêu dùng có nghĩa là lượng tổng cầu về
hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong nước tăng lên.
o Mức giá và đầu tư: Hiệu ứng lãi suất
Tại mức giá thấp hơn, công chúng sẽ cần giữ ít tiền hơn để mua lượng hàng
hoá và dịch vụ theo kế hoạch. Điều này hàm ý một phần trong số tiền họ đang
nắm giữ để phục vụ cho động cơ giao dịch trở nên dư thừa. Nhiều hộ gia đình
và doanh nghiệp sẽ tìm cách cắt giảm lượng tiền nắm giữ bằng cách chuyển
một số tiền mặt và tài khoản tiền gửi có thể viết séc thành các tài sản sinh lãi
như trái phiếu hay tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn, và kết quả là lãi suất sẽ giảm.
Giảm lãi suất, đến lượt nó có tác dụng khuyến khích các hãng đầu tư nhiều hơn
vào nhà xưởng và thiết bị mới, và các hộ gia đình mua nhiều nhà ở mới hơn.
Như vậy, một mức giá thấp hơn làm giảm lãi suất, khuyến khích chi tiêu vào
các hàng hoá đầu tư và do đó làm tăng lượng tổng cầu.
o Mức giá và xuất khẩu ròng: Hiệu ứng thay thế quốc tế
Trong bối cảnh mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, sự giảm giá của hàng trong
nước làm cho hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam trở nên rẻ hơn một cách
tương đối so với hàng hóa và dịch vụ sản xuất ở nước ngoài tại một mức tỷ giá
hối đoái cho trước. Khi đó, một số người tiêu dùng trong nước và ở nước ngoài
có xu hướng dịch chuyển từ mua hàng của nước khác sang mua hàng hóa và
dịch vụ sản xuất tại Việt Nam. Kết quả là xuất khẩu được khuyến khích và
nhập khẩu bị hạn chế, làm tăng xuất khẩu ròng và làm tăng lượng tổng cầu về
hàng hóa và dịch vụ được sản xuất tại Việt Nam.
Tóm lại, cả ba hiệu ứng trên đều cho thấy có một mối quan hệ ngược chiều giữa mức
giá và khối lượng hàng hoá và dịch vụ sản xuất trong nước được mua: giảm mức giá
chung làm tăng lượng tổng cầu về sản lượng trong nước và ngược lại, tăng mức giá
chung làm giảm lượng tổng cầu về sản lượng trong nước. Trên hệ trục toạ độ trong đó
mức giá được biểu diễn trên trục tung và sản lượng được biểu diễn trên trục hoành
mối quan hệ này được biểu diễn bằng đường tổng cầu dốc xuống.
Bài 2: Tổng cung và tổng cầu
NEU_ECO102_Bai2_v1.0013101216 21
Sự dịch chuyển của đường tổng cầu
o Khi có bất kỳ một sự kiện nào đó làm thay đổi lượng tổng cầu tại một mức giá
cho trước, thì đường tổng cầu sẽ dịch chuyển. Đường tổng cầu sẽ dịch chuyển
sang bên phải khi lượng tổng cầu tăng lên tại một mức giá cho trước. Ngược
lại, đường tổng cầu sẽ dịch chuyển sang bên trái khi lượng tổng cầu giảm
xuống tại một mức giá cho trước. Hình 2.2 dưới đây minh họa sự dịch chuyển
sang bên phải hay ra phía ngoài của đường tổng cầu từ AD0 đến AD1. Tại mức
giá P0, lượng tổng cầu bây giờ đã tăng lên Y1.
Hình 2.2. Sự dịch chuyển của đường AD
o Tổng cầu của một nền kinh tế mở gồm bốn thành tố đó là: tiêu dùng của các hộ
gia đình, đầu tư của khu vực tư nhân, chi tiêu chính phủ và xuất khẩu ròng. Do
đó, nguyên nhân gây ra sự dịch chuyển của đường tổng cầu là do một trong
bốn thành tố của tổng cầu thay đổi hoặc cả bốn.
Sự dịch chuyển bắt nguồn từ những thay đổi trong tiêu dùng. Nếu người
Việt Nam trở nên an tâm hơn về triển vọng việc làm và thu nhập trong
tương lai, hoặc nếu giá cổ phiếu tăng làm cho nhiều hộ gia đình trở nên
giàu có hơn, hay chính phủ giảm thuế thu nhập, thì các hộ gia đình sẽ chi
tiêu nhiều hơn cho tiêu dùng tại mỗi mức giá cho trước và kết quả là đường
tổng cầu sẽ dịch chuyển sang bên phải từ AD0 đến AD1 như được biểu diễn
trong hình 2.2.
Sự dịch chuyển bắt nguồn từ những thay đổi trong đầu tư. Nếu các doanh
nghiệp trở nên lạc quan vào triển vọng mở rộng thị trường trong tương lai
và quyết định xây thêm nhiều nhà máy mới, mua thêm máy móc, thiết bị
mới, hoặc nếu chính phủ giảm thuế cho các dự án đầu tư mới, hay ngân
hàng trung ương tăng cung ứng tiền tệ làm giảm lãi suất, thì mức đầu tư sẽ
tăng và đường tổng cầu sẽ dịch chuyển sang bên phải.
Sự dịch chuyển bắt nguồn từ những thay đổi trong chi tiêu chính phủ. Nếu
chính phủ quyết định tăng chi tiêu nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, thì
đường tổng cầu sẽ dịch chuyển sang bên phải.
Sự dịch chuyển bắt nguồn từ những thay đổi trong xuất khẩu ròng. Nếu thế
giới bên ngoài tăng trưởng mạnh và mua nhiều hàng của Việt Nam hơn,
hoặc đồng Việt Nam giảm giá so với tiền của các đối tác thương mại, thì
xuất khẩu ròng của Việt Nam sẽ tăng và kết quả là đường tổng cầu sẽ dịch
chuyển sang bên phải.
Bài 2: Tổng cầu và tổng cung
22 NEU_ECO102_Bai2_v1.0013101216
2.1.2. Tổng cung của nền kinh tế
Tổng cung của một nền kinh tế là lượng hàng hóa và dịch vụ mà các doanh nghiệp sẵn
sàng và có khả năng sản xuất trong nước tại mỗi mức giá.
Lượng tổng cung phụ thuộc vào quyết định của các doanh nghiệp trong việc sử dụng lao
động và các nguồn lực khác để sản xuất ra hàng hoá và dịch vụ bán cho các hộ gia đình,
chính phủ, và các doanh nghiệp khác cũng như để xuất khẩu ra thế giới bên ngoài.
Đường tổng cung dài hạn (ASLR) và đường tổng cung ngắn hạn (ASSR hay thường viết
gọn là AS). Đường tổng cung dài hạn thẳng đứng, trong khi đường tổng cung ngắn
hạn dốc lên như được vẽ trong hình 2.3.
Hình 2.3. đường tổng cung dài hạn và ngắn hạn
Đường tổng cung dài hạn là đường thẳng đứng thể hiện tính chất của sản lượng chỉ do
cung quyết định. Bất kế đường tổng cầu có dịch chuyển như thế nào thì nền kinh tế sẽ
di chuyển dọc trên đường tổng cung thẳng đứng và do đó chỉ có mức giá thay đổi còn
sản lượng vẫn giữ nguyên tại mức tiềm năng hay còn gọi là sản lượng tự nhiên Y*.
Hình 2.4. tổng cung dài hạn
Tại sao đường tổng cung dài hạn dịch chuyển: Do đường tổng cung dài hạn là đường
thẳng đứng tại mức sản lượng tiềm năng, bất kỳ nhân tố nào làm thay đổi mức sản
lượng tiềm năng sẽ làm dịch chuyển đường tổng cung dài hạn. Do mức sản lượng tiềm
năng phụ thuộc vào cung lao động, tư bản, tài nguyên thiên nhiên và trình độ công
nghệ nên khih các nhân tố sản xuất này thay đổi sẽ là nguyên nhân làm dịch chuyển
đường tổng cung dài hạn.
Bài 2: Tổng cung và tổng cầu
NEU_ECO102_Bai2_v1.0013101216 23
Sự dịch chuyển xuất phát từ lao động: Nếu một nền kinh tế có nhiều lao động ra
nước ngoài làm việc, thì cung về lao động trong nền kinh tế giảm. Do số lao động
làm việc ít hơn, lượng hàng hoá và dịch vụ mà nền kinh tế có thể sản xuất ra sẽ
nhỏ hơn. Kết quả là đường tổng cung dài hạn dịch chuyển sang bên trái. Ngược
lại, nếu nền kinh tế có nhiều công nhân nhập cư thì đường tổng cung sẽ dịch
chuyển sang bên phải.
Sự dịch chuyển xuất phát từ tư bả:. Một sự tăng trưởng trong số lượng tư bản sẽ nâng
cao năng suất và do đó làm tăng lượng hàng hoá và dịch vụ mà nền kinh tế sản xuất
ra. Kết quả là đường tổng cung dài hạn dịch chuyển sang bên phải. Ngược lại, một sự
suy giảm trong lượng tư bản sẽ làm giảm năng suất và giảm cung về hàng hoá và dịch
vụ khiến cho đường tổng cung dài hạn dịch chuyển sang bên trái.
Lôgic này không chỉ áp dụng cho tư bản hữu hình mà cả vốn nhân lực. Sự tăng lên
số lượng máy móc hay số người tốt nghiệp đại học, cao đẳng, các trường dạy nghề
đều góp phần nâng cao năng lực sản xuất hàng hoá và dịch vụ. Do vậy, chúng đều
làm cho đường tổng cung dài hạn dịch chuyển sang bên phải.
Sự dịch chuyển xuất phát từ tài nguyên thiên nhiên: Mức sản xuất của một quốc gia
phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên như đất đai, khoáng sản và thời tiết. Việc
phát hiện và bắt đầu khai thác một mỏ khoáng sản mới có thể làm dịch chuyển đường
tổng cung dài hạn sang bên phải. Thời tiết trở nên khắc nghiệt có thể làm cho việc
trồng trọt và chăn nuôi trở nên khó khăn hơn, làm giảm năng suất cây trồng và vật
nuôi và do đó sẽ làm cho đường tổng cung dài hạn dịch chuyển sang bên trái.
Sự dịch chuyển xuất phát từ trình độ công nghệ. Có lẽ lý do quan trọng nhất để
chúng ta hôm nay sản xuất ra nhiều hàng hoá và dịch vụ hơn các thế hệ trước là sự
tiến bộ công nghệ. Những phát minh đã giúp chúng ta sản xuất ra nhiều hàng hoá
và dịch vụ hơn với cùng một lượng lao động, tư bản và tài nguyên thiên nhiên. Kết
quả là, đường tổng cung dài hạn dịch chuyển sang bên phải.
Tại sao đường tổng cung ngắn hạn dốc lên? Có ba mô hình khác nhau giải thích về
đường tổng cung ngắn hạn: (1) mô hình tiền lương cứng nhắc; (2) mô hình nhận thức
sai lầm; và (3) mô hình giá cả cứng nhắc. Các mô hình này có một số đặc điểm chung,
và mỗi mô hình chỉ giải thích được một số khía cạnh nhất định của nền kinh tế thực.
Hình 2.5. tổng cung ngắn hạn
Tại sao đường tổng cung ngắn hạn có thể dịch chuyển? Các yếu tố tác động làm dịch
chuyển đường tổng cung ngắn hạn có thể kể đến đó là: kỳ vọng của công chúng về
mức giá, sự thay đổi giá cả của các nhân tố sản xuất...
Bài 2: Tổng cầu và tổng cung
24 NEU_ECO102_Bai2_v1.0013101216
Kỳ vọng của mọi người về mức giá: Như chúng ta đã thảo luận, lượng tổng cung
về hàng hoá và dịch vụ trong ngắn hạn phụ thuộc vào nhận thức sai lầm, thông tin
không hoàn hảo, tiền lương cứng nhắc và giá cả cứng nhắc. Thế nhưng nhận thức,
tiền lương và giá cả đều được xây dựng dựa vào kỳ vọng về mức giá. Cho nên khi
kỳ vọng thay đổi, đường tổng cung ngắn hạn dịch chuyển.
Để làm cho ý tưởng này cụ thể hơn, chúng ta hãy xem xét một lý thuyết cụ thể về
tổng cung - đó là lý thuyết tiền lương cứng nhắc. Theo lý thuyết này, nếu mọi
người dự báo mức giá cao, họ sẽ quy định tiền lương cao. Tiền lương tăng làm
tăng chi phí của doanh nghiệp, và tại mức giá thực tế bất kỳ cho trước, nó làm
giảm lượng hàng hoá và dịch vụ mà các doanh nghiệp cung ứng. Do vậy, khi mức
giá dự kiến tăng, tiền lương sẽ tăng, chi phí sẽ tăng và các doanh nghiệp quyết
định cung ứng ít hàng hoá và dịch vụ hơn tại bất kỳ mức giá thực tế cho trước nào.
Kết quả là, đường tổng cung ngắn hạn dịch chuyển sang trái. Ngược lại, khi mức
giá dự kiến giảm, tiền lương sẽ giảm, chi phí sẽ giảm, các doanh nghiệp tăng sản
lượng và đường tổng cung ngắn hạn dịch sang bên phải.
Logic tương tự cũng được áp dụng cho các lý thuyết khác. Bài học chung là: Sự gia
tăng mức giá dự kiến làm giảm tổng cung hàng hoá và dịch vụ, qua đó dịch chuyển
đường tổng cung ngắn hạn sang bên trái. Sự giảm sút mức giá dự kiến làm tăng tổng
cung về hàng hoá và dịch vụ, qua đó dịch chuyển đường tổng cung ngắn hạn sang
phải. Như chúng ta sẽ thấy trong phần sau, ảnh hưởng của kỳ vọng về mức giá đối
với vị trí của đường tổng cung ngắn hạn đóng vai trò then chốt trong việc điều hòa
hành vi của nền kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn. Trong ngắn hạn, kỳ vọng được
cố định và nền kinh tế nằm ở giao điểm của đường tổng cầu và đường tổng cung
ngắn hạn. Trong dài hạn, kỳ vọng được điều chỉnh và đường tổng cung ngắn hạn
dịch chuyển. Sự dịch chuyển này cuối cùng sẽ đưa nền kinh tế đến giao điểm của
đường tổng cầu và đường tổng cung dài hạn.
Ngoài ra, đường tổng cung ngắn ngạn còn dịch chuyển do sự thay đổi giá cả của các
nhân tố sản xuất. Mỗi đường tổng cung ngắn hạn được xây dựng với giả thiết giá cả
của các nhân tố sản xuất cho trước. Do đó, đường tổng cung ngắn hạn sẽ dịch chuyển
khi giá các nhân tố sản xuất thay đổi. Với một mức giá cho trước, việc tăng giá các
đầu vào sản xuất (tăng lương, tăng giá nguyên, nhiên, vật liệu...) sẽ làm tăng chi phí
sản xuất và làm giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp và các doanh nghiệp sẽ buộc
phải thu hẹp mức sản xuất. Điều này hàm ý đường tổng cung dịch chuyển sang bên
trái. Ngược lại, việc giảm giá các đầu vào sản xuất sẽ làm giảm chi phí sản xuất và
làm tăng lợi nhuận tại mức giá cho trước và do đó khuyến khích các doanh nghiệp mở
rộng sản xuất. Trên đồ thị (hình 2.5), đường tổng cung sẽ dịch chuyển sang bên phải.
2.1.3. Xác định sản lượng và mức giá cân bằng
Trong hình 2.6 giao điểm của đường tổng cung AS0 và đường tổng cầu AD0 là E0 xác
định mức sản lượng cân bằng là Y0 và mức giá cân bằng là P0. Chúng ta mô tả tổ hợp
của sản lượng Y0 và mức giá P0 là trạng thái cân bằng của nền kinh tế.
Giả sử, ban đầu mức giá là P1, thấp hơn mức giá cân bằng P0. Tại mức giá thấp hơn
này, sản lượng mà các doanh nghiệp mong muốn cung ứng thấp hơn mức mà mọi
người muốn mua. Cuộc canh tranh giữa những người mua để mua được hàng sẽ đẩy
Bài 2: Tổng cung và tổng cầu
NEU_ECO102_Bai2_v1.0013101216 25
mức giá tăng lên và điều này đến lượt nó lại khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất
nhiều hơn. Kết quả là thị trường có xu hướng tự điều chỉnh trở về trạng thái cân bằng
một khi mức giá vẫn còn thấp hơn P0.
Hình 2.6. xác định trạng thái cân bằng
Tương tự, khi mức giá cao hơn P0, chẳng hạn P2, cuộc cạnh tranh giành giật khách
hàng giữa các nhà cung ứng để bán được hàng sẽ đẩy mức giá giảm xuống. Như vậy,
chỉ tại giao điểm của hai đường tổng cầu và tổng cung (E0), cả người mua và người
bán đều thỏa mãn: mọi nhu cầu của người mua đều được đáp ứng và toàn bộ sản
lượng mà các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng đều được bán hết. Kết quả là thị
trường ổn định và không có áp lực điều chỉnh.
Trạng thái cân bằng không nhất thiết là trạng thái tối ưu hay là trạng thái đáng mong
muốn. Nó có thể tương ứng với trạng thái phát triển quá nóng (khi sản lượng cao hơn
mức tự nhiên và lạm phát cao) hoặc nền kinh tế đang lâm vào suy thoái (khi sản lượng
thấp hơn mức tự nhiên).
2.2. Nguyên nhân gây ra biến động kinh tế ngắn hạn và vai trò của chính sách
ổn định
Sau khi đã được nghiên cứu mô hình tổng cung và tổng cầu, bây giờ chúng ta sẽ vận
dụng những kiến thức đã học ở trên để xem xét các nguyên nhân gây ra các biến động
kinh tế trong ngắn hạn.
Khi phân tích cách thức tác động của một sự kiện nào đó tới nền kinh tế, chúng ta nên
tiến hành theo quy trình ba bước:
Thứ nhất, chúng ta xác định xem sự kiện xảy ra tác động tới đường tổng cung,
đường tổng cầu hay cả hai đường (trong một số tình huống).
Thứ hai, chúng ta xác định xem các đường này dịch chuyển sang phải hay sang trái.
Cuối cùng, chúng ta sử dụng đồ thị tổng cầu và tổng cung để xem xét sự dịch
chuyển đó tác động tới mức giá và sản lượng cân bằng như thế nào.
2.2.1. Các cú sốc cầu
Khi đường tổng cung có độ dốc dương, các cú sốc ngoại sinh tác động đến tổng cầu
(được gọi là cú sốc cầu) sẽ gây ra sự thay đổi của sản lượng và mức giá. Sự biến động
của sản lượng xung quanh mức tự nhiên được gọi là chu kỳ kinh doanh.
Bài 2: Tổng cầu và tổng cung
26 NEU_ECO102_Bai2_v1.0013101216
Hình 2.7. Ảnh hưởng của sự suy giảm tổng cầu đến sản lượng và mức giá
Các nhà đầu tư và các hộ gia đình đột nhiên trở nên bi quan hơn về triển vọng phát
triển của nền kinh tế trong tương lai và do đó cắt giảm mức chi tiêu trong hiện tại, thì
điều này sẽ làm giảm tổng cầu. Trong Hình 2.7, đường tổng cầu dịch chuyển sang bên
trái từ AD0 đến AD1. Trong ngắn hạn, nền kinh tế di chuyển dọc theo đường tổng cung
ngắn hạn AS0 từ A đến B. Khi nền kinh tế chuyển đến B, sản lượng giảm xuống Y1 và
mức giá giảm xuống P1. Sự sụt giảm sản lượng cho thấy nền kinh tế lâm vào suy
thoái. Các doanh nghiệp phản ứng lại sự giảm sút doanh số bán ra bằng cách cắt giảm
một số việc làm và thất nghiệp có xu hướng tăng lên.
Các nhà hoạch định chính sách nên làm gì khi đối mặt với một cuộc suy thoái như vậy?
Một khả năng là thực hiện các biện pháp kích thích tổng cầu, làm cho đường tổng cầu
dịch chuyển sang bên phải. Nếu các nhà hoạch định chính sách hành động kịp thời và
chính xác, họ có thể triệt tiêu hoàn toàn tác động của cú sốc đến tổng cầu, đẩy đường
tổng cầu trở về AD0 và đưa nền kinh tế trở lại điểm A. Trong các chương tiếp theo,
chúng ta sẽ thảo luận chi tiết về cách mà chính phủ có thể sử dụng để điều tiết tổng cầu.
Ngay cả khi các nhà hoạch định chính sách không can thiệp thì nền kinh tế thị trường
cũng sẽ có cơ chế tự phục hồi sau một khoảng thời gian. Do tổng cầu giảm, mức giá
giảm xuống. Có thể, kỳ vọng bắt kịp thực tế và mức giá dự kiến cũng giảm. Do sự
giảm sút của mức giá dự kiến làm thay đổi nhận thức, tiền lương và giá cả, nên nó làm
cho đường tổng cung ngắn hạn dịch sang phải, từ AS0 đến AS1 như trong hình 2.7.
Theo thời gian, quá trình hiệu chỉnh này của kỳ vọng cho phép nền kinh tế tiến dần
đến điểm C, điểm mà đường tổng cầu mới (AD1) cắt đường tổng cung dài hạn.
Tóm lại, sự dịch chuyển của đường tổng cầu đem lại cho chúng ta hai bài học quan trọng:
Trong ngắn hạn, sự dịch chuyển của đường tổng cầu gây ra sự biến động về sản
lượng và việc làm trong nền kinh tế.
Trong dài hạn, sự dịch chuyển của đường tổng cầu ảnh hưởng tới mức giá chung,
nhưng không ảnh hưởng đến sản lượng.
2.2.2. Các cú sốc cung
Các cú sốc cung xảy ra do sự thay đổi giá cả các yếu tố đầu vào hay sự thay đổi các
nguồn lực trong nền kinh tế. Các cú sốc làm giảm tổng cung được gọi là cú sốc cung
bất lợi. Ngược lại, các cú sốc làm tăng tổng cung được gọi là cú sốc cung có lợi.
Bài 2: Tổng cung và tổng cầu
NEU_ECO102_Bai2_v1.0013101216 27
Các cú sốc cung bất lợi làm tăng chi phí sản xuất. Với mức giá không thay đổi, nhiều
doanh nghiệp hoạt động trở nên không hiệu quả buộc phải thu hẹp hoặc đóng cửa sản
xuất và do đó làm giảm tổng cung. Trong Hình 2.8, đường tổng cung ngắn hạn dịch
chuyển sang bên trái và lên phía trên từ AS0 đến AS1. Trong ngắn hạn, nền kinh tế di
chuyển dọc theo đường tổng cầu từ điểm A đến điểm B. Sản lượng của nền kinh tế
giảm từ Y* xuống Y1, trong khi mức giá tăng từ P0 lên P1. Do nền kinh tế vừa lâm
vào suy thoái (sản lượng giảm), vừa trải qua lạm phát (mức giá tăng) nên hiện
tượng này được gọi là lạm phát đi kèm suy thoái (stagflation).
Hình 2.8. Cú sốc cung bất lợi và phản ứng chính sách
Các nhà hoạch định chính sách nên làm gì khi đối mặt với hiện tượng lạm phát đi
kèm suy thoái này? Một trong những khả năng là các nhà hoạch định chính sách có
thể muốn triệt tiêu tác động bất lợi của sự dịch chuyển đường tổng cung ngắn hạn đến
sản lượng bằng cách tăng tổng cầu. Khi đó, chính phủ cần kích cầu để dịch chuyển
đường tổng cầu tới AD1 vừa đủ để duy trì mức sản lượng ban đầu. Nền kinh tế chuyển
đến điểm C. Sản lượng trở về mức tự nhiên và mức giá tiếp tục tăng lên P2. Như vậy,
các nhà hoạch định chính sách đã thích ứng với sự dịch chuyển của đường tổng cung
và cho phép sự tăng lên trong chi phí ảnh hưởng đến giá cả một cách lâu dài.
Ngược lại, nếu muốn triệt tiêu tác động bất lợi của cú sốc cung này đến mức giá, các
nhà hoạch định chính sách cần chủ động cắt giảm tổng cầu. Trên đồ thị ở Hình 2.8,
đường tổng cầu dịch chuyển từ AD0 đến AD2 vừa đủ để duy trì mức giá ban đầu. Nền
kinh tế chuyển đến điểm D. Mức giá trở về P0, còn sản lượng tiếp tục giảm xuống Y2.
Phân tích ở trên cho thấy sự dịch chuyển của đường tổng cung có hai hàm ý quan trọng:
Sự dịch chuyển của đường tổng cung có thể gây ra lạm phát kèm suy thoái, tức là
kết hợp giữa suy thoái (sản lượng giảm) và lạm phát (mức giá tăng).
Các nhà hoạch định chính sách, những người có thể ảnh hưởng đến tổng cầu,
không thể đồng thời làm triệt tiêu cả hai ảnh hưởng bất lợi này.
Bài 2: Tổng cầu và tổng cung
28 NEU_ECO102_Bai2_v1.0013101216
Tóm lược cuối bài
Tổng cầu là lượng hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong nước mà các tác nhân kinh tế sẵn
sàng và có khả năng mua tại mỗi mức giá.
Bốn thành tố của tổng cầu: AD = C + I + G + NX
Có ba hiệu ứng để giải thích độ dốc của đường AD đó là hiệu ứng của cải, hiệu ứng lãi suất;
hiệu ứng tỷ giá.
Tổng cung là lượng hàng hóa và dịch vụ mà các doanh nghiệp sẵn sàng và có khả năng sản
xuất, cung ứng tại mỗi mức giá.
Sản lượng tiềm năng hay sản lượng tự nhiên (Y*): Mức sản lượng được tạo ra khi các nguồn
lực được sử dụng đầy đủ.
Trong ngắn hạn, những nhân tố thay đổi làm dịch chuyển tổng cầu là nguyên nhân gây ra
những biến động về sản lượng và việc làm.
Một cú sốc cung bất lợi làm dịch chuyển đường tổng cung ngắn hạn lên trên và sang bên trái, làm
giảm sản lượng và làm tăng mức giá - sự kết hợp này được gọi là lạm phát đi kèm suy thoái.
Chính phủ có thể thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng để chống suy giảm kinh tế
hoặc khi nền kinh tế bị suy thoái và thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ thắt chặt để
chống lạm phát.
Bài 2: Tổng cung và tổng cầu
NEU_ECO102_Bai2_v1.0013101216 29
Câu hỏi ôn tập
1. Tổng cầu là gì? Và các nhân tố ảnh hưởng đến tổng cầu?
2. Tổng cung là gì? Và các nhân tố ảnh hưởng đến tổng cung?
3. Các thành tố cấu thành tổng cầu là gì?
4. Hãy cho biết các thành phần cấu thành đầu tư của khu vực tư nhân?
5. Sản lượng tiềm năng là gì?
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- giao_trinh_kinh_te_hoc_vi_mo_bai_2_tong_cau_va_tong_cung.pdf