Luận văn Chân dung người lính trong thơ Nguyễn Duy

1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI: Văn học Việt Nam hiện đại giai đọan 1945-1975 còn được gọi là nền văn học cách mạng. Sở dĩ có tên gọi như vậy vì văn học của giai đọan này phản ánh hai cuộc cách mạng của dân tộc: chống Pháp và chống Mỹ. Văn học thời kì này khá đa dạng về thể lọai nhưng tiêu biểu vẫn là thơ và văn xuôi. Thành công nhất trong thể loại thơ ca là những bài thơ viết về người lính. Đây là đề tài xuyên suốt, chủ đạo cho các nhà thơ khai thác. Chân dung người lính xuất hiện trong thơ ca rất phong phú, đa dạng. Đó có thể là người lính trong chiến đấu, trong sinh hoạt hay trên những chặng đường hành quân. Trong số những nhà thơ viết về người lính, Nguyễn Duy là một người viết rất hay về đề tài này. Là một nhà thơ - chiến sĩ nên những bài thơ của ông phản ánh rất chân thực và sinh động về người lính. Qua những sáng tác của mình, Nguyễn Duy đã thể hiện những vẻ đẹp của người lính về tâm hồn, tư tưởng, tình cảm, Nhưng đó là trong chiến tranh còn trong thời bình liệu những vẻ đẹp đó có còn được những người lính gìn giữ và phát huy hay không? Thêm vào đó, với tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta ngày càng quan tâm hơn đến đời sống của người lính sau chiến tranh nhằm giúp cho họ có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Vì vậy, người lính luôn là vấn đề được toàn xã hội quan tâm. Hầu hết các công trình của các nhà nghiên cứu thường tập trung vào một giai đoạn, một đặc điểm nào đó của thơ ca. Vì vậy “chân dung người lính trong thơ Nguyễn Duy” là một đề tài mới mẻ. Từ trước đến nay có rất ít bài phê bình, bình luận về hình tượng người lính trong thơ Nguyễn Duy một cách toàn diện. Nếu có chăng chỉ là những bài phê bình về một tập thơ, một bài thơ viết về người lính của Nguyễn Duy. Trong khi đó chân dung người lính là một vấn đề cần nghiên cứu một cách có hệ thống và toàn diện. Qua việc nghiên cứu, tìm hiểu sẽ làm bộc lộ những phẩm chất của người lính về tâm hồn, tư tưởng, tình cảm trong chiến tranh và cả trong thời bình. Trước đây người thực hiện chỉ biết tới Nguyễn Duy qua một số bài thơ: Tre Việt Nam, Hẹn ở trường, Ánh trăng, Thêm vào đó là niềm yêu thích thơ ca đặc biệt là thơ ca cách mạng. Vì thế, “chân dung người lính trong thơ Nguyễn Duy” là một đề tài khá thu hút. Người thực hiện hy vọng thông qua việc nghiên cứu, tìm hiểu vấn đề này có thể hiểu thêm về thơ ca cách mạng Việt Nam nói chung, thơ về người lính của Nguyễn Duy nói riêng nhằm làm phong phú thêm kiến thức văn học của mình.

pdf67 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 5270 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Chân dung người lính trong thơ Nguyễn Duy, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ơi tận cùng đất nước Tình yêu không bến bờ” (Tình ca nơi cuối đất) Tình yêu quê hương đất nước còn được thể hiện qua tình yêu thiên nhiên.Với lý tưởng sống cao đẹp, người lính luôn sống hết mình vì mọi người, cống hiến hết mình ngay cả khi chết đi rồi. Người lính ao ước dù sau này có trở thành loài cỏ dại, thành “bùn mục” vẫn phải có ích cho đời, cho đất nước: “Rồi khi ta rũ xuống rồi hoá thân bùn mục đắp bồi mai sau trái tim ta rất mỡ màu bao nhiêu là cỏ theo nhau bật mầm” (Cỏ dại) Yêu quê hương đất nước, người lính có một niềm mơ ước thật lớn lao. Đó là mơ ước cho đất nước được vươn xa hơn qua bên kia “bờ đại dương”. Mơ ước ấy gắn liền với hình ảnh “con cò” ,một hình ảnh gần gũi, thân thuộc của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam: “Mai rồi lại hát à ơ Con cò lặn lội bên bờ đại dương” (Lời ru con cò biển) Chính tình yêu quê hương đất nước đã giúp cho “người dưng” dám đến nơi miền quê Sa Đéc xa xôi để “đi cùng ta một chuyền đi xuồng đầy”(Xuồng đầy). Trong chuyến đi ấy, nggười lính đã cảm nhận được hình ảnh “sông nước Cửu Long hư thực và ám ảnh”[ 6;93] qua hình ảnh lau già, cu cườm, khói sương, …. Từ đó, người lính càng thêm yêu mến vẻ đẹp của mảnh đất phương Nam qua hình ảnh ánh trăng trên sông Tiền. Ở đây, người lính có sự so sánh về màu sắc giữa ánh trăng và dòng nước: “Trăng thì xanh mà nước thì lại đỏ”. Ánh trăng trên sông Tiền không gợi cho người lính hình ảnh của ánh trăng nơi chiến trường mà gợi lên sự thanh bình, yên ả: “Sóng lăn tăn óng ánh gió mùa thu chiếc xuồng nhẹ tựa hồ câu thơ cổ lục bình trôi mộng du” (Trăng sông Tiền) Yêu quê hương đất nước, người lính còn yêu cả hình ảnh “Cây đước lỡ làng cuối mũi Cà Mau”(Quà tặng). Mỗi vùng quê Nguyễn Duy đi qua đều in đậm dấu ấn trong thơ ông. Nhà thơ ca ngợi những vẻ đẹp của miền quê đó bởi vì nơi đâu cũng là quê hương, cũng có ở đấy những “gương mặt bạn bè”: Xin thương mến đến tận cùng chân thật những miền quê gương mặt bạn bè”. (Tuổi thơ). Nguyễn Duy đi rất nhiều nơi trên đất nước và cả ra nước ngoài. Vì vậy quê hương đối với ông dường như không có ranh giới. Ông cho rằng tổ quốc không phải được tính từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau mà là mọi nơi, mọi chốn: “Dù ở đâu cũng tổ quốc trong lòng cột biên giới đóng từ thương đến nhớ”. 2.2.VẺ ĐẸP CỦA NGƯỜI LÍNH GIỮA ĐỜI THƯỜNG: 2.2.1 Người lính trong cuộc sống gia đình: Sự trở về của người lính sau chiến tranh là một môtip quen thuộc của nhiều tác phẩm văn học nói chung, thơ ca nói riêng. “ Nhưng sự trở về của người lính trong đời sống hôm nay có những nét khu biệt so với trước đây”.[17;129]. Nếu trước đây người lính trở về trong vinh quang của sự chiến thắng thì người lính hôm nay lại khác. “Người chiến sĩ trở về với đời sống dân sự hôm nay đã phải đón nhận những thử thách mới không kém phần gay go và ác liệt đối với số phận của cá nhân và gia đình họ”[17;129]. Thử thách đầu tiên đối với người lính khi vừa trở về lại xảy ra trong chính ngôi nhà của anh. Một sự đổi thay đột ngột như một qua bom nổ “giữa ngực anh”. Đó là một thử thách rất lớn đối với người lính. Sau tám năm xa cách, “Vợ anh vừa đẻ một thằng con”(Trở lại khúc hát ru). Một sự thật phũ phàng không thể chấp nhận, một câu hỏi lớn được đặt ra: thằng bé là con ai? Nguyễn Duy đã rất tài tình trong việc tạo ra một tình huống éo le dẫn đến một cuộc độc thoại nội tâm troong người lính. Điều đó “thể hiện thành công lòng nhân hậu cao cả, đức tính quên mình của người chiến sĩ ngay trong cuộc chiến đấu rất riêng tư mà mang ý nghĩa phổ biến, không có tiếng súng mà vô cùng quyết liệt”[ 20;288]. Người lính này đã trải qua không biết bao nhiêu sự thay đổi của cuộc sống trong chiến tranh. Đối với anh, cái gì đã mất thì đã mất đi rồi, cái gì đáng còn thì đang tồn tại. Người lính đã chứng kiến nhiều cuộc chia ly, nhiều sự mất mát nên anh hiểu thế nào là giá trị của sự sum họp: “Để có được ngày sum họp lớn ta trải qua nhiều xa cách và hy sinh” (Trở lại khúc hát ru) Một thử thách lớn đặt ra cho một gia đình nhỏ. Trong lòng người lính xuất hiện một mâu thuẫn: đứa bé ra đời là “hạnh phúc lớn lao” hay là nguyên nhân của “sự xa cách”. Người lính cất lên câu hỏi: “sao lại thế?”, câu hỏi mà chính anh mới là người trả lời. Vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh, người lính lại dấn thân vào một trận chiến mới, trận chiến không có tiếng súng. Đó là trận chiến ngay trong lòng anh. Người lính biết rằng mình cần phải làm gì và làm như thế nào nhưng điều quan trọng là anh phải thắng nổi lòng mình, phải nói ra được điều nên nói: “Điều ấy cần gì phải nghĩ ngợi lâu ngập ngừng khó khăn là đặt nổi lòng mình lên lưỡi” (Trở lại khúc hát ru) Vượt qua thử thách ấy, người lính còn phải tiếp xúc , va chạm với những lo toan của cuộc sống đời thường. Anh buộc phải thích nghi với nó. Người lính trở về với gia đình không còn là một anh hùng, không được nhớ đến quá khứ hào hùng của mình mà phải quên đi để sống một cuộc sống mới. “Anh nhét tấm huân chương vào hộc tủ dửng dưng dưng với mọi vui mừng ............................................................... mọi đau buồn anh cũng dửng dừng dưng” (Từng trải) Giống như người lính của Nguyễn Duy, vị tướng trong thơ Nguyễn Đức Mậu cũng có một tâm trạng như thế. Sau khi trải qua những năm tháng chiến đấu, người lính ấy trở về với gia đình với một thái độ dường như dửng dưng với tất cả: “Huân chương xếp vào góc tủ Nay hàm tướng tá mà chi Tuổi già công danh xem nhẹ Cuộc đời như nước trôi đi” (Một vị tướng về hưu) Ngỡ như người lính ấy đã “dửng dừng dưng” với mọi vui buồn nhưng bản chất của anh bộ đội cụ Hồ không cho phép anh làm như vậy. Trong lòng anh vẫn có nỗi lo sợ, nhưng không phải sợ khổ, sợ khó mà chỉ sợ sự trống trải, sự dửng dưng của tâm hồn: “Chỉ sợ lòng trống trải dửng dừng dưng” (Từng trải) Mười năm sau chiến tranh cuộc sống của người lính đã thay đổi. Từ việc sống ở rừng, người lính được trở về thành phố như niềm ao ước lúc trước. Vì vậy, không gian sống của người lính cũng thay đổi: “Mười năm ta ở đây lầu ba nhà một trăm chín mươi Nam Kỳ Khởi Nghĩa” (Mười năm bấm đốt ngón tay) Trong cuộc sống nhộn nhịp nơi thành thị, người lính ấy vẫn nhớ về thời chiến tranh, cái thời mà giấc ngủ của người lính gắn liền với “tiếng tắc kè”, “tiếng mưa rừng”: “Tiếng tắc kè nhỏ giọt trong đêm tiếng mưa rừng nhỏ giọt trong trí nhớ” (Mười năm bấm đốt ngón tay) Chính tiếng tắc kè ngay trong thành phố đã đưa người lính trở về quá khứ, trở về những năm tháng ở chiến trường chiến đấu cùng đồng đội. Tiếng tắc kè gợi nhớ về những đồng đội, những người đã ngã xuống trước hoà bình vài phút với ước mơ giản dị:”sắp về”. Cái âm thanh quen thuộc ấy khiến cho người lính phải giật mình khi nghe: “Có ai nói ở cành me: Sắp về!........” (Nghe tắc kè kêu trong thành phố) Không chỉ có người lính của Nguyễn Duy mới giật mình trong cuộc sống hoà bình mà người lính trong thơ Phùng Khắc Bắc cũng vậy. Chỉ có điều khác nhau là người lính trong thơ Nguyễn Duy giật mình vì tiếng tắc kè còn người lính của Phùng Khắc Bắc giật mình bởi lỗ hổng trên mái nhà trong Ngày hoà bình đầu tiên: “Buổi sớm Nắng xiên nghiêng Anh nằm ngửa Mái nhà có mắt nhì anh” Một lần nữa người lính trong thơ Nguyễn Duy lại giật mình khi nhìn thấy ánh trăng. Đối với những người lính tronh chiến tranh vầng trăng như một người bạn, một người tri kỉ: “hồi chiến tranh ở rừng vầng trăng thành tri kỉ” (Ánh trăng) Sau khi vào thành phố, “do điều kiện khách quan anh ta đã vô tình không để ý đến cái vầng trăng hàng đêm vẫn thường đi qua ngõ” [19;68]. Nhưng người lính ấy chỉ vô tình không để ý đến vầng trăng chứ anh không hề quên nó, quên “cái vầng trăng tình nghĩa” kia. Bởi vì anh vẫn còn biết “giật mình”, biết nhớ về cái hôm qua,nhớ về quá khứ. Khi chiến tranh kết thúc, người lính ấy vẫn không hưởng được một hạnh phúc gia đình trọn vẹn. Vì nghĩa vụ thiêng liêng của người lính, anh lại phải lên đường đến nơi cuối đất để bảo sự bình yên cho Tổ quốc: “Bắc – Nam liền nhau rồi chúng mình còn xa cách em ngủ nơi đầu trời anh gác nơi cuối đất” (Tình ca nơi cuối đất) Đối với mỗi con người, sự hi sinh rất quan trọng,nhất là hi sinh hạnh phúc cá nhân vì cộng đồng. Nhưng người lính đã làm được điều đó, bởi vì anh nhận ra rằng: “Đâu phải hết chiến tranh thì hi sinh chấm dứt”. (Tình ca nơi cuối đất). Bước ra khỏi cuộc chiến tranh bằng súng đạn người lính lại tiếp tục một cuộc chiến khác bằng tình người, bằng ý thức cá nhân.Và người lính đã chiến thắng được bản thân ngay trong cuộc sống gia đình của mình. Biết đối đầu với khó khăn, thử thách để rồi vượt qua, đó chính là bản chất, là đức tính cao đẹp của người lính trong chiến tranh và cả trong cuộc sống hôm nay. 2.2.2. Người lính ngoài xã hội Cuộc chiến tranh đã kết thúc , những con người vừa hoàn thành nghĩa vụ đối với Tổ quốc đã trở về. Họ bắt đầu hoà nhập với làng xóm , gia đình , hoà nhập với cuộc sống mới. “Đối với những người đã trải qua một thời trận mạc,âm hưởng của quá khứ dội về với bao kỉ niệm vui buồn” [17;126]. Thời gian đầu sau chiến tranh , những người lính vẫn còn say men chiến thắng .Họ sống trong cảm giác tự hào, trong niềm vui của sự thắng lợi .Họ như choáng ngợp trước sự yên bình của sự sống mà họ từng mơ ước. “Mịn làm sao mát làm sao bụi sương thôi cũng ngọt ngào trên môi” (Buổi sáng sau chiến tranh) Từ những chiến trường ác liệt , từ những cánh rừng , những ngã đường khác nhau những người lính tiến vào Sài Gòn , từng bước hoà nhập với cuộc sống mới. Không phải họ không có những băn khoăn , suy nghĩ nhưng cuộc sống chiến tranh đã khiến họ đơn giản hoá mọi thứ , mọi mối quan hệ. “Chiến tranh có những quy luật nghiệt ngã của nó” .[19;137].Cuộc sống chiến tranh làm đơn giản mọi thứ từ những nghi lễ, thủ tục đến những biểu hiện của cá nhân , thậm chí các mối quan hệ giữa con người với con người.Nguyên tắc chung nhất trong chiến tranh là sự thống nhất :ý chí , tình cảm , hành động,….Nhưng cuộc sống thời bình không đơn giản như vậy .Nó đa dạng hơn , phức tạp hơn , rắc rối và tinh vi hơn. Với những người vừa trở về từ cuộc chiến tranh , kí ức về cuộc kháng chiến vẫn là những kỉ niệm khôn nguôi.Đối với những người đã quen với đói rét , quen với tăng với võng , quen “ngủ theo đội hình đánh giặc”thì cuộc sống ồn ào , náo nhiệt nơi thành phố là một khó khăn lớn.Trước đây ,tai họ chỉ quen nghe tiếng tắc kè-cái âm thanh mà họ cho rằng :sắp về-trên đường hành quân “xuyên Trường Sơn”, trong “những cánh rừng trút lá” Giờ đây , tiếng tắc kè nơi “góc đường Công Lý cũ”lại trở nên lạc lỡng giữa bộn bề của cuộc sống.Tiếng tắc kè khiến cho người lính “giật mình”nhớ về những bạn bè thời chiến tranh , nhớ về cuộc sống thời chiến tranh: “Chợt hiện về thăm thẳm núi non kia dưới lá là hầm , là tăng,là võng những đoàn quân đi xuyên Trường Sơn ngủ ôm súng suốt cả thời trai trẻ ………………………………… Người bạn tôi rung võng cười khoái trá” (Nghe tắc kè kêu trong thành phố) Mười năm sau chiến tranh , người lính vẫn nghe được tiếng tắc kè, tiếng mưa rừng nhưng những âm thanh đó giờ trở nên nhỏ nhoi , lạc lõng “trong trí nhớ”: “tiếng tắc kè nhỏ giọt trong đêm tiếng mưa rừng nhỏ giọt trong trí nhớ” (Mười năm bấm đốt ngón tay) Chính những tiếng tắc kè , tiếng mưa rừng ấy đã gợi lên trong tâm hồn người lính trở về sau cuộc chiến tranh hình ảnh những người đồng đội không kịp trở về , những người đã ngã xuống trước cửa ngõ của hoà bình: “Người bạn tôi không về tới nơi này anh gục ngã bên kia cầu xa lộ anh nằm xuống trước cửa vào thành phố giây phút cuối cùng chấm dứt cuộc chiến tranh” (Nghe tắc kè kêu trong thành phố) Những người nằm xuống đó từng có một ước ao cháy bỏng là “sắp về” nhưng tất cả chỉ là ao ước.Điều đó tạo nên trong những người trở về hôm nay một niềm khắc khoải không yên.Sự khắc khoải không yên đó thể hiện ở những cái giật mình khi: “nghe có ai nói ở cành me: sắp về!” (Nghe tắc kè kêu trong thành phố) Những người lính trước đây sống trong những căn hầm chữ A,trong những “mái tăng –bầu trời vuông”lại cảm thấy yên tĩnh,còn khi hoà bình sống trong những khu nhà tập thể cao tầng: “lầu ba nhà một trăm chín mươi Nam Kì Khởi Nghĩa” (Mười năm bấm đốt ngón tay) họ lại có cách nhìn khác.Cuộc sống trong thành phố dường như không phù hợp với họ ,xa lạ với họ.Những con người vừa trở về sau cuộc chiến tranh ấy như lạc lõng giữa cuộc sống mới: “đường phố bàn cờ toà nhà cao tầng chia ngăn,chia ô tủ thuốc bắc” (Nhớ thiên nhiên) Họ cảm thấy ngột ngạt ,cảm thấy bị gò bó trong cuộc sống của chính mình.Đâu rồi cái cảm giác tự do,bay bổng của “Buổi sáng sau chiến tranh”: “Sương giăng lụt cả đất trời giữa bồng bềnh trắng tôi bơi tôi trườn” Giờ đây,cuộc sống đối với người lính là những khuôn mẫu,là sự “vuông vắn”: “những bức tường trắng toát vuông vắn ngăn kéo tủ thuốc bắc vuông vắn ấy là không gian nhà, vũ trụ nhà” (Nhớ thiên nhiên) Trong cuộc sống hôm nay,người lính phải đương đầu với những buồn vui thường nhật. “Cái buồn vui của “người trở về” thật đáng trân trọng,nó vượt khỏi tính toán thiệt hơn của đời sống hàng ngày,nó vượt lên sự tầm thường trong đời sống thường nhật,có thể nó trở thành “không tưởng” đối với một số người biến chất quen nhìn đời theo những thước đo của những giá trị vật chất chật hẹp oo,nó có thể góp phần làm “thăng bằng” bầu không khí đạo đức của xã hội ,điều chỉnh các quan niệm sống lệch lạc…mà cơ chế thị trường dù muốn hay không cũng đã tạo ra trong đời sống sau chiến tranh” .[19;142].Đứng trước sự đa dạng và phức tạp của cuộc sống , người lính dường như bất lực .Mười năm sau chiến tranh , người lính vẫn còn nhầm lẫn giữa hay và dở , giữa tốt và xấu: “Mười năm tôi ở đây không dưới mười lần nhầm lẫn Dở và Hay những ngón tay lưỡi câu bủa chập chờn bốn mặt bùng nhùng cạnh tranh Giả và Thật Tốt và Xấu đọ gươm ở mọi căn nhà” (Mười năm bấm đốt ngón tay) Và người lính nhận ra sự đối lập giữa những qui luật của tự nhiên và cuộc sống hiện tại.Trong hiện tại,sự thật,lòng tốt không được chấp nhận , không có chổ tồn tại, sự giả dối, cái xấu luôn ẩn nấp dưới cái bóng của cái tốt để hoành hành và tồn tại: “Lời nói thật thà có thể bị buộc tội lời nịnh hót dối lừa có thể được tuyên dương đạo đức giả có thể thành dịch tả lòng tốt lơ ngơ có thể lạc đường” (Đánh thức tiềm lực) Những câu thơ thể hiện sự hoài nghi của người lính trước cuộc sống. Trong chiến tranh , người lính sống đơn giản bao nhiêu thì trong cuộc sống hoà bình lại phức tạp bấy nhiêu.Sau chiến tranh , đất nước đứng trước những khó khăn to lớn,những khủng hoảng sâu sắc về chính trị , kinh tế , xã hội , đạo đức .Mười năm sống trong cảnh hoà bình , người lính đã chứng kiến biết bao sự thay đổi của xã hội: “Mười năm tôi ở đây ào ạt sóng gió thời quá độ đánh tư sản-đổi tiền-điều chỉnh lương-tăng giá ba lợi ích bung ra rồi lại thít vào rồi đổi mới cơ chế quản lí kinh tế….” (Mười năm bấm đốt ngón tay) Nhưng đối với người lính , sự thay đổi đó không đáng sợ vì: “Chính vì thế mà có hi vọng” (Mười năm bấm đốt ngón tay) Cái đáng sợ nhất đối với người lính là sự “ngủ yên”Sau chiến tranh , mọi người dường như sống bù lại những ngày gian khổ.Họ tận hưởng những gì có thể mà không hề biết rằng nó có giới hạn,Trong cuộc sống , có những bài học cứ được lặp đi lặp lại qua nhiều thế hệ mà mọi người quên rằng nó đã thay đổi.Người ta cứ đinh ninh rằng “nước ta giàu lắm”với rừng vàng biển bạc , với “khoáng sản tiềm tàng”.Mọi người như ngủ yên trong những ý nghĩ đó mà quên rằng “tiềm lực còn ngủ yên”Người ta nhìn thấy những bờ bãi sông Hồng “màu mỡ phù sa”, nhìn thấy “châu thổ sáng ngời” của sông Cửu Long mà không nhận ra những vất vả mà người nông dân phải gánh chịu .Người lính đã nhìn thấy được những điều mà mọi người không nhìn thấy: “giọt mồ hôi nào có gì to tát bao nhiêu đời mặn chát các dòng sông” lòng còn chát chua nào mặn, nào phèn “đất tân sinh ngỡ ngọt ngào trên mặt má sung sức và ba cường tráng thế man mác âu sầu trong câu hát ru em” (Đánh thức tiềm lực) Người lính nhận ra nhiệm vụ của mình trong xã hội mới .Đó là “đánh thức tiềm lực”: “Xưa mẹ ru ta ngủ yên lành để khôn lớn ta hát bài đánh thức có lẽ nào người lớn cứ ru nhau ru tiềm lực ngủ vùi trong thớ thịt” (Đánh thức tiềm lực) Người lính dường như vẫn lạ lẫm với cuộc sống mới.Xã hội thời bình không như trong suy nghĩ của họ.Trong chiến tranh họ mong muốn xây dựng một xã hội ấm no , hạnh phúc nhưng khi chiến tranh kết thúc họ không hoà nhập được với nó.Những suy nghĩ giản đơn , những hồi ức về quá khứ , những cử chỉ cao đẹp không có cơ hội tồn tại trong một xã hội “có lắm nghề lạ lắm”.Trong xã hội mới, mọi người sống vì bản thân nhiều hơn , ngại va chạm hơn: “cái tốt ngày xưa han gỉ tít trong lòng giữ thân nhiệt cầm chừng dăm bảy độ chớ ấm đầu trước mọi sự bất công” (Từng trải) Trong xã hội ấy, những người lính cảm thấy niềm tin bị lung lay. Trước đây người lính từng có niềm tin vào xã hội mới, một xã hội mà họ và bao đồng đội đã phải đánh đổi bằng mồ hôi xương máu.Nhưng giờ đây khi bước ra khỏi cuộc chiến tranh , người lính lại phải gánh chịu những vằn vặt bất an của người may mắn trở về sau chiến tranh. “Đâu rồi…đứa xanh cỏ ,đứa đỏ ngực đứa thành lãnh đạo ,đứa về làm thuê còn anh nghễnh ngãng làm nghề mộng du” (Gửi về Lam Sơn) Họ không còn tâm trạng vui sướng , tự hào của những ngày đầu giải phóng , thay vào đó là một tâm trạng hoang mang , buồn chán.Họ hoang mang về cái xã hội họ đang sống , đang tồn tại , cái xã hội còn nguy hiểm hơn thời chiến tranh: “Cái ác biến hình lởn vởn quanh ta tai ách đến bất thần không báo trước” (Bán vàng) Nói như vậy không có nghĩa là người lính bi quan hoàn toàn vào cuộc sống hiện tại. Họ vẫn nhìn thấy trong sự đổi mới những mặt tích cực: “thành phố giãn dân tạo dựng các nông trường mía thành đường đồng nước mặn nhiều tôm chợ trời thưa nạn trộm cướp vắng hơn nốt ghẻ bớt đi trên da thịt phố phường” (Mười năm bấm đốt ngón tay) Họ gọi những đổi thay này là “điều an ủi”. Nếu sự đổi thay nơi thành phố làm cho người lính phải băn khoăn ,lo nghĩ thì sự “nguyên vẹn” nơi làng quê lại khiến cho “ruột ta thắt mặt ta nhăn”: “Đường làng cây cỏ lưa thưa, thanh bình từ ấy sao chưa có gì. …………………………… mồ hôi đã chảy ròng ròng máu và nước mắt sao không có gì” (Về làng) Những làng quê đã từng “xả hết mình khi nước gặp tai ương” trong chiến tranh khi hoà bình lập lại vẫn không có sự thay đổi .Là một người con của quê hương,người lính thấy trách nhiệm càng đè nặng lên đôi vai của mình. Cuộc sống xã hội ngày càng thay đổi ,nhất là sau khi chiến tranh kết thúc.Trở về sau chiến tranh người lính buộc phải hoà nhập với nó.Những đổi thay trong cuộc sống mới gây cho người lính không ít khó khăn vì họ vốn quen với cuộc sống rtong chiến tranh.Nhưng người lính không hề đầu hàng ,không chịu bó tay trước những khó khăn đó.Họ “nhận ra cái xấu ,cái ác đang biến hình lởn vởn,len lỏi trong đời sống của nhân dân”[9;24] và họ tìm cách khắc phục nó.Sau chiến tranh người lính có cơ hội nhìn lại mình ,đối diện với chính mình để bày tỏ những suy nghĩ ,lo lắng mà trong chiến tranh họ không nói ra được.Điều đó cho thấy ,ý thức về trách nhiệm của bản thân trong người lính không hề mất đi dù trong chiến tranh hay trong thời bình. Chương 3:NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN CHÂN DUNG NGƯỜI LÍNH TRONG THƠ NGUYỄN DUY: Số lượng bài thơ Nguyễn Duy viết về người lính không nhiều (khoảng 30 bài) nhưng chất lượng rất cao.Có thể kể ra đây một số bài tiêu biểu:Ánh trăng , Mười năm bấm đốt ngón tay , Nghe tắc kè kêu trong thành phố,….Trong mỗi bài thơ Nguyễn Duy lại sử dụng những nghệ thuật khác nhau để thể hiện chân dung người lính.Dù là sử dụng thể thơ gì , ngôn ngữ , hình ảnh ra sao thì chân dung người lính trong thơ Nguyễn Duy vẫn hiện lên với đầy đủ nét đẹp của mình:tâm hồn , tư tưởng , tình cảm. 3.1.THỂ THƠ: Nguyễn Duy sáng tác bằng nhiều thể thơ khác nhau:năm chữ (ngũ ngôn) , lục bát , tám chữ, tự do.Ở mỗi thể thơ Nguyễn Duy đều có cách thể hiện riêng về chân dung người lính. 3.1.1.Thể thơ năm chữ (ngũ ngôn) Điểm nổi bật của thơ năm chữ chính là sự ngắn gọn ,hàm súc.Điều này đã tạo cho bài thơ độ cô đọng cao .Chỉ với vài câu thơ năm chữ , nhà thơ vẫn có thể trình bày đầy đủ nội dung cần diễn đạt của bài thơ.Có thể xem xét qua một số bài tiêu biểu. Ánh trăng là bài thơ được viết theo thể thơ ngũ ngôn.Bài thơ miêu tả lại tâm trạng của một người lính sau chiến tranh vào sống ở Sài Gòn.Bằng ba câu thơ với mười lăm chữ nhà thơ đã nêu lên được không gian sống của người lính từ nhỏ đến lúc tham gia kháng chiến: “Hồi nhỏ sống với đồng với sông rồi với biển hồi chiến tranh ở rừng” Hình ảnh người lính hiện ra rất gần gũi qua sự so sánh của nhà thơ: “Trần trụi với thiên nhiên hồn nhiên như cây cỏ” Trong thời chiến tranh,người lính sống gắn bó với thiên nhiên, gắn bó với vầng trăng.Vậy mà khi trở về thành phố , người lính trong Ánh trăng lại xem cái vầng trăng vẫn thường đi qua ngõ giống “như người dưng qua đường”.Là một người lính , Nguyễn Duy không để cho người lính của mình sống như thế. Người lính trong thơ Nguyễn Duy cũng có ngày tìm lại vầng trăng.Chỉ với một khổ thơ bốn câu nhà thơ đã tạo nên một tình huống qua đó thể hiện vẻ đẹp của người lính sau chiến tranh.Đó là khi đèn điện tắt và ánh trăng xuất hiện một cách đột ngột ngoài cửa sổ.Ánh trăng chính là lời nhắc đối với người lính –nhắc không được quên cái hôm qua-làm cho người lính phải giật mình: “Trăng cứ tròn vành vạnh kể chi người vô tình ánh trăng im phăng phắc đủ cho ta giật mình” Cũng được viết theo thể thơ ngũ ngôn nhưng Tình ca nơi cuối đất lại hoàn toàn khác.Ngay cả nhan đề năm chữ cũng đã nói lên được nội dung của bài thơ:bài tình ca được cất lên từ nơi cuối đất-mũi Cà Mau.Câu thơ năm chữ nhẹ nhàng như lời tâm tình của người lính đối với cô gái ở nơi “đầu trời”: “Van em đi cùng anh” Người lính đã đưa ra lí do của sự chia cách “đầu trời”- “cuối đất” bằng hai câu thơ ngắn gọn: “Đâu phải hết chiến tranh thì hi sinh chấm dứt” Hai câu thơ như một lời khẳng định thể hiện ý thức trách nhiệm của người lính đối với đất nước.Bức tranh chân dung người lính hiện ra rất tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày:canh gác nơi mũi đất: “Anh nhìn gần –cửa rạch anh nhìn xa-Hòn Khoai” Chỉ trong một bài thơ mà nhà thơ đã ba lần nhắc đến cụm từ “đầu trời”, “cuối đất”.Nếu chỉ đọc thoáng qua người đọc sẽ dễ dàng nhận ra đó là sự xa cách .Nhưng nếu đọc kĩ , đó không còn là sự xa cách mà là sự chung thủy.Bởi vì em ở nơi đầu trời vẫn “chiều chiều”, “sớm sớm”chờ đợi anh nơi cuối đất.Dù xa cách hai nơi nhưng tình yêu của người lính không bao giờ phai lạt.Người lính đã biết đặt tình yêu đối với quê hương đất nước lên trên tình yêu đôi lứa vì anh tin rằng tình yêu không bao giờ cùng tận , không bến không bờ: “Nơi tận cùng đất nước tình yêu không bến bờ” Lời thơ ngắn gọn , hàm súc, từng câu thơ năm chữ nhẹ nhàng nhưng dứt khoát thể hiện thái độ , tình cảm của người lính.Đó là thái độ , tình cảm của một con người sống có trách nhiệm với quê hương đất nước và với cả tình yêu của mình. 3.1.2.Thể thơ lục bát: Một nhà phê bình đã từng nhận xét: “dường như Nguyễn Duy được sinh ra để làm thơ lục bát” .[22;73].Thật vậy , lục bát trong thơ Nguyễn Duy rất đa dạng cả về giọng điệu và cách thức thể hiện.Chân dung người lính trong thơ lục bát của Nguyễn Duy được thể hiện với nhiều góc độ và phương diện. Nếu nói về tình đồng chí đồng đội thì Lời ru đồng đội là một bài thơ tiêu biểu. Chân dung người lính hiện ra trong bài thơ qua khổ thơ đầu.Đó chính là lời ru của người lính đối với những đồng đội của mình: “Ngủ đi bạn ,ngủ đi anh cánh tay mình ngả ra thành gối êm ngủ đi bạn ,ngủ đi em ngủ ngon giấc ngủ gối lên tay mình” Qua hai cặp câu lục bát, nhà thơ đã cho người đọc thấy được tình cảm của người lính đối với đồng đội , quan trọng hơn hết là sự hi sinh.Giọng điệu của hai câu thơ nhẹ nhàng như một lời ru , cách ngắt nhịp đều đều tạo nên hiệu quả nghệ thuật cao.Người lính xuất hiện trong bài thơ với những không gian của giấc ngủ khác nhau và tư thế ngủ thật đặc biệt: “Ngủ hầm , ngủ võng, ngủ bưng gối đầu tay ngủ cầm chừng mỗi đêm” Bài thơ mở đầu bằng lời ru và kết thúc cũng bằng một lời ru: “Ngủ đi anh , ngủ đi em ngủ ngon giấc ngủ gối lên tay mình” Nguyễn Duy đã vận dụng một hình thức sinh hoạt văn hóa bình thường của dân gian :hát ru để người lính trong bài thơ cất lên lời ru đồng đội. Nói đến thơ lục bát không thể không nói đéến hai bài thơ Hầm chữ A và Bầu trời vuông.Hai bài thơ là tình cảm của người lính đối với những căn hầm , mái tăng hay chính xác hơn là đối với nhân dân.Trong Hầm chữ A, chân dung người lính không hiện ra một cách cụ thể mà qua những suy nghĩ của người lính về những căn hầm hay chính là suy nghĩ về những con người đã dựng nên những căn hầm đó: “Thương ai dỡ những mái nghèo dựng căn hầm vẫn dựng theo mái nhà” Người lính trong thơ Nguyễn Duy có một sự so sánh rất đặc biệt , qua đó làm nổi bật lên tình cảm của những người lính đối với nhân dân: “Một đời không thể nào quên lòng dân-chiếc mộc vững bền cho ta” Nếu thơ lục bát của Nguyễn Duy cũng giống như những nhà thơ khác thì không có gì đáng nói.Điều đặc biệt là sự đổi mới trong cách ngắt nhịp , trong cấu trúc bài thơ “khiến cho hơi lục bát có thể tràn lướt qua nỗi điểm , đặng cất lên những nét nhạc mới”.[21;284].Khác với cách ngắt nhịp của lục bát truyền thống:câu thơ tám chữ ngắt nhịp 2/2/4 hoặc 4/4 , câu lục bát của Nguyễn Duy có cách ngắt nhịp mới tạo cảm giác mới lạ đặc biệt:3/2/3: “Thắng rồi- trận đánh thọc sâu lại về với /mái tăng/-bầu trời vuông” Câu thơ tạo cho người đọc cảm giác lạ tai nhưng khi quen rồi lại rất thú vị.Lục bát của Nguyễn Duy càng ngày càng giống với lời nói thường ngày hơn , dân dã hơn và không theo những quy tắc ràng buộc.Hình ảnh người lính trong Bầu trời vuông không xuất hiện trong tư thế hiên ngang chiến đấu mà rất bình dị với một hành động rất bình thường:đọc thư.Câu thơ như lời nói của người lính , lời bộc bạch về một sở thích: “khoái nào bằng phút ngả lưng mở trang thư dưới bóng rừng đu đưa” Còn người lính trong “Cỏ dại” lại khác , anh muốn sống hòa nhập vào cộng đồng , muốn sống có ích cho người , cho đời: “Chia mình cho mọi buồn đau tan mình trong mỗi sắc màu vui tươi những mong có ích cho người dẫu làm thân cỏ dập vùi…xá chi” Khổ thơ như chứa đựng cái mơ ước tưởng chừng rất bình dị nhưng vô cùng lớn lao của người lính:ước mơ trở thành cỏ dại .Không phải ai cũng có được suy nghĩ sẽ hi sinh tất cả vì cộng đồng , vì mọi người.Đó chính là nét đẹp của người lính chân chính trong thơ Nguyễn Duy nói riêng , trong thơ kháng chiến nói chung. 3.1.3.Thể thơ tự do: Nghe tắc kè kêu trong thành phố là một bài thơ được viết theo thể thơ tự do.Bài thơ được mở đầu bằng một âm thanh phát ra dường như lạc lõng giữa lòng thành phố nhộn nhịp và ồn ào: “Tắc kè…. Tắc kè…..” Chính “cái âm thanh của rừng lạc về thành phố”đó khiến cho người lính phải “giật mình”. Cấu trúc toàn bài thơ là những câu dài ngắn khác nhau, khi thì một , hai chữ , khi thì bảy , tám chữ.Chính những câu thơ dài ngắn khác nhau đó đã tạo nên nhịp điệu của bài thơ.Cuộc sống của người lính trong hiện tại cũng giống như những câu thơ bị ngắt ra , xuống dòng tạo nên sự không liền mạch thể hiện thái độ sống gấp rút.Còn trong quá khứ , cuộc sống của người lính cứ êm đềm trôi qua một cách nhẹ nhàng như những câu thơ bảy , tám chữ.Trước giờ chiến đấu họ vẫn thanh thản , vẫn còn ngắm nhìn sự thay đổi của cảnh vật , của những hàng me đang mùa thay lá : “Lá me vàng lăn tăn trải thảm phố hè chồi xanh lăn tăn nơi đầu cành run rẩy cơn gió thoảng chút hương rừng đâu đấy hạt mưa đầu mùa trong suốt giữa lòng tay” Khổ thơ như vẽ lên bức tranh thiên nhiên tươi đẹp của mùa xuân.Chỉ với bốn câu thơ đã thâu tóm toàn bộ cảnh vật:lá , chồi , gió mưa qua đó thể hiện tinh thần lạc quan của người lính.Trước trận chiến ác liệt , người lính không hề bi quan mà còn cảm nhận được vẻ đẹp xung quanh. Bức chân dung về người lính trong cuộc sống hòa bình thể hiện qua cái “giật mình” khi nghe tiếng tắc kè-âm thanh của quá khứ vọng về.Tiếng kêu của con tắc kè được người lính nghe thành “sắp về”:thể hiện niềm ao ước được về thành phố của họ.Tiếng kêu ấy cứ lặp đi lặp lại như xoáy sâu vào tâm hồn những người lính trong chiến tranh và của người lính hôm nay: “Tôi giật mình nghe có ai nói ở cành me: sắp về!....” Bài thơ kết thúc bằng hai tiếng “sắp về” như đáp lại cái âm thanh đã mở ra bài thơ. Nó như một vòng tuần hoàn không bao giờ chấm dứt trong nỗi nhớ của người lính mỗi khi nghe tiếng tắc kè. Trong bài thơ Tìm thân nhân, thể thơ tự do có tác dụng như một sự liệt kê.Người lính dường như đang ngồi đếm từng dòng tin , đếm thời gian trôi qua:vợ tìm chồng , anh tìm em , cha tìm con,…trong suốt hai mươi mốt năm dài.Có những người đi tìm thân nhân nhưng họ không hề có “thân nhân” mà chỉ do ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình.Người lính trong bài thơ nằm trong số đó.Anh đã ra đi suốt chặng đường đất nước, vượt qua những khó khăn: “rừng già nguyên thủy”, “rừng kẽm gai Mỹ” để tìm thân nhân trong một thời gian dài: “Tôi đi từ Hà Nội lặn lội mười năm mới tới Sài Gòn bằng con đường số Một Trường Sơn” Giống như Tìm thân nhân, Chiến hào cũng là một sự liệt kê.Nhìn những “chiến hào xẻ dọc ngang mặt đất” người lính có nhiều cách so sánh , ví von:như luống cày , như đường chỉ tay , như nếp nhăn của bán cầu đại não, như lằn gân xanh tay mẹ , như mạch máu đỏ,…Dù là cách ví von nào thì người lính cũng phải đối diện với nó.Câu thơ cứ tăng rồi giảm số chữ giống như từng nhát cuốc nhanh ,chậm khác nhau chạm vào lòng đất: “Hối hả nào hối hả nữa lên đất mềm –xẻng đất cứng-cuốc chim đá- xà beng và chòong và búa…” Những câu thơ được lặp lại hai lần trong bài thơ thể hiện quyết tâm của người lính.Nó như một lời tự động viên trong công việc của họ để họ bước vào công việc như bước vào một cuộc chiến-một cuộc chiến thầm lặng. Trong Trở lại khúc hát ru,chân dung người lính hiện ra thật bình dị: “Võng bạt đu đưa anh thường hát khẽ vài ba câu hát ru” Trở về sau chiến tranh,trước những thử thách của cuộc sống anh lại có dịp cất lên khúc hát ru ngày xưa: “Khúc hát ru như cắt ra từ ngày xưa cắt ra từ bao nhiêu nỗi niềm cắt ra để mà nối liền …………… cắt ra từ một mảng lòng” Từng câu thơ như một sự nấc nghẹn trong lòng người lính.Anh lại cất lên tiếng hát ru con nhưng khác với tiếng ru trước đây là “chỉ cất lên nơi đầu lưỡi”, anh đã hiểu được giá trị của tiếng ru “rung lên như tiếng vọng trong lòng”.Thể thơ tự do với những câu thơ dài ngắn đan xen giúp Nguyễn Duy thể hiện thành công chân dung và tâm trạng người lính sau chiến tranh:sự mâu thuẫn giữa lí trí và tình cảm.Đó là sự chuyển biến trong khúc hát ru:từ giọng hát đứt quãng như cắt ra từng khúc đến giọng hát “trầm như gió núi”của người lính.Điều đó thể hiện nét đẹp trong tâm hồn người lính:tấm lòng vị tha. Hay trong Mười năm bấm đốt ngón tay, hình ảnh người lính xuất hiện một cách cụ thể: “Mười năm tôi ở đây lầu ba nhà một trăm chín mươi Nam Kì Khởi Nghĩa” Cụm từ “mười năm tôi ở đây”được lặp lại rất nhiều lần (15 lần) như một sự liệt kê về những đổi thay của cuộc sống:ngoài xã hội, trong gia đình.Người lính như đang đếm thời gian trôi qua , đang bấm đốt ngón tay tính từng cái Tết.Dù cuộc sống có thay đổi như thế nào người lính ấy vẫn nhớ “tiếng tắc kè”, “tiếng mưa rừng” của quá khứ vọng về ; vẫn nhớ “màu áo lính đi về cùng bụi đất mười phương” nên tự nhủ với lòng rằng: “Thằng còn sống chớ phụ lòng thằng chết” Người lính trong “Từng trải” xuất hiện với một thái độ “dửng dừng dưng”.Từ láy “dửng dừng dưng”được lặp lại ba lần trong bài thơ với hai ý nghĩa khác nhau trong câu thơ.Để thích nghi với cuộc sống mới , người lính buộc lòng phải “dửng dừng dưng” với mọi niềm vui , nỗi buồn xung quanh.Trước những lo toan bộn bề của cuộc sống người lính vẫn có những nỗi sợ hãi nhưng không phải sợ khó , sợ khổ mà: “Chỉ sợ lòng trống trải dửng dừng dưng” Câu thơ tám chữ như một sự phủ định tất cả những thái độ sống dửng dưng trước đây của người lính. Dù là trong bài thơ nào, sử dụng thể thơ gì Nguyễn Duy cũng đã thể hiện thành công chân dung người lính.Người lính đó mang dáng dấp của nhà thơ với một vẻ đẹp cả về tâm hồn ,tư tưởng hay tình cảm. 3.2.NGÔN NGỮ: Ngôn ngữ trong thơ Nguyễn Duy khá đa dạng do vốn sống của ông rất phong phú .Bên cạnh đó , thơ lục bát của Nguyễn Duy đậm chất ca dao tạo cho hệ thống ngôn ngữ trong thơ ông gần gũi ,quen thuộc hơn với người đọc.Nguyễn Duy có thể đưa vào thơ ngôn ngữ địa phương của cả ba miền Bắc-Trung-Nam để thể hiện vẻ đẹp của người lính . Trong Trở lại khúc hát ru ,nhà thơ sử dụng ngôn ngữ nói làm cho bài thơ giống như một câu chuyện , một mẫu đối thoại: “Con khóc rồi kìa, ru nó đi… em!” Ngôn ngữ được sử dụng trong thơ Nguyễn Duy rất giản dị , bình thường .Người lính thốt lên câu nói thể hiện sở thích của mình: “Khoái nào bằng phút ngả lưng mở trang thư dưới bóng rừng đu đưa” (Bầu trời vuông) Đôi khi , chính người lính ấy lại rất trẻ con , ngây thơ trong cách so sánh giữa “trời tròn” và “trời vuông”: “Trời tròn còn lúc rơi mưa trời vuông vuông suốt bốn mùa nắng xanh” (Bầu trời vuông) Người lính không hề thấy trong khó khăn , thiếu thốn sự vất vả mà là niềm vui. Thơ Nguyễn Duy rất gần với lời ăn tiếng nói hằng ngày .Người lính trong thơ ông mỗi lần cất lên lời ru đồng đội lại nhớ đến lời ru của mẹ , của bà . Lời ru ấy gắn liền với những kỉ niệm tuổi thơ , gắn liền với ca dao ,dân ca. Điểm đặc biệt nhất trong ngôn ngữ thơ Nguyễn Duy viết về người lính là từ láy .Nguyễn Duy sử dụng rất nhiều từ láy để viết về chân dung người lính. Trên đường đi chiến đấu , người lính nhớ về “xó bếp”, nhớ về những buổi “ nhá nhem” của buổi chiều hôm , nhớ về hình dáng “tất tưởi” của bà và mẹ.Trong Hơi ấm ổ rơm, người lính nhận ra cái ấm “nồng nàn”, cái “mộc mạc”của hương lúa-hơi ấm “đâu dễ chia cho tất cả mọi người”.Trở về cuộc sống hoà bình , khi tình cờ đối diện với ánh trăng tròn “vành vạnh”, im “phăng phắc”người lính bỗng giật mình nhớ về những kỉ niệm đã qua.Hay trong những chặng đường hành quân gian khổ , người lính lại “trăn trở”khi đố nhau ngày trở lại thành phố trong âm thanh “sắp về” của tiếng tắc kè.Trong những giấc ngủ “hiếm hoi” sau những chặng hành quân xa , người lính lại cất lên “lời ru đồng đội”.Hoà bình lập lại , người lính ấy lại “lặn lội” cùng mọi người đi tìm thân nhân.Và cũng trong cuộc sống thanh bình , đáng lý ra người lính phải “dửng dừng dưng” với mọi việc xung quanh thì đằng này anh lại sợ sự “dửng dừng dưng”của tâm hồn. Đến với thơ Nguyễn Duy chúng ta sẽ bắt gặp những ngôn ngữ rất bình dị , giống như lời ăn tiếng nói hàng ngày.Chính sự giản dị đó đã giúp cho thơ ông dễ dàng đi vào trí nhớ của người đọc , nhất là những bài thơ viết về người lính. 3.3.HÌNH ẢNH: Chúng ta có thể bắt gặp trong thơ Nguyễn Duy nhiều hình ảnh rất độc đáo.Nhà thơ có sự liên tưởng , so sánh giữa nhiều sự vật với nhau tạo nên sự mới lạ trong thơ ca. Đối với những người lính , những thiếu thốn trong cuộc sống chiến trường không làm họ chùn bước.Nếu như trong thơ Chính Hữu cánh tay đã tạo nên cái bắt tay thân ái của tình đồng chí thì trong Lời ru đồng đội của Nguyễn Duy ,cánh tay lại có tác dụng khác cụ thể hơn , thật hơn: “Cánh tay cặp khẩu A.K Ngày là bệ súng ,đêm là gối êm” Những chiến hào dọc ngang trên mặt đất trong cái nhìn của người lính có thể là luống cày , là đường chỉ tay,…là những vết nhăn nheo trên nếp mặt người già.Nhưng quan trọng hơn hết , người lính đã tự nguyện gắn chặt đời mình với “chiến hào”: “Chiến hào với ta là một phần thân thể đường chỉ tay trong lòng bàn tay nếp nhăn dày trên vỏ não lằn gân xanh và mạch máu đỏ” Người lính từ giã quê hương , từ giã “dòng sông mẹ” đi vào chiến trường giống như “nhập cuộc giữa dòng nước xiết”. Những hình ảnh trong thơ Nguyễn Duy rất giản dị , gần gũi.Đó có thể là những mái tăng che tạm trong những phút yên tĩnh nơi chiến trường.Người lính trong bài thơ đã nâng một vật nhỏ bé lên thành một sự vật của vũ trụ: “mái tăng- bầu trời vuông”.Hay từ trong những ổ rơm bình dị , người lính cảm nhận được sự ấm áp- “cái ấm nồng nàn như lửa”, “hơi ấm hơn nhiều chăn đệm”-mà không phải ai cũng nhận ra được, “đâu dễ chia cho tất cả mọi người”(Hơi ấm ổ rơm).Nguyễn Duy còn đưa vào thơ của mình hình ảnh “cỏ dại”.Đó cũng chính là giấc mơ của người lính. : “Những mong có ích cho đời dẫu làm thân cỏ dập vùi…xá chi” Hình ảnh trong thơ Nguyễn Duy có sự liên tưởng giữa quá khứ và hiện tại:nghe tiếng tắc kè ở góc đường công Lý cũ người lính nhớ về tiếng tắc kè ở Trường Sơn-tiếng tắc kè như hai tiếng “sắp về”.Hình ảnh trong thơ ông có sự đối lập giữa quá khứ và hiện tại: “Hồi chiến tranh ở rừng vầng trăng thành tri kỉ” Và: “Từ hồi về thành phố quen ánh điện cửa gương vầng trăng đi qua ngõ như người dưng qua đường” (Ánh trăng) Trong ngày hoà bình,giọng hát ru của người lính cất lên “trầm như gió núi”.Và người lính ấy lại ra đi về nơi cuối đất .Nơi mà người lính gắn chặt cuộc đời mình ở đấy: “mũi đất đầu mũi súng Cà Mau,Cà Mau ơi!” (Tình ca nơi cuối đất) Nguyễn Duy không sử dụng những hình ảnh bóng bẩy , xa lạ mà rất giản dị , gần gũi để viết về người lính.Điều đó tạo cho hình ảnh người lính trong thơ ông hiện ra với một vẻ đẹp bình dị , trong sáng nhưng không kém phần nổi bật. Tóm lại nghệ thuật thể hiện chân dung người lính trong thơ Nguyễn Duy rất đa dạng , phong phú.Nhà thơ sử dụng nhiều thể thơ , nhiều ngôn ngữ , hình ảnh khác nhau để vẽ lên bức tranh toàn diện về người lính trong chiến tranh và trong cuộc sống hoà bình.Người lính ấy không chỉ đẹp về phẩm chất đạo đức mà còn đẹp cả về tâm hồn.Điều đó đã tạo cho thơ Nguyễn Duy nói chung,thơ viết về người lính nói riêng có sức lay động mạnh trong tâm hồn người đọc. KẾT LUẬN “Chân dung người lính trong thơ Nguyễn Duy” là một vấn đề cần được khai thác ở hai phương diện :trong chiến tranh và trong cuộc sống thời bình.Trước tiên ,đó là vẻ đẹp của người lính trong chiến tranh.Dưới ngòi bút của Nguyễn Duy,người lính hiện ra rất chân thật ,gần gũi và sinh động.Văn học cách mạng mang tính sử thi nhưng người lính của Nguyễn Duy được miêu tả không theo xu hướng đó.Họ không phải là những anh hùng oai phong lẫm liệt hay trong tư thế đối mặt với kẻ thù.Họ chỉ là những con người bình thường với những hành động bình thường:cất lên lời ru đồng đội .Họ cũng có tấm lòng nhớ quê hương ,gia đình như bất cứ người con xa quê nào và quan trọng hơn hết ,họ có một tình yêu đối với quê hương đất nước.Chính tình yêu này đã giúp cho những người lính sẳn sàng vào chiến trường để giành lại độc lập tự do cho quê hương đất nước.Nguyễn Duy miêu tả chân dung người lính trong chiến tranh cả về tâm hồn ,tư tưởng và tình cảm.Điểm đặc biệt ở những bài thơ về người lính của Nguyễn Duy là phần nhiều được viết sau 1975.Bức tranh về người lính trong chiến tranh được nhà thơ vẽ lên sau một quá trình suy ngẫm ,trải nghiệm .Vẫn là những cuộc hành quân, những trận đánh nhưng đó có thể chỉ là những hình ảnh trong kí ức của nhà thơ ,của người lính.Dù được sáng tác sau cuộc kháng chiến nhưng tấm lòng nhiệt huyết trong người lính vẫn không thay đổi.Họ vẫn là những người sống có trách nhiệm với quê hương đất nước,với gia đình .Chân dung người lính không chỉ có trong chiến tranh mà còn được thể hiện trong cuộc sống đời thường.Trở về sau chiến tranh,những người lính bước vào cuộc sống mới với bao lo toan ,khó khăn đang chờ đón .Chỉ mười năm sau chiến tranh người lính đã chứng kiến bao sự đổi thay của xã hội .Người lính dường như lạ lẫm ,lạc lõng giữa cuộc sống mới.Họ vẫn luôn nhớ về những kỉ niệm của thời chiến tranh ,nhớ về những đồng đội-những người đã ngã xuống trước giờ vào thành phố.Chính nỗi nhớ đó đã tạo ra trong lòng người lính sự vằn vặt ,bất an.Nó là nguồn động lực giúp người lính đương đầu và vượt qua những khó khăn ,thử thách trong xã hội . “Chân dung người lính trong thơ Nguyễn Duy” không chỉ là một đề tài rộng về phương diện nghiên cứu mà còn mang ý nghĩa phổ quát.Đối với đề tài này có thể đi sâu vào vẻ đẹp của người lính trong cuộc sống hoà bình để làm nổi bật lên hình tượng người lính trong cuộc sống mới với những khó khăn thử thách mới.Từ đó liên hệ đến những hiện tượng biến chất trong xã hội của những người lính trở về sau chiến tranh.Quan trọng hơn hết là thấy được sự thống nhất ý chí của người lính trong thơ Nguyễn Duy dù trong thời bình hay trong chiến tranh: sống hết mình ,sống có trách nhiệm với quê hương đất nước. Ngôn ngữ trong sáng,giản dị ,hình ảnh gần gũi ,quen thuộc giúp cho người lính trong thơ Nguyễn Duy có khả năng đi vào lòng người đọc.Bên cạnh đó,những thể thơ thường gặp như ngũ ngôn, lục bát ,…giúp nhà thơ dễ dàng thể hiện “chân dung người lính” một cách toàn diện và sâu sắc . Tóm lại, “Chân dung người lính trong thơ Nguyễn Duy” đã khắc hoạ đậm nét vẻ đẹp của người lính cả hai giai đoạn trước và sau chiến tranh.Qua đó, bộc lộ những phẩm chất cao đẹp của người lính :yêu quê hương đất nước,tinh thần lạc quan,ý thức trách nhiệm. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nguyên An, Phan Huy Dũng, Nguyễn Đăng Điệp,…..Vẻ đẹp văn học cách mạng, NXB Giáo dục, 2006. 2. Trúc Chi,Ba mươi năm một nền thơ cách mạng (chuyên luận văn học),NXB Thanh niên,1999. 3. Hồng Diệu,Người lính-nhà văn(phê bình và tiểu luận),NXB Quân đội nhân dân,Hà Nội,2003. 4. Đinh Xuân Dũng,Văn học ,văn hóa tiếp nhận và suy nghĩ(phê bình-tiểu luận (1966-2004),NXB Từ điển bách khoa Hà Nội,2004. 5. Nguyễn Duy,Ánh trăng (Thơ),NXB Tác phẩm mới,Hội nhà văn Việt Nam,1984. 6. Nguyễn Duy,Mẹ và em (Thơ),NXB Thanh Hóa,1987. 7. Nguyễn Duy ,Quà tặng (Thơ),NXB Văn học,Hà Nội,1990. 8. Nguyễn Duy ,Về (Thơ) ,NXB Hội nhà văn,1994. 9. Nguyễn Lâm Điền,Trần Văn Minh,Đổi mới của Văn học Việt Nam sau năm 1975, ĐHCT,Cần Thơ,2005. 10. Nguyễn Lâm Điền ,Trần Văn Minh,Văn học Việt Nam 1945-1975, ĐHCT,Cần Thơ,2004. 11. Phan Cự Đệ (chủ biên),Văn học Việt Nam thế kỉ XX (những vấn đề lịch sử và lí luận),NXB Giáo dục,2004. 12. Hà Minh Đức, Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại,NXB Giáo dục,1997. 13. Trinh Đường (chủ biên),Thơ Việt thế kỉ XX (Tuyển chọn và bình),NXB Thanh niên,1999. 14. Tế Hanh ,Ngô Văn Phú,Vân Long,Tuyển tập thơ Việt Nam hiện đại (tập 2) ,NXB Hội nhà văn,1994. 15. Nguyễn Lân,Từ điển từ và ngữ Việt –Nam ,NXB TP.Hồ Chí Minh,2000. 16. Phong Lê,Vũ Đức Phú,Nhà thơ Việt Nam hiện đại,NXB Khoa học –xã hội,Hà Nội ,1984 (Ủy ban Khoa học – xã hội Việt Nam,Viện văn học). 17. Phong Lê, Vũ Văn Sỹ, Bích Thu,Lưu Khánh Thơ,Thơ Việt Nam hiện đại,NXB Lao động-Hà Nội,2002. 18. Trần Hạnh Mai,Sự nghiệp phê bình văn học của Hoài Thanh,NXB Giáo dục,2003. 19. Lê Thành Nghị,Trước… đèn thơ (Thơ Việt Nam sau 1975 từ góc độ đề tài chiến tranh),Tiểu luận,NXB Quân đội nhân dân,Hà Nội,2005. 20. Vũ Tiến Quỳnh (tuyển chọn),Phê bình, bình luận văn học:Bằng Việt ,Phạm Tiến Duật ,Vũ Cao ,Nguyễn Duy,NXB Văn nghệ-TP Hồ Chí Minh,1998. 21.Chu Văn Sơn,Thi sĩ thảo dân ,Chân dung các nhà văn hiện đại,NXB Giáo dục,2006. 22. Vũ Văn Sỹ, Nguyễn Duy-người “thương mến đến tận cùng chân thật”,Tạp chí văn học số 10/1999. 23. Vũ Duy Thông ,Cái đẹp trong thơ kháng chiến Việt Nam 1945-1975,NXB Giáo dục,1998. 24. Vân Trang , Ngô Hoàng ,Bảo Hưng, (sưu tầm và biên soạn) ,Văn học 1975- 1985,Tác phẩm và dư luận,NXB Hội nhà văn,Hà Nội,1997. 25. Nguyễn Như Ý (chủ biên) ,Đại từ điển Tiếng Việt, Bộ GD và ĐT, Trung tâm ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam ,NXB Văn hóa thông tin,1999. 26. Năm mươi năm văn học Việt Nam sau cách mạng tháng Tám ,Đại học Quốc gia Hà Nội ,Trường viết văn Nguyễn Du,Tạp chí văn nghệ quân đội ,NXB ĐH quốc gia ,Hà Nội,1996. 27. Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam ,Trung tâm từ điển Bách khoa quân sự Bộ Quốc phòng,NXB Quân đội nhân dân,Hà Nội ,1996. TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ KHOA SƯ PHẠM BỘ MÔN NGỮ VĂN PHAN THỊ THU NGÂN CHÂN DUNG NGƯỜI LÍNH TRONG THƠ NGUYỄN DUY Luận văn tốt nghiệp đại học Ngành Sư phạm Ngữ Văn Cán bộ hướng dẫn: NGUYỄN LÂM ĐIỀN Cần Thơ, 5-2008 ĐỀ CƯƠNG TỔNG QUÁT MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu 3. Mục đích nghiên cứu 4. Phạm vi nghiên cứu 5. Phương pháp nghiên cứu NỘI DUNG Chương 1:Những vấn đề chung về người lính trong thơ ca Việt Nam 1.1.Khái niệm về người lính 1.2.Người lính –nguồn cảm hứng sáng tạo của thơ ca 1.3.Vài nét về chân dung người lính trong thơ ca Việt Nam 1.3.1.Chân dung người lính trong thơ ca trung đại 1.3.2.Chân dung người lính trong thơ ca hiện đại Chương 2:Những vẻ đẹp của người lính trong thơ Nguyễn Duy 2.1.Vẻ đẹp của người lính trong đời sống chiến tranh 2.1.1.Vẻ đẹp tâm hồn 2.1.1.1.Nỗi nhớ quê hương ,gia đình ,người yêu 2.1.1.2.Tình đồng chí,đồng đội 2.1.1.3.Tinh thần lạc quan 2.1.2.Vẻ đẹp nhận thức tư tưởng 2.1.2.1.Ý thức về nghĩa vụ của bản thân 2.1.2.2.Lý tưởng cao đẹp 2.1.2.3.Tình yêu quê hương đất nước 2.2.Vẻ đẹp của người lính giữa đời thường 2.2.1.Người lính trong cuộc sống gia đình 2.2.2.Người lính ngoài xã hội Chương 3:Nghệ thuật thể hiện vẻ đẹp của người lính trong thơ Nguyễn Duy 3.1.Thể thơ 3.1.1.Thể thơ ngũ ngôn 3.1.2.Thể thơ lục bát 3.1.3.Thể thơ tự do 3.2.Ngôn ngữ 3.3.Hình ảnh KẾT LUẬN MỤC LỤC Trang MỞ ĐẦU ..........................................................................................1 1. Lý do chọn đề tài ............................................................................................. 1 2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu .............................................................................. 2 3. Mục đích nghiên cứu ....................................................................................... 4 4. Phạm vi nghiên cứu ......................................................................................... 5 5. Phương pháp nghiên cứu ........................................................................................ 5 NỘI DUNG.......................................................................................6 Chương 1: Những vấn đề chung về người lính trong thơ ca Việt Nam......... 6 1.1.Khái niệm về người lính ................................................................................ 6 1.2.Người lính –nguồn cảm hứng sáng tạo của thơ ca .......................................... 6 1.3.Vài nét về chân dung người lính trong thơ ca Việt Nam................................. 9 1.3.1.Chân dung người lính trong thơ ca trung đại ............................................... 9 1.3.2.Chân dung người lính trong thơ ca hiện đại................................................... 11 Chương 2: Những vẻ đẹp của người lính trong thơ Nguyễn Duy ............... 15 2.1.Vẻ đẹp của người lính trong đời sống chiến tranh ........................................ 15 2.1.1.Vẻ đẹp tâm hồn......................................................................................... 15 2.1.1.1.Nỗi nhớ quê hương ,gia đình ,người yêu ................................................ 15 2.1.1.2.Tình đồng chí,đồng đội .......................................................................... 22 2.1.1.3.Tinh thần lạc quan ................................................................................. 26 2.1.2.Vẻ đẹp nhận thức tư tưởng........................................................................ 29 2.1.2.1.Ý thức về nghĩa vụ của bản thân ............................................................ 29 2.1.2.2.Lý tưởng cao đẹp ................................................................................... 31 2.1.2.3.Tình yêu quê hương đất nước................................................................. 33 2.2.Vẻ đẹp của người lính giữa đời thường........................................................ 38 2.2.1.Người lính trong cuộc sống gia đình ......................................................... 38 2.2.2.Người lính ngoài xã hội ............................................................................ 42 Chương 3: Nghệ thuật thể hiện vẻ đẹp của người lính trong thơ Nguyễn Duy .............................................................................................................. 49 3.1.Thể thơ ........................................................................................................ 49 3.1.1.Thể thơ ngũ ngôn...................................................................................... 49 3.1.2.Thể thơ lục bát.......................................................................................... 51 3.1.3.Thể thơ tự do ............................................................................................ 53 3.2.Ngôn ngữ..................................................................................................... 56 3.3.Hình ảnh...................................................................................................... 57 KẾT LUẬN .....................................................................................60 TÀI LIỆU THAM KHẢO

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfchandungnguoilinhtrongthonguyenduy.pdf
Tài liệu liên quan