MỤC LỤC
LỜI MỞ ĐẦU
CHƯƠNG I 6
TỔNG QUAN VỀ LÀNG GIANG XÁ 6
I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ VÀ CẢNH QUAN 6
1. Vị trí địa lý 6
2. Môi trường cảnh quan 6
II. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH 10
III. CƠ CẤU DÂN CƯ 14
IV. ĐỜI SỐNG KINH TẾ 15
V. ĐỜI SỐNG VĂN HÓA XÃ HỘI 17
VI. DI TÍCH LỊCH SỬ 19
1. Đền Giang Xá 19
2. Đình Giang Xá 22
3. Chùa Bảo Phúc 23
4. Chùa Hống 24
5. Trung đồ 25
6. Cầu Thần 25
7. Miếu Chợ 26
8. Gò xóm 27
9. Nhà thờ Thiên chúa giáo 27
CHƯƠNG II 29
LỄ HỘI LÀNG GIANG XÁ 29
I. QUÁ TRÌNH CHUẨN BỊ 30
1. Các cuộc họp 30
2. Lựa chọn hàng đô, chức việc và quá trình luyện tập 34
3. Các công việc sửa sang, trang trí 39
4. Lễ phong y 40
5. Chuẩn bị lễ vật 42
II. CÁC ĐÁM RƯỚC 49
1. Rước phụng nghinh hồi đình và rước hoàn cung 49
2. Đệ văn và rước cỗ 57
III. ĐẠI TẾ 60
IV. LỄ THỜ ĐÊM 64
V. CÁC TRÒ CHƠI 65
1. Cờ người 65
2. Tổ tôm điếm 67
VI. LỄ KHU ÔN 68
CHƯƠNG III 70
SỰ THAM GIA CỦA NGƯỜI DÂN VÀO LỄ HỘI 70
I. SỰ ĐÓNG GÓP VỀ TÀI CHÍNH 71
II. SỰ ĐÓNG GÓP VỀ CÔNG SỨC 79
III. VAI TRÒ CỦA CÁC TỔ CHỨC XÃ HỘI TRONG LÀNG 82
1. Sự tham gia của Chính quyền và các đoàn thể chính trị – xã hội 83
2. Sự tham gia của các phường, hội 85
IV. THÁI ĐỘ CỦA NGƯỜI DÂN TRONG QUÁ TRÌNH THAM GIA 98
V. HỆ QUẢ CỦA SỰ THAM GIA 103
1. Hệ quả về mặt xã hội 103
2. Hệ quả về mặt tâm linh 105
3. Hệ quả về mặt kinh tế 106
KẾT LUẬN 108
TÀI LIỆU THAM KHẢO 111
PHỤ LỤC 114
MỤC LỤC 127
128 trang |
Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 2342 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Khóa luận Tổng quan về lễ hội làng Giang Xá, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ông ta hành lễ theo quy ước thống nhất. Ví dụ : một tiếng trống thì chủ tế tiến lên một bước, hai tiếng thì tiến hai bước, một hồi là mãn tế. Trong khi đó, quang cảnh sân đình cũng trở nên sống động hơn với sự hiện diện của đội sênh tiền cùng các động tác múa nhịp nhàng, uyển chuyển.
Việc cố gắng khôi phục lại phường trống và hội sênh tiền của người dân Giang Xá trong những năm qua đã chứng tỏ ý thức coi trọng các giá trị truyền thống, đặc biệt là các hoạt động tín ngưỡng ở cộng đồng của họ. Tuy phường trống và Hội Sênh tiền không phải là các tổ chức ổn định như các Hội Đồng canh hay như hội phụ lão, nhưng trong việc tham gia vào các công việc lễ tiết của làng, các tổ chức này cũng là một phần không thể thiếu. Hơn nữa, điều mà chúng ta dề dàng nhận thấy ở đây, đó là các thành viên trong phường trống hay Hội Sênh tiền đều là các em thiếu nhi. Như vậy, tính kế thừa là một đặc điểm khá rõ nét trong sự tham gia của người dân Giang Xá vào lễ hội. Các lứa tuổi cứ kế tiếp nhau đảm nhận các công việc phù hợp với mình, người cao tuổi, trung niên và cả các em thiếu nhi đều được đắm mình trong cái không khí thiêng liêng của ngày hội làng.
2.4. Một số tổ chức khác
Ngoài các tổ chức tham gia trực tiếp vào việc tổ chức lễ hội như cung cấp nhân lực, lo vật phẩm, chịu trách nhiệm tế lễ …không thể không kể ra ở đây những tổ chức khác mà việc đóng góp của họ cho dù chỉ là sự hỗ trợ về mặt tinh thần, nhưng cũng đã góp một phần vào sự thành công của lễ hội.
Trước hết, phải kể đến Hội Vãi già. Hội Vãi già là tổ chức mà chức năng cơ bản của nó gắn liền với những sinh hoạt của ngôi chùa. Ở Giang Xá, những người phụ nữ ngoài 50 tuổi, gia đình có phần ổn định, sau khi xin sư thầy trụ trì cho “đi quy” thì gia nhập Hội Vãi già trên chùa. Hội cũng có quỹ riêng do các thành viên đóng góp như các tổ chức khác. Mỗi năm các vãi cử ra hai người làm đăng cai, chấp tác toàn bộ công việc của nhà chùa, từ đun nước, quét dọn cho đến thổi xôi, in oản vào các tuần sóc, vọng.
Việc sinh hoạt chốn đình trung vốn không dành cho phụ nữ, nhưng từ trước đến nay, mỗi khi làng mở hội đình thì Hội Vãi già cũng đều tham gia. Cũng như mọi khi, hai bà đăng cai lo việc chuẩn bị lễ vật. Tiền để sắm sửa đồ lễ do các vãi đóng góp, mỗi người 10000 đồng. Ngoài ra, ai muốn công đức nhiều hơn thì tuỳ khả năng. Số tiền thu được sau khi sửa một mâm lễ, còn lại cũng đóng góp công đức cho lễ hội như các phường, hội khác. Tham gia vào lễ hội, các vãi cũng muốn thể hiện tấm lòng thánh kính của mình với Đức Thánh. Vì vậy, trong đoàn rước, người ta thấy những bóng áo nâu chậm rãi đi sau kiệu Thánh, hay trên sân đình, ở góc bên phải, các vãi bà ngồi chăm chú theo dõi các chầu tế, có những lúc họ lại bận rộn với việc tiếp đón các hội vãi thập phương đến giao hiếu.
Sự tham gia của Hội Vãi già, một tổ chức vốn gắn bó chặt chẽ với hình ảnh ngôi chùa, phần nào càng giúp ta khẳng định thêm về vai trò của tín ngưỡng Thành hoàng làng trong đời sống của cộng đồng làng thôn của người Việt. Dẫu rằng điều làm cho họ gắn bó với nhau trong cùng một hội là niềm tin vào Đức Phật, niềm tin vào đạo lý sống, vào những quan niệm của Phật giáo, gắn bó với nhau bởi những giây phút thanh thản dưới bóng thiền, thì “Phật giáo cũng không phải là tín ngưỡng riêng của cộng đồng làng, và Đức Phật cũng không phải là vị thần bảo hộ cho cộng đồng làng” (16,401). Và cho dù, như nhiều học giả đã từng nhận định, “người Việt có cấu trúc đa nguyên, đa dạng trong tín ngưỡng - tư tưởng cổ truyền” (9,243), thì trong bối cảnh của đời sống cộng đồng làng xã, tín ngưỡng Thành hoàng với ngôi đình làng vẫn là đại biểu cho “tính toàn thể, tính thống nhất, tính riêng biệt của cộng đồng làng” (16,401).
Như trên đã đề cập đến, hội làng cũng chính là dịp để mọi người hướng về cội nguồn. Những người làng đi làm ăn xa, thậm chí cả thế hệ con cháu của họ vốn đã sinh ra và lớn lên ở thành phố cũng thường nhớ về ngày hội làng. Những người con gái của làng Giang Xá đi lấy chồng ở nơi khác cũng vậy. Đến ngày làng mở hội, mọi người đều thu xếp công việc để về dự hội.
Thông thường, những người con gái Giang Xá đi lấy chồng ở cùng một làng đều có mối liên hệ mật thiết với nhau. Họ hợp thành các nhóm như: “hội gái Giang Xá làm dâu Lưu Xá”, “hội gái Giang Xá làm dâu Lai Xá” hay “ hội gái Giang Xá làm dâu Cao Trung”… Đây không phải là các tổ chức có tính chất ổn định bởi nó không có trưởng hội, không có quỹ riêng. Nhưng mỗi khi một người trong nhóm có việc vui hay việc buồn thì tất cả lại tập hợp lại, tổ chức đóng góp, thăm hỏi và làm giúp gia đình. Điều này cho thấy ý thức về “người cùng làng” vẫn còn khá mạnh mẽ trong đời sống tình cảm của người dân nông thôn hiện nay. Và hội làng chính là dịp để ý thức đó được thể hiện rõ nhất.
Về dự hội làng, những thành viên của các hội “gái Giang Xá lấy chồng thiên hạ” tập hợp nhau lại, mỗi người đóng góp một khoản tiền nhỏ, giao cho một người làm trưởng nhóm, phụ trách việc sửa lễ và đóng góp công đức. Họ coi đây là dịp để thể hiện trách nhiệm với cộng đồng nơi mình đã sinh ra. Đồng thời cũng là cách “chứng tỏ” truyền thống của “người làng mình” đối với họ hàng, bạn bè bên nhà chồng.
Sau nhiều năm vắng bóng, hội làng lại được mở và trở thành nơi thú hút đông đảo người dân tham gia. Trong việc tham dự vào lễ hội, ta thấy có nhiều tổ chức, nhiều nhóm xã hội khác nhau. Có nhóm của người cao tuổi, nhóm của phụ nữ, nhóm của nam giới, lại có cả sự tham gia của các em thiếu nhi, của các đoàn thể chính trị - xã hội. Mỗi nhóm xã hội khi tham gia vào lễ hội đều thể hiện những vai trò khác nhau. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều làng khác ở đồng bằng Sông Hồng, trong quá trình vận động để khôi phục lễ hội, người dân làng Giang Xá có xu hướng tìm lại những hình thức tổ chức đã có trong xã hội cổ truyền. Đó là các tổ chức tự nhóm họp của nhân dân như các Hội Đồng canh, Hội Phụ lão, Ban Khánh tiết, Ban Bộ lễ…Các tổ chức này thể hiện cho tinh thần cố kết cộng đồng và năng lực tự quản của cộng đồng ở nông thôn. Qua đây có thể thấy rằng, nhiều giá trị truyền thống vẫn được bảo lưu trong xã hội nông thôn ngày nay.
IV. THÁI ĐỘ CỦA NGƯỜI DÂN TRONG QUÁ TRÌNH THAM GIA
Theo cách dùng từ của tác giả Lê Trung Vũ, những người tham gia, tổ chức lễ hội được gọi là các “nhân vật” hội (10,81). Những con người thường ngày vẫn tần tảo với công việc đồng ruộng, chợ búa, với những lo toan của cuộc sống. Vậy mà đến ngày vào hội, họ bỗng hoá thân thành vị chủ tế oai nghiêm, thành những chân cờ, chân kiệu, thành những nhạc công….Tất cả mọi người trong làng đều có phần việc của mình, đúng với tuổi tác, giới tính và chức năng, tuỳ thuộc vào sự “phân vai” theo yêu cầu của nghi lễ. Tham gia vào lễ hội, mọi người phải “nhập vai” theo đúng vai diễn của mình, từ trang phục đến cử chỉ, động tác, ngôn ngữ…tất cả đều khác với những sinh hoạt thường ngày.
Có thể ngày hôm trước, ông Nguyễn Văn Đàm (65 tuổi) vẫn chỉ là một người nông dân rất đỗi bình thường, vẫn cấy cày trên đồng ruộng của mình. Nhưng đến ngày làng vào hội, ông Đàm bỗng trở thành vị chủ tế oai nghiêm, người thay mặt dân làng trình diện trước bàn thờ Thành hoàng. Tất cả cử chỉ, ngôn ngữ của ông ta đều được hình tượng hoá thành các nghi thức trang trọng.
Những cô gái, những chàng trai ngày ngày vẫn tới trường học, vậy mà khi vào lễ hội, họ trở thành những tướng ông, tướng bà, những sĩ, tượng, xe, pháo…xúng xính trong những bộ trang phục cầu kỳ, diêm dúa. Cách đi đứng của họ cũng phải tuân theo những qui định nghiêm ngặt, phải nhịp nhàng với tiếng trống hiệu của các bà Cai cờ.
Không chỉ nhập vai mà trong một vài thời điểm nào đó, những người tham gia còn “nhập thân” vào lễ hội. Người ta đã được chứng kiến cảnh những bé gái trong hội sênh tiền thức dậy từ 2 giờ sáng trong thời tiết giá rét, liên tục gõ nhịp theo đoàn rước cho đến giữa trưa mà không hề sai nhịp hay tỏ ra mệt mỏi. Hay những chàng trai trong vai các hàng đô phù giá dồn dập lên Thượng cung nghinh Thánh giá với một khí thế vô cùng khẩn trương trong tiếng vỗ tay reo hò của những người xung quanh. Tất cả mọi người dường như đã quên đi con người thật, quên đi cuộc đời thật của mình, để được “thăng hoa trong một không gian và thời gian phi trần tục”(9,243).
Trên cái sân khấu lễ hội, tất cả các hoạt động từ tế lễ đến rước xách đều là các vở diễn mà các nhân vật hội phải tham gia. Tuy nhiên, khác với các cuộc trình diễn thông thường tại các rạp hát, các vở diễn trong lễ hội được dành cho một đối tượng hoàn toàn đặc biệt - thần linh. Chính vì vậy, tất cả các lễ thức trong ngày hội đã được cố định thành trật tự có hệ thống, thể hiện lòng tôn kính của dân làng đối với thần linh. Cùng với thời gian, các lễ thức này đã trở thành khuôn mẫu được duy trì qua nhiều thế hệ. Nó đòi hỏi ở những người tham gia, những người đóng vai một thái độ và một tinh thần trách nhiệm thật sự nghiêm túc.
Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, trước đây, mỗi lần tổ chức hội, không thể thiếu được bất cứ lễ thức nào, bởi chúng đã trở thành một hệ thống cố định, chặt chẽ. Các lễ thức này bao gồm :
Lễ phong y
Các đám rước, bao gồm: rước phụng nghinh hồi đình, rước văn, rước cỗ, rước hoàn cung
Tế Đại tế
Lễ thờ đêm
Lễ khu ôn
Tất cả các lễ thức trên là những yếu tố quan trọng của lễ hội. Dân làng tin rằng, thông qua chúng, họ có thể thể hiện lòng ngưỡng mộ, tôn vinh của mình đối với thần linh và cầu mong sự trợ giúp của lực lượng siêu nhiên ấy.
Sau nhiều năm đứt đoạn, hội làng Giang Xá được khôi phục trở lại, các cụ và dân làng cố gắng tìm lại trong những ghi chép của các lớp người đi trước để định ra việc tổ chức, chọn ra các nghi thức trong lễ hội. Sau 3 lần lễ hội được mở (1989, 1994, 2000), hệ thống các nghi lễ đã được khôi phục trở lại theo đúng trình thức xưa kia, từ lễ phong y, các đám rước cho đến lễ thờ đêm, lễ khu ôn. Tuy nhiên, để phù hợp với những yêu cầu mới của cuộc sống đương đại, nhiều nghi thức đã buộc phải giản lược bớt một số khâu. Việc rước văn trong dịp lễ hội năm 2004 là một ví dụ. Cũng như các năm trước, các cụ cao tuổi trong làng đề nghị xin được rước văn trước các buổi tế trong hai ngày 12 và 13. Đối với việc tổ chức lễ hội nói chung và việc tế thần nói riêng, rước văn là một nghi thức rất quan trọng. Những năm làng mở đại đám, đều tổ chức rước văn từ nhà chủ văn ra đình. Dân làng tin rằng, trong bản văn có ghi các duệ hiệu (mỹ tự) của Thánh nên trong các dịp lễ hội phải dùng kiệu Giá văn để rước văn ra đình. Nếu không rước văn là đã mắc tội bất kính với Người. Đoàn rước văn cũng phải đầy đủ nghi trượng như trống, chiêng, gươm vàng, gươm cẩn, cờ hiệu, dùi đồng phủ việt, Văn kiên, Tề kiên, cờ ngũ phương, kèn, trống, bát âm, múa lụa, sênh tiền. Nói chung, cũng phải huy động một lực lượng lớn hàng đô, chức việc tham gia.
Rõ ràng, không thể phủ nhận tầm quan trọng của việc rước văn trong hệ thống các nghi thức của lễ hội. Đó là một cách để người dân thể hiện niềm tin của mình vào sức mạnh và sự linh thiêng của thần Thành hoàng. Tuy nhiên, khả năng trên thực tế lại không cho phép người ta thực hiện được việc rước văn theo đúng phong tục xưa kia. Như chúng ta đã biết, phần lớn những người tham gia vào đám rước văn cũng được lấy từ các Hội Đồng canh đang trong độ tuổi lao động và các cháu thiếu nhi ở độ tuổi còn đi học. Chính vì vậy, dù mọi người rất muốn tham gia, muốn đem một phần công sức của mình để phục vụ cho việc tâm linh của cộng đồng, đồng thời cũng là để thoả mãn một phần tâm linh của chính mình. Nhưng trên thực tế, người ta không thể để các cháu học sinh nghỉ học, cũng như nhiều hàng đô không thể xin nghỉ làm nhiều ngày liên tục. Thậm chí, Ban tổ chức đã rất cố gắng, cử người xuống tận trường học của các cháu để xin nghỉ. Nhưng nhà trường, dù rất thông cảm cũng chỉ có thể cho các cháu nghỉ một ngày. Trong khi đó, có những Hội Đồng canh, đến phút cuối cùng buộc phải xin rút khỏi danh sách chỉ vì không thể tập trung đủ các thành viên. Cuối cùng, những khó khăn về vấn đề nhân lực phục vụ đoàn rước đã buộc Ban Tổ chức phải chuyển sang hình thức đệ văn để thay thế cho việc rước văn.
Qua một ví dụ trên, chúng ta thấy, trong bối cảnh của quá trình hiện đại hoá đang diễn ra ngày nay, cuộc sống với những diễn biến rất sôi động của nó đang cuốn con người vào hàng loạt các hoạt động với những đòi hỏi khắt khe về thời gian. Chính vì vậy, đôi khi con người không thể dung hoà giữa cuộc sống tâm linh và cuộc sống thế tục. Họ sẵn sàng tham gia vào lễ hội như một cách để thể hiện niềm tin đó với vị thần bảo hộ của cộng đồng. Nhưng cuộc sống với những công việc bận rộn không cho phép họ dành nhiều thời gian cho việc thoả mãn các nhu cầu tâm linh. Chính vì vậy, để phù hợp với cuộc sống của thời đại, một số lễ thức xưa buộc phải đơn giản hoá, phải lược bớt một số khâu.
Không chỉ vấn đề thời gian mà cả lối sống và tâm lý đương thời cũng ảnh hưởng rất nhiều đến thái độ của những người tham gia lễ hội ngày nay. Đối với phần đông mọi người, tham gia vào lễ hội vẫn là trách nhiệm của họ đối với cộng đồng. Trách nhiệm này xuất phát từ niềm tin vào sự bảo trợ, sự phù hộ của thần Thành hoàng đối với các hoạt động trong cuộc sống của cả làng. Tuy nhiên, con người đương đại đã có không ít những thay đổi trong quan niệm và trong lối sống. Tính áp chế của cộng đồng đối với các hành vi của cá nhân có phần nào đã giảm xuống. Việc một sơ suất nhỏ của một người có thể ảnh hưởng đến vận mệnh của cả làng không còn là điều khiến nhiều người phải lo sợ. Chính vì vậy, đôi khi người ta được chứng kiến cảnh các hàng đô ăn vận khá xộc xệch, người ta ít chú ý hơn đến vấn đề chỉnh chu trong trang phục. Nhiều người dù đã cố gắng sắm sửa quần áo theo đúng màu sắc quy định của làng nhưng họ lại không để ý xem bộ trang phục đó được may theo kiểu dáng nào và chất liệu ra sao. Những trang phục hiện đại, những đôi giày da, giày thể thao xuất hiện khá phổ biến trong đoàn rước.
Không chỉ là vấn đề trang phục, đôi lúc, những hành động tuỳ tiện, những thói quen bắt nguồn từ cuộc sống đời thường của nhiều người cũng làm giảm đi cái tính chất thiêng liêng của đám rước. Cái cảnh các hàng đô nghiêm trang, yên lặng trong suốt quãng đường đi của các đoàn rước trong những lễ hội trước đây dường như chỉ còn là ký ức của lớp người cao tuổi. Ngày nay, trong khi đám rước được tiến hành, các hàng đô có thể chạy ngược chạy xuôi hay nói chuyện, bàn tán với nhau. Những lúc đoàn kiệu dừng lại, một vài người tranh thủ hút điếu thuốc lá như một cách để chống lại cái rét của buổi sáng sớm. Hay khi trên sân đình, trước buổi tế nhập tịch, một ông quan viên Chấp sự sau khi đốt một cây nến để chuẩn bị cho buổi tế, nhân tiện dùng luôn cây nến đó để châm điếu thuốc mà ông ta đang ngậm trên môi. Cái không khí trần tục của cuộc sống đời thường dường như đang len lỏi và có phần lấn át cái tính chất thiêng liêng vốn có của lễ hội.
Ngoài những người trực tiếp phục vụ lễ hội, những người chỉ đơn thuần là đi xem hội cũng là một phần không thể thiếu của lễ hội, bởi như GS. Trần Quốc Vượng đã từng nói, “ ý thức và cảm xúc của họ vẫn là ý thức và cảm xúc của những người tham dự, những người nhập cuộc (engages) trong “hội làng quê ta”, vô hình trung cũng thủ vai trong “đám hội” (29,218).
Quả thật, lễ hội sẽ mất đi cái không khí náo nhiệt của nó nếu không có đông đảo những người dân trong, ngoài làng chậm rãi đi lên, đi xuống theo suốt hành trình của đám rước. Cũng như các cuộc đấu trí trên sân cờ sẽ kém hấp dấn nếu thiếu những người xem đứng xung quanh. Và không chỉ đơn thuần là xem hội, những người đó còn giao lưu tình cảm với các hàng đô, bởi đó là cha, là anh, là chồng họ, với các quân cờ, bởi đó là con, là em họ. Đồng thời, họ cũng chia sẻ cảm xúc với những người dự hội khác, bởi đó là bạn bè, láng giềng, họ hàng của họ. Rõ ràng, sự “nhập cuộc” của người xem là một yếu tố không thể thiếu trong tổng thể lễ hội. Nhưng điều đáng tiếc là ở chỗ, dường như ngày nay, người xem có phần “nhập cuộc” hơi thái quá. Họ trò chuyện, cười nói, thậm chí trêu ghẹo các hàng đô. Hay giữa lúc các trận đấu vẫn đang diễn, người nhà của các quân cờ vẫn thản nhiên đứng vào trong sân để chụp một vài kiểu ảnh kỷ niệm với con em mình.
Có thể thấy, về cơ bản, khuôn mẫu văn hoá truyền thống vẫn được người dân Giang Xá bảo lưu và kế thừa. Tuy nhiên, tác động của những nhân tố mới của cuộc sống đương đại đã buộc họ phải gia giảm một số yếu tố. Sự thay đổi này chưa làm mất đi hay biến dạng các khuôn mẫu đó. Nhưng trên thực tế, các mâu thuẫn mới đang nảy sinh cũng đặt ra cho chúng ta nhiều trăn trở. Đó là mâu thuẫn giữa cái trần tục và cái thiêng liêng, giữa cái cũ và cái mới…tất cả đều được biểu hiện rất rõ qua thái độ của những người dân đương đại- những nhân vật hội, trên cái sân khấu lễ hội.
V. HỆ QUẢ CỦA SỰ THAM GIA
1. Hệ quả về mặt xã hội
Người ta thường nhắc tới lễ hội với chức năng trước hết là củng cố sự cố kết và tính thống nhất giữa các thành viên trong cộng đồng làng xã. Tất cả mọi người trong làng ai cũng có phần việc của mình, ai cũng cảm thấy mình trở thành một phần của lễ hội. Tuy mỗi người phải đảm nhận những phần việc khác nhau nhưng mọi người đều có chung một tình cảm, một mục đích là cầu mong sự an khang thịnh vượng cho cả làng, và do đó cũng là công việc của gia đình, của dòng họ, của các nhóm xã hội mà trong đó họ là thành viên. Vì vậy, tất cả mọi người dù không trực tiếp tham gia phục vụ lễ hội cũng cảm thấy mình phải có trách nhiệm giúp đỡ cho những người khác bằng vật chất, công sức và kinh nghiệm. Chính quá trình này đã thắt chặt thêm các mối quan hệ giữa các thành viên trong cùng một nhóm và giữa các nhóm xã hội trong làng. Ở mặt này, các cá nhân dường như bị xoá nhoà trong cộng đồng. Nó hành động vì cộng đồng.
Tuy nhiên, lễ hội với sự tham gia của nhiều cá nhân, nhiều nhóm, nhiều tổ chức xã hội chính là dịp thể hiện rõ nét nhất các mối quan hệ xã hội phức tạp ở nông thôn. Ở đây, bên cạnh sự đoàn kết, ta còn thấy luôn ngầm ẩn các mâu thuẫn, các xung đột, các va chạm giữa các cá nhân với các nhân, giữa cá nhân với các nhóm và giữa các nhóm với nhau. Trên thực tế, các xung đột giữa các lực lượng xã hội trên, xét cho cùng đều là biểu hiện mâu thuẫn giữa cái cũ và cái mới, giữa cái thiêng liêng và cái trần tục, giữa việc bảo lưu và việc cải tiến. Ví dụ, mâu thuẫn giữa các cụ cao tuổi và lớp trẻ. Trong khi các cụ đòi hỏi ở họ một thái độ nghiêm túc trong công việc thì trên thực tế, họ lại hành động rất tuỳ tiện. Hay như mâu thuẫn giữa nguyện vọng của nhân dân với quyết định của chính quyền qua ví dụ về việc rước văn mà chúng tôi đã đề cập ở trên.
Mặt khác, lễ hội cũng là một dịp đặc biệt, hay nói như GS. Đinh Gia Khánh, nó là một “thời điểm mạnh”, là dịp hiếm hoi để các cá nhân và các nhóm xã hội trong làng có dịp công khai nói lên tiếng nói của mình. Chính vì vậy, tham gia vào lễ hội, các cá nhân, các nhóm xã hội đều cố gắng nổi bật, trở thành các “nhân vật” chính trên sân khấu lễ hội. Những người giữ các chức vị quan trọng như chủ tế, chủ lễ, chủ văn, hay các cụ Thượng đều thông qua lễ hội để khẳng định địa vị và tôn ty của mình. Và đương nhiên, khi quyền lợi của họ bị xâm phạm thì ngay lập tức các mâu thuẫn nảy sinh. Người ta đã được chứng kiến một cụ Cửu tỏ ra rất tức giận về việc mình phải làm lễ sau hai cụ Bát. Hay như việc Ban Tổ chức hỏi ý kiến cụ này mà không hỏi ý kiến cụ khác đôi khi cũng gây ra những thắc mắc, thậm chí là những phản ứng khá gay gắt.
Như vậy, trong thời điểm đặc biệt của lễ hội, nó chứa đựng toàn bộ sự phức tạp của các mối quan hệ xã hội với những mâu thuẫn, những xung đột giữa các lực lượng. Tuy nhiên, cho đến nay, vượt lên những dòng ngầm ẩn đó, quan hệ cộng đồng, ý thức tập thể vẫn là những giá trị chiếm vai trò chủ đạo trong đời sống văn hoá của người dân Giang Xá. Chính vì vậy, ở bề nổi của nó, lễ hội vẫn là dịp để củng cố sự cố kết cộng đồng và tính thống nhất giữa các thành viên. Ở đây, các mâu thuẫn không mất đi mà nó đã được điều hoà một cách khéo léo. Người ta vẫn giành cho lớp người cao tuổi một vị trí quan trọng nhất ở chốn đình trung. Các cụ vẫn là người chủ trì hội làng về mặt danh nghĩa. Dưới sự điều hành của lớp người cao tuổi và sự kiểm soát của dư luận, tất cả các cá nhân, các nhóm đều tỏ ra có trách nhiệm việc làng. Tâm lý chung của tất cả mọi người vẫn là không muốn bị mang tiếng, bị các cụ chê trách giữa chốn đình trung. Còn đối với các cá nhân, làm tròn trách nhiệm của mình đối với cộng đồng cũng là một cách để thể hiện giá trị của bản thân họ.
Như vậy, tính phức tạp của các quan hệ xã hội trong lễ hội thể hiện ở chỗ. Nó vừa là dịp để nảy sinh các xung đột, các va chạm giữa các cá nhân, các lực lượng xã hội trong làng. Nhưng chính nó cũng là môi trường để điều hoà các mâu thuẫn ấy. Bên cạnh đó, một mặt lễ hội tạo nên sự cố kết cộng đồng. Mặt khác nó cũng là dịp để các cá nhân khẳng định vị trí của mình thông qua cộng đồng.
2. Hệ quả về mặt tâm linh
Khi nhận xét về các đặc trưng của xã hội nông thôn đương đại, các nhà khoa học đã cho rằng, “xu hướng thế tục hoá của xã hội hiện đại tuy chưa đủ sức phá vỡ các giá trị tinh thần truyền thống, song đó cũng là một thực tế cần phải tính đến” (8,116). Trên thực tế ở Giang Xá, chúng tôi nhận thấy, niềm tin vào sự hiện diện và sự phù hộ của thần Thành hoàng đối với các hoạt động của cộng đồng và của cá nhân vẫn tồn tại trong tâm thức của người dân nơi đây. Nó vẫn là cái cốt lõi của hội làng ngày nay. Chính niềm tin về mặt tâm linh vẫn là động lực để thu hút người dân đến với lễ hội. Tham gia vào lễ hội mục đích chính của họ là tưởng nhớ đến công lao của thần Thành hoàng - vị thần bảo trợ cho cộng đồng. Và lễ hội được ví như một chiếc cầu nối giữa cuộc sống trần tục với thế giới linh thiêng, là dịp để con người giãi bày những và gửi gắm những ước nguyện, cầu mong sự phù hộ.
Tuy nhiên, đúngvới những nhận xét của các nhà khoa học đã dẫn ở trên, ở Giang Xá ngày nay, xu hướng giải thiêng và thế tục hoá đang là một điều đáng phải quan tâm. Đến với lễ hội, nhiều người dân đương thời, đặc biệt là lớp trẻ coi đó như một dịp để vui chơi nhiều hơn là chú ý đến chiều tâm linh. Tính thiêng liêng của hội làng xưa giờ đã bị giảm đi đáng kể. Trong khi đó, sự trần tục và những biểu hiện của cuộc sống đời thường đang thâm nhập ngày càng sâu vào lễ hội. Những hành động không phù hợp với không khí thiêng liêng vốn có trong các nghi lễ của một bộ phận người dân đang trở nên phổ biến. Thậm chí có nhiều người được giao các trọng trách quan trọng nhưng lại hoàn toàn thờ ơ với lễ hội. Trường hợp của ông Phó chủ tịch UBND thị trấn - Trưởng ban tổ chức là một điển hình. Trong suốt toàn bộ tiến trình của lễ hội, người ta chỉ thấy ông này khi đọc diễn văn khai mạc vào buổi sáng ngày 11. Thậm chí đến buổi họp tổng kết, ông này cũng vắng mặt, hay như việc ông Trưởng Ban Bộ lễ ngay sau khi lễ xong đã nhanh chóng xin phép các cụ ra về để giải quyết công việc làm ăn. Qua đây có thể thấy, sự thiêng liêng không còn là giá trị có tính áp chế đối với hành vi của mọi cá nhân và các nhóm xã hội khi tham gia vào lễ hội như trước đây nữa. Đối với một số người, giờ đây việc lo toan cho cuộc sống vật chất trở nên quan trọng và việc làm tròn nghĩa vụ với “nhà Thánh” cũng khó có thể toàn tâm toàn ý như xưa nữa.
3. Hệ quả về mặt kinh tế
Xét trên phương diện kinh tế, việc tổ chức lễ hội ngày nay cũng đã có nhiều thay đổi. Trước đây, toàn bộ phần chi phí về lễ vật đều do các giáp tự chi trả dựa vào nguồn hoa lợi thu được từ ruộng giáp. Trong khi đó, việc may sắm trang phục đều do các gia đình tự chịu trách nhiệm. Như vậy, trong việc tổ chức lễ hội hoàn toàn dựa vào sự tự nguyện của người dân.
Ngày nay, nguồn chi phí cho lễ hội phần lớn cũng được lấy từ các khoản đóng góp tự nguyện của các cá nhân, các nhóm, các tổ chức như tiền công đức hàng năm, quỹ của lễ hội. Tuy nhiên điều đáng quan tâm ở đây là sự xuất hiện của một phương thức mới trong việc tổ chức lễ hội - phương thức đầu tư. Biểu hiện của phương thức này thể hiện ở việc ban tổ chức phải chi tiền để may sắm quần áo cho một số bộ phận như phường trống hay đội quân cờ. Điều này trước đây là hoàn toàn không có. Trên thực tế, số tiền mà Ban Tổ chức chi cho việc may sắm này chỉ chiếm một phần trong khoản chi tiêu thực sự. Ngoài ra, các gia đình vẫn phải đóng góp thêm. Nhưng nếu không có khoản đầu tư ban đầu này thì hầu như chẳng có gia đình nào chịu bỏ ra một khoản tiền lớn để sắm sửa cho con em mình. Sau lễ hội, toàn bộ số trang phục được tặng lại cho các quân cờ. Như vậy, xét về mặt kinh tế, ngày nay, tính tự nguyện của người dân khi tham gia vào lễ hội đã phần nào giảm đi. Những tính toán thiệt hơn về mặt vật chất đã bắt đầu xâm nhập và ảnh hưởng tới những sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng. Tính tự nguyện giảm xuống, nhường chỗ cho sự tham gia có điều kiện.
Lễ hội đã, đang và sẽ là một phần thiết yếu trong đời sống văn hoá tinh thần của cộng đồng, nhất là cộng đồng nông thôn. Sự trường tồn của hội làng vẫn là biểu hiện của tinh thần cộng đồng và của tâm thức hướng về ông tổ của làng (Thành hoàng). Cũng như các hiện tượng văn hoá khác, lễ hội ngày nay cũng chịu tác động của quá trình biến đổi kinh tế - xã hội theo chiều hướng ngày càng hiện đại hoá. Chính trong quá trình đó, con người đương đại ở Giang Xá về cơ bản vẫn ứng xử với lễ hội theo những khuôn mẫu truyền thống của cha ông mình. Những thêm bớt cho phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội hiện tại chỉ là nhỏ lẻ, chưa đủ làm thay đổi các khuôn mẫu cũ. Tuy nhiên, những tác động của quá trình hiện đại hoá, những sức ép về thời gian, tâm lý, lối sống… đến cách ứng xử của con người dân Giang Xá ngày nay với lễ hội cũng là một thực tế mà chúng ta cần tính đến.
KẾT LUẬN
Không nằm ngoài sự phát triển chung của toàn xã hội, làng Giang Xá ngày nay đang trong quá trình biến đổi theo chiều hướng đô thị hoá và hiện đại hoá. Trong bối cảnh đó, cũng như nhiều làng xã khác ở đồng bằng Sông Hồng, dưới tác động của qúa trình đổi mới chính sách văn hoá, trong đó có các chính sách về tín ngưỡng- tôn giáo, người dân Giang Xá đã có nhiều cố gắng để khôi phục lại các nghi lễ truyền thống vốn có của cha ông mình. Và hội làng, hình thức sinh hoạt văn hoá - tín ngưỡng tiêu biểu nhất cho đời sống làng Việt ở đồng bằng Sông Hồng, sau nhiều năm bị quên lãng, nay lại hiện diện và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hoá tâm linh của người dân Giang Xá.
1. Sự phục hồi của hội làng ở Giang Xá cho thấy, hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian này vẫn là một nhu cầu của cả làng. Nhu cầu này trước hết xuất phát từ mặt tâm linh. Có thể thấy rằng, cho đến nay, thiết chế đình, mà gắn liền với nó là sự hiện diện của thần Thành hoàng - vị thần hộ mệnh cho cộng đồng, vẫn luôn tồn tại trong tâm thức của người dân nơi đây. Người dân đến với lễ hội như một dịp để thể hiện lòng thành kính của mình với bậc bảo trợ cộng đồng. Đồng thời, lễ hội giống như một chiếc “cầu nối” để con người giãi bày những tâm tư, nguyện vọng, những mong ước của họ với thần linh, thể hiện niềm tin vào sự phù hộ của thần linh cho các hoạt động đời thường của mình.
Tiếp đó, về mặt tâm lý, lễ hội đã đáp ứng được nhu cầu sống trong cộng đồng của người nông dân. Nhu cầu ấy qua hội làng biểu hiện ở hai bình diện: (1) Khẳng định và củng cố cộng đồng làng - ở mặt này dường như cá nhân rất nhỏ bé so với cộng đồng, nó tồn tại vì cộng đồng; (2) Thể hiện vai trò, địa vị, tôn ty của cá nhân, các tầng lớp trong cộng đồng làng (lớp người cao tuổi, các chức việc quan trọng như chủ tế, chủ lễ và kể các các chân kiệu… đều thông qua sinh hoạt cộng đồng mà khẳng định được cái cá nhân của mình). Cả hai mặt này không hề mâu thuẫn mà bổ sung cho nhau.
2. So với truyền thống, vai trò của lễ hội ngày nay đã có một số thay đổi. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu tâm linh và cố kết cộng đồng, lễ hội hiện nay còn góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn và tôn tạo di tích. Ở Giang Xá, vào các kỳ lễ hội, nguồn kinh phí thu được do dân làng và khách thập phương công đức được giành phần lớn cho công tác bảo quản, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích của làng như đình, đền.
3. Chính vì đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng nên lễ hội vẫn thu hút đông đảo các tầng lớp, các nhóm xã hội tham gia. Trong đó vai trò của lớp người cao tuổi và nam giới vẫn là chủ đạo. Bên cạnh đó, khác với truyền thống, ngày nay, vai trò của phụ nữ trong các sinh hoạt tín ngưỡng ở cộng đồng cũng được mở rộng hơn. Người phụ nữ ở Giang Xá đã có quyền cúng tế tại đình, đền, được tham gia vào các công việc của lễ hội, mặc dù vậy, họ vẫn chưa được tham gia vào tổ chức chủ trì việc lễ tiết của làng như Ban Khánh tiết, Ban Bộ lễ.
4. Tham gia vào việc tổ chức lễ hội ngày nay có sự kết hợp của nhiều tổ chức xã hội khác nhau trong làng. Nhưng vai trò chủ đạo vẫn thuộc về các tổ chức do dân tự thành lập như các Hội Đồng canh, Hội Phụ lão, Ban Khánh tiết…Đây là các tổ chức vốn đã từng tồn tại trong các làng xã nông thôn truyền thống trước đây, nó đại diện cho các quan hệ cộng đồng và năng lực tự quản cộng đồng ở nông thôn, một giá trị xã hội rất được người Việt coi trọng. Ngày nay, chức năng của nhiều tổ chức này đã có nhiều thay đổi so với truyền thống, đặc biệt là trong việc tổ chức hội làng.
5. Trong sự nỗ lực khôi phục lại một hình thức sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng tiêu biểu của dân tộc, người dân Giang Xá đã cố gắng bảo lưu theo đúng những khuôn mẫu văn hoá truyền thống. Tuy nhiên, trong bối cảnh của quá trình hiện đại hoá ngày nay, trước sức ép của những qui định như pháp luật, thời gian, tâm lý đương thời, mức sống…người dân ở Giang Xá đã gia giảm những nghi thức, hoạt động của hội làng. Tuy nhiên, sự thay đổi này không làm mất đi bản chất của các khuôn mẫu đó, nó vẫn được bảo lưu dù không nguyên vẹn như truyền thống mà đã có biến đổi nhỏ để thích nghi với cuộc sống đương thời.
6. Qua việc nghiên cứu lễ hội làng Giang Xá, chúng tôi cũng nhận thấy một vấn đề đáng quan tâm trong việc xây dựng đời sống văn hoá cơ sở ở nông thôn hiện nay. Từ thực tế hoạt động của các tổ chức tự quản của dân cũng như vai trò của các tổ chức này trong các hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng, chúng tôi cho rằng đây chính là cơ sở cho việc tăng cường tính tự quản của cộng đồng về mặt văn hoá. Điều cần làm là có sự hỗ trợ từ phía nhà nước trong việc quản lý để hướng những tổ chức này vào những hoạt động lành mạnh, có ý nghĩa như tôn tạo, tu sửa các di tích lịch sử, tổ chức các sinh hoạt văn hoá cộng đồng.
7. Cuối cùng, từ trường hợp thực tế của làng Giang Xá, chúng tôi nhận thấy rằng, lễ hội ngày nay vẫn thực sự có một vai trò hết sức quan trọng trong đời sống văn hoá của cộng đồng nông thôn. Do vậy, cần tiếp tục những nghiên cứu này ở nhiều địa phương khác. Đặc biệt, phải tiến hành khảo sát kỹ lưỡng các lễ hội dân gian hiện nay để có thể đưa ra các định hướng có tính khoa học cho sự phục hồi và phát triển của các lễ hội này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Đào Duy Anh (1964), Đất nước Việt Nam qua các đời, NXB Khoa học, Hà Nội.
Đào Duy Anh (2002), Việt Nam văn hoá sử cương, NXB Văn hoá-Thông tin, Hà Nội.
Toan Ánh (2000), Nếp cũ - Tín ngưỡng Việt Nam (quyển Thượng), NXB Thành phố Hồ Chí Minh..
Phan Kế Bính (1999), Việt Nam phong tục, NXB Hà Nội, Hà Nội.
Đại Việt sử ký toàn thư (Tập 1) - NXB Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 2003.
Nguyễn Duy Hinh (1993), Đôi điều suy nghĩ lý luận về lễ hội, trích trong : Lê Trung Vũ (chủ biên) - Lễ hội truyền thống trong đời sống xã hội hiện đại - NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
Hồ Hoàng Hoa (1998), Lễ hội một nét đẹp trong sinh hoạt văn hoá cộng đồng, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
Tô Duy Hợp (chủ biên) (2000), Sự biến đổi của làng xã Việt Nam ngày nay ở Đồng bằng sông Hồng, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
Vũ Ngọc Khánh (1993) Lễ hội cổ truyền trong quá trình thích nghi với đời sống xã hội hiện tại và tương lai, trích trong: Đinh Gia Khánh, Lê Hữu Tầng (chủ biên) - Lễ hội truyền thống trong đời sống xã hội hiện đại, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
Lê Văn Kỳ (1992), Cơ cấu và việc tổ chức lễ hội, trích trong: Lê Trung Vũ (chủ biên) - Lễ hội cổ truyền, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
Nguyễn Quang Lê (2001), Khảo sát thực trạng văn hoá lễ hội truyền thống của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
Ngô Vi Liễn (1999), Tên làng xã và địa dư các tỉnh Bắc Kỳ, NXB Văn hoá - Thông tin, Hà Nội.
Nguyễn Văn Mạnh (2002), Giá trị của lễ hội truyền thống trong xã hội hiện đại, trích trong : Viện Nghiên cứu Văn hoá dân gian - Thông báo Văn hoá dân gian 2001, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
Lê Mạnh Năm (2003) Phong trào khôi phục tập quán - tín ngưỡng cổ truyền ở một số làng xã vùng châu thổ sông Hồng, Tạp chí Xã hội học, (3).
Phan Đăng Nhật (1992), Lễ hội trong đời sống văn hoá tinh thần của người Việt, trích trong: Lê Trung Vũ (chủ biên) - Lễ hội cổ truyền, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
Philipp Papin, Oliver Tessier (chủ biên) (2002), Làng ở vùng châu thổ sông Hồng, vấn đề còn bỏ ngỏ, Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia, Hà Nội.
Pierre Gourou (2002), Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ, NXB Trẻ, 2002.
Sở Văn hoá - Thông tin Hà Tây (1999), Di tích Hà Tây, Hà Tây.
Sở Văn hoá - Thông tin Hà Tây(2001), Địa chí Hà Tây, Hà Tây.
Tô Ngọc Thanh (1993), Niềm tin và lễ hội, trích trong : Đinh Gia Khánh, Lê Hữu Tầng (chủ biên) - Lễ hội truyền thống trong đời sống xã hội hiện đại, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
Bùi Thiết (1985), Làng xã ngoại thành Hà Nội, NXB Hà Nội.
Ngô Đức Thịnh (1993), Những giá trị văn hoá của lễ hội cổ truyền và nhu cầu của xã hội hiện đại, trích trong: Đinh Gia Khánh, Lê Hữu Tầng (chủ biên) - Lễ hội truyền thống trong đời sống xã hội hiện đại, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
Ngô Đức Thịnh (chủ biên) (2001), Tín ngưỡng và văn hoá tín ngưỡng ở Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
Trương Xuân Trường (2003), Một số biến đổi kinh tế - xã hội nông thôn vùng châu thổ sông Hồng hiện nay, Tạp chí Xã hội học, (3).
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (1985), Địa lý huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Trần Từ (1984), Cơ cấu tổ chức làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
Lê Trung Vũ (1993), Cơ sở tôn giáo và giá trị đạo đức của hội làng người Việt, trích trong : Đinh Gia Khánh, Lê Hữu Tầng (chủ biên) - Lê hội truyền thống trong đười sống xã hội hiện đại, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
Lê Trung Vũ (1992), ý nghĩa và giá trị xã hội của lễ hội, trích trong: Lê Trung Vũ (chủ biên) - Lễ hội cổ truyền, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
Trần Quốc Vượng (2000), Hội hè dân gian với làng quê đổi mới, trích trong: Trần Quốc Vượng - Văn hoá Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, NXB Văn hoá dân tộc, Hà Nội.
Trần Quốc Vượng (2000), Lễ hội: một cái nhìn tổng thể, trích trong: Trần Quốc Vượng - Văn hoá Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, NXB Văn hoá dân tộc, Hà Nội.
PHỤ LỤC
Sắc phong của đình
Ngọc phả
Sơ đồ tế
Văn tế
Danh sách những người cung cấp thông tin
Bản đồ
Ảnh
SẮC PHONG CỦA ĐÌNH
(Niên hiệu Cảnh Thịnh thứ nhất - 1790)
Phiên âm:
Sắc quốc vương thiên tử Lý Nam Đế, thích viết Hộ Thiện thượng sĩ trung túc an dân, bảo quốc vĩnh thế, thông hoạt minh mẫn, thần vũ hùng tài, vĩ lược tuyên từ, khoan hoà khải tường, tập khánh linh cảm, phù ứng thân hưu, định huống diên khánh, thuần hà hoằng du, phỉ liệt quang vận dịch triết hồng hưu, kiến võ dương văn, tuy lộc sùng đức, dương uy hiển thánh, thần công hữu đạo. Chí nhân anh quả Hoàng đế, thông minh nhàn thụ, nhân hậu thiên sinh, an bang diệu vận thần mô, phong lôi khu bắc binh chi phách, bảo cảnh phổ thí thánh trạch, vũ lộ nhu Tây thổ chi dân. Thị duy tương hựu chi thuần, nghi bí hoà vĩnh chi điển, vi tự chính tai sơ. Lễ hữu đăng trật, ưng gia phong mỹ tự tư khả gia phong : Quốc vương thiên tử Lý Nam Đế, thích viết Hồ Thiện thượng sĩ, trung túc an dân, bảo quốc vĩnh thế, thông hoạt minh mẫn, thần vũ hùng tài, vĩ lược tuyên từ, khoan hoà khải tường, tập khánh linh cảm, phù ứng thân hưu, định huống diễn khánh thuần hà hoằng du, phỉ liệt quảng vận, dịch triết hồng hưu, kiến võ dương văn, tuy lộc sùng đức, dương uy hiển thánh, thần công hữu đạo, trí nhân anh quả, cao minh - bác hậu - duệ triết. Hoàng đế sắc.
Cảnh Thịnh nguyên niên thập nguyệt nhị thập lục nhật.
Dịch nghĩa:
Sắc cho Quốc vương thiên tử Lý Nam Đế còn gọi Hộ Thiện thượng sĩ có mỹ hiệu là Trung túc an dân, bảo quốc vĩnh thế, thông hoạt minh mẫn, thần vũ hùng tài, vĩ lược tuyên tử, khoan hoà khải tường, tập khánh linh cảm, phù ứng thân hưu, đỉnh huống diên khánh thuần hà hoằng du, phỉ liệt quảng vận, dịch triết hồng hưu, kiến võ dương văn, tuy lộc sùng đức, dương uy hiển thánh, thần công hữu đạo, trí nhân anh quả Hoàng đế. Thần ban cho được thông minh, trời phú cho lòng nhân hậu, giữ nước thì vận dụng mưu thần nổi sấm sét gió mưa bay hồn giặc phương bắc, yên dân lại rộng ban ân trạch thánh nhân, mưa móc thấm nhuần dân chúng đất Tây. Nghĩ công đức lớn giúp dân xứng đáng được ghi nhớ vẻ vang.
Vào buổi đầu khi mới lên ngôi, theo lễ nên nâng bậc đáng phong thêm ba cặp mỹ tự, khá gia phong cho là Quốc vương thiên tử Lý Nam Đế, còn gọi Hộ Thiện thượng sĩ các cặp mỹ tự Trung túc an dân, bảo quốc vĩnh thế, thông hoạt minh mẫn, thần vũ hùng tài, vĩ lược tuyên từ, khoan hoà khải tường, tập khánh linh cảm, phù ứng thân hưu, đỉnh huống diễn khánh, thuần hà hoằng du, phỉ liệt quảng vân, dịch triết hồng hưu, kiến võ dương văn, tuy lộc sùng đức, dương uy hiển thánh thần công hữu đạo, trí nhân anh quả cao minh - Bác hậu - duệ triết .
Hoàng đế . Nay sắc phong .
Ngày 26 tháng 10 năm Cảnh Thịnh 1 (1790)
LÝ NAM ĐẾ NGỌC PHẢ CỔ TRUYỀN
Thuở xưa xứ Kinh Bắc châu Dã Năng có nhà ông Toản họ Lý, vợ là Lê Thị Oánh người Ái Châu. Gia đình ông bà họ Lý tu nhân tích đức làm nhiều việc thiện. Năm Lý công ngoài bốn mươi, bà Lê thái ngoài ba mươi, một hôm bà nằm mơ thấy trời đất lờ mờ, trên trời có mây năm sắc, có hai rồng vàng, trắng chầu mặt trời, rồi ánh sáng như ngôi sao sa xuống miệng bà, rồng vàng xuống ấp nơi bụng bà. Khi tỉnh lại, biết là vừa qua giấc mộng, bà thuật lại cho ông Lý công hay. Từ đó bà hoài mà thụ thai. Năm Quý Mùi, tháng 9 ngày 12, giờ Thìn, bà sinh ra một con trai mặt mũi khôi ngô rất khác thường. Năm lên ba tuổi, ông bà đặt tên là Bí. Năm 5 tuổi, Lý công tạ thế, năm 7 tuổi, bà Lê thái qua đời, cảnh nhà thanh bạch, Lý Bí phải về ở với ông chú. Một hôm, vị Pháp tổ Thiền sư gặp, thấy diện mạo Lý Bí khác thường, liền bảo người chú trao lại cho làm con nuôi cụ, sau ắt sẽ trở nên người hiền. Chú nghe lời và trao Lý Bí cho Thiền sư. Về sau, nhân dân thôn Giang Xá đón vị sư về trụ trì ngôi chùa Linh Bảo, Thiền sư đem theo Lý Bí về ở chùa Linh Bảo. Từ đây hàng ngày Lý Bí chăm chỉ học hành tu luyện, sau giờ học thường cùng Long thần đối toạ (Lý Bí bẩm sinh có dị dạng đế vương). Về sau, một hôm, có kẻ gian vào chùa lấy trộm mũ áo của sư, sư trách Đế (Lý Bí) không cẩn thận. Đế bèn lấy bút viết lên tượng Long thần “Ngã giáng cấp lưu lỵ xứ”, liền sau đó thấy kẻ gian đến tự thú, đem trả mũ áo. Long thần báo mộng cho dân làng biết “vì chùa sư bị mất trộm mũ áo, ở chùa, tiểu là Lý Bí trách phạt giáng cấp ta, nay không ai tâu với Đế giải cho ta”. Làng bị động, dân thấy mộng báo bèn đến nói sư, sư bảo Đế (tiểu Bí) “người trách phạt Long thần nên trong làng bị động”, người cấp giải cho Long thần, dân làng được yên. Qua thời gian, trên 10 năm, Lý Bí học hành rất thông minh, tài trí nổi tiếng khắp nơi.
Thời bấy giờ nước Việt bị nhà Lương cai trị, đứng đầu là Thứ sử Tiêu Tư, bọn quan quân nhà Lương rất tàn bạo, Lý Bí chứng kiến cảnh cực khổ của nhân dân ta, ông liên kết với hào kiệt trong vùng, tuyển mộ binh sỹ, được nhiều người quy tụ, tuyển mộ ở châu Dã Năng, Chu Diên được 3000 người. Ngày mùng 4 tháng 2, ông hội các binh sỹ tại chùa Linh Bảo, Giang Xá, lập đàn tế trời đất. Ông khấn nguyện ra quân cứu nước, lập tức thấy trời nổi giông tố sấm sét, có mây ngũ sắc che trên chính đàn (đó là điềm tốt Đế vương chi triệu). Sau một tháng, ngày mùng 10 tháng 3 năm Nhâm Tuất (542), ông tổ chức khao quân, chỉnh đốn binh mã, lạy tạ Thiền sư, tiến quân đến Dã Năng đánh giặc Lương. Cuộc khởi nghĩa lớn có sự ủng hộ khắp các địa phương, quân giặc thua to, Thứ sử Tiêu Tư bỏ chạy về Tàu. Triệu Túc trấn giữ miền Quảng Châu, giúp việc quốc chính. Đế cứ Long Biên thành, nhà Lương sai Tôn Quýnh cùng Lư Tử Hùng sang vùng Hợp Phố, bị quân ta đánh chạy xuống phía nam, giặc Chăm pa sang cướp phá. Vua cử tướng Phạm Tu đem binh mã vào đánh tan quân giặc, thu lại châu Cửu .
Mùa xuân năm Giáp Tý (544), Lý Bí lên ngôi Hoàng đế, lập kỷ nguyên Thiên Đức, đặt tên nước là Vạn Xuân. Đất nước ta được độc lập tự chủ, dân ta được sống thanh bình. Các đất: Dã Năng, Chu Diên, Giang Xá, Thái Bình, Gia Ninh, Tân Xương, Liêu Đông đều được phong là Thang Mộc ấp . Dân xin được lập sinh từ để vè sau cúng tế. Năm Ất Sửu (545), giặc Lương sang đánh nước ta, chỉ huy là Trần Bá Tiên, Đế bị thua ở Long Biên. Đế rút quân qua vùng Giang Xá, nhân dân địa phương đón mừng lưu luyến, vì thế quân giặc lúc bấy giờ rất mạnh nên Đế phải rút sang Gia Ninh rồi chạy sang Tân Xương. Đế bị thua to ở Điển Triệt hồ, Đế lui quân vào Khuất Liêu đồng, trao binh quyền cho Triệu Quang Phục chống quân Lương hai năm ròng chưa phân thắng bại. Thơ rằng:
Thư hùng vị quyết tại hà nhân?
Lưỡng tướng giai đồng báo nghĩa quân
Thiết thạch nhất tâm ư quốc sự
Danh dị thiên cổ thử trung thần.
Lý Bí ở Khuất Liêu động, ngày mùng 2 tháng 5 năm 548, tự nhiên thấy trời tối đen, một người hiện lên trước mặt và hát rằng:
Lý quân hề, Lý quân hề
Kim phụng vân đế triệu vân thê
Long xa kim nhật hồi thiên thượng
Quốc thế truyền lai Phật tử hề.
Đế tỉnh lại, nói mộng sự cho quần thần, bỗng một cơn đau đầu rồi mất. Thần mai táng ngay tại Khuất Liễu động.
Lý Thiên Bảo lên ngôi, sắc phong Quốc vương thiên tử Lý Nam Đế, truyền lập lăng để thờ, nhân dân các đất Thang Mộc ấp nghinh sắc về thờ. Về sau, Lý Phật Tử (tập vị) lên ngôi bao năm xuân thu quốc tế (Đền Giang Xá sau các quan về tế xuân, nên gọi là đền quốc tế).
Sau này các triều Đinh, Lý, Trần, Lê khi dựng nên cơ nghiệp đều truy phong Hộ quốc lịch đại Đế vương và gia phong mỹ tự, nguyện đời đời ghi nhớ công ơn.
Hồng phúc nguyên niên
Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn.
Thừa sao khắc vào bi ký
Tự Đức năm thứ năm
Hương trưởng
Lê Văn Túc
Phụng tả
GIÁN NIÊN NHẬP TỊCH TẤU VĂN
Phiên âm:
Duy: Việt Nam xã hội chủ nghĩa cộng hòa quốc. Tuế thứ Giáp Thân niên, chính nguyệt kiến Bính Dần sóc Canh Tý việt thập nhất nhật Canh Tuất. Hà Tây tỉnh, Hoài Đức huyện, Trạm Trôi thị trấn, Giang Xá thôn. Kỳ lão nhân dân thượng hạ đồng thôn đẳng cẩn dĩ hương hoa, thanh chước, phù lưu, kim ngân, trai bàn. Phi nghi thứ phẩm. Cảm chi cáo vu Quốc vương thiên tử Tiền Lý Nam đế huý Bí, luỹ triều sắc chỉ gia phong Quốc vương thiên tử Lý Nam Đế, thích viết Hồ Thiện thượng sĩ, trung túc an dân, bảo quốc vĩnh thế, thông hoạt minh mẫn, thần vũ hùng tài, vĩ lược tuyên từ, khoan hoà khải tường, tập khánh linh cảm, phù ứng thân hưu, định huống diễn khánh, thuần hà hoằng du, phỉ liệt quảng vận, dịch triết hồng hưu, kiến võ dương văn, tuy lộc sùng đức, dương uy hiển thánh, thần công hữu đạo, trí nhân anh quả, cao minh bác hậu duệ triết.
Hoàng đế bệ hạ vị tiền viết: Lệ hữu nhập tịch kỳ phúc xướng ca thừa nghênh tất cáo lễ dã. Cung duy Thánh đế, sơn nhạc dục anh, hải hà chung tú, bình tích ung dung, khí tượng quân sư phụ mẫu nhất bang tôn. Cổ kim dương dật thanh danh, thiên địa quỷ thần vạn vật chủ. Gián niên tiết thuộc huyên hòa thường lệ diên trần ca vũ. Hoả chiếu tinh kỳ thiên hữu ảnh, vân tập y quan kim trang long giá. Địa vô trần, lôi oanh chinh cổ vọng cảm u nghiêm tỉ giai khang phụ.
Cẩn cáo.
Dịch nghĩa: Văn tế nhập tịch
Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Năm Giáp Thân, tháng Giêng (Bính Dần sóc) (tuần đầu từ mồng 1 đến 15) (giờ Canh Tý) (bắt đầu năm mới), ngày 11 (Canh Tuất). Tỉnh Hà Tây, huyện Hoài Đức, thị trấn Trạm Trôi, thôn Giang Xá. Kỳ lão nhân dân cùng các ban nghành trên dưới toàn thôn thành tâm tu thiết hương hoa, trầu rượu, kim ngân, các mâm lễ vật mở hội mừng xuân. Kính cẩn dâng lễ vật.
Nay, trước bệ ngọc xin được tâu rằng: Theo lệ có lễ nhập tịch cầu phúc, dùng hát ca để nghinh đón ắt phải tấu lễ như vậy. Nay kính cẩn tưởng nhớ về Thánh đế, núi non dưỡng dục thành đấng anh tài, sông biển hun đúc bao điều tốt đẹp, khí chất tượng bậc quân vương chủ soái, xứng đáng là bậc phụ mẫu được nhân dân cả nước tôn kính. Xưa nay danh thơm của người tràn đầy tựa biển lớn, thiên địa quỷ thần đều tôn Người làm chủ. Năm nay, thời tiết tốt đẹp, theo lệ diên trần hát ca. Ánh đuốc sáng soi cờ quạt in hình lên tận trời cao. Mây lành tụ trên áo mũ, sắc vàng tô thêm đẹp long ngai. Đất còn mờ tối mà tiếng trống chiêng đã vọng vang như tiếng sấm, cảm động đến tận chốn u linh, theo đó mà mọi việc đều tốt đẹp.
Kính cẩn tấu trình.
YÊN VỊ VĂN
Phiên âm:
Duy: Việt Nam xã hội chủ nghĩa cộng hòa quốc. Tuế thứ Giáp Thân niên, chính nguyệt kiến Bính Dần sóc Canh Tý việt thập nhất nhật Canh Tuất. Hà Tây tỉnh, Hoài Đức huyện, Trạm Trôi thị trấn, Giang Xá thôn. Kỳ lão nhân dân các ban ngành thượng hạ đồng thôn đẳng cẩn dĩ hương hoa, thanh chước, phù lưu, kim ngân trai bàn, hàn hâm thịnh đấu kỳ ca lạc. Phi nghi thứ phẩm. Cảm chi cáo vu Quốc vương thiên tử Tiền Lý Nam đế huý Bí, luỹ triều sắc chỉ gia phong Quốc vương thiên tử Lý Nam Đế, thích viết Hồ Thiện thượng sĩ, trung túc an dân, bảo quốc vĩnh thế, thông hoạt minh mẫn, thần vũ hùng tài, vĩ lược tuyên từ, khoan hoà khải tường, tập khánh linh cảm, phù ứng thân hưu, định huống diễn khánh thuần hà hoằng du, phỉ liệt quảng vận, dịch triết hồng hưu, kiến võ dương văn, tuy lộc sùng đức, dương uy hiển thánh, thần công hữu đạo, trí nhân anh quả, cao minh bác hậu duệ triết.
Hoàng đế bệ hạ. Vị tiền.
Viết: Tư khất yên vị tất cáo lễ dã.
Thánh đế Nam thiềm xướng nhân phù nghĩa sinh tiền nhất quốc quân sư Tây giao Hán hoạn ngự tai đức đại lưỡng gian thiên địa thần bất độ tư giá ngôn lệ chỉ phùng hồng tố phu vinh chi hội chu toàn phương khải hoa diên tương thanh linh trai tác chi thành tự hưởng nguyện an bảo vị phu giám tinh thường trùng thân phúc chỉ hiển đạt kỳ mông đế quyến đầu giác tranh vanh khang cườn hạnh hưởng thiên niên tu nhang ôn tuý doãn kiến an khang toàn tư ấm tỷ.
Phục duy thượng hưởng.
Dịch nghĩa : Văn tế yên vị
Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Năm Giáp Thân, tháng Giêng (Bính Dần sóc) (tuần đầu từ mồng 1 đến 15) (giờ Canh Tý) (bắt đầu năm mới), ngày 11 (Canh Tuất). Tỉnh Hà Tây, huyện Hoài Đức, thị trấn Trạm Trôi, thôn Giang Xá. Kỳ lão nhân dân cùng các ban nghành trên dưới toàn thôn thành tâm tu thiết hương hoa, trầu rượu, kim ngân, các mâm lễ vật mở hội mừng xuân. Kính cẩn dâng lễ vật.
Nghiêm chỉnh thưa rằng, Đức Thánh là Quốc vương Thiên tử Tiền Lý Nam Đế, huý Bí, sắc chỉ của các triều đại đều gia phong mỹ tự Quốc vương Thiên tử, còn gọi là Hộ Thiện thượng sĩ, trung túc an dân, bảo quốc vĩnh thế, thông hoạt minh mẫn, thần vũ hùng tài, vĩ lược tuyên từ, khoan hoà khải tường, tập khánh linh cảm, phù ứng thân hưu, định huống diễn khánh, thuần hà hoằng du, phỉ liệt quảng vận, dịch triết hồng hưu, kiến võ dương văn, tuy lộc sùng đức, dương uy hiển thánh, thần công hữu đạo, trí nhân anh quả, cao minh bác hậu duệ triết.
Nay xin Người yên vị nghe lời thỉnh lễ.
Cung kính.
Thánh đế ban nhân phù nghĩa, sinh thời Người là một đấng Quân vương kiêm chủ soái cứu nguy, chống nạn. Đức lớn của Người bao trùm cả thiên địa, khảng khái không nghe lời xiểm nịnh. Người mang những điều may mắn, tốt đẹp ban phát cho mọi người. Nơi nơi được hưởng hương thơm, ân huệ. Nay lễ bái cầu Người yên vị, tâm thành phúc trọng hiển đạt. Chúc Hoàng tộc đạt được đỉnh cao của sự khang cường và tinh tuý để che chở cho mọi nhà.
Kính cẩn dâng lên lời chúc tụng.
TỰ PHỤNG DẠ CHÍ TỊCH TẤU VĂN
Phiên âm:
Duy: Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa Cộng hòa quốc. Tuế thứ Giáp Thân niên, chính nguyệt kiến Bính Dần sóc Canh Tý việt thập nhất nhật Canh Tuất. Hà Tây tỉnh, Hoài Đức huyện, Trạm Trôi thị trấn, Giang Xá thôn. Kỳ lão nhân dân, đồng thôn đẳng thượng hạ toàn thôn đẳng cẩn dĩ hương hoa, thanh chước, phù lưu, kim ngân, trai bàn. Phi nghi thứ phẩm. Cảm chi cáo vu cửu tính tiên linh. Tư nhân phụng dạ chí tịch tất cáo lễ dã. Cung thỉnh.
Nguyễn tính tiên linh cung thỉnh
Đỗ tính tiên linh cung thỉnh
Bùi tính tiên linh cung thỉnh
Giang tính tiên linh cung thỉnh
Lê tính tiên linh cung thỉnh
Hồ tính tiên linh cung thỉnh
Trần tính tiên linh cung thỉnh
Trịnh tính tiên linh cung thỉnh
Cao tính tiên linh cung thỉnh
Cung nghênh cửu tính tiên linh trắc giáng trung đình đồng lai giám cách.
Phục duy thượng hưởng.
Dịch nghĩa: Bài văn chí tịch trong lễ thờ đêm
Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Năm Giáp Thân, tháng Giêng (Bính Dần sóc) (tuần đầu từ mồng 1 đến 15) (giờ Canh Tý) (bắt đầu năm mới), ngày 11 (Canh Tuất). Tỉnh Hà Tây, huyện Hoài Đức, thị trấn Trạm Trôi, thôn Giang Xá. Kỳ lão nhân dân cùng các ban nghành trên dưới toàn thôn thành tâm tu thiết hương hoa, trầu rượu, kim ngân, các mâm lễ vật mở hội mừng xuân. Kính cẩn dâng lễ vật
Nay nhân lễ chí tịch xin mời tiên linh chín dòng họ nghe lời thỉnh lễ.
Cung thỉnh tiên linh họ Nguyễn.
Cung thỉnh tiên linh họ Đỗ.
Cung thỉnh tiên linh họ Bùi.
Cung thỉnh tiên linh họ Giang.
Cung thỉnh tiên linh họ Lê.
Cung thỉnh tiên linh họ Hồ.
Cung thỉnh tiên linh họ Trần.
Cung thỉnh tiên linh họ Trịnh.
Cung thỉnh tiên linh họ Cao.
Cung kính nghênh đón chín vị tiên linh trắc giáng trung đình chứng giám, thượng hưởng.
Kính cẩn dâng lên lời chúc tụng.
DANH SÁCH NHỮNG NGƯỜI CUNG CẤP THÔNG TIN
STT
Họ tên
Giới tính
Tuổi
Nghề nghiệp
1
Nguyễn Tiến Chất
Nam
65
Nghỉ hưu
2
Bùi Hữu Dậu
Nam
70
Kinh doanh
3
Đỗ Phú Dậu
Nam
72
Nghỉ hưu
4
Nguyễn Văn Đàm
Nam
65
Nghỉ hưu
5
Đỗ Phú Hào
Nam
53
Cán bộ
6
Bùi Hữu Hảo
Nam
65
Nông dân
7
Đỗ Văn Hội
Nam
69
Nông dân
8
Nguyễn Mạnh Hùng
Nam
53
Nông dân
9
Nguyễn Văn Khang
Nam
73
Nông dân
10
Trần Văn Khoa
Nam
65
Nông dân
11
Trần Văn Luận
Nam
47
Kinh doanh
12
Phùng Thị Lưu
Nữ
50
Nông dân
13
Nguyễn Văn Minh
Nam
41
Nông dân
14
Lê Đình Nghi
Nam
84
Nghỉ hưu
15
Nguyễn Hữu Nhuận
Nam
65
Kinh doanh
16
Nguyễn Thị Phác
Nữ
61
Nông dân
17
Nguyễn Hữu Phú
Nam
72
Nghỉ hưu
18
Nguyễn Văn Thanh
Nam
61
Cán bộ
19
Giang Văn Thăng
Nam
72
Nghỉ hưu
20
Nguyễn Đức Thắng
Nam
50
Nông dân
21
Nguyễn Văn Thìn
Nam
41
Nông dân
22
Nguyễn Quốc Thuỷ
Nam
50
Nông dân
23
Giang Phi Tuấn
Nam
50
Kinh doanh
24
Đào Thị Tươi
Nữ
45
Nông dân
MỤC LỤC
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- DL 155.doc