Khảo tả công cụ nghề đánh cá truyền thống trên Sông Lô-Tuyên quang

Công cụ đánh bắt cá truyền thống của các nhóm cư dân dọc hai bên sông Lô có thể nói rất đa dạng về chủng loại. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ mới dừng lại ở việc khảo tả những công cụ phổ biến mà ngư dân Tuyên Quang trong quá khứ thường sử dụng. Hiện nay, những công cụ này đã không còn được sử dụng như trước đây nữa*5. Nếu còn thì các loại hình công cụ này cũng đã có biến đổi chứ không còn giữ nguyên như trước, nhất là về vật liệu chế tạo6 và phạm vi sử dụng đã thu hẹp đi rất nhiều. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến hiện trạng đó, nhưng một trong những lý do quan trọng là sản lượng cá trên sông Lô đã giảm đi rất nhiều so với trước đây7. Sự thay đổi của môi trường sống, những phương pháp đánh bắt cá theo kiểu "tận diệt" của con người đã làm cho nguồn thủy sản bị suy giảm nghiêm trọng. Người ta không thể xem việc khai thác cá bằng những công cụ truyền thống như một phương thức kiếm sống hiệu quả và ổn định. Điều đó khiến cho những phương pháp đánh bắt cá truyền thống mà những ngư dân ven hai bờ sông Lô từng sáng tạo, cải tiến sẽ ngày càng lùi xa vào quá khứ. Hình ảnh người thợ câu lão luyện cùng với các loại cá nhồng, chiên, lăng nặng hàng chục cân câu được, chỉ còn là ký ức xa xôi của những ngư dân từng ngược xuôi trên dòng sông thơ mộng này.

pdf11 trang | Chia sẻ: huongthu9 | Lượt xem: 467 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Khảo tả công cụ nghề đánh cá truyền thống trên Sông Lô-Tuyên quang, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC TÂN TRÀO SỐ 01 – THÁNG 11 NĂM 2015 73 KHẢO TẢ CÔNG CỤ NGHỀ ĐÁNH CÁ TRUYỀN THỐNG TRÊN SÔNG LÔ - TUYÊN QUANG Description traditional fishing tools on the Lo River - Tuyen Quang ThS. Bùi Gia Khánh* TÓM TẮT Công cụ đánh bắt cá truyền thống của các nhóm cư dân dọc hai bên sông Lô trong lịch sử có thể nói rất đa dạng và phong phú. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung vào việc khảo tả những công cụ phổ biến mà ngư dân Tuyên Quang trong quá khứ thường sử dụng. Hiện nay, những công cụ này đã không còn được sử dụng như trước đây nữa. Nếu còn, thì các loại hình công cụ này cũng đã biến đổi chứ không giữ nguyên như trước, nhất là về vật liệu chế tạo cũng như phạm vi sử dụng đã thu hẹp đi rất nhiều. Từ khóa: công cụ đánh cá, ngư dân, lưới đánh cá, truyền thống, thủy sản ABSTRACT Tools traditional fishing of the resident groups in along the Lo River in history as the diversity and very abundant. Within the limits of this article, we only focus on describing the common tools that fishermen Tuyen Quang in the past often used. Currently, this tools has not been used as before. If still use, then type of tools this has changed not the same as before, especially for fabrication materials as well as the range of used has narrowed greatly. Keywords: fishing tools, fishermen, dragnet, traditional, seafood. Sông Lô bắt nguồn từ Vân Nam - Trung Quốc (dài 457 km), chảy vào nước ta qua Hà Giang xuống Tuyên Quang và hợp lưu với sông Hồng tại Việt Trì. Đoạn chảy qua Tuyên Quang dài 145 km. Đây là đường thuỷ duy nhất nối Tuyên Quang với Hà Giang ở phía bắc và với Hà Nội cũng như một số tỉnh ở trung du và đồng bằng bắc bộ ở phía nam. Ngoài khả năng vận tải, thì sông Lô còn là nơi có môi trường sinh sống thuận lợi của nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao như: cá lăng (Hemibagrus guttatus), cá chiên (Bagarius yarrelli), cá bỗng (Spinibarbus denticulatus), cá anh vũ (Semilabeo obscurus) Với nguồn lợi sẵn có, từ rất lâu nhiều nhóm cư dân ở khu vực ven sông Lô đã xem việc khai thác thủy sản trên con sông này như là sinh kế của mình. Trong quá khứ, công cụ đánh cá của ngư dân trên sông Lô gồm rất nhiều loại. Tùy thuộc vào thời tiết, con nước, chủng loại cá hay sở trường của từng người đánh cá... mà có những loại công cụ phù hợp. Công cụ - hay là phương tiện đánh bắt cá sông ở Tuyên Quang cũng tương tự với một số loại hình mà người dân ở vùng đồng bằng Bắc Bộ vẫn dùng để đánh bắt các loại cá nước ngọt. Tuy vậy, do thực tế sử dụng, mà ngư dân Tuyên Quang đã sáng tạo ra một số loại hình đánh bắt mới hoặc cải tiến các công cụ đã có để nâng cao hiệu quả. Trong khảo sát nhỏ này, chúng tôi tập trung * Khoa KHXH&NV - Đại học Tân Trào TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC TÂN TRÀO SỐ 01 – THÁNG 11 NĂM 2015 74 vào việc mô tả một số công cụ đánh cá truyền thống mà ngư dân dọc hai bờ sông Lô - Tuyên Quang đã sử dụng trong lịch sử. 1. Phương thức đánh cá bằng các loại câu Câu là một trong những phương pháp đánh bắt cá phổ biến ở nhiều dân tộc, nhiều khu vực khác nhau. Điều đặc biệt là, căn cứ vào con nước theo mùa, đặc tính của các loại cá mà cư dân đánh cá trên sông Lô (Tuyên Quang) đã sử dụng nhiều phương cách khác nhau để câu cá. Nghề câu có thể kể đến một số phương pháp như sau: Câu giỏ, câu nhậy, câu điệu, câu chăng, câu lá, câu sung, câu giam, câu ống. - Câu giỏ: Đây là một phương pháp câu cá có sử dụng mồi câu (có một số phương pháp câu không dùng mồi - như câu chăng). Tùy vào mục đích của người sử dụng muốn bắt loại cá nào mà có cách sử dụng mồi câu phù hợp. Nếu muốn câu cá chiên, quất, cầy thì sử dụng mồi giun; nếu câu cá ngạnh thì sử dụng mồi câu là quả chuối chín. Việc thả câu cũng phải căn cứ vào mùa nước. Những ngư dân dạn dày kinh nghiệm trong nghề này ở hai bờ sông Lô luôn nắm rõ mùa nước lên, nước xuống cũng như khoảng thời gian nước sông trong xanh hay mang màu phù sa, để lựa chọn công cụ và phương pháp hợp lý. Muốn câu cá ngạnh, người ta thường đánh vào mùa nước sông Lô lên cao, tức là trong khoảng từ tháng 4 cho đến tháng 10 âm lịch. Còn nếu câu các loại khác như cá chiên, cá quất, cá cầy thì sẽ bắt đầu từ khoảng tháng 8 kéo dài đến tháng 12 âm lịch hàng năm. Câu giỏ được cấu tạo bởi nhiều lưỡi câu được bố trí đều đặn trên một dây cái. Dây cái (còn gọi là cái câu) của câu giỏ phải làm từ dây gai và có thể chịu được sức nặng trên 50kg. Trên dây cái của câu giỏ sẽ được bố trí đều đặn những dây nhánh mắc lưỡi câu, dây nhánh này cũng được làm từ dây gai nhưng nhỏ hơn dây cái và được gọi là dây tóm. Tùy thuộc vào độ rộng hẹp của từng khúc sông mà người câu cá lựa chọn, số lượng dây tóm gắn trên mỗi cái câu nhiều ít khác nhau, thông thường khoảng từ 50 cho đến 100 dây tóm. Khoảng cách giữa các dây câu tóm là 2m, độ dài của một dây tóm là 50cm (xem hình a). Khi thả câu thì một đầu dây câu được cố định ở bờ sông, đầu dây còn lại được buộc vào một hòn đá, gọi là đá giam. Về thời gian và cách thức thả câu, tùy vào loại cá muốn bắt mà ngư dân sẽ lựa chọn mồi câu và thời điểm thả câu thích hợp. Nếu thả câu bằng mồi giun (mục đích là bắt cá chiên, quất, cầy) thì được thực hiện vào ban đêm. Ngư dân sẽ tiến hành thả câu vào quãng 17h chiều trở đi, sau đó chờ đến khoảng 5 hay 6h sáng hôm sau thì thu câu lại. Lưỡi câu sử dụng cho hình thức câu này là loại nhỡ (lưỡi câu cỡ 13) và giun mồi cũng là loại vừa phải, không quá to hay quá nhỏ. Nếu câu mồi TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC TÂN TRÀO SỐ 01 – THÁNG 11 NĂM 2015 75 chuối (chuối tiêu dùng để câu phải chín, cắt nhỏ cho vừa lưỡi câu) thì thả câu vào ban ngày (trường hợp này là để bắt cá ngạnh). Có thể thả từ sáng cho đến chiều tối. Thông thường cứ cách một giờ đồng hồ người ta kéo câu kiểm tra một lần. Đối với phương pháp câu giỏ, người ta có thể bắt được các loại cá chiên, quất, cầy khoảng 5 - 6kg; cá ngạnh khoảng 2kg trở xuống. Cá ngạnh là loại cá ăn tạp, có thể đánh bắt ở những khúc sông gần nơi cư trú của con người. Trong khi đó các loại cá chiên, quất, cầy cần phải đánh ở những khu vực sông gần ghềnh, cánh bãi. - Câu nhậy: Đây là một phương pháp câu cá gọi tên theo cách phân loại mồi câu. Về hình thức cấu tạo, câu nhậy cũng có những bộ phận giống như câu giỏ: cái câu, dây tóm (cũng gọi là dây con), lưỡi câu và đá giam. Tuy thế, loại câu này có ít dây tóm hơn và loại cá muốn câu cũng khác so với câu giỏ. Câu nhậy là phương pháp được dùng để bắt cá chiên. Kinh nghiệm của nhiều ngư dân cho thấy vẫn có thể bắt được cá lăng, nhưng những trường hợp cá lăng cắn câu là không nhiều. Với việc sử dụng câu nhậy, người ta có thể bắt được cá chiên cỡ trên 30kg, vì thế thu nhập của nghề này tương đối cao. Để câu được loại cá lớn như cá chiên, các bộ phận của câu nhậy có cấu tạo lớn hơn so với câu giỏ, nhưng mật độ dây tóm thì thấp hơn. Mỗi dây cái chỉ gắn 15 dây tóm với khoảng cách là 4m. Như vậy độ dài cần thiết của dây câu cái là trên 60m. Dây tóm của câu nhậy dài 80cm, đồng thời ngoài đá giam cuối dây câu ra còn có một dây con buộc đá được gắn vào quãng giữa của cái câu với mục đích luôn duy trì lưỡi câu gần sát mặt đất. Vì vậy dây con cũng mang tính chất là một hòn đá giam thứ hai cho cái câu (xem hình b). Dây cái của câu nhậy phải là dây có thể chịu được sức nặng lớn hơn nhiều so với câu giỏ. Dây cái thường là loại dây gai to bằng chiếc đũa ăn cơm (dây cái câu giỏ chỉ khoảng một phần ba của câu nhậy). Lưỡi câu sử dụng là loại lớn (cỡ 15, 17). Mồi câu sử dụng là con sâu nhậy thường ăn rễ cây ngô. Để bắt được loại sâu này người ta phải đào gốc những cây ngô bị vàng lá, con lớn có thể bằng ngón tay cái. Khi sử dụng kiểu câu này, nếu không thể tìm được sâu nhậy, người ta có thể thay thế bằng giun lớn. Thời gian tốt nhất cho việc đánh câu nhậy là vào khoảng tháng 5 đến tháng 7 âm lịch, tức là vào lúc đang mùa nước lên. Mỗi lần đánh câu nhậy thường chỉ khoảng 10 dây câu đỗ lại. Bởi vì không phải chỗ nào cũng câu được, mà cần chọn chỗ câu phù hợp. Mức nước thuận lợi cho câu nhậy là từ 3 - 4m, nhưng cần tránh những nơi lòng sông có cát, vì cát nhiều sẽ lấp mất mồi. Điều này cũng được áp dụng với cả câu giỏ. TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC TÂN TRÀO SỐ 01 – THÁNG 11 NĂM 2015 76 - Câu điệu: So với hai phương pháp câu vừa nói ở trên thì câu điệu có cấu tạo phức tạp hơn. Trong khi hai loại câu trên hoàn toàn sử dụng dây gai làm dây câu và cách thức khá đơn giản, thì câu điệu được chế tạo và sử dụng hoàn toàn khác. Câu điệu được làm từ một ống nứa dài khoảng 40cm, đường kính khoảng 4 - 5cm. Ống nứa được chọn phải kín hai đầu để có thể nổi trên mặt nước. Một đầu có chỗ cố định dây câu, một đầu có cấu tạo như là một cái lẫy để giật dây lại khi cá cắn mồi, người ta gọi đó lá máy câu. Độ dài của dây tính từ ống ra là 1.2m, có cặp chì, mỗi ống có hai lưỡi câu (xem hình c). Khi tiến hành thả câu, lưỡi câu điệu được móc các loại lá, rau như xà lách, lá dướng, rau bí. Mỗi lần thả câu không quá 10 ống. Khi thả khoảng cách mỗi ống trôi trên mặt sông cách nhau độ 5m. Ống câu điệu được thả trôi tự do theo dòng nước, người câu bơi thuyền đi theo phía sau và thường xuyên theo dõi câu. Loại câu này được thả vào ban ngày và chủ yếu bắt cá bỗng, loại lớn từ 20kg trở xuống. Mùa nước sử dụng câu điệu hiệu quả là từ tháng giêng đến tháng 3, tháng 4 âm lịch. Thời gian này nước ở sông Lô trong xanh. Thuyền đi theo các ống câu điệu phải luôn giữ một khoảng cách nhất định để có thể theo dõi được sát sao. Thông thường thì khoảng cách từ ống câu đầu tiên được thả và thuyền là 50 đến 60m. Những địa điểm đánh câu điệu cần được lựa chọn kỹ, không phải nơi nào cũng đánh được. Theo kinh nghiệm của những ngư dân lâu năm thì câu điệu được thả từ đầu cánh cho đến cuối cánh nước.1 - Câu chăng: Đây là loại câu mà khi đánh cá, người ta cố định một đầu vào bờ, còn đầu kia chăng ngang dòng sông. Cũng vì phương pháp câu cá như vậy cho nên người ta gọi là câu chăng. Phương pháp câu này đặc biệt ở chỗ là không sử dụng bất cứ loại mồi nào. Lưỡi câu dùng cho cách đánh này là lưỡi lớn, còn gọi là lưỡi câu si (cỡ lưỡi là 15, 17). Lưỡi câu dùng trong phương pháp câu chăng phải thật sắc bén, ngư dân tự uốn loại lưỡi này và phải mài hằng ngày để luôn đảm bảo độ nhạy bén của lưỡi câu. Do đặc điểm riêng của phương pháp câu này mà lưỡi câu chăng trong quá trình uốn không cần phải tôi thép. Còn tất cả các loại câu khác, lưỡi câu phải được tôi thép để đảm bảo độ cứng cũng như độ đàn hồi tốt. Câu chăng được sử dụng chủ yếu bắt các loại cá nhồng, chiên, lăng. Khác với câu điệu chỉ tiến hành vào ban ngày, thì câu chăng chỉ dùng để đánh vào ban đêm. Mỗi một bộ đánh trong đêm từ 6 đến 8 dây câu. Câu chăng có cấu tạo bởi dây cái, dây tóm hay còn gọi là dây con, lưỡi câu và phao. Khoảng cách dây cái từ điểm cố định trong bờ cho đến dây tóm đầu tiên được mắc gọi là dây dong. Dây cái 1 Cụ Trần Văn Thịnh (phường Nông Tiến, Tp. Tuyên Quang, một ngư dân có trên 30 năm kinh nghiệm đánh cá trên sông Lô) cho biết, ghềnh Giềng (gần cầu Chả - Tuyên Quang) là nơi đánh cá bằng câu điệu rất hiệu quả. Bản thân cụ Trần Văn Thịnh còn là người sử dụng phương pháp câu này rất điêu luyện. TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC TÂN TRÀO SỐ 01 – THÁNG 11 NĂM 2015 77 và dây con cũng như các phương pháp câu khác, đều được làm từ dây gai. Dây cái của câu chăng tương đối lớn để có thể chịu được sức nặng của toàn bộ dây câu (tương đương với dây cái của câu nhậy, tức chịu được sức kéo hàng tạ). Mỗi dây câu có từ 150 đến 300 lưỡi câu tùy theo độ rộng của từng khúc sông. Khoảng cách giữa hai dây tóm nhỏ hơn nhiều so với câu giỏ hay câu nhậy, thông thường dao động từ 18 đến 25 cm, tùy theo độ lớn của lưỡi mà bố trí cho hợp lý. Lưỡi câu lớn thì khoảng cách lớn và ngược lại (xem hình d). Cứ 15 lưỡi câu thì có một phao bằng nứa nhỏ, cứ 2 phao thì bố trí một hòn đá giam. Mục đích của việc này là làm sao cho lưỡi câu có thể rà sát gần mặt đáy sông và cá có thể đi dưới lưỡi. Ngoài cùng của dây câu được cố định bởi một hòn đá, gọi là đá đầu, đá đầu phải lớn đủ sức để có thể định vị được toàn bộ dây câu. Đây là loại câu mà khi sử dụng không dùng mồi câu. Các lưỡi câu gần nhau và là là sát đáy sông, cá bơi ngang sẽ bị vướng vào các lưỡi câu gọi là tự đóng, khi đó những lưỡi xung quanh tự động mắc vào, cá càng quẫy thì càng bị các lưỡi câu cắm chặt vào thân. Câu chăng được đánh vào lúc nước sông lặng và cạn. Nước sông to quá không thể đánh được. Ở trên sông Lô khu vực Tuyên Quang, mùa nước đánh câu chăng thích hợp là vào các tháng chạp đến tháng 4 âm lịch. Trong đó thời điểm tốt nhất là tháng 3. Loại nước phù hợp nhất cho đánh câu chăng là nước cạn và đục, mà ngư dân thường gọi là nước khai hỏa, càng đục càng tốt. Câu chăng được sử dụng để đánh những loại cá lớn như nhồng, chiên, lăng... Phương pháp này có thể bắt được cá nhồng, cá chiên loại lớn cỡ 40kg, cá lăng 20kg trở xuống. Ngoài ra các loại khác như cá chép khoảng 10 cân rất dễ mắc lưỡi câu chăng vào mùa đẻ trứng. Theo kinh nghiệm của ngư dân lâu năm thì cá chép đẻ trứng vào tiết lập xuân, khi đó cá thì thường đi theo cặp. Do đặc tính riêng của cá chép vào mùa này, nên câu chăng sử dụng rất có hiệu quả. - Câu lá và câu sung: Về mặt hình thức và cách thức đánh bắt cá thì hai loại này là giống nhau. Chỉ khác là, câu sung đánh lúc nước sông đục, còn câu lá đánh lúc nước sông trong. Ngoài ra, cách gọi câu lá và câu sung xuất phát từ việc sử dụng mồi câu của hai loại này. Câu lá thì sử dụng mồi câu là các loại lá như lá dướng, thiều biêu vàng. Còn câu sung thì sử dụng mồi bằng quả sung chín. Cấu tạo của loại câu này cũng có một dây cái và các dây con. Mỗi dây có khoảng 15 lưỡi, các lưỡi cách nhau 4m. Dây cái của câu lá, câu sung cũng tương tự như câu chăng. Khi thả câu TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC TÂN TRÀO SỐ 01 – THÁNG 11 NĂM 2015 78 thì một đầu được cố định ở bờ bởi một đoạn dây dong không có lưỡi câu (đoạn này dài khoảng 8 - 10m), tiếp đến là một hòn đá đầu rồi mới đến dây câu, cuối cùng cũng được cố định bởi một hòn đá giam. Lưỡi câu sử dụng trong phương pháp này là cỡ lưỡi 13, 15, không quá lớn cũng không quá bé. Câu sung thường đánh ở các cánh bãi, còn câu lá thường đánh ở cánh vật. Câu sung thì được buộc cố định (xem hình e), trong khi đó câu lá thì không cần cố định trong bờ mà chỉ cần thả đá đầu và buộc thêm phao nứa. Còn lại dây, lưỡi thì hai loại này như nhau. Thời gian sử dụng hai loại câu này là khác nhau. Câu sung đánh vào các tháng 5 đến 8 âm lịch. Câu lá đánh từ tháng giêng đến tháng 3 âm lịch. Hai phương pháp câu này được dùng để bắt cá bỗng cỡ vừa từ 7 - 8 kg cho đến 15 kg. - Câu giam và câu treo: Tên gọi hai phương pháp này cũng đã nói lên phần nào cách thức đánh bắt câu cá. Câu giam được cấu tạo bởi một dây câu với một lưỡi câu duy nhất (xem hình f). Lưỡi câu được sử dụng là loại lưỡi cỡ 15, dây câu cũng tương đương dây câu lá, câu sung. Câu giam có thể đánh được tất cả các mùa nước và tất cả các con nước. Khi thả câu người ta cố định một đầu dây câu vào bụi cây hay con sào ở sát bờ, đầu còn lại có lưỡi câu móc mồi là những loại cá nhỏ như cá trôi con, cá sỉnh giam câu qua đêm đến sáng hôm sau thì kiểm tra. Đối tượng đánh bắt của câu giam là các loại cá tương đối lớn như chiên, lăng cỡ 30 kg đổ lại. Cá nhồng đôi khi cũng bị dính câu này, nhưng không nhiều. Câu treo cũng giống như câu giam về mặt cấu tạo, nhưng khi tiến hành câu cá phải treo làm sao để con cá mồi nằm là là mặt nước ở cạnh bờ, còn lại cách thức thả câu, thời gian thả câu giống như câu giam. Độ dài của dây cái câu treo ngắn hơn câu giam, thông thường khoảng 6m. 2. Phương thức đánh bắt cá bằng các dụng cụ lưới Lưới là một loại công cụ đánh bắt cá rất quen thuộc. Công cụ này có thể dùng để bắt cá với nhiều kích cỡ khác nhau và ở nhiều thời điểm khác nhau trong năm. Một số loại lưới mà cư dân đánh cá trên sông Lô thường sử dụng là lưới cày, lưới chà, lưới bay, lưới bóng, lưới ngâm. Tất cả các loại lưới này trong quá khứ đều được đan bằng dây gai. TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC TÂN TRÀO SỐ 01 – THÁNG 11 NĂM 2015 79 - Lưới cày: Chiều dài của một tay lưới cày khoảng 100m, mắt lưới cỡ then 32 đến then 5, độ cao của lưới là 1.2m. Lưới có giềng phao phía trên và giềng chì phía dưới. Cứ 5 mắt lưới thì bố trí một phao làm bằng gỗ mỡ dài 15cm. Phao nằm ở đâu thì chì cũng được cặp ở vị trí tương ứng phía dưới. Tổng trọng lượng của chì trong toàn bộ tay lưới vào khoảng 25kg. Hình thức bắt cá của lưới cày như sau: Ngư dân sử dụng thuyền nan với ít nhất là 3 người mới có thể sử dụng được loại lưới này. Đánh cá ở những nơi cánh bãi, tức là nước không có ghềnh, không có rễ cây; không nên dùng lưới này đánh ở các cánh vật. Khi đánh một người giữ đầu lưới đi trên bờ theo dòng nước. Một đầu dây lưới ở trên thuyền thả từ từ theo dòng nước, tra hết lưới đến mức độ cho phép thì vòng vào bờ. Sau đó kéo vuốt lưới, thu hẹp lưới lại để bắt cá bằng dụng cụ dập và các hình thức khác. Cách đánh cá bằng lưới cày được tiến hành cả ban ngày và ban đêm, nhưng nếu đánh ban đêm thì phải có đuốc. Đánh lưới cày chỉ có thể đánh vào lúc nước cạn và trong, tức là vào các tháng 9 âm lịch cho đến tháng 2 năm sau. Khi nước sông Lô bắt đầu chớm đục thì không đánh bằng cách này nữa mà chuyển sang sử dụng các dụng cụ khác thích hợp hơn. - Lưới chà: Là phương pháp đánh cá bằng loại lưới gai then 3 tương đương với lưới cày. Chiều cao lưới 5m, chiều dài 25m. Để đánh cá bằng lưới chà, người ta chặt những cành sung cắm ở gần bờ tạo thành một búi cây. Những cành sung phải được bỏ hết lá, búi cành cây sung này được cố định ở các góc bởi các cọc nứa. Thời gian từ khi cắm chà cho đến khi bắt cá (còn gọi là chắn chà) khoảng một tuần lễ. Thời gian thực hiện chắn chà là vào buổi tối. Trước khi chắn chà, cần phải phủ lên búi cành sung một lớp sậy và lá dướng nhằm mục đích nhử cá tập trung đến ăn. Búi cành sung được cắm sát bờ sông, dài khoảng 5 - 6 m, rộng 3m. Đến giờ chắn chà, ngư dân bơi thuyền bủa lưới xung quanh toàn bộ búi cây. Quá trình vây lưới được tiến hành một cách nhẹ nhàng, tránh tiếng động. Lưới chà mặc dù không có phao nhưng vẫn được cặp chì đủ nặng để cá không thể chui ra ngoài. Sau khi quây lưới và vắt giềng tóc của lưới lên cọc chà, cần phải kiểm tra giềng chì có bị hở hay không rồi mới tiến hành bắt cá. Khi mọi thứ đã chuẩn bị xong, ngư dân đốt đuốc, dỡ cành thu gọn ra hai bên, giềng chì lúc này được được vắt lên cọc chà về cả hai phía. Các loại cá vào ăn như bị quây trong một cái võng lưới. Lúc này người ta tiến hành bắt cá. Hình thức đánh bắt cá kiểu này thường được tiến hành vào các tháng 7 cho đến tháng 12 âm lịch. - Lưới đà: Loại lưới này thường có 3 cỡ là then 3, then 7 và then 123. Hình thức đánh bắt của 3 cỡ lưới này là giống nhau nhưng địa điểm thì khác nhau, và do kích cỡ lưới khác nhau nên các loại cá đánh bắt được cũng không giống nhau. Lưới then 12 chủ yếu sử dụng bắt cá bỗng các cỡ, cá chiên, cá lăng. Thông thường địa điểm đánh lưới đà then 12 là tràn qua cánh chảy, đến cánh vật sâu thì thôi. Lưới đà then 12 dài khoảng 50m, chiều cao 1.5m, có đủ phao, chì cặp một cách vừa phải không quá nặng để lưới có thể bay là là sát đất. Nếu là lưới then 3, then 7 thì thấp hơn một chút. Khi thả lưới, một đầu được buộc vào cành cây hay ống nứa để trôi một cách tự do theo dòng nước. Một đầu nối với dây dong ở trên thuyền bơi đi theo lưới. Cá bị mắc lưới 2 Lưới then 3 có kích thước mắt lưới là 4cm, tương đương với 3 đốt ngón tay. Các cỡ lưới như then 4, then 5 cũng được tính tăng lên tương tự như then 3. 3 Lưới then 3 có kích thước mắt lưới là 4cm, tương đương với 3 đốt ngón tay, then 7 tương đương 7 ngón tay (12cm), then 12 tương đương 22 - 24 cm. TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC TÂN TRÀO SỐ 01 – THÁNG 11 NĂM 2015 80 là cá then và cá quấn4. Nếu là lưới then 7 thì cách đánh bắt cũng tương tự như lưới then 12, chuyên bắt cá dầm xanh, cá hỏa, cá cầy... Lưới then 3 đánh bắt ở cánh bãi, nơi đáy sông có sỏi nhỏ, trơn chuyên bắt cá trôi, cá sỉnh (loại vài kg). Lưới đà thường được sử dụng đánh cá vào mùa nước cạn, từ tháng giêng cho đến tháng 4 âm lịch. Phương pháp này có thể đánh cả ngày và đêm. - Lưới bay: Đánh lưới then 6, then 7, dây lưới nhỏ và mảnh để đảm bảo độ bén nhưng cũng được làm bằng dây gai. Độ dài của 1 tay lưới là 20m, chiều cao lưới từ 2.5 - 3m. Khi đánh người ta nối nhiều tay lại với nhau để có độ dài lưới cần thiết. Thông thường người ta thường nối 4 - 5 tay lưới để có độ dài từ 80 - 100m. Lưới có kẹp phao nhỏ và chì, mục đích là để cho lưới bay là là sát mặt đất. Trước đây phao được làm bằng gỗ mỡ, lớn bằng ngón tay và dài khoảng 5cm. Cứ 5 mắt lưới có một phao, chì cũng tương tự ở phía ngược lại. Để đánh cá bằng loại lưới này phải có 2 thuyền, mỗi thuyền ít nhất 2 người. Khi thả lưới, hai thuyền đi ngược chiều nhau, và khép dần vào bờ (xem hình g). Lưới bay thường thả ở vật, bãi (những nơi nước lặng) vào ban ngày, chủ yếu bắt cá trôi (cỡ trên dưới 3.5kg). Mùa nước đánh lưới bay hiệu quả là các tháng 10 âm lịch năm trước cho đến tháng 3 năm sau. - Lưới bóng: Thường sử dụng lưới then 4, dây lưới mỏng, có giềng phao và chì, chiều cao lưới là 1m. Tùy theo địa điểm đánh mà người ta có thể sử dụng 1 hay nhiều tay lưới đấu với nhau. Khi đánh, 2 đầu lưới nối sát bờ. Cách đánh này không cần dùng nhiều người và nhiều thuyền, nên 1 thuyền thúng vẫn có thể đánh được. Lưới bóng thường đánh ban ngày vào mùa nước cạn khoảng tháng 2, 3 âm lịch. - Lưới ngâm: Sử dụng lưới then 5, có chiều cao 1.2m, chiều dài từ 40 - 50m, chì loại vừa phải. Khi đánh chuẩn bị một số đá to bằng nắm tay. Trong bờ cắm cọc cố định lưới, cứ 4 - 5m thả một hòn đá để ghim lưới lại như cái võng. Điểm cuối của lưới cố định bằng một hòn đá to để giữ lưới khỏi bị trôi. Lưới được thả ở đầu cánh chảy, chăng ngang đầu cánh. Lưới ngâm chủ yếu bắt cá dầm xanh, anh vũ... Đánh lưới ngâm tốt nhất là nước trong, cạn và có sương mù. Thời gian từ tháng 10 âm lịch năm trước đến tháng 3 năm sau, trời càng rét đánh lưới ngâm càng hiệu quả. 4 Cá then là cá bị dính vào lưới, cá quấn là cá bị quấn vào lưới. TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC TÂN TRÀO SỐ 01 – THÁNG 11 NĂM 2015 81 3. Phương thức đánh cá bằng các dụng cụ xẻo, chài, vó, te, cò ke Ngoài hai nhóm công cụ đánh bắt cá chủ yếu là câu và lưới, thì ở khu vực sông Lô người ta còn sử dụng nhiều dụng cụ khác để đánh bắt cá. Những dụng cụ này để bắt các loại cá khác so với lưới và câu. Nhiều khi những dụng cụ này dùng để phân công lao động hợp lý trong một gia đình chuyên về khai thác thủy sản. Hoặc để bù đắp vào những lúc các hình thức đánh bắt khác không được hiệu quả. - Xẻo: Xẻo có hai loại là xẻo thưa và xẻo mau. Xẻo thưa được đan bằng dây gai tương đối mập, mắt lưới cỡ then 5. Chiều rộng miệng xẻo là 3m, chiều dài là 7m (xem hình i). Nếu lưới nhỏ hơn gọi là xẻo mau, mắt lưới nhỏ bằng đầu đũa. Xẻo được sử dụng để bắt các loại cá nhàng, rói đất... những loại cá đi ngược dòng vào các tháng 7, 8 âm lịch. Nhìn chung, xẻo chỉ bắt các loại cá nhỏ. - Chài: Mắt chài được đan cỡ then 5, với 22 con sinh mắt. Nếu đan cỡ then 2 với 18 con sinh mắt thì gọi là chài mau. Chài được sử dụng để bắt các loại cá nhỏ. Chài thì có thể đánh bất cứ vào lúc nào trong ngày và trong năm, trừ những lúc nước lên quá to. Ngoài ra những người sử dụng chài cần phải biết lặn để có thể gỡ chài khi bị mắc dưới sông. - Vó: Về cách thức đánh thì chài tung từ trên xuống còn gọi là quăng chài, trong khi đó vó thì được cất từ dưới lên. Vó có vó tay, vó bè. Thu hoạch lớn nhất từ hình thức đánh cá bằng vó là vào những lúc nước lên, lúc cá vào ngòi. Những lúc đó đặt vó ở cửa ngòi để đón cá vào, lúc nước xuống lại đón cá ra. Mùa nước lớn là vào các tháng 5, 6, 7 âm lịch. - Te: Để sử dụng được te cần phải sử dụng thuyền gỗ to. Te cũng giống như xẻo nhưng còn lớn hơn. Miệng te rộng khoảng 8m, lưới dây gai đậm được đan cỡ then 3, trên thuyền có ít nhất 4 - 5 người sử dụng một cái te. Ngoài thuyền lớn nhất thiết phải có thêm 2 thuyền con, mỗi thuyền có 2 người. Như vậy là phải có 3 thuyền, tổng cộng 8 - 9 người mới sử dụng được loại dụng cụ này. Hình thức này được đánh ở giữa sông, lúc đó te được cố định ở thuyền lớn, hai thuyền con dùng dây càn có buộc tua rua màu trắng sáng đi ngược đến miệng te thì bắt đầu cất te, nhổ cọc giữ thuyền và bắt cá. Te thường bắt được các loại cá đi đàn, dầm xanh, bỗng, có khi bắt được cá rất lớn, thời gian sử dụng te là vào các tháng từ 10 đến tháng 2 âm lịch. - Cò ke: Đây là loại dụng cụ có cách đánh bắt khá đơn giản. Dụng cụ này do người Tày, Dao sử dụng. Những ngư dân người Kinh không sử dụng hình thức đánh bắt này. Cò ke là một loại dụng cụ về hình thức giống như một cái vợt lớn. Đường kính miệng cò ke độ 2m, vòng đường miệng được uốn bằng cây mây song. Khi sử dụng cò ke, người ta đi bằng thuyền độc mộc, đánh cá vào những lúc nước lớn. Cò ke được rà phía dưới mặt nước trước mũi thuyền, ở những nơi có cây là là mặt nước để bắt cá ẩn nấp (cũng gọi là cá náu), các loại cá ăn lá, khi cá vào trong cò ke rồi thì nhấc lên. 4. Đánh bắt cá bằng một số dụng cụ đan bằng tre, nứa Những công cụ đánh cá như lưới, câu, xẻo, chài, te đều được đan bằng dây gai. Ngoài loại vật liệu này, còn có một số cộng cụ đánh cá được đan bằng tre, nứa là những loại cây có nhiều ở Tuyên Quang. Từ loại vật liệu này, ngư dân đã tạo ra nhiều công cụ bắt cá khác nhau như cụp, nắn chạch, vẹ Sau đây là một số công cụ mà ngư dân trên sông Lô thường sử dụng. - Cụp: Là một loại dụng cụ như cái bẫy cá. Cấu tạo gồm một cái rổ (đường kính 1m), mẹt (80cm), máy ngang, dây tóc, đòn gánh. Cụp được đánh nhiều vào tháng 4 âm lịch (thời điểm này được xem là chính vụ), ngoài ra ngư dân cũng sử dụng loại này để đánh cá quanh năm vào những TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC TÂN TRÀO SỐ 01 – THÁNG 11 NĂM 2015 82 lúc nước trong. Khi đánh, mẹt đặt phía dưới, rổ ở phía trên và được chống đỡ bởi các đòn gánh. Cụp được thả chìm xuống nước và có 4 hòn đá ở 4 phía cố định. Khi cá đi vào chạm phải dây ngang bên trong sẽ làm sập rổ xuống, cá bị nhốt lại. Người ta dùng cụp chủ yếu bắt cá chép, trôi, chày, ngạnh, đôi khi cũng bắt được cá chiên, lăng, dầm xanh, anh vũ. Loại dụng cụ này có thể đánh cả ban ngày và ban đêm ở các soi, bãi, trên ghềnh. Đánh cá bằng cụp không cần có mồi, cũng không có dây giữ cụp, do đó người đánh cá phải nhớ được các địa điểm đã đặt cụp để kiểm tra. - Gião cá trôi: Loại dụng cụ này đồng bào người Tày, Dao thường sử dụng. Gião được đan bằng nứa, đường kính miệng rộng 1m, chiều dài thân 1.5m (xem phần nắn chạch). Ở miệng có cửa vào được đan giống hình cái phễu, cá vào rồi thì sẽ không quay ra được nữa. Phương pháp này được đánh vào các tháng nước lên cao và đục khoảng vào tháng 6, 7 âm lịch. Lúc này người ta sẽ bắt được nhiều cá trôi, nên còn gọi là gião trôi. Nếu sử dụng để bắt cá ngạnh thì thả vào các tháng 8, 9, 10 âm lịch. Gião được đặt ở cạnh bờ có những rặng cây, chủ yếu bắt được là cá ngạnh, cho nên loại dụng cụ này cũng được gọi là gião ngạnh. Khi đánh gião, một người có thể sử dụng 3 - 4 cái một lúc. Người ta bắt con giun ngái ở bờ sông để làm mồi. Gião được đánh từ buổi tối đến sáng thì thu gião. - Nắn chạch: Về hình thức của nắn chạch được đan như gião ngạnh nhưng nhỏ hơn (xem hình j). Nắn dài 80cm, đường kính miệng 20cm. Nắn thường sử dụng để bắt cá chạch dưới 1kg, quất lường cỡ 4 - 5 lạng. Người ta thả nắn vào quãng thời gian nước sông chưa lên cao lắm (tháng 5, 6 âm lịch), đồng thời sắc nước lờ nhờ hoa mơ (múc lên bát thấy rõ đáy bát). Nếu nước đục quá, trong quá hay to quá hoặc cạn quá cũng không đánh được. Nắn được thả vào các rặng cây sậy và có dây cố định, đặt sát xuống đất và cột vào cây sậy. - Đó báy: Là phương pháp sử dụng đó để bắt cá trong một khu vực nước ven sông đã chuẩn bị sẵn. Người ta dùng cót nứa vây một cánh bãi sâu không quá 80cm nước, ghim cọc tre xung quanh cót nứa để giữ cá. Cót vây phải được kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo không bị hở chân, nếu cần thì vun bùn vào chân cót. Sau đó trổ hai cửa và đặt đó vào hai cửa ấy, thả đó vào buổi sáng thì buổi chiều thu hoạch. Tùy từng địa điểm mà độ dài ngắn của cót vây có thể khác nhau. Có thể từ 20m - 40m hoặc dài hơn. Đó báy chỉ có thể sử dụng vào mùa nước cạn, tức là vào các tháng 3, 4, 5, 6 âm lịch. - Vẹ: Là một dạng thức của bẫy cá, được làm từ nan nứa chẻ ra và được ken bằng dây vải, tạo thành vòng tròn khép kín. Một vẹ được cấu tạo bởi trên 300 nan to bằng ngón tay, có chiều cao 3.5m. Vẹ được đặt trên các trụ đỡ dưới nước. Trước khi đặt vẹ, phải chuẩn bị mặt bằng để khi vẹ TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC TÂN TRÀO SỐ 01 – THÁNG 11 NĂM 2015 83 sập xuống không bị hở chân. Ở giữa vẹ treo một giỏ mồi lớn, còn gọi là quả dọi. Mồi được làm bằng phân trâu, lúa thối. Vẹ được đánh vào ban đêm, khi cá vào ăn mồi làm quả dọi bị sụt, máy ngang của vẹ sẽ sập xuống và cá bị nhốt trong vẹ. Vẹ sử dụng vào tháng 8 âm lịch là phù hợp nhất, dùng để bắt cá chép nếu đánh ở trong các nghi. Mang ra sông đánh thì có thể bắt được cá chày, nhưng phải là các tháng 9, 10 khi nước trong. - Lồng sập cũi: Loại này đồng bào Thái ở Sơn La sử dụng nhiều. Trong thời gian sơ tán sang Tuyên Quang loại này cũng được sử dụng để đánh bắt cá. Về hình thức giống như là một cái cũi hình hộp được đan bằng nan hóp, nan tre có chiều rộng 60cm, dài 1m, cao 60cm. Các nan đan kín, ghép cao như một cái lồng kín. Thường được thả cạnh bờ, các bãi sậy như các loại gião. Khi thả, mức nước phải ngập được cửa của lồng. Lồng cũi sập chỉ thả được vào mùa nước lên, vào các tháng 5, 6, 7, 8 âm lịch để bắt cá trôi, chiên, lăng, chép. * * * Công cụ đánh bắt cá truyền thống của các nhóm cư dân dọc hai bên sông Lô có thể nói rất đa dạng về chủng loại. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ mới dừng lại ở việc khảo tả những công cụ phổ biến mà ngư dân Tuyên Quang trong quá khứ thường sử dụng. Hiện nay, những công cụ này đã không còn được sử dụng như trước đây nữa*5. Nếu còn thì các loại hình công cụ này cũng đã có biến đổi chứ không còn giữ nguyên như trước, nhất là về vật liệu chế tạo6 và phạm vi sử dụng đã thu hẹp đi rất nhiều. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến hiện trạng đó, nhưng một trong những lý do quan trọng là sản lượng cá trên sông Lô đã giảm đi rất nhiều so với trước đây7. Sự thay đổi của môi trường sống, những phương pháp đánh bắt cá theo kiểu "tận diệt" của con người đã làm cho nguồn thủy sản bị suy giảm nghiêm trọng. Người ta không thể xem việc khai thác cá bằng những công cụ truyền thống như một phương thức kiếm sống hiệu quả và ổn định. Điều đó khiến cho những phương pháp đánh bắt cá truyền thống mà những ngư dân ven hai bờ sông Lô từng sáng tạo, cải tiến sẽ ngày càng lùi xa vào quá khứ. Hình ảnh người thợ câu lão luyện cùng với các loại cá nhồng, chiên, lăng nặng hàng chục cân câu được, chỉ còn là ký ức xa xôi của những ngư dân từng ngược xuôi trên dòng sông thơ mộng này. 5 Ở một số gia đình trước đây chuyên làm nghề đánh cá trên sông Lô hiện vẫn giữ những bộ dây câu (như câu giỏ, câu chăng) mà trước đây nhiều năm họ vẫn sử dụng. Những công cụ này hiện nay đôi khi được người ta sử dụng vào những công việc khác rất nhiều so với công năng nguyên thủy của chúng do không được dùng để bắt cá nữa (như dùng dây câu chăng để tìm xác người chết đuối, tự tử trên sông). 6 Ở thôn Kim Phúc xã Vĩnh Lợi huyện Sơn Dương hiện nay vẫn còn trên 30 hộ sống bằng nghề đánh cá với những công cụ như chúng tôi đã đề cập. Tuy nhiên, nghề cá không còn giữ vai trò chính yếu trong cuộc sống của họ, mà người dân còn làm thêm các nghề khác. Bên cạnh đó, vật liệu chính yếu trước đây thường dùng là dây gai thì nay đã vắng bóng, thay thế vào đó là dây cước. 7 Những ngư dân đánh cá lâu năm mà chúng tôi có cơ hội nghe chuyện cho biết, vào những năm 1960 - 1970, trữ lượng cá trên sông Lô rất lớn, người đi câu chăng có đêm đánh được hàng tạ cá loại lớn. Nhân đây chúng tôi xin bày tỏ sự biết ơn đối với những người đã cung cấp thông tin phục vụ cho bài viết này: cụ Trần Văn Thịnh (Nông Tiến - Tuyên Quang), cụ Nguyễn Văn Dương (Vĩnh Lợi - Sơn Dương), cụ Nguyễn Thị Guộc (Vĩnh Lợi - Sơn Dương), cụ Nguyễn Văn Hạnh (Đoan Hùng - Phú Thọ),

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfkhao_ta_cong_cu_nghe_danh_ca_truyen_thong_tren_song_lo_tuyen.pdf
Tài liệu liên quan