Trong những năm gần đây, thị trường Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ ngày càng tăng trong đó phải kể đến sự đóng góp đáng kể của hàng thực phẩm xuất khẩu. Tuy vậy, hoạt động xuất khẩu thực phẩm của Việt Nam sang Mỹ đã và đang vấp phải những khó khăn cần phải khắc phục trong đó khó khăn lớn nhất là các doanh nghiệp Việt Nam chưa thông hiểu được quy định, luật lệ của Mỹ đối với việc nhập khẩu thực phẩm, đặc biệt là các quy định của hải quan Mỹ về thủ tục nhập khẩu cho hàng thực phẩm.
Để “nhanh chân” hơn các đối thủ cạnh tranh từ các nước xuất khẩu khác, kịp thời đáp ứng nhu cầu của thị trường Mỹ, các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm Việt Nam, nỗ lực từ phía mình, làm cho hàng được thông quan nhanh chóng qua cơ quan hải quan cảng khẩu tại Mỹ. Trước hết, doanh nghiệp phải chuẩn bị chu đáo cho lô hàng thực phẩm xuất khẩu, đảm bảo hàng đã tuân thủ đúng những quy định về an toàn thực phẩm của các cơ quan quản lý thực phẩm liên quan của Mỹ, đúng quy định của hải quan về đóng gói, ký mã hiệu Đối với bộ chứng từ xuất trình cho cơ quan hải quan Mỹ, doanh nghiệp cần phải chuẩn bị và lưu trữ đầy đủ chứng từ nhập khẩu do hải quan yêu cầu, nội dung mỗi chứng từ phải được khai báo đầy đủ, chính xác, trung thực và với sự cần mẫn, quan tâm thích đáng từ phía doanh nghiệp. Bên cạnh đó, vấn đề thuê tàu chuyên chở hàng thực phẩm sang Mỹ và thuê môi giới hải quan cũng cần phải được chú ý.
Giải pháp lâu dài để khắc phục sự thiếu hiểu biết các quy định, luật lệ của Mỹ về thủ tục hải quan đối với hàng thực phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn là việc doanh nghiệp phải chú ý nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ công nhân viên, tự mình thông hiểu quy trình làm thủ tục hải quan cho hàng thực phẩm tại cảng biển Mỹ bởi vì mọi quy định, luật lệ về vấn đề trên đã được công bố công khai, rộng rãi trên internet, hơn nữa các cơ quan của Mỹ cũng luôn có trách nhiệm cung cấp thông tin cho doanh nghiệp. Có như vậy các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm Việt Nam mới tạo dựng được chỗ đứng và phát triển trên thị trường Mỹ.
114 trang |
Chia sẻ: aloso | Lượt xem: 1722 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Khóa luận Thủ tục hải quan ở cảng biển của Mỹ đối với thực phẩm nhập khẩu, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
-
Rau quả
2,56
3,21
2,18
1,97
5,94
4,55
(Số liệu từ 1998-2002: Nguồn: Tổng cục hải quan Việt Nam năm 2003
Số liệu 7 tháng đầu năm 2003: Nguồn: US. Census Bureau 2003)
Trong số những mặt hàng thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đứng đầu về kim ngạch là thủy sản. Xuất khẩu thủy sản đạt 673,75 triệu USD, gấp rất nhiều lần so với những mặt hàng thực phẩm khác với mức tăng qua các năm từ 1998 đến 2002 tương đối cao khoảng 40% đến 60%. Mỹ hiện nay đang là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam vượt qua cả thị trường Nhật. Có được kết quả trên là do hàng thủy sản của Việt Nam có chất lượng tốt, mùi vị thơm ngon nên được người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng và bán được mức giá cao hơn so với các nước xuất khẩu khác đối với một số mặt hàng như tôm, cá basa, cá ngừ. Năm 2003, mặc dù cá basa Việt Nam bị coi là bán phá giá tại thị trường Mỹ và phải chịu thuế chống bán phá giá song kim ngạch xuất khẩu thủy sản vẫn đạt 446,3 triệu USD, dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng trong các tháng còn lại.
Cà phê được coi là mặt hàng thực phẩm có kim ngạch lớn thứ 2 trong số các mặt hàng thực phẩm xuất sang Hoa Kỳ. Tuy nhiên kim ngạch này đang giảm: năm 1998 kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam sang Mỹ đạt 86,31 triệu USD nhưng đến năm 2002 con số này chưa còn một nửa (chỉ có 39,51 triệu USD), năm 2003 cà phê đang có dấu hiệu phục hồi với kim ngạch 7 tháng đầu năm đạt 43,41 triệu USD. Kim ngạch cà phê giảm là do giá cà phê trên thị trường thế giới biến động mạnh, ảnh hưởng không tốt đến các nước xuất khẩu cà phê, hơn nữa vấn đề mất thương hiệu cà phê Việt Nam tại Mỹ như trường hợp của cà phê Trung Nguyên cũng là nhân tố làm cho cà phê của Việt Nam chiếm thị phần nhỏ đi trên thị trường này.
Hạt điều, hạt tiêu có những bước tăng trưởng đột phá. Kim ngạch xuất khẩu hạt điều Việt Nam sang Mỹ qua các năm đều tăng và đạt 71,51 triệu USD năm 2002, con số này của hạt tiêu là 16,82 triệu USD. Hạt điều và hạt tiêu là hai mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam, năng lực sản xuất còn lớn, do đó có khả năng trở thành mặt hàng có kim ngạch chiếm tỷ trọng cao hơn nữa trong tổng kim ngạch xuất khẩu thực phẩm của Việt Nam sang Mỹ.
Ngoài những mặt hàng thực phẩm nói trên, chè, quế, rau quả mặc dù có tỷ trọng rất nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu thực phẩm sang Mỹ song cũng đang có những bước tiến đáng chú ý. Đa dạng hoá các mặt hàng xuất khẩu là một cách giảm thiểu rủi ro và nâng cao thương hiệu hàng Việt Nam ở thị trường Mỹ.
3.1.2. Những khó khăn của Việt Nam khi tiến hành xuất khẩu hàng thực phẩm sang Mỹ
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu thực phẩm Việt Nam sang Mỹ tăng qua các năm, các mặt hàng thực phẩm xuất khẩu cũng ngày càng đa dạng hơn song hàng thực phẩm Việt Nam vẫn đang vấp phải những khó khăn xuất phát cả từ hai phía Việt Nam và Mỹ. Tốc độ phát triển cũng như giá trị xuất khẩu của những mặt hàng thực phẩm sẽ còn tăng cao hơn nữa nếu những khó khăn trên được giải quyết, khắc phục.
3.1.2.1. Hàng thực phẩm Việt Nam xuất sang Mỹ chủ yếu là những mặt hàng sơ chế, hàm lượng chế biến chưa cao, quy mô nhỏ bé, chủng loại chưa đa dạng, kỹ thuật bảo quản còn hạn chế
Hạn chế về kỹ thuật sản xuất là vấn đề khó khăn chung của cả nền kinh tế mà không phải là riêng cho ngành sản xuất hàng thực phẩm xuất khẩu. Do trình đo sản xuất chưa cao nên những mặt hàng thực phẩm của ta chủ yếu là ở dạng sơ chế. Ví dụ như mặt hàng tôm xuất sang Mỹ có tới 80% dưới dạng cấp đông chưa qua chế biến, cà phê Robusta xuất khẩu là cà phê thô loại II, có tới 5% hạt đen và hạt bể, cà phê đã qua chế biến thì gần như không có. Quy mô sản xuất những mặt hàng thực phẩm của Việt Nam chưa thể đạt tới tính kinh tế của quy mô, lãng phí chi phí sản xuất và không thể đáp ứng những đơn đặt hàng lớn từ phía Mỹ trong khi đó đơn đặt hàng lớn là một đặc trưng của những nhà nhập khẩu nước này. Điều này dẫn đến hệ quả tất yếu cơ hội thị trường bị bỏ lỡ mà kim ngạch xuất khẩu cũng không thể tăng cao được. Mặt hàng thực phẩm là mặt hàng đòi hỏi rất cao về kỹ thuật bảo quản trong quá trình chuyên chở trong khi đó việc đáp ứng nhu cầu này của Việt Nam còn rất nhiều hạn chế. Hoa Kỳ có vị trí địa lý cách xa Việt Nam, hơn nữa chuyên chở bằng đường biển hàng thực phẩm xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ lại phải qua cảng trung chuyển ở Singapore, Hồng Kông nên kỹ thuật bảo quản để giữ độ tươi sống cho hàng thực phẩm càng quan trọng hơn bao giờ hết. Nhiều lô hàng thủy sản của Việt Nam xuất sang Mỹ không được hải quan chấp nhận vì qua kiểm tra hải quan phát hiện thấy độ lạnh trong container chưa đủ hoặc bị nhiễm bẩn trong quá trình vận chuyển, điều đó chứng tỏ kỹ thuật bảo quản của ta còn nhiều hạn chế dẫn đến những từ chối nhập khẩu không đáng có.
3.1.2.2. Cạnh tranh quyết liệt từ phía những nhà xuất khẩu thực phẩm sang Mỹ và ngành sản xuất thực phẩm của Mỹ
Hiện nay có khoảng 205 000 công ty thực phẩm từ các nước trên thế giới xuất khẩu sang Mỹ. Thực phẩm của Việt Nam xuất sang Mỹ chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ những nước xuất khẩu thực phẩm khác không những về chất lượng, giá cả mà còn về phương thức thanh toán. Cà phê từ những nước bạn hàng quen thuộc với Mỹ như Braxin, Mêhicô, Colombia…vừa có chất lượng cao, giá cả lại thấp hơn so với cà phê Việt Nam đã làm cho xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Mỹ gặp khó khăn, giảm sút cả về số lượng và kim ngạch. Phương thức thanh toán đối với mặt hàng thủy sản xuất khẩu Việt Nam đối với những nhà nhập khẩu Mỹ là trả tiền ngay trong khi đó đối thủ cạnh tranh của chúng ta là Thái Lan, ấn Độ, Êcuađo…sẵn sàng chấp nhận thời hạn trả tiền 30-60 ngày kể từ khi cấp vận đơn. Là bạn hàng với Mỹ lâu năm nên những nước xuất khẩu thực phẩm vào Mỹ như Canađa, Mêhicô, Thái Lan, ấn Độ có nhiều hiểu biết về thói quen, thị hiếu cũng như phong cách tiêu thụ thực phẩm của người dân Mỹ, những quy định của Mỹ đối với hàng thực phẩm nhập khẩu hơn thế nữa lại được các nhà nhập khẩu Mỹ cộng tác trong việc cung cấp thiết bị, máy móc, kĩ thuật sản xuất hàng thực phẩm xuất khẩu. Do đó những nước này càng có ưu thế hơn ta, khả năng cạnh tranh của những mặt hàng thực phẩm từ những đối thủ này không hề nhỏ.
Tuy vậy, ở thị trường Mỹ, hàng thực phẩm Việt Nam không chỉ có những đối thủ cạnh tranh là hàng thực phẩm từ những nước xuất khẩu khác vào Mỹ mà chính hàng thực phẩm được sản xuất tại Mỹ mới là những trở ngại không dễ gì vượt qua. Vụ kiện bán phá giá cá tra, cá basa của Việt Nam vào thị trường Mỹ, với kết quả bất lợi cho phía Việt Nam, là một thách thức đầu tiên về cạnh tranh mà các nhà sản xuất thực phẩm của Việt Nam phải đương đầu với các nhà sản xuất thực phẩm của Mỹ. Khi mức thuế chống bán phá giá 63,88% áp dụng chung cho những nhà công ty xuất khẩu cá tra, cá basa của Việt Nam sang thị trường Mỹ sẽ làm cho khả năng cạnh tranh của mặt hàng này giảm đi và chắc chắn thị phần cá tra, cá basa Việt Nam tại Mỹ sẽ bị thu hẹp lại. Chúng ta đều biết Mỹ là một trong những nước đầu tiên tham gia vào Hiệp định chung về thuế quan và mậu dịch (GATT), sau này trở thành Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Vòng đàm phán Uruguay năm 1986 đã đưa ra nhiều hiệp định có ý nghĩa sâu sắc đối với thương mại thế giới trong đó liên quan đến thực phẩm có hiệp định về việc áp dụng những biện pháp vệ sinh và vệ sinh thực vật. Hiệp định này đã đề ra nhiều loại tiêu chuẩn hàng hoá và các quy định an toàn hoặc y tế đối với các nguy cơ từ các loại sâu và bệnh ở thực và động vật, hoặc các chất phụ gia, chất độc hoặc các cơ thể sống gây bệnh trong thực phẩm, thức uống hay các loại thức ăn gia súc. Hiệp định này song hành với hiệp định về các tiêu chuẩn căn bản - tức hiệp định về các hàng rào kỹ thuật đối với thương mại - là cơ sở quan trọng để Mỹ bảo hộ các mặt hàng thực phẩm do nước mình sản xuất. Ngoài những quy định về an toàn thực phẩm cho dân chúng, động, thực vật ở Mỹ, những tiêu chuẩn bảo vệ môi trường sinh thái thế giới cũng được Mỹ đưa ra để hạn chế lượng hàng thực phẩm nhập khẩu ví dụ Thái Lan muốn Mỹ nhập khẩu tôm thì phải xuất trình giấy chứng nhận sử dụng công nghệ đánh bắt không gây hại cho rùa biển, giấy chứng nhận về quy trình nuôi tôm không gây tác hại cho môi trường sinh thái…Trong thời gian tới, Việt Nam có thể phải xuất trình các chứng từ này. Các nhà sản xuất thực phẩm sẽ “thêm vây thêm cánh” hơn nữa khi Mỹ dành một khoản trợ cấp rất lớn cho nông nghiệp. Đạo luật nông nghiệp mới của Mỹ (ban hành ngày 13/5/2002) với nhiều điều khoản trợ cấp mạnh cho ngành nông nghiệp Mỹ (dự kiến sẽ chi 181,5 tỷ USD trợ cấp nông nghiệp trong vòng 10 năm, tăng khoảng 82,8 tỷ so với trước đó). Đạo luật này của Mỹ sẽ khiến cho năng lực cạnh tranh của các mặt hàng thực phẩm Mỹ sẽ rất cao, làm thiệt hại cho các nước nghèo, các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam.
3.1.2.3. Những quy định khắt khe của Mỹ đối với hàng thực phẩm nhập khẩu
Thực phẩm được coi là một trong những mặt hàng nhạy cảm khó nhập khẩu vào Mỹ vì nó liên quan đến sức khỏe của người dân, môi trường, động thực vật ở Mỹ. Để được phép nhập khẩu, hàng thực phẩm phải tuân theo rất nhiều luật lệ, quy định đưa ra bởi cả chính quyền liên bang và chính quyền các tiểu bang và chịu sự kiểm tra, giám sát của nhiều cơ quan như hải quan, các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm, các cơ quan thương mại…Ngoài những quy định, luật được đề cập ở chương 1 nhằm có được nguồn cung cấp thực phẩm an toàn, lành mạnh, gần đây tổng thống Mỹ đã ký thông qua Đạo luật sẵn sàng đối phó với khủng bố sinh học và an ninh y tế công cộng năm 2002 (gọi tắt là Đạo luật khủng bố sinh học 2002) trong đó bao gồm nhiều điều luật nhằm đảm bảo sự an toàn của Hoa Kỳ trước khủng bố sinh học và bảo vệ việc cung cấp thực phẩm cho toàn liên bang chống lại mối đe dọa gây truyền nhiễm bệnh. Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) chịu trách nhiệm thúc đẩy và thực thi các biện pháp an toàn thực phẩm bao gồm bốn điều luật chính và nhiều văn bản hướng dẫn. Bốn điều luật được khái quát như sau:
Đăng ký các cơ sở sản xuất thực phẩm: Tất cả các cơ sở trong và ngoài nước sản xuất, chế biến, đóng gói hay chứa đựng thực phẩm để tiêu thụ tại nước Mỹ đều phải được đăng ký với FDA chậm nhất là ngày 12/12/2003. Việc đăng ký này sẽ bao gồm cung cấp các thông tin như tên hãng, địa chỉ, mặt hàng thực phẩm v.v…Các trang trại, nhà hàng, các cơ sở kinh doanh thực phẩm bán lẻ, các cơ sở phi lợi nhuận có nấu hay phục vụ các mặt hàng thực phẩm, các tàu đánh bắt cá không có liên quan đến quá trình chế biến thì không phải áp dụng quy định này. Đồng thời quy định này cũng không áp dụng đối với các cơ sở nước ngoài nếu thực phẩm từ cơ sở này phải được cơ sở khác chế biến thêm hoặc đóng gói trước khi nhập khẩu vào Mỹ, hoặc đối với các cơ sở chỉ hoàn thiện nốt một phần việc nhỏ như dán nhãn mác. FDA phải đưa ra các quy định cuối cùng trước ngày 12/12/2003, nhưng các cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm vẫn phải đăng ký trước ngày đó cho dù các quy định đã được hoặc chưa thông qua lần cuối cùng. Việc đăng ký này là miễn phí.
Thiết lập và duy trì việc lưu trữ: Các công việc sản xuất, chế biến, đóng gói, vận chuyển, phân phối, giao nhận, tích trữ hay nhập khẩu thực phẩm sẽ phải thiết lập và duy trì việc lưu trữ hồ sơ mà FDA quyết định là cần thiết để có thể xác định ngay lập tức các nguồn cung cấp thực phẩm nhận từ đâu về và ai là người nhận. Điều này cho phép FDA có thể lần theo các mối đe doạ gây nguy hiểm đến sức khoẻ và tính mạng của con người hay gia súc.
Gửi thông báo trước về các chuyến hàng nhập khẩu: trong hoặc sau ngày 12/12/2003 FDA phải nhận được thông báo trước về mỗi chuyến hàng thực phẩm nhập vào nước Mỹ. Thông báo này phải bao gồm phần mô tả về thực phẩm, nhà sản xuất và nhà vận chuyển, nước xuất xứ, hàng được đưa lên tàu từ nước nào và dự kiến hàng đưa vào tại cảng nào. FDA phải đưa ra các quy định cuối cùng trước ngày 12/12/2003. Nếu quy định cuối cùng chưa được đưa ra vào ngày đó, thì Đạo luật vẫn yêu cầu các nhà nhập khẩu phải gửi thông báo cho FDA chậm nhất là 8 giờ và không quá 5 ngày trước khi chuyển hàng lên tàu.
Xử phạt hành chính: cho phép FDA được thu giữ mặt hàng thực phẩm nếu FDA có được các bằng chứng đáng tin cậy hay thông tin về việc thực phẩm đó có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khoẻ và tính mạng con người và gia súc.
“Doanh nghiệp xuất khẩu hàng thực phẩm chế biến lẫn hàng nông sản vào thị trường Mỹ không chỉ cần chú trọng nâng cao chất lượng, mà còn phải nghiên cứu thấu đáo luật lệ của nước này về thực phẩm, vì luật lệ của Mỹ luôn thay đổi theo hướng ngày càng khắt khe hơn với nhóm hàng nông sản, thực phẩm.” ý kiến của bà Sharon White, Phó tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Việt Nam đã khẳng định thêm một lần nữa tìm được đơn đặt hàng thực phẩm của Mỹ đã khó, để lô hàng thực phẩm được phép vào Mỹ càng khó hơn, đòi hỏi các nhà xuất khẩu thực phẩm Việt Nam phải đầu tư công sức và tiền của.
3.1.2.4. Sự phức tạp và gắt gao của thủ tục hải quan Mỹ đối với hàng thực phẩm nhập khẩu
Hàng thực phẩm xuất khẩu sang Mỹ sẽ phải đối mặt với rào cản đầu tiên đó là hải quan Mỹ. Hàng sẽ phải trải qua các bước khác nhau như khai báo, kiểm tra, nộp thuế, kiểm tra sau thông quan…mà mỗi bước lại có những yêu cầu, quy định riêng của nó. Hồ sơ khai báo không đầy đủ chứng từ, có sự mâu thuẫn trong nội dung một chứng từ hay giữa các chứng từ với nhau cũng có thể làm cho việc thông quan bị chậm lại. Hơn nữa, hải quan Hoa Kỳ có thể yêu cầu xuất trình các chứng từ cần thiết khác ngoài bộ chứng từ khai báo ra. Điều này gây nhiều phiền toái cho nhà nhập khẩu, đôi khi không thể thực hiện được. Kiểm tra hàng thực phẩm thì không phải chỉ được tiến hành bởi hải quan mà còn liên quan đến một số cơ quan quản lý thực phẩm khác của Mỹ với các quy trình, thủ tục riêng đòi hỏi cần phải tuân thủ. Hàng thực phẩm Việt Nam kỹ thuật bảo quản còn hạn chế, vận chuyển được tới Mỹ đã coi là một thành công nhưng để qua được thời gian làm thủ tục hải quan thì quả là khó. Nhiều lô hàng khi đã giải quyết xong với hải quan về thủ tục giấy tờ thì đã không còn giá trị thương mại. Theo ông Walter Block, Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp Mỹ (Amcham) trong một cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ cho biết hải quan Mỹ có một danh sách các quốc gia mà hàng hoá cần phải được kiểm tra chặt chẽ thủ tục xuất khẩu. Hiện Việt Nam đang nằm trong danh sách này. Điều này càng làm cho hàng thực phẩm Việt Nam sang Mỹ gặp khó khăn hơn.
3.1.2.5. Sự thiếu hiểu biết của doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm Việt Nam về thị trường, luật lệ của Mỹ
Mặc dù ở Mỹ mọi luật lệ, quy định đều được công bố công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng đặc biệt là internet, song rất nhiều các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn mơ hồ, thiếu hiểu biết về những vấn đề liên quan đến pháp luật Hoa Kỳ. Thiếu hiểu biết về luật lệ của Mỹ là một trong những lý do mà rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam kể cả các doanh nghiệp lớn đều chọn giải pháp an toàn là…ngồi chờ nhà nhập khẩu Hoa Kỳ sang đặt hàng và chỉ bán hàng theo điều kiện FOB. Đó không phải là cách làm ăn hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao, thậm chí cơ hội có được đơn đặt hàng, cơ hội để xâm nhập vào thị trường Mỹ sẽ bị mất đi. Không thể tự mình thông hiểu luật Mỹ, cũng không thể có đủ chi phí thuê công ty tư vấn luật của Mỹ, đó là một vòng luẩn quẩn của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không riêng gì những doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm. Nghiên cứu thị trường Mỹ từ đó tìm hiểu nhu cầu, tâm lý, thị hiếu của người tiêu dùng Mỹ cũng đang là vấn đề đặt ra đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm Việt Nam. Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm Việt Nam nhỏ bé về quy mô và vốn. Nếu tự mình bỏ ra chi phí nghiên cứu thị trường Mỹ thì vượt quá khả năng của doanh nghiệp. Do vậy, các hiệp hội cần phải được thành lập, hỗ trợ của chính phủ cũng cần phải được thực hiện thường xuyên nhất là trong giai đoạn hiện nay thương mại giữa hai nước ngày càng phát triển. Cộng tác với bạn hàng Mỹ để có những thông tin về yêu cầu đối với sản phẩm là việc cần thiết nên làm vì đây là cách dễ dàng để hiểu những quy định, luật lệ về thực phẩm của Mỹ mà không cần nhiều chi phí bỏ ra.
Khó khăn vẫn luôn đặt ra cả về mặt chủ quan và khách quan. Vấn đề ở chỗ ta không thể giải quyết khó khăn theo kiểu thụ động ví dụ như ngồi chờ đơn đặt hàng của những doanh nghiệp Mỹ, chỉ bán FOB mà không bán CIF vì sợ rủi ro khi thuê tàu, sợ rắc rối trong thủ tục hải quan. Chủ động nghiên cứu, chủ động thực hiện để khắc phục khó khăn trong nhiều trường hợp vẫn là giải pháp tối ưu hơn cả. Điều đó không chỉ giúp cho những doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm Việt Nam không những thu về được lợi nhuận mà còn tích luỹ thêm nhiều kinh nghiệm, vững vàng hơn trên thương trường quốc tế.
3.2. Những điểm cần lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam về thủ tục hải quan của Mỹ đối với nhập khẩu hàng thực phẩm
Hoa Kỳ là một thị trường tiêu thụ giàu có nhất thế giới. Sức hấp dẫn của thị trường này đã được chứng minh. Thực tế theo kinh nghiệm phát triển của các nước Châu á cho thấy các nền kinh tế lớn như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, ASEAN và Trung Quốc đều rất coi trọng thị trường Mỹ và đó là nơi xuất khẩu chủ yếu để phát triển. Nhu cầu hàng hoá của Mỹ rất đa dạng về chủng loại và chất lượng, từ loại mang tính phổ thông đến loại cao cấp. Nếu doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm Việt Nam có một mặt hàng tốt, có giá cạnh tranh thì hãy nên xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Hai khái niệm “bán tới”(selling to) Hoa Kỳ và “bán ở” (selling in) Hoa Kỳ xác định hai vị thế khác nhau của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp chỉ dừng ở mức độ “bán tới” Hoa Kỳ tức là doanh nghiệp mới đứng đằng xa nhìn vào thị trường này hoặc đã “mon men” lại gần nhưng chưa dám vào hẳn. Bán hàng theo điều kiện FOB lúc này là thích hợp hơn cả và kết quả tất nhiên an toàn nhưng lợi nhuận chưa cao, thương hiệu, hình ảnh chưa thực sự rõ nét. “Bán ở” Hoa Kỳ cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp nhận thêm nhiều trách nhiệm, chi phí và rủi ro hơn tuy nhiên mức lợi nhuận thì không bao giờ nhỏ, tiếp cận thị trường sâu hơn, nắm bắt cơ hội bán hàng nhanh hơn nhiều so với những doanh nghiệp “bán tới” Hoa Kỳ. Muốn “bán ở” Hoa Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải giải quyết nhiều khâu công việc như cử đại diện, thiết lập hệ thống phân phối quan hệ với người bán lẻ hay người tiêu dùng, triển khai và thực hiện kế hoạch tiếp thị, thuê người làm và dính líu đến các quy định và luật lệ của Chính phủ Hoa Kỳ. Hiểu biết các thủ tục hải quan của Mỹ đối với hàng thực phẩm nhập khẩu đã giải quyết một khâu quan trọng, có tính quyết định đầu tiên cho việc tiêu thụ được lô hàng đó trên thị trường Mỹ nếu doanh nghiệp “bán ở” Hoa Kỳ. Và cho dù có chưa đủ sức “bán ở” Hoa Kỳ đi chăng nữa, hiểu biết thủ tục hải quan Mỹ đối với mặt hàng thực phẩm nhập khẩu cũng sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng thực phẩm Việt Nam bởi vì người nhập khẩu nào cũng muốn người xuất khẩu cộng tác tích cực với mình trong việc làm thủ tục nhập khẩu cho hàng hoá. Những lưu ý sau đây sẽ chỉ ra bằng cách nào hàng sẽ được thông quan và thông quan một cách nhanh chóng.
3.2.1. Chuẩn bị lô hàng thực phẩm
3.2.1.1. Tìm hiểu yêu cầu của các cơ quan quản lý thực phẩm có liên quan ở Mỹ đối với mặt hàng thực phẩm mà doanh nghiệp định xuất khẩu
Đây là bước đầu tiên quan trọng đảm bảo thành công cho các bước tiếp theo, do đó các doanh nghiệp cần phải hết sức lưu ý và có sự chuẩn bị cho chu đáo. Chẳng hạn như đối với mặt hàng thủy sản, Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm FDA quy định các cơ sở sản xuất trong và ngoài nước Mỹ đều phải áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm dựa trên nguyên tắc phân tích và xác định các nguy cơ và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), các doanh nghiệp Việt Nam phải quan tâm xây dựng hệ thống HACCP tại cơ sở của mình, sau đó phải đăng ký kiểm tra để được cấp chứng nhận của Trung tâm kiểm tra chất lượng và an toàn vệ sinh thuộc Bộ Thủy sản, là cơ quan của nhà nước ta được FDA ủy quyền kiểm tra và chứng nhận nếu đạt yêu cầu HACCP. Để xây dựng được hệ thống HACCP theo yêu cầu của FDA, các doanh nghiệp phải tìm hiểu quy định chi tiết của FDA về HACCP được đăng tải trên các ấn phẩm của FDA hoặc trên trang web của FDA, hay cử người tham gia các lớp tập huấn, đào tạo về xây dựng quy trình HACCP do Bộ Thủy sản Việt Nam hoặc các tổ chức quốc tế (FAO, UNDP) tổ chức. Rau quả nhập khẩu vào Mỹ cũng phải tuân theo những quy định riêng chẳng hạn cà chua tươi, lê, tàu, chanh, cam, hành khô, tỏi, dưa chuột, nho khô, mận khô…phải đáp ứng được những yêu cầu nhập khẩu của Mỹ liên quan đến loại hình, kích cỡ, độ chín của sản phẩm. Nhập khẩu gia súc, gia cầm phải xin giấy phép của Cơ quan kiểm dịch về động vật và thực vật (APHIS)… Rất nhiều các quy định cần phải được tuân thủ đúng, nếu không có sự tìm hiểu một cách khoa học thì doanh nghiệp rất dễ bị lạc giữa một rừng thông tin mà không biết hoặc bỏ sót những yêu cầu cụ thể đối với mặt hàng thực phẩm xuất khẩu của mình. Cách tốt nhất để có được các thông tin này chính là trong quá trình ký kết hợp đồng, các doanh nghiệp cần yêu cầu từ phía bạn hàng Mỹ cung cấp những thông tin về pháp luật Mỹ có liên quan đến mặt hàng xuất khẩu, làm thế nào để hàng là hợp pháp, đáp ứng đủ các tiêu chuẩn nhập khẩu vào Mỹ, những giấy tờ nào cần thiết phải xuất trình cho các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm…để từ đó chuẩn bị lô hàng cho phù hợp. Một nguồn cung cấp thông tin quan trọng nữa đó chính là cơ quan quản lý của Mỹ đối với mặt hàng thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ. Doanh nghiệp Việt Nam có thể liên lạc qua điện thoại, email, thư từ…trực tiếp với các cơ quan này để có được những hướng dẫn cụ thể. Trong mọi trường hợp, internet và tiếng Anh là hai công cụ hữu hiệu nhất nếu các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm Việt Nam có đội ngũ cán bộ, công nhân viên có khả năng sử dụng thành thạo hai công cụ trên bởi vì hầu hết những quy định, tiêu chuẩn nhập khẩu hàng thực phẩm của Mỹ đều được đăng tải trên internet và rất dễ dàng tìm kiếm.
Tuân thủ đúng yêu cầu của các cơ quan quản lý thực phẩm có liên quan ở Mỹ đối với mặt hàng thực phẩm mà doanh nghiệp định xuất khẩu cũng chính là một điều kiện thông quan, hơn nữa rút ngắn được thời gian kiểm tra cho lô hàng thực phẩm tại cảng khẩu Mỹ, từ đó đẩy nhanh được tốc độ thông quan cho hàng.
3.2.1.2. Đóng gói hàng thực phẩm
Việc đóng gói hàng thực phẩm xuất sang Mỹ để đảm bảo tính tươi sống, an toàn cho hàng đến tận nơi giao hàng cuối cùng và thuận tiện cho việc vận chuyển là một yêu cầu kỹ thuật, có tính chất chuyên môn. Những thông tin hướng dẫn cho việc đóng gói này có thể tìm thấy ở các tài liệu của công ty tàu biển, người chuyên chở, đại lý giao nhận…Mục này xin lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam về khía cạnh hải quan trong đóng gói hàng thực phẩm, nghĩa là việc đóng gói hàng thực phẩm nên theo cách thức mà hải quan Mỹ có thể kiểm tra, cân đo và giải phóng hàng nhanh, đồng thời phải theo cách mà không có mức thuế tăng thêm nào nảy sinh do việc đóng gói hàng không đúng cách.
Đóng gói hàng thực phẩm đúng yêu cầu và lập hoá đơn luôn luôn đi liền với nhau. Các doanh nghiệp sẽ đẩy nhanh quá trình thông quan bằng cách:
- Lập hoá đơn cho lô hàng một cách có hệ thống.
- Cho biết chính xác số lượng mỗi mặt hàng trong từng hòm hay kiện…
- Ghi ký hiệu và số hiệu cho từng kiện.
- Ghi những số, ký mã hiệu này trong hoá đơn tương ứng với nhóm hàng trong kiện có những ký mã hiệu này.
Khi các kiện chỉ chứa một loại hàng thực phẩm, hoặc khi những hàng thực phẩm nhập khẩu trong các kiện có nội dung và giá trị giống nhau, thì việc kiểm tra hàng thực phẩm theo kiện được chỉ định và cho mục đích thuế quan sẽ đơn giản hơn nhiều. Đôi khi vì chủng loại hàng thực phẩm hoặc vì cách thức đóng gói không khoa học, nhân viên hải quan sẽ phải kiểm tra cả chuyến hàng. Các doanh nghiệp cũng nên biết rằng hải quan Mỹ sẽ kiểm tra hàng nhập khẩu để tìm ma túy giấu trong hàng mà người gửi hàng hoặc người nhập khẩu không biết. Việc này gây mất nhiều thời gian và tiền bạc cho cả người nhập khẩu và cơ quan hải quan. Việc kiểm tra tìm ma túy có thể đòi hỏi phải mở hết container, hòm, kiện…để kiểm tra trực tiếp lô hàng. Công việc đòi hỏi nhiều lao động này dù là do hải quan Mỹ, tổ chức lao động, hay cá nhân làm đều phát sinh chi phí, chậm trễ và những hư hại đối với hàng thực phẩm. Người xuất khẩu có thể khắc phục tình trạng này bằng cách làm việc với hải quan để xây dựng những tiêu chuẩn cho phép việc kiểm tra của cơ quan hải quan có hiệu quả như dành một khoảng trống vừa đủ ở trên nóc container và một lối nhỏ ở giữa để sử dụng cho việc kiểm tra ma túy của hải quan và chó nghiệp vụ. Hàng thực phẩm được dỡ ra khỏi tàu như thế nào cũng ảnh hưởng tới việc kiểm tra của hải quan. Cách hữu hiệu nhất là “palet hoá” việc xếp hàng - tức xếp hàng lên các giá, xe nâng sẽ được sử dụng và như vậy sẽ tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp.
Đóng gói không khoa học ví dụ như đóng gói chung nhiều loại hàng có thể sẽ làm tăng mức thuế nhập khẩu phải nộp. Những mặt hàng thực phẩm phải chịu nhiều mức thuế khác nhau nhưng lại được đóng gói chung hoặc lẫn với nhau, làm cho nhân viên hải quan không thể xác định được chính xác số lượng hoặc trị giá mỗi chủng loại hàng, mức thuế áp dụng cho toàn bộ lô hàng đó sẽ là mức thuế cao nhất áp dụng cho một chủng loại hàng nào đó trong lô hàng đóng chung trừ khi người nhận hàng hoặc đại diện của họ tách rời các loại hàng ra với sự giám sát của hải quan. Rủi ro và chi phí của việc phân tách các loại hàng thuộc trách nhiệm của người nhận hàng. Việc phân tách phải được tiến hành trong vòng 30 ngày (trừ khi được phép lâu hơn) kể từ ngày hải quan thông báo cho người nhận hàng biết về nhiều loại hàng được đóng gói chung. Tiền thù lao và các chi phí cho nhân viên hải quan giám sát việc phân tách lô hàng sẽ do người nhận hàng thanh toán. Rất nhiều thời gian lãng phí và chi phí sẽ phát sinh nếu việc đóng gói hàng không khoa học.
3.2.1.3. Ký mã hiệu hàng thực phẩm
Hải quan sẽ kiểm tra rất gắt gao việc ghi ký mã hiệu cho hàng thực phẩm nhập khẩu nhất là việc ghi ký mã hiệu nước xuất xứ. Ghi ký mã hiệu sai hay gian lận thì hàng không những không được thông quan mà doanh nghiệp còn phải nộp phạt khá nặng. Do vậy, doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm Việt Nam phải tìm hiểu những quy định của hải quan Mỹ về ký mã hiệu và các luật về ký mã hiệu hàng hoá của Mỹ. Luật của Mỹ quy định mỗi mặt hàng do nước ngoài sản xuất phải được ghi ký mã hiệu ở những vị trí dễ thấy, rõ ràng, khó tẩy xoá, và thường xuyên theo nội dung của hàng hoá cho phép cùng với tên tiếng Anh của nước xuất xứ. Ký mã hiệu bao gồm những nội dung chính sau: tên sản phẩm; số hiệu cơ sở sản xuất, nước xuất xứ ghi ngay dưới tên sản phẩm; tên và địa chỉ người sản xuất hoặc người phân phối; trọng lượng tịnh; thành phần; thông tin dinh dưỡng và hướng dẫn xếp dỡ (nếu cần thiết). Ký mã hiệu nước xuất xứ là một nội dung bắt buộc của ký mã hiệu hàng thực phẩm. Tuy nhiên, đối với một số hàng thực phẩm nhất định có thể không bắt buộc hoặc được miễn ghi ký hiệu nước xuất xứ. Hải quan Mỹ có danh sách các mặt hàng cụ thể không bắt buộc phải ghi ký hiệu nước xuất xứ, hàng thực phẩm chỉ chiếm số ít trong đó (ví dụ chỉ có rau quả, hạt, động vật sống hoặc đã chết, cá, chim ở trong trạng thái tự nhiên hoặc không xử lý gì thêm). Nếu những mặt hàng này lại được đóng gói lại ở Mỹ, thì những bao bì mới phải được ghi ký hiệu tên nước xuất xứ. Không thực hiện đúng yêu cầu này, doanh nghiệp sẽ phải chịu một mức phạt hoặc mức thuế bổ sung cho hàng. Những mặt hàng sau được miễn ghi ký mã hiệu nước xuất xứ:
- Hàng hoá được nhập khẩu để người nhập khẩu dùng và không được bán lại.
- Hàng hoá được người nhập khẩu gia công ở Mỹ.
- Hàng hoá mà người mua cuối cùng ở Mỹ đã biết xuất xứ của hàng đó một cách hiển nhiên.
- Hàng hoá không thể ghi ký mã hiệu được.
- Hàng hoá không thể ghi ký mã hiệu trước khi gửi sang Mỹ vì sẽ gây hư hại.
- Các chất liệu thô.
Các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm Việt Nam cần phải lưu ý đối với vấn đề ghi ký mã hiệu cho hàng thực phẩm của mình. Tất cả các thông tin trên bao bì ngoài, cũng như trên bao bì trực tiếp của mặt hàng đều phải đảm bảo trung thực, rõ ràng, nhất là ký hiệu nước xuất xứ. Ghi ký mã hiệu không trung thực, gian lận hoặc không rõ ràng, không tuân theo những quy định của Mỹ sẽ phát sinh thêm nhiều thời gian và chi phí như chi phí đóng gói lại, chi phí kiểm tra, giám sát của hải quan, gây hư hại cho hàng nhất là đối với hàng thực phẩm.
3.2.1.4. Thiết lập quy trình an ninh tuyệt đối ở cơ sở sản xuất và trong quá trình chuyên chở
Một trong nhiều phương thức buôn lậu ma túy chủ yếu vào Mỹ là gửi lẫn vào hàng nhập khẩu. Những kẻ buôn lậu ma túy sẽ đặt ma túy trong các lô hàng hoặc trong các container chứa hàng được phép nhập khẩu vào Mỹ. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải thiết lập được quy trình an ninh tuyệt đối ở cơ sở sản xuất và trong quá trình chuyên chở. Ngay từ khâu đóng gói hàng thực phẩm, các doanh nghiệp phải đảm bảo bao bì đóng gói chắc chắn, nếu bao bì có bị mở thì sẽ có dấu hiệu nhận biết. Sắp xếp hàng cũng phải theo cách hợp lý sao cho chó nghiệp vụ của hải quan có thể phát hiện ra ma túy giấu trong kiện hàng. Một kiện hàng bị phát hiện có chứa chất ma túy sẽ khiến cho việc kiểm tra toàn bộ lô hàng sẽ chặt chẽ hơn và mất nhiều thời gian hơn. Cách tốt nhất là phòng ngừa còn hơn khắc phục, do vậy mà đối với vấn đề này, các doanh nghiệp cũng phải dành sự quan tâm thích đáng.
3.2.1.5. Đăng ký nhãn hiệu cho hàng thực phẩm tại Mỹ
Đăng ký nhãn hiệu hàng hoá cho hàng thực phẩm tại Mỹ là một trong những công việc đầu tiên doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nên làm trước khi xuất khẩu sang Mỹ, để tránh bị chiếm đoạt nhãn hiệu và không gặp phải bất kì trở ngại nào trong việc kiểm tra của hải quan Mỹ nhằm bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Đã có nhiều trường hợp nhãn hiệu hàng hoá của Việt Nam bị doanh nghiệp nước ngoài chiếm đoạt, đăng ký trước tại Mỹ như cà phê Trung Nguyên, nước mắm Phú Quốc… Theo luật Mỹ, bất kì mặt hàng thực phẩm nào qua kiểm tra hải quan nếu bị phát hiện mang nhãn hiệu giả hoặc sao chép, bắt chước một nhãn hiệu đã đăng ký bản quyền của một công ty Mỹ, hay nhãn hiệu của một công ty nước ngoài đã đăng ký bản quyền tại Mỹ đều có thể bị hải quan bắt giữ và tịch thu. Muốn được thông quan và thông quan nhanh chóng, các mặt hàng thực phẩm Việt Nam phải được đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ. Doanh nghiệp Việt Nam có thể đăng ký nhãn hiệu hàng hoá với Văn phòng sáng chế và nhãn hiệu hàng hoá Mỹ (USPTO) bằng giấy tờ hoặc qua email, tuy nhiên, để thành công ngoài việc gửi thư điện tử các doanh nghiệp cần chú ý chọn một đại diện của mình ở Mỹ để tiếp tục trao đổi thông tin. Chi phí cho việc đăng ký một nhóm sản phẩm là 335 USD và thời gian xét cấp là 15-18 tháng. Doanh nghiệp nộp đơn đăng ký phải sẵn sàng giải đáp những câu hỏi của USPTO, nếu không có trả lời, đơn đăng ký sẽ bị đình chỉ. Bản sao đăng ký nhãn hiệu hàng hoá sẽ được nộp cho cơ quan hải quan và được lưu giữ theo quy định. Doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể yên tâm khi hải quan Mỹ tiến hành kiểm tra hàng thực phẩm để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
3.2.2. Chuẩn bị bộ hồ sơ về hàng thực phẩm
Bên cạnh hàng thực phẩm thì bộ hồ sơ về hàng thực phẩm là đối tượng chủ yếu chịu sự kiểm tra của hải quan, hơn thế nữa, hải quan sẽ kiểm tra trực tiếp bộ hồ sơ trước khi kiểm tra hàng thực phẩm. Nhiều trường hợp, hàng sẽ được thông quan ngay trên cơ sở bộ hồ sơ khai báo. Do vậy, bộ hồ sơ đầy đủ chứng từ, nội dung của các chứng từ khai báo trung thực, chính xác về hàng thực phẩm, tuân thủ theo đúng quy định của hải quan Mỹ là một nhân tố quan trọng chủ yếu để hàng thực phẩm được phép thông quan. Và cho dù tự mình làm thủ tục hải quan tại Mỹ cho hàng thực phẩm hay người nhập khẩu Mỹ sẽ tiến hành công việc này, thì trách nhiệm cung cấp đầy đủ chứng từ trong bộ hồ sơ khai báo và chứng từ liên quan đến bộ hồ sơ khai báo, cũng như các nội dung khai báo trên chứng từ, phải được doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm Việt Nam quan tâm và chuẩn bị chu đáo.
3.2.2.1. Bộ hồ sơ phải đầy đủ chứng từ
Người làm thủ tục hải quan cho hàng nhập khẩu phải nộp cho cơ quan hải quan Mỹ hai bộ hồ sơ đó là bộ hồ sơ khai báo hàng nhập khẩu và bộ hồ sơ tóm tắt. Bộ hồ sơ khai báo hàng nhập khẩu phải được xuất trình trong vòng 15 ngày kể từ ngày hàng đến cảng nơi làm thủ tục nhập khẩu và bao gồm những chứng từ sau:
Tờ khai hải quan hàng nhập khẩu theo mẫu hải quan 7533 hoặc đơn xin cho giao hàng ngay theo mẫu hải quan 3461 trong trường hợp hàng cần được giao ngay.
Bằng chứng chứng minh quyền nhập khẩu.
Hoá đơn thương mại hoặc hoá đơn sơ bộ khi chưa thể lập được hoá đơn thương mại.
Phiếu đóng gói hàng nếu cần thiết.
Giấy bảo đảm theo mẫu của hải quan bảo đảm cho việc nộp thuế, phí và các khoản phạt vi phạm (nếu có).
Những chứng từ cần thiết khác để xác định khả năng thông quan của hàng thực phẩm.
Bộ hồ sơ tóm tắt phải được xuất trình trong vòng 10 ngày kể từ lúc hàng thực phẩm được thông quan. Bộ hồ sơ tóm tắt rất quan trọng vì nó cung cấp những thông tin cần thiết cho việc phân loại hàng thực phẩm, ấn định thuế suất, và thu thập dữ liệu thống kê chính xác. Bộ hồ sơ tóm tắt không hợp lệ, hàng đã thông quan cũng có khả năng bị cơ quan hải quan triệu hồi và thu giữ. Những chứng từ sau đây có trong bộ hồ sơ tóm tắt:
Bản sao toàn bộ chứng từ nhập khẩu đã trả lại cho người nhập khẩu, người môi giới hải quan sau khi hàng được thông quan.
Tờ khai tóm tắt hàng nhập khẩu theo mẫu hải quan 7501.
Giấy chứng nhận hoàn trả bộ hồ sơ khai báo hàng nhập khẩu cũng như toàn bộ lô hàng thực phẩm nhập khẩu cho người nhập khẩu hoặc người môi giới hải quan được ủy quyền.
Các hoá đơn và chứng từ khác cần cho việc xác định mức thuế, thống kê hoặc chứng nhận rằng mọi yêu cầu về nhập khẩu đã được đáp ứng.
Giấy chứng nhận nộp thuế quan ước tính.
Ngoài việc nộp đủ những chứng từ nêu trên, các doanh nghiệp cũng nên chuẩn bị tất cả những chứng từ có liên quan khác để xuất trình cho hải quan Mỹ (nếu tự mình làm thủ tục hải quan) hay để cung cấp cho người nhập khẩu Mỹ (nếu người nhập khẩu Mỹ làm thủ tục hải quan) nhằm giải trình một cách rõ ràng nhất lô hàng thực phẩm trước cơ quan hải quan Mỹ. Ví dụ sau sẽ chứng minh điều này: hải quan Mỹ xem xét cả tính hợp lý giữa số lượng hàng hoá nhập khẩu thể hiện trên chứng từ và năng lực sản xuất của doanh nghiệp. Trong trường hợp chứng từ cho thấy để sản xuất được một lượng sản phẩm phải cần đến 10 máy chuyên dụng trong khi doanh nghiệp chỉ có 5 máy (hải quan biết được điều này là do có hồ sơ của doanh nghiệp lưu trữ tại cơ sở dữ liệu của hải quan), nếu doanh nghiệp không chứng minh bằng văn bản rằng một nửa sản lượng được gia công bên ngoài, hoặc mượn thêm 5 máy của doanh nghiệp khác để sản xuất, hoặc sản lượng đó có được do những lý do chính đang khác thì hải quan sẽ không cho phép lô hàng được làm thủ tục. Trong trường hợp mượn máy, chứng từ mượn máy ghi rõ ngày giờ mượn, nơi đặt máy và cả thời gian trả máy sẽ phải xuất trình cho cơ quan hải quan. Ví dụ trên phần nào cho thấy yêu cầu phức tạp của hải quan về bộ chứng từ.
Những chứng từ nộp thêm sẽ phải được xuất trình cho cơ quan hải quan Mỹ trong vòng 30 ngày kể từ khi có thông báo yêu cầu của cơ quan hải quan. Thời gian này có thể kéo dài một cách hợp lý nếu người làm thủ tục nhập khẩu hàng hoá có đơn xin phép. Những chứng từ được yêu cầu nộp thêm không được xuất trình cho cơ quan hải quan trong thời gian quy định thì lô hàng sẽ không được phép thông quan. Tuy nhiên, trong trường hợp hãn hữu nếu chứng từ phải có trong hồ sơ và chứng từ nộp thêm bị thất lạc, việc tự tạo ra chứng từ để xuất trình cho hải quan là một việc không nên làm, nhiều khi còn gây rắc rối hơn cho doanh nghiệp. Nói rõ tình trạng mất chứng từ và giải thích lý do mất vẫn là cách tốt hơn cả. Trong một số trường hợp, hải quan sẽ cho phép hàng được thông quan.
Chuẩn bị đầy đủ và lưu trữ tất cả các chứng từ liên quan đến lô hàng thực phẩm xuất khẩu để xuất trình cho cơ quan hải quan là một công việc cần sự quan tâm thích đáng, càng không thể bị coi nhẹ nếu doanh nghiệp muốn hàng của mình đến được tay người tiêu dùng Mỹ.
3.2.2.2. Cách lập các chứng từ
Nộp đầy đủ chứng từ thôi chưa đủ, cách lập các chứng từ cũng cần phải được doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc. Cách lập các chứng từ được hiểu là cách doanh nghiệp khai báo thông tin về mặt hàng xuất khẩu của mình trên những chứng từ theo mẫu của hải quan và trên những chứng từ do chính doanh nghiệp lập. Thông tin khai báo về lô hàng phải đảm bảo chính xác, trung thực và toàn diện. Thông tin khai báo chưa đủ hay còn mâu thuẫn và việc kiểm tra hải quan thực tế đối với hàng nhập khẩu không đưa đến kết quả như trong khai báo không những doanh nghiệp bị phạt mà còn bị ghi tên vào sổ theo dõi của hải quan (nếu mức phạt trên 100 USD trở lên), trong vòng 10 năm liền sau đó doanh nghiệp sẽ liên tục bị kiểm tra tất cả các lô hàng mà doanh nghiệp nhập khẩu vào Mỹ. Một trong những nguyên nhân chủ yếu mà nhiều lô hàng của doanh nghiệp Việt Nam bị cơ quan hải quan Mỹ giữ lại cảng vì doanh nghiệp chưa biết cách điền vào các tờ khai, khai chưa đúng các nội dung quy định bởi hải quan nhất là các thông tin liên quan đến xác định trị giá tính thuế của hàng nhập khẩu. Doanh nghiệp cần phải lưu ý cách lập một số chứng từ sau đây:
1. Tờ khai hải quan hàng nhập khẩu theo mẫu hải quan 7533, tờ khai tóm tắt hàng nhập khẩu theo mẫu hải quan 7501.
Mẫu các tờ khai hải quan trên đều được cơ quan hải quan Mỹ công bố và đăng tải trên trang web của Tổng cục hải quan và bảo vệ biên giới (CBP) do vậy mà rất dễ dàng tìm kiếm. Những nội dung có trong các tờ khai này đã được trình bày ở mục 2.1.5.1 của luận văn. Các doanh nghiệp cần phải nghiên cứu và tìm hiểu trước những nội dung đó để có thể tiến hành khai báo đầy đủ, chính xác cho mặt hàng thực phẩm xuất khẩu của mình tại các cơ quan hải quan cảng khẩu của Mỹ.
Phân loại hàng hoá, xác định trị giá tính thuế từ đó tính được mức thuế nhập khẩu cho hàng thực phẩm là trách nhiệm của người làm thủ tục khai báo hải quan. Để thông tin khai báo về phân loại hàng, trị giá tính thuế của hàng là chính xác, được hải quan chấp nhận nhiều khi không phải là việc dễ dàng. Nếu không thể xác định mã số mặt hàng thực phẩm, mức thuế suất áp dụng trong Biểu thuế nhập khẩu của Mỹ, doanh nghiệp có thể gửi đơn yêu cầu về phân định hạng mục thuế áp dụng cho hàng hoá đến cơ quan hải quan cảng khẩu nơi hàng sẽ được làm thủ tục hải quan. Nội dung đơn gồm có:
Mô tả hàng thực phẩm đầy đủ. Gửi mẫu, nếu có thể hoặc hình vẽ, tài liệu minh họa khác có ích trong việc bổ sung cho mô tả bằng chữ.
Giá chi tiết của nguyên vật liệu và số lượng tương ứng theo % nếu có thể.
Mô tả công dụng chính của hàng, theo cấp hạng hoặc loại hạng, ở Mỹ.
Thông tin về ứng dụng, nếu có, về thương mại, khoa học hoặc thông thường.
Thông tin khác có thể liên quan hoặc được yêu cầu cho mục đích phân định hạng mục thuế cho hàng.
Để tránh các chậm trễ, yêu cầu của doanh nghiệp càng hoàn chỉnh và đầy đủ thì càng tốt. Doanh nghiệp sẽ sớm nhận được thư trả lời giúp đỡ của hải quan Mỹ. Đối với việc xác định trị giá tính thuế của hàng thực phẩm nhập khẩu vào Mỹ, doanh nghiệp cũng có thể tham khảo ý kiến của cơ quan hải quan Mỹ bằng việc cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết để nhân viên hải quan xem xét và có câu trả lời sớm nhất. Các doanh nghiệp cũng nên nhớ rằng không thể ỷ lại vào việc hỏi ý kiến hải quan mà trước khi tham khảo ý kiến của hải quan Mỹ, doanh nghiệp đã có những nỗ lực, cần mẫn hợp lý để phân loại và xác định trị giá tính thuế cho hàng. Nhân viên hải quan sẽ đánh giá cao sự cộng tác của doanh nghiệp.
2. Hoá đơn thương mại
Hoá đơn thương mại là cơ sở quan trọng để hải quan tính trị giá tính thuế cho hàng nhập khẩu. Do đó, mọi thông tin ghi trên hoá đơn phải trung thực, chính xác, đầy đủ theo đúng quy định của hải quan Mỹ. Nội dung một hoá đơn hợp lệ đã được trình bày chi tiết ở chương 2 mục 2.1.5.1 của luận văn này. Ngoài ra, những lỗi sau đây doanh nghiệp nên tránh khi lập hoá đơn:
- Doanh nghiệp cho rằng tiền hoa hồng, phí bản quyền sản xuất, hoặc các phí khác đối với hàng thực phẩm là “không phải đóng thuế” và bỏ không ghi trong hoá đơn.
- Doanh nghiệp mua hàng và bán người nhập khẩu Mỹ với giá giao nhưng trong hoá đơn lại ghi chi phí doanh nghiệp bỏ ra để mua hàng thay vì việc phải ghi giá bán cho người nhập khẩu Mỹ.’
- Doanh nghiệp sản xuất hàng thực phẩm với một phần nguyên liệu do người nhập khẩu Mỹ cung cấp nhưng lập hoá đơn chỉ ghi chi phí thực tế mà họ bỏ ra mà không tính thêm trị giá của những nguyên liệu do người nhập khẩu cung cấp.
- Doanh nghiệp gửi hàng thay thế cho khách hàng ở Mỹ và lập hoá đơn với giá thực mà không cho biết giá đầy đủ có khấu trừ trị giá hàng hỏng được gửi trước đó và bị trả lại.
- Doanh nghiệp bán theo giá có chiết khấu nhưng lại lập hoá đơn theo giá thực không cho biết số tiền chiết khấu.
- Hoá đơn không rõ ràng, chỉ ghi thứ tự từng phần nhỏ, mô tả một cách cắt xén hoặc mã hoá, hoặc gộp trong hoá đơn nhiều chuyến hàng.
Tóm lại, bất kì thông tin nào trong chứng từ nhập khẩu xuất trình cho hải quan mà không chính xác, hoặc dối trá, hoặc giấu giếm có thể sẽ gây ra sự chậm trễ trong việc giải phóng hàng, việc giam giữ hàng và kiện người làm thủ tục hải quan. Và cho dù việc thông tin không chính xác hoặc bỏ bớt thông tin là không cố ý, nhưng người làm thủ tục hải quan vẫn phải chứng tỏ rằng họ đã có sự cần mẫn hợp lý và không bất cẩn để tránh được những chế tài phạt, sự chậm trễ trong việc có được quyền sở hữu đối với hàng nhập khẩu.
3.2.3. Chú ý về việc thuê tàu chở hàng thực phẩm
Tàu chở hàng thực phẩm cũng là một nguyên nhân làm cho hàng thông quan nhanh hơn. Thuê tàu chở hàng như thế nào để đảm bảo hàng được thông quan nhanh hơn là một công việc cần được quan tâm, nếu người xuất khẩu Việt Nam chịu trách nhiệm thuê tàu chuyên chở cho hàng thực phẩm xuất sang Mỹ. Việc thuê những hãng chuyên chở có tham gia vào Hệ thống kê khai hàng tự động (Automated Manifest System (AMS)) sẽ giúp cho hàng nhập khẩu cập cảng Hoa Kỳ nhanh hơn, do việc khai báo trước mỗi chuyến hàng vào cảng khẩu Hoa Kỳ sẽ được thực hiện qua hệ thống điện tử, truyền tin nhanh chóng cho cơ quan hải quan. Hơn nữa, theo chương trình “quan hệ đối tác hải quan – thương mại chống khủng bố” (C-TPAT), những “nhà nhập khẩu có độ rủi ro thấp” (low-risk importer) sẽ làm thủ tục hải quan nhanh hơn cho hàng của họ với điều kiện hãng vận chuyển lô hàng đó phải tham gia hệ thống kê khai hàng tự động của hải quan. Thuê các hãng tàu biển của Mỹ cũng là một giải pháp đẩy nhanh tốc độ thông quan cho hàng, trong nhiều trường hợp, hãng tàu biển Mỹ sẽ cập cảng Mỹ nhanh hơn, hưởng giá dịch vụ ở cảng Mỹ rẻ hơn các hãng tàu nước ngoài và hãng này có thể tư vấn cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam làm thế nào để thực hiện các thủ tục nhập khẩu nhanh chóng, dễ dàng.
3.2.4. Thuê môi giới hải quan
Thuê môi giới hải quan là việc cần thiết nên làm nếu như doanh nghiệp lần đầu tiên xuất khẩu vào thị trường Mỹ và phải làm thủ tục hải quan cho hàng thực phẩm. Môi giới hải quan tại Mỹ là cá nhân hoặc công ty được cơ quan hải quan Mỹ cấp giấy phép hoạt động sau khi đã trải qua những kỳ kiểm tra gắt gao về trình độ chuyên môn. Do đó, nhà môi giới hải quan sẽ nắm rất rõ quy trình thủ tục hải quan tại Mỹ đối với lô hàng thực phẩm của doanh nghiệp, có thể giải quyết nhanh chóng mọi vướng mắc và rắc rối xảy ra, làm cho hàng thực phẩm được thông quan nhanh chóng. Doanh nghiệp cũng có thể tận dụng được khoản ký quỹ của người môi giới hải quan. Chi phí thuê dịch vụ môi giới hải quan tại Mỹ đôi khi lại hiệu quả hơn nhiều nếu doanh nghiệp tự mình làm thủ tục hải quan cho hàng mà chưa nắm rõ những quy định hải quan của Mỹ. Qua việc trao đổi thông tin với người môi giới hải quan trong quá trình làm thủ tục hải quan cho hàng thực phẩm, doanh nghiệp sẽ nắm bắt được các thủ tục phải làm, cách thức giải quyết vấn đề rắc rối nảy sinh…từ đó mà vững vàng, tự tin hơn trong việc tự mình làm thủ tục hải quan ở Mỹ cho những lô hàng tiếp theo. Người môi giới hải quan tại Mỹ có tham gia Hệ thống môi giới tự động (ABI) cũng làm giảm thiểu đáng kể thời gian, chứng từ trong quá trình làm thủ tục nhập khẩu cho hàng hoá.
Kết luận
Trong những năm gần đây, thị trường Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ ngày càng tăng trong đó phải kể đến sự đóng góp đáng kể của hàng thực phẩm xuất khẩu. Tuy vậy, hoạt động xuất khẩu thực phẩm của Việt Nam sang Mỹ đã và đang vấp phải những khó khăn cần phải khắc phục trong đó khó khăn lớn nhất là các doanh nghiệp Việt Nam chưa thông hiểu được quy định, luật lệ của Mỹ đối với việc nhập khẩu thực phẩm, đặc biệt là các quy định của hải quan Mỹ về thủ tục nhập khẩu cho hàng thực phẩm.
Để “nhanh chân” hơn các đối thủ cạnh tranh từ các nước xuất khẩu khác, kịp thời đáp ứng nhu cầu của thị trường Mỹ, các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm Việt Nam, nỗ lực từ phía mình, làm cho hàng được thông quan nhanh chóng qua cơ quan hải quan cảng khẩu tại Mỹ. Trước hết, doanh nghiệp phải chuẩn bị chu đáo cho lô hàng thực phẩm xuất khẩu, đảm bảo hàng đã tuân thủ đúng những quy định về an toàn thực phẩm của các cơ quan quản lý thực phẩm liên quan của Mỹ, đúng quy định của hải quan về đóng gói, ký mã hiệu… Đối với bộ chứng từ xuất trình cho cơ quan hải quan Mỹ, doanh nghiệp cần phải chuẩn bị và lưu trữ đầy đủ chứng từ nhập khẩu do hải quan yêu cầu, nội dung mỗi chứng từ phải được khai báo đầy đủ, chính xác, trung thực và với sự cần mẫn, quan tâm thích đáng từ phía doanh nghiệp. Bên cạnh đó, vấn đề thuê tàu chuyên chở hàng thực phẩm sang Mỹ và thuê môi giới hải quan cũng cần phải được chú ý.
Giải pháp lâu dài để khắc phục sự thiếu hiểu biết các quy định, luật lệ của Mỹ về thủ tục hải quan đối với hàng thực phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn là việc doanh nghiệp phải chú ý nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ công nhân viên, tự mình thông hiểu quy trình làm thủ tục hải quan cho hàng thực phẩm tại cảng biển Mỹ bởi vì mọi quy định, luật lệ về vấn đề trên đã được công bố công khai, rộng rãi trên internet, hơn nữa các cơ quan của Mỹ cũng luôn có trách nhiệm cung cấp thông tin cho doanh nghiệp. Có như vậy các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm Việt Nam mới tạo dựng được chỗ đứng và phát triển trên thị trường Mỹ.
Tài liệu tham khảo
I. Sách tham khảo
1. Bộ Thương Mại/Trung tâm thông tin thương mại Việt Nam, Hướng dẫn tiếp cận thị trường Hoa Kỳ, NXB Thống kê, Hà Nội 2002.
2. Bùi Kiến Thành, Những vấn đề pháp lý có liên quan đến hợp đồng thương mại và thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu vào thị trường Mỹ, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 2002.
3. GS.TSKH. Đào Trí úc, Bước đầu tìm hiểu pháp luật thương mại Mỹ, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 2002.
4. Luật gia Định Tích Linh, Doanh nghiệp cần biết khi quan hệ thương mại với Hoa Kỳ, NXB Thống kê, Hà Nội năm 2002.
5. Lê Thị Hồng Ngọc, Hệ thống điều hoà mô tả và mã hoá hàng hoá và việc vận dụng xây dựng danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu và danh mục biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu Việt Nam, Luận án thạc sĩ, Trường đại học Ngoại Thương, 1999.
6. Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, Xuất khẩu sang thị trường Mỹ (tài liệu dịch), NXB Công ty in và Văn hoá phẩm, Hà Nội 2002.
7. Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, Biểu thuế nhập khẩu của Hoa Kỳ (tài liệu dịch), NXB Công ty in và Văn hoá phẩm, Hà Nội 2003.
8. Trần Thanh Quang, Những quy định về nhập khẩu hàng vào Hoa Kỳ, NXB Thống kê 1999.
9. Trung tâm nghiên cứu phát triển Invest Consult/Công ty tư vấn đầu tư và chuyển giao công nghệ, Tìm hiểu Hoa Kỳ cho mục đích kinh doanh, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2002.
II. Các bài báo và bản tin từ Internet
1. Thủ tục hải quan Mỹ đối với hàng hoá nhập khẩu, tác giả Như Tiến, Báo Hải quan, số 58 từ ngày 21đ23/7/2003.
2. Xuất khẩu sang thị trường Mỹ, những điểm mới quy định về an toàn thực phẩm, tác giả Văn Quân, Báo Hải quan, số 55 từ ngày 10đ13/7/2003.
3. Đăng ký thương hiệu tại Mỹ, tác giả Lan Như, Báo Hải quan, số 62 từ ngày 4đ6/8/2003.
4. Xu hướng ẩm thực của người Mỹ đến 2020, tác giả N.Q., Tạp chí Ngoại Thương, số 4+5 từ ngày 1đ20/2/2003.
5. Những điều cơ bản mà doanh nghiệp cần biết để thâm nhập vào thị trường Mỹ, tác giả Như Quang, Thời báo Đầu tư số 7/2002.
6. Xuất nông sản sang Mỹ, thách thức lớn hơn sau 12/12/2003, tác giả Hải Nam, Thời báo kinh tế Việt Nam số 160 ngày 6/10/2003.
7. Xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào Mỹ – Những vấn đề đang đặt ra và các giải pháp, tác giả Hoàng Thị Chỉnh, Tạp chí kinh tế và phát triển số 67 tháng 1/2003.
8. Doanh nghiệp cần khai báo chi tiết hàng hoá xuất vào Mỹ, tác giả Bùi Đương, VN Express, ngày 14/7/2003.
9. Xuất khẩu vào Mỹ: Cần hiểu quy định Hải quan, tác giả Huỳnh Ngọc Lâm, Quốc tế điện tử, ngày 4/7/2002.
10. Để hàng vào Mỹ được thông quan, tác giả N.T., VietNamNet, ngày 22/6/2003.
11. Thực phẩm Việt Nam vào Mỹ bị từ chối gia tăng, tác giả Diệu Thuý, VietNamNet, ngày 8/7/2003.
12. Đạo luật mới của Mỹ ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu thực phẩm, tác giả N. L. Đ, SaigonNet, ngày 2/7/2003.
13. Thủ tục nhập khẩu thực phẩm vào Mỹ, tác giả K.D., TTVNOnline, ngày 5/7/2003.
14. Hoa Kỳ nhập khẩu 38 tỷ USD nông sản mỗi năm: thị trường hấp dẫn, luật lệ khó lường, nguồn tin Icard, Agroviet.gov.vn, ngày 09/10/2003.
15. Thị trường Mỹ – “sân chơi” không dễ thâm nhập, tác giả Lan Anh, VNExpress, ngày 6/7/2003.
16. 300-400 doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm phải đăng ký với FDA, tác giả Hà Yên, VietNamNet, ngày 27/2/2003.
17. Nông lâm sản xuất khẩu vào Mỹ phải rõ xuất xứ, tác giả B.T.V, vneconomy, ngày 9/10/2003.
…
III. Các trang Web
1.
2.
3.
4.
5.
6.
8.
9.
10.
…
Phụ lục
Phụ lục 1: Các ký hiệu trong biểu thuế nhập khẩu của Hoa Kỳ
A Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP)
A* Một số nước được miễn áp dụng Biểu thuế nhập khẩu
A+ Chỉ áp dụng GSP đối với hàng nhập khẩu từ các nước kém phát triển nhất
B Luật buôn bán sản phẩm ô tô
C Hiệp định về thương mại hàng không dân dụng
CA Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ đối với Canada
MX Khu vực tự do thương mại Bắc Mỹ đối với Mêhico
E, E* Luật tái thiết kinh tế lòng chảo Caribe
D Luật cơ hội và phát triển Châu phi
IL Khu vực thương mại tự do Hoa Kỳ - Ixraen
J, J* Luật ưu đãi thương mại Andean
JO Luật thực hiện khu vực thương mại tự do Hoa Kỳ-Giooc-đan-ni
K Hiệp định về buôn bán dược phẩm
L Hiệp định bàn tròn Uruguay về hoá chất trung gian cho thuốc nhuộm
R Luật đối tác thương mại lòng chảo Hoa Kỳ - Caribe
Phụ lục 2: Một số mẫu tờ khai hải quan đối với hàng hoá nhập vào Mỹ
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Thu tuc hai quan o cang bien cua My doi voi thuc pham nhap k.doc