Hiệu quả quản lý nhà nước về bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam: Vấn đề và Giải pháp

Với những gì mà chính sách BHTN ở Việt Nam đã đạt được trong hơn 9 năm qua, có thể khẳng định BHTN như một chất xúc tác giúp đảm bảo việc làm bền vững cho NLĐ, từ đó hạn chế thất nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần ổn định vĩ mô nền kinh tế, tạo nên sự phát triển bền vững của quốc gia. Để tiếp tục phát huy giá trị nhân văn sâu sắc của chính sách này, việc nghiên cứu các giải pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả QLNN về BHTN là một vấn đề cần được các cơ quan QLNN về BHTN ở Việt Nam quan tâm, thực hiện

pdf5 trang | Chia sẻ: huongthu9 | Lượt xem: 614 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Hiệu quả quản lý nhà nước về bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam: Vấn đề và Giải pháp, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ISSN 1859-1531 - TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG, SỐ 4(125).2018 1 HIỆU QUẢ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP Ở VIỆT NAM: VẤN ĐỀ VÀ GIẢI PHÁP THE EFFECTIVENESS OF STATE MANAGEMENT OF UNEMPLOYMENT INSURANCE IN VIETNAM: ISSUES AND SOLUTIONS Trương Thị Thu Hiền Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng; hienttt@due.edu.vn Tóm tắt - Tính đến hết năm 2017, sau hơn 9 năm tổ chức thực hiện, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) ở Việt Nam đã thu hút được gần 12 triệu người tham gia (chiếm 21,82% lực lượng lao động cả nước). Giai đoạn 2010 - 2017, đã chi trả trợ cấp thất nghiệp cho 3.621.038 lượt người; đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 4.026.057 lượt người và đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 124.098 lượt người. Nhờ đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam ngày càng trở thành một chính sách quan trọng góp phần ngăn ngừa, khắc phục hậu quả của thất nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, hiệu quả quản lý nhà nước (QLNN) về BHTN vẫn chưa cao. Bài báo bàn về những vấn đề bất cập liên quan đến hiệu quả QLNN về BHTN ở Việt Nam hiện nay và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện. Abstract - By the end of 2017, the unemployment insurance (UI) policy in Vietnam had attracted nearly 12 million people (accounting for 21.82% of the country's labor force). During the period 2010 - 2017, 3,621,038 arrivals of people were paid unemployment allowance; 4,026,057 arrivals of people were given consultation and introduced jobs, and 124.098 arrivals of people received vocational training. As a result, the unemployment insurance policy in Vietnam has become an important policy contributing to preventing and overcoming the consequences of unemployment. However, in practice, the effectiveness of state management of UI remains low. The article discusses the issues related to the effectiveness of state management of UI in Vietnam and proposes some solutions. Từ khóa - trợ cấp thất nghiệp; bảo hiểm thất nghiệp; đào tạo nghề; tư vấn và giới thiệu việc làm; quản lý nhà nước. Key words - unemployment allowance; unemployment insurance; vocational training; consultation and job introduction; state management. 1. Đặt vấn đề Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013 và Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 01/7/2016, được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017 đã quy định chi tiết và cụ thể chế tài xử lý vi phạm pháp luật về BHTN theo hướng đầy đủ và nghiêm khắc. Theo đó, đã tăng mức phạt đối với các hành vi gian lận, không trung thực trong khai báo tình trạng việc làm, cung cấp hồ sơ giả để hưởng các chế độ BHTN; bổ sung hành vi vi phạm và chế tài xử lý khi người sử dụng lao động (NSDLĐ) không thực hiện trách nhiệm khai báo thông tin, khai báo thông tin chậm so với quy định hoặc cung cấp thông tin sai sự thật với cơ quan, tổ chức theo quy định; tăng mức phạt đối với tội: trốn đóng, chậm đóng BHTN cho người lao động (NLĐ); trong đó áp dụng cả các biện pháp xử lý hình sự với mức phạt cao nhất lên đến 10 năm tù. Tuy vậy, tình trạng trục lợi BHTN vẫn còn xảy ra, tình trạng nợ đọng BHTN vẫn còn tồn tại, NLĐ vẫn quan tâm nhiều hơn đến chế độ trợ cấp thất nghiệp làm cho hiệu quả quản lý nhà nước về BHTN chưa cao. 2. Phương pháp nghiên cứu 2.1. Phương pháp thu thập số liệu Bài báo sử dụng số liệu thứ cấp tổng hợp từ báo cáo tình hình thực hiện BHTN hàng năm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội [1], Bảo hiểm xã hội Việt Nam [2]. Bên cạnh đó, bài báo sử dụng số liệu sơ cấp thu thập được từ cuộc khảo sát ý kiến NLĐ về QLNN về BHTN ở Việt Nam, được tác giả tiến hành trực tuyến từ ngày 20/9/2016 đến ngày 20/3/2017 bằng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên phi xác suất với kích thước mẫu được xác định theo công thức Slovin là 400 NLĐ. Ngoài ra, bài báo cũng sử dụng phương pháp phỏng vấn chuyên gia (ông Trần Dũng Hà - Trưởng Phòng Chế độ chính sách, Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh) để củng cố quan điểm của tác giả về những đánh giá và giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả chính sách BHTN trong thời gian đến. 2.2. Phương pháp phân tích số liệu Bài báo sử dụng phương pháp phân tích số liệu bằng phần mềm Excel và SPSS. 3. Kết quả nghiên cứu 3.1. Một số vấn đề đặt ra về hiệu quả quản lý nhà nước về bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam Một là, mức độ chấp hành pháp luật BHTN của NLĐ chưa cao. Việc NLĐ cố tình nghỉ việc, nhảy việc để được hưởng chính sách BHTN là có xảy ra, gây ra sự xáo trộn nhất định đối với thị trường lao động. Một số NLĐ tìm cách thỏa thuận với NSDLĐ để được hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN), không trung thực khi khai báo tình trạng việc làm, gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm soát của cơ quan lao động. Một số NLĐ còn chưa thực hiện đúng trách nhiệm của mình trong việc khai báo tình trạng việc làm trong quá trình thẩm định giải quyết hưởng TCTN, khi các cơ quan chức năng phát hiện NLĐ có việc làm phải tiến hành các thủ tục chấm dứt và thu hồi nên phát sinh thêm khối lượng công việc và thủ tục thu hồi. Hai là, mức độ chấp hành pháp luật BHTN của NSDLĐ cũng chưa cao. Phần lớn NSDLĐ chưa thực hiện trách nhiệm thông báo định kỳ về tình hình biến động lao động cho các cơ quan quản lý theo quy định; tình trạng chậm đóng và nợ đọng BHTN vẫn còn xảy ra thường xuyên, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ khi họ không được chốt sổ bảo hiểm xã 2 Trương Thị Thu Hiền hội để hoàn tất thủ tục hưởng BHTN, gây khó khăn trong quản lý, sử dụng quỹ BHTN. Một số NSDLĐ không nhiệt tình tham gia tập huấn chính sách BHTN khi các cơ quan quản lý tổ chức, do chưa nhận thức được tầm quan trọng của chính sách BHTN cũng như trách nhiệm của đơn vị với quyền lợi của NLĐ, dẫn đến việc thực hiện chính sách BHTN không đúng quy định. Một số NSDLĐ cố tình chây ì, không tiến hành làm các thủ tục chốt sổ cho NLĐ. Riêng về tình trạng nợ đọng BHTN là rất lớn và mang tính thường xuyên. Nợ đọng BHTN là tình trạng xảy ra trong nhiều năm, ở hầu hết các địa phương. Số nợ đọng BHTN của cả nước luôn ở mức cao, có năm lên đến hơn 545 tỷ đồng (năm 2012), bình quân giai đoạn 2010 - 2017, mỗi năm nợ BHTN hơn 300 tỷ đồng (Bảng 1). Bảng 1. Nợ đọng bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2010-2017 Năm 2009 2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 Nợ đọng BHTN (triệu đồng) 43,198 308,476 374,735 545,943 301,877 336,354 311,034 323,160 236,000 Tỷ lệ nợ trên tổng số phải thu BHTN (%) 0,001 5,71 5,55 6,30 2,99 2,85 3,13 2,75 1,74 (Nguồn: Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Mặc dù Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các địa phương có nhiều biện pháp hạn chế (áp dụng lãi phạt chậm nộp, công khai danh sách đơn vị nợ BHTN, đẩy mạnh tuyên truyền, ...) nhưng tình trạng nợ đọng BHTN vẫn xảy ra thường xuyên ở các địa phương, làm quyền lợi của NLĐ có nhiều ảnh hưởng. Ba là, NLĐ quan tâm nhiều nhất đến TCTN - giải pháp tạm thời, trước mắt - thay vì các chế độ hỗ trợ lâu dài khác của BHTN. Trong các chế độ BHTN, chế độ TCTN là giải pháp tạm thời, nhằm mục đích bù đắp một phần thu nhập cho NLĐ bị mất việc làm để họ ổn định cuộc sống; chế độ hỗ trợ học nghề mới là cái gốc của chính sách BHTN, nhằm hỗ trợ lâu dài cho NLĐ, giúp họ giảm thiểu rủi ro bị tái thất nghiệp trong tương lai. Thế nhưng trong thực tế, NLĐ lại quan tâm nhiều hơn đến TCTN. Qua thăm dò ý kiến NLĐ về mức độ quan tâm đến các chế độ BHTN, trong số 217 người hiện đang tham gia BHTN được hỏi “Ông/Bà quan tâm đến chế độ BHTN nào nhất trong các chế độ BHTN hiện nay?”, thì chỉ có 9 người trả lời là quan tâm nhất đến chế độ hỗ trợ học nghề (chiếm 4,1%), trong khi đó có 185 người quan tâm nhất đến chế độ TCTN (chiếm 85,3%). Bốn là, chưa phát huy vai trò chủ đạo của chế độ học nghề - giải pháp lâu dài, căn bản của BHTN. Theo báo cáo của Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ Việc làm [3, tr. 7 - 8], nguyên nhân thất nghiệp của NLĐ nộp hồ sơ hưởng BHTN năm 2017 gồm: do hết hạn hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc do hai bên tự thỏa thuận (chiếm 42,9%); do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc (chiếm 36,2%); do doanh nghiệp, tổ chức giải thể, phá sản, thay đổi cơ cấu (chiếm 4,6%); NLĐ thất nghiệp do bị xử lý kỷ luật, bị sa thải (chiếm 1,6%); do nguyên nhân khác (chiếm 14,7%). Cũng theo báo cáo này, trình độ chuyên môn của NLĐ thất nghiệp nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp như sau: đại học và trên đại học chiếm 11,4%; cao đẳng chiếm 5,1%; trung cấp chiếm 6,9%; sơ cấp nghề và chứng chỉ nghề chiếm 8,4%; lao động phổ thông (không có bằng cấp, chứng chỉ nghề chuyên môn) chiếm 68,2% số người nộp hồ sơ hưởng TCTN. Một số địa phương có tỷ lệ NLĐ thất nghiệp là lao động phổ thông cao như: Đồng Nai (94,7% số người nộp hồ sơ hưởng TCTN); Tây Ninh (90,9%); Trà Vinh (90,5%); Bến Tre (87,7%;) Long An (87,1%); Bình Phước (86,6%); Bình Dương (86,0%). Trong các chế độ BHTN, chế độ học nghề là giải pháp lâu dài, căn bản nhằm giúp NLĐ thất nghiệp nâng cao trình độ, chuyển đổi nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, từ đó giúp họ nhanh chóng có cơ hội việc làm mới, tái gia nhập thị trường lao động. Tuy nhiên, giai đoạn 2010 - 2017, chế độ hỗ trợ học nghề chiếm tỷ lệ thấp nhất trong cơ cấu chi BHTN (Bảng 2) và số NLĐ mất việc làm tham gia BHTN được hỗ trợ học nghề cũng chiếm tỷ lệ rất thấp so với số người được tư vấn, giới thiệu việc làm và số người hưởng TCTN. Bảng 2. Cơ cấu chi BHTN giai đoạn 2010 - 2017 Nội dung chi BHTN Cơ cấu chi BHTN giai đoạn 2010-2017 (%) 2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 Hỗ trợ học nghề 0,05 0,06 0,09 0,12 0,25 0,65 0,83 0,82 TCTN 99,39 95,94 95,32 95,88 5,36 94,93 93,10 94,71 Đóng bảo hiểm y tế 0,45 4,00 4,59 4,00 4,39 4,42 6,07 4,47 Tư vấn, giới thiệu việc làm 0,11 0,00 0,00 0,00 0,00 0,00 0,00 0,00 Chi hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề 0,00 0,00 0,00 0,00 0,00 0,00 0,00 0,00 Tổng cộng 100,00 100,00 100,00 100,00 100,00 100,00 100,00 100,00 (Nguồn: Phân tích của tác giả từ số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, chi cho chế độ hỗ trợ học nghề nhiều nhất vào năm 2016 (chiếm 0,83% tổng chi) nhưng vẫn còn rất hạn chế. Cơ cấu chi năm 2017 cho chế độ hỗ trợ học nghề cũng vẫn chiếm tỷ lệ thấp trong tổng chi (Hình 1). Giai đoạn 2010 - 2017, chỉ có 124.098 người được hỗ trợ học nghề trong tổng số 4.026.057 người được tư vấn, giới thiệu việc làm (chiếm tỷ lệ 3,08%) và 3.621.038 người có quyết định hưởng trợ cấp BHTN hàng tháng (chiếm tỷ lệ 3,43%). Số người được hỗ trợ học nghề này được thống ISSN 1859-1531 - TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG, SỐ 4(125).2018 3 kê trên cơ sở quyết định của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, còn trên thực tế, con số này còn ít hơn, do không phải tất cả các trường hợp có quyết định đều tham gia học. Hình 1. Cơ cấu chi bảo hiểm thất nghiệp năm 2017 (%) (Nguồn: Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Tìm hiểu về công tác đào tạo nghề cho NLĐ mất việc làm từ quỹ BHTN, trong số 63 người đã từng đến làm thủ tục hưởng chế độ BHTN tại các điểm tiếp nhận, có 40 người cho rằng không đáp ứng đúng nhu cầu, nguyện vọng (chiếm tỷ lệ 63,49%), có 46 người cho rằng không đa dạng trong lựa chọn các khóa học nghề (chiếm tỷ lệ 73,02%), có 47 người cho rằng không hỗ trợ tốt cho NLĐ trong thời gian học nghề (chiếm tỷ lệ 74,60%). Đối với chế độ hỗ trợ đào tạo nghề, nội dung hỗ trợ cho NLĐ mất việc làm tham gia đào tạo nghề còn rất hạn chế: NLĐ mất việc làm nếu đăng ký và tham gia học nghề chỉ được hỗ trợ về kinh phí ở một mức nhất định, nếu vượt phần quy định phải chịu nộp phần kinh phí chênh lệch. NLĐ mất việc đã không có thu nhập, lại phải dành thời gian học nghề, chi trả nhiều khoản kinh phí phát sinh (ăn, ở, đi lại, ) trong thời gian học nghề làm cho NLĐ không muốn đăng ký học nghề ngay cả khi có nhu cầu. Năm là, hơn 63,6% NLĐ không cảm thấy hài lòng trong quá trình làm thủ tục hưởng BHTN tại các điểm tiếp nhận/ điểm ủy thác. Kết quả khảo sát NLĐ cho thấy, trong 63/400 người đã từng đến làm thủ tục tại các điểm tiếp nhận, có 6 người trả lời là bị kéo dài thời gian làm thủ tục do lỗi của nhân viên, chiếm tỷ lệ 9,52%. Trong số này có trường hợp chị Loan, nhân viên bán hàng Công ty May mặc An Phước, xin chuyển hưởng chế độ BHTN về Sóc Trăng vì phải về quê chăm chồng ốm. Chị nói: “Trong tờ khai đăng ký thất nghiệp, tôi ghi rõ ràng địa chỉ thường trú, thế mà khi cầm quyết định về đến nơi thì bị sai địa chỉ. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh không chấp nhận giải quyết cho tôi. Sáng giờ tôi phải tốn tiền, tốn công đi xe đò lên làm lại. Mà còn phải chờ họ đi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ký mới lấy về”. Trong 63 người đã từng đến làm thủ tục tại các điểm tiếp nhận BHTN được hỏi, có 29 người trả lời là gặp phải trường hợp nhân viên quá cứng nhắc trong giải quyết công việc, chiếm 46,03%. Tình trạng nhân viên không trả lời thỏa đáng các thắc mắc cũng có xảy ra. Có 30/63 NLĐ đã từng đến làm thủ tục hưởng BHTN tại các điểm tiếp nhận được hỏi trả lời là gặp phải trường hợp nhân viên trả lời không thỏa đáng các thắc mắc, chiếm tỷ lệ 47,62%. Ngoài ra, tình trạng nhân viên có thái độ hách dịch, không cầu thị cũng được 16/63 NLĐ được hỏi phản ánh (chiếm tỷ lệ 25,40%). Mặc dù các trường hợp này xảy ra không nhiều và không thường xuyên nhưng nó có ảnh hưởng nhất định đến sự hài lòng của NLĐ mất việc khi đến làm thủ tục tại các điểm tiếp nhận BHTN. Và thực tế khi 63 NLĐ đã từng đến làm thủ tục tại các điểm tiếp nhận được hỏi về mức độ hài lòng trong quá trình làm thủ tục, chỉ có 3,2% cảm thấy rất hài lòng và 33,3% cảm thấy hài lòng, số còn lại cảm thấy bình thường (41,3%), không hài lòng (17,5%) và rất không hài lòng (4,8%). 3.2. Một số giải pháp Giải pháp 1: Tăng cường chức năng thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại tố cáo của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đối với đơn vị sử dụng lao động chậm đóng, nợ đọng bảo hiểm thất nghiệp và các đơn vị được trao quyền quản lý, tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp. Hiện nay, chế tài xử lý vi phạm pháp luật BHTN đã cơ bản đầy đủ và nghiêm khắc, vấn đề còn lại là ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cần tập trung vào chức năng thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm ngăn ngừa, hạn chế, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về BHTN. Đối tượng mà ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra về BHTN là các đơn vị sử dụng lao động chậm đóng, nợ đọng BHTN để đôn đốc, nhắc nhở họ trong thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước về BHTN, cũng là cách đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ làm việc cho các đơn vị này, cũng đồng thời phù hợp với chủ trương của Chính phủ trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, hạn chế tối đa việc thanh tra, kiểm tra không cần thiết. Một đối tượng khác không kém phần quan trọng mà ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cần phải đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra là các đơn vị được trao quyền quản lý, tổ chức thực hiện BHTN như các trung tâm dịch vụ việc làm cấp tỉnh và các cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp. Việc thanh tra, kiểm tra nhằm ngăn ngừa, phát hiện, hạn chế các sai sót trong nghiệp vụ quản lý, sử dụng quỹ BHTN, trong giải quyết chế độ BHTN, trong xử lý các trường hợp chi không đúng đối tượng phải thu hồi. Giải pháp 2: Giảm tình trạng nợ đọng. Để giảm tình trạng nợ đọng BHTN, cần thực hiện tốt các biện pháp ngăn ngừa như: Từng bước thực hiện, tiến tới ủy thác hoàn toàn cho cơ quan thuế thực hiện việc thu BHTN; Tăng cường công tác tuyên truyền, tăng mức phạt chậm đóng BHTN, phối hợp với cơ quan báo, đài nêu đích danh tên các đơn vị sử dụng lao động có nợ đọng kéo dài hoặc số tiền nợ lớn. Bên cạnh đó, cần tiến hành xử lý đối với các khoản nợ BHTN hiện tại: Đối với các khoản nợ BHTN trong thời gian hai tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện cần cử cán bộ theo dõi, trực tiếp đôn đốc và gửi văn bản đôn đốc; Đối với các khoản nợ BHTN trong thời gian ba tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện cần có văn bản báo cáo với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và Uỷ ban nhân dân cùng cấp; Đối với các khoản nợ BHTN trong thời gian từ 4 đến 6 tháng, Uỷ ban nhân dân cấp huyện cần chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và cơ quan 0.82 94.71 4.47 Hỗ trợ học nghề Trợ cấp thất nghiệp Đóng bảo hiểm y tế Tư vấn, giới thiệu việc làm Chi hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề 4 Trương Thị Thu Hiền bảo hiểm xã hội cùng cấp tiến hành thanh tra, xử lý vi phạm; Đối với các khoản nợ BHTN kéo dài từ 6 tháng trở lên, cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện tiến hành lập danh sách, hồ sơ chuyển Liên đoàn lao động cùng cấp tiến hành khởi kiện ra toà án nhân dân. Ngoài ra, cần phải quy định trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp - nơi xảy ra nợ đọng BHTN lớn và kéo dài. Hiện chế tài xử phạt đã có, tương đối nghiêm khắc và đầy đủ; chức năng thanh tra nợ đọng BHTN cũng đã được giao cho cơ quan bảo hiểm xã hội, việc còn lại phụ thuộc nhiều vào trách nhiệm, cách thức triển khai, tổ chức thực hiện của ngành Bảo hiểm xã hội các cấp. Giải pháp 3: Tăng sự hỗ trợ cho người lao động đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp. + Bổ sung chế độ hỗ trợ mới: Cho vay ưu đãi từ quỹ BHTN: Trong 4 chế độ BHTN hiện hành, NLĐ khi mất việc đã bước đầu có sự hỗ trợ về tài chính, trong số đó có một phần được đào tạo nghề nhưng rất ít, số lao động được hỗ trợ từ quỹ BHTN tái gia nhập thị trường lao động là có nhưng chưa được thống kê cụ thể. Nhiều người trong số họ quay về tự làm ăn buôn bán, kiếm kế sinh nhai. Thực tế kết dư quỹ BHTN hiện rất lớn (trên 8.000 tỷ đồng (năm 2010), 31.869,9 tỷ đồng (năm 2013), 41.558 tỷ đồng (năm 2014), 56.486 tỷ đồng (năm 2016)) và tổng chi BHTN hàng năm thấp hơn nhiều so với tổng thu BHTN (Hình 4). Hình 4. Tỷ lệ chi BHTN so với tổng thu BHTN giai đoạn 2010-2017 (Nguồn: Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Do đó, để tạo điều kiện hơn nữa cho NLĐ mất việc làm, cần có sự hỗ trợ về tài chính thông qua việc cho vay vốn từ nguồn quỹ BHTN còn kết dư đối với những NLĐ mất việc thực sự cần vốn để tự sản xuất, kinh doanh - đó cũng là cách tạo việc làm cho NLĐ để giảm gánh nặng thất nghiệp. Vì vậy, bên cạnh 4 chế độ BHTN hiện hành, cần nghiên cứu áp dụng thêm chế độ cho vay ưu đãi từ quỹ BHTN. + Tăng mức hỗ trợ đối với chế độ hỗ trợ học nghề: Cần có hỗ trợ nhiều hơn cho NLĐ đang hưởng BHTN tham gia học nghề như hỗ trợ một phần chi phí ăn ở, sinh hoạt phí ... để họ yên tâm tham gia khóa học. + Bổ sung chế độ hỗ trợ đột xuất trong các trường hợp gặp rủi ro: Cần có hỗ trợ đột xuất cho NLĐ đang hưởng BHTN trong các trường hợp rủi ro (bị tai nạn, bị suy giảm khả năng lao động trong quá trình hưởng BHTN), không thể tái tham gia thị trường lao động. Giải pháp 4: Nâng cao năng lực hệ thống đào tạo nghề ở địa phương. Để chế độ đào tạo nghề thu hút được sự quan tâm của NLĐ thất nghiệp, vấn đề quan trọng nhất là làm thế nào để các ngành nghề đào tạo thực sự phù hợp với nhu cầu của NLĐ thất nghiệp, phải hướng đến nhu cầu thực sự của họ để cung cấp các khóa đào tạo nghề phù hợp, chứ không phải chỉ đào tạo những gì là thế mạnh của các cơ sở đào tạo nghề; đồng thời phải nắm bắt nhu cầu của xã hội thông qua NSDLĐ để đi tắt, đón đầu, hướng NLĐ thất nghiệp vào các ngành nghề mà xã hội cần. Để làm được việc này, các cơ sở đào tạo nghề cần làm tốt hai hoạt động chính: nắm bắt nhu cầu và tổ chức các hoạt động phù hợp với nhu cầu. Nói cách khác, các cơ sở đào tạo nghề ở địa phương phải nâng cao năng lực nắm bắt nhu cầu, tổ chức đa dạng các ngành nghề đào tạo, đi tắt đón đầu xu hướng của xã hội để thiết kế các khóa đào tạo nghề phù hợp. Để làm được những việc này, các địa phương cần tiến hành rà soát, sắp xếp mạng lưới dạy nghề trên địa bàn theo các tiêu chí: kết quả tuyển sinh, thực trạng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề, hiệu quả đào tạo, hiệu suất sử dụng cơ sở vật chất thiết bị đã được đầu tư. Cần xây dựng phương án chuyển giao, sáp nhập, giải thể các cơ sở đào tạo nghề công lập hoạt động không hiệu quả, đồng thời, tập trung chỉ đạo các cơ sở dạy nghề đang hoạt động tốt, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động dạy nghề gắn với tích cực triển khai thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ. Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, phê duyệt chương trình đào tạo, mở mã ngành phải dựa trên cơ sở nhu cầu của xã hội, của NLĐ thất nghiệp là chính, bên cạnh các điều kiện khác về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên, ... Cần khuyến khích mở các ngành nghề đào tạo mới, đa dạng; thu hút khu vực tư tham gia vào hoạt động đào tạo nghề, đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo nghề. Vấn đề quan trọng khác là cần chỉ đạo tổ chức nghiên cứu nhu cầu của thị trường lao động ở địa phương để có cơ sở xây dựng danh mục ngành nghề đào tạo phù hợp, từ đó mạnh dạn bổ sung, thay thế các ngành nghề đào tạo trong danh mục ngành nghề hiện có sao cho vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, vừa đáp ứng khả năng của NLĐ thất nghiệp. Cần thực hiện tốt việc điều tra, khảo sát thông tin thị trường lao động hàng quý, hàng năm; đầu tư nâng cấp và duy trì hoạt động thường xuyên hoạt động của sàn giao dịch việc làm - cầu nối giữa doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề và NLĐ; định kỳ tổ chức điều tra cung - cầu lao động trên địa 10.17 16.69 30.53 38.74 38.33 49.13 49.14 59.16 0% 20% 40% 60% 80% 100% 2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 Thu BHTN (%) Tỷ lệ chi BHTN so với tổng thu (%) ISSN 1859-1531 - TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG, SỐ 4(125).2018 5 bàn để làm cơ sở xây dựng các kế hoạch đào tạo nghề. Ngoài ra, cần quan tâm tháo gỡ những khó khăn cho các cơ sở đào tạo nghề trong quá trình tổ chức hoạt động đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp (về thủ tục chi trả kinh phí, đơn giản hóa các quy trình thủ tục, ). Giải pháp 5: Nâng cao chất lượng tiếp nhận, giải quyết chế độ của trung tâm dịch vụ việc làm cấp tỉnh. + Trung tâm dịch vụ việc làm cấp tỉnh cần tiến hành xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận thuộc trung tâm (bộ phận đào tạo nghề, bộ phận tư vấn, giới thiệu việc làm, bộ phận tiếp nhận BHTN) để có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ trong các khâu tiếp nhận, giải quyết BHTN, hướng dẫn, giải thích, giải quyết thắc mắc cho NLĐ. Đồng thời, thành lập bộ phận kiểm soát nội bộ để kiểm soát thường xuyên các khâu của quy trình tiếp nhận, giải quyết BHTN để hạn chế sai sót. + Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần cho phép các địa phương chủ động trong bố trí các điểm tiếp nhận để thuận tiện cho NLĐ trong quá trình liên hệ giải quyết chế độ. + Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và ngành Bảo hiểm xã hội cần thống nhất chủ trương tăng cường các hoạt động giao dịch gián tiếp (trực tuyến hoặc qua bưu điện) trong các khâu của quy trình: nộp hồ sơ, chốt sổ bảo hiểm xã hội, cung cấp thông tin hưởng TCTN, cung cấp thông tin tìm kiếm việc làm, ... để thuận tiện hơn cho NLĐ thất nghiệp. + Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần khảo sát và tiến hành giao định biên lao động thực hiện BHTN theo khối lượng công việc tiếp nhận ở các trung tâm dịch vụ việc làm. + Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm theo hướng hiện đại để tiến hành kết nối thông tin thị trường lao động ở các địa phương, doanh nghiệp, các điểm tiếp nhận/ủy thác với sàn giao dịch việc làm. + Chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ tiếp nhận, giải quyết chế độ BHTN tại các trung tâm dịch vụ việc làm, từ phẩm chất, đạo đức, năng lực, trình độ, thái độ, tác phong. + Đầu tư kinh phí cho trung tâm dịch vụ việc làm cho hoạt động kết nối cung - cầu lao động, nắm bắt nhu cầu xã hội và NLĐ thất nghiệp để nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm: Tiếp tục phát huy hiệu quả của các sàn giao dịch việc làm cố định và lưu động; tăng cường mối quan hệ gắn kết với NSDLĐ trong việc cung cấp thông tin tuyển dụng cho trung tâm dịch vụ việc làm; Phát huy hiệu quả của website trung tâm dịch vụ việc làm hiện có theo hướng ngày càng tăng tính tương tác giữa NLĐ, NSDLĐ và lãnh đạo, các đơn vị thuộc trung tâm, sử dụng đa dạng các hình thức tư vấn, kể cả tư vấn trực tuyến; tiếp tục phát huy tính chủ động của NLĐ thất nghiệp thông qua việc cung cấp rộng rãi thông tin việc làm của NSDLĐ; Có sự linh hoạt về hướng tư vấn nghề nghiệp sao cho vừa phù hợp với khả năng, nhu cầu của NLĐ, vừa đảm bảo nhu cầu của thị trường lao động. 4. Kết luận Với những gì mà chính sách BHTN ở Việt Nam đã đạt được trong hơn 9 năm qua, có thể khẳng định BHTN như một chất xúc tác giúp đảm bảo việc làm bền vững cho NLĐ, từ đó hạn chế thất nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần ổn định vĩ mô nền kinh tế, tạo nên sự phát triển bền vững của quốc gia. Để tiếp tục phát huy giá trị nhân văn sâu sắc của chính sách này, việc nghiên cứu các giải pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả QLNN về BHTN là một vấn đề cần được các cơ quan QLNN về BHTN ở Việt Nam quan tâm, thực hiện. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Báo cáo hàng năm về tình hình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam. [2] Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Báo cáo hàng năm về tình hình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam. [3] Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm, Báo cáo tình hình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp trên toàn quốc năm 2017, 2018. [4] Quốc hội, Luật Việc làm, 2013. [5] Phiếu khảo sát trực tuyến 400 người lao động do tác giả thực hiện, https://docs.google.com/a/due.edu.vn/forms/d/e/1FAIpQLScW9w X_O_1SzBd2jMZ8Kedq4PArduh7LjqB2i7FFviNeKi3Ag/viewfor m?c=0&w=1 [6] Kết quả khảo sát trực tuyến 400 người lao động do tác giả thực hiện, https://docs.google.com/spreadsheets/d/1H- 3ovsuBaRg5w0_wudNp2ENKLFgS- WAbVM69RMZywlw/edit#gid=36559004 (BBT nhận bài: 03/4/2018, hoàn tất thủ tục phản biện: 26/4/2018)

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfhieu_qua_quan_ly_nha_nuoc_ve_bao_hiem_that_nghiep_o_viet_nam.pdf
Tài liệu liên quan