Như đã phân tích, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam hiện nay đều thiếu thông tin về thị trường gạo quốc tế, trong khi thông tin đang bùng nổ mạnh. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp chưa nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của nền kinh tế thị trường nên chưa thực sự quan tâm đến công tác thông tin thị trường gạo quốc tế. Hầu hết các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn đều chưa tổ chức hoặc chưa có cán bộ chuyên trách về thông tin. Chi phí cho công tác thông tin, kể cả tiền mua thông tin không đáng kể, thậm chí không có.
Qua đó, cần có các giải pháp để đưa thông tin từ thị trường quốc tế về cho các doanh nghiệp qua các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan, các tổ chức dịch vụ. Những người cung cấp thông tin về gạo biết rõ nhu cầu về thông tin của doanh nghiệp, biết xử lý và phân tích nguồn thông tin, đầu tư cho công tác thông tin và mua thông tin nguồn, tránh cung cấp những thông tin không cần thiết cho doanh nghiệp. Các tổ chức cung ứng thông tin phải hoạt động theo cơ chế vừa cạnh tranh vừa hợp tác. Chính phủ nên hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi trong việc cung cấp và tiếp cận thông tin, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ về tài chính cho doanh nghiệp được cung cấp thông tin, mua thông tin về gạo và Chính phủ cũng cần hỗ trợ bằng cách trực tiếp cung cấp thông tin cho doanh nghiệp. Trên cơ sở các thông tin thu được, các doanh nghiệp sẽ tiến hành chọn lọc, phân tích rút ra nhận xét, kết luận để làm cơ sở xây dựng các kế hoạch chiến lược, phương án kinh doanh.
65 trang |
Chia sẻ: aloso | Lượt xem: 1843 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Khóa luận Giải pháp tăng trưởng xuất khẩu gạo của Việt Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
đúng tiến độ vận chuyển từ nơi sản xuất, dự trữ và xuất khẩu.
Phát triển dịch vụ bảo hiểm và vận tải hàng hải phục vụ xuất khẩu gạo.
Hiện tại, giá gạo bán của ta cho các nhà nhập khẩu là giá FOB, tạo cho chúng ta tâm lý an toàn khi xuất khẩu, tránh những rủi ro có thể xảy ra trên đường vận chuyển. Tuy nhiên chúng ta không phát triển được đội hàng hải và bảo hiểm, giá lại cao so với CIF. Vì vậy cần đưa ra giải pháp đẩy mạnh dịch vụ bảo hiểm và vận tải hàng hải bằng cách liên doanh với các hãng bảo hiểm danh tiếng quốc tế tạo tâm lý yên tâm, tín nhiệm với khách hàng, phát triển khả năng vận tải hàng hải. Mục tiêu của Chính phủ đến năm 2010 là xây dựng một đội tàu quốc gia đủ sức chở 99% khối lượng hàng nội địa, 40% khối lượng hàng nhập khẩu và tham gia chở thuê cho nước ngoài. Với những thế mạnh trên, nhà xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể chào hàng theo giá CIF và thu được lợi nhuận từ những dịch vụ bảo hiểm, hàng hải đồng thời tạo điều kiện phát triển ngành nghề, giải quyết công ăn việc làm cho nhân công trong ngành trên.
5.1.4. Các giải pháp về thị trường
Thứ nhất: nghiên cứu và xây dựng thị trường.
Thị trường là yếu tố quyết định đầu ra của sản phẩm. Nghiên cứu thị trường là nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của gạo Việt Nam. Công tác nghiên cứu thị trường cần được tổ chức tập trung, khách quan và khoa học. Vì vậy, chúng ta có thể hiểu biết về các đặc tính, thói quen tiêu dùng, thị hiếu của các khu vực thị trường cũng như nắm bắt thông tin về các biến động trên thị trường, đồng thời cho phép đánh giá tiềm năng và quy mô thị trường. Từ đó thực hiện xâm nhập và thích ứng với thị trường, tạo thế cạnh tranh để mở rộng thị phần của mình.
Để nghiên cứu thị trường gạo - mặt hàng có thị hiếu tiêu dùng đa dạng - Nhà nước cần hình thành các trung tâm chuyên trách cho ngành gạo để khai thác, cung cấp thông tin về giá cả thị trường, tình hình hoạt động của các thành viên trong và ngoài nước, phổ biến kịp thời các chính sách mới của Nhà nước cho các nhà xuất khẩu. Hệ thống thông tin phải thật chính xác, cập nhật để có những phản ứng linh hoạt trước những biến động của thị trường.
Xây dựng thị trường xuất khẩu gạo là một đòi hỏi mang tính cấp thiết và chiến lược. Nhà nước cần tạo lập và đặt mối quan hệ thương mại với các nước có nhu cầu lớn về xuất khẩu gạo, tranh thủ khai thác các mối quan hệ để ký các hiệp định xuất khẩu gạo hoặc các bản thoả thuận phối hợp, hợp tác với các nước để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động đồng thời có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường bên ngoài. Trong quá trình xuất khẩu gạo, cần tranh thủ gây dựng uy tín thương mại quốc tế đối với các bạn hàng, từng bước tạo thói quen ưa chuộng, tiêu dùng gạo Việt Nam, từ đó đẩy mạnh xuất khẩu chiếm lĩnh thị trường.
Thứ hai: các thị trường mục tiêu.
Việc lựa chọn các thị trường mục tiêu cho xuất khẩu gạo trong những năm tới là vấn đề khá nan giải. Điều quan trọng đối với Việt Nam hiện nay là sắp xếp các phân đoạn thị trường xuất khẩu gạo theo thứ tự ưu tiên và hiệu quả kinh tế, đầu tư vốn cho sản xuất, chế biến, xây dựng cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp, tạo tiền đề cho xuất khẩu gạo trong tương lai.
Những năm sắp tới, chúng ta tập trung xuất khẩu gạo vào những thị trường tiêu biểu sau:
* Một, thị trường gạo phẩm cấp thấp. Đây là thị trường tập trung những nước nghèo tiêu thụ gạo chất lượng thấp (tấm 25-35%) như Ấn Độ, Philippines, các quốc gia châu Phi...
+ Thị trường ổn định gạo bao gồm các nước ASEAN như Philippines, Malaysia... Đây là một thị trường quan trọng cần hướng tới. Về cơ bản giữa nước ta và các nước ASEAN, cơ cấu hàng xuất khẩu tương tự như nhau. Tuy nhiên ta cần khai thác những ưu thế và giá nhân công rẻ so với nhiều nước trong khu vực địa lý, và trong tương lai nằm trên hệ thống đường bộ và đường sắt xuyên Á và chế độ ưu đãi thuế quan trọng nội bộ các nước ASEAN để tăng mức xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ vào thị trường này đặc biệt là các mặt hàng nông sản như gạo. Mặc dù chúng ta gặp sự cạnh tranh gay gắt với Thái Lan về gạo nhưng chúng ta có chỗ đứng tại các nước Indonesia, Singapore, Philippines... Chúng ta đã có hướng đi đúng khi liên doanh với các nước trồng lúa cao sản để cung cấp ổn định cho thị trường thế giới với hiệu quả cao. Chúng ta nhận định rằng trong thời kỳ đến năm 2010 thì ASEAN vẫn là thị trường tiêu thụ gạo chủ yếu của Việt Nam.
+ Thị trường không ổn định là những thị trường nhập gạo của Việt Nam với số lượng không đồng đều như Trung Quốc và các nước Châu Phi. Với số dân 1,3 tỉ người và vị thế địa lý thuận lợi, Trung Quốc hứa hẹn là nước nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam. Tuy nhiên xuất khẩu gạo sang nước này gặp nhiều khó khăn do sự đồng nhất về mùa vụ. Những năm nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc lớn do mất mùa thì chúng ta không đáp ứng đủ với nguyên nhân các tỉnh miền Bắc gặp thiên tai. Năm 1995, khi Trung Quốc cần nhập nhiều lương thực nhất, nhưng chính phủ ta có lệnh cấm xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch qua biên giới vì khó khăn về lúa gạo ở miền Bắc. Ngược lại, năm 1997, khi chúng ta thừa gạo cần cho tiêu thụ, Chính phủ ta đã cho phép địa phương được giao dịch để bán cho Trung Quốc nhưng không thực hiện được. Điều đó chứng tỏ tính chất bấp bênh trong quan hệ thương mại với Trung Quốc là thị trường lớn nhưng không ổn định. Chính vì vậy, trong những năm tới chúng ta cần có những điều chỉnh thích hợp để điều hoà thị trường đầy tiềm năng này.
Tương tự như Trung Quốc, thị trường các quốc gia châu Phi rất có triển vọng đối với gạo xuất khẩu của Việt Nam nhưng cũng gặp nhiều khó khăn. Khu vực này luôn có những bất ổn định về chính trị, khó có khả năng thanh toán nên lượng gạo nhập từ Việt Nam dù nhiều nhưng không ổn định. Tuy nhiên khu vực vẫn là bạn hàng rất lớn của Việt Nam và chúng ta phải tập trung khai thác trong những năm tới.
* Hai, thị trường gạo phẩm chất cao bao gồm các nước nhập khẩu gạo chất lượng cao của Việt Nam bao gồm:
- Thị trường EU: hiện nay kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gạo của Việt Nam vào thị trường này chưa lớn do có sự cạnh tranh gay gắt của gạo Thái Lan. Tuy nhiên trong tương lai, khi chúng ta nâng cao được chất lượng gạo thì đây là một thị trường rất có tiềm năng. Các chuẩn mực kinh doanh của EU đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải thật sự năng động, đảm bảo chất lượng gạo và giữ chữ tín trong giao dịch, buôn bán, từng bước xuất khẩu trực tiếp gạo Việt Nam vào khu vực này.
- Thị trường Mỹ: là nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới nhưng Mỹ cũng có nhu cầu nhập khẩu. Năm 2001, Hiệp định Thương mại song phương Việt - Mỹ được ký kết, các doanh nghiệp Việt Nam có thể hưởng quy chế tối huệ quốc của Mỹ nên gạo của ta có thể tiếp cận và xâm nhập vào thị trường này dễ dàng hơn. Trong tương lai, chúng ta cần mở rộng quan hệ để có mức xuất khẩu gạo ổn định vào thị trường Mỹ nói riêng cũng như các nước châu Mỹ nói chung.
- Thị trường Nhật Bản: Nhật Bản là nước tiêu thụ gạo đòi hỏi chất lượng cao. Do vậy, các doanh nghiệp của ta cần nắm bắt xu thế này để đầu tư trang thiết bị nâng cao chất lượng sản phẩm mới có thể có chỗ đứng trên thị trường, nhất là khi Nhật Bản giảm mức bảo hộ đối với mặt hàng gạo theo quy định của WTO.
- Thị trường Trung Đông: đây là khu vực gồm những nước giàu có trên thế giới, có nhu cầu cũng như khả năng thanh toán, giao dịch thương mại quốc tế... Do chưa hiểu biết nhiều về bạn hàng và thị trường ở khu vực này nên kim ngạch buôn bán giữa Việt Nam và các nước này không đáng kể. Bước đầu gạo Việt Nam đã có chỗ đứng và được ưa dùng tại Iran, Iraq... Trong tương lai, khu vực này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các nhà xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Nhìn chung, gạo chất lượng thấp của Việt Nam chiếm tỷ lệ khá cao với thị trường châu Á và châu Phi rộng lớn nên cần khai thác mức độ tối đa. Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách thúc đẩy đầu tư vào sản xuất nâng cao chất lượng gạo, kết hợp với các chính sách marketing thị trường của Chính phủ để đưa mặt hàng cao cấp xâm nhập thị trường các nước tiêu thụ loại hàng này với giá cao. Do vậy, chúng ta phải biết kết hợp giữa việc giữ vững các thị phần đã xuất khẩu, chuyển dần sang sản xuất và xuất khẩu gạo cao cấp và đặc sản để đi vào thị trường cao cấp, thu được giá trị xuất khẩu cao hơn.
Như vậy, thị trường xuất khẩu gạo còn rộng mở, khả năng tham gia vào thị trường gạo của Việt Nam ngày càng tăng. Trong những năm tới, chúng ta cần thực hiện hoạt động xuất khẩu gạo sao cho có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất trong nền kinh tế quốc dân.
Chiến lược Marketing-mix
Vai trò của xuất khẩu trong đó có xuất khẩu gạo đã được Nhà nước khẳng định. Đó là mục tiêu quan trọng, tạo điều kiện cho đất nước ta thực hiện CNH-HĐH và nhanh chóng hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Để nâng cao vị thế của gạo Việt Nam, đáp ứng những đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế, chúng ta cần có một chiến lược cụ thể nhằm đẩy mạnh, xúc tiến xuất khẩu gạo, tăng kim ngạch là tiền đề quan trọng đáp ứng nhu cầu về vốn trong hoạt động đối ngoại.
Đề ra các giải pháp theo quan điểm Marketing-mix hình thành hệ thống các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu gạo là cần thiết để chiếm lĩnh thị trường thế giới bao gồm chính sách sản phẩm, chính sách giá, chính sách phân phối và chính sách xúc tiến và hỗ trợ kinh doanh. Mục đích của các chính sách này là tạo điều kiện cho xuất khẩu có thể cạnh tranh và có vị trí cao trên thị trường nước ngoài với chi phí thấp nhất. Các đề xuất nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo mang tính chiến lược dưới đây sẽ liên quan đến hầu hết các vấn đề sản xuất, chế biến, dự trữ lưu thông lúa gạo trong những năm sắp tới.
5.2.1. Chính sách sản phẩm
Sản phẩm sản xuất ra phải đảm bảo thoả mãn nhu cầu của khách hàng. Đối với sản phẩm xuất khẩu, khách hàng nước ngoài có những đặc tính về văn hoá khác biệt nên yêu cầu càng khắt khe hơn. Chính sách sản phẩm của gạo xuất khẩu được trình bày bao gồm các giải pháp trong khâu sản xuất, chất lượng và chủng loại...
Tình hình sản xuất gạo của nước ta đã và đang được phát triển theo xu hướng tốt cần được khai thác toàn diện về chiều rộng và chiều sâu.
* Thứ nhất, về giống lúa, từ ngàn xưa kinh nghiệm của ông cha để lại thì giống lúa chỉ là yếu tố đứng thứ tư (sau ba nhân tố khác là nước, phân bón, nhân công) nên không coi trọng vai trò của giống lúa đối với sản xuất.
Ngày nay, giải pháp về giống lúa cần đi trước một bước, kể cả nghiên cứu, triển khai và việc áp dụng vào thực tiễn nhằm tạo ra những tiền đề cơ bản cho các giải pháp kỹ thuật khác phát huy có hiệu quả. Khi nghiên cứu cải tiến giống lúa hay nhập các loại giống mới phục vụ cho xuất khẩu cần chú ý các yêu cầu như năng suất cao, có khả năng thích nghi với các vùng địa lý, khí hậu của Việt Nam, đạt hiệu quả cao trong quá trình chế biến và có khả năng thoả mãn nhu cầu của khách hàng thế giới. Thời gian từ khâu thử nghiệm đến khâu sản xuất đại trà cần được rút ngắn nhưng đồng thời phải giữ được độ an toàn khi đưa các giống lúa này ra áp dụng. Cần đầu tư cho khoa học, tập trung nhân giống mới chất lượng cao, giúp nông dân đẩy mạnh xuất khẩu lúa thơm xuất khẩu cho phù hợp với nhu cầu thị trường, tăng tỷ trọng giống lúa này lên cơ cấu xuất khẩu gạo trong những năm tới để đáp ứng thị trường châu Âu, châu Mỹ và các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore... và số lượng đông đảo Việt kiều sống ở nước ngoài. Trong thời gian tới nên tập trung các vùng chuyên canh sản xuất các loại gạo đặc sản như tám thơm, nàng hương, nếp cái hoa vàng... với sản lượng lớn dành cho xuất khẩu. Bên cạnh đó cần khắc phục tình trạng giảm sút về chất lượng của một số giống gạo đặc sản truyền thống nhằm khôi phục hương thơm vốn có của chúng.
Diện tích chuyên sản xuất lúa hàng hoá xuất khẩu cũng cần được quy hoạch cụ thể. Để có vùng chuyên canh lúa xuất khẩu ổn định cần thực hiện theo nguyên tắc: vùng không phải đánh thuế đất, thóc sản xuất ra phải được tiêu thụ hết với lợi nhuận ít nhất phải bằng trồng lúa hàng hoá tiêu thụ trong nước. Muốn vậy phải có sự ràng buộc chặt chẽ, cụ thể về pháp lý và kinh tế giữa cơ quan chức năng với người dân. Với các cơ quan khoa học và khuyến nông là chất lượng giống và quy trình thâm canh, với các cơ quan quản lý Nhà nước là giám sát và xử lý các sai phạm trong quá trình thực hiện. Trên nguyên tắc đó, khâu giống phải do các viện và phân viện, các trung tâm khoa học kỹ thuật nông nghiệp các vùng đảm nhận và họ phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước, trước khâu tuyển chọn, du nhập và phổ biến các quy trình kỹ thuật thâm canh cho người dân. Để các cơ quan khoa học kỹ thuật làm tốt các chức năng này cần đầu tư ngân sách cho họ và kết quả của công tác này phải được xem là tiêu chuẩn quan trọng trong nhiệm vụ chính trị của họ. Đồng thời, Nhà nước cần có các chính sách vừa có tính chất khuyến khích vừa có tính chất bắt buộc các doanh nghiệp làm chức năng xuất khẩu tham gia vào công tác nghiên cứu và chuyển giao giống lúa chất lượng cao cho dân. Những đơn vị có nhiều đóng góp trong công tác này sẽ được khuyến khích, khen thưởng một cách hợp lý.
* Thứ hai, về phân bón, đây là giải pháp kỹ thuật cần phải được tiến hành đồng bộ với giải pháp về giống lúa do vai trò của phân bón đối với năng suất lúa và chất lượng gạo. Chúng ta cần duy trì các loại phân hữu cơ truyền thống bón lúa vì giá thành rẻ, phù hợp với điều kiện kinh tế của nông dân Việt Nam và không gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, theo xu thế chung ở các nước nông nghiệp các trình độ tiên tiến, chúng ta có thể tăng dần tỷ trọng hai loại phân hữu cơ công nghiệp và vi sinh, giảm dần phân bón hoá học kết hợp với nhập khẩu các loại phân hoá học tổng hợp. Nhà nước cần tăng cường quản lý một cách chặt chẽ đảm bảo cung cấp phân bón có chất lượng cho dân sản xuất, bảo vệ lợi ích cho họ cũng như hiệu quả kinh tế - xã hội của hoạt động sản xuất và xuất khẩu gạo.
* Thứ ba, về vấn đề cải tiến kỹ thuật canh tác lúa.
Ở hầu hết các địa phương, công tác khuyến nông đã được chú trọng nhằm hướng dẫn nông dân các kỹ thuật canh tác tiên tiến, nhưng nhìn chung hiệu quả còn hạn chế vì lực lượng khuyến nông còn mỏng, mạng lưới nông dân tham gia khuyến nông còn quá ít. Việc cơ giới hoá sản xuất tiến hành rất khó khăn do quy mô sản xuất còn nhỏ. Trong những năm tới, Nhà nước cần đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn bao gồm: thuỷ lợi, tăng diện tích đất canh tác, cung cấp điện phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển giao thông nông thôn.
* Thứ tư, về các khâu sau thu hoạch.
Hiện nay chúng ta vẫn chủ yếu sấy thóc bằng năng lượng mặt trời và có tỷ lệ gãy nát cao lúc xay xát, không đảm bảo chất lượng. Vì vậy, để khắc phục tình trạng này, cần nghiên cứu trang bị những thiết bị sấy có quy mô phù hợp và tận dụng các loại nhiên liệu có sẵn tại địa phương. Công nghệ xay xát và chế biến cần được trang bị hiện đại hơn, có công suất phù hợp, tăng tỷ lệ gạo thu hồi với chất lượng cao. Mục tiêu trong những năm tới sẽ là lắp đặt thêm những trung tâm chế biến gạo nhằm khắc phục những khó khăn trong tái chế theo cách đối phó hiện nay. Chúng ta nên chú trọng chọn lựa và trang bị máy xay xát nhỏ có công nghệ tốt tăng tỷ trọng thu hồi, chất lượng gạo tốt phục vụ nhu cầu ngày càng cao của nhân dân và các cơ sở tái chế để xuất khẩu.
Cải tiến kỹ thuật công nghệ và hệ thống kho dự trữ bảo quản việc cất giữ, hạn chế những ảnh hưởng của điều kiện thời tiết khí hậu nước ta là những biện pháp để nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu. Cụ thể, chúng ta cần sắp xếp lại hệ thống kho chứa, bố trí một cách hợp lý và khắc phục những kho chưa đạt tiêu chuẩn quy định, đặc biệt là các kho dự trữ xuất khẩu và xây dựng thêm những kho mới, hiện đại ở một số trọng điểm, tạo điều kiện thuận lợi cho cất trữ, bảo quản lúa gạo. Bên cạnh đó, chúng ta phải áp dụng các công nghệ bảo quản tiên tiến: bảo quản kín gạo, xát trắng, gạo lật bằng cách sử dụng màng PVC trong khí CO2 hoặc khí Nitơ trong các kho dự trữ quốc gia và dự trữ kinh doanh, bảo quản mát thóc gạo ở một số cụm kho dự trữ quốc gia hiện đại, đòi hỏi vốn đầu tư lớn để có thể cạnh tranh với các nước xuất khẩu gạo khác, sản xuất và áp dụng một số chế phẩm vi sinh vật, các chế phẩm từ thực vật có tác dụng diệt côn trùng mà không gây độc hại cho người và gia súc, không làm nhiễm bẩn môi trường để bảo quản lương thực trong kho tập trung và phương tiện cất trữ ở gia đình.
Với những đầu tư về sản xuất như trên, trong những năm tới, chất lượng gạo của Việt Nam sẽ thay đổi, đạt được hiệu quả cao trong sản xuất và xuất khẩu. Đây là một yếu tố quan trọng có thể quyết định được tương lai của ngành gạo Việt Nam vì một trong những nhược điểm lớn của chúng ta là chất lượng gạo. Khắc phục được yếu điểm này sẽ giúp chúng ta tăng được giá bán, thu hút nhiều khách hàng mua với số lượng lớn, qua đó tăng được kim ngạch xuất khẩu gạo. Các giải pháp về sản phẩm gạo cần phải thực hiện một cách thống nhất, toàn bộ và đạt được hiệu quả tối ưu.
5.2.2. Chính sách giá
Chính sách giá là chính sách khó đưa ra nhất trong Marketing-mix. Định giá cho hàng bán nội địa đã khó, định giá cho hàng xuất khẩu đặc biệt cho những hàng nông sản luôn biến động như gạo lại càng khó hơn. Chính sách giá quyết định tổng kim ngạch xuất khẩu và lợi nhuận. Ngay cả khi chất lượng gạo tốt, có phương pháp xúc tiến xuất khẩu đúng và giá bán đúng thị trường song giá không thích hợp thì những nỗ lực trong các chính sách khác cũng không mang lại nhiều kết quả. Vì lẽ đó, chính sách giá trong Marketing-mix có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Muốn có chính sách giá gạo xuất khẩu đúng đắn, cần tiến hành nghiên cứu tình hình thị trường, phân tích chi phí sản xuất và chi phí Marketing. Có nhiều yếu tố cần phải cân nhắc trước khi đi đến thiết lập giá xuất khẩu trong đó có yếu tố kiểm soát được và những yếu tố không thể kiểm soát.
* Tình hình chung
Như đã phân tích, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam dù có xu hướng tăng trong thời gian gần đây nhưng vẫn thấp hơn so với giá gạo cùng loại của các nước khác như Thái Lan, Mỹ...
Nguyên nhân của tình trạng trên do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan từ phía Nhà nước và người sản xuất lúa gạo.
- Về khách quan: thị trường gạo thế giới và khu vực đã xuất hiện xu hướng cung lớn hơn cầu. Đặc biệt vào cuối năm 2000, đầu năm 2001 xu hướng trên càng trở nên phổ biến, số lượng lúa gạo sản xuất tăng và nhu cầu tiêu thụ giảm. Sản lượng nhập khẩu của các nước Indonesia, Philippines giảm từ 50% đến 70% so với năm 1999. Còn ở các khu vực khác như Trung Đông, châu Phi thì nhu cầu nhập khẩu gạo cũng không tăng do mức tiêu dùng gạo có xu hướng giảm dần. Trong lúc đó, sản lượng sản xuất lúa gạo của các nước có nhiều diện tích lúa như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Indonesia, Thái Lan, Philippines đều có xu hướng tăng hoặc ổn định. Hai nước Lào và Campuchia không chỉ tự túc đủ lương thực mà bước đầu có dư thừa để xuất khẩu gạo.
- Về chủ quan: sản xuất gạo tuy có nhiều tiến bộ vượt bậc nhưng nhìn chung đến nay vẫn chưa thoát khỏi tình trạng tự phát, tự cấp, tự túc và phân tán theo quy mô hộ gia đình. Tập quán sản xuất gạo để tiêu dùng và bán ra thị trường trong nước khi thừa vẫn còn rất nặng nề trong nhiều hộ nông dân ở miền Bắc và miền Trung. Công tác quy hoạch và định hướng của Nhà nước nhiều khi chỉ dừng lại ở các chủ trương, chưa được cụ thể hoá bằng các giải pháp kinh tế tài chính, nên chưa có tác dụng tích cực cho sản xuất lúa gạo. Thông tin kinh tế, thông tin thị trường gạo vừa thiếu, vừa chậm nên không có tác dụng định hướng cho người nông dân. Vai trò của Nhà nước về cung cấp thông tin thị trường lúa gạo chưa phát huy tác dụng tích cực. Vai trò của các doanh nghiệp, các chủ trang trại và các hộ nông dân trong sản xuất lúa gạo đến nay vẫn còn mờ nhạt. Khuyết điểm phổ biến của người nông dân là chạy theo năng suất và số lượng, ít quan tâm đến chất lượng vệ sinh môi trường và giá cả. Do vậy, sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu nước ta vần còn thấp so với sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực và trên thế giới. Đầu ra cho lúa gạo vẫn chưa có một chiến lược rõ ràng, lâu dài mà chỉ có tính chắp vá nhất thời nên chưa ổn định. Việc Chính phủ dùng biện pháp hỗ trợ lãi suất tín dụng để mua lúa gạo tạm trữ tuy có tác dụng tích cực nhưng việc thực hiện cũng rất khó khăn và chưa có tính bền vững. Vì vậy, đã đến lúc cần có một chiến lược giá cả phù hợp và hiệu quả hơn cho gạo xuất khẩu. Việc định giá là cần thiết và được tiến hành lần lượt theo từng bước.
* Các bước định giá hàng xuất khẩu
- Bước một: xác định mục tiêu cho việc định giá.
Chiến lược định giá hàng xuất khẩu phải phù hợp với mục tiêu tổng thể. Với ba mục tiêu đã nêu trên của xuất khẩu gạo thì giá cả đưa ra cũng phải theo sát nhằm đảm bảo sự nhất quán trong các chính sách của Nhà nước ta.
- Bước hai: phân tích tình hình thị trường và hành vi của người nhập khẩu gạo
Dựa trên thị trường gạo thế giới, chúng ta có thể thiết lập các loại giá phù hợp với chủng loại và chất lượng gạo xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần đánh giá tình hình cạnh tranh của gạo Việt Nam đối với các nước xuất khẩu khác. Muốn cạnh tranh được phải dựa vào các biến số Marketing khác để làm cho gạo Việt Nam tốt hơn các loại gạo cùng loại của đối thủ cạnh tranh như chất lượng, dịch vụ phân phối và xúc tiến bán hàng.
- Bước ba: tính chi phí
Chi phí sản xuất gạo là nhân tố cơ bản trong việc định giá, đòi hỏi phải tinh thông về nghiệp vụ tính toán và bám sát các hoạt động sản xuất và Marketing. Những nhân tố cơ bản cần phải bám sát là chi phí sản xuất lúa gạo, chi phí xay xát chế biến, vận chuyển, phân phối... Tuy nhiên, vai trò của việc phân tích chi phí không phải để xác định giá gạo xuất khẩu mà để giúp cho việc thiết lập một khung giá theo điều kiện thị trường.
- Bước bốn: thiết lập các khung giá mục tiêu
Để đưa ra một khung giá mục tiêu, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nên cố gắng xác định cơ hội thị trường với khả năng giành lợi nhuận bằng cách xem xét lại những phạm vi giá đã đưa ra và được thị trường chấp nhận, đồng thời xem xét phần chi phí và trên cơ sở đó đưa ra một giá đúng cho từng loại gạo xuất khẩu.
Giá gạo xuất khẩu cũng liên quan chặt chẽ tới các kênh phân phối được sử dụng, hình thức bán hàng và các dịch vụ sau bán hàng, khả năng giao hàng nhanh hay chậm và mức thuế quy định ở từng nước.
- Bước năm: báo giá
Dựa vào khung giá đã được định ra, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sẽ làm báo giá cụ thể gửi cho nhà nhập khẩu theo yêu cầu cụ thể của họ. Trong báo giá này, nhà xuất khẩu cần cung cấp chi tiết về giá chính xác của gạo và các điều kiện cụ thể về việc cung cấp gạo.
* Các chính sách giá cụ thể
- Chính sách giá mua.
Giá mua là nền tảng quan trọng cho việc định giá bán. Chính sách giá mua cũng đồng thời nhằm mục đích nâng cao khả năng cạnh tranh của gạo Việt Nam trên trường thế giới và thúc đẩy sản xuất. Dựa trên cơ chế giá thị trường, chúng ta cần nghiên cứu các giải pháp sau:
+ Một, cần giảm thiểu chi phí sản xuất.
Chi phí sản xuất gạo phụ thuộc vào nhiều yếu tố như phân bón, giống, nhân công, năng suất lúa... Hiện nay, chi phí sản xuất lúa gạo Việt Nam nhìn chung thấp hơn so với các nước châu Á, đặc biệt là so với Thái Lan, đối thủ cạnh tranh chính của chúng ta do điều kiện tự nhiên thuận lợi, mức độ đầu tư phân bón thấp nhưng có năng suất tương tự như các nước khác, chi phí nhân công rẻ...
Chính vì vậy, trong những năm tới chúng ta cần phát huy lợi thế này, tiếp tục giảm thiểu chi phí sản xuất, yếu tố quyết định giá gạo xuất khẩu ra thị trường thế giới.
+ Hai, chính sách giá mua.
Gạo Việt Nam được sản xuất theo thời vụ trong khi nhu cầu của các nước nhập khẩu thì thường không đổi trong suốt cả năm. Do đó, giá gạo trong khâu mua thường xuyên biến động, tăng cao khi khan hiếm và giảm và vụ thu hoạch. Sự không ổn định đó về giá kéo theo nguy cơ mất lợi nhuận, gây tâm lý lo lắng cho người nông dân. Chính vì vậy, cần có những biện pháp ổn định giá mua trong đó có mô hình giá bảo hộ gián tiếp. Với mô hình này, Chính phủ không can thiệp trực tiếp vào cơ chế thị trường nhưng áp giá sàn để kiểm soát sự biến động của thị trường gạo. Việc Chính phủ mua gạo tạm trữ là một ví dụ để điều tiết giá. Tuy nhiên, cần tính toán một cách hợp lý, tránh tình trạng tạm trữ gạo trở thành “con dao hai lưỡi”, tạm trữ khi giá xuất khẩu tăng cao rồi sau đó lỗ vốn khi bán ra với giá thấp. Nhà nước nên quản lý lúa gạo và đảm bảo an ninh lương thực thông qua điều tiết thuế. Khi giá lúa xuống quá thấp hay giá xuất khẩu tăng cao, có thể cần thiết cho một số doanh nghiệp có năng lực, có đơn đặt hàng được vay ưu đãi bằng nguồn quỹ hỗ trợ phát triển, hỗ trợ xuất khẩu trong thời hạn nhất định, không nhất thiết phải đưa ra giá sàn để căn cứ vào đó mà ngân hàng, ngành thuế tính mức ưu đãi, bởi vì giá cả luôn biến động theo thị trường thế giới.
- Chính sách giá xuất khẩu.
Ở Việt Nam, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp kéo theo việc giá gạo xuất khẩu giảm đáng kể so với gạo cùng chất lượng của các nước xuất khẩu khác. Do đó, cần phải có một chính sách giá chung giữa các nhà xuất khẩu Việt Nam. Năm 1992, Hiệp hội Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ra đời nhưng không đảm nhiệm được vai trò của mình. Hơn nữa, lúa gạo là một sản phẩm sản xuất theo thời vụ, phụ thuộc vào các điều kiện tự nhiên trong khi nhu cầu luôn ổn định nên chúng ta cần phải dự báo những thay đổi của thị trường dựa trên những thông tin chính xác để đưa ra một mức giá hợp lý cho gạo xuất khẩu.
Giá bán của gạo còn phụ thuộc vào các điều kiện và phương thức thanh toán. INCOTERM 2000 do Phòng Thương mại Quốc tế đã định nghĩa một cách chính xác tới điểm giao hàng và việc phân chia trách nhiệm giữa người bán và người mua. Các nhà xuất khẩu của Việt Nam do thiếu kinh nghiệm nên thường bán gạo theo giá FOB để giảm các trách nhiệm liên quan nên đã mất đi nhiều lợi ích đáng kể. Hiện tại, Việt Nam đang là một nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới nên cần phải thay đổi cách thức bán hàng và chọn giá phù hợp đồng thời có thể mang lại lợi nhuận tối đa cho đất nước.
- Nghiên cứu chính sách giá của các nước xuất khẩu khác, đặc biệt là Thái Lan. Đây là một việc cần làm ngay vừa mang tính chất học hỏi, vừa biết được các biện pháp áp dụng của đối thủ để có được những đối sách cạnh tranh phù hợp. Nhằm giữ giá lúa không để sụt xuống quá thấp gây thiệt hại cho nông dân, Chính phủ Thái Lan những năm qua đã có một số biện pháp cụ thể là:
+ Một, công bố thông tin rộng rãi về lúa gạo trên các phương tiện thông tin đại chúng và các trung tâm lúa gạo.
+ Hai, thực hiện biện pháp làm giảm cung lúa ra thị trường, cho nông dân cầm cố (thế chấp) số lúa của mình chưa bán được do giá thị trường trong nước xuống thấp để vay tiền của ngân hàng hay của các tổ chức khác. Số lượng thóc nhận thế chấp khá lớn, có năm lương thực lên tới hai triệu tấn. Việc thế chấp vay tiền giữ lúa lại được quy định khá cụ thể về các điều kiện. Ví dụ giá lúa để tính giá trị giá thóc thế chấp bằng 80% mức giá sàn được công bố vụ lúa đó, quy đinh độ ẩm và những tiêu chuẩn khác về chất lượng, mức vay tiền không quá 90% trị giá lúa cầm cố, quy định thời gian trả nợ không quá 5 tháng, có kiểm tra, giám sát để ngăn ngừa người vay tiền bán thóc thế chấp mà không trả nợ, đến hạn trả nợ, nếu giá thị trường thấp hơn giá lúa lúc vay thì nông dân được trả theo giá lúa thị trường lúc trả nợ, phần chênh lệch giá do Nhà nước chịu, ngược lại, nếu khi trả nợ giá lúa thị trường lên cao hơn giá lúc vay thì nông dân chỉ phải trả theo giá lúc vay.
+ Ba, Chính phủ áp dụng những biện pháp làm tăng cầu lúa gạo trên thị trường. Một số biện pháp thường được áp dụng cho phép phòng ngoại thương thuộc Bộ Thương mại bán gạo “G_TO_G” ngay từ đầu vụ thu hoạch. Ngân hàng cho các nhà máy xay và các nhà xuất khẩu gạo vay để mua lúa, gạo với lãi suất thấp. Năm 2001, 20 tỉ bạt đã được cấp qua Ngân hàng EXIMBANK để thu mua lúa cho việc xuất khẩu gạo.
Qua các biện pháp điển hình trên của Thái Lan chúng ta cần rút ra những mặt tích cực để áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể của xuất khẩu gạo Việt Nam nhằm đạt hiệu quả tối ưu, nâng cao sức cạnh tranh của xuất khẩu gạo nước ta trên thị trường thế giới.
5.2.3. Chính sách phân phối
Chính sách phân phối trong Marketing-mix phụ thuộc vào hai yếu tố: sự yêu thích sản phẩm hàng và các kênh phân phối mà người sản xuất có thể cung cấp. Để cho một kênh phân phối hoạt động cần tính đến nhu cầu và thái độ của thị trường mục tiêu tiềm năng. Chúng ta cần có các biện pháp nâng cao hiệu quả của chính sách phân phối trong giai đoạn tới. Cụ thể là:
* Tổ chức lại khâu mua.
Việc tổ chức tốt quá trình lưu thông phân phối gạo trên thị trường có ý nghĩa đối với khâu mua gạo cho xuất khẩu đồng thời đảm bảo cho vấn đề an ninh lương thực quốc gia.
- Tổ chức lại mạng lưới lưu thông lương thực.
Hiện nay mạng lưới lưu thông lương thực chịu sự chi phối của thị trường của thành phần tư nhân quá lớn, dẫn đến tình trạng chèn ép giá, cạnh tranh không lành mạnh, đầu cơ, buôn lậu. Quá trình hình thành giá gạo trên thực tế đã bị bóp méo do đội ngũ tư nhân mang tính độc quyền tại địa phương. Để giảm bớt sự thua thiệt về nhiều mặt cho người dân, gần đây Chính phủ có các chính sách trợ giá nông sản song tác dụng rất hạn chế do quy mô hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước có giới hạn. Báo cáo của Viện Nghiên cứu lúa cho thấy chỉ có khoảng 1,9% lượng lúa hàng hoá được các doanh nghiệp Nhà nước thu mua trực tiếp từ nông dân. Vì vậy, nên điều chỉnh quá trình lưu thông lương thực hàng hoá bằng cách yêu cầu các doanh nghiệp Nhà nước đặt thêm hệ thống kho trung chuyển xuống các địa phương để tổ chức mua gạo từ các cơ sở xay xát nhỏ chuyển về. Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực của hệ thống tiêu thụ lúa gạo, đặc biệt là hệ thống các chợ trung tâm lúa gạo (chợ đầu mối) là cần thiết và thúc bách. Chợ đầu mối khác so với chợ thông thường ở các làng xã ở chỗ, chợ thông thường chủ yếu làm chức năng liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, còn ở chợ đầu mối, các doanh nghiệp thương mại phải xây dựng giá, thông tin, kiểm soát an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường...
Những chợ đầu mối đầu tiên được tổ chức một cách có quy mô đã xuất hiện tại châu Âu vào cuối thế kỷ XIX. Ngày nay, chợ buôn bán đầu mối đã trở thành một phần không thể thiếu được trong mạng lưới phân phối lúa gạo cho các đô thị lớn. Tại các quốc gia phát triển, các chợ buôn bán đầu mối đã trở thành các trung tâm phân phối lúa gạo lớn. Ở Thái Lan, các trung tâm lúa gạo là kênh tiêu thụ gạo quan trọng nhất vì mua tới 60% lúa do nông dân sản xuất ra. Trung tâm lúa gạo là điểm tập trung của những người bán và mua lúa, vừa tạo nên được một sự cạnh tranh khiến việc mua bán diễn ra công bằng, khắc phục được tình trạng nông dân bị ép giá do không có thông tin về thị trường, tránh được gian lận trong cân đong và xác định chất lượng lúa.
Ngày 6/6/2001, Chính phủ đã có quyết định số 223/QĐ-TTg nhấn mạnh việc hình thành các chợ trung tâm lúa gạo tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang gấp rút chỉ đạo Tổng Công ty Lương thực Việt Nam nghiên cứu các điều kiện cần thiết để có thể nhanh chóng triển khai các chợ đầu mối tiêu thụ gạo tại Cai Lậy (Tiền Giang), Thanh Bình (Đồng Tháp), Tân Thạnh (Long An). Bộ Thương mại cũng có tờ trình số 263/1/2001/BTM ngày 9/7/2001 trình Chính phủ về việc thành lập các trung tâm giao dịch nông sản hướng về xuất khẩu tại Việt Nam.
Theo thiết kế, chợ lúa gạo đầu mối Thanh Bình (Đồng Tháp) bởi có ưu thế thu hút lúa gạo của Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang. Chợ sẽ ưu tiên xây dựng chính sách vật chất hạ tầng hiện đại theo mô hình của các chợ lúa gạo đầu mối của Thái Lan và tổ chức thêm nhiều loại dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Chợ thứ hai được mở ở Phú Cường, huyện Cai Lậy (Tiền Giang), bao gồm: kho chứa, nhà máy xay xát, đánh bóng, chế biến. Chợ rất thuận tiện cho giao thông thuỷ bộ. Phú Cường thường thu hút lúa gạo từ Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp về. Tại chợ, ngoài mua bán lúa gạo, Công ty Lương thực Tiền Giang sẽ tổ chức thêm các loại dịch vụ trọn gói cho bà con nông dân như cung ứng và phân bón, máy nông nghiệp, xăng dầu, phụ tùng xay xát, chế biến, các mặt hàng tiêu dùng, liên kết với ngân hàng mở tín dụng ngay tại chợ. Chợ thứ ba sẽ được xây dựng ở Thạnh Đông huyện Tân Thanh (Long An) với diện tích khoảng 3 ha sử dụng, vốn dự đoán là 11 tỉ đồng.
Theo nhận định của các nhà kinh tế, chợ lúa gạo ra đời sẽ làm thay đổi tập quán mua bán lâu đời của nông dân đồng bằng sông Cửu Long. Tuy đang ở trong giai đoạn thủ tục nhưng dự án rất mang tính khả quan nên đã có chương trình hỗ trợ của nhiều doanh nghiệp. Trước mắt, ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần (20-30% tổng vốn đầu tư) để xây dựng cơ sở hạ tầng và cho vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp theo luật khuyến khích đầu tư trong nước. Dự kiến cuối năm 2002 các chợ lúa gạo trung tâm ỏ đồng bằng sông Cửu Long sẽ đi vào hoạt động.
Việc xây dựng các chợ lúa gạo cần được thực hiện trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng nhu cầu giao dịch trên thị trường gồm cả nhu cầu về các dịch vụ xay xát chế biến. Đặc biệt, không được coi việc hình thành các chợ đầu mối là việc đầu tư cơ sở hạ tầng để cho các cá nhân hay tổ chức thuê chỗ mà phải coi đó là nơi các tổ chức, cá nhân đến để giao dịch, như vậy mới tránh được tình trạng độc quyền vị trí. Bên cạnh đó, việc hình thành các chợ trung tâm lúa gạo này cần phải được thực hiện dần dần từng bước, vừa giảm chi phí đầu tư, vừa tạo điều kiện để người sản xuất cũng như các tổ chức kinh doanh lúa gạo có điều kiện tiếp cận, làm quen với các phương tiện giao dịch hiện đại. Ngoài ra, để các chợ lúa gạo trung tâm này hoạt động có hiệu quả thì ngoài việc xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, thuận lợi, thì cần thiết lập cơ chế quản lý tốt, luật lệ giao dịch rõ ràng, với hiệu lực thi hành đảm bảo, có thoả thuận mang tính hợp đồng với những tổ chức, cá nhân tham gia vào chợ, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên có trình độ nghiệp vụ và trách nhiệm cao.
- Tổ chức mua lúa hàng hoá kịp thời cho nông dân và tổ chức dự trữ lương thực.
Trong những năm qua, Chính phủ đã áp dụng một số giải pháp tình thế để tổ chức mua lúa hàng hoá một cách kịp thời theo từng vùng như lấy quỹ bình ổn giá hỗ trợ các doanh nghiệp Nhà nước một phần trong lãi suất ngân hàng hoặc có khi quỹ bình ổn giá trợ lãi suất toàn phần, đồng thời chỉ đạo hệ thống ngân hàng cho các doanh nghiệp Nhà nước vay dưới hình thức tín chấp để các doanh nghiệp có vốn mua lúa. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Nhà nước rất ít tham gia mua lúa trực tiếp của nông dân, mà chủ yếu mua gạo nguyên liệu hoặc thành phẩm của tầng lớp tư thương trung gian. Như vậy, nông dân luôn gặp bất lợi do giá lúa quá rẻ tuy lúa hàng hoá được tiêu thụ hết nhưng thu nhập của họ không tăng, bị buộc phải tái sản xuất lúa. Để giải quyết vấn đề tiêu thụ lúa hàng hoá một cách cơ bản, khi chuẩn bị bước vào kỳ thu hoạch lúa, Chính phủ có thể phân chia địa bàn cụ thể cho các doanh nghiệp Nhà nước chuyên kinh doanh lương thực và Cục Dự trữ Quốc gia chịu trách nhiệm chính trong việc thu mua lúa hàng hoá. Các đơn vị được phân công xuống địa bàn mình phụ trách để ký kết hợp đồng nguyên tắc đối với những người chuyên đi gom mua lúa. Khi có hợp đồng, các nhà cung ứng và các doanh nghiệp đều lập phương án vay vốn và khi các doanh nghiệp tiêu thụ được gạo thì phải tiến hành giao dịch thanh toán qua ngân hàng mà mình vay vốn mua lúa, gạo nguyên liệu. Qua các giải pháp trên, lúa hàng hoá có thể được bảo đảm mua kịp thời vụ, ổn định giá cả, đảm bảo cho nông dân sản xuất lúa có lãi thoả đáng, nhờ sự phân công chuyên môn hoá hợp lý giữa các thành phần tham gia.
Về vấn đề tổ chức dự trữ lương thực cần được thực hiện tốt đảm bảo cho yếu tố ổn định nguồn cung cấp lương thực trong chính sách an toàn lương thực quốc gia. Trong cơ cấu mặt hàng dự trữ, đối với dự trữ quốc gia tới hạn trung bình khoảng một năm và dự trữ của nông dân tại nơi sản xuất thì dự trữ bằng lúa sẽ thích hợp hơn, còn dự trữ của các doanh nghiệp thông thường từ một đến ba tháng nên có thể dự trữ gạo thành phẩm hoặc bán thành phẩm thì bắt buộc phải đảo kho, đưa lúa gạo cũ ra tiêu thụ và nhập lúa gạo mới về để duy trì chất lượng sản phẩm luôn luôn tốt. Trong khi đó, lúa cũ khoảng 6-12 tháng là nguyên liệu thích hợp để chế biến gạo xuất khẩu có chất lượng tốt nhất, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của nhiều nước nhập gạo trên thế giới. Như vậy, nếu Cục Dự trữ Quốc gia kết hợp việc đảo kho lương thực dự trữ bảo hiểm để cung ứng lúa gạo cho các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ góp phần rất tốt để ổn định nguồn cung ứng gạo xuất khẩu có chất lượng cao, tăng đáng kể hiệu quả xuất khẩu gạo nói chung và hiệu quả dự trữ bảo hiểm lương thực nói riêng.
Trong thời gian tới, Chính phủ cần nâng mức dự trữ gạo lên 2 triệu tấn và thực hiện ngay trước khi thời vụ Đông - Xuân bắt đầu, một nửa trong số đó là mua hàng hoá của Chính phủ, một nửa còn lại thực hiện theo cơ chế tạm trữ do các doanh nghiệp thực hiện như lâu nay. Con số 2 triệu tấn nói trên là căn cứ vào tình hình thực tế hai năm 2000 và 2001, con số thực tế các năm sau này phải căn cứ vào tình hình sản xuất, khả năng xuất khẩu và diễn biến chỉ số giá hàng tiêu dùng. Chúng ta cần đứng trên quan điểm chung để mạnh dạn xử lý, không nên quá dè dặt, bỏ lỡ những cơ hội tốt xảy ra.
* Tổ chức khâu xuất khẩu.
Nhà nhập khẩu nước ngoài thường tiếp xúc trực tiếp với nhà xuất khẩu gạo hoặc qua trung gian Việt Nam để nhập khẩu gạo. Thời gian thường kéo dài từ 22 đến 30 ngày. Đôi khi thời gian này tăng lên do những thủ tục về giấy tờ. Ví dụ như một nhà xuất khẩu được phép xuất 30.000 tấn gạo muốn xuất 10.000 tấn tại cảng Cần Thơ và 20.000 tấn tại cảng TP Hồ Chí Minh thì phải xuất trình chứng từ ở cả hai cảng. Khi hàng hoá đã sẵn sàng vẫn phải đợi giấy phép của Bộ Thương mại và mất rất nhiều thời gian để giải quyết.
Theo kinh nghiệm của những nhà xuất khẩu trước kia, cần có những chuyên gia giỏi để giải quyết các vấn đề trên. Họ có khả năng làm nhanh chóng các thủ tục hành chính liên quan đến xuất khẩu gạo. Khâu trung gian có thể giải quyết những chi tiết quan trọng. Ngay cả các doanh nghiệp xuất khẩu gạo với số lượng lớn cũng sử dụng các dịch vụ trung gian quốc tế đối với một số thị trường. Những doanh nghiệp này biết cách hoàn thành những thủ tục phức tạp. Xu hướng hiện nay của các nhà xuất khẩu là phát triển các kênh trực tiếp. Tuy nhiên, cần có thời gian để xác lập quan hệ giữa người sản xuất và người tiêu dùng ở dạng kênh này.
Việc phân phối hàng hoá bao gồm vận chuyển và dự trữ hàng hoá trong suốt thời gian thực hiện kênh phân phối. Hiện nay, chi phí gửi hàng ở Việt Nam khá cao, cơ sở hạ tầng cầu cảng không tốt là những bất lợi của Việt Nam so với các nước xuất khẩu khác. Cụ thể là chi phí cảng, chi phí bốc dỡ xếp hàng và các chi phí liên quan tại cảng Sài Gòn khoảng 40.000 USD/tàu công suất 10.000 tấn (chiếm 1,6% giá gạo xuất khẩu) trong khi chi phí này ở Bangkok chỉ bằng một nửa. Ngoài chi phí cảng, tốc độ bốc dỡ rất chậm, so với Bangkok ta chậm hơn 6 lần (nghĩa là tại Sài Gòn bốc dỡ được 1.000 tấn/ngày thì Bangkok là 6.000 tấn/ngày). Chậm trễ do sửa chữa và bốc xếp hàng thường làm tốn thêm khoảng 6.000 USD/ngày. Những hạn chế nói trên làm mất cơ hội về giá và đương nhiên người trồng lúa phải chịu dưới hình thức giá FOB thấp hơn.
Những bất lợi của ta về vận chuyển, bốc dỡ không thể khắc phục trong thời gian ngắn được, nhưng chúng ta cần nhận thức sâu sắc về điều đó để tìm ra những giải pháp hợp lý nhất để nâng cao sức cạnh tranh của mặt hàng gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Hiện tại, các tàu đến cảng Sài Gòn không thể xuất phát sau 3 giờ chiều và đến trước 9 giờ sáng, gây bất tiện và tốn kém cho các tàu nếu không cập cảng trong thời gian trên. Chúng ta có thể cho các tàu chạy trong đêm kênh chở gạo từ cảng này đến bờ biển Trung Quốc, hạn chế phần nào những bất lợi về cơ sở hạ tầng mà chúng ta chưa khắc phục được.
Ở chương 2, chúng ta đã nghiên cứu các kênh phân phối gạo xuất khẩu của Việt Nam. Trong những năm tới, chúng ta có thể giảm bớt những bất cập của kênh phân phối hiện tại bằng cách áp dụng mô hình sau:
Người sản xuất
Trạm thu mua
Tư thương
Nhà máy chế biến
Nhà xuất khẩu
Nhà nhập khẩu-nhà phân phối phốiphối
Bán buôn
Bán lẻ
Người tiêu dùng
Sơ đồ trên có thể chia hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam làm hai khâu. Ở khâu mua, gạo được đưa đến nhà máy chế biến bằng 3 cách: trực tiếp, qua tư thương và qua các trạm thu mua của Nhà nước. Với khâu mua này, chúng ta có thể phát triển mua gạo chế biến bằng cả hai cách trực tiếp và gián tiếp qua trung gian nên người sản xuất chủ động và linh hoạt hơn trong việc bán gạo, tránh tình trạng bị ép giá dẫn đến bán giá rẻ. Tuỳ từng khu vực cụ thể mà ta nên khuyến khích cách thu mua nào cho phù hợp và đạt hiệu quả cao nhất.
Ở khâu xuất khẩu chúng ta vẫn vận dụng các kênh cơ bản của Marketing-mix qua kênh cấp 1,2,3,4 tuỳ từng thị trường cụ thể. Tuy nhiên, gạo xuất khẩu Việt Nam từ trước đến nay vẫn phụ thuộc quá nhiều vào trung gian nước ngoài, đặc biệt ở thị trường rất có tiềm năng của ta là châu Phi gây thiệt hại cho ta nhiều về giá gạo. Trong tương lai gần, chúng ta phải hạn chế những nhược điểm này, có thể ký kết hợp đồng trực tiếp với các nước nhập khẩu gạo và chú trọng sử dụng giá CIF để linh hoạt hơn cho sự lựa chọn mức giá của các nhà nhập khẩu. Chúng ta cần tránh những kênh phân phối quá nhiều trung gian mà tập trung vào các kênh trực tiếp hoặc sử dụng ít trung gian để hạ thấp chi phí, giảm giá bán và tăng số lượng gạo xuất khẩu. Trong những năm tới, cần bổ sung các đại lý tại nước ngoài, đặc biệt là các nước nhập khẩu gạo chủ yếu của Việt Nam để thuận tiện hơn cho các giao dịch về gạo và đạt được hiệu quả cao nhất.
* Các kênh phân phối gạo của Thái Lan
Đặt trong bối cảnh khu vực và quốc tế, cần thấy rằng các kênh phân phối của Việt Nam còn chưa được Nhà nước quản lý một cách chặt chẽ. Các tư thương và doanh nghiệp Nhà nước còn chưa có sự phối hợp hài hoà trong việc đưa gạo từ người sản xuất đến người tiêu dùng nước ngoài. Chúng ta có thể tham khảo mô hình khâu mua của Thái Lan.
Biểu đồ 3.2. Hệ thống lưu thông phân phối gạo ở Thái Lan khâu mua
Thương nhân cấp huyện
Thương nhân cấp làng xã
Các đại lý
Các nhà xuất khẩu
Thương nhân cấp tỉnh
Nông dân
Cơ sở xay xát huyện hoặc tỉnh
Chương trình mua lúa của Chính phủ
Nguồn: Agricultural Marketing Improvement in Thailand
Kasetsat University Bangkok 9.1994
Qua mô hình trên, có thể nhận thấy sự quản lý chặt chẽ trong khâu mua gạo xuất khẩu ở Thái Lan. Các kênh phân phối đều là cấp 4 thể hiện được sự phân công lao động hợp lý, chuyên môn hoá cao, tạo hiệu quả tối ưu cho các nhà xuất khẩu Thái Lan tung gạo ra thị trường thế giới.
5.2.4. Chính sách xúc tiến và hỗ trợ kinh doanh
Để nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng cường khả năng cạnh tranh trong điều kiện thị trường ngày nay, ngành xuất khẩu gạo Việt Nam không còn có sự lựa chọn nào khác ngoài việc đẩy mạnh chính sách xúc tiến và hỗ trợ kinh doanh. Trong những năm tới, ngành gạo Việt Nam còn tập trung vào những nhiệm vụ chính:
* Làm tốt công tác nghiên cứu thị trường cũng như thị hiếu khách hàng.
Nắm vững các yếu tố của thị trường, hiểu biết về quy luật vận động của chúng sẽ giúp chúng ta đưa ra được những quyết định đúng đắn kịp thời. Để đẩy mạnh xuất khẩu gạo, một giải pháp cần thiết là khơi thông tin cho doanh nghiệp vì thông tin thị trường quốc tế là rất cần thiết phục vụ cho doanh nghiệp và Chính phủ trong việc lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động thương mại và xúc tiến thương mại. Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp ngày càng phải quan tâm đến thông tin thị trường gạo quốc tế.
Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thường quan tâm đến hai loại thông tin. Một là thông tin về thị trường các nước nhập khẩu với các số liệu thống kê dân số, ngoại thương, thuế quan, các biện pháp kiểm soát xuất nhập khẩu và ngoại lệ và các thủ tục cấp phép xuất nhập khẩu, các quy định về vệ sinh và an toàn, đại lý quyền và nhãn mác... Hai là thông tin về sản phẩm, đặc biệt là những cơ hội bán hàng cụ thể. Ví dụ như những yêu cầu về gạo của người nhập khẩu, các thống kê về thương mại, sản xuất và tiêu thụ trên thế giới đối với mặt hàng gạo, dự báo nhu cầu ngắn, trung, dài hạn cũng như thông tin về các đối thủ cạnh tranh trên thị trường, năng lực, hoạt động, nhãn hiệu, thị phần khách hàng, kỹ thuật kinh doanh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng quan tâm đến các mức giá gạo bán trên các thị trường cụ thể, hệ thống và các tập quán buôn bán và phân phối trên phạm vi quốc gia và quốc tế, các kênh tiếp thị, các điều kiện mua bán, cộng giá, giảm giá, các thông tin về các nhà nhập khẩu, các đại lý, những người mua trực tiếp, các điều kiện thương mại quốc tế, thông tin về vận tải và kỹ thuật xúc tiến xuất khẩu.
Như đã phân tích, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam hiện nay đều thiếu thông tin về thị trường gạo quốc tế, trong khi thông tin đang bùng nổ mạnh. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp chưa nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của nền kinh tế thị trường nên chưa thực sự quan tâm đến công tác thông tin thị trường gạo quốc tế. Hầu hết các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn đều chưa tổ chức hoặc chưa có cán bộ chuyên trách về thông tin. Chi phí cho công tác thông tin, kể cả tiền mua thông tin không đáng kể, thậm chí không có.
Qua đó, cần có các giải pháp để đưa thông tin từ thị trường quốc tế về cho các doanh nghiệp qua các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan, các tổ chức dịch vụ. Những người cung cấp thông tin về gạo biết rõ nhu cầu về thông tin của doanh nghiệp, biết xử lý và phân tích nguồn thông tin, đầu tư cho công tác thông tin và mua thông tin nguồn, tránh cung cấp những thông tin không cần thiết cho doanh nghiệp. Các tổ chức cung ứng thông tin phải hoạt động theo cơ chế vừa cạnh tranh vừa hợp tác. Chính phủ nên hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi trong việc cung cấp và tiếp cận thông tin, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ về tài chính cho doanh nghiệp được cung cấp thông tin, mua thông tin về gạo và Chính phủ cũng cần hỗ trợ bằng cách trực tiếp cung cấp thông tin cho doanh nghiệp. Trên cơ sở các thông tin thu được, các doanh nghiệp sẽ tiến hành chọn lọc, phân tích rút ra nhận xét, kết luận để làm cơ sở xây dựng các kế hoạch chiến lược, phương án kinh doanh.
* Xây dựng hệ thống thị trường và tăng cường đầu tư cho hoạt động tuyên truyền, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm.
Thị trường xuất khẩu gạo là vấn đề cần tập trung ở tầm vĩ mô và vi mô. Vì vậy, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước trong vấn đề thị trường, các doanh nghiệp phải chủ động tìm bạn hàng và phương thức kinh doanh thích hợp để xâm nhập, duy trì và mở rộng chỗ đứng trên thị trường gạo thế giới. Các doanh nghiệp cần đa dạng hoá khách hàng và tận dụng cả những hợp đồng có khối lượng không lớn đồng thời cũng có thể thiết lập quan hệ với các tập đoàn xuyên quốc gia là những tổ chức kinh tế vững mạnh có tầm hoạt động rộng, sự am hiểu về thị trường và khả năng về vốn lớn để đảm bảo thị trường xuất khẩu ổn định.
Hoạt động tuyên truyền, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm gạo cũng đóng vai trò quan trọng trong kinh doanh nhằm xúc tiến nhanh chóng việc bán hàng, góp phần quyết định vào sự thành công hay thất bại của hoạt động xuất khẩu gạo. Quảng cáo sản phẩm này nhằm mở ra những thị trường mới, củng cố uy tín, nhãn hiệu hàng hoá, doanh nghiệp và là công tác không thể thiếu được trong xuất khẩu gạo hiện nay. Các doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư ngân sách cũng như tuyển dụng những người có năng lực, các chuyên gia giỏi cho quảng cáo vì hoạt động này muốn có hiệu quả lớn thì không phải là vấn đề đơn giản, đặc biệt là khi đối tượng tiếp nhận lại là các khách hàng nước ngoài.
Danh mục tài liệu tham khảo
Đoàn Nhật Dũng: “Nâng cao khả năng cạnh tranh, vấn đề sống còn đối với doanh nghiệp Việt Nam tham gia AFTA”, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế số 281 tháng 10/2001, trang 47,48,49.
Hồ Khánh: “Chợ trung tâm lúa gạo, dự án đột phá cho ĐBSCL”, Thời báo Kinh tế Việt Nam số 96, thứ tư, 8/8/2001, trang 5.
Hoài Linh: “Giá gạo tăng vững”, Thời báo Kinh tế Việt Nam số 37, thứ sáu, 23/3/2001, trang 1.
Anh Thi: “Lao đao gạo xuất khẩu”, Thời báo Kinh tế Việt Nam số 33
Thạc sỹ Đỗ Thị Loan: “Định giá trong Marketing xuất khẩu”, Tạp chí Thương mại số 11/2001, trang 44,45.
Võ Hùng Dũng: “Xuất khẩu lương thực: Thành tựu, thách thức và chính sách”, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế số 278, tháng 7/2001, trang 3,4,5,6,7.
Phạm Văn Chung: “Hiện trạng và xu thế phát triển sản xuất lúa gạo ở Việt Nam”, Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn số 5/2001, trang 281, 282.
Hoàng Sơn: “Nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu, một đòi hỏi của thực tế sản xuất”, Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn số 8/2001, trang 519, 520.
Duy Hiếu, Thanh Hải: “Sản xuất và xuất khẩu gạo trong thời gian qua ”, Tạp chí Thương mại số 4/200, trang 7.
Thuý Nga: “Mậu dịch gạo thế giới thời gian gần đây và triển vọng”, Tạp chí Thương mại số 4/2000, trang 9.
Phạm Minh Trí: “Nâng cao khả năng cạnh tranh của xuất khẩu nông sản Việt Nam trong bối cảnh hội nhập”, Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn số 4/2001, trang 200, 270.
Thạc sỹ Nguyễn Thiện Đức: “Về cơ chế xuất khẩu gạo”, Tạp chí Thương mại số 14/2000, trang 11, 12.
Đoàn Cung: “Giá gạo khởi sắc nhưng giảm nhẹ trong 3 tháng tới”, Tạp chí Thương mại số 17/2001, trang 17.
Nguyễn Đức Hy: “Doanh nghiệp tham gia đầu tư năng cao khả năng cạnh tranh của thóc gạo miền Bắc trên thị trường”, Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn số 2/2001, trang13.
Thanh Hải: “Chính sánh gạo 2000/02 của Thái Lan”, Tạp chí Ngoại thương 21/1-10/2/2001, trang 13.
V.Trân: “Thị trường gạo thế giới”, Tạp chí Ngoại thương 21/4-30/4 2001, trang 5.
PGS.TS Nguyễn Sinh Cúc: “Giá nông sản Việt Nam, nguyên nhân và giải pháp”, Tạp chí Nông thôn mới tháng 4/2001, trang 13,14.
Vương Hoàng Sơn: “Thị trường đầu mối bán buôn sản phẩm, động lực hỗ trợ cho nông nghiệp Việt Nam”, Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn số 9/2001, trang 596, 597.
“ Sản xuất, lưu thông, xuất khẩu gạo của Thái Lan và Việt Nam, những chính sách và biện pháp quản lý có liên quan”, Vụ xuất nhập khẩu , Bộ Thương mại, 12/5/2000.
TS. Nguyễn Trung Vãn: “Lương thực Việt Nam thời đổi mới, hướng xuất khẩu”, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội năm 1998.
PGS,TS Nguyễn Bách Khoa, Thạc sỹ Phan Thu Hoài: “Marketing thương mại quốc tế”, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 1999.
Các tài liệu liên quan khác đến quá trình xuất khẩu gạo.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 25857.doc