Luận văn Diện mạo văn hóa - Xã hội của vùng đất Bến Tre trong các thế kỉ XVII- XX

MS: LVLS-LSVN015 SỐ TRANG: 210 TRƯỜNG: ĐHSP TPHCM NGÀNH: LỊCH SỬ CHUYÊN NGÀNH: LỊCH SỬ VIỆT NAM NĂM: 2008 MỤC LỤC trang Mục lục MỞ ĐẦU 1 Chương 1. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN CỦA VÙNG ĐẤT BẾN TRE .9 1.1. Vị trí địa lý .9 1.2. Quá trình kiến tạo, bồi đắp vùng đất Bến Tre 10 1.3. Địa hình 11 1.4. Thổ nhưỡng 14 1.5. Khí hậu .1 7 1.6. Sông ngòi .19 1.7. Thủy văn 21 1.8. Thực vật .23 1.9. Động vật .27 Chương 2. DIỆN MẠO VĂN HÓA – XÃ HỘI CỦA VÙNG ĐẤT BẾN TRE TRONG CÁC THẾ KỶ XVII – XX 2.1. Đời sống xã hội 33 2.2. Đời sống vật chất .45 2.2.1. Sinh hoạt kinh tế .45 2.2.2. Cách ăn uống, trang phục, nhà ở, đường sá và phương tiện đi lại .66 2.3. Đời sống tinh thần .86 2. 3.1. Phong tục tập quán 86 2.3.2. Tín ngưỡng – Tôn giáo .94 2.3.3. Giáo dục .113 2.3.4. Văn học .121 Chương 3. CON NGƯỜI BẾN TRE .138 3.1. Con người Bến Tre trong đấu tranh với thiên nhiên 138 3.2. Đấu tranh với xã hội .147 3.3. Đặc điểm tính cách của con người Bến Tre .168 KẾT LUẬN 176 TÀI LIỆU THAM KHẢO 18 8 PHỤ LỤC .195

pdf210 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 1833 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Diện mạo văn hóa - Xã hội của vùng đất Bến Tre trong các thế kỉ XVII- XX, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
tâm cao. Một trong những đặc tính khá nổi bật của người Bến Tre đó là tinh thần tự lực tự cường. Đất Bến Tre là vùng đất cù lao, ba bề sông biển bao bọc, trông chờ dựa dẫm vào người khác rất khó. Vì vậy, khi có vấn đề nảy sinh, suy nghĩ đầu tiên của con người xứ cù lao là phải dựa vào sức mình là chính, phải tự mình giải quyết khó khăn, tự mở đường mà tiến, không thể ỷ lại, trông chờ. Tinh thần tự lực tự cường được in dấu khá rõ nét trong kỹ thuật đào mương lên liếp, biến vùng đất thường xuyên bị ngập nước ven sông rạch thành đất vườn. Từ đó, một nghề mới trong nông nghiệp xuất hiện, đó là nghề làm vườn, lợi nhuận thu về cao gấp nhiều lần so với canh tác lúa. Nếu cho rằng “đào mương lên liếp” là phát kiến riêng của người Bến Tre thì chưa thoả đáng, song không thể không ghi nhận đóng góp có giá trị của cư dân Bến Tre trong kỹ thuật cải tạo đất bằng cách đào mương lên liếp, tạo ra hệ thống tưới tiêu tự chảy, hình thành và phát triển ngành kinh tế vườn ở Nam Bộ. Tinh thần tự lực còn thể hiện trong việc chinh phục vùng đất nhiễm phèn, nhiễm mặn. Vùng đất Bến Tre không phải là nơi có nhiều thuận lợi cho việc trồng lúa. Trở ngại lớn nhất đối với việc trồng lúa ở đây là hiện tượng xâm nhập mặn. Để có thể thâm canh tăng vụ, việc xây dựng hệ thống thủy lợi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Với bản lĩnh và quyết tâm cao, nông dân Bến Tre đã biết xây dựng hệ thống thủy lợi (đắp đập ngăn sông - đập Ba Lai, đắp đê ven sông Hàm Luông) để ngăn mặn, đào nhiều kênh mương để phục vụ tưới tiêu cho những vùng bị nhiễm mặn, đưa nước ngọt vào đồng ruộng, tạo điều kiện cho việc thâm canh tăng vụ, biến một vùng đất vốn không thích hợp đối với cây lúa trở thành nơi chẳng những giải quyết tương đối ổn nhu cầu lương thực của địa phương mà còn thừa cho xuất khẩu. Để có thể tự lực vươn lên đòi hỏi người dân nơi đây phải nỗ lực học tập. Một đặc điểm đáng lưu ý khác của người Bến Tre đó là tinh thần hiếu học. Do hiểu được cái giá của thất học, lập làng xong, cư dân liền tìm thầy để dạy chữ cho con. Bến Tre cách xa Gia Định, đi lại khó khăn, nhưng việc học ở đây phát triển khá sớm. Năm 1867, khi xâm lược Bến Tre, thực dân Pháp thừa nhận, trên 2 cù lao Bảo và Minh có 70 trường dạy chữ Hán. Đất Bến Tre là nơi sản sinh những con người hiếu học, thông minh, có trình độ học vấn uyên thâm như Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký. Những thế hệ con cháu của các bậc tiền nhân quê dừa cũng đã sớm thấy vai trò của khoa học, tìm đến với khoa học, rất cần mẫn, thông minh trong việc tiếp thu và ứng dụng khoa học vào cây trồng. Người ta rất say sưa tìm tòi những bí ẩn sinh học của cây trồng để bồi dưỡng, thuần hoá và cải tạo nó. Việc du nhập và kỹ thuật lai tạo, ghép cây, chiết cành, tạo ra những giống mới, có năng suất cao cũng nảy sinh từ đất Vĩnh Thành (Chợ Lách, Bến Tre) từ cuối thế kỷ XVIII đến nay. Từ thuở xa xưa chỉ có cây dừa, cây cau, cây chuối, dây trầu là những loại cây trồng phổ biến, ngày nay, chủng loại cây trồng trên đất Bến Tre rất phong phú. Mỗi loại cây qua sự thuần dưỡng của con người đều có sự phát triển, đổi mới, hơn hẳn về số lượng và chất lượng so với nguồn gốc cũ. Bến Tre đang dẫn đầu phong trào tạo ra lúa cao sản, dừa cao sản, mía cao sản, đưa cây hồ tiêu và cây ca cao vào đất vườn, biết khai thác ba tầng sinh thái trong đất vườn. Đời nọ qua đời kia, tinh thần ham học hỏi, nhạy bén và sáng tạo trong đời sống đã nối tiếp thành truyền thống. Địa thế đất cù lao, bị cách bức với các vùng lân cận, điều kiện giao lưu bị hạn chế chắc chắn có ảnh hưởng nhất định đến sự hình thành, phát triển tính cách, tâm lý của con người. Nói đến vùng đất bị cách bức với các vùng lân cận như đất đảo hay đất cù lao của Bến Tre, người ta thường nhấn mạnh đến tính chất bảo thủ, trì trệ, chậm thay đổi. Bến Tre cũng khó thoát khỏi những hạn chế chung đó. Tuy vậy, thiên nhiên cách trở cũng tạo ra cho người Bến Tre tư thế sẵn sàng đón nhận tinh hoa văn hóa từ nơi khác. Bởi lẽ, nếu đóng cửa, chối từ đồng nghĩa với việc tự đào sâu ranh giới ngăn cách, tự làm cho mình thụt lùi so với các địa phương khác. Tuy bị cách bức, nhưng Bến Tre không phải là vùng đất heo hút. Nhờ hệ thống sông lớn và biển bao bọc, Bến Tre có điều kiện thuận lợi về giao thông thuỷ. Tận dụng, khai thác lợi thế này, từ rất sớm, người Bến Tre đã mở rộng giao lưu buôn bán với bên ngoài. Từ Bến Tre, ghe thuyền có thể ra tận miền Bắc, miền Trung, đến Sài Gòn và sang cả vịnh Thái Lan. Qua giao lưu buôn bán, đến được nhiều nơi, tiếp xúc với người của nhiều địa phương, người Bến Tre đã biết học tập, tiếp thu những cái hay, cái tốt của những nơi khác để làm giàu thêm kiến thức của mình trong phát triển kinh tế và văn hoá. Những lớp lưu dân đầu tiên đến với vùng đất Bến Tre hầu hết là nông dân, lính tráng, tội đồ. Vốn chữ nghĩa của họ không có hoặc rất ít ỏi. Vào vùng đất mới, mọi công sức đều dồn vào việc giành giật miếng cơm, manh áo. Bọn phong kiến, thực dân lại không bao giờ nghĩ đến việc mở mang trường học, truyền bá văn hoá cho nhân dân. Cho nên, không phải chỉ có họ mà cả những thế hệ về sau của họ vẫn là những người nông dân chất phác, thật thà, thẳng thắn, bộc trực, ít văn chương rào đón trong cư xử, giao tiếp. Đặc điểm này trải qua bao thế hệ vẫn được bảo tồn. Đó là một nét đẹp trong tính cách của con người nơi đây. Do lâm vào cảnh bế tắc, phải rời bỏ quê hương ra đi vì không còn đất sống, họ là những người mang trong mình đầu óc mạo hiểm, bị buộc phải liều. Cùng chung cảnh khổ, phải ra đi tìm cái sống trong muôn ngàn cái chết, phải đoàn kết nhau để vượt qua những trở ngại của thiên nhiên, do vậy, người ta rất chuộng nghĩa khí, quý trọng bè bạn, tình huynh đệ giang hồ, lòng nghĩa hiệp, coi tiền tài như cỏ rác, sẵn sàng xả thân vì nghĩa. Tiêu chuẩn đạo lý làm người là “Kiến nghĩa bất vi vô dũng giả” đã trở thành phương châm ứng xử của nhiều người. Làm việc nghĩa là bênh vực những người yếu đuối, sa cơ thất thế, chống lại cường quyền hoặc bạo lực phi nghĩa, như trường hợp Vân Tiên cứu Nguyệt Nga. Tuy nhiên, nếu vì nghĩa được mở rộng đến mức không phân biệt cái tốt, cái xấu, cái đáng bênh vực và cái không đáng bênh vực thì dễ dẫn đến những hành động liều lĩnh, có hại. Trong Gia Định Thành thông chí, Trịnh Hoài Đức viết: “Ở Gia Định, khách đến thì mời ăn trầu trước, thết nước chè rồi đến ăn cơm ăn bánh, cốt phải phong hậu. Không kể người thân hay sơ, lạ hay quen, tung tích thế nào, đã đến tất phải tiếp nhận thết đãi…” [18, tr.146]. Phải chăng do thiên nhiên hào phóng nên con người hào phóng. Có lẽ vì cùng chung cảnh khổ với nhau, người ta rất dễ cảm thông, chia sẻ lẫn nhau. Đó chính là nguồn gốc nảy sinh tinh thần nhường cơm sẻ áo, hiếu khách, hào phóng, một trong những đức tính đáng quý của người Bến Tre, bất kể là người giàu hay người nghèo. Tinh thần hào phóng, hiếu khách, lấy tình nghĩa làm trọng còn bảo lưu khá tốt ở Bến Tre. Tinh thần này được thể hiện ở sự tiếp đãi ân cần, cách bày biện, nấu nướng, thái độ hòa nhã, lịch sự. Các món đặc sản của địa phương thường được mang ra đãi khách, tặng, biếu lúc khách ra về. Vì nghĩa lớn và tinh thần hào phóng, khi có quốc gia đại sự, người dân Bến Tre sẵn lòng quyên góp tiền tài, vật chất ủng hộ kháng chiến, nuôi giấu cán bộ. Những câu chuyện về việc nhân dân Bến Tre tự nguyện góp 700 lạng vàng trong “Tuần lễ vàng” để lập quỹ Độc lập xây dựng đất nước và mua sắm vũ khí trang bị cho quân đội, chuyện Đức giáo tông Nguyễn Ngọc Tương – Phái Cao Đài Ban Chỉnh Đạo tự nguyện hiến cho Chính phủ kháng chiến 130 mẫu rừng lá ở Giồng Bãi – Thạnh Phú, rất nhiều người dân sẵn sàng hiến đất của mình để xây dựng các công trình công cộng… là những minh chứng cho tinh thần hào phóng, nghĩa hiệp của người dân Bến Tre. Trước những trở ngại của thiên nhiên người ta xem nhẹ tính mạng, sống liều lĩnh, ngang tàng, dũng cảm, không lùi bước, do vậy họ cũng sẽ không bao giờ chấp nhận những bất công của xã hội, quyết tâm, kiên trì bảo vệ lẽ phải đến cùng. “Trời xanh cây cứng lá dai Gió lay mặc gió chiều ai không chiều” Tinh thần đấu tranh vì lẽ phải được thể hiện qua việc các cụ già ở Ba Tri bằng sức của đôi chân đã vượt đường sá xa xôi, nguy hiểm, đến tận kinh thành Huế kiện việc bất bình. Không chỉ có “ông già”, cả “bà già” cũng có tinh thần, ý chí, quyết tâm, kiên trì bảo vệ lẽ phải đến cùng như trường hợp của bà Phan Thị Tỏ – chủ hãng kẹo dừa Thanh Long, bị giả mạo nhãn hiệu sản phẩm, đã sang tận Trung Quốc để đấu tranh đòi lẽ công bằng. Kiên trì bảo vệ lẽ phải đến cùng là một đức tính đáng yêu của cư dân Bến Tre. Thế nhưng, nếu không xác định được thế nào là lẽ phải, chỉ lo cho lợi ích của bản thân, đấu tranh bất chấp kỷ cương, phép nước như các trường hợp cố chấp khiếu nại đòi đất vào tập đoàn sản xuất, khiếu nại vượt cấp, tụ tập đông người gây rối trật tự công cộng thì lẽ phải trở thành điều phi lý. Từ mảnh đất hoang sơ biến thành ruộng vườn tươi tốt, đó là cả một quá trình mà con người nơi đây đã bỏ ra không biết bao nhiêu công sức. Chính vì vậy, người ta vô cùng quý trọng thành quả lao động. Họ yêu ruộng, yêu vườn, từ đó mà phát triển thành tình yêu quê hương, đất nước. Yêu nước là đặc tính cơ bản của mọi người Việt Nam, được hun đúc nên trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Nói về đồng bào Nam Bộ, trong đó có Bến Tre, không ít ý kiến đã bình phẩm, ngợi ca tinh thần yêu nước, bất khuất của họ với những biểu hiện đặc biệt so với các vùng đất khác. Ngay từ buổi đầu chống Pháp, Nguyễn Ngọc Thăng – người con của xứ dừa đã có mặt trên tuyến đầu ở đại đồn Kỳ Hoà. Sau khi ba tỉnh miền Đông rơi vào tay giặc, Bến Tre trở thành một trong những vùng “tị địa” của những sĩ phu và nghĩa dân yêu nước, bất hợp tác với giặc. Khi ấy, người Bến Tre cũng có mặt và chiến đấu dũng cảm trong các đơn vị quân đội của triều đình như Lê Quang Quan (Tán Kế), trong những đội quân ứng nghĩa của Trương Định như Trịnh Viết Bàng, Huỳnh Văn Thiệu. Chủ tướng mất, những người này vẫn giữ vững ý chí, lui về quê nhà, chiêu mộ nghĩa quân, tiếp tục tổ chức chiến đấu đến cùng. Khi ba tỉnh miền Tây tiếp tục rơi vào tay giặc, nhân dân Bến Tre đã giáng những đòn phủ đầu ngay từ khi bọn Pháp xâm lược mới đặt chân lên vùng đất cù lao, tại những nơi như Hương Điểm (Giồng Trôm), Giồng Gạch, Bảo Thạnh (Ba Tri). Tiếp theo là những cuộc khởi nghĩa, tự động nổi dậy của nhân dân ở cả ba dãy cù lao với những tên tuổi như Phan Tòng, Phan Tôn, Phan Liêm, Lê Văn Nghiêm, Nhiêu Đẩu, Nhiêu Gương… Không chỉ đánh địch ở quê nhà, nhân dân xứ cù lao còn tham gia khởi nghĩa của Thủ khoa Huân ở bên kia sông Tiền. Vì thế, trong tổng số 47 làng bị Thống đốc Nam Kỳ ký lệnh phạt, Bến Tre chiếm đến 11 làng. Trong cuộc chiến bảo vệ quê hương, không chỉ có nông dân tham gia chiến đấu, mà có cả những trí thức Nho giáo cũng có mặt trên tuyến đầu chống giặc. Người thì chiến đấu bằng ngòi bút như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, có người thì cầm gươm xông pha vào trận mạc như thầy giáo Phan Tòng – người chỉ huy trận Giồng Gạch, cử nhân Âu Dương Lân – người đã cùng Nguyễn Hữu Huân lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở Định Tường… Truyền thống yêu nước bất khuất của người Bến Tre đã được các thế hệ nối tiếp nhau kế thừa một cách xuất sắc, từ buổi đầu chống xâm lược, qua thời xây dựng Đảng rồi đến kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ sau này. Chiến tranh xảy ra, người dân đã biến ngôi nhà, mảnh vườn của mình thành nơi nuôi giấu cán bộ, bộ đội, thành căn cứ địa cách mạng vây hãm quân thù. Giặc phá vườn, cào nhà, gom dân, người dân nơi đây đã dũng cảm bám ruộng vườn, đánh trả quân thù bằng tất cả bản lĩnh, tài năng và trí sáng tạo của họ. Nhân dân Giồng Trôm sử dụng bè cây kết bằng hàng trăm cây dừa phá sập cầu Bình Chánh, Nguyễn Văn Tư đánh giặc bằng ong vò vẽ, Lê Chính làm giàn thun để bắn lựu đạn vào đồn giặc, Hoàng Lam mang thuốc nổ lội sông đánh tàu giặc… Mỹ dùng chất độc hoá học huỷ diệt cây vườn, người dân Bến Tre đã phát triển nghề trồng mía để phủ xanh địa hình, giữ vững thế chiến tranh du kích. Mía xen dừa, vườn Bến Tre thêm thế mạnh mới về kinh tế, phát triển nghề làm đường, bảo đảm cuộc sống bộ đội và nhân dân trong thời kỳ chiến tranh và mở rộng giao lưu kinh tế sau này. Có thể xem đó là những điển hình đánh giặc với kiểu cách độc đáo của người dân Bến Tre. Trong điều kiện bị cách bức, khó khăn trong liên lạc và nhận sự chi viện từ các vùng xung quanh, Bến Tre không thể ngồi im trông chờ mà phải tự suy nghĩ, tìm cách khắc phục những vấn đề nan giải. Trong kháng chiến chống Pháp lần hai và kháng chiến chống Mỹ, để tăng cường khả năng chiến đấu cho địa phương, Tỉnh uỷ Bến Tre đã mạnh dạn tổ chức những chuyến vượt biển, ra thủ đô Hà Nội để xin chi viện. Không phải ngẩu nhiên mà người ta gọi Bến Tre là “Quê hương Đồng khởi”. Theo Đại tướng Hoàng Văn Thái, trong bài phát biểu ở Hội nghị tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Bến Tre, ngày 17.7.1982: “Phong trào Đồng khởi ở Bến Tre đã mở đầu cho cuộc tấn công và nổi dậy lần thứ nhất của cách mạng miền Nam, mở đầu cho cuộc khủng hoảng triền miên của chính quyền Mỹ, Diệm. Rõ ràng, phong trào Đồng khởi ở Bến Tre đã đi vào lịch sử như một ngọn cờ đầu, nó đã có một vị trí xứng đáng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam và xứng đáng được gọi là quê hương Đồng khởi với tất cả nội dung và tính chất của nó” [66, tr.1091]. Từ phong trào Đồng khởi, “đội quân tóc dài” đã ra đời và phát triển rộng khắp toàn miền Nam, đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng ở miền Nam. Đặc công thuỷ ở Bến Tre, một loại binh chủng đặc biệt, với quân số chưa đến 100 người nhưng chiến công của họ thì lẫy lừng, diệt hàng trăm tàu địch, hàng ngàn tên giặc bị nhấn chìm xuống đáy sông Hàm Luông. Xin được nêu vài con số minh chứng cho tinh thần yêu nước của người Bến Tre. Trong thời chống Pháp và chống Mỹ, Bến Tre có 7 vạn thanh viên lên đường cầm súng cứu nước. Không những chỉ chiến đấu trên quê hương mình, con em xứ dừa còn ra đi chiến đấu trên khắp các chiến trường Nam Bộ và cả ở nước bạn Campuchia. Kết thúc chiến tranh, toàn tỉnh có hơn 34.715 liệt sĩ (hy sinh gần 50%), 15.132 thương binh, 43 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 90 đơn vị anh hùng tập thể, 14 người được phong quân hàm cấp tướng. Trải qua ba thế kỷ khai phá, xây dựng và bảo vệ quê hương, các thế hệ người dân Bến Tre đã dày công hun đúc, tôi luyện nên những truyền thống tính cách đáng quý. Đó là tinh thần yêu nước, bất khuất, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần hiếu học, sự chất phác, thật thà, chuộng nghĩa khí, hào hiệp, mến khách…Truyền thống tính cách mà các thế hệ cha anh đã để lại là hành trang quý giá để các thế hệ con em Bến Tre học hỏi, phát huy, tiếp tục xây dựng quê hương Bến Tre thêm giàu đẹp. KẾT LUẬN Qua nghiên cứu diện mạo văn hoá – xã hội của Bến Tre trong các thế kỉ XVII – XX, chúng tôi rút ra một số kết luận như sau: 1. Khi xem xét diện mạo văn hoá của vùng đất Bến Tre cần xem xét những đặc điểm về điều kiện tự nhiên và xã hội của vùng đất này. Văn hoá là một mảng của đời sống xã hội, là sản phẩm của hoạt động đấu tranh với tự nhiên và đấu tranh xã hội, gắn bó hữu cơ với tổ chức cuộc sống của cộng đồng dân cư. Văn hoá là sản phẩm của một cộng đồng dân cư sáng tạo ra trong điều kiện tự nhiên và xã hội cụ thể. Đặc điểm của cộng đồng dân cư, môi trường tự nhiên và xã hội là những nhân tố tác động đến sự hình thành diện mạo văn hoá. Bến Tre là vùng đất cù lao cửa sông, giáp biển. Bến Tre nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới với hai mùa mưa nắng rõ rệt. Thời tiết nhìn chung thuận lợi, ít chịu ảnh hưởng của bão. Nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm thuận lợi cho sự phát triển của nhiều loại cây trồng, vật nuôi, song gần một nửa diện tích đất bị nhiễm phèn, mặn, gây nhiều trở ngại cho sự phát triển của nông nghiệp. Sông ngòi, kênh rạch chằng chịt đã chia cắt địa hình Bến Tre, gây trở ngại cho giao thông đường bộ nhưng là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển giao thông thuỷ, góp phần thúc đẩy giao lưu kinh tế và văn hoá. Sông mang phù sa về cho vùng đất, cung cấp nước ngọt cho sinh hoạt và nông nghiệp, cung cấp tôm cá cho bữa ăn của người dân. Sông rạch góp phần làm đẹp cảnh quang, điều hoà khí hậu. Từ thế kỉ VI đến thế kỉ XVI, người Khơme là cư dân chủ yếu ở Nam Bộ nói chung, Bến Tre nói riêng. Do số lượng cư dân ít ỏi, trình độ kỹ thuật còn hạn chế nên thành quả khai phá chưa nhiều. Đầu thế kỉ XVII, Bến Tre vẫn còn là vùng đất hoang nhàn với rừng rậm, thú dữ, phần lớn diện tích đất chưa được khai phá. Từ thế kỉ XVII, diện mạo vùng đất Bến Tre có sự thay đổi với sự xuất hiện của những lưu dân đến đây khai phá. Lưu dân đến khai phá vùng đất Bến Tre từ nhiều nguồn khác nhau. Đa số lưu dân là người Việt, có nguồn gốc từ miền Ngũ Quảng. Phần đông là những nông dân bần cùng, không thể sống được ở quê cũ. Bên cạnh đó còn có những tội đồ, lính tráng bị nhà Nguyễn lưu đày. Một ít trong số đó là những người giàu có, muốn tìm cơ hội làm giàu ở vùng đất mới. Trong số lưu dân đến khai phá vùng đất này còn có một bộ phận người Hoa, do bất mãn triều Thanh đã xin chúa Nguyễn vào Nam khai phá. Song, tộc người chiếm số đông, giữ vai trò quyết định sự phát triển của vùng đất là người Việt. Hành trang mà lưu dân mang theo không chỉ có tư liệu sản xuất mà còn có cả những vốn văn hoá đã được tích luỹ từ quê cũ. Đến vùng đất Bến Tre, vốn văn hoá mang theo được bộc lộ trong điều kiện tự nhiên mới, được gặp gỡ văn hoá của các tộc người khác, đã phát triển thành văn hoá Bến Tre. Một trong những nét đáng lưu ý đối với môi trường xã hội của cư dân nơi đây là làng Việt mang những nét riêng so với làng Việt Bắc Bộ. Làng ở đây là làng khai phá, có tuổi đời còn non trẻ hơn nhiều so với làng Việt Bắc Bộ. Làng ở Bến Tre không là đơn vị biệt lập, khép kín với luỹ tre bao bọc như làng ở Bắc Bộ mà kéo dài trên diện rộng, ven hai bờ sông rạch hoặc trục lộ giao thông. Dân cư đa số là những người mới đến khai phá, do vậy tính cố kết trong quan hệ dòng họ không chặt chẽ. Về tiến trình lịch sử, công cuộc khai phá của cư dân nơi đây, từ thế kỉ XVII đến 1867 vẫn đang tiến hành, chưa thật sự ổn định thì bị thực dân Pháp xâm lược. So với cả nước, Nam Bộ, trong đó có Bến Tre trở thành nơi đầu tiên chịu sự thống trị của thực dân Pháp cho đến 1945. Trong hoàn cảnh đó, văn hoá của cư dân nơi đây đã được tiếp xúc với văn hoá phương Tây. Từ năm 1945 đến 1954, nhân dân Bến Tre cùng với nhân dân Nam Bộ và nhân dân cả nước tiến hành kháng chiến chống Pháp. Năm 1954, miền Bắc được giải phóng, nhưng nhân dân Bến Tre cùng với nhân dân miền Nam còn phải tiếp tục kháng chiến chống Mĩ. Bến Tre trở thành một trong những trọng điểm bình định của kẻ thù. Đến năm 1975, Bến Tre mới được giải phóng. Cùng với Nam Bộ, Bến Tre đã phải “đi trước” nhưng lại “về sau”. Chịu sự tác động, chi phối bởi những đặc điểm về điều kiện tự nhiên, lịch sử, xã hội của vùng đất Bến Tre, diện mạo văn hoá nơi đây chắc chắn sẽ mang những đặc điểm riêng. 2. Văn hoá Bến Tre là sản phẩm của quá trình kế thừa và phát triển những di sản văn hoá truyền thống Việt Nam trong điều kiện môi trường tự nhiên, xã hội và giao tiếp văn hoá tộc người trên vùng đất Bến Tre. Đến với vùng đất Bến Tre, tài sản mà lưu dân mang theo chủ yếu chỉ là những giá trị văn hoá truyền thống. Đó là năng lực thích ứng với thiên nhiên, sự siêng năng, lòng dũng cảm, ý chí bất khuất, kiên cường… Những vốn liếng quý giá này là động lực, sức mạnh để lưu dân đối đầu, vượt qua những khó khăn, trắc trở của điều kiện tự nhiên, biến vùng đất cù lao hoang nhàn thành đồng ruộng, vườn cây trái xanh tốt. Trên vùng đất mới, các giá trị văn hoá truyền thống đã được thử thách bản lĩnh, chẳng những được giữ gìn mà còn được vun đắp thêm, làm cho bức tranh văn hoá Việt Nam có thêm những sắc màu mới. Bức tranh văn hoá Bến Tre mang đậm dấu ấn của thiên nhiên vùng đất cù lao, đặc biệt là môi trường sinh thái sông nước. Môi trường thiên nhiên sông nước Bến Tre tác động và ghi dấu khá rõ nét trên bức tranh sinh hoạt vật chất và tinh thần của người dân Bến Tre. Sông rạch như những mạch máu len lỏi khắp cơ thể của vùng đất Bến Tre, mang chất dinh dưỡng về cho đất nuôi cây trồng, mang nguồn thực phẩm tôm cá về cho con người, giúp con người đi lại, giao lưu kinh tế, văn hoá. Văn hoá Bến Tre là sản phẩm của cuộc đấu tranh của cư dân nơi đây đối với thiên nhiên sông nước, là quá trình cư dân Bến Tre thích nghi, tận dụng, khai thác, chinh phục các dòng sông. Cuộc sống của người dân nơi đây gắn liền với sông nước. Quá trình ấy đã để lại nhiều sản phẩm văn hoá. Trong sinh hoạt kinh tế, tận dụng dòng chảy của các con sông theo chế độ thuỷ triều cư dân Bến Tre đã nạo vét hệ thống kênh mương để thau chua, rửa mặn cho đồng ruộng. Người ta đã sáng tạo ra cách “đào mương lên liếp” để khắc phục tình trạng đất ngập nước, đưa phù sa vào mương vườn để bồi đắp cho cây. Từ đó, một ngành kinh tế mới đã xuất hiện đó là nghề làm vườn. Nghề làm vườn phát triển đã kéo theo sự ra đời của nghề sản xuất cây giống phục vụ cho nó. Để khai thác nguồn tôm cá dồi dào mà sông nước Bến Tre mang lại, cư dân nơi đây có nghề khai thác cá đồng, bưng, rạch, nghề đánh bắt cá biển. Nghề đóng ghe cũng đã ra đời để cung cấp phương tiện đi lại, đánh bắt cá của cư dân. Việc ăn ở, đi lại của người dân cũng gắn liền với sông nước. Cơ cấu bữa ăn vẫn theo công thức cổ truyền “cơm – rau – cá”, song bữa ăn của người dân Bến Tre mang đậm dấu ấn của thiên nhiên sông nước với khá nhiều tôm cá và trái cây miệt vườn. Dừa có mặt ở nhiều món ăn và là loại nước uống đặc trưng của vùng đất Bến Tre. Nhà cửa được dựng lên dọc các bờ sông, các tuyến kênh, thuận tiện cho việc đi lại, làm ăn và có thể đón gió mát từ sông, kênh. Sông rạch là môi trường sống của một bộ phận khá đông dân cư. Buôn bán trên sông, sống lênh đênh trên sông, chợ được họp theo con nước. Thiên nhiên của vùng sông nước Bến Tre là nguồn cảm hứng, tạo nên những nét đặc trưng cho những sáng tác văn học dân gian. Các sáng tác dân gian Bến Tre đã bổ sung cho bức tranh thiên nhiên Việt Nam những hình ảnh của vùng đồng bằng với những dòng sông cuộn chảy, những con rạch đôi bờ xanh ngát, những rừng dừa nước, rừng bần, cây trái miệt vườn… Cũng từ các sáng tác ấy, hiện lên phẩm chất và bản lĩnh của con người Bến Tre với những đức tính của người miền Nam như cương trực, nghĩa khí, phóng khoáng, chân chất, ngang tàng. Bức tranh văn hoá – xã hội Bến Tre phản ánh cách thức tổ chức cuộc sống của cộng đồng cư dân Bến Tre trong môi trường thiên nhiên sông nước. Văn hoá Bến Tre mang sắc thái của một vùng văn hoá sông nước. Nhìn từ trên cao, bức tranh văn hoá Bến Tre hiện ra những vườn cây trái, nhà cửa, chợ búa ven sông, ven rạch; theo con nước lớn ròng, ghe thuyền đi lại, chở đầy ắp cây trái miệt vườn, thóc lúa, vật liệu, buôn bán tấp nập trên sông; có cầu khỉ bắt qua mương; có những đoàn thuyền đánh cá nối đuôi nhau ra khơi; có mái chèo khua nhẹ đưa thuyền trôi lững lờ theo dòng nước dưới ánh trăng, xa xa văng vẳng mấy câu hò… Đất Bến Tre là vùng đất cù lao ba bề sông biển, bị cách bức với các vùng lân cận. Nói đến vùng đất cù lao, người ta thường nhấn mạnh đến tính chất bảo thủ, trì trệ, chậm thay đổi. Song, chính vì sống ở vùng đất cù lao nên con người nơi đây không thể ỷ lại, trông chờ mà phải luôn có tâm thế phải tự lực vươn lên. Tự lực tự cường là một trong những đặc tính nổi bật của con người Bến Tre. Bên cạnh tinh thần tự lực, con người nơi đây cũng luôn có ý thức học hỏi, tiếp thu những kinh nghiệm từ nơi khác để làm giàu cho quê hương mình, bởi lẽ nếu đóng cửa, không giao lưu học hỏi cũng đồng nghĩa với việc đào sâu ranh giới ngăn cách. Ý thức được giá trị của việc học, sau một khoảng thời gian ổn định cuộc sống, lưu dân đã quan tâm đến việc giáo dục cho con em mình. Bến Tre cách xa Gia Định, đi lại khó khăn, nhưng việc học ở đây phát triển khá sớm. Đến khi thực dân Pháp xâm lược, trên 2 cù lao Bảo và Minh, trong số 152 thôn có đến 70 trường dạy chữ Hán. Đất Bến Tre là nơi sản sinh những con người hiếu học, thông minh, có trình độ học vấn uyên thâm như Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký. Qua các thời kỳ, sự nghiệp giáo dục ở Bến Tre đã đào tạo được nhiều lớp nhân tài, là những cán bộ lãnh đạo, những chiến sĩ cách mạng, đã cống hiến sức mình cho sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc, xây dựng quê hương, đất nước. Bức tranh văn hoá Bến Tre ghi dấu khá rõ nét đặc điểm của cộng đồng dân cư và hiện thực xã hội trên vùng đất này. Chủ nhân của văn hoá Bến Tre là những con người Việt Nam từ nhiều nơi hội tụ về vùng đất Bến Tre, mang trong mình dòng máu Việt Nam và những giá trị văn hoá truyền thống Việt Nam. Đến vùng đất mới, không gian sống có thay đổi song họ vẫn là cư dân nông nghiệp, vẫn với những nghề nghiệp quen thuộc. Điều kiện sống, sinh hoạt kinh tế vẫn mang những nét giống với quê cũ. Do vậy, hầu hết phong tục tập quán, tín ngưỡng cổ truyền đều được duy trì. Đời sống tâm linh của người dân gắn với loại hình sinh hoạt kinh tế và vẫn mang những nét chung với cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ, Trung Bộ. Với cư dân nông nghiệp tâm linh của họ gửi gắm vào vị thần ngự trị ở đình làng; sinh hoạt văn hoá tiêu biểu tập trung ở lễ hội kỳ yên. Cư dân miệt biển tin tưởng và cầu mong sự phò trợ của vị thần ở ngoài khơi xa; sinh hoạt văn hoá tiêu biểu của họ tập trung ở lễ hội Nghinh Ông. Mặt khác, văn hoá là sản phẩm của một cộng đồng dân cư, nên những đặc điểm của cộng đồng dân cư chi phối rất lớn đến diện mạo văn hoá. Cộng đồng dân cư ở vùng đất Bến Tre có một số đặc điểm riêng, không giống với cộng động dân cư vùng đồng bằng Bắc Bộ, Trung Bộ, nên diện mạo văn hoá ở Bến Tre cũng có những nét đặc trưng. Cộng đồng dân cư ở Bến Tre ngoài người Việt chiếm đa số còn có người Hoa và người Khơme bản địa. Quá trình cộng cư giữa các tộc người này đã tạo ra sự giao tiếp văn hoá trên nhiều lĩnh vực. Trong hoạt động nông nghiệp, người Việt đã học hỏi kỹ thuật làm nông của người Khơme trong việc dùng chiếc phảng để phát cỏ, chọn giống, dùng nọc cấy, dùng vòng hái để thu hoạch. Để khai thác có hiệu quả nguồn lợi thuỷ sản phong phú do sông nước Bến Tre mang lại, bên cạnh các dụng cụ đánh bắt truyền thống như chài, lưới, đóng đáy, người Việt còn học cách đánh bắt của người Khơme trong việc sử dụng cái lọp, cây xà búp, cách xom rắn, bắt lươn… Người Khơme dùng đơn vị đo diện tích đất là công (bằng một mẫu của người việt), người Việt cũng tiếp thu cách gọi này. Nóp dùng để ngủ, cà ràn để nấu nướng vốn là của người Khơme, người Việt cũng đã tiếp thu, sử dụng cho nhu cầu của mình. Trong ăn uống, nhiều món ăn vốn có nguồn gốc từ người Khơme, người Hoa, người Ấn Độ… đã trở thành món ăn phổ biến của các tộc người trên đất Bến Tre. Tập quán sử dụng nước cốt dừa trong chế biến các món ăn vốn xuất phát từ người Khơme đã trở thành tập quán chung của cả người Việt và người Hoa. Trầu cau của người Việt được xem là lễ vật không thể thiếu trong lễ cưới của cả người Hoa và người Khơme. Về trang phục, bộ quần áo bà ba, chiếc nón lá không chỉ là trang phục hàng ngày của người Việt mà cả người Khơme và người Hoa cũng sử dụng phổ biến. Khăn rằn, vốn là khăn “krama” của người Khơme, đã được người Việt, người Hoa sử dụng rất phổ biến. Về nhà ở, cả người Việt, người Hoa, người Khơme đều sử dụng lá dừa nước để lợp nhà, làm vách nhà. Kỹ thuật chằm lá có nguồn gốc từ người Khơme đã được người Việt và người Hoa tiếp thu. Trong đời sống tâm linh, cả người Việt, người Hoa, người Khơme đều có tín ngưỡng thờ mẫu. Trong quá trình cộng cư, các tộc người đã tiếp nhận tín ngưỡng, đối tượng thờ cúng của nhau trên cơ sở niềm tin “hữu cấu tất ứng”. Tục thờ bà Thiên Y Ana (Chúa Ngọc) hay bà Chúa Xứ vốn xuất phát từ người Chăm, tục thờ bà Thiên Hậu của người Hoa đã trở thành tín ngưỡng chung của các tộc người ở Bến Tre. Cộng đồng dân cư ở Bến Tre có tuổi đời còn khá trẻ. Thời gian định cư của các dòng họ ở vùng đất này chỉ trên dưới mười thế hệ. Quan hệ dòng họ không chặt chẽ như cộng đồng dân cư ở Bắc Bộ, Trung Bộ. Với người Bến Tre, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên vẫn được bảo tồn và phát huy, song trong thờ cúng tổ tiên, ở Bến Tre không có các dạng thức như nhà thờ tổ, giỗ tổ như ở miền Bắc. Làng ở Bến Tre là làng khai phá, có tuổi đời còn non trẻ. Do vậy, huyền thoại, lý lịch của vị thành hoàng bổn cảnh được thờ ở đình làng chưa được dày dặn như các vị thành hoàng của các làng ở miền Bắc. Mối quan hệ gắn bó giữa người với người trong cùng một làng không bị quan hệ dòng họ chi phối mà chỉ dựa trên cơ sở nghĩa tình của những người đồng cảnh khổ. Rời quê cũ đến với vùng đất mới, sự chi phối của lễ giáo phong kiến đối với người dân không còn nặng nề như nơi quê cũ. Tính dân chủ, bình đẳng trong quan hệ xã hội rất được coi trọng. Tinh thần bình đẳng còn thể hiện cả trong đời sống tâm linh. Đình làng không chỉ thờ cúng thành hoàng mà còn là nơi thờ nhiều vị thần gắn bó với đời sống tâm linh của người dân. Lưu dân đến vùng đất Bến Tre đa số là những người nông dân nghèo khổ, lâm vào cảnh đường cùng, buộc phải rời bỏ quê hương bản quán ra đi tìm đất sống. Đến vùng đất mới, người nông dân đã hao tốn không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức để biến vùng đất hoang sơ thành ruộng vườn tươi tốt. Tuy nhiên, thành quả khai phá của họ dần dần lại bị bọn địa chủ, cường hào chiếm đoạt. Cuộc sống của họ càng cơ cực hơn khi thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ đến xâm lược. Ba thế kỉ khai phá, đời sống của người nông dân luôn trong cảnh bấp bênh, luôn phải ưu tiên hàng đầu cho cái ăn, cái mặc. Sống ngày nay nhưng chưa biết cuộc sống ngày mai như thế nào. Thực tế cuộc sống bấp bênh, còn đầy rẫy những khó khăn đã tác động đến tâm lý, lối sống của người dân. Nhà cửa của họ vì thế được xây cất rất giản đơn, kiểu “nhà đạp”, “nhà đá”. Không sống nổi nơi này thì phá bỏ nhà đi nơi khác. Sự giản đơn còn thể hiện trong trang phục. Người ta không chú ý lắm đến việc ăn mặc sang trọng. Khi đi ra đồng, lúc ở nhà hoặc đi đám tiệc, nông dân vẫn quen dùng bộ trang phục quần áo bà ba giản đơn. Cuộc sống khó khăn, vốn chữ nghĩa ít, không quan tâm nhiều đến lễ giáo phong kiến, do vậy tập tục, nghi lễ thường được tổ chức giản đơn. Trong giao tiếp, người dân Bến Tre rất thẳng thắn, bộc trực, ít văn chương rào đón. Sự bấp bênh, bế tắc trong cuộc sống, chán nản trong tư tưởng, trong đấu tranh cũng chính là nguyên nhân đưa đến tình trạng dân cư nặng đầu óc mê tín dị đoan. Đó chính là cơ sở cho sự ra đời và tồn tại nhiều tôn giáo trên địa bàn Bến Tre. Ngoài các tôn giáo có từ lâu đời, theo bước chân của những người đi mở đất như đạo Phật, đạo Thiên Chúa, đạo Tin Lành, còn có sự hiện diện của các tôn giáo mới nảy sinh trên đất Nam Bộ đầu thế kỉ XX như đạo Cao Đài, đạo Hoà Hảo, đạo Dừa. Để có thể biến vùng đất hoang sơ thành ruộng vườn xanh tốt, cư dân đã phải đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức. Do vậy người ta rất quý trọng thành quả lao động của mình. Con Bến Tre đã từng không ngại gian lao, không hề lùi bước trước những trở ngại của thiên nhiên, cho nên họ cũng không bao giờ chịu khuất phục trước cảnh áp bức, bất công trong xã hội. Ký ức của người dân nơi đây còn lưu lại khá nhiều câu chuyện về những nông dân dám dùng dao chém chết địa chủ vì không chịu nổi cảnh bị áp bức, đè nén. Đối với giặc ngoại xâm, chí căm thù, lòng yêu nước càng thể hiện cao độ. Chiến tranh gây ra không biết bao nhiêu đau thương, tang tóc, tàn phá nặng nề vùng đất Bến Tre, song nó cũng đã thử thách và chứng minh bản lĩnh của những con người vùng đất cù lao. Bến Tre đã mở đường Hồ Chí Minh trên biển, làm đầu cầu tiếp nhận vũ khí từ Bắc vào Nam, gần như tay không nổi lên “Đồng khởi”, đấu tranh chính trị bằng “đội quân tóc dài”… Có thể nói, truyền thống yêu nước, bất khuất là một trong những đặc tính nổi bật của con người Bến Tre. Mảnh đất Bến Tre giàu truyền thống yêu nước đã cống hiến cho đất nước 14 vị tướng, trong đó có vị nữ tướng nổi tiếng Nguyễn Thị Định. Tinh thần đấu tranh bất khuất trước kẻ thù, truyền thống yêu nước của những con người trên vùng đất này đã ươm mầm và là nguồn cảm hứng cho sự ra đời của những áng thơ bất hủ của những nhà thơ yêu nước nổi tiếng như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị. Truyền thống yêu nước của con người nơi đây còn tác động đến cả thái độ của các tôn giáo. Đại đa số tín đồ các tôn giáo ở Bến Tre đều gắn bó mật thiết với cách mạng. Thánh thất, nhà thờ, chùa chiền từng là nơi che chở cho các chiến sĩ cách mạng. Khi Tổ quốc cần, chức sắc tôn giáo sẵn sàng cống hiến ruộng đất, tài sản và cả những người con yêu quý của mình cho cách mạng. 3. Những vấn đề đặt ra đối với việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống ở Bến Tre Văn hoá vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy xã hội phát triển, là tiền đề cho sự đi lên con đường giàu mạnh của xứ dừa. Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của Bến Tre là nhiệm vụ bức thiết của lãnh đạo và mỗi người dân Bến Tre. Lịch sử ba trăm năm khai phá vùng đất đã hun đúc những giá trị truyền thống tốt đẹp của con người Bến Tre. Đó là truyền thống yêu nước, tinh thần tự lực tự cường, lòng hào hiệp, mến khách, trọng nghĩa trọng tình, tinh thần cộng đồng, tương thân tương ái… Nhờ những giá trị tinh thần đó, cư dân Bến Tre đã chiến thắng biết bao thử thách khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên và xã hội để xây dựng và phát triển quê hương Bến Tre. Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống, trước hết là bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá đó. Mặt trái của cơ chế thị trường đã tác động lớn đến đời sống của người dân, dẫn đến những hiện tượng suy thoái đạo đức, lối sống ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân, thực dụng. Một bộ phận dân cư Bến Tre, trong đó có lớp trẻ, thiếu hiểu biết về lịch sử, truyền thống của địa phương, không phân biệt tốt xấu, mang tâm lý sùng ngoại một cách mù quáng. Thực tế ấy dễ dẫn đến tình trạng xói mòn những nền tảng văn hoá, tạo điều kiện cho sự xâm nhập của những sản phẩm văn hoá độc hại, ngoại lai. Do tác động của điều kiện tự nhiên, xã hội nên đại bộ phận dân cư đã đơn giản hoá trong sinh hoạt vật chất. Sự đơn giản, xuề xoà trong sinh hoạt đã trở thành tâm lý khá phổ biến của một bộ phận dân cư. Nhà ở của người dân nhìn chung đa số còn thô sơ, dễ bị sập khi có bão. Quần áo tuy phù hợp với hoạt động sản xuất nông nghiệp nhưng nhìn chung còn đơn điệu. Cuộc sống bấp bênh, sinh hoạt văn hoá ở nông thôn chưa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hoá của người dân, lúc nông nhàn một bộ phận nông dân thường tìm thú vui với rượu chè, cờ bạc… Đó là những vấn đề cần lưu ý giải quyết nhằm đáp ứng nhu cầu cuộc sống của người dân trong công cuộc xây dựng và phát triển nông thôn. Văn hoá là một bộ phận của đời sống xã hội, phản ánh và chịu sự tác động của những điều kiện xã hội. Hiện thực xã hội nào sẽ sinh ra sản phẩm văn hoá ấy. Sức sống của các hiện tượng văn hoá có cơ sở tồn tại từ hiện thực xã hội. Xây dựng và phát triển văn hoá phải đi liền với cải tạo điều kiện xã hội. Trong bảo tồn và phát triển văn hoá, cần tôn trọng quy luật khách quan trong sự vận động và phát triển của văn hoá, không nên dùng biện pháp cưỡng bức. Giữ gìn và phát huy không có nghĩa là phục cổ. Truyền thống được hình thành từ lâu đời và có tính chất trường tồn, song văn hoá lại luôn được bổ sung, phát triển trong những điều kiện mới. Do vậy, việc kế thừa các giá trị văn hoá truyền thống phải đi liền với sự điều chỉnh, thích nghi với thực tế cuộc sống. Cho đến nay, các công trình nghiên cứu về các vấn đề có liên quan đến diện mạo văn hoá – xã hội Bến Tre còn quá ít. Để có cái nhìn sâu sắc và toàn diện, để có thể chọn lọc, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của Bến Tre, thiết nghĩ, trước tiên cần phải quan tâm đến việc tìm hiểu, nghiên cứu mảng đề tài này. Trên cơ sở những thành quả nghiên cứu, cần xác định cụ thể những giá trị tích cực cần phát huy, những hạn chế cần khắc phục; đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống văn hoá địa phương cho mọi tầng lớp nhân dân. Thời gian đã và đang tàn phá nhiều giá trị văn hoá. Các di tích lịch sử, văn hoá cần phải được quan tâm bảo quản, tôn tạo đúng mức để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, góp phần giáo dục truyền thống văn hoá của địa phương cho nhân dân. Con đường phát triển đi lên của Bến Tre còn không ít chông gai, trở lực. Bến Tre bị ngăn cách với các vùng lân cận bởi những con sông lớn, địa hình bị chia cắt bởi sông rạch chằng chịt, giao lưu đường bộ gặp nhiều khó khăn. Cơ sở hạ tầng của tỉnh còn rất yếu kém. Đó là những nguyên nhân làm cho nhà đầu tư ngán ngại. Tuy nhiên, thực tế lịch sử cho thấy, nguồn gốc của sự giàu có không chỉ có tài nguyên thiên nhiên, cơ sở hạ tầng, vốn, kỹ thuật mà còn có nhân tố không kém phần quan trọng và quyết định đó là nguồn nhân lực, là tiềm năng sáng tạo của con người. Tiềm năng này nằm trong văn hoá, trong trí tuệ, đạo đức, lối sống, ý chí, nghị lực của mỗi cá nhân và cả cộng đồng. Để có nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, lãnh đạo địa phương cần quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, đồng thời cũng cần có chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài. Đi đôi với tranh thủ sự hỗ trợ của trung ương đầu tư kinh phí, cơ sở hạ tầng, cần phát huy tinh thần tự lực, khai thác tối đa các tiềm năng sẵn có của địa phương. Cần động viên các tầng lớp nhân dân mang tinh thần “Đồng khởi” năm xưa vào sự nghiệp phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế, phát triển văn hoá, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Xưa kia, yêu nước là tham gia chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước. Ngày nay, yêu nước là ý chí đưa quê hương, đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đối diện với thiên nhiên đầy hiểm nguy, gian khó ở buổi đầu khai phá, người dân Bến Tre chẳng những không chùng bước, mà còn tỏ rõ bản lĩnh, nghị lực, khả năng thích nghi, tinh thần tự lực tự cường. Trong đấu tranh chống áp bức bất công, chống giặc ngoại xâm, người Bến Tre cũng tỏ ra gan góc, anh dũng, bất khuất. Trước muôn ngàn khó khăn, người Bến Tre vẫn bám trụ, thể hiện bản lĩnh và sức sống trên vùng đất này. Những truyền thống mà các bậc tiền nhân gầy dựng chắc chắn sẽ là hành trang quý giá, là động lực giúp thế hệ những người đang sống trên mảnh đất này vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa xứ dừa ngày càng phát triển. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đào Duy Anh (2003), Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội. 2. Toan Ánh (2003), Tìm hiểu phong tục Việt Nam qua nếp cũ gia đình, Nxb Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh. 3. Toan Ánh (2005), Nếp cũ – Con người Việt Nam, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh. 4. Toan Ánh (2005), Tín ngưỡng Việt Nam, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh. 5. Toan Ánh (2005), Phong tục thờ cúng trong gia đình, nơi công cộng Việt Nam, Nxb Thanh Niên, Thành phố Hồ Chí Minh. 6. Toan Ánh (1998), Tìm hiểu phong tục Việt Nam qua tết lễ hội hè, Nxb Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh. 7. Ban chấp hành Đảng Bộ tỉnh Bến Tre (2003), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bến Tre 1930 – 2000 (2003), Nxb Chính trị quốc gia, Bến Tre. 8. Nguyễn Chí Bền (1996), Tuyển tập văn học chữ viết Bến Tre, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 9. Nguyễn Chí Bền (1997), Tìm hiểu một số hiện tượng văn hóa dân gian Bến Tre, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 10. Nguyễn Công Bình, Lê Xuân Diệm, Mạc Đường (1990), Văn hóa và cư dân Đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 11. Phan Kế Bính (2004), Việt Nam phong tục, Nxb TP. Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh. 12. Lư Xuân Chí (2005), Bến Tre bảo tồn và phát triển di sản văn hóa, Bảo tàng tỉnh Bến Tre. 13. Cục thống kê Bến Tre (2004), Niên giám thống kê 2003, Bến Tre. 14. PGS. PTS. Nguyễn Đăng Dung (1997), Tổ chức chính quyền nhà nước ở địa phương (lịch sử và hiện tại), Nxb Đồng Nai. 15. Lê Anh Dũng (1996), Lịch sử Đạo Cao đài thời kỳ tiềm ẩn 1920 – 1926, Nxb Thuận Hóa, Huế. 16. Nguyễn Đình Đầu (1994), Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn (Vĩnh Long – Bến Tre – Trà Vinh), Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh. 17. Nguyễn Đình Đầu (1994), Tổng kết nghiên cứu địa bạ Nam Kỳ lục Tỉnh, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh. 18. Nguyễn Đình Đầu (1999), Việt Nam quốc hiệu và cương vực qua các thời đại, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh. 19. Nguyễn Đình Đầu(1999), Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn quan lập ấp ở Nam Kỳ Lục Tỉnh, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh. 20. Trần Bạch Đằng(1986), Đồng bằng sông Cửu Long 40 năm, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh. 21. Lê Quý Đôn (1977), Phủ biên tạp lục, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 22. Trịnh Hoài Đức (1998), Gia Định thành thông chí, Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Nxb Giáo dục, Thành phố Hồ Chí Minh. 23. Phan Lữ Hoàng Hà (2002), Bên vườn xưa lặng lẽ (Tập Phóng sự và Bút ký), Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu Bến Tre, Bến Tre. 24. Bùi Thị Thu Hà (2002), “Đồng bằng sông Cửu Long thế kỷ XVII – XIX với sự ra đời các tôn giáo địa phương vào thế kỷ XIX”, in trong Kỷ yếu hội thảo Nam bộ và Nam Trung bộ - Những vấn đề lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 249-254. 25. Trần Thị Mỹ Hạnh (2002) “Công cuộc khai phá vùng đất vĩnh long các thế kỷ XVII, XVIII, XIX và bản sắc văn hóa Vĩnh Long nói riêng, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung”, in trong Kỷ yếu hội thảo Nam bộ và Nam Trung bộ - Những vấn đề lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 91-102. 26. Nguyễn Hữu Hiếu (2004), Tìm hiểu văn hóa tâm linh Nam Bộ, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh. 27. Phong Hiền (1984), Chủ nghĩa thực dân mới kiểu Mỹ ở miền Nam Việt Nam (khía cạnh văn hóa và tư tưởng) 1954 – 1975, Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội. 28. Nguyễn Phi Hoanh (1984), Mỹ thuật Việt Nam, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh. 29. Phan Văn Hoàng (2001), Cao Triều Phát – Nghĩa khí Nam Bộ, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.. 30. Học viện hành chính quốc gia (2005), Lịch sử hành chính nhà nước Việt Nam, Nxb Giáo dục. 31. Lư Văn Hội (2002), Tang lễ người già, Sở Văn hóa thông tin tỉnh Bến Tre, Bến Tre. 32. Hội thánh dưới quyền ủng hộ của Đức Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương (1958), Tiểu sử Đức Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương (1881 – 1951), Bến Tre. 33. Hội thánh Cao đài Ban chỉnh đạo (2005), Kỷ yếu 80 năm khai đạo Cao đài, Bến Tre. 34. Hội văn nghệ dân gian Việt Nam (2002), Xóm nghề và nghề thủ công truyền thống Nam Bộ, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh. 35. Trầm Hương (2002), Đêm trắng của Đức Giáo tông, Nxb Công an nhân dân, Thành phố Hồ Chí Minh. 36. Huy Khanh (2003), Đất cù lao, Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu Bến Tre, Bến Tre. 37. Phan Khoang (1996), Việt sử xứ Đàng Trong, Nxb Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh. 38. Phan Thị Minh Lễ – Chương Thâu (2005), Thơ văn Phan Thanh Giản, Nxb Hội nhà văn. 39. Huỳnh Lứa (1987), Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh. 40. Huỳnh Lứa (2000), Góp phần tìm hiểu vùng đất Nam Bộ các thế kỷ XVII, XVIII, XIX, Nxb Khoa học xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh. 41. Trần Thị Thu Lương (1994), Chế độ sở hữu và canh tác ruộng đất ở Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XIX, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. 42. Đỗ Vạn Lý (1989), Tìm hiểu Đạo Cao đài, Q1, California – USA. 43. Huỳnh Minh (2001), Kiến Hòa (Bến Tre) xưa, Nxb Thanh niên, Bến Tre. 44. Huỳnh Minh (2001), Định Tường (Mỹ Tho) xưa, Nxb Thanh niên, Bến Tre. 45. Huỳnh Minh (2002), Vĩnh Long xưa, Nxb Thanh niên, Bến Tre. 46. Monographie de la province de Ben Tre 1930, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Bến Tre dịch, 1978. 47. Sơn Nam (2005), Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh. 48. Sơn Nam (2004), Đình miếu và lễ hội dân gian miền Nam, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh. 49. Sơn Nam (2005), Đồng bằng sông Cửu Long – Nét sinh hoạt xưa và Văn minh miệt vườn, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh. 50. Sơn Nam (2005), Nói về miền Nam - Cá tính miền Nam – Thuần phong mỹ tục Việt Nam, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh. 51. Đào Thị Nhan (2005), Vùng đất Bến Tre trong các thế kỉ XVII – XIX (Luận văn thạc sĩ), Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. 52. Nhiều tác giả (1975), Về văn hóa văn nghệ, Nxb Tiền phong, Thành phố Hồ Chí Minh. 53. Nhiều tác giả (1984), Ba Tri đất và người, Ban chấp hành Đảng bộ Ba Tri xuất bản, Bến Tre. 54. Nhiều tác giả (1998), Đại cương lịch sử Việt Nam, 3 tập, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 55. Nhiều tác giả (1984), Mấy đặc điểm văn hóa Đồng bằng sông Cửu Long, Viện Văn hóa. 56. Nhiều tác giả (2002), Thế kỉ XXI nhìn về Trương Vĩnh Ký, Tạp chí Xưa và nay – Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh. 57. Nhiều tác giả (2003), Nam bộ đất và người, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh. 58. Nhiều tác giả (2003), Nam bộ xưa và nay, Nxb Thành phố HCM - Tạp chí xưa và nay. 59. Nhiều tác giả (2005), Tuyển tập thơ Bến Tre (1945 – 2005), Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu Bến Tre, Bến Tre. 60. Nhiều tác giả (1996), Tuyển tập văn học chữ viết Bến Tre, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 61. Nhiều tác giả (1994), Làm đẹp cuộc đời – Huỳnh Tấn Phát con người và sự nghiệp, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 62. Nguyễn Duy Oanh (1971), Tỉnh Bến Tre trong lịch sử Việt Nam từ năm 1957 đến 1945, Tủ sách Sử học Phủ quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa xuất bản, Sài Gòn. 63. Nguyễn Duy Oanh (1994), Quân dân Nam kỳ chống pháp trên mặt trận quân sự và văn chương (1859 –1885), Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh. 64. Ngô Minh Oanh (2002), “Bối cảnh của quá trình mở đất về phía Nam của người Việt thế kỷ XVII, XVIII”, in trong Kỷ yếu hội thảo Nam bộ và Nam Trung bộ - Những vấn đề lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 165-168. 65. Thạch Phương, Hồ Lê, Huỳnh Lứa, Nguyễn Quang Vinh (1992), Văn hóa dân gian người Việt ở Nam Bộ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 66. Thạch Phương, Đoàn Tứ (chủ biên) (2001), Địa chí Bến Tre, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 67. Châu Đạt Quan (1973), Chân Lạp phong thổ ký, Lê Hương dịch, Nxb Kỷ nguyên mới, Sài Gòn. 68. Nguyễn Phan Quang (2002), Vịêt Nam thế kỷ XIX (1802 –1884), Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh. 69. Ngô Huy Quỳnh (1986), Kiến trúc Việt Nam, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh. 70. Trần Thị Thanh Thanh (2002), “Nhìn lại việc khai phá của người Vịêt trên đất Gia Định thế kỷ XVII –XIX” in trong Kỷ yếu hội thảo Nam bộ và Nam Trung bộ - Những vấn đề lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 135-139. 71. Nguyễn Phương Thảo, Hoàng Thị Bạch Liên (1988), Văn học dân gian Bến Tre, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 72. Nguyễn Phương Thảo (1994), Văn hóa dân gian Nam Bộ những phác thảo, Nxb Giáo dục, Thành phố Hồ Chí Minh. 73. Hồ Bá Thâm (2003), Văn hóa Nam Bộ vấn đề và phát triển, NXB Văn hóa Thông tin, Thành phố Hồ Chí Minh. 74. Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, Thành Phố Hồ Chí Minh. 75. Đặng Thu (1994), Di dân của người Việt từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX, Phụ san Nghiên cứu lịch sử , Hà Nội. 76. Nguyễn Khắc Thuần, Nguyễn Quảng Tuân (1986), Phan Văn Trị cuộc đời và tác phẩm, Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, Thành Phố Hồ Chí Minh. 77. Huỳnh Ngọc Trảng (1992), Hát sắc bùa Phú Lễ (Ba Tri – Bến Tre), Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, Thành Phố Hồ Chí Minh. 78. Tạ Chí Đại Trường (2006), Thần, người và đất Việt, Nxb Văn hóa thông tin. 79. Tsai Maw Kuey (1968), Người Hoa ở miền Nam Việt Nam, Thư viện quốc gia, Pari. 80. Nguyễn Thị Thanh Xuân (chủ biên) (1987), Sài Gòn – Gia Định qua thơ văn xưa, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh. 81. Nguyễn Thanh Xuân (2003), “Tìm hiểu các cuộc vận động thống nhất Đạo Cao đài trước năm 1975”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử (số 2), tr. 48-56. 82. Nguyễn Thanh Xuân (2005), Một số tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Tôn giáo. 83. Ủy ban nhân dân huyện Bình Đại (1987), Bình Đại địa chí, Bến Tre. 84. GS. Đặng Nghiêm Vạn (chủ biên) (1995), Bước đầu tìm hiểu Đạo Cao Đài, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 85. Đặng Nghiêm Vạn (2001), Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 86. Viện sử học (1978), Nông thôn Việt Nam trong lịch sử tập II, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 87. Lư Nhất Vũ – Lê Giang (1983), Tìm hiểu Dân ca Nam Bộ, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh. 88. Lư Nhất Vũ, Lê Giang (1981), Dân ca Bến Tre, Ty Văn hóa Thông tin Bến Tre xuất bản, Bến Tre. PHỤ LỤC Tổng Tân An năm 1779. Nguồn: [62, tr.76] Huyện Tân An năm 1808. Nguồn: [62, tr.78] N G U ỒN : [ 62 , t r.1 44 ] N G U ỒN : [ 66 , t r.5 1] N G U ỒN : [ 62 , t r.1 44 ] N G U ỒN : [ 66 , t r.2 5] Sản xuất bánh tráng Mỹ Lồng - Ảnh: Lư Hội Sản xuất bánh phồng Sơn Đốc - Ảnh: Thanh Vũ Nhà cổ Đại Điền (Thạnh Phú) - Ảnh: Ngô Văn Đức Chùa Tuyên Linh (Mỏ Cày) - Ảnh: Ngô Văn Đức Tòa Thánh Cao Đài Ban Chỉnh (Thị xã Bến Tre) - Ảnh: Ngô Văn Đức Tòa Thánh Cao Đài Tiên Thiên (Châu Thành) - Ảnh: Ngô Văn Đức Khu di tích Đồng khởi (Mỏ Cày) - Ảnh: Ngô Văn Đức Mộ và Đền thờ Võ Trường Toản (Ba Tri) - Ảnh: Ngô Văn Đức Mộ và Đền thờ Phan Thanh Giản (Ba Tri) - Ảnh: Ngô Văn Đức Lăng Nguyễn Đình Chiểu (Ba Tri) - Ảnh: Ngô Văn Đức Đền thờ Nguyễn Ngọc Thăng (Giồng Trôm) - Ảnh: Ngô Văn Đức Đình Phú Lễ (Ba Tri) - Ảnh: Lư Hội Lễ hội Nghinh Ông (Xã Bình Thắng - Huyện Bình Đại) - Ảnh: Lư Hội

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLVLSLSVN015.pdf
Tài liệu liên quan