Kinh tế Việt Nam: nhìn lại năm 2016 và triển vọng năm 2017
Ngoài những vấn đề nội tại cố hữu của nền kinh tế nội địa, tình hình kinh tế thế giới đầy bất trắc cũng sẽ tác động không nhỏ tới Việt Nam. Trước hết, việc FED tăng lãi suất cơ bản, đồng thời gợi mở khả năng sẽ có 3 đợt tăng lãi suất trong năm 2017. Động thái này không chỉ ảnh hưởng tới nền kinh tế Mỹ mà còn ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu. Một trong những thay đổi rõ rệt nhất chính là sự lên giá của đồng USD. Trong khi đó, VND hiện vẫn đang được neo giữ với USD và có xu hướng tăng giá thực so với các đồng tiền còn lại. Điều này có thể sẽ gây ra những tác động tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu và làm trầm trọng hơn tình trạng thâm hụt cán cân thương mại trong năm 2017. Việt Nam có thể phải tăng lãi suất tiền gửi để giữ giá trị tiêu dùng. Điều này có thể khiến mặt bằng lãi suất tăng, từ đó dẫn tới phản ứng dây chuyền trên thị trường bất động sản có thể làm giảm giá hoặc tăng chậm hơn dự kiến và có thể gây ra những rủi ro cho các dự án bất động sản vốn đang trong tình trạng nhạy cảm, dễ tổn thương. Bên cạnh đó, việc các nước xuất khẩu dầu đạt được đồng thuận về việc cắt giảm sản lượng khai thác kể từ tháng 1/2017 cũng có thể đẩy giá dầu tăng trở lại. Điều này tuy có lợi cho cán cân ngân sách, nhưng việc giá dầu thô và các mặt hàng năng lượng tăng trở lại có thể sẽ tạo ra sức ép lên lạm phát trong nước. Mặc dù, tất cả các vấn đề trên là dự báo, song giới chuyên gia khuyến nghị các cơ quan điều hành cần lưu ý và cẩn trọng trong việc ban hành các chính sách.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- kinh_te_viet_nam_nhin_lai_nam_2016_va_trien_vong_nam_2017.pdf