Thứ tư, sức ép cạnh tranh từ hàng hóa và
dịch vụ của EU. Thực hiện cam kết mở cửa
thị trường Việt Nam cho hàng hóa, dịch vụ
từ EU đồng nghĩa với việc DNNVV Việt
Nam sẽ phải cạnh tranh khó khăn hơn ngay
tại thị trường nội địa. Theo EVFTA, trong
nông nghiệp, Việt Nam sẽ cắt giảm 24%
nông sản nhập khẩu về 0% ngay năm đầu
và cắt giảm 99% sau 10 năm. Như vậy các
DN ngành hàng gia cầm, chăn nuôi và sản
phẩm từ sữa sẽ chịu áp lực cạnh tranh khốc
liệt. Điều này đòi hỏi các DNNVV Việt
Nam phải nâng cao năng suất vật nuôi,
giảm giá thành sản phẩm chăn nuôi và đảm
bảo các sản phẩm chăn nuôi an toàn dịch
bệnh, an toàn thực phẩm. Đồng thời, các
DN tổ chức ngành chăn nuôi theo chuỗi liên
kết khép kín.
Trên thực tế, đây là một thách thức rất
lớn, bởi các doanh nghiệp EU có lợi thế
hơn hẳn các DNNVV Việt Nam về năng
lực cạnh tranh, kinh nghiệm thị trường cũng
như khả năng tận dụng các FTA. Tuy nhiên,
cam kết mở cửa của Việt Nam là có lộ
trình, đặc biệt đối với những nhóm sản
phẩm nhạy cảm, do đó EVFTA cũng là
cơ hội, sức ép hợp lý để các DNNVV
Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức
kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh
của mình.
10 trang |
Chia sẻ: hachi492 | Lượt xem: 329 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU: Tác động đến doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
3
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU:
Tác động đến doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
Nguyễn Tuấn Việt1, Ngô Văn Vũ2
1 Đài Truyền hình Việt Nam.
Email: tuanvietvtv@gmail.com
2 Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Email: ngovu68@gmail.com
Nhận ngày 2 tháng 7 năm 2019. Chấp nhận đăng ngày 10 tháng 8 năm 2019.
Tóm tắt: Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) đã chính thức ký kết Hiệp định Thương mại tự do
Việt Nam-Liên minh Châu Âu (EVFTA) vào ngày 30-6-2019. Việc ký kết EVFTA sẽ mở ra cho
Việt Nam con đường mới để hội nhập và phát triển. Tuy nhiên, EVFTA là hiệp định thương mại tự
do thế hệ mới, yêu cầu cao nên sẽ đặt ra vô vàn thách thức đối với Việt Nam, từ thể chế chính sách,
cho đến phát triển bền vững, môi trường, lao động, sở hữu trí tuệ, cộng đồng doanh nghiệp (DN),
đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).
Từ khóa: Hiệp định thương mại tự do, Việt Nam-Liên minh Châu Âu, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Phân loại ngành: Kinh tế học
Abstract: Vietnam and the European Union officially inked the Vietnam-EU Free Trade
Agreement (EVFTA) on 30 June 2019. The signing will usher in a new pathway for the country's
integration and development. However, the EVFTA is a new-generation free trade agreement,
which is highly demanding and will, therefore, pose a lot of challenges for Vietnam, ranging from
institutional ones and those on policies to those regarding sustainable development, environmental
protection, labour, intellectual property, and the business community, especially small and medium
enterprises.
Keywords: Free trade agreement, Vietnam - the European Union, small and medium enterprises.
Subject classification: Economics
Khoa học xã hội Việt Nam, số 9 - 2019
4
1. Mở đầu
Hiệp định EVFTA là hiệp định thương mại
tự do (FTA) thế hệ mới, được coi là một
trong những hiệp định thương mại toàn
diện và tham vọng nhất mà EU từng ký kết
với một quốc gia đang phát triển. Sau
Singapore, đây là hiệp định thứ hai EU ký
kết trong khu vực ASEAN và được kỳ vọng
sẽ tăng cường mối quan hệ song phương
giữa Việt Nam và EU.
Hiệp định EVFTA tạo điều kiện cho Việt
Nam nói chung, cộng đồng DN, doanh nhân
nói riêng vận hội mới để hội nhập và phát
triển. Doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các
DNNVV sẽ có cơ hội tiếp cận một thị
trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu
người và tổng sản phẩm quốc nội (GDP)
lên tới 15.000 tỷ USD (chiếm 22% GDP
toàn cầu). Ở chiều ngược lại, các doanh
nghiệp xuất khẩu từ EU cũng có nhiều cơ
hội hơn để dễ dàng thâm nhập thị trường
Việt Nam, đồng thời nhanh chóng tiếp cận
thị trường Châu Á. Bài viết nêu những nội
dung cơ bản của EVFTA; phân tích, đánh
giá những tác động của EVFTA đến các
DNNVV Việt Nam trong bối cảnh thực thi
Hiệp định này.
2. Những nội dung cơ bản của EVFTA
Hiệp định gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư
và một số biên bản ghi nhớ. Các lĩnh vực
cam kết chính trong EVFTA [7] bao gồm:
2.1. Thương mại hàng hóa
Thứ nhất, cam kết mở cửa thị trường hàng
hóa của EU. EU cam kết xóa bỏ thuế quan
ngay khi EVFTA có hiệu lực đối với hàng
hóa của Việt Nam thuộc 85,6% số dòng
thuế trong biểu thuế, tương đương 70,3%
kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU.
Sau 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực,
EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với
99,2% số dòng thuế trong biểu thuế, (chiếm
99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam
vào EU). Đối với 0,3% kim ngạch xuất
khẩu còn lại (bao gồm: một số sản phẩm
gạo, ngô ngọt, tỏi, nấm, đường và các sản
phẩm chứa hàm lượng đường cao, tinh bột
sắn, cá ngừ đóng hộp), EU cam kết mở cửa
cho Việt Nam theo hạn ngạch thuế quan
(TRQs) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch
là 0%.
Thứ hai, cam kết mở cửa thị trường hàng
hóa của Việt Nam. Ngay sau khi EVFTA có
hiệu lực, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế
quan cho hàng hóa của EU thuộc 48,5% số
dòng thuế trong biểu thuế, (chiếm 64,5%
kim ngạch xuất khẩu của EU sang Việt
Nam). Sau 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu
lực, Việt Nam cam kết xóa bỏ 91,8% số
dòng thuế trong biểu thuế, (chiếm 97,1%
kim ngạch xuất khẩu của EU sang Việt
Nam). Sau 10 năm kể từ khi EVFTA có
hiệu lực, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ
khoảng 98,3% số dòng thuế trong biểu thuế,
chiếm 99,8% kim ngạch xuất khẩu của EU
sang Việt Nam.
Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn
lại của EU, Việt Nam cam kết dành hạn
ngạch thuế quan như cam kết của Tổ chức
Thương mại Thế giới (WTO), hoặc áp dụng
lộ trình xóa bỏ đặc biệt (như thuốc lá, xăng
dầu, bia, linh kiện ô tô, xe máy).
Thứ ba, cam kết về thuế xuất khẩu. Việt
Nam và EU cam kết không áp dụng bất kỳ
loại thuế, phí xuất khẩu nào trừ các trường
hợp được bảo lưu rõ (theo kết quả cam kết
thì chỉ có Việt Nam có bảo lưu về vấn đề
Ngô Văn Vũ
5
này, EU không có bảo lưu nào). Theo
nguyên tắc này, trừ các trường hợp có bảo
lưu (của Việt Nam), Việt Nam và EU sẽ
không áp dụng loại thuế, phí nào riêng đối
với hàng xuất khẩu mà không áp dụng cho
hàng tiêu thụ nội địa, không áp dụng mức
thuế, phí đối với hàng xuất khẩu cao hơn
mức áp dụng cho hàng tiêu thụ nội địa. Bảo
lưu của Việt Nam về các thuế xuất khẩu
được nêu trong Phụ lục 2d Chương 2
EVFTA, áp dụng đối với hàng hóa xuất
khẩu từ Việt Nam sang EU với các nội
dung chủ yếu: (1) Việt Nam duy trì đánh
thuế xuất khẩu đối với 57 dòng thuế, gồm
các sản phẩm như cát, đá phiến, đá granit,
một số loại quặng và tinh quặng, dầu thô,
than đá, than cốc, vàng... Trong số này, các
dòng thuế hiện nay đang có mức thuế xuất
khẩu cao sẽ được đưa về mức 20% trong
thời gian tối đa là 5 năm (riêng quặng
mănggan sẽ được giảm về 10%); các sản
phẩm còn lại duy trì mức thuế xuất khẩu
hiện hành; (2) Với toàn bộ các sản phẩm
khác, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế xuất
khẩu theo lộ trình tối đa là 15 năm.
Thứ tư, cam kết về hàng rào phi thuế.
Đối với hàng rào kỹ thuật trong thương mại
(TBT): (1) Hai bên thỏa thuận tăng cường
thực hiện các quy tắc của Hiệp định về các
rào cản kỹ thuật đối với thương mại của
WTO (Hiệp định TBT), trong đó Việt Nam
cam kết tăng cường sử dụng các tiêu chuẩn
quốc tế trong ban hành các quy định về
TBT của mình; (2) Hiệp định có 01 Phụ lục
riêng quy định về các hàng rào phi thuế đối
với lĩnh vực ôtô, trong đó Việt Nam cam
kết công nhận toàn bộ chứng nhận phù hợp
về kỹ thuật đối với ôtô của EU theo các
nguyên tắc của Hiệp định UNECE 1958 (hệ
thống tiêu chuẩn Liên Hợp Quốc) sau 5
năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực; (3) Việt
Nam cam kết chấp nhận nhãn “Sản xuất tại
EU” (Made in EU) cho các sản phẩm phi
nông sản (trừ dược phẩm) đồng thời
vẫn chấp nhận nhãn xuất xứ cụ thể ở một
nước EU.
Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm
và kiểm định động thực vật (SPS): Việt
Nam và EU đạt được thỏa thuận về một số
nguyên tắc về SPS nhằm tạo điều kiện cho
hoạt động thương mại đối với các sản phẩm
động vật, thực vật. Đặc biệt, đối với hàng
hóa xuất nhập khẩu với Việt Nam, chủ thể
quản lý phía EU là cơ quan có thẩm quyền
của từng nước thành viên EU cụ thể (nơi
xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa Việt Nam)
chứ không phải là cơ quan chung cấp liên
minh của EU. Ủy ban Châu Âu chỉ chịu
trách nhiệm về phối hợp chung, kiểm
tra/thanh tra hệ thống kiểm soát và hệ thống
pháp luật liên quan của các nước thành viên
nhằm bảo đảm việc áp dụng thống nhất các
tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong toàn
thị trường EU.
Các biện pháp phi thuế quan khác. Hiệp
định cũng bao gồm các cam kết theo hướng
giảm bớt hàng rào thuế quan khác (ví dụ
cam kết về cấp phép xuất khẩu/nhập khẩu,
thủ tục hải quan) nhằm tạo điều kiện cho
hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai bên.
Thứ năm, Phụ lục về dược phẩm. Hiệp
định có một Phụ lục riêng về dược phẩm
(sản phẩm xuất khẩu quan trọng của EU,
chiếm 9% tổng nhập khẩu từ EU và Việt
Nam) trong đó: (1) Hai bên cam kết về một
số biện pháp nhằm tạo thuận lợi cho thương
mại dược phẩm giữa EU và Việt Nam; (2)
Việt Nam cam kết cho phép các doanh
Khoa học xã hội Việt Nam, số 9 - 2019
6
nghiệp đầu tư nước ngoài được nhập khẩu
dược phẩm nhưng không được tham gia bán
buôn hay bán lẻ dược phẩm, và chỉ được
bán lại cho doanh nghiệp được cấp phép
quyền phân phối (bán buôn) dược phẩm ở
Việt Nam; (3) Việt Nam có các cam kết về
việc cho phép nhà thầu EU tham gia các gói
thầu dược phẩm, với một số bảo lưu riêng.
2.2. Thương mại dịch vụ và đầu tư
Cam kết của Việt Nam và EU trong EVFTA
về thương mại dịch vụ và đầu tư hướng tới
việc tạo ra một môi trường đầu tư cởi mở,
thuận lợi cho hoạt động của các doanh
nghiệp hai bên, trong đó: (1) Cam kết của
EU cho Việt Nam cao hơn cam kết của EU
trong WTO và tương đương với mức cao
nhất của EU trong các FTA gần đây của
EU; (2) Cam kết của Việt Nam cho EU cao
hơn cam kết của Việt Nam trong WTO và ít
nhất là ngang bằng với mức mở cửa cao
nhất mà Việt Nam cho các đối tác khác
trong các đàm phán FTA hiện tại của Việt
Nam (bao gồm cả CPTPP).
2.3. Mua sắm của Chính phủ
Hiệp định EVFTA bao gồm các nguyên tắc
về mua sắm của Chính phủ (đấu thầu công)
tương đương với quy định của Hiệp định
mua sắm của Chính phủ của WTO (GPA).
Với một số nghĩa vụ như đấu thầu qua
mạng, thiết lập cổng thông tin điện tử để
đăng tải thông tin đấu thầu, Việt Nam sẽ
thực hiện theo lộ trình; EU cũng cam kết
dành hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để thực
thi các nghĩa vụ này. Việt Nam bảo lưu có
thời hạn quyền dành riêng một tỷ lệ nhất
định giá trị các gói thầu cho nhà thầu, hàng
hóa, dịch vụ và lao động trong nước.
2.4. Sở hữu trí tuệ
Vấn đề sở hữu trí tuệ trong EVFTA gồm
các cam kết về bản quyền, phát minh, sáng
chế, cam kết liên quan tới dược phẩm và chỉ
dẫn địa lý... với mức bảo hộ cao hơn so với
WTO; tuy nhiên các mức này về cơ bản phù
hợp với quy định của pháp luật hiện hành
của Việt Nam.
Về chỉ dẫn địa lý, Việt Nam cam kết bảo
hộ 169 chỉ dẫn địa lý của EU và EU sẽ bảo
hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Các chỉ
dẫn địa lý của Việt Nam đều liên quan tới
nông sản, thực phẩm. Đây là điều kiện để
một số chủng loại nông sản nổi bật của Việt
Nam tiếp cận và khẳng định thương hiệu
của mình tại thị trường EU.
Về dược phẩm, Việt Nam cam kết tăng
cường bảo hộ độc quyền dữ liệu cho các
sản phẩm dược phẩm của EU, và nếu cơ
quan có thẩm quyền chậm trễ trong việc cấp
phép lưu hành dược phẩm thì thời hạn bảo
hộ sáng chế có thể được kéo dài thêm
nhưng không quá 2 năm.
2.5. Doanh nghiệp nhà nước và trợ cấp
Về doanh nghiệp nhà nước (DNNN), hai
bên thống nhất về các nguyên tắc đối với
các DNNN; các nguyên tắc này, cùng với
các nguyên tắc về trợ cấp, hướng tới việc
bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng
giữa các DNNN và doanh nghiệp dân
Ngô Văn Vũ
7
doanh khi các DNNN tham gia vào các hoạt
động thương mại. Đối với các khoản trợ cấp
trong nước sẽ có các quy tắc về minh bạch
và có thủ tục tham vấn.
2.6. Thương mại và Phát triển bền vững
EVFTA bao gồm một chương khá toàn diện
về thương mại và phát triển bền vững, với
những nội dung quan trọng: (1) Cam kết
thực thi hiệu quả các tiêu chuẩn cơ bản của
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), các Công
ước của ILO (không chỉ các Công ước cơ
bản), các Hiệp định Đa phương về Môi
trường mà mỗi bên đã ký kết/gia nhập; (2)
Cam kết gia nhập/ký kết các Công ước cơ
bản của ILO mà mỗi bên chưa tham gia; (3)
Cam kết sẽ không vì mục tiêu thu hút
thương mại và đầu tư mà giảm bớt các yêu
cầu hoặc phương hại tới việc thực thi hiệu
quả các luật về môi trường và lao động
trong nước; (4) Thúc đẩy trách nhiệm xã
hội của doanh nghiệp (CSR), có dẫn chiếu
tới các thông lệ quốc tế về vấn đề này; (5)
Một điều khoản về biến đổi khí hậu và các
cam kết bảo tồn và quản lý bền vững đa
dạng sinh học (bao gồm động thực vật
hoang dã), rừng (bao gồm khai thác gỗ bất
hợp pháp), và đánh bắt cá; (6) Các cơ chế
tăng cường sự tham gia của xã hội dân sự
vào việc thực thi Chương này, cả từ góc độ
nội địa (tham vấn các nhóm tư vấn nội địa)
và song phương (các diễn đàn song
phương); (7) Các điều khoản tăng cường
minh bạch và trách nhiệm giải trình.
2.7. Cơ chế giải quyết tranh chấp
EVFTA thiết lập một cơ chế giải quyết các
tranh chấp có thể phát sinh giữa Việt Nam
và EU trong việc diễn giải và thực thi các
cam kết của Hiệp định. Cơ chế này áp dụng
đối với hầu hết các Chương của Hiệp định
và được đánh giá trong một số mặt là nhanh
và hiệu quả hơn cơ chế giải quyết tranh
chấp trong WTO. Cơ chế này được thiết kế
với tính chất là phương thức giải quyết
tranh chấp cuối cùng, khi các bên không
giải quyết được tranh chấp bằng các hình
thức khác. Cơ chế này bao gồm các quy
trình và thời hạn cố định để giải quyết tranh
chấp, theo đó hai bên trước tiên phải tham
vấn, nếu tham vấn không đạt được kết quả
thì một trong hai bên có thể yêu cầu thiết
lập một ban hội thẩm bao gồm các chuyên
gia pháp lý độc lập. EVFTA cũng dự liệu
một cơ chế khác mềm dẻo hơn: cơ chế
trung gian, để xử lý các vấn đề liên quan tới
các biện pháp có ảnh hưởng tiêu cực đến
đầu tư và thương mại song phương.
Từ những nội dung được nêu trên đây
cho thấy, EVFTA là một trong những FTA
thế hệ mới, với phạm vi cam kết rộng và
mức độ cam kết cao. Việt Nam tham gia
EVFTA được dự kiến có nhiều lợi ích từ
việc tăng trưởng xuất khẩu cũng như quá
trình đa dạng hóa thị trường và mặt hàng
xuất khẩu. Theo các tính toán của các nhà
nghiên cứu, nếu Hiệp định EVFTA được
thực hiện ngay có thể sẽ góp phần làm tổng
sản phẩm quốc dân (GDP) tăng thêm ở mức
bình quân từ 2,18% đến 3,25% cho giai
đoạn từ năm 2019 đến 2023; 4,57% đến
5,30% cho giai đoạn năm 2024 đến 2028 và
từ 7,07% đến 7,72% cho giai đoạn năm
2029 đến 2033. Về phía EU, theo nghiên
cứu của Ủy ban Châu Âu (EC), EVFTA sẽ
làm tăng thu nhập quốc dân của EU trong
dài hạn với mức tăng có thể lên tới 29,5 tỷ
Euro. Ngoài ra, dự kiến xuất khẩu của EU
sang Việt Nam có thể tăng trung bình
Khoa học xã hội Việt Nam, số 9 - 2019
8
khoảng 29% [8]. Đặc biệt, EVFTA mang
lại nhiều lợi ích cho cả DN hai bên và cả
người tiêu dùng. Người dân Việt Nam sẽ có
cơ hội tiếp cận với các sản phẩm chất lượng
cao, giá cả cạnh tranh từ EU. Các sản phẩm
của Việt Nam cũng sẽ có sự bảo hộ vào thị
trường EU.
Hiện nay, cộng đồng DN của Việt Nam,
phần lớn là DNNVV, với số lượng lên tới
hơn 97%. Hạn chế cố hữu của các DNNVV
là năng lực quản trị còn kém, trình độ công
nghệ yếu; quy mô DN nhỏ kể cả về tín
dụng, nguồn lực, đội ngũ nhân lực; công
tác xây dựng thương hiệu, cũng như khả
năng tiếp cận với các thị trường mới là rất
khó khăn. Khi EVFTA đi vào thực thi, cơ
hội và lợi thế mang đến cho DNNVV Việt
Nam được nhìn thấy rõ ràng. Tuy nhiên,
còn rất nhiều khó khăn, thách thức mà
DNNVV Việt Nam phải đối mặt đó là: áp
lực cạnh tranh đang đến một cách cụ thể
cho từng ngành hàng và từng sản phẩm của
từng DN, từng người sản xuất trong nước,
và chắc chắn, DNNVV sẽ phải đối mặt với
nhiều tranh chấp thương mại, đầu tư.
Do vậy, để tận dụng tốt cơ hội từ
EVFTA, vấn đề đặt ra là DNNVV cần tập
trung tìm hiểu, tiếp cận và nắm bắt một
cách toàn diện nội dung hiệp định. Bên
cạnh đó, các DNNVV phải chủ động tiếp
cận những chương trình của Chính phủ để
phối hợp thực thi tốt hiệp định này.
3. Tác động từ EVFTA đối với doanh
nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
3.1. Tác động tích cực
Thứ nhất, về xuất khẩu, hiện tại EU là một
trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất
của Việt Nam, tuy nhiên thị phần hàng hóa
của Việt Nam tại khu vực này còn rất
khiêm tốn, bởi năng lực cạnh tranh của
hàng Việt Nam còn hạn chế (nguyên nhân
làm cho giá cả sản phẩm hàng hóa xuất
khẩu cao là do nguyên liệu chủ yếu được
nhập khẩu; quy mô nhà xưởng, cơ sở vật
chất của DN khá nhỏ không đáp ứng được
đơn hàng EU). Sau khi EVFTA đi vào thực
thi, hàng hóa được xóa bỏ tới trên 99% thuế
quan, các DNNVV sẽ có nhiều cơ hội tăng
khả năng cạnh tranh về giá của hàng hóa
khi xuất khẩu vào EU. Các ngành dự kiến
sẽ được hưởng lợi nhiều nhất là những
ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt
Nam mà hiện EU vẫn đang duy trì thuế
quan cao như dệt may3, giày dép và hàng
nông sản. Thị trường EU chiếm tỷ trọng rất
lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu giày
dép Việt Nam và luôn ở mức hơn 30%.
EVFTA mở ra cơ hội rất lớn cho DNNVV
Việt Nam tham gia thị trường rộng lớn này
và tạo sân chơi bình đẳng giữa DN Việt
Nam và DN của EU. Việc DNNVV Việt
Nam phải cạnh tranh với DN của EU ngay
trên thị trường trong nước là điểm tích cực,
bởi các DNNVV Việt Nam vượt qua được
thách thức này sẽ có sự trưởng thành hơn,
cải thiện năng lực cạnh tranh của mình.
Thứ hai, về nhập khẩu, các DN Việt
Nam cũng sẽ được lợi từ nguồn hàng hóa,
nguyên liệu nhập khẩu với chất lượng tốt và
ổn định với mức giá hợp lý hơn từ EU. Các
DNNVV sẽ có cơ hội được tiếp cận với
nguồn máy móc, thiết bị, công nghệ/kỹ
thuật cao từ các nước EU, qua đó để nâng
cao năng suất và cải thiện chất lượng sản
phẩm của mình. Đặc biệt, ngành da giày,
các DN sẽ nhập được công nghệ giày dép
tốt từ các nước có nền sản xuất giày dép
Ngô Văn Vũ
9
phát triển như Đức, Italia. Đồng thời, nhập
khẩu được nguyên phụ liệu phục vụ cho sản
xuất sản phẩm giày dép ở phân khúc hạng
trung và cao cấp. Trong ngành nông nghiệp,
các DNNVV có thể tiếp cận máy móc thiết
bị phục vụ cho nông nghiệp công nghệ cao,
nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp quy mô
lớn để giúp DN cắt giảm chi phí trong sản
xuất, từ đó gia tăng sức cạnh tranh sản
phẩm hàng hóa.
Thứ ba, về môi trường kinh doanh, với
việc thực thi các cam kết trong EVFTA về
các vấn đề thể chế, chính sách pháp luật sau
đường biên giới, môi trường kinh doanh và
chính sách, pháp luật Việt Nam sẽ có những
thay đổi, cải thiện theo hướng minh bạch
hơn, thuận lợi và phù hợp hơn với thông lệ
quốc tế. Điều này tạo ra sức ép tốt để Việt
Nam cải thiện môi trường kinh doanh và
thể chế kinh tế theo hướng thị trường, tôn
trọng cạnh tranh và quyền tự do cạnh tranh,
bảo hộ hợp lý tài sản của các DNNVV.
3.2. Tác động tiêu cực
Cũng như các FTA thế hệ mới khác,
EVFTA sẽ có những tác động tiêu cực
không nhỏ, đòi hỏi các DNNVV Việt Nam
phải vượt qua để biến nó trở thành những
cơ hội cho phát triển.
Thứ nhất, các yêu cầu về quy tắc xuất
xứ, thương hiệu mà EVFTA đưa ra có thể
khó đáp ứng. Thông thường hàng hóa muốn
được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA
thì nguyên liệu phải đáp ứng được một tỷ lệ
về hàm lượng nội khối nhất định (nguyên
liệu có xuất xứ tại EU và/hoặc Việt Nam).
Đây là một thách thức lớn đối với các
DNNVV Việt Nam bởi nguồn nguyên liệu
cho sản xuất hàng xuất khẩu hiện nay chủ
yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc
ASEAN4.
Trong ngành nông nghiệp, các DNNVV
Việt Nam muốn hưởng ưu đãi thuế khi vào
EU thì phải tuân thủ các quy định nghiêm
ngặt của từng nước về truy xuất nguồn gốc,
sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm, minh
bạch hóa thông tin về lao động. Vì vậy, các
DNNVV Việt Nam cần đặc biệt lưu ý vấn
đề này.
Bên cạnh đó, về vấn đề thương hiệu, các
DNNVV của Việt Nam, đặc biệt là các DN
ngành da giày và may mặc hầu hết làm gia
công nên sản phẩm xuất khẩu chưa mang
thương hiệu của DN Việt Nam. Đây là điểm
nghẽn mà DNNVV Việt Nam đang gặp
phải hiện nay.
Thứ hai, các rào cản như TBT, SPS và
yêu cầu của khách hàng trong khối EU là
một thị trường khó tính. Các yêu cầu bắt
buộc về vệ sinh an toàn thực phẩm, dán
nhãn, môi trường... của EU rất khắt khe và
không dễ đáp ứng. Đạo luật Kiểm soát hóa
chất tồn dư trên sản phẩm (REACH5) đang
là khó khăn nhất đối với DN xuất khẩu vào
EU, nhất là các DN trong ngành thủy sản
còn chịu nhiều rào cản kỹ thuật6 (tiêu chuẩn
chất lượng, quy tắc xuất xứ). Hiện nay chỉ
có một số DN lớn đạt được tiêu chuẩn này.
Vì vậy, trong thời gian tới, để tiếp cận được
EVFTA thì hàng hóa của Việt Nam cũng
phải hoàn thiện rất nhiều về chất lượng để
có thể vượt qua được các rào cản này. Các
DNNVV Việt Nam phải luôn luôn cập nhật
Khoa học xã hội Việt Nam, số 9 - 2019
10
những yêu cầu mới và thực hiện nghiêm
ngặt các tiêu chuẩn nếu không đơn hàng
xuất khẩu vào EU sẽ bị loại.
Thứ ba, nguy cơ về các biện pháp phòng
vệ thương mại. Thông thường khi rào cản
thuế quan không còn là công cụ hữu hiệu để
bảo vệ nữa, DN ở thị trường nhập khẩu có
xu hướng sử dụng nhiều hơn các biện pháp
chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ
để bảo vệ ngành sản xuất nội địa. EU là một
trong những thị trường có “truyền thống”
sử dụng các công cụ này.
Thứ tư, sức ép cạnh tranh từ hàng hóa và
dịch vụ của EU. Thực hiện cam kết mở cửa
thị trường Việt Nam cho hàng hóa, dịch vụ
từ EU đồng nghĩa với việc DNNVV Việt
Nam sẽ phải cạnh tranh khó khăn hơn ngay
tại thị trường nội địa. Theo EVFTA, trong
nông nghiệp, Việt Nam sẽ cắt giảm 24%
nông sản nhập khẩu về 0% ngay năm đầu
và cắt giảm 99% sau 10 năm. Như vậy các
DN ngành hàng gia cầm, chăn nuôi và sản
phẩm từ sữa sẽ chịu áp lực cạnh tranh khốc
liệt. Điều này đòi hỏi các DNNVV Việt
Nam phải nâng cao năng suất vật nuôi,
giảm giá thành sản phẩm chăn nuôi và đảm
bảo các sản phẩm chăn nuôi an toàn dịch
bệnh, an toàn thực phẩm. Đồng thời, các
DN tổ chức ngành chăn nuôi theo chuỗi liên
kết khép kín.
Trên thực tế, đây là một thách thức rất
lớn, bởi các doanh nghiệp EU có lợi thế
hơn hẳn các DNNVV Việt Nam về năng
lực cạnh tranh, kinh nghiệm thị trường cũng
như khả năng tận dụng các FTA. Tuy nhiên,
cam kết mở cửa của Việt Nam là có lộ
trình, đặc biệt đối với những nhóm sản
phẩm nhạy cảm, do đó EVFTA cũng là
cơ hội, sức ép hợp lý để các DNNVV
Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức
kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh
của mình.
4. Kết luận
EVFTA sẽ còn phải trải qua tiến trình xem
xét và phê chuẩn của Quốc hội Việt Nam và
Quốc hội của các nước thành viên EU vào
cuối năm 2019. Do đó, Việt Nam phải tiếp
tục nỗ lực sửa đổi, bổ sung các luật và thực
hiện những công việc liên quan để đạt được
kết quả cuối cùng là đưa EVFTA vào thực
thi. Có thể tin tưởng rằng, với sự vào cuộc
của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là chỉ đạo
rất nhất quán, kịp thời của Đảng, Nhà nước
và Thủ tướng Chính phủ cũng như sự vào
cuộc của các bộ, ngành trong thời gian qua,
EVFTA sẽ nhanh chóng đi đến đích cuối
cùng và cộng đồng DN, đặc biệt là các
DNNVV Việt Nam sẽ đạt được hiệu quả
thực sự mà EVFTA mang lại, góp phần
quan trọng vào quá trình hội nhập để phát
triển nhanh và bền vững đất nước.
Chú thích
3 Dệt may được cho là ngành được hưởng lợi nhiều
nhất khi Hiệp định có hiệu lực, bởi lẽ tiêu chuẩn
xuất xứ, chúng ta chỉ cần xuất xứ từ vải, chứ không
phải từ sợi như cam kết CPTPP, thậm chí Hiệp định
còn cho phép cộng gộp xuất xứ. EU đồng ý chấp
nhận cho Việt Nam cộng gộp xuất xứ (tức là EU đã
ký Hiệp định FTA với Hàn Quốc). Như vậy, Việt
Nam có quyền nhập vải từ Hàn Quốc về làm ra sản
phẩm may mặc hoàn chỉnh tại Việt Nam, sau đó
Ngô Văn Vũ
11
bán sang EU vẫn được hưởng ưu đãi đi vào thị
trường này.
4 Để được hưởng lợi ích hấp dẫn từ EVFTA nên khả
năng gian lận thương mại và làm giả quy tắc xuất xứ
ở một số DNNVV Việt Nam hoàn toàn có thể xảy
ra. Điều này không chỉ gây tổn hại đến một DN làm
sai, mà còn tổn hại đến cả cộng đồng DN (trường
hợp một DN làm giả quy tắc xuất xứ, thì EU có thể
áp đặt gian lận thương mại cho cả ngành có DN
sai phạm).
5 REACH (Registration, Evaluation, Authorisation
and Restriction of Chemicals) là một quy định mới
trong EU về hóa chất và sử dụng an toàn hóa chất,
được ban hành ngày 01/06/2007. Mục đích của quy
định này nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho con
người và môi trường bằng cách áp dụng các phương
pháp đánh giá độ nguy hại của các chất mà không
ảnh hưởng đến lưu thông hóa chất trong thị trường
EU. Trong danh mục bắt buộc khai báo bao gồm tất
cả các sản phẩm thuộc ngành công nghiệp, liên quan
đến hàng tiêu dùng như hóa chất, nhuộm, in, vải sợi,
may mặc, giày dép, đồ chơi, đồ điện tử, vật dụng
trong nhà, đồ gỗ, mỹ phẩm, chất liệu tạo hương
thơm trong nến, sơn... REACH là Quy định pháp
luật của EU áp dụng trong tất cả 28 quốc gia thuộc
EU. Khi áp dụng luật này thì việc xuất khẩu vào các
quốc gia này cũng phải tuân thủ REACH y như các
nước thuộc EU.
6 Thực tiễn quá trình ngành thủy sản Việt Nam nỗ
lực khắc phục để thoát khỏi “thẻ vàng” của Ủy ban
Châu Âu trong năm 2017 và năm 2018 cho thấy,
người tiêu dùng Châu Âu không chỉ quan tâm tới
việc con cá có ngon hay không, mà họ quan tâm đến
việc là con cá có được đánh bắt hợp pháp hay không,
tàu cá có được giám sát đúng quy trình hay không.
Nhìn nhận vấn đề này cho thấy các DNNVV Việt
Nam sẽ phải đối mặt với cuộc cạnh tranh khốc liệt,
đòi hỏi mỗi DN phải nhanh chóng thay đổi và tuân
thủ đúng quy định về khai thác thủy sản theo yêu
cầu của EU đặt ra.
Tài liệu tham khảo
[1] Trần Tuấn Anh (2019), “EVFTA nâng tầm hội
nhập của Việt Nam”, Báo Nhân Dân, số ra
ngày 1/7.
[2] Hoàng Hà (2019), “EVFTA: Mở rộng thị
trường xuất khẩu, giảm thu ngân sách”, Tạp
chí Tài chính doanh nghiệp, số 7.
[3] Bạch Huệ (2019), “Doanh nghiệp đón cơ hội
từ EVFTA”, Thời báo Kinh tế Việt Nam, số ra
ngày 1/7.
[4] Nguyễn Huyền (2019), “CPTPP và EVFTA cú
hích cho ngành thủy sản”, Thời báo Kinh tế
Việt Nam, số ra ngày 18/7.
[5] Vũ Khuê (2019), “EVFTA giúp ngành da giày
tăng trưởng trở lại”, Thời báo Kinh tế Việt
Nam, số ra ngày 24/7.
[6] Chương Phượng (2019), “EVFTA mở ra cơ
hội lớn và đem lại nhiều lợi ích tích cực”, Thời
báo Kinh tế Việt Nam, số ra ngày 1/7.
[7] Trung tâm WTO và hội nhập (2019), Tóm lược
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên
minh Châu Âu (EVFTA), Phòng Thương mại
và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hà Nội.
[8]
VN/news2/Hiep-dinh-EVFTA-va-EVIPA-Co-
hoi-cho-doanh-nghiep-nho-va-vua-0-163-
3974, truy cập ngày 3-7-2019
[9] “TPP: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam”,
truy
cập ngày 15-7-2019.
[10] “TPP: Cơ hội và thách thức đối với doanh
nghiệp vừa và nhỏ”, truy
cập ngày 22-7-2019.
Khoa học xã hội Việt Nam, số 9 - 2019
12
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- hiep_dinh_thuong_mai_tu_do_viet_nam_eu_tac_dong_den_doanh_ng.pdf