Luận văn Chủ đề trong tiểu thuyết Giông tố, Số đỏ, Làm đĩ của Vũ Trong Phụng

MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Vũ Trọng Phụng là một trong những tên tuổi nổi bật hàng đầu trong nền văn xuôi Việt Nam trước cách mạng. Dư luận coi ông là kiện tướng xuất sắc của khuynh hướng “tả chân” đương thời. Xung quang Vũ Trọng Phụng đã từng có những cuộc tranh cãi nảy lửa và trong nhiều năm, ông trở thành một “vụ án văn học” nghiêm trọng kéo dài. Từ khi có công cuộc “đổi mới” trên đất nước, “vụ án” đó mới chính thức được giải tỏa và vị trí xứng đáng của nhà văn trong lịch sử văn học dân tộc được khẳng định dứt khoát. Người xưa đã từng nói “các cuốn sách có số phận của mình”. Rất nhiều tác phẩm vừa ra đời đã “cộm lên” trong dư luận người đọc vài ba năm, hay vài mươi năm, rồi sau đó chìm hẳn vào lãng quên dưới lớp bụi của thời gian. Với Vũ Trọng Phụng - đời văn và tác phẩm vừa buổi ra mắt đã phải hứng chịu nhiều búa rìu của dư luận. Sự “quan tâm” ấy là thước đo tài năng người nghệ sĩ nhưng đồng thời cũng là nỗi khắc nghiệt mà cuộc đời đã dành sẵn cho những số phận tài năng. Vũ Trọng Phụng là một hiện tượng văn học độc đáo trong giai đoạn 1930 – 1945. Chỉ với chín năm cầm bút ngắn ngủi, Vũ Trọng Phụng đã để lại cho nhân loại một kho tàng vô giá về thể loại văn học như: truyện ngắn, tiểu thuyết, phóng sự, kịch Nhưng có lẽ giữa sự phong phú và đa dạng của nhiều thể loại ông thành công nhất là tiểu thuyết. Các tiểu thuyết của ông luôn đề cập đến những vấn đề của xã hội, khái quát được một phạm vi cuộc sống hết sức rộng lớn mà ta không thể tìm thấy được ở những sáng tác khác của những nhà văn cùng thời. Giông tố, Số đỏ, Làm đĩ là những tác phẩm tiêu biểu trong hệ thống sáng tác của Vũ Trọng Phụng, đã nếm trải nhiều sống gió của dư luận khác nhau, và vị trí của chúng đến nay đã được xác lập trong văn hóa nhà nước. Tuy nhiên, việc nghiên cứu một cách toàn diện, khoa học để thực sự làm chủ di sản văn học phong phú và khá phức tạp của Vũ Trọng Phụng vẫn còn đang tiếp tục. Và trong sự nhìn lại đối với di sản văn học đó trên tinh thần đổi mới, bên cạnh những ý kiến xác đáng, còn có những ý kiến làm nảy sinh nhưng vấn đề mới cần được làm sáng tỏ. Việc làm rõ chủ đề trong Giông tố, Số đỏ, Làm đĩ giúp chúng ta đi sâu vào tìm hiểu nội dung và giá trị của tác phẩm. Từ đó góp thêm một cách tiếp cận mới về nghiên cứu tác phẩm giúp cho người đọc và sinh viên có cách hiểu, cách cảm nhận đúng và đầy đủ hơn về tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng. 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề Ngay từ những sáng tác đầu Vũ Trọng Phụng đã được giới văn học và công chúng rất chú ý. Đến năm 1936, các tác phẩm Giông tố, Số đỏ, Làm đĩ . của ông đã làm chấn động dư luận. Đồng thời, cuộc tranh luận sôi nổi xung quanh tác phẩm Vũ Trọng Phụng đã nổ ra. Thái Phỉ, trên báo Tin Văn số 25 (ra ngày 01/09/1936) với bài Văn chương dâm uế, đã lớn tiếng cảnh cáo nhiều nhà cầm bút – rõ ràng là ám chỉ Vũ Trọng Phụng. Vũ Trọng Phụng đã đáp lại trong bài Thư gửi cho ông Thái Phỉ, chủ báo Tin Văn về bài “Văn chương dâm uế”, bác bỏ thẳng thừng những lời kết án của Thái Phỉ. Ít lâu sau, tờ Ngày nay của Tự Lực Văn Đoàn đăng bài Dâm hay không dâm ký tên Nhất Chi Mai, lên án đích danh Vũ Trọng Phụng với những lời lẽ nặng nề: “một nhà văn nhìn thế gian qua cặp kính đen, có một bộ óc đen và một nguồn văn cũng đen nữa”. Vũ Trọng Phụng đã viết bài để đáp lại báo Ngày nay: Dâm hay là không dâm đăng trên Tương lai ngày 25/03/1937. Khi nghiên cứu về Vũ Trọng Phụng đã có nhiều vấn đề xung quanh những tác phẩm của ông khen cũng lắm mà chê cũng nhiều. Đã nhiều người viết về tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, các ngòi bút tiểu luận đã khai thác sự tạo thành và mối tương quan giữa những nhân vật độc đáo của ông với hoàn cảnh lịch sử, xã hội. Trong nghiên cứu phê bình văn học những năm gần đây, nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình có tên tuổi đã thông qua nhiều phương tiện thông tin báo chí, phát thanh, phát biểu về tác phẩm và tác giả Vũ Trọng Phụng. Đáng Chú ý là Hội thảo khoa học kỷ niệm 50 năm ngày mất Vũ Trọng Phụng do Viện Văn học và Hội nhà văn Việt Nam tổ chức tháng 10 - 1989, tại Văn miếu Hà Nội. Đã có hơn hai mươi bản tham luận của các Giáo sư, Tiến sĩ, Phó giáo sư, các nhà nghiên cứu phê bình Văn học đọc tại hội nghị, bước đầu nhận thức lại và khẳng định lại một lần nữa vị trí của nhà văn và tác phẩm trong văn học sử Việt nam. Qua việc nghiên cứu và tìm hiểu các tác giả đi trước chúng tôi nhận thấy các tác giả đã nghiên cứu khá toàn diện về Vũ Trọng Phụng và sự ngiệp văn chương của ông, tiếp nối thành tựu đó chúng tôi chọn đề tài “Chủ đề trong tiểu thuyết Giông tố, Số đỏ, Làm đĩ của Vũ Trong Phụng”. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Đối tượng Chủ đề trong Giông tố, Số đỏ, Làm đĩ của Vũ Trọng Phụng. Phạm vi Đề tài nghiên cứu chủ đề trong ba tác phẩm Giông tố, Số đỏ, Làm đĩ 4. Phương pháp nghiên cứu Để phục vụ cho việc nghiên cứu đề tài trên tôi đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu như - Thi pháp học - Phương pháp phân tích, thống kê 5. Bố cục của đề tài Ngoài phần mở đầu và phần kết luận, phần nội dung của đề tài được kết cấu trong 3 chương: Chương 1: Vũ Trọng Phụng và tiểu thuyết Giông tố, Số đỏ, Làm đĩ Chương 2: Chủ đề trong Giông tố, Số đỏ, Làm đĩ Chương 3: Các yếu tố nghệ thuật thể hiện chủ đề trong Giông tố, Số đỏ, Làm đĩ. MỤC LỤC MỞ ĐẦU 1 1. Lý do chọn đề tài 1 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề 2 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3 4. Phương pháp nghiên cứu 3 5. Bố cục của đề tài 3 NỘI DUNG 4 1.1. Tiểu sử và sự nghiệp văn chương của Vũ Trọng Phụng 4 1.1.1. Tiểu sử Vũ Trọng Phụng 4 1.1.2. Sự nghiệp văn chương của Vũ Trọng Phụng 6 1.2. Tiểu thuyết Giông tố, Số đỏ, Làm đĩ 8 1.2.1. Giông tố 8 1.2.2. Số đỏ 9 1.2.3. Làm đĩ 11 Chương 2 Chủ đề trong Giông tố, Số đỏ, Làm đĩ 13 2.1. Giông tố, Số đỏ, Làm đĩ nhìn từ góc độ đề tài 13 2.2. Chủ đề trong Giông tố, Số đỏ, Làm đĩ 15 2.2.1. Chủ đề về tệ nạn xã hội 16 2.2.2. Chủ đề về đạo đức 21 2.2.3. Chủ đề về cái dâm và sự tha hóa nhân cách 25 Chương 3: Các yếu tố nghệ thuật thể hiện chủ đề trong Giông tố, Số đỏ, Làm đĩ 33 3.1 Không gian, thời gian 33 3.1.1. Không - thời gian trong Số đỏ 33 3.1.2. Không - thời gian trong Giông tố 35 3.1.3. Không - thời gian trong Làm đĩ 38 3.2. Kết cấu 39 3.2.1 Kết cấu đối lập, tương phản 39 3.2.2. Kết cấu hình tượng 40 3.2.3. Kết cấu cốt truyện 42 3.3. Ngôn ngữ 42 3.4. Giọng điệu 45 KẾT LUẬN 48 Tài liệu tham khảo 51

doc52 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 7856 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Chủ đề trong tiểu thuyết Giông tố, Số đỏ, Làm đĩ của Vũ Trong Phụng, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
một nhà tai to mặt lớn kia, về tội cưỡng dâm con gái ông ta. Theo cuộc điều tra của đặc phái viên bản báo thì Thị M. con gái ông đồ đêm ấy đi gặt rạ cùng với mấy người làng, đã bị nhà tai to mặt lớn (?) kia gọi đến chỗ xe hơi hòm của ông, rồi Thị bị cưỡng dâm. Sau cuộc hợp cẩu, con dê già kia vứt cho cô bé đáng thương, năm cái giấy bạc một đồng ý chừng đền bù cho cả một cuộc đời bị làm hại. Cô bé lúc ấy vì ngộ phải gió độc nên đã ốm trầm trọng. Tuần tráng nghe thấy tiếng kêu rên, chạy ra toan bắt, song con dê già phóng xe đi thẳng! Thật là một việc dã man. Nghe đâu con dê già kia sẽ chẳng bao lâu bị truy tố trước pháp luật, vì tuần tráng có trông thấy số xe. Bản báo chờ cuộc điều tra của nhà chức trách sẽ nêu lên đây các tên tuổi đáng lưu truyền sử xanh của con dê già ấy. Hiện giờ cô bé bị hiếp đã được điều dưỡng tại nhà thương. Và được tin gì bản báo sẽ đăng tiếp.” [7, 29-30] Chừng ấy thôi chưa đủ, mà sự dâm đó ngay cả con của Hách – Vạn Tóc Mai cũng đã phải thốt lên: “Ồ, thật đấy mà! Cái thằng cha ấy nó đẻ ra moa, chính là một phút điên rồ của xác thịt đấy!” [7, 59]. “Cũng vì thế mà lúy bỏ ma me, để ma me nghèo, chết, rồi bây giờ lúy lại chực từ nốt cả moa! Các đằng ấy bảo vì lẽ gì tớ lại không rửa thù? Lúy đẻ ra moa mà lúy chẳng bao giờ thèm nghĩ gì đến moa cả!” [7, 59] Cái tính ấy đã quá lừng lẫy nên lời bàn ra tán vào cũng không phải là ít, ông chủ tờ báo Cùng dân đưa đón: “Cứ kể như ông Nghị ấy thì cũng quá thật. Có con mà lại không nhận con thì thật là phạm một tội đại ác. Mà khi ông cụ ấy sợ phải nuôi con như thế thì sao lại còn cứ dâm đãng quá sức... Tôi chắc ông cụ ấy rắc con trong thiên hạ cũng đã khá nhiều...” [7, 61] Cái dâm của Hách thật không biết bàn vào đâu cho hết, khi cưới Mịch về trong lúc bụng mang dạ chửa nhưng cái tính đa dâm vẫn không bỏ được. Vũ Trọng Phụng đoạn có tả: Nghị Hách cười một cách đa dâm mà rằng: “Ông... Ông lại... hiếp cho chuyến nữa bây giờ” Đối với Hách đôi lúc thiếu gái còn khổ hơn là người nghiện thiếu thuốc phiện? Có lẽ vì thế mà trong Tiểu vạn trường thành của y mới có một khu “nhà chứa” sang trọng để chứa 11 cô nàng hầu phục vụ cho cái tính đa dâm của Hách. Lại nói về cái tính dâm dật của bà Phó Đoan, ta có thể khái quát về sự dâm dật đó của bà Phó Đoan bằng một đoạn tả của Vũ Trọng Phụng: “Còn lai lịch của bà Phó Đoan, thì kể ra nghe cũng hay hay. Hồi đương xuân, bà bị một người lính Tây hiếp, lúc ấy bà mới ở nhà quê ra tỉnh xem hội Đình Chiến. Sau cuộc hiếp trái phép là đến ngay cuộc hiếp đúng luật, nghĩa là cuộc làm phép cưới. Người lính ấy sau thành một ông Phó Đoan. Ăn ở với nhau độ 10 năm, ông Phó Đoan chết, chết trung thành với nhà nước, chết chung tình với vợ, chết như những người yêu vợ quá sức. Rồi bà lấy một ông phán trẻ được hai năm thì ông chồng nội hóa cũng lăn cổ ra chết. Vì lẽ chưa ai thấy được bà có nhân tình, nên những ngọn lưỡi rắn động phao rằng những ngọn lửa tình do những kẻ chim bà không được đã khêu lên, bà bắt ông phán phải rập tất cả. Bà chính chuyên đến nỗi chồng bà kiệt sức, cạn lực, phải trốn xuống suối vàng.” [7, 260] Một người đàn bà đại dâm khiến cho hai người chồng đều phải chết vì “kiệt sức”. Nhưng không, cái tính dâm dục của bà ta nó chảy trong máu của bà ta, cái dòng máu dâm đó không bao giờ có thể khác đi. Khi nghe tin Xuân vì nhìn trộm một cô đầm thay quần áo – vì tính dâm đãng đó của Xuân mà bà Phó Đoan đã nảy sinh cái “lòng thương người” mà đưa xuân về nhà mình. Cái tính dâm như một cái thú của bà nên sau khi nghe Xuân giảng giải rằng Xuân không nhìn trộm cô đầm thay quần áo mà là chỉ đang bịt một cái lỗ ống chì trong buồng tắm của hội viên thì “bà Phó Đoan đứng ngẩn người ra, nuốt sự thất vọng đánh ực một cái.” [7, 275] Cái thú đó không được Xuân thỏa mãn cho nên bà quay về với quá khứ: “Bà nhớ lại cả mấy cái tẽn, cái lầm từ xưa kia... Từ khi bị hiếp, những cảm giác tê mê hiếm có rất khó tả, rất kỳ quái, cứ theo mãi bà như bóng theo người, lâu dần, việc ấy thành một ám ảnh. Bà vẫn ao ước được – bị hiếp nữa mà không bao giờ cái dịp hiếm có ấy lại tái hiện. Thành thử bà chỉ có hiếp chồng chứ quả thật – nói có quỷ thần hai vai chứng giám – bị chồng hiếp cho lần nào” [7, 275] Thất vọng vì Xuân nhưng Phó Đoan vẫn còn tìm cách thử lại lần nữa, bà lên gác tắm nhưng lại bảo xuân ngồi chờ cách buồng tắm chỉ có vài bước chân: “Rồi bà vào buồng tắm, cách chỗ của Xuân ngồi chờ có vài bước chân. Bà cởi quần áo, đội cái mũ cao su bịt kín tóc, vặn nước máy... Từ cái bông hoa sen kẽm, nước trút xuống ào ào! Bà Phó Đoan thỉnh thoảng lại vỗ vào bụng, vào đùi, bì bạch. Rồi, than ôi! Ngược lại – bà nhòm qua lỗ khóa xem bên ngoài động tĩnh ra sao.. thì ra, chăm chú vào cuốn sách ảnh, thằng Xuân cứ ngồi nguyên chỗ” [7, 276] Điều đó đã khiến Phó Đoan thất vọng, bà nghĩ Xuân không phải là một đứa “thông minh”. Cứ nghe đến nhục dục là Phó Đoan lại sáng mắt ra: “Vợ Văn Minh hỏi - Cái anh chàng đã toan làm hại đời một nữ bệnh nhân ấy à? Văn Minh gật đầu: - Phải đấy Bà Phó Đoan trợn trừng hỏi dồn: Ai? Ai? Ai thế?” [7, 301] Từ khi xã hội tư sản phương Tây du nhập, những đứa con của “đời sống vật chất” ấy ra đời: đời sống xa hoa, ăn chơi hư hỏng, bụng mong bị hiếp mà mồm nói kiên trinh (cảnh bà Phó Đoan bị Xuân hiếp, Số Đỏ, chương 17) Bản tính dâm đãng của Xuân Tóc Đỏ, cái tính đó của nó đã có khi còn nhỏ, khi nhìn trộm thím của mình đang tắm nên bị đuổi ra khỏi nhà, sau này nó lại một lần nữa bị đuổi ra khỏi sân quần vì nhìn trộm cô đầm thay quần áo. Tính dâm đãng của Xuân được thể hiện rõ ngay ở đầu tác phẩm như tác giả đã kể: “Là vì Xuân Tóc Đỏ cứ sấn sổ đưa tay ra toan cướp giật ái tình... - ... cứ ỡm ờ mãi! - Xin một tị. Một tị tỉ tì ti thôi! - Khỉ lắm nữa! - Lẳng lơ thì cũng chẳng mòn...” [7, 254] Tính dâm đãng của Xuân cũng chẳng kém xa mấy tính dâm dật của Phó Đoan. Đoạn Tuyết và Xuân đang chim nhau, tỏ tình với nhau ở trong phòng khách nhà Phó Đoan, Phó Đoan biết được sừng sộ lên làm Tuyết hổ thẹn ra về, Xuân đang cơn tức giận lại thấy Phó Đoan đang trong y phục quần áo ngủ mỏng manh, nó có thế lực làm cho cơ thể bà lộ ra hơn là chủ nghĩa khỏa thân thì tính dâm đãng của nó lại nổi lên, nó chẳng biết gì là nghĩa lý, nó nhất định bắt đền. Cái tính dâm đãng đó cộng với tính dâm dật của Phó Đoan đã tạo nên một cuộc dâm ô khó mà chấp nhận, Xuân thì bưng tai giả điếc còn Phó Đoan thì phản đối một cách cương quyết bằng cách khẽ kêu. Đúng là tính cách thâm căn cố đế của Xuân và Phó Đoan. Lại nữa, khi nhắc đến cái tính dâm của Huyền (Làm Đĩ). Huyền có tính dâm từ thuở tám chín tuổi; đến dậy thì, nàng thông dâm với một người anh họ là Lưu chàng này không lấy được Huyền thì tự tử, còn Huyền bị cha mẹ ép gả cho Kim làm tham tá. Không ngờ ngay khi cưới, Kim đã mắc bệnh giang mai nên phải “kiêng”, nhưng nhiều khi lại âu yếm vợ quá, đến nổi khêu thêm lòng dục cho vợ. Thế là tấn bi kịch bạn và vợ: Huyền gian díu với Tân, bạn của chồng. Đến khi chồng biết rõ chuyện, Huyền bị hành hạ phải trốn khỏi nhà đi tìm tình nhân, rồi không gặp bạn tình và hết tiền, nàng đành sa chân vào vòng trụy lạc. Ngay cả Mịch, một cô thôn nữ hiền lành chung tình, sau khi một bước lên “bà lớn” thì tính tình cũng thay đổi trở thành một gian phụ dâm đãng, Mịch thõa mãn nhục dục của mình bằng cách tưởng tượng được chung đụng với những người qua đường. Bên cạnh việc tố cáo sự dâm đãng của con người trong xã hội ở mọi giai cấp Vũ Trọng Phụng đã viết về sự tha hóa nhân cách của con người trong môi trường tiền bạc, tham nhũng. Các nhân vật trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng đều được miêu tả trong sự ảnh hưởng của môi trường, hoàn cảnh sống. Ở đây, sự độc đáo của tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng còn được thể hiện trong cách tư duy, cách suy nghĩ về con người Vũ Trọng Phụng. Trong quan niệm của ông, những “ông chủ, bà chủ”, trưởng giả, đã độc ác, bất nhân, giả dối ngày càng trở lên độc ác, bất nhân giả dối hơn. Những con người vốn lương thiện trong Giông tố, một khi đã rơi vào môi trường sống giàu sang thì y như rằng bị cái bả vật chất làm hư hỏng, tha hóa. Trong Số Đỏ không có ai đáng ra người? Tất cả đều thuộc hạng khuyết tật bẩm sinh về nhân cách (trừ ông Hai và cô con gái). Hạnh phúc của một tang gia như là bản cáo trạng cho xã hội tư sản phù phiếm. Ở đó con người đánh mất nhân tính chỉ còn lại cơ mưu và thủ đoạn. Đám tang mà chẳng thấy ai buồn từ người thân tới kẻ sơ, tất cả đều giống nhau: hả hê, vui sướng như gặp chuyện đại phúc. Hay trong Làm Đĩ, Huyền từ một cô gái con nhà gia giáo nhưng trên những bước trượt dài của cuộc đời, cô đã tha hóa về nhân cách đi vào con đường trụy lạc. Giông tố là thảm kịch về sự thấp hèn bất tín của con người trên mọi lĩnh vực: không ai có thể tin được ai. Từ trong ra ngoài, từ anh em đến cha mẹ, từ vợ đến chồng, cha đến con, tất cả đều sống trong lừa dối, bất mục, một vòng loạn luân khép kín: tội ác và lừa bịp gieo rắc khắp nơi, không thể biết hậu quả chỗ nào mà tránh. Vũ Trọng Phụng mô tả sự tha hóa nhân cách của con người trên toàn diện xã hội, dưới chiều sâu, qua nhiều tầng lớp, nhiều hạng người, mỗi người có một sự tha hóa khác nhau. Những người vốn lương thiện như Mịch, Long (Giông tố) một khi đã rơi vào môi trường sống giàu sang thì y như rằng bị cái bã vật chất làm hư hỏng tha hóa. Mịch từ một cô thôn nữ ngây thơ, hiền lành, chất phác, khi trở thành vợ bé của Nghị Hách, một bước lên “bà lớn”, Mịch cảnh vẻ, quát tháo con ở, ngoại tình với Long. Từ một thôn nữ trở thành một thiếu phụ đa dâm, lãng mạn, xảo quyệt đáng sợ, Mịch dâm đãng như bất cứ người đàn bà có tiền, có thế lực nào. Ngay cả ông bà đồ Uẩn, cha mẹ Mịch ngày trước thanh bần trong sạch, tôn trọng đạo đức thánh hiền, nhưng chẳng cần đến khi ăn phải bã vật chất, bà đồ Uẩn mới nghe tin Nghị Hách “cái con người quyền thế và giàu có nhất tỉnh” sẽ cưới Mịch làm vợ lẽ thì đã “tấp tểnh mừng thầm”, bộc lộ ngay cái nét tâm lý tầm thường, hèn hạ đáng ghét. Ông bà đồ Uẩn thanh bần là thế nay vễnh vao trong chiếc xe hơi của Nghị Hách, dạo phố Hà Nội, như những kẻ giàu mới phất, mặt mũi phởn phơ không kém gì hạng người mà ngày trước ông bà đã khinh bỉ. Chính bản thân Mịch cũng thù ghét cha mẹ ở thái độ đổi trắng thay đen, đã bán khoán mình với giá rẻ cho Nghị Hách để hưởng giàu sang. Vũ Trọng Phụng đứng trên lập trường, quan điểm chủ nghĩa hiện thực khi cắt nghĩa: “người ta thay đổi là vì hoàn cảnh” (Giông tố). Trong suy nghĩ của Long, Mịch thay đổi quá nhanh chóng. Nhưng chính Long cũng tự thấy mình “thay đổi một cách đáng sợ, chỉ trong vòng nửa năm thôi”. Từ một anh hàn sĩ đầy lòng thương đời, ghét cay ghét độc những cái xa hoa vật chất, và căm hờn sự vô tình của bọn trưởng giả đối với nòi giống, Long đã trở nên một kẻ hư hỏng có tư cách con nhà phá của, đem tuổi thanh xuân ra miệt mài những nơi ca lâu tửu quán, và quá nữa, lại đi thông dâm với vợ người, là do Long bị “hoàn cảnh sai khiến”. Trong dòng suy nghĩ triền miên của Long, cả ông đồ Uẩn, cả Mịch, và cả Long “chỉ là bọn người đáng thương hại mà thôi. Hình như trong đời vẫn còn một sức mạnh huyền bí gì đó, vẫn cầm quyền cuộc đời, đến nổi không ai tự chủ nữa. Có một tâm hồn vững chãi... mấy ai có được? Mấy ai mà chống chọi nổi với hoàn cảnh”. Trong Số đỏ cũng vậy tất cả đều thuộc hạng người bẩm sinh về nhân cách, chỉ ham chạy theo phong trào Âu hóa rởm hợm. Một lũ người tha hóa về nhân cách, đối với họ “hấp hối não lòng hơn tắt thở” nên từ trên xuống dưới đều mong sự ra đi sớm của cụ cố tổ. “Cụ Hồng phân trần: - Nên tôi mong cho cụ tôi về đi, là vì cụ tôi chết sớm ngày nào hay ngày ấy chứ sống mà ăn không được, ngủ không được, lúc nào cũng kêu rên, nằm đâu thì phóng uế ra đấy, thì sống mà làm gì!...” [7, 300] Cụ cố Hồng muốn cụ tổ chết đi là chỉ để khoe cái danh dự của mình, là con trai cả đã lớn và được tổ chức một đám tang linh đình để khoe mã bề ngoài, còn Tuyết thì muốn mặc bộ đồ lễ tang tân thời, cậu Tú Tân thì vì chỉ muốn sử dụng cái máy ảnh của mình... Cái xã hội Việt Nam đương thời con người dường như dần tha hóa, cái cuộc đi đưa tang cụ cố tổ chẳng khác nào đi đến cái tận thế biến chất của xã hội thượng lưu đương thời. Cảnh đám tang đó như là một biểu hiện rõ nét về sự tha hóa nhân cách của một gia đình đại bất hiếu. Vậy là trong ý thức thường trực của Vũ Trọng Phụng, Hoàn cảnh xã hội những năm 30 của thế kỷ trước, nếu không là miếng đất tốt để cho cái ác, cái xấu, cái dâm, cái đểu, giả dối phát triển thì cũng là môi trường làm tha hóa, làm thui chột bản chất tốt đẹp của con người. Vũ Trọng Phụng là nhà văn đầu tiên đã phanh phui tính người nơi con người, kể cả những con người được coi là hiền lành chân thật. Vũ Trọng Phụng đã tả chân một xã hội hai mặt với những con người hai mặt. Chương 3: Các yếu tố nghệ thuật thể hiện chủ đề trong Giông tố, Số đỏ, Làm đĩ 3.1 Không gian, thời gian Không gian, thời gian là những phẩm chất quan trọng định tính của hình tượng nghệ thuật, đảm bảo cho việc tiếp nhận toàn vẹn thực tại nghệ thuật và tổ chức nên kết cấu của tác phẩm. Nghệ thuật ngôn từ thuộc nhóm các nghệ thuật động, các nghệ thuật thời gian. Nhưng hình tượng văn học, về mặt hình thức được khai triển trong thời gian, về mặt nội dung nó tái tạo bức tranh vừa không gian vừa thời gian về thế giới, hơn nữa, lại tái tạo ở bình diện giá trị tư tưởng. Không gian, thời gian là hình thức tồn tại của thế giới vật chất, con người bao giờ cũng tồn tại giữa một không gian và thời gian xác định. Trong tác phẩm văn học không thời gian nghệ thuật chính là nơi để cho nhân vật tồn tại và vận động, đồng thời là phương tiện nghệ thuật để tái hiện đời sống. 3.1.1. Không - thời gian trong Số đỏ Với Số đỏ, bối cảnh xã hội thành thị bao trùm không gian nghệ thuật. Nhà văn dàn dựng không gian nghệ thuật trong khí thở của đô thị. Bất cứ xã hội nào dù văn minh hay lạc hậu đến đâu, bao giờ cũng có không gian nhất định của mình. Đó là không gian hiện thực. Tác phẩm mở đầu bằng một vỉa hè phố Tây: mấy người bán nước chanh ế ẩm, ông thầy số ngồi ngáp ngắn ngáp dài, cô hàng mía mau mồm mau miệng... còn lũ ve sầu thì ca nhạc mùa, trong lúc đó từ sân quần vợt vang lại tiếng banh bồm bộp. Hai cảnh khác biệt nhau của hai thế giới: sân quần của kẻ giàu và quyền lực, với vỉa hè của đám dân nghèo, họ có biên giới là hàng rào cây chuối. Nếu như bối cảnh thành thị qua phần đầu chỉ là nét chấm phá, thì lúc Xuân tóc đỏ bước vào dinh cơ của bà Phó Đoan, người đọc khó đoán trước được đó là cả một một khoảng trời đang mở ra với nhân vật. Thay vì thế giới cư dân chật hẹp trong nhà lao hay vỉa hè phố, thế giới cư dân “thượng lưu” nhí nhố hơn, sinh động hơn, và rộng ra hơn là xã hội đang “hóa mình”. Từ không gian của bình dân, thâm nhập vào không gian mới, không gian đa chiều của đời sống thành thị. Tác giả minh chứng hóa cụ thể và sâu sắc bức tranh xã hội qua từng địa điểm nói: tiệm ăn Hàng Buồm, câu lạc bộ Tây_Ta, sân quần vợt. Ngòi bút của Vũ Trọng Phụng tung hoành ngang dọc một cách hứng thú, mỗi nét vung lên là một lần giúp thêm thành thị điêu ngoa, bịp bợm. Bức tranh Số đỏ diễu qua từ đầu đến cuối là bức vẻ xã hội đã được phóng lên, mang tính phúng dụ trong ý nghĩa toàn cảnh. Một trong những yếu tố cấu thành bức tranh rộng lớn đó là những vùng không gian hẹp, được tác giả dày công xây dựng, mang tính chất tiêu biểu và đầy sức thuyết phục. Hiệu may Âu hóa là một điển hình của không gian hẹp, nơi đây diễn ra cuộc “cải cách xã hội” bằng thời trang “làm tăng vẻ đẹp, không cốt che đậy”. Hay khách sạn Bồng Lai, nơi phụ nữ “giải phóng mình”. Không gian hẹp chú trọng khai thác ở nhiều cách biểu hiện, nơi chốn khác nhau, tạo cho mỗi địa điểm từng đường nét riêng, góp phần minh họa cho sự phong phú của câu chuyện. Tổng cục thể thao là nơi để nghe các “anh tài thể thao” khoe danh hợm. Sân quần của Hà Thành là nghị trường ngoại giao và chính trị, quần vợt... Trong giới hạn của không gian hẹp của tác phẩm, đáng chú ý là nhà cụ cố Hồng, đây là không gian xuyên suốt nhất, được lặp đi lặp lại nhiều lần, nhất là những chuyện xảy ra trong ngôi nhà này, đều có quan hệ dây mơ với diễn biến toàn cục của tác phẩm. Cùng với việc xây dựng không gian nhà cố Hồng, nhà văn còn thành công trong bước tạo ra những cảnh tượng không gian phụ khác: nhà bà Phó Đoan, Sở nhà đoan, chùa, tiệm may Văn Minh... làm cho hình tượng không gian nổi bật và không bị đơn điệu, tạo nên sự hài hòa lẫn nhau tưởng không thể thiếu được, góp phần tạo nên chỉnh thể không gian của Số đỏ, xã hội thành thị Việt Nam. Tóm lại, không gian nghệ thuật trong Số đỏ là không gian đa chiều, được kết cấu trên nền không gian rộng, tù phạm vi nhỏ đến bối cảnh lớn, hài hòa, phối dáng cho nhau, làm nên một không gian sinh động và hết sức thuyết phục. Nếu không gian là một hiện thân tự nhiên cho bối cảnh xã hội của truyện, tất yếu không gian không thể tách rời khỏi thời gian. Vũ Trọng Phụng đã đan cài bao cảnh đời, bao số phận nhằng nhịt trong thời gian diễn ra chưa đầy năm tháng. Thời gian trong Số đỏ gấp gáp, hối hả, lăn vào những biến động xâu chuỗi, đột ngột và hoang tưởng. Nhà văn không chọn quá khứ làm đòn bẩy, trong khi đó tương lai đã có sự phác họa của hiện tại và thời gian chạy dồn dập của hiện tại trở thành cốt lỏi để xây dựng cốt truyện và các nhân vật. Hiếm có thời gian ngắn trong vòng năm tháng mà một tên ma cà bông chuyên nhặt bóng trong sân quần lại trở thành vô địch Đông Dương và cứu nguy cho cả dân tộc. Vì gấp gáp thế, thành đạt thế, nên bên trong nhịp điệu thời gian như là bóng ma khủng khiếp, thấp thoáng những toàn quyền vua, thống sứ, có sức điều khiển từ xa, xa lắm. Cho thấy nhịp chảy thất thường của thời gian xã hội trở thành trung tâm hình tượng của thời gian. Nếu chú ý ta sẽ thấy những sự kiện xảy ra đến chớp nhoáng, con người thì hấp tấp, vội vã đến tưởng chừng không thể nào hơn. Nhà văn luôn kiến tạo ngôn ngữ chỉ thời gian với tinh thần các sự kiện đó. Trong tác phẩm, bên cạnh cái không gian ngậu xị, huyên náo, còn là những trạng từ, liên từ, phó từ, chỉ sự biến thiên của thời gian “bỗng”, “đột nhiên”, “vừa lúc ấy”, “đột ngột’... tác giả sử dụng như là một phương tiện hữu hiệu khi mô tả: “chợt có tiếng gõ cửa”, “Tuyết chợt nhìn ra xa”, “Xuân tóc đỏ bỗng thấy ông thầy số”... Thời gian và sự kiện trong tác phẩm trôi qua vùn vụt, chưa kịp ghi lại ấn tượng này đã có sự kiện khác ập đến, xô bồ và quấn quýt nhau chạy mãi, tưởng đứt hơi đi được. Sự chồng chéo lên nhau, những lớp sự việc, con người và ấn tượng mạnh, bộc lộ chiều hướng vận động của cơn giẫy giụa, ngắc ngoải... 3.1.2. Không - thời gian trong Giông tố Giông tố bao quát hiện thực trên bình diện lớn, phức tạp. Với nhiều địa bàn, nhiều mảng đời sống, nhiều tầng lớp xã hội. Với cuốn tiểu thuyết dày dặn này, nhà văn xây dựng nên bức tranh toàn cảnh về xã hội Việt Nam đương thời. Câu chuyện trải ra từ nông thôn đến thành thị, trong nhiều khung cảnh rất khác nhau. Bấy nhiêu khung cảnh là bấy nhiêu môi trường sống, hoạt động của khá đông nhân vật thuộc đủ các tầng lớp xã hội. Và đằng sau những nhân vật có tên tuổi, diện mạo cụ thể đó, thỉnh thoảng hậu cảnh sân khấu Giông tố lại hé ra những đám đông thuộc một xã hội con con nào đó được vẻ bằng những nét kí họa sắc sảo, vừa là ngòi bút tả chân linh hoạt, vừa là ngòi bút tiểu phẩm châm biếm của nhà văn đầy tài năng. Ông vẽ lên một không gian rộng từ nông thôn “xôi thịt” đến thành thị “bơ sữa” trải rộng ra cả vùng đồi núi trung du đến miền biển. Bao quát cả xã hội Việt Nam những năm 30. Một không gian thoáng nhưng cực kì ngột ngạt. Không gian nông thôn thì ngèo nàn, u tối, người dân lam lũ, gia đình ông đồ Uẩn là một không gian hẹp tượng trưng cho không gian của làng quê, chật chội và khổ sở. Cảnh làng quê hiện lên trong tác phẩm như cảnh Mịch đi vớt bèo, cái làng đó nhỏ đến mức tất cả mọi người đều biết mặt nhau. Ở đây bần dân sống vất vả mà ngay từ đầu tác phẩm, tác giả đã giới thiệu cho chúng ta: “một đêm tịch mịch, trên con đường quan lộ, mà thỉnh thoảng mới có một vài cây xoan không lá khẳng khiu và tiều tụy như thứ cây trong những bức họa về “cảnh chết” trong thời gian để nghỉ ngơi đó con người vẫn phải đi gánh rạ đêm”. Và ngay như chúng tôi đã nói từ đầu thì không gian chính là nơi để cho nhân vật tồn tại và hành động. Chính cái không gian đó cũng bắt đầu thay đổi cuộc đời của Mịch. Không gian làng quê là vậy, nhưng khi chuyển qua không gian thành thị thì trái ngược. Ở đây nhầy nhụa chỗ sáng, chỗ tối phân tranh nhau, nhưng nỗi bật nhất là dinh cơ của Tạ Đình Hách, nó chẳng khác nào một Tiểu Vạn Trường thành với biết bao xa hoa lộng lẫy: những luống hoa cỏ tóc tiên, bể thả hoa sen, liễu mọc bên hồ, chim cảnh... lại còn cả những luống hoa in chữ TĐH, từng đó thôi cũng đủ thấy cảnh sống bá chủ của y. Màu tối len lỏi vào cuộc sống xa hoa của thành thị, đó là cái xã hội “làng bẹp” trên tiệm hút Mã Mây “một xã hội thất vọng trụy lạc, muốn làm cho những điều thất vọng phải tan ra thành khói”, rồi cái ăn chơi trác táng trong một chầu hát xóm Khâm Thiên “toàn những thiếu niên trí thức, tú tài, giáo sư...” mà lại lăn lóc trong một cuộc cuồng dâm dữ dội, một buổi dạ yến long trời lở đất. Hay những cảnh xa hoa trong bữa tiệc của Hách. Cảnh tối tăm ở chốn quan trường khi Hách đút lót quan để rữa sạch tội trạng cho mình. Không gian ở trong cảnh trọc phú Tạ Đình Hách phát chẩn cho bần dân thật là một không gian đặc sắc, thu nhỏ của xã hội Việt Nam đương thời để nói lên sự đểu cáng của giai cấp bốc lột. Giông tố có nhiều đoạn miêu tả không gian thật sống động, linh hoạt, đọc là nhớ mãi. Như cảnh xử kiện của quan huyện già Cúc Lâm, cuộc tiếp kiến quan Công sứ và Tổng đốc của Nghị Hách, cuộc hội kiến của Nghị Hách và tên thực dân cáo già, đại diện một Công ty tư bản, bữa tiệc mừng Nghị Hách được huy chương, cảnh Vạn tóc mai tiếp Hải Vân... đều rất sinh động, như hiện ra mồn một trước người đọc. Từ không gian xa hoa, không gian của thuốc phiện và gái điếm tác giả đi vào không gian của cảnh công nhân ở Hòn Gai, một sự bốc lột tàn nhẫn: “Thằng nào phản đối thì đổi nó vào kíp đêm... Không thì loại vợ con chúng nó ra...” Thời gian trong Giông tố là một thời gian dài liên tiếp, dồn dập những biến cố, sự kiện đầy biến động, tất cả đều quay cuồng điên đảo như trong một cơn lốc. Thời gian trong Giông tố kéo dài tận hai mươi mấy năm, khi Tạ Đình Hách còn là một anh cai thợ nề và thời gian cứ thế dần trôi, bây giờ đã trở thành một trọc phú. Thời gian dài này bao trong nó là những đoạn thời gian ngắn. Cụ thể là, thời gian ở làng Quỳnh Thôn sau khi Mịch bị hiếp, chỉ hai hôm sau mà bộ mặt của làng Quỳnh Thôn như biến dạng hẳn, xung đột diễn ra giữa những người làng, giữa hương chức trong làng, gia đình ông đồ Uẩn. Mô hình thời gian trong Giông tố được tác giả thiết kế theo kiểu hiện tại - quá khứ - hiện tại. Sau thời gian hiện tại trọc Phú Tạ Đình Hách đang sống, tác giả quay ngược thời gian về quá khứ của lão, nhưng sự hồi tưởng đó vẫn không làm đứt mạch truyện: “Nghị Hách ngước mắt lên, đăm đăm nhìn bạn. Ông già thở dài một cái rồi cúi đầu. Hai người ngồi yên lặng hồi lâu, trí não cũng quay về quá khứ, hai mươi sáu năm về trước Nghị Hách mới 22 tuổi” Từ quá khứ đó mạch truyện quay về với hiện tại một cách khôn khéo không bị lạc sự kiện. Thời gian ở đây thật là gấp gáp, các sự kiện nối tiếp nhau, Mịch bị hiếp rồi sau đó làm lẽ của Hách, Long từ một người trí thức, chung thủy trở thành một tay chơi sa đọa... Đáng chú ý là nhịp độ vận động trong Giông tố rất khẩn trương, gấp gáp, sự kiện diễn biến bất ngờ, đầy kịch tính, gợi ấn tượng sâu về cuộc đời điên đảo, thế sự thăng trầm. Đó chính là đặc điểm trong cảm quan hiện thực, trở thành ý thức trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng. Tuy cuối cùng nhà văn nghĩ đến “bàn tay Thiên Hoàng” song dù sao ông cũng chứng tỏ ông đã cảm nhận được mạch đập hối hả, rối loạn như những cơn sốt của xã hội đang hết sức quay cuồng. 3.1.3. Không - thời gian trong Làm đĩ Không gian trong Làm đĩ so với Giông tố và Số đỏ là một không gian hẹp hơn, chủ yếu là không gian đời tư. Dù thế nhưng nó vẫn bao quát được một mãng của đời sống xã hội lúc bấy giờ. Mở đầu tác phẩm là không gian của các nhà chứa nhưng hết sức kín đáo, những nơi ô trọc nhưng lại được đánh bóng bên ngoài bởi sự thanh tao mà không một dân chơi nào có thể biết được. Từ không gian đó tác giả trở lại không gian của quá khứ qua thiên kí sự của Huyền. Một không gian ê chề, một gia đình không hạnh phúc, bố dẫn gái về nhà, mẹ buồn bực bỏ về quê, anh trai thì theo bọn mất dạy... trong khi Huyền lại đang viết một bài luận Pháp văn tả về một gia đình hạnh phúc. Cái không gian trong gia đình đó cũng là không gian tình tứ cho sự xuất phát tình yêu của Lưu đối với Huyền. Trong một không gian chật hẹp mà diễn ra biết bao nhiêu là chuyện. Không gian đó cũng là không gian hình thành nên tính dâm của Huyền do cách giáo dục không tốt của gia đình. Làm đĩ có cả không gian của xã hội đang trên đà chuyển mình đi theo phong trào Âu hóa rởm hợm, nó được biểu hiện qua sự thay đổi của Huyền và các chị em vào thời đó qua cách thay đổi mốt quần áo, bằng chứng đó là phụ nữ trong Làm đĩ đã thay đổi màu quần của mình sang quần màu trắng, qua các cuộc chơi bời của vợ chồng Huyền ở tiệm khiêu vũ, chợ phiên... Ngoài ra nó còn là không gian thành thị của giới thượng lưu, được minh chứng ở vợ chồng Huyền trong cách ăn chơi coi tiền như cỏ rác: xem chiếu bóng, ăn cơm Tây, khiêu vũ, nhảy đầm, đánh cá ngựa, chơi chợ phiên... Thời gian trong Làm đĩ thay đổi thường xuyên từ cảnh xa hoa trụy lạc, lại cảnh sống trong quá khứ của Huyền, rồi quay lại với thực tế. Sự thay đổi thường xuyên đó cho ta thấy được một xã hội đang vận động trong sự trì trệ mặc dù nó không mang tầm vĩ mô như trong Giông tố và Số đỏ. Thời gian trong tác phẩm phần nào giống mô hình về thời gian trong Giông tố hiện tại - quá khứ - hiện tại. Sự đan xen đó làm cho ta cảm nhận được sự tàn nhẫn của thời gian. Từ thời gian hiện tại tác giả đưa ta về thời gian quá khứ, thời gian đó nối tiếp nhau, xâu kết cuộc đời của Huyền, từ khi đang tuổi dậy thì, đến khi ra đời, cho đến khi lấy chồng, rồi đến lúc rơi vào trụy lạc, khoảng hồi ức của Huyền nằm gọn trong thiên kí sự của nàng. Dù thời gian đó xâu chuỗi lại tạo thành cuộc đời của Huyền, nhưng trong khoảng thời gian đó ta cũng nhìn thấy sự biến đổi của xã hội, thời gian cứ diễn ra đều đều, sự kiện cũng không đến nỗi lật trái một cách nhanh chống như trong Giông tố và Số đỏ nhưng cũng đủ cho ta thấy được không gian và thời gian của xã hội đương thời. 3.2. Kết cấu Kết cấu chỉ sự sắp xếp, phân bố các thành phần hình thức nghệ thuật – tức là sự cấu tạo tác phẩm, tùy theo nội dung và thể tài gọi là kết cấu. Kết cấu gắn kết các yếu tố của hình thức và phối hợp chúng với tư tưởng. Các quy luật của kết cấu là kết quả của nhận thức thẩm mỹ, phản ánh những liên hệ bề sâu của thực tại. Kết cấu có tính nội dung độc lập; các phương thức và thủ pháp kết cấu sẽ cải biến và đào sâu hàm nghĩa cái được mô tả. Bất cứ một tác phẩm văn học nào cũng có một kết cấu nhất định. Kết cấu là phương tiện cơ bản và là tất yếu của khái quát nghệ thuật. Kết cấu đảm nhiệm các chức năng rất đa dạng: bộc lộ tốt chủ đề và tư tưởng của tác phẩm; triển khai trình bày hấp dẫn cốt truyện; cấu trúc hợp lý hệ thống tính cách; tổ chức điểm nhìn trần thuật của tác giả; tạo tính toàn vẹn của tác phẩm như là một hiện tượng thẩm mĩ. 3.2.1 Kết cấu đối lập, tương phản Bức tranh Số đỏ hiện lên với những cảnh đối lập nhau, sự đối lập đó đã xuất hiện ngay từ đầu tác phẩm khi tác giả miêu tả về khoảng cách giữa dân nghèo và giới thượng lưu chỉ cách nhau bởi một hàng rào cây chuối ngăn chia cho đời sống của giới thượng lưu với những người buôn bán ở vỉa hè. Ngay cả cuộc đời của Xuân cũng đã hiện lên cả một sự tương phản trước và sau khi bước vào giới thượng lưu là khác nhau hoàn toàn. Đối lập với tang thương là hạnh phúc của một gia đình đại bất hiếu, cái chết của cụ cố tổ làm cho nhiều người rất hạnh phúc, mỗi người có một hạnh phúc riêng không ai giống ai. Chẳng hạn cụ cố Hồng, vì là cụ cố nên luôn đóng vai già yếu, tuy tuổi chưa bao nhiêu. Cụ hạnh phúc mơ ước đến ngày mặc đồ xô gai, lụ khụ chống gậy, vừa ho khạc và khóc mếu để cho thiên hạ phải chỉ trỏ: “Úi kìa, con giai nhớn đã già đến thế kia kìa!”, Tuyết thì sung sướng được mặc bộ y phục “ngây thơ”, cậu tú Tân thì mừng quá vì cái máy ảnh mãi hôm nay mới được dùng... Mỗi nét bút của Vũ Trọng Phụng đều tạo nên bởi sự nghịch lý đến mức hài hước giữa người và vật, giữa giả và thật, phi lý và bợ đỡ nhau xúm xít nhau, rồi công kênh cùng dành “vinh dự”. Đó là những vùng hoang tưởng đến khủng khiếp, mà khả năng chỉ ra ở ngòi bút Vũ Trọng Phụng thật là sắc ngọt. Cảnh nhà chùa với đám sư sãi ăn nhậu thịt chó, Xuân tóc đỏ vừa say vừa tỏ ra hào hiệp đi bên cạnh vợ Typn, dù chỉ là những cảnh phụ nhưng lại có giá trị hỗ trợ đắc lực cho việc tạo nên sự tương phản trong tác phẩm. Ở Giông tố, đó là sự đối lập giữa cảnh sống xa hoa của Hách và cuộc sống của bần dân. Hay trong Làm đĩ là sự đối lập giữa không gian tao nhã bên ngoài và sự nhem nhuốc với gái điếm, thuốc phiện ở bên trong “nhà chứa” mà Vũ Trọng Phụng đã giới thiệu ngay từ khi vào tác phẩm, và sự đối lập giữa vẻ bề ngoài và con người bên trong của Huyền, đó là ngày cô đi lấy chồng mặc dù rất đau khổ vì cái chết của Lưu, nhưng trong đêm tân hôn cô vẫn nặn ra được vẻ mặt ngây thơ. 3.2.2. Kết cấu hình tượng Giông tố là một tiểu thuyết mang tầm vĩ mô nên tác giả rất chú ý đến kết cấu hình tượng, nhất là kết cấu hình tượng nhân vật. Nhà văn đã xây dựng nên một Tạ Đình Hách mà tên tuổi của y cho đến nay, có thể nói, chưa có một nhân vật tư sản địa chủ nào trong văn học Việt Nam địch nổi nhân vật Nghị Hách, một con quỷ dâm ô, độc ác, đểu giả, trắng trợn cỡ bạo chúa. Hay là hình tượng của Hải Vân – một người đại diện cho tư tưởng chính trị. Nhân vật được xây dựng theo bút pháp lãng mạn chủ nghĩa. Một con người khôn ngoan và thủ đoạn, nhưng mục đích cuối cùng, lý tưởng cuối cùng là tốt đẹp, là cao cả, là vì Đảng, là giai cấp vô sản toàn thế giới. Ông tống tiền Nghị Hách cũng chỉ vì một vạn đồng cho quỹ Đảng. Ông già Hải Vân lên đường trong một đêm giông tố, phải chăng Vũ Trọng Phụng đã gửi vào hình tượng này niềm ước mơ của mình, sẽ có một cơn giông tố vĩ đại của cách mạng quét sạch toàn bộ cái thế giới tàn bạo, thối nát của tên trọc phú Tạ Đình Hách mà ông vô cùng căm ghét. Có thể xem ông già Hải Vân như là một ước mơ vượt tình thế, một ước mơ nổi loạn của Vũ Trọng Phụng. Trong Số đỏ, kết cấu hình tượng không gian được khoanh vùng chủ yếu trong gia đình của cụ cố Hồng. Trong ngôi nhà này bao nhiêu chuyện đã phát sinh trong truyện, bao nhiêu tính cách đã phát triển. Và hình tượng điển hình Xuân tóc đỏ thì gắn bó với gia đình này với nhiều vai trò kế tiếp nhau: “đốc tờ”, “người có công làm chết cụ tổ”, “anh hùng cứu nước”, “rể tương lai”... Những nhân vật chính của ngôi nhà ấy cũng đa dạng, mỗi tính cách là một biểu hiện cho con người trong thời buổi giao thời, lố lăng. Những chuyện xảy ra ở ngôi nhà này, cũng như những con người đều có quan hệ dây mơ với diễn biến toàn cục không kém phần quan trọng. Một ngôi nhà với nhiều thế hệ nối tiếp nhau đủ ba đời, rồi dâu, rể, hàm gợi đến một xã hội bằng những khuôn mặt đại biểu. Cùng với việc xây dựng không gian nhà cụ Hồng, nhà văn còn thành công trong bước tạo ra nhưng không gian phụ khác: nhà bà Phó Đoan, sở nhà Đoan, chùa, tiệm may Văn Minh làm cho hình tượng không gian xã hội nổi bật và không bị đơn điệu, tạo nên sự hài hòa lẫn nhau tưởng như không thể thiếu được, góp phần tạo nên chỉnh thể không gian của Số đỏ - một xã hội thành thị Việt Nam. Làm đĩ xoay quanh hình tượng nhân vật Huyền, một người có tính dâm đãng từ thưỡ tám, chín tuổi, lớn lên thông dâm với anh họ là Lưu sau bị ép gả cho tham tá Kim, rồi ngoại tình với bạn của chồng là Tân, hoàn cảnh đưa đẩy đành sa chân vào vòng trụy lạc. Huyền là một hiện tượng kỳ lạ Vũ Trọng Phụng tả cô là một gái cực kỳ thông minh, chứ không phải là hạng gái trí khôn thấp kém. Huyền là một gái mà đối với những điều mắt thấy tai nghe, nàng đều hỏi: “Tại sao?” và “Vì đâu?”. Huyền có cái óc sáng suốt và thâm trầm như một nhà bác học, hình tượng của Huyền được tác giả tả là một người con gái lúc nào cũng mơ tưởng những cuộc vui về xác thịt để cho bản năng luôn luôn sai khiến mình. 3.2.3. Kết cấu cốt truyện Giông tố thể hiện một năng lực bao quát hiện thực trên một bình diện rộng lớn, phức tạp, với nhiều địa bàn, nhiều mảng đời sống, nhiều tầng lớp xã hội. Nhìn chung tất cả được thâu tóm trong một cốt truyện chặt chẽ, liền mạch, từ đó tỏa ra trên bề rộng, tạo nên sự phong phú, dày dặn của đời sống xã hội được phản ánh. Các nhân vật có số phận khác nhau song đan kết chằng chéo lên nhau. Tuy bề bộn nhưng tác phẩm không bị xé lẻ, tái mỏng mà khá thống nhất trên một cốt truyện, một tình tiết chủ đạo, mang một không khí, một giọng điệu chung, toát lên một tư tưởng cơ bản chung. Làm đĩ, kết cấu chủ yếu xoay quanh cuộc đời của Huyền, vì đây là cuốn tiểu thuyết luận đề mà nhà văn viết nhằm mục đích giáo dục về tâm lý và đạo đức của con người nên kết cấu đơn giản theo mạch đường thẳng được kể lại dưới thiên ký sự của Huyền. Kết cấu Số đỏ giống như kết cấu của truyện cổ tích: cuối cùng, Xuân tóc đỏ lên ngôi vua, cưới nàng công chúa Tuyết và một nhà phúc lộc gồm hai người, cụ cố Hồng (được một gia tài kếch xù sau khi cụ tổ chết), và bà Phó Đoan dâm dật (cuối cùng được bằng “Tiết hạnh khả phong”). Thật là một truyện cổ tích tân thời vậy. 3.3. Ngôn ngữ Ngôn ngữ là công cụ, là chất liệu cơ bản của văn học, vì vậy văn học được coi là loại hình văn học ngôn từ. Trong tác phẩm văn học, ngôn ngữ là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện cá tính sáng tạo và tài năng của nhà văn. Mỗi nhà văn lớn bao giờ cũng là tấm gương sáng về mặt hiểu biết sâu sắc ngôn ngữ nhân dân. Tính cảm xúc, tính hàm súc, tính đa nghĩa, tính tạo hình và biểu cảm là những thuộc tính của ngôn ngữ văn học. Căn cứ để phân biệt ngôn ngữ văn học với các hình thái hoạt động ngôn ngữ chính là ở chỗ, ngôn ngữ văn học là hình thái hoạt động ngôn ngữ mang ý nghĩa thẩm mỹ. Nó được sử dụng để phục vụ nhiệm vụ trung tâm là xây dựng hình tượng văn học và giao tiếp nghệ thuật. Vì vậy tính hình tượng, tính thẩm mỹ là thuộc tính bản chất, xuyên thấm vào mọi thuộc tính khác, quy định những thuộc tính ấy. Trong Số đỏ, chủ yếu là ngôn ngữ biểu hiện. Tác phẩm kết hợp thành công một lối biểu hiện đa thanh, đa sắc diện, đa âm, trong mục đích chuyển đến người đọc cả xã hội đang hóa thân quái dị, xã hội đó chuyển động hết sức dữ dội. Số đỏ là một biểu tượng ngôn từ độc đáo, mang dấu ấn thời đại sâu sắc. Tạo nên một trường ngôn ngữ trào phúng, châm biếm. Đặc điểm của ngôn ngữ biểu hiện trong Số đỏ chính là ngôn từ trào phúng, cười nhạo. Nhà văn đã sử dụng khối vật liệu ngôn từ đô thị , tạo cho Số đỏ những luồng sóng ngôn từ đô thị độc nhất vô nhị khi đến với người đọc. Trong lúc sử dụng ngôn ngữ đô thị, Vũ Trọng Phụng đã cố làm cho tác phẩm vượt ra khỏi quy cũ của ngữ pháp văn học xưa nay. Giới thiệu nhân vật bà Phó Đoan, tác giả hạ một câu văn chết người: “Bà Phó Đoan dù Nhật, ví da và con chó bước xuống” câu văn cho thấy đặc tính khôi hài được vận dụng tối đa, khi cái “ví da”, “dù Nhật” liên kết với “bà Phó Đoan”, và như thế “chó” sánh với “nhân vật” bước xuống. Cách sữ dụng ngôn ngữ như thế này quả là hiếm có, nhưng tác dụng của nó thì lớn đến mức điếng người. Cũng qua ngôn ngữ, tác giả còn tập trung khắc họa những chân dung không kém phần quan trọng khác. Xây dựng Tuyết là một cô gái “thơ ngây” mà lời ăn tiếng nói cũng thể hiện tính cách nhân vật: “tôi là một trang bán xử nữ”, đối với vị sư tân thời “sư Tăng phú - con người dốc lòng mộ đạo” mà lại nói: “tín đồ nhà phật của chúng tôi bút chiến nguyền rủa nhau là ghẻ ruồi, ghẻ Tàu, ghẻ Lào, hóa hủi, cụt chân, cụt tay, thế cơ”, một vị chân tu mà lại nói: “Bần tăng mà kiện tại tòa thì phải thua hộc máu mồm” rõ ràng vai trò của một vị chân tu đã mờ nhạt. Mĩa mai thay! Số đỏ chứa đựng rất nhiều ngôn ngữ. Đối với Xuân tóc đỏ khi đọc bài diễn thuyết thì ngôn ngữ chính trị khoa trương và rất kêu: “Hòa bình”, “Tổ quốc”, “Hi sinh”, “cao thượng”... nhưng khi bà Phó Đoan mở miệng thì câu chữ nguệch ngoạc: “đấy, mình đọc hai đoản thiên tiểu thuyết của báo chí phải gió ấy mà xem! Tôi chỉ muốn kiện cho nó một mẻ... Nhưng trong đám tang của cụ cố tổ thì ngôn ngữ thật là hỗn tạp, pha trộn nhiều phong cách, có cả tiếng Tàu, Tây, Ta chen lẫn vào cảnh cười tình, chim chuột nhau... Tóm lại, tác phẩm Số đỏ là một hằng số nghệ thuật ngôn từ trào lộng, không chỉ bởi số từ phong phú, đa tầng, đa diện mà còn có khả năng nhạy cảm về ngữ nghĩa góp phần vào di sản văn học dân tộc một tượng đài ngôn ngữ độc đáo. Hằng số đó, chẳng những đổ bóng xuống không gian, thời gian mà còn để lại dấu ấn trên số phận các nhân vật, phản ánh đúng với thực tiễn một thời xã hội thành thị Việt Nam đã qua. Khác với Số đỏ, Làm đĩ thiên về ngôn ngữ trần thuật, ngôn ngữ nhân vật. Đó là sự trần thuật của nhân vật tôi là tác giả và ngôn ngữ của Huyền khi nàng kể về cuộc đời của mình. Vì là loại tiểu thuyết luận đề nên lời trần thuật nhiều, nhân vật thể hiện chủ yếu bằng kể, tả. Ở Giông tố, ngôn ngữ có sự đan xen giữa ngôn ngữ của tác giả và độc thoại nội tâm của nhân vật. Đôi khi ta khó nhận ra đâu là ngôn ngữ tác giả, đâu là ngôn ngữ nhân vật, chẳng hạn như đoạn: “Lão đi đi lại lại như cuồng chân, như con hổ trong cũi sắt, nghĩ đến những cái má hồng mơn mỡn, những cánh tay trắng như ngà như ngọc của mấy cô đào ở Hà Nội. Nếu tài xế của lão biết lo liệu từ trước cho cái xe lúc nào cũng lành lặn hoàn toàn. Vậy mà bây giờ lão phải thẩn thơ giữa đồng không mông quạnh ngắm trăng suông, nhìn sương tỏa, nghe giun kêu, dế khóc...” [7, 11]. Một điểm chung về ngôn ngữ trong Giông tố và Số đỏ đó là: vì đây là tiểu thuyết chính trị, xã hội, tâm lý nên tỉ lệ ngôn ngữ đối thoại cao. Trong Giông tố, để xây dựng đoạn đối thoại khá dài ở nhà ông đồ Uẩn tác giả đã tạo nên bốn đợt cao trào, bốn tình huống có vấn đề qua lời thoại nhân vật: Đợt 1: Chánh hội lên tiếng: “vậy thì ta cứ kiện! Mà thằng chánh này xin thề với cả làng này, nếu thằng chánh này không kiện nổi cái thằng cha dâm ác nào đó, thì thằng chánh này đem mẹ cái triện đồng mà trả lên quan trên. Đợt 2: Trương tuần nhắc nhở: “Quan lại bảo thêm phải giữ cẩn thận 5 cái giấy bạc đồng mà lão chủ xe ấy đưa cho con Mịch thì mới có tang chứng được. À, bác đồ thế số tiền ấy đâu? Đừng có tiêu đi đấy nhé!” Đợt 3: Lí trưởng trả lời chánh hội: “nào biết rồi chúng nó bỏ mẹ hay chúng mình bỏ mẹ” Đợt 4: Đơn đã thảo xong bà đồ ngăn: “biết có ăn thua gì không mà kiện với tụng” Mỗi lời thoại nêu trên làm căng thẳng thêm không khí đối thoại, tạo tình huống mới cho đối thoại, bộc lộ đầy đủ hơn cá tính của các nhân vật tham thoại. và cũng qua cuộc đối thoại trên ta khảo sát thì nó còn chứa bên trong ngôn ngữ của đời thường. 3.4. Giọng điệu Giọng điệu là một phạm trù thẩm mĩ của tác phẩm văn học. Nó đòi hỏi người trần thuật, người kể chuyện hay nhà thơ trữ tình phải có giọng, có điệu. Giọng điệu trong tác phẩm gắn với giọng “trời phú” của mỗi tác giả nhưng mang nội dung khái quát nghệ thuật phù hợp với đối tượng thể hiện. Giọng điệu trong tác phẩm thường có giá trị đa dạng, có nhiều sắc thái trên cơ sở một giọng điệu cơ bản chứ không đơn điệu. [2, 91] Yếu tố giọng điệu được thể hiện trên nhiều phương diện, ở đây chúng tôi tìm hiểu về giọng điệu của tác giả và giọng điệu của nhân vật. Giọng điệu phản ánh lập trường xã hội, thái độ tình cảm và thị hiếu thẩm mĩ của tác giả, đóng vai trò rất lớn trong việc tao nên phong cách nhà văn và có tác dụng truyền cảm cho người đọc. Thiếu một giọng điệu nhất định, nhà văn chưa thể viết ra được tác phẩm, mặc dù đã có đủ tài liệu và sắp xếp trong hệ thống nhân vật. Trong tác phẩm văn học, cũng như ngôn ngữ, giọng điệu của nhân vật là rất quan trọng bởi đó là một trong những phương thức để tác giả xây dựng nhân vật. Qua giọng điệu mà tính cách của nhân vật được bộc lộ một cách đầy đủ chân xác nhất. Bên cạnh đó thì giọng điệu người trần thuật lại giữ vị trí chủ đạo. Qua giọng điệu người trần thuật, độc giả có thể nắm bắt được ý tưởng của nhà văn thể hiện qua những câu chuyện được nói tới. Giọng điệu của nhà văn trong ba tiểu thuyết này thật phong phú, tạo nên đặc sắc cho phong cách viết của ông. Mỗi tác phẩm là một giọng điệu khác nhau và mỗi nhân vật lại có giọng điệu riêng của mình mà không lẫn vào đâu được. Ở Số đỏ, Vũ Trọng Phụng viết bằng giọng văn châm biếm mĩa mai; đôi lúc với chất giọng tưng tửng vừa nghiêm túc, vừa khôi hài, vừa thật, vừa giả, những giọng điệu đó làm cho ta phải bật cười nhưng lại cười ra nước mắt, nụ cười ấy khổ đau hơn tiếng khóc. Tác giả buồn cho sự xuống dốc của một xã hội. Đến Giông tố, giọng điệu của Vũ Trọng Phụng vẫn là giọng điệu mĩa mai nhưng thêm vào đó là giọng triết lý, dạy đời đôi lúc lại lạnh lùng đến tàn nhẫn. Nhưng khi đi vào Làm đĩ, Vũ Trọng Phụng lại viết với giọng tâm tình, tỏ ra thương cảm cho số phận của Huyền. Đi sâu vào giọng điệu nhân vật ta mới thấy hết sự tài tình của Vũ Trọng Phụng mỗi nhân vật là một giọng điệu khác nhau không lẫn vào đâu cho được. Có thể nói có bao nhiêu nhân vật thì có bấy nhiêu giọng điệu từ vua quan, tư sản, Tây chính trị, đến dân làng bẹp, loại ma cà bông, me Tây... có nhiều chủng loại giọng điệu. Khi khảo sát giọng điệu của Nghị Hách ta mới thấy hết bộ mặt của lão. Khi lừa Mịch thì y nói với giọng dụ dỗ: “À, con bán cho quan lớn một bên nhé! Tháo đi rồi quan cho tiền”, khi tiếp chuyện ông già Hải Vân thì Nghị Hách chuyển đổi giọng liên tiếp, lúc đầu là giọng ngạc nhiên “Ông là ai nhỉ?”, kế tiếp là giọng kẻ cả “Thế ông là ai?”, nhưng sau đó lại đổi qua giọng xoa dịu “Tôi vẫn chưa nhớ ra bác là ai đấy!”, khi chứng kiến cảnh vợ ngoại tình Nghị Hách bỗng rú lên với giọng tức tối: “Há! Há! Há!”. Rồi đến giọng của quan huyện, cái giọng đe nẹt có chút gì đó tàn nhẫn thể hiện bộ mặt của bọn quan lại đương chức đương thời: “Con Mịch kia! Trước pháp luật, việc mày như thế là việc làm đĩ không môn bài, vậy mày có muốn làm nhà thổ suốt đời không? Vô phúc thì đáo tụng đình đấy, các con ạ!”. Chúng nó vì tiền, vì quyền bao che cho nhau, chỉ làm khổ cho dân thôi. Hay là giọng khuyên răn của Long khi khuyên Mịch “Mịch ơi! Mịch! Em nên nghĩ lại một chút. Mịch phải biết mới được. Còn danh giá gia đình, còn công cha nghĩa mẹ, những sự ấy không nên một chốc mà hy sinh hết đi”. Trong Làm đĩ, khi Huyền bị chồng phát hiện ra mình ngoại tình thì Huyền nói với giọng van xin “Em lạy anh nghìn lạy! Em quả là đứa khốn nạn, xin anh tha thứ cho!”, chồng của Huyền đáp lại bằng giọng vũ phu: “Được lắm! Thôi, cho đứng lên”. Ở Số đỏ, Xuân - từ một thằng ma cà bông hấp thu luân lý hè phố chợt một bước lên tiên, hắn nói bằng giọng giao tiếp: “Me xừ Xuân, nguyên sinh viên trường thuốc, giáo sư quần vợt, giám đốc hiệu Âu hóa, phụ nữ tân thời!”, nhưng đôi lúc Xuân lại trở về với giọng thành thật, đó là khi cụ cố tổ bỗng dưng ốm nặng: “Thưa cụ, con quả vô học, xưa nay nhặt banh quần, hạ lưu, không biết thuốc ạ!”. Mỗi lời nói của bà Phó Đoan như thể hiện được bản chất dâm dật của bà ta, khi nghe một anh bác sĩ làm hại đời của một cô bệnh nhân thì bà hỏi với giọng ngạc nhiên một cách dồn dập: “Ai? Ai? Ai thế?”. Nói tóm lại giọng điệu chính là thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng đạo đức của nhà văn đối với các hiện tượng được miêu tả thể hiện trong tác phẩm. Giọng điệu của nhân vật giúp ta hiểu sâu sắc hơn tính cách của nhân vật và dễ dàng thấy được thái độ của nhà văn khi viết về nhân vật đó. Từ giọng điệu tác giả và giọng điệu nhân vật xâu chuỗi lại với nhau giúp cho chúng ta nhìn bao quát được sự kiện và tiếp thu tác phẩm một cách hiệu quả nhất. KẾT LUẬN Tuổi đời không dài, tuổi văn ngắn ngủi nhưng với 7 tiểu thuyết, Vũ Trọng Phụng đã khẳng định được vị trí hàng đầu trong nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Ông là nhà văn hiện thực kiệt xuất. Tác phẩm của ông là chiếc gương soi, phản ánh một cách độc đáo, sắc nét, chân thực bức tranh cuộc sống đương thời. Nó không chỉ có giá trị như một nhân chứng, vật chứng của thời đại ông, mà còn là bản cáo trạng đối với chế độ thuộc địa nửa phong kiến, là lời kêu đòi thống thiết phẩm giá, tự do, một cuộc sống xứng đáng không chỉ cho một thời mà cho mọi thời. Những đóng góp của Vũ Trọng Phụng vào quá trình hình thành và phát triển của tiểu thuyết Việt Nam vừa mang tính khai mở, vừa khẳng định tính hiện đại của thể loại này. Với con mắt tinh đời, hiểu đời và với dũng khí, thiên chức của nhà văn, Vũ Trọng Phụng đã dùng ngòi bút của mình mạnh dạn phanh phui cái xấu, cái ác, cái lưu manh, gian trá của xã hội tư sản, Âu hóa nhố nhăng, cảnh tỉnh của những người còn mê muội, những kẻ ngây thơ, vạch trần tố cáo lũ người nhẫn tâm sống trên đau khổ của đồng loại. Tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, lời văn của Vũ Trọng Phụng như những ngọn roi quất thật đau, thật mạnh vào cái xã hội “vô nghĩa lý”, con người “vô nghĩa lý” xung quanh, khiến mọi người luôn cảm thấy bất an và có nhu cầu đi sâu tìm hiểu những vấn đề nhức nhối do nhà văn nêu ra. Với quan niệm nghệ thuật coi “tiểu thuyết là sự thực ở đời”, với tư tưởng nghệ thuật nhạy cảm đặc biệt, với những vấn đề mới nảy sinh trong cuộc sống, thiên về phanh phui cái xấu, cái ác, cái rởm của xã hội, Vũ Trọng Phụng đã thực sự cách tân thể loại tiểu thuyết dựa trên các mặt: không gian, thời gian, kết cấu, ngôn ngữ, giọng điệu, nghệ thuật xây dựng nhân vật... Tiểu thuyết Giông tố, Số đỏ, Làm đĩ những kiệt tác không chỉ của một trào lưu văn học, mà là của cả một nền văn học thế kỷ. Chúng là cột mốc đánh dấu một tài năng lớn và độc đáo, một bản lĩnh nhà văn dày dặn, góp phần đưa tiểu thuyết Việt Nam còn trẻ đến một trình độ mới, vững chãi, và có ảnh hưởng không nhỏ đối với những nhà tiểu thuyết đến sau. Vũ Trọng Phụng rất nhạy cảm với những tệ nạn xã hội lúc bấy giờ. Ông phanh phui hết những tệ nạn của xã hội, từ nạn tham nhũng, cho đến các thủ đoạn bỉ ổi của những quan thực dân cáo già hòng che đậy tội lỗi của mình trước dân chúng, hay những chính sách ghê tởm của thực dân pháp như phong trào Âu hóa, vui vẻ trẻ trung làm cho nhân dân ta mất hết ý chí chiến đấu. Nào là nạn thuốc phiện, gái điếm, nhà săm, vũ trường đều bị Vũ Trọng Phụng lên án, tố cáo gay gắt. Qua Giông tố, Số đỏ, Làm đĩ ta thấy xã hội Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 là xã hội rối ren về chính trị, bần cùng về kinh tế tạo nên những mâu thuẫn lớn trong xã hội, người ăn không hết kẻ lần không ra, làm nảy sinh nhiều tệ nạn mà chủ yếu tập trung ở thành thị. Vấn nạn về đạo đức trở thành vấn đề nổi cộm, chưa bao giờ đạo đức lại trở nên xa xỉ như trong những tác phẩm trên của ông, con người trong cái xã hội “chó đểu”, “vô nghĩa lý” đó đã biến thái về đạo dức. Họ đã bị chính sách mị dân của bọn thức dân làm lu mờ hết luân lý truyền thống của dân tộc. Cái dâm và sự tha hóa của con người len lõi vào khắp xã hội từ nông thôn đến thành thị. Cuộc “cải cách xã hội” thay đổi những mốt âu phục “cốt thời trang chứ không cốt che đậy”, chính những thay đổi của xã hội làm cho con người trở nên dâm ô, và chính đồng tiền vạn năng đã làm thay đổi biết bao nhân cách của con người. Giông tố, theo Vũ Trọng Phụng là “chó đểu”, “vô nghĩa lý” – xã hội đầy rẫy những bất công và tàn bạo, đã sinh ra và dung dưỡng Nghị Hách để cho loại địa chủ tư sản có cơ hội gây ra nhiều tội lỗi. Tất cả những chi tiết trong Giông tố quay cuồng như một thước phim xã hội, đắm chìm trong sự phi nghĩa, vô đạo đức với muôn vàn sự xấu xa, dâm tục của xã hội nữa phong kiến.Với tám mươi sáu nhân vật chính và rất nhiều nhân vật không có tên tuổi. Giông tố bao quát, nắm bắt về thế giới con người một cách sâu sắc, và thông qua cách thể hiện nhân vật Nghị Hách đã thể hiện bản lĩnh đả kích và phê phán mạnh mẽ của Vũ Trọng Phụng. Tất cả điều này tạo nên những chi tiết và những sự kiện nóng hổi, tác phẩm vạch nên sự cấu kết giữa thực dân phong kiến và tư sản mại bản, vạch trần lối kinh doanh xảo quyệt của bọn thực dân Pháp. Số đỏ đánh vào phong trào Âu hóa vui vẻ trẻ trung được nhà nước thực dân lúc đó chủ trương và đề xướng. Trong con mắt của Vũ Trọng Phụng, Âu hóa đồng nghĩa với bịp bợm. Số đỏ ôm trọn mảng thành thị với tất cả những ngỏ ngách, xó xỉnh từ nhà ra đường, từ khách sạn ra công viên. Với nhiều sự kiện được miêu tả, Vũ Trọng Phụng vạch trần chân tướng xã hội “Âu hóa” là một sân khấu của tất cả đại thảm kịch, của những địa ngục của Hà thành, một xã hội mà đạo đức và nhân cách con người bị đồng tiền và quyền lực lấn át. Làm đĩ kể về Huyền một cô gái có học xinh đẹp, con nhà gia giáo từ khi trẻ thơ đến lúc trưởng thành và lập gia đình. Sau đó sa chân vào chốn bùn nhơ cuối cùng chấp nhận cuộc sống “làm đĩ”. Làm đĩ – cuốn sách có trách nhiệm và đầy nhân đạo, mà ngay lời tựa Vũ Trọng Phụng có viết: “Làm đĩ là một thiên tả chân tiểu thuyết mục đích là hô hào đạo đức và bậc làm cha mẹ lo chăm đến hạnh phúc của con cái và phải để ý đến cái sự mà những thành kiến hủ bại vẫn coi là điều bẩn thỉu, tức là cái sự dâm” Vũ Trọng Phụng với những thành tựu xuất sắc đã góp phần quan trọng trong lĩnh vực tiểu thuyết. Ông có khả năng viết đúng đắn sâu sắc các mối quan hệ xã hội và sắc sảo khám phá nhiều mặt bản chất của xã hội. Ngòi bút của ông rất tỉnh táo và giàu bản lĩnh. Trong dòng văn học Việt Nam, Vũ Trọng Phụng đã có những đóng góp to lớn góp phần vào việc làm phong phú thêm kho tàng văn học hiện đại Việt Nam. Nhắc đến văn học 1930 – 1945 chúng ta không thể không nhắc tới Vũ Trọng Phụng với tư cách là một tác giả lớn. Tài liệu tham khảo 1. Phan Cự Đệ - Trần Đình Hượu - Nguyễn Trác - Nguyễn Hoành Khung - Lê Chí Dũng - Hà Minh Đức (2008), Văn học Việt Nam 1900 - 1945, Nxb Giáo Dục. 2. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (1992), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 3. Đỗ Đức Hiểu (Chủ biên, 2004), Từ điển văn học, Nxb Thế giới 4. Đinh Lựu (2004), Nghệ thuật tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng, Nxb Giáo dục. 5. Phương Lựu (Chủ biên, 2006), Lý luận văn học, Nxb Giáo dục. 6. Nghiêm Xuân Sơn (2006), Tuyển tập Vũ Trọng Phụng (1), Nxb Văn học, Hà Nội. 7. Nghiêm Xuân Sơn (2006), Tuyển tập Vũ Trọng Phụng(2), Nxb Văn học, Hà Nội. 8. Trần Đăng Suyền (2003), Nhà văn hiện thực đời sống và cá tính sáng tạo, Nxb Văn học. 9. Trần Hữu Tá (1999), Nhà văn Vũ Trọng Phụng với chúng ta, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, Hồ Chi Minh. 10. Nguyễn Ngọc Thiện (2003), Vũ Trọng Phụng về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo Dục. 11. Nhà văn hiện đại, tập III, Vĩnh Thịnh in lại, 1951 12. Trang web Google.com.vn MỤC LỤC

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docTieu Luan Anh.doc
Tài liệu liên quan