Luận án Một lý thuyết hệ thống về thông tin tổ chức

TÓM TẮT NỘI DUNG Nghiên cứu này là một nỗ lực xây dựng một lý thuyết mới – lý thuyết hệ thống về thông tin trong tổ chức. Về bản chất, nó là một khái niệm hóa (conceptualization) hiện tượng thông tin trong tổ chức thông qua bản chất và quá trình hình thành thông tin trong tổ chức. Với cơ sở là trường phái hậu hiện đại phê phán, tiếp cận được chọn cho nghiên cứu này là thực dụng hệ thống (systems pragmatism), tựa đồng thời trên dấu hiệu học của Peirce và tư duy hệ thống của Churchman. Tiếp cận nghiên cứu này tự nhiên dẫn đến chủ nghĩa bối cảnh (contextualism) như là lý thuyết về phương pháp cho nó, nhằm dung nạp các đặc điểm nổi trội của thông tin tổ chức: tính lịch sử, phụ thuộc bối cảnh vả quá trình. Phù hợp về phương pháp luận, chúng tôi dùng thiết kế nghiên cứu tựa trên nhiều tình huống (embedded multiple cases) và lý thuyết nền (grounded theory) làm phương pháp thu thập và xử lý dữ liệu. Hai tình huống nghiên cứu sơ khởi (pilot) và kế tiếp bốn tình huống tổ chức trong lĩnh vực tư vấn được phân tích để nảy sinh một lý thuyết về thông tin trong tổ chức. Sau đó, lý thuyết hình thành được kiểm chứng trên bốn tình huống có sẵn khác nhưng ngoài lĩnh vực tư vấn nhằm tăng mức độ lý thuyết của mô hình kết quả, từ mức thực chất (substantive) lên mức hình thức (formal). Ba kết quả nghiên cứu được khẳng định: thông tin tổ chức như hệ thống, hình thành thông tin tổ chức như hình thành thói quen, và khung phân biệt giữa ba phạm trù thông tin thông dụng là dữ liệu, tri thức và thông tin. Với khái niệm hệ thống, thông tin tổ chức được thể hiện như là một nhất thể gồm sáu thuộc tính không loại trừ nhau: cấu trúc, chức năng, quá trình, bối cảnh, thời gian và nhận thức luận. Mỗi thuộc tính đến phiên nó bao hàm một bộ ba vắt qua cả ba thế giới của con người (tự nhiên/vật thể, tinh thần/cá nhân, xã hội/tổ chức). Dưới cách nhìn quan hệ, thông tin tổ chức hiển thị dưới dạng một bộ ba biến động không ngừng, hay cách khác một chuỗi dấu hiệu học (semiosis) của Peirce, bao gồm ba trạng thái hay thành phần (ngạc nhiên/dữ liệu, nghi ngờ/ tri thức, niềm tin/thông tin) và ba quan hệ hay hoạt động của con người tương ứng (kinh nghiệm, tinh đoán, truy vấn). ĐÓNG GÓP CỦA NGHIÊN CỨU Lý thuyết kết quả của chúng tôi đưa ra ba đóng góp chủ yếu. Thứ nhất, nó dung nạp đồng thời cả ba cách nhìn, thực thể, quá trình và vị trí, vì thế có khả năng nắm bắt hầu hết các hiện tượng thông tin trong tổ chức. Thứ hai, nó đặt thông tin tổ chức trong một quan hệ ba ngôi động có dạng một chuỗi các biến hóa liên tục theo thời gian và không gian. Điều này nhấn mạnh vào sự nảy sinh thông tin hay sự hòa giải của thông tin dưới vai trò là các thói quen, không phải là các ý tưởng và cũng không phải là các hành động. Thứ ba, nó có thể trình diễn một khung phân loại thông tin toàn diện cho phép phân biệt giữa ba phạm trù thông tin phổ biến đã nói, vì thế xóa bỏ sự lẫn lộn thường xuyên và lâu đời quanh chủ đề này. Chúng tôi nhận định rằng mô hình hệ thống này có thể đưa ra một khung lý thuyết cơ sở súc tích nhưng toàn diện về bản chất và quá trình của thông tin, đóng vai trò một lý thuyết nội địa của lĩnh vực hệ thống thông tin. Nói cách khác, lý thuyết hệ thống kết quả của chúng tôi đặc trưng bằng một đóng góp giúp hệ thống thông tin trở thành một lĩnh vực tham chiếu cho các ngành tổ chức và quản lý khác.

pdf400 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 1594 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận án Một lý thuyết hệ thống về thông tin tổ chức, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLATS_CB_BVNNnmtuan.pdf
  • pdfDASUA.pdf
Tài liệu liên quan