In the last years, marine science and technology activities in Vietnam have
achieved significant success and remarkably contributed to social - economic development,
protection of natural resources and the environment, ensuring national security, sovereignty and
benefits at sea. However, these results are limited by the inconsiderable experts, limited
qualification; poor and backward equipment for survey and research; confusing development
strategies; low investment; and inadequate management. During the integration, international
cooperation in marine science and technology is demanded urgently, not only in the benefits of
science and economics, but also in active contribution to ensure and protect sovereignty and
national benefits at sea. To get equal cooperation and mutual benefit, Vietnam also needs to build a
solid foundation of powers and policy for marine science and technology with the appropriate
solutions such as: establishing the rightly directed strategy; implementing policy priorities; building
capability and capacity (human resources and equipment); promoting researches in key and
priority fields; strengthening and diversifying the manners of international cooperation; enhancing
communication, publication and publishing
9 trang |
Chia sẻ: honghp95 | Lượt xem: 520 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Khoa học công nghệ biển Việt Nam - Thực trạng và yêu cầu phát triển trong thời kỳ hội nhập, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
195
Tạp chí Khoa học và Công nghệ Biển; Tập 14, Số 3; 2014: 195-203
DOI: 10.15625/1859-3097/14/3/5156
KHOA HỌC CÔNG NGHỆ BIỂN VIỆT NAM - THỰC TRẠNG VÀ YÊU
CẦU PHÁT TRIỂN TRONG THỜI KỲ HỘI NHẬP
Trần Đức Thạnh1*, Bùi Công Quế2, Trần Đình Lân1
1Viện Tài nguyên và Môi trường biển-Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
2Viện Vật lý Địa cầu-Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
*E-mail: thanhtd@imer.ac.vn
Ngày nhận bài: 17-5-2014
TÓM TẮT: Những năm qua, hoạt động khoa học công nghệ biển ở Việt Nam đã đạt được
những thành tựu đáng trân trọng và đã có những đóng góp đáng ghi nhận cho sự nghiệp phát triển
kinh tế - xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, chủ
quyền và lợi ích quốc gia trên biển. Tuy nhiên, những kết quả này còn nhiều hạn chế do mỏng về lực
lượng, hạn chế về trình độ cán bộ, trang thiết bị khảo sát và nghiên cứu nghèo nàn và lạc hậu,
chiến lược phát triển còn lúng túng; đầu tư thấp và quản lý còn nhiều bất cập. Trong thời kì hội
nhập, hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ biển là yêu cầu cấp thiết không chỉ về lợi ích về khoa
học và kinh tế, mà còn góp phần tích cực bảo vệ và khẳng định chủ quyền, lợi ích quốc gia trên
biển. Để có được hợp tác bình đẳng và cùng có lợi, Việt Nam cũng cần xây dựng được một nền tảng
vững chắc về tiềm lực và chính sách khoa học công nghệ biển với các giải pháp phù hợp như: xây
dựng định hướng chiến lược đúng đắn; thực hiện các chính sách ưu tiên; xây dựng tiềm lực con
người và thiết bị; đẩy mạnh các hướng nghiên cứu trọng điểm và ưu tiên; tăng cường và đa dạng
hóa các hình thức hợp tác quốc tế; tăng cường thông tin, công bố và xuất bản.
Từ khóa: Khoa học công nghệ biển, thực trạng, thời kỳ hội nhập.
MỞ ĐẦU
Việt Nam có vị trí địa lý kinh tế - chính trị
đặc biệt quan trọng ở Đông Nam Á là nhờ có
một vùng lãnh thổ trải dài trên ba nghìn km ở rìa
tây Biển Đông, làm chủ một vùng biển rộng trên
một triệu km2, gấp ba lần diện tích lãnh thổ đất
liền, là vùng chuyển tiếp đặc biệt giữa Ấn Độ
Dương và Thái Bình Dương. Dải bờ biển dài
trên 3.200 km với 114 cửa sông lớn nhỏ, hàng
năm đổ ra biển khoảng 880 tỷ m3 nước và 250
triệu tấn bùn cát, cung cấp nguồn dinh dưỡng to
lớn và bồi lấn ra biển gần nghìn hecta mỗi năm.
Đất ngập nước ven biển rộng lớn, riêng đất ngập
nước triều trên 4.000 km2. Dọc bờ biển có 12
đầm phá với diện tích trên 400 km2 và 48 vũng
vịnh với diện tích trên 4.000 km2. Việt Nam có
chủ quyền với gần 3.000 hòn đảo ven bờ với
diện tích hơn 1.600 km2 và hai quần đảo rộng
lớn nằm ngoài khơi của Biển Đông. Quần đảo
Hoàng Sa nằm trên vùng biển rộng hơn 100
ngàn km2, với gần100 đảo nổi, đá, bãi nông, bãi
ngầm. Quần đảo Trường Sa nằm ở vùng biển
rộng hơn 300 ngàn km2, gồm hàng trăm đảo nổi,
đá, bãi nông, bãi ngầm với trên 100 đảo đã được
đặt tên.
Những năm qua, hoạt động khoa học công
nghệ biển (KHCNB) với nhiều nhiệm vụ đã
được triển khai trong các chương trình trọng
điểm, các đề tài độc lập cấp nhà nước; các bộ
ngành, trường đại học, viện nghiên cứu, các địa
phương và các tập đoàn sản xuất và hợp tác
quốc tế (HTQT). Các kết quả nghiên cứu và
ứng dụng đã góp phần tích cực phát triển kinh
tế, phòng tránh thiên tai, bảo vệ tài nguyên và
Trần Đức Thạnh, Bùi Công Quế,
196
môi trường, góp phần đảm bảo an ninh quốc
phòng, chủ quyền và lợi ích quốc gia trên trên
biển [1-9]. Tuy nhiên, bên cạnh các thành tựu,
vẫn còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, theo tinh thần
Nghị quyết 09/2007/NQ-TW của Ban chấp
hành TW Đảng khoá X, 2007 về Chiến lược
Biển Việt Nam đến năm 2020, KHCNB cần
phải đẩy mạnh hội nhập quốc tế thì mới có thể
đáp ứng được yêu cầu phát triển công nghiệp
hoá, hiện đại hoá và góp phần giữ vững chủ
quyền và lợi ích Quốc gia trên Biển Đông [6,
10, 11].
THỰC TRẠNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ
BIỂN VIỆT NAM
Những kết quả đã đạt được
Phát hiện và làm rõ các đặc trưng cơ bản về
điều kiện tự nhiên, tài nguyên và môi trường
biển đảo Việt Nam [1-6]
Đã tạo dựng hệ thống số liệu về điều kiện
tự nhiên: địa hình - địa mạo, địa chất, khí
tượng, hải văn, các hệ sinh thái và sinh vật biển
đảo; đã làm sáng tỏ các mối tương tác và các
quá trình động lực đặc trưng cho vùng biển rìa
nhiệt đới gió mùa.
Phát hiện và làm rõ những quy luật và đặc
điểm cơ bản về hình thái bờ biển, đáy biển và
các đảo, cấu trúc và lịch sử phát triển địa hình
các vùng thềm lục địa, sườn lục địa và chân
sườn; cấu tạo các bồn trũng Kainozoi có tiềm
năng dầu khí.
Đánh giá tiềm năng, dự báo triển vọng và
định hướng tìm kiếm khoáng sản biển (được
biết có khoảng 35 loại hình với quy mô và trữ
lượng khác nhau), đặc biệt là dầu mỏ, khí đốt
và hydrate; năng lượng biển (nhiệt, gió, sóng,
thuỷ triều và sinh khối ...); tiềm năng sử dụng
nước và đất ngập nước ven bờ.
Hệ thống các hệ sinh thái biển, vùng bờ
biển và hải đảo với trên 12.000 loài, phân bố
của các khu hệ sinh vật, những đặc trưng cơ
bản về đa dạng sinh học và một số quá trình
sinh học, năng xuất sinh học các vùng biển.
Đánh giá trữ lượng, phân bố, diễn biến tài
nguyên sinh vật biển, đặc biệt nguồn lợi thuỷ
sản và nguy cơ đe doạ; nguồn lợi đặc sản và
các giá trị bảo tồn tự nhiên.
Đã đạt được một số kết quả nghiên cứu mới
về cơ sở khoa học và khả năng ứng dụng thực
tiễn của tài nguyên vị thế biển, kỳ quan địa chất
và sinh thái biển.
Góp phần tích cực cho phát triển kinh tế - dân
sinh biển, vùng ven bờ biển và hải đảo Việt
Nam
Quy mô kinh tế biển và vùng ven biển bình
quân đạt khoảng 47-48% GDP cả nước (2000 -
2005), trong đó kinh tế “thuần biển” khoảng
20-22% tổng GDP cả nước. Trong kinh tế biển,
đóng góp của các ngành hoạt động trên biển tới
98%, trong đó khai thác dầu khí 64%; hải sản
14%; vận tải và dịch vụ cảng biển hơn 11%; du
lịch biển hơn 9% (2005). Đến năm 2011, ước
tính GDP của kinh tế biển và ven biển đạt
1.251 nghìn tỷ đồng (giá thực tế) chiếm 49,3%
tổng GDP của cả nước (trong đó kinh tế thuần
biển 17,8% và kinh tế ven biển 31,5%). Trong
giai đoạn 2007 - 2011, Việt Nam khai thác
được 77,2 triệu tấn dầu và 31,38 tỷ m3 khí.
Hàng hóa qua cảng biển giai đọan 2006 - 2011
tăng 13,2% và năm 2011 đạt 286,6 triệu tấn,
diện tích nuôi trồng 750 nghìn ha (40 nghìn ha
nuôi biển và 710 nghìn ha nuôi ven biển) cho
sản lượng 0,7 triệu tấn. Du lịch biển đảo chiếm
70% tổng doanh thu du lịch cả nước ... Những
thành tựu ấy có phần đóng góp xứng đáng của
KHCNB, ví dụ:
Trữ lượng dầu khí đã được điều tra đánh
giá là 4,3 tỷ tấn dầu quy đổi và việc phát hiện
ra dầu mỏ trong móng đá gốc phong hóa nứt nẻ
là một đóng góp quan trọng của KHCNB.
Triển khai và ứng dụng lĩnh vực ăn mòn
vật liệu trong môi trường biển, các đặc trưng kỹ
thuật, quy phạm công trình thềm lục địa; độ an
toàn và tuổi thọ công trình biển; khai thác và
vận chuyển an toàn dầu thô ... Đã đóng góp tích
cực cho phát triển hệ thống cảng biển như đề
xuất các giải pháp chỉnh trị sa bồi, chọn các
phương án luồng, lập kế hoạch bảo vệ môi
trường ...
Nâng cao hiệu quả đánh bắt xa bờ; hạn
chế đánh bắt quá mức ven bờ; bảo vệ và phát
triển nguồn lợi nuôi trồng như: cải tạo và bảo
vệ môi trường nuôi, xử lý ô nhiễm, công nghệ
nuôi, sinh sản nhân tạo, di giống, nhân giống và
phát triển một số đặc sản có giá trị kinh tế cao.
Khoa học công nghệ biển Việt Nam
197
Đã góp phần tạo việc làm, tạo sản phẩm tiêu
dùng nội địa và xuất khẩu. Bước đầu mở ra
hướng mới ứng dụng các hoạt chất sinh học có
nguồn gốc từ sinh vật biển, ví dụ một số hợp
chất chống ung thư trong sinh vật biển. Ứng
dụng thành công lượng giá kinh tế các hệ sinh
thái biển; sử dụng viễn thám ven bờ và đại
dương phục vụ kiểm kê, giám sát tài nguyên
biển và dự báo ngư trường ...
Đánh giá tổng hợp về hệ thống vũng vịnh,
đầm phá, cửa sông và hải đảo đã phục vụ tích
cực xây dựng chiến lược, tổ chức không gian
lãnh hải - lãnh thổ và quy hoạch sử dụng hợp lý
tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền
vững kinh tế - xã hội. Nghiên cứu sử dụng
vùng đất bồi, đất ngập nước ven biển đã giúp
các địa phương quy hoạch sử dụng hợp lý, đạt
hiệu quả kinh tế - xã hội, xóa giảm đói nghèo
và phát triển bền vững [7, 8, 9]
Đóng góp bước đầu vào việc bảo vệ tài nguyên
môi trường biển và ngăn ngừa và phòng tránh
thiên tai
Phân tích và đánh giá môi trường; xây dựng
các thông số kỹ thuật, các quy trình giám sát và
quan trắc môi trường; ứng phó tràn dầu trên
biển; cung cấp cơ sở khoa học cho soạn thảo và
ban hành các kế hoạch chiến lược, các quy
chuẩn quốc gia về tài nguyên môi trường biển
(TNMTB).
Hiểu biết về tích luỹ ô nhiễm, nguồn thải,
tác động, dự báo bằng mô hình về quá trình tự
làm sạch và sức tải môi trường là căn cứ để
ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm bằng các giải pháp
quản lý và công nghệ đảm bảo an toàn thực
phẩm và sức khoẻ cộng đồng.
Giám sát và dự báo môi trường biển: sóng,
sương mù trên biển; sa bồi và xói lở bờ biển;
nước dâng do bão; thuỷ triều đỏ. Đã ứng dụng
và phát triển một số công nghệ cao như viễn
thám và hệ thông tin địa lý, các mô hình sinh
thái biển, ô nhiễm biển, tương tác biển - khí;
tương tác lục - địa biển ...
Đóng góp đáng kể cho lĩnh vực bảo tồn tự
nhiên biển: hệ thống 16 khu bảo tồn biển quốc
gia; đề xuất UNESCO và IUCN công nhận các
khu di sản thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển
và khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc
tế. Đã ứng dụng thành công các giải pháp
phục hồi các rạn san hô, rừng ngập mặn và
thảm cỏ biển.
Tạo dựng cơ sở khoa học phục vụ xây dựng
chính sách, chiến lược cho quản lý tài nguyên
và môi trường biển, đảo và đặt nền móng cho
quản lý tổng hợp vùng bờ biển theo định hướng
phát triển bền vững.
Xác định được nguyên nhân, đánh giá thực
trạng, giám sát, dự báo xu thế và đề xuất giải
pháp ngăn ngừa, phòng chống các thiên tai:
bão, nước dâng trong bão, ngập lụt, xói lở, sa
bồi, xâm nhập mặn, cát chảy; ứng phó biến đổi
khí hậu và dâng cao mực biển, cảnh báo động
đất và sóng thần ... [8, 9, 11, 12].
Góp phần đảm bảo an ninh, bảo vệ chủ quyền
và lợi ích quốc gia trên biển
Hoạt động điều tra khảo sát biển, đảo đã
góp phần khẳng định chủ quyền và lợi ích của
Việt Nam trên biển. Các kết quả nghiên cứu
được sử dụng làm cơ sở khoa học để đàm phán,
đấu tranh phân định ranh giới trên biển và xác
định chủ quyền lãnh hải, nhất là đối với vịnh
Bắc Bộ, các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa,
vùng cửa sông Bắc Luân ... Các tờ bản đồ độ
sâu trên các vùng biển Trường Sa và Hoàng Sa
và kế cận được cập nhật và biên vẽ theo phân
công của tổ chức IOC\WESTPAC trong
chương trình biên vẽ bản đồ độ sâu Tây Thái
Bình Dương đã góp phần đấu tranh khẳng định
chủ quyền và ở mức độ nhất định đó là sự công
nhận quốc tế đối với các vùng biển - đảo này
của Việt Nam. Tài liệu về hình thái địa hình,
cấu trúc địa chất biển ... là căn cứ khoa học
quan trọng để xác định ranh giới ngoài thềm
lục địa, xây dựng Báo cáo quốc gia xác định
ranh giới ngoài của Thềm lục địa Việt Nam nộp
cho Liên hợp quốc năm 2009 xác định chủ
quyền trên biển của Việt Nam theo công ước
luật biển của LHQ năm 1982. Nhiều nghiên
cứu đã hỗ trợ kỹ thuật, cải thiện môi trường
sống của bộ đội, nhân dân trên các đảo [11].
Xây dựng và phát triển tiềm lực khoa học công
nghệ biển
Lực lượng KHCNB đã được tăng cường và
đổi mới với sự hình thành và phát triển một đội
ngũ chuyên gia tại các viện và trung tâm nghiên
Trần Đức Thạnh, Bùi Công Quế,
198
cứu KHCNB thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và
Công nghệ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi
trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông
thôn, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ... Với sự
đầu tư của nhà nước, đã có được một số tàu
khảo sát và những thiết bị khảo sát khá tốt và
các máy phân tích hiện đại. Trình độ của đội
ngũ cán bộ khoa học cũng được nâng cao một
bước rõ rệt. Với mở rộng quan hệ HTQT, cán
bộ ta đã nhanh chóng tiếp cận được những
thành tựu phương pháp kỹ thuật hiện đại. Cơ sở
dữ liệu về biển đã được xây dựng và phát triển
với một số đầu mối thuộc Viện Hàn lâm Khoa
học và Công nghệ Việt Nam và Tổng Cục Biển
và Hải đảo Việt Nam. Một số ấn phẩm quan
trọng đã được công bố như bộ chuyên khảo “
Biển Đông” gồm 4 tập với trên 2.000 trang,
xuất bản năm 2010 [2-5]; Atlas điều kiện tự
nhiên và môi trường vùng biển Việt Nam và kế
cận, 2009, với trên 60 bản đồ có độ chi tiết và
chính xác cao [1]. Nhiều tạp chí về KHCNB
được xuất bản định kỳ. Nhiều hội nghị Quốc
gia và Quốc tế về KHCNB được tổ chức tại
Việt Nam. Hai thư viện khoa học biển được đặt
tại Viện Hải dương học và Viện Tài nguyên và
Môi trường biển, mỗi thư viện có hàng vạn đầu
sách và tạp chí. Hai bảo tàng biển đặt tại hai
viện nghiên cứu này lưu giữ hàng vạn mẫu vật,
chủ yếu là mẫu sinh vật biển, thu thập gần một
thế kỷ trên vùng biển Việt Nam.
Hội nhập quốc tế và góp phần thực hiện cam
kết nhà nước về các công ước quốc tế liên quan
đến biển
Hợp tác quốc tế về KHCN của Việt Nam
trên Biển Đông không chỉ có lợi ích về khoa
học, kinh tế mà còn có ý nghĩa lớn đối với khẳng
định chủ quyền và lợi ích Quốc gia trên biển.
Các nhà khoa học đã tham gia hợp tác quốc
nghiên cứu biển dưới các hình thức song
phương, đa phương, các chương trình quốc tế,
các nhiệm vụ nghị định thư nhà nước, các hợp
tác nghiên cứu được ký kết giữa ở cấp viện và
trường đại học với phương thức hợp tác khá đa
dạng. Đã tích cực tham gia các tổ chức và
mạng lưới nghiên cứu biển quốc tế như Uỷ ban
Hải dương học Liên chính phủ (IOC), Hội
Khoa học Thái Bình Dương, Tiểu ban Môi
trường biển Đông Nam Á ... Đã tích cực hợp
tác với các tổ chức quốc tế như FAO,
IOC/UNESCO, UNEP, GEF, UNEP, ESCAP,
WWF ... và tham gia một số chương trình khu
vực của IOC/WESTPACT; Chương trình Khoa
học biển ven bờ (2001 - 2010) hợp tác với Nhật
Bản và các nước Đông Nam Á ...
Nhiều chuyến tàu khảo sát hợp tác Quốc tế
đã được thực hiện ở vùng biển Việt Nam và
Biển Đông: hợp tác về vùng đánh cá chung
Việt - Trung trên vịnh Bắc Bộ và Việt - Thái
trên vịnh Thái Lan; Đánh giá nguồn lợi cá xa
bờ trong dự án ALMRV II với Đan Mạch, dự
án JICA với Nhật; với Liên bang Nga về lĩnh
vực vật lý hải dương, sinh vật biển và địa chất
biển từ 1976, gần nhất chuyến tàu Viện sĩ
Oparin vào năm 2010; với Philippines (1994 -
2007) trong Chương trình JOMSRE - SCS với
4 chuyến tàu khảo sát xuyên Biển Đông; với
các nước khối Cộng đồng châu Âu về môi
trường và cảng biển, đa dạng sinh học, biến đổi
khí hậu, tảo độc hại và thuỷ triều đỏ trên biển ...
Bước đầu hợp tác với Hoa Kỳ về môi trường
trầm tích vịnh Bắc Bộ. Ngoài các sản phẩm có
chất lượng cao hơn, HTQT còn góp phần thực
hiện cam kết nhà nước về các công ước quốc tế
liên quan, trao đổi thông tin, tư liệu và đào tạo,
tiếp thu các thành tựu mới về KHCNB của thế
giới; góp phần thúc đẩy tình hữu nghị, hoà
nhập quốc tế trong lĩnh vực KHCNB. Thông
qua hợp tác, trình độ cán bộ ta đã được nâng
cao rõ rệt, tiếp thu và ứng dụng được những
thành tựu lý luận, phương pháp, kỹ thuật hiện
đại trong nghiên cứu biển. Một số hợp tác gắn
với đào tạo đã góp phần xây dựng tiềm lực con
người. Trưởng thành trong hội nhập, Việt Nam
đã đăng cai tổ chức nhiều hội nghị hội thảo
khoa học quốc tế về biển [10-12]
Những hạn chế và nguyên nhân
Những hạn chế
Chất lượng nghiên cứu chưa đồng đều và
hiệu quả ứng dụng chưa cao. Các công trình
nghiên cứu có chất lượng cao còn rất hạn chế
và chất lượng thấp khá phổ biến. Phần nhiều
các nghiên cứu có điều kiện phương tiện và
thiết bị khảo sát cũ, hệ thống chuỗi số liệu khảo
sát thiếu đồng bộ, thiếu số lượng cần thiết do
hạn chế về thời gian thực hiện và kinh phí đầu
tư. Hiệu quả ứng dụng thực tiễn chưa cao,
không ít công trình bị lãng quên theo thời gian,
Khoa học công nghệ biển Việt Nam
199
nhiều công trình nghiên cứu có số lượng công
bố trong và ngoài nước rất hạn chế, không
tương xứng với đầu tư và quy mô nghiên cứu.
Hoạt động nghiên cứu còn thiếu tính
chuyên nghiệp, nội dung nghiên cứu còn thiếu
chiều sâu và dàn trải. KHCNB đòi hỏi tính
chuyên nghiệp cao, trong khi chưa có cơ sở
chính thống nào đào tạo chuyên gia và còn có
rất ít cơ quan nghiên cứu chuyên về KHCNB.
Gần đây một số đơn vị mới thành lập nghiên
cứu về biển, nhưng còn rất thiếu phương tiện,
chuyên gia và kinh nghiệm. Không ít tổ chức,
đơn vị không chuyên, nhận nhiệm vụ nghiên
cứu biển nên công trình nghiên cứu thể hiện
tính ít chuyên nghiệp, nội dung nghiên cứu
thiếu chiều sâu. Nội dung, phạm vi và đối
tượng nghiên cứu còn dàn trải, nên kết quả khó
tránh định hướng chung chung theo bề rộng,
thiếu chi tiết và định lượng. Ví dụ, hiện nay
biến đổi khí hậu đang là một trào lưu, nhưng rất
thiếu những nghiên cứu chuyên sâu và định
lượng. Với cách tiếp cận như hiện nay, rất khó
hình thành các tập thể khoa học mạnh theo
chuyên ngành, rất ít khả năng có những nghiên
cứu hệ thống theo chiều sâu để có khả năng đạt
được hiệu quả ứng dụng thực tiễn cao, đạt được
những giải thưởng cao hay có được các công
bố ở các tạp chí uy tín của thế giới.
Không gian và chủ đề nghiên cứu tập trung
ở ven bờ, còn rất hạn chế ở vùng biến sâu, biển
xa. Do hạn chế lớn về phương tiện và thiết bị
khảo sát, kinh phí đầu tư và cả về trình độ, kinh
nghiệm của cán bộ khoa học, các công trình
nghiên cứu cho các vùng biển sâu và biển xa
còn rất hạn chế, phần nhiều dựa vào tài liệu
khảo sát của nước ngoài, hoặc thực hiện được
nhờ các chuyến khảo sát hợp tác quốc tế.
Những hạn chế này, không chỉ ảnh hưởng đến
khả năng phát triển kinh tế, bảo vệ tài nguyên,
ngăn ngừa phòng chống thiên tai, mà còn hạn
chế về khả năng đảm bảo chủ quyền và lợi ích
quốc gia trên biển. Là một quốc gia có biển và
hướng ra đại dương, chúng ta đến nay gần như
chưa chuẩn bị gì cho việc mở rộng nghiên cứu
ra vùng biển ngoài quyền tài phán trong các
hoạt động hội nhập quốc tế và tiếp cận với
tham gia nghiên cứu, khai thác đại dương trong
tương lai, theo xu thế chung của thời đại.
Thiếu tính chiến lược, chậm chuyển hướng
và chưa đủ năng lực để ứng phó với những tình
huống bất thường hoặc đột xuất. Đến nay vẫn
chưa có một chiến lược về KHCNB, nên các
nhiệm vụ được đặt ra chưa thật định hướng rõ
ràng và thiếu tính hệ thống, chủ yếu xuất phát
từ các hoàn cảnh, tình huống thực tế. Vì vậy,
khó tránh được có những nhiệm vụ trùng lặp,
hoặc cần nhưng lại thiếu và khó có thể phát
triển nghiên cứu có định hướng theo quy mô
mở rộng hay nâng cao. Còn chậm chuyển
hướng vào công nghệ dự báo, công nghệ phục
hồi hay quy trình quản lý. Nhiều vấn đề mới và
cấp thiết nhưng triển khai chậm so với yêu cầu
của thực tiễn và trễ khoảng 5 - 10 năm so với
các nước trong khu vực. Khi có vấn đề đột xuất
hoặc tình huống bất thường, hoạt động
KHCNB chưa đủ năng lực để ứng phó và giải
quyết kịp thời. Việc ứng phó với vụ tràn dầu
ven biển quy mô lớn không rõ nguồn gốc vào
năm 2007 thể hiện rõ hạn chế về cả năng lực
quản lý và nghiên cứu, thiếu tài liệu điều tra cơ
bản, quan trắc và giám sát môi trường.
Còn ít gắn kết với phục vụ bảo vệ chủ
quyền và an ninh quốc phòng. Các hoạt động
KHCNB còn ít gắn kết với mục đích phục vụ
bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc phòng do đặc
thù của vấn đề và do thiếu cơ chế phối hợp,
quản lý. Ở một số nước, lực lượng hải quân có
vai trong quan trọng trong điều phối và tổ chức
các hoạt động nghiên cứu biển. Ở ta, hiếm khi
thấy bên quốc phòng đặt yêu cầu nghiên cứu
cho tổ chức khoa học dân sự.
Nguyên nhân
Chậm có một chiến lược phát triển KHCNB
là lý do chủ yếu nhất. Mặc dù có những nhiệm
vụ được xác định theo kế hoạch 5 năm, việc
chậm có chiến lược hạn chế tầm cỡ, quy mô,
trọng tâm, tính liên tục và kế thừa của các
nhiệm vụ nghiên cứu và ảnh hưởng đến tiến độ
và tiềm lực phát triển của lĩnh vực.
Đội ngũ cán bộ còn mỏng và trình độ còn
hạn chế. Sau nhiều năm hoạt động, đội ngũ cán
bộ khoa học biển này đã hình thành, nhưng
chưa hoàn chỉnh về cơ cấu chuyên môn, hạn
chế về cả số lượng và chất lượng, thiếu các
chuyên gia có trình độ cao, hầu hết từ đầu
không được đào tạo về KHCNB. Số cán bộ có
Trần Đức Thạnh, Bùi Công Quế,
200
trình độ tốt đào tạo từ khối nước xã hội chủ
nghĩa trước đây hầu hết đã nghỉ hưu, số đào tạo
mới từ nước ngoài chưa nhiều, không đủ đáp
ứng yêu cầu. Trong nước ít có cơ sở đào tạo đạt
trình độ cao về KHCNB.
Cơ sở hạ tầng còn yếu, phương tiện và
trang thiết bị nghèo, phần nhiều còn lạc hậu.
Với những yêu cầu cơ bản về cơ sở hạ tầng của
một nền KHCNB chính quy, hiện đại và
chuyên nghiệp, cơ sở trang bị khảo sát biển còn
rất xa so với yêu cầu. Còn thiếu một đội tàu
khảo sát đúng yêu cầu về số lượng và tiêu
chuẩn kỹ thuật để có thể được công nhận quốc
tế về chất lượng, độ tin cậy về dữ liệu khảo sát.
Các phương tiện và thiết bị KHCNB và hệ
thống các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực kèm
theo chưa được đầu tư thích đáng đối với một
quốc gia có biển lớn.
Thiếu nền tảng tài liệu quan trắc, điều tra
cơ bản và hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia. Ở
nhiều nước, cơ sở dữ liệu biển được coi là một
nguồn tài nguyên quan trọng. Điều tra cơ bản
của ta thường đơn lẻ và đơn ngành, thiếu điều
tra tổng hợp theo vùng. Mạng lưới quan trắc
còn thưa, ít thông số và không liên tục. Chưa có
một cơ sở dữ liệu biển Quốc gia thực thụ để
thống nhất quản lý và đáp ứng yêu cầu sử dụng
và trao đổi dữ liệu quốc tế.
Đầu tư kinh phí còn hạn chế, nguồn vốn
chủ yếu từ ngân sách nhà nước. Gần đây, đầu
tư kinh phí của nhà nước cho lĩnh vực này tăng
đáng kể, nhưng còn rất hạn chế so với nhu cầu
cho một lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao, cần
chuỗi số liệu khảo sát và thực nghiệm dài, đặc
trưng cho mùa khí hậu. Nguồn ngân sách chủ
yếu từ nhà nước, rất khó xã hội hoá do thiếu cơ
chế và các chính sách phù hợp.
Chính sách khuyến khích và hỗ trợ cán bộ
KHCNB còn hạn chế. Chưa có chế độ ưu đãi
thích đáng để động viên cán bộ KHCNB,
những người phải làm việc trong điều kiện gian
khổ, vất vả và nguy hiểm. Chưa có những
chính sách, cơ chế thích hợp để mau chóng, chủ
động bổ sung đội ngũ, nâng cao trình độ cho
đội ngũ cán bộ KHCNB trẻ ở nước ta để chuẩn
bị cho tương lai.
Chậm đổi mới trong tổ chức và quản lý
nghiên cứu khoa học. Còn rất nhiều các hạn
chế và tồn tại về tuyển chọn và giao nhiệm vụ,
nghiệm thu, đánh giá sản phẩm nghiên cứu. Cơ
chế tài chính nặng nề và cứng nhắc làm lãng
phí thời gian và hạn chế sức sáng tạo của các cá
nhân và tập thể nghiên cứu.
YÊU CẦU PHÁT TRIỂN TRONG THỜI
KỲ HỘI NHẬP
Những yêu cầu
KHCNB là nền tảng vững chắc góp phần
thực hiện thành công chiến lược, quy hoạch
phát triển kinh tế-xã hội; chiến lược biển quốc
gia và đường lối chính sách đối ngoại của Việt
Nam; thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của
Việt Nam trong việc tham gia các tổ chức và
điều ước khu vực, quốc tế về biển
Hoạt động KHCNB đủ uy tín để đóng góp
kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, nâng cao hiểu
biết, năng lực và trình độ điều tra, nghiên cứu
biển của Việt Nam với các nước trong bối cảnh
hội nhập quốc tế, đưa vị thế của Việt Nam
ngang tầm khu vực và quốc tế.
KHCNB trở thành động lực mạnh mẽ thúc
đẩy phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ tài nguyên
và môi trường, bảo tồn tự nhiên, ngăn ngừa và
phòng chống thiên tai.
Hoạt động KHCNB phải trở thành một giải
pháp quan trọng góp phần đảm bảo an ninh
quốc phòng, khẳng định chủ quyền, quyền chủ
quyền và lợi ích quốc gia trên biển.
Hoạt động KHCNB là một cầu nối tăng
cường quan hệ hữu nghị, thân thiện giữa các
nước trong khu vực trong lĩnh vực nghiên cứu
KHCNB và khai thác tài nguyên biển trên cơ sở
bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng lợi ích, chủ
quyền lãnh hải và tôn trọng luật pháp quốc tế,
góp phần giải quyết tranh chấp trên biển.
Giải pháp thực hiện
Để thực sự trở thành một động lực phát
triển kinh tế biển, góp phần cho đảm bảo an
ninh quốc phòng, quyền chủ quyên và lợi ích
quốc gia trên biển, đồng thời tạo nên một
thương hiệu KHCNB trong hội nhập quốc tế,
cần thực hiện một số giải pháp cơ bản như sau:
Xây dựng định hướng chiến lược KHCNB
đúng đắn
Khoa học công nghệ biển Việt Nam
201
Chiến lược phải bám sát Nghị quyết Hội
nghị lần Thứ tư của Ban chấp hành Trung ương
Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến
năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành
Quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo
đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền
quốc gia trên trên biển, đảo, góp phần quan
trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại
hóa, làm cho đất nước giàu, mạnh. Chiến lược
xác định quy mô và tầm vóc của các hoạt động
nghiên cứu ứng dụng và triển khai công nghệ,
các vấn đề ưu tiên, lộ trình các bước và giải
pháp thực hiện để phát triển các ngành khoa
học kỹ thuật quan trọng: phát hiện, đánh giá,
khai thác, bảo vệ, phát triển tài nguyên, bảo tồn
tự nhiên, bảo vệ môi trường, ngăn ngừa và
phòng tránh thiên tai, kết hợp phục vụ kinh tế
với đảm bảo chủ quyền và ninh quốc phòng.
Chiến lược cho phép ưu tiên tiếp cận công nghệ
cao và hiện đại, ưu tiên nghiên cứu ứng dụng
cho các vùng biển sâu, biển xa, ưu tiên và định
khung cho các hoạt động HTQT trên biển ...
Thực hiện các chính sách ưu tiên
Hoạt động KHCNB cần có những chính
sách ưu tiên đặc biệt và có quan hệ mật thiết với
luật KHCN, luật Biển và một số luật khác rất
cần được bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện để tạo
ra khung pháp lý thuận lợi. Những điểm nổi bật
cần chú ý đến về phương diện này là: chính sách
sử dụng nhân lực; ưu đãi và trọng dụng cán bộ
khoa học; tôn vinh người có tài năng; đổi mới
chính sách đầu tư và cơ chế tài chính; chính sách
và cơ chế xã hội hoá nguồn tài chính; đẩy mạnh
nghiên cứu triển khai và ứng dụng công nghệ ở
các địa phương, các tập đoàn và cơ sở sản xuất.
Nhanh chóng đổi mới cơ chế quản lý và hoạt
động KHCNB, trọng tâm là giám sát, đánh giá
kết quả và hiệu quả nghiên cứu thông qua các
sản phẩm đạt được, hơn là những đòi hỏi khắt
khe về thủ tục tài chính [11].
Xây dựng tiềm lực
Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực
KHCNB: đào tạo trong và ngoài nước, cơ cấu
ngành nghề đạo tạo hợp lý và ưu tiên đào tạo
trình độ cao ... Đặc biệt ưu tiên gửi đào tạo các
chuyên gia nghiên cứu biển tại các cơ sở có uy
tín của quốc tế nhằm xây dựng một đội ngũ
chuyên gia nghiên cứu biển có trình độ cao
thay thế cho đội ngũ đã được đào tạo tại Liên
Xô và khối các nước xã hội chủ nghĩa trước
đây nay đã cao tuổi.
Đầu tư xây dựng một số viện, trung tâm
nghiên cứu biển mạnh xứng tầm quốc gia và
khu vực, có trách nhiệm và đủ năng lực thực
hiện các nhiệm vụ chiến lược và có khả năng
giải quyết các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách
trong các tình huống đột xuất. Đầu tư xây dựng
một số phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia
về KHCNB.
Đầu tư trọng điểm một số phương tiện,
thiết bị hiện đại cho khảo sát, giám sát và
nghiên cứu như đội tàu khảo sát, thuỷ phi cơ,
tàu lặn ... Ưu tiên trang bị các thiết bị nghiên cứu
triển khai và ứng dụng: công nghệ thông tin,
công nghệ định vị và dẫn đường; kỹ thuật tự
động hoá và tin học hoá, viễn thám, hệ thông
tin địa lý, kỹ thuật khảo sát ngầm, các mô hình,
lập trình ... [8, 9, 11].
Đẩy mạnh điều tra nghiên cứu và ứng dụng
theo các hướng trọng điểm và ưu tiên
Phát hiện và đánh giá tài nguyên: các dạng
tài nguyên mới như băng cháy, tài nguyên vị
thế, năng lượng sạch và tái tạo ... các giá trị
mới của tài nguyên như dược liệu biển và hoá
phẩm biển ... ưu tiên thăm dò và khai thác vùng
biển sâu và biển xa; sử dụng tài nguyên vị thế
cho kinh tế dịch vụ biển như du lịch, giao
thông, cảng và viễn thông ...
Phát triển công nghệ giám sát và dự báo
biển, dự báo nghề cá biển bằng viễn thám, dự
báo khí tượng - thuỷ văn và giông bão thời hạn
ngắn, các tai biến như động đất - sóng thần, xói
lở, sa bồi, thuỷ triều đỏ, tràn dầu và hoá chất,
biến đổi khí hậu và dâng cao mực biển ; Phát
triển công nghệ định vị và dẫn đường trên biển.
Xây dựng quy trình tiên tiến và công nghệ
hiện đại khai thác, sử dụng tài nguyên hiệu quả
và đảm bảo phát triển bền vững. Chú trọng giải
pháp phục hồi các hệ sinh thái biển, công nghệ
vi sinh, dược liệu và hoá phẩm biển; các giải
pháp khai thác tài nguyên ít gây tác động môi
trường; sử dụng năng lượng sạch và tái tạo.
Xây dựng và hoàn thiện công nghệ, quy
trình xử lý ô nhiễm, ứng phó sự cố môi trường
và thiên tai nhằm giảm thiểu thiệt hại và khắc
phục hậu quả.
Trần Đức Thạnh, Bùi Công Quế,
202
Gắn kết nghiên cứu KHCNB phục vụ
kinh tế - dân sinh với đảm bảo an quốc phòng
và chủ quyển quốc gia trên vùng biển đảo; tận
dụng và kết hợp phương tiện hải quân để
nghiên cứu biển.
Tăng cường và đa dạng hóa các hình thức
hợp tác quốc tế
Tăng cường HTQT để học tập kinh
nghiệm, tiếp cận các phương pháp và thiết bị
nghiên cứu mới và hiện đại nhằm nâng cao
hiệu quả nghiên cứu, đào tạo cán bộ trẻ và cán
bộ có trình độ cao; cùng giải quyết những vấn
đề xuyên lãnh hải và những quan tâm chung về
biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, bảo tồn biển
... phục vụ cho phát triển bền vững; hoà nhập,
phát triển quan hệ hữu nghị, thân thiện và thực
hiện trách nhiệm thi các công ước quốc tế mà
Việt Nam tham gia liên quan đến biển [11].
Tham gia các tổ chức quốc tế và khu vực,
tham gia các chương trình, đề án nghiên cứu
quốc tế song phương và đa phương, các mạng
lưới thông tin và chuyên gia; tham gia hội nghị,
hội thảo.
Tăng cường công bố, xuất bản và thông tin
Uy tín KHCNB có được là nhờ các giá trị
bản chất của nó, nhưng cũng cần đến hoạt động
quảng bá, mà cách tốt nhất là xuất bản sách và
công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí có
uy tín quốc tế đang nằm trong các hệ thống
đánh giá ISI, SCOPUS, SCI, SCI-E và các chỉ
số tác động (impact factor) và chỉ số trích dẫn
... Bên cạnh đó, các hội nghị, hội thảo quốc tế
mà Việt Nam đăng cai tổ chức hoặc tích cực
tham gia; các diễn đàn và hệ thống mạng lưới
KHCNB Quốc tế và khu vực như Ủy ban Hải
dương học liên chính phủ, Hội Khoa học Châu
Á - Thái Bình Dương ...; các hội chợ KHCNB
quốc tế và khu vực mà Việt Nam cần tích cực
tham gia đều là những hình thức quảng bá rất
tốt cho KHCNB nước nhà. Các trang mạng xã
hội về khoa học như Researchgate, Google
Scholar ... là những phương tiện hữu ích cần
tận dụng để quảng bá về KHCNB Việt Nam.
KẾT LUẬN
Những năm qua, hoạt động KHCNB ở Việt
Nam đã đạt được những thành tựu đáng trân
trọng và đã có những đóng góp đáng ghi nhận
cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ
tài nguyên và môi trường, góp phần đảm bảo an
ninh quốc phòng, chủ quyền và lợi ích quốc gia
trên biển. Hợp tác Quốc tế là một trong những
nhân tố góp phần đạt được những kết quả này.
Tuy nhiên, KHCNB Việt Nam còn rất khiêm
tốn so với các nước trong khu vực, nguyên do
là còn mỏng về lực lượng, hạn chế về trang
thiết bị và trình độ cán bộ, chiến lược phát triển
còn lúng túng; đầu tư thấp và quản lý còn nhiều
bất cập.
Trong thời kì hội nhập, hợp tác Quốc tế về
KHCNB không chỉ có lợi ích về khoa học và
kinh tế, mà còn là một giải pháp rất tích cực
góp phần bảo vệ và khẳng định chủ quyền, lợi
ích quốc gia trên biển trước mắt cũng như lâu
dài, đồng thời góp phần phát triển hòa bình và
hữu nghị trên Biển Đông. Tuy nhiên, để hợp
tác bình đẳng, tin cậy và cùng có lợi, Việt Nam
cũng cần xây dựng được một nền tảng vững
chắc về tiềm lực và chính sách với các giải
pháp phù hợp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam (chủ
biên), 2009. Atlas điều kiện tự nhiên và môi
trường vùng biển Việt Nam và kế cận,
2009. Nxb. KHTN&CN. Hà Nội.
2. Lê Đức Tố (chủ biên ), 2010. Biển Đông.
Tập I. Khái quát về Biển Đông. Nxb.
KHTN&CN. Hà Nội. 316 tr.
3. Phạm Văn Ninh (chủ biên), 2010. Biển
Đông. Tập II. Khí tượng, thủy văn, động
lực biển. Nxb. KHTN&CN. Hà Nội. 644 tr.
4. Mai Thanh Tân (chủ biên), 2010. Biển
Đông. Tập III. Địa chất và Địa vật lý biển.
Nxb. KHTN&CN. Hà Nội. 580 tr.
5. Đặng Ngọc Thanh (chủ biên), 2010. Biển
Đông. Tập IV. Sinh vật và sinh thái biển.
Nxb. KHTN&CN. Hà Nội. 580tr.
6. Dương Ngọc Hải (chủ biên), 2011. Tình
hình nghiên cứu khoa học công nghệ biển
hiện nay và định hướng nghiên cứu trong
giai đoạn tới. Tuyển tập: Hội nghị KHCN
biển Toàn quốc V. Quyển 1. Nxb.
KHTNCN, Hà Nội, 2011. Tr. 1-63.
7. Đặng Ngọc Thanh, 1985. Tình hình điều tra
nghiên cứu biển nước ta và phương hướng
Khoa học công nghệ biển Việt Nam
203
công tác trong thời gian tới. Tuyển tập báo
cáo tại Hội nghị khoa học công nghệ biển
lần thứ II - Hà Nội, 1985).
8. Trần Đức Thạnh, 2012. Thành tựu, hạn chế,
nguyên nhân và giải pháp nâng cao hiệu
quả nghiên cứu triển khai, ứng dụng công
nghệ trong lĩnh vực tài nguyên môi trường
biển ở nước ta. Tạp chí Văn Phòng Cấp ủy.
Số 10 (2012). Tr. 57-60.
9. Phạm Huy Tiến (Chủ biên), 2010. Kỷ yếu
hội nghị Khoa học kỷ niệm 35 năm Viện
KHCN Việt Nam. Tiểu ban KHCN biển,
Hà Nội. 335 tr.
10. Nguyễn Văn Cư, 2011. Một số vấn đề về
hoạt động khoa học - công nghệ phục vụ
quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về
biển và hải đảo. Tuyển tập Hội nghị KHCN
biển Toàn quốc V. Quyển 1. Nxb.
KHTNCN, Hà Nội, 2011. Tr. 64-73.
11. Dương Ngọc Hải (chủ biên), Bùi Công
Quế, Chu Trí Thắng và nnk, 2012. Chương
trình hợp tác quốc tế vể điều tra khảo sát tài
nguyên và môi trường Biển Đông giữa Việt
Nam và các nước 2009 - 2011. Nxb.
KHTN&CN. Hà Nội. 477 tr.
12. Nguyễn Chu Hồi, 2009. Quản lý nhà nước
về biển và hải đảo Việt Nam: Vấn đề và
cách tiếp cận. Tạp chí Sinh hoạt và Lý luận
số 1/2009. Học viện Chính trị và Hành
chính Khu vực III, Đà Nẵng.
MARINE SCIENCE AND TECHNOLOGY IN VIETNAM - CURRENT
SITUATION AND DEVELOPMENT DEMAND FOR INTEGRATION
PERIOD
Tran Duc Thanh, Bui Cong Que, Tran Dinh Lan
1Institute of Marine Environment and Resources-VAST
2Institute of Geophysics-VAST
ABSTRACT: In the last years, marine science and technology activities in Vietnam have
achieved significant success and remarkably contributed to social - economic development,
protection of natural resources and the environment, ensuring national security, sovereignty and
benefits at sea. However, these results are limited by the inconsiderable experts, limited
qualification; poor and backward equipment for survey and research; confusing development
strategies; low investment; and inadequate management. During the integration, international
cooperation in marine science and technology is demanded urgently, not only in the benefits of
science and economics, but also in active contribution to ensure and protect sovereignty and
national benefits at sea. To get equal cooperation and mutual benefit, Vietnam also needs to build a
solid foundation of powers and policy for marine science and technology with the appropriate
solutions such as: establishing the rightly directed strategy; implementing policy priorities; building
capability and capacity (human resources and equipment); promoting researches in key and
priority fields; strengthening and diversifying the manners of international cooperation; enhancing
communication, publication and publishing.
Keywords: Marine Science and Technology, status situation, integration period.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 5156_20911_1_pb_1838_2079646.pdf