MS: LVVH-VHVN067
SỐ TRANG: 155
NGÀNH: VĂN HỌC
CHUYÊN NGÀNH: VĂN HỌC VIỆT NAM
TRƯỜNG: ĐHSP TPHCM
NĂM: 2010
CẤU TRÚC LUẬN VĂN
LỜI TRI ÂN
MỞ ĐẦU
1. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI
2. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ
3. Đối tương và phạm vi nghiên cứu
4.Phương pháp nghiên cứu
5. Đóng góp của đề tài
6. Cấu trúc luận văn
CHƯƠNG I: NHỮNG VẤN ĐỀ KHÁI QUÁT
1. Khái niệm “nhân văn”
2. Khái niệm “con người nhân văn”
3. Vấn đề “con người nhân văn” trong tiến trình văn học trung đại
4. Thời đại, vị trí, vai trò của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Du trong tiến trình văn học trung đại.
CHƯƠNG II: CON NGƯỜI NHÂN VĂN ĐẸP TRONG Ý THỨC TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI TRÍ THỨC ĐỐI VỚI CUỘC ĐỜI.
1. Nguyễn Trãi với tấm lòng ưu ái “đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông”
2. Nguyễn Bỉnh Khiêm với nỗi ưu tư về sự tha hoá của nhân cách con người.
3. Nguyễn Du với niềm thổn thức trước thân phận con người
CHƯƠNG III. CON NGƯỜI NHÂN VĂN ĐẸP TRONG TÌNH YÊU THIÊN NHIÊN VÀ LỐI SỐNG HÀI HÒA CÙNG VẠN VẬT
1. Nguyễn Trãi với niềm vui sống giữa thiên nhiên
2. Nguyễn Bỉnh Khiêm với những suy nghiệm quy luật cuộc đời từ thiên nhiên
3. Nguyễn Du với những gửi gắm tâm sự vào thiên nhiên
CHƯƠNG IV: CON NGƯỜI NHÂN VĂN ĐẸP TRONG CÁCH HÀNH XỬ TRƯỚC THỜI THẾ ĐỂ BẢO TOÀN KHÍ TIẾT KẺ SĨ
1. Nguyễn Trãi với lý tưởng cống hiến và tinh thần đại ẩn
2. Nguyễn Bỉnh Khiêm với triết lý nhàn
3. Nguyễn Du với cốt cách của hoa sen giữa đầm lầy
KẾT LUẬN
TÀI LIỆU THAM KHẢO
155 trang |
Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 3085 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Con người nhân văn trong tiến trình văn học Trung Đại qua thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Du, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ìm được “đúng bến” nên tự tin đứng vào chữ “trung”, cũng có nghĩa là đã đạt đến
cuộc sống của một ông tiên trên mặt đất:
“Thanh nhàn dưỡng được tính tự nhiên
Non nước cùng ta đã có duyên
Dắng dỏi bên tai cầm suối
Dập dìu trước mặt tán sen
Xuân về hoa nở mùi thơm nức
Khách đến chim mừng dáng mặt quen
Chỗ ấy thanh nhàn được thú
Lọ là bồng đảo mới là tiên”
(Thơ Nôm, bài 118)
Trở về với cuộc sống nhàn, ông tiên không cầu sự giải thoát mà chỉ cầu sự thích chí,
mong cho “Nội đắc tâm thân lạc; Ngoại vô hình dịch lụy” (Bên trong được cái vui của tâm,
của thân ; Bên ngoài khỏi có cái lụy hình dịch) (Cảm hứng). Tránh cái lụy “hình dịch” tức là
tránh khỏi sự chăm lo phục vụ cho hình xác, không để cho sự ham muốn tầm thường làm cho
vất vả quay cuồng, Nguyễn Bỉnh Khiêm chọn một cách sống vô cùng giản dị, nghĩa là chấp
nhận một cuộc sống nghèo về vật chất nhưng lại rất giàu có về tinh thần. Tuy trước đây, nhà
thơ từng là “khách nơi ngựa vàng nhà ngọc”, từng có lúc hưởng vinh hoa phú quý nơi cửa
quyền , nhưng cuộc sống đó không theo nhà thơ về nơi quán Trung Tân, ngược lại ông sống
giản dị, đạm bạc mà thanh cao, miễn là được vui với cái thú đã tâm đắc từ thuở nào:
“Tính thơ dại cũ hãy còn đeo
Nẻo được nhàn thì kẻo có nghèo
Bến nguyệt thuyền kề hai bãi mía
Am mây cửa khép một cần pheo
Cá tôm tối chác bên kia bến
Củi đuốc ngày mua mé nọ đèo
Khách đến hỏi: nào song viết
Nữa rằng: còn một túi thơ treo”.
(Thơ Nôm, bài 35)
Nhu cầu vật chất được xem nhẹ:
“Cơm ăn chẳng quản mùi xoa bạc
Áo mặc nề chi tấm rách lành”
(Thơ Nôm, bài 85)
Ông nhàn sống yên vui qua ngày với những thức ăn thanh đạm sẵn có trong tự nhiên,
măng trúc đắng thay cho cao lương mỹ vị, áo vải thô thay cho chăn ngự hàn, tôm cá, hươu
nai làm bạn tiêu khiển, lao xao xe ngựa cửa quyền không với tới được:
“Xôi măng trúc đắng thèm thay thịt
Đắp áo sô to lạnh kẻo chăn
Bạn có cá tôm dầu được thú
Cửa chăng xe ngựa bởi khôn quyền”
(Thơ Nôm, bài 19)
Cái ăn, cái mặc không còn là một nhu cầu vật chất mà đã trở thành một nét đẹp văn hóa khi:
“Thu ăn măng trúc đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao”
(Thơ Nôm, bài 73)
Tâm hồn tiêu sái, thích thảng, nhẹ tênh khi con người đã diệt được vật dục và cảm
thấy mãn nguyện với cuộc sống bình dị của mình:
“Giàu cơm thịt khó cơm rau
Yên phận là tiên lọ phải cầu
Sớm uống chè mai hơi ngọt ngọt
Hôm kề hiên nguyệt tỏ làu làu
Vun thông tưới cúc ba thằng mọn
Chở lửa hâm trà một mụ hầu”
(Thơ Nôm, bài 4)
Từ chối công danh là từ chối vinh hoa phú quý, đồng thời cũng cắt bỏ được những
phiền não do cái danh gây ra. Trở về với cuộc sống nhàn, an phận với tháng ngày bình lặng
để lòng được yên, trí được tĩnh, càng có điều kiện hơn để đến với những thú vui tao nhã của
mình. Vì thế sống giản dị nhưng không tẻ nhạt, giản đơn mà rất phong phú những thú vui để
di dưỡng tinh thần.
Khi rỗi rãi thì:
“Ngày diễn giải phiền cờ một cuộc
Đêm thanh làm bạn sách hai bên”
(Thơ Nôm, bài 7)
Hứng dậy thì ngâm nga:
“Trong khi hứng đọng vừa đêm tuyết
Ngâm được câu thần dắng dắng ca”
(Ngôn chí, bài 3)
Thậm chí cũng có lúc tham gia lao đông như một lão nông chăm chỉ:
“Một mai một cuốc một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào”
(Thơ Nôm, bài 73)
Vui trong cảnh nhàn còn là tìm về với vẻ đẹp của thiên nhiên, Nguyễn Bỉnh Khiêm
quay lưng lại với chốn quan trường đầy cạm bẫy, lắm bụi bặm để mở lòng cùng vạn vật tươi
sáng, hiền hòa, xem trăng, núi, tuyết, sông… là bạn tâm giao. “Sống cởi mở, hồ hởi với tạo
vật, biết gắn mình với thiên nhiên, sống thuận theo lẽ tự nhiên, hiểu được đến cội nguồn cái
đẹp chân chất của sự sống, cái đẹp hồn nhiên của chuyển vần, thay đổi luôn luôn diễn ra
xung quanh mình” và “nhàn theo phương thức này cũng là một phương pháp khai phóng nội
tâm, vì khi đem cái “tôi” đối diện với thiên nhiên cũng có nghĩa là tìm một con đường thoát
ra khỏi tình trạng phóng bế của cái “tôi” trong cuộc đối thoại trường kì với xã hội, hằn lên
trên mọi mối quan hệ xã hội” [Nguyễn Bỉnh Khiêm – nhìn từ một nhân cách lịch sử đến dòng
thơ tư duy thế sự, 51. tr391]
Như vậy, tìm về với thiên nhiên hiền hòa, trong sáng vừa giúp tác giả thanh lọc được
những lớp bụi trần gian lại vừa phục hồi những cảm xúc nguyên sơ, hồn hậu ban đầu, vì thế
thiên nhiên hiện lên trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm nhiều khi không đơn thuần chỉ là cảnh
mà còn có chức năng nâng đỡ tâm hồn, khiến con người trở nên thanh cao hơn:
“Một mai một cuốc một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao
Thu ăn măng trúc đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao
Rượu đến cội cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”
(Thơ Nôm, bài 73)
“Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm đúng là không phải ai cũng vươn tới được, cái thú
mà tác giả tìm thấy thật đáng giá – “Thanh nhàn ấy ắt là tiên khách; Được thú ta đà có thú
ta”, “Ẩn dật ta hay thú có màu ”. Trong mắt người đạt đạo đó, dầu chỉ vui với thiên nhiên
bình dị nơi ruộng đồng vẫn có cảm giác như đang dạo chơi chốn thanh cao, thoát tục vậy:
“Vân am am cận tiểu khê tuyền
Mãi đoạn sơ vô phí nhất tiền
Cao khiết thùy vi thiên hạ sĩ
An nhàn ngã thị địa trung tiên
Vãn hương tam kính Đào Bành Trạch
Phá ốc sổ gian Lư Ngọc Xuyên
Biệt hữu giá ban chân lạc xứ
Thanh phong minh nguyệt túy ngâm biên”
(Gần cái am Bạch Vân, bắt nguồn từ cái khe nhỏ
Mua đứt được cảnh ấy mà không tốn kém một đồng tiền nào
Cao khiết ai là kẻ sĩ trong thiên hạ
An nhàn ta là bậc tiên trên đời
Có ba luống cúc thơm muộn như Đào Bành Trạch
Có vài gian nhà tranh như Lư Ngọc Xuyên
Cũng riêng chiếm một cảnh thú vui chân thật này
Bên cảnh trăng trong gió mát, say rượu và ngâm thơ)
(Ngụ hứng, bài 10)
Có thể thấy, cái nhàn của Bạch Vân cư sĩ là cái nhàn trong sáng, tiêu sái, thanh thoát,
không chút vương vấn bởi nhu cầu trút bỏ những bực dọc của thân xác, của cuộc đời phù
hoa, phiền toái, xô bồ. Với cái thú của mình, ông thật sự đã tìm thấy được niềm vui, đặc biệt
đó lại là niềm vui của một người đã đánh đổi cả cuộc đời lo trước thiên hạ nên càng quý giá:
“Tất cánh dục cầu ngô lạc xứ
Tri ngô hậu lạc tại tiên ưu”
(Rút cục ai muốn tìm cái chỗ vui của ta
Thì cần biết rằng ta được vui sau thiên hạ
vì biết lo trước thiên hạ)
(Ngụ hứng, bài 3)
Cái nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm vì thế đã trở thành kiểu mẫu cho các nhà nho thế kỉ
XVI – một thế kỉ đầy biến động khiến người trí thức cần phải cân nhắc để tìm một lối ứng xử
khả dĩ đáp ứng được nhu cầu tinh thần. Triết lý nhàn của ông có sự pha trộn giữa Nho, Phật,
Lão Trang nhưng dựa trên tinh thần nội lực của tư tưởng dân tộc, thế nên “Điều thú vị là
Nguyễn Bỉnh Khiêm xuất thân từ cửa Khổng, ông đi ngang qua sân nhà Lão Tử rồi đứng lại
trước cửa Thiền, suy ngẫm về giáo lý và đạo lý; cuối cùng ông trở về với ruộng đồng và lũy
tre xanh của làng quê Việt Nam, hay nói khác đi, ông đã trở về với dân tộc. Suốt đời ông,
ông đã sống như mình cần sống và đã hành động như một bậc đại hiền” [1. tr34].
Và quan trọng là “nhàn” nhưng không quay lưng lại với đời, vẫn làm mọi việc mà
cuộc đời cần miễn là không lao vào vòng danh lợi làm hoen ố tấm lòng trung trinh của một
người chí sĩ. Quan niệm “tiên ưu, hậu lạc”và cả niềm “ái ưu vằng vặc”, lòng “ưu thời mẫn
thế” vẫn không hề mâu thuẫn với lối sống ẩn dật.
Đến đây, có thể nhận ra, chọn lối sống nhàn với Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ là một
thái độ ứng xử chính trị mà cao hơn còn là một quan niệm nhân sinh, một triết lý sống, một
phong cách sống bắt nguồn từ một nhân cách trong sáng, thanh cao. “Ngày nay chúng ta
không hiểu chữ nhàn theo kiểu ấy nữa và chúng ta cũng không tu dưỡng theo lối tu dưỡng
của Nguyễn Bỉnh Khiêm nữa. Nhưng cần thấy rằng quan niệm về chữ nhàn của ông gắn với
quan niệm về một phẩm chất cao khiết trong xã hội mà ông cho là đục lầm, về một thái độ tự
chủ trong một cõi đời mà ông cho là hỗn loạn, về một chỗ đứng vững vàng trong một thời
thế mà ông cho là đảo điên. Đó chính là đạo lý của người trí thức có tâm huyết ngày xưa
muốn tự giữ mình, muốn tự trọng khi đã chấp nhận sự bất lực trong việc cải tạo hoàn cảnh,
khi đã phải than rằng:
Giúp nước thương dân chưa thỏa lòng ta thuở trước,
Băn khoăn rất thẹn già không có tài”
[51. tr 279]
Như vậy, đi ở ẩn để lại một phong cách sống, một bản lĩnh sống đầy khí tiết nhà nho
thì đó là một việc làm cho đạo nghĩa muôn đời. Ý nghĩa tích cực và nhân văn của bậc ẩn sĩ
chính là chỗ đó.
3. Nguyễn Du với cốt cách của hoa sen giữa đầm lầy
Nguyễn Huệ Chi khi bàn về tâm sự của Nguyễn Du qua thơ chữ Hán có dẫn ra hai câu
thơ mà ông cho là thể hiện một cách khá trọn vẹn tâm trạng của nhà thơ:
“Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân
Hắc dạ hà kỳ mê thất hiểu”
(Trên lối cũ, gió lạnh dồn cả vào một người
Đêm tối mờ mịt không biết bây giờ là
bao giờ mãi chẳng thấy sáng)
(Dạ hành)
Và từ đó đi đến nhận định: “Hình tượng một con người đi trong bóng đêm dày đặc hãi
hùng, bị gió lạnh dồn cả vào mình, và cứ mong cho chóng sáng mà không thấy sáng, thật đã
phản ánh đúng cái cảm nghĩ tuyệt vọng của Nguyễn Du về sự mất phương hướng. Đấy
không chỉ là hình ảnh tự họa chính xác nhất của nhà thơ mà còn là hình ảnh có một ý nghĩa
xã hội rộng lớn: tấn bi kịch lịch sử của chế độ phong kiến ở giai đoạn cực kì thối nát tan rữa”
[Nguyễn Du và thế giới nhân vật của ông trong thơ chữ Hán,14. tr 65]
Thời đại Nguyễn Du sống là một thời đại đầy biến động với những cuộc giằng co
quyết liệt giữa nhiều xu thế chính trị khác nhau. Mọi giá trị lâu đời đều bị bong tróc, gãy vỡ.
Các phe phái bị cuốn vào những cơn bão táp chính trị, khiến cho trời Nam như tối sầm lại
trong mây đen vần vũ. Những thăng trầm của lịch sử không còn được tính bằng thế kỉ như
trước mà được tính bằng tháng, bằng ngày. Được đó rồi mất đó, hiện hữu và hư vô chỉ trong
chớp mắt, cái bể dâu của cuộc đời chưa bao giờ lại nhức nhối đến thế. “Cái thời đại của
Nguyễn Du đúng là tê đi và tái lại, tái đến nỗi cắt không ra máu đỏ của niềm vui” [14 . tr 44]
Có thể nói, “mọi biến cố đầy kịch tính của lịch sử Việt Nam cuối thế kỉ XVIII – nửa
đầu thế kỉ XIX đã ập vào Nguyễn Du một cách dồn dập, làm cho ông như sống trong một
trạng thái choáng váng tư tưởng, và không phải đã dễ dàng tìm được ngay một lẽ sống, một
chỗ đứng nào vững vàng ổn định” [Nguyễn Du và thế giới nhân vật của ông trong thơ chữ
Hán,14. tr 58].
Đồng thời sống giữa cuộc đời là một trường bể dâu đáng sợ như vậy, con người muốn
tìm lấy một lối ra, nhưng các nẻo đường người khác đã đi hình như chưa thỏa mãn bước
chân còn nhiều vương vấn.
Trong hoàn cảnh đó, Nguyễn Du chưa có được quyết định lui về dẫu không mấy dễ
dàng của Nguyễn Trãi, càng chưa có được hành động dứt khoát từ quan quy ẩn của Nguyễn
Bỉnh Khiêm. Đơn giản, bởi trong xã hội hiện tại cái lẽ hành tàng thật khó áp dụng cho đúng
và điều đó lại càng khó khăn hơn đối với một con người không thể gò mình vào những điều
đúc khuôn, định sẵn như Nguyễn Du. Mặc dầu vậy, ông đã sống và suy nghĩ như một nhà
nho, một nhà nghệ sĩ chân chính, hết lòng yêu thương nhân dân, đồng thời thái độ và tình
cảm của ông đối với chế độ cũng rất rõ ràng.
Trong suốt ba tập thơ chữ Hán, nơi vẫn được xem là bức chân dung tự họa về thế giới
tâm hồn của Nguyễn Du, ông đã không ngần ngại bày tỏ thái độ chán ghét cảnh quan trường.
Là người con của chính xã hội đó, Nguyễn Du vốn xuất thân trong một gia đình danh gia
vọng tộc, thuộc dòng họ có truyền thống nhiều đời làm quan, nhưng ông lại sớm nhận ra sự
lủng đoạn của giai cấp mình. Ông luôn cho rằng, ra làm quan, đứng vào hàng ngũ của giai
cấp phong kiến là đã làm mất đi phẩm chất tốt đẹp của mình, khiến cho mình không còn là
mình nữa, một chút quan có thể làm cho con người trở nên tha hóa, hèn hạ:
“Nhân ỷ thiên nhai trệ nhất quan
(Người lần lữa bên trời vì một chút quan)”
(Ngẫu nhiên đề trên vách nhà công)
Bước chân vào chốn quan trường cũng đồng nghĩa với việc đánh mất tự do, Nguyễn
Du cho rằng như thế là tự mình nhốt mình vào lồng cũi:
“Thái phác bất toàn chân diện mục”
(Viên ngọc trong đá không giữ vẹn
được bộ mặt thực nữa)
(Ký hữu)
“Thử thân dĩ tác phàn lung vật
Hà xứ trùng tầm mãn hạn du”
(Thân này đã là vật trong lồng cũi
Còn tìm đâu được một đời phóng khoáng tự do nữa)
(Ngẫu hứng)
(Tân thu ngẫu hứng)
Và trong cái lồng cũi chật hẹp đó, Nguyễn Du thậm chí phải che dấu cả cảm xúc thật
của mình: “Danh lợi doanh trường lụy tiếu tần” (Trên trường danh lợi, cái cười hay cái chau
mày cũng không được tự do) (Xuân tiêu lữ thứ). Điều này đâu phải chỉ có Nguyễn Du thấm
thía, Cao Bá Quát sau này cũng đã thốt ra trong một câu thơ tương tự: “Duyệt thế phương tri
kiệm tiếu tần” (Trải đời mới biết dè xẻn cái cười và cái nhăn mày). Không khí ngột ngạt đó
khiến thi nhân chua chát tự ví mình như con ngựa bị gọt móng, xén bờm cho hợp với hoàn
cảnh:
“Khắc lạc thiên chân thất mã đề”
(Xuyên tạc thiên chân làm mất bản chất của mã đề)
Như vậy, chuyện làm quan không hề mang lại cho Nguyễn Du sự hứng thú, dễ hiểu vì
sao một con người với nền tư văn trong sáng, ngạo nghễ lại cứ vâng vâng dạ dạ trước mặt
vua Gia Long, mà đâu phải bởi ông bất tài. Chán ghét công danh, ông cũng xem thường vinh
hoa phú quý. Với ông, những cái đó đều phù du không đáng bận tâm:
“Dạ tú vinh hoa thân ngoại huyễn
Triêu vân danh lợi nhãn tiền phi”
(Vinh hoa như mặc áo gấm đi đêm, chỉ là ảo mộng ngoài thân,
Danh lợi như mây buổi sớm đổi khác ngay trước mặt)
(Đại tác cửu thú tư quy, bài 1)
Sau này, trên đường đi sứ sang Trung Quốc, dừng chân bên đình Tô Tần, nhớ lại câu
chuyện về nhân vật này, ông không khỏi khinh bỉ: “Trước sao khinh rẻ, sau sao cung kính ,
lời nói thật hèn hạ” (Tô Tần đình, bài 2). Chuyện Tô Tần sẽ mãi là bài học đạo đức cho mọi
người suy ngẫm, vậy mà thật tiếc cho những ai đã đọc truyện Tô Tần rồi vẫn cứ u mê trong
đám bụi trần để làm hại đời mình:
“Nhân sinh quyền lợi thành vô vị
Kim cổ thùy năng phá thử mê”
(Đời người quyền lợi thật vô vị
Xưa nay, ai có thể phá được cái mê muội ấy)
(Tô Tần đình, bài 1)
“Thế nhân đa độc Tô Tần truyện
Do vi vị thế phú quý thương kỳ sinh”
(Người đời lắm kẻ đọc truyện Tô Tần
Thế mà còn để cho địa vị giàu sang làm hại đời mình)
(Tô Tần đình, bài 2)
Cùng với việc phê phán Tô Tần, Nguyễn Du tỏ lòng cảm kích trước thái độ cáo quan
về nhà, đem bổng lộc vua ban chia hết cho bạn bè chứ không để lại cho con cháu của hai ông
họ Sơ dưới thời Hán Tuyên Đế. Công danh phú quý vốn có sức cám dỗ lạ kì, vậy mà có thể
từ bỏ nó một cách thanh thản, quả thật là bậc cao nhân:
“Phù thế thao thao tử tuẫn danh
Hồi đầu thùy khẳng niệm ngô sinh
Quan tòng nhất trí thân năng bảo
Sự cách thiên niên thạch vị khuynh
Xuân xã không lưu thân cố hội
Bạc điền vô phục tử tôn canh
Khả liên thùy lão Tiêu hiền phó
Đồ đắc nhân gian thán bất bình”
(Cuộc đời trôi nổi, thói đời suy kém bao người chết vì danh
Mấy ai chịu quay đầu nhìn lại mà lo cho cuộc sống của mình
Cùng nhất trí cáo quan, giữ thân được an toàn
Chuyện cách nghìn năm mà bia đá vẫn chưa nghiêng đổ
Ngày hội xuân luống còn người thân cũ họp mặt
Ruộng được ban không để lại cho con cháu cày cấy
Thương thay Tiêu phó đến già (mà vẫn làm quan)
Để chỉ được người đời than thở cho nỗi bất bình)
(Nhị Sơ cố lý)
Với bản thân mình, nhiều lần nếm trải những cay đắng và cả nhục nhã trên con đường
hoạn lộ, Nguyễn Du luôn sống trong sự dằn vặt, tự trách mình đã không chịu quay về lại cứ
tỉnh táo mà nhìn đời để phải chuốc lấy khổ đau:
“Vạn lý quan đạo đa phong ai
Hà dĩ thanh tinh khan thế sự
Phù bình nhiễu nhiễu cánh khiêm ai”
(Đường quan muôn dặm nhiều gió bụi
Sao ta lại đem trong sạch tỉnh táo để nhìn đời
Để phải như cánh bèo mặt nước thật đáng thương)
(Lưu Linh mộ)
Chắc phải tuyệt vọng lắm, Nguyễn Du mới phải thốt lên như thế, bởi với trái tim luôn
đau đời, thương đời sẵn có, trước “những điều trông thấy” ông đâu nỡ lòng chọn cách
ngoảnh đi.
Nhiều khi, ông xót xa thương cho thân mình cứ như người mãi chạy theo công danh
tầm thường, để rồi lặn lội trong đám bụi trần mà không hay biết:
“Lục lục công danh nhất phiến trần”
(Theo đuổi công danh tầm thường trong đám bụi trần)
(An Huy đạo trung)
“Trướng vọng hồng trần diểu vô tế
Bất tri nhật nhật thử trung hành”
(Buồn trông áng bụi hồng mù mịt không bờ bến
Đâu biết rằng ngày ngày mình vẫn đi lại trong đó)
(Từ Châu đê thượng vọng)
Sự phản tỉnh đầy day dứt đó đã làm ngời sáng lên nhân cách Nguyễn Du. Đúng là
“nẻo có công danh thì có lụy” (Thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm), từ ngàn xưa các vị tiền nhân
đã nhận ra điều đó. Trên con đường đầy hệ lụy ấy con người để tồn tại buộc phải khom lưng
dù chẳng bệnh tật gì, bằng không thì dù “Lưng khôn uốn, lộc nên từ”, “Lời chẳng phải vưỡn
không nghe” như Nguyễn Trãi nếu không “ba lần bị truất” cũng phải chuốc lấy kết cục thảm
thương. Sự thực nhãn tiền, cả trong lịch sử phong kiến Trung Hoa lẫn Việt Nam đều nhiều,
và đó mới chính là điều làm ông đau buồn nhất. Thế nên, khi Nguyễn Du ca ngợi và khóc
thương cho những bậc hiền thần Trung Hoa nào phải là cổ xúy cho chế độ phong kiến mà là
để vạch sâu hơn vào bộ mặt khắc bạc đối với người tài của chế độ đó, đồng thời một lần nữa
thấm thía hơn chân lý đắng cay mà người xưa từng nếm trải:
“Sự nhân trực đạo ninh tam truất
(Lấy đạo ngay thờ người cam chịu ba lần bị truất)
(Liễu Hạ Huệ)
Ở trong xã hội phong kiến khó mà giữ được lòng ngay thẳng và nếu ngay thẳng như
Liễu Hạ Huệ thì bất cứ ở đâu, phụng sự triều đại nào cũng ba lần bị truất mà thôi.
Như vậy, trước thời thế nhiễu nhương, dẫu Nguyễn Du chưa có được hành động dứt
khoát, song thái độ của ông đối với xã hội phong kiến thì rất rõ ràng, thể hiện trong cách
nghĩ, cách sống và đặc biệt là trong tình cảm yêu ghét dành cho những bậc hiền thần Trung
Hoa. Chính biểu hiện này giúp chúng ta nhận chân ra một nhân cách trong sạch giữa cuộc
đời ô trọc.
Chán ghét công danh, xem thường vinh hoa phú quý, Nguyễn Du đã từng tìm đến với
tư tưởng Lão Trang như một sự nguôi quên.
Nhiều lần trong thơ, ông thể hiện ước mơ vươn đến một cuộc sống thanh thoát, vượt
lên trên cõi trần đầy bụi bặm để được hòa mình vào thiên nhiên trong lành:
“Hà năng lạc phát quy lâm khứ
Ngọa thính tùng phong lưởng bán vân”
(Ước sao có thể xuống tóc vào rừng
Nằm nghe tiếng thông reo lưng chừng mây)
(Tự thán, bài 2)
“Ná đắc khiêu ly phù thế ngoại
Trường tùng thụ hạ tối nghi nhân”
(Ước gì nhảy thoát ra khỏi vòng trần tục
Dưới bóng cây tùng già thích biết bao nhiêu)
(Sơn thôn)
Rồi ông thèm được như Đào Tiềm, từ quan về ở ẩn, xa lánh hồng trần để cho tâm được thanh
tịnh, thân được thoải mái, tự do:
“Tiển sát bắc song cao ngọa giả
Bình cư vô sự đáo hư linh”
(Thèm chết đi được như người nằm khểnh
bên song cửa sổ phía bắc
Thường ngày không có việc gì bận đến
tâm tình trong sáng)
(Kí hữu)
Trước khi ra làm quan, Nguyễn Du cũng đã có thời gian sống gần như ẩn dật dưới
chân núi Hồng Lĩnh quê nhà, lấy đi săn làm thú tiêu khiển. Ở đó, dẫu cuộc sống còn nhiều
khó khăn song ít nhất ông cũng có được những tháng ngày quên hẳn giấc mộng công danh,
phú quý:
“Y quan đạt giả chí thanh vân
Ngô diệc lạc ngô mi lộc quần
Giải thích nhàn tình an tại hoạch”
(Những người áo mũ hiển đạt để chí mình ở đường mây
Còn ta cũng vui với bầy hươu nai của ta
Cốt để khuây khỏa lúc nhàn rỗi chớ đâu phải thu hoạch)
Niềm vui tưởng giản dị là thế mà trở thành mong ước cháy lòng suốt thời gian làm
quan ở kinh thành Phú Xuân. Và nếu như Côn Sơn từng là hoài niệm không dứt trong cuộc
sống hàng ngày và trong cả giấc mơ của Nguyễn Trãi thì núi Hồng cũng là nỗi nhớ nhung
tha thiết đối với Nguyễn Du trong những ngày tháng xa nhà. Nhiều khi ông mặc cảm vì mình
là người đi trong chốn hồng trần khiến áo xanh lấm bụi, biết rồi khi quay lại những người
bạn cũ có còn nhận ra:
“Thanh sam tẩu biến hồng trần lộ
Viên hạc hà tòng nhận cựu lân”
(Chiếc áo xanh đi khắp đường bụi hồng
Con vượn con hạc làm sao mà
nhận ra người láng giềng cũ)
(Đồng Lư đạo thượng dao kiến Sài sơn)
Có khi trong mơ thấy hiện ra rừng tùng, khóm cúc lại nhớ quay quắt giấc mộng trở về,
rồi ông tự giận mình còn lần lữa phải chăng vì cái tình với mùi rau thuần cá vược chưa đủ
thiết tha, càng nghĩ lại càng cảm thấy thẹn thùng khi lỗi hẹn với non nước:
“Trúc thạch đa tàm phụ nhĩ minh”
(Rất thẹn cùng trúc và đá vì lỗi phụ lời thề với ngươi)
(Tống nhân)
Ở quê, “ Trăng núi gió sông dường như vẫn có ý đợi chờ ” khiến ước muốn từ quan
càng thôi thúc mãnh liệt:
“Ngã dục quải quan tòng thử thệ
Dữ ông thọ tuế lạc cầm tôn”
(Ta cũng muốn từ đây treo mũ áo từ quan mà ra đi
Cùng ông hưởng thọ vui với đàn và rượu)
Rõ ràng, những suy nghĩ bàng bạc tư tưởng Lão Trang như trên đã nói lên một điều
rằng: dẫu phải sống trong một xã hội tăm tối nhưng tâm hồn Nguyễn Du vẫn luôn hướng về
(Liệp)
(Tặng nhân)
cõi thanh cao, vẫn ước mơ có một môi trường trong sạch để di dưỡng cái thiên lương đẹp đẽ
của mình, niềm khát khao ánh sáng, khát khao đạo đức đó nơi nhà thơ quả là một nhân cách
sống cao khiết tuyệt vời.
Chỉ có điều, Nguyễn Du chán ghét cảnh quan trường và mong muốn cuộc sống ẩn dật
đến thế, vậy tại sao ông vẫn không thể có được một hành động dứt khoát hơn? Trả lời cho
vấn đề này quả thật không đơn giản.
Lý do mà Nguyễn Du ra làm quan với Gia Long, nhiều người đồng tình với ý kiến của
Hoài Thanh: “Nguyễn Du thật thà đi theo nhà Nguyễn. Ông làm quan đến chức tham tri và
hai lần được làm chánh sứ. Không phải vô cớ mà nhà Nguyễn tin dùng ông đến thế” [Tâm
tình Nguyễn Du qua một số bài thơ chữ Hán,14. tr 34]. Chưa hết, cuộc sống quan trường bị
chèn ép đến nỗi “khi gặp việc bọn đầy tớ lính hầu đều lên mặt với ta” (Ngẫu đắc), thế nhưng
vẫn phải nhẫn nhịn chẳng qua vì đó là cần câu cơm “Đầu bạc chỉ mãi lo chuyện cơm áo” (Dạ
tọa). Đó có thể cũng là một lý do, thời đại Nguyễn Du, cùng với sự trỗi dậy của ý thức cá
nhân, nhu cầu bản thân cũng được chú ý. Đã đến lúc người ta không thể thản nhiên mà tự
trào về cái nghèo của mình như thời Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm được nữa. Nguyễn
Du ngoài nuôi sống bản thân còn có trách nhiệm với một gia đình mười miệng ăn ở quê mà
vào những năm mất mùa đứa con nào cũng “mặt đói xanh như rau”, nếu Nguyễn Du không
san sẻ liệu hình tượng của ông còn đẹp? Vả lại có tấm lòng biết yêu thương người thân mình
mới cảm thông và chia sẻ được với cái nghèo cái đói của nhân dân.
Hơn nữa, sống giữa một thời đại quay cuồng trong bão táp chính trị như xã hội Việt
Nam cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX, hầu hết tầng lớp trí thức đều rơi vào bế tắc trong cách
chọn đường. Thế nên, ra làm quan để phải sống trong dằn vặt như Nguyễn Du cũng chính là
biểu hiện của sự bế tắc đó.
Song có lẽ, cái lý do cơ bản nhất níu giữ Nguyễn Du ở lại với cuộc đời chính là vì tấm
lòng nặng tình đời của ông. Nỗi thương người, đau đời của Tố Như cũng như cái cuống sen
“dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng” không thể nào dứt ra được. Vì thế, dẫu có mơ ước đến
một cuộc sống ngoài cõi tục thì cũng chỉ là mơ ước thôi, Nguyễn Du không thể đi ở ẩn theo
kiểu đạo sĩ. Ông không có một trí óc say sưa với khói mây của tư tưởng siêu hình. Ở điểm
này, bài thơ xóm nhỏ trên núi Hoàng Mai có một ý rất thú vị. Cả bài thơ, Nguyễn Du say
sưa ca ngợi cảnh sống yên vui, giản dị của cư dân trong xóm núi và không giấu lòng thèm
muốn một cuộc sống như vậy. Thế nhưng khi kết thúc tác giả lại viết: “Nếu hoa tùng, hạt
bách mà có thể ăn được; Khi đầu bạc không về đây thì về đâu?”. Trước đây, những tư tưởng
siêu thoát cũng thường được Nguyễn Du gửi vào hai câu kết như thế, nhưng ở tác phẩm này
dường như ngược lại. Tại sao đã đi ở ẩn còn nghĩ đến chuyện áo cơm? Vậy là dù trong ý
nghĩ, Nguyễn Du cũng rất hiện thực và không quên hẳn được mặt cơ bản của vấn đề. Phải
chăng vì cuộc đời thi nhân đã từng trải qua đói rét và ngoài cuộc đời kia, người người cũng
lại đang rên xiết vì rách áo, thiếu cơm, nên cái ăn, cái mặc đã trở thành một nỗi ám ảnh trong
ông?
Phải cảm ơn lắm cái gió bụi mười năm kia trong cái buổi đất trời xáo trộn bấy giờ đã
làm cho Nguyễn Du trở thành nghệ sĩ và giữ nhà nghệ sĩ ở lại với cuộc đời. “Bởi vì nếu
những phức tạp bộn bề của hiện thực xã hội ấy chỉ được ghi lại giản đơn như một cây kim
phong vũ kế với một nét vạch là cuộc đời tang thương, cuộc đời như giấc mộng, đáng chán,
đáng trốn, thì bao nhiêu thơ văn của Nguyễn Du nhiều lắm cũng có được chút giá trị làm
chứng cho một căn bệnh thời đại chứ làm gì có được Nguyễn Du vĩ đại như đã có. Sự lớn lao
là ở chỗ người trí thức của thời đại ấy đã thể hiện một cái nhìn hiện thực vô cùng sâu sắc về
cuộc đời, về “những điều trông thấy”, đã đứng về phía những con người bất hạnh bị cuộc đời
bể dâu vùi dập, những người lao động khổ nhục đói rét, những con người tài hoa trung nghĩa
bị đọa đày, giết chóc, những người anh hùng thất bại, những người phụ nữ khốn khổ vì thân
phận phụ nữ... để mà thương, mà khổ, mà đay nghiến, phẫn uất, mà vạch tội, mà kêu to lên
cho tới tận nghìn xưa, tới tận mai sau. Trong tâm trạng Nguyễn Du, cái “đau đớn lòng , cái
đau thương vô vàn đó mới là nét cơ bản nhất” [57. tr 488]. Lý do Nguyễn Du không thể lánh
đời mà cứ trằn mình ra chịu chung nỗi đau với cuộc đời cũng là vì thế.
Ở lại giữa cuộc đời, trong đêm “trường dạ” đầy hắc ám, tuy Nguyễn Du chưa thể làm
một trái tim Đanko có thể tỏa sáng để dẫn dắt đoàn người đói khổ vượt qua rừng rậm đầy
chết chóc đến bờ biển lúc bình minh lên, điều đó cũng dễ hiểu, giới hạn của ý thức hệ phong
kiến buổi suy tàn đã bít hết mọi lối ra, song điều đáng quý là dẫu phải sống trong trường bể
dâu đầy rẫy tội ác và thói xấu, Nguyễn Du vẫn tin vào bản tâm trong sáng của mình, vẫn cố
gắng bước đi đàng hoàng trong bóng đêm lịch sử mà không để cho nó xâm nhập vào mình.
Trước đó, Nguyễn Du có nói đến chuyện vì làm quan mà con người đánh mất khuôn
mặt thật của mình, nhưng dẫu có phải thay đổi để tránh phiền lụy cho bản thân, thì viên ngọc
vẫn cứ là viên ngọc, cái thiên tính tốt đẹp đó chỉ buộc phải che giấu chứ không hề bị mất đi.
“Nhiều lần ông nói đến cái chân hạc: Tính mình đã trót như cặp chân hạc cao lêu khêu,
chẳng lẽ lại chặt đi để cho nó ngắn như chân vịt hợp với khẩu vị mọi người ? Mình sinh ra
không có thói ruồi nhặng làm sao mà sống cùng tổ với mối ? Ông lo lắng nhiều nhất là làm
sao giữ được tấm lòng không gợn đó. “Ở ẩn” quê nhà thì mở cửa ra là núi xanh trước mặt,
trăng sáng như tâm hồn mình, đầm trong như tâm hồn mình, vô luận cảnh ngộ nào cũng
không để cho bụi bặm làm mờ tính thiêng trời sinh” [59. tr487].
Và phải chăng do luôn chú ý giữ “tâm” nên Nguyễn Du đôi khi cũng đã chạm vào đất
Phật. Trong bài “Đạo ý ”, ông tự ví mình như vầng trăng nơi đáy giếng, có xao động thoáng
qua rồi cũng sẽ trở lại bình thường:
“Minh nguyệt chiếu cổ tỉnh
Tỉnh thủy vô ba đào
Bất bị nhân khiên xỉ (xả)
Thử tâm chung bất dao
Túng bị nhân khiên xỉ (xả)
Nhất dao hoàn phục chỉ
Trạm trạm nhất phiến tâm
Minh nguyệt cổ tỉnh thủy”
(Trăng sáng soi giếng xưa
Nước giếng không nổi sóng
Không bị người khuấy động
Lòng này rốt cuộc chẳng lung lay
Nếu bị người khuấy động
Lay rồi lại lặng yên
Một tấm lòng thanh trong
Như trăng sáng chiếu giếng xưa)
(Đạo ý)
Giếng khơi thi nước rất sâu, khó ai có thể làm nó bị khuấy động, cứ luôn yên ả, lặng
tờ. Nếu giả như người múc nước có khiến nước bị xao động thì chỉ trong giây lát thôi, vì
giếng vốn tròn nên rồi sẽ trở lại như xưa, lặng yên mới là trạng thái cố hữu của nó. Cũng như
tấm lòng trong sáng của thi nhân, dẫu sống trong hoàn cảnh nào vẫn giữ vẹn thiên lương
không thể để cho ai làm vẩn đục. Tấm lòng đó bao giờ cũng vằng vặc như mặt trăng soi đáy
giếng xưa, nghìn năm vẫn thế dẫu cuộc đời có thăng trầm, thay đổi.
Cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn trước mắt, Nguyễn Du không quay lưng lại với nó, vẫn mở
lòng đón nhận tất cả nhưng tâm hồn thì như gương trong sàng lọc mọi biến động để đạt đến
chân như:
“Diệp lạc hoa khai nhãn tiền sự
Tứ thời tâm kính tự như như”
(Hoa nở lá rơi đầy trước mắt
Bốn mùa tâm kính vẫn như như)
(Tạp thi, bài 2)
Bốn mùa nằm trong hoa nở lá rơi, đó là điệu luân vũ của thời gian, hiển hiện trước tấm
gương trong trẻo của tâm hồn thi nhân. Tâm hồn đó vừa chứa muôn cái xao động vừa vượt
lên mọi thứ xao động để đạt đến chân như. Bản lĩnh và khí tiết kẻ sĩ trong việc tu thân,
dưỡng tâm chính là chỗ đó.
Trên “đường quan muôn dặm nhiều gió bụi”, Nguyễn Du không lo vì cuộc sống gian
khổ mà chỉ lo giữ sao cho tâm hồn trong sạch:
“Bất sầu cửu lộ triêu y duệ
Thả hỷ tu mi bất nhiễm trần”
(Không buồn sương đêm thấm ướt vạt áo
Hãy mừng là mày râu không nhuốm bụi)
(Dạ hành)
Thế nên dẫu đi trọn cuộc đời trong “dặm hồng bụi cuốn”, chân tâm vẹn nguyên vẫn có
thể ngẩng cao đầu đối diện với cõi thanh cao:
“Thăng hữu nhàn tâm vô quái ngại
Bất phương chung nhật đối phù âu”
(Chỉ còn một tấm lòng nhàn không trở ngại
Không ngại suốt ngày đối mặt với chim âu)
(Hoàng Hà trở lạo)
Cuộc đời quá nhiều những biến cố, con đường hoạn lộ lắm chông gai, trường đời là
một “ trường gió bụi nhơ bẩn ” và Nguyễn Du là người đi trong đám hồng trần đó giữa một
bên là cả triều đình suy đồi, thối nát và một bên là nhân dân nghèo khổ nhưng lương thiện,
ông đã dũng cảm vạch mặt tội ác của giai cấp mình, đứng về phía nhân dân, học theo tiếng
hát của người trồng dâu trồng đay để giữ cho bản tâm mãi trong sạch. Điểm tựa cho nhân
cách sống cao khiết đó chính là tấm lòng say mê đạo đức bắt nguồn từ truyền thống “chết
trong còn hơn sống đục” của dân gian:
“Văn đạo dĩ ưng cam nhất tử
Dâm thư do thắng vị hoa mang”
(Được nghe đạo lý rồi chết cũng cam
Ham mê sách còn hơn mải miết vì hoa)
(Điệp tử thư trung)
Tấm lòng “tử vì đạo” của con bướm là hình tượng đắt giá nói hộ niềm khát khao đạo
đức, khát khao sự trong trắng và lương thiện của Nguyễn Du. Và cũng chính điều đó đã xây
nên bức thành trì vững chắc trong tâm hồn thi nhân để chống trả lại những thói đời xấu xa,
nhơ đục trong xã hội hiện tại.
Lối sống vươn lên bất chấp hoàn cảnh để giữ mãi chân tâm trong sáng của Nguyễn Du
có thể ví với bông sen mọc giữa đầm lầy, dẫu môi trường sống của nó có hôi tanh như thế
nào thì hoa sen vẫn cứ đẹp trắng trong và tỏa hương thơm ngát. Bản lĩnh sống cao đẹp đó tự
nó đã là một tuyệt tác giàu chất nhân văn nhất trong tổng thể về con người, cuộc đời và sự
nghiệp của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.
Có thể nói, thái độ ứng xử trước thời thế để bảo toàn khí tiết kẻ sĩ là một chiều kích
quan trọng để đo nhân cách của nhà nho. Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Du
đều là những mẫu hình nhà nho chân chính, trước hoàn cảnh lịch sử cụ thể của thời đại mình,
họ đều có những cách ửng xử phù hợp nhất khả dĩ đáp ứng được nhu cầu tinh thần.
Đương nhiên, khác thời đại nên cách ứng xử của họ không hoàn toàn giống nhau, điều
này ít nhiều có liên quan đến quá trình chuyển biến về ứng xử chính trị của trí thức Việt Nam
suốt chiều dài lịch sử phong kiến.
Thời của Nguyễn Trãi, trước nhu cầu cấp thiết là phải bảo vệ dân tộc trước sự xâm
lược của ngoại bang đã đặt giới trí thức vào cái thế gắn mình vào với chính quyền, coi triều
đình là biểu trưng lý tưởng của độc lập dân tộc. Vì thế, tư tưởng thống nhất vương triều là để
thống nhất đất nước đã làm nảy sinh quan niệm chỉ chấp nhận một vương triều chính thống
duy nhất, một quan niệm có ít nhiều hạn chế trong giới trí thức. Nói chung đây là thời đại mà
mọi suy nghĩ, hành động chính trị của giới trí thức đều bị hút về tâm – vua và đất nước, họ
hầu như chưa có sự độc lập trong tư tưởng chính trị.
Thực tế ý thức trên đã chi phối cách ứng xử của Nguyễn Trãi, đó là dù trong hoàn
cảnh nào, được trọng dụng hay không thì Nguyễn Trãi vẫn một lòng một dạ phục vụ vương
triều; dẫu có lúc bất đắc dĩ ông phải cáo quan về ở ẩn thì đó cũng không phải là lẽ sống của
ông mà vẫn luôn chờ cơ hội để lại ra cống hiến, bằng chứng là khi vua Lê Thái Tông vời ra
giúp nước ông đã vô cùng hăm hở và còn làm biểu tạ ơn. Sống ở triều đình không phải
Nguyễn Trãi không nhận ra những bất cập bắt đầu xuất hiện trong nội bộ giai cấp, và lẽ dĩ
nhiên nhân cách của ông không chấp nhận điều đó, thế nên vấn đề lựa chọn “hành” hay
“tàng” bắt đầu trở thành một niềm day dứt, nhưng cuối cùng “hành” vẫn chiến thắng vì “nợ
quân thân” trong ông là một thành trì không thể lung lay dẫu thời cuộc có thay đổi. Song
quan trọng là Ức Trai nhập thế để thực hành lý tưởng, nhưng tâm hồn thì vẫn hướng về cõi
thanh cao, ông đã sống theo tinh thần “đại ẩn” một cách đầy bản lĩnh để giữ khí tiết của
mình. Cũng chính vì thế, bị đẩy tới thảm họa Lệ Chi Viên là bi kịch đau đớn nhất của cuộc
đời Nguyễn Trãi mà cũng là bi kịch đau đớn nhất của lịch sử. Nhưng từ tấn bi kịch đau
thương này lại ngời sáng lên nhân cách của một người trí thức tận tụy, kiên trung và quá
trong sáng giữa một xã hội đang manh nha bước vào con đường tăm tối.
Sang Nguyễn Bỉnh Khiêm, do tình hình chính trị đầy biến động, “những xáo trộn
trong đất nước sau vụ đảo chính của Mạc Đăng Dung đã kéo tầng lớp nho sĩ ra khỏi giấc mơ
bình an ý thức hệ, khi cuộc đấu tranh giành quyền lực giữa các phe phái phong kiến đặt ra
trước họ nhiều vấn đề mới về tương lai đất nước và vận mệnh dân tộc, những vấn đề thách
thức tài năng của họ đồng thời đặt toàn bộ tri thức cũng như đạo đức chính trị của họ vào
một khảo nghiệm lịch sử có thêm những tiêu chuẩn mới của một chủ nghĩa nhân văn. Sự
chuyển biến trong ứng xử chính trị của trí thức thời Nguyễn Bỉnh Khiêm vì vậy cần được
nhìn nhận trong hoàn cảnh và theo chiều hướng ấy” [1; tr185]. Nguyễn Bỉnh Khiêm ra làm
quan với nhà Mạc, nhưng triều đình không thể là phương tiện để thực hành việc nghĩa, ông
quay về mà không mấy day dứt như Nguyễn Trãi vì ông vẫn tìm thấy một cách khác để làm
việc đó phù hợp với hoàn cảnh hơn. Trở về quê, Bạch Vân cư sĩ sống cuộc sống nhàn dật
mang đậm màu sắc “minh triết bảo thân” mà vẫn không quay lưng lại với cuộc đời; ứng xử
khôn khéo với cả ba tập đoàn phong kiến cùng tồn tại trong xã hội thời bấy giờ mà vẫn
không làm ảnh hưởng đến nhân cách kẻ sĩ. Có thể nói, lối ứng xử của Nguyễn Bỉnh Khiêm
thể hiện sự độc lập nhất định trong tư tưởng chính trị mà thời Nguyễn Trãi chưa xuất hiện,
hoặc giả có xuất hiện nhưng đã bị thực tế lịch sử làm cho khuất lấp. Đó cũng là cách ứng xử
của con người đang thoát dần khỏi tư duy trực cảm sang tư duy duy lý trước cuộc đời, đồng
thời làm toát lên phẩm chất thanh cao và trí tuệ nhạy bén của người thầy Tuyết Giang.
Đến Nguyễn Du, chế độ phong kiến đứng trước một thực trạng đen tối đến mức giới
trí thức đều bị rơi vào thế hoàn toàn bế tắc, Nguyễn Du cũng không ngoại lệ. Mô hình xã hội
Nghiêu Thuấn đã hoàn toàn biến mất trong ý nghĩ của nhà nho, cách ứng xử đầy nhân văn
bây giờ không phải là “hành” hay “tàng” nữa mà là có đứng về phía nhân dân lao động hay
không vì việc đứng về phía nhân dân cũng đồng nghĩa với việc không mang bản chất xấu xa
của giai cấp phong kiến. Giữa trí thức và triều đình bây giờ đang xuất hiện một lực li tâm
ngày càng lớn, đồng loạt các nhà nho có tâm huyết đều lên tiếng bênh vực những con người
bị chà đạp trong xã hội tàn bạo trong đó dành ưu ái rất nhiều cho người phụ nữ, tuy nhiên để
làm nên một cuộc cách mạng thì giới trí thức vẫn chưa đủ lực vì họ còn đang bị bao vây
trong đám mây đen của ý thức hệ phong kiến chưa chịu chết hẳn.
Trong hoàn cảnh đó không thể trách Nguyễn Du chưa có một hành động dứt khoát
hơn, ông vẫn đứng trong hàng ngũ giai cấp phong kiến, nhưng thái độ của ông lại nghiêng
xuống nhân dân lao động đói khổ, ông can đảm làm một “nghịch tử” của giai cấp mình để
trở thành người cùng hội cùng thuyền với bao kiếp người bị chà đạp.
Chưa chọn được một con đường nào tươi sáng hơn, Nguyễn Du đau khổ sống chung
với bóng tối nhưng ông vẫn không để cho thói xấu làm vẩn đục đến thiên lương trong sáng
của mình, đó chính là cách ứng xử nhân văn nhất mà một người ở trong hoàn cảnh của ông
có thể làm.
Nói tóm lại, cách ứng xử trước thời thế để bảo vệ nhân cách kẻ sĩ của những nhà nho
chân chính thời trung đại đã là một truyền thống, truyền thống đó cũng có những tiếp biến để
phù hợp với tiến trình lịch sử của dân tộc, song dù có biến chuyển như thế nào thì cách ứng
xử của họ bao giờ cũng rất nhân văn.
KẾT LUẬN
Không thể gọi là thừa nếu tại đây, thêm một lần nữa khẳng định rằng: Nguyễn Trãi,
Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Du là ba đỉnh cao vời vợi, ba cây đại thụ tỏa bóng mát suốt
cả chiều dài lịch sử văn học trung đại Việt Nam.
Vì khoảng cách thời gian và sự khắc nghiệt của quy luật tạo hóa, con cháu đời sau đã
không còn được tiếp kiến với tiền nhân. May mắn sao khoảng trống ấy vẫn có thể lấp đầy
bằng những vần thơ chứa chan tình cảm mà họ gửi lại cho đời. Nhà thơ Hàn Mặc Tử từng
nói “ Người thơ phong vận như thơ ấy”. Thật vậy, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm và
Nguyễn Du cũng đã để lại dấu ấn cá nhân mình rất rõ nét qua thơ, trong đó có vẻ đẹp của con
người nhân văn. Thế nên đọc thơ họ, chúng ta như được thấy cả một thế giới tâm hồn các
nhà thơ đang hiển hiện. Được ngưỡng vọng trước những nhân cách đẹp đẽ như hoa mai, sáng
trong như tuyết trên đỉnh núi. Được nghiêng mình trước những con người một đời vì nước vì
dân, trân quý và nâng niu đến cả loài hoa cỏ, tha thiết yêu thương con người như tình mẹ
thương con.
Vẻ đẹp của con người nhân văn được phô diễn ra trong các mối quan hệ với xã hội,
thiên nhiên và chính bản thân mình. Xét trong mối quan hệ với xã hội cả ba nhà thơ lớn –
Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Du đều thể hiện tinh thần tự nguyện gánh vác
trách nhiệm cao cả trước cuộc đời, đó là tấm lòng tận tụy, một đời lo nước thương dân, cống
hiến hết mình trong mọi hoàn cảnh để mong trở thành người có ích cho đất nước trong thơ
Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm hay tấm lòng đau đời thương đời trong thơ Nguyễn Du.
Trong mối quan hệ với thiên nhiên, cả Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn
Du đều xem đó là môi trường để di dưỡng tinh thần, để bộc lộ tâm trạng. Vì thế, trong thơ,
thiên nhiên hiện lên bao giờ cũng chan chứa tình cảm, sống động và rất có hồn, bộc lộ không
chỉ tình yêu đơn thuần dành cho cảnh mà còn là sự nâng niu, trân trọng và cả hàm ơn đối với
người bạn đã luôn lắng nghe tâm sự của mình. Có thể nói, thiên nhiên là tấm gương trong
phản chiếu chân thực nhất thế giới tâm hồn của họ, một tâm hồn phong phú luôn đầy ắp
những niềm vui giản dị và những đau đớn tột cùng, những suy tư trĩu nặng và những lo lắng
khôn nguôi trước vận mệnh của nước của dân.
Trong mối quan hệ với chính mình, trước những hoàn cảnh lịch sử cụ thể cả ba đại
diện lớn của giới trí thức và giới nghệ sĩ thời trung đại đều có những thái độ ứng xử phù hợp
nhất và cũng cao đẹp nhất để bảo toàn danh tiết kẻ sĩ và nhân cách nghệ sĩ của mình.
Có thể nói, với tư cách là những con người “đứng trong trời đất” họ đã sống và hành
động một cách đầy trách nhiệm và ý nghĩa đối với bản thân và cuộc đời. Cả ba nhà thơ lớn
được khảo sát đều là những mẫu hình nhân cách nhà nho – nghệ sĩ tỏa sáng chất nhân văn.
Họ đẹp cả trong niềm vui đắc chí lẫn trong nỗi đau thất chí, bởi tất cả những biểu hiện đó
đều không mảy may vì bản thân họ mà là vì con người và cuộc đời.
Phật giáo quan niệm cuộc đời là vô thường kể cả cái tâm của con người. Vì thế theo
thời gian cùng với những biến suy của lịch sử, con người nhân văn biểu hiện trong thơ của
Nguyễn Trãi qua Nguyễn Bỉnh Khiêm đến Nguyễn Du cũng có những đổi thay. Đó là sự vận
động và phát triển từ vẻ đẹp của con người hành động sang con người tư tưởng, từ con người
trách nhiệm sang con người đời thường, từ con người cộng đồng sang con người tự ý thức về
thân phận cá nhân mình và những người xung quanh.
Tuy nhiên, dù vẻ đẹp của con người nhân văn trong tiến trình văn học trung đại có
những thay đổi qua từng giai đoạn, song trên cái nhìn tổng quan, đó chỉ là những biểu hiện
khác nhau của một nhân cách cố định – nhân cách con người Việt Nam.
Bản chất nhân văn của con người Việt Nam là bất biến, chỉ biểu hiện của nó là thường
biến, vì thế trong xã hội hiện đại của chúng ta bản chất nhân văn vẫn cứ còn, song có lẽ vì
hoàn cảnh xã hội thay đổi, con người phải đối mặt với vô vàn những lo toan vật chất và vô số
những áp lực trước cuộc sống nên đã làm cho biểu hiện của chất nhân văn trong con người
có ít nhiều thay đổi so với truyền thống chăng?
Nếu quả như thế thì việc khơi lại những giá trị nhân văn đẹp đẽ trong đời sống văn hóa
của các thế hệ cha ông với những đại diện như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm và
Nguyễn Du thật sự có một ý nghĩa giáo dục vô cùng to lớn. Nó mang đến cho con người
những phút giây tĩnh lặng trong cuộc chạy đua trường kì mệt mỏi với cuộc mưu sinh để soi
lại mình và cũng là giữ cho mình không bị trượt dài trên cái dốc từ “sống” xuống “tồn tại”.
Tìm hiểu con người nhân văn trong tiến trình văn học trung đại qua ba nhà thơ lớn
Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Du thật sự là một vấn đề không hề đơn giản,
bởi họ không chỉ là ba cây đại thụ của văn học trung đại mà còn là ba danh nhân văn hóa của
dân tộc và nhân loại. Nhân cách của ba nhà thơ đã trở thành những giá trị văn hóa mẫu mực
mà hậu thế khó có thể luận bàn một cách thật đầy đủ và thấu đáo. Dẫu ý thức được điều này,
song người viết vì tấm lòng yêu mến, ngưỡng vọng dành cho các nhà thơ và nhà văn hóa của
dân tộc cũng đã mạo muội thể hiện những suy nghĩ bước đầu về vấn đề nói trên, chắc chắn
những hạn chế về kiến thức dẫn đến sự bất cập là điều không tránh khỏi. Người viết mong
nhận được sự góp ý chỉ giáo của các bậc cao minh và hy vọng sẽ có điều kiện tiếp tục nghiên
cứu sâu hơn về vấn đề giàu ý nghĩa này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
I. Sách:
1. Viện Khoa học xã hôi – Trung tâm nghiên cứu Hán Nôm (2000), Nguyễn Bỉnh Khiêm
trong lịch sử phát triển dân tộc, Nxb Đà Nẵng.
2. Viện Văn học (1999), Tuyển tập 40 năm Tạp chí Văn học 1960 – 1999, Tập 2, Văn
học cổ – cận đại Việt Nam, Nxb TP. HCM.
3. Viện Văn học, Ủy ban khoa học nhà nước (1963), Mấy vấn đề về sự nghiệp thơ văn
Nguyễn Trãi nhân kỉ niệm 520 năm ngày Nguyễn Trãi mất, Nxb Khoa học xã hội.
4. Viện Văn học, Hội đồng lịch sử Hải Phòng (1991), Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm:
Kỉ yếu hội nghị khoa học nhân 400 năm mất, Nxb Hội đồng lịch sử Hải Phòng.
5. Viện Văn học (1967), kỉ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du (1765 - 1965) , Nxb
Khoa học xã hội.
6. Viện Khoa học xã hội Việt Nam – Viện Văn học (2005), Văn học trung đại Việt Nam
quan niệm con người và tiến trình phát triển, Nxb Khoa học xã hội.
7. Viện Văn học – Trần Thị Băng Thanh (1999), Những nghĩ suy từ văn học trung đại,
Nxb Khoa học xã hội.
8. Bộ sách phê bình và bình luận văn học (2006), Tác giả trong nhà trường – Nguyễn
Trãi, Nxb Văn học.
9. Sở Văn hóa thông tin Hà Nội (1980), Nguyễn Trãi – Thăng Long – Hà Nội, Nxb Hội
văn nghệ - Sở VHTT Hà Nội.
10. Nguyễn Huệ Chi (1983), Mấy vẻ mặt thi ca Việt Nam (Thời kì cổ cận đại), Nxb Tác
phẩm mới – Hội nhà văn Việt Nam.
11. Hà Như Chi (2000), Việt Nam thi văn giảng luận, Nxb Văn hóa thông tin.
12. Xuân Diệu (2000), Ba thi hào Dân tộc – Nguyễn Trãi – Nguyễn Du – Hồ Xuân
Hương, Nxb Thanh niên.
13. Phạm Văn Đồng, Giang Nam, Lê Trí Viễn (1980), 600 năm Nguyễn Trãi – Thơ, văn,
Nxb Tác phẩm mới.
14. Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Hữu Sơn, Vũ Thanh (tuyển chọn và giới thiệu, 1998), Nguyễn
Du về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo Dục.
15. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (1999), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb
Đại học quốc gia Hà Nội.
16. Hồ Sĩ Hiệp, Lâm Quế Phong (1997), Lê Thánh Tông – Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nxb Văn
nghệ TP. HCM.
17. Nguyễn Phạm Hùng (2001), Trên hành trình văn học trung đại, Nxb ĐHQG Hà Nội.
18. Trần Đình Hượu (1999), Nho giáo và Văn học Việt Nam trung cận đại, Nxb Giáo
Dục.
19. Đinh Gia Khánh(Chủ biên)(1983), Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nxb Văn học, Hà
Nội.
20. Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương (1998), Văn học Việt Nam thế (kỉ X
– nửa đầu thế kỉ XVIII). Nxb Giáo Dục.
21. Đỗ Nguyên Khoa (1980), Nguyễn Trãi một tiêu biểu rất đẹp của thiên tài Việt Nam:
Kỉ niệm lần thứ 600 năm sinh Nguyễn Trãi, Nxb Ty văn hóa và thông tin Hà Sơn
Bình.
22. Nguyễn Đức Khuông (Tuyển chọn và giới thiệu, 2005), Tác gia, tác phẩm văn học
Việt Nam trong con mắt người nước ngoài, NXB ĐHSP.
23. Nguyễn Khuê (1997), Nguyễn Bỉnh Khiêm qua Bạch Vân Am thi tập, Nxb TP. HCM.
24. Nguyễn Lộc (1999), Văn học Việt Nam ( Nửa cuối thế kỉ XVIII – hết thế kỉ XIX), Nxb
Giáo Dục.
25. Phong Lê (1994), Văn học trong hành trình tinh thần của con người, Nxb Lao động.
26. Mai Quốc Liên, Nguyễn Quảng Tuân, Ngô Linh Ngọc, Lê Thu Yến (1996), Nguyễn
Du toàn tập, Nxb Văn học – Trung tâm nghiên cứu Quốc học.
27. Mai Quốc Liên, Nguyễn Quảng Tuân, Nguyễn Khuê, Kiều Thu Hoạch(?), Nguyễn
Trãi toàn tập tân biên, Tập 1,2,3, Nxb Văn học – Trung tâm nghiên cứu Quốc học.
28. Trần Huy Liệu (2000), Nguyễn Trãi cuộc đời và sự nghiệp, Nxb Văn hóa thông tin.
29. Trường Lưu (1999), Văn học trong hành trình văn hóa, Viện văn hóa và Nxb Văn hóa
thông tin.
30. Lê Nguyễn Lưu (1999), Nguồn suối nho học và thơ ca Bạch Vân cư sĩ, Nxb Thuận
Hóa.
31. Phượng Lựu (2002), Góp phần xác lập hệ thống quan niệm Văn học, Nxb Văn hóa
thông tin, Hà Nội.
32. Nguyễn Đăng Na (2006), Con đường giải mã văn học trung đại Việt Nam, Nxb Giáo
Dục.
33. Bùi Văn Nguyên (1980), Nguyễn Trãi, Nxb Văn hóa Hà Nội.
34. Bùi Văn Nguyên (1992), Nguyễn Du – Người tình và Nguyễn Du – Tình người, Nxb
Mũi Cà Mau.
35. Huỳnh Như Phương (Sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu,2006), Lê Đình Kị tuyển tập,
Nxb Giáo Dục.
36. Phạm Đan Quế (1992), Giai thoại và sấm kí Trạng Trình, Nxb Văn nghệ TP. HCM.
37. Vũ Tiến Quỳnh (biên soạn, 1995), Phê bình bình luận văn học – Nguyễn Trãi, Nxb
Văn nghệ TP. HCM.
38. Vũ Tiến Quỳnh (Tuyển Chọn, 1991), Phê bình bình luận văn học – Nguyễn Bỉnh
Khiêm, Chu Mạnh Trinh, Phan Bội Châu, Nxb Tổng hợp Khánh Hòa.
39. Nguyễn Hữu Sơn (Tuyển chọn và giới thiệu, 1999), Nguyễn Trãi về tác gia và tác
phẩm, Nxb Giáo Dục.
40. Nguyễn Hữu Sơn (2003), Nguyễn Bỉnh Khiêm nhà thơ triết lý thế sự, Nxb Trẻ - Hội
nghiên cứu và giảng dạy văn học TPHCM.
41. Nguyễn Hữu Sơn (2006), Thi hào Nguyễn Du – Từ thơ chữ Hán đến kiệt tác Truyện
Kiều, Nxb Trẻ - Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học TPHCM.
42. Nguyễn Hữu Sơn, Trần Đình Sử, Huyền Giang, Trần Ngọc Vương, Trần Nho Thìn,
Đoàn Thị Thu Vân (1997), Về con người cá nhân trong văn học cổ Việt Nam, Nxb
Giáo Dục.
43. Trần Đình sử (1995), Những thế giới nghệ thuật thơ, Nxb Giáo Dục, Hà Nội.
44. Trần Đình Sử (1997), Thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Nxb Giáo Dục.
45. Trần Đình Sử, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá (2004), Từ điển văn
học bộ mới, Nxb Thế giới.
46. Bùi Duy Tân (1999), Khảo và luận một số tác gia và tác phẩm văn học trung đại Việt
Nam – tập 1, Nxb Giáo Dục.
47. Bùi Duy Tân (2001), Khảo và luận một số tác gia và tác phẩm văn học trung đại Việt
Nam – tập 2, Nxb ĐHQG Hà Nội.
48. Bùi Duy Tân (chủ biên, 1997), Tổng tập văn học Việt Nam, Tập 6, Nxb Khoa học xã
hội.
49. Nguyễn Minh Tấn (chủ biên, 1981), Từ trong di sản, Nxb Tác phẩm mới – Hội nhà
văn Việt Nam.
50. Nguyễn Đăng Tiệp (Tuyển chon, 2005), Trần Đình Sử tuyển tập, tập 2, Nxb Giáo
Dục.
51. Trần Thị Băng Thanh, Vũ Thanh (tuyển chọn và giới thiệu 2001), Nguyễn Bỉnh
Khiêm về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo Dục.
52. Chương Thâu (tuyển chọn, 1980), Trên đường tìm hiểu sự nghiệp thơ văn Nguyễn
Trãi, Nxb Văn học Hà Nội
53. Trần Nho Thìn (2008), Văn học trung đại Việt Nam dưới gốc nhìn văn hóa, Nxb Giáo
Dục.
54. Lã Nhâm Thìn (1998), Thơ Nôm đường luật, Nxb Giáo Dục.
55. Phan Trọng Thưởng, Nguyễn Cừ, Vũ Thanh, Trần Nho Thìn (2007), 10 thế kỉ bàn
luận về văn chương (Từ thế kỉ X đến nửa đầu thế kỉ XX), Nxb Giáo Dục.
56. Hoàng Trinh, Trần Khánh Thành (giới thiệu và tuyển chọn, 2004), Hà Minh Đức
tuyển tập, tập 1, Nxb Giáo Dục.
57. Đoàn Thị Thu Vân (2007), Con người nhân văn trong thơ ca Việt Nam sơ kì trung
đại, Nxb Giáo Dục.
58. Đoàn Thị Thu Vân (2001), Văn học trong nhà trường – Tiếp cận thơ văn Nguyễn Trãi,
Nxb Trẻ - Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học TPHCM.
59. Lê Trí Viễn (2006), Một đời dạy văn, viết văn toàn tập, tập 2, Nxb Giáo Dục.
60. Lê Trí Viễn (1996), Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà
Nội.
61. Lê Trí Viễn, Đoàn Thị Thu Vân (1994), Học tập thơ văn Nguyễn Trãi, Nxb Giáo Dục.
62. Trần Ngọc Vượng (1995), Loại hình học tác gia văn học nhà nho tài tử và văn học
Việt Nam, Nxb Giáo Dục.
63. Trần Ngọc Vượng (1999), Văn học Việt Nam dòng riêng giữa nguồn chung, Nxb
ĐHQG Hà Nội.
64. Lê Thu Yến (1999), Đặc điểm nghệ thuật thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nxb Thanh niên.
65. Lê Thu Yến, Đoàn Thị Thu Vân, Lê Văn Lực, Phạm Văn Nhu (2000), Văn học trung
đại Việt Nam những công trình nghiên cứu, Nxb Giáo Dục.
II. Tạp chí
1. Đỗ Đức Dục, Tuyên ngôn sáng tác của Nguyễn Du, Tạp chí văn học số 2, 1984.
2. Vũ Đình Liên, Nguyễn Du một tâm hồn lạc loài trong xã hội (tìm hiểu Nguyễn Du qua
thơ chữ Hán), Tạp chí văn học số 2, 1971.
3. Vũ Đức Phúc, Tìm hiểu tâm sự bão táp của Nguyễn Trãi qua thơ văn ông, Tạp chí văn
học số 5, 1980.
4. Trần Thị Băng Thanh, Thử phân định hai mạch cảm hứng trong dòng văn học Việt
Nam mang đậm dấu ấn Phật giáo thời trung đại, Tạp chí văn học, số 4,1992.
5. Trần Nho Thìn, Bi kịch tinh thần của nhà nho Việt Nam với tính cách là một nhân vật
văn hóa (Khảo sát qua trường hợp Nguyễn Trãi), Tạp chí văn học số 7, 2001.
6. Lã Nhâm Thìn, Đặc trưng quan niệm nghệ thuật về con người của Nguyễn Trãi, Tạp
chí văn học số 5, 1980.
7. O. W. Wolters, Khách tha hương trên chính quê hương mình, thơ Nguyễn Trãi viết
trong thời kì Minh thuộc, Tạp chí văn học số 10, 2002.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- LVVHVHVN067.pdf