Luận văn Cấu trúc, ngữ nghĩa, ngữ dụng của phương thức thay thế từ vựng trong tiếng Việt

Thoạt nhìn phương thức thay thếlà một phép thếliên kết đơn giản. Bởi vì mục đích của văn bản, ngôn bản là chuyển tải nội dung, mà định danh nội dung không chỉgọi bằng chính danh mà cần thiết phải thay thếbằng các ngữ đoạn tương đương. Với ý nghĩa này, tỉnh lược cũng có thểcoi là phương thức thay thế bằng zero, quy chiếu cũng là một cách thay thếdưới hình thức này hoặc hình thức khác Nhưthế đủthấy thay thếtừvựng là một phương thức khá phứtạp. Đó cũng là lý do, tùy theo quan niệm, thay thếtừvựng có thểthu hẹp ởbình diện từvựng mà cũng có thểtrải dài lên cảngữpháp và ngữnghĩa.

pdf135 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 3144 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Cấu trúc, ngữ nghĩa, ngữ dụng của phương thức thay thế từ vựng trong tiếng Việt, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
đương về nghĩa. Hai ví dụ trên, là điển hình cho rất nhiều sự thay thế giữa các yếu tố là danh từ chung hoặc danh từ riêng với các đại từ nhân xưng và thân tộc là yếu tố thay thế. Và xét trên toàn cục đều thực hiện quan hệ về nghĩa là quy chỉ. Tiếp theo, chúng ta sẽ tiếp tục khảo sát sự thay thế bằng các danh từ thân tộc nhưng theo lối xưng hô của ngày xưa là chàng, thiếp, nàng… Vd 108: Vũ Thị Thiết, người con gái quê ở Nam Xương, tính đã thùy mị, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp. Trong làng có chàng Trương Sinh, mến vì dung hạnh, xin với mẹ đem trăm lạng vàng cưới về. Song Trương có tính đa nghi, đối với vợ phòng ngừa quá sức. Nàng cũng giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đến thất hòa. Cuộc sum vầy chưa được bao lâu thì xảy ra việc triều đình bắt lính đi ánh giặc Chiêm. Trương tuy con nhà hào phú nhưng không có học, nên tên phải ghi trong sổ lính đi vào loại đầu. Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi. Chỉ e việc quân khó liệu, thế giặc khôn lường. Giặc cuồng còn lẩn lút, quân triều đình òn gian lao, thế rồi chẻ tre chưa có, mà mùa dưa chín quá kì, khiến cho tiện băn khoăn, mẹ hiền lo lắng. Nhìn trăng soi thành cũ,lại sửa soạn áo rét, gửi người ải xa, trông liễu rủ bãi hoang, lại thổn thức tâm tình, thương người đất thú! Dù có thư tín nghìn hàng, cũng sợ khôn có cánh hồng bay bổng. (Nguyễn Dữ- Truyền kì mạn lục) Trong lối xưng hô của người xưa, là vợ chồng không gọi nhau bằng “anh”, “em” mà thường xưng với nhau là “chàng” và “thiếp”. Trong ví dụ này, “chàng” là từ thay thế cho Trương Sinh, còn từ “thiếp” và từ “nàng” là thay thế cho Vũ Thị Thiết. Đây là cách xưng hô thể hiện một phong tục cổ xưa, đồng thời có ẩn chứa một chút gì là phong thái của thời đại có vua chúa. Trong một số văn bản gần đây, chúng ta vẫn bắt gặp lối xưng hô chàng nàng, nhưng lại mang một ý nghĩa khác hẳn với cách xưng hô trên. Vd 109: Tưởng là mất hút. Nhưng một hôm chúng tôi ra ngoài đầu xóm chơi, lại bắt gặp anh gà trống ri. Trông anh tang thương phờ phạc quá. Thực là gầy guộc phong trần cả đến lông đến cánh. Khi đó, chú gà đang mải mê đi theo một chị gà mái. Đó là một chị gà mái gi. Chả trách được, bấy lâu nay vắng mặt chàng cũng là có lý và có nhẽ lắm. (Tô Hoài- O chuột) “Anh gà trống ri” được thay thế bằng đại từ nhân xưng “anh” và danh từ thân tộc chú (gà), đến câu cuối lại được thay thế bằng “chàng”. Sự thay thế được tiến hành bằng rất nhiều đại từ cho một ngữ danh từ “anh gà trống ri” là đều có dụng ý của tác giả. Dựa vào nội dung của câu chuyện mà từng thế tố thể hiện một ý nghĩa khác nhau. Ban đầu, tác giả chỉ miêu tả sự xuất hiện trở lại của anh gà trống ri sau một thời gian mất hút, khi dùng từ thay thế tác giả sử dụng danh từ thân tộc “anh”. Từ “anh” vừa lặp lại vừa thay thế, nói lên một thái độ thương cảm cho anh gà trống ri, nhưng vì lúc này chưa biết vì sao anh có bộ dạng tang thương như vậy. Đến câu sau, khi biết lý do là vì mãi mê theo đuổi một chị gà mái, từ “anh” tác giả chuyển sang thay thế bằng cụm từ “chú gà”. Như có sự chuyển biến rất nhanh về thái độ của người kể chuyện. Từ chỗ quan tâm đến chỗ ít quan tâm và có phần hơi mỉa mai. Đến từ “chàng” sự mỉa mai hiển hiện rõ hơn và thêm vào đó là sự chê trách. Khác với ví dụ dẫn trên, từ “chàng” trong ví dụ đó không hề thể hiện một sự mỉa mai nào, mà nó còn thể hiện một tình cảm sâu sắc của người nói dành cho người nghe. Như vậy, trong từng hoàn cảnh giao tiếp khác nhau mà ngữ nghĩa của các từ thay thế tuy có cùng hình thức ngữ âm với nhau nhưng khi phụ thuộc vào ngữ cảnh nó sẽ làm cho các từ ngữ thay thế có sự khác nhau về nghĩa. Vd 110: Người nhà lí trưởng sấn sổ bước đến giơ gậy chực đánh chị Dậu. Nhanh như cắt, chị Dậu nắm ngay được gậy của hắn. Hai người giằng co nhau, đu đẩy nhau, rồi ai nấy đều buông gậy ra, áp vào vật nhau. Hai đứa trẻ con kêu khóc om sòm. Kết cụ, anh chàng “hầu cận ông lí” yếu hơn chị chàng con mọn, Hắn bị chị này túm tóc lẳng cho một cái, ngã nháo ra thềm. (Trích Tắt đèn- Ngô Tất Tố, Ngữ văn lớp 8 tập 1) “Hắn” là từ nhân xưng ngôi thứ 3, số ít. Trong ví dụ này, “hắn” thay thế cho ngữ danh từ “người nhà lý trưởng”. Khi từ “hắn” xuất hiện dù ở vị trí nào là chính tố hay thế tố thì nghĩa của nó cũng không thể được hiểu theo nghĩa tích cực. Vì vậy, ở ví dụ này, từ “hắn” dùng để thay thế cho tên “người nhà lý trưởng” cũng phần nào cho chúng ta thấy được thái độ không thiện cảm của tác giả đối với bọn hống hách và hách dịch vô lối, bọn người không nhân tính. Đồng thời qua đó, cũng ngầm lên tiếng phê phán những người đứng đằng sau chúng cũng là hạng người vô lương tâm ngay chính với dân của mình. Hay trong các tác phẩm như Đời thừa, Chí Phèo, nhà văn Nam Cao đã sử dụng các đại từ nhân xưng ngôi ba, số ít như: hắn, thị…để chỉ cho nhân vật của mình. Xét về quan hệ ngữ nghĩa, những từ này cũng không mang tính chất tích cực được, nó vẫn ẩn chứa trong đó một ý nghĩa không tốt cho nhân vật có cách xưng gọi và thay thế như vậy. Quả đúng như thế, các nhân vật được tác giả gọi bằng hắn, thị hay dùng để thay thế cho các danh từ riêng thì đều có một lý lịch hoặc xuất thân không tốt. (Được dẫn chứng ở ví dụ thứ 27, 32) Vd 111: Hôm nay, tôi kể một gã mèo, một gã mèo trẻ tuổi. Y sống lặng lẽ trog một nếp nhà ngói cổ kính, giữa một vườn cây rộng, ở làng Nghĩa Đô, cùng một sân với bọn chó, bọn gà ri, bọn ngỗng, vân vân… (Tô Hoài- O chuột) “Y” cũng không khác với “hắn”, “thị”. Nó cũng là đại từ nhân xưng ngôi 3, số ít. Ở ví dụ trên, nó thay thế cho ngữ danh từ “một gã mèo”. Nằm trong ngữ này, từ “gã” được xem là cùng tính chất với từ “y”, mặc dù ở đây “y” thay thế cho cả một ngữ. Nhưng cũng có thể hiểu vì từ “gã” trong ngữ danh từ trên mà từ “y” mới xuất hiện. Từ “y” cũng mang một nét nghĩa tiêu cực, khi nó xuất hiện, khiến cho đoạn văn trở nên nặng nề và yếu tố được thay thế như có một lý lịch không được sáng sủa cho lắm. Từ “gã” cũng được sử dụng để xưng gọi và thay thế như chúng ta đã thấy ở các ví dụ trước. Theo quan sát của chúng tôi, để thay thế thường người ta dựa vào nghĩa của chính tố, nói cách khác nếu chính tố là số nhiều thì sẽ có hệ thống đại từ tương ứng được dùng để thay thế. Tuy nhiên, trong tiếng Việt có khi đại từ “nó” lại đảm nhiệm chức năng này. Hãy quan sát ví dụ sau: Vd 112: Dạo này chị hay đứng trước gương. Nhiều đến nỗi, chưa bao giờ chị thuộc thân thể mình đến như vậy. Mỗi lần chị lại phát hiện thêm một điều gì đó. Thường thì những phát hiện chẳng có gì mới. Tỉ như số nếp nhăn trên vầng trán rộng- chi không thích những đường rãnh cắt chia vầng trán. Nó thật quá. Thật như quãng thời gian được khắc vào đời chị. Nhưng chị vẫn đếm kỹ càng. Đếm thật kỹ để tin rằng mình sắp về chiều… (Phạm Ngọc Tiến –Thế giới đàn ông ngọt ngào) “Những đường rãnh cắt chia vầng trán” là ngữ danh từ chỉ số nhiều. Theo như thông thường nó sẽ được thay thế bằng một đại từ nhân xưng ngôi 3, số nhiều như “chúng”, nhưng ở đây tác giả lại sử dụng đại từ ngôi 3, số ít “nó”. Theo ngữ cảnh mà xét thì “những đường rãnh cắt chia vầng trán” là để chỉ “số nếp nhăn trên vầng trán rộng” đồng thời cũng chỉ sự già đi của tuổi tác. Nếu dùng từ “chúng” để thay thế nghĩa của nó như một sự cộng gộp lại của “những đường rãnh cắt chia vầng trán” để cho mọi người thấy được sự xuất hiện của tuổi tác qua những nếp nhăn đó. Còn với từ “nó”, số lượng của những nếp nhăn như bị lấp liếm đi và thay vào là một cái gì đó nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn là chính nó, phải chủ động là dụng ý của tác giả. Hay trong ví dụ 116: Đột nhiên anh nhấn mạnh vào nóc hầm nói như quát – Chà! Thế là hư hết trơn rồi! Nghị quyết cả tháng trời, phong trào cả một xã đang chờ…Uổng quá! Bao công lao- Giọng nói anh lại đằm xuống- Thôi đừng buồn. Bày keo khác chứ biết làm sao. Có điều, Việt ạ! Những lúc hiểm nghèo nhất phải biết cắn răng nhích lên, quên mình đi. Nhất định sẽ đạp được lên đầu nó... (Chu Lai- Truyện ngắn-Lửa mắt ) Không phải là sự tập hợp về số lượng mà ở đây, lại là một ngữ danh từ chỉ sự trừu tượng “những lúc hiểm nghèo nhất” cũng được thay thế bằng từ “nó” đại từ số ít. Khác với ví dụ trên, ở ví dụ này, chúng ta không thể thay thế ngữ danh từ đó bằng từ “chúng”. Vì chưa xét về nghĩa nhưng về từ ngữ khi thay vào đọc lại chúng không được thuận ý. Còn nói về nghĩa, từ “chúng” lại không làm rõ nghĩa cho “sự hiểm nghèo” mà chỉ như thay thế cho “những lúc”. Như vậy, đây là sự thay thế sai khi chúng ta tiến hành thay thế như trên. Còn với từ “nó”, nó chỉ rất chung chung, nó được bao quát cho cả ngữ danh từ này chứ không cụ thể là cho cụm nào. Hiển nhiên, trong một văn bản khi sử dụng phép thế, tùy thuộc vào yếu tố được thay thế mà chúng ta có những đại từ thay thế cho tương ứng. Nhưng trong một số trường hợp như các ví dụ trên, sự thay thế không đúng theo đúng trình tự như đã quy định. Những trường hợp như vậy, đều có dụng ý và nghĩa của chúng cũng có sự thay đổi. Cần thấy, tuy mối quan hệ giữa nghĩa và ngữ cảnh và cách sử dụng ngôn từ với người sử dụng và ngữ cảnh là có khác nhau. Nhưng dù ít dù nhiều, ngữ cảnh bao gồm cả ngữ cảnh hẹp và ngữ cảnh rộng, có thể nói là chiếc chìa khóa để hiểu nghĩa của diễn ngôn. Điều đó nói lên rằng, trong hoạt động giao tiếp, ngữ nghĩa và ngữ dụng bao giờ cũng gắn chặt với nhau, khó lòng tách bạch. Sau đây là một ví dụ minh họa: Vd 113: Thiêm bàng hoàng trước câu hỏi đột ngột của Thượng tướng Giáp Văn Cương. Làm sao con làm được Tư lệnh? Thiêm cười gượng gạo. Thượng tướng ứa nước mắt. Giọt nước mắt của một ông già ngót bảy mươi tuổi khiến Thiêm bủn rủn chân tay. - Con xin lỗi bố - Thôi, ra tàu mà nhận lại súng đi. Tư lệnh bỗng quát to, như để giấu nỗi xúc động. Có lẽ thằng bé cũng đáng tuổi ông khi ông mói nhập ngũ , mới tham gia trận đánh đầu tiên ở chân đồi A1 Điện Biên Phủ. Cái tuổi ấy đang khỏe ăn, khỏe ngủ. Nó có vứt súng đi thì cũng chẳng có gì lạ. Ông định cứ để mặc cho thằng bé tìm kiếm bã bời ra rồi sẽ gặp nó sau, để ít ra cu cậu cũng thấy sợ mà chừa cái thói đểnh đoảng chết người ấy đi. Nhưng rồi ông lại lo cậu ta tưởng súng rơi xuống biển, lại lao xuống biển mò thì khổ nó mà cũng nguy hiểm nữa. Thế là không kìm được, vừa rạng sáng, ông đã đánh xuồng vào. (Trần Đăng Khoa-Đảo Chìm-Người lính gác đảo chìm) Với một danh từ riêng là “Thiêm” mà có không ít đại từ nhân xưng và danh từ thân tộc thay thế. Tương ứng với một từ thay thế, cùng với ngữ cảnh nghĩa của chúng cũng có sự thay đổi theo. Đầu tiên, từ thay thế là “con”, xét trong ngữ cảnh Thiêm đang đối thoại với Thượng tướng Giáp Văn Cương, ông vừa là sếp, đồng thời cũng đáng tuổi cha Thiêm ( dẫn chứng là ở cụm từ “một ông già ngót bay mươi tuổi”) nên Thiêm xưng gọi là “con” coi Thượng tướng như cha của mình. Và tiếp câu sau Thượng tướng Giáp Văn Cương cũng được danh từ thân tộc “bố” thay thế cho phù hợp với ngữ cảnh và tình huống. Tiếp đến những câu sau, vừa là lời của tác giả nhưng cũng đồng thời như là lời tâm sự của Thượng tướng. Chính vì vậy, lúc này “Thiêm” được thay bằng các từ như: “thằng bé”, “nó”, “cu cậu”. Mỗi từ khi được thay thế cũng tạo ra nhiều sự biến đổi trong tình cảm của “Tư lệnh” ( từ được thay thế cho Thượng tướng Giáp Văn Cương). Từ “thằng bé” vẫn còn mang một ý nghĩa trìu mến như đó là Tư lệnh nói về chính con ruột của mình. Đến khi dùng từ “nó” tình cảm của nhân vật kể chuyện như khựng lại và cũng xem ra thái độ của Thương tướng cũng thay đổi sau khi suy xét đến lý do có thể dẫn đến sai phạm của Thiêm. Nhưng rồi như lại khác, khi tác giả diễn tả sự lo lắng của Thượng tướng dành cho “cu cậu” khi nghĩ súng có thể rơi xuống biển và cu cậu có thể xuống đó để tìm. Thay thế bằng “cu cậu”, thể hiện một tình cảnh chân thành của một người chỉ huy đáng tuổi làm cha dành cho một thanh niên đáng tuổi con mình và cũng như một lời nhận xét đây là đứa con còn dại khờ. Có thể nói, với những từ thay thế bằng các từ như: “thằng bé”, “nó”, “cu cậu” chúng ta chỉ có thể hiểu được chúng dùng để thay thế cho ai khi chúng ta đặt nó trong ngữ cảnh như ví dụ trên. Chỉ trong ngữ cảnh đó, chúng mới có giá trị sử dụng, tức mới có ý nghĩa và hiểu được ý nghĩa đó trong xuyên suốt văn bản. Điều cần lưu ý là, mỗi một sự thay đổi như vậy đều gắn kết với các sắc thái biểu cảm khác nhau. b. Thế bằng đại từ chỉ xuất b1. Với cấu trúc X+đại từ chỉ xuất Đối với các đại từ chỉ xuất, nghĩa được tạo ra từ các từ ngữ thay thế vừa nằm ở các đại từ chỉ xuất riêng lẻ khi nó có cấu trúc X+ ấy, này, đó, kia. Nhưng cũng có khi nó là nghĩa của cả tổ hợp đại từ thay thế này tạo nên. Và như chúng tôi đã nêu ở phần trên, cấu trúc như thế nào sẽ có ngữ nghĩa như thế nấy. Trong trường hợp đó là các danh từ kết hợp với các đại từ chỉ xuất, nghĩa chúng thể hiện sẽ bó hẹp vào đúng khuôn như yếu tố mà nó thay thế, rất ít có kèm theo sự miêu tả hay nhận xét và đánh giá nào. Đơn giản chúng thống nhất về nghĩa cả ở chính tố lẫn thế tố. Vd 114: Anh trồng một cây Bò cạp trước khi mua mảnh đất để cất nhà. Anh ghét cái tên xấu xí kia trong khi vào mùa xuân, cây nở từng chùm hoa vàng rủ xuống. Khi đó những chiếc lá xanh đã nhẹ nhàng rụng tự bao giờ. (Khuê Việt Trường- Qua mùa lá rụng) Cụm từ “khi đó” trong ví dụ này dùng để thay thế cho ngữ “khi vào mùa xuân”. Bên cạnh phép thế là một phép lặp, nó lặp lại từ “khi” kết hợp với đại từ chỉ xuất “đó” để hiểu cùng một nội dung như ý câu trước, tức “khi đó” là khi vào mùa xuân cái cây Bò cạp mà anh ghét lại nở hoa tưng bừng. Với việc sử dụng đại từ chỉ xuất kết hợp với một danh từ sẽ tránh được việc lặp lại từ ngữ nhưng đồng thời cũng tránh được lặp lại nội dung mà người đọc vẫn hiểu là tại vị trí có yếu tố thay thế nó mang nội dung gì và chỉ cần quy chiếu khứ chiếu về phía trước là chúng ta có thể xác định được. Vd 115: Đúng! Lâu lắm rồi cô mới lên lại căn gác xép này, từ cái ngày ba của cô đi xa. Ánh đèn xanh, chiếc bàn hình bầu dục, chiếc đi văng da màu trứng sáo, mái trần thấp có vết bò của rắn mối, giá sách ba ngăn ở góc phòng, mùi vị nồng thơm ngát của giấy, của gỗ, cuả khoảng vườn dưới kia, tiếng động ban đêm…Tất, tất cả đều vô cùng quen thuộc đang thức dậy trong những năm tháng xa xưa…Ngày ấy, cô còn chưa hiểu rõ ràng, nhưng thật luyến nhớ làm sao. (Chu Lai- Trang bản thảo viết thuê) Đại từ chỉ xuất khi sử dụng để thay thế có thể có lúc là: đó, này, ấy,..nó còn tùy thuộc vào ý nghĩa của yếu tố được thay thế được xác định là ở điểm gần, điểm xa, hay điểm gốc. Và cũng tương ứng với nó các danh từ kết hợp cũng có lúc là chỉ sự vật, sự việc (sự, việc, điều..), chỉ người (người, kẻ, thằng,..) hoặc chỉ thời gian (khi, lúc…), không gian (nơi, ở…)…Tất cả sẽ phụ thuộc vào yếu tố được thay thế xuất hiện ở phía trước. Ở ví dụ này, ngữ danh từ “ngày ấy” là một trong những dẫn chứng. Và cũng tương tự như “khi đó”, “ngày ấy” cũng mang một ý nghĩa trọn vẹn của yếu tố mà nó thay thế. Đó là “cái ngày bố “cô” đi xa” và cũng từ đó “cô” cũng không lên căn gép xép rất gần gũi với cả bố cô và cô. Và những ngày ấy, khi cô còn quá trẻ người nên chưa hiểu rõ được tất cả những chuyện đã xảy ra, chính vì vậy những kỉ niệm đẹp luôn làm cô luyến nhớ. Vd 116: Tôi yên trí thế mãi. Nhưng một lần binh…binh gì người hạt Nông Cống tôi quên mất tên, hòa với tôi một ván rồi hạ luôn tôi ván sau. Hôm ấy tôi vừa ăn cơm sáng xong. Một người lính khố đỏ ngồi ăn quà ở hàng nước trước cửa nhà tôi. Người ấy nói nghe đồn tôi cao cờ muốn xin hầu một ván. Thằng người nhà tôi vào thuật lại với tôi. Tôi liền cho ra mời người ấy. Hắn cao thực ông ạ. Ván trước tôi chật vật mới giữ được hòa, mà ván ấy kéo dài từ mười một giờ cho tới năm giờ chiều. Đánh xong ván sau thì tối mịt. Ván ấy tôi thua. (Khái Hưng-Truyện ngắn-Tương tri) “Người ấy” là người nào nếu chúng ta không quy chiếu và tìm hiểu ở trong đoạn văn trên. Bởi vì, trong ví dụ này, tác giả không miêu tả cụ thể về “người ấy”, một cái tên để gọi cũng không, chính vì vậy, phải để ngữ cảnh xác định cho chúng ta biết người ấy là ai mà được nhân vật tôi nhắc tới và sẽ nhớ mãi cùng với những ván cờ chật vật với con người đó. “Người ấy” chính là “một người lính khổ đỏ”. Quay ngược trở lại với chính tố, chúng ta hiểu hơn về người ấy là thế tố cho “một người lính khổ đỏ” là người như thế nào. Đó là một người lính, không phải trong màu áo xanh của lính mà chúng ta thường biết mà đây cũng là một người lính nhưng lại là một người lính mang khố đỏ. Chúng ta phần nào biết được lai lịch của người lính ấy, qua sự miêu tả của chính tố, đó có thể là người ở trên vùng cao và có thể là người ở một dân tộc nào đó. Còn từ “ván ấy” là ngữ sẽ thay thế cho ván cuối “ván sau” trong ba ván đo sức với “người lính khố đỏ”. Vd 117: Tôi có ngay cái suy nghĩ vừa non nớt vừa ngây thơ này: chỉ có người thạo mới cầm nổi bút thước. Ý nghĩ ấy thoáng qua trong trí tôi nhẹ nhàng như một làn mây lướt ngang trên ngọn núi. (Trích Tôi đi học, Ngữ văn lớp 8 tập 1) Mệnh đề “chỉ có người thạo mới cầm nổi bút thước” được thay thế bằng ngữ danh từ “ý nghĩ ấy”. Và khác với các ví dụ trên, đây cũng là một trong số các ví dụ mà danh từ kết hợp với đại từ là những từ ngữ đồng nghĩa hoặc gần nghĩa với yếu tố mà nó thay thế. Trong ví dụ này, từ “ý nghĩ” như một sự khái quát cho mệnh đề nằm sau dấu hai chấm nhưng nó lại không phải là yếu tố chính được chú ý nhưng cũng không thể thiếu vắng những yếu tố như vậy. Phải có yếu tố này, thì đại từ chỉ xuất mới làm tròn nhiệm vụ là thế tố. Có thể nói, cơ chế nghĩa của mô hình thay thế: X + đại từ chỉ xuất, một mặt làm cho văn bản súc tích, ngắn gọn, mặt khác giúp cho người đọc giải thuyết nhanh văn bản nhờ vào thao tác quy chiếu hồi chiếu. b2. Với cấu trúc X+danh từ/động từ/tính từ+ đại từ chỉ xuất Sang một cấu trúc X+ danh từ/động từ/tính từ + đại từ chỉ xuất, thì ý nghĩa của nó sẽ trở nên phức tạp hơn vì những danh từ, động từ, tính từ đứng giữa cấu trúc sẽ góp phần làm cho ý nghĩa của cả tổ hợp đại từ thay thế vừa mang ý nghĩa của chính tố nhưng có thêm những nhận xét, đánh giá hoặc sự miêu tả cho yếu tố được thay thế. Vd 118: Ừ lúc nhận chép, mình đâu có ngờ rơi vào tâm trạng này. Từ bữa đổi tiền đến giờ, má hay phàn nàn thiếu đủ thứ này thứ kia. Giúp má được đồng nào hay đồng đó, mình nghĩ vậy thôi. Vả lại, mình cũng tò mò muốn biết “họ” viết lách thế nào. Từ ngày giải phóng tới giờ, mình đâu có sờ tới cuốn sách mới nào. Nếu như trước kia thì có bao giờ mình phải nhận cái việc “thuê mướn” ấy. (Chu Lại-Trang bản thảo chép thuê) Ngữ danh từ “cái việc “thuê mướn” ấy” là sự kết hợp của cả danh từ chỉ loại (cái việc), động từ (thuê mướn) với đại từ chỉ xuất “ấy”. Như vậy, theo cấu trúc trên thì chúng ta có cấu trúc cụ thể là: danh từ+động từ+ấy. Động từ này, đã được danh ngữ hóa để cả tổ hợp được gọi là ngữ danh từ là vì nó bị danh từ chỉ xuất và danh từ trừu tượng “việc” làm cho chuyển đổi từ loại. Ngữ danh từ “cái việc “thuê mướn” ấy” thay thế cho cụm động từ“ nhận chép”. Với chính tố này, nó vẫn chưa làm chúng ta thấy thỏa đáng khi sử dụng từ gần nghĩa là “thuê mướn” nhưng nếu để trong ngữ cảnh thì chúng ta sẽ thấy sự thay thế như vậy đã bao quát được hết nội dung của yếu tố được thay thế. Ở đây có thể hiểu, “cái việc “thuê mướn” ấy” là việc cô gái nhận chép bản thảo. Nhưng đây cũng là việc làm cô làm để cho mẹ vui vì qua việc chép thuê như vậy sẽ kiếm được một ít tiền để trang trải cho cuộc sống. Vd 119: Mũn không ăn một mình, bắt Nhân lại gần bụi cây gần đấy, xé tơi thịt ra đựng đầy lòng bàn tay, ép Nhân ăn chung. Dù đã ăn no phưỡng bụng ta rồi, Nhân vẫn còn thấy ngon miệng. Nhân tiếc không thể có thêm hàng nồi cơm nữa để cùng Mũn ăn. Và bấy giờ trong tâm trí ngây thơ của Nhân như có một sự mong ước Mũn cứ mãi mãi là một người bạn không lúc nào rời bỏ Nhân để sau những lúc cơ cực nhục nhã hai kẻ yếu đuối trơ trọi ấy lại yên lặng an ủi nhau bằng những bữa ngon lành như thế. (Nguyên Hồng- Đây, bóng tối) Hai nhân vật “Mũn” và “Nhân” được thay thế bằng một ngữ danh từ. Nó có cấu trúc cụ thể: danh từ+tính từ+ấy. Cả ngữ dùng để thay thế cho hai nhân vật của chúng ta nhưng bên cạnh nó, nhờ vào hai tính từ “yếu đuối” và “trơ trọi” mà cách hiểu của chúng ta về Nhân và Mũn không đơn thuần là hai con người. Mà ở đây là hai con người được giới thiệu là yếu đuối và trơ trọi. Cả một tổ hợp đại từ thay thế không những vẫn xác định cho chúng ta biết là nó thay thế cho ai mà nó còn miêu tả cho chúng ta biết thêm thông tin về hai con người này. Vd 120: Chiều xuống dần. Mặt trời đã chìm khuất hẳn sau một bàu nước rùng rùng tím ngắt. Nhưng những đám mây vẫn còn bắt nắng, đi lừng lững trên đầu, rừng rực như những đám cháy lớn. Bầy chim biển đi kiếm ăn về. Chúng kêu oang oác quanh lều. Tiếng kêu hoang vu và tanh lợm mùi cá. Hai lẩm bẩm: - Đêm nay lại mất ngủ vì bọn giặc trời này đây. Cứ là điếc tai nhức óc! - Sao vậy? Tôi ngạc nhiên. (Trần Đăng Khoa-Đảo chìm- Chim biển) Phần nhiều trong các ví dụ về cấu trúc X+danh từ/động từ/tính từ+ đại từ chỉ xuất, yếu tố đứng giữa phần nhiều là các danh từ. Cũng như động từ, tính từ, thì danh từ trong tổ hợp của đại từ thay thế cũng góp phần thể hiện ngữ nghĩa trong văn bản hoặc trong một ngữ cảnh nào đó, ngữ nghĩa của nó cũng được xác định rõ hơn theo ngữ cảnh. Trên đây là một ví dụ, xác định trong đoạn văn có yếu tố “bọn giặc trời này” đây là thế tố cho ngữ danh từ “bầy chim biển”. Trong cấu trúc bọn+giặc trời+này, từ “bọn” và từ “giặc trời” đều là danh từ, chính vì vậy, không cần xác định nhiều chúng ta có thể gọi đây là một ngữ danh từ. Từ cụm từ “giặc trời” cho chúng ta một nét nghĩa tiêu cực, không tốt về đối tượng được thay thế. Và cũng xét trong ngữ cảnh hay nói cách khác, trong hoàn cảnh giao tiếp, chúng ta xác định được đây là lời nhận xét của nhân vật Hai về bầy chim biển. Chúng thường đi kiếm ăn về là bay quanh đảo kêu lên nghe rất đáng sợ, nó tạo nên một sự khó chịu cho dân đảo ở đó, trong trường hợp này người khó chịu là Hai. Trong cấu trúc đang xét, những từ ngữ đứng giữa cấu trúc là danh từ, động từ hay tính từ đều cho chúng ta một ngữ nghĩa tương đồng hoặc là một lời nhận xét hoặc là một sự miêu tả về một đối tượng, sự vật, hiện tượng nào đó. Nghĩa của thế tố có sự đồng nhất nhưng cũng có thêm sự bổ sung ngữ nghĩa để nó trở nên phong phú hơn còn tùy theo ngữ cảnh. Trong hầu hết các ví dụ được chúng tôi thu thập và thống kê, thì X xuất hiện ở đầu cấu trúc hay nói cách khác, là đứng đầu một ngữ thường là các danh từ. Có những ví dụ là danh từ chỉ loại (cái, chiếc, kẻ, con, bọn, thằng …), có ví dụ là những danh từ trừu tượng (việc, sự, điều,...). b3. Với cấu trúc A (đại từ chỉ xuất) là B Trong cấu trúc A là B, trong đó A là đại từ chỉ xuất đóng vai trò là yếu tố thay thế cho yếu tố xuất hiện trước đó. Vd 121: Từ lâu, tôi đã nghe người ta kháo nhau về một cái chợ ở Sapa. Chợ lạ lắm. Ở đó1 không bày bán những mặt hàng phàm tục mà người ta có thể mua bán, đổi chác bằng tiền bạc. Mỗi năm một lần, chợ là nơi gặp gỡ của những số phận người, những mối tình dang dở, những nỗi ẩn ức, ngang trái, nhưng mà đẹp. Đẹp não nuột. Những người yêu cũ đến đó2 để gặp nhau, sống chết mình với nhau trong chốc lát. Đó3 là ngôi đền linh thiêng, ở đấy chỉ có tình yêu ngự trị. (Trần Đăng Khoa-Đảo chìm-Huyền thoại chợ tình) Trong đoạn văn này, chính tố mà chúng ta quan tâm ở đây là “cái chợ Sapa” vì nếu quy chiếu nó với các câu sau, đồng thời để ý đến yếu tố thay thế cho nó là các đại từ “đó” chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra. Ở ví dụ này, điều chúng tôi muốn nhắc tới chính là đại từ thay thế “đó3”. Khác với các đại từ “đó1” và “đó2” từ “đó3” không làm thành phần là bổ ngữ mà nó trở thành chủ ngữ, đứng đầu một câu. Khi xác định nó thay thế cho ngữ danh từ “cái chợ Sapa” và đứng trước hệ từ “là”, chúng có cấu trúc như chúng ta đã nêu: A là B. Cấu trúc này có ý nghĩa như là một khái niệm, một sự định danh về một sự vật, hiện tượng nào đó hay nói cách khác nó còn là một sự giải thích. Thay vào một cách đầy đủ: Chợ Sapa là ngôi đền linh thiêng….Ở đây, chúng ta nên hiểu đây là một sự giải thích. Sự giải thích này, nhằm mục đích để tác giả nhấn mạnh đến sự huyền bí ở một nơi phàm trần. Vd 122: Qua Tết Trung thu bố về thăm nhà chú Sơn cho biết là thằng Lâm sẽ lên thăm tôi trong thời gian tới. Thì ra thằng Lâm bị ốm, những cơn hen hành hạ nó khi thời tiết chuyển mùa. Mấy thang thuốc hồi trước bố đem xuống có tác dụng, nhưng theo bố thì việc điều trị sẽ tốt hơn khi kết hợp giữa uống thuốc và đốt bấc. Đấy là phương pháp chữa bệnh chỉ thấy phổ biến ở Cao Bằng mà người nổi tiếng nhất là Ké Zì, người Hoa. Chính vì vậy, bố đã viết thư xuống bàn với chú Sơn. Bố bảo thằng Lâm rất sáng dạ, lo gì chuyện học. Sức khỏe của nó mới đáng lo nhiều. Hai tuần sau bố tôi nghỉ phép, đón bố con chú Sơn về bản. (Chân trời mở rộng) Ở cấu trúc A là B, không có nhiều để phân tích bởi vì tất cả sự thay thế cũng đều diễn ra theo một cấu trúc và nếu xét về ngữ nghĩa thì nó cũng không thể đi xa hơn những gì đã được liệt kê. Ở đây, từ “đấy” thay thế cho một ngữ động từ “ kết hợp giữa uống thuốc và đốt bấc”. Nếu lặp lại ngữ động từ này và kết hợp với câu mà từ “đấy” làm chủ ngữ, chúng ta sẽ có: Kết hợp giữa uống thuốc và đốt bấc là phương pháp chữa bệnh chỉ thấy phổ biến ở Cao Bằng mà người nổi tiếng nhất là Ké Zì, người Hoa. Đây là một lời nhận định rằng việc kết hợp giữa uống thuốc và đốt bấc để điều trị bệnh hen chỉ có ở Cao Bằng… Như vậy, không phải là đại từ “đó”, cũng có thể là đại từ khác, như ở ví dụ trên là đại từ “đấy”, xét trên nhiều phương diện, đặc biệt là về phạm vi sử dụng chúng không khác nhau là mấy. Nhưng có thể nói sử dụng đại từ nào, để thay thế cho chính tố đều là dụng ý của tác giả. Các đại từ là những từ rỗng nghĩa tức không có nghĩa. Chính vì vậy, khi được sử dụng để thay thế cho một yếu tố nào ở phía trước hoặc ở phía sau nó thì ý nghĩa của nó mang cũng là ý nghĩa của chính yếu tố được thay thế. Và khi nằm trong một tổ hợp đại từ thay thế, với sự kết hợp của các thực từ thì phần ý nghĩa của nó sẽ trở nên phong phú hơn. Và sẽ được hiểu minh xác hơn khi chúng ta có sự quy chiếu giữa chính tố và thế tố trong ngữ cảnh hoặc hoàn cảnh giao tiếp trong một văn bản. 2.2.3.2 Ngữ nghĩa và ngữ dụng của thế đồng nghĩa miêu tả Như đã miêu tả ở phần cấu trúc, như tên gọi thế đồng nghĩa miêu tả đã chỉ ra, ở đây chúng liên quan đến (i) nghĩa có tính miêu tả (ii) gắn kết với ngữ cảnh. Do vậy, trong phép thế thì nghĩa miêu tả chiếm số lượng khá nhiều bởi vì cấu trúc của phép thế trong các thế đồng nghĩa từ điển, thế đồng nghĩa miêu tả, thế đồng nghĩa ngữ cảnh, thế đồng nghĩa so sánh và thế gần nghĩa ở các tiểu mục trên đều diễn tả và thay thế bằng phương tiện khác nhau. Chính vì vậy, nghĩa mà nó thể hiện qua sự thay thế cho các chính tố cũng sẽ phong phú và đa dạng. Trong nghĩa miêu tả, chúng ta cũng nên quan tâm đến tính điển hình hay không điển hình giữa chính tố và thế tố, về nghĩa và sự thay đổi của ngữ cảnh. Vd 123: Đáng tiếc một nỗi, gà là giống gà ri, một thứ gà bé nhất trong loài gà. Cho khi những khi anh ta làm bộ tịch người lớn thì buồn cười như những anh lùn mà đi cái lối ngoe nguẩy. Gà cũng uống nước, cũng rỉa lông, cũng hếch mắt lên nhìn trời mỗi khi nắng to. Chỉ phiền cái nỗi anh chàng bé và thấp lũn chũn. Những bác lùn tịt lại hay dùng bộ điệu của người cao. Có một lần, anh mon men sang bên nhà hàng xóm chơi, chợt gặp một bác trống thiến. Chao ôi! Sao mà bác gà trống thiến kia mới to đến thế, béo mẫm làm sao! Nó đứng mới đến bẹn anh bạn khổng lồ. Nó chuồn ngay về và từ buổi đó không bén mảng sang bên ấy nữa. (Tô Hoài- O chuột) “Giống gà ri” trong ví dụ này, được miêu tả là anh chàng bé và thấp lũn chũn, nói cách khác là “giống gà ri” là “những bác lùn tịt”. Nếu không phân tích về quan hệ liên kết giữa hai yếu tố này, thì chúng ta vẫn có thể hiểu đây là sự miêu tả của tác giả về một giống gà bé nhất trong loài gà. Phân tích ra thì ngữ “những bác lùn tịt” là sự thay thế cho “giống gà ri”. Đây là phép liên kết thay thế thể hiện về mặt hình thức, về mặt ý nghĩa yếu tố thay thế vừa diễn tả, vừa miêu tả một nét đặc trưng của giống gà ri. Nếu tách khỏi văn cảnh chỉ tồn tại một ý là giới thiệu về những bác lùn tịt thì chúng ta sẽ gặp một sự hiểu nhầm và một sự mơ hồ về nghĩa rằng đây là đang nói về một con người có vóc dáng không được cao. Tương tự khi nói về “bác gà trống thiến”, tác giả cũng vừa miêu tả, vừa thay thế bằng thế tố là “anh bạn khổng lồ”. Thế tố này, miêu tả một ý nghĩa đặt bác gà trống thiến trong sự so sánh với anh chàng gà ri thì bác gà trống trông như một người khổng lồ. Như vậy, tính điển hình và tương ứng phải được đặt trong sự quy chiếu giữa hai yếu tố là chính tố và thế tố. Bên cạnh đó, sự xem xét ngữ cảnh trong quá trình phân tích ngữ nghĩa là rất cần thiết. Chúng ta gọi đây là thế đồng nghĩa miêu tả. Vd 124: Bằng dĩ nhiên có vợ. Người như anh khó khó mà giữ được tình trạng không của riêng ai. Cô thầm đoán như vậy. Và cũng không có gì đáng trách hay đáng sợ. Về một nghĩa hành chính nào đó thì cho đến tận giờ này cô vẫn chưa thật sự chia tay với người chồng thứ nhất. Một lão già bủn xỉn. Vợ là thứ lão chưa bao giờ đặt trong hàng rào bảo vệ. Còn nhiều thứ lão sợ có thể dễ mất mát hơn nhiều. Và sẽ là rất đau đớn. Dù hai bên gia đình khuyên bảo hết lời, cô vẫn dứt khoát ly thân. Không thể chịu nổi cái dáng lòng khòng của lão hí húi bên chiếc ôtô mới. Lau đến những hạt bụi cuối cùng mắt thường không thể nhìn thấy. (Đỗ Phấn- Nắng xa nhà) Mỗi một ví dụ, với mỗi chính tố khác nhau sẽ có một sự tương ứng về những thế tố khác nhau. Thế tố nó vừa đóng vai trò là yếu tố thay thế lại vừa thể hiện một ý nghĩa miêu tả về đặc tính nào đó về đối tượng. Như trong ví dụ này, “người chồng thứ nhất” là chính tố mà chúng ta quan tâm, nội dung của ngữ này cho chúng ta một thông tin về nhân vật “cô” và người chồng mà cô chưa chia tay được, đó là người chồng thứ nhất. Thay thế cho chính tố này là mệnh đề “một lão già bủn xỉn”. Vừa là yếu tố thay thế vừa miêu tả cho chúng ta biết về bản chất của người chồng. Vd 125: Lão Túc bước ra xem. Lão đưa mắt nhìn quanh. Xa xa có vật gì màu trăng trắng. Từ cái vật trăng trắng ấy phát ra tiếng kêu. Mạnh dạn bước tới gần, lão thấy cái vật màu trắng ấy động đậy. Một đứa bé!- Lão thốt lên sửng sốt. Một sinh linh nhỏ nhoi ngọ nguậy trong chiếc áo len màu trắng. Lão sững người trân trân nhìn. Đứa bé khóc eo eo như chào mừng lão. Lão ngớ ra, cảm thấy người nhẹ nhàng. Kẻ mới đến chẳng chịu thôi, lại cất tiếng… (Đặng Minh Sáng- Người quản trang) Trong phần đặc điểm về cấu trúc, chúng tôi có dẫn ra bốn phép thế đồng nghĩa, hai ví dụ trên chúng tôi xếp vào thế đồng nghĩa miêu tả. Chính vì vậy, nghĩa miêu tả của chúng được thể hiện khá rõ. Bên cạnh thế đồng nghĩa miêu tả, còn có thế đồng nghĩa từ điển. Ví dụ dưới đây là một dẫn chứng. Và trong thế đồng nghĩa từ điển, theo chúng tôi nghĩa miêu tả qua sự sử dụng phép thế vẫn được thể hiện cụ thể, tuy rằng yếu tố thay thế trong thế đồng nghĩa từ điển có tính chất là cố định trong các từ điển đồng nghĩa nên việc tìm hiểu nghĩa miêu tả của chúng không được phong phú như trong thế đồng nghĩa miêu tả. Trong ví dụ 125, ngữ danh từ “một sinh linh nhỏ nhoi” là thế tố. Và trong thế tố thường bao hàm nghĩa miêu tả cho chính tố. Chính vì vậy, xác định chính tố cho thế tố này thật không khó khi chúng ta đi ngược về phía trước. Đó chính là cụm từ “một đứa bé”. Đứa bé sẽ là cơ sở để chúng ta hiểu hơn về thế tố, nhưng thế tố lại như là ý triển khai cho chính tố mà ở đây như là một sự miêu tả về một con người, nhưng lại là một con người mới ra đời. Chúng ta gọi đó là một đứa trẻ hay còn gọi là một sinh linh nhỏ nhoi như tác giả miêu tả, để thấy được sự tội nghiệp cho cuộc đời bất hạnh đã bị bỏ rơi khi còn quá nhỏ nhoi. Với sự miêu tả theo lối ghi nhận các nét nghĩa cố định được ghi trong từ điển, ngữ nghĩa của nó như nằm trong một khuôn khổ mà không được tự do thay đổi hay hiểu theo những cách khác với quy định. Chính vì vậy, tính chất điển hình giữa thế tố và chính tố lại càng cao. Vd 126: Huy nghe tim, bắt mạch, chẩn đoán bệnh. Bệnh nào thuốc ấy. Nói như thi sĩ Hai Ùm, bây giờ Huy đã là người sang của thiên hạ. Người sang trông tướng mạo cũng khác. Nói năng thì đàng hoàng, đi đứng cũng ra tấm ra món. Chính trị viên Thuận rất yên tâm khi người sang của thiên hạ làm bà đỡ cho cơn vượt cạn của con lợn ỉ ở đảo chìm. - Đấy các cậu ngẫm mà xem. – Thuận cười- Đây không còn là chuyện vặt vãnh đâu nhé! Lợn đẻ ở đảo chìm tự thân nó đã có một ý nghĩa rất sâu sắc. (Trần Đăng Khoa-Đảo chìm-Tiếng còi tàu đột ngột) Ở ví dụ này, tính chất ổn định trong sự thay thế giữa chính tố và thế tố càng được thể hiện rõ nét. Đó là từ “đẻ” thay thế cho từ “vượt cạn”. Trong sinh nở nếu chúng ta không nói một người đó vừa “đẻ” xong, thì vẫn có thể nói người phụ nữ ấy vừa “vượt cạn” đêm qua. Nội dung, ý nghĩa không hề thay đổi nhưng nghĩa miêu tả trong thế tố thường mang một sắc thái thông dụng, bình thường. Trong ngữ cảnh của đoạn văn này, từ “đẻ” được dùng là điển hình và tương ứng với hoàn cảnh giao tiếp vì lợn là một loài động vật mà chúng ta thường nói lợn đẻ nhiều hơn là lợn “sinh” (từ này thường dùng cho người). Còn tổ hợp “vượt cạn” được dùng ở đây cho chúng ta hiểu hơn về tình cảm trìu mến của lính đảo dành cho chú lợn này. Việc sử dụng đồng nghĩa miêu tả trong phép thế, cụ thể là trong ví dụ này và cùng với một hoàn cảnh giao tiếp cả chính tố lẫn thế tố đều tương ứng với ngữ cảnh và đồng thời biểu hiện được thái độ, tình cảm thân thương của lính đảo chìm dành cho chú lợn duy nhất ở trên đảo. Vd 127: Bóng tối chụp xuống mau lẹ. Vừa mới nhọ mặt người, bây giờ đã đêm hẳn. Đêm này là đêm rằm. Mặt trăng đã nhô tròn ở đằng đầu tường. Một mảng sáng nhờn nhợt in trước sân bếp. (Tô Hoài-O chuột) Khó có thể xác định trong ví dụ này, chính tố là yếu tố nào, thế tố là yếu tố nào. Giả sử trong ví dụ này, có phép thế theo hướng hồi chiếu, và nếu xác định từ “mặt trăng” là thế tố thì chính tố tương ứng với nó về ý nghĩa sẽ là từ ngữ nào ở câu trước. Hay nếu xác định từ “đêm rằm” là chính tố, thế tố của nó sẽ là từ ngữ nào tương ứng. Rất khó để xác định vì đây là thế đồng nghĩa ngữ cảnh. Tức phải dựa vào ngữ cảnh để xác định thế tố và chính tố. Trong ví dụ này, để hiểu được thể tố phải dựa vào ngữ cảnh, để hiểu được từ “mặt trăng” tại sao là thế tố của từ “đêm trăng” thì chúng ta phải xem xét hoàn cảnh giao tiếp mà trong đó diễn ra sự thay thế này. Cả chính tố và thế tố đều miêu tả đây là một buổi tối vì tối mới có trăng. Và chỉ có trăng tròn thì chúng ta mới xác định được đêm nay là đêm rằm. Cả hai yếu tố đều có chức năng miêu tả và tương hổ cho nhau nhờ vào ngữ cảnh mà chúng ta xác định được nghĩa miêu tả là chính tố và thế tố trong thế đồng nghĩa ngữ cảnh. Vd 128: Tình thế thật là phiền. Người bảo vệ suýt “tai” cho Quyết vài quả nữa, nhưng ông giám đốc đã “tỉnh” ngăn: - Bây giờ mày muốn làm gì? - Lập biên bản. - Thì lập. Viết đi Biên bản cũng chỉ ghi đúng sự thật, và Quyết lấy cả bàn tay của mình quệt máu in lên. Tổng giám đốc ký ngay để tống thằng “ăn vạ” Chí Phèo cho khuất mắt tức khắc, chứ không thì không chịu được nữa. (Nguyễn Phan Hách- Anh Chí thời nay) Ngữ “thằng “ăn vạ” Chí Phèo” như một sự miêu tả về nhân vật tên Quyết. Đây cũng như là một lời nhận xét về nhân vật này, người này không phải là người đáng để tôn trọng. Vì trong tác phẩm “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao, Chí đã rất nhiều lần uống rượu say rạch mặt mình và đến ăn vạ nhà cụ Bá để kiếm mấy xu tiền mua rượu. Xét những lần như vậy, người ta coi Chí không ra gì, chính vì vậy mà họ gọi Chí là “con quỷ dữ của làng Vũ Đại”. Vậy khi so sánh, miêu tả nhân vật Quyết như nhân vật anh Chí trong tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao, chúng ta đã thấy rõ hơn về con người này mà không cần nói thêm gì. Không tự nhiên mà chúng ta biết được “Quyết” là giống “thằng ăn vạ Chí Phèo”. Vì giữa hai từ ngữ này có liên kết thay thế, “thằng “ăn vạ” Chí Phèo” là thế tố cho chính tố là “Quyết”. Chính nhờ hoàn cảnh giao tiếp diễn ra trong cuộc hội thoại trên mà chúng ta cũng mới xác định được chính tố và thế tố. 2.2.3.3. Ngữ nghĩa, ngữ dụng của phép thế từ ngữ bao hàm Chúng ta đã thấy mặt ngữ nghĩa hiển hiện rất rõ. Nếu trong hầu hết các ví dụ được sử dụng thế bằng đại từ, phần hình thức rất dễ nhận diện thì từ mục đề này, phần ngữ nghĩa sẽ là phần nổi trội trong các ví dụ có quan hệ bao nghĩa được sử dụng để làm phép thay thế. Và ngay trong các ví dụ sau đây cũng cho chúng ta thấy rõ điều đó. Cụ thể: a. Thượng danh- hạ danh Vd 129: Ông Ất lắc lắc đầu, thở dài. Rồi đưa mắt nhìn ra đường, con Phèn cũng đưa mắt nhìn theo hướng nhìn của chủ. Mấy con chó còn tơ non đang lục sục cẳn nhẳn vì miếng ăn. Con chó mực gặm được khúc xương chạy trước, con chó luốc đuổi theo sau. Ông Ất chợt nghĩ đến lũ con của con Phèn. Không biết có con nào còn nhớ đến mẹ, dù biết chúng cũng là những con vật trung thành đáng thương như mẹ nó. Trung thành với cả những kẻ hắt hủi, ngược đãi mình. Ông Ất cúi xuống vỗ vỗ vào mõm con vật chung thuỷ mù loà. (Bích Ngân- Trăng vỡ) Ở đoạn văn này, như trong các ví dụ đã phân tích về mặt cấu trúc, tương tự ở đây chúng ta có thể xác định được tác giả đã sử dụng phép thế, từ ngữ thay thế và được thay thế có quan hệ nghĩa thượng danh-hạ danh. Cụ thể, cụm từ “ những con vật” là dùng để thay thế cho “lũ con của con Phèn”. Cụm từ “ những con vật” được gọi là thượng danh vì đây là một từ ngữ chỉ một loài động vật. Nó mang nghĩa bao quát cho từ được thay thế, vì “lũ con của con Phèn” là một giống chó mà chó là một loài động vật, nó được xem là một tiểu loại trong thượng danh là từ con vật vì bên cạnh hạ danh này ta có thể dẫn ra một số con vật như: con mèo, con vẹt, con cò… Các con vật này nếu có xuất hiện nó cũng sẽ được coi là đồng hạ danh với “lũ con của con Phèn” chứ không thể được coi là thượng danh. Bời vì, nghĩa của nó chưa bao quát được, nếu không nói là nó chỉ là tầng nghĩa thấp trong một tầng nghĩa cao hơn là thượng danh “ những con vật”. Trong quan hệ giữa thượng danh và hạ danh, nghĩa của hạ danh bao giờ cũng xuất hiện trước, trong trường hợp này yếu tố được thay thế sẽ là yếu tố ở phía trước, còn thượng danh, yếu tố thay thế sẽ xuất hiện ở sau. Sự thay thế này, luôn diễn ra theo hướng hồi chiếu vì chúng chỉ chấp nhận theo nghĩa “ hạ danh X là một loại thượng danh Y”, không thể chấp nhận ngược lại “thượng danh Y là một loại hạ danh X” [ 12,tr 128]. b. Tổng thể-bộ phận Vd 130: Chị thắp nến rồi lại thổi nến. Chị đợi. Có tiếng gõ cửa. Mừng quá, chị ào ra. Không phải Quynh. Chị thấy mái đầu lốm đốm bạc của ông hoạ sĩ. Chị vội nuốt đi tiếng thở dài. Sao chị vô tâm không nghĩ đến điều này nhỉ. Mái đầu bạc. Chị đã già mất rồi. Sự thật đến cùng lúc với nỗi chán nản. Chị ngập ngừng. Mái đầu bạc cũng ngập ngừng. (Phạm Ngọc Tiến -Thế giới đàn ông ngọt ngào) Chúng tôi xem xét và đưa ví dụ trên vào loại thay thế bằng các từ ngữ chỉ tổng thể-bộ phận mà về nghĩa có thể nói đó là quan hệ giữa chủ thể và sở thuộc. Vì thế tố trong đoạn văn này là “mái đầu bạc” thay thế cho chính tố “ông họa sĩ”, đây là một ngữ danh từ chỉ một bộ phận của cơ thể, một phép hoán dụ tri nhận lấy cái bộ phận để chỉ cái toàn thể. Điều thú vị là với cách miêu tả của tác giả, từ “mái đầu bạc” của ông họa sĩ đã khiến cho nhận vật chính liên tưởng đến mình, liên tưởng đến thân phận của mình. 2.3 Tiểu kết Như vậy, luận văn đã lần lượt xem xét cấu trúc của phương thức thay thế từ vựng của hai nhóm: a. Thay thế đại từ, với đại từ chính danh, đại từ hóa (danh từ thân tộc), đại từ chỉ xuất. b. Trong thế không phải đại từ với từ ngữ đồng nghĩa, gần nghĩa, bao nghĩa. Và trên cơ sở này, dựa vào ngữ cảnh hành chức cụ thể, chúng tôi đã bước đầu chỉ ra được một số đặc điểm ngữ nghĩa, ngữ dụng của phương thức thế từ vựng. KẾT LUẬN Thoạt nhìn phương thức thay thế là một phép thế liên kết đơn giản. Bởi vì mục đích của văn bản, ngôn bản là chuyển tải nội dung, mà định danh nội dung không chỉ gọi bằng chính danh mà cần thiết phải thay thế bằng các ngữ đoạn tương đương. Với ý nghĩa này, tỉnh lược cũng có thể coi là phương thức thay thế bằng zero, quy chiếu cũng là một cách thay thế dưới hình thức này hoặc hình thức khác…Như thế đủ thấy thay thế từ vựng là một phương thức khá phứ tạp. Đó cũng là lý do, tùy theo quan niệm, thay thế từ vựng có thể thu hẹp ở bình diện từ vựng mà cũng có thể trải dài lên cả ngữ pháp và ngữ nghĩa. Đối chiếu với những mục tiêu đã đặt ra ở phần dẫn nhập, đến đây luận văn xin rút ra một số kết luận sau: 1. Phép thế từ vựng trong nhận thức của chúng tôi là phương thức liên kết giữa các từ ngữ để thay thế cho một từ ngữ khác đã xuất hiện trong phát ngôn trước. 2. Kế thừa các kết quả nghiên cứu đã đi trước, luận văn cho rằng, phương thức thay thế từ vựng sử dụng hệ thống đại từ để thay thế mà cũng có thể sử dụng hệ thống không phải đại từ vào chức năng này. 2.1 Đối với nhóm trước, luận văn đã lần lượt miêu tả các tiểu nhóm: - Thay thế đại từ - Thay thế đại từ hóa (từ ngữ thân tộc) - Thay thế từ ngữ chỉ xuất gồm: chỉ người, chỉ không gian, thời gian, sự vật, sự việc… Ở đây, do chú trọng đến chức năng thay thế cho nên luận văn đã mạnh dạn đưa vào đây một số từ ngữ mà trong ngữ pháp truyền thống mặc dù có chú ý đến chức năng này, nhưng chưa khảo sát chu đáo, ví dụ như tất cả, cả… 2.2 Ở nhóm sau, chúng tôi cũng đã tiến hành miêu tả và phân loại: - Thế bằng đồng nghĩa - Thế bằng gần nghĩa - Thế bằng bao nghĩa Ở mỗi nhóm như trên, dựa vào ngữ liệu sưu tập, chúng tôi lại phân xuất chúng thành các nhóm tiểu nhóm, chẳng hạn như thế đồng nghĩa lại chia ra: đồng nghĩa từ điển, đồng nghĩa ngữ cảnh, đồng nghĩa so sánh, đồng nghĩa miêu tả… 3. Xuất phát từ hai hệ thống lớn: thế đại từ và thế không phải là đại từ, tuy độ đậm nhạt có khác nhau, nhưng nhìn chung, luận văn đã miêu tả trên ba bình diện: cấu trúc, ngữ nghĩa và ngữ dụng . 3.1 Ở bình diện cấu trúc, luận văn đã lần lượt trả lời cho câu hỏi cái gì thay thế cho cái gì, cấu trúc của chính tố, thế tố và mối quan hệ giữa chúng như thế nào. 3.2 Sau khi đã xây dựng mối quan hệ quan yếu giữa ngữ nghĩa và ngữ dụng, chúng tôi đã lần lượt xem xét các tiểu thể loại của phép thế và bước đầu đã chỉ ra được một số đặc điểm của chúng. 4. Tất nhiên, trước khi đi vào biện giải những vấn đề cụ thể của phương thức thay thế, ở chương một- chương có tính chất lý luận chúng tôi đã minh định một số khái niệm cần yếu có liên quan đến phép thay thế như: thay thế và quy chiếu, ngoại chiếu và nội chiếu, hồi chiếu và khứ chiếu. Đó là xuất phát điểm để nghiên cứu các vấn đề cụ thể ở phần tiếp theo. 5. Chúng tôi hiểu, phương thức thay thế từ vựng là một vấn đề khá hóc búa, do vậy, nỗ lực của luận văn mới chỉ mô tả được một số đặc điểm cơ bản nhất, chắc chắn còn nhiều bình diện khác chưa được khảo sát kỹ. TÀI LIỆU THAM KHẢO TIẾNG VIỆT 1. Diệp Quang Ban (1998), “Về mạch lạc trong văn bản”, tạp chí Ngôn ngữ học số 1, (tr 47-55) 2. Diệp Quang Ban (2005a), Văn bản và liên kết trong tiếng Việt –văn bản, mạch lạc, liên kết, đoạn văn, Nxb Giáo dục, Hà Nội 3. Diệp Quang Ban (2005b), Ngữ pháp Tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội 4. Nguyễn Ngọc Báu, Nguyễn Quang Ninh, Trần Ngọc Thêm (1985), Ngữ pháp văn bản và Việc dạy làm văn, Hà Nội, Nxb Giáo dục. 5. Nguyễn Huy Cẩn (2005), Việt ngữ học dưới ánh sáng các lý thuyết hiện đại, Hà Nội, Nxb Khoa học xã hội. 6. Đỗ Hữu Châu (2003a), Cơ sở ngữ dụng học tập 1, Hà Nội, Nxb Đại học Sư phạm. 7. Đỗ Hữu Châu (2003b), Đại cương Ngôn ngữ học, t2 Ngữ dụng học, Hà Nội, Nxb Giáo dục. 8. Nunan David (1998), Dẫn nhập phân tích diễn ngôn, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 9. Nguyễn Đức Dân (1987), Lôgich, Ngữ nghĩa, cú pháp, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp Hà Nội. 10. Nguyễn Đức Dân (2003), Tiếng Việt dùng cho đại học đại cương Nxb Giáo dục Hà Nội 11. Saussure, F. de (2005), Giáo trình Ngôn ngữ học đại cương (bản dịch tiếng Việt của Cao Xuân Hạo), Tp Hồ Chí Minh, Nxb Khoa học xã hội. 12. Hoàng Dũng-Bùi Mạnh Hùng (2007), Giáo trình Dẫn luận ngôn ngữ học, Tp Hồ Chí Minh, Nxb Đại học Sư phạm. 13. Nguyễn Công Đức (1994), Bài giảng Tiếng Việt và xây dựng văn bản Tiếng Việt, Lưu hành Nội bộ. 14. Nguyễn Công Đức (chủ biên)- Nguyễn Kiên Trường (2007), Tiếng Việt thực hành và soạn thảo văn bản, Hà Nội, Nxb Giáo dục. 15. Nguyễn Thiện Giáp (2007), Dụng học Việt ngữ, Hà Nội, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. 16. Nguyễn Thiện Giáp (2009), Các phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ, Hà Nội, Nxb Giáo dục. 17. Yule George (1997), Dụng học, Hà Nội, Nxb Đại học Quốc gia. 18. Brow Gillian – Yule George (Trần Thuần -dịch) (2002), Phân tích diễn ngôn, Nxb Đại học Quốc Gia Hà Nội. 19. Đinh Thị Hồng Hạnh (2004), Liên kết và liên kết hồi chỉ trong tiếng Việt, Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ, Trường Đại học KHXH-NV, Tp Hồ Chí Minh. 20. Cao Xuân Hạo (2004), Tiếng Việt sơ thảo Ngữ pháp chức năng, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 21. Cao Xuân Hạo (2003), Tiếng Việt mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa, Hà Nội, Nxb Giáo dục 22. Đặng Thị Thu Hiền (2006), “Phép thế đồng nghĩa và phép liên tưởng trong văn bản Tờ Hoa của Nguyễn Tuân”, Tạp chí Ngôn ngữ số 10, (tr 63- 72). 23. Nguyễn Văn Hiệp (2008), Cơ sở ngữ nghĩa phân tích cú pháp, Nxb Giáo dục Hà Nội. 24. Nguyễn Chí Hoà (2006), Các phương tiện liên kết và tổ chức văn bản, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. 25. Nguyễn Thái Hòa (2005), Từ điển Tu từ-Phong cách-Thi pháp học, Hà Nội, Nxb Giáo dục. 26. Môxcanxkaia O.I (1981), Ngữ pháp văn bản (bản dịch của Trần Ngọc Thêm- Nguyễn Hồng Vân), 27. Lyons John (bản dịch của Nguyễn Văn Hiệp) (2006), Ngữ nghĩa học dẫn luận, Hà Nội, Nxb Giáo dục. 28. Haliday M.A.K (Hoàng Văn Vân dịch) (2001), Dẫn luận Ngữ pháp chức năng, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. 29. Nguyễn Thị Ly Kha (2007a), Dùng từ viết câu và soạn thảo văn bản, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 30. Nguyễn Thị Ly Kha (2007b), Ngữ nghĩa học, Hà Nội, Nxb Giáo dục. 31. Nguyễn Thị Ly Kha (2009), Ngữ pháp văn bản và luyện tập làm văn, Hà Nội, Nxb Giáo dục. 32. Đường Công Minh (2003), “Cấu trúc có thành phần hồi chỉ với ý nghĩa đại từ quan hệ trong tiếng Việt”, tạp chí Ngôn Ngữ số 4, (tr 24-30) 33. Galperin.I.R ( bản dịch của Hoàng Lộc) (1987), Văn bản với tư cách đối tượng nghiên cứu ngôn ngữ học, Hà Nội, Nxb Khoa học xã hội. 34. Hoàng Phê (1981), Ngữ nghĩa của lời, tạp chí Ngôn ngữ học số 3+4, (tr 3- 24) 35. Trinh Sâm (2001b), Tiêu đề văn bản tiếng Việt, Tp Hồ Chí Minh, Nxb Giáo dục. 36. Trịnh Sâm (2003), Đề cương bài giảng Ngữ pháp văn bản, Lưu hành Nội bộ. 37. Nguyễn Thị Việt Thanh (1999), Hệ thống liên kết lời nói tiếng Việt, Hà Nội, Nxb Giáo dục. 38. Trần Ngọc Thêm (2002), Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 39. Lê Quang Thiêm (2008), Ngữ nghĩa học, Hà Nội, Nxb Giáo dục. 40. Nguyễn Phú Thọ (2007), So sánh các biện pháp liên kết từ vựng trong văn bản tiếng Việt và tiếng Anh, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Trường Đại học KHXH-NV, Tp Hồ Chí Minh. 41. Nguyễn Như Ý (2001), Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học, Hà Nội, Nxb Giáo dục. Tiếng Anh 42. Halliday M.A.K (1977), Language as social semiotic: the interpretation of language and meaning, Edward Arnold, London. 43. Halliday M.A.K (1994), An introductions to functional grammar, London: Edward Arnold 44. Halliday M.A.K & Hasan.R (1976), Cohesion in English, LongMan London and NewYork 45. Halliday M.A.K & Hasan.R (1989), Language, context and text: aspect of language in a social-semiotic perspective, Oxford University Press. 46. Martin J.R (1992), English text, system and structure, Amsterdam: Benjamins. 47. Sinclair J.M & Couhard R.M (1975), Towards an analysis of discourse: the English used by teacher and pupils, London: Oxford University Press. Nguồn ngữ liệu trích dẫn 1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2003), Ngữ văn lớp 7 tập 1, Hà Nội, Nxb Giáo dục 2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2004), Ngữ văn lớp 8 tập 1, Hà Nội, Nxb Giáo dục 3. Chu Lai (2008), Truyện ngắn, Hà Nội, Nxb Văn học. 4. Khái Hưng (2002), Truyện ngắn Khái Hưng, Hà Nội, Nxb Hội Nhà văn. 5. Lưu Thu thủy, Trần Thị Xuân Hương (2006), Những câu chuyện bổ ích và lý thú, tập 1, Hà Nội, Nxb Giáo dục. 6. Nguyễn Thái Anh (tuyển chọn) (2008), 20 truyện ngắn đặc sắc phương Nam, Hà Nội, Nxb Thanh niên. 7. Nguyễn Văn Thọ- Trần Bình (tuyển chọn, dịch) (2006), Truyện cổ Andecxen, Hà Nội, Nxb Văn hóa thông tin. 8. Nguyễn Ngọc Tư (2006), Cánh đồng bất tận, Tp Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ.Nhiều tác giả (2008), Truyện ngắn hay 2008, Tp Hồ Chí Minh, Nxb Văn học 9. Nguyễn Huy Tưởng (2002), Vũ Như Tô- Tác phẩm và dư luận, Hà Nội, Nxb Văn Học. 10. Nhiều tác giả (2000), 56 truyện ngắn chọn lọc, Nxb Công an nhân dân 11. Nhiều tác giả (2002), Hà Nội 36 truyện ngắn hay, Hà Nội, Nxb Hội Nhà văn. 12. Nhiều tác giả (2003), Tuyển tập truyện ngắn hiện thực 1930-1945, Hà Nội, Nxb Văn học. 13. Nhiều tác giả (2006), Những chuyện ngắn hay viết cho thiếu nhi, tập hai, Hà Nội, Nxb Giáo Dục 14. Phan Việt (2005), Phù phiếm truyện, Tp Hồ Chí Minh, Hội Nhà văn Tp Hồ Chí Minh, Báo tuổi trẻ, Nxb Trẻ. 15. Tô Hoài, O chuột, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 16. Thạch Lam (2007), Hà Nội 36 phố phường, Hà Nội, Nxb Văn Học. 17. Trần Đăng Khoa (2006), Đảo chìm, Hà Nội, Nxb Văn học. 18. Vũ Bằng (2006), Thương nhớ mười hai, Hà Nội, Nxb Văn hóa thông tin.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLVNNH015.pdf
Tài liệu liên quan