Hợp tác Việt Nam - Campuchia trong tiểu vùng sông Mêkong mở rộng

Tóm lại, chương trình Hợp tác phát triển Tiểu vùng sông Mêkong mở rộng (GMS) tạo ra động lực thúc đẩy sự phát triển của toàn khu vực, trong đó có sáu nước thành viên tham gia. Đứng trước tình hình hiện nay, Việt Nam và Campuchia cần tích cực hơn nữa trong quá trình xây dựng chương trình hành động cụ thể, góp phần cùng các nước đưa Hợp tác Tiểu vùng trở thành một điểm đến lý tưởng cho toàn khu vực. Bên cạnh đó, hai nước cần hợp tác chặt chẽ nhằm phát huy những thế mạnh sẵn có, đồng thời hạn chế tối đa những tác động tiêu cực, cùng nhau và cùng các nước tiểu vùng phát triển phồn thịnh.

pdf7 trang | Chia sẻ: hachi492 | Lượt xem: 370 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Hợp tác Việt Nam - Campuchia trong tiểu vùng sông Mêkong mở rộng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
UED JOURNAL OF SOCIAL SCIENCES, HUMANITIES AND EDUCATION VOL.3, NO.3 (2013) 47 HỢP TÁC VIỆT NAM - CAMPUCHIA TRONG TIỂU VÙNG SÔNG MÊKONG MỞ RỘNG VIETNAM - CAMBODIA COOPERATION IN GREATER MEKONG SUBREGION Trần Xuân Hiệp Trường Đại học Duy Tân TÓM TẮT Việt Nam và Campuchia là hai quốc gia có những nét tương đồng về lịch sử, văn hóa và xã hội, đồng thời cùng là thành viên của nhiều tổ chức khu vực như ASEAN, Diễn đàn an ninh khu vực (ARF), Tổ chức Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyarwady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS), Chương trình hợp tác phát triển Tiểu vùng sông Mêkong mở rộng (GMS), Tam giác phát triển Việt Nam - Campuchia - Lào. Trong đó, Chương trình hợp tác phát triển Tiểu vùng sông Mêkong mở rộng (GMS) mà cả hai nước cùng tham gia hiện nay đã và đang mang lại hiệu quả rất lớn, góp phần đưa lại lợi ích cho mỗi nước cũng như mở rộng mối quan hệ hợp tác của hai quốc gia với các nước trong khu vực và quốc tế. Khuôn khổ bài viết chỉ đề cập đến một số vấn đề liên quan đến hợp tác Việt Nam - Campuchia trong GMS và bước đầu đưa ra những kết luận mang tính gợi mở. Từ khóa: Việt Nam; Campuchia; GMS; quan hệ. ABSTRACT Vietnam and Cambodia are two countries having similarities in history, culture and society and are also members of regional organizations such as ASEAN, ARF, ACMECS, GMS, the Vietnam Development Triangle - Cambodia - Laos. In particular, the program of Development Cooperation Greater Mekong Subregion (GMS) in which both countries are now involved are bringing enormous efficiency and benefits of each country as well as expanding cooperative relationship between two countries with other countries and international. The article mentions a number of issues relating to Vietnam - Cambodia cooperation in the GMS and initially making suggestive conclusions. Keywords: Vietnam; Cambodia; GMS; relationship. 1. Vai trò của GMS trong quá trình hội nhập và phát triển Chương trình hợp tác phát triển Tiểu vùng sông Mêkong mở rộng (GMS) ra đời từ năm 1992 thông qua sáng kiến của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tính đến nay vừa tròn 20 năm tuổi. Trong khoảng thời gian đó, Hợp tác Tiểu vùng sông Mêkong từ một tổ chức bao gồm những nước nằm trong lưu vực sông Mêkong là Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Mianma và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã từng bước được mở rộng thêm với việc đưa tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc vào Chương trình hợp tác. Ngay từ khi mới hình thành, chương trình Hợp tác Tiểu vùng sông Mêkong đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng quốc tế và các quốc gia, vùng lãnh thổ, nhất là thu hút được sự chú ý của nhiều quốc gia trong khu vực. Chương trình hợp tác GMS với mục tiêu ưu tiên là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân lưu vực sông Mêkong và góp phần hiện thực hóa định hướng gắn kết các thành viên hướng đến tương lai với “Tầm nhìn 3C” (Connectivity, Competitiveness, Community), viết tắt tiếng Anh của ba chữ: kết nối (Connectivity), cạnh tranh (Competitiveness) và cộng đồng (Community). Thông qua kết nối hạ tầng, tạo thuận lợi tiếp cận nguồn tài nguyên, đất đai, nhân lực, qua đó gia tăng tính cạnh tranh, thúc đẩy kinh tế phát triển, tăng cường giao lưu hợp tác tạo ra không khí hài hòa và bền vững giữa kinh tế, môi trường và xã hội dựa trên đặc trưng của mỗi nước. Trong bối cảnh hội nhập và phát triển như hiện nay, GMS ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí; một mặt góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các nước TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI, NHÂN VĂN VÀ GIÁO DỤC TẬP 3, SỐ 3 (2013) 48 tham gia chương trình hợp tác, mặt khác tạo cơ sở quan trọng cho các nước hỗ trợ nhau để cùng khai thác các tiềm năng, thế mạnh to lớn của dòng sông Mêkong, đồng thời giúp các nước thành viên hội nhập sâu rộng vào đời sống khu vực và quốc tế trong thời kỳ mới. Có thể xem xét vai trò của Chương trình hợp tác phát triển Tiểu vùng Mêkong mở rộng (GMS) trên mấy điểm chính: Thứ nhất, xét về mặt kinh tế, sông Mêkong dài 4.880km bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng đi qua lãnh thổ sáu nước (Trung Quốc, Mianma, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam) là một trong những dòng sông lớn của thế giới, nơi đây tập trung nhiều nguồn lợi lớn về các loài thủy sản với hơn 1.300 loài, có thể cung cấp cho khoảng 6 triệu cư dân trong vùng. Không chỉ vậy, nguồn nước do sông Mêkong mang lại hết sức quý giá phục vụ tưới tiêu cho hàng ngàn hecta cây trồng, trong đó chủ yếu là cây lúa. Bên cạnh đó, mỗi năm lượng phù sa do sông Mêkong mang lại đã bồi thêm cho sự màu mỡ cho những vùng đất ven sông và thau chua, rửa mặn cho vùng đất hạ lưu. Đây còn là nơi có lợi thế rất lớn để phát triển ngành công nghiệp không khói như du lịch sinh thái, giao thông vận tải bằng đường sông và đặc biệt là tiềm năng thủy điện dồi dào đủ cung cấp cho các nước thành viên và xuất khẩu. Ngoài ra, trong mấy năm trở lại đây, cùng với nỗ lực của các nước thành viên trong chương trình hợp tác kết hợp với sự hỗ trợ của các tổ chức tài chính và các quốc gia như Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đã giúp chương trình hợp tác hoạt động có hiệu quả, đưa lại nhiều lợi ích cho các bên, biến khu vực này thành điểm đến đầy hấp dẫn của các nhà đầu tư. Đặc biệt, GMS ra đời và hoạt động có hiệu quả sẽ tạo thuận lợi mới cho sự phát triển kinh tế của các nước thành viên, đồng thời GMS tạo ra sự tùy thuộc lẫn nhau, đan xen lợi ích kinh tế giữa các nước trong vùng, nhất là tiến tới cân bằng và rút ngắn khoảng chênh lệch nền kinh tế giữa các nước thành viên GMS và cả khu vực ASEAN. Mặt khác, GMS thúc đẩy khả năng các thành viên tham gia tích cực trao đổi, chuyển giao khoa học công nghệ, hỗ trợ khai thác các tiềm năng mỗi nước và lợi thế so sánh trong vùng. Đây cũng chính là một trong những yếu tố hàng đầu hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, góp phần khẳng định uy tín ngày càng lớn của chương trình hợp tác GMS. Thứ hai, vấn đề an ninh chính trị, quốc phòng trong chương trình hợp tác Tiểu vùng sông Mêkong (GMS) rất được chú ý, nhất là trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế hiện nay. Có thể khẳng định tầm quan trọng của ổn định nền chính trị, đảm bảo an ninh biên giới, thực hiện quan hệ hợp tác cùng có lợi giữa sáu nước thuộc Tiểu vùng sông Mêkong mở rộng ngày càng có ý nghĩa, đặc biệt là tại các khu vực nghèo nàn, kém phát triển của các nước thuộc GMS. Bởi lẽ có đảm bảo được an ninh - chính trị thì việc phát triển kinh tế của mỗi nước nói riêng và hợp tác kinh tế - xã hội giữa các quốc gia mới được thông suốt. Vì thế, chương trình hợp tác Tiểu vùng sông Mêkong không chỉ nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho sự phát triển kinh tế mỗi nước mà còn đảm bảo vững chắc nền hòa bình, an ninh tại khu vực và trong toàn bộ tiểu vùng. Vì các dự án phát triển tiểu vùng đang ngày càng mang lại kết quả tốt đẹp, nhất là nâng cao đời sống của hàng triệu người dân khu vực ven sông, tăng cường an sinh xã hội và phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, đưa nền kinh tế toàn vùng đi lên. Trên cơ sở đó, người dân dọc khu vực sông Mêkong thêm phấn khởi, tin tưởng và chung sống cùng nhau, góp phần gìn giữ an ninh, ổn định chính trị và hợp tác quốc tế. Thứ ba, về quan hệ quốc tế, GMS đã và đang thu hút được sự chú ý của rất nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế. Hiện nay, quá trình xâm nhập, đầu tư và phối hợp tài trợ nhằm hỗ trợ trực tiếp cho chương trình hợp tác Tiểu vùng ngày càng lớn, đi đầu phải kể đến các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, các tổ chức như Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Cụ thể, trong vòng 10 năm (1997 - 2007), Ngân UED JOURNAL OF SOCIAL SCIENCES, HUMANITIES AND EDUCATION VOL.3, NO.3 (2013) 49 hàng phát triển Châu Á đã hỗ trợ 2,1 tỉ USD tiền vốn và 3,1 tỉ USD chi phí xây dựng hạ tầng ở khu vực này. Ngoài viện trợ của Ngân hàng phát triển châu Á, đóng góp của chính phủ các nước cũng rất lớn. Chẳng hạn, Chính phủ Trung Quốc cung cấp cho Lào viện trợ không hoàn lại trị giá 240 triệu NDT để xây dựng 1/3 tuyến đường cao tốc Côn Minh - Băng Cốc trên lãnh thổ Lào, Hàn Quốc tài trợ 872.000 USD cho một dự án chống lũ trong 3 năm từ đầu năm 1999 đến cuối năm 2001 cho 2 nước Việt Nam và Campuchia, kể cả chống lũ ngắn hạn và dài hạn. Năm 2008, Nhật Bản quyết định viện trợ không hoàn lại 20 triệu USD cho năm nước thành viên ASEAN trong Tiểu vùng Mêkong để xây dựng mạng lưu thông hành lang Đông - Tây dài 1.450km nối liền bốn nước Việt Nam - Lào - Campuchia - Mianma và Hành lang Đông - Tây 2 dài 1000km nối Thái Lan với Campuchia để nối liền mạch máu kinh tế nội địa ASEN [1]. Chứng minh cho những thành công bước đầu của hợp tác GMS là sự tiến triển rõ rệt của nền kinh tế của cả khu vực, tăng trưởng bình quân đã vượt mức 6%/năm, tổng kim ngạch mậu dịch trong vùng tăng 11 lần từ 2,4 tỉ USD năm 1992 tăng lên đến 27 tỉ USD năm 2004 [2]. Đây chính là những dấu hiệu tích cực về một tương lai phát triển không ngừng mở rộng của GMS, không chỉ có ý nghĩa lớn đối với mỗi quốc gia thành viên mà còn là điểm gắn kết nhiều quốc gia trên thế giới. 2. Hợp tác Việt Nam - Campuchia trong các diễn đàn Hội nghị GMS Hợp tác trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam và Campuchia là hai nước nằm ở vùng hạ lưu sông Mêkong, do đó lợi ích cũng như những khó khăn thách thức mà sông Mêkong mang lại là rất lớn. Trong quá trình hội nhập và phát triển, cả hai nước đều tích cực tham gia vào tổ chức GMS với nhiều kỳ vọng về một chương trình hợp tác “nhiều quốc gia - một điểm đến”, vì lợi ích phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước và góp phần vào hòa bình, ổn định trong khu vực. Trước hết, hợp tác Việt Nam - Campuchia phải kể đến trong GMS, đó là việc liên kết đa phương và song phương trong các dự án phát triển các hành lang kinh tế, nhất là ba hành lang kinh tế lớn hiện nay: Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC), Hành lang kinh tế Bắc - Nam (NSEC) và Hành lang kinh tế phía Nam (SEC). Mỗi hành lang kinh tế giữ một vai trò, vị trí riêng song đều tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế của mỗi nước cũng như tăng cường gắn kết giữa các quốc gia trong khu vực. Việt Nam và Campuchia là hai nước được hưởng lợi rất lớn từ các dự án có quy mô lớn của các hành lang kinh tế, nhất là nối liền huyết mạch các con đường kinh tế, dân sinh, quốc phòng giữa hai nước với các nước trong tiểu vùng. Cụ thể, Việt Nam và Campuchia đã tích cực phối hợp tham gia cùng Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Myanmar xây dựng các tuyến đường giao thông, cụ thể đó là các trục quốc lộ 78 của Campuchia và 18B, 16 của Lào qua các quốc lộ 14, 19, 24, 49 của Việt Nam nối toàn bộ khu vực này với cảng biển của Việt Nam, trong đó có quốc lộ 14B, nối từ quốc lộ 14 ra cảng Tiên Sa, Đà Nẵng (Việt Nam), trùng với đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 19 xuất phát từ biên giới Campuchia - Việt Nam dài 247km mà hiện đang là trục đường tốt nhất từ Tây Nguyên ra các cảng biển miền Trung [3]. Ngoài ra, hai nước còn tích cực hợp tác với các nước khác để xây dựng các trục đường chính nối liền khu vực, như các trục quốc lộ 7 của Campuchia và 13 của Lào nối khu vực này với Phnompenh và Viêng Chăn, dự án phát triển đường bộ và đường sắt nối liền Thái Lan - Campuchia - Việt Nam, đồng thời mở rộng và xây dựng các con đường như quốc lộ 78 nối với quốc lộ 19 ra cảng Quy Nhơn; quốc lộ 25 ra cảng Vũng Rô; quốc lộ 18B nối với quốc lộ 40, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 14B, quốc lộ 24 ra cảng Đà Nẵng và Dung Quất. Như vậy, việc nối liền các trục đường chính ra các cảng biển của Việt Nam đã thực sự tạo ra thuận lợi lớn để các nước đẩy mạnh giao lưu trao đổi và xuất khẩu hàng hóa sang các nước thành viên cũng như các nước ngoài khu vực thông qua các cảng biển TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI, NHÂN VĂN VÀ GIÁO DỤC TẬP 3, SỐ 3 (2013) 50 miền Trung Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam và Campuchia cũng đầu tư xây dựng và nâng cấp các khu kinh tế cửa khẩu như Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y – Ngọc Hồi, cửa khẩu Đức Cơ tạo điều kiện thuận lợi cho việc quá cảnh hàng hóa giữa hai nước, khai thác hiệu quả các tiềm năng thương mại, du lịch, phát triển các khu công nghiệp, dịch vụ, giải trí nhằm nâng cao đời sống nhân dân vùng bên giới và bảo vệ an ninh chính trị khu vực. Đặc biệt, việc xây dựng các trục giao thông lớn như trên cũng góp phần thúc đẩy quá trình phát triển của các mạng lưới đường nông thôn, đường dân sinh nối liền các trung tâm kinh tế, văn hóa trong vùng Tam giác phát triển; hình thành cầu nối giữa hành lang kinh tế phía Nam với hành lang kinh tế Đông - Tây. Đồng thời, để phối hợp hiệu quả trong các dự án, Việt Nam và Campuchia đã phối hợp và tham gia nhiều Nhóm công tác Tiểu vùng được thành lập như Nhóm công tác Đầu tư Tiểu vùng, Nhóm công tác về nông nghiệp, về Phát triển nguồn nhân lực, về Môi trường, về Du lịch, về Thuận lợi hóa Thương mại Tiểu vùng, Diễn đàn Viễn thông Tiểu khu vực, Diễn đàn giao thông vận tải Tiểu khu vực. Đây là những Nhóm công tác mang tính chuyên biệt mà các nước thành viên đều tham gia, thông qua đó, Việt Nam và Campuchia đã trao đổi hỗ trợ thúc đẩy các dự án liên quan đến Tiểu vùng. Đặc biệt là khuyến khích đầu tư, hoạt động của Diễn đàn doanh nghiệp GMS (GMS-BF), cải thiện hệ thống viễn thông cung cấp dịch vụ kết nối, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân vào đầu tư kinh doanh trong tiểu vùng. Bên cạnh đó, để hiện thực hóa Hành lang kinh tế trong GMS, Việt Nam và Campuchia đã chủ động tham gia vào các dự án vận tải và thuận lợi hóa thương mại qua biên giới. Cụ thể, hai bên đã tham gia vào các dự án trọng điểm như Hiệp định vận tải xuyên biên giới GMS, xây dựng Chiến lược hoạt động về Thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, Hiệp định Liên chính phủ về trao đổi năng lượng khu vực những hoạt động này không chỉ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các nước tiểu vùng mà còn đẩy mạnh quá trình kết nối tiểu khu vực và liên khu vực. Vì vậy, mặc dù hành lang kinh tế Đông - Tây không chạy qua lãnh thổ Campuchia song nước này lại được hưởng lợi rất nhiều từ các dự án phát triển Hành lang kinh tế Đông - Tây và thúc đẩy quan hệ giao lưu Việt Nam - Campuchia với các nước trong khu vực. Hợp tác trong bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái Việt Nam và Campuchia là hai nước nằm ở vùng hạ lưu, những lợi ích sông Mêkong mang lại là rất lớn song khó khăn thách thức do ảnh hưởng của dòng chảy không hề nhỏ, vì vậy cả hai nước cần phải có những cơ chế hợp tác đa phương lẫn song phương để phát huy lợi thế đồng thời hạn chế những tiêu cực do thiên nhiên mang lại. Hiện nay, với những biến đổi phức tạp của khí hậu toàn cầu, tình trạng dòng chảy của sông Mêkong diến biến ngày càng thất thường, hạn hán và lũ lụt xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn so với các năm trước đó. Mặt khác, sự gia tăng các hoạt động khai thác trên lưu vực sông Mêkong của cư dân vùng ven đã làm cho tình hình nguồn nước thêm phức tạp, nhất là việc sử dụng và tận dụng nguồn tài nguyên của các quốc gia vùng thượng nguồn như Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan đã gây ra nhiều hậu quả xấu, ảnh hưởng không nhỏ đến các nước nằm ở khu vực hạ lưu là Việt Nam và Campuchia. Để hạn chế những vấn đề trên, Việt Nam và Campuchia đã và đang làm hết sức mình nhằm bảo vệ những lợi ích chính đáng của mình, đặc biệt là tăng cường cơ chế hợp tác với các nước trong GMS song song với việc thúc đẩy quan hệ song phương trong giải quyết vấn đề liên quan. Ngay từ năm 1992, Việt Nam và Campuchia đã tích cực ủng hộ sáng kiến về một khu vực chung và trở thành thành viên đầy đủ của chương trình hợp tác Tiểu vùng sông Mêkong mở rộng (GMS) do Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cùng các nước Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan sáng lập. Hiện nay, Việt Nam và Campuchia cũng đang tham gia tích cực tham gia vào Ủy hội sông Mêkong (MRC), đóng góp ý kiến và tham gia hiện thực UED JOURNAL OF SOCIAL SCIENCES, HUMANITIES AND EDUCATION VOL.3, NO.3 (2013) 51 hóa Hiệp định Mêkong ký năm 1995 giữa các nước thành viên Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan. Thông qua Hiệp định này, hai nước đã có những hành động cụ thể, vừa tham gia xây dựng chương trình, các dự án mang tính liên vùng, liên quốc gia, đẩy mạnh hợp tác đảm bảo các quy tác ứng xử thân thiện với môi trường, các quy chế bảo vệ dòng chảy và chất lượng dòng chảy. Đặc biệt, là các nước ở vùng hạ lưu Mêkong, do đó Việt Nam và Campuchia luôn chủ động phối hợp bàn bạc với các nước vùng thượng nguồn, nhất là với Trung Quốc, Myanmar để cùng chia sẻ, gắn kết các chương trình, dự án trong Kế hoạch Phát triển lưu vực sông Mêkong, thúc đẩy liên kết hành động của chương trình GMS với các hoạt động của MRC, kêu gọi Trung Quốc và Myanmar tham gia MRC với tư cách là thành viên đầy đủ. Để phối hợp tốt hơn trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, Việt Nam và Campuchia cũng khẳng định quyết tâm thực hiện chương trình Môi trường trọng điểm của GMS (CEP), thông qua việc tham gia tích cực vào hoạt động của Trung tâm Hoạt động môi trường GMS, Chương trình sử dụng nước (WUP), Kế hoạch Phát triển lưu vực (BDP), Chương trình Môi trường (EP), Chương trình Quản lý và Giảm nhẹ lũ lụt (FMMP). Có thể khẳng định, thông qua những chương trình hành động cụ thể nêu trên, Việt Nam và Campuchia đã cùng các nước thành viên có thể chia sẻ việc khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái thực sự hài hòa, bền vững của Tiểu vùng cũng như toàn khu vực. Ngoài ra, hai nước còn tích cực tham gia các diễn đàn đa phương khác như ASEAN, ACMECS, ARF, Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia trong mỗi diễn đàn này đều có những nội dung liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy những lợi ích của sông Mêkong, đồng thời thảo luận các biện pháp nhằm hạn chế tối đa những tiêu cực, nhất là việc khai thác không có quy hoạch (xây dựng hàng chục đập thủy điện) ở vùng thượng lưu của các quốc gia đầu nguồn. Riêng về hợp tác song phương, Việt Nam và Campuchia đã và đang triển khai nhiều chương trình để cùng nhau khai thác và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên ở vùng hạ lưu sông Mêkong. Hàng năm, Ủy ban hỗn hợp liên chính phủ hai nước đã có hàng trăm cuộc họp, trao đổi về các lĩnh vực hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học và công nghệ, trong đó có nhiều chương trình hợp tác liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan như nông - lâm - ngư nghiệp, giao thông vận tải, thủy lợi, thủy điệnChẳng hạn, Việt Nam đã giúp Campuchia lập quy hoạch phát triển thủy điện phần hạ lưu sông Sê San, Srêpôk thuộc Campuchia, tổ chức các cuộc hội thảo trao đổi tác động của việc xây dựng đập thủy điện đến môi trường sinh thái khu vực. Cũng trong khuôn khổ hợp tác giữa hai Chính phủ, nhiều phân ban đã được thành lập như Tiểu ban điều tiết nước sông Sê San, Srêpôk, Nhóm chuyên viên hỗn hợp soạn thảo Quy chế sử dụng nước biên giới, Nhóm chuyên viên soạn thảo Nghị định thư thực hiện Hiệp định vận tải thủy Việt Nam - Campuchia; những cơ chế hợp tác song phương này đi vào hoạt động đã góp phần tích cực tham mưu cho hai Chính phủ trong việc hoạch định chính sách bảo vệ và phát triển nguồn lợi của dòng sông Mêkong. Để tạo điều kiện thuận lợi hơn, Ủy ban Mêkong quốc gia hai nước cũng đã ký Biên bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác trong công tác quản lý và sử dụng nước trong lưu vực sông Mêkong và đang tiến hành thực hiện các chương trình đã thỏa thuận. Bên cạnh đó, Hiệp định về hợp tác khoa học kỹ thuật nông lâm ngư nghiệp đã được Việt Nam và Campuchia ký kết vào tháng 8/2000 nhằm tăng cường trao đổi kinh nghiệm và hợp tác trên tất cả các lĩnh vực liên quan. Đặc biệt Hiệp định nhấn mạnh việc phối hợp bảo vệ rừng và môi trường, sinh thái vùng biên, ngăn chặn tình trạng khai thác và xuất nhập khẩu gỗ trái phép, quy hoạch và cùng nhau sử dụng bền vững nguồn lợi thủy sản, khuyến khích hợp tác phát triển nông nghiệp, nông thôn giữa các địa phương sát biên giới. Ngoài ra, hai bên tích cực phối hợp khảo sát đánh giá nhằm quản lý và sử TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI, NHÂN VĂN VÀ GIÁO DỤC TẬP 3, SỐ 3 (2013) 52 dụng nguồn nước trên sông suối biên giới giữa hai nước. Đây là những hoạt động cụ thể trên tinh thần hữu nghị, tin tưởng hướng tới mục tiêu phát triển xanh và bền vũng của hai quốc gia nằm ở cuối vùng hạ lưu Mêkong trong điều kiện khó khăn của biến đổi khí hậu toàn cầu. 3. Một vài nhận xét Thứ nhất, chương trình Hợp tác phát triển Tiểu vùng sông Mêkong mở rộng (GMS) đã và đang có những bước chuyển biến mạnh mẽ và phát huy được lợi thế so sánh giữa các thành viên tham gia. Việt Nam và Campuchia cũng đang hợp tác chặt chẽ với nhau, cùng nhau triển khai các chương trình, dự án trong khuôn khổ Hợp tác Tiểu vùng, đồng thời hai nước cũng tích cực hợp tác với các quốc gia thành viên nhằm triển khai có hiệu quả các chương trình đã thảo thuận. Tuy nhiên, những hợp tác này xem ra vẫn còn nhiều hạn chế nhất định, nguyên nhân của vấn đề là do nguồn kinh phí còn rất hạn hẹp không cho phép triển khai nhiều chương trình cùng một lúc, bên cạnh đó nhiều cơ chế chính sách của các bên chưa thực sự đồng bộ thống nhất, hiệu quả mang lại chưa cao. Thứ hai, hợp tác Việt Nam - Campuchia trong Tiểu vùng Mêkong mở rộng không chỉ là mối quan hệ song phương giữa hai nước mà còn thực thi mở rộng quan hệ với các nước thành viên, cũng như với các quốc gia và tổ chức quốc tế khác. GMS trước hết mang lại lợi ích thiết thân cho mỗi nước, trong đó Việt Nam và Campuchia là những nước nằm ở vùng hạ lưu sông, do đó việc hợp tác này còn mang tính hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thác tiềm năng của sông Mêkong. Đồng thời, hợp tác chặt chẽ thống nhất đưa ra những ý kiến thiết thực nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, phản đối những chương trình dự án của các quốc gia vùng thượng lưu như vậy xây hàng chục đập thủy điện gây ra tình trạng biến đổi dòng chảy mà các nước vùng hạ lưu như Việt Nam và Campuchia phải hứng chịu, nhất là lũ lụt và hạn hạn ngày càng thường xuyên phức tạp. Thứ ba, thông qua chương trình Hợp tác phát triển Tiểu vùng sông Mêkong mở rộng, Việt Nam và Campuchia đã và đang từng bước hội nhập sâu hơn vào đời sống khu vực và quốc tế. Có thể khẳng định, GMS không chỉ thúc đẩy hợp tác song phương giữa hai quốc gia mà còn góp phần đẩy mạnh giao lưu hợp tác giữa Việt Nam - Campuchia với các nước, các tổ chức và vùng lãnh thổ khác trên thế giới. Đặc biệt, thông qua GMS, Việt Nam và Campuchia đang có nhiều thuận lợi trong việc hợp tác với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), với các dự án, thỏa thuận cấp cao nhằm đầu tư, hỗ trợ phát triển các khu vực kém phát triển của hai nước, tăng cường phát triển Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Thứ tư, hội nhập khu vực và quan hệ quốc tế là xu thế chung của tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ, tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi do xu thế này mang lại thì cũng có những phức tạp khó lường. Một thực tế cần thấy là sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn tại khu vực ngày càng tăng đã khiến cho tình hình trở nên phức tạp, hiện nay Nhật Bản đang mở rộng sự ảnh hưởng theo hướng Đông - Tây, trong khi Trung Quốc xây dựng chiến lược gia tăng lợi ích theo chiều Bắc – Nam, đó là chưa kể đến sự tranh giành ảnh hưởng của Mỹ, phương Tây và một số quốc gia khác tại đây cũng làm cho quan hệ quốc tế trong khu vực chứa đựng những yếu tố khó lường. Riêng về chương trình hợp tác phát triển Tiểu vùng sông Mêkong mở rộng, lợi thế mang lại là rất lớn cho cả khu vực và hai nước, tuy nhiên Việt Nam và Campuchia cần có những chiến lược hợp tác chặt chẽ, đề ra những phương án hữu hiệu để tham gia có hiệu quả trong từng chương trình, dự án cụ thể của tiểu vùng. Một mặt, phát huy tối đa lợi thế so sánh của mỗi nước, hỗ trợ lẫn nhau, đồng thời thống nhất nguyên tắc chia sẻ, giúp đỡ nhau trong toàn bộ quá trình triển khai thực hiện các công việc. Trên cơ sở tôn trọng lợi ích các quốc gia thành viên, Việt Nam và Campuchia cũng cần tích cực hoạt UED JOURNAL OF SOCIAL SCIENCES, HUMANITIES AND EDUCATION VOL.3, NO.3 (2013) 53 động nhằm củng cố thế mạnh của mình, đồng thời kêu gọi và yêu cầu các quốc gia thành viên tôn trọng lợi ích của các nước thuộc vùng hạ lưu, tránh diễn tiến xấu của việc xây dựng hàng chục đập thủy điện trên vùng thượng nguồn gây ra hiện tượng biến đổi dòng chảy, lũ lụt và hạn hạn kéo dài, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, đời sống nhân dân, trực tiếp nhất là cư dân vùng ven sông hai nước Việt Nam và Campuchia. Tóm lại, chương trình Hợp tác phát triển Tiểu vùng sông Mêkong mở rộng (GMS) tạo ra động lực thúc đẩy sự phát triển của toàn khu vực, trong đó có sáu nước thành viên tham gia. Đứng trước tình hình hiện nay, Việt Nam và Campuchia cần tích cực hơn nữa trong quá trình xây dựng chương trình hành động cụ thể, góp phần cùng các nước đưa Hợp tác Tiểu vùng trở thành một điểm đến lý tưởng cho toàn khu vực. Bên cạnh đó, hai nước cần hợp tác chặt chẽ nhằm phát huy những thế mạnh sẵn có, đồng thời hạn chế tối đa những tác động tiêu cực, cùng nhau và cùng các nước tiểu vùng phát triển phồn thịnh. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Tăng cường hợp tác Tiểu vùng Mê công, Báo nhân dân ngày 15/1/2008. [2] TTXVN, Hợp tác Tiểu vùng sông Mê Công, TLTKĐB 18/12/2007. [3] Phạm Đức Thành (2008), Campuchia với hành lang kinh tế Đông - Tây, T/c NCĐNA số 11. [4] Nguyễn Ngọc Sơn (2009), Phát triển Hành lang kinh tế ở Việt Nam trong khuôn khổ Tiểu vùng sông Mêkong, Tạp chí Kinh tế Thế giới, số 11 (451) [5] TTXVN, Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan cam kết thực hiện kế hoạch phát triển bền vững sông Mê Công, TLTG, ngày 23/7/2000.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfhop_tac_viet_nam_campuchia_trong_tieu_vung_song_mekong_mo_ro.pdf
Tài liệu liên quan