MS: LVVH-VHVN011
SỐ TRANG: 111
NGÀNH: VĂN HỌC
CHUYÊN NGÀNH: VĂN HỌC VIỆT NAM
TRƯỜNG: ĐHSP TPHCM
NĂM: 2008
CẤU TRÚC LUẬN VĂN
LỜI CẢM ƠN
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
2. Lịch sử vấn đề
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4. Phương pháp nghiên cứu
5. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
6. Cấu trúc của luận văn
CHƯƠNG 1: TRUYỆN NGẮN VÀ KHÁI QUÁT VỀ TRUYỆN NGẮN NGUYỄN HUY THIỆP
1.1. Truyện ngắn
1.1.1. Khái niệm
1.1.2. Đặc trưng truyện ngắn
1.2. Khái quát về truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp
1.2.1. Vài nét về Nguyễn Huy Thiệp và hoàn cảnh ra đời của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp
1.2.2. Quan niệm về văn chương trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp
1.2.3. Hệ thống đề tài và cảm hứng trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp
CHƯƠNG 2: NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN HUY THIỆP
2.1. Các kiểu loại nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp
2.1.1. Con người tha hoá
2.1.2. Nhân vật kiếm tìm
2.1.3. Nhân vật cô đơn - lạc loài
2.2. Đặc điểm nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp
2.2.1. Hành động
2.2.2. Tâm lí
2.2.3. Ngôn ngữ nhân vật
CHƯƠNG 3: ĐẶC TRƯNG THỦ PHÁP NGHỆ THUẬT TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN HUY THIỆP
3.1. Người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp
3.1.1. Người kể chuyện với điểm nhìn ngoại quan
3.1.2. Người kể chuyện không đáng tin cậy
3.1.3. Lời của người kể chuyện
3.2. Nghệ thuật kết cấu tác phẩm
3.2.1. Cách thức mở đầu và kết thúc tác phẩm
3.2.2. Nghệ thuật tổ chức chùm truyện
3.3. Nghệ thuật tạo tình huống
3.3.1. Bất ngờ của tình huống truyện được tạo ra từ chính vẻ đẹp của tâm hồn con người
3.3.2. Bất ngờ của tình huống truyện được tạo ra khi con người được thiên nhiên dạy cho những bài học làm người
3.4. Yếu tố kì ảo và những giấc mơ
3.4.1. Yếu tố kì ảo
3.4.2. Những giấc mơ
3.5. Yếu tố thơ
3.5.1. Những lời đề tựa tác phẩm bằng thơ
3.5.2. Thơ là những bài hát của các nhân vật trong truyện
KẾT LUẬN
TÀI LIỆU THAM KHẢO
111 trang |
Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 7153 | Lượt tải: 4
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Đặc trưng truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
uyện được tổ chức khá đặc biệt. Có thể kể đến: Những ngọn gió
Hua Tát, Thương nhớ đồng quê, Con gái thuỷ thần, Chút thoáng Xuân Hương. Trong những
tác phẩm này, Nguyễn Huy Thiệp đã tạo nên sự gắn kết, thống nhất với nhau giữa các truyện
nhỏ bằng những mối liên hệ đặc biệt, đó là không gian nghệ thuật chung, nhân vật chung, hệ
chủ đề chung … Những ngọn gió Hua Tát gồm mười câu chuyện nhỏ kể về những con người,
những sự việc xảy ra trong một bản nhỏ có tên là Hua Tát. Đây là nơi ở của người Thái Đen
miền núi Tây bắc với không khí huyền thoại bao phủ hết sức đậm đặc. Nơi mà “Những người
sống trong chuyện cổ bây giờ đều không còn nữa… họ đã biến thành đất bụi và tro than cả.
Tuy vậy, linh hồn của họ vẫn bay thấp thoáng trên các khau cút nhà sàn. Như những ngọn
gió”. Mười câu chuyện kể về những nhân vật mà đa số họ trước đây đều là người của bản Hua
Tát: Pùa, Khó, Sạ, Nàng Bua, Nàng Sinh, Hà Thị E, Hà Văn Nó … Rất nhiều sự kiện khác nhau
trong cuộc sống và sinh hoạt của dân bản: săn hổ dữ, kén rể, tiệc xoè, dịch bệnh, thiên
tai…Nhưng tất cả đều có chung một bối cảnh, một không gian huyền thoại. Tuy là những câu
chuyện kể về cuộc sống và con người trong một bản nhỏ nhưng lại là những câu chuyện của
toàn xã hội, toàn nhân loại. Ở đó có sự xung đột giữa Thiện – Ác, Tốt – Xấu, có những khát
vọng hoặc lớn lao hoặc rất đỗi bình dị của con người, mà ẩn sau đó là những quan niệm nhân
sinh hết sức phong phú của tác giả. Trong thế giới nhân vật của chùm truyện, có sự xuất hiện
trở lại của các nhân vật hoặc có những mối liên quan, ràng buộc chặt chẽ giữa những nhân vật.
Nhân vật Hà Văn Nó - với tư cách là trưởng bản - xuất hiện ở hai truyện. Trong Tiệc xoè vui
nhất, là người giám sát việc kén rể của cô con gái thông minh, sắc sảo Hà Thị E, trong Chiếc tù
và bị bỏ quên chính ông lại là người dốc sức lo lắng tìm cách tiêu diệt nạn dịch sâu đen cho dân
bản đến mức “gầy rộc” cả người. Chàng Khó (Trái tim hổ) xuất hiện với tư cách một tráng sĩ
tiêu diệt thú dữ để cứu người đẹp lại xuất hiện trong Nàng Sinh qua lời kể của dân bản: “Ở
Hua Tát, trên đường đi vào rừng ma, có cái miếu nhỏ. Miếu này thờ chàng Khó, người từng
giết chết con hổ dữ thuở nào”. Ông Pành xuất hiện trong Đất quên với khát vọng đi tìm hạnh
phúc có dịp trở lại trong truyện Sạ, với tư cách là “người từng lập nên cả một gia đình đông
đúc có tám người con và gần ba chục đứa cháu”. Nếu ông Pành là một ông già đặc biệt: “hơn
tám mươi tuổi, hàm răng của ông vẫn còn đều tăm tắp như răng của chàng trai mười bảy tuổi.
Cối đá giã gạo, ông dùng một tay cử lên như bỡn. Ông làm bằng ba người khác. Uống rượu
cũng vậy, sức ông có thể chấp nổi muôn người. Tráng đinh trong bản Hua Tát nhìn ông kiêng
nể”, thì Sạ - đứa con trai út của ông cũng là một chàng thanh niên đặc biệt không kém:
“ Từ nhỏ Sạ đã nghịch ngợm và thích phiêu lưu. Suốt đời chàng mơ làm nên sự tích phi thường.
Bỏ qua hết thảy những lời khuyên nhủ, chàng chỉ khăng khăng làm theo ý thích của mình. Uống
rượu ư? Ai có thể uống luôn một lúc hai mươi sừng rượu, hãy đọ với chàng! Săn hoẵng ư? Ai
có thể đuổi theo con hoẵng hơn ba ngày trời để cho con hoẵng đến nỗi phải nằm ra đứt ruột,
hãy đọ với chàng! Ai có thể ném còn được nhanh và khéo hơn chàng? Ai có thể làm cho chiếc
khèn bật ra âm thanh quyến rũ hơn chàng? Và nữa, và ai có thể chinh phục trái tim phụ nữ tài
giỏi hơn chàng?”. Sự hiện diện của một thứ “ngẫu vật thiêng liêng”, một hòn đá chỉ “nhỏ
bằng nắm tay người” nhưng “sâu trong lớp đá có những vân đỏ li ti như mạch máu người” đặt
trên bệ đá trong miếu thờ chàng Khó trong Nàng Sinh như một tín hiệu nghệ thuật thắp sáng
lên trong lòng người bao nhiêu niềm tin vào những điều thánh thiện, tốt đẹp còn hiện diện ở
giữa cuộc đời này. Hòn đá ấy phải chăng là trái tim con hổ dữ đã bị đánh cắp trong cái đêm nó
bị chàng Khó bị hạ gục trong truyện Trái tim hổ? Không một ai trong bản có thể nhấc nổi hòn
đá, và kì lạ thay, chỉ có nàng Sinh – cô gái bé nhỏ gầy gò – có thể “nhấc hòn đá trên tay dễ
dàng như bỡn” để rồi cuối cùng nàng trở nên “xinh đẹp lạ thường” được ra đi và sống hạnh
phúc với một vị Hoàng đế.
Chùm truyện Chút thoáng Xuân Hương gồm ba truyện nhỏ. Sự xuất hiện lặp lại hình
ảnh Xuân Hương dưới nhiều góc độ: bảng lảng cổ tích (Truyện thứ nhất), đứng ngoài “tầm với”
(Truyện thứ hai) hay gần gụi đời thường (Truyện thứ ba), nhưng tất cả đã làm nên một hình
tượng Hồ Xuân Hương biểu trưng cho cái đẹp. Từ đó tác giả đem đến cho người đọc một cách
nhìn, một cách cảm mới về một nữ sĩ tài hoa vốn tạo ra rất nhiều giai thoại trong thời trung đại.
Xuyên suốt chùm truyện (đặc biệt là ở truyện thứ nhất và truyện thứ hai), Xuân Hương hiện lên
trong cái nhìn của Nguyễn Huy Thiệp không phải với bản lĩnh ngang tàng ngông ngạo, kiểu “Ví
đây đổi phận làm trai được – Sự nghiệp anh hùng há bấy nhiêu” (Đề đền Sầm Nghi Đống) mà
với vẻ đẹp của thiên chức, nữ tính. Một Xuân Hương chu đáo, tinh tế qua cảm nhận của Tổng
Cóc: “ Tổng Cóc đứng dậy ra trước bàn thờ. Ông hài lòng thấy bàn thờ sạch sẽ. Nải chuối
trứng cuốc bày trên đĩa sơn, một đĩa hoa thơm cạnh bên tinh khiết. Hôm nay mùng Ba tháng
Ba. Chắc là Xuân Hương đã dọn bàn thờ từ sáng sớm”. Một Xuân Hương rất đỗi cô đơn sau
cái chết của ông Phủ Vĩnh Tường, quên đi tất cả, bà “đang nức nở khóc cho nỗi cô đơn mênh
mông của cõi đời”.
Nhân vật chính xuất hiện trong cả ba truyện nhỏ trong chùm truyện Con gái thuỷ thần là
Chương - một thanh niên nông thôn bị ám ảnh bởi huyền thoại về Mẹ Cả. Anh dấn thân vào
những cuộc hành trình tìm kiếm không biết mệt mỏi và hành trình ấy tưởng chừng như còn kéo
dài mãi mãi, kể cả khi thiên truyện đã khép lại. Trong ba câu chuyện, có những lúc Chương
tưởng mình đã tìm được con gái thuỷ thần qua sự hiện diện của những người phụ nữ anh từng
gặp: cô giáo Phượng (Truyện thứ nhất), cô Phượng con ông trùm xứ đạo (Truyện thứ hai) và cô
chủ Phượng (Truyện thứ ba). Song rút cục, anh ngộ ra rằng tất cả đều không phải và mãi mãi
không phải là người anh kiếm tìm. Vượt qua biết bao nhiêu khó khăn vất vả, thậm chí nguy
hiểm đến tính mạng để ra đi, Chương vẫn tin rằng con gái thuỷ thần đang đợi anh, đang vẫy gọi
anh ở một chốn xa xôi nào đó. Đốt lòng Chương là câu hỏi: “Nàng là ai? Nàng ở đâu?”. Và
quyết tâm ra đi để tiếp tục được kiếm tìm: “ Tôi cứ đi, đi mãi … Vì cái gì? Bởi lẽ gì? Để tôi
mượn màu son phấn ra đi?”.
Trong truyện “Thương nhớ đồng quê”, tác giả sử dụng thủ pháp “truyện lồng trong
truyện”, có tới ba câu chuyện nhỏ về ba nhân vật khác nhau: Chuyện về sư Thiều, chuyện về
ông giáo Quỳ, và chuyện chú Phụng. Mặc dù vậy, những nhân vật này lần lượt hiện trong sự
mối liên quan khá mật thiết với nhân vật chính cũng như với toàn bộ câu chuyện.
3.3. Nghệ thuật tạo tình huống
Việc tạo ra những tình huống bất ngờ được coi là thế mạnh trong nghệ thuật tự sự của
Nguyễn Huy Thiệp. Vơi cách làm này ông đã đem lại rất nhiều thành công cùng với hiệu quả
biểu đạt cao cho nhiều thiên truyện ngắn. Nó tạo sự lôi cuốn, hấp dẫn, kích thích, mời gọi sự
dõi theo của độc giả. Cùng với kiểu đối thoại nhát gừng, giọng kể tưng tửng, khô khan lạnh
lùng, những tình huống bất ngờ trong tác phẩm góp phần tạo nên những thích thú hay sự xúc
động mạnh mẽ nhất ở người đọc trong những khoảnh khắc ít ai ngờ tới.
3.3.1. Bất ngờ của tình huống truyện được tạo ra từ chính vẻ đẹp của tâm hồn con
người
Dõi theo truyện ngắn Chảy đi sông ơi, người đọc chắc hẳn cũng có nhiều phen thót tim
hay rùng mình ghê sợ. Nhân vật “tôi”, vì khát khao tìm kiếm con trâu đen huyền thoại nên đã
tìm mọi cách xin đi theo những chiếc thuyền đánh cá đêm. Trong một không gian huyền ảo
được tỏa soi bằng ánh sáng của “vầng trăng lưỡi liềm”, chú bé mơ mộng ấy đang thả hồn mình
chìm sâu trong những ý tưởng huyễn hoặc, thì bị hất tung khỏi thuyền và chìm dần trong dòng
nước. Việc cầm chắc cái chết tất yếu sẽ xảy ra với chú vì dân vạn chài “có lệ không có ai chết
đuối”. Ở đây tác giả đã đưa vào truyện một tình huống hết sức dữ dội – để nhân vật tự mình vật
lộn giữa sự sống và cái chết một cách tuyệt vọng. Và khi tuyệt vọng nhất thì một bất ngờ lớn đã
xảy ra – chú được chị Thắm, một người phụ nữ dịu dàng, nhân hậu cứu sống. Hành động trái
ngược với tục lệ của dân chài khiến lòng tốt của chị càng được nhân lên gấp bội. Nhưng theo
dõi cuộc trò chuyện với chú bé, người đọc còn có thể phát hiện ra những phẩm chất khác cũng
luôn tỏa sáng ở chị. Khi chú bé trách móc: “Bọn đánh cá đêm ác lắm chị ạ”, người đọc chờ đợi
ở chị Thắm một sự đồng tình, thậm chí còn hơn như thế vì chị hiểu rất rõ về những con người
này. Song, người đọc thật bất ngờ trước câu trả lời của chị: “ Đừng trách họ thế … Có ai yêu
thương họ đâu … Họ đói mà ngu muội lắm …”. Một câu nói giản dị, ngắn gọn nhưng lại hé lộ
biết bao điều thật nhân bản. Không trách những người dân chài, chị Thắm hết sức cảm thông
với họ, bởi chị biết: họ là những con người sống thiếu tình thương, cái xấu, cái ác trong lòng họ
nảy sinh từ đói nghèo, tăm tối. Không chỉ cảm thương, chị còn mong những người dân chài
nhận được sự khoan dung, độ lượng từ chính những nạn nhân của họ. Câu nói của chị như một
ánh chớp làm sáng lòa cả bầu trời đêm, nó xóa đi những ác cảm, oán giận trong lòng chú bé vừa
trở về từ cõi chết. Nó làm người đọc vững tin vào lòng tốt của con người.
Trong truyện ngắn Không có vua, về làm dâu nhà lão Kiền, Sinh đã phải gánh chịu biết
bao nỗi cay đắng xót xa. Ngày lại ngày chị phải tiếp xúc với những bộ mặt lầm lì cau có, những
câu chửi tục tĩu, những toan tính không khi nào chệch ra ngoài địa hạt tiền bạc và những món
lợi trước mắt của bố chồng và anh em chồng. Thậm chí người chồng gần gũi nhất cũng không
hiểu nổi chị, không bao giờ dành cho chị sự cảm thông, chia sẻ. Với cuộc sống như thế, không
ít lần, Sinh phải thốt lên nghẹn ngào: “Trời ơi … sao cái thân tôi nhục nhã thế này”. Sống lâu
với cái xấu cái ác, chắc hẳn người đọc sẽ chẳng bất ngờ nếu Sinh cũng trở nên tha hóa như họ,
hoặc chí ít chị cũng cảm thấy chán ghét cuộc sống ấy, những con người ấy. Nhưng Nguyễn
Huy Thiệp lại đem đến cho người đọc một tình huống bất ngờ. Trong bữa tiệc đón mừng Sinh
và đứa con mới chào đời của chị, Khiêm hỏi: “Chị Sinh ơi, về làm dâu trong họ Sĩ nhà này chị
có khổ không?”. Câu hỏi đường đột nhưng lại là sự quan tâm thật lòng, nó đã đánh thẳng vào
những nỗi niềm dồn nén, tích tụ bây lâu nay, cộng thêm câu hỏi “vuốt đuôi” của Cấn: “Thế
ngày thường thì thấy khổ à?”, khiến cho Sinh đủ can đảm bộc bạch những nỗi niềm gan ruột:
“Khổ chứ. Nhục lắm. Vừa đau đớn, vừa chua xót. Nhưng thương lắm”. Câu nói đúc kết nhiều
trạng thái xúc cảm: có khổ, nhục, có đau đớn, chua xót … nhưng trên tất cả vẫn là tình thương –
một tình thương vô bờ bến, mạnh mẽ, mãnh liệt. Tình thương ấy chính là nguồn nội lực lớn lao
giúp Sinh vượt qua mọi cay đắng và “miễn dịch” với cuộc sống thực dụng đến ghê người của
những kẻ tha hóa xung quanh mình. Trong không khí hiện tại, câu nói của Sinh còn như những
tia nắng mặt trời ấm áp, xua tan đi không khí lạnh lẽo trong gia đình, khiến cho người đọc
không khỏi xúc động, cảm phục.
Trong chùm truyện Những ngọn gió Hua Tát cũng có rất nhiều chuyện nhỏ chứa đựng
những tình huống bất ngờ, chuyện Nàng Bua là một ví dụ. Mặc dù là một phụ nữ “duyên dáng
…lúc nào cũng tươi cười, tràn trề thứ ánh sáng cuốn hút lòng người” nhưng nàng Bua vẫn bị
những người phụ nữ trong bản căm ghét, tránh xa và rủa là “quỷ dữ”. Sở dĩ như vậy là vì vẻ
đẹp của nàng thu hút hầu hết những người đàn ông trong bản, và nàng lại là mẹ của chín đứa trẻ
mà chính nàng cũng không biết ai là bố của chúng. Cuộc đời của nàng những tưởng cứ lặng lẽ
trôi đi nhưng thật bất ngờ, “thoắt một cái, người đàn bà nghèo khó và bị khinh rẻ trở thành
giàu có nhất bản, nhất mường” từ khi nàng và đàn con đào được một hũ đầy vàng bạc. Giàu có
tạo cho con người sức mạnh, lúc này nàng Bua thừa sức trả thù những người đàn ông đã bỏ rơi
nàng và những người phụ nữ đã miệt thị, khinh bỉ nàng. Song, khá nhiều điều bất ngờ đã liên
tiếp xảy ra ở cuối truyện. Khi những người phụ nữ giục giã chồng mình đến gặp nàng để nhận
con về, nàng đã hào phóng tặng cho mỗi người trong số họ một món quà, đủ để họ “làm vui
lòng các bà vợ nề nếp của mình”. Bất ngờ thứ hai là: nàng Bua đã chọn “một người thợ săn
hiền lành, góa vợ và không con cái” để lấy làm chồng. Sự lựa chọn này chính là biểu hiện của
vẻ đẹp tâm hồn nàng. Không phải năm mươi người đàn ông kia không hấp dẫn, không đáng là
chồng nàng. Song, việc không lựa chọn bất cứ ai trong số họ chính là cách mà nàng đã làm để
giữ gìn hạnh phúc cũng như hòa khí êm ấm cho tất cả mọi gia đình trong bản. Song hành với
ứng xử đẹp ấy, nàng đã bất ngờ có được một món quà của số phận: chính người đàn ông này đã
đem đến cho nàng tình yêu, đã làm cho nàng “rơi những giọt nước mắt trong đêm hợp cẩn”.
Được yêu, lại giàu có, tưởng rằng nàng Bua sẽ sung sướng đến cuối đời. Song, lại một bất ngờ
nữa trong tình huống truyện được tác giả đưa ra một cách hết sức tự nhiên, để kết thúc số phận
của nhân vật. Đó là sự kiện nàng Bua đã “chết khi trở dạ đẻ giữa đống mền chăn ấm áp”.
3.3.2. Bất ngờ của tình huống truyện được tạo ra khi con người được thiên nhiên dạy
cho những bài học làm người
Muối của rừng là câu truyện được xây dựng bởi một tình huống khá độc đáo. Với khẩu
súng săn hai nòng mà thằng con du học ở nước ngoài gửi về, cộng với tiết trời vào xuân ấm áp,
ông Diểu nảy ra ý định đi săn khỉ. Sau một hồi tiếp cận thận trọng với đàn khỉ ông đã bắn bị
thương một con khỉ đực, nó nặng “dễ đến hơn yến” thịt. Đây là con khỉ bố trong một gia đình
khỉ gồm ba thành viên: Hai vợ chồng khỉ và một con khỉ con. Mục đích của chuyến đi săn đã
thành hiện thực, ông Diểu chỉ còn mỗi việc nhặt lấy thành quả lao động và trở về nhà. Song
chính trong lúc đó, một điều mà ông hoàn toàn không ngờ tới đã xảy ra. Sau khoảnh khắc
hoảng loạn bỏ chạy, con khỉ cái đã quay trở lại – bất chấp mọi hiểm nguy để giải thoát cho con
khỉ đực, nó “lén nhìn ông vừa lao đến chỗ con khỉ đực. Nó ghì lấy con khỉ đực rất nhanh và
khéo, cả hai cùng lăn tròn trên đất”, và “hai con khỉ vừa chạy vừa dìu lấy nhau”. Con khỉ con
xuất hiện rất kịp thời, nó thu hút sự chú ý của ông Diểu để bố mẹ nó có cơ hội trốn thoát bằng
cách “túm lấy dây súng của ông kéo lê trên đất”. Việc làm ấy đã đem đến cho nó một kết cục
bi thảm, nó bị lăn xuống vực. Tiếng rú thê thảm của con khỉ nhỏ đã làm ông Diểu kinh hoàng
bỏ chạy “như ma đuổi”. Bình tâm trở lại, ông tiếp tục đuổi theo con khỉ đực lúc này đã kiệt sức
vì vết thương nặng ở bả vai. Song, trước tất cả những gì ông vừa trải qua, vừa chứng kiến, lại
soi mình vào trong ánh mắt “đờ dại”, “cầu khẩn” tuyệt vọng của nó ông Diểu bỗng thấy “đau
lòng”. Như một hành động vô thức, “ông Diểu vơ lấy một nắm cỏ Lào vò nát. Ông cho vào
miệng nhai kỹ. Ông đắp nắm là vào miệng vết thương con khỉ. Nắm lá sẽ có tác dụng cầm máu
cho nó”. Khi tránh nhìn vào đôi mắt “ươn ướt” như biết ơn của con khỉ chính là lúc ông đang
đối diện với chính mình, hẳn một nỗi ân hận lớn lao đang choán ngợp hồn ông. Đó không chỉ là
sự “mủi lòng” của tuổi già mà chính là cảm giác hối hận trào dâng sau khi ông vừa phạm phải
một tội ác. Hành động cởi chiếc quần lót để băng vết thương cho con khỉ và quyết định cuối
cùng: thả con khỉ đực về rừng với lời tuyên bố: “Thôi tao phóng sinh cho mày” chính là một sự
chuộc lỗi của ông Diểu. Từ một kẻ tàn phá thiên nhiên, ông Diểu đã được chính thiên nhiên dạy
cho bài học làm người. Trở về sau chuyến đi săn, khẩu súng đã mất, trang phục chẳng còn, ông
cứ mình trần thân trụi mà đi giữa thiên nhiên, giữa trời đất. Song, điều quan trọng là ông đã
được giải phóng ra khỏi những xấu xa, tội lỗi, và thật ngạc nhiên ông đã gặp hoa tử huyền –
“loài hoa cứ ba chục năm mới nở một lần …là điềm báo đất nước thanh bình, mùa màng phong
túc”. Từ tình huống truyện này, tác giả Nguyễn Huy Thiệp đã gửi gắm cho người đọc một
thông điệp: Con người không nên vì những ý thích nhất thời của bản thân mà hủy hoại thiên
nhiên.
Tình huống bất ngờ trong truyện Nguyễn Huy Thiệp khá phong phú, đa dạng. Truyện Sói
trả thù cũng có một tình huống rất đáng chú ý, ở đó con người phải trả một giá quá đắt khi
nhận được một bài học lớn từ thiên nhiên. Vốn là một thợ săn tài giỏi, lại “không biết sợ là gì”,
ông Nhân đã thẳng tay với tất cả muông thú. Chính tay ông đã bắn chết một con sói mẹ khi nó
đang tìm mọi cách bảo vệ đàn con nhỏ. Thằng San đã đem con sói con “đẹp nhất trong đàn” về
nhà nuôi. Ngày ông Nhân làm lễ cúng ma cho thằng San tròn mười ba tuổi – một tình huống bi
thảm đã xảy ra. Do vô ý, thằng San bị ngã đập miệng vào cái dây sắt buộc cổ con chó sói, và
thật không may “vết máu đỏ từ miệng thằng San thức tỉnh từ trong tiềm thức mơ hồ của con dã
thú một điều gì đấy. Nó chồm lên, nhe hàm răng nhọn và trắng nhởn tớp vào giữa cổ thằng
San”. Nhìn thằng con trai duy nhất nằm chết trên vũng máu, ông San đau đớn đến tột cùng.
“Nước mắt ròng ròng” ông Nhân cầm rìu tiến về phía con sói. Mọi người mong chờ ông trút
nỗi căm hờn bằng hàng trăm hàng ngàn nhát rìu bổ xuống đầu con vật – song, thật bất ngờ:
“ông Nhân vung rìu lên và cứ liên hồi chém vào sợi dây xích sắt. Lưỡi rìu quằn lại, các sợi xích
đứt tung. Con sói tru lên một tiếng rồi phóng chạy về phía rừng”. Hành động của ông Nhân
khiến mọi người đứng quanh ông “sững sờ”, có lẽ họ không hiểu nổi vì sao ông Nhân lại tha
chết cho con sói đáng chết như vậy. Có thể mọi người không hiểu nhưng ông Nhân thì rất hiểu.
Cái chết tức tưởi và đau đớn của thằng con trai “đẹp như tiên đồng” đã thức tỉnh trong ông
những điều rất sâu xa. Trong quá khứ, ông đã từng tàn phá, hủy hoại thiên nhiên, giờ đây thiên
nhiên trừng phạt lại ông như một sự báo ứng. Không muốn nhúng tay thêm vào tội ác, ông
Nhân đã trả con sói trở về với rừng. Bài học đích đáng mà thiên nhiên dành cho ông Nhân cũng
là bài học dành cho tất cả mọi người, những ai vẫn còn đang rắp tâm hủy hoại và tàn phá thiên
nhiên.
Qua một số truyện ngắn tiêu biểu trên chúng ta có thể khẳng định rằng: Nguyễn Huy
Thiệp luôn tạo ra trong tác phẩm của mình những tình huống hết sức độc đáo. Đây cũng là một
trong những phương diện tạo nên sức hấp dẫn cho những thiên truyện của ông.
3.4. Yếu tố kì ảo và những giấc mơ
3.4.1. Yếu tố kì ảo
Yếu tố kì ảo rất cần được xem xét, nhìn nhận trên nhiều phương diện, bởi nó là sự thể
hiện một quan niệm mới của nhà văn về thế giới, là sự chiếm lĩnh hiện thực hết sức sinh động.
Nó bao gồm nhiều hình thức nghệ thuật cụ thể như: đối thoại tâm linh, cổ tích hoá, huyền thoại
hoá …Sau đổi mới, nền văn học của chúng ta có nhiều thay đổi. Bên cạnh việc đổi mới nội
dung, các tác giả văn học còn chú ý đổi mới cả trên bình diện nghệ thuật. Trong đó, yếu tố kì ảo
được đưa vào sáng tác khá phổ biến, trở thành một dòng riêng với khá nhiều tên tuổi như: Lưu
Minh Sơn, Võ Thị Hảo, Hoà Vang, Phạm Hải Vân và đặc biệt là Nguyễn Huy Thiệp. Lí giải về
điều này có nhiều cách, song có thể hiểu rằng: Kể từ sau khi cuộc chiến tranh vệ quốc kết thúc,
những vấn đề rộng lớn, những tình cảm lớn thuộc về một thời đã dần nhường chỗ cho những
vấn đề về số phận cá nhân. Đề tài của văn học không chỉ dừng lại ở hiện thực khách quan mà đã
chuyển dần sang địa hạt tâm linh, những trăn trở uẩn khúc đang diễn ra quyết liệt trong tâm hồn
con người. Những diễn biến tâm linh rất khó nắm bắt, những hiện tượng con người không tự lý
giải được bằng hình thức suy lý một thời là những nhân tố quyết định hướng các nhà văn đến
với địa hạt của yếu tố kỳ ảo. Yếu tố kỳ ảo là một hình thức đắc dụng giúp nhà văn đi sâu khám
phá thế giới tinh thần hết sức trừu tượng khó nắm bắt của con người, để từ đó “thấu triệt” con
người ở phần nhân tính, mơ hồ và huyền diệu. Yếu tố kỳ ảo có thể thể hiện ở một số phương
diện như: thế giới đa chiều và con người tâm linh; những giấc mơ bí ẩn của con người …
Thế giới đa chiều là thế giới ở đó tồn tại song song những yếu tố khả giải - bất khả giải,
duy lý - phi lý, tất nhiên - ngẫu nhiên. Thế giới ấy không được nhìn nhận một cách an nhiên
như trước mà đã đầy nỗi niềm khắc khoải âu lo. Nếu như ở giai đoạn trước, thế giới được nhìn
nhận với con mắt lạc quan đầy tin tưởng, con người luôn tin vào ý chí, sức mạnh và những quy
luật đã chiếm lĩnh được, thì giờ đây, con người nhận ra rằng thế giới vẫn mang trong mình nó
nhiều điều bí ẩn, những điều con người chưa thể biết trước và đầy bất trắc. Những điều đó
thuộc về cái ngẫu nhiên. Nó là một khả năng có thể đem lại cho con người niềm vui, hạnh phúc
nhưng cũng có khi lại là nỗi đau, niềm bất hạnh và những tấn bi kịch. Nàng Bua trở thành
“người giàu nhất bản, nhất Mường” từ sau khi ngẫu nhiên đào được một chum đầy vàng bạc.
Nàng trở thành người đàn bà hạnh phúc “khi lấy một người thợ săn hiền lành, góa bụa và
không con cái”. Nhưng sự giàu có ấy đã không mang lại cho nàng hạnh phúc trọn vẹn. Nàng đã
chết khi trở dạ giữa “đống chăn mềm ấm áp”. Truyện ngắn Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt
kể về một thi sĩ không rõ lai lịch hỏi đường tìm về bến đò Vân để thực hiện một lời hẹn ước
trong quá khứ với cô gái tên Xoan. Khi biết tin cô gái ấy đã chết được bốn năm, chàng thi sĩ
đau đớn bỏ đi và chỉ trong chớp mắt đã biến thành cánh hạc bay lên trời “vừa bay vừa kêu
thảng thốt”. Chàng thi sĩ, người đại diện cho cái đẹp và luôn khát khao tìm kiếm cái đẹp đã
không chấp nhận cuộc đời phàm tục nên hoá thành cánh hạc tìm đến với một thế giới khác
ngoài cõi nhân gian.
Bên cạnh thế giới đa chiều còn là thế giới bí ẩn của tâm linh. Thế giới tâm linh trước đây
ít được đề cập hoặc gán cho nó cái mác duy tâm thì nay đang được nhìn nhận một cách nghiêm
túc, chín chắn hơn. Con người hiện đại đã phải thừa nhận nó như một phần không thể tách rời
của cuộc sống con người. Thế giới tâm linh được biểu hiện trước hết qua niềm tin vào sự tồn tại
thế giới siêu nhiên bên trên con người: “Tôi tin chắc ở lực lượng siêu việt ở bên trên tôi kia,
đang chuyển vần rầm rộ kia, thấu hiểu tất cả, phân minh lắm, rạch ròi, chắc chắn bảo dưỡng
tính thiện trong tâm linh con người, có khả năng an ủi, âu yếm đến từng số phận” (Thương
nhớ đồng quê). Mặt khác, thế giới tâm linh còn được thể hiện qua những biến động tinh tế diễn
ra trong tâm hồn người. Thế giới ấy tồn tại cả chiều không gian thứ tư: không gian tâm trạng.
Trong không gian tâm trạng đó xuất hiện con người tâm linh với những dằn vặt, đổ vỡ. Đó là sự
dằn vặt tâm hồn vì sự xa rời chuẩn mực đạo đức, ăn năn vì những lỗi lầm trong quá khứ. Trong
Nạn dịch là sự hối hận muộn màng của người chồng vì trót bỏ mặc người vợ chèo chống một
mình trong nạn dịch nguy hiểm: “ Kí ức sống dậy khiến ông đau đớn. Ông thấy thương vợ vô
cùng. Ông nhận ra mình bạc bẽo, vô tình, thấy vợ cao thượng, chịu đựng. Càng nghĩ ông càng
ân hận, thương cảm”. Trong Muối của rừng là cảm giác hối hận của một kẻ đã toan làm điều
ác nhưng đã kịp dừng tay: “Ông Diểu thấy buồn tê tái đến tận đáy lòng. Ông nhìn cả hai con
khỉ và thấy cay cay nơi sống mũi. Hóa ra ở đời, trách nhiệm đè lên lưng mỗi sinh vật quả thật
nặng nề. – “Thôi tao phóng sinh cho mày” – Ông Diểu ngồi yên một lát rồi bỗng đứng dậy nhổ
bãi nước bọt xuống dưới chân mình”. Con người tâm linh cũng được bộc lộ qua sự linh cảm
những mối quan hệ linh ứng không thể giải thích được. Linh cảm sợ hãi của người mẹ trong
Thương nhớ đồng quê chính là một phần biểu hiện của con người tâm linh. “… Khoảng gần
trưa, thấy ở đường Năm có đám đông kêu la khóc lóc đang chạy. Mẹ tôi tự dưng ngã chúi
xuống ruộng, thất thanh gọi tôi…Tôi và chị Ngữ sợ hãi, tưởng mẹ tôi trúng gió. Mẹ tôi mặt tái
đi, tay giơ tới trước mặt như sờ nắn ai. Mẹ tôi gọi: “Nhâm ơi Nhâm! Sao em Minh con máu me
đầy người thế này?”. Chị Ngữ lay mẹ tôi: “U ơi u, sao u nói gở thế?”. Có mấy người từ đám
đông trên đường Năm bỗng chạy tách ra băng qua đồng. Có ai đó gào to thảm thiết … Anh
Ngọc … chạy ở phía trước. Anh nói không ra hơi, tôi nghe loáng thoáng, chỉ biết rằng cái Minh
em tôi và cái Mị, con dì Lưu đèo nhau đi học về qua ngã ba thì bị ô tô chở cột điện cán chết…”.
Yếu tố kỳ ảo trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp vừa mang những nét chung của cái
kỳ ảo Phương Đông vừa mang nét riêng phản ánh bầu không khí thời đại. Yếu tố kỳ ảo giai
đoạn này đã có sự phát triển một bậc so với hình thức kỳ ảo truyền thống. Nó không đơn thuần
là hình thức chuyển tải các vấn đề đạo đức theo kiểu “thưởng thiện, phạt ác” của ông Bụt, bà
Tiên trong cổ tích, nó còn là sự sợ hãi, trăn trở của con người nhân tính, khát vọng, tự do, dân
chủ thấm đẫm tinh thần thời đại.
3.4.2. Những giấc mơ
Giấc mơ vốn là một hoạt động tâm thần không phụ thuộc vào lí trí, diễn ra trong giấc
ngủ. Freud và các nhà nghiên cứu phân tâm học khác cho rằng giấc mơ vừa là “người gác giấc
ngủ” vừa “thực hiện một ham muốn” thường bị kìm nén bởi một cá nhân có ý thức. Trong
truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, giấc mơ thường phản ánh những khát vọng, những ham muốn
mà con người không hoặc chưa đạt được trong cuộc đời thực. Cậu bé Đăng (Tâm hồn mẹ), vì
mất mẹ nên nỗi thiếu vắng ấy trở thành nỗi ám ảnh triền miên, dai dẳng. Lúc nào cậu bé cũng
khao khát tình mẹ, kiếm tìm những biểu hiện của tâm hồn mẹ. Chính vì vậy, những hành động,
cử chỉ và tình cảm trong sáng của Thu đã làm Đăng ấm lòng. Đăng đã mơ thấy “Thu với nó
đứng ở trên cao… gió lồng lộng, Thu cười nắc nẻ, hàm răng trắng bóng. Thu bảo: “Này Đăng,
tao sẽ đi trên khoảng không bằng đôi chân này…”. Nói xong, Thu đi thật. Nó bước vào khoảng
trống không, hai tay bơi rẽ không khí. Đăng áp người vào hàng lan can, cảm giác cô đơn côi
cút làm nó ớn lạnh. Nó gọi Thu: “Đợi với! Đợi tao đi với! Hãy bảo tao đi như thế với. Hãy bảo
tao như thế với!...”. Hạnh (Huyền thoại phố phường) là một kẻ thực dụng, y đang muốn có
thật nhiều tiền để phất lên, để được hoà mình vào giới thượng lưu chốn thị thành. Nỗi ám ảnh
đó theo y cả trong giấc ngủ, y đã mơ thấy pho tượng đồng đen cao lớn “đứng lên đi lại, bật
cười ha hả. Pho tượng đặt thanh kiếm dài xuống ghế, bàn tay có những móng dài xoè trước mặt
y những xấp tiền mới. Hạnh nghe rõ âm thanh loạt xoạt của những tờ giấy bạc”. Giấc mơ ấy
chính là một cách phản ánh khát vọng và những mưu đồ xấu xa trong lòng y. Ngọc (Những
người thợ xẻ) mang khát vọng tìm kiếm một cuộc sống thanh cao trong những xô bồ, bon chen
của cuộc sống đời thường đã mơ thấy “những thiên sứ chạy ra đón chúng tôi, áo xanh, áo đỏ
tung bay phấp phới.”. Đau đáu với mối tình cũ không thành và khát khao có được một người tri
âm tri kỉ trong tình yêu khiến đêm đêm những giấc mơ lại ùa về an ủi: “Những người thân thiết
của tôi đứng hai bên đường. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy nàng, cô gái tôi đã từng yêu trước kia,.
Nàng chạy về phía tôi, hai tay giang ra chào đón. Gục đầu vào ngực tôi, nàng khóc…”. Giấc
mơ khi ngủ có khi lại là sự in dấu của những suy nghĩ và toan tính và thực trạng đời sống của
con người lúc thức. Khảm (Không có vua) mơ thấy mình “đi giết lợn, giết mãi không chết, con
lợn cứ nhăn răng ra cười, thế là bị đuổi đi dọn một bể cứt. Bể cứt xây xi măng, kích thước 10 x
6 x 1,5mét, dung tích 90 khối. Mưa bão đến, bể cứt trôi phăng phăng, em ngập trong ấy, cứt
vào mồm, cả lỗ tai…”. Sự uế tạp trong giấc mơ quái đản mà Khảm ngập mình vào đó phải
chăng đã phản ảnh đời sống của Khảm trong hiện tại, khi mà anh ta đang ngập ngụa trong một
môi trường sống mà hầu như mọi nền tảng đạo lí, mọi giá trị đích thực của cuộc sống đều đã bị
huỷ hoại?. Giấc mơ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp có khi còn là điềm dự báo cho những
việc sắp xảy ra trong tương lai. Trong Giọt máu, Thiều Hoa mơ thấy “Lão Tân Dân về gọi
thằng Hạnh. Lúc ấy nửa đêm, thấy lão Tân Dân đưa cho thằng Hạnh một thùng sắt tây qua
phía hàng rào”. Một ngày sau đó lão Tân Dân về thật, cùng với thằng Hạnh đổ xăng thiêu trụi
căn nhà. Đêm trước, Phong mơ thấy “mình lạc vào địa ngục. Một cái vạc lửa to cháy bùng
bùng, những con quỷ dạ xoa, mặt đen, tóc dài đang chụm củi đun. Trong vạc, những người bị
xiềng xích đang rên la thảm thiết…”. Thì đêm sau nhà Phong bị đốt cháy, khiến “Phong bị
phỏng sau lưng, phải nằm chữa bệnh rất khổ sở”.
Việc sử dụng yếu tố kì ảo và những giấc mơ đã giúp nhà văn thâm nhập được vào những
vùng bí ẩn của đời sống nội tâm con người. Sự có mặt của những yếu tố này làm cho tác phẩm
của Nguyễn Huy Thiệp càng thêm độc đáo, hấp dẫn.
3.5. Yếu tố thơ
Khảo sát truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, chúng tôi thấy yếu tố thơ xuất hiện khá đa
dạng. Có khi là những bài thơ, đoạn thơ, khổ thơ hoặc những dòng thơ lẻ. Có khi tác giả trích
dẫn thơ của các nhà thơ khác, cũng có khi là những bài ca dao song cũng có khi tác giả đưa vào
tác phẩm những câu thơ của chính mình. Nhận xét về sự xuất hiện của yếu tố thơ trong truyện
ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Đỗ Đức Hiểu viết: “Giá có ai tập hợp tất cả các câu thơ trong truyện
ngắn Nguyễn Huy Thiệp, chúng ta sẽ có một “tập” thơ Nguyễn Huy Thiệp. Những câu thơ
không vần ấy vừa gợi mở vừa đóng kín, nó bí ẩn và tiên tri, người đọc nghĩ đến những chân
trời khác” [42, tr. 486]. Như vậy, có thể nói: thơ trở thành một thủ pháp nghệ thuật quen thuộc
trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Trong số hơn bốn mươi truyện ngắn là đối tượng nghiên
cứu của đề tài luận văn thì chỉ có bốn truyện: Cún, Muối của rừng, Tâm hồn mẹ, Chuyện ông
Móng và chùm truyện Những ngọn gió Hua Tát là không có sự hiện diện của các yếu tố thơ.
Đưa thơ vào văn xuôi chính là thủ pháp đan xen các yếu tố thể loại trong truyện ngắn
Nguyễn Huy Thiệp. Thơ là thứ ngôn ngữ cô đúc, giàu sức biểu cảm, do đó nó tạo nên sự biến
ảo, đa nghĩa cho tác phẩm nghệ thuật cũng như góp phần thể hiện rõ nét dòng tâm tư của nhân
vật cũng như ý tưởng của nhà văn. Nó khiến cho truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp vừa mang tính
tự sự lại vừa mang tính trữ tình, dạt dào chất thơ và phát huy cao độ chất triết lí.
3.5.1. Những lời đề tựa tác phẩm bằng thơ
Thơ được sử dụng để làm đề tựa cho các tác phẩm thơ hoặc văn xuôi không phải là điều
mới mẻ. Trước Nguyễn Huy Thiệp, nhiều tác giả đã sử dụng khá thành công thủ pháp này như
Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân … Những lời đề tựa thường phản ánh nội dung và chủ đề
của tác phẩm một cách cô đúc nhất. Nguyễn Huy Thiệp sử dụng lời thơ làm đề tựa trong khá
nhiều truyện ngắn của mình như: Con gái thủy thần (Truyện thứ nhất và thứ ba), Những người
thợ xẻ, Những bài học nông thôn, Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết, Giọt máu, Chút thoáng
Xuân Hương, Mưa, Nguyễn Thị Lộ, Trương Chi, Những người muôn năm cũ, Cánh buồm
nâu thuở ấy…
Lời đề từ trong Con gái thủy thần (Truyện thứ nhất) được mượn lời tư một câu hát cổ:
“ Cái tình chi
Mượn màu son phấn ra đi”
Tuy xưa cũ nhưng câu hát vẫn đủ sức gieo vào lòng độc giả những băn khoăn, thắc mắc
về nhân vật chính. Là một chàng trai trẻ nhiều khát vọng, Chương tự nguyện dấn thân vào
những cuộc hành trình tìm kiếm một huyền thoại của riêng mình. Trong lòng anh luôn ăm ắp
một “cái tình” vừa xa vời huyền hoặc, vừa thiêng liêng đầy sức cám dỗ với người con gái thủy
thần. Để từ đó, anh vứt bỏ tất cả: gia đình, quê hương để “mượn màu son phấn ra đi”. Trải qua
bao vất vả, khổ ải, không nản lòng, Chương vẫn rong ruổi đi tìm. Trong hành trình đi tìm khát
vọng cuối cùng Chương chỉ có một mình. Bỏ lại những “đắng khói” sau lưng với cuộc đời tẻ
ngắt, nhàm chán ở quê mình, điều chờ đợi Chương ở phía trước vẫn chỉ là “cay men” quê
người. Lời đề từ mượn từ thơ Nguyễn Bính trong truyện thứ ba như một sự đúc rút của một
người đã nếm trải nhiều “đắng”, “cay” trong cuộc đời:
“Giang hồ sót lại mình tôi
Quê hương đắng khói, quê người cay men”
(Nguyễn Bính)
Mượn câu thơ quen thuộc trong Truyện Kiều (Nguyễn Du): “Lời rằng bạc mệnh cũng là
lời chung” làm lời đề tựa cho truyện Kiếm sắc, Nguyễn Huy Thiệp muốn hé lộ cho người đọc
về số phận của nhân vật Đặng Phú Lân cũng như số kiếp của những kẻ tài hoa trong một giai
đoạn lịch sử xa xưa. Với Nguyễn Phúc Ánh, tài trí đặc biệt của Lân vừa đáng dùng vừa rất đáng
sợ. Vừa coi Lân là tay chân tin cẩn, tâm phúc của mình nhưng Ánh lại sợ Lân có thể trở thành
mối hiểm họa, đe dọa sự an nguy cho ngôi vị đế vương. Khi thất cơ lỡ vận, Ánh cần có Lân bên
mình, nhưng khi đã yên vị trên ngai vàng thì sự tồn tại của Lân liệu có còn cần thiết? Vì vậy,
việc Lân không hoàn thành sứ mệnh chiêu mộ danh sĩ Bắc Hà chẳng qua chỉ là cái cớ để Ánh
tiêu diệt Lân tránh hậu họa mà thôi. Cuối cùng, con người tài trí ấy đã bị chuốc lấy một cái chết
thảm khốc.
Trong truyện Nguyễn Thị Lộ, Nguyễn Huy Thiệp lại mượn ý thơ của một nhà văn nước
ngoài làm lời đề từ:
“Vấp phải đời phàm tục
Chiếc thuyền tình vỡ tan”
(Maiacôpxki).
Với việc làm này, rõ ràng, nhà văn không nhìn hai nhân vật lịch sử bằng cái nhìn lịch sử.
Ngược lại, bằng cái nhìn hiện đại, ông đã để cho nhân vật của mình bộc lộ tận cùng nỗi cô đơn
không gì khỏa lấp được, kể cả khi họ được sống trong tình yêu đôi lứa.
3.5.2. Thơ là những bài hát của các nhân vật trong truyện
Bên cạnh những câu thơ được dùng làm đề tựa cho truyện, Nguyễn Huy Thiệp còn đưa
thơ vào truyện dưới hình thức là những bài hát. Ở nhiều truyện, nhà văn để cho nhân vật trực
tiếp hát lên những bài ca ấy như: Không có vua, Tướng về hưu, Trương Chi, Chuyện tình kể
trong đêm mưa…
Trong Không có vua, nghĩ đến Tốn, người đọc nghĩ ngay đến một kẻ dị dạng về thể xác,
bất bình thường về trí tuệ, chỉ có lòng tốt và sự tận tụy là vô bờ bến. Sự xuất hiện của nhân vật
Tốn có vẻ như không can thiệp sâu sắc đến sự hình thành của cốt truyện, vậy nhưng – trong khi
tất cả sáu nhân vật khác của truyện chỉ nói chuyện, miệt thị, mỉa mai, tán tỉnh, chửi bới, mắng
nhiếc hoặc phàn nàn về nhau, với nhau, thì Tốn vẫn lặng yên không nói. Nó chỉ “ti tỉ hát”. Ta
hãy nghe bài hát của Tốn:
“A ha … không có vua
Sớm đến chiều say sưa
Tháng với ngày thoi đưa
Tớ với mình dây dưa
Tính với tình hay chưa?”
Bài hát này, nếu ngẫm nghĩ sâu xa không hẳn là những ngôn từ vô nghĩa, nhắng nhít của
một kẻ dở người. Ngược lại, nó như một sự kìm giữ, một sự thức tỉnh. Phải chăng, mong muốn
của nhà văn là dựa vào kẻ sáng trong nhất vể tâm hồn để đánh thức, cảnh tỉnh những kẻ tăm tối,
mê muội về tâm hồn, đồng thời khái quát lên thực trạng thối nát của một gia đình mà ở đó mọi
phép tắc cũng như giá trị đạo đức bị chà đạp, dày xéo.
Trong truyện ngắn Tướng về hưu cũng có một bài hát của nhân vật không tên – hắn vốn
là một đứa bạn cùng trong hợp tác xã xe bò của chú rể:
“Ừ ê cái con gà quay
Ta đi lang thang khắp miền giang hồ
Tìm nơi nào có tiền
Tiền ơi mau vào túi ta
Ừ… ê cái con gà rù”.
Tuy ngắn ngủi, chỉ với hơn ba mươi âm tiết nhưng bài hát mừng đám cưới ấy lại là một
thứ ngôn từ hổ lốn sặc mùi tiền bạc. Không chỉ vậy, nó còn chuyển tải rất rõ nội dung tư tưởng
của truyện, phản ánh rõ mục đích sống của nhiều con người trong cuộc sống hiện tại khi mà sức
mạnh của đồng tiền lấn át mọi thứ tình cảm cũng như mọi giá trị đạo đức.
Khác với những truyện ngắn trên, Chuyện tình kể trong mưa đầy ắp những khúc hát về
tình yêu, khúc hát của những kẻ yêu nhau hướng về nhau, nồng nàn, da diết. Bạc Sinh Kì hát:
“Pò mệ ơi! Bố mẹ ơi…
Pò mệ sinh con từ hang núi
Nơi ấy có nhiều gió lạnh lắm
Tiếng hổ gầm, tiếng chó sói hú
Những con rắn, con trăn tìm mồi
Bọn cáo chồn hôi hám rình mò…
…
Con sờ soạng trong bóng đêm
Và nhặt được một vật mềm ướt át
Con sợ hãi, không biết vật gì
Nó phập phồng trong tay con
Ôi đau quá, đau nhói ở đây
Cái vật mềm ướt át ấy
Là trái tim con rơi trên đất
Mặt đất nhiều gió, lạnh lắm…
…
Con ngửa mặt lên trời và hỏi:
“Đâu tình yêu? Đâu tự do? Đâu quê hương?
Pò mệ ơi…”
Một bài hát đặc biệt, người hát cũng rất đặc biệt: “không lấy hơi, không rán sức, khi
nhấn lời hoặc ngân nga thì dịu dàng không sao kể xiết, ngậm ngùi, tê tái mà không mủi lòng,
tâm trạng cô đơn, lạnh buốt lẫn lộn với những khát khao nồng nàn…”. Bài hát có sức lay động
bất cứ ai vì nó là lời thổ lộ chân thành của người hát về cuộc sống hiện tại cũng như những dự
cảm đầy bất trắc của tương lai. Còn nữa, bài hát của Muôn – người phụ nữ đang yêu cũng thật
nồng nàn, tha thiết:
“ Nếu em xây nhà
Thì đó là ngôi nhà nhỏ với cửa sổ rộng
Trong nhà có bếp lửa hồng
Trên bàn có cắm những bông hoa đỏ và những bông hoa trắng
Chăn đệm mới thơm tho
Bên cạnh em có anh
Em muốn anh ở bên cạnh em
…
Anh yêu ơi về đây với em
Ta xây ngôi nhà nhỏ với cửa sổ rộng
Anh yêu ơi, bây giờ đi đâu rồi?
Người thương ơi bây giờ đi đâu rồi?
Bài hát là những mơ ước, khao khát rất đời thường, giản dị của một tâm hồn phụ nữ.
Nhưng thật xót xa, những điều giản dị ấy cũng không thể trở thành hiện thực. Người đàn ông có
thể chung tay xây dựng hạnh phúc với cô giờ đây không biết đang phiêu dạt nơi chân trời nào
xa tít tắp? Lời nhắn gọi thiết tha nhưng dường như cũng là lời dã biệt cho một tình yêu không
thành.
Còn rất nhiều bài hát nữa xuất hiện rải rác trong một số truyện ngắn khác của Nguyễn
Huy Thiệp. Đó là những khúc ca đầy dự cảm và tiên tri của Ngô Thị Vinh Hoa trong Kiếm sắc,
Phẩm tiết, là những khúc ca hướng về một tình yêu tuyệt đối của chàng Trương Chi trong
truyện ngắn cùng tên, là tiếng hát của người mẹ bị ruồng bỏ trong nỗi mặc cảm về thân phận
trong Đời thế mà vui. Một số bài ca là tiếng nói bên trong tâm hồn của một chàng trai mới lớn
trước những ngổn ngang suy tư về con người, cuộc đời trong Thương nhớ đồng quê, của Đề
Thám trong Mưa Nhã Nam...
Thơ xuất hiện dưới hình thức những bài hát xen kẽ trong những trang văn xuôi của
Nguyễn Huy Thiệp, dù được đặt vào bất cứ nhân vật nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào thì nó
cũng đều chuyển tải những ý nghĩa nhất định. Nó là tấm gương phản ánh thế giới nội tâm nhân
vật hoặc là nơi kí thác tâm tư, tình cảm của tác giả.
KẾT LUẬN
Nguyễn Huy Thiệp là một nhà văn có một vị trí đặc biệt quan trọng trong giai đoạn đầu
của nền văn học Việt Nam thời kì đổi mới. Có thể nói, hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp là sản
phẩm tất yếu của sự gặp gỡ giữa tài năng nghệ thuật thiên bẩm với khát vọng dân chủ và đổi
mới của văn nghệ sĩ mà sự vận động của ý thức xã hội cũng như ý thức văn học sau 1975 (đặc
biệt là sau 1986) mang lại. Thời gian trôi qua, kể từ khi Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện trên văn
đàn đến nay thấm thoắt đã hơn hai mươi năm. Trong khoảng thời gian gần một phần ba đời
người ấy, Nguyễn Huy Thiệp đã từng bao phen trăn trở, vật vã trên cánh đồng chữ nghĩa đầy
nhọc nhằn để mang đến cho đời sống văn học nước nhà một mùa bội thu. Cũng ở đó, nhà văn
gặt hái cho mình cả những vinh quang, ngọt ngào xen lẫn những đắng cay.
Truyện ngắn là một thành tựu nổi bật nhất trong văn nghiệp của ông. Không chỉ vậy, nó
còn là một thể loại đã tạo nên sức ám ảnh ghê gớm, làm trĩu nặng tâm tư mọi độc giả. Là một
nhà văn có cá tính sáng tạo độc đáo, Nguyễn Huy Thiệp đã tạo dựng cho mình một phong cách
nghệ thuật riêng không thể nhầm lẫn.
Trước hết, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp chuyển tải thành công các quan niệm nghệ
thuật và thông điệp văn chương của nhà văn. Đó là những quan niệm mới mẻ, táo bạo và độc
đáo. Thứ hai, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đa dạng về đề tài và cảm hứng, đặc biệt giữa hai
phương diện này có một mối quan hệ tương ứng, rất hài hoà. Dù viết về miền núi, nông thôn,
đô thị, hay về lịch sử- văn hoá; dù ngợi ca, phê phán hay tự vấn, Nguyễn Huy Thiệp luôn chọn
một chỗ đứng (và nhiều chỗ đứng) mang tính hiện đại và nhân văn. Cuộc sống trong truyện
ngắn của ông hiện lên với tất cả vẻ bề bộn, phức tạp của cõi nhân sinh vốn đầy ắp nhọc nhằn.
Với quan niệm văn chương phải “bất chấp hết”, phải “ngập trong bùn”, phải “sục tung lên”,
ông đã lách sâu ngòi bút sắc lạnh của mình vào những hiện thực trần trụi của cuộc đời, bắt
chúng phải hiện lên với cả những phần khuất tối – đôi khi sự thẳng thắn ấy khiến nhiều người
đọc phải e ngại. Trên sơ sở ấy, nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đã thoát khỏi cái
nhìn nguyên phiến, một chiều của một giai đoạn văn học trước đó để trở nên sống động, chân
thực, đa diện, đa chiều … giống như những con người ta vẫn thường gặp trong cuộc sống
thường nhật. Với quan niệm: dùng văn chương để phản ánh chân thực hiện trạng xã hội,
Nguyễn Huy Thiệp thường khắc hoạ nhân vật từ góc độ con người xã hội. Cũng chính vì thế,
nhân vật của ông ít khi là một tính cách toàn vẹn, mà chủ yếu hiện thân cho một trạng thái quan
hệ xã hội, ý thức xã hội hoặc trạng thái tồn tại xã hội. Bằng các tác phẩm của mình, thông qua
thế giới nhân vật, Nguyễn Huy Thiệp thể hiện một sự đổi mới trong tư nhận thức và tư duy sáng
tạo.
Để đi sâu, mở rộng quan niệm nghệ thuật về con người, cấu trúc tác phẩm của Nguyễn
Huy Thiệp còn có những nét đặc trưng khó nhầm lẫn như: người kể chuyện, yếu tố thơ, yếu tố
triết lí, thế giới của những giấc mơ, yếu tố kì ảo … Những yếu tố này xuất hiện với mật độ khá
dày đặc trong sáng tác Nguyễn Huy Thiệp để từ đó giúp ông có thêm những “kênh” mới để
khám phá và tìm hiểu đời sống cũng như bản chất con người theo những cách thức của riêng
mình.
Đặc biệt, trong nghệ thuật kết thúc tác phẩm, Nguyễn Huy Thiệp không tuỳ tiện giải
quyết các vấn đề bộn bề phức tạp của cuộc sống theo ý tưởng chủ quan của mình, ngược lại ông
để cho người đọc tự do hình dung, phán đoán, suy luận. Kết thúc để ngỏ trong khá nhiều truyện
ngắn thực sự là cách thức mà Nguyễn Huy Thiệp tạo ra để vẫy gọi người đọc cùng tham gia vào
quá trình đồng sáng tạo nghệ thuật với mình. Và cũng chính khi đó, người đọc có dịp chiêm
nghiệm cũng như thấm thía hơn về ý nghĩa của cuộc sống cũng như ý nghĩa của sự sống, sự tồn
tại của chính bản thân mình.
Có thể nói, với những tìm tòi, sáng tạo trong tác phẩm của mình, Nguyễn Huy Thiệp đã
dấn thân vào một cuộc thử nghiệm đầy sóng gió. Từ đó, ông đã thực sự mang đến cho người
đọc những day dứt, trăn trở khôn nguôi trước những vấn đề thực tế của cuộc sống. Và với
những đóng góp lớn lao về cả phương diện nội dung lẫn nghệ thuật - truyện ngắn Nguyễn Huy
Thiệp xứng đáng trở thành một món ăn tinh thần đầy hữu ích cho độc giả nhiều thế hệ cả ở
trong nước lẫn ngoài nước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phan Thị Vàng Anh (1993), Khi người ta trẻ, Nxb Hội nhà văn Hà Nội.
2. Tạ Duy Anh, Nghệ thuật viết truyện ngắn và kí - www.evan.com.vn.
3. Đào Tuấn Ảnh (2005), Quan niệm thực tại và con người trong văn học hậu hiện đại, Tạp
chí Nghiên cứu văn học số 8.
4. M. Bakhtin (1992), Lí luận và thi pháp tiểu thuyết, Phạm Vĩnh Cư tuyển chọn, dịch và giới
thiệu, Nxb Bộ văn hoá thông tin và thể thao + Trường viết văn Nguyễn Du.
5. Thụy Bình, Thiên lương trong “ Muối của rừng” www.evan.com.vn
6. Khuê Các, Nhân đọc “Vàng Lửa” của Nguyễn Huy Thiệp, www.talawas.org.
7. Nam Cao (2006), Tuyển tập truyện ngắn, Nxb Văn học.
8. Nguyễn Minh Châu (1994), Trang giấy trước đèn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
9. Nguyễn Minh Châu (2006), Tuyển tập truyện ngắn, Nxb Văn học.
10. Nhật Chiêu, Giấc mơ bướm của Trang tử và Borges, www.evan.com.vn
11. Nhật Chiêu, Thiền và hậu hiện đại, www.evan.com.vn.
12. Nhật Chiêu, Tiên, Động Từ Thức, Mây, Bạch Dương, Người ăn gió, Chùm truyện ngắn,
www.tienve.org.
13. Nguyễn Đình Đăng, Nhà văn Việt Nam của tôi, www.evan.com.vn
14. Phong Điệp, Đánh giá thành tựu Văn học Việt Nam sau hơn 20 năm đổi mới,
www.vietnamnet.com.vn.
15. Trần Đạo, Nguyễn Huy Thiệp - Thời điểm của câu hỏi, thời điểm của con người
www.vietnamnet.com.vn.
16. Hà Minh Đức (1998), Văn học Việt Nam hiện đại – Bình giảng và phân tích tác phẩm, Nxb
Thanh niên.
17. Nguyễn Hải Hà, Nguyễn Thị Bình (1995), Quan niệm nghệ thuật về con người trong văn
xuôi Việt nam sau cách mạng tháng Tám – Chương trình KHCN cấp nhà nước KX –
07.
18. Võ Thị Hảo (1995), Tuyển tập truyện ngắn, Nxb Thanh niên Hà Nội.
19. Phan Trọng Hậu, Văn hóa hậu hiện đại nhìn từ nhiều phía, báo văn nghệ số 33, ra ngày
19.08.2006.
20. La Khắc Hòa, Những dấu hiệu của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Việt Nam qua
sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài, www.vienvanhoc.org.vn.
21. Nguyễn Hoà, 20 năm lí luận phê bình, ngày rất gần và chuyện xa xưa,
www.vienvanhoc.org.vn.
22. Phạm Thị Hoài (1999), Mê lộ, Nxb Tổng hợp Phú Khánh.
23. Tạ Thị Hường (2001), “Chất thơ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp”, Luận văn Thạc sĩ -
Trường đại học Sư Phạm Hà Nội.
24. Châu Minh Hùng, Hình thức đa thanh mới qua truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp,
www.evan.com.vn.
25. Châu Minh Hùng, Tiếng nói của cái tục trong văn Nguyễn Huy Thiệp www.evan.com.vn.
26. Nguyễn Văn Kha, Con người cá nhân trong truyện ngắn 1975 – 1990.
27. Nguyễn Khải (2002), Tuyển tập truyện ngắn, Nxb Hội nhà văn.
28. Ma Văn Kháng (2003), Tuyển tập truyện ngắn (4 tập), Nxb Công an Nhân dân.
29. Nguyễn Vy Khanh, Nguyễn Huy Thiệp - Những chuyện huyền kì: núi sông và nước
www.evan.com.vn.
30. Lê Minh Khuê (1995), Truyện ngắn Lê Minh Khuê, Nxb Văn học Hà Nội.
31. Phùng Ngọc Kiếm (1995), Con người trong truyện ngắn Việt Nam 1945 – 1975 (Bộ phận
văn học cách mạng), Nxb Đại học Quốc Gia Hà Nội.
32. Cao Kim Lan, Lịch sử trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp và dấu vết của hậu hình thi
pháp hậu hiện đại, www.vienvanhoc.org.vn.
33. Lí Lan (2000), Người đàn bà kể chuyện, Nxb Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.
34. Phong Lê (2001), Văn học Việt Nam hiện đại - Những chân dung tiêu biểu, Nxb Đại học
Quốc gia Hà Nội.
35. Nguyễn Văn Long (2006), Nguyễn Văn Thìn (đồng chủ biên), Văn học Việt Nam sau 1975,
những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, Nxb Giáo dục.
36. Phương Lựu (chủ biên) (2004), Lí luận văn học, Nxb Giáo dục.
37. Trần Nhất Lý, Tìm hiểu Nguyễn Huy Thiệp từ “ Phẩm Tiết”, Theo Thể thao văn hoá.
38. Nguyễn Đăng Mạnh (2001), Nhà văn – tư tưởng – phong cách, Nxb Đại học Quốc gia Hà
Nội.
39. E.M. Meletinsky (2004), Thi pháp của Huyền thoại, Trần Nho Thìn và Song Mộc dịch,
Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
40. Nguyên Ngọc, Văn xuôi Việt Nam hiện nay, lôgic quanh co của các thể loại, những vấn đề
đang đặt ra và triển vọng www.vietnamnet.com.vn.
41. Lã Nguyên, Nhìn lại các bước đi, lắng nghe những tiếng nói www.vietnamnet.com.vn
42. Phạm Xuân Nguyên (sưu tầm và biên soạn) (2001), Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, Nxb Văn
hoá thông tin.
43. Vương Trí Nhàn (2006), Giăng lưới bắt…lí luận, báo Thể thao và văn hoá, ra ngày 10
tháng 3.
44. Vương Trí Nhàn (2001), Sổ tay truyện ngắn, Nxb Văn nghệ Thành Phố Hồ Chí Minh.
45. Trần Thị Mai Nhân, Tìm hiểu phương thức “Huyền thoại hoá” trong một số tiểu thuyết Việt
Nam thời kì đổi mới, www.vienvanhoc.org.vn.
46. Nhiều tác giả (1995), Ánh trăng, Nxb Hội nhà văn, tuần báo Văn nghệ.
47. Nhiều tác giả (1994), Bến trần gian, Nxb Quân đội nhân dân.
48. Nhiều tác giả (1994), Hồi ức binh nhì, Nxb Quân đội nhân dân.
49. Nhiều tác giả (2000), Nghệ thuật viết truyện ngắn và kí, Nxb Thanh niên Hà Nội.
50. Nhiều tác giả (1989), Nguyễn Huy Thiệp, Tác Phẩm và dư luận, Tạp chí Sông Hương +
Nxb Trẻ.
51. Nhiều tác giả (2006), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục.
52. Nhiều tác giả (1983), Từ điển văn học, Nxb Khoa học xã hội Hà Nội.
53. Nhiều tác giả (2004), Từ điển Văn học bộ mới, Nhà xuất bản Thế Giới, Hà Nội.
54. Nhiều tác giả (2003), Văn học hậu hiện đại thế giới - những vấn đế lí thuyết, Nxb Hội nhà
văn, trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông tây.
55. Nhiều tác giả (1995), 21 truyện ngắn trên báo Văn nghệ, Nxb Hội nhà văn.
56. Nguyễn Văn Phụng , Tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp từ hiệu quả nghệ thuật đến thủ pháp
nghệ thuật, Khoá luận tốt nghiệp, Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh,
niên khoá 1989 – 1993.
57. Vũ Ngọc Phan (1998), Nhà văn hiện đại (tập1), Nxb Văn học.
58. Vũ Trọng Phụng (2005), Tuyển tập truyện ngắn (tập 1), Nxb Văn học.
59. Huỳnh Như Phương (1991), Văn xuôi Việt Nam những năm 80 và những vấn đề dân chủ
mới của nền văn học, Tạp chí văn học số 4.
60. G.N Pospelov (1993), Dẫn luận nghiên cứu văn học (2 tập), Nxb Giáo dục.
61. Nguyễn Minh Quân, Liên văn bản - sự triển hạn đến vô cùng của tác phẩm văn học,
www.tienve.org.
62. Đặng Văn Sinh, Đọc lại “ Tướng về hưu” www.vietnamnet.com.vn.
63. Trần Đình Sử (chủ biên) (2000), Tự sự học, Một số vấn đề lí luận và lịch sử, Nxb Đại học
sư phạm Hà Nội.
64. Trần Đình Sử, Phương Lựu, Nguyễn Xuân Nam (1987), Lí luận văn học, Nhà xuất bản giáo
dục, trang 365.
65. Hồ Anh Thái (Tuyển) (2005), Văn mới năm năm đầu thế kỷ, Nxb Hội nhà văn.
66. Hồ Anh Thái (Tuyển) (2006), Văn mới 2006, Nxb Hội nhà văn.
67. Vương Anh Tuấn (2005), “Vị trí và vai trò tích cực của người đọc trong đời sống văn học”,
Tạp chí Văn học số 3/1982.
68. Nguyễn Thị Minh Thái (2006), Nguyễn Huy Thiệp - Tôi sống trong ảo mộng, Vietnamnet –
20 tháng 7 năm 2007.
69. Bùi Việt Thắng (1992), Bình luận truuyện ngắn, Nxb Văn học Hà Nội.
70. Bùi Việt Thắng (2000), Một bước đi của truyện ngắn, Tạp chí Nhà văn, tháng 1.
71. Bùi Việt Thắng (2000), Truyện ngắn những vấn đề lí thuyết và thực tiễn thể loại, Nxb Đại
học Quốc gia Hà Nội.
72. Nguyễn Huy Thiệp (2006), Giăng lưới bắt chim (Tạp văn, tiểu luận, phê bình, giới thiệu),
Nxb Hội nhà văn.
73. Nguyễn Huy Thiệp (2006), Tiểu Long nữ, Nxb Công An nhân dân.
74. Nguyễn Huy Thiệp, Tuổi Hai mươi yêu dấu, www.NguyenHuyThiep.vn.
75. Nguyễn Huy Thiệp (2006), Tuyển tập truyện ngắn, Đỗ Hồng Hạnh tuyển chọn và giới
thiệu, Nxb Văn hoá Sài Gòn.
76. Hà Ngọc Trảng (1986-1990), “Tìm hiểu truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp”, Luận văn tốt
nghiệp, Trường Đại học khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
77. Lê Ngọc Trà, Văn học Việt Nam những năm đầu đổi mới www.vienvanhoc.org.vn.
78. Nguyễn Mạnh Trinh, Văn học trong nước, hé nhìn www.Vietnamnet.
79. Nguyễn Thanh Xuân, Đi tìm cổ mẫu trong văn học Việt Nam, www.vienvanhoc.org.vn
80. Trần Ngọc Vượng, Tục hoá quay về để tiến tới, www.vienvanhoc.org.vn.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- LVVHVHVN011.pdf