Mỗi vùng đều có địa thế và thổ nhưỡng riêng, do đó việc áp dụng từ mô hình này sang mô hình khác cần có sự linh hoạt của chính phủ và chính quyền địa phương đó.
Thành lập các dự án khả quan và có tính thiết thực cao nhằm thu hút các nguồn tài trợ từ trong và ngoài nước. Việc phối hợp các tổ chức cùng đầu tư và thực hiện một cách đồng bộ trong làng sinh thái là vấn đề cần được khắc phục hiện nay. Các nhà tài trợ đã và đang thực hiện độc lập nhau, đôi khi còn chồng chéo và mâu thuẫn nhau. Do đó, việc tạo ra một môi trường hợp tác giữa các nhà tài trợ này là một việc làm được ban quản lý mô hình làng sinh thái quan tâm.
Đi kèm với vấn đề xây dựng mô hình làng sinh thái cần có các biện pháp như giao rừng cho địa phương quản lý. Đầu tư cơ sở vật chất phòng cháy chữa cháy rừng, tạo vườn ươm cây giống để phát triển chất lượng rừng cũng như hỗ trợ cộng đồng trong tạo tính pháp lý để thực sự là chủ quản lý sử dụng rừng được giao.
2/ Từ phía người dân
Người dân phải luôn trăn trở, học hỏi kinh nghiệm làm ăn, tìm hiểu thị trường để nắm bắt thông tin, lựa chọn cây trồng vật nuôi phù hợp hoặc chuyển hướng kinh doanh kịp thời, sản phẩm làm ra phải tiêu thụ được. Đặc biệt, người dân phải chủ động trong sản xuất và đầu tư, không trông chờ, ỷ lại Nhà nước mà phải mạnh dạn trong việc lựa chọn hướng đầu tư, mạnh dạn vay vốn phát triển sản xuất, nhất là việc áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi.
Kết quả đạt được ngang mức độ nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, mà quan trọng nhất chính là sự tham gia nhiệt tình của chính cộng đồng địa phương.
28 trang |
Chia sẻ: aloso | Lượt xem: 2097 | Lượt tải: 4
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu LÀNG SINH THÁI- MỘT MÔ HÌNH QUẢN LÍ TÀI NGUYÊN DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LÀNG SINH THÁI-
MỘT MÔ HÌNH QUẢN LÍ TÀI NGUYÊN DỰA VÀO
CỘNG ĐỒNG
* Quản lí tài nguyên dựa vào cộng đồng
Là một quốc gia đang phát triển, cũng giống như tất cả các quốc gia khác, Việt Nam phải đối diện với nguồn tài nguyên ngạy một khan hiếm, bên cạnh đó lại là tình trạng khai thác và sử dụng tài nguyên không hợp lí dẫn tới nhứng thiệt hại và nguy cơ vô cùng nghiêm trọng cho cả hiện tại và tương lai. Tài nguyên thiên nhiên đang kêu cứu! Đứng trước tình hình đó, vấn đề quản lí tài nguyên lại càng trở nên cấp thiết.
Một trong những hình thức quản lý tài nguyên thu được hiệu quả cao là quản lý tài nguyên dựa vào cộng đồng. Đó là một hình thức quản lý đã và đang áp dụng ở nhiều vùng khác nhau trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia phát triển. Nội dung của phương pháp là lấy cộng đồng làm trọng tâm trong việc quản lý tài nguyên. Đưa cộng đồng tham gia trực tiếp vào hệ thống quản tài nguyên, họ trực tiếp tham gia trong nhiều công đoạn của quá trình quản lý, từ khâu bàn bạc ban đầu tới việc lên kế hoạch thực hiện, triển khai các hoạt động và nhận xét, đánh giá sau khi thực hiện. Đây là hình thức quản lý đi từ dưới lên, thực hiện theo nguyện vọng, nhu cầu thực tế và ý tưởng của chính cộng đồng, trong đó các tổ chức quần chúng đóng vai trò như một công cụ hỗ trợ thúc đẩy cho các hoạt động cộng đồng. Quản lý tài nguyên thiên nhiên dựa vào cộng đồng là một khái niệm rộng và đa nghĩa theo tính ứng dụng của nó trong thực tiễn, đề cập sự tham gia của các cộng đồng có lợi ích liên quan trong quản lý tài nguyên đất, nước, rừng, động vật hoang dã và nguồn lợi thủy sản. Mô hình là một phương tiện cho người dân trong cộng đồng tham gia vào quá trình ra quyết định. Quá trình này đưa ra một giới hạn đầy đủ về các bên tham gia, từ đó phá vỡ những rào cản giữa các bên liên quan và đưa ra những mục tiêu rõ ràng; tạo cơ hội cho cộng đồng tham gia vào quá trình quản lý và xác lập khả năng tự trị. Do đó, đây là một cơ chế quan trọng cho sự tham gia thực sự của cộng đồng vào giải quyết các vấn đề của khu vực, duy trì tính công khai từ đó tạo hiệu quả cao trong việc xây dựng năng lực quản lý của chính quyền địa phương. Với những lý do đó, tiếp cận, áp dụng và nhân rộng mô hình này là một trong những bước đi quan trọng hướng tới một xã hội phát triển bền vững.
3 khía cạnh chính là:
Trách nhiệm: cộng đồng tham gia làm chủ (có quyền sở hữu) và có nghĩa vụ tham dự.
Quyền lực: với tư cách vừa là người sử dụng, vừa là người quản lý tài nguyên.
Kiểm soát: cộng đồng có khả năng thực hiện và xác định được kết quả từ các quyết định của mình có liên quan đến hệ thống. Khía cạnh này chính là đề cập đến năng lực của cộng đồng ở khả năng đóng góp về kỹ thuật, nhân công và tài chính, cũng như sự hỗ trợ về thể chế của cộng đồng trong quá trình lập kế hoạch, thực hiện và duy trì tính bền vững của hệ thống.
Quản lí tài nguyên dựa vào cộng đồng là một quá trình có sự tham gia trong đó cộng đồng chính là trung tâm của hệ thống quản lí có hiệu quả. Sự tham gia của cộng đồng rất đa dạng và phụ thuộc vào bối cảnh địa phương, quy mô của cộng đồng, luật pháp Nhà nước, thể chế và năng lực địa phương, và công nghệ được sử dụng.
Với Việt Nam, đây không phải là một hình thức hoàn toàn mới, mà nó đã được manh nha trong tiềm thức của nhân dân ta từ xưa, có thể thấy điều này trong truyền thống của rất nhiều dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Rừng là của chung
Đất là của chung
Suối nuôi cá là của buôn làng
Cá dưới suối ai bắt thì bắt
Bắt ếch con phải chừa ếch mẹ
Bắt cá con phải chừa cá mẹ
Chặt cây tre phải chừa cây con
Đốt tổ ong chừa lại ong chúa
Thuốc cá làm suối nghèo…
Muốn ăn ếch phải dùng ná bắn
Muốn ăn cá nên dùng rá vớt
Không được lấy cây rừng thuốc cá
Làm chết sạch cả tép cả cua
Buôn làng có quyền xét xử
Ai thuốc cá, có tội với buôn làng
Tội thuốc cá, không ai đếm nổi.
Có rất nhiều các mô hình quản lí tài nguyên dựa vào cộng đồng trong truyền thống. Tuy rằng chưa có điều tra về sự thành công của các mô hình truyền thống đó nhưng tính bền vững của các mô hình thì đã được xác nhận một cách rõ ràng. Với truyền thống sẵn có ầy việc phát triển mô hình quản lí tài nguyên dựa vào cộng đồng ở nước ta càng có cơ sở thành công.
* Nhu cầu phát triển làng sinh thái ở Việt nam
Việt Nam đang trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Quá trình phát triển đó diễn ra trên khắp các vùng lãnh thổ; các dạng tài nguyên cơ bản như đất, nước và các hệ sinh thái được huy động tối đa để sử dụng vào các mục đích phát triển KT-XH. Hậu quả là ở nhiều nơi tài nguyên bị suy giảm, cân bằng của các hệ sinh thái bị phá vỡ, gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển.
Việt Nam là đất nước với trên 70% dân số là nông dân, cho đến nay nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, vùng nông thôn rộng lớn chiếm 3/4 lãnh thổ là địa bàn hoạt động của nhiều cộng đồng dân cư và nhiều ngành kinh tế khác nhau. Những hoạt động này có nhiều tác động hỗ trợ nhau, nhưng thường đan chéo nhau, gây ra những xung đột trong sử dụng tài nguyên, môi trường và các hệ sinh thái tự nhiên. Nông thôn Việt Nam là khu vực có tỷ lệ gia tăng dân số cao, sức ép dân số đến môi trường sinh thái ngày càng lớn. Việc khai thác sử dụng hệ sinh thái này có thể gây tác động xấu đến hệ sinh thái khác, vì vậy cần nhận thức đúng mối quan hệ hữu cơ phức tạp giữa các hệ sinh thái và giữa các yếu tố cấu thành của mỗi hệ sinh thái để từ đó tìm ra hướng sử dụng chúng một cách hiệu quả trong phát triển nông thôn.
Để kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế- xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, con đường duy nhất phải chọn là sự phát triển theo nguyên tắc bền vững. Đó là chiến lược chung, là chương trình hành động về môi trường và phát triển bền vững đã được thể chế hoá thành “chương trình Nghị sự 21” toàn cầu và đã được các quốc gia đồng thuận, khẳng định trong các văn bản pháp luật do Nhà nước ra ban hành. Phát triển bền vững không thể đạt được nếu không hiểu rõ các nguyên nhân dẫn đến suy thoái tài nguyên và môi trường. Hầu hết các vấn đề môi trường đều phát sinh từ chính những cấu trúc của hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội của mỗi quốc gia. Ở các nước đang phát triển, sự nghèo đói của người dân ở nông thôn là gốc rễ của suy thoái môi trường. Thông thường để tồn tại, các cá nhân của cộng đồng buộc phải lạm dụng tài nguyên và do đó làm suy thoái tài nguyên môi trường, gây ra những biến đổi bất lợi đối với các hệ sinh thái.
Xuất phát từ đó, việc nghiên cứu các cơ sở khoa học và thực tiễn để đề xuất và triển khai mô hình phát triển kinh tế sinh thái tại những vùng nông thôn, vùng cao, vùng xa ở Việt Nam là rất cần thiết, nhằm góp phần giải quyết những yêu cầu của cuộc sống đặt ra, thực hiện chủ trương của Nhà nước về xoá đói giảm nghèo, giảm bớt sự cách biệt giữa nông thôn và thành thị.
Mô hình hệ kinh tế sinh thái được nghiên cứu và thử nghiệm xây dựng tại 3 vùng sinh thái đặc thù kém bền vững, từ vùng đồng bằng úng ngập nước, vùng cát hoang hoá ven biển và vùng đồi núi trơ trọc ở Việt Nam. Đó là những vùng đất trũng úng ngập quanh năm như Phú Điền, Nam Sách, tỉnh Hải Dương; vùng cát khô hạn ven biển Cảnh Dương, Hải Thuỷ, Thanh Thuỷ, tỉnh Quảng Bình và Triệu Vân, Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị; vùng đồi núi trơ trọc ở Ba Trại, Ba Vì, tỉnh Hà Tây; Kim Lư, Na Rì tỉnh Bắc Kạn v.v..
Thiên nhiên đã ưu ái cho nước ta nhiều vùng đất mầu mỡ trù phú với khoảng 8 triệu ha đất nông nghiệp nhưng cũng phải gấp 3 lần con số đó (khoảng 25 triệu ha) là đất ở hệ kém bền vững như bãi cát, đầm lầy, đất dốc, đất ngập mặn, chiêm trũng, đồi núi, cao nguyên khô hạn... Cuộc sống của của người dân ở những vùng đất này vô cùng khốn khó. Cái nghèo, cái đói luôn vây quanh họ... Đây là những vùng đất dễ bị suy thoái nhất, điều kiện tự nhiên không thuận lợi cho canh tác sản xuất nông nghiệp và phương thức sản xuất, sinh hoạt không hợp lý của người dân địa phương đã khiến họ tác động vào môi trường tự nhiên nhằm khai thác những thứ cần thiết cho nhu cầu hàng ngày của họ, làm cho môi trường suy thoái, tài nguyên cạn kiệt. Nhất là suy giảm tài nguyên nước cả về mặt chất lượng lẫn số lượng, suy thoái đất, bùng nổ dân số,... lại trở thành những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng đói nghèo, tài nguyên lại càng bị khai thác.
Đứng trước tình hình đó, một trong những biện pháp tạo dựng cho người dân ở những vùng đất khó khăn này có một cuộc sống ổn định và một môi trường bền vững là xây dựng những Làng sinh thái.
* Làng như thế nào được coi là Làng sinh thái?
"Làng sinh thái là kết quả thực tế từ một sự mong muốn của con người nhằm tìm ra một lối sống bền vững dựa trên thái độ và cách tiếp cận đối với vấn đề loại bỏ chất thải".
Các mục đích của Làng sinh thái là quy hoạch vật chất (như sử dụng năng lượng thấp với mức hiệu suất cao và sản sinh chất thải thấp) và quy hoạch xã hội (như nâng cấp các giá trị xã hội và văn hoá liên quan tới giá trị vật chất,...). Trong Làng sinh thái, nhà ở thường là nhà kiểu năng lượng thấp (không quá 10.000KWh/năm), đảm bảo không dùng các nhiên liệu hoá thạch, tránh sử dụng xe hơi, hàng hoá được tiêu thụ trong các cửa hàng bán lẻ. Rau, cây ăn quả, hoa và cả cây lấy gỗ được trồng trên các lô đất tập thể và tư nhân để tự thoả mãn nhu cầu. Các phế thải sinh vật được sử dụng làm phân bón và giảm lượng thải rắn hữu cơ, hạn chế được sự ô nhiễm nguồn nước. Việc ủ phân cục bộ, tách nguồn hợp lý và đốt giấy loại có thể giảm một khối lượng chất thải rắn từ các hộ gia đình hàng năm khoảng từ 250kg/người xuống 100kg/người, hoặc thậm chí thấp hơn,...
Mô hình Làng kinh tế sinh thái đã được Viện Kinh tế sinh thái nghiên cứu xây dựng từ năm 1993. Theo GS. TS Viện trưởng Nguyễn Văn Trương, Làng sinh thái là nơi tái lập lại cơ bản hệ sinh thái phù hợp với sự sống của con người, cây trồng, vật nuôi. TS. Nguyễn Đắc Hy (Trung tâm Nghiên cứu sinh thái và môi trường) cho biết thêm, mô hình Làng kinh tế sinh thái được xác định bằng công thức: Đặc trưng sinh thái + Kiến thức bản địa + Kiến thức khoa học = Mô hình Làng kinh tế sinh thái. Có nghĩa là mô hình Làng sinh thái được xây dựng trên cơ sở sinh thái học và sự kết hợp kiến thức truyền thống (hay còn gọi là kiến thức bản địa) với kiến thức khoa học trong tổ chức, xây dựng không gian sống, các hình thức sản xuất, sinh hoạt, hoạt động văn hoá dân gian, cũng như chăm sóc sức khoẻ cho cộng đồng.
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, xây dựng thành công mô hình Làng sinh thái ở các vùng sinh thái nhạy cảm, kém bền vững sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người dân. Từ việc nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân và làm giàu cho xã hội, tạo dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc trên cơ sở phát triển bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học có hiệu quả đến việc phòng chống và giảm nhẹ thiên tai dịch bệnh, đồng thời cũng bảo tồn và phát huy truyền thống văn hoá dân tộc. Nó sẽ góp phần vào công cuộc Công nghiệp hoá - hiện đại hoá của đất nước.
Gần 14 năm kể từ khi mô hình làng sinh thái đầu tiên tại làng Vĩnh Hoà, xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị được nhen nhóm, đến năm 2007 đã có 13 làng sinh thái trên toàn quốc được Viện Kinh tế sinh thái xây dựng thành công tại các địa phương áp dụng cho các vùng đất có hệ sinh thái kém bền vững là đất dốc, bãi cát và vùng ngập nước.
Làng sinh thái là một mô hình minh hoạ cho hướng phát triển cần phải có trong cả các nước phát triển cũng như đang phát triển để chuyển đổi được các xu hướng có hại.
Bộ tiêu chí, chỉ tiêu làng kinh tế sinh thái tại Việt Nam
TT
Nội dung tiêu chí
Chỉ tiêu
Vùng ven biển miền Trung
Vùng úng trũng đồng bằng sông Hồng
Vùng trung du miền núi phía Bắc
A.
Bảo vệ môi trường sinh thái, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch
1.
Tạo được môi trường sinh thái có lợi cho con người.
1.1. Tăng tỷ lệ che phủ rừng đạt 50% và chất lượng thảm thực vật
- Tỷ lệ che phủ rừmg đạt ≥ 50%
- Tỷ lệ cây xanh trong khu dân cư ≥ 30% diện tích đất thổ cư
- Tỷ lệ che phủ rừng đạt ≥ 60%
1.2. Giảm thiểu rủi ro những yếu tố bất lợi về môi trường.
- Trồng vành đai cây xanh để ngăn chặn cát bay, cát chảy và sự xâm nhập mặn từ biển.
- Có hệ thống tiêu thoát nước để không gây ngập úng nơi sản xuất và khu dân cư.
- Trồng rừng và canh tác theo đường đồng mức để ngăn chặn xói mòn đất, lũ quét, sạt lở đất.
2.
Bảo vệ và phát triển đa dạng sinh học.
2.1. 100% số hộ biết giữ gìn không khai thác động thực vật mang tính huỷ hoại.
- 100% hộ biết giữ gìn và không khai thác động thực vật mang tính hủy hoại.
- 100% hộ biết đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi
- 100% hộ dân không khai thác những loại động, thực vật có tên trong sách đỏ.
2.2. 100% số hộ sử dụng phân bón hợp lý và 4 đúng trong dùng thuốc bảo vệ thực vật (đúng thuốc, đúng nồng độ, đúng sâu bệnh và đúng thời gian)
- 100% số hộ sử dụng phân bón hợp lý và 4 đúng trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
- 100% số hộ sử dụng phân bón hợp lý và 4 đúng trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
- 100% số hộ sử dụng phân bón hợp lý và 4 đúng trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
3.
Vệ sinh môi trường cộng đồng dân cư đảm bảo xanh - sạch.
3.1. Tỷ lệ dân sử dụng nước sinh hoạt đảm bảo VSMT đạt 82 %.
- Đạt 85% dân số
- Đạt 90% dân số
- Đạt 70% dân số
3.2. Vệ sinh môi trường trong khu dân cư an toàn cho sức khỏe con người.
- ≥ 80% hộ gia đình thu gom và chôn lấp rác thải ở nơi quy định.
- 100% hộ gia đình thu gom và chôn lấp rác thải ở nơi quy định.
- ≥ 70% hộ gia đình thu gom và chôn lấp rác thải tại nơi quy định.
- ≥ 70% hộ có nhà tiêu và chuồng trại chăn nuôi đạt vệ sinh môi trường.
- ≥ 90% hộ có nhà tiêu và chuồng trại chăn nuôi đạt vệ sinh môi trường.
- ≥ 60% số hộ có nhà tiêu và chuồng trại chăn nuôi đạt vệ sinh môi trường.
- Thôn xóm có hệ thống tiêu thoát nước thải sinh hoạt và sản xuất.
- Thôn xóm có hệ thống tiêu thoát và xử lý nước thải sinh hoạt và sản xuất.
- Thôn xóm có hệ thống tiêu thoát nước thải sinh hoạt và sản xuất.
B.
Phát triển kinh tế ổn định và bền vững
4.
Sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực tại chỗ hợp lý và hiệu quả.
4.1. Có phương án quy hoạch sử dụng đất đai phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội của địa phương để phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái.
- ≥ 80% số hộ biết bố trí cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện khô hạn và nguồn lực của hộ gia đình có hiệu quả
- ≥ 90% số hộ biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với đất đai, khí hậu và nguồn lực của hộ gia đình có hiệu quả, phát triển các mô hình trang trại.
- ≥ 80% sử dụng mô hình sản xuất nông lâm kết hợp trên vùng đất dốc và ruộng bậc thang.
- Biết xây dựng, phát triển các mô hình vườn kinh tế sinh thái (cây ăn quả, cây ăn quả xen cây ngắn ngày, vườn rừng, VAC…) và chăn nuôi gia súc gia cầm.
- Duy trì và phát triển những sản phẩm cây con mang tính đặc trưng bản địa.
- Xây dựng và phát triển các mô hình: VAC, vườn nhà, vườn rừng, trại rừng, nương định canh, bãi chăn thả…
4.2. Sử dụng năng lượng tái tạo
- Sử dụng năng lượng gió và mặt trời
- Sử dụng hầm Biogas
- Sử dụng thuỷ điện nhỏ
5.
Thu nhập của người dân được đảm bảo và kinh tế hộ bền vững.
5.1. Thu nhập bình quân đầu người/tháng gấp 1,3 lần so với bình quân của huyện.
≥ 1,3 lần.
≥ 1,5 lần.
≥ 1,2 lần .
5.2. Tối thiểu 40% số hộ sản xuất theo hướng hàng hoá và có khả năng tích luỹ.
> 30% số hộ
≥ 70% số hộ
> 20% số hộ
6.
Xóa đói và giảm tỷ lệ hộ nghèo.
6.1. Tỷ lệ hộ nghèo 6% số hộ và không có hộ đói.
≤ 5% số hộ
≤ 3% số hộ
≤ 10% số hộ
7.
Đảm bảo an ninh lương thực và đa dạng hoá sản phẩm trong nông nghiệp.
7.1. Duy trì diện tích trồng lúa tốt nhất có ở địa phương và đa dạng hoá sản phẩm trong nông nghiệp
- Duy trì diện tích trồng lúa nước, phát triển và khai thác các giống cây trồng bản địa kết hợp đưa giống mới có tính chịu hạn cao.
- Duy trì diện tích trồng lúa nước tốt nhất, phát triển nuôi trồng thuỷ sản, khai thác các mô hình lúa - cá, lúa - cây ăn quả.
- Duy trì diện tích trồng lúa nước, phát triển và khai thác các loại cây rừng quí hiếm có giá trị cao như cây gỗ quí, cây ăn quả đặc sản, cây dược liệu ...
- Phát triển chăn nuôi: Bò, dê, cừu, …ở hộ gia đình.
- Sử dụng nhiều giống cây, con thích nghi với điều kiện tự nhiên ở địa phương để hạn chế mất mùa do yếu tố bất lợi về môi trường.
- Phát triển chăn nuôi gia súc lớn như trâu, bò, dê ..và nhóm động vật rừng như: ong, tắc kè, nhím, ...
8.
Kết hợp giữa tri thức bản địa với kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất và phát triển ngành nghề truyền thống.
8.1. 60% số hộ biết kết hợp hài hòa giữa tri thức bản địa và kiến thức khoa học tiên tiến trong sản xuất mang tính thân thiện với môi trường.
≥ 60% số hộ
≥ 70% số hộ
≥ 50% số hộ
8.2. Lưu giữ và phát triển ngành nghề truyền thống ở địa phương.
Các ngành nghề truyền thống như: chế biến hải sản, đóng thuyền....
Các ngành nghề truyền thống như: mây tre đan, dệt lụa, thủ công mỹ nghệ….
Các ngành nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, rượu cần….
C.
Xã hội lành mạnh và an toàn
9.
Quy mô, dân số và giải quyết việc làm ổn định cho người lao động.
9.1. Làng kinh tế sinh thái mới ít nhất có 20 hộ, dân số hàng năm tăng 0,65%.
- Làng ≥ 20 hộ
- Làng ≥ 20 hộ
- Làng ≥ 20 hộ
- Tăng dân số ≤ 0,4%
- Tăng dân số ≤ 0,35%
- Tăng dân số ≤ 1- 1,2%
9.2. Giải quyết việc làm ổn định 87% lao động.
≥ 85%
≥ 90%
≥ 85%
10.
Xây dựng mối quan hệ cộng đồng tốt giữa người dân đối với người dân và người dân với chính quyền địa phương.
10.1. 100% người lao động tham gia mọi hoạt động đóng góp xây dựng xóm làng và chính quyền địa phương giúp người dân trong sản xuất và đời sống.
100% người lao động tham gia mọi hoạt động đóng góp xây dựng xóm làng và chính quyền địa phương giúp người dân trong sản xuất và đời sống.
100% người lao động tham gia mọi hoạt động đóng góp xây dựng xóm làng và chính quyền địa phương giúp người dân trong sản xuất.
100% người lao động tham gia mọi hoạt động đóng góp xây dựng xóm làng và chính quyền địa phương giúp người dân trong sản xuất.
11.
Văn hóa, giáo dục, và chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương.
11.1. Chăm sóc sức khoẻ cho người dân đạt 100% và tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc và học nghề) đạt 85%.
- 100% người dân được quyền khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ.
- 100% người dân được quyền khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ.
- 100% người dân đưược quyền khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ.
- Được tiếp tục học trung học ≥ 85%.
- Được tiếp tục học trung học ≥ 90%.
- Được tiếp tục học trung học ≥ 70%.
11.2. Duy trì các lễ hội văn hoá của dân tộc, địa phương mình được chính phủ quy định và loại bỏ tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan...
Có duy trì các lễ hội văn hoá của dân tộc, địa phương và loại bỏ các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan.
Có duy trì các lễ hội văn hoá của dân tộc, địa phương và loại bỏ các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan .
Có duy trì các lễ hội văn hoá của dân tộc, địa phương và loại bỏ các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan .
MỘT SỐ MÔ HÌNH LST TIÊU BIỂU
1. Làng sinh thái phủ xanh đồi trọc
2. Làng sinh thái trên cát
3. Khu bảo tồn động thực vật quý hiếm
Làng sinh thái phủ xanh đồi trọc
( thôn Số, xã Hợp Nhất, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây )
Làng sinh thái xây dựng cho vùng đất dốc, vùng đất được đánh giá là có điều kiện địa hình đa dạng và phức tạp nhất. Đặc điểm địa hình của vùng vừa là yếu tố tăng thêm tính đa dạng của vùng sinh thái này, nhưng đồng thời là yếu tố hạn chế sự phát triển. Do địa hình phức tạp nên giao thông đi lại khó khăn, hạn chế sự buôn bán, trao đổi hàng hoá, thông tin giữa các cộng đồng dân cư trong vùng. Địa hình bị chia cắt mạnh, phân hoá theo chiều hướng khác nhau tạo mạng lưới thuỷ văn phức tạp và nhiều tiểu vùng với các đặc trưng về vi khí hậu, đất đai, tài nguyên nước khác nhau.
Làng Hợp Nhất là làng người Dao xuống núi định canh, định cư, được hình thành từ những năm 60. Trước đây, do phong tục tập quán, cách sống của đồng bào người Dao ở Ba Vì, không biết trồng trọt thâm canh tăng vụ, vùng đất chuẩn bị xây dựng Làng sinh thái mang đặc điểm của vùng đất dốc, trơ trọi, bị xói mòn, cây lương thực chưa được trồng. Đất ở đây ít thấm nước, vì vậy nước ở trên bề mặt là rất thấp, nước ngầm chưa được sử dụng. Bà con sử dụng chủ yếu là nước mưa. Đối với rừng, bà con khai thác rừng làm nương rẫy, chặt phá, đốt rừng phá huỷ môi trường. Việc khai thác rừng, sử dụng tài nguyên rừng rất bừa bãi và thiếu hợp lý.
Do sống hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên nên cuộc sống của người dân rất khó khăn. Thu nhập của người dân Hợp Nhất rất thấp so với toàn huyện. Nhiều gia đình lương thực không đủ ăn phải lên rừng kiếm sắn, đào củ mài, chặt cây lấy củi, săn bắt động vật để bán lấy tiền đổi lương thực để sinh sống, ảnh hưởng không nhỏ đến Vườn Quốc gia Ba Vì. Về cơ sở hạ tầng của xã cũng rất nghèo nàn, các gia đình sống thưa thớt trên vùng đồi. Việc đi lại trong vùng chủ yếu bằng phương tiện thô sơ, sức kéo của súc vật. Trẻ em không được đến trường vì trên địa bàn chưa có trường học, trạm xá cũng chưa có, điện cũng không.
Từ khi xây dựng Làng sinh thái (1993) đến nay, bộ mặt của xã Hợp Nhất đã từng bước thay đổi. Một mầu xanh mát mắt của ruộng bậc thang, của những vườn cây trái đã dần che phủ những quả đồi trọc nhức nhối. Cái nghèo, cái đói đã dần đi vào dĩ vãng để thay vào đó là một cuộc sống ấm no hơn. Cơ cấu hạ tầng cơ sở phát triển, trình độ hiểu biết của bà con được nâng cao, thay đổi cả về vật chất và tinh thần.
Từ những buổi đầu thành lập Làng, các cán bộ của Viện kinh tế sinh thái đã nhiệt tình giúp đỡ bà con, bên cạnh sự tài trợ của Tổ chức chống nghèo đói cho sự phát triển CCFD. Viện đã tặng áo rét, sách vở, bút cho các em nhỏ, hỗ trợ kinh phí cho bà con chuyển đổi sản xuất, dần dần đã tạo được lòng tin của người dân nơi đây. Viện đã mở lớp tập huấn cho bà con sử dụng đất đồi để trồng cây lương thực, thực phẩm lấy thức ăn cho người và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Viện cử người trực tiếp ở tại Làng sinh thái với bà con để chỉ đạo thực hiện trên từng khoảng đất được giao và Viện đã cho áp dụng những kỹ thuật trong trồng trọt với mục tiêu không phải là đem tới một phương pháp mới mà là sự vận dụng kiến thức làm ruộng bậc thang của bà con đã thực hiện ở một số vùng đồi. Chỉ cần có những cải tiến để đỡ tốn công và có hiệu quả kinh tế cao hơn. Các bờ đất được thay bằng các bờ cây vừa ngăn đất, giữ nước, cải tạo đất vừa cho những sản phẩm cho bà con sử dụng và bán ra thị trường, những loại cây đó là cây bản địa, sẵn giống. Trên các dải đất bậc thang trồng cây ăn quả nhiều tầng kết hợp với cây lương thực thực phẩm như đỗ, lạc, vừng, để cải thiện chế độ dinh dưỡng cho người dân và có tác dụng làm cho đất tốt lên. Các nương bậc thang không làm từ đỉnh đến chân đồi như ở một số vùng mà chỉ làm 1/2 sườn đồi trở xuống còn phía trên trồng cây gỗ, củi có quả ăn được và thích hợp với môi trường như dọc, trám, tai chua, bồ kết, keo tai tượng, sấu, nhãn... Các băng đất ở sườn đồi trồng các cây chè, quế, hồng, na... ở chỗ đất ẩm trồng đu đủ, cam, chanh, bưởi, mơ... kết hợp với chăn nuôi gà lợn, trâu bò lấy sức kéo và tận dụng phân bón cho cây trồng cải tạo đất. Chỗ thích hợp có thể đào ao, thả cá, lấy cá ăn và giữ nước tưới cho vườn. Vận dụng VAC để phát triển kinh tế gia đình, ở các sườn dốc bà con tận dụng làm máy phát điện, làm đập giữ nước để tưới cây trồng vào các mùa khô. Đến năm 2007, 95% các gia đình đều có vườn bậc thang trồng rau, quả cung cấp cho người, chăn nuôi lấy thịt bán ra thị trường, lấy phân cho cá, cho vườn. Vì vậy, bà con vừa có thêm thu nhập vừa bảo vệ được môi trường.
Hiện nay, Làng sinh thái Hợp Nhất đã có trường học cho các cháu, y tế phát triển. Một số gia đình đã có xe máy, nhiều hộ có đài nghe, có hệ thống truyền thanh xã.. Đời sống văn hoá được nâng lên, mê tín dị đoan và các hủ tục được xoá bỏ. Quan hệ gia đình được bình đẳng, nhất là vai trò người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Trước đây du canh, du cư, người phụ nữ chỉ biết ở nhà phục vụ chồng con không được học, chỉ biết làm lụng, sinh đẻ, chỉ có quyền làm mà không có quyền hưởng. Người phụ nữ trong Làng sinh thái đã được đi học, được tham gia công tác xã hội và bình đẳng trong gia đình, có 3 chị làm cô giáo, 1 chị làm cán bộ y tế, 5 chị tham gia công tác Đảng và chính quyền xã.
Cái lớn nhất mà Viện Kinh tế sinh thái giúp người Dao là thay đổi tập quán sản xuất lâu đời, sống thân thiện với môi trường hơn, trước đây phá rừng thì nay người Dao lại tích cực trồng rừng cải tạo thiên nhiên môi trường. Bên cạnh việc tạo cho người dân có một cuộc sống ổn định thì lợi ích về môi trường mà Làng sinh thái đem lại là vô cùng lớn. Từ một hệ sinh thái đang bị suy thoái trầm trọng, đất bị rửa trôi bạc mầu, cây cối thưa thớt thành một hệ sinh thái cây cối đan xen phát triển, độ phì nhiêu của đất tăng lên, lượng nước giữ được ở trong đất cao, tạo điều kiện phát triển cây trồng, diện tích phủ xanh không ngừng được tăng, chống được nạn rửa trôi tác động xấu đến đất, chống suy thoái đất, bạc màu của đất.
Làng Hợp Nhất đang từng bước chuyển mình, tuy chưa thể theo kịp với nhiều vùng nhưng với những gì người dân ở nơi đây đã và đang làm được là rất đáng quan tâm và là bài học bổ ích cho nhiều địa phương khác. Có thể nói, mô hình Làng sinh thái Hợp Nhất trên vùng đất dốc mang đặc trưng của vùng với mô hình ruộng bậc thang thích hợp phát triển cây xanh nhằm mục tiêu phủ xanh đất trống đồi núi trọc đã có ảnh hưởng theo chiều hướng tốt tới môi trường, góp phần cải thiện môi trường, từng bước nâng cao chất lượng môi trường sống trên vùng đất dốc, biến một vùng đất khắc nghiệt thành nơi môi trường gắn kết với con người.
2)Làng sinh thái trên cát
( Lệ Xuyên- Triệu Trạch- Triệu Phong- Quảng Trị )
Không ở đâu mà sự chống chọi của con người với thiên nhiên lại nghiệt ngã như ở xứ cát Quảng Trị. Trước mặt là biển, mùa nam nắng, gió Lào về thổi cát “đẩy” làng ra phía biển, ruộng bị “cát bay - cát chảy - cát nhảy - cát lấp”, mùa biển động thuyền úp vỏ trên cát lạnh, gió bấc thốc vào những lều tranh loi thoi trên cát trắng. Bốn bề mênh mông đất cát mà không thể trồng lấy một chút rau cỏ cải thiện.
Cát trắng từ ngàn đời cứ như thế... cho đến một ngày cách đây mười sáu năm (1993), những ô cát được chia ổn định thành vuông, rồi lên liếp trồng phi lao thành dải rừng cản gió, trồng cỏ tạo mùn. Những “ô sinh thái” ra đời. Một cuộc cách mạng của người dân vùng biển bắt đầu và đã thành no ấm sau một hành trình nhọc nhằn mười năm bền bỉ.
Trên bãi biển những con thuyền im ngủ nhưng những ngư dân không ra biển được sẽ dành thời gian chăm bẳm khu vườn rộng tới cả hecta trong ngôi làng sinh thái của mình. Những cây tràm rồng ven đường chưa đầy năm đã xanh mỡ màng óng ả. Làng có 18 hộ dân ra đợt đầu, mỗi hộ được cấp một khu vườn rộng 1ha, một giếng nước khoan, một hồ cá và hỗ trợ ximăng, sắt thép, gạch ngói làm nhà trị giá 10 triệu đồng. Với số vật liệu này, những hộ dân trong làng giúp nhau dựng những ngôi nhà tường xây mái ngói để ổn định cuộc sống. Nhiều hộ dân bỏ thêm tiền để xây ngôi nhà khang trang hơn với cả mái bằng, cửa lim... Một căn nhà như thế với những đôi vợ chồng trẻ ở đây còn hơn một giấc mơ. Và 11 làng sinh thái nay đã có 356 căn nhà như thế, 356 hộ gia đình gây dựng tương lai từ cát nhưng tràn đầy hi vọng bởi từ sự tiếp sức ban đầu này.
Trước đây muốn lên chợ chỉ có thể lội bộ qua cát. Nay thì tuyến đường nhựa láng o chạy dài từ chợ cạn Triệu Sơn về thẳng bãi tắm Triệu Lăng. Điện đã về tận từng nhà. Nhà cửa bám theo trục đường nhựa với nhiều hàng quán ra vẻ phố xá. Cũng trong khuôn khổ dự án, bảy trường học cao tầng đã được xây cho con em trong vùng. Hơn 700ha đất cát được trồng rừng để cải tạo môi trường, hệ thống kênh tiêu thủy với tổng chiều dài hàng chục cây số đã giúp các làng sinh thái thoát lũ ra biển... Một hạ tầng mà với hàng chục ngôi làng khác trong tỉnh vẫn chưa dám mơ đến. Và chính điều này đã góp phần kích thích kinh tế của người dân trong vùng tăng trưởng.
Mô hình nuôi cá trên cát
Nhìn những vuông mặt nước in bóng trời xanh, lủi sủi tăm cá giữa mênh mông cát không ai nghĩ rằng trên trảng cát này trước đây chỉ có cát và cát. Dấu vết của nó vẫn còn trên những thửa cát mênh mông chạy dài mọc lúp xúp một loài cỏ mà trâu bò cũng chẳng thèm ăn.
Nguyễn Quốc Toàn, chủ trang trại này, vốn là một anh chàng có máu xê dịch. Đi buôn lợn rồi xoay qua nghề buôn cá, xiêu dạt vào tận đất Nam bộ, thấy cung cách làm ăn của các chủ trại cá miền Nam, Toàn học cách nuôi rồi về quê làm thử. Cái vùng cát hoang, lấp xấp nước mùa mưa được Toàn ngăn bờ nuôi thử cá tự nhiên, không ngờ... Vụ đầu lãi hơn 15 triệu đồng, Toàn đầu tư đào hồ cá theo đúng qui cách tiêu chuẩn của các trang trại miền Nam. Không ai ngờ dưới lớp cát rát bỏng kia là những cánh rừng bị vùi lấp, nước vẫn dồi dào đủ cho cả mùa hạn. Chỉ những thân tràm cổ thụ được máy xúc đào lên từ lòng sâu của cát, Toàn bảo: “Đất cát này quật lên, trồng cây gì cũng tốt, còn hồ cá mùa hạn như hè vừa qua nước không cạn được thì yên tâm mà nuôi”. Gần 2ha mặt nước đã được tạo thành hồ, Toàn vào tận miền Nam mua giống cá điêu hồng ra nuôi, chỉ hơn hai tháng thôi nhưng cá lớn nhanh như thổi. Để có một mô hình khép kín, Toàn đang xây một hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn trên bờ hồ, phân thải làm thức ăn cho cá. Chưa nhiều vốn nên Toàn tự đánh trần ra xây chuồng, 20 con lợn giống ngoại đã đưa về đợt đầu, Toàn dự định cung cấp cả giống lợn ngoại nhiều nạc này cho bà con trong vùng, khi khá lên sẽ nâng tổng đàn lợn giống này lên 100 con. Trên diện tích 10ha, ngoài một số đất dành cho điều lai và trồng keo tạo tán, bảo vệ nạn cát bay, Toàn không giấu mơ ước trang trại của mình trở thành một nơi cung cấp giống cá
Câu chuyện của Toàn chưa phải là điển hình cho một mô hình hướng tới của những làng sinh thái, nhưng ít ra cũng có thể cho nhiều người dân nơi đây một hình dung mới vượt ra khỏi khu vườn 1ha của họ bởi dự án có một hợp phần quan trọng là tổ chức nuôi trồng thủy hải sản cho dân trong vùng. Trong khuôn khổ của dự án, một trại tôm giống với năng lực sản xuất khoảng 50 triệu tôm post mỗi năm đã được xây dựng tại xã Triệu Lăng với kinh phí 6 tỉ đồng. Cùng với trại giống này sẽ có 40ha hồ nuôi tôm được hoàn thành để thu hút 240 hộ dân tham gia sản xuất tôm hàng hóa.
Đã từ muôn đời nay, với người Quảng Trị, và nhất là dân miền cát, màu trắng nhức mắt của “đại trường sa” luôn là một ám ảnh đồng nghĩa với khó nghèo cơ cực, nhưng từ những năm đầu thế kỷ 21 này cát đã cùng với người viết nên một truyền kỳ mới, đó là câu chuyện cổ tích có hậu được viết bằng những phận đời, phận người trên chang chang cồn cát...
3) Khu bảo tồn động thực vật quý hiếm
( Vườn Thị- Gia Hoà- Gia Viễn- Ninh Bình)
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long rộng 2.643 ha, nằm ở phía đong - bắc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Sau khi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép xây dựng khu Vân Long thành Khu bảo tồn thiên nhiên, Viện điều tra Quy hoạch rừng kết hợp Chi cục kiểm lâm, Sở Khoa học và Công nghệ Sở Du lịch và các ngành hữu quan của địa phương đã nghiên cứu về Vân Long, khẳng định Vân Long là khu vực có tính đa dạng sinh học cao, có hệ sinh thái đất ngập nước nội đồng lớn nhất đồng bằng Bắc Bộ. Qua kết quả điều tra, về thực vật, khu Vân Long có 457 loài thực vật bậc cao, có mạch thuộc 327 chi, 127 họ, đặc biệt có tám loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam đó là: kiêng, lát hoa, tuế lá rộng, cốt toái bổ, sắng bách bộ, mã tiền, hoa tán... Về động vật, có 30 loài, 19 họ, bảy bộ thú, có 12 loài động vật quý hiếm như: voọc quần đùi chiếm số lượng lớn nhất Việt Nam, gấu ngựa, sơn dương, cu li, khỉ mặt đỏ, triết bụng vàng, cày vằn, báo gấm, báo mai hoa. Trong các động vật, có chín loài bò sát được ghi trong Sách đỏ Việt Nam như: Rắn hổ chúa, kỳ đà hoa, trăn đất, rắn ráo trâu, tắc kè, rắn ráo thường, rắn sọc đầu đỏ, rắn cạp nong, rắn hổ mang.
Vân Long cũng có khả năng hình thành một vườn chim vì ở đây có 62 loài, 32 họ, 12 bộ chim. Điều đáng chú ý là tại khu đất ngập nước Vân Long có loài cà cuống thuộc họ chân bơi, một loài côn trùng quý hiếm, được đưa vào Sách đỏ Việt Nam, nơi cà cuống sống được coi là biểu hiện sự trong lành của môi trường nước. Ở Vân Long, ngoài hai hệ sinh thái chủ yếu là đất ngập nước và rừng trên núi đá vôi, còn có cả hệ sinh thái đồng ruộng, rừng trồng bãi cỏ, nương rẫy và hệ sinh thái làng bản. Về hệ dộng thực vật ở khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long tuy không được phong phú bằng khu bảo tồn thiên nhiên khác, nhưng ở đây lại là khu rất đặc trưng cho hai hệ sinh thái núi đá vôi và đất ngập nước của châu thổ sông Hồng, đây sẽ là hiện trường nghiên cứu đa dạng sinh học rất quý ở đồng bằng Bắc Bộ.
Xã Gia Hoà, là một trong bảy xã nằm trong Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long, diện tích của Gia Hoà chiếm một nửa diện tích khu bảo tồn. Đời sống của nhân dân xã Gia Hoà chủ yếu dựa vào trồng trọt, chăn nuôi và khai thác thuỷ sản ở các đầm, hồ thuộc Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long. Thu nhập của nhân dân vẫn còn thấp, nhất là các thôn nằm trong Khu bảo tồn như: Thôn Vườn Thị, Đá Hàn, Đồng Ngô... Trong những năm gần đây chính quyền địa phương cũng như một số tổ chức quốc tế quan tâm phát triển kinh tế - xã hội ở các xã vùng đệm có ảnh hưởng và đe doạ đến việc bảo tồn Khu đất ngập nước Vân Long.
Năm 2003, UBND xã Gia Hoà, cùng kỹ sư Đặng Thị Liên, chuyên viên Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình đã đề xuất dự án Hỗ trợ xây dựng làng sinh thái, thôn Vườn Thị (xã Gia Hoà) tại Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long. Đặc điểm thôn Vườn Thị nằm giữa khu bảo tồn, có điều kiện giao thông thuận tiện, có cảnh quan hấp dẫn, bao bọc quanh thôn Vườn Thị là hồ, đầm, sông, suối, hang, động và đền chùa. Dân số toàn thôn hiện nay là 230 người, 53 hộ dân, có diện tích đất canh tác là 51,25 ha. Đời sống nhân dân trong thôn gặp nhiều khó khăn. Kinh tế của nhân dân cơ bản khai thác đất cằn cỗi ven núi và đánh bắt cá trong các đầm, hồ, tình trạng vệ sinh thấp kém. Mục tiêu của dự án: Nâng cao trách nhiệm nhận thức cho nhân dân trong thôn về ý thức bảo tồn Khu đất ngập nước Vân Long, xây dựng mô hình nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc sống nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, tạo thôn Vườn Thị thành một làng sinh thái, là một điểm tham quan du lịch.
Sau hơn một năm tổ chức thực hiện, dự án đã thu được kết quả tốt đẹp: Đã tổ chức được lớp tập huấn nâng cao nhận thức cho nhân dân địa phương về bảo vệ môi trường, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và xử lý chất thải trong sinh hoạt. Tổ chức được các lớp nâng cao kiến thức về sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch sinh thái. Hỗ trợ một lớp học vi tính và xây dựng một đội văn nghệ trong thôn, xây dựng mô hình quản lý chất thải gồm: năm hầm bi-ô-ga, 20 bếp tiết kiệm năng lượng, xây 200m đường nước thải trong thôn, mua sắm các trang thiết bị cho đội tình nguyện bảo vệ môi trường. Đặc biệt, dự án đã hỗ trợ thôn xây dựng trung tâm học tập cộng đồng, trong thôn đã xây dựng được quy chế làng sinh thái và xây dựng một trạm cấp nước nhỏ, công suất 5 m3/h phục vụ nhân dân trong thôn.
Dự án được tổ chức thực hiện thành công, nhiều địa phương có điều kiện tương tự đến tham quan, học tập mô hình.
*Khó khăn trong quá trình xây dựng và phát triển mô hình
1. Đầu tư chưa thích đáng
2.Vấn đề phối hợp chưa đồng bộ giữa các cấp chính quyền, các tổ chức đầu tư
3. Hiệu quả tuyên truyền trong dân cư chưa cao
4. Chưa linh hoạt trong việc áp dụng mô hình cho từng địa phương
5. Môi trường là vấn đề lâu dài, chưa thể thấy ngay lợi ích trước mắt
* Khuyến nghị phát triển mô hình làng sinh thái tại Việt Nam
1/ Về phía chính phủ
Chính phủ cần tạo dựng một hành lang pháp lý hoàn thiện hơn để ngăn chặn nạn chặt phá rừng và các hoạt động khác gây tác động tiêu cực đến môi trường.
Đưa ra định hướng cụ thể cho các vùng quy hoạch làng sinh thái. Như đã xác định nguyên nhân của các hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên trái phép gây ảnh hướng xấu đến môi trường hiện nay chủ yếu là do đời sống của người dân địa phương còn thấp, nhận thức của họ còn chưa cao, động lực để họ tham gia bảo vệ tài nguyên còn hạn chế. Do đó, việc thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng địa phương là rất quan trọng hướng đến sự thành công của công tác quản lý và phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên
Hỗ trợ cho các dự án xây dựng mô hình làng sinh thái như: cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị, khoa học kĩ thuật, trang bị kiến thức cho người dân,…
Kết cấu hạ tầng nông thôn phải đồng bộ và đi trước một bước.
Thực hiện công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của nhân dân. Tuyên truyền vận động bà con hiểu rằng nông nghiệp muốn giàu có thì phải có tỷ lệ thuận với quy mô đất đai từ đó làm tốt việc di dân.
Mỗi vùng đều có địa thế và thổ nhưỡng riêng, do đó việc áp dụng từ mô hình này sang mô hình khác cần có sự linh hoạt của chính phủ và chính quyền địa phương đó.
Thành lập các dự án khả quan và có tính thiết thực cao nhằm thu hút các nguồn tài trợ từ trong và ngoài nước. Việc phối hợp các tổ chức cùng đầu tư và thực hiện một cách đồng bộ trong làng sinh thái là vấn đề cần được khắc phục hiện nay. Các nhà tài trợ đã và đang thực hiện độc lập nhau, đôi khi còn chồng chéo và mâu thuẫn nhau. Do đó, việc tạo ra một môi trường hợp tác giữa các nhà tài trợ này là một việc làm được ban quản lý mô hình làng sinh thái quan tâm.
Đi kèm với vấn đề xây dựng mô hình làng sinh thái cần có các biện pháp như giao rừng cho địa phương quản lý. Đầu tư cơ sở vật chất phòng cháy chữa cháy rừng, tạo vườn ươm cây giống để phát triển chất lượng rừng cũng như hỗ trợ cộng đồng trong tạo tính pháp lý để thực sự là chủ quản lý sử dụng rừng được giao.
2/ Từ phía người dân
Người dân phải luôn trăn trở, học hỏi kinh nghiệm làm ăn, tìm hiểu thị trường để nắm bắt thông tin, lựa chọn cây trồng vật nuôi phù hợp hoặc chuyển hướng kinh doanh kịp thời, sản phẩm làm ra phải tiêu thụ được. Đặc biệt, người dân phải chủ động trong sản xuất và đầu tư, không trông chờ, ỷ lại Nhà nước mà phải mạnh dạn trong việc lựa chọn hướng đầu tư, mạnh dạn vay vốn phát triển sản xuất, nhất là việc áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi.
Kết quả đạt được ngang mức độ nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, mà quan trọng nhất chính là sự tham gia nhiệt tình của chính cộng đồng địa phương.
Kết Luận
Mô hình quản lý thiên nhiên dựa vào cộng đồng là một mô hình tiến bộ và có quy mô, cũng là một hướng đi mới cho phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Đây là loại hình được người dân địa phương chú trọng. Mô hình làng sinh thái là một hướng đi tất yếu và mong muốn của các nhà quản lý sinh thái cũng như từ chính cộng đồng địa phương các vùng trên khắp cả nước. Từ thực tế chúng ta thấy các mô hình làng sinh thái này đã đem lại khá nhiều kết quả khả quan như ở một số mô hình mà chúng tôi vừa nêu trên. Làm cho cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch, giúp người dân tiếp cận và nắm bắt khoa học kỹ thuật, quy trình canh tác tiên tiến, ứng dụng và đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm và nâng cao thu nhập cho người dân. Nhiều mô hình đang có kế hoạch đầu tư và nhân rộng trong tương lai.
Trên đây là bài thuyết trình tìm hiểu mô hình quản lý thiên nhiên dựa vào cộng đồng của nhóm 11. Do tài liệu và kiến thức còn hạn chế nên chúng tôi rất mong nhận được sự đóng góp nhiệt tình của cô giáo và các bạn trong nhóm khác để cho bài thuyết trình được hoàn thiện hơn. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn những đóng góp đó. Cuối cùng xin được kính chúc sức khỏe cô giáo và chúc các bạn đạt kết quả cao trong kì thi sắp tới!
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 31319.doc