MS: LVVH-LLVH018
SỐ TRANG: 105
NGÀNH: VĂN HỌC
CHUYÊN NGÀNH: LÝ LUẬN VĂN HỌC
TRƯỜNG: ĐHSP TPHCM
NĂM: 2010
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Văn hóa tồn tại song song với con người. Văn hóa là tổng thể những giá trị vật chất và
tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử. Là một bộ phận không thể tách rời
của văn hóa, văn học là một hình thái đặc biệt, thuộc về văn hóa tinh thần. Vì vậy, việc vận
dụng các quan điểm và thành tựu của văn hóa để nghiên cứu, lí giải văn học là một hướng tiếp
cận được vận dụng khá phổ biến hiện nay.
Nguyễn Huy Thiệp là một trong những tác giả xuất sắc, tiêu biểu của cao trào đổi mới văn
học Việt Nam từ sau năm 1986. Ông viết ở nhiều lĩnh vực như kịch, tiểu thuyết, phê bình văn
học, tiểu luận, . nhưng nhắc đến Nguyễn Huy Thiệp, trước hết phải với tư cách là một cây bút
viết truyện ngắn rất thành công. Ngay từ khi vừa xuất hiện trên văn đàn, Nguyễn Huy Thiệp đã
trở thành một “hiện tượng” văn học, có khả năng khuấy động đời sống văn học vốn đang khá
yên ắng ở nước ta sau năm 1975. Không những thế, văn của Nguyễn Huy Thiệp như có “ma
lực” thu hút rất nhiều độc giả với những ý kiến đánh giá, phê bình rất khác nhau, có ý kiến ca
ngợi nức lời nhưng cũng có không ít ý kiến bài bác thẳng thừng. Tuy nhiên, sau hơn hai mươi
năm kể từ ngày ra mắt độc giả, Nguyễn Huy Thiệp đã dần khẳng định được vị trí của mình trên
văn đàn. Những ý kiến đánh giá về truyện ngắn của ông đã phần nào ổn định. Quả thật, Nguyễn
Huy Thiệp đang có một vị trí vinh dự trong dòng chảy cuồn cuộn không ngừng của biển cả văn
học Việt Nam.
Đến nay đã có khá nhiều công trình, bài viết nghiên cứu về truyện ngắn Nguyễn Huy
Thiệp. Trong quá trình thu thập và tìm hiểu một số tài liệu ấy, chúng tôi nhận thấy đa phần các
ý kiến tập trung đánh giá, khẳng định những đóng góp mới mẻ của ông trên phương diện nội
dung tư tưởng và hình thức biểu hiện trong tác phẩm. Tuy nhiên theo chúng tôi, một trong
những đặc điểm tạo nên sức hấp dẫn thẩm mĩ cho văn Nguyễn Huy Thiệp chính là yếu tố văn
hóa dân gian trong truyện ngắn của ông. Qua tìm hiểu bước đầu, chúng tôi thấy đặc điểm này
cũng đã có những bài viết đề cập đến song mới chỉ trong những hiện tượng đơn lẻ, chưa thành
một hệ thống trọn vẹn.
Đó cũng là lí do thôi thúc chúng tôi chọn đề tài: Ảnh hưởng của văn hóa dân gian đối với
truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp làm đề tài nghiên cứu cho luận văn này.
2. Lịch sử vấn đề
Đầu năm 1987, tập truyện ngắn đầu tay Những truyện kể bất tận của thung lũng Hua
Tát của Nguyễn Huy Thiệp được khởi đăng trên báo Văn nghệ, nhưng chưa tạo được tiếng vang. Phải đến tháng 6 năm ấy, với sự xuất hiện của truyện ngắn Tướng về hưu, dư luận mới
bắt đầu có những đánh giá luận bàn sôi nổi. Đặc biệt không lâu sau đó, bộ ba truyện ngắn “lịch
sử giả” (chữ dùng của Đặng Anh Đào): Kiếm sắc – Vàng lửa – Phẩm tiết ra mắt độc giả đã
thực sự tạo nên bầu không khí phê bình tranh luận văn học với nhiều ý kiến đối lập gay gắt, cực
đoan hơn cả so các cuộc tranh luận văn học từ sau năm 1975. Nhà phê bình Phạm Xuân
Nguyên quả quyết: “Tôi dám chắc chưa có nhà văn nào vừa xuất hiện đã gây được dư luận,
càng viết dư luận càng mạnh” khiến cho “văn đàn đổi mới đã khởi sắc, bỗng khởi sắc hẳn”
[59, tr.6] như Nguyễn Huy Thiệp. Trong những cuộc tranh luận văn học ấy, người khen nhiều
mà người chê cũng không ít. Nhìn chung các ý kiến tạo nên hai xu hướng chính: khẳng định và
phủ định, trong đó xu hướng khẳng định giữ vai trò chủ đạo. Các bài viết này được giới thiệu
trên các tạp chí nghiên cứu văn học khoảng những năm cuối thập niên 80 của thế kỉ trước, hiện
nay đã được nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên sưu tầm khá đầy đủ trong cuốn Đi tìm
Nguyễn Huy Thiệp, và một số bài viết được đăng tải trên các trang mạng Internet khoảng mười
năm trở lại đây.
Xoay quanh vấn đề về Nguyễn Huy Thiệp và các sáng tác của ông, chủ yếu tập trung ở
mảng truyện ngắn, đến nay đã có nhiều bài nghiên cứu phê bình của các tác giả như: Hoàng
Ngọc Hiến, Lại Nguyên Ân, Đặng Anh Đào, Lê Đình Kỵ, Philimonova, Phạm Xuân Nguyên,
Nguyễn Đăng Điệp, Mỗi bài viết là một cách nhìn, một quan điểm, một suy nghĩ và một cảm
nhận riêng. Trong giới hạn nhất định, người viết tập trung vào các ý kiến nổi bật trong bài viết có
liên quan đến mục đích và phạm vi nghiên cứu của đề tài đã chọn.
Trước hết, tiêu biểu cho những nhận xét cho rằng truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp có sự
ảnh hưởng sâu sắc, đậm đà các yếu tố văn hóa dân gian, đặc biệt là từ cảm hứng huyền thoại,
truyền thuyết là ý kiến đánh giá của nhà nghiên cứu văn học Philimonova. Nhà nghiên cứu
người Nga này rất hứng thú khi nghiên cứu chất dân gian trong truyện ngắn Nguyễn Huy
Thiệp. Trong bài viết “Những ngọn gió Hua Tát” của Nguyễn Huy Thiệp như hình mẫu của
các truyền thuyết văn học, Philimonova đã có những nhận xét mang ý nghĩa khái quát: “Yếu tố
dân gian chiếm một vị trí to lớn trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp [ ]. Ngay lần đọc đầu
tiên các tác phẩm của anh, đó thường là truyện ngắn, có một điểm khiến chúng ta chú ý ngay là
việc anh rất hay sử dụng các tư liệu dân gian. Hầu như trong mỗi truyện ngắn của anh đều
hiện diện vết tích của các huyền thoại, truyền thuyết, dân ca, tục ngữ” [59, tr.59]. Do đó có thể
nói rằng: “Yếu tố dân gian trong các tác phẩm của anh là một đề tài độc lập rộng lớn” [59,
tr.59-60]. Tuy nhiên trong bài viết này, Philimonova chỉ mới tập trung nghiên cứu sự ảnh hưởng của truyền thuyết trong chùm truyện Những ngọn gió Hua Tát. Tác giả cho rằng những
câu chuyện nhỏ trong Những ngọn gió Hua Tát là những “truyền thuyết văn học; một mặt,
chúng lưu giữ được những đặc điểm thể loại của các truyền thuyết dân gian, mặt khác, chúng
có sự xử lí văn học rõ ràng của tác giả” [59, tr.61].
Trong bài viết Cuốn theo chiều văn Nguyễn Huy Thiệp, nhà phê bình Nguyễn Đăng
Điệp nhận xét: Nguyễn Huy Thiệp đã “vận dụng rất khéo các yếu tố folklore vào văn học”. Tác
giả bài viết nhận thấy rằng để phản ánh chiều sâu của hiện thực, Nguyễn Huy Thiệp “luôn luôn
lật ngược vấn đề, thoát ra ngoài những chuẩn mực thông thường và xác định giá trị nhân thế
bằng những tưởng tượng phong phú ken dày các huyền thoại, các biểu tượng, các yếu tố dân
gian” [20].
Cùng với các ý kiến trên, Văn Tâm cũng đưa ra nhận định rằng một trong những nét
phong cách đặc thù nhất của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là cảm hứng huyền thoại mạnh:
“sương mù huyền thoại bao phủ hầu hết những trang sách Nguyễn Huy Thiệp, không những
bao phủ dày đặc trong hai loại truyện huyền thoại (Con gái thủy thần) và cổ tích (Những
ngọn gió Hua Tát) mà còn bập bềnh mờ mịt giữa khá nhiều dòng truyện lịch sử (Kiếm sắc,
Phẩm tiết) và thế sự (Chảy đi sông ơi)” [59, tr.288].
Nhà nghiên cứu Đặng Anh Đào cũng khẳng định cảm hứng huyền thoại thể hiện rõ trong
truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, đặc biệt là khi nhà văn này xây dựng các nhân vật ngốc
nghếch, mồ côi, rất gần với nhân vật trong cổ tích và “đó là điểm gần gụi của truyện Nguyễn
Huy Thiệp với cổ tích và một số truyện phổ cập ở dân gian” [59, tr.389]. Cảm hứng ấy một
phần “nằm trong dòng chảy ngầm của tinh thần phạm thượng bắt nguồn từ dân gian. Những kẻ
dị dạng này nhiều khi làm nên điểm sáng nhân hậu, trí tuệ anh minh của câu chuyện” [59,
tr.391]. Song bên cạnh đó, tác giả bài viết Biển không có thủy thần lại thừa nhận ở các nhân
vật kể trên luôn ẩn chứa một “nghịch lí phản cổ tích” [59, tr.390], đó là điểm sáng tạo mới mẻ
trong nhiều thiên truyện của Nguyễn Huy Thiệp.
Cùng với quan điểm của Đặng Anh Đào, trong bài viết Ảnh hưởng thần thoại và cổ tích
trong cách xây dựng nhân vật văn xuôi hôm nay, Bùi Thanh Truyền nêu vấn đề: “Xây dựng
nhân vật thần thoại, cổ tích, hầu hết các cây bút văn xuôi hôm nay đều lồng vào đó thế giới
quan mới mẻ, cái nhìn ‘lạ hóa” của người hiện đai. Vì thế có thể xem đây là những truyện cổ
tích, thần thoại đời mới” [104, tr.45]. Để làm rõ nhận định, tác giả bài viết đã đi sâu tìm hiểu
nhân vật Trương Chi trong truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Huy Thiệp. Từ đó, Bùi Thanh
Truyền khẳng định: lấy cảm hứng từ nhân vật trong cổ tích dân gian nhưng Nguyễn Huy Thiệp không có cái nhìn nhất phiến về giai thoại cổ. Cho nên “nếu bi kịch của Trương Chi “bốn ngàn
năm trước” là bi kịch tình yêu xuất phát từ sự mâu thuẫn giữa tài năng thiên phú và nhân diện
xấu xí thì bi kịch của chàng Trương bốn ngàn năm sau chủ yếu là xung đột giữa hoàn cảnh xã
hội và thân phận con sâu cái kiến của kiếp người” [104, tr.46].
Bài viết Đối thoại với văn học dân gian và bản lĩnh của người viết của Lê Đình Kỵ
cũng đi sâu vào nghiên cứu sự sáng tạo trên cơ sở kế thừa tiếp nối truyện cổ dân gian trong
sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, nhất là về phương diện xây dựng nhân vật. Trong truyện
Trương Chi, Lê Đình Kỵ đánh giá Trương Chi của Nguyễn Huy Thiệp “không còn là một
Trương Chi cam chịu, âm thầm nhận lấy số phận của mình” [44, tr.30]. Mặc dầu vậy: “Dù là
Trương Chi truyền thống hay Trương Chi “hiện đại” thì đó cũng đều là lời nhắn gởi, là tiếng
kêu khắc khoải sao cho nghệ thuật, cho tiếng hát và tình yêu không bị cách lìa, mà được hòa
giải, hòa diệu vào nhau” [44, tr.31].
Bàn về thế giới nhân vật nữ trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, nhiều nhà nghiên
cứu nhận thấy những nhân vật này thường toát lên vẻ đẹp trong trẻo, hồn hậu, mang vẻ đẹp mẫu
tính vốn có của người phụ nữ Việt Nam. Nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến tỏ ra là người có
những phát hiện trước nhất và mới mẻ hơn cả. Trong bài viết Tôi không chúc bạn thuận buồm
xuôi gió, Hoàng Ngọc Hiến nhận xét: “Những người đàn ông trong tập truyện của Nguyễn Huy
Thiệp hầu hết là đốn mạt, chí ít là những kẻ bất đắc chí, vô tích sự, nói chung là không ra gì.
Ngược lại, trong các nhân vật nữ có những con người ưu tú, nhiều người đáng gọi là liệt nữ.
Nó là sự hiện thân của nguyên tắc tư tưởng tạo ra cảm hứng chủ đạo của tác giả, có thể gọi đó
là nguyên tắc tính nữ hay thiên tính nữ” [59, tr.15-16]. Theo nhà nghiên cứu này thì “thiên tính
nữ” trong tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp “trước hết là tinh thần của cái đẹp và tất
cả những nhân vật này đều đẹp, mỗi người một vẻ” [59, tr.16], không chỉ thế nó còn là “tinh
thần vị tha và đức tính hi sinh” [59, tr.17]. Vẻ đẹp ấy tỏa ra ánh sáng dịu dàng, huyền diệu,
lung linh trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp. Thiên tính nữ là điểm tựa quan trọng của tác
giả. Thiếu nó, văn ông sẽ mất đi chiều sâu và chất trữ tình.
Cũng cùng với quan điểm trên là ý kiến đánh giá sắc sảo của nhà nghiên cứu Văn Tâm:
Nguyễn Huy Thiệp viết nhiều về cái xấu xa, cái ác nhưng “cảm hứng tích cực, tinh thần nhân
bản cũng bất giác được mã hóa qua một hiện tượng nổi bật: tuyệt đại đa số những nhân vật
nữ đều có phẩm chất ưu mĩ tuyệt vời” [59, tr.301–302). Qủa thực, trong truyện của Nguyễn
Huy Thiệp, nhà văn luôn dành giọng điệu ngợi ca vẻ đẹp nữ tính của những nhân vật nữ. Những nhận xét, đánh giá trên phần nào đã cho ta thấy các nhà nghiên cứu có những phát
hiện, khẳng định yếu tố trọng âm, trọng nữ trong tín ngưỡng của người Việt trong nghệ thuật
xây dựng nhân vật nữ trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp. Tuy nhiên, các đánh giá này chỉ
nêu vấn đề có tính chất gợi mở chứ chưa minh định cụ thể trên cả bề rộng lẫn bề sâu.
Bàn về chất thơ trong văn Nguyễn Huy Thiệp, trong bài viết có nhan đề Thơ trong văn
Nguyễn Huy Thiệp, nhà nghiên cứu Philimonova cho rằng một trong những đặc điểm nổi bật
của văn xuôi Nguyễn Huy Thiệp là việc thường xuyên sử dụng thơ. Đặc biệt hơn hết là trong
truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp thường xuất hiện các đoạn kể bằng văn vần là các bài ca
dao, đồng dao xen kẽ lời kể bằng văn xuôi. Philimonova lí giải sở dĩ có hiện tượng này là do
Nguyễn Huy Thiệp “chịu ảnh hưởng văn xuôi cổ điển vùng Viễn Đông” và việc vận dụng thủ
pháp cũ này khiến văn ông trở nên “rất đặc biệt, rất dễ nhận ra” [59, tr.168]. Nguyễn Vy
Khanh cũng có cùng ý kiến trên khi cho rằng: “Nhờ thể huyền thoại, Nguyễn Huy Thiệp có
những đoạn truyện như là thơ, một thứ thơ dân gian, xa chốn văn minh giả tạo và dối trá” [59,
tr. 380].
Bùi Việt Thắng nhận xét: “Nguyễn Huy Thiệp đã đưa vào truyện ngắn các hình thức
khác như đồng dao (Huyền thoại phố phường), hát dỗ em (Những người thợ xẻ), thơ dịch
(Nguyễn Thị Lộ), thơ trữ tình (Những bài học nông thôn), chuyện thơ (Thương nhớ đồng quê)”.
Từ đó, nhà nghiên cứu cho rằng: “việc đưa thơ vào truyện ngắn làm cho “sự kể chuyện” thêm
linh hoạt, phong phú” [75, tr.386] này vốn đã có truyền thống trong văn học. Thành công của
nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là sự vận dụng, kế thừa văn học truyền thống, từ đó có những cách
tân, sáng tạo nhưng vẫn không xa rời với truyền thống.
Về nét mới trong cách dựng truyện, nhà thơ Diệp Minh Tuyền đánh giá: Nguyễn Huy
Thiệp đã “kết hợp giữa hiện thực và huyền thoại” [ ]. Rõ ràng ở đây ta thấy dấu ấn của văn
học hiện đại châu Mỹ la – tinh. Nhưng sự tiếp thu này ở Nguyễn Huy Thiệp không sống sượng
bởi nhờ trước đó anh đã vốn có lối tư duy huyền thoại thuần thục biểu hiện trong chùm truyện
Những ngọn gió Hua Tát”, [59, tr.399]. Chính sự kết hợp này đã khiến cho văn ông vừa mới
mẻ, hiện đại lại vừa gần gũi bởi chúng được bắt nguồn từ bề sâu truyền thống thẩm mĩ của
người đọc Việt Nam.
Về cách kể chuyện của Nguyễn Huy Thiệp, Đoàn Hương ví von ông là “Người kể
chuyện cổ tích hiện đại”. Đoàn Hương nhận định truyện của Nguyễn Huy Thiệp hấp dẫn độc
giả chính là ở “cái cách kể chuyện đơn giản bằng chính ngôn ngữ của nhân dân là một thi pháp
đã có từ trong truyền thống như đã từng có trong truyện cổ tích Việt Nam” [33, tr.621]. Cũng theo nhà nghiên cứu Đoàn Hương, dấu ấn của truyện cổ dân gian trong sáng tác
của Nguyễn Huy Thiệp còn biểu hiện rõ qua cách thức mở đầu và kết thúc truyện. Đoàn Hương
nhận thấy rằng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp “vốn ưa cấu trúc một cốt truyện đơn giản như
chẳng có gì”. Bởi thế mà truyện của ông có những “cái kết thúc đẹp đẽ mang tính biểu tượng
của một kết thúc có hậu của truyện cổ tích” [33, tr.622].
Còn theo Nguyễn Vy Khanh thì chính bởi một số truyện của Nguyễn Huy Thiệp sáng tạo
từ thể huyền thoại dân gian nên nhà văn hay “úp mở, gợi tưởng tượng. Hay không thật sự kết
thúc, vì không có kết; hay kết cũng huyền hoặc như dẫn đưa của đầu và thân truyện” [59,
tr.386]. Từ đó, tác giả đi đến nhận xét truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp thường có những đoạn
kết rất đặc biệt, tạo được sự hấp dẫn riêng.
Bằng nhãn quan tinh tế và tấm lòng trân trọng, thấu hiểu tài năng của Nguyễn Huy
Thiệp, Hoàng Ngọc Hiến đã có nhận xét rất sâu sắc: “Dẫu kể chuyện cổ tích, Nguyễn Huy
Thiệp trước sau viết về cuộc sống ngày hôm nay. Và tác giả đã nhìn thẳng vào sự thật của đời
sống thực tại. Tác giả đã không ngần ngại nêu lên những sự bê tha, nhếch nhác trong cuộc
sống, kể cả những sự thật rùng rợn, khủng khiếp” [59, tr.9-10].
Đoàn Hương cũng cho rằng một số truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp có thể gọi truyện cổ
tích hiện đại vì cái chất “hiện đại” của nó. Nhưng, nhà nghiên cứu này khẳng định: “nó vẫn là
cổ tích vì cái đẹp nhân bản của nó” [33, tr.626].
Nhà nghiên cứu văn học người Úc, Greg Lockhart, lí giải lí do vì sao ông đã chọn dịch
tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp sang tiếng Anh. Ông ca ngợi: tác phẩm của Nguyễn Huy
Thiệp là “một đóng góp quan trọng cho văn học Việt Nam” và cũng là “đóng góp cho văn học
thế giới hiện đại” vì tính chất nhân bản mà nhà văn nêu lên trong truyện là vấn đề lớn mang tầm
nhân loại [59, tr.110-111].
Mở rộng hơn, một số nhà nghiên cứu còn nhận thấy dấu hiệu của chủ nghĩa hậu hiện đại
trong những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Tác giả La Khắc Hòa khẳng định rằng
có thể tìm thấy trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp những câu chuyện thể hiện tâm trạng và
cảm quan hậu hiện đại. Xuyên suốt toàn bộ sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp là “câu chuyện về
một thế giới vô nghĩa, vô hồn”. Đọc truyện ngắn của ông, ta thấy “có những dấu hiệu về một
cuộc chia tay với nguyên tắc dụ ngôn cùng với những vị ngữ bất biến, quen thuộc của nó [ ].
Khi sự hồ nghi tồn tại đã thấm sâu vào cảm quan nghệ thuật, chắc chắn nhà văn sẽ tìm đến
nguyên tắc lạ hoá làm nền tảng cấu trúc hình tượng”. Tuy nhiên, dù đổi mới sáng tạo đến đâu
đi nữa thì “loại hình tư duy ấy gắn với những nguyên tắc kiến tạo hình tượng, tổ chức văn bản của đồng dao, câu đố có nguồn cội từ thời tiền văn học, trong sáng tác dân gian” [29]. Thêm
vào đó, La Khắc Hòa còn nhận xét rất xác đáng rằng sự xuất hiện của chủ nghĩa hậu hiện đại
trong văn học Việt Nam nói chung, trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp nói riêng “chắc chắn
không phải là hiện tượng vay mượn, ngoại nhập”, mà do những điều kiện lịch sử, xã hội trong
vòng 30 năm nay đã làm nảy sinh tâm trạng, cảm quan và loại hình văn hoá hậu hiện đại trong
văn học Việt Nam.
Như vậy, theo các nhà nghiên cứu, mặc dù là nhà văn luôn có những cách tân táo bạo
trong nghệ thuật xây dựng truyện ngắn trong giai đoạn văn học thời Đổi mới, nhưng sáng tác
của Nguyễn Huy Thiệp vẫn bắt nguồn từ truyền thống văn hóa - văn học dân gian đa dạng và
phong phú của dân tộc.
Tóm lại, từ trước đến nay, vấn đề về: Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp và yếu tố văn hóa
dân gian trong truyện ngắn của nhà văn vẫn luôn là vấn đề lý thú, không ngừng thu hút được
sự quan tâm, tìm hiểu của đông đảo học giả, các nhà nghiên cứu, các giới phê bình văn học, độc
giả trong và ngoài nước. Các bài nghiên cứu, phê bình mà chúng tôi có điều kiện tìm hiểu ở trên
phần nào đã phân tích, đánh giá, khẳng định sự ảnh hưởng của văn hóa dân gian trong truyện
ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và có tính chất gợi mở cho người viết tìm hiểu sâu hơn về
vấn đề này. Tuy nhiên, do tính chất về đối tượng, mục đích và phạm vi nghiên cứu khác nhau
nên sự quan tâm ở những bài viết trên mới chỉ dừng lại ở đôi lời nhận xét, nhận định khái quát;
hoặc thu hẹp khi khảo sát trong một vài tác phẩm cụ thể hoặc khái quát khi tiến hành khảo sát
trên toàn bộ sáng tác của nhà văn dưới góc nhìn phong cách học. Vì thế như một lẽ tất yếu, các
bài viết chưa có điều kiện tập trung một cách sâu sắc và toàn diện về sự ảnh hưởng của văn hóa
dân gian đối với truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Qua luận văn này, người viết sẽ cố gắng đưa
đến một cách hiểu, một cách nhìn nhận, đánh giá mang tính hệ thống và đầy đủ hơn về sự ảnh
hưởng này trong truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.
3. Phạm vi nghiên cứu
Giới hạn ở đề tài nghiên cứu, luận văn sẽ tiến hành khảo sát, nghiên cứu toàn bộ truyện
ngắn Nguyễn Huy Thiệp, bao gồm 42 truyện. Người viết sử dụng văn bản sau để tiến hành
nghiên cứu:
Nguyễn Huy Thiệp (2006), Tuyển tập truyện ngắn, Đỗ Hồng Hạnh tuyển chọn và hiệu
đính, Nxb Văn hoá Sài Gòn.
Về ảnh hưởng của văn hóa dân gian đối với truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp có nhiều vấn
đề cần nghiên cứu. Tuy nhiên trong phạm vi điều kiện cho phép, luận văn chỉ đi vào khảo sát, phân tích, nhận định một số yếu tố của văn hóa dân gian như văn học dân gian, tín ngưỡng dân
gian, ngôn ngữ dân gian ảnh hưởng đến việc xây dựng cốt truyện, nhân vật và ngôn ngữ, giọng
điệu trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.
4. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài nghiên cứu
Người viết rất hi vọng kết quả mà luận văn gặt hái được có thể là những đóng góp hữu ích
như sau:
- Góp phần khảo sát và lí giải một cách có hệ thống, khách quan, mới mẻ về sự ảnh hưởng
của văn hóa dân gian đối với truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Qua đó góp phần khẳng định
cách tiếp cận văn học từ góc độ văn hóa dân gian là một trong những hướng nghiên cứu cần
thiết trong nghiên cứu văn học hiện nay.
- Luận văn này cũng có thể dùng làm tư liệu tham khảo cho việc nghiên cứu, giảng dạy về
tác giả Nguyễn Huy Thiệp nói riêng, và văn học Việt Nam hiện đại nói chung.
5. Phương pháp nghiên cứu
Để triển khai đề tài Ảnh hưởng của văn hóa dân gian đối với truyện ngắn Nguyễn Huy
Thiệp, chúng tôi đã vận dụng những phương pháp nghiên cứu chủ yếu sau:
5.1. Phương pháp văn hóa học:
Người viết sử dụng phương pháp này khi nghiên cứu luận văn nhằm vận dụng các quan
điểm và thành tựu văn hóa nói chung, đặc biệt là văn hóa dân gian để tìm hiểu, lí giải truyện
ngắn Nguyễn Huy Thiệp trên một số phương diện như cốt truyện, nhân vật, ngôn ngữ và giọng
điệu.
5.2. Phương pháp hệ thống:
Người viết sử dụng phương pháp này nhằm xem xét các yếu tố văn hóa dân gian biểu
hiện qua nội dung và nghệ thuật làm nên diện mạo chung cho truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp
trên tinh thần hệ thống. Từ đó phân tích sự kế thừa, sáng tạo các yếu tố ấy tạo nên sức hấp dẫn
thẩm mĩ trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp.
5.3. Phương pháp phân tích - tổng hợp:
Trong quá trình thực hiện luận văn, người viết tiếp cận và khảo sát trực tiếp văn bản, từ
đó phân tích để đưa ra những luận điểm tổng hợp, khái quát của luận văn về sự ảnh hưởng của
văn hóa dân gian trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp trên các phương diện như cốt
truyện, nhân vật, ngôn ngữ và giọng điệu. Những phương pháp nghiên cứu này sẽ được người viết vận dụng một cách linh hoạt
trong quá trình nghiên cứu. Ngoài ra, để có cái nhìn toàn diện, khách quan khi đánh giá vấn đề,
người viết còn sử dụng phối hợp các phương pháp khác như: phương pháp so sánh, đối chiếu,
phương pháp thống kê, với chừng mực nhất định mà mục đích cuối cùng là làm rõ sự ảnh
hưởng của văn hóa dân gian trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.
6. Cấu trúc luận văn
Luận văn bao gồm 138 trang. Ngoài phần Mở đầu (12 trang), phần Kết luận (4 trang), phần Nội dung của luận văn (122 trang) được tổ chức thành ba chương:
Chương 1: Những tiền đề lí luận và thực tiễn
Chương 2: Cốt truyện và nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.
Chương 3: Ngôn ngữ và giọng điệu trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp
105 trang |
Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 2486 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Ảnh hưởng của văn hóa dân gian đối với truyện ngắn Nguyễn Văn Thiệp, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
, không được quyền đê
tiện. Liền đó, tác giả chen vào lời hát của nhân vật Vinh Hoa. Bài hát của nàng như lời nhắn
nhủ của quần thần với người đang nắm trong tay quyền hành tối cao về vận mệnh của dân tộc
cần nhận thức về vai trò trách nhiệm của một bậc đế vương:
“Nước có còn không
Nước có mạnh không
Thiên tử là cái gốc lớn thiên hạ
Cây cao, bóng cả
Trùm lên muôn dân
Gió mây có biến hóa
Ghi nhớ trong tâm trường
Nhắc ai tự chủ trương
Giữ chữ “thường”
Chính đạo thuần vương” [94, tr.180]
Bài hát của Vinh Hoa nêu bật những tư tưởng sâu sắc của truyện về quan niệm thiên tử là
cái gốc lớn của thiên hạ, quyết định sự tồn vong của quốc gia, về đạo thuần vương.
Lời kể chuyện bằng văn xuôi xen kẽ với văn vần vốn rất quen thuộc với độc giả qua
những truyện cổ tích dân gian. Với hình thức lời kể chuyện này, Nguyễn Huy Thiệp đã kết hợp
được chất thơ và chất tự sự trong văn xuôi, góp phần tạo nên sự rậm rạp trên bề mặt và cả ở
chiều sâu trong việc khám phá đời sống tinh thần của con người. Ông đã xử lí một cách hiệu
quả hai cực đối lập là sự sắc lạnh tỉnh táo trong cái nhìn về hiện thực và chiều sâu trữ tình trong
tác phẩm. Qua những câu văn vần chảy tràn chất thơ, tuôn trào cảm xúc, ông như đưa người
đọc trở về với những gì là gốc gác, cội nguồn sâu thẳm của tư duy thơ vốn thấm đẫm trong
nguồn mạch văn chương dân tộc.
3.2. Giọng điệu
Giọng điệu là một phạm trù thẩm mĩ của tác phẩm văn học, phương diện cơ bản cấu
thành hình thức nghệ thuật. Từ điển thuật ngữ văn học định nghĩa: giọng điệu là “thái độ, tình
cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong
lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân
sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm…” [74, tr.134]. Một nhà văn muốn viết
được những trang văn đầy ám ảnh, anh ta không phải chỉ trông chờ vào phút chốc thăng hoa
của cảm xúc, ngẫu hứng mà còn phải biết tổ chức một cách công phu sao cho thế giới nghệ
thuật ấy hiện lên chính xác và thuyết phục nhất tư tưởng về đời sống hiện thực muôn mặt. Để có
thể hoàn thành sứ mệnh đó, việc lựa chọn giọng điệu cho tác phẩm có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Giọng điệu, cũng xuất phát từ ngôn ngữ, song nó có ý nghĩa rộng hơn nhiều. Nó bao hàm
cả ngữ cảnh, quan niệm,…Do đó, “thiếu một giọng điệu nhất định, nhà văn chưa thể viết ra
được tác phẩm, mặc dù đã có đủ tài liệu và sắp xếp trong hệ thống nhân vật” [74, tr.135]. Nhà
nghiên cứu Trần Đình Sử xem giọng điệu văn học là hiện tượng “siêu ngôn ngữ”, là “yếu tố
hàng đầu của phong cách nhà văn”. Giọng điệu phản ánh lập trường xã hội, thái độ tình cảm và
thị hiếu thẩm mĩ của tác giả, có vai trò to lớn trong việc tạo nên phong cách nhà văn và tác
dụng truyền cảm cho người đọc. Mỗi tác phẩm văn chương đều có sắc thái giọng điệu riêng.
Trong mỗi tác phẩm, bên cạnh giọng điệu chủ đạo, bao giờ cũng tồn tại nhiều sắc thái giọng
điệu khác nhau. Giọng điệu chủ đạo không những không loại trừ mà còn cho phép tồn tại trong
tác phẩm văn học những giọng điệu khác nhau. Các sắc thái giọng điệu đã trở thành phương
tiện tham gia chuyển tải bức tranh hiện thực vào tác phẩm và thể hiện thái độ của nhà văn trước
cuộc sống. Chính vì thế khi nghiên cứu sáng tác của một nhà văn không thể không nghiên cứu
giọng điệu nghệ thuật của họ.
Tìm hiểu truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, chúng tôi nhận thấy có hai giọng điệu tiêu
biểu: giọng điệu trữ tình, thấm đẫm chất thơ; giọng điệu mỉa mai, giễu cợt.
3.2.1. Giọng điệu trữ tình, thấm đẫm chất thơ
Khi tìm hiểu truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh nhận
thấy có một cái tôi lưỡng phân: một cái tôi của văn xuôi và song song đó là một cái tôi của thơ,
cái tôi này luôn giàu suy tư và mênh mang buồn. Từ những trang văn bề bộn ngổn ngang nhiều
khi “vút lên những tứ thơ thật trong trẻo, những âm điệu thật thiết tha” [59, tr.460]. Đọc truyện
ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, người đọc không khó để nhận ra rằng dù khi viết về cái xấu, cái
ác bằng giọng văn tàn nhẫn, hằn học nhất nhưng không có nghĩa là ông đang phỉ báng con
người. Ngược lại, nó thể hiện chủ nghĩa nhân đạo, nhân văn cao cả trong sáng tác của ông.
Những nỗi đau đời, sự cô đơn của kiếp người thường âm thầm lặng lẽ nhưng không kém phần
da diết. Với trách nhiệm của nhà văn chỉ có quyền nói lên sự thật, Nguyễn Huy Thiệp không
thể không viết về cái xấu, phơi bày những điều xấu xa và bỉ ổi nhất. Nhưng ông không bao giờ
tuyệt vọng với cái xấu vì ông luôn tin vào lòng nhân ái, nhân tính của con người.
Những cảm xúc ấy tuôn trào trên ngòi bút, cuồn cuộn thành thác lũ, vút cao lên những
thanh âm trong trẻo, ngân vang, ngân xa…tạo thành giọng điệu trữ tình ngọt ngào, thấm đẫm
chất thơ trong những trang văn của ông. Hoàng Ngọc Hiến nhận xét: mạch trữ tình trong văn
Nguyễn Huy Thiệp bắt nguồn từ chữ thương, cho nên khi “nói về những sự đốn mạt, hèn kém
của con người, câu văn của Nguyễn Huy Thiệp thường man mác cảm giác tê tái. Đằng sau cảm
giác này là nỗi đau nhân tình” [59, tr.14]. Tiêu biểu như đoạn đối thoại sau trong truyện
Tướng về hưu: “Ông Bổng sang thăm. Ông nói: “Bà ấy cứ xoay ngang xoay dọc trên giường
thế này là gay go đấy!” Lại hỏi: “Chị ơi, chị có nhận ra em không?” Mẹ tôi bảo: “Là người”.
Ông Bổng khóc òa lên: “Thế là chị thương em nhất. Cả làng cả họ gọi em là đồ chó. Vợ em gọi
em là đồ đểu. Thằng Tuân gọi em là đồ khốn nạn. Chỉ có chị gọi em là người” [94, tr.25]. Đây
là một trong những đoạn văn hay và cảm động nhất trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp. Phải
có cái nhìn đầy nhân ái và thấu suốt, nhà văn mới viết được những câu văn dồn nén cảm xúc
đến thế. Độc giả khi đọc những đoạn văn như vậy cũng phải thoáng rùng mình về lẽ sống, về
thế thái nhân tình, về cách nhìn nhận đánh giá bản chất của một con người.
Giọng điệu trữ tình trong văn Nguyễn Huy Thiệp thể hiện rõ nét qua những trang văn
ông viết về thiên nhiên. Trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, những bức tranh thiên nhiên
thường rất đẹp và cũng rất thơ. Dường như với ông, cái nhân tạo thường hàm chứa nguy cơ giả
dối còn cái đẹp của tự nhiên thật rộng lớn và vĩnh hằng. Đến với thiên nhiên là cách để con
người được trở về với những nét đẹp truyền thống lưu giữ từ thuở xa xưa. Trong khung cảnh
ấy, tâm hồn con người trở nên trong sáng, thuần khiết và đẹp đẽ hơn. Lời văn Nguyễn Huy
Thiệp trở nên mượt mà, sâu lắng, chất chứa những tình cảm dạt dào, đắm say khi viết về thiên
nhiên. Thiên nhiên trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp không còn đơn thuần là thiên nhiên
khách quan mà đã trở thành hình tượng nghệ thuật. Không gian nghệ thuật trong tác phẩm của
ông phần nhiều là không gian được bao bọc bởi thiên nhiên, những con người sống ở đó đều là
những người lao động hiền lành, chất phác. Chúng hiện lên như những bức tranh phong cảnh
sinh động, giàu hình ảnh, âm thanh, đường nét được vẽ nên bởi ngôn từ tài hoa, tinh tế, cảm xúc
bay bổng của người nghệ sĩ. Những đoạn văn có kết cấu cân đối, nhịp nhàng góp phần không
nhỏ vào việc tái hiện không gian trữ tình, thơ mộng, phảng phất không khí của huyền thoại xa
xưa trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp:
- “Bản Hua Tát ở trong thung lũng hẹp và dài, ba bề bốn bên là núi cao bao bọc, cuối
thung lũng có hồ nước nhỏ, nước gần như không bao giờ cạn. Xung quanh hồ, khi thu đến, hoa
cúc dại nở vàng đến nhức mắt.
[…]
Thung lũng Hua Tát ít nắng. Ở đây quanh năm cứ lung bung một thứ sương mù bàng bạc
nên nhìn người và vật thì chỉ nhìn thấy những nét nhòa nhòa đại thể mà thôi. Đây là thứ không
khí huyền thoại” (Những ngọn gió Hua Tát), [94, tr.213].
- “Sau Tết Nguyên đán một tháng là thời gian thích nhất ở rừng. Cây cối đều nhú lộc
non. Rừng xanh ngắt và ẩm ướt. Thiên nhiên vừa trang trọng vừa tình cảm. Điều ấy một phần
là do mưa xuân.
Khoảng thời gian này mà đi trong rừng, chân dẫm lên lớp lá ải mục, hít thở không khí
trong lọc, thỉnh thoảng lại thót mình bởi một giọt nước từ trên lá cây rỏ xuống vai trần thật
tuyệt thú” (Muối của rừng), [94, tr.65].
- “Đây là thiên nhiên: cành cây xòa trước mặt, tiếng chim hót, những giọt nước mưa
đọng lại trên cây, mùi lá mục ẩm ướt, những con chim xanh, con chim đỏ, con chim vàng,
những cánh mối ướt rụi, những con bọ nhảy, tiếng vượn kêu não nùng, bông hoa bé xíu…tất cả
hương vị, màu sắc của thiên nhiên đều chân thực, thanh khiết, đều khiến ta cảm động đến tận
đáy sâu tâm hồn” (Mưa Nhã Nam), [94, tr.203].
- “Ngôi nhà nhỏ ở trên đồi. Ngôi nhà đơn độc, lẻ loi. Mưa xuân giăng giăng bao trùm
lên ngôi nhà. Mưa xuân giăng giăng bao trùm lên hai cây nhội gai đỏ. Mưa xuân giăng giăng
trùm lên quả đồi” (Đời thế mà vui), [94, tr.348].
Những đoạn văn như thế chiếm số lượng khá nhiều trong những trang văn của Nguyễn
Huy Thiệp. Những dòng văn xuôi tuôn dài êm dịu như những áng thơ, nhịp nhàng như tiếng
nhạc du dương trầm bổng, dìu dặt chảy tràn âm điệu trữ tình. Đó chỉ có thể là chất thơ riết nóng
được phát ra từ “những tiếng lòng líu la líu lo”, từ “lòng mẹ”.
Hiện lên trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là không gian yên ả, thanh bình đặc trưng
cho phong cảnh làng quê Việt Nam với hình ảnh đàn cò, ngõ nhỏ, dòng sông, cánh buồm, bờ
đê,…và tiếng chửi láng giềng của ai đó khi bị mất gà: “Trên trời cao, có mấy con cò bay qua,
tiếng kêu khàn khàn nghe rất hãi hùng. Những giọt nước mưa đọng trên lá cây bỗng rơi rào
rào xuống người tôi. Tôi đi dọc theo cái ngõ nhỏ rụng đầy lá tre, loanh quanh một lúc trong
làng vì lạc đường. Mấy đứa trẻ con chạy táo tác. Có nhà ai mất gà đang lớn tiếng chửi láng
giềng, tiếng chửi nghe rất tục tằn, ngoa ngoắt. Tôi vòng lên ra chỗ bờ đê. Phía xa xa, một cánh
buồm nâu chậm rãi đi ngược dòng sông hoàn toàn vô sự” (Những bài học nông thôn), [94,
tr.146].
Dòng sông, bến đò quê hương hiện lên trên trang văn Nguyễn Huy Thiệp đẹp như một
bức tranh: “Đoạn sông chảy qua bến Cốc lia một vòng cung đẩy những doi cát bên bồi về mãi
phía Tây. Bến đò ở ngay gốc gạo đơn độc đầu xóm. Con sông bến nước mơ màng và buồn cô
liêu, nửa như chờ đợi, nửa như hờn dỗi. Mùa hoa, trên ngọn cây gạo màu đỏ xao xuyến đến lạ
lùng” [94, tr.7]. Mùa đông không rét buốt tái tê mà đẹp nao lòng. Những buổi sáng mùa đông
thường có nắng ấm lan tỏa trong không gian: “Mặt trời hào phóng trải trên mặt đất tất cả hào
quang rực rỡ của mình. Trời xanh ngăn ngắt, một làn gió thổi làm những hạt cát trên thuyền
xoáy thành lốc nhỏ” (Chảy đi sông ơi), [94, tr.13-14].
Đọc những câu văn như thế, người đọc có cảm tưởng như đang được hòa mình vào thiên
nhiên, rồi thấy mình càng thêm yêu đời, yêu người hơn.
Giọng điệu trữ tình còn bộc lộ qua những trang sách nhà văn viết về nhân vật nữ. Khác
với giọng hằn học, bỡn cợt, chua chát khi viết về hầu hết các nhân vật đàn ông, Nguyễn Huy
Thiệp lại dành những tình cảm nồng hậu nhất cho phụ nữ. Những câu văn ông dành tặng cho họ
là những câu văn tha thiết, giọng điệu ngợi ca nồng nàn nhất, vì thế chúng cũng là những trang
văn xuất sắc nhất của ông:
- “Trên tấm sàn gỗ đầu nhà, dưới ánh trăng, một cô gái Mường đang chăm chú dệt tấm
thổ cẩm với những màu sắc vô cùng đẹp mắt. Tôi lặng người, gần như nghẹt thở vì vẻ đẹp trong
trẻo huyền ảo của hình ảnh ấy […]. Dưới ánh trăng, khuôn mặt cô thật xinh đẹp, tươi tắn […].
Ánh mắt và nụ cười của cô đầy sự cảm thông, nó vui vẻ ân cần như muốn chia sẻ tình cảm với
tôi” (Thổ cẩm), [94, tr.502].
- “Cho đến lúc ấy, có lẽ chẳng có chuyện gì xảy ra nếu Nguyễn Thị Lộ tầm thường như
những phụ nữ khác [...]. Nàng trinh bạch, điềm tĩnh và cương nghị” (Nguyễn Thị Lộ), [94,
tr.329].
- Tôi bắt đầu hình dung thấy nàng. Nàng hiện lên rực rỡ. Những đường nét trên khuôn
mặt nàng rõ ràng, đôi lông mày thanh tú quả cảm” (Con gái thủy thần), [94, tr.89].
- “Nhi đội khăn vuông, mặc áo bông, khoác tay nải, rực rỡ như một đóa quỳnh trong
đêm” (Cánh buồm nâu thuở ấy), [94, tr.569].
Qủa thật, nói như nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến thì “thiên tính nữ là một điểm tựa
quan trọng của tác giả” [59, tr.19]. Điểm tựa tinh thần ấy khiến văn Nguyễn Huy Thiệp tuôn
dài như những áng thơ trữ tình, đằm thắm da diết, vì thế mà có chiều sâu hơn.
Giọng điệu trữ tình trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp thật sâu lắng thiết tha khi ông
kể những câu chuyện tình yêu nam nữ. Đỗ Đức Hiểu ví von rằng Nguyễn Huy Thiệp là “ca sĩ
của Tình yêu” [59, tr.482]. Nhịp mạnh trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là những trang
văn viết về tình yêu. Tình yêu con người, tình yêu loài người là tinh thần bao trùm các tác phẩm
của ông. Đấy là thứ tình cảm tuyệt diệu, thiêng liêng nhất mà thượng đế đã ban tặng cho con
người. Nhà văn đã nhiều lần từng viết: “Trong muôn thứ diệu kỳ thì tình yêu chính là điều diệu
kỳ nhất” (Quan âm chỉ lộ), [94, tr.585], “Mà tình yêu, bạn biết không – cái món quà tuyệt vời
mà Thượng đế hào phóng ban tặng cho người đời ấy, bao giờ cũng phải trả giá bằng những
giọt nước mắt nghẹn ngào…” (Cánh buồm nâu thuở ấy), [94, tr.575].
Những trang viết về tình yêu của Nguyễn Huy Thiệp bao giờ cũng đẹp, lãng mạn, say
đắm. Giọng hát của Trương Chi chỉ cao vút khi chàng hát về tình yêu dành cho Mị Nương
(Trương Chi). Chỉ có tình yêu mãnh liệt, cháy bỏng, chàng Khó mới có thể bất chấp hiểm nguy
vào rừng tìm giết hổ dữ để lấy trái tim về chữa bệnh cho nàng Pùa (Trái tim hổ). Và cũng chỉ
xuất phát từ tình yêu nồng đượm với Mây, người đàn ông phong trần, dày dạn gió sương như
Bạc Kỳ Sinh mới cất lên được những giai điệu tình yêu đẹp, da diết đến thế:
“Pò mệ ơi! Bố mẹ ơi…
Pò mệ sinh con từ hang núi
Nơi ấy có nhiều gió lạnh lắm
Tiếng hổ gầm, tiếng chó sói hú
Những con rắn, con trăn tìm mồi
Bọn cáo chồn hôi hám rình mò…
…
Con sờ soạng trong bóng đêm
Và nhặt được một vật mềm, ướt át
Con sợ hãi, không biết vật gì
Nó phập phồng trong tay con
Ôi đau quá, đau nhói ở đây
Cái vật mềm, ướt át ấy
Là trái tim con rơi trên đất
Mặt đất nhiều gió, lạnh lắm…»
(Chuyện tình kể trong đêm mưa), [94, tr.461-462]
Tiếng hát của chàng trai người Thái ấy đơn giản như lời nói mà “dịu dàng không sao kể
xiết; ngậm ngùi tê tái mà không mủi lòng; tâm trạng cô đơn lạnh buốt lẫn lộn với những khao
khát nồng nàn. Tiếng hát sóng sánh, đặc như những giọt mật ong. Mỗi từ là một giọt mật” [94,
tr.462]. Bài hát tình yêu vì thế cũng mang hương vị ngọt ngào của loại mật ong rừng chỉ có nơi
núi rừng Tây Bắc xa xôi.
Giọng điệu trữ tình trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp còn biểu hiện ở âm hưởng của
thơ ca. Chất thơ là một trong những nhân tố góp phần tạo nên giọng điệu trữ tình trong truyện
ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Nhà phê bình văn học Đỗ Đức Hiểu nhận xét: “Thơ ca và triết lí là
những đặc trưng cơ bản của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp”, đặc trưng đó xuất phát từ “tinh
thần dân tộc” hay “tính phương Đông” của phong cách nhà văn [59, tr.479]. Nhà văn Lê Minh
Hà gọi truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp là những truyện “dữ dội và hết sức thơ” [59,
tr.488].
Cảm quan thơ thể hiện ngay ở hệ thống nhan đề truyện ngắn của ông, nhan đề giàu nhạc
điệu, mênh mang như những câu hát: Chảy đi sông ơi, Thương nhớ đồng quê, Chăn trâu cắt cỏ,
Đưa sáo sang sông, Sang sông, Cánh buồm nâu thủa ấy, Những tiếng lòng líu la líu lo.
Âm hưởng trữ tình trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp được bộc lộ qua những bài
thơ. Những bài thơ phần nhiều là những câu thơ tự do, không vần điệu do tác giả tự đặt ra.
Chúng dàn trải mênh mông như những ý nghĩ, những lời nhắn nhủ và dường như tác giả của
những bài hát, bài thơ ấy cũng không màng đến sự trau chuốt của ngôn từ nên lời ca càng chân chất,
mộc mạc:
“Tôi đi đưa đám ma em gái trên đồng
Cái chết trắng, cái chết trắng xóa
Những con bướm trắng, những bông hoa trắng
Những tâm hồn trong trắng, những cuộc đời trắng.
…
Tôi đi đưa đám ma em gái trên đồng
Trong ngày như thế, trong một ngày dưng
Trong ngày như thế, trong một ngày thường
Ơi hời, tôi đi lẫn trong đám đông, trong số đông,
trong lòng người, trong nỗi đau thương, trong thê lương,
trên quê hương…” (Thương nhớ đồng quê), [94, tr.198-199].
Âm hưởng trữ tình còn toát lên từ những câu văn giàu vần điệu, có cấu trúc như một bài
thơ. Trong truyện Nguyễn Thị Lộ có những đoạn văn vần không chỉ làm tăng thêm chất nhạc,
chất thơ, mà còn có ý nghĩa khá sâu sắc:
“Bởi nàng là Nguyễn Thị Lộ.
Vì nàng là Nguyễn Thị Lộ.
Chỉ có một Nguyễn Thị Lộ” [94, tr.334]
Cấu trúc ngữ pháp, nhịp điệu của ba câu trên lặp lại gần như hoàn toàn (Bởi nàng là -
Nguyễn Thị Lộ; Vì nàng là - Nguyễn Thị Lộ; Chỉ có một - Nguyễn Thị Lộ) như lời khẳng định,
nhấn mạnh về vai trò cũng như tầm ảnh hưởng vô cùng to lớn của Nguyễn Thị Lộ trong cuộc
đời Nguyễn. Bởi thực tế chính nàng đã thay đổi cuộc đời ông.
Cũng trong truyện ngắn này, nếu đọc những câu văn xuôi có cấu trúc cân đối, nhịp nhàng
như những câu thơ giàu nhạc tính, tuôn trào cảm xúc dưới đây, ta sẽ cảm nhận thấm thía hơn
những trăn trở nội tâm trong trái tim Nguyễn. Đó là dự cảm về nỗi cô đơn, lạc lõng trong cuộc
đời ông ngay cả khi đã chết. Chỉ có cỏ xanh bao phủ trên nấm mộ và lũ kiến hát những bài ca
mà loài người không bao giờ có thể hiểu. Những ý nghĩ ấy cứ miên man không dứt, song lại
khiến Nguyễn cảm thấy nhẹ nhàng và thanh thản hơn:
“Còn Nguyễn, Nguyễn đâu có hai cuộc đời? Rồi ngày nào đấy Nguyễn chết đi, trên nấm
mộ chỉ có cỏ xanh. Như bao người khác.
Chỉ có cỏ xanh: cỏ ấu, cỏ gà, cỏ chân chim, cỏ gianh, cúc, thầu dầu, xương rồng.
Những con kiến ca hát.
Và chúng ca hát theo kiểu kiến.” [94, tr.334]
Trong nhiều truyện ngắn, Nguyễn Huy Thiệp đã mượn lời thơ của các nhà thơ khác để
làm phát ngôn cho một số nhân vật. Tiêu biểu là những tác phẩm: Lòng mẹ (mượn lời thơ của
Nguyễn Bính), Thương cho cả đời bạc (mượn lời thơ của Tú Xương), Đưa sáo sang sông
(mượn lời thơ của Đồng Đức Bốn),…Đọc nhiều đoạn văn trong sáng tác của ông, người đọc
dường như không thể phân biệt lời nói của nhân vật với lời thơ nghệ thuật. Bởi lời nói hàng
ngày cũng trở nên giàu tính nhạc. Tiêu biểu như đoạn bà mẹ chuẩn bị tư trang chu đáo, đầy đủ
cho con gái khi về nhà chồng trong truyện Lòng mẹ:
“- Này áo đồng lầm, quần lĩnh tía…Này gương, này lược, này hoa tai…Muốn gì tôi
sắm cho cô đủ…Nào đã thua ai, đã kém ai?”
Nhưng thấy cô con gái nghẹn ngào:
“- U ơi! Con đi về nhà người! Ai ra đồng cấy giúp u? Ai nuôi dạy các em con? Ai
trông nhà trông cửa! Lại còn món nợ ở nhà…”
Bà liền cười hồn hậu, an ủi với giọng nói như hát, nỗi đau như kìm nén vào trong:
“- Ruộng tôi cày cấy…Dâu tôi hái! Nuôi daỵ em cô, tôi đảm đương! Nhà cửa tôi coi!
Nợ tôi trả! Tôi còn mạnh chán! Khiến cô thương!” [94, tr.441].
Những câu văn ngắt nhịp 2/2/3 hoặc 4/3 và các dấu chấm cảm được nhà văn sử dụng khá
đắt đã góp phần tạo nên giai điệu nhịp nhàng cho lời thoại. Đọc những câu văn dào dạt cảm xúc
như thế, chắc hẳn không ai không khỏi bồi hồi xúc động. Việc tác giả vận dụng khéo léo, sáng
tạo những câu thơ của thi sĩ Nguyễn Bính trong bài thơ có tên là Lòng mẹ vào lời nói của nhân vật
trong truyện ngắn cùng tên đã tạo được hiệu quả thẩm mĩ cao cho tác phẩm.
Nhà nghiên cứu Đặng Anh Đào đã nhận xét đằng sau những câu văn của Nguyễn Huy
Thiệp ta vẫn thấy “một cấu trúc nhịp nhàng, một giai điệu ẩn náu như bè trầm của văn bản”
[75, tr.179]. Đó có thể là do chịu ảnh hưởng của lối văn giàu thanh nhạc, nhịp điệu của văn
chương truyền miệng của dân tộc. Đọc truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, tuy đôi chỗ còn gai
góc, xù xì khi viết về những chuyện thế thái nhân tình nhưng cái đọng lại sâu nhất nơi trái tim
người đọc chính là tình người, tình đời được biểu hiện tinh tế qua giọng điệu trữ tình sâu lắng với
những câu văn chảy tràn chất thơ, chất nhạc.
3.2.2. Giọng điệu mỉa mai, giễu cợt
Bên cạnh giọng điệu trữ tình, thấm đẫm chất thơ, truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp
còn hấp dẫn người đọc qua giọng điệu mỉa mai, giễu cợt. Mỉa mai là “phương thức biểu cảm
mà ý nghĩa đánh giá đích thực ngược hẳn với ý nghĩa bề mặt của phát ngôn, là sự phản đối,
phủ định dưới hình thức tán dương, khẳng định” [74, tr.195]. Còn giễu cợt là “nêu thành trò
cười nhằm chế nhạo, đả kích” những thói hư tật xấu trong xã hội [68, tr.401]. Mỉa mai, giễu cợt
là những phương thức biểu cảm được Nguyễn Huy Thiệp sử dụng có hiệu quả trong nhiều thiên
truyện.
Dân gian có thói quen mỉa mai, giễu cợt nhằm phê phán những thói hư tật xấu của con
người. Cách nói ấy thường biểu hiện qua những câu truyện trạng, truyện cười, ca dao trào
phúng,…Mỉa mai, giễu cợt trong văn chương nghệ thuật không phải đến từ một "cõi lạ", không
dính dáng đến hiện tại mà luôn gắn chặt với thực trạng muôn mặt của cuộc đời. Bởi tác phẩm
dẫu nói về cái xấu, cái ác nhưng người viết vẫn hướng con người về phía cái đẹp, khơi gợi
những tình cảm cao đẹp bởi “khi cười cái xấu, người ta đứng cao hơn nó” (Tsecnưsepxki).
Đọc truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, ta thấy phảng phất giọng điệu giễu cợt của dân
gian. Giọng điệu này cũng là một cách để nhà văn tiếp cận và phản ánh hiện thực cuộc sống.
Nhờ đó mà những phương diện đa dạng và phong phú trong dòng chảy của cuộc sống hôm nay
được nhà văn soi chiếu một cách chân thực nhưng không kém phần tinh tế. Đối tượng mỉa mai,
giễu cợt của nhà văn rất đa dạng.
Giọng mỉa mai, giễu cợt thể hiện rõ khi Nguyễn Huy Thiệp phê phán sự suy đồi truyền
thống đạo lí gia đình trong một bộ phận xã hội buổi giao thời. Điều đặc biệt là giọng văn này
trong truyện của ông ít khi gắn với tiếng cười. Nếu có thì thường không phải là tiếng cười hả
hê, vui vẻ. Ngược lại, nó ẩn chứa những nỗi đau, nỗi buồn về thế thái nhân tình của kiếp người.
Tiếng cười đôi khi thực sự bi đát, nặng nề, đầy mai mỉa. Một ông tướng (Tướng về hưu) một
thời từng xông pha anh dũng nơi chiến trường trận mạc, trớ trêu thay, ông lại trở nên thụ động
giữa đời thường, thậm chí lạc lõng ngay trong gia đình mình. Làm chủ hôn cho đám cưới của
đứa cháu họ, chứng kiến không khí “ô hợp láo nháo thản nhiên rất đời, thô thiển, thậm chí ô
trọc nữa” ở đấy khiến ông “luống cuống, khổ sở” đến “kinh hãi, đau đớn” [94, tr.22]. Thấy cô
con dâu làm bác sĩ sản khoa lấy xác thai nhi về nấu cho chó béc giê ăn, ông chỉ biết khóc. Đến
khi đứa cháu gái “giễu”: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm phải không ông?”, ông cũng chỉ
biết mắng: “Mẹ mày! Láo!” [94, tr.31].
Trong một gia đình khác, hãy xem bố con ông Kiền (Không có vua) nói chuyện với
nhau, ta thấy rõ hơn về sự “bát nháo” đó. Lão Kiền thường nói với con những lời mỉa mai rất
độc địa. Với Đoài: “Mày ấy à? Công chức gì mặt mày? Lười như hủi, chữ tác, chữ tộ không
biết, chỉ giỏi đục khoét!”, với Cấn thì: “Hay thật, cái nghề cạo đầu ngoáy tai của mày, nhục thì
nhục nhưng hái ra tiền!” [94, tr.47]. Cho nên người đọc cũng không quá bất ngờ và sẽ còn ám
ảnh rất lâu bởi câu nói của Đoài. Bố bệnh nặng, Đoài bảo: “Tôi nghĩ bố già rồi, mổ cũng thế,
cứ để chết là hơn”. Rồi không để ai kịp nói, Đoài thản nhiên đến tàn nhẫn, vô nhân tính: “Ai
đồng ý bố chết giơ tay, tôi biểu quyết nhé” [94, tr.62]. Có cái gì đắng chát sau câu nói trơn tuột
ấy của Đoài. Người ta những tưởng anh ta đang nói đến chuyện bầu bán gì đấy chứ không phải
chuyện bệnh tình của bố mình. Đạo lí cha con trở nên vô nghĩa, bị con người ta đem ra làm trò
đùa. Đời sống kinh tế thị trường đem đến sự thõa mãn nhu cầu vật chất cho con người, nhưng
theo đó là sự tha hóa nhân tính trong một bộ phận xã hội lúc giao thời. Đồng tiền có sức mạnh
phá hủy nhân tính thật ghê gớm. Cái hiện thực cay đắng ấy đã được nhà văn miêu tả một cách
riết róng, qua giọng văn đầy mỉa mai.
Khi viết về những hành động động ngớ ngẩn, vô nghĩa của con người, nhà văn thường
viết bằng giọng mỉa mai, giễu cợt. Trong Những người thợ xẻ chi tiết nhân vật Ngọc ngăn
không cho Bường hãm hiếp Quy, Bường giận dữ, thách đánh nhau với Ngọc: “Thế nào? Tiến
lên đi chứ, công tử bột! Hãy mang chiến thắng về nộp dưới chân nàng Đuynxinê ở làng
Tôbôdô” [94, tr.126] thật lố bịch. Hai người lao vào đánh nhau ác liệt mà chẳng vì cái gì cụ thể.
Lời thách thức của tay “du thủ du thực” kia, mỉa mai thay, đã biến chàng cử nhân tương lai
thành một anh chàng ngốc đi “đánh nhau với cối xay gió”.
Giọng mỉa mai, giễu cợt còn được nhà văn dùng khi viết về những tình huống “dở khóc
dở cười” khi con người phát hiện ra một điều gì đó. Người ta đắc chí với sự phát giác ấy mà
không biết rằng mình đang trở thành một kẻ lố bịch hơn bao giờ hết. Ẩn sau câu chữ là những
nỗi buồn tưởng bâng quơ nhưng rất thâm thúy. Để săn được con khỉ đầu đàn, ông Diểu (Muối
của rừng) đã phải mất khẩu súng săn và cả bộ quần áo. Trên đường trở về, ông bực mình nghĩ:
“chẳng lẽ lại nồng nỗng thế này về nhà thì thật là khả ố! Mình sẽ thành trò cười cho thiên hạ
mất…”. Rồi ông bỗng bật cười: “Thì đã sao nào! Hỏi ai bắn được một con khỉ thế này? Phải
yến rưỡi thịt…Lông vàng như nhuộm…Bắn được con vật như thế này thì dẫu mảnh giáp không
còn cũng đáng!” [94, tr.73] Thực ra ông Diểu đã nhận ra sự lố lăng trong hành động của mình.
Ông ta chỉ đang cố biện minh cho hành động ấy mà thôi.
Cuộc sống đời thường với bao toan tính, mưu mô xảo quyệt. Truyền thuyết, huyền thoại
vốn đẹp, thơ mộng lại trở thành trò cười trong thiên hạ. Huyền thoại Mẹ Cả đầy ắp trong kí ức
tuổi thơ Chương (Con gái thủy thần). Trong trí tưởng tượng của anh, Mẹ Cả hiện lên thật đẹp
và lộng lẫy. Cho đến một hôm có người chỉ cho Chương nấm đất gần kề gốc cây muỗm và bảo
đấy là mộ của Mẹ Cả. Anh đào lên. Thì ra trong nấm đất ấy chỉ là “một khúc gỗ mục chẳng
hình thù gì” [94, tr.86]. Chuyện Mẹ Cả rốt cùng chỉ là câu chuyện bịa đặt. Sự thật mà anh vừa
trông thấy tận mắt quá phũ phàng so với huyền thoại mà người đời bấy lâu nay vẫn thêu dệt.
Thật đau đớn và chua chát, Chương thấy mình bơ vơ, lạc lõng chính tại nơi mình đang sống.
Anh quyết định đi ra biển, dẫu biết rằng “ngoài biển không có thủy thần” [94, tr.87], nhưng có
thể nơi ấy sẽ không còn những trò lừa bịp ác tâm của con người.
Cậu bé làng chài (Chảy đi sông ơi) cố nài nỉ những người đánh cá mòi đêm cho lên
thuyền để có thể nhìn thấy sự thật về truyền thuyết con trâu đen. Nhưng truyền thuyết ấy chỉ là
tin đồn thất thiệt của một kẻ rỗi hơi nào đấy. “Chuyện giết người cướp của có thực, ngoại tình
có thực, cờ bạc có thực”, còn đau lòng thay: “chuyện trâu đen là giả”, vì đó chỉ là “chuyện
đồn nhảm nhí” [94, tr.12].
Giọng mỉa mai, giễu cợt thể hiện qua những phát ngôn kiểu hô hào rỗng tuếch. Đây
chính là điểm gặp gỡ giữa Nguyễn Huy Thiệp với Vũ Trọng Phụng. Trong Số đỏ, nhà văn Vũ
Trọng Phụng đã để cho nhân vật Xuân Tóc Đỏ nhiều lần nói những câu trịch thượng song lại vô
nghĩa và buồn cười. “Hỡi quần chúng! Mi không hiểu gì, mi oán ta! Ta vẫn yêu quí mi mặc
lòng mi chẳng rõ lòng ta!...Thôi giải tán đi, và cứ an cư lạc nghiệp trong hòa bình và trật tự!
Ta không dám tự phụ là bậc anh hùng cứu quốc, nhưng ta đã tránh được cho mi họa chiến
tranh rồi! Hòa bình vạn tuế! Hội Quốc liên vạn tuế!” [70, tr.234]. Mấy nghìn người bị một kẻ
lưu manh, bụi đời gọi là “mi” không những chẳng tức giận, ngược lại còn rất xúc động, sốt sắng
hoan hô: “Xuân Tóc Đỏ vạn tuế! Sư đại bại vạn tuế!” [tr. 235]. Tiếng cười châm biếm, mỉa mai
từ đó vang lên thật sâu cay!
Trong một số thiên truyện của Nguyễn Huy Thiệp, nhân vật cũng có cách nói kiểu hô hào
“thùng rỗng kêu to” như thế. Tiêu biểu là truyện Sang sông. Chuyện kể rằng trên chuyến đò
sang bờ bên kia hôm ấy có rất nhiều hạng người và nhiều biến cố xảy ra. Một cậu bé vì nghịch
ngợm đã kẹt tay vào cái bình của hai gã buôn đồ cổ. Trong lúc mọi người trên đò đang lúng
túng chưa biết xử trí thế nào thì tên cướp có vẻ mặt hung tợn đã liều mình đập vỡ chiếc bình
quý để cứu đứa bé thoát chết trong gang tấc. Chứng kiến hành động ấy, nhà giáo (trước đó run
lẩy bẩy, đánh rơi cả kính) bỗng hoảng hốt thốt lên: “Trời! Anh dám đập vỡ bình! Thật đúng là
một anh hùng! Một nhà cải cách! Một nhà cải cách!” [94, tr.369]. Thật nực cười! Nhà giáo cao
đạo nói những lời sáo rỗng, ngây ngô, còn kẻ cướp giờ lại trở thành “anh hùng”, thành “nhà cải
cách” vĩ đại. Khi để cho nhân vật thầy giáo nói những câu “khen ngợi” ấy, tác giả không hướng
người đọc đến sự đánh giá về nhân vật tên cướp, mà chủ yếu nhằm phê phán sự hèn nhát, thói
mọt sách của ông thầy giáo nọ nói riêng, và những kẻ sống theo kiểu “lí thuyết suông” không
hiếm gặp trong đời thường nói chung. Câu chuyện vì thế toát lên thái độ mỉa mai, giễu cợt thâm
thúy.
Nhà văn còn mỉa mai, giễu cợt cái cách người ta đặt tên địa danh vùng miền bằng những
cái tên nghe “rất kêu” nhưng thật kệch cỡm. Ví dụ như trong truyện Những người thợ xẻ, ông
để nhân vật Bường nói mỉa: “Vùng ma thiêng nước độc thì tên là Tương Lai, Bình Minh, Tân
Lập, Đoàn Kết, Tự Cường! Kêu cứ như chuông! Mấy thằng bán quán, khách vào thì chém cổ
lại đặt tên là Bình Dân với Thanh Lịch! Còn mấy thằng bán thuốc nạo thai con gái lại đặt tên
là Hồi Xuân với Cứu Thế!” [94, tr.110].
Giọng giễu cợt của Vũ Trọng Phụng là thái độ phủ định sâu sắc hết thảy cái xã hội thảm
hại, lố lăng trước cách mạng. Giọng điệu ấy bộc lộ chủ yếu qua bút pháp trào lộng, châm biếm
sâu cay. Vũ Trọng Phụng có những tác phẩm thuần túy với giọng giễu cợt. Còn giọng mỉa mai,
giễu cợt trong văn Nguyễn Huy Thiệp chỉ nhằm vào một vài đối tượng cụ thể đan cài vào tác
phẩm. Đôi khi cái nhìn giễu cợt xuất phát từ những tình huống tưởng chừng rất vụn vặt đời
thường song lại ngầm chứa những giá trị nhân sinh sâu sắc. Ngay ở những thiên truyện “phản
cổ tích” (được cho là có biểu hiện của giọng mỉa mai, giễu cợt) thì giọng khẳng định vẫn là
giọng chính. Song không thể phủ nhận rằng thông qua giọng điệu mỉa mai, giễu cợt, Nguyễn
Huy Thiệp đã cho chúng ta thấy được phần nào những mặt tiêu cực trong tư tưởng, nếp sống,
đạo đức,…còn tồn tại trong xã hội để từ đó có ý thức sống tốt hơn.
Tiểu kết:
Có thể nói, ngôn ngữ và giọng điệu là những đặc điểm tạo nên sức hấp dẫn thẩm mĩ cho
truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp và góp phần khẳng định tài năng cũng như phong cách của tác
giả.
Truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp được viết bởi thứ ngôn ngữ rất đời thường, vận
dụng khá nhuần nhuyễn thành ngữ, tục ngữ nên gần gũi với ngôn ngữ sinh hoạt hàng ngày,
mang đậm sắc thái ngôn ngữ của dân gian. Bên cạnh đó, nhà văn còn kể chuyện bằng lối kể rất
quen thuộc trong cổ tích, trong thói quen giao tiếp của người Việt Nam, đó là lối kể chuyện
bằng văn xuôi xen kẽ với văn vần. Truyện của ông hấp dẫn, lôi cuốn độc giả chính là nhờ đã kết
hợp được chất thơ và chất tự sự trong văn xuôi, góp phần tạo nên sự rậm rạp trên bề mặt và cả ở
chiều sâu trong việc khám phá đời sống con người.
Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn luôn có ý thức và cố gắng tạo nên giọng điệu văn chương
riêng cho mình. Với sự nỗ lực tìm tòi không ngừng, ông đã khẳng định được văn phong riêng
độc đáo không thể nhầm lẫn. Một trong những yếu tố góp phần tạo nên sự hấp dẫn của truyện
ngắn Nguyễn Huy Thiệp là sắc thái dân gian trong giọng điệu trữ tình, thấm đẫm chất thơ và
giọng điệu mỉa mai, giễu cợt. Chúng là những “dải băng ngôn từ” được nhà văn khéo léo chọn
lựa, chắt lọc, đan cài tạo nên nhiều chất giọng trong tác phẩm. Văn của ông vừa có sự kế thừa
cách diễn đạt truyền thống vừa có lối diễn đạt sắc lạnh, đầy suy tư của văn chương hiện đại.
KẾT LUẬN
1. Nguyễn Huy Thiệp là một trong những nhà văn tiên phong của giai đoạn văn học thời
kì Đổi mới, góp phần tạo nên diện mạo mới cho nền văn học đương đại Việt Nam. Với những
tìm tòi, sáng tạo đầy nỗ lực, Nguyễn Huy Thiệp đã khẳng định tài năng, vị trí và tầm ảnh hưởng
của mình trên văn đàn cũng như trong lòng độc giả.
Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn của sự đổi mới, cách tân. Điều đó đã được nhiều nhà
nghiên cứu, phê bình, nhiều công trình khoa học phát hiện và minh chứng. Với mong muốn
khám phá thêm chiều sâu trong những sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, luận văn tiến hành tìm
hiểu truyện ngắn của ông từ hướng tiếp cận văn hóa dân gian. Khảo sát riêng ở mảng truyện
ngắn Nguyễn Huy Thiệp, đặc biệt soi rọi từ một số lí thuyết cơ bản của văn hóa dân gian dân
tộc, luận văn nhằm đi đến kết luận: truyện ngắn của ông có sự ảnh hưởng của văn hóa dân gian
cả về nội dung tư tưởng lẫn hình thức thể hiện.
2. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sự kết tinh những quan hệ tốt đẹp nhất
giữa người với người, với xã hội và với tự nhiên. Trong đó, văn hóa dân gian là một bộ phận
quan trọng của văn hóa. Mối quan hệ ảnh hưởng giữa văn hóa với văn học nói chung, văn hóa
dân gian với văn học viết nói riêng là mối quan hệ mang tính quy luật tất yếu. Việc vận dụng
các lí thuyết văn hóa dân gian vào nghiên cứu tác phẩm văn học cụ thể giúp chúng ta hiểu sâu
hơn bản chất sáng tạo của nhà văn.
Trước hết, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đã chuyển tải thành công các quan niệm văn
chương của nhà văn. Trong đó, Nguyễn Huy Thiệp đặc biệt chú ý đến mối quan hệ giữa văn
hóa, văn học dân gian và nhà văn. Khi đi vào tìm hiểu ảnh hưởng của văn hóa dân gian đối với
truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, luận văn đã phân tích, chứng minh sự ảnh hưởng của một số
thành tố văn hóa dân gian như văn học dân gian, tín ngưỡng dân gian, ngôn ngữ dân gian trên
các phương diện cụ thể như cốt truyện, nhân vật, ngôn ngữ và giọng điệu.
3. Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đa phần không có cốt truyện phức tạp, chứa đựng
quá nhiều mâu thuẫn kịch tính. Để thể hiện cuộc sống với tất cả sự đa diện, đa chiều, Nguyễn
Huy Thiệp thường xây dựng những cốt truyện mang màu sắc huyền ảo và môtíp cổ tích. Chúng
tôi cũng đã chỉ ra sự ảnh hưởng của truyện dân gian đối với cách thức mở đầu và kết thúc trong
cốt truyện truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.
Ở những kiểu cốt truyện này, để làm rõ sự kế thừa và sáng tạo độc đáo của Nguyễn Huy
Thiệp, người viết đã tập trung đi sâu phân tích các yếu tố như sự kiện, chi tiết kì lạ, hoang
đường; những tình huống truyện hư ảo; những nhân vật kì lạ; những giấc mơ bí ẩn, những
môtíp cổ tích quen thuộc. Từ đó, người viết khẳng định việc sử dụng các yếu tố huyễn hoặc,
các môtíp cũ không có nghĩa là Nguyễn Huy Thiệp lặp lại truyền thống mà đó là cách để nhà
văn có thể đi sâu chiếm lĩnh, khám phá hiện thực đa chiều của cuộc sống thực tại.
4. Hệ thống nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp khá đa dạng và phong phú.
Có ba kiểu nhân vật hiện lên khá toàn diện trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp là: nhân
vật là những con người sống hòa hợp với tự nhiên, mang trong mình triết lí sống hài hòa, bình
ổn; nhân vật là những người có đời sống tâm linh sâu sắc; nhân vật là những người phụ nữ
mang vẻ đẹp của “thiên tính nữ”. Trong quá trình đi sâu phân tích hệ thống nhân vật trong
truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, luận văn đã cố gắng chỉ ra rằng: khi xây dựng nhân vật, nhà
văn chịu ảnh hưởng khá sâu sắc truyền thống văn hóa dân gian Việt Nam với triết lí sống hài
hòa, bình ổn xuất phát từ tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, truyền thống trọng nữ, tục thờ Mẫu của
cư dân nông nghiệp lúa nước lâu đời truyền lại. Cho nên nhân vật trong truyện ngắn của
Nguyễn Huy Thiệp tuy là những con người của cuộc sống hiện đại nhưng vẫn mang trong mình
những phẩm chất truyền thống cao đẹp.
5. Chịu ảnh hưởng khá sâu sắc cách diễn đạt từ dân gian, ngôn ngữ truyện ngắn Nguyễn
Huy Thiệp mang những đặc điểm sau: sử dụng nhuần nhị ngôn ngữ đời thường, tục ngữ, thành
ngữ; lời kể chuyện bằng văn xuôi xen kẽ với văn vần. Ngôn ngữ nghệ thuật trong truyện ngắn
của Nguyễn Huy Thiệp là thứ ngôn ngữ được chắt lọc từ đời sống, từ thói quen vận dụng tục
ngữ, thành ngữ từ lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhân dân. Lời kể chuyện trong truyện ngắn
của Nguyễn Huy Thiệp cũng khá độc đáo. Đó là lối kể chuyện bằng văn xuôi xen kẽ với văn
vần vốn đã quen thuộc từ truyện cổ dân gian. Chính việc vận dụng phối hợp khéo léo các dạng
ngôn ngữ này mà truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đã để lại ấn tượng sâu sắc hơn trong cảm
nhận của độc giả.
Nói đến truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, người ta cũng thường nói đến giọng điệu độc
đáo trong văn ông. Tùy thuộc vào đối tượng thể hiện mà nhà văn thường chọn một chất giọng
chủ đạo, qua đó bộc lộ thái độ, quan điểm của tác giả về con người và cuộc sống. Truyện ngắn
Nguyễn Huy Thiệp là một thế giới đa giọng điệu, ở đó có sự kết hợp, đan cài giữa chất giọng
trữ tình, thấm đẫm chất thơ với chất giọng mỉa mai, giễu cợt.
Truyện của Nguyễn Huy Thiệp gây ấn tượng đặc biệt cho độc giả bằng chất giọng trữ
tình, thấm đẫm chất thơ. Giọng điệu ấy như “một cấu trúc nhịp nhàng, một giai điệu ẩn náu
như bè trầm của văn bản” [75, tr.179]. Theo chúng tôi giọng điệu này có đươc một phần là do
Nguyễn Huy Thiệp đã chịu ảnh hưởng từ lối văn giàu nhạc điệu của văn chương truyền miệng của
dân tộc.
Giọng mỉa mai, giễu cợt cũng là một trong những giọng chủ đạo trong truyện ngắn
Nguyễn Huy Thiệp. Thông qua phương thức biểu cảm mỉa mai, giễu cợt, với lối nói ngược hẳn
với ý nghĩa bề mặt phát ngôn cùng với thái độ phê phán những mặt trái của xã hội qua cách
nhìn giễu cợt, truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đã phản ánh hiện thực đa diện của cuộc sống
hôm nay một cách thẳng thắn nhưng khá tinh tế. Khi tìm hiểu giọng điệu này, chúng tôi cũng cố
gắng làm rõ sự tiếp thu của nhà văn từ lối nói mỉa, trào phúng quen thuộc trong đời sống dân
gian. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng này theo chúng tôi cũng chưa được rõ nét lắm so với các phương
diện khác mà luận văn đã nghiên cứu.
6. Bằng sự lao động miệt mài, khổ luyện trên “cánh đồng chữ nghĩa”, Nguyễn Huy Thiệp
đã gặt hái được những thành công đáng kể trong sự nghiệp cầm bút, đặc biệt là ở mảng truyện
ngắn. Quan trọng hơn, ông đã nhận được sự “đồng điệu” sâu sắc từ đông đảo độc giả trong và
ngoài nước. Đến với truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, người đọc không chỉ có thêm những
khám phá thú vị từ cuộc sống muôn màu muôn vẻ, mà đáng quí hơn, họ còn được nhà văn khéo
léo đưa trở về với cội nguồn của truyền thống văn hóa dân gian dân tộc. Những đóng góp ấy to
lớn và có ý nghĩa biết nhường nào. Trong nhịp chảy hối hả của cuộc sống hiện đại hôm nay,
chúng ta càng thấy trân trọng hơn những đóng góp của nhà văn. Cuộc sống dù phát triển đến
đâu, con người đều rất cần có sự kế thừa, tiếp nối giữa quá khứ với hiện tại làm nền tảng vững
chắc cho tương lai. Văn học cũng vậy. Và vì thế, những câu chuyện của Nguyễn Huy Thiệp sẽ
vẫn có sức hấp dẫn, lôi cuốn riêng của nó.
Nghiên cứu ảnh hưởng của văn hóa dân gian đối với truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp,
luận văn không cho rằng đã có thể giải quyết đầy đủ, trọn vẹn mọi vấn đề. Nhưng tác giả luận
văn hi vọng rằng đề tài nghiên cứu của mình đã mở ra một hướng tiếp cận mới đối với “hiện
tượng” Nguyễn Huy Thiệp. Và cũng mong kết quả nghiên cứu của luận văn, về mặt khoa học, ít
nhiều cũng góp một tiếng vào nỗ lực chung trong việc nghiên cứu về một tác giả tiêu biểu của
văn học đương đại Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. M. Bakhtin (2003), Lí luận và thi pháp tiểu thuyết, Phạm Vĩnh Cư tuyển chọn, dịch từ nguyên bản
tiếng Nga, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
2. M. Bakhtin (1980), “Một số khía cạnh phương pháp luận cần lưu ý khi nghiên cứu văn học quá
khứ”, Vương Trí Nhàn dịch, Tạp chí văn học (số 4).
3. Trần Lê Bảo (2009), “Giải mã văn hóa trong tác phẩm văn học”, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc
(số 2).
4. Thụy Bình, Thiên lương trong “ Muối của rừng” www.evan.com.vn.
5. Nam Cao (1996), Truyện ngắn (chọn lọc), Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
6. Nguyễn Minh Châu (1985), Tuyển tập truyện ngắn Bến Quê, Nxb Tác phẩm mới, Hội Nhà văn
Việt Nam, Hà Nội.
7. Đoàn Văn Chức (2004), Văn hóa học, Nxb Lao động.
8. Nguyễn Văn Dân (2004), “Tiếp cận văn học bằng văn hóa học”, Tạp chí văn học (số 11).
9. Chu Xuân Diên (2004), Mấy vấn đề văn hóa và văn học dân gian Việt Nam, Nxb Văn nghệ, Tp Hồ
Chí Minh.
10. Chu Xuân Diên (2002), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Đại học quốc gia Tp Hồ Chí Minh.
11. Nguyễn Đăng Duy (1996), Văn hóa tâm linh, Nxb Hà Nội.
12. Phạm Đức Dương (2007), Việt Nam – Đông Nam Á – Ngôn ngữ và Văn hóa, Nxb Giáo dục, Hà
Nội.
13. Nguyễn Đình Đăng, Nhà văn Việt Nam của tôi, www.evan.com.vn.
14. Đặng Anh Đào (1991), “Một hiện tượng mới trong hình thức kể chuyện hiện nay”, Tạp chí văn học
(số 6).
15. Đặng Anh Đào, Vai trò của cái kì ảo trong truyện và tiểu thuyết Việt Nam, www.nhavan.com.vn.
16. Phan Cư Đệ (chủ biên), (2007), Truyện ngắn Việt Nam – Lịch sử - Thi pháp – Chân dung, Nxb
Giáo dục, Hà Nội.
17. Trịnh Bá Đĩnh (2002), Chủ nghĩa cấu trúc và văn học, Nxb Văn học, Trung tâm nghiên cứu Quốc
học, Tp Hồ Chí Minh.
18. Phong Điệp, Đánh giá thành tựu văn học Việt Nam sau hơn 20 năm đổi mới,
www.vietnamnet.com.vn.
19. Nguyễn Đăng Điệp (2002), Giọng điệu trong thơ trữ tình, Nxb Văn học, Hà Nội.
20. Nguyễn Đăng Điệp, Cuốn theo chiều văn Nguyễn Huy Thiệp, www.phongdiep.net.
21. Hà Minh Đức (2008), Một nền văn hóa văn nghệ đậm bản sắc dân tộc với nhiều loại hình nghệ
thuật phong phú, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
22. V. E. Guxev (1999), Mỹ học Folklor, Hoàng Ngọc Hiến dịch, Nxb Đà Nẵng.
23. Phùng Hữu Hải, Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Việt Nam hiện đại từ sau 1975,
www.vienvanhoc.org.vn.
24. Nguyễn Văn Hạnh, Về khái niệm văn hóa – vài khía cạnh lý luận và thực tiễn,
www.vienvanhoc.org.vn.
25. Nguyễn Văn Hạnh (2007), “Văn hóa như là nguồn mạch sáng tạo và khám phá văn chương”, Tạp
chí Nghiên cứu văn học (số 1).
26. Nguyễn Văn Hạnh, Huỳnh Như Phương (1998), Lí luận văn học, vấn đề và suy nghĩ, Nxb Giáo
dục, Hà Nội.
27. Võ Thị Thu Hằng, Triết lí văn chương trên trang viết Nguyễn Huy Thiệp, www.evan.com.vn.
28. Lê Huy Hòa, Hoàng Đức Nhuận (tuyển chọn và giới thiệu), (2000), Văn hóa Việt Nam, truyền
thống và hiện đại, Nxb Văn hóa, Hà Nội.
29. La Khắc Hòa, Những dấu hiệu của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Việt Nam qua sáng tác
của Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài, www.vienvanhoc.org.vn.
30. Châu Minh Hùng, Tiếng nói của cái tục trong văn Nguyễn Huy Thiệp www.evan.com.vn.
33. Đoàn Hương (2004), Văn luận, Nxb Văn học, Hà Nội.
34. Đoàn Thị Đặng Hương (1996), “Thử giải mã văn học Việt Nam theo tinh thần văn hóa Việt Nam
và văn hóa phương Đông”, Tạp chí văn học (số 3).
35. Lê Thị Hường (1995), “Các kiểu kết thúc của truyện ngắn hôm nay”, Tạp chí văn học (số 4).
36. Nguyễn Văn Kha (2007), Đổi mới quan niệm về con người trong truyện ngắn 1975 – 2000, Nxb
Đại học quốc gia Tp Hồ Chí Minh.
37. Đinh Gia Khánh (chủ biên), (1998), Văn học dân gian Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
38. Đinh Gia Khánh (1995), Văn hóa dân gian Việt Nam với sự phát triển của xã hội, Nxb Chính trị
quốc gia, Hà Nội.
39. Đinh Gia Khánh (1998), “Văn học góp phần tạo nên những giá trị văn hóa hàng đầu của dân tộc”,
Tạp chí văn học (số 6).
40. Đinh Gia Khánh (1992), “Tục thờ Mẫu và truyền thống văn hóa dân gian ở Việt Nam”, Tạp chí
văn học (số 5).
41. Vũ Ngọc Khánh (2007), Nghiên cứu văn hóa cổ truyền Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
42. Ma Văn Kháng (2003), Tuyển tập truyện ngắn (4 tập), Nxb Công an Nhân dân.
43. Kim Khuyên, Đi săn hay là tìm lại thiên lương?, www.evan.com.vn.
44. Lê Đình Kỵ (1991), “Đối thoại với văn học dân gian và bản lĩnh của người viết”, Tạp chí văn học
(số 5).
45. Cao Kim Lan, Lịch sử trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp và dấu vết của hậu hình thi pháp hậu
hiện đại, www.vienvanhoc.org.vn.
46. Cao Kim Lan (2005), “Mấy vấn đề thi pháp cốt truyện”, Tạp chí Nghiên cứu văn học (số 6).
47. Nguyễn Trường Lịch (1997), “Huyền thoại và sức sống của huyền thoại trong văn chương xưa và
nay”, Tạp chí văn học (số 5).
48. Nguyễn Văn Long (2006), Nguyễn Văn Thìn (đồng chủ biên), Văn học Việt Nam sau 1975, những vấn
đề nghiên cứu và giảng dạy, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
49. Trần Long, Góp phần làm rõ nguyên lí mẹ trong văn hóa Việt, www.vanhoahoc.com.vn.
50. Phương Lựu (chủ biên) (1997), Lí luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
51. Trần Nhật Lý, Đọc lại “Sang sông” của Nguyễn Huy Thiệp, www.evan.com.vn.
52. Sơn Nam (1999), Hương rừng Cà Mau, Nxb Trẻ.
53. Nguyên Ngọc, Văn xuôi Việt Nam hiện nay, lôgic quanh co của các thể loại, những vấn đề đang
đặt ra và triển vọng, www.vietnamnet.com.vn.
54. Phan Ngọc (2002), Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Văn hóa.
55. Phan Ngọc, Quan hệ giữa văn chương và văn hóa ở Việt Nam, www.vienvanhoc.org.vn.
56. Nguyễn Thị Ngọc (1996), Hồ Xuân Hương và nền văn hóa dân gian Việt Nam, Luận án P.TS, Thư
viện Đại học sư phạm TP Hồ Chí Minh.
57. Mạc Ngôn (2004), “Ngọn nguồn văn hóa dân gian của sáng tác văn học”, Tạp chí Nghiên cứu văn
học (số 6).
58. Lã Nguyên, Nhìn lại các bước đi, lắng nghe những tiếng nói www.vietnamnet.com.vn.
59. Phạm Xuân Nguyên (sưu tầm và biên soạn), (2001), Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, Nxb Văn hoá thông
tin, Hà Nội.
60. Phùng Qúi Nhâm (2002), Văn học và văn hóa từ một góc nhìn, Nxb Văn học, Trung tâm nghiên
cứu Quốc học, Thành phố Hồ Chí Minh.
61. Vương Trí Nhàn (2006), “Giăng lưới bắt…lí luận”, Báo Thể thao và văn hoá, ra ngày 10 tháng 3.
62. Vương Trí Nhàn (2001), Sổ tay truyện ngắn, Nxb Văn nghệ Thành Phố Hồ Chí Minh.
63. Nhiều tác giả (2000), Nghệ thuật viết truyện ngắn và kí, Nxb Thanh niên, Hà Nội.
64. Nhiều tác giả (1989), Nguyễn Huy Thiệp, Tác Phẩm và dư luận, Tạp chí Sông Hương + Nxb Trẻ.
65. Nhiều tác giả (2002), Bản sắc dân tộc trong văn hóa Việt Nam, Nxb Văn học, Trung tâm nghiên
cứu Quốc học, Thành phố Hồ Chí Minh.
66. Hoàng Thị Oanh (2008), Đặc trưng truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Luận văn Thạc sĩ, Thư viện
Đại học sư phạm TP Hồ Chí Minh.
67. Lê Trường Phát (1987), “Về hiện tượng xen kẽ giữa văn vần và văn xuôi trong truyện kể dân
gian”, Tạp chí văn học (số 4).
68. Hoàng Phê (chủ biên), (2003), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, Trung tâm Từ điển học, Hà Nội,
Đà Nẵng.
69. Phạm Phú Phong (2002), “Giọng điệu văn chương Nguyễn Huy Thiệp”, Tạp chí Sông Hương (số
155).
70. Vũ Trọng Phụng (2002), Số đỏ, Nxb Văn học, Hà Nội.
71. Huỳnh Như Phương (1991), “Văn xuôi Việt Nam những năm 80 và những vấn đề dân chủ mới của
nền văn học”, Tạp chí văn học (số 4).
72. G.N Pospelov (chủ biên), (1993), Dẫn luận nghiên cứu văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
73. Đặng Văn Sinh, Đọc lại “ Tướng về hưu” www.vietnamnet.com.vn.
74. Trần Đình Sử, Lê Bá Hán, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên), (2007), Từ điển thuật ngữ văn học,
Nxb Giáo dục.
75. Trần Đình Sử (chủ biên) (2000), Tự sự học, một số vấn đề lí luận và lịch sử, Nxb Đại học sư phạm
Hà Nội.
76. Trần Đình Sử (2005), Trần Đình Sử tuyển tập, Nguyễn Đăng Điệp (tuyển chọn), Nxb Giáo dục, Hà
Nội.
77. Hà Công Tài (1989), “Để nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết”, Tạp chí
văn học (số 5).
78. Đào Thản (1994), “Đặc trưng của ngôn ngữ nghệ thuật thể hiện trong văn xuôi”, Tạp chí văn học
(số 2).
79. Nguyễn Thị Minh Thái (2007), “Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: “Tôi sống ảo”, An ninh Thủ đô,
ngày 9 tháng 9.
80. Bùi Việt Thắng (1999), Bình luận truyện ngắn, Nxb Văn học, Hà Nội.
81. Bùi Việt Thắng (2000), “Một bước đi của truyện ngắn”, Tạp chí Nhà văn (số1).
82. Bùi Việt Thắng (2000), Truyện ngắn những vấn đề lí thuyết và thực tiễn thể loại, Nxb Đại học
Quốc gia Hà Nội.
83. Bùi Việt Thắng (2004), “Truyện ngắn hôm nay”, Tạp chí Nghiên cứu văn học (số 1).
84. Trần Ngọc Thêm (2000), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
85. Trần Ngọc Thêm (2004), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí
Minh.
86. Nguyễn Thành Thi (2010), “Ám ảnh hiện sinh trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp”, Tạp chí
Nghiên cứu văn học (số 5).
87. Trần Viết Thiện (2007), “Thơ trong văn Nguyễn Huy Thiệp – Chiều tương tác độc đáo”, Tạp chí
Sông Hương (số 216).
88. Ngô Đức Thịnh (chủ biên), (1991), Quan niệm về Folklore, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
89. Nguyễn Huy Thiệp (2006), Giăng lưới bắt chim (Tạp văn, tiểu luận, phê bình, giới thiệu), Nxb Hội
nhà văn, Hà Nội.
90. Nguyễn Huy Thiệp (2006), “Giăng lưới bắt chim” là những đối thoại nội tâm”, Tiền phong chủ
nhật, ngày 24 tháng 9.
91. Nguyễn Huy Thiệp (2002), “Tôi chỉ hướng tới tự nhiên”, Báo Tiền Phong (số 40).
92. Nguyễn Huy Thiệp (2008), “Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: “Thế giới đã an bài!”, Báo Thanh niên,
ngày 10 tháng 3.
93. Nguyễn Huy Thiệp (2008), “Tổng nhuận bút của tôi khoảng 8000 USD”, Báo Người đương thời
(số Xuân Mậu Tý).
94. Nguyễn Huy Thiệp (2006), Tuyển tập truyện ngắn, Đỗ Hồng Hạnh tuyển chọn và hiệu đính, Nxb
Văn hoá Sài Gòn.
95. Đỗ Lai Thúy (1999), Hồ Xuân Hương – hoài niệm phồn thực, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
96. Đỗ Lai Thúy (1999), Từ cái nhìn văn hóa, Nxb Văn hóa dân tộc Hà Nội.
97. Đỗ Lai Thúy, Mối quan hệ văn hóa – văn học nhìn từ hệ thống lí thuyết, www.vienvanhoc.org.vn.
98. Phạm Thị Thùy Trang (2009), Người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Luận văn
Thạc sĩ, Thư viện Đại học sư phạm TP Hồ Chí Minh.
99. Lê Ngọc Trà (2002), Thách thức của sáng tạo, thách thức của văn hóa, Nxb Thanh niên.
100. Lê Ngọc Trà (tập hợp và giới thiệu), (2001), Văn hóa Việt Nam – đặc trưng và cách tiếp cận,
Nxb Giáo dục, Hà Nội.
101. Lê Ngọc Trà, Văn học Việt Nam những năm đầu đổi mới, www.vienvanhoc.org.vn.
102. Đỗ Bình Trị (1989), “Mấy ý kiến về vấn đề nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học với văn học dân
gian”, Tạp chí văn học (số 1).
103. Bùi Thanh Truyền (2008), “Song đề truyền thống - hiện đại trong điểm nhìn nghệ thuật của
truyện giả cổ tích và truyện cũ viết lại thời đổi mới”, Tạp chí Nghiên cứu văn học (số 2).
104. Bùi Thanh Truyền (2001), “Ảnh hưởng thần thoại và cổ tích trong cách xây dựng nhân vật văn
xuôi hôm nay”, Tạp chí Văn hóa dân gian (số 5).
105. Phạm Thái Việt (chủ biên), (2004), Đại cương về văn hóa Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin, Hà
Nội.
106. Trần Ngọc Vương, Tục hoá quay về để tiến tới, www.vienvanhoc.org.vn.
107. Trần Quốc Vượng (chủ biên), (2008), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
108. Nguyễn Thị Thanh Xuân, Đi tìm cổ mẫu trong văn học Việt Nam, www.vienvanhoc.org.vn.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- LVVHLLVH018.pdf