Khóa luận Nội dung và hình thức chuyển tải thông tin trên báo tết

Báo Tết nên có những bài viết đánh giá, tổng kết chuyên sâu, cụ thể từng lĩnh vực, tránh tình trạng chỉ dừng lại ở việc nêu sự kiện, hiện tượng một cách sơ lược, chung chung thiếu sức hấp dẫn, thuyết phục. Điều này đòi hỏi người viết phải chú trọng bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, am hiểu lĩnh vực chuyên môn của vấn đề. Không nhất thiết phải có bài viết về các con giáp của năm đó, nếu không có gì mới, hấp dẫn. Các bài viết trên báo Tết cũng không nên chỉ dừng lại ở ca ngợi, khen nhiều hơn chê, xem nhẹ việc chống tiêu cực. Thông tin quốc tế nên được tăng cường. Điều này là cần thiết, nhất là khi quá trình quốc tế hoá đang diễn ra mạnh mẽ để giao lưu, hội nhập, học hỏi tinh hoa của văn hoá nhân loại, làm giàu thêm kho tàng văn hoá dân tộc. Nhóm thể loại chính luận- nghệ thuật cần được sử dụng nhiều hơn vì nó thích hợp với việc chuyển tải thông tin trên báo Tết. Đồng thời, việc ghi tên thể loại cho mỗi bài viết cũng là một điều nên làm để giúp cho người đọc dễ tiếp nhận thông tin hơn. Các tờ báo Tết cần lập các chuyên trang, chuyên mục rõ ràng, rành mạch để tránh sự rời rạc, tạo cảm giác liền mạch cho các bài viết. Đồng thời nên tăng cường tranh ảnh minh hoạ, nhưng cũng không cần thiết phải dùng quá nhiều màu sắc, bởi nếu không hợp lý sẽ tạo ra sự “loè loẹt”, màu mè phản tác dụng.

doc80 trang | Chia sẻ: linhlinh11 | Lượt xem: 691 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Khóa luận Nội dung và hình thức chuyển tải thông tin trên báo tết, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
năm giao thừa của hai thế kỷ để đưa bóng đá Việt Nam lên chuyên nghiệp có phải là năm tốt lành để bóng đá nước nhà vào thời kỳ phát triển? Tiếp đó tác giả đã phân tích quả đây đúng là thời điểm thích hợp nhất, “là thiên thời, địa lợi của bóng đá Việt Nam” vì bóng đá Việt Nam có những tiến bộ đáng ghi nhận. “Từ chỗ thua và thua đậm hầu hết đội tuyển các nước khu vực, chúng ta đã thắng lại, liên tiếp đoạt thứ hạng cao ở các giải chính thức khu vực”. Một điều thuận lợi nữa là Việt Nam có hàng chục triệu người hâm mộ cả nước “qua những cuộc xuống đường, những đêm không ngủ vì bóng đá, đêm ngày ai cũng mong mỏi các cầu thủ nước ta sớm sánh vai cùng các nước có nền bóng đá phát triển”. Mặt khác, để thích nghi với nền kinh tế thị trường, “bóng đá không thể khư khư mãi chế độ bao cấp, mà rất cần xã hội hoá để vươn lên tự nuôi sống mình, tận dụng nguồn tài trợ của các thành phần kinh tế mà phát triển. Mặc dù còn nhiều việc phải làm, có thể có cả những vấp váp trước khi tới đích nhưng đã đến lúc không thể chậm trễ”. Tác giả khẳng định: “chúng ta phải dứt khoát chia tay với bóng đá nghiệp dư”. Một sự kiện trọng đại của thể thao Việt Nam trong năm 2003 là tổ chức SEAGAMES 22, SEAGAMES đầu tiên ở Việt Nam. Nhưng ở Việt Nam, chưa có một sân vận động nào đạt tiêu chuẩn FIFA để tổ chức một trận đấu bóng đá quốc tế. Không chỉ bóng đá mà cả điền kinh, bơi lội, xe đạp... cũng vậy. Vì vậy, việc chúng ta quyết định khởi công xây dựng Khu Liên hiệp thể thao quốc gia tại Hà Nội được coi là “Dấu ấn Việt Nam trong thế kỷ 21”. (Ngọc Bích - Lao động Tết Tân Tỵ 2001). Tác giả khẳng định đây là công trình thể thao quy mô và hiện đại nhất từ trước đến nay ở Việt Nam, “là công trình của đất nước và của ngành thể dục thể thao, để phục vụ sự nghiệp thể dục nước nhà trong thế kỷ 21, đồng thời trước mắt phục vụ SEAGAMES 22 vào năm 2003 - một sự kiện có ý nghĩa lớn về thể thao - chính trị - văn hoá - ngoại giao”. Ngoài các bài viết nhận định về thể thao nước nhà trong năm nói chung, thì trên báo Tết còn có nhiều tác phẩm chân dung, viết về những gương mặt thể thao xuất sắc của năm như: “Trần Hiếu Ngân - cô gái đất võ”, “Nguyễn Ngọc Trường Sơn - Biết chơi cờ trước khi biết chữ” (Nhân dân Tết Tân Tỵ 2001), “U-su tứ nữ” (Hà Nội mới Tết Tân Tỵ 2001), “Những gương mặt 2000” (Lao động Tết 2001)... Thể thao quốc tế với những sự kiện, nhân vật nổi bật trong năm, hay thế kỷ 20 cũng được đề cập tới như: “Thể thao thế giới thế kỷ 20: Bước nhảy thần kỳ vào thiên niên kỷ mới”, “EURO 2000: Đầu năm gieo quẻ” (Nông thôn ngày nay Tết Canh thìn 2000), “Péle, Maradona - Hai tượng đài bóng đá thế kỷ 20” (Lao động Tết Canh thìn 2000)... ***** Như vậy, qua khảo sát 8 tờ báo Tết trong 3 năm, chúng tôi nhận thấy những đặc điểm nội dung chủ yếu của các tờ báo Tết như sau: Những bài viết trên báo Tết có chất lượng cao, được chọn lọc kỹ càng hơn, tính chất thời sự giảm thiểu, chất văn học và giải trí tăng lên so với các số báo thường. Đây phần nhiều là những bài “đặt”, được viết bởi những chuyên gia trong một lĩnh vực hay những cây bút tên tuổi. Các bài viết rất đa dạng, phong phú, đề cập đến mọi chủ đề, nhưng chủ đề văn hoá, giải trí chiếm dung lượng nhiều nhất. Chủ đề văn hoá bao trùm lên mọi chủ đề khác. Báo Tết thường có những bài mang tính chất khái quát, tổng kết, hệ thống lại những vấn đề nổi bật về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá trong năm vừa qua, phác thảo những hướng đi cho năm tới. Âm hưởng chủ yếu của báo Tết là lạc quan, vui vẻ, ít hoặc không hề nhắc đến những chuyện không vui, những hiện tượng tiêu cực, những mặt trái, không hề có phê phán, đả kích, lên án mạnh mẽ như các số báo thường. Tuy cùng mang những đặc điểm chung của báo Tết nhưng mỗi tờ báo lại có những nét khu biệt về nội dung, tạo ra bản sắc riêng cho mỗi tờ báo do mỗi tờ có phạm vi, đối tượng, tôn chỉ mục đích khác nhau. Nhân dân là cơ quan ngôn luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng nên chủ đề chính trị xuất hiện nhiều, các vấn đề được đề cập ở tầm vĩ mô. Tính khái quát của các bài viết cũng cao hơn. Báo cũng có nhiều bài viết tổng kết, đánh giá về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá, thể thao. Lao động là cơ quan của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam - diễn đàn bảo vệ cho quyền lợi của người lao động. Chủ đề kinh tế - xã hội chiếm ưu thế. Đặc biệt là vấn đề lao động - việc làm và trách nhiệm của công đoàn trong việc tạo việc làm cho người lao động, vấn đề xoá đói giảm nghèo, cứu trợ nhân đạo, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn... Là cơ quan của Trung ương Đoàn với đối tượng thanh niên, Tiền phong đăng tải nhiều bài viết về chủ đề kinh tế. Đặc biệt là bài viết về về công tác đoàn, các tấm gương thanh niên vươn lên vượt khó làm giàu, các gương mặt trẻ tiêu biểu trong lĩnh vực thể thao, ca nhạc... Phụ nữ Việt Nam là tờ báo của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nên đề cập nhiều đến chủ đề xã hội và vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Chủ đề văn hoá, đặc biệt là các chuyện “bếp núc”, liên quan đến tay nghề phụ nữ như: văn hoá ẩm thực, nghệ thuật trang trí nhà cửa, thời trang làm đẹp, nhiều bài viết về lễ hội và các lĩnh vực văn hoá nghệ thuật... Về thể thao, báo có nhiều bài viết về phái đẹp với thể thao như các nữ vận động viên tiêu biểu của năm. Là tiếng nói của ngành giáo dục và đào tạo nên Giáo dục và Thời đại có nhiều bài viết đánh giá, tổng kết về tình hình giáo dục, đào tạo trong năm vừa qua. Nhiều bài viết về khoa học, công nghệ cũng được đăng tải trên báo. Ngoài ra các chủ đề văn hoá, xã hội cũng được đăng tải ở mức độ nhất định, nhất là các phong tục, lễ hội cổ truyền. Nông thôn ngày nay là tờ báo của Hội Nông dân Việt Nam, xuất hiện nhiều bài viết về kinh tế - xã hội, tập trung vào vấn đề phát triển kinh tế nông nghiệp, phát triển hạ tâng cơ sở nông thôn. Các chủ đề khác được phản ánh trên báo thường cũng gắn với người nông dân và đề tài nông thôn như: các lễ hội, phong tục ở nông thôn Việt Nam, phát triển thể thao ở nông thôn, nông dân chơi thể thao... Đặc biệt các bài viết về những phong tục, tập quán ở các làng quê được đề cập tương đối nhiều. Hà Nội mới tờ dù là tờ báo địa phương nhưng là tờ báo lớn, lại ở Thủ đô, nên có tính chất như một tờ báo trung ương. Các bài viết về riêng Hà Nội cũng rất nhiều, đặc biệt khi thành phố kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội. Các bài viết đề cập đến tất cả các chủ đề: sự phát triển kinh tế - xã hội, văn hoá - thể thao của Hà Nội. Nhất là chủ đề văn hoá, với các bài viết tìm hiểu, nghiên cứu về những giá trị văn hoá cổ truyền của Hà Nội như: di tích, danh thắng, con người với nét thanh lịch, hào hoa. Bắc Ninh là tờ báo địa phương miền quê quan họ. Bản sắc địa phương bộc lộ rõ qua những trang viết về các chủ đề, gắn với địa phương mình. Đặc biệt chủ đề văn hoá chiếm số lượng bài viết rất cao vì đây là mảnh đất giàu truyền thống văn hoá xứ Kinh Bắc xưa: nhiều phong tục, lễ hội: hội Lim, hát quan họ... Như vậy, bên cạnh những đặc trưng, đặc điểm giống nhau, 8 tờ báo Tết được khảo sát lại có những khác biệt độc đáo, tạo ra sự đa dạng, phong phú về nội dung trong các chủ đề được phản ánh. Tuy nhiên chủ đề văn hoá, thể thao, mang tính giải trí và thông tin quốc tế về các chủ đề nói chung còn ít. Chương 3 hình thức chuyển tải thông tin tiêu biểu trên báo tết Để có thể phát huy hiệu quả cao nhất, bên cạnh nội dung thông tin hay, hấp dẫn thì báo chí cũng cần có những hình thức chuyển tải thích hợp. Nghệ thuật chuyển tải thông tin được đặc biệt chú trọng, nhất là trên báo Tết. Ngoài chất lượng giấy in tốt, kỹ thuật in ấn hiện đại, các số báo Tết đều sử dụng một cách hợp lý các thể loại cũng như cách trình bày ma-két đẹp, hấp dẫn. 3.1 Một số thể loại chủ yếu. Việc tìm hiểu xem thể loại nào chiếm ưu thế trong một số báo góp phần khẳng định cách truyền tải thông tin hiệu quả nhất, vì “khi một tác phẩm được thực hiện đúng theo yêu cầu của thể loại thì sẽ tăng thêm tính hấp dẫn đối với người đọc...” [18; 9]. Báo Tết sử dụng rộng rãi nhiều thể loại khác nhau, tạo ra sự đa dạng, linh hoạt trong cách chuyển tải nội dung. Không thấy xuất hiện thể loại tin, tường thuật, điều tra và phóng sự - điều tra, vì trên báo Tết tính thời sự không cao như các số báo thường, không đề cập đến những “hoàn cảnh có vấn đề". Mặt khác, do nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí, thưởng thức văn hoá trong ngày Tết rất cao, nên báo Tết sử dụng nhiều thể loại mang tính văn học, thích hợp cho các nội dung giải trí, văn hoá, thể thao như các thể loại: phóng sự, ghi chép, tuỳ bút, bút ký... Khảo sát 8 tờ báo Tết trong 3 năm, người viết nhận thấy các thể loại: phóng sự, ghi chép, tuỳ bút, bút ký, niên biểu chiếm ưu thế đặc biệt trên báo Tết, thể hiện qua số lượng bài viết và hiệu quả trong việc chuyển tải nội dung trên báo Tết. 3.1.1 Phóng sự. “Phóng sự là một thể loại đứng giữa văn học và báo chí có khả năng trình bày, diễn tả những sự kiện, con người, tình huống điển hình trong một quá trình phát sinh phát triển dưới dạng một bức tranh toàn cảnh vừa khái quát, vừa chi tiết, sống động với vai trò quan trọng của nhân vật trần thuật và bút pháp linh hoạt, ngôn ngữ giàu chất văn học” [12; 83]. Một tác giả khác quan niệm: “Phóng sự là dạng bài linh hoạt và có tính độc lập. Hiện thực được thể hiện một cách chính xác, nhanh chóng mà tác giả là người tận mắt chứng kiến, kết hợp một cách chặt chẽ và có tổ chức các yếu tố của các thể loại tin tức và nghệ thuật - chính luận” [20; 99]. Có thể nói, với bút pháp sinh động, linh hoạt, cùng ngôn ngữ giàu hình ảnh, phóng sự hiện đang là thể loại chiếm ưu thế trong hệ thống các thể loại báo chí. Trên báo Tết, các bài phóng sự chiếm dung lượng đáng kể. Các phóng sự trên báo Tết chủ yếu tập trung vào mảng viết về chuyện ăn Tết của những người lao động không được về quê, của những em bé không nhà; hoặc viết về các phong tục, tập quán, lễ hội... cổ truyền. Phóng sự “Tết với những người không thể về quê” của Nguyễn Minh Ngọc trên báo Lao động Tết Kỷ Mão 1999 là bài viết xúc động về những lao động ngoại tỉnh phải ở lại Hà Nội không được về quê ăn Tết. Hoàn cảnh của họ được tác giả giới thiệu ngay ở những dòng đầu tiên, đã tạo ta ấn tượng ban đầu với những con người lam lũ ấy. “Làm cả năm cũng không đủ để về ăn Tết, khổ lắm có đâu mà để ra, ráo mồ hôi là hết tiền, nhàn một chút là đói...” Bà Hiên ngậm ngùi nói với chúng tôi như thế . “Thôi thì nhiều no, ít đủ, sao bà và các anh chị không về quê ăn Tết? - Tôi hỏi. Bà định trả lời, song lại thôi, những giọt nước mắt rịn trên gò má già nua...” Giọng văn của tác phẩm kết hợp khéo léo giữa tả, bình, thuật; vừa như khách quan chứng kiến sự kiện, thỉnh thoảng lại xen vào cảm nghĩ của cái Tôi - nhân chứng thẩm định sự kiện: “tôi thấy hình như ai cũng có những nỗi, những niềm không thể nói ra”, “khi chứng kiến tôi không thể cầm được lòng”, “bất chợt tôi nghĩ, chỉ một mong mỏi thật giản đơn là gia đình quây quần trong ngày Tết, với nhiều người, nhiều gia đình vẫn là những giấc mơ”... Người đọc đã bị cuốn theo những chi tiết điển hình của bài viết về những số phận lao động nghèo khổ, không về quê ăn Tết, và đồng cảm với những xúc động của tác giả khi chứng kiến sự việc. Có thể nói bài viết không dài, chỉ dùng hai tít phụ, nhưng lại là một phóng sự thành công, gieo vào lòng người đọc những suy nghĩ, trăn trở. Cũng chủ đề trên còn có các bài phóng sự như: “Tết này em ăn Tết ở đâu?” (Phụ nữ Việt Nam Tết Canh thìn 2000), “Những người không có Tết” (Hà Nội mới Tết Canh thìn 2000)... Đặc biệt phóng sự “Tết này em ăn Tết ở đâu?” của Hoàng Tuấn là một phóng sự thực sự gây xúc động cho người đọc trước những mất mát, đau thương mà các em nhỏ miền Trung đã phải chịu đựng khi cơn lũ thế kỷ đi qua. Những dòng viết trăn trở của tác đã giả gợi lên suy nghĩ sâu xa. Những câu hỏi lặp đi lặp lại nhiều lần trong bài viết như một điệp khúc: “Các em ăn Tết ra sao?”, “Tết này các em ăn Tết ra sao?”, “Tết này các em ăn Tết ở đâu?” cứ xoáy sâu vào lòng người đọc về nỗi đau của các em. “Chợ phiên giữa phố” (Bích Ngọc - Nông thôn ngày nay Tết Canh thìn 2000) là phóng sự hấp dẫn viết về chợ Bưởi ngày phiên giữa ồn ào, huyên náo của phố phường Hà Nội “như một làn khói quê ấm áp, để quyến luyến, ấp ủ lòng người còn thương nhớ một miền quê của riêng mình”. Quả thật tít chính cùng với tít dẫn của phóng sự đã gợi sự tò mò cho người đọc vì ngày nay không ai nghĩ rằng giữa đất Hà thành những năm 2000 vẫn có những phiên chợ tưởng chỉ còn trong quá khứ. Bài viết dài, với năm tít phụ, cùng với bốn bức ảnh minh hoạ đẹp, sinh động đã giải đáp một cách thú vị, hấp dẫn những tò mò trong lòng độc giả. Tác giả vừa sử dụng bút pháp tổng hợp, bao gồm cả tả, bình, thuật, khi thì khách quan miêu tả lại cảnh phiên chợ đông đúc, khi lại chêm xen, đưa đẩy vài lời bình, bộc lộ cảm xúc của cái Tôi đã tăng sức thuyết phục cho bài viết. Phóng sự có nhiều nét phác hoạ có tính chất đặc tả về những người mua, kẻ bán trong phiên chợ mà tác giả được chứng kiến; kèm theo những đoạn đối thoại ngắn của tác giả với họ khiến tính sinh động, hấp dẫn được tăng lên. Các phóng sự trên báo Tết đều sử dụng ảnh minh hoạ kèm theo bài viết, làm tăng thêm tính sinh động, hấp dẫn cho bài viết. Ngoài ra, trên báo Tết còn sử dụng một số phóng sự ảnh, đặc biệt là báo Lao động như: “Hội An - phố màu và đen trắng” (Lao động Tết Canh thìn 2000), “Điện vượt cổng trời” (Lao động Tết Tân Tỵ 2001). Với 9 bức ảnh bao gồm cả đen trắng và màu, Dương Minh Long đã truyền đến cho người đọc cái “hồn” của đô thị cổ Hội An, di sản văn hoá thế giới qua phóng sự ảnh “Hội An - phố màu đen và trắng”. Đây là những bức ảnh đẹp, cân đối về bố cục, hài hoà về màu sắc, không chỉ mang tính chất minh hoạ như trong các bài phóng sự khác mà chính những bức ảnh nói lên tất cả. Có lẽ ý nghĩa mà những bức ảnh này là: làn sóng thị trường sẽ không xoá đi được cái “hồn” của phố cổ Hội An. Phóng sự ảnh “Điện vượt cổng trời” của Lê Anh Tuấn - Trần Triệu Long với 8 bức ảnh đủ kích cỡ khác nhau đã chuyển tải sự kiện “điện đang vượt các cổng trời để lên những dãy núi khắc khổ trên cao nguyên đá Đồng Văn - Mèo Vạc (Hà Giang)”. Chú thích cho những tấm ảnh trong phóng sự ảnh có ngôn ngữ này khá độc đáo, thú vị: dường như đó là lời nói của chính những đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao chỉ tay, trầm trồ với nhau: “Xã Phó Cáo có điện rồi, nó vào cả nhà cháu rồi”, “Như chúng mình gùi củi trên lưng, cái xe cũng biết gùi cái cột điện lên núi”, “Đi xem cái nhà cho điện ở”... Ngoài ra, những bức ảnh rất đẹp này còn nói lên khó khăn, thiếu thốn khi đồng bào vùng cao không có điện. Có thể nói chỉ với 8 tấm ảnh kèm theo 8 lời bình, tác giả đã tạo ra một tác phẩm hoàn chỉnh, hấp dẫn, giàu ý nghĩa. 3.1.2 Ghi chép Mặc dù rất ít các nhà nghiên cứu nhắc đến ghi chép với tư cách là một thể loại, nhưng trên báo chí vẫn đang tồn tại dạng bài này. Một tác giả cho rằng ghi chép là loại bài “như là sự giao thoa giữa ký sự và phóng sự” với đặc điểm là “không chỉ bộ xương của các sự kiện được phản ánh mà còn chứa đựng cả thông tin mang chiều sâu và dấu ấn của tác giả cũng được truyền đạt”. Ghi chép có “cách diễn đạt sống động”, “cách miêu tả lắm màu nhiều vẻ”, với “những đề tài được viết “lỏng”, không bắt buộc phải gắn liền với những sự kiện mang tính thời sự” [20; 50]. Trong bài ghi chép, “những yếu tố trữ tình luôn được xen kẽ với sự việc” [12; 69]; “như một phác thảo còn ngổn ngang, bề bộn nhưng giàu chất sống thực tế” [15; 229]. Ghi chép là thể loại có tính chất văn học, giúp người đọc tiếp nhận một cách tự nhiên, sinh động các sự kiện được thông tin. Đây là thể loại được các tờ báo Tết sử dụng rộng rãi để chuyển tải nội dung thông tin, đặc biệt là với chủ đề văn hoá, xã hội. Nhiều bài ghi chép không chỉ dừng lại ở sự “ghi chép”, miêu tả đơn giản , mà đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật xinh xắn, không chỉ có giá trị thông tin mà còn có giá trị thẩm mỹ cao. Đếm “sơ sơ” trên 8 tờ báo Tết trong 3 năm đã thấy 24 bài ghi chép. Hầu như trên mỗi số báo Tết đều có một bài ghi chép. Viết về đời sống của đồng bào vùng cao, trên báo Tết có nhiều bài ghi chép đặc sắc. “Từ Pác Pha qua Nậm Coóng” của Xuân Quang (Lao động Tết Tân Tỵ 2001) là một ghi chép như vậy. Qua bài viết, người đọc như được theo chân tác giả vượt qua đồi, suối, đèo, dốc của huyện Sìn Hồ (Lai Châu) để tận mắt chứng kiến đời sống khốn khó của người dân nơi đây, nhất là khi cơn lũ kinh hoàng vừa quét qua. Có thể nói đây là bài viết công phu, tác giả lần lượt vẽ ra trước mắt người đọc những khó khăn, thiếu thốn của các dân tộc vùng cao này: từ chuyện ăn ở, sinh hoạt, đến chuyện điện, đường, trường, trạm. Đặc biệt là cơn lũ quét kinh hoàng được tác giả dẫn lại lời của người dân đã làm cho hàng chục người, hàng trăm nóc nhà biến mất trong một đêm. Khó khăn lại chồng chất khó khăn. Dường như tác giả cố gắng dấu mình đi, đứng ngoài cuộc quan sát, bằng con mắt khách quan để tự cho những chi tiết tác động đến người đọc. Thế nhưng, từ cách chọn lựa chi tiết, miêu tả, nhấn mạnh ở chi tiết nào, chi tiết nào chỉ lướt qua; cách diễn đạt ngắn gọn, súc tích, giản dị, khiến cho tác phẩm không hề khô cứng mà đầy hiệu quả. Bài viết dù cố tình che dấu nhưng thấp thoáng ẩn hiện cái Tôi của tác giả với niềm hi vọng ở mảnh đất này “một cuộc sống mới, dù còn trăm sự ngổn ngang, vẫn đang hồi sinh”. Bài viết “Lại lăn dài nước mắt mẹ” của Xuân Ba (Tiền phong Tết Kỷ Mão 1999) là một ghi chép xúc động về cuộc đời khổ đau, bất hạnh của một Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở vùng đất mỏ Mạo Khê. Khác với ghi chép trên của Xuân Quang, ở ghi chép này, cái Tôi của Xuân Ba được thể hiện khá đậm nét. Nhiều khi ta không thể phân biệt nổi đâu là ngôn ngữ của nhân vật, ngôn ngữ tác giả bởi cái Tôi tác giả đã đồng cảm với khổ đau mà mẹ Ngô Thị Bân phải chịu đựng. Mở đầu bài viết, tác giả nêu lý do của chuyến đi là: “theo lá đơn tố cáo việc người ta đã phong tặng sai danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho mẹ một người đàn bà ở ngay thị trấn này”, và một loạt chi tiết tưởng như lá đơn tố cáo kia là đúng. Điều này đã thu hút sự tò mò, chú ý của người đọc. Tiếp theo, để làm sáng tỏ “nguồn cơn”, tác giả đã trích lại những dòng hồi tưởng trong nước mắt của mẹ về chặng đường hoạt động cách mạng đầy mất mát, hy sinh: bị giặc bắt, bị cưỡng bức, có mang, không nỡ bỏ di giọt máu của mình, cắn răng nuôi đứa “con lai” trong lời dị nghị của mọi người, lấy chồng thương binh thì không có con, “đứa con lai" đi bộ đội và hy sinh, con nuôi chết, chồng chết, “để lại mình mẹ chỏng trơ, thui thủi”. Những trang viết của Xuân Ba là những dòng chữ chứa đầy sự xúc động, xót thương của tác giả: “giông gió tưởng đã qua. Mẹ Bân tưởng như có thể yên ổn sống nốt quãng đời còn lại...Vậy mà nước mắt mẹ tưởng như đã cạn, giờ lại phải lăn dài”...Những lá đơn tố cáo mẹ không xứng được nhận danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” chỉ vì chuyện khổ tâm của mẹ. Nhưng các cấp ngành chức năng đều không chấp nhận những lá đơn kiện ấy. Dù vậy nhưng mẹ vẫn buồn. Phần kết của bài ghi chép, tác giả mượn lời bài hát “Người mẹ của tôi” (Xuân Hồng) để như thay mình nói với bạn đọc: những mất mát, hy sinh của mẹ nhiều lắm. Nước mắt mẹ đã cạn rồi. Đừng làm nước mắt mẹ lại phải lăn thêm nữa! Có thể nói, thành công của bài viết ngoài chuyện kết cấu hài hoà, ngôn ngữ linh hoạt, uyển chuyển với cái Tôi cá nhân đầy cảm xúc đã gây xúc động sâu xa trong lòng người đọc. Những bài ghi chép trên báo Tết thường có dung lượng tương đối lớn, nhưng không có tít phụ như trong phóng sự, thường sử dụng tít dẫn (sa-pô), kèm theo ảnh minh hoạ. Bên cạnh những ưu điểm không thể phủ nhận , thì thể loại này cũng dễ sa vào tình trạng sao chép, mô phỏng cứng nhắc hiện thực, tạo cho người đọc cảm giác nhàm chán. Vì vậy đòi hỏi người viết phải có vốn kiến thức, vốn sống và kinh nghiệm cùng với cái Tôi giàu cảm xúc, khả năng sử dụng ngôn ngữ linh hoạt. 3.1.3 Tuỳ bút. “Tuỳ bút là thể ký ghi lại một cách tương đối tự do những cảm nghĩ của người viết, kết hợp với việc phản ánh thực tế khách quan” [18; 1067]. Tuỳ bút đánh giá cao vai trò của cảm xúc, suy tưởng của tác giả về cuộc sống dựa trên nền tảng là con người và sự việc, sự kiện có thật. “So với các tiểu loại khác của ký, tuỳ bút giàu chất trữ tình hơn cả, tuy vẫn không ít những yếu tố chính luận và chất suy tưởng, triết lý” [17; 313]. Về mặt cấu trúc, tuỳ bút cũng không bị ràng buộc bởi một cốt truyện hay kết cấu lô gíc chặt chẽ, tư tưởng chủ đạo của bài viết có thể được toát ra từ mạch cảm xúc khá tự do của tác giả. Tuỳ bút “kết hợp xen kẽ việc mô tả khái quát với việc bộc lộ chủ quan” [15; 231]. Đặc biệt ngôn ngữ tuỳ bút rất giàu hình ảnh và chất thơ. Với bút pháp phóng khoáng, uyển chuyển, linh hoạt, giàu chất trữ tình, tuỳ bút là thể loại rất thích hợp sử dụng trên báo Tết. Vì vậy trên tờ báo Tết nào cũng xuất hiện ít nhất một bài tuỳ bút. Thậm chí có số báo rất nhiều tuỳ bút như Bắc Ninh Tết Tân Tỵ 2001 với 7 tuỳ bút. Hầu hết những bài tuỳ bút trên các báo Tết đều được viết bởi những nhà văn tên tuổi như Băng Sơn, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Phan Hách, Nguyễn Bùi Vợi, Trung Trung Đỉnh... Tuỳ bút “Sông Hồng bay” của Trần Mạnh Hảo trên báo Hà Nội mới Tết Canh thìn 2000 là bài viết đặc sắc, bày tỏ những suy nghĩ của tác giả về dòng sông Hồng và mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến trên chuyến bay về Hà Nội vào ngày giáp Tết. Nhìn con sông từ trên cửa sổ máy bay, tác giả như nhìn thấy cả lịch sử nghìn năm của mảnh đất “trong sông” này “cảm xúc lướt theo tốc độ phản lực, đặng thấm thía nỗi niềm cha ông vạn cổ, nỗi niềm của một đứa con tha phương cầu thực từng mang huyết mạch sông Mẹ trong người mà sống, mà quay quắt nhớ thương”. Sự chín chắn, từng trải đã tạo cho giọng văn của Trần Mạnh Hảo vừa giản dị, mộc mạc, lại tràn đầy cảm xúc khi viết về mảnh đất kinh kỳ. Nhiều phát hiện độc đáo trong so sánh và liên tưởng, những “chệch chuẩn” tạo nên cái “thần” của bài viết như: “trời xanh màu lá dong gói bánh chưng, thi thoảng những khóm mây trắng muốt hoa mận...”; “sông Hồng thở phì phò ra biển”; “cánh cò chập chờn như mái chèo trắng muốt của trời xanh, gấp gáp chèo, chập chờn gắng gỏi chở gió nắng sang sông, chở lời ru về kịp chao nôi chiều đang xuống?”; “tôi nhìn thấy sông Hồng choàng vòng ôm vĩ đại, ôm ghì lấy Hà Nội như ôm một tình nhân, cuống quít chẳng muốn rời”; “sông Hồng âu yếm quàng cho Hà Nội chiếc khăn len rực rỡ màu than lửa, quàng cho lịch sử một vòng nguyệt quế”; “sông Hồng bế cả ngàn xưa bồi đắp cho thịnh vượng hôm nay”... Ta còn gặp lại phép so sánh, liên tưởng độc đáo này của Trần Mạnh Hảo trong tuỳ bút “Mùa xuân Tết chữ vỡ lòng” (Giáo dục và Thời đại Tết Canh thìn 2000). Một “cây tuỳ bút” nổi tiếng trong làng văn, làng báo lâu nay là Băng Sơn cũng góp mặt khá nhiều trên các số báo Tết. Điểm qua 8 tờ báo Tết cũng thấy dăm bài tuỳ bút của ông mà không bài nào giống bài nào, mỗi bài đều có những nét đặc sắc, độc đáo riêng. Tuỳ bút “Phong cách ăn uống thanh lịch” (Phụ nữ Việt Nam Tết Canh thìn 2000) là bài viết hấp dẫn, sinh động của Băng Sơn về nét văn hoá thanh lịch trong cách ăn uống của người Việt Nam, mà tiêu biểu là ngươì Hà Nội. Cả bài viết toát lên cái “chất văn” Băng Sơn - cầu kỳ, tỉ mỉ đến từng chi tiết, từng câu chữ mà nếu đọc thoáng qua, ta tưởng như đây là con người ưa kiểu cách, “sành điệu”. Giọng văn trong bài viết của ông vừa mềm mại, uyển chuyển, vừa tràn đầy hình ảnh, cảm xúc - một lối văn rất đỗi tinh tế, tài hoa. ở tuỳ bút “Bắc Ninh niềm nhớ” (Bắc Ninh Tết Tân Tỵ 2001), ông lại thể hiện sự uyên bác về kiến thức cũng như sự sinh động, đa dạng trong việc bày tỏ cảm xúc trữ tình. Dường như trong bài viết, ông đã đưa vào rất nhiều kiến thức văn hoá, lịch sử, địa lý một cách khá tự nhiên, sống động, hấp dẫn với giọng văn mượt mà, giàu cảm. Với bút pháp lãng mạn, có phần tự do, phóng khoáng, in đậm dấu ấn cá nhân, tuỳ bút là thể loại được các báo Tết sử dụng khá nhiều và để lại ấn tượng sâu sắc trong người đọc với sức hấp dẫn đặc biệt của nó. Cũng chính vì vậy, tuỳ bút đòi hỏi người viết phải có một tâm hồn tinh tế, có sự tài hoa, làm chủ được ngòi bút của mình, tránh sa đà, kể lể dài dòng, làm giảm chất lượng bài viết. 3.1.4 Bút ký. “Bút ký là thể ký ghi lại những điều tai nghe mắt thấy, những nhận xét, cảm xúc của người viết trước hiện tượng trong cuộc sống” [18]. Bút ký phản ánh hiện thực khách quan không qua hư cấu. Sức hấp dẫn của bút ký phụ thuộc vào tài năng và khả năng quan sát của tác giả từ hiện thực cuộc sống, tìm ra những vấn đề mới mẻ có giá trị. Bút ký “tái hiện con người, sự việc dồi dào nhưng thông qua đó biểu hiện trực tiếp khuynh hướng cảm nghĩ của tác giả. Bởi vậy nó nghiêng về hướng trữ tình” [12; 69]. Bút ký “có màu sắc sống động, sự kiện được vẽ lại hoàn chỉnh”, “diễn đạt một cách dễ hiểu nhất, rõ ràng, sống động nhất”, “không đòi hỏi một cơ hội mang tình thời sự”, “có thể được dùng để diễn tả một tâm trạng, một cảm xúc” [20; 58-60]. Bút ký “nhằm ghi lại sự vật, cảnh vật mà nhà văn đã mắt thấy tai nghe, thường là trong một chuyến đi” để qua đó trình bày sự thẩm định của tác giả dựa trên cơ sở của những cảm xúc thẩm mỹ. Những điều “mắt thấy tai nghe” ấy không đòi hỏi phải mang tính thời sự gắt gao, nhưng lại phải thật tiêu biểu, điển hình. Mạch suy tư khá phóng khoáng tuy “ít triền miên, ít phóng túng như tuỳ bút” [12; 171]. Trên các số báo Tết xuất hiện nhiều bài viết theo thể loại bút ký. Nhìn chung, bút ký trên báo Tết mấy năm qua rất phong phú và đều là những bài viết được chọn chọn lựa kĩ, chất lượng cao, có sức hấp dẫn lớn đối với người đọc. Đọc “Dưới cát là nước” của Nguyễn Quang Vinh (Lao động Tết Tân Tỵ 2001) ta thấy hiện lên mảnh đất Quảng Bình cát trắng, quê hương tác giả qua những ký ức, hồi tưởng về thời thơ ấu của mình, vừa qua cảm xúc thực tế khi về thăm lại miền quê xưa. Cách mở đầu bài bút ký thật độc đáo: tác giả hỏi mẹ ngày sinh của mình, mẹ nhớ sai nhưng mượn đó để nói: “ai sinh ra tại Quảng Bình, sống và trưởng thành được ở đất này đã ghê rồi, cần chi biết năm tháng. Như cát quê mình, cần chi biết năm tháng, cần chi biết cát có từ khi mô, rứa mà hàng bao đời, cát vẫn rứa, cát vẫn trắng rứa, vẫn nóng rứa, ai làm được chi”. Cách mở đầu độc đáo nhưng thật tự nhiên, cách dẫn dắt hấp dẫn ấy đã gây sự chú ý của người đọc. Trong bài viết có nhiều so sánh, liên tưởng bất ngờ, độc đáo. Cát và người Quảng Bình là hai hình ảnh, hai hình tượng xuyên suốt trong bài viết, nương tựa vào nhau để sống. Và sức sống của người dân Quảng Bình cũng được ví với cát kia “Đúng là không ai làm được chi cát, cũng như không có kẻ thù nào, phong ba bão táp nào làm chi được người Quảng Bình quê tôi...Hoá ra dưới cát lại còn có nước, dưới cái khắc nghiệt có cả sự dịu ngọt, dưới sự cháy bỏng còn có sự mềm mại, thơ mộng”. Giọng văn vừa miêu tả, vừa kể chuyện cứ giản dị, đều đều của tác giả, cái Tôi ít bộc lộ cảm xúc một cách mạnh mẽ. Nhưng thấm trong mỗi dòng, mỗi chữ tưởng như khô như cát ấy, lại dạt dào tình cảm của tác giả dành cho quê hương. Dường như bài viết không hề “có chuyện” gì, không có cốt truyện rõ ràng, nhưng lại chứa đầy ý nghĩa sâu xa. Khác với Nguyễn Quang Vinh, Hoàng Đình Quang trong bút ký “Miền cực tây Nam Bộ” (Giáo dục và Thời đại Tết Canh thìn 2000) lại bộc lộ cái Tôi một cách rõ nét hơn, đan xen trong từng chi tiết, sự việc của bài viết. Cái Tôi trong bài viết vừa là cái Tôi - nhân chứng vừa là cái Tôi - thẩm định các sự kiện, hiện tượng diễn ra. Có thể nói người đọc bị cuốn hút ngay từ cách mở đầu, tác giả trực tiếp bộc lộ cái Tôi: “Dù qua nơi đây biết bao lần, nhưng lần nào xuống Bắc Mỹ Thuận, tôi cũng bị choáng ngợp trước dòng sông Tiền, bởi gió, bởi lòng sông rộng bao la hùng vĩ... Lần này tôi lại choáng ngợp bởi khung cảnh mới: cầu Mỹ Thuận”. Và từ đó, bằng giọng văn vừa giản dị, thân mật như tâm tình, đối thoại với người đọc, tác giả miêu tả, thuật lại cảnh sắc, con người, tiềm năng cũng như cơ cực của miền đất này. Bên cạnh một Nguyễn Quang Vinh giản dị, kín đáo, một Hoàng Đình Quang thân mật, tâm tình, còn có một Vĩnh Quyền từng trải, chín chắn (“Hành lang xanh” - Lao động Tết Tân Tỵ 2001), một Đinh Lê Yên dí dỏm, hài hước (“Hơn 30 năm đào vàng trên đỉnh núi” - Giáo dục và Thời đại Tết Canh thìn 2000), một Thanh Ngọc mộc mạc, giản dị (“Làng Bắc Ninh ở thành phố mang tên Bác” - Bắc Ninh Tết Canh thìn 2000)... 3.1.5 Niên biểu. Ngoài những bài viết dài, sử dụng các thể loại báo chí quen thuộc, có tính chất đánh giá, tổng kết những thành công, hạn chế trên một lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội...trong năm qua; thì các báo Tết cũng sử dụng một thể loại có tính chất thống kê, “bình chọn” những sự việc lớn, tiêu biểu nhất xảy ra trong năm vừa qua trong lĩnh vực đó. Thể loại này có thể tạm gọi là “niên biểu” như cách gọi của “Từ điển Tiếng Việt”, Hoàng Phê (chủ biên), Nhà xuất bản Khoa học xã hội 1979. Cuốn từ điển này định nghĩa: “Niên biểu là: 1- Bảng ghi những sự việc lớn xảy ra trong một năm. 2- Bảng ghi những sự việc lớn xảy ra qua các thời đại” [24; 585]. Thực tế trên báo Tết những năm vừa qua, đây là thể loại được sử dụng rất phổ biến và hầu như ít nhất mỗi số báo Tết đều có một bài. Những tờ báo lớn của Trung ương như Nhân dân thường có những bài niên biểu thống kê những sự kiện lớn trong năm của các lĩnh vực rộng lớn như: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, thể thao...Còn những tờ báo ngành, báo địa phương thường hạn chế vào ngành, giới, vào địa phương của mình (ví dụ như báo Tiền phong với những gương mặt thanh niên tiêu biểu trong năm, báo Giáo dục và Thời đại với những sự kiện giáo dục tiêu biểu trong năm, hay báo Bắc Ninh với những sự kiện kinh tế - xã hội lớn của tỉnh nhà trong năm vừa qua). Do có tính chất giống như những bảng biểu thống kê nên dung lượng của một bài niên biểu không lớn, thường chỉ từ 100 đến 200 chữ. Tuy nhiên cá biệt cũng xuất hiện những bài có dung lượng lớn như: “Giáo dục năm 1999 - Những sự kiện nổi bật” (Trần Hữu Trù - Giáo dục và Thời đại Tết Canh thìn 2000) với hơn 1000 chữ. Đây cũng là bài niên biểu dài nhất trong 8 tờ báo được khảo sát. Các bài niên biểu thường chọn số lượng chẵn những sự kiện lớn xảy ra trong năm như 10 sự kiện, 20 sự kiện... Đặc biệt đại đa số các bài niên biểu trên 8 tờ báo Tết người viết khảo sát chọn con số 10. Ví dụ “10 sự kiện quốc tế nổi bật 1999” (Quang Lợi - Phụ nữ Việt Nam Tết Canh thìn 2000), “Giáo dục đào tạo năm 1998 - 10 sự kiện nổi bật” (Trần Hữu Trù - Giáo dục và Thời đại Tết Kỷ Mão 1999)... Tất nhiên, không nhất thiết trong tiêu đề của bài niên biểu đều nêu ngay con số sự kiện là “10 sự kiện...” hay “20 sự kiện...” mà nhiều bài sử dụng “Những sự kiện...”, hay “Những kỷ lục...”, “Những gương mặt...” Mỗi sự kiện thống kê thường bắt đầu bằng một con số in đậm đánh dấu thứ tự của sự kiện, sau đó là tên sự kiện và phần trình bày tóm tắt sự kiện ở dưới như trong bài niên biểu “Những sự kiện quốc tế 1998” (Mạnh Thuỷ - Phụ nữ Việt Nam Tết Kỷ Mão 1999). Một cách trình bày khác, là mỗi một sự kiện được thống kê trong bài viết không dùng các con số to chỉ số thứ tự của sự kiện mà có thể dùng dấu gạch đầu dòng, dấu hoa thị... để diễn đạt. Ngoài dạng bài niên biểu thống kê những sự kiện tiêu biểu trong một năm, còn có dạng bài niên biểu thống kê những sự kiện lớn xảy ra trong một thời gian dài hơn như qua một thế kỷ, hoặc qua các thời đại. Dạng bài này ít xuất hiện hằng năm như dạng bài thống kê sự kiện lớn trong năm, mà thường chỉ xuất hiện trong thời điểm chuyển giao giữa hai thế kỷ, hai thiên niên kỷ. Năm 2000, 2001 là năm kết thúc thế kỷ XX, năm đầu tiên của thế kỷ XXI, nên có nhiều bài niên biểu tổng kết, bình chọn những sự kiện tiễu biểu, lớn nhất ở một lĩnh vực trong suốt thế kỷ XX như: “10 phát minh lớn trong thế kỷ XX” (Nhân dân Tết Tân Tỵ 2001), “10 sự kiện thể thao thế giới thế kỷ XX” (Lao động Tết Tân Tỵ 2001)... Dạng niên biểu thống kê những sự kiện lớn tiêu biểu qua các thời đại cũng xuất hiện trên các số báo Tết như: “Những năm Thìn lịch sử” (Giáo dục và Thời đại Tết Canh thìn 2000), “Những kỷ lục của bóng đã” (Nhân dân Tết Canh thìn 2000)... Nhìn chung, ngôn ngữ của bài niên biểu hết sức ngắn gọn, cô đọng, chính xác, cốt đem đến bản chất của sự kiện tiêu biểu đến cho người đọc. Có thể nói, niên biểu tuy không phải là một thể loại nằm trong hệ thống thể loại báo chí, nhưng lại xuất hiện khá thường xuyên trên các số báo Tết, tạo nên nét riêng cho tờ báo mà ít số báo thường ngày có được. Song song với các bài viết thuộc những thể loại trên, các tờ báo Tết cũng sử dụng một số bài thuộc các thể loại khác như phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, hồi ký... nhưng số lượng các bài viết thuộc những thể loại này không nhiều. Do tính chất đặc biệt của báo Tết, yêu cầu về tính văn học cao hơn, nên các thể loại mang đậm tính chất văn học được sử dụng nhiều trên báo Tết. 3.2 Một số yếu tố ma-két tiêu biểu. Tờ báo Tết được đầu tư, chuẩn bị và làm rất công phu cả về nội dung lẫn hình thức, để thực sự trở thành ấn phẩm văn hoá hấp dẫn, sinh động, “món ăn tinh thần” không thể thiếu của đông đảo quần chúng. Sản phẩm báo Tết còn là minh chứng của sự tiến bộ, đổi mới trong kỹ nghệ thông tin. Điều dễ nhận thấy là những năm qua, báo Tết được in trên loại giấy chất lượng cao hơn, kỹ thuật in ấn công phu, hiện đại hơn. 3.2.1 Khuôn khổ của báo Tết. Khổ báo là khuôn khổ, kích thước của một tờ báo mà trên đó toàn bộ nội dung được in ra. Cả 8 tờ báo được khảo sát trong 3 năm đều sử dụng khổ A3 (khoảng 297 - 420 mm) với 5 cột báo trên một trang. Đây là khổ trung bình so với các khổ khác. Số thường của các tờ Nhân dân, Lao động, Hà Nội mới đều sử dụng khổ lớn, đại đa số là khổ A2. Khổ này lớn, thường dành cho các tờ nhật báo, có truyền thống khổ to. Còn phần lớn các tờ báo ngày nay đều sử dụng khổ A3 (cả số thường lẫn số Tết). Dung lượng của các số báo Tết đều lớn hơn rất nhiều so với các số báo thường, khoảng từ 60 - 100 trang. Tờ báo Tết có dung lượng cao nhất là báo Lao động Tết Canh thìn 2000 (104 trang), tờ thấp nhất là Tiền phong Tết Kỷ Mão 1999 cũng 32 trang (không kể các trang quảng cáo). Sử dụng khổ A3 cho các số báo Tết là hợp lý, vừa không lớn quá, cũng không nhỏ quá. Nếu khổ nhỏ thì hợp với dung lượng dày của báo Tết, dễ đọc khi giở trang, dễ mang đi để “nghiền ngẫm”; khổ lớn có ưu điểm trình bày, trang trí được bài vở, tranh ảnh đẹp hơn, hấp dẫn, sinh động hơn, đặc biệt với trang bìa - bộ mặt của tờ báo, có ý nghĩa như bức tranh Tết trong nhà. 3.2.2 Màu sắc. Đây là yếu tố ma-két có hiệu quả tác động thị giác lớn nhất, là yếu tố mà người đọc nhận biết đầu tiên trong tổng thể chung của tờ báo. Theo lý thuyết hội hoạ thì đen trắng không được coi là màu, nhưng đối với ma-két tờ báo thì đen trắng lại là hai màu cơ bản. Tất cả các yếu tố ma-két khác của tờ báo đều có thể sử dụng kết hợp với màu sắc (từ măng-séc, kiểu chữ, khung, nền, phi-lê, vi-nhét, tranh ảnh minh hoạ, sơ đồ, bảng biểu... Nhưng nhiều khi báo Tết sử dụng quá nhiều màu, làm cho tờ báo trở nên “loè loẹt”, làm giảm hiệu quả thông tin của tờ báo. Nếu báo thường ngày chỉ có hai màu đen trắng là chủ yếu thì báo Tết sử dụng màu sắc đa dạng, sinh động hơn, kết hợp hài hoà từ phông nền, kiểu chữ, tranh ảnh minh hoạ...cấu trúc trang báo, góp phần làm tăng sức cuốn hút của từng bài báo và cả tờ báo với độc giả. 3.2.3 Tranh, ảnh minh hoạ. Với tính chất là ấn phẩm văn hoá đặc biệt, món quà xuân cho mọi gia đình nên báo Tết sử dụng rất nhiều tranh, ảnh minh hoạ, tạo nên sự sinh động, hấp dẫn. Lượng tranh ảnh trên báo Tết xuất hiện nhiều hơn so với các số báo thường, chất lượng cũng cao hơn, hấp dẫn hơn. Tranh, ảnh minh hoạ đều góp phần làm tăng sức biểu cảm cho bài viết. Bằng ngôn ngữ ảnh, thông tin đến với người đọc vừa dễ hiểu, lại sinh động, hiệu quả thông tin cao. Ngoài ảnh chụp về các đề tài đương đại, mang tính thời sự thì báo Tết cũng sử dụng nhiều ảnh tư liệu, đặc biệt là ảnh đen trắng trong các bài hồi ký về Bác Hồ, các bài về văn hoá, phong tục tập quán, lễ hội cổ truyền, chân dung nghệ thuật... Có thể chia ảnh được sử dụng trên báo Tết ra thành những loại hình ảnh: ảnh bìa: là ảnh in ngoài trang bìa của tờ báo, có hình thức đẹp và nội dung tốt, thường được in màu rực rỡ; ảnh chính: là một hoặc vài bức ảnh mang nội dung thông tin chính của sự kiện, được in khổ to và đặt ở vị trí trang trọng của bài báo; ảnh phụ: là những bức ảnh có tính chất phụ hoạ cho nội dung của những ảnh chính, được in nhỏ hơn ảnh chính, thường đặt ở xung quanh ảnh chính. Trang bìa hoặc những bài không có ảnh minh hoạ thường dùng tranh minh hoạ, do các hoạ sĩ tên tuổi vẽ. Nhìn chung báo Tết sử dụng tranh ảnh theo ba mục đích: để giải thích thông tin, làm bìa, minh hoạ. Trang bìa là bộ mặt của báo Tết, có vai trò rất quan trọng trong việc hấp dẫn người đọc. Có thể nói, tít bài quan trọng với từng bài báo như thế nào thì trang bìa cũng quan trọng với số báo không kém. Trên báo Tết, trang bìa thường in các tấm ảnh khổ lớn, với nhiều chủ đề khác nhau, nhưng đều phù hợp với tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ của từng tờ báo. Ví dụ: tờ Giáo dục và Thời đại số Tết Canh thìn 2000 có trang bìa in ảnh 4 học sinh đạt giải trong cuộc thi Ôlimpic; tờ Nông thôn ngày nay số Tết Tân Tỵ 2001 có ảnh cô gái nông thôn, tay cầm nhành lúa vàng tươi; trang bìa báo Hà Nội mới số Tết Tân Tỵ 2001 có ảnh Khuê Văn Các, biểu tượng cho Thủ đô ở giữa, bên trên là những cánh chim bồ câu trắng, tượng trưng cho danh hiệu “Thành phố vì hoà bình”; số Tết Tân Tỵ 2001 báo Bắc Ninh in ảnh “liền chị” mặc áo tứ thân, mớ ba mớ bảy, đầu chít khăn mỏ quạ, tay cầm nón quai thao đứng trước Văn miếu Bắc Ninh, đại diện cho quê hương quan họ... ***** Nhìn chung, về hình thức, báo Tết là ấn phẩm văn hoá được thể hiện rất công phu. Báo Tết có dung lượng, khổ báo lớn hơn so với các số thường, giấy in tốt, trình bày ma-két đẹp, sinh động, hấp dẫn, nhiều tranh ảnh minh hoạ, màu sắc rực rỡ. Các thể loại được sử dụng phong phú, linh hoạt, nhưng nhiều nhất vẫn là các thể loại giàu chất văn học như: phóng sự, ghi chép, bút ký, tuỳ bút... Loại bài niên biểu cũng được sử dụng trên hầu hết các báo Tết. Những bản sắc, đặc trưng riêng trong hình thức chuyển tải thông tin đã tạo ra phong cách riêng cho mỗi tờ báo. Nhân dân là tờ báo sử dụng các thể loại cũng như ngôn ngữ, cấu trúc bài viết khá chuẩn mực. Nhưng các thể loại giàu chất văn học ít được sử dụng hơn so với các tờ còn lại, do phải chuyển tải nhiều nội dung thông tin chính trị, tư tưởng. Cách trình bày còn thiếu sinh động. Lao động là tờ báo có thế mạnh về phóng sự, trong đó có cả phóng sự ảnh. Dung lượng tờ báo lớn, chia chuyên trang, chuyên mục rõ ràng. Chuyên mục “Những bông hoa nhỏ chào xuân” ở phần góc dưới nhiều trang là những mẩu chuyện nhỏ do các phóng viên ghi được khi công tác tại nước ngoài là một nét riêng mà báo khác không có. Tranh ảnh minh hoạ được sử dụng khá nhiều, khổ to, tạo ra sự sinh động, hấp dẫn cho tờ báo. Báo Tiền phong sử dụng khá nhiều thể loại ghi chép, cách trình bày khá trẻ trung, sinh động, phù hợp với đối tượng thanh niên. Phụ nữ Việt Nam có nhiều ảnh thời trang, chân dung Phụ nữ, hoa làm nền trang (in chìm). Cách trình bày trang nhã, đẹp. Trên báo Tết Giáo dục và Thời đại sử dụng nhiều thể loại bút ký. Chất lượng giấy in tốt, cách trình bày đẹp, sinh động. Báo thường in chìm nền trang hình ảnh trống đồng, con rồng... lồng vào bài viết khá đẹp, hấp dẫn. Báo Tết Nông thôn ngày nay sử dụng nhiều tranh ảnh về đề tài nông thôn, với đối tượng chủ yếu là người nông dân. Cỡ chữ to, ngôn ngữ sử dụng trong bài viết ngắn gọn, dễ hiểu. Hà Nội mới và Bắc Ninh là hai tờ báo Tết địa phương giàu truyền thống văn hoá, nên các số báo đều sử dụng nhiều tranh ảnh giới thiệu về những hình ảnh tiêu biểu, biểu tượng cho quê hương trong từng số báo. Thể loại tuỳ bút được cả hai tờ sử dụng rất nhiều trên một số báo. Nhìn chung, mỗi tờ báo đều có những thế mạnh cũng như hạn chế trong hình thức chuyển tải thông tin. Điều này đã tạo ra sự phong phú, đa dạng trong cách chuyển tải thông tin, và mỗi tờ báo Tết cần học hỏi những thế mạnh của báo khác, cũng như rút kinh nghiệm những hình thức thể hiện còn hạn chế của mình. Kết luận Qua khảo sát trên các tờ báo: Nhân dân, Lao động, Tiền phong, Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội mới, Bắc Ninh số Tết các năm 1999, 2000, 2001 chúng tôi nhận thấy những ưu điểm chính sau đây. Các tờ báo đều dành trang báo của mình đề cập đến mọi chủ đề, từ chính trị, kinh tế - xã hội đến văn hoá - thể thao, dành những bài viết công phu tổng kết, đánh giá các sự kiện lớn trong năm vừa qua về chủ đề đó. Nhưng chủ đề văn hoá - thể thao mang tính giải trí vẫn chiếm ưu thế hơn cả, đặc biệt là chủ đề văn hoá chiếm tới hơn 50% nội dung thông tin của tờ báo. Qua đó thấy được sự quan tâm của các toà soạn trong việc cho ra đời những số báo Tết đáp ứng nhu cầu giải trí của người đọc. Điều này cũng phù hợp với số báo Tết vốn ít thông tin thời sự, chính trị. Điều đáng nói là chất lượng các bài viết trên báo Tết rất cao. Thông tin trên các bài viết đều do những tác giả là các nhà báo, nhà nghiên cứu, chuyên gia nổi tiếng viết, mang tính chuyên sâu và hấp dẫn. Một thành công khác của báo Tết là tuy đề cập đến nhiều vấn đề mang tính chất lặp lại theo chu kỳ Tết hàng năm, nhưng các số báo Tết đều cố cố gắng tránh sự sáo mòn, rập khuôn, thể hiện được bản sắc riêng của từng tờ báo, mang đậm tính truyền thống kết hợp với hiện đại. Dù có nhiều thông tin giống nhau, nhưng nhìn báo Tết Nhân dân vẫn khác với Lao động, đọc bài viết của Tiền phong vẫn có “phong cách” không giống với Giáo dục và Thời đại hay Phụ nữ Việt Nam... Nghiên cứu vấn đề này, chúng tôi nhận thấy mỗi tờ báo Tết đều có những nét đặc trưng, bản sắc riêng, tạo ra phong cách khác nhau, do mỗi tờ báo có tôn chỉ mục đích, đối tượng phục vụ khác nhau. Nhân dân là cơ quan ngôn luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, có tính chất định hướng, chỉ đạo. Trên báo Nhân dân số Tết vẫn có những bài viết ở tầm vĩ mô, có phạm vi tương đối rộng hơn so với các báo khác. Các bài viết trên báo Tết đều giàu tư liệu nhưng không ôm đồm, lộn xộn, người viết biết cách chọn lọc, sắp xếp chúng theo trật tự lôgíc, nên rất dễ hiểu, hấp dẫn. Từ đó tạo tâm lý hứng thú cho người tiếp nhận. Các thể loại trên báo Tết được sử dụng khá hợp lý, linh hoạt, với kết cấu hài hoà, ngôn ngữ sinh động, giàu hình ảnh và cảm xúc trong mỗi bài viết. Các tờ báo Tết cũng cố gắng tìm tòi cách trình bày, trang trí đẹp, mới cho hình thức của tờ báo hấp dẫn hơn. Những yếu tố hình thức như tranh ảnh, màu sắc được chọn lọc, trình bày thể hiện đa dạng, nhiều phát hiện độc đáo, không rơi vào khuôn sáo, nhàm chán. Bên cạnh đó, báo Tết cũng bộc lộ những hạn chế sau. Về nội dung, trên báo Tết có nhiều trung lặp, gây nhàm chán, đơn điệu, nhiều bài viết có tính chất công thức khô cứng. Ví dụ như các bài viết về con giáp đều có những điểm giống nhau giữa các số báo Tết trong một năm. Thậm chí một bài viết của một tác giả được lặp lại trên hai, ba báo, hoặc đăng lại trên một báo, nhưng chỉ thay đổi tiêu đề... Các bài viết đánh giá, tổng kết còn chung chung, hầu như bài nào cũng nói đến thành công, hạn chế một cách qua loa, đại khái. Thông tin trên nhiều bài viết còn đơn giản, sơ sài. Thông tin quảng cáo chiếm dung lượng quá lớn. Thông tin quốc tế chưa được các báo Tết quan tâm phản ánh, đặc biệt là chủ đề văn hoá với những phong tục, tập quán, lễ hội của các nước trên thế giới. Đa số thông tin quôc tế chỉ nằm trong những bài viết về chủ đề thể thao, ca nhạc, điện ảnh, giải trí... Trên cơ sở đánh giá, phân tích những ưu, khuyết điểm của 8 tờ báo Tết trong 3 năm, chúng tôi xin mạnh dạn đưa ra một số góp ý, kiến nghị với những tờ báo này trong cách trình bày và làm báo Tết. Báo Tết nên có những bài viết đánh giá, tổng kết chuyên sâu, cụ thể từng lĩnh vực, tránh tình trạng chỉ dừng lại ở việc nêu sự kiện, hiện tượng một cách sơ lược, chung chung thiếu sức hấp dẫn, thuyết phục. Điều này đòi hỏi người viết phải chú trọng bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, am hiểu lĩnh vực chuyên môn của vấn đề. Không nhất thiết phải có bài viết về các con giáp của năm đó, nếu không có gì mới, hấp dẫn. Các bài viết trên báo Tết cũng không nên chỉ dừng lại ở ca ngợi, khen nhiều hơn chê, xem nhẹ việc chống tiêu cực. Thông tin quốc tế nên được tăng cường. Điều này là cần thiết, nhất là khi quá trình quốc tế hoá đang diễn ra mạnh mẽ để giao lưu, hội nhập, học hỏi tinh hoa của văn hoá nhân loại, làm giàu thêm kho tàng văn hoá dân tộc. Nhóm thể loại chính luận- nghệ thuật cần được sử dụng nhiều hơn vì nó thích hợp với việc chuyển tải thông tin trên báo Tết. Đồng thời, việc ghi tên thể loại cho mỗi bài viết cũng là một điều nên làm để giúp cho người đọc dễ tiếp nhận thông tin hơn. Các tờ báo Tết cần lập các chuyên trang, chuyên mục rõ ràng, rành mạch để tránh sự rời rạc, tạo cảm giác liền mạch cho các bài viết. Đồng thời nên tăng cường tranh ảnh minh hoạ, nhưng cũng không cần thiết phải dùng quá nhiều màu sắc, bởi nếu không hợp lý sẽ tạo ra sự “loè loẹt”, màu mè phản tác dụng... Người viết xin phép được khép lại khoá luận tốt nghiệp này bằng một số kiến nghị trên. Có lẽ trong khoảng thời gian 3 năm với 8 tờ báo chưa thể cho phép đánh giá đầy đủ và toàn diện về nội dung và hình thức chuyển tải thông tin trên báo Tết. Tuy nhiên, qua những nghiên cứu của mình, chúng tôi có thể khẳng định, bên cạnh những mặt còn hạn chế, báo Tết đã thực sự có những tiến bộ vượt bậc, cả về nội dung và hình thức chuyển tải thông tin. Những tiến bộ ấy là kết quả của sự lao động nghiêm túc, nhiệt tình của đội ngũ những người làm báo trong sự nghiệp đổi mới của đất nước. Trong tương lai, nếu được đầu tư hợp lý, khắc phục được những những mặt còn tồn tại thì báo Tết chắc chắn sẽ ngày càng thu hút được sự quan tâm và yêu thích của độc giả. Tài liệu tham khảo [1] Toan ánh, Tìm hiểu phong tục Việt Nam qua Tết - Lễ - Hội hè, Nxb Tổng hợp Đồng Tháp, 1997. [2] Báo Bắc Ninh, số Tết 1999, 2000, 2001. [3] Báo Giáo dục và Thời đại, số Tết 1999, 2000, 2001. [4] Báo Hà Nội mới, số Tết 1999, 2000, 2001. [5] Báo Hà Nội mới số ra ngày 26/8/1997, tr.1 - 3. [6] Báo Lao động, số Tết 1999, 2000, 2001. [7] Báo Nhà báo và công luận, số 6/2001, tr.12. [8] Báo Nhân dân, số Tết 1999, 2000, 2001. [9] Báo Nông thôn ngày nay, số Tết 1999, 2000, 2001. [10] Báo Phụ nữ Việt Nam, số Tết 1999, 2000, 2001. [11] Báo Tiền phong, số Tết 1999, 2000, 2001. [12] Đức Dũng, Ký báo chí, Nxb Văn hoá-Thông tin, Hà Nội 1996. [13] GS Hà Minh Đức (chủ biên), Báo chí những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 1998. [14] GS Hà Minh Đức, Cơ sở lý luận báo chí đặc tính chung và phong cách, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2000. [15] GS Hà Minh Đức (Chủ biên), Đỗ Văn Khang, Phạm Quang Long, Phạm Thành Hưng..., Lý luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội 1995. [16] Đỗ Xuân Hà, Báo chí với thông tin quốc tế, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 1997. [17] Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 1997. [18] Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng và Trung tâm từ điển học, Hà Nội 2000. [19] Trần Quang, Các thể loại chính luận báo chí, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000. [20] Trần Quang, Làm báo lý thuyết và thực hành, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001. [21] Dương Xuân Sơn (chủ biên), Đinh Văn Hường, Trần Quang, Cơ sở lý luận báo chí truyền thông, Nxb Văn hoá-Thông tin, Hà Nội 1995. [22] Tạ Ngọc Tấn, Từ lý luận đến thực tiễn báo chí, Nxb Văn hoá-Thông tin, Hà Nội 1999. [23] Tạp chí Người làm báo số Tết Canh thìn 2000, tr. 53. [24] Nhóm tác giả, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1977. [25] Nguyễn Uyển, Báo chí Nghề nghiệt ngã, Nxb Văn hoá-Thông tin, Hà Nội 1998. [26] Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 1996. Phụ lục Một số bài báo tiêu biểu của đề tài “nội dung và hình thức chuyển tải thông tin trên báo tết” Đã được đăng trên các tờ báo: Nhân dân, Lao động, Tiền phong, Phụ nữ Việt Nam, Giáo dục và thời đại, Nông thôn ngày nay, Hà Nội mới, Bắc Ninh số Tết 1999, 2000, 2001. đại học quốc gia hà nội trường đại học khoa học xã hội và nhân văn khoa báo chí -----&----- nguyễn thành trung đề tài: nội dung và hình thức chuyển tải thông tin trên báo tết (Dựa trên các báo: Nhân dân, Lao động, Tiền phong, Phụ nữ Việt Nam, Giáo dục và thời đại, Nông thôn ngày nay, Hà Nội mới, Bắc Ninh số Tết 1999, 2000, 2001) khoá luận tốt nghiệp Ngành: Báo chí Khoá: K42 (1997-2001) Hệ: Chính quy Hà nội-2001 đại học quốc gia hà nội trường đại học khoa học xã hội và nhân văn khoa báo chí -----&----- nguyễn thành trung đề tài: nội dung và hình thức chuyển tải thông tin trên báo tết (Dựa trên các báo: Nhân dân, Lao động, Tiền phong, Phụ nữ Việt Nam, Giáo dục và thời đại, Nông thôn ngày nay, Hà Nội mới, Bắc Ninh số Tết 1999, 2000, 2001) khoá luận tốt nghiệp Ngành: Báo chí Giáo viên hướng dẫn: Phạm Thành Hưng Hà nội-2001 Lời cảm ơn Em xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các thầy cô giáo trong Khoa Báo chí - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) vì những kiến thức mà các thầy, các cô đã trang bị cho em trong suốt 4 năm học vừa qua. Đặc biệt, em xin trân trọng cảm ơn sự chỉ bảo, giúp đỡ tận tình của thầy giáo Phạm Thành Hưng - người trực tiếp hướng dẫn em làm khoá luận tốt nghiệp này. Vô cùng cảm ơn sự giúp đỡ quý báu về tư liệu của một số cơ quan báo chí và sự góp ý chân thành của các bè bạn gần xa! Nguyễn ThànhTrung mục lục mở đầu 1 1. Lý do chọn đề tài. 1 2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu. 2 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu. 3 4. Phương pháp nghiên cứu. 3 5. Cấu trúc khoá luận. 3 chương 1: Vai trò, ý nghĩa của báo chí nói chung và báo Tết nói riêng trong đời sống văn hoá tinh thần. 5 1.1 Vai trò của báo chí. 5 1.2 ý nghĩa của báo Tết trong đời sống văn hoá tinh thần. 10 1.2.1 Tết Nguyên đán trong đời sống văn hoá tâm linh người Việt. 10 1.2.2 ý nghĩa của báo Tết trong đời sống văn hoá tinh thần. 10 chương 2: Nội dung thông tin chủ yếu trên báo Tết. 15 2.1 Chủ đề chính trị. 16 2.2 Chủ đề kinh tế - xã hội. 21 2.2.1 Chủ đề kinh tế. 22 2.2.2 Chủ đề xã hội. 28 2.3 Chủ đề văn hoá - thể thao. 29 2.3.1 Chủ đề văn hoá. 29 2.3.2 Chủ đề thể thao. 48 chương 3: Hình thức chuyển tải thông tin tiêu biểu trên báo Tết. 53 3.1 Một số thể loại chủ yếu. 53 3.1.1 Phóng sự. 53 3.1.2 Ghi chép. 56 3.1.3 Tuỳ bút. 59 3.1.4 Bút ký. 61 3.1.5 Niên biểu. 63 3.2 Các yếu tố ma-két tiêu biểu. 65 3.2.1 Khuôn khổ của báo Tết. 65 3.2.2 Màu sắc. 65 3.2.3 Tranh, ảnh minh hoạ. 66 kết luận 69 tài liệu tham khảo 72 phụ lục 75

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docLVV576.doc
Tài liệu liên quan