MS: LVVH-VHVN062
SỐ TRANG: 119
NGÀNH: VĂN HỌC
CHUYÊN NGÀNH: VĂN HỌC VIỆT NAM
TRƯỜNG: ĐHSP TPHCM
NĂM: 2010
CẤU TRÚC LUẬN VĂN
LỜI CẢM ƠN
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
2. Mục đích nghiên cứu
3. Lịch sử vấn đề
4. Phạm vi nghiên cứu
5. Phương pháp nghiên cứu
6. Đóng góp của luận văn
7. Cấu trúc của luận văn
Chương 1 : TIỂU SỬ VÀ SỰ NGHIỆP SÁNG TÁC VĂN CHƯƠNG CỦA VIỄN PHƯƠNG
1.1. Tiểu sử nhà thơ Viễn Phương
1.1.1. Cuộc đời nhà thơ Viễn Phương (1928 - 2005)
1.1.2. Những yếu tố hình thành tài năng văn chương của Viễn Phương
1.2. Sự nghiệp sáng tác văn chương của Viễn Phương
1.2.1. Truyện và ký của Viễn Phương
1.2.2. Viễn Phương với thơ ca
1.3. Những sáng tác chính của Viễn Phương
Chương 2 : NHỮNG NÉT CHỦ ĐẠO TRONG CẢM HỨNG NGHỆ THUẬT THƠ VIỄN PHƯƠNG
2.1. Tình yêu tha thiết Tổ quốc, quê hương, lãnh tụ
2.1.1. Tiếng lòng tha thiết với Tổ quốc
2.1.2. Tình cảm sâu lắng, thuỷ chung với quê hương
2.1.3. Tấm lòng thành kính đối với Bác Hồ
2.2. Ngợi ca vẻ đẹp của những tấm gương chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc
2.2.1. Tượng đài người chiến sĩ kiên trung, bất khuất
2.2.2. Vẻ đẹp bất tử của người phụ nữ, người Mẹ Việt Nam anh hùng
2.3. Cái tôi cá nhân thấm đẫm tình yêu thương, nhân bản
2.3.1. Tình yêu lứa đôi hoà lẫn vào tình đồng đội, đồng chí
2.3.2. Tình cảm vợ chồng son sắt, thuỷ chung
2.3.3. Trái tim nhạy cảm, giàu lòng trắc ẩn
2.4. Tiếng thơ của sự chiêm nghiệm
Chương 3 : ĐẶC ĐIỂM THƠ VIỄN PHƯƠNG NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN HÌNH THỨC THỂ HIỆN
3.1. Sử dụng đa dạng các thể thơ
3.1.1. Thể thơ phù hợp với tình cảm, tâm trạng tác giả
3.1.2. Thể thơ Viễn Phương vừa mang đặc điểm thơ ca hiện đại vừa gần gũi với thơ ca truyền thống
3.2. Ngôn ngữ, giọng điệu
3.2.1. Ngôn ngữ
3.2.2. Giọng điệu
3.3. Hình ảnh thơ mang tính biểu tượng hướng tới vẻ đẹp cao cả, thanh khiết
3.3.1. Hình ảnh biểu trưng giàu tính hình tượng
3.3.2. Dùng biểu tượng gợi sự liên tưởng hướng tới vẻ đẹp cao cả, thanh khiết
3.4. Không - thời gian nghệ thuật trong thơ Viễn Phương
3.4.1. Không gian nghệ thuật
3.4.2. Thời gian nghệ thuật
KẾT LUẬN
TÀI LIỆU THAM KHẢO
DANH MỤC NHỮNG TÁC PHẨM THƠ VIỄN PHƯƠNG ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG LUẬN VĂN
PHỤ LỤC
119 trang |
Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 3085 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Đặc điểm thơ Viễn Phương, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
quê trong thơ Viễn Phương hiện ra chân thực và đầy đủ đến từng chi tiết
qua: làng nghề truyền thống (chằm gai, hái dâu, nuôi tằm, dệt lụa, trồng lúa…); những cảnh, những
người gắn với cuộc sống con người Nam Bộ (hoa sen, bông súng ngát hương, mái rơm, cánh cò,
khói lam chiều, tiếng tu hú kêu nước lớn nước ròng, chiếc áo bà ba, mảnh khăn rằn…); những sản
vật của quê nhà (canh chua bông điên điển, cá rô đồng, xôi lá cẩm, mắm ruốc, mắm kho...); những
địa danh tên đất, tên người (Kinh Đồng Tháp, Tháp Mười, Vàm Nao, gành Đá Bạc, Mương Đào, An
Biên, An Giang, Long Xuyên, Châu Đốc, Thất Sơn, Tân Châu, Mỹ Đức, Châu Giang, sông Hậu,
sông Tiền, sông Cửu Long…) làm nhà thơ “nhớ cháy lòng” những lúc đi xa. Phải là một người yêu
quê hương chân thật, đậm sâu, Viễn Phương mới viết nên những dòng thơ đầy ắp cảnh và người của
vùng quê Nam Bộ yêu thương đến thế!
Không gian làng quê trong thơ Viễn Phương trước 1975 là không gian thường xuất hiện
trong hoài niệm, trong nỗi cảm thương, xót xa về nơi chôn nhau cắt rốn, nơi người thân đang phải
sống cuộc đời nghèo khó: Lũ tràn… sóng liếm chân mây/ Bầm con mắt bão trắng đường lũ dâng
(Nắm cơm khi đói); Quê tôi mùa lũ chìm trong nước/ Rau cháo cầm hơi… mấy đoạn trường/ Sóng
lụt trời mây, chiều trắng xoá/ Đồng ruộng mênh mông thành biển cả… (Quê mẹ phù sa). Có thể
thấy không gian trong thơ Viễn Phương là không gian nỗi niềm, có mối quan hệ khăng khít với thời
gian hoài niệm (sẽ trình bày cụ thể ở mục 3.4.2)
Không gian làng quê, không gian hậu phương liên thông với không gian chiến trường, được
thể hiện qua những hình ảnh quen thuộc, gần gũi, đậm chất anh hùng ca.
3.4.1.2. Không gian chiến trường
Rời luỹ tre làng đi chiến đấu, không gian chiến trường được tái hiện qua lăng kính của người
lính trẻ “mang khẩu súng trường muốn phết gót chân” đến anh chiến sĩ giải phóng quân “vác súng
công đồn ngày đồng khởi quê hương”. Trong không gian này, ta như gặp mọi lớp người cùng sống,
cùng chiến đấu ở trạng thái sử thi đầy hào hứng và lãng mạn cách mạng. Không gian đó có cả
những hình ảnh đau thương nhưng là để tôn cao thêm hình tượng con người Việt Nam yêu nước.
Viễn Phương đã tái hiện những gian khổ, ác liệt, những nỗ lực lớn lao và những hy sinh, mất mát
của quân và dân ta trên đường đi tới chiến thắng: Anh hùng Trừ Văn Thố, Bất khuất, Thành phố Hồ
Chí Minh, Chất ngọc quê hương, Vầng trán mẹ, Mẹ, Mẹ anh hùng, Dòng sông tôi yêu, Người em
Nam Bộ,… Người chiến sĩ hy sinh trong những cảnh huống khác nhau cũng được Viễn Phương ghi
lại chân thực. Còn đọng mãi trong cảm nhận của người đọc là hình ảnh người anh hùng Nguyễn
Văn Trỗi “hiên ngang bước ra bãi bắn”, vẫn “cất tiếng gọi Hồ Chí Minh, tinh cầu rực sáng”, bị
“năm viên đạn xuyên qua lồng ngực” mà vẫn hô to “Việt Nam độc lập muôn năm!”; hay người anh
hùng Trừ Văn Thố “lao đầu vào lỗ châu mai, lấy thịt xương ngăn lửa đạn” hay người thiếu niên anh
hùng Lê Văn Tám “Đốt thân mình làm cây đuốc sống/ Cháy đỏ rực những dặm đường giải phóng”;
hay hình ảnh em Trì “buông chèo cầm thủ pháo”, vẫn dịu dàng “Các chú! Em hy sinh!”; hay đó còn
là tư thế hy sinh của biết bao đồng bào, đồng chí: Hai chân gãy tay ôm thủ pháo/ Trườn mình lên
đánh nát xe tăng/ Thân đã chết hồn say chiến đấu/ Xác cứng, tay còn xiết cổ địch quân…
Không gian chiến trường được nhắc đến ở đây còn là không gian lao tù. Khám Chí Hoà, đề
lao Gia Định, ngục Phú Lợi, là những nơi tác giả đã “nếm mật nằm gai”, chứng kiến bao cảnh tượng
đau lòng. Ngục tù, xiềng xích được nhắc đến như một bản cáo trạng đanh thép tố cáo tội ác dã man
của quân cướp nước: Từ thuở quân thù dựng lên ngục thất/ Một thế kỉ rồi không dứt tiếng rên/ Một
thế kỉ rồi đau thương tang tóc/ Máu với mồ hôi chảy ngập xích xiềng (Tiếng hát trong đề lao).
Trong không gian đề lao ấy, con người hiện lên với đầy đủ phẩm chất anh hùng của những người
lính, người mẹ. Hình ảnh đứa trẻ khát sữa khóc trong đêm lạnh gợi bao nỗi xót xa, căm hận. Trong
không gian u tối ấy bỗng sáng bừng lên tình mẫu tử cao đẹp “Mẹ hiền vắt máu hồng nuôi con”.
Hình ảnh người lính cũng xiết bao hiên ngang, khí phách khi đối mặt với những đòn tra tấn dã man
của quân thù: bàn tay người nữ chiến sĩ bị đóng đinh vẫn “vẽ lên vách đá một trời đầy sao”, vẫn
“thề chết không khai” (Người em Nam Bộ). Trong không gian đề lao bức bối ấy, người chiến sĩ
cách mạng vẫn nung nấu ý chí đấu tranh, tin tưởng vào vào một ngày mai toàn thắng: Tôi nhìn thấy
một ngày mai/ Quân đội nhân dân giải phóng/ Tay vung mã tấu chói loà/ Chém vỡ năm tầng cửa
sắt/ Vang trời khúc Tiến quân ca (Tiếng hát trong đề lao); Hầm gai là huyệt chôn người/ nhưng
không lấp được ý đời con đâu/ Dù cho nắng lửa mưa dầu/ Trong hang tối vẫn ngẩng đầu trông lên
(Chúc thọ trong tù); Trong xiềng xích ta đứng cao hơn bao giờ hết/ Ta rực rỡ, ta cao hơn cái chết/
Nên tương lai là của chúng ta (Thành phố Hồ Chí Minh),...
Chính không gian sử thi đã tạo nên tình huống sử thi và con người trở thành những anh hùng
(con người sử thi), đại diện cho cả dân tộc. Không gian chiến trường còn gắn với tên những anh
hùng đã ngã xuống vì sự sống và tương lai dân tộc: Anh hùng Trừ Văn Thố, anh hùng Nguyễn Văn
Trỗi, Lê Văn Tám, anh hùng Phạm Văn Cội, lão du kích Ba Nì, nữ y sĩ Ba Thu, hoạ sĩ Đào Hữu
Phước, chị Tư Hiếu, má Sáu, em Trì,… Có thể nói, không ở bài thơ nào không gian chiến trường lại
“đặc quánh” như trong bài “Những nẻo đường thành phố”. Hàng loạt tên các anh hùng liệt sĩ đã
được nhắc đến: Quách Thị Trang, Lê Hồng Phong, Trần Văn Ơn, Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu, Trần
Bội Cơ, Bồ tát Thích Quảng Đức, Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Thị Riêng, Dương Tử
Giang, Nguyễn Thi, Ca Lê Hiến, Vũ Tùng,… mỗi người mỗi gương mặt, mỗi tư thế hy sinh nhưng
đã cùng tạc nên một tượng đài bất tử trong lòng dân tộc, và ở mỗi góc quê hương ấy đều ẩn hiện
bóng hình của họ: Ôi! Mỗi góc quê hương/ Mỗi nẻo đường thành phố/ Đâu cũng bãi chiến trường,/
Đâu cũng dòng máu đỏ. (Những nẻo đường thành phố). Những con đường ấy đã trở thành những
con đường lịch sử in dấu chân các anh, và hôm nay, thế hệ tiếp bước đang đi trên con đường ấy, sẽ
mãi luôn tự hào và noi gương. Với ý nghĩa đó, GS. Trần Thanh Đạm đề xuất nên đưa bài thơ này
vào chương trình dạy và học, để “làm bài học cho các cháu học sinh, các em thiếu nhi”, bởi đây là
“một thứ kinh nhật tụng cho người dân thành phố mỗi ngày bước đi trên con đường mang tên các
anh hùng liệt sĩ” [88, tr.200].
Không gian chiến trường thường được tác giả nhắc đến đó là vùng Củ Chi đất thép. Nơi đây,
tác giả đã gắn bó, chiến đấu hơn 13 năm với bao máu xương của đồng đội. Viễn Phương từng được
mệnh danh là “ông địa đạo” với kỹ thuật nằm hầm và đào địa đạo (xem thêm truyện ngắn “Ông địa
đạo” [124, tr.488]). Không gian được tác giả nhắc đến ở đây thường là địa đạo, hầm bí mật, bìa
rừng, bờ suối, lán trại…: Hãy đến quê tôi, Đêm du kích, Bài ca địa đạo, Về đất thành đồng, Chiến
thắng của màu xanh, Trận địa, Chiếc hầm bí mật, Trở lại Củ Chi, Chuyện cánh đồng và dòng sông,
Vùng đất thanh xuân, Chiều Củ Chi.
Có thể thấy, Viễn Phương đã tái hiện một không gian chiến tranh với hiện thực khốc liệt.
Cuộc sống - chiến đấu đầy những khó khăn, song lòng người vẫn đầy tin tưởng. Niềm tin, hy vọng,
lạc quan giữa thực tế đầy khó khăn càng hun đúc ý chí, tiếp thêm sức mạnh, nghị lực cho những
người đang cầm súng chiến đấu: Đám cưới giữa mùa xuân, Mắt sáng học trò, Lá thư em gái, Hãy
đến quê tôi, Về đất thành đồng, Bài ca địa đạo,…
Vượt qua bao suối, bao đèo, những khu rừng rung chuyển dưới mưa bom, bão đạn, người
lính can trường, dày dạn gió sương. Và không gian ấy cũng đầy tiếng cười, tiếng hát: Tiếng em hát
suốt mùa trăng hoả tuyến/ Đâu đây một tiếng hò ngân/ Ta hát tặng nhau chùm hoa nhỏ/ Tiếng em
hát dội trong hồn dân tộc/ Giữ dòng sông dìu dặt tiếng ai hò/ Và vui nhất là khi nghe súng hát/
Đường ra trận trái tim nào cũng hát,… Đơn giản là vì quân và dân ta tự nguyện tham gia vào đời
sống cách mạng, cầm súng chiến đấu, giữ gìn từng tấc đất quê hương.
Trong không gian nghệ thuật đó, không khí ra trận như đi dự hội: Con rủ cha xung phong
vào du kích/ Vợ hối chồng numg sắt đỏ rèn chông (Hãy đến quê tôi); Đêm vào trận đánh/ Súng đều
nở hoa/ Đi là chiến thắng…(Nhạc trong bình minh); Đi chiến đấu kể gì tuổi tác/ Đường ra trận
trái tim nào cũng hát/ Vỗ tay ca ánh mắt nào cũng trong (Nỗi nhớ hậu phương).
Không gian chiến trường thường không có chỗ cho cái riêng tư, nhưng Viễn Phương cũng đã
đôi lần khắc hoạ thế giới nội tâm của người lính trong những phút một mình thương nhớ người thân
yêu ở hậu phương. Bởi, nỗi nhớ như một thứ gia vị không thể thiếu trong tình yêu, nó đã tiếp thêm
sức mạnh và nghị lực cho người lính nơi chiến trường đầy hiểm nguy, gian khó. Đôi khi, đó chỉ là
một khoảng lặng bất chợt trong tâm hồn:
Đi hành quân suốt những đêm dài
Thấy vầng sáng như chòm sao mới mọc.
Nhớ thành phố, nhớ sao muốn khóc
“Có biết mình rất thương hay không?”
Nhớ như là nhớ một nụ hôn,
Tưởng có thể ôm vào vòng tay nhỏ…
(Gặp gỡ)
Hay:
Tôi ôm em vào lòng
Bóng quân thù trước ngõ
Chiếc hôn chiều mênh mông
(Tình ca);
Cho tôi làm màu xanh của gió
Để theo em trên cánh nhỏ hành quân
…Cho tôi làm mây bay đỉnh vắng
Để cùng em đối mặt quân thù
(Nỗi nhớ hậu phương)
3.4.1.3. Không gian thành đô
Không gian thành đô được Viễn Phương nhắc đến với với nhiều cung bậc cảm xúc khác
nhau. Trong chiến tranh, thành đô (Sài Gòn) chính là niềm tin, khát vọng toả sáng tương lai, giương
cao ngọn cờ độc lập, tự do, là bài ca chiến thắng, là thành phố trong trái tim mỗi người: Khi thành
phố đấu tranh, anh vững vàng tay súng/ Quyết đến giữa Sài Gòn hát bài ca giải phóng/ Cầm ngọn
cờ trên đô thị vinh quang/ Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ ánh sao vàng…(Đám cưới giữa mùa
xuân); Ta sẽ gặp nhau giữa Sài Gòn đâu đấy/ Nếu biết nâng hồn vươn mãi đến chiều cao (Mắt
sáng học trò); Em gái thương yêu đã thành chiến sĩ/ Nắng mới tung tăng đường phố Sài Gòn (Về
đất thành đồng); Thành Sài Gòn có muôn đoá hoa/ Nhưng đẹp nhất đoá hoa mùa gian khổ (Gặp
gỡ); Thành phố này không nằm trong lòng giặc/ Thành phố này nằm trong trái tim (Thành phố
trong tim),…
Giã từ ánh trăng thời chiến, người lính – nhà thơ trở về với thành phố, trở về với ánh đèn đô
thị nhưng nhà thơ vẫn tương tư về không gian ngày xưa. Nỗi nhớ về không gian thiên nhiên, về
cánh rừng, về mái lều tranh bên suối vắng, về gốc sim cằn cỗi giữa rừng già, về những mất mát hy
sinh của một thời… là những ám ảnh sâu thẳm luôn quanh quẩn trong cuộc sống hiện tại của thi
nhân: Một mái lều tranh bên suối vắng/ Nhành hoa tím dại giữa rừng xanh/ Đêm mơ tiếng nhạn kêu
sương lẻ… (Hoa tím); Nhưng hồn tôi… tận đáy tâm hồn/ Vẫn rỉ máu những chiều thương nhớ/ Hoa
trinh nữ của một thời gian khổ/ Vẫn âm thầm nở tím hồn tôi (Hoa trinh nữ).
Bước trên con đường thành đô mà “tâm bất tại”, như người “mộng du”: Bước giữa đô thành
như mộng du/ Hồn tôi buồn tợ chiều sương thu). Sự tù túng, chật hẹp, ngột ngạt nơi đô thành khiến
ông luôn day dứt với vũ trụ rộng lớn, bao la của quá khứ: Tôi đi suốt dặm đường trần/ Rừng xanh
vẫn giữ một phần hồn tôi (Chiều nay gió lạnh); Lâu rồi! Lâu lắm rừng ơi! Chim xanh chẳng trở về
chơi với rừng (Rừng ơi); Nhợt nhạt vầng trăng chốn thị thành/ Nhớ rừng se sắt mảnh trăng thanh
(Hỏi trăng); Ánh trăng xưa vẫn sáng rực lời nguyền (Ánh trăng xưa); Tôi… từ lỡ bước thành đô/
Ngựa xe, cát bụi phủ mờ hồn tôi/ Vị đời đắng chát đôi môi/ Nụ hôn cũng bạc những lời sắt son./ Tôi
như một cánh buồm con/ Bão giông lạc giữa hoàng hôn thị thành (Rừng ơi).
Không gian hiện tại tràn ngập hơi thở của đô thị “đất chật người đông”, của những con người
trong không gian bị “đô thị hoá”, mặt trái của cuộc sống phố xá, với nhiều góc khuất, tăm tối khiến
nhà thơ đau lòng: Thị trường đến cả tình sông núi/ Thì nói làm chi chuyện nghĩa nhơn (Chiều Củ
Chi); Có những dòng đen chảy giữa tâm hồn/ Đang lẫn lộn máu người và máu cá/ Chuyện đạo lý
bỗng trở thành xa lạ (Bài thơ bi thương); Chợ đời mua bán đường chông chênh/ Nghĩa tình xem
nhẹ hơn mây mỏng/ Ước nguyện bay vù theo cánh chim (Hoa tím); Những phát súng bắn vào quá
khứ/ Âm thầm gây thương tích ở tương lai (Phát súng); Người cán bộ bạc đầu theo cách mạng/
Trước pháp trường nhàu nát mặt ưu tư/ Vành móng ngựa cong cong như dấu hỏi/ Đi về đâu? Bốn
hướng mịt mù (Về đâu?).
Có thể nói, không gian đô thị trong thơ Viễn Phương thấm đẫm cảm xúc và suy tưởng của
nhân vật trữ tình. Những ngóc ngách của cuộc sống thực tại giữa đô thị Sài Gòn sau ngày đất nước
vừa đi ra khỏi cuộc chiến tranh đầy những nghịch lý đã được nhà thơ cóp nhặt và phơi bày trong
thơ, giúp ta hiểu thêm con người và hồn thơ thanh khiết của Viễn Phương.
Không gian nghệ thuật có mối quan hệ hữu cơ với thời gian nghệ thuật. Sự gắn bó này giúp
người đọc hiểu rõ hơn quan niệm nghệ thuật của nhà thơ về thế giới nhân sinh.
3.4.2. Thời gian nghệ thuật
Thời gian thực tại được vận hành theo chuỗi: quá khứ - hiện tại - tương lai. Đó là thời gian
luân chuyển cố định theo nhịp tích tắc của đồng hồ. Thời gian nghệ thuật xuất hiện trong tư duy thơ
phần lớn không theo một tuyến tính cố định như vậy. Nó bị chi phối bởi cảm xúc chủ quan của nhà
thơ. Nó bộc lộ quan điểm, tư tưởng của nhà thơ về thế giới, về con người. Mỗi khoảnh khắc thời
gian đều mang những trăn trở, suy tư, những dự cảm của nhà thơ về cuộc sống, về những điều
thường nhật của cuộc đời, thể hiện tư duy nghệ thuật của nhà thơ. Cảm thức thời gian thi ca được sử
dụng như một phương tiện nghệ thuật để nhà thơ sáng tạo ra một thế giới nghệ thuật khác cái thế
giới mà họ đang sống. Nói như Lê Ngọc Trà:“Màu thời gian ở đây đã tạo khoảng cách rất cần thiết
cho sự cảm nhận đời sống” [113, tr.84-85].
Cảm thức, tư duy về thời gian trong thơ Viễn Phương nhuốm nhiều sắc thái. Sự kiến tạo thời
gian nghệ thuật của ông cũng phong phú và đa dạng. Thời gian nghệ thuật chủ yếu trong thơ Viễn
Phương có hai dạng: thời gian lịch sử và thời gian tâm lí, đã góp phần tạo hiệu quả biểu đạt nội
dung tư tưởng.
3.4.2.1. Thời gian lịch sử
Thời gian lịch sử trong tác phẩm thường gắn với những sự kiện, những biến cố lịch sử, gắn
liền với tiến trình lịch sử trong đời sống xã hội hay trong đời sống của nhân vật. Thời gian lịch sử
được người nghệ sĩ nhận thức và thể hiện trong sáng tác là thời gian lịch sử khách quan nhưng
không trùng hoàn toàn với thời gian lịch sử khách quan. Bởi thời gian lịch sử trong tác phẩm có thể
phân cách, gián đoạn, thậm chí đảo nghịch (chứ không theo trật tự tuyến tính của thời gian lịch sử
khách quan).
Thời gian lịch sử là kiểu thời gian nghệ thuật đặc trưng trong thơ cách mạng 1945-1975.
Thời gian lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã được các nhà thơ thể hiện với một
chiều sâu mới khi gắn khái niệm với lựa chọn:
Người ta không thể chọn để được sinh ra,
Nhưng chúng tôi đã chọn cánh rừng này phút giây năm tháng ấy.
(Những người đi tới biển – Thanh Thảo)
Thơ Viễn Phương đã tái hiện khá rõ nét thời gian lịch sử chiến tranh cách mạng. Thời gian ấy
được Viễn Phương cụ thể hoá thông qua từng số phận của những cá nhân, nhân vật lịch sử hào
hùng. Đó là hình tượng Bác Hồ, hình ảnh người lính, người mẹ trong cuộc chiến oai hùng của dân
tộc: Chúc thọ trong tù, Trên bến sông này xưa Bác đi, Nhớ lời di chúc, Có một niềm mơ, Trong
tuyết trắng Mạc Tư Khoa, Viếng lăng Bác, Anh hùng Trừ Văn Thố, Bất khuất, Dòng sông tôi yêu,
Người em Nam Bộ, Mẹ anh hùng, Mẹ, Dòng sông tôi yêu, Vầng trán mẹ, Bóng mẹ Bàn Cờ… (đã
trình bày ở chương 2).
Thời gian lịch sử được tái hiện không chỉ đầy ắp sự kiện hào hùng mà còn gắn với những hy
sinh, mất mát không gì bù đắp được của dân tộc. Những dòng ý thức đó đã làm cho những câu thơ
của Viễn Phương trở nên hết sức xúc động. Gắn với thời gian lịch sử quá khứ là hình ảnh những
người mẹ, người chị, người em dũng cảm chiến đấu và thầm lặng hy sinh, chịu đựng (Tiếng hát
trong đề lao, Người em Nam Bộ, Vầng trán mẹ, Mẹ, Mẹ anh hùng, Dòng sông tôi yêu, Hoa trắng
trời ven…). Có thể nói trong thời khắc chiến tranh cả đất nước có chung một tâm hồn, một gương
mặt, vì thế thời gian hiện tại trong thơ Viễn Phương vẫn được cảm nhận bằng cảm quan sử thi.
Nếu quá khứ gắn với hy sinh, mất mát thì tương lai thắng lợi thường được biểu trưng bằng
mùa xuân, mùa sinh sôi nảy nở của đất trời, của hạnh phúc lứa đôi: Giặc muốn chặn mùa xuân bằng
thiết giáp/ Nhưng muôn tim mở lối đón quân về (Mắt sáng học trò); Hang sâu vầng ánh mặt trời/
Mà sao vẫn thấy sáng ngời mùa xuân (Bài ca địa đạo); Em đang viết mùa xuân cho lịch sử/ Thấy
mặt trời lên trên từng nét chữ (Người yêu dũng sĩ); Ta in gót trên giấc mơ đế quốc/ Chiếc cầu tre
đổi thay tầm vóc/ Quân qua cầu đi đến mùa Xuân (Qua cầu suối Bến Tranh); Ta bỗng thấy hồn ta
tràn nắng gió/ Xuân bay lên giữa bốn mặt song tù (Giọt nắng); Máu hồng người đi trước/ Là để
ngày hôm nay/ Sáng mùa xuân hạnh phúc (Những nẻo đường thành phố); Tiếng súng vừa im, cử
hành lễ cưới/ Giữa mùa xuân chiến thắng của quê mình/ Có đôi bồ câu trắng vượt trời xanh (Đám
cưới giữa mùa xuân);…
3.4.2.2. Thời gian tâm lí
Thời gian tâm lí là thời gian tâm trạng, thời gian nỗi niềm của tác giả, mang sắc thái tình cảm
cá nhân, nó phá vỡ tính trình tự của thời gian vật lí.
Một trong những dạng thức của thời gian tâm lí là thời gian hoài niệm. Viễn Phương hay
nhắc về làng quê trong không gian xa cách. Không gian ấy đan quyện với thời gian hoài niệm khi ký
ức tuổi thơ ùa về nối mạch hồn quê với những nét văn hoá dân gian, làng nghề truyền thống.
Thông qua lăng kính hoài niệm, Viễn Phương đánh thức quá khứ, làm sống lại quá khứ. Nhà
thơ như tâm sự với người đọc câu chuyện của đời mình. Theo thống kê, động từ “nhớ” được nhà thơ
nhắc đến trên 100 lần trong tổng số 68/197 bài thơ. Nhớ, nhớ thương, thương nhớ được lặp lại nhiều
lần như nhắc nhở chúng ta về một quá khứ đấu tranh gian khổ nhưng oanh liệt, hào hùng: Nhớ lắm
em ơi! Nhớ lắm những ngày/ Sống ở hầm, ăn cơm vắt, uống nước chai; Mẹ ra trận nhớ con rưng
nước mắt; Nhớ về những khe rừng thủ thỉ; Nhớ mùa chiến dịch hành quân; Ôi nhớ lắm những
tháng ngày ra trận; Vẫn nhớ về một sắc hoa mua; Xót xa thương nhớ những chiều xa xôi; Nhớ
rừng se sắt mảnh trăng thanh; Con nhớ mẹ nghèo xưa, sao nhớ quá; Nhớ chuếch choáng có một
mùa kháng chiến; Nhớ chén nước mẹ trao ngày địa đạo… Tất cả nỗi nhớ ấy được tác giả gom lại
kết thành “những dòng thơ thương nhớ”: Nước mắt ứa thành thơ thương nhớ.
Với bao tất bật của cuộc sống hiện tại, có biết bao sự lãng quên, sự đổi màu, lời nhắn nhủ của
nhà thơ như nhắc nhở: chúng ta không được quyền quên máu – máu của đồng đội, của đồng đồng
chí, đồng bào đã ngã xuống để chúng ta hôm nay được hưởng nền hoà bình, tự do, độc lập. Qua đó,
ta thấy được ân tình sâu nặng của một nhà thơ – chiến sĩ với trái tim son sắt, thuỷ chung với quá khứ
cách mạng. Nói như Trần Thanh Đạm, âm hưởng đó là “tiếng vọng nội tâm sâu xa” của Viễn
Phương đối với thế giới bên ngoài. Đó “không chỉ là quá khứ”. Đó “còn là hiện tại và tương lai”.
Từ quá khứ, thơ Viễn Phương “nói với hiện tại và tương lai những lời sâu nặng nghĩa tình” [88,
tr.201].
Sự hoà trộn thời gian cũng là một trong những phương thức tổ chức thời gian tâm lí trong thơ
Viễn Phương. Những ký ức quay vòng, những giấc mơ được trở về quá khứ, và mơ ngược đến
tương lai là những cảm xúc rất chân thực của người nghệ sĩ có trái tim đa cảm. Cảm xúc dữ dội,
mãnh liệt nhưng cũng không kém phần tha thiết, vọng sâu: Con nhớ mẹ nghèo xưa, sao nhớ quá
(Con ở trời nào); Nhớ khu rừng nhỏ ngày xưa/ Chiều nay gió lạnh trở mùa xuân sang (Chiều nay
gió lạnh); Khói un thơm ngát đêm quê mẹ/ Rơm cỏ âm thầm gợi nhớ thương (Nghìn trùng quê mẹ);
Trăn trở hồn tôi gió nổi suốt đêm/ Có những vì sao hành quân ra tiền tuyến (Nỗi nhớ hậu phương);
Chưa đêm nào ta nhớ như đêm nay/ Trăng đã lặn mà hồn ta vẫn gió (Trở lại Củ Chi); Một mái lều
tranh bên suối vắng/ Nhành hoa tím dại giữa rừng xanh/ Đêm nghe tiếng nhạn kêu sương lẻ/ Gối
súng nằm mơ buổi thái bình (Hoa tím); Thơm ngát hoa hồng, hoa huệ/ Vẫn nhớ về một sắc hoa mua
(Hoa mua); Nhưng hồn tôi… tận đáy tâm hồn/ Vẫn rỉ máu những chiều thương nhớ/ Hoa trinh nữ
của một thời gian khổ/ Vẫn âm thầm nở tím hồn tôi (Hoa trinh nữ);…
Bên cạnh đó, mạch cảm xúc suy tưởng - liên tưởng – hồi tưởng cũng được Viễn Phương sử
dụng khá thành công khi nói về hình tượng Tổ quốc. Tổ quốc được triển khai từ nhiều góc độ qua
ba chiều thời gian: hiện tại trở về quá khứ rồi hướng đến tương lai (Tổ quốc, Thần nỏ). Hiện tại, Tổ
quốc thanh bình xiết bao với hình ảnh “Đàn chim Lạc bay vào thiên niên kỷ”, với khung cảnh thật
êm đềm - “mát rượi những dòng sông, nắng trải mênh mông, trời xanh trong, đất nước ửng hồng,
đất trời dìu dịu nét xuân tươi…”. Để có được Tổ quốc tươi đẹp như ngày hôm nay, ông cha ta hơn
bốn nghìn năm qua đã dày công gầy dựng, xây thành, chế nỏ, gìn giữ biên cương. Xin nghiêng mình
kính cẩn trước linh hồn dân tộc: Ôi! Trưng Vương! Người trẫm mình dòng sông Hát/ Để ngàn sau
con cháu hoá anh hùng; Nguyễn Trãi ngâm thơ… chiều sương rơi; Vườn vải chiều Nguyễn Trãi làm
thơ; Tiếng voi gầm Nguyễn Huệ đến Thăng Long/ Mật quân Thanh vỡ đắng sông Hồng; Chiến dịch
Hồ Chí Minh chấn động địa cầu/ Bác Hồ cười rạng rỡ trăng sao… Tưởng nhớ đến công ơn của cha
ông, cũng là lời hứa, quyết tâm xây dựng một đất nước giàu đẹp ở tương lai: Lấp lánh Kim Quy
trườn ngọn sóng/ Dâng nỏ thần cho thế hệ Hồ Chí Minh/ Cây trăm thức hoá đằng ngà Phù Đổng/
Giương tán xanh che sông núi thái bình; Bốn ngàn năm Tổ quốc vẫn hồng…
Thời gian đồng hiện cũng là một nét nghệ thuật đặc sắc trong thơ Viễn Phương. Với thủ pháp
nghệ thuật đồng hiện, quá khứ, hiện tại, tương lai cùng hiện lên, trùng khít nhau, như những dòng ý
thức, suy tư, tâm trạng rối bời của nhà thơ:
Tôi viết bài thơ bi thương
Mẹ đứng lặng hỏi: “Con còn hay mất?”
Ôi bà mẹ đã nuôi tôi trong hầm bí mật
Sao bây giờ mẹ nhìn chẳng ra con?
Có những dòng đen chảy giữa tâm hồn?
Đang lẫn lộn giữa máu người và máu cá!
Chuyện đạo lý bỗng trở thành xa lạ.
(Bài thơ bi thương)
Đôi khi, thời gian còn được cảm nhận một cách mơ hồ, nửa tỉnh, nửa mơ với bao kỷ niệm và nỗi
nhớ “chỉ là giấc mơ đêm tan”:
Sực tỉnh giấc con đang nằm nệm ấm
Chiếc đồng hồ điểm nhạc bâng quơ.
Bầu trời nặng chìm sâu trong mắt bão
Ôi! Con vừa hành quân trong mơ.
(Con ở trời nào?)
Thời gian nghệ thuật trong thơ Viễn Phương được thể hiện rất phong phú, đa dạng và gần gũi
với cảm quan của con người hiện đại. Không gian và thời gian nghệ thuật ở đây có sự gắn bó hữu cơ
với nhau, cùng tái hiện những xúc cảm thẩm mĩ của nhà thơ trước hiện thực cuộc sống, và cùng
khơi gợi trong lòng người đọc những khoái cảm thẩm mĩ. Ý niệm về thời gian và không gian trong
thơ Viễn Phương được mở rộng theo nhiều chiều. Thông qua các mối tương quan ấy, tư tưởng, tâm
trạng nhà thơ và bản chất của hiện thực càng có dịp bộc lộ ra rõ ràng hơn, sâu sắc hơn.
TIỂU KẾT:
Với kỹ năng sử dụng thể thơ, ngôn từ, giọng điệu, khả năng lựa chọn, chắt lọc hình ảnh với
những khung thời gian, không gian sống động, Viễn Phương đã đưa toàn bộ cuộc đời thực vào thơ.
Hiện thực dù có trần trụi, khó khăn, gai góc nhưng qua góc nhìn và điểm nhìn của Viễn Phương,
cùng với tài năng thơ của ông đã tạo nên sự thành công của nhà thơ.
Đọc thơ Viễn Phương, người đọc ít thấy những dòng thơ nhiều kỹ xảo. Viễn Phương không
dùng từ đại ngôn, phóng đại, ngôn ngữ không đa nghĩa,… Chỉ có đời sống mộc mạc, giản dị như nó
vốn vậy đã được Viễn Phương đưa vào thơ. Sức sống của cái đẹp nguyên sơ ấy thể hiện đúng bản
chất và tính cách của một nhà thơ Nam Bộ, không lẫn tạp sự “lai căng”, “trau chuốt giả tạo”. Có thể
nói, sự đóng góp của Viễn Phương là đáng ghi nhận trong việc giữ gìn và phát triển sự trong sáng
của tiếng Việt. Dẫu còn những hạn chế nhất định về mặt nghệ thuật, song Viễn Phương cũng đã tạo
nên những đặc điểm riêng cho thơ mình, góp thêm hương sắc cho vườn thơ Nam Bộ rực rỡ sắc màu.
KẾT LUẬN
1. Cách mạng tháng Tám bùng nổ, Viễn Phương gác bút nghiên để thực hiện chí thanh niên
với bao hoài bão, khát vọng. Hơn 50 năm cầm bút, với quan niệm “ngòi bút là vũ khí” đã giúp nhà
thơ định hướng đúng đề tài cũng như cách viết của mình. Tính chiến đấu luôn thể hiện đậm nét
trong các sáng tác của ông. Thơ cũng như văn Viễn Phương đều lay động, thấm thía lòng người khi
tác giả luôn thâm nhập thực tế cuộc sống, từ những nỗi niềm riêng, chỗ đứng riêng của số phận
mình mà ngợi ca sự nghiệp chung của dân tộc và luôn có cái nhìn đa diện, đa chiều về cuộc sống,
thể hiện ở những giây phút suy tư về con người và thời đại.
2. Về phương diện nội dung
Có thể nói văn học viết về chiến tranh cách mạng là một cánh đồng không bao giờ bạc màu,
càng lật xới, càng màu mỡ. Cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc với tất cả những hình thái đặc thù
của nó đã thôi thúc mỗi người dân, đặc biệt là những người lính vượt lên những suy nghĩ đời thường
để trở thành những người anh hùng bất tử trong lòng dân tộc. Đó cũng chính là những nét tính cách,
nét văn hoá của con người Việt Nam được Viễn Phương khắc hoạ đậm nét trong các sáng tác của
mình.
Viễn Phương đã thực hiện đúng vai trò và trách nhiệm của người cầm súng và người cầm
bút. Cùng với âm hưởng chung của thời đại, thơ Viễn Phương không tách rời với cảm hứng sử thi
anh hùng và cảm hứng lãng mạn cách mạng của văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975. Cảm hứng
này được biểu hiện qua các hình tượng chính của thời đại, đó là: hình tượng Tổ Quốc, hình tượng
lãnh tụ, hình tượng quê hương, hình tượng người Mẹ, hình tượng người chiến sĩ cách mạng. Có thể
nói Viễn Phương đã thực sự thành công khi miêu tả các hình tượng này.
Viễn Phương đã sống và viết và “viết như là sống” bằng tâm thế của con người đã trải qua
bao tháng năm gian khổ, hào hùng, quyết liệt. Phải có một trái tim bao dung rộng mở cùng lòng yêu
nước tha thiết và tình quê hương sâu nặng, Viễn Phương mới có thể viết về thời đại mình bằng một
hồn thơ mãnh liệt và nồng nàn như thế. Nặng lòng với đất nước, yêu thương cuộc sống, trân trọng
con người, những trang thơ của Viễn Phương mang cảm hứng về đất nước và dân tộc anh hùng.
Viễn Phương yêu những cái đã viết ra bằng chính mồ hôi, nước mắt và cả máu của mình để chắt lọc
cho mình, cho đời những giá trị tinh thần vô giá của cuộc sống và tình người.
Sau khi nước nhà thống nhất, Viễn Phương vẫn cặm cụi mài giũa ngọn bút của mình trên
mảnh đất bom cày đạn xới ngày nào. Chiến tranh đã đi vào quá khứ, cuộc sống mới đặt ra nhiều vấn
đề sống còn, bức thiết. Dư âm của cuộc chiến, những trải nghiệm trong đời sống, những mất mát đã
qua, và những nỗi đau không thể bù đắp trọn vẹn… đã tạo nên nguồn cảm hứng cho thơ Viễn
Phương. Những trăn trở, suy tư của Viễn Phương về cuộc đời, con người, kiếp nhân sinh ở những
năm cuối đời càng giúp chúng ta yêu và hiểu hơn tấm lòng của một người con của dân tộc Việt nói
chung và của Nam Bộ nói riêng.
Viễn Phương đã chuyển từ khuynh hướng hướng ngoại sang hướng nội. Từ tiếng thơ chủ
yếu tập trung vào ca ngợi dân tộc anh hùng theo khuynh hướng sử thi, Viễn Phương đã chuyển sang
tập trung diễn tả sự thăng trầm của kiếp người với muôn mặt của cuộc sống thường nhật theo
khuynh hướng thế sự. Nhìn thẳng vào sự thật cuộc đời – đó chính là một thái độ sống dấn thân và
nhập cuộc của nhà thơ, đó cũng chính là tiếng nói nhân bản, tiếng nói của lương tri thức tỉnh mỗi
con người. Có thể khẳng định rằng tư thế dấn thân và nhập cuộc của Viễn Phương đã minh chứng
cho một chân lí bất diệt mà nhà thơ Tố Hữu đã nói đến: “Văn học là cuộc đời,… văn học sẽ không
là gì cả nếu không vì cuộc đời mà có”.
Qua đó, ta có thể thấy tính cách của Viễn Phương từ đời sống thường nhật đến thơ văn đều
chân thật, hiền lành, bình dị, hài hoà.
3. Về phương diện nghệ thuật
Thơ Viễn Phương có sự đa dạng về thể loại. Viễn Phương kế thừa cốt cách thơ cổ điển, vận
dụng nhuần nhuyễn thể lục bát, đưa hồn dân tộc vào thơ. Hơn ai hết, Viễn Phương thấu hiểu giá trị
của thơ truyền thống, bởi đó chính là sự kết tinh những gì tinh hoa, tốt đẹp nhất của tâm hồn dân
tộc. Những “tiếng hát”, “bài ca”, “điệu hò”, “lời ru” kết hợp với thể lục bát truyền thống đã hướng
thơ Viễn Phương thiên về tiếng hát yêu đời, nhiệt huyết, trẻ trung, bay bổng, mê say, đậm đà cảm
xúc và dễ đi sâu vào lòng người. Cùng với quá trình hiện đại hoá thơ ca dân tộc, thơ tự do của Viễn
Phương cũng có những bước tiến, góp phần định hình một khuôn mặt riêng cho thơ.
Ngôn ngữ thơ Viễn Phương không cầu kỳ, xa lạ. Viễn Phương không có tham vọng “lạ hoá”
ngôn từ và cũng không khoác lên thơ mình vẻ kiêu sa, quý tộc. Thơ ông là tiếng nói của người bình
dân Nam Bộ. Hình ảnh đất phương Nam hiện lên xiết bao thân thương, gần gũi qua những điệu hò,
câu hát, những phương ngữ Nam Bộ, những địa danh gắn với tên đất, tên người… Hệ thống từ vựng
trong thơ Viễn Phương khá phong phú, đa số là các từ thuần Việt được kết hợp một cách nhuần
nhuyễn với các động từ, tính từ chỉ tình thái. Viễn Phương cũng đưa vào khai thác và sử dụng thành
công những hình ảnh so sánh, ẩn dụ, đạt được những giá trị nghệ thuật cao.
Giọng điệu trong thơ Viễn Phương gắn liền với mạch cảm xúc, xuất phát từ chiều sâu của
suy nghĩ và ý thức thẩm mĩ của một con người sống hết mình vì lý tưởng cách mạng, vì quê hương
đất nước. Đó là giọng anh hùng ca khi nói về cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc; giọng điệu
lạc quan, yêu đời tha thiết; giọng nhớ thương, khắc khoải ngân lên từ tiếng lòng thổn thức; giọng
đau đáu, suy tư về cuộc sống hiện đại; giọng triết lý, trầm ngâm chiêm nghiệm về cuộc đời, thế thái,
nhân sinh. Có thể nói, trước năm 1975, giọng điệu thơ Viễn Phương là giọng trữ tình - hướng ngoại.
Tình cảm, cảm xúc được ghi nhận từ cuộc sống hiện thực nhưng náu mình trong cái ta chung,
hướng về đồng bào, đồng chí để động viên, khơi gợi những tình cảm yêu nước, lòng căm thù giặc.
Sau năm 1975, giọng thơ Viễn Phương chuyển sang trữ tình - hướng nội, biểu hiện cái tôi đang tư
duy, là sự bộc lộ tâm trạng trước cuộc đời.
Hình ảnh thơ được sử dụng có sự cân nhắc, chọn lọc và có mối quan hệ mật thiết với không
gian và thời gian nghệ thuật trong thơ, nó tác động mạnh mẽ đến người đọc, đồng thời khơi gợi,
củng cố những hứng thú thẩm mĩ của họ. Tính triết lý trong thơ Viễn Phương biểu hiện ở chiều sâu
nhận thức, thể hiện khả năng thâm nhập vào cuộc sống, tái tạo hình tượng thơ, do vậy, tư duy thơ,
hình ảnh luôn hoà quyện với cảm xúc.
4. Tất cả những điều trên đã làm cho thơ Viễn Phương dẫu mang âm hưởng chung của thơ ca
cách mạng nhưng lại có những đặc điểm riêng khó lẫn. Một Viễn Phương luôn tìm tòi, sáng tạo,
luôn tăng cường vốn sống đi sâu vào đời sống thực tế, hiện thực xã hội với những biến động lớn lao.
Một Viễn Phương luôn trau dồi ngôn ngữ, đặc biệt là lời ăn tiếng nói của con người miền Nam để
khám phá những khả năng tiềm tàng của ngôn ngữ, qua đó, biểu đạt tình cảm và trí tuệ của con
người. Có thể khẳng định thơ Viễn Phương là tiếng lòng của người con Nam Bộ, thể hiện tính chiến
đấu và giá trị nhân văn sâu sắc. Thơ Viễn Phương còn là tiếng hát trong trẻo, tiếng nói đa dạng về
cuộc sống, tiếng lòng thủ thỉ, ngọt ngào, tâm tình với người thân, bạn bè…
Dẫu chưa thể tạo nên phong cách riêng như những nhà thơ lớn của dân tộc, song những đóng
góp của Viễn Phương cho ngôn ngữ thơ dân tộc là điều đáng được nhìn nhận.
Với đề tài “Đặc điểm thơ Viễn Phương”, người viết thêm một lần nữa hoà cùng tiếng lòng
tâm tình của người dân Nam Bộ muốn khẳng định lại những đóng góp của Viễn Phương trong hơn
50 năm cầm bút, góp thêm cho vườn hoa văn học một đoá hoa quỳnh thơm ngát với những lời thơ
“được mài từ trái tim son”.
5. Cảm nhận, tiếp nhận thơ Viễn Phương, người viết hy vọng sẽ mang đến những đóng góp
nhất định trong việc nghiên cứu về Viễn Phương, một tác gia chưa được nhiều người chú ý và nhắc
đến. Đồng thời, người viết cũng kiến nghị nên đưa những tác phẩm trong sáng, thiết thực, giàu giá
trị nhân văn của Viễn Phương vào nhà trường để các em có cơ hội tiếp cận và nghiên cứu sâu hơn
về mạch nguồn thơ ca dân tộc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Kim Anh (biên soạn), (1999), Nhà văn và tác phẩm trong nhà trường: Viễn Phương, Thanh
Hải và Nguyễn Khoa Điềm, Nxb Giáo dục.
2. Vũ Tuấn Anh (1995), Sự vận động của cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam 1945 đến nay,
Luận án Phó Tiến sĩ khoa học Ngữ Văn, Hà Nội.
3. Vũ Tuấn Anh (1998), Đôi nét về quy luật vận động thơ Việt Nam hiện đại, 50 năm văn học
Việt nam sau Cách mạng tháng Tám, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.
4. Vũ Tuấn Anh (2001), Văn học Việt Nam hiện đại, nhận thức và thẩm định, Nxb Khoa học xã
hội, Hà Nội.
5. Phạm Quốc Ca (2003), Những đặc điểm của thơ Việt Nam sau 1975, Luận án Tiến sĩ Ngữ
Văn, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Tp. Hồ Chí Minh.
6. Nguyễn Phan Cảnh (1987), Ngôn ngữ thơ, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp.
7. Huy Cận (1979), Suy nghĩ về nghệ thuật, Báo Văn nghệ, Số 48.
8. Nguyễn Minh Châu (1985), Tác dụng kì diệu của tác phẩm văn, Tạp chí Văn nghệ Quân đội,
Số 9/1985.
9. Nguyễn Văn Dân (2006), Phương pháp luận nghiên cứu văn học, Nxb Khoa học xã hội, Hà
Nội.
10. Khuynh Diệp (1997), “Viễn Phương với mùa thu tháng tám”, Sài Gòn Giải Phóng, Ngày:
23/08/1997, Tr.4.
11. Phạm Tiến Duật (1994), Thơ – một chặng đường, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.
12. Trần Hữu Dũng (2005), Nguyễn Ngọc Tư đặc sản miền Nam, Diễn đàn (tháng 2).
13. Lê Tiến Dũng (2004), Nhà phê bình và cái roi ngựa (Phê bình – Tiểu luận), Nxb Đại học
Quốc gia, Tp.Hồ Chí Minh.
14. Lê Tiến Dũng (2007), Nhà văn và phong cách, Nxb Đại học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh.
15. Trần Thanh Đạm (1989), Bàn thêm về vấn đề con người trong văn học, Văn nghệ 35/1989,
tr.2-3.
16. Hữu Đạt (1987), Ngôn ngữ thơ Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
17. Phan Cự Đệ (2004), Văn học Việt Nam thế kỉ XX, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
18. Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Quang Long, Nguyễn Văn Đạo (1996), 50 năm văn học Việt
Nam sau Cách mạng tháng Tám, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.
19. Nguyễn Phúc Điền (2005), Thi pháp thơ Việt Nam 1964 – 1975, Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn,
Đại học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn.
20. Nguyễn Đăng Điệp (2002), Giọng điệu trong thơ trữ tình Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội.
21. Trịnh Bá Đĩnh (2002), Các lý thuyết thi pháp học cấu trúc, Nxb Văn học, Hà Nội.
22. “Đêm thơ nhạc Lê Anh Xuân - Viễn Phương” (1996), Sài Gòn Giải Phóng, Ngày:
28/04/1996, Tr.1.
23. Hà Minh Đức (1997), Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại, Nxb Giáo dục.
24. Hà Minh Đức (chủ biên) (2003), Lý luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
25. Hà Minh Đức, Đỗ Văn Khang, Phạm Quang Long (1997), Lý luận văn học, Nxb Giáo dục,
Hà Nội.
26. M. Gorki (1970), Bàn về văn học (Tập 2), Nxb Văn học, Hà Nội.
27. Nguyễn Văn Hạnh (1979), Suy nghĩ về văn học, Nxb Văn học, Hà Nội.
28. Nguyễn Văn Hạnh (2004), Chuyện văn chuyện đời, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
29. Nguyễn Văn Hạnh, Huỳnh Như Phương (1999), Lý luận văn học - vấn đề và suy nghĩ, Nxb
Giáo dục, Hà Nội.
30. Nguyễn Văn Hạnh (1998), Suy nghĩ về thơ Việt Nam sau 1975, Tạp chí văn học, Số 9.
31. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên), (2010), Từ điển thuật ngữ văn
học, Tái bản lần thứ tư, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
32. Đỗ Đức Hiểu (1993), Đổi mới phê bình văn học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
33. Đỗ Đức Hiểu (2000), Thi pháp hiện đại, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
34. Nguyễn Thái Hoà (1999), Tiếng Việt và thể thơ lục bát, Tạp chí văn học, Số 2.
35. Tô Hoài (1995), Nhận định về nhà thơ Viễn Phương, Văn nghệ Quân đội, tháng 7-1995.
36. Trịnh Bửu Hoài, Phạm Nguyên Thạch, Lê Thanh My (Sưu tầm và tuyển chọn) (2008), Thơ
viết về An Giang, Kỷ niệm 120 năm ngày sinh chủ tịch Tôn Đức Thắng, Văn nghệ An Giang.
37. Nguyễn Trọng Hoàn (2002), Tiếp cận văn học, Nxb Khoa học xã hội.
38. Hoàng Ngọc Hiến (2006), Những ngả đường vào văn học, Nxb Giáo dục.
39. Bùi Công Hùng (1993), Góp phần tìm hiểu nghệ thuật thơ ca, Nxb Khoa học xã hội.
40. Bùi Công Hùng (2001), Sự cách tân thơ văn Việt Nam hiện đại, Nxb Văn hoá Thông tin.
41. Đoàn Trọng Huy (2006), Nghệ thuật thơ Chế Lan Viên, Nxb Đại học Sư phạm, Tp.HCM.
42. Trần Ngọc Hưởng (2006), Thơ và nguồn thơ, Nxb Tổng hợp Đồng Nai.
43. Jakovson (2008), Thi học và Ngữ học – Lý luận văn học phương Tây hiện đại, (Trần Duy
Châu biên khảo), Nxb Văn học.
44. Nguyễn Văn Kha (biên soạn) (2004), Nguyễn Minh Châu – Nhà văn chiến sĩ, Nxb Trẻ, Hội
nghiên cứu và giảng dạy văn học Thành phố Hồ Chí Minh.
45. Nguyễn Thị Dư Khánh (1994), Phân tích tác phẩm văn học từ góc độ thi pháp, Nxb Giáo
dục, Hà Nội.
46. M.E. Khrapchenkô (1978), (Lê Sơn, Nguyễn Văn Minh dịch), Cá tính sáng tạo của nhà văn
và sự phát triển của văn học, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội.
47. Lê Đình Kỵ (1984), Tìm hiểu văn học, Nxb TP. Hồ Chí Minh.
48. Trần Thị Ngọc Lan (1995), Phương ngữ Nam Bộ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
49. Mã Giang Lân (1992), Nhìn lại thơ 30 năm chiến tranh, Tạp chí văn học, Số 2.
50. Mã Giang Lân (2000), Tiến trình thơ hiện đại Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
51. Mã Giang Lân (2003), Nhận xét ngôn ngữ thơ hiện đại Việt Nam, Tạp chí Văn học, Số 3.
52. Mai Quốc Liên (1999), Chế Lan Viên và chúng ta, Tạp chí Văn học, Tp.Hồ Chí Minh, Số
93, 7/1999.
53. Ngô Ngũ Ngọc Long (1998), “Nhà thơ Viễn Phương - Bài thơ hoà bình viết trên báng súng”,
Sài Gòn Giải Phóng, Ngày: 18/10/1998.
54. Nguyễn Văn Long (2003), Văn học Việt Nam trong thời đại mới, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
55. Nguyễn Văn Long (chủ biên) (2008), Giáo trình văn học Việt Nam hiện đại, Tập 2, Nxb Đại
học Sư Phạm.
56. Nguyễn Văn Long, Lã Nhâm Thìn (đồng chủ biên), (2006), Văn học Việt Nam sau 1975 –
Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
57. Phương Lựu (Chủ biên) (1997), Lý luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
58. Phương Lựu (1997), Tiếp nhận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
59. Phương Lựu (2002), Góp phần xác lập hệ thống quan niệm văn học, Nxb Văn hóa Thông
tin.
60. Phương Lựu, Trần Đình Sử, Nguyễn Xuân Nam, Lê Ngọc Trà… (2004), Lý luận văn học,
Nxb Giáo dục, Hà Nội.
61. Nguyễn Đăng Mạnh (1979), Nhà văn – Tư tưởng và Phong cách (Phê bình - Tiểu luận), Nxb
Tác phẩm mới, Hội Nhà văn Việt Nam.
62. Nguyễn Đăng Mạnh (1996), Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, Nxb Giáo
dục, Hà Nội.
63. Nguyễn Đăng Mạnh (2000), Nhà văn hiện đại – Chân dung và phong cách, Nxb Trẻ.
64. Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Trác, Trần Hữu Tá (1988), Văn học Việt Nam 1945-1975, Nxb
Giáo dục, Hà Nội.
65. Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân (1987), Một thời đại mới trong thi ca,
Nxb Văn học.
66. Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Văn Long (đồng chủ biên), (2002), Lịch sử văn học Việt Nam,
Tập III, Nxb Đại học Sư phạm.
67. Nguyễn Xuân Nam (1984), Nhà thơ Việt Nam hiện đại, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam,
Viện Văn học.
68. Sơn Nam (2005), Hương rừng Cà Mau, Nxb Trẻ, Tp.Hồ Chí Minh.
69. “Nhà thơ Viễn Phương với chương trình Thơ mài từ trái tim son” (2002), Sài Gòn Giải
Phóng, Ngày: 08/09/2002, Tr. 7.
70. “Nhà văn Anh Đức và nhà thơ Viễn Phương giao lưu với văn nghệ sĩ, sinh viên - học sinh
Cần Thơ” (1998), Sài Gòn Giải Phóng, Ngày: 20/11/1998, Tr.5.
71. Nhà văn An Giang (2004), Tuyển tập thơ văn 15 tác giả Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam,
Văn nghệ An Giang.
72. Lữ Huy Nguyên (2000), Ấn tượng văn chương, Nxb Văn hoá Thông tin.
73. Phùng Quý Nhâm (1991), Thẩm định văn học, Nxb Văn nghệ Tp.Hồ Chí Minh.
74. Nhiều tác giả, Thơ – nghiên cứu, lý luận, phê bình, Nxb Đại học Quốc gia, Tp.Hồ Chí Minh.
75. Lê Lưu Oanh (1998), Thơ trữ tình Việt Nam 1975 – 1990, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.
76. Hoàng Phê (chủ biên), (1998), Từ điển Tiếng Việt, Viện ngôn ngữ học, Nxb Đà Nẵng.
77. Nguyễn Phúc (2004), Văn học sáng tạo và thẩm định, Nxb Khoa học xã hội.
78. Lữ Phương (1992), Về tính đặc trưng của văn nghệ, Văn nghệ 24/1992.
79. Huỳnh Như Phương (1991), Văn xuôi những năm 80 và vấn đề dân chủ hoá nền văn học,
Văn học 4/1991 (ra tháng 7-8).
80. Huỳnh Như Phương (1993), Văn học hôm nay đang nhìn lại chính mình, Tạp chí văn học,
Số 1.
81. Huỳnh Như Phương (1994), Những tín hiệu mới, Nxb Hội nhà văn.
82. Viễn Phương (1957), Chiếc áo thiên thanh (Truyện ngắn, in chung với Lê Vĩnh Hoà, Tiêu
Kim Thuỷ, Ngọc Linh), Nxb Trùng Dương.
83. Viễn Phương, Tô Liên Bửu, Phan Minh Đạo, Cao Phương (1965), Tiếng hát miền Nam: Tập
thư của nhiều tác giả miền Nam, Nxb Văn học.
84. Viễn Phương, Lê Anh Xuân, Chim Trắng (1968), Có đâu như ở miền Nam – thơ: Từ miền
Nam gửi ra, Nxb Thanh Niên.
85. Viễn Phương (1970), Mắt sáng học trò, Nxb Giải phóng.
86. Viễn Phương (1978), Như mây mùa xuân, Nxb Tp.Hồ Chí Minh.
87. Viễn Phương (1990), Đổi mới – Đi tìm cái đẹp, Văn nghệ 37/1990, tr.2-15.
88. Viễn Phương (2005), Gió lay hương quỳnh, Nxb Hội Nhà văn.
89. Viễn Phương, Sổ tay nhật ký thơ (Tư liệu do gia đình cung cấp)
90. Viễn Phương, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng (Sưu tầm) (1995), 17 truyện ngắn Thành phố
Hồ Chí Minh , Nxb Hội Nhà văn.
91. G.N. Pospelov (chủ biên) (1985), (Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Nguyễn Nghĩa Trọng
dịch), Dẫn luận nghiên cứu văn học, tập 1, Nxb Giáo dục.
92. Trần Đình Sử (1983), Phẩm chất cái tôi trữ tình, Tạp chí Văn học, Số 1.
93. Trần Đình Sử (biên soạn), (1993), Giáo trình thi pháp học, Trường Đại học Sư phạm Tp.Hồ
Chí Minh.
94. Trần Đình Sử (1994), Hành trình thơ Việt Nam hiện đại, Văn nghệ, Số 41.
95. Trần Đình Sử (1995), Thi pháp thơ Tố Hữu, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
96. Trần Đình Sử (1995), Nghĩ về đặc trưng thẩm mĩ của văn học cách mạng 1945 – 1975, Báo
Văn nghệ, Số 42, Ngày 21/10/1995.
97. Trần Đình Sử (1997), Những thế giới nghệ thuật thơ, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
98. Trần Đình Sử (1999), Ngôn ngữ với việc lĩnh hội tác phẩm thơ, Tạp chí văn học, Số 10.
99. Trần Đình Sử (2001), Đọc văn học văn, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
100. Vũ Văn Sỹ (1999), Về một đặc trưng thi pháp thơ Việt Nam (1945-1995), Nxb Khoa học xã
hội.
101. Trần Hữu Tá (2000), Nhìn lại một chặng đường văn học, Nxb Tp. Hồ Chí Minh.
102. Mai Văn Tạo (1998), Viễn Phương, nhà thơ chiến trường, tù ngục, nhà thơ của đời, 5-
1998.
103. Quách Thị Thanh Tâm (2005), Thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Đình Thi, Luận văn Thạc sĩ,
Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn.
104. Nguyễn Bá Thành (1990), Tìm hiểu một số đặc điểm tư duy thơ cách mạng Việt Nam
(1945-1975), Luận án Phó Tiến sĩ khoa học Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
105. Nguyễn Bá Thành (1996), Tư duy thơ và tư duy thơ Việt Nam hiện đại, Nxb Văn học.
106. Trần Khánh Thành (2001), Thi pháp thơ Huy Cận, Nxb Văn học, Hà Nội.
107. Nguyễn Đình Thi (1958), Mấy vấn đề văn học, Nxb Văn hoá, Hà Nội.
108. Thơ Việt Nam thế kỉ 20, Thơ trữ tình (2008), Nxb Giáo dục.
109. Vũ Duy Thông (2000), Cái đẹp trong thơ kháng chiến Việt Nam 1945-1975, Nxb Giáo dục,
Hà Nội.
110. Trần Mạnh Thường (biên soạn) (2008), Các tác giả văn chương Việt Nam (tập 2), Nxb Văn
hoá Thông tin.
111. Lê Dục Tú (1992), Về một số đặc điểm thơ hiện nay, Tạp chí văn học, Số 3.
112. Tuyển tập 40 năm tạp chí văn học (1960 – 1999), Tập 3, Nxb Tp. Hồ Chí Minh.
113. Lê Ngọc Trà (2007), Văn chương - Thẩm mĩ và văn hoá, Nxb Giáo dục.
114. Lê Ngọc Trà (1990), Lí luận và văn học, Nxb Trẻ.
115. Lê Ngọc Trà (2000), Các giá trị văn học và tiếp nhận văn học, In trong sách Văn học 12
(Sách giáo viên), tập 2, Nxb Giáo dục.
116. Hoàng Trinh (1983), Thơ và hình thức thơ, Tạp chí văn học, Số 1.
117. Nguyễn Nghĩa Trọng (1984), Tìm hiểu ngôn ngữ thơ, Tạp chí văn học, Số 6.
118. Nguyễn Trường (1999), Văn hoá - Văn học một hướng nhìn, Nxb Thanh niên.
119. Mai Thuỵ Thanh Vân (2009), Cuộc đời và sự nghiệp văn học của Viễn Phương, Luận văn
Thạc sĩ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí
Minh).
120. Về chức năng văn học nghệ thuật, Văn nghệ 1-2/1988 (Ra ngày 9 tháng 1)
121. Chế Lan Viên (1990), Nói chuyện văn thơ, Tiểu luận – phê bình, Nxb Văn học, Hà Nội.
122. Viện Văn học (2001), Những vấn đề lý luận và lịch sử văn học, Nxb Khoa học xã hội.
123. Phan Vũ (2000), “Nhớ những người bạn cũ”, Sài Gòn Giải Phóng, Ngày: 17/12/2000.
124. Triệu Xuân (tuyển chọn) (2007), Viễn Phương tuyển tập, Nxb Văn học.
125. Trần Đăng Xuyền (1998), Về một đặc điểm thơ Việt Nam từ 1955 đến 1975, 50 năm văn
học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.
126. Trần Đăng Xuyền (2002), Nhà văn - nhận thức đời sống và cá tính sáng tạo, Nxb Văn học,
Hà Nội.
DANH MỤC NHỮNG TÁC PHẨM THƠ VIỄN PHƯƠNG
ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG LUẬN VĂN
1. Tiếng hát quê hương tôi
2. Tình nhi nữ
3. Sông núi thét
4. Hận Bắc Phi
5. Rực rỡ
6. Tiếng hát trong đề lao
7. Chúc thọ trong tù
8. Người em Nam Bộ
9. Thích ở trần
10. Thép
11. Tranh đấu
12. Anh hùng Trừ Văn Thố
13. Lá thư em gái
14. Phá bót An Nhơn
15. Bất khuất
16. Anh nằm đây yên nghỉ
17. Đám cưới giữa mùa xuân
18. Vầng trán mẹ
19. Chúng phải chết bên này bờ vĩ
tuyến
20. Mẹ
21. Hãy đến quê tôi
22. Đêm du kích
23. Nghe lời Tổ quốc
24. Bài ca địa đạo
25. Về đất thành đồng
26. Mẹ anh hùng
27. Dòng sông tôi yêu
28. Người yêu dũng sĩ
29. Chất ngọc quê hương
30. Ngọn quế thơm lừng
31. Đan áo
32. Lên hướng mặt trời
33. Mắt sáng học trò
34. Tiếng hát dưới gầm cầu
35. Hoa đô thành
36. Sen trắng
37. Con cò thơ
38. Có một niềm mơ
39. Có phải không anh
40. Trăng xóm nghèo
41. Nhạc trong bình minh
42. Chai xăng nhỏ của em
43. Trên bến sông này xưa Bác đi
44. Nhớ lời di chúc
45. Như mây mùa xuân
46. Thành phố trong tim
47. Chiến hào biên giới
48. Cửu Long giang
49. Qua cầu suối Bến Tranh
50. Chiến thắng của màu xanh
51. Bài thơ Hoà Bình viết trên
báng súng
52. Trận địa
53. Hoa trắng
54. Hoa trắng trời ven
55. Thành phố Hồ Chí Minh
56. Qua Tây Trường Sơn nhớ dân
công
57. Gặp gỡ
58. Nhớ
59. Xuân thương
60. Bài ca chim lạc
61. Nỗi nhớ niềm tin
62. Tim đỏ
63. Trời ửng đỏ
64. Hoa nghĩa trang
65. Hạt gạo tình thương
66. Chiếc hầm bí mật
67. Trở lại Củ Chi
68. Trong tuyết trắng Mạc Tư
Khoa
69. Giọt nắng
70. Bài thơ gởi về nguồn nước
71. Viếng lăng Bác
72. Mây biên giới
73. Ngôi sao gốc biển
74. Nhớ quê
75. Tiếng hát rừng biên giới
76. Chuyện cánh đồng và dòng
sông
77. Nói chuyện với trẻ thơ
78. Nhớ cánh lan hồng
79. Ngôi sao Hắc Hải
80. Tiếng hát mùa thu
81. Vùng đất thanh xuân
82. Nỗi nhớ hậu phương
83. Nghìn trùng quê mẹ
84. Hoàng hôn trên biển xa
85. Vầng trăng nhỏ
86. Chiều Hắc Hải
87. Sóng Hắc Hải
88. Lội qua sông
89. Tiếng hát cuộc đời vẫn bay
trên cao
90. Bóng mẹ Bàn Cờ
91. Tâm sự với Trị An
92. Hát trên cầu Thăng Long
93. Thắp lửa mặt trời
94. Chuyện sông hồ
95. Gánh lá sông Hương
96. Biển tối
97. Tình ca
98. Cánh sếu
99. Anh
100. Còn gì cho quê hương
101. Mẹ
102. Cánh hạc
103. Đến Ngoạ du sào nhớ Bác
104. Nhớ nắng
105. Viếng đền Ngô Quyền
106. Tả thiên thanh
107. Khúc hát Trường Sa
108. Nhớ một dòng sông
109. Thăm trường cũ, nhớ thầy
xưa
110. Hoa tím
111. Nhớ suối
112. Hoa trinh nữ
113. Những nẻo đườg thành phố
114. Vận nước
115. Nắm cơm khi đói
116. Xa lắm… trời xanh
117. Khói lên
118. Tiễn bạn
119. Viếng bạn
120. Tiễn bạn qua cầu Sa
121. Gặp người đẹp cũ
122. Ngàn sau… mây trắng
123. Ngôi sao hừng đông
124. Chiều qua Hàm Luông
125. Khói lạnh, hương tàn
126. Nhớ núi
127. Con đường Hồ Chí Minh
128. Tổ quốc
129. Bài thơ bi thương
130. Người xưa
131. Anh ơi
132. Ang-Kor và mẹ
133. Thơ anh và đời em
134. Mẩu nến xanh
135. Mưa
136. Chiều nay gió lạnh
137. Ảo ảnh I
138. Rừng ơi
139. Lá rụng
140. Tuổi trẻ Trường Sơn
141. Thần nỏ
142. Về cõi Bác Hồ
143. Ngàn sau sông núi
144. Mẹ và con
145. Chờ em
146. Hoa mua
147. Long lanh
148. Hạt sương
149. Anh
150. Tạ Quang Tỷ chưa về
151. Tiếng em
152. Ánh hồi quang
153. Thuyền
154. Biển lớn
155. Ảo ảnh II
156. Hoa lục bình
157. Hái sen
158. Phù dung
159. Mai
160. Hỏi trăng
161. Bài thơ lang thang
162. Cô quạnh
163. Con ở trời nào?
164. Phát súng
165. Về đâu
166. Son
167. Bài thơ dâng mẹ
168. Ngòi bút và hoa sen
169. Về thăm căn cứ
170. Chiều qua lăng Bác
171. Vào thiên niên kỷ
172. Trai thành ngọc
173. Mừng nhà thơ Huy Cận 80
tuổi
174. Nhớ thương quê nội
175. Quê mẹ Phù Sa
176. Mẹ đại bàng
177. Em nghĩ gì khi mùa xuân
sang?
178. Hồng nhan, bạch phát
179. Tựa trúc, hỏi tùng
180. Bến Súc mùa xuân
181. Con thuyền ca dao
182. Chều Củ Chi
183. Hỏi xuân
184. Nắng xuân
185. Dặm đời
186. Gởi bạn
187. Cánh sếu
188. Chim ơi
189. Mở cõi
190. Chiến sĩ vô danh
191. Ánh trăng xưa
192. Bài thơ tình cuối cùng
193. Em và thơ
194. Vĩnh hằng
195. Tuổi thơ chơi thuyền trăng
196. Rau mớp Củ Chi
197. Dũng sĩ với hoa Quỳnh
PHỤ LỤC
Chân dung nhà thơ Viễn Phương
Tượng đồng nhà thơ Viễn Phương
(đặt tại nhà riêng)
Bút tích bài thơ “Đám cưới giữa mùa xuân”
Trang bìa một số tác phẩm của Viễn Phương
Bài viết của tác giả Ngô Ngũ Ngọc Long về “Bài thơ hoà bình viết trên báng
súng” của Viễn Phương, đăng trên Báo Sài Gòn Giải Phóng, số ra ngày
18/10/1998.
Bài viết của tác giả Khuynh Diệp: “Viễn Phương với mùa thu tháng tám”, đăng
trên Báo Sài Gòn Giải Phóng, số ra ngày 23/08/1997.
Hội Nhà văn Tp. Hồ Chí Minh kết hợp với Đài truyền hình Tp.Hồ Chí Minh tổ
chức chương trình “Nhà thơ Viễn Phương - Thơ mài từ trái tim son”, Báo Sài
Gòn Giải Phóng, Ngày: 08/09/2002.
Viễn Phương được tặng “Giải thưởng Nhà nước về Văn học và nghệ thuật” -
năm 2001
Ảnh gia đình Viễn Phương – chụp năm 1968
Ký hoạ chân dung nhà thơ Viễn Phương
Viễn Phương những ngày ở rừng
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- LVVHVHVN062.pdf