Luận văn Ảnh hưởng của văn học Xô Viết đối với việc xây dựng hình tượng Con người mới trong văn xuôi Việt Nam 1945 - 1945

MS: LVVH-VHVN033 SỐ TRANG: 91 NGÀNH: VĂN HỌC CHUYÊN NGÀNH: VĂN HỌC VIỆT NAM TRƯỜNG: ĐHSP TPHCM NĂM: 2009 CẤU TRÚC LUẬN VĂN MỞ ĐẦU 1. Sự cần thiết của đề tài và mục đích nghiên cứu 2. Phạm vi nghiên cứu 3. Lịch sử vấn đề 4. Phương pháp nghiên cứu 5. Đóng góp của luận văn 6. Cấu trúc luận văn CHƯƠNG 1: SỰ RA ĐỜI CỦA NỀN VĂN HỌC HIỆN THỰC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM 1.1. Khái lược về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa 1.1.1. CNHT XHCN – Phương pháp sáng tác gắn với một thể chế chính trị 1.1.2. CNHT XHCN – Phương pháp sáng tác có những nguyên tắc riêng trong quan niệm phản ánh hiện thực 1.2. Sự ra đời nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Việt Nam 1.2.1 Nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô 1.2.2. Nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam 1.3. “Con người mới”: nhân vật trung tâm của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa CHƯƠNG 2: HÌNH TƯỢNG CON NGƯỜI MỚI TRONG VĂN HỌC HIỆN THỰC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM 1945-1975 QUA MỘT SỐ TÁC PHẨM VĂN XUÔI TIÊU BIỂU 2.1. Hình tượng con người mới – những phẩm chất đặc trưng 2.1.1. Phẩm chất của con người mới trong chiến đấu 2.1.2. Phẩm chất của con người mới trong lao động 2.2. Hình tượng con người mới – bút pháp đặc thù 2.2.1. Nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình 2.2.2. Nhân vật của thời đại lãng mạn và sử thi CHƯƠNG 3: NHÌN NHẬN VÀ ĐÁNH GIÁ HÌNH TƯỢNG CON NGƯỜI MỚI TRONG VĂN XUÔI VIỆT NAM 1945 – 1975 3.1. Hình tượng con người mới – tái hiện gương người thực, việc thực 3.2. Hình tượng con người mới – con người của sức mạnh phi thường 3.3. Hình tượng con người mới – những con người thiếu vắng khía cạnh đời tư KẾT LUẬN THƯ MỤC THAM KHẢO

pdf91 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 2150 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Ảnh hưởng của văn học Xô Viết đối với việc xây dựng hình tượng Con người mới trong văn xuôi Việt Nam 1945 - 1945, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ằm dưới lưỡi mác dài của cụ Mết. Và thanh niên, tất cả thanh niên trong làng, mỗi người một cây rựa sáng loáng, những cây rựa mài bằng đá mà T’nú mang từ đỉnh núi Ngọc Linh về…” [63, tr.47]. Ở những thời điểm gay cấn, quyết liệt nhất, con người chuộng tự do đã hành động. Tinh thần lớp cha đi trước, lớp con theo sau cũng được tái hiện rất hoành tráng trong Dấu chân người lính. Ở đó, Nguyễn Minh Châu đã nêu bật, đã lí giải được sức mạnh cuộc chiến: từ cội nguồn anh dũng sâu xa của bao lớp người Việt yêu nước, biết lặng lẽ hiến dâng khi Tổ quốc cần. Một đoạn trong tác phẩm đã vẽ nên được bức tranh một đợt hành quân: “Đông đúc quá! Không ai có tài nào mà phân biệt hoặc đếm được có bao nhiêu đơn vị, cũng không thể biết đây là đường rừng hay là quảng trường, là rừng cây hay là rừng người và súng đạn. Người ta chỉ biết đông đúc và chật chội […], là cơn giận dữ của đất nước một lần cầm lấy súng” [5, tr.51]. Kết hợp hai cảm hứng tưởng như trái ngược nhau vào cùng nhau, văn học cách mạng đã có cả mặt mạnh và mặt yếu của nó một thời. Và đương nhiên, nhờ nó mà thế hệ viết văn sau mới có kinh nghiệm cho tương lai. Mặt mạnh dễ thấy nhất là sự đa dạng của các bức chân dung con người: bộ đội, thanh niên xung phong, phụ nữ, phụ lão, nhân dân mọi tầng lớp… đều có những đại diện trong các tác phẩm. Những vẻ đẹp đó cụ thể, không trừu tượng, khó hình dung. Nó còn mang đến niềm tin vào cái đẹp của con người, cái đẹp của tình đồng bào, đồng chí. Mặt khác, ở cấp độ lớn hơn, nó mang đến niềm tin về độc lập, tự do, về sự bình yên của non sông đất nước. Những điều ấy là vô giá. Nó là một sự biểu dương văn hóa Việt. Các giá trị văn hóa truyền thống đến lúc này một lần nữa đã lên ngôi. Tuy nhiên, trong giới hạn của sự bất thường, cách phân tuyến nhân vật, cách xây dựng tính cách, cách giải quyết mâu thuẫn (ta - địch, ta đúng - nó sai, quân ta luôn thắng, quân địch ắt thất bại v.v…) đã giới hạn trong khám phá con người. Hệ quả của nó, chúng tôi sẽ chỉ ra ở bên dưới, trong những đánh giá chung nhất hình tượng con người mới một thời. Như vậy, nếu xét tổng thể, trong tinh thần chung của văn học chiến tranh, bút pháp lãng mạn hóa, sử thi hóa đã tạo nên giá trị tinh thần dân tộc. Văn học thời nào cũng hướng vào khẳng định những giá trị. Những giá trị của văn học thời chiến, vì thế, cần được bảo tồn, tiếp mạch. Chương 3 NHÌN NHẬN VÀ ĐÁNH GIÁ HÌNH TƯỢNG CON NGƯỜI MỚI TRONG VĂN XUÔI VIỆT NAM 1945 – 1975 Quá trình tiếp nhận bất kì một thành tựu nào cũng để lại thành quả, dấu nhấn nơi đối tượng đi tiếp nhận. Học tập từ văn học Xô-viết, khi thể hiện hình ảnh con người mới xã hội chủ nghĩa, các tác phẩm văn xuôi Việt Nam 30 năm chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đã góp phần ghi lại diện mạo tinh thần của con người Việt Nam qua hai cuộc chiến không cân sức. Văn học của mấy mươi năm cách mạng của dân tộc ta đã có những đóng góp nhất định vào tiến trình văn học dân tộc nói chung. Với độ lùi thời gian, chúng ta cũng đã thừa nhận những bất cập của một nền văn học mới vận động và phát triển không theo quy luật bình thường mà lại theo quy luật của chiến tranh. Một vấn đề đã được đúc kết về mặt lí luận là, sự vận động của bất kì quá trình văn học nào cũng chịu sự chi phối của bản thân đời sống. Do vậy, chúng ta không thể nào chối bỏ khúc quanh bất ngờ đã có của văn học dân tộc ở thế kỉ vừa qua. Việc bình giá lại một nền văn học quá khứ (bằng việc nêu lại và nhận định về hình tượng nhân vật trung tâm trong văn học cách mạng một thời) không phải là để “xổ toẹt” những giá trị giờ đây bị “truất ngôi” hay là “đổ lỗi” cho nguồn chịu ảnh hưởng. Trước hết, cần khẳng định, thời đại nào cũng có bảng giá trị riêng của nó, không nhất thiết phải đáp ứng bảng giá trị của các thời đại khác, điều này quan trọng trong việc giáo dục thái độ đúng mực và khoa học khi xem xét các hiện tượng văn hóa phức tạp. Sau đó, cần phải nhìn lại cách lựa chọn của chính chúng ta trong tiếp nhận những nhân tố ngoại lai, điều này là bài học quan trọng cho công cuộc giao lưu trong tương lai của chúng ta với bên ngoài. Những hệ quả ảnh hưởng từ văn học Xô-viết trong việc xây dựng hình tượng con người mới đã cho thấy cả mặt mạnh và mặt yếu của chúng ta. Văn học Xô-viết đã để lại rất nhiều thành tựu sáng giá trong đề tài này, khẳng định những vẻ đẹp bất tử, như ta thấy trong Người mẹ, Sông Đông êm đềm, Bài ca người lính, Những người sống và những người chết… Những tác phẩm ấy làm giàu cuộc sống tinh thần chúng ta, góp phần vào chiến thắng của hai cuộc kháng chiến của chúng ta. Tuy nhiên, trong cách tiếp nhận văn học Xô-viết, chúng ta còn có quá nhiều điều bất cập: du nhập một cách máy móc và thụ động một mô hình chủ nghĩa xã hội quan liêu, không biết chủ động sàng lọc những giá trị tinh túy, gạt bỏ những hạt sạn của văn hóa, văn học nước bạn. Thực sự mà nói, chúng ta đã không tiếp nhận được đúng nguyên xi nền văn học Xô-viết như nó có trong thực tế, phức tạp, đa phong cách hơn rất nhiều, mà chỉ biết đến nó như một bộ môn nghệ thuật cần để phục vụ nhiệm vụ chính trị lớn lao ngày ấy cho nên chúng ta vô tình bỏ sót rất nhiều gương mặt làm nên giá trị đích thực cho nó. Đứng từ thời điểm hiện tại, nhìn lại giai đoạn văn học vừa qua thông qua nhân vật trung tâm của nó, chúng ta có thể khách quan và toàn diện hơn trong việc cho ý kiến về kết quả cũng như hạn chế của một hiện tượng trong suốt 30 năm tồn tại của nó. 3.1. Hình tượng con người mới – tái hiện gương người thực, việc thực Để làm tròn vai trò là người thư kí của thời đại, một thế hệ nhà văn sinh ra và trưởng thành trong lửa đạn đã chọn cho mình hướng đi cho ngòi bút. Đối tượng (nhân vật) đã có, cái còn lại là cách tái hiện nhân vật lên trang viết. Một thời kỳ, một đất mảnh đất mà Tố Hữu gọi là “xứ sở lạ lùng”, bởi “Đến em thơ cũng hóa anh hùng/ Đến ong dại cũng thành chiến sĩ/ Và hoa trái cũng thành vũ khí”. Chỉ cần “ra ngõ” là “gặp anh hùng”, ra trận là có được sáng tác, điều này vừa khuyến khích việc nhân rộng, phát triển phong trào sáng tác đại trà, vừa giới hạn sức sáng tạo của người cầm bút. Từ trước đến lúc đó, chưa bao giờ chúng ta có một đội ngũ cầm bút hùng hậu như vậy. Chính Nam Cao sau Cách mạng cũng thừa nhận việc tham gia vào công việc không nghệ thuật những ngày toàn quốc kháng chiến là để “sửa soạn” cho công việc mang tính nghệ thuật hơn của ông về sau. Cảm hứng về một hiện thực dồi dào tính anh hùng, tính nhân dân cho phép bất cứ ai cũng muốn cầm bút và bất cứ ai cũng trở thành đối tượng của sáng tác. Tuy nhiên, số lượng dồi dào ở đây không tỉ lệ thuận với chất lượng sáng tác. Người viết bị cuốn hút vào hiện thực ngồn ngộn, sự kiện dồn dập, không có điều kiện để thai nghén, hệ quả tất yếu là cái gì nổi rõ trong cuộc sống đều là đối tượng, là đề tài cho sáng tác. Mà, cuộc sống lúc này hiện thành hình rõ nét ở “những em thơ cũng hóa anh hùng”. Những góc khuất, những vùng chưa có điều kiện chạm đến, nhiều khi nhà văn vẫn trở thành người “đứng bên lề”. Như đã nói, thời đại mới sản sinh những con người mới. Sức mạnh vật chất và tinh thần ở họ là sự kết tinh của sức mạnh cộng đồng, dân tộc. Ghi nhận lại bóng dáng một thế hệ cũng là cách nhà văn nêu bật được phẩm chất dân tộc. Thời cuộc lại không có những khoảng dừng giữa dòng chảy cuồn cuộn về phía trước, không cho phép người viết ngẫm nghĩ, trăn trở có chiều sâu, nhà văn chọn cho mình hình mẫu mà có thể gặp thấy hoặc nghe nói ở bất kì đâu, bất kì lúc nào – những con người, những nhân vật có tên. Không có điều kiện hình tượng hóa, các tác giả lúc này chọn cách dễ đi vào suy nghĩ, tình cảm của người đọc về thế hệ của mình, do vậy, họ tìm đến kí sự, bút kí như một tất yếu. Ngay cả trong hình thức khá thành công trong văn học kháng Pháp sau 1945 trở đi, truyện ngắn, người ta cũng phát hiện tính “già kí non truyện” của nó. Mà đã chọn kí sự thì một trong những tiêu chí của nó là việc tôn trọng sự thực. Thêm vào đó là yêu cầu miêu tả cuộc sống giống như thực nhưng cũng vừa mang tính cách mạng khiến nhà văn như bị “khuôn” vào một quy định. Cái “thực” ở đây chính là những nhân vật, những sự việc được nêu gương, được gọi kêu cần phải học theo, làm theo lúc ấy. Truyện viết về gương người tốt việc tốt, những Chiến sĩ thi đua một thời rất được ưa chuộng. Nhiều điển hình xã hội đã trở thành điển hình văn học, đó cũng là một đóng góp cho những chuyển mình của đời sống văn học dù không phải không có những điển hình văn học ở giai đoạn này, so ra vẫn thiếu sức khái quát hơn các sáng tác hiện thực phê phán giai đoạn trước bởi tính chất ghi chép của nó. Nhìn sang đời sống văn học những năm đầu thế kỉ mới này, người thưởng thức văn học hôm nay vẫn tìm thấy sự gặp gỡ trong thể kí sự hoặc trong những quyển hồi kí giữa văn học thời bình và thời chiến. Không khó để chúng ta có thể tìm cho mình một cuốn sách viết theo kiểu hồi kí, kí sự ở những năm đầu thế kỉ XXI này. Nhu cầu bộc bạch mình của con người thời hiện đại lại càng lớn, những gương người tốt việc tốt ngày nay lại không ít cho nên những cuốn sách như thế là không hiếm. Do vậy, có thể khẳng định rằng bút pháp kí sự, cách tái hiện người thực việc thực vẫn có ý nghĩa của nó đối với những bước đi của đời sống văn chương nước nhà, dù có thể, nó vẫn chưa thực sự độc đáo, kiệt xuất như nhu cầu văn học dân tộc mong muốn. Chất kí sự chi phối, được sự khích lệ, cổ vũ của toàn quân, toàn dân, thực hiện như những đường hướng chỉ dẫn của giới lãnh đạo về việc coi trọng tính chân thật trong sáng tác, những nhân vật văn học khác nhau về tên gọi, lai lịch nhưng lại rất giống nhau về phẩm chất, tư thế, hành động. Những đặc điểm ấy chúng tôi đã lần lượt chỉ ra ở trên. So với văn học giai đoạn trước đó (1930 – 1945), chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra rằng văn học 30 năm đấu tranh cách mạng (1945 – 1975) rơi vào đơn điệu, rập khuôn, công thức mà nhiều nhà nghiên cứu đã đề cập. Nền văn học trước Cách mạng có điểm giống với văn học lúc này về việc coi trọng tính chân thực nhưng lại rất khác về cách tái hiện bản thân cuộc sống và đã có những gương mặt, những sáng tác được xếp vào hàng “kiệt tác”. Đến lúc này, nhiệm vụ mà nền văn học mới đặt ra cho mình đã khác, việc tái hiện lại cuộc sống và con người thời chiến, dưới sự chi phối của bút pháp kí sự có thể là cách tác giả viết về chính mình (trường hợp Bất khuất của Nguyễn Đức Thuận), hoặc có thể là cách tác giả viết về những nhân vật hiện thành hình trong cuộc sống đang được ngưỡng phục và tôn vinh trong cộng đồng (Sống như anh của Trần Đình Vân, Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, Hòn đất của Anh Đức, Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi v.v…). Cũng bằng cách ghi chép, nêu lại những người thật, việc thật thông qua những chuyến đi thực tế, văn học góp một tiếng nói lớn, hào sảng, đầy tự hào về những con người đang đáp ứng được nhu cầu cuộc sống đòi hỏi: nêu bật chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một nhiệm vụ chính trị lúc này. Văn học sát cánh cùng chính trị, con người trong các tác phẩm vì thế chỉ dừng lại ở dạng một chân dung, một gương mặt quen thuộc, nghe tiếng đã biết được người. Và do đó, có khi (trong dụng ý của mình) nhà văn dựng lên các nhân vật phản diện là để tôn vinh, bật rõ ý nghĩa, tác động của nhân vật chính diện. Các nhân vật thầy tu đội lốt trong Bão biển của Chu Văn có lẽ nằm trong ý định ấy của người cầm bút. Tuy thế, có khi ngược lại, chính các nhân vật được xem là tiêu cực lại tạo được chỗ đứng lâu hơn trong lòng độc giả. Trường hợp lão Am trong Cái sân gạch của Đào Vũ ở thập niên 60 của thế kỉ trước là một bằng chứng. Hay như Tuy Kiền trong Tầm nhìn xa của Nguyễn Khải cũng thế. Các nhân vật này, đứng dưới góc độ là những nhân vật kịch, đã là thành công của nhà đạo diễn – nhà văn, họ cũng là những nhân vật điển hình, nhờ họ mà những cuộc tranh luận trong giới nghiên cứu ngày trước đã rất hữu ích cho những bước đi còn lại của văn học. Những chuyến đi thực tế cũng là cách để nhà văn tích lũy vốn sống, tìm kiếm chất liệu cho sáng tác, trong chừng mực nhất định, đó cũng chính là nhu cầu tự thân của người cầm bút. Và không thể cho rằng tất cả đều không có giá trị khi thực hiện nhiệm vụ chính trị của nó. Trên trang văn Tô Hoài, Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Anh Đức, người đọc mọi thời vẫn thấy cái lung linh của những cá tính, những nỗi niềm, cái bàng bạc của những dòng sông, con suối, những cánh đồng… góp phần bộc lộ tâm hồn con người. Qua con người thời chiến trên văn học, những nhà văn mặc áo lính đã góp một tiếng nói quyết liệt, mạnh mẽ vào cuộc chiến chống kẻ thù xâm lược. Những trang văn lấp lánh vẻ đẹp của Đất Nước, con người là nơi để nhà văn gửi gắm niềm yêu tha thiết, đắm say đối với quê hương, xứ sở. Không lúc nào như lúc này văn học lại cất tiếng nói, cất lời ca về những người con yêu nước nồng nàn, thiết tha đến thế. Trong chừng mực nào đó, văn chương lúc này đã gặp gỡ văn chương giai đoạn trước nó. Tuy nhiên, cách bộc bạch tấm lòng của người nghệ sĩ ở các giai đoạn khác nhau vẫn có điểm khác. Ngày trước, những trí thức dưới nhà trường Pháp đã thể hiện tấm lòng của mình đối với quê hương, xứ sở nhưng gián tiếp, kín đáo thậm chí dè dặt. Và do đó, khí thế hào hùng, quật khởi của một giai đoạn một đi không trở lại ở thế kỉ XX chỉ có thể tìm thấy, hồi ức trong văn học dưới thời nhà Trần ở thời trung đại, thời mà cả dân tộc đã sang sảng cất lên hào khí Đông A . Tinh thần kí sự quán xuyến đã chiếm chỗ của thể loại tùy bút, kịch, những thể loại đòi hỏi những “dụng công” khác nhau của người viết. Cả một thời gian dài, nhất là với tùy bút, ngoài Nguyễn Tuân, người đọc rất khó tìm thấy một cái tôi nào khác cho thể loại rất “cá tính” đó. Vì thế, trong các tác phẩm viết về hai đề tài lớn trong đấu tranh cách mạng của ta, một dung lượng lớn các sự kiện được ghi nhận hơn là những tư tưởng triết mỹ mang tầm nhân sinh, nhân văn. Điều này đúng như tác giả Lê Thành Nghị đã nhận xét về văn học chiến tranh: “Thiếu một tư tưởng thẩm mỹ, triết lý sâu sắc, mang ý nghĩa nhân loại, thời đại mà bản thân cuộc chiến của nhân dân ta làm ra” [20, tr.174]. 3.2. Hình tượng con người mới – con người của sức mạnh phi thường Một tổng kết về lịch sử văn học đã ghi nhận khuynh hướng nghệ thuật, cảm hứng thẩm mỹ quán xuyến, chi phối văn học giai đoạn 1945 – 1975 ở ta là khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Có thể thấy đây là một đặc điểm về tư duy nghệ thuật của một thời đoạn “một đi không trở lại”. Bởi lẽ, nó được hình thành trong khu vực của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, trong các sáng tác văn học ở các nước xã hội chủ nghĩa anh em và trong điều kiện của những cuộc chiến không cân sức liên tiếp. Cái thời như thế đã xảy ra. Lịch sử nhân loại đã sang trang với những bước đi khác trong một thế giới đa cực. Nhắc lại quá khứ văn học một thời để điểm lại những gì mà văn học góp phần nói lên được tiếng nói thời đại. Và nếu hiểu lịch sử văn học là lịch sử của những bước đi khác nhau của văn học và việc văn học để lại dấu ấn của con người một thời thì chính khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn trong khi tái hiện con người, cuộc sống đã hướng đến mục tiêu cao cả nhất: ngợi ca sức mạnh con người, một sức mạnh phi thường về cả thể chất lẫn tinh thần. Không ở đâu như ở Việt Nam ta, những cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc bảo vệ Tổ quốc lại kéo dài đến thế. Sử sách bây giờ và mãi mãi về sau không thể nói khác được. Và theo đó thì, con người thời chiến phải mang trên mình một sức mạnh khác thường. Sức mạnh ấy lại không phải chỉ một lần xuất hiện mà phải luôn thường trực. Chúng tôi muốn nói đến cái khỏe khoắn, khỏe mạnh của con người được tái hiện trong văn học cách mạng Việt Nam. Để có thể đối diện kẻ thù, trước hết và cần thiết là lòng quả cảm, ý thức mình không được yếu đuối, thụt lùi. Muốn vậy thì phải khỏe. Cái sức mạnh thể lực sẽ quy định sức mạnh tinh thần. Trên các trang viết về những thanh niên ưu tú của đất nước ngày trước chúng ta thấy xuất hiện những hoạt động liên tiếp, dồn dập: cảnh đào công sự, cảnh băng rừng vượt suối để tìm về đơn vị hoặc khi bị kẻ thù truy kích, cảnh một nữ y tá mảnh mai tải thương giữa những cánh rừng bạt ngàn, mông quạnh, cảnh lao động hăng say trên đồng ruộng, công trường… Bao giờ cũng vậy, nếu muốn tìm cho mình một nguồn năng lượng sống sau những mệt mỏi, căng thẳng, người đọc có thể tìm đến các trang văn mang không khí khẩn trương ấy. Khám phá để biết được nhân dân và dân tộc trong quá khứ đã sống hết mình, cháy hết mình với những gì đã có. Biết còn là để suy ngẫm, trải nghiệm và tự hào, yêu thương. Trên các trang viết, con người được đo bằng chiều kích của dân tộc, của thời đại. Và do vậy, họ phải lớn lao về tầm vóc. Chịu đựng những hình phạt, những tra tấn hoặc có khi tay không đối diện với kẻ thù là một biểu hiện của sức mạnh vật chất của con người. Người đọc hôm nay sau mỗi lần giở lại những trang sách như thế vẫn hay xuýt xoa, hồi hộp vì những điều được phản ánh trên trang viết. Nhưng có lẽ đẹp nhất và hay nhất chính là những trang sách về cái đẹp, cái khỏe mạnh trong lao động. Chúng tôi đã có dịp trình bày điều này ở trên. Càng hay hơn nữa là những câu văn trên trang viết họ Nguyễn ngông nghênh, tài tử về cuộc đọ sực giữa con người và thiên nhiên cùng cái tư thế “tỉnh như không” của ông lái sau cuộc chế ngự thác, đá dữ con sông Tây Bắc. Dưới biến hoá của ngòi bút tác giả Vang bóng một thời, cả một “dòng sông chữ” (cách gọi của nhà giáo Đỗ Kim Hồi) cứ cuồn cuộn tuôn chảy để ngợi ca cái đẹp của Con Người và Lao Động, con người “rất đẹp” và “chỉ đẹp” khi gắn mình với lao động. Không phải chỉ có trên các trang văn xuôi, thơ ca xây dựng chủ nghĩa xã hội và thơ ca về đề tài người lính cũng đã đề cập vấn đề này rất rõ. Tố Hữu từng viết: “Anh cuốc, em cuốc; Đất lở, đá nhào…”, trong thơ Phạm Tiến Duật người đọc cũng thấy được hình ảnh những anh lái xe vượt qua làn tên mũi đạn trong phút chốc. Bằng cảm hứng ngợi ca, lạc quan, người sáng tác đã có công giúp cho thế hệ sau hiểu hơn thế hệ trước. Tất cả, có lẽ đã xuất phát từ sự “nặng lòng” của người viết dẫu cho văn học có bị chính trị hóa đi chăng nữa. Nền văn học và nhà văn đã góp phần quan trọng vào việc tái tạo, sáng tạo và khẳng định những hình tượng đẹp đẽ về người anh hùng và những giá trị thuộc về họ. Con người thời chiến lại càng lớn lao khi đó là những tập thể vững mạnh, lớn mạnh từng ngày. Không phải không có những hèn yếu, đầu hàng nhưng phải thừa nhận một mặt bằng chung của văn học thời chiến là đi từ sức mạnh con người, sức mạnh dân tộc lí giải các vấn đề liên quan đến con người, đến cuộc chiến. Vả chăng, tính tất yếu của lịch sử dân tộc, số phận của dân tộc ta trong quá khứ là bằng đấu tranh cách mạng mà tự giải phóng mình. Do đó, một tất yếu được quy định là tái hiện sức mạnh vật chất của con người lên trang viết để người khác còn soi vào, còn tiếp bước. Cảm hứng ngợi ca chi phối, những người hùng thời đại được ghi nhận, được tôn vinh. Họ đẹp trong cái khỏe, trong sự vạm vỡ, rắn chắc. Huân trong Mùa lạc, Chấm trong Cái sân gạch là những nhân vật đẹp, và rất trong, rất sáng, rất nguyên sơ. Một lần nữa chúng ta hãy đọc những nhận xét cũng vừa là những ưu ái của Đào Vũ dành cho cô Chấm của mình: “Chấm cứ như một cây xương rồng. Cây xương rồng chặt ngang chặt dọc chỉ cần cắm nó xuống đất, đất cằn cũng được, nó sẽ sống và sẽ lớn lên […]. Chấm hay làm, thực sự đó là một nhu cầu của sự sống, không làm tay chân nó bứt rứt làm sao ấy […]. Chấm mộc mạc như hòn đất. Hòn đất ấy bầu bạn với nắng với mưa để cho cây lúa mọc lên hết vụ này qua vụ khác…” [82, tr.720]. Đa phần, người đọc sẽ thấy những thanh niên Việt Nam trên các sáng tác thuộc đề tài lao động xã hội chủ là những hình mẫu lý tưởng. Quyết định thắng lợi của một trận đánh, một chiến dịch là chiến lược và con người. Văn học cách mạng Việt Nam phản ánh lịch sử dân tộc và nhân dân mình ngoài bằng việc ngợi ca sức mạnh vật chất thì điều quan trọng hơn chính là nêu cao sức mạnh tinh thần con người. Và không mảnh đất nào như mảnh dất này (văn học cách mạng), hình ảnh con người nhỏ bé hình thể nhưng lớn lao tầm vóc lại được trỗi dậy, vươn lên đến thế. Như đã chỉ, được ra trận với con người thời chiến là một hạnh phúc. Hạnh phúc vì được cống hiến ngay cả tuổi xuân của mình cho dân tộc, lớp lớp những người con của Tổ quốc phải động viên và nâng nhau dậy bằng nguồn động viên tinh thần. Sức mạnh tinh thần kết hợp sức mạnh vật chất làm nên chiến công thời chiến, làm nên hồn cốt dân tộc và làm say lòng người, cái mà kẻ thù không thể nào lí giải nổi khi thất bại trên đất nước ta. Nghĩ như nhà văn Chu Lai thật là thấu lí đạt tình: “Các bà mẹ chết hết con, các gia đình không còn người nào sống sót… đó là bi kịch, thậm chí hơn thế nữa, đó là thảm kịch nhưng cũng bà mẹ tột cùng đau thương đó đã bình thản nói: “Con mất nhưng nước còn” thì đó lại là một cái cốt cách anh hùng của ngàn năm truyền thống cộng đồng mà loài người kính trọng, mà kẻ thù không sao hiểu nổi” [20, tr.178]. Vẻ đẹp tâm hồn người lính, sức mạnh tinh thần, dũng khí một thời có khi còn được tiếp sức từ những yếu tố bên ngoài: vẻ đẹp của một đêm trăng, một tiếng chim rừng, một câu hát cất lên trên chặng đường dừng chân của đoàn quân… Chất lãng mạn, bay bổng nâng bước, tạo đà, trở thành cảm hứng chính chi phối sáng tác. Cho nên, có lúc văn học gác lại, bỏ qua những hy sinh, tổn thất, đó cũng là một tất yếu, cũng nói như Chu Lai thì, “Nói đùa, những năm tháng đó mà chỉ mải đắm chìm trong sự ghê rợn kinh hoàng hay nỗi chán nản tột cùng thì chắc đầu hàng, tự thương tự sát hết rồi” [20]. Nhà văn vì thế, đã truyền cho người đọc cái cảm hứng nồng nàn, say sưa khi đưa người đọc vào những sự kiện liên tiếp trên trang viết. Sự kiện chi phối sáng tác hơn là tính cách, số phận nhân vật, nhưng trong chừng mực và điều kiện không thể khác được, văn học thời chiến đã nêu lên được phẩm chất mà chiến tranh cần, phẩm chất ấy, theo Nguyên Ngọc thì: “Chiến tranh, y thì kẻ vào cuộc phải có điều kiện, cái đức tính sơ đẳng của người làm chiến tranh: phải dũng cảm” [44(2), tr.201]. Sử thi hóa, lãng mạn hóa trong văn học thời chiến là một nhược điểm nhưng nó còn là đặc điểm. Với tư cách là một đặc điểm của một nền văn học, chúng tôi đồng tình với quan điểm sau của Trần Đình Sử: “Chúng ta không thể đánh giá đặc điểm của văn học sử thi cách mạng theo tiêu chuẩn của chủ nghĩa hiện thực của Bandắc, Tônxtôi hay Sêkhốp. […] . Những tác phẩm văn học ấy hoàn toàn thống nhất về phong cách với các bài ca cách mạng, mà hôm nay vẫn được thính giả yêu chuộng qua chương trình những bài ca không quên hoặc những khúc hát vẫn còn xanh” [28, tr.64]. Xét trong tinh thần đó, không thể phủ nhận tác động to lớn của văn học cách mạng đến con người của mọi thế hệ. Thiết nghĩ, một số ý kiến xem văn học cách mạng là công thức, sơ lược và đòi “xóa tên“ nó ra khỏi lịch sử văn học là quá cực đoan. Cùng với thời gian, lùi xa những sự kiện thời chiến để nhìn lại nhưng nếu lùi quá xa người viết sẽ dễ dàng rơi vào trạng thái dửng dưng, vô tâm của một người ngoài cuộc, mà như vậy cũng có nghĩa anh chưa thực sự hiểu lịch sử tâm hồn dân tộc mình. Gần đây nhất, nhà văn Bảo Ninh có tập truyện ngắn về những vấn đề vụn vặt “có vấn đề” ở thời bao cấp, trong tập truyện có một truyện ngắn làm nhan đề cho cả tập (Chuyện xưa, kết đi được chưa? – NXB Hội nhà văn, 2009); trong truyện ngắn đó, Bảo Ninh không bình giá về việc nhìn nhận quá khứ như thế nào qua cái nhìn của hai thế hệ, nhưng có thể thấy đề tài chiến tranh không bao giờ là thứ cằn cỗi và viết về quá khứ vẫn không bao giờ là cũ. Văn học viết về chiến tranh cách mạng, vì thế, vẫn là một vùng đất chẳng bao giờ bạc màu. Những năm của thập niên đầu thế kỉ XXI này, nhìn lại, ta lại càng thấy cần cho mình một phần nào đó trong nhu cầu thưởng thức văn học. Những cuộc thi viết văn về đề tài này vẫn còn thu hút được sự quan tâm của nhiều người viết chuyên nghiệp và không chuyên là một minh chứng cho tính “nóng hổi” của đề tài này. Và tất nhiên, cùng với thời gian, cách khai thác về chiến tranh trên trang viết của các nhà văn hiện nay có khác. Tuy vậy, không nhiều thì ít, các tác giả vẫn mang cảm hứng lạc quan, tin tưởng tải vào trang viết. 3.3. Hình tượng con người mới – những con người thiếu vắng khía cạnh đời tư Nhìn lại cách xây dựng nhân vật “con người mới” trong văn học cách mạng Việt Nam người đọc cứ thấy có một khoảng trống, một khúc lặng nào đấy. Nhất là khi xem con người là sự tổng hòa các quan hệ xã hội thì có thể thấy con người mới trong văn học HT XHCN chưa đảm bảo quy luật ấy. Đặc biệt là khi đối tượng người đọc đã thay đổi về trình độ, về nhu cầu và thị hiếu. Các nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra: văn học thời chiến “trong” quá, “sáng” quá, các nhân vật thời ấy được tắm trong một bầu không khí “vô trùng”. Đây chính là một hạn chế khó tránh của một thời đại trong văn học. Nhà văn thời chiến bằng lòng (cũng có thể là phải chấp nhận bằng lòng) với nguồn cảm hứng lạc quan, ngợi ca của mình. Để, ở một lúc nào đấy, đủ điều kiện để nghiền ngẫm kĩ hơn, trách nhiệm người nghệ sĩ trước cuộc đời buộc họ cất tiếng: “Cái ác nhất của chiến tranh nằm ở hệ lụy của nó, nằm ở những khối u di căn, chứ không chỉ nơi bom rơi đạn nổ” (nhà văn Bùi Thanh Minh). Tuy nhiên, cùng với thời gian, người đọc hôm nay đã dần nhận ra rằng khuyết điểm của ngày hôm nay có thể là sự duy trì quá lâu những ưu điểm của ngày hôm qua. Với tinh thần đó, trong nhiệt tình khẳng định tính không trùng lắp của hình tượng con người mới của văn học 30 năm cách mạng của Việt Nam, chúng tôi cũng đồng thời chỉ ra “khuyết điểm của ngày hôm qua” trong phát hiện và tái hiện về con người. Nén lại những nỗi đau, giấu đi những hèn nhát, bội phản… của con người là cách các nhà văn thời chiến đã làm. Hầu như người đọc rất ít khi thấy sự phản bội của đồng đội dành cho đồng đội, sự hèn nhát của người lính khi đối diện kẻ thù, những tư riêng trong thân phận, tình yêu… Con người mới không chấp nhận sự nhỏ nhen, ích kỉ, phản bội, ngụy quân tử. Họ phải lớn cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Cho nên, họ luôn nằm trong tuyến các nhân vật thiện. Cái cách “phân tuyến” này đã trở ngược về thời đại của văn học dân gian. Văn học của thời đại mới lại lùi về cái buổi mà ông bà mình chủ yếu lấy cái nghĩa để đối với nhau đã là một bước lùi. Nếu nhìn lại các nhân vật của văn học hiện thực phê phán trước đó trên trang viết Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Nam Cao…, chúng ta thấy một khoảng khác biệt rất rõ: đời sống nội tâm của nhân vật là trung tâm của quá trình miêu tả, những cái xoàng xĩnh, tầm thường, nhỏ nhặt lại “lên ngôi” trên trang viết của các tác giả văn học hiện thực phê phán. Có lẽ các nhà văn cách mạng không kịp nghiền ngẫm, trăn trở, cũng có lẽ là do đòi hỏi của thời cuộc mà nhiều thứ phải bị lãng quên. Và có lẽ một phần cũng vì thế mà nhiều nhà văn thời chiến sang thời bình cảm thấy mình “mắc nợ” cuộc sống. Họ có một nhu cầu phải “trả nợ” cho đời. Khi khuynh hướng sử thi hóa trở thành khuynh hướng sáng tác chủ lưu, trở thành đặc điểm chính thống của một giai đoạn không ngắn, nó dễ rơi vào cực đoan. Những cái “đời thường” lại trở thành vùng cấm của văn chương. Nhà văn Nguyên Ngọc cũng đã từng thổ lộ: “Trong chiến tranh, mọi quan hệ xã hội và con người dồn lại và thu hẹp vào mỗi quan hệ duy nhất: sống – chết. Người ta phải sống phi thường […] cũng đồng thời là triệt tiêu đi bao nhiêu quan hệ bình thường mà vô cùng phong phú và phức tạp của con người, đẩy tất cả những quan hệ ấy về phía sau. […]. Ngọn lửa chiến tranh thiêu cháy cả những nhỏ nhen nhiêu khê của cuộc sống thường ngày” [44(2), tr.220]. Vì đẩy những quan hệ phức tạp và phong phú của con người về phía sau cho nên chỉ có kẻ thù và bọn tay sai là xấu nhất, là những nhân vật phản diện. Còn lại, nhân vật chính diện của ta là những con người mới quyết tâm từ bỏ cái cũ, thậm chí từ bỏ chính bản thân mình (thông qua việc từ bỏ tình yêu). Mà như vậy, nhân vật sẽ rơi vào đơn điệu, thiếu tính góc cạnh. Đọc đến các tác phẩm của văn học cách mạng, người đọc cứ thấy những điểm na ná nhau trong hành xử của các nhân vật mà mình yêu thích. Cá tính nhà văn cũng bị trói buộc, có muốn phá cách thì có khi được xếp vào hàng “có vấn đề”, phải bị “treo bút”. Những dư luận, những sự kiện văn học những năm 1950 – 1960 đã cho thấy rõ điều này. Ngay Nguyên Ngọc, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài cũng bị phê bình một thời. Và, trong điều kiện bất thường không thể tránh khỏi của văn học, thế giới nhân vật đã bị đóng khung, vô tình làm chững một lúc nào đó trong vai trò giúp con người khám phá chính mình, nếu xem văn học là một hình thái ý thức đặc thù. Đời sống văn học 30 năm đấu tranh cách mạng vẫn sôi động, vẫn phong phú về chiều rộng nhưng lại chưa thực sự có một bề sâu đáng kể, một đỉnh cao đột xuất nào như văn học dân tộc đã từng có ở những năm trước Cách mạng tháng Tám. Chỗ đứng của nhà văn trên văn đàn, vì thế cũng chưa thực sự là đặc biệt. Những bước đi của văn học lúc ấy cũng chưa thực sự có thể gọi là nhanh chóng về chất như Vũ Ngọc Phan đã từng nhận xét về văn học giai đoạn trước đó: “Ở nước ta, một năm có thể kể như ba mươi năm ở xứ người”. Cùng với những điều trên là bảng giá trị của nhiều phương diện trong văn học cũng bị quy định hạn hẹp, giáo điều: “Trên 30 năm chiến tranh, như trong một binh chủng mà vị trí của các Chính ủy được xác định ở vị thế cao nhất, sự sắp xếp trong văn chương – nghệ thuật cũng chấp nhận một nguyên tắc tương tự. Những tiêu chuẩn chính trị có ưu thế so với tiêu chuẩn văn chương. Các giá trị tư tưởng được xem trọng trước giá trị nghệ thuật. Các giá trị phục vụ trước mắt có ưu thế hơn cái lâu dài. Công chúng xem ra có thẩm quyền hơn người chuyên nghiệp… Và như vậy thì những tìm tòi hình thức, để có các trường phái, phong cách khác nhau, là chưa cần thiết, hoặc khó tránh trở nên xa lạ” [37, tr.60]. Ngay khi âm hưởng cuộc chiến của dân tộc vẫn còn vang vọng, nhiều nhà văn tâm huyết đã rất ý thức về “khoảng lặng” của văn học, họ day dứt về việc phản ánh vào tác phẩm những nội dung, tải từ tác phẩm những thông điệp thực sự đến con người về cuộc đời. Nguyễn Minh Châu là một ví dụ. Ông từng tâm sự: “thực tế đời sống chính là cái lọ nước thần, là niêu cơm ăn không bao giờ vơi, là nguồn tài liệu và nguồn cảm hứng vô tận mà bất cứ một nhà văn nào dù tài năng đến đâu cũng phải rút ra từ đấy chứ không phải chỉ trong trí tưởng tượng của mình những cốt truyện, những nhân vật, những chủ đề… Người viết văn là một người rất nặng nợ với đời” (Trang giấy trước đèn – 1976). Có lẽ, do “các giá trị trước mắt có ưu thế hơn cái lâu dài”, cho nên, những nhà văn mặc áo lính một thời như Nguyễn Minh Châu, Nguyên Ngọc đã phải tạm chấp nhận là kẻ nợ cuộc đời. Để, ở thời hậu chiến, họ đã tiếp tục thiên chức của người nghệ sĩ trước cuộc đời, phải trả nợ cho đời, là “người mở đường tinh anh” (cách Nguyên Ngọc nhận xét về Nguyễn Minh Châu) cho văn học thời hậu chiến. Về những năm cuối đời, chính Nguyễn Khải cũng hết sức day dứt Đi tìm cái tôi đã mất (một tạp bút). Và nếu xem văn học thời chiến thiếu những “góc khuất” thì văn học thời kì Đổi mới phần nào đã điền khuyết cho nó, để văn học dân tộc không rơi vào những bước lùi quá xa so với văn chương các nước bạn. Con người từ đây không được gọi tên như con người trong văn học của các giai đoạn trước, giới nghiên cứu cũng chưa đặt tên cho thế giới nhân vật trên những trang viết thời bình nhưng bằng việc khai thác thế giới bên trong con người bằng những khuynh hướng của chủ nghĩa hậu hiện đại, bằng những “nghịch dị”, bằng thế giới tâm linh…, người cầm bút đã xới lật được nhiều vấn đề có ý nghĩa nhân văn, nhân sinh sâu sắc. Đến gần hết thập niên đầu thế kỉ XXI này, văn chương Việt Nam đã hồ hởi vươn mình, hào hứng nhập cuộc, đã có những gương mặt được giới văn học ngoại quốc biết đến (và dĩ nhiên cũng luôn thấy rằng mình vẫn phải chịu khó học hỏi văn chương nước bạn) nhưng dường như nó chưa đủ để thỏa mãn niềm mong mỏi như Phong Lê đã đặt ra, và cũng như, dân tộc đã đặt ra. Cũng phải thừa nhận rằng dẫu có hiện đại, có “lạ hóa” đến mấy thì văn học ta ở kỉ nguyên mới vẫn ăn sâu, bám chắc vào mảnh đất nhân đạo, nhân văn truyền thống của lịch sử văn học bao đời. Chính những cái đẹp trong những bài ca mà cuộc sống lao động, chiến đấu trong suốt bề dày lịch sử văn học, lịch sử dân tộc đã là chất xúc tác thường trực cho sáng tác nghệ thuật. Chúng tôi muốn tái khẳng định tính liên tục trong cảm hứng sáng tác của các giai đoạn khác nhau của văn học dân tộc (trong đó có văn học cách mạng Việt Nam). Trần Đình Sử cũng có lần thừa nhận vị thế của văn học cách mạng Việt Nam 1945 – 1975: “Song dù thế nào nó vẫn là một hiện tượng nghệ thuật sáng ngời của văn học dân tộc, là chiếc cầu nối liền văn minh dân tộc từ quá khứ, hướng tới tương lai và đi vào vĩnh viễn” [20, tr.37]. KẾT LUẬN Khép lại 30 năm đấu tranh cách mạng, dân tộc Việt Nam, văn học Việt Nam đã có một thời gian dài (hơn 20 năm) của quá trình Đổi mới. Theo đó, đời sống tinh thần dân tộc đã và đang có nhiều thay đổi, đang nhập cuộc một cách tích cực vào đời sống tinh thần nhân loại. Nhà văn Ngô Thảo, người cầm súng trước khi cầm bút, đã có lần tâm sự: “Có thể căn cứ vào thái độ đối với quá khứ mà biết một phần về con người hiện tại. Có người không dám công nhận dĩ vãng. Có người nhìn lại với tất cả thèm muốn, tiếc xót. Có người nhìn nó với thái độ bao dung, tha thứ. Có người nhìn lại với một niềm tự hào chính đáng. Bởi anh đã có những năm tháng sống không xứng đáng, những năm tháng hoài phí, đớn hèn. Bởi anh đã giấu diếm nhiều thứ để có được cái bây giờ. Bởi anh đã cất bước đi xa hơn, cao hơn” [69, tr.79]. Văn học thời bình lẽ tất nhiên sẽ khác văn học thời chiến. Nhưng xét trên tinh thần chung thì tiếng nói trong văn học là tiếng nói của cuộc sống. Trước một khúc quanh bất thường của lịch sử, văn học Việt Nam đã vận động trong sự bất thường ấy và đã có một sản phẩm riêng: con người mới. Tuy nhiên, sản phẩm văn học này lại được chuẩn bị từ những chất liệu của Liên Xô một thời cùng đi trên con đường của chủ nghĩa xã hội. Trong khuôn khổ của đề tài, chúng tôi hướng đến một số việc sau : 1. Ghi nhận lại những đóng góp thiết thực, hữu hiệu của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa một thời đồng thời chỉ ra những biểu hiện của hình tượng “con người mới” – nhân vật trung tâm của văn học Việt Nam 1945 – 1975 và văn học Xô-viết. Phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa đã không còn vị trí độc tôn của nó, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa gần như bị lãng quên nhưng xét lại chúng ta vẫn thấy những hạt nhân tích cực, những giá trị của nó. Hình tượng “con người mới” là một biểu hiện của nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa và là nơi kết tinh khuynh hướng thẩm mỹ một thời. Tất cả đã khép lại nhưng sức vang của nó vẫn còn như một tượng đài của văn hóa quá khứ. Độc giả thưởng thức văn học ngày nay vẫn có cái háo hức nào đấy khi đọc lại các tác phẩm viết về con người mới một thời, đối chiếu với cách phản ánh hiện thực hôm nay để thấy bảng giá trị một thời đáng giá và thấy dòng diễn tiến của quá trình phát triển nghệ thuật. 2. Bằng việc nêu những hạn chế trong việc xây dựng con người mới và khuynh hướng sử thi hóa, lãng mạn hóa văn học, chúng tôi đã đối chiếu với với văn học trước 1945 và văn học sau 1975 để thấy tính không trùng lắp của văn học 1945 – 1975 trong xây dựng con người mới và ý nghĩa của nó trong nêu bật sức mạnh dân tộc, truyền thống anh hùng của dân tộc. Ngay cả khi văn học cách mạng có những hạn chế, nó vẫn để lại một sức vang, một dư ba nào đấy. Thêm vào đó là kinh nghiệm của nó cho văn học thời hậu chiến. Trên tinh thần đó, văn học thời kì Đổi mới đã phần nào lấp trống, điền khuyết những thiếu hụt, những phiến diện mà văn học thời chiến đã mắc. Do vậy, tiếp cận văn học giai đoạn sau, bao giờ người đọc cũng không khó để phát hiện rằng nó được hình thành, vận động và phát triển không ngẫu nhiên. Nếu văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX mang trên nó những kinh nghiệm của văn học trung đại để bước vào thời kì hiện đại thì văn học hai thập niên cuối thế kỉ XX, những năm đầu thế kỉ XXI đã nhận lấy những bài học từ văn học 1945 – 1975 để chuyển sang thời kì hội nhập một cách toàn diện, sâu sắc vào văn học hậu hiện đại thế giới. Cuộc giao lưu với văn học Xô-viết và quá trình chịu ảnh hưởng của chúng ta trong việc xây dựng hình tượng con người mới cho chúng ta những kinh nghiệm quý giá, để trong tương lai chúng ta sẽ phát huy hơn sức mạnh sáng tạo nội tại, tinh thần độc lập và chủ động trước đối tượng được tiếp nhận. 3. Sau khi đưa ra, nhắc lại một giai đoạn văn học đã cũ, một hình tượng đã trở thành quá khứ mà hiện tại rất hiếm được nhắc, chúng tôi hướng đến việc bày tỏ mong muốn sẽ có một hướng nghiên cứu toàn diện, đầy đủ về lịch trình văn học hiện đại Việt Nam qua thế giới nhân vật của nó trong từng thời đại, từng giai đoạn cụ thể. Trong mỗi bước đi không giống nhau của văn học dân tộc vẫn có những điểm giao nhau giữa thế giới các hình tượng nhân vật. Xuất phát điểm để cắt nghĩa điều đó, phải chăng chính ở nội lực văn hóa, ở tâm thức dân tộc? Thêm vào đó, nếu xét tổng thể văn học thành văn Việt Nam, chúng ta không thể không thừa nhận vai trò của quá trình giao lưu văn hóa. Khẳng định điều này chính là để xác định hướng đi cho giao lưu văn hóa, văn học, để văn học và văn hóa Việt xác lập chỗ đứng trong hội nhập. Soi vào những bước đi của văn học dân tộc trong mươi năm đầu thế kỉ XXI này, chúng ta có quyền tin tưởng vào một cuộc thử sức đầy bản lĩnh của văn học Việt trong cuộc vươn mình ra thế giới. Có thể còn chưa có bề dày nhưng chính quá khứ văn học dân tộc sẽ là tiền tố, là đòn bẩy cho một nền văn chương mới ở một thế kỉ mới. Và nếu câu nói của M. Goócki “Văn học là nhân học” vẫn còn nguyên giá trị thì việc xem con người mới cũng là một nhân vật văn học cũng không phải không có ý nghĩa. Một thời kì không ngắn văn học Việt Nam đã mở ra một giai đoạn mới và là chứng nhân lịch sử của những vấn đề nóng bỏng của thời cuộc, bỏ quên nó e sẽ là phiến diện, thiếu sót, thậm chí là vô tâm. Trở lại quá khứ, vì thế, “hoàn toàn không phải vì quá khứ mà vì hiện tại và tương lai” (theo bộc bạch của Lại Nguyên Ân trong cuốn sách Sống với văn học cùng thời). Những năm gần cuối thế kỉ XX, bộ sách Ngọn lửa tuổi trẻ được xuất bản (phần lớn là các tác phẩm văn học xã hội chủ nghĩa của Xô- viết và Việt Nam một thời) đã góp phần hun đúc bản lĩnh, lý tưởng những người trẻ, việc làm đó là có ý nghĩa. Hy vọng rằng chúng ta sẽ có điều kiện hơn để giới thiệu lại và giới thiệu thêm những tác phẩm hay của nền văn học Xô-viết và Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày ấy. Đặc biệt là trong bối cảnh điều kiện sống ngày nay đã khác, một lối sống thực dụng đã nhiều phần khiến con người lãng quên nhiều thứ đáng quý. Đáng tiếc là những tác phẩm một thời được chú ý trong dư luận như Bão biển, Cái sân gạch… chỉ được in trong điều kiện có giới hạn, chỉ trưng bày ở các thư viện lớn (chúng tôi tìm thấy ở thư viện Khoa học Tổng hợp TP. HCM những hợp tuyển dày những tác phẩm đã nêu với một khung ghi chú SÁCH NHÀ NƯỚC ĐẶT HÀNG). Những người Việt trẻ chúng tôi lại càng cần đến những hiểu biết về những bước đi khác nhau của lịch sử, văn hóa (trong đó có văn học) để còn biết chung riêng, còn biết nguồn cội và biết mình sẽ phải ra sao trong tương lai. Ngày nay, khi đã ở một thời điểm khác, trong một cuộc sống khác, người đọc thế hệ sau thấy một khoảng khác biệt về tiếng nói giữa các giai đoạn văn học, nhưng cũng không nên vì thế mà khen hoặc chê tuyệt đối một bộ phận nào. Lê Ngọc Trà cũng đã từng bày tỏ về vấn đề này: “Trong những hoàn cảnh lịch sử đặc biệt như chiến tranh, cách mạng, ý thức chính trị trở thành nội dung cơ bản của ý thức xã hội […] tiếng nói văn nghệ trùng với tiếng nói chính trị. Nhưng còn trong những ngày bình thường, chính trị và văn học không hát cùng một bè trong bản đồng ca một giọng mà mỗi thứ đảm nhận một bè khác nhau trong bản giao hưởng phức điệu thống nhất và đa dạng của cuộc sống” [78, tr,15]. Nói tóm lại, chúng tôi muốn bày tỏ sự trăn trở về một vẻ đẹp đã lùi vào quá khứ. Việc khẳng định lại vẻ đẹp con người thời chiến cũng là một cách học. Việc làm mới cũng có thể xuất phát từ đó. Bài học này, văn học Việt Nam học từ văn học Nga, như nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên đã trăn trở trên một tờ báo gần đây nhất: “Hơn 90 năm sau cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười, nước Nga đã thay đổi, thế giới đã thay đổi, những thay đổi đau đớn và sâu sắc. Từ đó sẽ lại hình thành nên những giá trị mới […]. Và từ kinh nghiệm nước Nga, văn hóa, văn học Việt Nam chúng ta cũng không nên một sớm một chiều ngoảnh mặt” [86]. Văn học cách mạng Việt Nam ngày ấy (cũng gần với văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô) chưa thực sự là lớn nhưng đủ để có thể khẳng định và còn để rút kinh nghiệm. Thêm nữa, nếu thừa nhận văn học và văn hóa là những yếu tố bao hàm nhau và đều kết tinh những giá trị tinh thần thì cần phải khẳng định lần nữa: nếu văn học là một bộ phận thuộc văn hóa thì văn hóa là phương diện còn lại lâu dài của các tác giả, tác phẩm, các giai đoạn văn học. THƯ MỤC THAM KHẢO 1. Đào Tuấn Ảnh (1995), “Các cuộc tranh luận trong văn học Xô-viết những năm 20 và 30”, TCVH số 3, Hà Nội. 2. Lại Nguyên Ân (1994), Sống với văn học cùng thời, Nxb Văn học, Hà Nội. 3. Lại Nguyên Ân (2004), 150 thuật ngữ văn học, Nxb ĐHQG, Hà Nội. 4. Lại Nguyên Ân (2009), Mênh mông chật chội, Nxb Tri Thức, Hà Nội. 5. Nguyễn Minh Châu (1998), Dấu chân người lính (tập 1), Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh. 6. Nguyễn Minh Châu (1998), Dấu chân người lính (tập 2), Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh. 7. Nguyễn Minh Châu (2002), Trang giấy trước đèn (Tôn Phương Lan sưu tầm, tuyển chọn), Nxb KHXH, Hà Nội. 8. Trường Chinh (1974), Đề cương văn hóa Việt Nam, Nxb Sự thật, Hà Nội. 9. Trường Chinh (2006), Về văn hóa văn nghệ, Nxb Văn học, Hà Nội. 10. Đỗ Hồng Chung - Nguyễn Kim Đính và những người khác (1997), Lịch sử văn học Nga, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 11. Ph. Cudơnhexốp (1990), “Lịch sử văn học Xô-viết: cách nhìn mới” (Phạm Xuân Nguyên dịch), TCVH số 4, Hà Nội. 12. Phạm Vĩnh Cư (2004), Sáng tạo và giao lưu, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội. 13. Đinh Xuân Dũng (2004), Văn học và văn hóa - tiếp nhận và suy nghĩ, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội. 14. Phan Cự Đệ (1978), Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại (2 tập), Nxb ĐH&THCN, Hà Nội. 15. Hà Minh Đức (chủ biên) (1991), Mấy vấn đề lý luận văn nghệ trong sự nghiệp đổi mới, Nxb Sự thật, Hà Nội. 16. Hà Minh Đức (chủ biên) (1991), Tác phẩm văn học Việt Nam 1930 – 1975, Nxb KHXH, Hà Nội. 17. Hà Minh Đức (chủ biên) (1998), Chặng đường mới của văn học Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 18. Hà Minh Đức (2001) C. Mác – Ph. Ănghen – V.I. Lênin và một số vấn đề lý luận văn nghệ, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 19. Nhiều tác giả (1977) Tác gia văn xuôi Việt Nam hiện đại từ sau 1945, Nxb KHXH, Hà nội. 20. Nhiều tác giả (1996) 50 năm văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám, Nxb ĐHQG, Hà Nội. 21. Trần Văn Giàu (1983), Trong dòng chủ lưu của văn học Việt Nam: tư tưởng yêu nước, Nxb Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh. 22. M. Goócki (1960), Báo cáo trước Đại hội nhà văn Xô viết lần thứ nhất (Hoài Thanh dịch), Nxb Văn học, Hà Nội. 23. Nguyễn Hải Hà (1987), Chuyện làng văn Việt Nam và thế giới, Trường Đại học Sư phạm 1, Hà Nội. 24. Nguyễn Hải Hà (2002), Văn học Nga - Sự thật và cái đẹp, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 25. Nguyễn Văn Hạnh (1979) Suy nghĩ về văn học, Nxb Văn học, Hà Nội. 26. Nguyễn Văn Hạnh (2002), Văn học và văn hóa, vấn đề và suy nghĩ, Nxb KHXH - Viện KHXH, TP. Hồ Chí Minh. 27. Lê Bá Hán - Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên) (2006), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 28. Viện Văn học (2002), Nhìn lại văn học Việt Nam thế kỉ XX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 29. Phạm Mạnh Hùng – Phan Hồng Sơn (dịch giả) (1970), Suối thép, Nxb Văn học, Hà Nội. 30. Tố Hữu (1973), Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta, thời đại ta, Nxb Văn học, Hà Nội. 31. Nguyễn Văn Kha (2002), Văn học, cảm nhận và suy nghĩ, Nxb KHXH tại TP. Hồ Chí Minh. 32. Nguyễn Khải (2003), Nghề văn cũng lắm công phu, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh. 33. Chu Lai (1996), Nhân vật người lính trong văn học, 50 năm văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám, Nxb ĐHQG, Hà Nội. 34. Phong Lê (1980), Văn xuôi Việt Nam trên con đường hiện thực xã hội chủ nghĩa, Nxb KHXH, Hà Nội. 35. Phong Lê (1996), “Bây giờ hoặc bao giờ - Những tác phẩm lớn, đỉnh cao văn chương của thế kỉ?” 50 năm văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám, Nxb ĐHQG, Hà Nội. 36. Phong Lê (2003), Văn học Việt Nam hiện đại: Lịch sử và lý luận, Nxb KHXH, Hà Nội. 37. Phong Lê (2007), “Từ sự nghiệp đổi mới nhìn lại lịch sử các mối giao lưu với văn học phương Tây hiện đại”, Tạp chí NCVH số 1, Hà Nội. 38. Huy Liên - Nguyễn Kim Đính - Hoàng Ngọc Hiến (1985), Lịch sử văn học Xô viết (2 tập), Nxb ĐH&THCN, Hà Nội. 39. Lưu Liên (1987), Đạo đức nhân vật trong văn học Xô viết và Việt Nam hiện đại, Nxb KHXH, Hà Nội. 40. Nguyễn Văn Long (2003), Văn học Việt Nam trong thời đại mới, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 41. Nguyễn Đăng Mạnh (1996), “Đặc điểm cơ bản của nền văn học mới Việt Nam 1945 – 1975”, 50 năm văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám, Nxb ĐHQG, Hà Nội. 42. Nguyễn Đăng Mạnh (1996), Một thời đại mới trong văn học, Nxb Văn học Hà Nội. 43. Nguyễn Đăng Mạnh (2005), Nhà văn Việt Nam hiện đại, chân dung và phong cách, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh. 44. Nguyên Ngọc (2007), Tác phẩm (3 tập), Nxb Hội nhà văn, Hà Nội. 45. Lê Thành Nghị (1996), “Tiểu thuyết về chiến tranh - Mấy ý nghĩ góp bàn”, 50 năm văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám, Nxb ĐHQG, Hà Nội. 46. Lã Nguyên (2008), “Số phận lịch sử của nền lí luận văn học Xô viết chính thống”, Tạp chí NCVH số 9, Hà Nội. 47. Vương Trí Nhàn (2001), Cánh bướm và đóa hướng dương, Nxb Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh. 48. Vương Trí Nhàn (2001), Những kiếp hoa dại, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội. 49. Vương Trí Nhàn (2003), Ngoài trời lại có trời, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội. 50. Bảo Ninh (2009), Chuyện xưa kết đi, được chưa? (tập truyện ngắn), Nxb Hội nhà văn, Hà Nội. 51. Như Phong (1977), Bình luận văn học, Nxb Văn học, Hà Nội. 52. Vũ Đức Phúc (1962), “Con người mới và cuộc sống mới trong văn học”, TCVH số 1, Hà Nội. 53. Phạm Thị Phương (1995), Văn học Nga tại thành thị miền Nam giai đoạn 1954 – 1975, Luận văn thạc sĩ, ĐHSP, TP. Hồ Chí Minh. 54. Vũ Tiến Quỳnh (tuyển chọn, giới thiệu) (2004), Phê bình – Bình luận văn học, Nxb Thanh niên, TP. Hồ Chí Minh. 55. M. Sôlôkhốp (1963), Họ chiến đấu vì Tổ quốc Nguyễn Thụy Ứng dịch), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội. 56. M. Sôlôkhốp (1985), Đất vỡ hoang (tập 1), Nxb Cầu vồng, Mátxcơva. 57. M. Sôlôkhốp (1985), Đất vỡ hoang (tập 2), Nxb Cầu vồng, Mátxcơva. 58. Lê Sơn (2001), Còn lại với thời gian, Nxb KHXH, Hà Nội. 59. Trần Đình Sử (1996), Lý luận và phê bình văn học: Những vần đề và quan niệm hiện đại, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội. 60. Trần Đình Sử (2001), Văn học và thời gian, Nxb Văn học, Hà Nội. 61. Trần Đình Sử (2002), “Mấy vấn đề trong quan niệm con người của văn học Việt Nam thế kỉ XX”, Nhìn lại văn học Việt Nam thế kỉ XX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 62. Bộ GD&ĐT (2001), SGK Văn học 12 (tập 1), Nxb Giáo dục, Hà Nội. 63. Bộ GD&ĐT (2009), SGK Ngữ văn 12 (tập 2), Nxb Giáo dục, Hà Nội. 64. Nguyễn Anh Thái, (chủ biên) (2006), Lịch sử thế giới hiện đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 65. Bùi Việt Thắng (2006), Truyện ngắn hay về chiến tranh (3 tập), Nxb Văn học, Hà Nội. 66. Ngô Thảo (1986), Năm tháng chưa xa, Nxb Văn nghệ, TP. Hố Chí Minh. 68. Ngô Thảo (1994), Chiến trường - Sống và viết, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội. 69. Ngô Thảo (2003), Văn học về người lính, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội. 70. Nguyễn Đình Thi (1994), Tuyển tập văn xuôi, Nxb Văn học, Hà Nội. 71. Nguyễn Đình Thi (2003), “Những chặng đường văn nghệ cách mạng”, TCVH số 5, Hà Nội. 72. Lê Huy Tiêu (2009), “Số phận của “Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa” ở Trung Quốc”, Tạp chí NCVH số 1, Hà Nội. 73. Thúy Toàn (1977), “Bước đầu tìm hiểu quá trình phổ biến văn học Xô viết ở Việt Nam”, Tạp chí Văn học số 5, Hà Nội. 74. Thúy Toàn (1994), Cỗ xe tam mã, Nxb Văn học, Hà Nội. 75. Lê Ngọc Trà (1990), Lý luận và văn học, Nxb Trẻ TP. Hồ Chí Minh. 76. Lê Ngọc Trà (2001), Văn hóa Việt Nam - Đặc trưng và cách tiếp cận, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 77. Lê Ngọc Trà (2002), Thách thức của sáng tạo, thách thức của văn hóa, Nxb Thanh niên, TP. Hồ Chí Minh. 78. Lê Ngọc Trà (2007), Văn chương, thẩm mĩ và văn hóa, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 79. Nguyễn Thị Ngọc Tú (1975), Đất làng, Nxb Văn học, Hà Nội. 80. Nguyễn Tuân (1982), Tuyển tập (tập 2 – Tùy bút thời kì xây dựng hòa bình và kháng chiến chống Mỹ), Nxb Văn học, Hà Nội. 81. Chu Văn (1987), Tuyển tập (tập 2 – Bão biển), Nxb Văn học, Hà Nội. 82. Đào Vũ (2007), Cái sân gạch, VHVN thế kỉ XX - Tiểu thuyết 1945 – 1975, Nxb Văn học, Hà Nội. 83. Trần Ngọc Vượng (1996), “Văn học 50 năm nhìn từ 1000 năm văn học”, 50 năm văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám, Nxb ĐHQG, Hà Nội. Tài liệu Internet 84. Phạm Hương Giang, Để thời bao cấp không còn là chuyện cổ tích, bài viết trên Phongdiep.net. 85. Phong Lê, Hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau hơn nửa thế kỉ nhìn lại, bài viết trên vietvan.vn. 86. Phạm Xuân Nguyên, Còn đó, nước Nga và văn học, Tuổi Trẻ Chủ Nhật ngày 8/11/2009. 87. Vương Trí Nhàn, Trả lời phỏng vấn đăng trên tuoitreonline, năm 2005.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLVVHVHVN033.pdf