MS: LVVH-VHNN013
SỐ TRANG: 98
NGÀNH: VĂN HỌC
CHUYÊN NGÀNH: VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI
TRƯỜNG: ĐHSP TPHCM
NĂM: 2010
CẤU TRÚC LUẬN VĂN
LỜI CẢM ƠN
MỞ ĐẦU
1.Lí do chọn đề tài
2. Lịch sử vấn đề
3.Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4. Phương pháp nghiên cứu
5. Đóng góp của luận văn
6. Kết cấu của luận văn
7.Chỉ dẫn chú thích
CHƯƠNG 1: THẾ GIỚI ẢO – ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU CỦA HUYỀN THOẠI HỌC
1.1 Huyền thoại học
1.2 Thế giới ảo
1.3 Thế giới ảo trong tác phẩm văn học
CHƯƠNG 2: THẾ GIỚI ẢO THỂ HIỆN QUA CỐT TRUYỆN VÀ NHÂN VẬT TRONG LIÊU TRAI CHÍ DỊ
2.1 Thế giới ảo thể hiện qua cốt truyện trong Liêu trai chí dị
2.1.1 Truyện bắt nguồn từ quan niệm vạn vật hữu linh trong tư duy huyền thoại
2.1.2 Truyện là chuỗi các sự kiện kỳ ảo
2.2 Thế giới ảo thể hiện qua nhân vật trong Liêu trai chí dị
2.2.1 Hệ thống nhân vật kỳ ảo 2.2.2 Quan hệ kỳ ảo giữa các nhân vật
CHƯƠNG 3: THẾ GIỚI ẢO THỂ HIỆN QUA KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN TRONG LIÊU TRAI CHÍ DỊ
3.1 Thế giới ảo thể hiện qua không gian trong Liêu trai chí dị
3.1.1 Âm phủ
3.1.2 Những cảnh giới kỳ ảo chốn trần gian
3.2 Thế giới ảo thể hiện qua thời gian trong Liêu trai chí dị
3.2.1 Đêm
3.2.2 Thời gian luân hồi nghiệp báo
KẾT LUẬN
TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHỤ LỤC
98 trang |
Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 2511 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Giải mã thế giới ảo trong liêu trai chí dị dưới góc nhìn của huyền thoại học, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ly đem lòng si mê (truyện Tân thập tứ
nương). Trong truyện Lục y nữ, Vu Cảnh trọ học tại chùa Lễ Tuyên một đêm vừa mở sách đọc
đã có thấy một thiếu nữ ở ngoài cửa sổ. Nàng mặc áo màu lục quần dài, yểu điệu tuyệt vời. Hai
người đã mến nhau từ phút đầu gặp gỡ, liền cùng chung chăn gối đến khi trời gần sáng nàng
mới phiêu diêu bước đi. Về sau đêm nào nàng cũng tìm tới gặp gỡ Vu Cảnh. Chỉ đến khi nàng
bị nhện bắt, chàng mới phát hiện nàng là tinh ong chứ không phải người. Trong truyện Họa
bích, Mạch Long Đàm cũng đi tới một ngôi chùa, được sư mời vào chơi, nhìn lên tường đã thấy
bức tranh vẽ Tán Hoa Tiên Nữ “trong bức vẽ có một cô gái tóc rũ trái đào, cầm hoa mỉm cười,
cặp môi anh đào như muốn động đậy, sóng mắt đưa đẩy” [44, tr.28]. Chàng bỗng thấy thân thể
nhẹ bổng, có thể đi vào trong tường, gặp gỡ, ân ái cùng cô gái trong tranh, bên nhau suốt hai
ngày liền. Khi bạn cùng đi với Mạch không thấy chàng đâu liền thắc mắc, nhà sư bèn lấy ngón
tay gõ vào tường gọi Mạch trở về. Chốn mồ mả trong truyện Công Tôn Cửu Nương cũng là nơi
rất đặc biệt. Có một chàng trai được bạn mình dẫn đi làm chủ hôn lễ ở cõi âm, tình cờ cũng tìm
thấy hạnh phúc của mình khi gặp nàng ma Cửu Nương “miệng nhoẻn cười tươi như ánh sáng
trăng thu, má thẹn ửng hồng đẹp như ráng chiều ban sớm, thực là người tiên vậy” [44, tr.773].
Hai người cảm mến nhau nên kết duyên với nhau, tình ái rất mặn nồng nhưng vì người trần
không thể ở chốn âm u được lâu nên chàng phải trở về trần thế. Nửa năm sau chàng tìm về chốn
cũ “chỉ thấy mồ mả chi chít, cây cối lan man, ma trơi lập lòe, cầy cáo rúc rích, nhìn thấy ghê
hồn” [44, tr.778]. Chàng thư sinh ngoái lại thấy người con gái đi một mình trong mộ địa nhưng
rồi nàng biến mất. Trong truyện Xảo Nương, Liêm sinh ban đêm một mình đi vào vùng hẻo
lánh, không tìm thấy một quán trọ nào, thấy bên đường có một ngôi mộ, muốn dừng lại nhưng
lại sợ hùm beo, cuối cùng quyết định leo lên cây ngồi. Giữa tiếng thông reo vi vút, giun dế nỉ
non, trong lòng rất sợ hãi, hoang mang thì càng trông thấy rõ ràng bên dưới mộ đã biến thành
nhà cửa, còn có cả mỹ nhân ngồi trên phiến đá, hai nàng hầu hai bên. Liêm sinh bị phát hiện,
rồi được mời vào nhà, được Hoa Cô trị hết bệnh thái giám, hưởng hạnh phúc chăn gối với cả
hai mỹ nhân là nàng ma Xảo Nương và hồ ly Tam Nương. Về sau, cả hai nàng đều theo Liêm
sinh về nhà làm vợ. Như vậy, các cảnh giới kỳ ảo chốn trần gian trong Liêu trai nhiều khi đã
thuộc hoàn toàn về cuộc sống cõi trần, không ít người sẽ đánh giá đó là những cõi đời trên mặt
đất, coi là vật chất, tầm thường, không có gì thanh cao. Tuy nhiên, từ sự đánh giá đó lại nổi bật
quan niệm rất tiến bộ của Bồ Tùng Linh khi ông luôn bênh vực cho tình yêu lứa đôi tự do, táo
bạo và phải đặt trong một không gian kỳ ảo, với nhân vật nữ kỳ ảo như trên thì ông mới bảo vệ
được tình yêu của nhân vật trước sự đánh giá khắt khe của định kiến trong xã hội.
Không gian phòng học vốn có vai trò rất quan trọng đối với các thư sinh cũng như bất cứ
ai có ảnh hưởng của đạo Nho. Thư phòng vốn là nơi chỉ dành cho các thư sinh thu nhận, nghiền
ngẫm kiến thức, sáng tác thơ văn, trò chuyện với bạn bè cùng chung nghiệp đèn sách. Trong
Liêu trai chí dị, nhà văn Bồ Tùng Linh không chỉ mở rộng những cảnh giới kỳ ảo chốn trần
gian bằng cách đưa vào đó cả loại không gian thư phòng mà còn biến nơi đây trở thành nơi gặp
gỡ, ân ái của rất nhiều cặp trai tài gái sắc. Rất nhiều mỹ nhân là ma, là hồ ly, là tinh động vật,
thực vật… đến tận phòng học gặp gỡ và yêu đương chỉ với một mình thư sinh, lấy tình yêu trai
gái xua đi tất cả giáo điều khắt khe vốn cho rằng “quỷ thần kính nhi viễn chi”. Trong truyện
Hương Ngọc, chàng trai Hoàng sinh làm nhà giữa một đám hoa để lấy chỗ đọc sách. Chàng gặp
gỡ và yêu mến hai cô gái là tinh của hoa nại đông và mẫu đơn. Chốn thư phòng trở thành nơi
chứng kiến tình yêu của chàng cùng hai mỹ nhân dịu dàng, xinh đẹp. Sau này, cả Hoàng sinh
chết đi cũng biến thành một mầm cây ở dưới cây mẫu đơn muốn sống cạnh bên các nàng mãi
mãi. Trong truyện Hồ Tứ Thư có chàng Thượng sinh người ở Thái Sơn đang ngồi một mình ở
nhà học giữa đêm thu ngân hà một giải, trăng rọi giữa trời chợt thấy một cô gái trèo qua tường
vào hỏi “Cậu tú mải suy nghĩ gì vậy?” [44, tr.175] rồi hai người hẹn thề yêu nhau vĩnh viễn.
Sau này lại có một hồ ly nữa là Hồ Tứ Thư đêm đêm đến tâm tình với Thượng sinh. Nhờ không
gian phòng học, kẻ sĩ gặp được những hồng nhan tri âm tri kỷ vốn chỉ có trong mơ ước ngày
đêm của mình. Nhà văn Bồ Tùng Linh với cốt cách nhà nho có không ít lần hướng nhân vật vào
những cuộc tình trong sáng, không đặt nặng niềm vui xác thịt làm mục đích tối thượng cho
hạnh phúc bền lâu nhưng nhiều khi ông ca ngợi tình yêu nhục cảm một cách mạnh mẽ bằng
cách cổ vũ các nhân vật đến với tình yêu một cách vô cùng tự do, táo bạo nhất. Các cảnh giới
kỳ ảo chốn trần gian vì thế cũng được trần tục hóa, các lực lượng siêu nhiên trà trộn vào thế
giới trần tục nhiều khi chỉ để thỏa mãn những khát khao bản năng nhất của con người, của
chính bản thân mình.
Những cảnh giới kỳ ảo trong Liêu trai chí dị vốn xuất phát từ tư duy huyền thoại. Từ thời
nguyên thủy, con người đã tin rằng thế giới này là do thần linh hiện ra và sáng tạo. Huyền thoại
luôn có chức năng thực hành, luôn gắn liền với nghi lễ để duy trì trật tự trong xã hội. Trong đó,
việc tạo mối dây liên thông giữa các lực lượng siêu nhiên và con người là điều không thể thiếu.
Liêu trai chí dị cũng có nhiều địa điểm thiêng kết nối các cõi với nhau. Tuy nhiên, nhà văn Bồ
Tùng Linh cũng như tác giả dân gian vẫn trên cơ sở cái nhìn huyền thoại về thế giới nhưng đã
mở rộng các cảnh giới kỳ ảo chốn trần gian không chỉ dừng lại ở đền, chùa, mộ chí… mà còn
có thư phòng, vườn hoang, đường sá, ruộng đồng… bộc lộ sự tưởng tượng kỳ vĩ của người sáng
tạo. Bên cạnh đó, các cảnh giới kỳ ảo chốn trần gian trong Liêu trai còn được trần tục hóa,
không chỉ thỏa mãn nhu cầu tinh thần mà còn cả nhu cầu vật chất của con người, thể hiện cái
nhìn đầy nhân bản đối với cuộc sống.
Như vậy, cả không gian âm phủ và những cảnh giới kỳ ảo chốn trần gian trong Liêu trai
chí dị đều thể hiện sự kế thừa và sáng tạo của nhà văn Bồ Tùng Linh khi sử dụng các yếu tố của
huyền thoại. Ông cũng xử lý thời gian ảo trong tác phẩm theo cách này để tạo nên một dạng
thời gian vừa quen vừa lạ, mang lại hiệu quả nghệ thuật cao.
3.2 Thế giới ảo thể hiện qua thời gian trong Liêu trai chí dị
Thời gian ảo đặc trưng nhất của huyền thoại chắc chắn phải là thời gian khởi nguyên. Đó
là khoảng thời gian đầu tiên của lịch sử loài người theo quan niệm của người nguyên thủy. Thời
gian của huyền thoại là thời gian khởi nguyên, thời gian hình thành mọi yếu tố con người, tự
nhiên và văn hóa, là thời gian các thần hiện ra và sáng tạo. Trong thời gian này một hoặc nhiều
vị thần đã biến hỗn mang thành vũ trụ, hình thành những yếu tố đầu tiên cả về tự nhiên và văn
hóa. Chính vì thế, khoảng thời gian này mang tính chất vô cùng thiêng liêng trong tâm thức của
con người, chứa đầy sức mạnh của siêu nhiên.
Trong Liêu trai chí dị, thời gian dĩ nhiên không được nhà văn Bồ Tùng Linh dùng để kể
lại sự sáng tạo các yếu tố của tự nhiên và văn hóa nhưng thời gian ảo trong tác phẩm vẫn
nhuốm màu huyền thoại. Con người đã tiến đến thời hiện đại nhưng các quan niệm về thời gian
có sự xuất hiện của lực lượng siêu nhiên hoặc thời gian có năng lực vận hành các kiếp người
vẫn làm cho con người không khỏi lo sợ. Người đọc có thể cảm nhận rõ nhất ở thời gian đêm
huyền bí như buổi hồng hoang bí ẩn của vũ trụ, ở thời gian luân hồi nghiệp báo thể hiện sự
không phân biệt các phạm trù khởi đầu – nguyên nhân đúng như trong tư duy huyền thoại.
3.2.1 Đêm
Nhà văn Bồ Tùng Linh quan niệm đêm có những tính chất, sức mạnh khác hẳn các dạng
thời gian khác khi xây dựng thời gian nghệ thuật cho tiểu thuyết Liêu trai chí dị. Tác phẩm này
có rất nhiều truyện ngắn trong đó miêu tả cuộc gặp gỡ giữa người và các nhân vật ảo vào lúc
chập tối, đêm khuya, tảng sáng… Nói chung, cứ về đêm, các lực lượng siêu nhiên lại xuất hiện
trà trộn vào thế giới của loài người. Có thể hiểu rằng trong quan niệm dân gian, con người và
các lực lượng siêu nhiên có một ranh giới ngăn cách. Ban ngày là thời gian con người làm việc,
sinh hoạt cùng cộng đồng loài người còn ban đêm là khoảng thời gian của các nhân vật ảo. Dĩ
nhiên, tất cả đều xuất phát từ tâm lý lo sợ của con người khi đối diện với đêm tối mênh mông
huyền bí.
Thật vậy, đêm là khoảng thời gian các nhân vật ảo xâm nhập thế giới trần tục. Trong đó,
nửa đêm là khoảng thời gian các lực lượng siêu nhiên xuất hiện nhiều nhất. Nhân vật ảo ở đây
có thể là ma như nàng Ngũ Thu Nguyệt chết đã hơn 30 năm nửa đêm tìm tới nơi Vương Đỉnh ở
vì cha là người giỏi bói toán trước khi chết đã tiên đoán rằng 30 năm sau nàng sẽ lấy Vương.
Sau này quả đúng như vậy, mặc dù trải qua nhiều thử thách cuối cùng Thu Nguyệt đã hồi sinh
làm vợ Vương Đỉnh (truyện Ngũ Thu Nguyệt). Nửa đêm cũng là lúc nàng hồ ly không tên tìm
tới nhà danh sĩ Tống Trương Nhược sau lần gặp đầu tiên ngoài ruộng lúa (truyện Hà Hoa Tam
nương tử). Trời nhá nhem tối trong ngôi nhà bỏ hoang của quan bộ lang, Đào Vọng Tam đã bị
hai nàng ma Tiểu Tạ, Thu Dung trêu chọc. Sau này cả hai nàng giúp Đào qua cơn hoạn nạn, tìm
cách tái sinh để làm vợ họ Đào (truyện Tiểu Tạ). Có khi, các nhân vật ảo còn xuất hiện lúc tảng
sáng, dĩ nhiên đây là khoảng thời gian ranh giới giữa ngày và đêm nên tần số xuất hiện không
nhiều bằng khoảng thời gian nửa đêm. Trong truyện Tân Thập Tứ nương, Quảng Bình Phùng
“tảng sáng đi chơi tha thẩn, gặp một thiếu nữ trùm vạt áo màu đỏ, nhan sắc cực xinh, có thằng
nhỏ theo hầu, xăng xái dầm sương ướt cả giày tất; chàng trông thấy động lòng, thầm mơ trộm
ước” [45, tr.284]. Thiếu nữ đó chính là hồ ly, sau này làm vợ Quảng Bình Phùng. Như vậy, mọi
thời gian trong đêm từ lúc nhá nhem tối, nửa đêm đến tảng sáng đều là khoảng thời gian lực
lượng siêu nhiên thường xuyên xuất hiện khác hẳn với sự vắng bóng lúc ban ngày.
Đêm còn là khoảng thời gian con người luôn chìm trong sự lo âu, sợ hãi. Trong truyện
Xảo Nương, chàng trai Liêm sinh đi lạc đến phía bắc thành Quỳnh Châu trong đêm tối với tâm
trạng vô cùng sợ hãi “Đi về phía bắc bốn năm dặm, trời đã mọc trăng sao, cỏ xanh vút mắt
không có một quán trọ nào, tình cảnh rất khốn quẫn. Thấy bên đường có một ngôi mộ nhưng
lại rất sợ hùm beo. Bèn leo lên cây ngồi, nghe tiếng thông reo vi vút, giun dế nỉ non, trong lòng
rất hoang mang. Nghĩ lại thì hối quá” [44, tr.234] và khi nghe tiếng nói ở bên dưới thì “Liêm
cho là ma, tóc tai dựng đứng, nín hơi không dám thở” [44, tr.234]. Sự sợ hãi của Liêm sinh
cũng là tâm trạng của không ít nhân vật đi lạc khi màn đêm đã buông xuống. Trong mắt các
nhân vật trần tục, màn đêm luôn bí ẩn và luôn có sự đột nhập đầy bất ngờ của lực lượng siêu
nhiên.
Nhà nghiên cứu Eliade từng nói rằng “Huyền thoại mô tả những sự đột nhập khác nhau
và đôi khi đầy tính kịch của cái thiêng vào thế giới” [26, tr.213] và thời gian trong huyền thoại
được xác định “Thời gian thiêng là thời gian trong đó thần thánh hiện ra và sáng tạo” [26,
tr.205]. Có thể thấy rằng thời gian thiêng này tồn tại trong tác phẩm văn học, trong tín ngưỡng
dân gian và tôn giáo cho đến tận ngày hôm nay.
Tuy nhiên, dạng thời gian thiêng xuất hiện sớm nhất, có tính chất nền tảng chính là thời
gian khởi nguyên trong huyền thoại. Dạng thời gian này được nhận định “Đặc điểm quan trọng
nhất của huyền thoại, đặc biệt là của huyền thoại nguyên thủy, nằm trong việc quy bản chất
của sự vật vào khởi nguồn của chúng: giải thích kết cấu của sự vật cũng có nghĩa là kể xem sự
vật được tạo ra như thế nào; mô tả thế giới xung quanh cũng chính là nói về lịch sử sáng tạo
ban đầu của nó” [49, tr.224], “Việc miêu tả các sự kiện trong huyền thoại thì có sự tham gia
của các sinh vật siêu nhiên hành động ở những thời kỳ rất xa xưa” [49, tr.225]. Như vậy, huyền
thoại miêu tả quá trình biến hỗn mang thành vũ trụ cũng chính là miêu tả sự xâm nhập của các
lực lượng siêu nhiên vào thế giới huyền bí ở buổi đầu tiên.
Con người cũng có thể thay thế thời gian phàm tục bằng thời gian thiêng liêng: “Bằng
nghi lễ, người ta có thể chuyển từ thời gian phàm sang thời gian thiêng bằng các nghi thức”
[26, tr.198]. Tuy nhiên, có những dạng thời gian mà bản thân chúng đã mang những sức mạnh
đặc biệt, vô cùng kỳ lạ mà cho dù không có nghi lễ thì nó vẫn có khả năng tái hiện phần nào
thời gian của huyền thoại nguyên thủy. Tiêu biểu cho các dạng thời gian đó chính là đêm.
Đêm là khoảng thời gian từ tối cho đến sáng từ lâu đã là một dạng thời gian đặc biệt
trong tâm thức con người: “Đối với người Hi Lạp, đêm là con gái của hỗn mang và là mẹ của
trời (Ouranos) và đất (Gaia). Đêm còn sinh ra giấc ngủ và sự chết, những giấc mơ và mối lo
âu, tình âu yếm và sự lừa dối. Đêm hay bị kéo dài thêm theo ý các thần, họ bắt mặt trời và mặt
trăng dừng lại để thực hiện tốt hơn các kỳ tích của mình. Đêm đi khắp trời, được che phủ một
tấm màn tối trên một cỗ xe đóng bốn ngựa đen, với đoàn thiếu nữ hộ tống, đó là các nữ thần
Thịnh nộ (Furies) và Số mệnh (Parques)” [13, tr.297], “Đối với người Maya, cùng một hình
khắc chìm có nghĩa là đêm, lòng đất và cái chết” [13, tr.298]. Nói chung, đêm – ánh sáng mặt
trời không còn nữa – là một khoảng thời gian luôn huyền bí đối với con người xa xưa bởi sự
hiểu biết về thế giới của họ còn rất hạn chế.
Tuy nhiên, cho đến tận ngày hôm nay, đêm vẫn làm cho con người lo sợ bởi đêm luôn có
tính hai mặt: “mặt tăm tối, nơi đương lên men mọi sự chuyển biến”, “đi vào đêm tức là trở về
với cái chưa xác định trong đó đầy rẫy những ác mộng và quái vật, những ý nghĩ đen tối” và
“mặt trù bị cho ban ngày, ở đó sẽ lóe ra các ánh sáng của sự sống” [13, tr.298]. Đêm là lúc ánh
sáng biến mất “trạng thái mọi tri thức riêng biệt, phân tích, có thể biểu đạt đều biến mất, hơn
nữa, mọi điều hiển nhiên và mọi chỗ dựa tâm lý đều mất đi” [13, tr.298]. Dù thế nào chăng nữa
đêm vẫn làm cho con người cảm thấy lo sợ nhiều hơn so với ban ngày đầy ánh sáng.
Như vậy, đêm vừa là khoảng thời gian của các lực lượng siêu nhiên xâm nhập vào thế
giới trần tục vừa là đối tượng khiến con người luôn lo sợ bởi sự huyền bí của nó. Hai đặc tính
này của thời gian đêm đã được thể hiện đầy đủ trong tiểu thuyết Liêu trai chí dị. Với thời gian
đêm, nhà văn Bồ Tùng Linh đã tái hiện lại thuở ấu thơ của loài người vì lo sợ trước tự nhiên mà
đã nhân cách hóa hàng loạt các vị thần và tin rằng đó mới chính là những đối tượng không chỉ
biến hỗn mang thành vũ trụ mà còn vận hành cả vũ trụ. Thời gian đêm cũng huyền bí, cũng
xuất hiện hàng loạt lực lượng siêu nhiên xâm nhập cõi trần. Mặc dù thừa hưởng sâu sắc quan
niệm huyền thoại về thời gian nhưng nhà văn Bồ Tùng Linh sử dụng thời gian đêm tối không
hề có mục đích sáng tạo các yếu tố tự nhiên và văn hóa như trong thần thoại. Thời gian đêm tối
có những nhiệm vụ khác của một tác phẩm văn học.
Trong tiểu thuyết Liêu trai chí dị, đêm là lúc các lực lượng siêu nhiên tìm đến với người
giúp con người thực hiện được ước mơ của mình, con người có mộng gì thì sẽ được đáp ứng
mộng đó có khi là những giấc mộng vô cùng bản năng. Xuất hiện nhiều nhất trong tác phẩm là
các nhân vật ảo đặc biệt là các mỹ nhân xuất hiện giúp các chàng thư sinh thỏa giấc mộng yêu
đương. Trong truyện Mao hồ, nông phu Mã Thiên Vinh tuổi mới ngoài hai mươi, chết vợ
nhưng nhà nghèo không thể tái thú được. Đêm đến, hồ ly có vẻ rất phong lưu tìm đến nhà họ
Mã cùng ân ái. Biết không thể gắn bó lâu dài, hồ ly đã giúp Mã ba lượng vàng đủ để lấy một
người vợ xứng đôi vừa lứa. Khác với Mã Thiên Vinh, Tất Di Am trong truyện Hồ mộng chỉ
thích kết duyên cùng hồ ly. Tất Di Am phóng khoáng khác người, hào sảng vui vẻ, có danh
tiếng trong giới sĩ lâm. Mỗi khi đọc chuyện Thanh Phượng “trong bụng mơ ước, hận không gặp
hồ” [44, tr.910]. Tất thường đến ở biệt nghiệp của chú, nghỉ ngơi trên lầu – nơi người ta thường
đồn là có nhiều hồ. Một hôm chập tối có một người đàn bà tìm đến tự xưng là hồ gả con gái là
Tam nương cho Tất Di Am. Cô gái này “thái độ thùy mị tuyệt thế vô song” [44, tr.911] sống với
Tất suốt một thời gian dài thỏa lòng chàng ước nguyện. Trong truyện Cầm Sắt, Vương sinh nhà
nghèo lại lấy vợ giàu nên bị cả gia đình nhà vợ khinh rẻ, bỏ đi vào hang sâu chỉ muốn tự tử.
Đến khi sao mọc đầy trời thì Vương được vào tòa nhà cao, được ở lại trông coi công việc, kết
duyên với nàng tiên bị giáng trích là Cầm Sắt. Dường như giấc mộng yêu đương luôn chiếm vị
trí quan trọng nhất trong tâm trí thư sinh và nhờ thời gian đêm tối mà các chàng được thỏa ước
nguyện.
Tuy nhiên, ngoài giấc mộng yêu đương, kẻ sĩ còn mang nhiều mộng khác vì các lực
lượng siêu nhiên cũng sẵn sàng giúp đỡ nâng bước cho họ trên con đường đời. Thi cử luôn làm
cho kẻ sĩ hao tâm tổn trí bởi vì nó không chỉ giúp kẻ sĩ kinh bang tế thế mà còn gắn liền với
việc mưu cầu lợi ích cá nhân. Tuy nhiên, xã hội phong kiến đang ở giai đoạn mục ruỗng, giai
cấp thống trị độc đoán đã làm cho chế độ thi cử đầy rẫy tệ nạn đút lót, thiên vị… Họ Tống trong
truyện Tư văn lang đã nói “Trong phủ Tử Đồng, thiếu một chức Tư văn lang, tạm cho một đứa
trẻ điếc giữ triện, nên vận hội văn học điên đảo, vạn nhất may mắn tôi được giữ trật đó, sẽ làm
cho thánh giáo được sáng sủa” [44, tr.1415,1416]. Nàng hầu trong truyện Thần nữ cũng nói
thay lời chủ “Cô tôi bảo, ngày nay cửa quan học sứ như chợ, tặng chàng hai trăm lạng bạc để
làm vốn tiến thủ” [44, tr.1123]. Kẻ sĩ vô cùng khổ sở vì mộng công danh nên không ít lần đã
được lực lượng siêu nhiên trợ giúp. Truyện Tam tiên kể về một kẻ sĩ buổi tối uống rượu với ba
ông tú tài ở trong nhà, mỗi người nghĩ ra một đề cùng bàn luận để làm. Sáng hôm sau tỉnh dậy
nhà cửa đều biến mất nhưng ba bài văn của các tú tài vẫn còn nguyên trong bọc. Hỏi ra mới biết
ba tú tài chính là ba con vật thành tiên: một con cua, một con rắn và một con ễnh ương. Kẻ sĩ
lúc vào trường thi, gặp phải ba đề đều do tiên làm ra, vì thế mà đỗ được giải nguyên. Được lực
lượng siêu nhiên phù trợ để thỏa mãn giấc mộng công danh là giấc mộng đẹp của không biết
bao nhiêu kẻ sĩ.
Lực lượng siêu nhiên còn mượn bóng đêm để giúp kẻ sĩ thoát khỏi cuộc sống nghèo nàn.
Trong truyện Lưu phu nhân, Liêm sinh rất chăm học nhưng mồ côi sớm, nhà lại rất nghèo. Một
lần đi xa, trời tối bị lạc vào nhà Lưu phu nhân. Bà đưa tiền, chỉ cách cho Liêm sinh đi buôn.
Khi chàng đã có cuộc sống khá hơn liền tác hợp cho chàng lấy cháu ngoại của mình. Cuối cùng,
bà Lưu biến mất, nhà cửa của bà đã biến thành gò mộ. Như vậy, đêm là khoảng thời gian lực
lượng siêu nhiên giúp đỡ con người thỏa mãn những ước mơ của mình từ mộng yêu đương,
công danh đến cả tiền tài vật chất.
Đêm tối cũng là thời điểm thích hợp để các lực lượng siêu nhiên trà trộn vào thế giới loài
người thỏa mãn ước muốn của chính bản thân mình. Vì là lực lượng siêu nhiên nên ước mơ
của họ chủ yếu là tình cảm yêu đương, bạn bè nhưng phải là với con người. Những nàng hồ ly
dày công tu luyện cũng đến với thế giới con người có lúc quên hẳn mối nguy hoại đạo, những
bộ xương khô tự kiếp nào cũng trỗi dậy đi tìm cho mình một tri kỷ là thư sinh đa tình, phong
nhã. Những mỹ nhân kỳ ảo trong Liêu trai chí dị để lại dấu ấn đậm nét trong lòng người đọc
hơn bất kỳ nhân vật nào khác “sự hấp dẫn, ấn tượng trong trẻo, cái nhìn trẻ trung, phấn chấn
đối với cuộc sống lưu lại rất lâu ở độc giả. Ấn tượng này rõ ràng không phải toát lên từ hình
tượng của kẻ sĩ – thư sinh, cũng không phải hiện lên qua mắt nhìn của kẻ sĩ. Ấn tượng này gây
nên và đọng lại trong lòng người đọc từ hình tượng nhân vật mỹ nữ” [32, tr.51] và sự xuất
hiện của họ cũng xuất phát từ lý do rất đáng trân trọng “Tài tử hiếm hoi nên những người con
gái đẹp khát khao hạnh phúc, muốn được chọn mặt, gửi thân không dễ. Thường tác giả bắt họ
phải chết đi, phải hóa thân sang kiếp khác, phải đợi chờ mười, hai mươi năm sau mới được
trao thân hạnh phúc” [32, tr.52]. Trong truyện Liên Hương, nàng ma họ Lý hằng đêm đến tình
tự cùng Tang sinh vì “hai con ma gặp nhau, tịnh không có chi vui sướng. Nếu được vui sướng,
thì dưới suối vàng há phải thiếu hạng trai tráng ư?” [45, tr.418]. Sau này nàng Lý bị bệnh chết,
lòng đầy buồn tủi “cứ theo luồng gió trôi nổi, trông thấy người nào cũng đầy lòng thèm muốn,
ao ước làm sao mình được sống làm người như họ” [45, tr.424] và sau này đã nhập vào xác
Yến Nhi để hồi sinh. Cũng trong truyện này, nàng hồ ly Liên Hương cũng mượn bóng đêm đến
tình tự cùng người tri âm tri kỷ, sau khi chết, tái sinh làm người đã 15 năm vẫn quay về nhà cũ
nối tiếp cuộc tình hạnh phúc cùng Tang sinh. Tinh cá Bạch Thu Luyện trong truyện ngắn cùng
tên dưới ánh trăng đã si mê tiếng ngâm thơ của Mộ sinh đến bỏ cả ăn ngủ, chỉ muốn kết bạn
trăm năm với người trần. Hằng đêm, nàng tinh cá này lại tìm đến với người yêu. Cha của Mộ
sinh ngăn cản dữ dội, nàng vẫn quyết tâm làm đẹp lòng cha để lấy Mộ sinh dù cho Long Quân
nghe đồn nàng xinh đẹp quyết đón nàng về long cung làm phi tần. Đêm đã giúp cho các mỹ
nhân kỳ ảo thỏa mãn khát vọng yêu đương của chính mình cho dù nguồn gốc xuất thân của các
mỹ nhân này không giống nhau.
Khát vọng yêu đương của lực lượng siêu nhiên đôi khi còn làm hại đến con người trần
tục. Trong truyện Cổ nhi, hai hồ ly đực đêm đêm đến mê hoặc đàn bà, cuối cùng đã bị tiêu diệt
để đền tội. Trong truyện Thân thị, con gái nhà phú hộ đêm đêm thường bị tinh rùa đến bắt phải
làm vợ hắn. Một hôm, vào lúc gà gáy sáng, người đàn ông do rùa biến thành vừa vượt tường ra
đã bị phục đánh, hiện nguyên hình là một con rùa lớn. Xét cho cùng, lực lượng siêu nhiên trong
Liêu trai chí dị đầy phức tạp. Có kẻ dùng màn đêm để phù trợ cho con người trần tục, để chia sẻ
những tình cảm cao đẹp của mình nhưng cũng có khi màn đêm bị kẻ xấu lợi dụng để làm hại
người khác chỉ để thỏa mãn dục vọng cá nhân.
Lực lượng siêu nhiên xâm nhập thế giới trần tục vào lúc đêm về còn để tìm kiếm tình bạn
tri âm tri kỷ. Lục phán quan “mặt xanh, râu đỏ, mặt mũi rất dữ tợn” [44, tr.116] ở điện Thập
Vương đêm đêm vẫn đến uống rượu cùng Chu Nhĩ Đán. Sau này, Lục còn đổi cho Chu trái tim
thông tuệ, thay cho vợ Chu khuôn mặt đẹp (truyện Lục phán quan). Đối với khoa học ngày nay,
những việc làm của Lục đều có cơ sở khoa học, không phải là điều vượt quá tầm tay nhưng ở
thời đại của nhà văn Bồ Tùng Linh, việc miêu tả những việc làm trên thể hiện trí tưởng tượng
mang tính tiên đoán sâu sắc. Trong truyện Tửu bằng, Cố Xa một đêm uống rượu ngủ say lúc
nào không hay, nửa đêm thức giấc thấy tựa như có người nằm cạnh mình, đưa tay rờ thì thấy
mướt mượt như con mèo nhưng lớn hơn. Cố Xa cười bảo “Đây là bạn rượu của ta” [44, tr.192]
rồi lấy áo đắp cho. Một lát sau chồn cựa mình, hóa ngay thành một chàng trai nho nhã. Sau này,
hồ ly không chỉ là bạn rượu mà còn giúp Cố Xa làm giàu, chỉ đến khi chàng mất thì hồ ly mới
bỏ đi. Hóa ra, nhân vật ảo cũng khát khao tình cảm như con người, chỉ có điều phải mượn bóng
đêm để che đi hình tích mới có thể dễ dàng tận hưởng cuộc sống nơi trần thế. Xét cho cùng,
khát vọng của các nhân vật ảo cũng chính là khát vọng của con người trần tục.
Trong Liêu trai chí dị, nhân vật ảo cũng mang những nét bản chất của nhân vật thực và
nhân vật thực cũng không phải hoàn toàn vắng bóng các đặc tính của nhân vật ảo. Cho dù xây
dựng nhân vật nào, xét đến cùng nhà văn Bồ Tùng Linh cũng muốn viết về con người, cũng
muốn sử dụng bóng đêm làm nhòe nhân vật, để biến ước mơ, khát vọng chính đáng của con
người đặc biệt là tình yêu lứa đôi trở thành hiện thực mà không bị xã hội trừng phạt khắc
nghiệt. Như vậy, thời gian đêm trong huyền thoại đã có sự chuyển hóa trong tác phẩm văn học
và sự chuyển hóa này còn thể hiện ở các dạng thời gian khác.
3.2.2 Thời gian luân hồi nghiệp báo
Luân hồi là “chết ở kiếp này rồi lại sinh ra ở kiếp khác, cứ quay vòng mãi mãi như vậy”
[70, tr.590]. Nghiệp báo (quả báo) là “sự đáp lại điều ác hay điều thiện đã làm ở kiếp trước
bằng điều ác hay điều thiện trong kiếp sau” [70, tr.797]. Như vậy, con người vẽ nên vận mệnh
cho mình. Thời gian như một năng lượng vũ trụ đóng vai trò lực vận hành như thời gian huyền
thoại. Trong tiểu thuyết Liêu trai chí dị của nhà văn Bồ Tùng Linh, dòng thời gian của quan
niệm luân hồi nghiệp báo thể hiện trong rất nhiều câu chuyện.
Trong Liêu trai, sự luân hồi thể hiện ở chỗ con người luôn luôn tái sinh. Sự tái sinh này
chủ yếu là các nhân vật có thể kết thúc kiếp sống của mình, chuyển sang kiếp sống khác với
một thân xác mới. Truyện Tam sinh kể về hai nhân vật chính là ông mỗ ở Hồ Nam và Hưng Vu
Đường. Ở kiếp đầu tiên mà ông mỗ còn nhớ được thì ông làm lệnh doãn chấm thi đã đánh trượt
danh sĩ họ Hưng. Hưng kiện lên Diêm Vương, ông bị phạt làm dân thường còn Hưng Vu
Đường làm quan. Khi giáp mặt nhau ông là giặc, Hưng vì thù hằn ở kiếp trước mà thẳng tay
giết nên Diêm Vương phạt cả hai người kiếp sau biến thành chó. Dù đã đầu thai nhưng cả hai
vẫn mang oán thù nên giết nhau. Cuối cùng, Diêm Vương phải cho cả hai đầu thai thành bố vợ
và con rể để hóa giải mối thù. Trong truyện Tục hoàng lương, ông cử họ Tăng mơ mình làm tể
tướng gây ra nhiều tội ác nên bị chặt đầu, phải bị đày đọa cả kiếp sau để trả giá cho tội ác của
mình ở kiếp trước. Linh hồn ông cử họ Tăng tái sinh thành một đứa con gái nhà ăn mày không
một ngày nào được ăn no, mặc ấm, năm 14 tuổi đã bị bán làm nàng hầu cho một ông tú, vợ lớn
của ông tú quá độc ác vu cho nàng tội giết chồng nên nàng bị quan xử lăng trì (lóc từng miếng
thịt). Một giấc mơ mà gói gọn cả mấy kiếp. Bên cạnh việc đầu thai, sự luân hồi còn được thể
hiện theo hướng nhập hồn sống lại trong một thân xác khác. Trong truyện Tiểu Tạ, nàng ma
Thu Dung sau khi nuốt là bùa đạo sĩ cho đã có thể nhập hồn vào con gái họ Hác vừa chết, sống
cuộc đời như bất cứ con người trần tục nào. Nói chung, Liêu trai quan niệm cuộc đời mỗi nhân
vật đều nằm trong vòng luân hồi của chính mình tuy nhiên rất hiếm người có thể nhớ được sự
chuyển kiếp.
Sự luân hồi trong Liêu trai chí dị thường có sự can thiệp của các lực lượng siêu nhiên
nhưng thực sự vận hành chúng lại chính là thời gian vì quá trình luân hồi thường đi cùng với
nghiệp báo. Con người không được chọn lựa kiếp mà mình sẽ tái sinh bởi vì kiếp sau phụ thuộc
tất cả vào những gì con người đã làm được hay gây ra ở kiếp trước “Thế giới âm phủ dựa vào
biểu hiện của con người lúc còn sống để xác định địa vị, thọ yểu. Các vị quan liêm chính có thể
luân hồi đến kiếp sau để định số (đầu thai, xác định số kiếp mới), cũng có khi ở lại địa ngục âm
phủ đảm nhiệm chức vụ”, “kẻ xấu sau khi kinh qua những ngục hình nơi âm phủ đều bị đày
ngược lên nhân thế làm lừa ngựa, làm heo chó (lục súc) phục vụ cho con người” [72, tr.46].
Trong truyện Tam sinh có chàng Lưu Hiếu liêm nhớ được kiếp đầu tiên của mình là một vị
quan có làm nhiều chuyện bất chính nên sau khi chết bị Diêm Vương cho đầu thai làm ngựa. Vì
kiếp ngựa quá khổ sở nên Lưu nhịn ăn ba ngày rồi chết. Diêm Vương lại trách tội trốn tránh, sai
lột da rồi phạt bắt làm chó. Lưu lại cố tình cắn chủ nhân, muốn sớm bị đánh chết để thoát kiếp
chó. Xuống âm phủ, Lưu bị phạt tội ngông cuồng, bị bắt đầu thai làm rắn. Lần này, Lưu cố tìm
một cách chết cho lương thiện là bò qua giữa đường cho xe vô tình cán phải. Cho đến tận lúc
này, mọi tội lỗi của Lưu mới được xóa sạch để có thể đầu thai làm người. Các nhân vật trong
Liêu trai luôn phải chịu trách nhiệm với tất cả những gì mình đã gây ra ở kiếp trước.
Nhiều thần thoại để lại cho thấy con người từ thời nguyên thủy đã có ước muốn trường
sinh như thần thoại về người và rắn. Sau này Đạo giáo đã nhấn mạnh ước muốn trường sinh của
con người. Quan niệm luân hồi cũng có nguồn gốc từ thời nguyên thủy sau này mới được Phật
giáo nhấn mạnh. Người nguyên thủy xuất phát từ quá trình quan sát cây cối chết lại nảy mầm
thành cây mới đã cho rằng con người cũng như cây có thể chết ở kiếp này rồi lại sinh ra ở kiếp
khác. Điều này khiến chúng ta liên tưởng đến các mô tip hiến tế và tái sinh của huyền thoại.
Trong đó, con người đã dâng thực phẩm để tái hồi sức lực mà thần thánh đã phân tán vào quá
trình sáng tạo và duy trì sự sống muôn loài trong vũ trụ. Nhờ được phục hồi năng lực, thần
thánh có thể tiếp tục sáng tạo và duy trì sự sống. Sự hi sinh sự sống của một cá thể là để
chuyển vận không ngừng dòng chảy của sự sống trong vũ trụ.
Người nguyên thủy không phân biệt các phạm trù nguyên nhân và khởi đầu. Họ cho rằng
khởi đầu chính là nguyên nhân chứ không hề cho rằng khởi đầu chỉ là cái có trước. Chính vì
vậy, họ quan niệm cái có trước chính là nguyên nhân của cái có sau, sẽ quy định bản chất của
cái có sau. Huyền thoại giải thích trạng thái của thế giới hiện nay bằng những câu chuyện xa
xưa. Nhà nghiên cứu Meletinsky đã nhận định “Đặc điểm quan trọng nhất của huyền thoại, đặc
biệt là của huyền thoại nguyên thủy, nằm trong việc quy bản chất của sự vật vào khởi nguồn
của chúng: giải thích kết cấu của sự vật cũng có nghĩa là kể xem sự vật được tạo ra như thế
nào; mô tả thế giới xung quanh cũng chính là nói về lịch sử sáng tạo ban đầu của nó” [49,
tr.224]. Như vậy, thời gian trong quan niệm luân hồi nghiệp báo đã gặp gỡ với thời gian huyền
thoại. Dĩ nhiên, sự gặp gỡ này không phải ở nhiệm vụ giải thích con người, tự nhiên và văn hóa
hiện nay một lần duy nhất bằng các câu chuyện xa xưa vì thời gian này không phải là thời gian
khởi nguyên. Sự gặp nhau này ở cội nguồn sâu xa của quan niệm luân hồi nghiệp báo chỉ là con
người mãi sau thời nguyên thủy rất lâu cũng không phân biệt nguyên nhân và khởi đầu. Cái
thiện, cái ác của con người đã làm trong kiếp này sẽ được đáp lại đúng như thế trong kiếp sau
của người đó. Như vậy, kiếp trước tiềm ẩn nguyên nhân, có thể giải thích cho những gì con
người được hưởng ở kiếp sau chứ không đơn giản là khởi đầu, là cái có trước đối với kiếp sau.
Như vậy, con người đã vẽ nên số mệnh của mình từ kiếp trước và thời gian chỉ việc đóng vai
trò vận hành mà thôi.
Thời gian luân hồi nghiệp báo trong Liêu trai chí dị là sự thừa hưởng cái nhìn huyền
thoại về thế giới, là sự ảnh hưởng của Phật giáo đối với văn hóa Trung Hoa nói chung, với nhà
văn Bồ Tùng Linh nói riêng. Tuy nhiên, thời gian luân hồi nghiệp báo trong Liêu trai còn mang
những nhiệm vụ mới mẻ gắn liền với hiện thực xã hội và tâm tình của tác giả.
Nhà văn Bồ Tùng Linh mang cốt cách nhà Nho cho nên trong tiểu thuyết Liêu trai không
ít lần ông đã cổ vũ cho những trang nam tử lấy công danh sự nghiệp làm trọng và cũng không ít
lần có cái nhìn đầy khắt khe đối với những người phụ nữ chồng chết lại không chịu thủ tiết.
Tuy nhiên, những giáo lý nhà nho đầy minh bạch không thể giúp ông lý giải được những bất
công, ngang trái đầy uẩn khúc của cuộc đời, chẳng hạn như “Ở cường quyền này, nguyên không
có gì là phân minh hắc bạch. Huống chi quan lại ngày nay phân nửa là cường khấu…” [44,
tr.68] cho nên nhà văn họ Bồ tìm đến với triết lý Phật giáo, với cái nhìn huyền thoại về thế giới.
Trong truyện Tư văn lang, Vương sinh giỏi văn đi thi bị đánh trượt trong khi Dư Hàng dốt nát
lại đậu cao. Hóa ra, người giỏi hơn tất cả quan chấm thi vì trước khi họ thi đã biết được tài nghệ
từng người lại là một ông sư bị tạo vật ghen ghét làm cho bị mù. Tuy nhiên, sự thật lại không
phải như vậy! Kiếp trước, ông sư mù này là một danh gia, vì vứt bỏ giấy chữ quá nhiều nên bị
phạt mù mắt. Ông muốn tự chữa bệnh khổ cho người để chuộc lỗi trước kia nên mới hay đi lang
thang ở phố chợ. Trong truyện Chung sinh, thư sinh Chung Khánh Dư kiếp trước là đạo sĩ vì
lấy đá ném chó, lỡ xéo làm chết một con chẫu chàng. Con chẫu chàng ấy đã đầu thai làm con
lừa nhưng chàng thư sinh kiếp này số phận vẫn quy định đậu cao nhưng không thọ, phải chịu
cảnh bất đắc kỳ tử. Vì chàng có hiếu nên sau này mới hóa giải được nghiệp báo kiếp trước.
Dòng thời gian luân hồi nghiệp báo đã giúp tác giả lý giải, xoa dịu nỗi đau khi chứng kiến sự
bất công, ngang trái của cuộc đời.
Thời gian luân hồi nghiệp báo còn được sử dụng giúp các nhân vật ảo có được thân xác
con người trần tục để hưởng trọn vẹn hạnh phúc chốn trần gian. Trong truyện Lỗ Công nữ, cô
con gái của Lỗ Công sau khi chết vẫn hằng đêm đến tình tự cùng thư sinh Trương Ư Đán. Cô
gái nhờ Trương tụng kinh Kim cương để năm năm sau được đầu thai vào nhà Lư bộ hộ ở Hà
Bắc. Nàng hẹn 15 năm sau nối tiếp cuộc tình với Trương Ư Đán, cho dù chàng nhiều tuổi đã
yên bề gia thất cũng sẽ làm nữ tì để báo đáp tình duyên. Trong truyện Liên Hương, nàng hồ ly
Liên Hương bị bệnh chết, đã hẹn trước 14 năm sau sẽ lại trở về làm vợ Tang sinh. Quả đúng
như vậy, Liên Hương đầu thai làm con gái nhà nghèo, 14 năm sau tự tìm đến nối tiếp mối
duyên còn dang dở ở kiếp trước. Tình yêu trong Liêu trai rất táo bạo nhưng cũng vô cùng thủy
chung, bền bỉ vượt qua sự hữu hạn của một kiếp người. Thời gian luân hồi nghiệp báo đã thể
hiện thái độ đồng tình, bênh vực của nhà văn đối với dạng tình cảm cao quý này.
Nhà văn Bồ Tùng Linh thể hiện sự ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo khi ông sử dụng thời
gian luân hồi nghiệp báo để khuyến thiện trừng ác. Ông đã sử dụng thời gian luân hồi nghiệp
báo với năng lực tự vận hành của nó để thực hiện chức năng như giáo lý nhà Phật khuyến thiện
trừng ác để răn đe con người, đặc biệt là răn đe đối với những kẻ đang gây ra cái ác đầy rẫy
trong xã hội. Mỗi tội ác cho dù là vô tình hay hữu ý cũng gieo quả xấu cho con người trong
kiếp sau cho nên con người luôn phải giữ mình. Trong truyện Chân Hậu, một bà lão mù dắt
một con chó vàng đi ăn xin trước cửa nhà, gõ phách mà hát bài hát dân ca. Trần Tư Hương vừa
xuất hiện, con chó đã chồm cắn. Thì ra con chó là kiếp sau của Tào Tháo còn cô gái họ Trần
chính là mỹ nhân ở đài Đồng Tước xưa. Nay cô gái kết duyên với thư sinh Trần Trung Kham
làm cho Tào Tháo không khỏi ghen tức muốn trả thù. Bị đầu thai thành súc vật là cái giá mà
Tào Tháo phải trả cho những việc làm gian ác kiếp trước. Trong truyện Giang Thành, nàng dâu
Giang Thành vô cùng hung dữ với chồng, không sợ cả cha mẹ chồng. Trong giấc mơ, một cụ bà
đã lý giải cho bà mẹ biết vì sao Giang Thành lại hung hãn như thế: “Đó là nhân quả kiếp trước
để lại, Giang Thành kiếp trước nguyên là Tinh Nghiệp hòa thượng có nuôi con chuột trường
sinh. Còn công tử nhà bà tiền kiếp là học trò, một hôm đến chơi chùa, vô ý đạp chết con chuột
ấy. Vì thế kiếp này phải chịu ác báo về phía Giang Thành, chừng trả hết nợ mới yên, chứ không
lấy sức gì xoay đổi đặng” [45, tr.71]. Việc mẹ chồng niệm kinh giúp cho Giang Thành sớm
tỉnh ngộ cho thấy tác động của con người có thể đẩy nhanh việc cảm hóa kiếp người chứ không
thay đổi hoàn toàn được. Có khi, những người trong gia đình, họ hàng, tổ tiên cũng có thể tích
đức cho con cháu. Thế hệ trước không chỉ là quá khứ mà còn góp phần tạo lập nên số phận cho
thế hệ sau.
Thời gian luân hồi nghiệp báo không khỏi làm người đọc không liên tưởng đến một tiểu
thuyết khác cùng thời với Liêu trai chí dị. Trong tiểu thuyết Hồng lâu mộng của nhà văn Tào
Tuyết Cần, dạng thời gian này cũng tham gia vận hành tác phẩm. Đó là cây Giáng Châu vốn
được Thần Anh hằng ngày chăm tưới, khi theo hòn đá xuống trần đã quyết lấy nước mắt một
đời của mình đền ơn cho ân nhân. Vì thế, Lâm Đại Ngọc vốn là cây Giáng Châu suốt cả một
đời yêu thương Giả Bảo Ngọc nhưng đành để tình yêu trôi qua trong nước mắt mà uất hận đến
chết. Như vậy, tác giả cũng có thể dùng dạng thời gian này để làm cái cớ trong khi xây dựng tác
phẩm, để phủ một lớp màn lộng lẫy mà huyền bí lên nội dung tác phẩm để tránh cho nó vượt
khỏi sự đánh giá khắc nghiệt của định kiến xã hội mà lại tăng thêm phần hấp dẫn, độc đáo.
Thời gian đêm và thời gian luân hồi nghiệp báo bước ra từ thời gian của huyền thoại để
thực hiện những nhiệm vụ mới mẻ của tác phẩm văn học. Thời gian đêm giúp con người bộc lộ
và thỏa mãn những khát vọng chính đáng của mình mà không lo sợ sự trừng phạt. Thời gian
luân hồi nghiệp báo cũng mang nhiệm vụ khuyến thiện trừng ác khi quan niệm mỗi sự vật có
linh tính luôn có sự chuyển kiếp và kiếp sau luôn phụ thuộc vào sự tích lũy điều thiện, điều ác ở
kiếp trước. Kết hợp với không gian âm phủ, những cảnh giới kỳ ảo chốn trần gian; không gian
và thời gian trong Liêu trai đã có khả năng tái hiện không gian và thời gian huyền thoại đầy bí
ẩn vẫn nằm sâu trong tiềm thức của con người thời hiện đại nhưng cũng đã có sự chuyển hóa để
phản ánh những vấn đề xã hội mang tính thời sự trong một lớp vỏ nghệ thuật vô cùng huyền ảo.
Liêu trai chí dị là sự kế thừa sâu sắc cái nhìn huyền thoại về thế giới thể hiện ở cốt
truyện, nhân vật, không gian và thời gian nghệ thuật. Các yếu tố huyền thoại khi bước vào tác
phẩm đã được cấp thêm những ý nghĩa mới để hòa nhập một cách nhuần nhuyễn với các yếu tố
khác của văn học thời cận đại. Nhà văn Bồ Tùng Linh đã mượn quá khứ để nói về hiện tại, làm
cho Liêu trai chí dị phản ánh những vấn đề, quan niệm rất mới mẻ nhưng lại thấm đẫm không
khí cổ xưa, câu chuyện được kể trở nên lung linh, đa nghĩa hơn bao giờ hết. Huyền thoại có sức
sống mãnh liệt đối với tất cả các dân tộc trên thế giới nên những gì Liêu trai chứa đựng không
chỉ dành cho cá nhân mà còn dành cho cả nhân loại.
KẾT LUẬN
Tiểu thuyết Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh là đỉnh cao của tiểu thuyết truyền kỳ - một
thể loại xuyên suốt lịch sử phát triển lâu dài của văn học Trung Quốc. Vì nó là đỉnh cao của
tiểu thuyết truyền kỳ nên sợi dây liên kết giữa rất nhiều các đoản thiên để hình thành nên tiểu
thuyết chính là cái kỳ. Cái kỳ cả về trong tư duy lẫn trong cách viết sẽ tạo nên một thế giới ảo
trong từng truyện ngắn cũng như trong cả bộ tiểu thuyết này. Vì nhà văn sử dụng rất nhiều yếu
tố ảo trong tác phẩm nên mảnh đất Liêu trai chí dị vẫn còn đầy bí ẩn, đòi hỏi phải được khai
phá tiếp. Với khoa học về huyền thoại được hình thành trong những năm gần đây, chúng tôi
muốn chọn một con đường, một phương pháp mới để tiếp cận thế giới nghệ thuật của Liêu trai
chí dị. Dùng một số nghiên cứu của các nhà khoa học về huyền thoại soi chiếu vào tác phẩm sẽ
thấy cái đẹp của Liêu trai hiện lên với nhiều chiều kích. Trên thế giới này không hề có một tác
phẩm nào ra đời từ hư vô. Một tuyệt tác như Liêu trai chí dị đã ra đời dựa trên sự kế thừa sâu
sắc tư duy huyền thoại của con người nguyên thủy, từ các thể loại văn học trước như chí quái,
chí dị, truyền kỳ. Văn học và huyền thoại có mối quan hệ khăng khít không chỉ ở trong nguồn
cội mà trong cả quá trình phát triển sau này. Tuy nhiên, sáng tạo, sử dụng và chuyển hóa các
huyền thoại như thế nào khi đưa chúng vào tác phẩm văn học phụ thuộc vào cái nhìn huyền
thoại của nhà văn về thế giới, vào tài năng, cá tính của nhà văn. Với Liêu trai, Bồ Tùng Linh đã
chọn lọc, chuyển hóa công phu những gì đi ra từ truyền thống để cấp cho các yếu tố ảo trong
tác phẩm những ý nghĩa mới mang hơi thở của cuộc sống thời cận đại của Trung Hoa và thể
hiện sự tiến bộ trong nghệ thuật phản ánh cuộc sống. Thế giới ảo trong Liêu trai chí dị phải
luôn được xem xét trong mối quan hệ với cái thực vì nhà văn đã đan cài hai yếu tố thực - ảo vô
cùng khăng khít, thậm chí trong thực có ảo, trong ảo có thực để phản ánh hiện thực qua một cái
nhìn vô cùng huyền ảo, lung linh. Thế giới ảo thể hiện trong mọi thành tố nghệ thuật của tác
phẩm, cho dù ở đâu cũng tìm thấy sự kế thừa và sáng tạo.
Về cốt truyện, nhà văn Bồ Tùng Linh đã xây dựng cốt truyện theo các hình tượng nhân
vật kỳ ảo. Bên cạnh đó còn sử dụng rất nhiều mô típ người đội lốt vật, vật đội lốt người rất phổ
biến trong thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích. Nhà văn Bồ Tùng Linh trên cơ sở kế thừa
đã đan cài hai mặt thực - ảo khi xây dựng cốt truyện cũng như khi chuyển hóa các mô tip nên
dù xây dựng cốt truyện theo hình tượng nhân vật kỳ ảo hay sử dụng các mô tip kỳ ảo đã có từ
lâu đời thì mục đích nhà văn hướng tới không phải là sự hoang đường, kỳ bí mà chính là hiện
thực trong một hình thức lung linh, huyền ảo.
Trong Liêu trai chí dị, nhà văn Bồ Tùng Linh đã xây dựng hệ thống nhân vật rất đa dạng.
Các nhân vật này chủ yếu được sinh ra từ quan niệm vạn vật hữu linh trong tư duy huyền thoại
nhưng không còn cách biệt với thế giới loài người khi được nhà văn phả vào đó tình cảm, khát
vọng của con người trần thế. Quan hệ giữa các nhân vật rất kỳ ảo bởi đó là quan hệ tình ái giữa
người và vật hết sức phóng túng, táo bạo. Nhà văn đã đưa các nhân vật cùng quan hệ giữa họ về
với quan niệm của con người cổ xưa để cảnh báo rằng con người hiện tại đã đánh mất bản chất
nguyên sơ của chính mình.
Mặc dù đã cách xa thời nguyên thủy khoảng thời gian tính bằng ngàn năm, con người
vẫn cảm thấy có một sức mạnh ẩn trong những cảnh giới chốn trần thế là nơi các lực lượng siêu
nhiên có thể xâm nhập vào cõi trần, là nơi có khả năng làm cầu nối giữa các cõi, đặc biệt là cõi
âm. Nhà văn đã miêu tả chốn âm phủ là tấm gương soi của cuộc đời trần thế vốn nhiều bất
công, miêu tả những không gian thiêng chốn trần thế nhưng sau đó có thể làm cho nó mất
thiêng để thỏa mãn ước mơ của con người.
Đối với thời gian trong Liêu trai chí dị xuất hiện nhiều nhất là thời gian đêm là khoảng
thời gian các lực lượng siêu nhiên xâm nhập vào thế giới loài người. Nhà văn đã cấp cho nó
một ý nghĩa mới khi miêu tả lực lượng siêu nhiên không phải hiện ra để sáng tạo mà hiện ra để
giúp con người thỏa mãn ước mơ đồng thời thỏa mãn ước mơ của chính mình. Bên cạnh đó,
Liêu trai có thời gian luân hồi nghiệp báo là dạng thời gian tự vận hành. Dạng thời gian này
xuất phát từ sự không phân biệt các phạm trù khởi đầu – nguyên nhân trong tư duy huyền thoại,
được sử dụng với mục đích chính là khuyến thiện trừng ác.
Như vậy, thế giới ảo trong Liêu trai chí dị thể hiện ở rất nhiều phương diện của tác phẩm:
cốt truyện, nhân vật, không gian, thời gian… Cho dù ở đâu, các yếu tố ảo này cũng là kết quả
của sự kế thừa tư duy huyền thoại từ thời nguyên thủy, các tác phẩm văn học dân gian và chí
quái, chí nhân, truyền kỳ đã có trước Liêu trai. Xuất phát từ mục đích phản ánh xã hội một cách
mạnh mẽ mà kín đáo bằng một hình thức lung linh, mới mẻ, Bồ Tùng Linh đã chọn lọc, chuyển
hóa sâu sắc các yếu tố từ huyền thoại, cấp cho nó những ý nghĩa mới để nó có thể phát huy hết
tác dụng trong tác phẩm của mình. Thế giới ảo làm nên sự hấp dẫn một cách vô cùng bí ẩn của
Liêu trai chí dị dưới những nghiên cứu của các nhà khoa học về huyền thoại thực chất là kết
quả của sự kế thừa và sáng tạo…
TÀI LIỆU THAM KHẢO
I.TÀI LIỆU TIẾNG VIỆT
1. Aristotle (2007), Nghệ thuật thy ca, Nhà xuất bản Lao động
2. Lại Nguyên Ân (1992), “Thần thoại, văn học, văn học huyền thoại”, Tạp chí văn học,
số 3
3. Lại Nguyên Ân (1999), 150 Thuật ngữ văn học, Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà
Nội
4. Phạm Thuỷ Ba dịch (1988), Ramayana (3 tập), Nhà xuất bản Văn học
5. Trịnh Ân Ba, Trịnh Thu Lôi (2002), Văn học Trung Quốc, Nhà xuất bản Thế giới
6. Bakhtin, M. (2006), Sáng tác của Francois Rabelais và nền văn hóa dân gian trung
cổ và phục hưng, Nhà xuất bản Khoa học xã hội
7. Banzắc, Ô. (1985), Miếng da lừa, Nhà xuất bản Văn học
8. Trần Lê Bảo (2000), “Ảnh hưởng của thần thoại đối với tiểu thuyết Trung Quốc”, Tạp
chí văn hóa dân gian, số 1
9. Barthes, R. (2008), Những huyền thoại, Nhà xuất bản Tri thức
10. Tào Tuyết Cần (1999), Hồng lâu mộng, Nhà xuất bản Văn học
11. Lê Nguyên Cẩn (1999), Cái kỳ ảo trong tác phẩm của Balzac, Nhà xuất bản Giáo dục
12. Phạm Tú Châu (1992), “Việc nghiên cứu ảnh hưởng Phật giáo và Đạo giáo trong mấy
bộ tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc”, Tạp chí văn học, số 4
13. Chevalier, J. – Gheerbrant, A. (2002), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nhà xuất
bản Đà Nẵng
14. Nguyễn Huệ Chi (1999), “Một vài phương diện tư tưởng và nghệ thuật của Bồ Tùng
Linh trong Liêu trai chí dị”, Tạp chí văn học, số 5
15. Đào Ngọc Chương (2009), Phê bình huyền thoại, Nhà xuất bản Đại học quốc gia
thành phố Hồ Chí Minh
16. Thiều Chửu (2002), Hán Việt tự điển, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh
17. Lê Anh Dũng (2000), Giải mã truyện Tây du, Nhà xuất bản Trẻ
18. Vương Kiến Duy, Dịch Học Kim (2004), Tinh hoa tri thức văn hóa Trung Quốc, Nhà
xuất bản Thế giới
19. Đặng Anh Đào, Hoàng Nhân (2005), Văn học phương Tây, Nhà xuất bản Giáo dục
20. Trần Xuân Đề (2000), Tác giả, tác phẩm văn học phương Đông (Trung Quốc), Nhà
xuất bản Giáo dục
21. Trần Xuân Đề (2003), Lịch sử văn học Trung Quốc, Nhà xuất bản Giáo dục
22. Cao Huy Đỉnh, Phạm Thuỷ Ba dịch (1979), Mahabharata, Nhà xuất bản Khoa học xã
hội
23. Phan Quang Định biên dịch (1995), Giải mã các giấc mộng qua ánh sáng phân tâm
học, Nhà xuất bản Trẻ
24. Lâm Ngữ Đường (1999), Truyện truyền kỳ Trung Quốc, Nhà xuất bản Văn hóa thông
tin
25. Eliade, M. (2005), “Cái thiêng và cái phàm”, Tạp chí văn học nước ngoài, số 1
26. Eliade, M. (2005), “Cái thiêng và cái phàm”, Tạp chí văn học nước ngoài, số 2
27. Frazer, J. G. (2007), Cành vàng bách khoa thư về văn hóa nguyên thủy, Nhà xuất bản
Văn hóa thông tin
28. Võ Hồng Hà (2002), Yếu tố “kỳ” trong Tây du ký, Luận án tiến sĩ ngữ văn, Đại học sư
phạm Hà Nội
29. Nguyễn Thị Bích Hải (2009), Đến với tác phẩm văn chương phương Đông (Trung
Quốc – Nhật Bản - Ấn Độ), Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam
30. Đào Thị Thu Hằng (2007), Văn hóa Nhật Bản và Yasunary Kawabata, Nhà xuất bản
Giáo dục
31. Phan Thu Hiền (1999), Sử thi Ấn Độ, tập I Mahabharata, Nhà xuất bản Giáo dục
32. Lê Từ Hiển (1993), “Nhân vật mỹ nữ - điểm quy chiếu mới của hệ thống nhân vật
trong Liêu trai chí dị”, Tạp chí văn học, số 1.
33. Lưu Hiệp (2007), Văn tâm điêu long, Nhà xuất bản Lao động
34. Chương Bồi Hoàn, Lạc Ngọc Minh (2000), Văn học sử Trung Quốc, Nhà xuất bản
Phụ nữ
35. Cù Hựu, Nguyễn Dữ (1999), Tiễn đăng tân thoại, Truyền kì mạn lục, Nhà xuất bản
Văn học
36. Jung, C. G. (2007), Thăm dò tiềm thức, Nhà xuất bản Tri thức
37. Kapka, F. (1989), Vụ án hóa thân, Nhà xuất bản Văn học
38. Đinh Gia Khánh (2008), Thần thoại Trung Quốc, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin
39. Nguyễn Huy Khánh (1991), Khảo luận tiểu thuyết Trung Hoa, Nhà xuất bản Văn học
40. Khoa Ngữ văn và báo chí trường ĐHKHXHNV(2007), Huyền thoại và văn học, Nhà
xuất bản Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh
41. Nguyễn Văn Khỏa (1978), Anh hùng ca của Hô – me – rơ, Nhà xuất bản Đại học và
trung học chuyên nghiệp
42. Đàm Gia Kiện (1993), Lịch sử văn hóa Trung Quốc, Nhà xuất bản Khoa học xã hội
43. Nguyễn Trường Lịch (1997), “Huyền thoại và sức sống của huyền thoại trong văn
chương xưa và nay”, Tạp chí văn học, số 5
44. Bồ Tùng Linh (2007), Liêu trai chí dị 3 tập, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin
45. Bồ Tùng Linh (2008), Liêu trai chí dị, Nhà xuất bản Văn học
46. Lisevich, I.S. (1993), Tư tưởng văn học Trung Quốc cổ xưa, Trường Đại học sư phạm
thành phố Hồ Chí Minh
47. Ludwig, T. M. (2000), Những con đường tâm linh phương Đông, Nhà xuất bản Văn
hóa – thông tin
48. Phương Lựu (1997), Lí luận văn học, Nhà xuất bản Giáo dục
49. Meletinxky, E.M. (2004), Thi pháp của huyền thoại, Nhà xuất bản Đại học quốc gia
Hà Nội
50. Phan Thị Miến dịch (1997), Iliat và Ôđixê, Nhà xuất bản Văn học
51. Phạm Xuân Nguyên (2001), Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, Nhà xuất bản Văn hóa – thông
tin
52. Trần Ích Nguyên (2000), Nghiên cứu so sánh Tiễn đăng tân thoại và Truyền kì mạn
lục, Nhà xuất bản Văn học
53. Osho (2009), Minh triết tình yêu và siêu thức, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc
54. Phan Quang (2008), Sử thi huyền thoại Đông Tây, Nhà xuất bản Văn học
55. Vũ Quỳnh, Kiều Phú, Nguyễn Dữ (2006), Lĩnh Nam chích quái, Truyền kì mạn lục,
Nhà xuất bản Kim Đồng
56. Riftin (2002), Sử thi lịch sử và truyền thống văn học dân gian Trung Quốc, Nhà xuất
bản Thuận Hóa
57. Sở nghiên cứu văn học thuộc viện khoa học xã hội Trung Quốc (1997), Lịch sử văn
học Trung Quốc tập 2, Nhà xuất bản Giáo dục
58. Lỗ Tấn (2002), Sơ lược lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc, Nhà xuất bản Đại học quốc
gia Hà Nội
59. Khâu Chấn Thanh (1994), Lý luận văn học, nghệ thuật cổ điển Trung Quốc, Nhà xuất
bản Giáo dục
60. Lương Duy Thứ (1995), Để hiểu tám bộ tiểu thuyết cổ Trung Quốc, Nhà xuất bản Mũi
Cà Mau
61. Lương Duy Thứ, Phan Nhật Chiêu, Phan Thu Hiền (1998), Đại cương văn hóa
phương Đông, Nhà xuất bản Giáo dục
62. Lương Duy Thứ (2000), Bài giảng văn học Trung Quốc, Nhà xuất bản Đại học quốc
gia Hà Nội
63. Todorov, T. (2007), Dẫn luận về văn chương kì ảo, Nhà xuất bản Đại học sư phạm
64. Trần Văn Trọng (2008), Thế giới nghệ thuật trong Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh,
Luận án tiến sĩ ngữ văn, Đại học sư phạm Hà Nội
65. Lưu Đức Trung (2004), Văn học Ấn Độ, Nhà xuất bản Giáo dục
66. Tylor, E.B. (2000), Văn hóa nguyên thủy, Tạp chí văn hóa nghệ thuật Hà Nội
67. Đinh Phan Cẩm Vân (2000), “Cái kỳ trong tiểu thuyết truyền kỳ”, Tạp chí văn học, số
10
68. Lê Trí Viễn chủ biên (2002), Văn học trung đại Việt Nam, Ban ấn bản trường Đại
học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh
69. Viện khoa học xã hội Trung Quốc (1997), Lịch sử văn học Trung Quốc, Nhà xuất bản
Giáo dục
70. Viện ngôn ngữ học (2004), Từ điển tiếng Việt, Nhà xuất bản Đà Nẵng
II.TÀI LIỆU TIẾNG TRUNG QUỐC
71. 马瑞芳(著)(2002,神鬼狐妖的世界:聊斋人物论, 中华华局。
Mã Thụy Phương (viết) (2002), Thần quỷ hồ yêu đích thế giới:Liêu trai nhân vật luận,
Trung Hoa thư cục.
72. 马瑞芳(著)(2007,狐妖与人间:解读奇华: 聊斋志异,当代中国出版社。
Mã Thụy Phương (viết) (2007), Thần yêu dữ nhân gian: giải độc kỳ thư Liêu trai chí
dị, Đương thời Trung Quốc xuất bản xã
III.TÀI LIỆU MẠNG
73.
74.
75.
cua-toi/40170855/105/
76.
77. tran%20thi.pdf
78.
PHỤ LỤC
Chân dung nhà văn Bồ Tùng Linh
Một cảnh trong phim Liêu trai chí dị
Phim Họa bì chuyển thể từ truyện ngắn Họa bì trong Liêu trai chí dị
Hồ ly bỏ con
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- LVVHVHNN013.pdf