The Halong Bay geological wonder was estimated by four criteria. The first criterion on geological diversity consists
of the items such as material formations of lithology, minerals and fossils; geological tectonics, structures and evolution,
geological environment; landform-geomorphology; and natural landscape. The second on unique, unusualness and
grandiosity was measured by items of special periods of paleography; tropical Karstic process on the dissimilar
basement of carbonate lithology and tectonic uplift; special role of sea for the Karstic process; grandiose space of seaislands, and large scale of Karst. The third on aesthetics was estimated by the beauty generated from geological objects,
island topography, colorful world, and from biota. The last on anticipative values related closely to geological characters
included potentials of biodiversity, economy, culture, and defense. This paper contributed to establishing the method for
estimation of a geological wonder and knowledge of the outstanding values of Halong Bay which has just voted as one
of Global New7Wonders of Nature on 11th November 2011 and can be used as an instruction for geological tourism in
the Bay
11 trang |
Chia sẻ: honghp95 | Lượt xem: 553 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Kỳ quan địa chất vịnh Hạ Long, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
162
34(2), 162-172 Tạp chí CÁC KHOA HỌC VỀ TRÁI ĐẤT 6-2012
KỲ QUAN ĐỊA CHẤT VỊNH HẠ LONG
TRẦN ĐỨC THẠNH
E-mail: thanhtd@imer.ac.vn
Viện Tài nguyên và Môi trường Biển
Ngày nhận bài: 12 - 11 - 2011
1. Mở đầu
Vịnh Hạ Long (VHL) thuộc tỉnh Quảng Ninh
và giáp Hải Phòng, nằm trong hệ tọa độ: 106°58'-
107°22'E và 20°45'-21°15'N, có diện tích: 1553km²
và bao gồm 1969 hòn đảo lớn nhỏ, sâu nhất 25m
và trung bình 5m. Năm 1994, vịnh được UNESCO
công nhận là Di sản Thế giới theo tiêu chí 3 của
Công ước Di sản Thế giới, có cảnh quan thiên
nhiên nổi bật với vẻ đẹp mang giá trị thẩm mỹ cao.
Năm 2000, UNESCO công nhận vịnh lần thứ hai là
di sản thế giới có giá trị toàn cầu nổi bật về địa chất
lịch sử, địa mạo karst theo tiêu chí 1 của Công ước.
Ngày 11 tháng 11 năm 2011, Vịnh Hạ Long đã
được bình chọn là một trong 7 kỳ quan thiên
nhiên thế giới mới do Tổ chức New7Wonders
thực hiện.
Giá trị di sản địa chất của VHL đã được một số
tác giả đánh giá [1, 10, 12, 13, 15, 21, 23]. Bài báo
này nhìn nhận và đánh giá các giá trị nổi bật của
VHL dưới góc độ một kỳ quan địa chất, theo các
tiêu chí: (i) đa dạng địa chất; (ii) mỹ học; (iii) kỳ
vỹ, độc đáo và đặc sắc; (iv) các giá trị đi kèm [16,
17], đồng thời còn góp phần xây dựng phương
pháp đánh giá một kỳ quan địa chất nói chung.
2. Giá trị đa dạng địa chất gắn với lịch sử địa
chất lâu dài
2.1. Đa dạng về các thành tạo vật chất
Các loại đá trong khu vực chủ yếu nhóm trầm
tích, nhưng khá đa dạng về nguồn gốc và tuổi
thành tạo, thuộc về hơn mười hệ tầng, trong khi các
loại đá biến chất và magma phân bố rất hạn chế
[22] (bảng 1).
Bảng 1. Tính đa dạng của các loại đá ở khu vực
Vịnh Hạ Long
Trầm tích Hệ tầng Phân bố chủ yếu
Đá trầm tích vụn thô
Lục nguyên và sét
vôi
Sông Cầu (D1 sc) Quần đảo Bái Tử
Long
Cát, bột, cuội Dưỡng Động
(D1-2 dđ)
Trà Bản, Trà Ngọ và
Ba Mùn,...
Cát, bột chứa than Hòn Gai (T3n-r hg) Dải Yên Lập -
Cẩm Phả - Cái Bầu
Lục nguyên Nà Khuất (T2 nk),
Mẫu Sơn (T3c ms)
Hoành Bồ
Lục nguyên nâu đỏ Hà Cối (J1-2 hc) Tiên Yên - Hà Cối
Bột, cát Đồng Ho (E3-Nđh),
Tiêu Giao (N2 tg)
Ven vịnh Cửa Lục
Đá trầm tích nguồn gốc hoá học
Đá vôi lớp, xám sẫm Bản Páp (D2 bp), Bái Tử Long:
Trà Ngọ, Trà Bản,...
Đá vôi khối,
xám sáng
Bắc Sơn (C1 - P bs) Các đảo phía Tây
vịnh Hạ Long
Thạch nhũ măng, nhũ, cột,
dòng, khối
Hang động
Dolomit Bắc Sơn (C1 - P bs) Các đảoTây vịnh
Hạ Long
Silit Bắc Sơn (C1 - P bs) Các đảo Tây vịnh
Hạ Long
Phiến silic Bãi Cháy (P2 bc) Sơn Dương,
Bãi Cháy, Giáp Khẩu
Trầm tích nguồn gốc hữu cơ
Than đá antraxit Hòn Gai (T3n-r hg)
Than bùn Trầm tích Holocen Đầm lầy ven vịnh
Đá dầu Đồng Ho (E3-Nđh) Tiêu Giao, Đồng Ho,
Trới,...
Đá trầm tích phun trào
Vụn núi lửa tufogen Cô Tô (O3 - S ct) Cô Tô, Thanh Lam,
Chàng Tây,
Trầm tích phun trào
axit
Trung sinh Đới Yên Tử, Tiên
Yên - Hà Cối
Trầm tích bở rời
Bột và sét dẻo quánh Hang động Nền đáy hoặc vách
hang
Tảng, cuội, cát, Đa nguồn gốc Phân bố rộng khắp
163
Khoáng vật trong khu vực khá đa dạng, nhưng
phổ biến chỉ là các khoáng vật tạo đá trầm tích, ít
loại đặc biệt, hiếm gặp đá quý hoặc ngọc quý. Một
số khoáng vật có ý nghĩa kinh tế khoáng sản và du
lịch như Kaolinit, Thạch anh, Calcit và Dolomit.
Nhiều nơi Calcit tạo nên các khối, mạch tinh thể
lớn màu trắng trong đá vôi, có giá trị thăm xem và
trang trí; Aragonit tạo nên các khối thạch nhũ tuyệt
đẹp trong các hang động.
Hoá thạch động thực vật rất phong phú và đa
dạng, thuộc nhiều nhóm ngành khác nhau, đại diện
cho các thời kỳ tiến hoá của sinh giới trong khu
vực [22]. Những loại phổ biến và có giá trị gồm:
Trùng lỗ, Trùng tia, Bút đá, Bọ ba thuỳ, Răng nón,
San hô, Ruột khoang Lỗ tầng, Rêu động vật, Huệ
biển, Tay cuộn, Thân mềm Hai mảnh vỏ, Chân
bụng và thực vật (bảng 2).
Bảng 2. Các nhóm hoá thạch phổ biến ở khu vực
Vịnh Hạ Long
Nhóm hoá thạch Hệ tầng phân bố
Thực vật Đồ Sơn (D2 đs), Hòn Gai (T3 nr), Đồng Ho (E3-
N), Tiêu Giao (N2 tg)
Rêu động vật Bắc Sơn (C1-P bs)
Trùng lỗ Phố Hàn (D3fm-C1 ph), Tràng Kênh (D2 tk),
Bản Páp (D2 bp), Bắc Sơn (C1-P bs), Bãi Cháy
(P2 bc)
Trùng tia Bãi Cháy (P2 bc)
Bút đá Cô Tô (O3-S ct)
Răng nón Mặt cắt chuyển tiếp Devon và Cacbon
San hô Kiến An (S3-4ka); Tràng Kênh (D2 tk), Bản Páp
(D2 bp; Dưỡng Động
(D1-2 dđ), Bắc Sơn (C1-P bs)
Ruột khoang lỗ
tầng
Tràng Kênh (D2 tk), Bản Páp (D2 bp)
Huệ biển Bắc Sơn (C1-P bs)
Tay cuộn Đồ Sơn (D2 đs), Bắc Sơn (C1-P bs), hệ tầng
Bãi Cháy (P2 bc)
Thân mềm Đồ Sơn (D2 đs), Bắc Sơn; Tiêu Giao (N2 tg)
Cá cổ Đồ Sơn (D2 đs)
Hoá thạch trong các tầng trầm tích là những sử
liệu đá ghi lại những biến cố địa chất và tiến hoá
của sự sống, đồng thời còn có giá trị du lịch địa
chất. Có những nhóm, ngành đã biến mất từ lâu
trên Trái Đất như: động vật Bút đá, Răng nón và
Thực vật cổ. Có ngành, như động vật Tay cuộn,
một thời hưng thịnh ở biển, nay gần như bị tuyệt
diệt, chỉ còn lại một vài hậu duệ, gọi là “hoá thạch
sống”, trải qua hàng trăm triệu năm mà hình thái
hầu như chẳng khác xưa, như con Giá biển
(Lingula) hiện vẫn gặp ở VHL. Có những nhóm,
ngành như Cá cổ, Hai mảnh vỏ, San hô, Trùng
lỗ,... liên tục thích nghi, tiến hoá và hậu duệ của
chúng nay vẫn còn phong phú trong vịnh [10, 16].
2.2. Đa dạng về kiến trúc, cấu tạo và có quá trình
tiến hoá địa chất lâu dài
Hạ Long và các vùng lân cận có lịch sử tiến hoá
trong bốn thời kỳ lớn, kéo dài khoảng 3 tỷ năm.
Vào thời kỳ Tiền Cambri (3-0,75 tỷ năm trước),
móng kết tinh được hình thành. Thời kỳ Tân
nguyên - Cổ sinh giữa (750-350 triệu năm trước),
địa khu Liên hợp Việt - Trung được tạo nên nhờ
chuyển động tạo núi Caledoni vào cuối Silur. Thời
kỳ Cổ sinh muộn - Trung sinh (350-65 triệu năm
trước) khởi đầu bằng sự hình thành các bể trầm
tích carbonat dày trên nghìn mét vào các kỷ
Carbon - Permi, sau đó là dải địa hào chứa than
Hòn Gai - Bảo Đài vào kỷ Trias. Vào thời kỳ Tân
sinh khoảng 65 triệu năm qua, đã hình thành các
cấu trúc khối tảng và bồn trũng cục bộ như địa hào
Hòn Gai và trũng Hoành Bồ [22]. Lịch sử tiến hoá
địa chất và chuyển động kiến tạo để lại dấu ấn là
những đứt gãy, nếp uốn, địa hào, địa luỹ, bồn trũng
và hơn mười hệ tầng đánh dấu những thay đổi sâu
sắc hoàn cảnh cổ địa lý khu vực và tạo nên sự đa
dạng cảnh quan địa hình ngày nay. Tại Cát Bà, đã
phát hiện được ranh giới chuyển tiếp giữa Devon
và Carbon [5, 22], ứng với sự thay đổi lớn về sinh
giới và sự biến đổi đột ngột các gía trị cổ từ [20],
cực kỳ quý hiếm, có giá trị khoa học đặc biệt mang
tầm thế giới.
VHL ngày nay mới được hình thành trong 7-8
nghìn năm qua. Nhưng để được vậy, đã phải có
một biển cổ tích tụ tầng đá vôi dày trên ngàn mét
hình thành trong khoảng 340-250 triệu năm trước,
một thời kỳ xâm thực karst kéo dài trên 20 triệu
năm trong môi trường lục địa kỷ Neogen và Nhân
sinh và phải có một biển tiến hành tinh liên quan
tới trái đất ấm lên - băng tan trong hơn vạn năm
qua với 6 giai đoạn phát triển [10, 22]. Các di tích
vỏ hàu hà bám trên vách đá Hạ Long ở khoảng độ
cao 7-10m có tuổi tuyệt đối trên 40.000 năm và tại
các khoảng độ cao 3,5-5,5m, có tuổi khoảng 2200-
5500 năm [3] rất có ý nghĩa đối với nghiên cứu dao
động mực nước biển trong Pleistocen muộn -
Holocen, góp phần nâng cao hiểu biết và ứng xử
với mực nước biển dâng cao do Trái Đất ấm lên
hiện nay.
2.3. Đa dạng về môi trường trầm tích
VHL đã trải qua những hoàn cảnh cổ địa lý rất
khác nhau, qua nhiều lần sụt chìm - biển tiến và tạo
164
sơn - biển thoái. Vịnh đã từng là biển sâu có cung
đảo núi lửa vào các kỷ Cambri - Ordovic - Silur
(550 - 410 triệu năm trước), là biển nông vào các
kỷ Carbon - Permi (340-250 triệu năm trước), là
biển ven bờ vào cuối Paleogen - đầu Neogen (26-
20 triệu năm trước) và trải qua một số lần biển lấn
trong kỷ Nhân sinh (2 triệu năm qua) nằm xen giữa
các thời kỳ lục địa kéo dài với địa hình đồi núi,
thung lũng, hồ - đầm hoặc đồng bằng.
VHL mang nhiều giá trị quý giá cho khoa học
Địa chất kỷ Nhân sinh và Địa chất biển [10, 12].
Các bậc thềm biển nâng cao, các bề mặt phân bậc
dưới đáy vịnh, các dòng sông cổ ngập chìm, hang
động và trầm tích hang động, các ngấn biển cổ và
bệ hầu hà nằm cao trên vách đá là kho tư liệu quý
giá nghiên cứu biến động mực nước biển cổ và
hiện đại và ảnh hưởng của chúng tới con người từ
các nền văn hoá tiền sử cho đến ngày nay [4, 9].
Môi trường trầm tích hiện đại của vịnh cũng hết
sức đa dạng với những nét tiêu biểu và độc đáo.
Ngoài hai kiểu chính là vịnh biển (coastal bay) và
đảo đá vôi (limestone islands), còn có các môi
trường hang động (caves and grottoes); kênh triều
(tidal channels) kế thừa từ các lòng sông cổ bị ngập
chìm; bãi triều (tidal flat), bãi lầy sú vẹt (mangrove
swamp), rạn san hô (coral reef); bãi cát biển (sandy
beach) - trong đó có những bãi chủ yếu cấu tạo từ
cát vỏ vôi sinh vật biển; hồ nước mặn (saline lake)
mà tiếng địa phương gọi là tùng hoặc áng,... [4].
2.4. Đa dạng về địa hình - địa mạo và cảnh quan
tự nhiên
VHL có 1969 hòn đảo nhỏ được phân thành 3
nhóm bậc địa hình. Nhóm cao 140-220m có các
đỉnh cao nhất ứng với mặt san bằng Pliocen. Nhóm
50-130m phổ biến nhất phát triển vào đầu Đệ tứ.
Nhóm cao 10-14m chịu ảnh hưởng của biển vào
Pleistocen muộn - Holocen.
VHL hội đủ tất cả các dạng cơ bản của địa hình
karst như đồng bằng karst; phễu và thung lũng;
chóp và tháp karst. Tại đây, rất phổ biến kiểu địa
hình karst kiểu Phong Tùng (Fengcong) và Phong
Linh (Fengling) đặc trưng cho giai đoạn phát triển
tận cùng của quá trình karst nhiệt đới. Kiểu chóp
Phong Tùng gồm các cụm đồi đá vôi hình nón nằm
kề nhau, điển hình là ở khu đảo Bồ Hòn và Đầu Bê
(ảnh 1, hình 1). Các chóp thường có đỉnh cao trên
dưới 100m, cao nhất 200m, vách rất dốc. Kiểu tháp
Phong Linh có các đỉnh tách rời nhau, với hàng
trăm hòn tháp có vách dốc đứng. Các chóp và tháp
có thể liên kết thành tổ hợp hoặc dãy hoặc đứng
đơn lẻ trên mặt biển (ảnh 2, 3).
Ảnh 1. Karst chóp đá kiểu Phong Tùng
(nguồn: Waltham Tony)
Hình 1. Các dạng địa hình Karst chủ yếu
trên đảo Đầu Bê [23]
Ảnh 2. Tổ hợp Karst tháp đá kiểu Phong Linh
(nguồn: Trần Đức Thạnh)
165
Ảnh 3. Hòn Bút - Tháp đơn kiểu Phong Linh
(nguồn: Đinh Văn Huy)
Hang động VHL rất phong phú và đa dạng,
được biết có trên 24 chiếc (hình 2) và thuộc về ba
nhóm chính. Nhóm thứ nhất là di tích các hang
ngầm cổ (còn gọi là hang treo), tiêu biểu là hang
Sửng Sốt, động Tam Cung, động Lâu Đài, động
Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, động Thiên Long, động
Hoàng Long,... Nhóm thứ hai là các hang nền
karst, tiêu biểu là Trinh Nữ, Bồ Nâu, Tiên Ông,
Hang Trống,... Nhóm thứ ba là hang hàm ếch biển,
hình thành do quá trình biển, tiêu biểu là ba hang
thông nối ở khu hồ Ba Hầm và hang Luồn ở đảo
Bồ Hòn (ảnh 4).
Tuổi của các hang động trên Vịnh Hạ Long cho
đến nay còn thiếu các tài liệu phân tích chính xác,
phần nhiều dự đoán theo các dấu hiệu gián tiếp.
Nhóm hang ngầm cổ thường có tuổi rất cổ,
được hình thành trong lòng khối đá vôi ở vị trí độ
cao hàng trăm mét so với hiện nay (tương ứng với
thời gian từ Miocen), thường gắn với một phễu
thoát nước trên đỉnh, phát triển qua nhiều giai đoạn
và nằm xiên dốc. Trong quá trình chia cắt sâu
sau này, một hang ban đầu có thể bị cắt thành nhiều
đoạn hang nằm ở các khoảng độ cao khác nhau,
nhưng vẫn cùng tuổi [23]. Hang Sửng Sốt (hình 3)
là một trong những hang ngầm có tuổi tương đối
trẻ, được thành tạo trong Pleistocen sớm - giữa?
với đáy phễu thoát nằm ở độ cao 50-60m. Nhóm
hang nền được hình thành do xâm thực ngang mở
rộng và trong khu vực Vịnh Hạ Long có thể có mối
quan hệ chặt chẽ với dao động của cá mực biển cổ
Pleistocen muộn, có nền hang nằm trong khoảng
độ cao 6-12m có khả năng có tuổi Pleistocen muộn
- Holocen giữa như hang Trinh Nữ (hình 4 ).
Hình 2. Các hang động chủ yếu trên VHL [23]
166
Ảnh 4. Hang Luồn - một hang hàm ếch biển có tuổi
Holocen giữa (nguồn: Waltham Tony)
Hình 3. Hang Sửng Sốt [23], một hang ngầm cổ tuổi
Pleistocen sớm - giữa?
Hình 4. Hang Trinh Nữ [23], một Hang nền tuổi
Pleistocen muộn - Holocen giữa
Theo thông báo riêng của Saito Yoshiki (Sở
Địa chất Nhật Bản), tuổi tuyệt đối C14 (mẫu HB1)
phân tích cho mẫu vỏ hầu hà tại trần Hang Luồn có
độ cao 2,5m so với mực biển trung bình (ảnh 4),
được ghi nhận là 5630 ± 40 năm trước, tức là có
tuổi Holocen giữa, ứng với mực biển tương đối cao
nhất trong biển tiến Holocen. Có thể coi đây là tuổi
của hang hàm ếch biển tiêu biểu tại Vịnh Hạ Long.
3. Giá trị độc đáo, đặc sắc và kỳ vỹ
3.1. Những thời kỳ cổ địa lý đặc biệt
Hạ Long có những thời kỳ cổ địa lý rất đặc biệt.
Kỷ Carbon (340-285 triệu năm trước) nóng ẩm,
thuận lợi cho hình thành các bể than đá khổng lồ ở
Châu Âu, thì ở đây lại là vùng khô nóng, biển
nông, hình thành nên tầng đá vôi dày, nền tảng cho
cảnh quan Karst độc đáo sau này. Trái lại, vào kỷ
Trias (240-195 triệu năm trước), khi Trái Đất nói
chung, Châu Âu nói riêng có khí hậu khô nóng thì
đây lại là vùng đầm lầy ẩm ướt với những khu rừng
khổng lồ Hạt trần, Dương xỉ, Thân đốt, tích tụ
tạo nên bể than Hòn Gai [10,12]. Phức hệ thực vật
Hòn Gai có nguồn gốc lục địa Gondwana phương
nam (trung tâm ở Châu Phi ngày nay), nổi tiếng thế
giới với sự phong phú và đa dạng, gồm các nhóm:
Hạt trần, Dương xỉ, Thân đốt,... được biết trên 195
dạng, với 62 dạng địa phương độc đáo, có nghĩa
lớn về khoa học [22].
3.2. Điển hình cho quá trình phát triển đầy đủ
Karst vùng nhiệt đới ẩm trên nền thạch học
cacbonat và kiến tạo không đồng nhất
VHL là mẫu hình tuyệt vời về karst đá vôi
trưởng thành trong điều kiện nhiệt đới ẩm, có một
quá trình tiến hoá karst hoàn thiện nhất trải qua 20
triệu năm từ thời kỳ Miocen, nhờ sự kết hợp đồng
thời giữa các yếu tố như tầng đá vôi rất dày
(khoảng 1000m), khí hậu nóng ẩm và kiến tạo
nâng chậm chạp. Ở các vùng nhiệt đới, quá trình
tiến hoá karst đầy đủ gồm 5 giai đoạn: (1) tạo đồng
bằng karst nguyên khởi; (2) tạo phễu và thung lũng
karst; (3) hình thành các cụm đồi hình chóp; (4)
phát triển các tháp có vách dốc đứng; (5) hình
thành đồng bằng karst mới [23]. Đồng bằng Karst
nguyên khởi VHL được hình thành vào cuối
Paleogen, sau giai đoạn san bằng kiến tạo hình
thành nên bán bình nguyên rộng lớn. Đó là cơ sở
để phát triển karst vào các giai đoạn 2, 3, 4 tiếp
theo và cuối cùng là hình thành đồng bằng Karst
mới trước biển tiến Holocen. Chính nền thạch học
cacbonat không đồng nhất thuộc các hệ tầng khác
nhau và quá trình kiến tạo nâng cũng không đồng
đều trên các khối tách biệt tương đối nhờ hệ thống
đứt gãy rất phát triển trong khu vực đã tạo nên bức
tranh nhiều dạng địa hình karst đại diện đầy đủ cho
167
các giai đoạn phát triển khác nhau cùng tồn tại trên
một khu vực để tạo nên sự đa dạng và phong phú
về karst.
3.3. Vai trò đặc biệt của biển đối với quá trình
karst Hạ Long
Quá trình biển vào cuối Pleistocen muộn và
trong Holocen đã tham gia trực tiếp vào quá trình
karst ở Hạ Long với các sản phẩm đặc thù được tạo
ra như ngấn biển rất phổ biến và hang hàm ếch
biển, hang luồn thuộc nhóm hang động thứ ba ở
VHL (ảnh 4, 5).
Ảnh 5. Ngấn ăn mòn biển ở chân hòn Gà Chọi
(nguồn: Nguyễn Thành Quang)
Bản chất của quá trình karst là xâm thực hoá
học đá carbonat trong điều kiện lục địa, với sự hoà
tan đá của nước có độ pH thường nhỏ hơn 7. Các
ngấn xâm thực biển, hang hàm ếch biển và hang
luồn ở VHL hình thành do quá trình ăn mòn hoá
học của nước biển cùng với tác động mài mòn của
dòng triều và sóng biển. Quá trình này xảy ra trong
điều kiện mực biển tương đối tĩnh, đã chạm trổ nên
các ngấn nông hoặc sâu trên vách đá, có khi xuyên
thủng tường đá, tạo thêm dáng vẻ độc đáo, kỳ lạ
cho các hòn đảo. Đây cũng là một trong những
kiểu bờ biển cơ bản của Việt Nam: bờ biển ăn mòn
hoá học [7, 10], hay kiểu bờ biển sinh hoá [8].
Về bản chất hoá học, nước biển kiềm không
thuận lợi cho quá trình hoà tan đá vôi (CaCO3). Ở
vùng cực, quá trình này xảy ra vì nhiệt độ thấp cho
phép nước biển giữ được nhiều khí CO2 cho quá
trình hoà tan đá vôi theo chiều thuận của công
thức: CaCO3 + CO2 + H2O →← Ca2+ + 2HCO3 [2].
Nhưng ở vùng biển nhiệt đới thì đây là một hiện
tượng lạ, mà Zenkovich, V.P. (1993) lần đầu đã mô
tả khi đến VHL [24]. Chính các vi thực vật phù du
và rong tảo biển bám trên chân vách đá vôi đã tạo
nguồn CO2 từ quá trình hô hấp vào ban đêm [6] đã
giải phóng CO2, làm tăng nồng độ HCO3- trong ”vi
môi trường” nước, tạo điều kiện cho phản ứng ăn
mòn đá vôi. VHL có những điều kiện đặc biệt
thuận lợi cho quá trình này như: thuỷ triều nhật
triều đều biên độ lớn, dòng triều mạnh, triều cường
thường vào ban đêm mùa đông lạnh, có nhiều khối
đá vôi tạo vách khá sạch dạng, phát triển nhiều khe
nứt, gãy vỡ do hoạt động kiến tạo; nước biển trong
và giàu dinh dưỡng, thuận lợi cho phát triển các vi
tảo phù du và tảo bám đá [8, 10, 23].
Ngoài các "sản phẩm đặc thù", biển và quá
trình biển còn tạo nên các sản phẩm "kế thừa và cải
biến" từ các dạng karst lục địa. Đó là các hồ nước
mặn và các tùng, áng phát triển từ các phễu và
thung lũng karst bị biển ngập.Vùng Hạ Long - Bái
Tử Long có khoảng 57 tùng và 62 áng, độ sâu
thường 1-3m. Trong đó, lớn nhất là tùng Gấu (220
ha) và áng Vẹm (28,8 ha); nhỏ nhất là tùng Mây
Đen (1,5ha) và áng Trề Môi (0,7ha) [1, 18]. Các hồ
nước mặn tiêu biểu nhất là cụm hồ Ba Hầm ở đảo
Đầu Bê và hồ nước mặn trên đảo Cống Đỏ (ảnh 6).
Ảnh 6. Hồ nước mặn trên đảo Cống Đỏ
(nguồn: Waltham Tony)
3.4. Kỳ vỹ về không gian biển - đảo và quy mô karst
VHL rộng nhất và vượt trội so với các vịnh
khác, chiếm khoảng gần 39% tổng diện tích của cả
hệ thống gần 50 vũng vịnh ở ven bờ Việt Nam. Với
diện tích 1553km² và 1969 hòn đảo, VHL có mật
độ 1,27 đảo/km2 và cứ 9 ha mặt nước biển có 1 ha
mặt đảo [1].
VHL không phải là phần lõm của biển có mũi
nhô chắn mà được tạo ra từ một hệ thống dày đặc
các đảo che chắn. Vịnh biển này kín đối với tác
động của sóng và gió từ biển vào nhờ các đảo
chắn. Dường như bất kỳ mặt cắt nào từ biển vào bờ
đều phải đi qua các hòn đảo. Nhưng vịnh lại
168
thoáng là đối với ảnh hưởng của dòng chảy, do
nằm trong vùng biển có nhật triều đều biên độ lớn
điển hình của thế giới. Dao động triều lớn, dòng
triều lên - xuống chảy mạnh dọc theo các luồng
lạch sâu (cực đại 25m) vốn là các thung lũng sông
cổ bị ngập chìm. Nhờ vậy, trao đổi nước giữa vịnh
và biển tốt, nên nước vịnh thường trong sạch.
Về quy mô karst, với độ cao, độ dốc và số
lượng các tháp đá vôi, VHL chỉ đứng sau vùng
Yangshu, Quảng Tây, Trung Quốc. Nhưng karst
nhiệt đới Hạ Long có thêm quá trình biển ngập và
xâm thực biển đã tạo lên những nét mới làm cho
địa mạo karst ở đây trở thành độc nhất vô nhị trên
thế giới [23]. Karst VHL xứng đáng có tính nền
tảng cho khoa học địa mạo, có ý nghĩa toàn cầu và
xứng đáng được gọi là “Karst kiểu Hạ Long” [22].
4. Giá trị mỹ học
Giá trị mỹ học đã tôn vinh cho VHL thành Di
sản thế giới lần đầu vào năm 1994. Vẻ đẹp vô song
của cảnh quan tự nhiên bắt nguồn từ các thuộc tính
độc đáo và đa dạng địa chất của một vùng karst đá
vôi tạo vịnh ở vùng bờ biển nhiệt đới. Giá trị cảnh
quan tự nhiên tuyệt vời đã tôn vinh cho vịnh, phản
ánh hình thể và màu sắc của một viên ngọc quý thì
giá trị địa chất, còn cấu trúc và chất liệu tạo nên
viên ngọc ấy. Mỹ học VHL gắn với địa chất học,
mang lại giá trị to lớn cho du lịch và là nguồn cảm
hứng sâu sắc, vô tận cho sáng tạo nghệ thuật [13].
4.1. Vẻ đẹp từ vật thể địa chất
Cội nguồn của giá trị thẩm mỹ siêu hạng Hạ
Long là từ các giá trị đa dạng địa chất và vẻ đẹp
của đá. Nói đến vẻ đẹp của Hạ Long, không thể
quên hang động và thạch nhũ (ảnh 7). Cái đẹp của
hang động thật huyền bí do hình khối kỳ lạ và cách
phối sáng thật khác thường. Ở đây, có những
khoảng không đen thẳm và tĩnh lặng tuyệt đối, có
những không gian mờ ảo huyền hoặc, nhưng lại có
những vùng sáng - tối rạch ròi đến mức không ngờ.
Tổ hợp thạch nhũ hang động gồm măng đá, nhũ đá
và đá dòng, tạo nên các hình khối khác nhau.
Người giàu tưởng tượng thấy tựa hình thù các đồ
vật, con giống, hình người, thậm chí hình các bậc
tiên thánh. Đó là các khối đá gồm các tinh thể
aragonite được kết tụ từ carbonat Calci hoà tan
trong quá trình ăn mòn, rửa lũ đá vôi. Nằm ở vùng
nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều, quá trình tạo thạch
nhũ tích cực, luôn có nước ngọt chảy rửa làm sạch
và bồi đắp, nên các khối này thường sáng lấp lánh
và đẹp kỳ lạ do bề mặt tinh thể phản xạ ánh sáng từ
các góc độ khác nhau.
Vẻ đẹp của đá Hạ Long còn nhiều tiềm ẩn, cần
khám phá để hiểu biết phục vụ cho du lịch địa chất.
Đó là các hoá thạch động thực vật; các khối, mạch
khoáng vật kết tinh trong đá; các uốn nếp, phân lớp
trên vách đá; các mặt trượt và dăm kết biểu hiện
của đứt gãy kiến tạo; các dạng địa hình karst và địa
hình biển hiện đại; các ngấn ăn mòn, các vết bám
của hầu hà minh chứng cho các mực biển cổ xưa,...
Cùng với sự phát triển của nhận thức về tự nhiên
và tri thức về khoa học và sự mở rộng luồng khách,
giá trị du lịch của Hạ Long không chỉ ở sự cảm
nhận vẻ đẹp tuyệt vời của cảnh quan bề ngoài, mà
còn ở sự cảm thụ những giá trị thẩm mỹ chiều sâu
đối với những biến cố vĩ đại của lịch sử kiến tạo,
cấu trúc, thành phần vật chất, loại hình, thứ bậc và
cuộc đời sinh động của mỗi hình thể, vật thể địa
chất vịnh.
Ảnh 7. Nhũ đá trong động Thiên Cung
(nguồn: Nguyễn Thành Quang)
4.2. Vẻ đẹp từ hình khối đảo
Các chóp đá Phong Tùng và các tháp đá Phong
Linh trên biển, liên kết hoặc tách rời nhau, tạo nên
cảnh quan vô cùng đặc sắc. Các quần thể chóp và
tháp đá, nhìn tổng thể thì hài hoà, hài hoà với nhau
và hài hoà với sắc cảnh biển trời, nhưng đi đến chi
tiết thì lại rất đa dạng với những nét tương phản,
nổi bật nên luôn gây cảm xúc bất ngờ. Các chóp đá
thường liên kết thành từng dãy trùng điệp, cảm
giác như tạo ra những bức tường thành hùng vĩ,
liên tục mở ra trước mắt và rồi khép lại sau đuôi
thuyền như những mê cung trên mặt biển. Các tháp
đá thường có vách dốc đứng, tách rời nhau, lẻ loi,
chập chờn trên sóng nước và chơi vơi trên mặt
biển, tạo nên cảm giác mỏng manh, cô đơn và gợi
nên một nỗi niềm man mác.
169
Địa hình karst rất đa dạng và phong phú về các
đỉnh, sườn,vách và luôn thay đổi bất ngờ về hình
dáng, góc độ và độ cao nên luôn tạo ra cảm nhận
mới lạ và ngạc nhiên. Các vùng karst lục địa cũng
có những dáng nét như vậy, nhưng thiếu cảnh biển
và điều kiện di chuyển chậm chạp nên thiếu cảm
xúc và khó cảm nhận. Biển đã nhấn chìm ngập các
các phễu, hố sụt và thung lũng karst, tạo nên những
hồ nước mặn, hoặc các tùng, áng. Chúng đều có
phong cảnh tuyệt đẹp, với rừng cây, vách đá bao
quanh vùng nước yên tĩnh, trong xanh, hiện rõ các
tập đoàn san hô và thế giới thuỷ sinh kỳ lạ, muôn
màu sắc.
4.3. Vẻ đẹp từ sắc màu không gian
Thế giới màu sắc góp phần tạo nên phong cảnh
thiên nhiên Hạ Long tuyệt đẹp và huyền ảo. Đá vôi
Hạ Long thường tinh khiết với thành phần
cacbonat canxi rất cao, màu xám, xám trắng và
trắng, khi phong hoá có vẻ màu xám xanh. Đảo và
đá dường như đậm màu xám vào ngày đông lạnh, ít
nắng, nhưng trở lên xanh sẫm khi khi trời trong,
nắng đẹp. Vào những dịp cuối xuân, đầu thu khi
sương chiều buông phủ hay sương sớm chưa tan,
quần thể đá và đảo chuyển thành màu tím sẫm.
Nước Hạ Long có màu xanh biếc, hình như không
giống bất cứ nơi nào. Nước rất xanh tạo cảm giác
vịnh rất sâu, nhờ có các loài vi tảo, trong điều kiện
ít đục phù sa sông. Đáy nông, nhưng ít khi bị sóng
khuấy đục nhờ kín sóng gió và thường có nhiều
ngày trời yên, vịnh lặng.
Đặc điểm vi địa hình vùng đá vôi trên biển tác
động nhiều đến vi khí hậu và có ý nghĩa lớn đối
với cảnh sắc của vịnh biến đổi theo thời gian và
không gian. Các yếu tố thời tiết như nắng, mưa,
nhiệt độ, độ ẩm và sương mù thay đổi trong ngày
và theo bốn mùa tạo nên những cảnh sắc rất khác
nhau trên vịnh. Phải ở Hạ Long tại nhiều thời điểm
thì mới có thể cảm nhận hết vẻ đẹp của vịnh. Có
một VHL bừng sáng, rực rỡ, nét đến từng chi tiết
trong nắng hè, sau một cơn mưa giông trên biển.
Nhưng lại có một VHL mờ ảo, chìm trong sương
khói đầu xuân.
4.4. Vẻ đẹp từ sinh cảnh
Bức tranh thiên nhiên không thể hoàn thiện và
tuyệt vời đến như vậy nếu vắng mặt các yếu tố hữu
sinh. Cây trên các đảo đá không cao lớn, ít khi tạo
thành thảm rừng, nhưng cũng đủ tô thêm màu diệp
lục xanh đậm cho bản hoà tấu gam, sắc màu xanh
của không gian trời xanh, biển xanh và đảo cũng
thường xanh. Cây xanh bám treo trên vách đá,
thích nghi với điều kiện thiếu đất, khô hạn và thiếu
dinh dưỡng, thường có dáng thân và tán lá khác lạ,
vẻ cổ kính toát lên sức sống mãnh liệt, thách thức
với những khắc nghiệt của thiên nhiên. Đôi khi, có
những tán cây xanh tốt vươn xa trên mặt vịnh, soi
bóng xuống mặt nước trong, tạo nên cảnh đẹp hơn
tranh vẽ. Thế giới dưới làn nước xanh cũng vô
cùng sinh động với các loài thủy sinh rong tảo và
tôm, cá,... Nhiều chỗ còn rạn san hô, thế giới thủy
cung thật tráng lệ, kỳ lạ, sống động và tấp nập (ảnh
8, 9). Ở đấy, màu sắc cũng rực rỡ và khác lạ so với
trên mặt vịnh. Ánh sáng tự nhiên xuyên qua làn
nước trong được khúc xạ thành các thành phần đơn
sắc, những phổ màu tách bạch, giống như sắc
cầu vồng sau cơn mưa. Du khách có dịp lặn
xuống thăm, đều ngẩn ngơ trước vẻ đẹp kỳ ảo của
chốn này.
Ảnh 8. Thảm Rong đỏ đáy Vịnh Hạ Long
(nguồn: Nguyễn Văn Quân)
Ảnh 9. Rạn san hô Vịnh Hạ Long
(nguồn: Nguyễn Đăng Ngải)
170
VHL nên thơ với vẻ đẹp đa hình, đa sắc, thanh
khiết khi bình minh lên, lung linh khi hoàng hôn
xuống, rực rỡ trong nắng trưa hè, huyền diệu trong
trong trăng đêm thu, mờ ảo trong sương mờ đầu
xuân, là nguồn cảm hứng vô tận cho thơ ca, nhạc
hoạ, nhiếp ảnh, điện ảnh từ bao đời. Các nhà thơ
lớn của nhiều thời đại như Nguyễn Trãi (TK15),
Trịnh Cương (TK18), Hồ Xuân Hương (TK19),
Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên (TK20) và cả
các nhà thơ nước ngoài như Mireible Gancel
(Pháp), Quách Mạt Nhược (Trung Quốc),... đã
không tiếc lời ca ngợi vẻ đẹp vừa thơ mộng vừa
hùng vĩ của Hạ Long. Cảm xúc thi văn của bậc vĩ
nhân được khắc trên vách đá, sống mãi với thời
gian. Những khúc hát về Hạ Long luôn làm say
đắm lòng người. Vẻ đẹp và sự độc đáo của Hạ
Long đã cuốn hút sự đam mê của biết bao họa sỹ
và nghệ sỹ nhiếp ảnh. Du khách khi đã đến Hạ
Long cảm thấy thêm yêu cuộc sống, bỗng dưng
muốn thành nghệ sỹ, chiêm ngưỡng và khám phá
để mang về những ký ức, suy tưởng và những hình
ảnh mãi mãi không phai mờ về vẻ đẹp Hạ Long.
5. Các giá trị đi kèm
5.1. Giá trị đa dạng sinh học
Đa dạng địa hình và cảnh quan tự nhiên bắt
nguồn từ đa dạng địa chất là nền tảng cho dạng
sinh học cao trên vịnh [11]. Điều kiện tách biệt với
lục địa và địa hình đá vôi hiểm trở đã góp phần bảo
vệ nhiều loài có nguy cơ bị diệt chủng. Hiện được
biết có 2186 loài sinh vật trên cạn và dưới nước,
trong đó có khoảng 50 loài quý, hiếm và đặc hữu,
đặc biệt 30 loài đang có nguy cơ tuyệt chủng được
ghi vào sách đỏ của Việt Nam và danh mục đỏ thế
giới IUCN [19]. Vịnh có các hệ sinh thái rất đa
dạng ở ven bờ, trên đảo và dưới biển, trong đó có
các hệ sinh thái tiêu biểu như rạn san hô, rừng ngập
mặn, thảm cỏ biển và các hệ sinh thái đặc biệt như
tùng áng, hồ nước mặn và hang động. Các hồ nước
mặn và tùng áng có đặc điểm sinh thái và cấu trúc
quần xã sinh vật khác hẳn bên ngoài. Chúng chính
thức được coi là một kiểu hệ sinh thái đặc thù địa
phương - hệ sinh thái tùng áng hay hệ sinh thái hồ
nước mặn [18]. Đó là những tiêu bản cổ sinh thái
được lưu giữ từ khi biển tiến Holocen tràn ngập
vào khoảng 5-7 nghìn năm trước. Một số phễu
karst bị ngập chìm, trong trường hợp có lối thông
với biển bên ngoài, trao đổi nước khá tốt, nên san
hô phát triển tạo rạn viền bờ (fringing reefs), viền
quanh các tùng, áng và hình thành nên hình thái giả
rạn vòng (pseudo-atoll) giống như các rạn vòng
giữa đại dương, có vụng (lagoon) ở giữa, hết sức
độc đáo và hiếm thấy.
5.2. Giá trị kinh tế
Tài nguyên địa chất khu vực vịnh đa dạng và
giàu có gồm: nhiên liệu; vật liệu xây dựng; nguyên
liệu sứ, gốm, thủy tinh chịu lửa; tài nguyên phân
khoáng, một số khoáng sản kim loại và tài nguyên
nước mặt, nước ngầm, nước khoáng và nước mặn
lợ ven bờ. Nổi bật trong số các tài nguyên này là
than đá, sét gạch ngói, cát thủy tinh, đá vôi cho xây
dựng và hoá chất [21, 22]. VHL là ngư trường
đánh bắt truyền thống từ lâu đời. Nuôi trồng thuỷ
sản (cá, thân mềm, giáp xác,...) trước đây chủ yếu
là ở các đầm nuôi ven vịnh, nay phát triển lồng
giàn nuôi tại các vùng nước kín sóng gió trong
vịnh mang lại nguồn lợi lớn. Các luồng lạch sâu và
kín trong vịnh thuận lợi với giao thông thủy, hình
thành các khu chuyển tải trên biển và các cảng
nước sâu như Cái Lân, Cửa Ông,... Từ lâu VHL đã
là điểm du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước. Kể
từ khi được tôn vinh thành Di sản Thế giới, hoạt
động du lịch và dịch vụ đã phát triển nhanh, đóng
góp lớn cho kinh tế địa phương.
5.3. Giá trị văn hoá
Cảnh quan muôn vàn đảo đá trên mặt vịnh đã
được huyền thoại hoá gắn với truyền thống chống
giặc ngoại xâm. Truyền thuyết Rồng Hạ đầy khí
chất hào hùng và đượm màu sắc thần thoại đã trở
thành di sản văn hoá địa phương. Với môi trường
sinh cư thuận lợi của vùng đồng bằng karst nhiều
hang động và cùng với vịnh biển hiện đại, Hạ Long
đã trở thành quê hương của một số nền văn hoá
tiền sử nổi tiếng như Soi Nhụ (25000-7000 năm
trước, đồng đại với Hoà Bình - Bắc Sơn) [4]; văn
hoá Cái Bèo (7000-5000 trước) của các ngư dân
định cư trên các thềm biển và văn hoá Hạ Long
(5000-3000 năm trước), được coi là các văn hoá
biển rất sớm và đặc sắc của Việt Nam [9]. Cảnh
đẹp thiên nhiên Hạ Long là một trong những yếu tố
sản sinh và nuôi dưỡng tình yêu đất nước và niềm
tự hào dân tộc, tạo nên những giá trị tinh thần để
quyết tâm bảo vệ và xây dựng đất nước. VHL vừa
là vùng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, vừa là nơi
sinh sống (làng chài), vận tải của cộng đồng. Điều
kiện môi trường sống cũng tạo nên những nét riêng
về lối sống và phong tục, tập quán của cư dân địa
phương, làm phong phú thêm nét đẹp văn hoá của
người Việt ở vùng biển - đảo Đông Bắc Tổ quốc.
171
5.4. Giá trị phòng thủ
Do địa hình chiến lược, VHL là nơi xảy ra
nhiều diến biến lịch sử quan trọng được ghi lại
bằng sử ký và chứng tích khảo cổ, tiêu biểu là trận
chiến diệt đoàn thuyền quân lương của Trương
Văn Hổ trong cuộc chiến chống Nguyên - Mông
lần thứ ba. Hang Đầu gỗ là nơi giấu cọc gỗ góp
phần làm nên chiến thắng vang dội của trận thủy
chiến Bạch Đằng năm 1288. Nhiều hang động từng
là kho hậu cần trong chiến tranh giữ nước, nơi tập
kết hàng cho các chuyến tầu không số theo đường
Hồ Chí Minh trên biển. Ngày nay, hang động, mê
cung đảo đá, luồng lạch, tùng áng trên vịnh vẫn hết
sức quan trọng cho phòng thủ, bảo vệ đất nước, kể
cả khi có chiến tranh bằng không quân và tên lửa
hành trình vì có được các yếu tố địa thế hiểm yếu,
bí mật và bất ngờ. VHL vừa là tiền đồn, vừa là hậu
cứ: tiền đồn với phía bắc và hậu cứ đối với phía
đông và phía nam trong chiến tranh vệ quốc.
6. Kết luận
Tính đa dạng địa chất rất cao của VHL, gồm đa
dạng về thành phần vật chất; kiến trúc, cấu tạo và
quá trình tiến hoá địa chất; đa dạng về môi trường
trầm tích cổ và hiện đại với các thời kỳ cổ địa lý
đặc biệt đã tạo nên sự đa dạng về địa hình, địa mạo
và cảnh quan tự nhiên. Đó chính là nền tảng để
hình thành nên các giá trị độc đáo và đặc sắc của
một vịnh biển nhiệt đới được tạo nên nhờ hàng
nghìn đảo chắn, chủ yếu là đá vôi phân bố trên mặt
vịnh. Sự kết hợp giữa các yếu tố của địa hình karst
có quy mô lớn, đại diện đầy đủ cho các pha đoạn
của một chu trình karst nhiệt đới với sự có mặt của
biển và quá trình biển hiện đại đã tạo nên một kỳ
quan địa chất kỳ vỹ. Kỳ quan VHL mang vẻ đẹp vô
song của chính các vật thể địa chất, từ hình khối
các đảo, sắc màu không gian thay đổi theo thời
gian và từ vẻ đẹp của sinh cảnh độc đáo. Kỳ quan
địa chất VHL còn được tôn vinh thêm nhờ các giá
trị đi kèm về đa dạng sinh học, kinh tế, văn hoá và
phòng thủ, liên quan đến các thuộc tính địa chất
của vịnh.
TÀI LIỆU DẪN
[1] Lại Huy Anh (chủ biên), 1999: Đặc điểm
địa chất, địa mạo phục vụ quy hoạch phát triển du
lịch khu vực Vịnh Hạ Long - Cát Bà. Lưu trữ tại
Viện Địa lý.
[2] Klenova M.V.,1948. Địa chất biển. Nxb.
UTRPEDGIZ, Moxkva (Tiếng Nga).
[3] Doãn Đình Lâm, Boyd W. E., 2002: Tài liệu
về đợt hạ thấp mực nước biển trong Holocen giữa -
muộn ở Vịnh Hạ Long. Địa chất, A/270, tr.1-7.
[4] Hà Hữu Nga, Nguyễn Văn Hảo, 1998: Hạ
Long thời tiền sử. Nxb.Thế Giới. Hà Nội, 319tr.
[5] Ta Hoa Phuong, Nguyen Huu Cu, Tran Duc
Thanh, Bui Van Dong, 2009: Geoheritage in Cat
Ba limestone archipelago, Hai Phong Province,
Vietnam. GeoKarst 2009. Proc. International
symposium on geology, natural resources and
hazards in Karst regions. Hanoi, Nov. 12-15th
2009. p.42-47.
[6] Revelle, R. and Emery, K.O., 1957:
Chemical erosion of beachrock and exposed reef
rock. US Geological Survey Professional Paper
260 T : 699-709.
[7] Nguyễn Thanh Sơn, Trịnh Phùng, 1979: Về
các kiểu bờ biển ở Việt Nam. Tuyển tập Nghiên
cứu biển; Tập I; Phần 2. Nha Trang, tr.103-113.
[8] Nguyễn Thanh Sơn, Nguyễn Hữu Cử, Đinh
Văn Huy, 2011: Nguyên nhân và điều kiện thành
tạo các ngấn hàm ếch quanh các đảo đá vôi ở Vịnh
Hạ Long. Tuyển tập Hội nghị KH&CN Biển Toàn
quốc lần thứ V. Q.3: Địa lý, Địa chất và Địa Vật lý
biển. Nxb. KHTN&CN. Hà Nội, tr.608-617.
[9] Nguyễn Khắc Sử, 2011: Các văn hoá biển
tiền sử trong Vịnh Hạ Long. Tuyển tập Hội nghị
KH&CN Biển Toàn quốc lần thứ V. Q.3: Địa lý,
Địa chất và Địa Vật lý biển. Nxb. KHTN&CN. Hà
Nội, tr.692-700.
[10] Trần Đức Thạnh, 1998: Lịch sử địa chất
Vịnh Hạ Long, Nxb. Thế Giới. Hà Nội, 94tr.
[11] Thanh T.D., 1998: Landscape diversity in
relation to biodiversity and some concern in the
management of coastal area of Quang Ninh. Proc.
CRES/MacAthus Foundation Workshop on
management and Conservation of Coastal
biodiversity in Vietnam. Halong City, 24-25
December, 1997: p.21-26.
[12] Trần Đức Thạnh, Waltham T., 2001: The
outstanding value of geology of Hạ Long Bay.
Advance in Natural Sciences, 2-3: 89-99.
[13] Trần Đức Thạnh, Trần Văn Trị, Lê Đức
An, Lại Huy Anh, Waltham Tony, 2004: Hạ Long
một di sản địa chất và địa mạo của thế giới. Di sản
Văn Hóa, số 8, tr.81-84.
[14] Trần Đức Thạnh, Trần Đình Lân, Đặng
Hoài Nhơn, Nguyễn Thị Kim Anh, 2004: Tổng
quan về giá trị địa chất và môi trường trầm tích
172
Vịnh Hạ Long. Tài nguyên và Môi trường biển.
T.XI. Nxb. KH&KT. Hà Nội, tr.38-64.
[15] Trần Đức Thạnh, 2008: Hai giá trị ngoại
hạng của kỳ quan thiên nhiên Vịnh Hạ Long. Du
lịch Việt Nam, số 11/2008. Tr.42.
[16] Trần Đức Thạnh, 2008: Tiêu chí đánh giá
cho kỳ quan thiên nhiên Vịnh Hạ Long. Thông tin
di sản VHL số 31. 2/2008, tr.12-15.
[17] Trần Đức Thạnh (chủ biên), 2011:
Phương pháp luận đánh giá tài nguyên vị thế, kỳ
quan sinh thái, địa chất vùng biển, ven bờ và các
đảo Việt Nam. Tuyển tập Hội nghị KH&CN Biển
Toàn quốc lần thứ V. Q.3: Địa lý, Địa chất và Địa
Vật lý biển. Nxb. KHTN&CN. Hà Nội, tr.136-144.
[18] Đỗ Công Thung và Massimo Sarti (chủ
biên), 2005: Bảo tồn đa dạng sinh học dải ven bờ
Việt Nam. Báo cáo Nhiệm vụ hợp tác Việt Nam -
Italy theo nghị định thư. Lưu trữ tại Viện Tài
nguyên và Môi trường Biển.
[19] Nguyễn Văn Tiến, 2004: Về giá trị đa
dạng sinh học ở Vịnh Hạ Long. Di Sản Văn Hoá.
Số 8. Hà Nội.
[20] Nguyễn Thị Kim Thoa, Ellwood B.B.,
Phạm Kim Ngân, Vũ Hồng Nam, Lưu Thị Phương
Lan, 2002: Sử dụng số liệu đo độ từ cảm xác định
ranh giới Devon - Carbon trên các đá trầm tích tại
đảo Cát Bà và Núi Voi (Kiến An). TC Các Khoa
học về Trái Đất, T.27, 1, tr.56-66.
[21] Trần Văn Trị (chủ biên), 2000: Tài
nguyên khoáng sản Việt Nam. Cục ĐC & KS VN.
Hà Nội. 214tr.
[22] Trần Văn Trị, Trần Đức Thạnh, Waltham
Tony, Lê Đức An, Lại Huy Anh, 2003: The Ha
Long Bay world heritage: outstanding geological
values. J.Geology. Series B, No.22. Hà Nội. 1-18.
[23] Waltham T., 1998: Limestone Karst of Ha
Long Bay,Viet Nam. Engineering Geology Rep.
806: 1-14. Nottingham Trent University, London.
[24] Zenkovich, V.P., 1963: Về bờ biển nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Hải dương học; Tập
III; Cuốn 3. Moxkva (Tiếng Nga).
SUMMARY
The Halong Bay Geological Wonder
The Halong Bay geological wonder was estimated by four criteria. The first criterion on geological diversity consists
of the items such as material formations of lithology, minerals and fossils; geological tectonics, structures and evolution,
geological environment; landform-geomorphology; and natural landscape. The second on unique, unusualness and
grandiosity was measured by items of special periods of paleography; tropical Karstic process on the dissimilar
basement of carbonate lithology and tectonic uplift; special role of sea for the Karstic process; grandiose space of sea-
islands, and large scale of Karst. The third on aesthetics was estimated by the beauty generated from geological objects,
island topography, colorful world, and from biota. The last on anticipative values related closely to geological characters
included potentials of biodiversity, economy, culture, and defense. This paper contributed to establishing the method for
estimation of a geological wonder and knowledge of the outstanding values of Halong Bay which has just voted as one
of Global New7Wonders of Nature on 11th November 2011 and can be used as an instruction for geological tourism in
the Bay.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 1919_6218_1_pb_484_2108011.pdf